Anh Khó Tính Ghê Vậy Á!
Nguyên Đỗ 06.12.2007 12:53:13 (permalink)
Anh Khó Tính Ghê Vậy Á!
 
--  Anh khó tính ghê vậy á!
Lần đầu tiên gặp tôi, cô bé đã nhát gừng trách thế bảo sao tôi chẳng ức.  Tôi nói lại cho qua:
--  Chắc tại người già khó tính?
--  Anh mà già à!  Còn khuya em mới gọi anh bằng chú!

A cô bé đáo để thật, vừa kê tủ đứng ngay lúc gặp, rồi cho tôi uống nước rau má pha đường, nghe xạo xạo sao đó, nhưng trong lòng cũng thinh thích.  Gớm người nào chẳng mong mình trẻ mãi không già, nhất là những chú bác anh chị làm thơ, viết văn!  Già đến khú đế nhưng nhất định xưng hô anh anh em em cho nó thân mật kiểu những nhà làm văn nghệ chẳng bao giờ già.  Tóc đến trắng phau như cụ nhạc sĩ nổi danh từ Bắc vào Nam cũng cứ anh anh em em nghe ngọt xớt.  Viết thư qua lại thấy thân mật ơi là thân mật, nghe điện thoại cũng cứ anh anh em em, chao ơi trái tim rung muốn rụng luôn.  Đến khi gặp nhau, đôi lúc dở khóc dở cười, anh gì mà đồng hàng, không chừng già hơn cha mẹ nữa, úi chao ơi, thế mới có khổ không.

--  Thế Bé năm nay bao nhiêu tuổi?
--  Dạ em năm nay mười tám xuân xanh thôi!
--  Trời ơi, chú có cháu tuổi còn lớn hơn cháu đó nha.
--  Kệ anh chứ!  Anh đừng hòng bắt em gọi bằng chú.
--  Không bằng chú thì bằng thầy nhé?
--  Thầy gì, Professeur Romantique?

Cha mẹ ơi, cô bé lại xổ cả tiếng Tây Phờ Răng Căng Xa nữa nè trời.  Tôi nhăn mặt giả làm hề:
--  Sao lại gọi chú bằng thầy già dịch?

Cô bé trả lời lại và nhấn mạnh:

--  Đừng giả lãng tai nha anh, em có gọi anh bằng thầy già dịch hồi nào đâu, em chọc anh là professeur romantique, thầy giáo lãng mạn. 
--  Bé học tiếng Pháp bao lâu rồi?
--  Dạ hai năm thôi anh, nhưng em thích làm thơ tiếng Pháp lắm, chẳng là vì người Pháp ai cũng lãng mạn cả.
--  Thế chắc bé lãng mạn lắm...
--  Còn phải hỏi, chọc quê em đi nha...  Không lãng mạn không thể làm thơ, cũng như anh lãng mạn số một vậy đó!
--  Chưa chi mà tố cáo chú rồi kìa!  Lạ chưa, chú có lãng mạn hồi nào đâu, già cả rồi không yên thân tu tâm dưỡng tánh thiên hạ chửi cho không ngõ nào chạy trốn bây chừ !
-- Dẹp anh ra đi, cứ chú chú hoài ghét quá!
-- Nhỏ đáng cháu, thì phải gọi bằng chú xưng cháu chứ chơi leo thế người ta nghe được cười chê cả cháu lẫn chú đó nha cô Tư.
--  Chán anh quá, cứ ra vẻ mô phạm dạy đời hoài, khó tánh vừa thôi chứ, ở giá suốt đời đó nha.

Thế rồi cô ngoay ngoảy bỏ đi cả tháng trời!  Lòng tôi cũng nhơ nhớ tính tinh nghịch của cô nhỏ, nhưng chẳng lẽ mình bấp chấp luật thường đi tìm cô bé, trông sao coi nổi, người ta lại bảo kẻ trộn nôi con ( cradle thief) thì mang tiếng tới ba đời ba họ!
Đúng một tháng sau, cô bé trở lại, chớp chớp mắt nhìn tôi lì lợm hỏi:

--  Nhớ người ta hôn?

Cô bé gốc Huế, giòng dõi hoàng tộc, nhưng lớn lên ở miền Tây lúc pha Huế pha Nam nghe vui vui đến lạ.  Tôi chẳng dám nói là nhớ hay không, nói nhớ thì kỳ, nói không chắc cô bé lại bỏ đi cả mấy tháng trời nữa e rằng tôi sẽ nhớ lắm nên chỉ đành cười trừ đánh trống lãng, nhưng cô bé chẳng tha, nói thật nhẹ nhàng và nhõng nhẽo:

--  Anh nói đi, có nhớ người ta không dzị?
--  Nhỏ hỏi kỳ?  Sao chú nói được!  Mắc mớ chi mà nhớ chứ!
Cô bé nhìn thẳng vào đôi mắt tôi, nắm chắc là tôi có nhớ, mặc dù miệng tôi lúc nào cũng chối lay lảy.  Con gái mới lớn sao mà khôn lanh quá đi.  Hồi tôi 17, 18 còn đần độn vô cùng.  Có bao giờ dám cua ai trong lớp đâu.  Cô bé dọa:
--  Không mắc mớ chi hở?  Vậy bé đi chống lầy, anh không được buồn nhé!
Tôi trêu:
--  Lêu lêu nhỏ kìa, mới bây lớn mà đòi đi lấy chồng rồi!
--  Tại anh nói hổng mắc mớ chi với người ta mờ!  Anh trả lời câu bé hỏi đi, có nhớ người ta không dzị?
Tôi câu giờ vì khó thú thật quá, ai lại tóc sắp hai màu tới nơi rồi lại nhận mình nhớ cô con gái mới lớn.
--  Người ta nào vậy?  Thì hẳn trong thiên hạ nhiều, không ít thì nhiều cũng nhớ người này, người nọ chút chút chứ.
--  Anh lãng xẹt ghê đi nha, người ta là người ta đó!
--  Người ta là người ta đó thì chú biết đâu mà nói!
--  Xí, người khó ưa!
-- Tại già khó tánh đó!
--  Anh đừng nói già với nhỏ nha!
-- Vậy nhỏ cũng đừng hỏi những câu khó trả lời, đợi chừng 10 năm nữa đi!
--  Thật nhá!  Bé chờ anh mười năm, trong mười năm anh đừng để chị nào yêu anh nha!  Nhỏ khóc đó!

Tôi cười, a, mười năm biết bao nhiêu thay đổi, không chừng năm năm nữa cô bé gởi tôi thiệp hồng cũng có khi.  Tôi gật đầu:
--  Thì mười năm!
Cô bé đưa tay phải ra, cong cong ngón tay trỏ:
-- Ngoéo tay nha!
-- Rõ con nít chay, ngoéo thì ngoéo!

Cái chạm tay lần đầu như một luồng điện giựt mạnh cho cả cô bé lẫn tôi!  Mặt cô bé đỏ bừng, tôi cũng luống cuống!    Giống như lần đầu tiên nói chuyện trên điện thoại, cô bé nói lí nhí như thì thào nghe tiếng được tiếng không.

--  Như... Tuyền nè!  Phải.... anh là...  anh.... Quang không?

Đúng già sinh tật, đang không lại ngoéo tay như là con nít mới lớn.  Hồn cũng xao xuyến ghê gớm.  Chết thật lỡ mình yêu cô bé thì sao, khó xưng hô và giải thích với mọi người ghê lắm!  Không biết lúc đó mọi người còn nghĩ mình là quanh minh chính đại hay là quàng gở nữa.  Dù sao mình vẫn là Quang, ánh sáng tự muôn đời, dù ai nói ngược nói xuôi, nói nghiêng nói ngửa gì đi nữa.  Mình vĩnh viễn vẫn là Quang, tia sáng của mặt trời xa vời vợi, làm ấm áp cây cỏ và cuộc đời.

Cô bé như cánh bướm xinh xinh lượn bay.  Gia đình cô bé sống thượng lưu đi nơi này nơi nọ không ai có thể ngờ, lúc sang Tây, lúc sang Nhật, sang Úc...  Ôi chao, khó mà biết lúc nào cô bé đang ở đâu nếu cô bé chẳng thông báo trước.  Có khi chạy ngang nhà, tôi định ghé vào thăm, thấy cửa đóng then cài là biết cả gia đình đã đi xa.  Lòng tôi buồn mênh mang như sa mạc vắng!

Những lúc cô bé vắng nhà, hồn tôi như thiếu hẳn sức sống, câu văn, lời thơ như trở thành thừa thãi, không còn hơi sức để dạt dào với nắng, với mưa.  Lớp vỏ khô của hồn tôi đã bị sự hồn nhiên trong trắng nhí nhảnh của cô bé thấm nhuần, tước bỏ rồi, cô bé đã chinh phục trái tim tôi không phải một nửa hay ba phần tư mà toàn bộ trái tim tôi, cả hồn tôi rồi.

Thỉnh thoảng cô bé gọi, đôi lúc ngay lúc giờ tôi làm việc.  Nàng để lại vài câu nói vô tư vô số tội, "Tuyền nè anh, tại Tuyền nhớ anh quá nên gọi để nghe thông điệp của anh!  Chúc anh một ngày vui!"  Tháng ngày qua đi, vắng mặt cô bé ngày nào là hồn tôi buồn ngày ấy.  Tôi chẳng còn băn khoăn rằng mình đang yêu hay không, vì tôi tin chắc là mình đang yêu mà chẳng dám mơ tưởng đòi hỏi gì vì thực sự khi nhớ tới cô bé là tôi đã hạnh phúc rồi, chẳng phải suy nghĩ thế này thế nọ.

Đôi lúc tôi thì thầm nói với những tấm ảnh cô bé giao cho tôi ngày nào, những hình nàng chụp lúc nhỏ, khi sang Tây, sang Nhật, sang Úc, sang Anh... mà nàng nói "tặng anh để nhớ lúc nào em cũng nghĩ tới anh dù em ở chân trời nào"

Có lẽ nàng là thiên thần, là quan âm bồ tát, là Ly Tao của tôi.  Chưa bao giờ tôi nhớ ai bằng nhớ nàng, dù nàng cách xa tôi hơn cả con giáp.  Không, tôi không phải yêu nàng chỉ để cho có yêu hay gì gì hết, mà thực sự có lẽ tôi đang sống trong tình yêu vì lúc nào khi ngủ hay khi thức nàng lúc nào cũng hiện diện bên tôi.  Tôi có dễ dãi quá không nhỉ?

Đôi lúc tôi thèm nghe tiếng nói thỏ thẻ ngọt ngào, mùi hương trầm trên mái tóc đen huyền thả chấm lưng của nàng dẫu chỉ là câu trách móc Anh khó tánh ghê vậy á!
 
Nguyên Đỗ
#1
    Nguyên Đỗ 10.12.2007 06:36:08 (permalink)
    Đừng Gọi Anh Bằng Chú


    Thanh với tôi học chung cùng trường cả mười năm trời, từ hồi học mẫu giáo tới hết năm lớp 10. Mười năm học chung hồi ấy cũng là chuyện thường ở một thị xã nhỏ, chứ chẳng như bây giờ, đổi nhà, đổi sở, trường lớp liên miên, trong thế giới văn minh di động thời nay. Người ta thường bảo càng di động càng nhiều là dấu hiệu của thăng tiến, chứ chẳng như thời ông bà quanh năm suốt tháng an nhiên sinh sống sau luỹ tre làng. Hết năm lớp 10 nàng vội vã lấy chồng rồi đi vượt biên với gia đình chồng. Chả là gia đình nhà chồng chỉ có một người con trai độc nhất, lại nghe khu phố sắp bắt thanh niên đi nghĩa vụ quân sự và lao động vào cuối năm 1979 khi chiến trường Kampuchea đang bùng nổ và thanh niên bộ đội Việt Nam vừa phải lo đánh quân Pol Pot vừa lo chống trả cả triệu quân hùng mạnh của Trung Cộng ở mặt Bắc.


    Bạn thân gọi mày tao với nhau từ thuở mặc quần đùi chơi bi mà tôi cũng chẳng được biết cho tới khi thiên hạ kháo láo với nhau là vợ chồng mới cưới Hồng, Thanh đã cùng cha mẹ chồng đi vượt biên. Đám cưới vội vàng, nhanh chẳng ai ngờ vì có lẽ hai gia đình đã có chủ trương, bên chồng thì nghĩ cô dâu hiền, hiếu thảo, bên vợ lại nghĩ con trai một, lại khá giả và ra đi biết đâu có ngày có thể bảo lãnh gia đình quá đấy . Xưa một người làm quan, cả họ được nhờ, giờ một người vượt biên thành công, cả gia đình có cơ hy vọng giữa thời cao điểm vượt biên.


    Ba tôi lúc bấy giờ đang đi học cải tạo ở ngoài Bắc, mẹ tôi cứ vài tháng lại đi thăm nuôi. Tôi có người chị cả nên cũng đỡ. Hai chị em lớn lo săn sóc đùm bọc hai người em nhỏ đỡ đần cho mẹ. Chị tôi lúc đó nghỉ học lo chạy hàng phụ với mẹ tôi để kiếm tiền nuôi ba và gia đình. Mẹ và chị tôi thời đó huấn luyện tôi cũng kỹ, chỉ bảo tôi cách nấu nướng lúc mẹ và chị chạy hàng lậu, ôi thôi gọi là lậu vì không được phép chính thức của nhà nước, chứ thật ra cũng làm ăn lương thiện, tải cà phê, tiêu, mè ... vào Sài Gòn, vừa mua các thứ cần dùng về Ban Mê Thuột.


    Cuối năm 1986 ba tôi được thả về sau 11 năm học tập cải tạo. Cũng thời ấy các chú bác học tập cải tạo trên ba bốn năm gì đó được nộp đơn đi theo diện nhân đạo với sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi lúc này cũng 23, chị Mai tôi 25, các em Lan, Cúc cũng 21, và 19. Ba tôi đi học tập từ năm 1975, lúc Cúc mới 8 tuổi. Lúc ba tôi về thì các em tôi đã đến tuổi cập kê. Ba tôi nói ngay khi về đến nhà, "Các con tính sao cũng được, nhưng muốn đi Mỹ thì không đứa nào được lấy chồng, lấy vợ cho tới khi đặt chân lên đất Mỹ! Vì lập gia đình rồi, sẽ khó mà đi chung. Ba muốn các con hy sinh chờ đợi, qua bển rồi tính! Chứ ở đất này, ba bị xem là ngụy dù cả đời chẳng làm hại ai! Chỉ bị cái tội làm sĩ quan an ninh quân đội thôi!"


    Chị Mai cười, "Ba chẳng phải lo cho con làm gì, chỉ lo cho con Lan, con Cúc thôi, có biết bao chàng trai gấm ghé rồi đấy, chứ con già rồi, chẳng ai ngó ngàng gì đâu! Thằng Trúc kia, chẳng vào đại học được vì con sĩ quan nguỵ, chỉ học sửa xe, cũng chẳng cô nào thèm ngó nó! Ba má cứ an tâm! Tụi con nếu được đi chung thì càng hay, không thì cũng chờ ba má bảo lãnh đi sau!"


    Tưởng là được đi tới nơi, nào ngờ chạy chọt giấy tờ, bổ túc hồ sơ, khám sức khoẻ phải mất bốn năm ròng rã mới được đi cả gia đình, hai đứa em sợ sốt vó sợ già như chị Mai đến ế chồng mất, nhưng tụi nhỏ cũng can đảm chịu khó chờ kẻo không lỡ dịp may đi ra nước ngoài. Chị Mai và tôi thì an phận rồi, sao cũng được. Khi lên máy bay đi Mỹ chị còn nói cùng tôi, "Tao tưởng phải chờ tới hàng băm mới được đi, hàng hăm cũng còn trẻ chán! Mày liệu qua đấy sẽ làm gì? Mày làm thợ máy không biết có tìm được cô nào không nữa!"
    -- Lo gì chị, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, dù gì em cũng có cô đầm La Voiture đó mà!
    -- Ừ mày cũng chịu khó thật, bốn năm ròng làm máy vẫn cố học tiếng Anh, tiếng Pháp! Tao thì ôi thôi, cứ lo chạy hàng, chẳng kiếm được chữ i, chữ tờ gì hết. Qua đấy tao phải nhờ mầy đó nghe mày!
    -- Chị đừng lo, hồi xưa chị lo cho gia đình đủ thử. Giờ này tụi em lại lo cho chị mà, biết đâu chừng có anh nào bên đó chưa vợ tìm được chị là may mắn bảy đời cho anh ấy!
    -- Mày mồm lưỡi quá, tao thua mày! Qua đấy lo làm ăn rồi tìm chỗ nào tốt mà cưới để ba má có cháu mà cưng nha!

    Các em tôi cũng tíu tít tính chuyện đi học các ngành, được cái tụi nhỏ thông minh lanh lẹ nên tôi học được gì đều kèm lại cho hai đứa nên tiếng Anh tụi nhỏ cũng không đến nỗi, đó là nói về văn phạm, viết văn, đọc sách, chữ cánh phát âm thì chẳng biết sao, tôi có cảm tưởng mình nói tiếng Anh như chó sủa, đôi khi rặn mãi mới ra một chữ. Cũng may mà tôi quen với một thầy dạy tiếng Anh hồi xưa, có thửa vườn cà phê nên xe máy cày, máy tưới có hư gì, thầy đều gọi tôi tới sửa. Ngoài tiền trả công chút đỉnh, thầy dạy cho tôi tiếng Anh, tiếng Pháp để mai mốt qua bển nói với người ta, không thì cứ như người câm, nói ba xú ba tế với đôi bàn tay chỉ thiên chỉ địa.


    Chẳng biết chính phủ Mỹ nghĩ thế nào lại đưa gia đình chúng tôi về thành phố Springfield, tiểu bang Missouri, nơi có chừng vài chục gia đình người Việt. Lúc phi cơ đáp xuống phi trường, gia đình chúng tôi tay xách gói vào thì ôi thôi thật không ngờ có sơ Tường, sơ Bảo và môt bà sơ người Mỹ tên Patricia Sullivan cùng vài chục người được các sơ vận động tới đón. Sơ Pat chào mừng một cách châm rãi:


    -- Welcome to Springfield to all of you! We hope you had a nice trip! (Chào mừng mọi người đến Springfield! Chúng tôi hy vọng các bạn có cuộc đi tốt lành).
    Ba tôi và các em tôi đồng loạt:
    -- Thank you! (Cám ơn)
    Ba tôi nhìn tôi như thầm bảo nói gì đi con, may ra người ta giúp đỡ tốt hơn. Tôi nói:
    -- Thank you very much, Sister! We all had a nice trip! We slept a lot on the airplane! (Cám ơn sơ nhiều! Chúng tôi đều có cuộc đi tốt lành! Chúng tôi ngủ li bì trên máy bay!
    Các sơ cười như hiểu được câu nói tếu của tôi. Sơ Pat nói:
    -- Your English ís very good! You will make it here! (Tiếng Anh của bạn rất khá! Bạn sẽ thành công ở đây!)
    Tôi nói:
    -- I am a mechanics! You have a bad car, bring it to me! (Con là thơ máy xe! Sơ có xe hư, cứ đưa tới cho con!)
    -- It's good that you have that confidence! But I'm afraid you have to go to school and get certified for that! But we wait and see! I will take you to find jobs at different places tomorrow, since you speak English very well!
    Tôi trố mắt nhìn các sơ Việt Nam cầu cứu nói:

    -- Thưa các sợ sơ Mỹ nói gì nhanh quá em không hiểu, các sơ giải thích giùm.

    Sơ Tường nói:

    -- Sơ Pat nói tự tin là điều tốt! Nhưng ở đây bà sợ là chú phải đi học và lây chứng chỉ mới được. Chờ xem, ngày mai bà sẽ đưa chú đi tìm việc, bởi vì chú nói tiếng Anh giỏi.

    Sau khi được giải thích, tôi nhìn sơ Pat cười nói:

    -- Now you know, I don't speak English very well. (Bây giờ sơ biết rồi đó, con không nói tiếng Anh giỏi đâu).

    -- You'll do fine! Don't worry! ( Bạn sẽ được lắm! Đừng lo lắng!)


    Tôi quay qua thì thấy ba má tôi đang nói chuyện với các người Việt. Mẹ tôi vẫy tôi lại và bảo:
    -- Con chào bác Hàn đi, bác ở Hà Lan B, còn kia cô kia là ai con nhớ không?


    Tôi chào bác Hàn rồi quay nhìn người thiếu phụ trạc chừng tuổi tôi 27 đang cầm tay người con trai khôi ngô độ 9, 10 tuổi trông ngờ ngợ quen. Nàng mim cười trông thật khoan dung như chờ đợi và thách đố. Tôi còn ngần ngừ thì nàng đã phân bua với ba má tôi:
    -- Chú ấy chẳng nhận ra con đâu bác ơi, cả 10 năm rồi còn chi!


    Vừa nghe tiếng nói của nàng, tôi giật mình nhớ lại cô bạn hồi xửa hồi xưa ở Ban Mê Thuột, tôi la lên:
    -- Phải là Thiên Thanh không?
    Chị Mai, các em Lan, Cúc ùa lên:
    -- Vậy là còn nhớ!
    Tôi giải thích và thú thật:
    -- Nhìn mặt Thiên Thanh trông quen quen, nhưng không nhớ, nhưng khi Thiên Thanh lên tiếng thì Trúc nhận ra ngay. Thế anh ấy đâu? Chắc bận đi làm?
    Bác Hàn trầm buồn nói như giải thích cùng gia đình chúng tôi:
    -- Thằng Hồng và ông nhà tôi mất rồi. Chuyện dài và buồn lắm, thủng thẳng rồi có dịp tôi sẽ kể cho gia đình ông bà nghe!
    Thiên Thanh lên tiếng:
    -- Má à, con xin phép má mời gia đình chú Trúc đến ăn trưa ở tiệm mình nha má! Con sẽ nhờ người tới đón ngày mai.
    Bác Hàn nói với Thanh và mời ba má tôi:
    -- Phải rồi, má bậy quá! Nãy giờ gặp người cùng xứ vui quá, quên cả mời mọc! Mai anh chị và các cháu đến tiệm dùng bữa trưa. Chẳng có gì, chỉ là tiệm phở hai mẹ con đứng ra làm ăn qua ngày thôi. Anh chị tới chơi, rồi hôm chúa nhật nào đó, tôi mời gia đình anh chị đi thử đồ ăn Mỹ!


    Không biết là hên hay xui, sơ Pat tới chỗ chúng tôi tới Sở An Sinh Xã Hội làm thẻ An Sinh và đơn sinh trợ cấp lúc đầu, rồi vì thấy tiếng Anh tôi kha khá liền dẫn tôi đi xin việc, còn toàn bộ ba má, chị Mai, Lan, Cúc thì được sơ cho người tới nhà chở đi học ESL ở phòng học ở giáo xứ Sacred Heart (Thánh Tâm) đường Summit chỗ sơ thuộc chi dòng Daughters of Charity (Nữ Tử Bác Ái) sống. Còn các sơ Việt Nam lại thuộc chi dòng Trinh Vương Việt Nam ở sau nhà thờ chính tòa trên đường Jefferson.


    Sơ Pat chở tôi đi tới ba nơi khác nhau xin việc, chủ ra hỏi qua loa, tới chỗ thứ ba, ông chủ tên Wayne nói chờ một lát rồi loay hoay đội xe lên coi chỗ thay dầu bị rỉ. Sơ Pat cùng tôi ngồi chờ gần cả tiếng khiến sơ sốt ruột đi ra chỗ sửa xe nói:
    -- Are you seriously interested in hiring this young man or not, we don't want to waste your time and we don't want to waste ours either. If you are not, then just let us know, we will be on our way to look for other opportunities. (Ông có thực sự muốn mướn người thanh niên này không, chúng tôi không muốn làm mất thì giờ của ông và chúng tôi cũng không muốn mất thời giờ của chúng tôi. Nếu ông không cần, chúng tôi sẽ đi tìm cơ hội khác)
    Ông chủ vội vàng xin lỗi:
    -- Tôi thành thật xin lỗi, tôi bận rộn quá quên mất, bà thấy không, các thợ của tôi đều vắng mặt, chỉ có một mình tôi, và chiếc xe này phải giao lại cho thân chủ trong vòng một tiếng nữa mà tôi còn đang loay hoay...
    Tôi xen vào:
    -- May I look at it? (Cho phép tôi xem được không?)
    Tôi ngẩng đầu lên nhìn, chỉ trỏ chỗ phải thay. Ông cười nói với sơ Pat.
    -- This young man knows what he is doing. He's hired as an assistant for now, $11.00 an hour. (Anh thanh niên này biết việc mình làm. Tạm làm người phụ giúp lúc này, với lương là 11 Mỹ kim một giờ).
    -- Just like that? On the spot without checking or interviewing? (Vậy đó sao? Ngay tại chỗ không kiểm tra hay phỏng vấn à?)
    Ông ta cười:
    -- He's ok! For an assistant, of course he has to take a few courses and work with a specialist and take tests later. (Anh ta được! Trợ giúp việc, dĩ nhiên anh ta phải học thêm và làm việc chung với người chuyên viên và sau đó phải thi).
    Tới lượt sơ Pat phải xin lỗi và giải thích:
    -- Tôi xin lỗi ông hồi nãy tôi hơi nóng tính, vì tôi đã phải chờ hai chỗ khác hơi lâu, và cuối cùng họ đã nói là không cần người trong khi lúc tôi gọi điện thoại họ bảo cứ đưa người tới, họ sẽ phỏng vấn xem làm được không. Chúng tôi đã phải chờ lâu mà họ chẳng phỏng vấn gì cả, họ chỉ nói cám ơn chúng tôi không cần người. Tôi cũng nghĩ lầm là ông cũng chỉ nói cho qua thôi.


    Sơ Pat mừng lắm để tôi ở lại làm, sơ lắc đầu lẩm bẩm là chưa bao giờ sơ đưa người đi làm được lương cao giá này một cách dễ dãi như vậy lúc sơ đến đón tôi về. Tôi dĩ nhiên là không được đi ăn phở buổi trưa hôm đó làm bác Hàn và Thanh ngóng chờ hoài. Ba má, chị Mai và các em tôi đều bảo vậy, nhưng họ đều mừng vì tôi được lương cao gấp ba mức lương tối thiểu lúc bấy giờ là 3.75 Mỹ Kim một giờ.


    Nhà tôi chưa có điện thoại nên tôi lấy chiếc xe đạp sơ Pat cho để hôm sau đạp đi làm sau khi coi bản đồ thật kỹ để đi tới tiệp phở của Han Thanh Pho, tên ghép của bác Hàn và Thanh, nghe như là Hán Thành Phố của Đại Hàn hay người Tàu gì đó, được cái là có chú thích hàng chữ to ngay phía dưới Authentic Vietnamese Noodles. Tôi tới xin lỗi không dự tiệc mời ăn trưa vì có việc làm ngay tại chỗ. Bác Hàn cười, "Vậy là cháu giỏi lắm! Cháu rảnh thì tối tối lại phụ với bác và Thanh nấu phở, quét dọn bàn luôn, bác đã nói ba má và các chị em cháu ra giúp bác và Thanh một tay sau khi học xong mỗi ngày buổi trưa nay rồi!"


    Tôi cám ơn bác Hàn rối rít. Tôi nghe ba má tôi nói hồi chập tối là bác Hàn trai và anh Hồng bị tụi hải tặc giết vì bảo vệ vợ con. Cũng may mà máu me vào đầy mình mẩy bác Hàn và Thiên Thanh nên chúng chẳng màng nữa. Tôi chia buồn với bác Hàn và tạ ơn Trời là bác Hàn, Thanh bình yên để một tay nuôi cháu nuôi con và gầy dựng được cơ nghiệp như thế này. Ăn uống chuyện trò xong, bác Hàn nói, "Hay cháu ở lại tối nay, phụ giúp con Thanh dọn dẹp! Bác đưa thằng Dũng về trước cho nó làm bài vở."


    Tôi quay nhìn Dũng rồi hỏi bác Hàn:
    -- Cháu Dũng hồi nãy chào cháu rồi đi vào góc kia làm bài. Cháu Dũng nói tiếng Việt rõ ghê! Chắc bác kèm thêm?

    -- Kèm đâu mà kèm. Được cái tối ngày mẹ con lúc vắng khách, hay lúc ở nhà, nói chuyện bằng tiếng Việt thôi nên cháu nó nghe, nói được, chứ viết thì không. Bác đã đề nghị với cộng đồng tổ chức dạy tiếng Việt nhưng ở đây ai cũng bận rộn hết. Các sơ Việt Nam có dạy giáo lý bằng tiếng Anh và Việt. Mà ở đây cũng đông người ngoại lắm. Hay cháu xung phong dạy sau thánh lễ tiếng Việt do các cha dòng Đồng Công phụ trách đi.


    Thật là hên quá là hên! Chắc là ơn trên phù hộ gia đình chúng tôi rồi, mới đặt chân đến xứ người lại gặp bạn cũ, người đồng hương, được người Mỹ, ông chủ giúp đỡ, lại được làm ngay với người quen nữa, chẳng là hên quá rồi còn gì. Phúc đức của ông bà để lại chứ chẳng chơi. Tôi may mắn kiếm được việc tốt nên hăng say tình nguyện liền nói với bác Hàn rằng, "Bác báo mọi người có con em dù lương dù đạo cứ đưa tới lớp, cháu sẽ dạy một hai tiếng mỗi Chúa nhật cho. Bác lo sắp xếp trường lớp, cháu xung phong!"


    Bác Hàn cười:
    -- Có thế chứ! Thanh niên từ bển mới qua còn nhiệt tình, chứ ở lâu lại mê tiền chẳng còn nhiệt huyết nữa.


    Tôi chống chế, bênh đỡ mọi người kiểu tinh thần của Hùng Tâm Dũng Chí do linh mục Pháp Gaston Courtois sáng lập đã truyền sang Việt Nam luôn luôn nghĩ tốt cho người khác:
    -- Bác nói vậy thôi, chứ các anh chị em ở đây chắc bận làm bận học nên không có giờ, chứ chẳng phải họ lười đâu.
    Tôi lại bàn Dũng làm bài hỏi:
    -- Cháu muốn học viết tiếng Việt mình không?
    -- Dạ cháu hỏi má cháu hoài, nhưng má cháu bận.
    -- Nội cháu vừa bàn với chú để chú dạy tiếng Việt sau thánh lễ mỗi Chúa nhật.

    -- Thật hở chú? Thích quá đi thôi!

    Dũng quay sang bác Hàn:
    -- Con cám ơn nội!
    -- Cám ơn chuyện gì hở cháu?
    -- Thì... thì kiếm... thầy dạy tiếng Việt cho cháu và các bạn á! Bà cho phép cháu gọi bạn nha!
    -- Khoan đã, để bà bàn với các cha và nhà xứ coi như thế nào đã chứ. Với lại chú Trúc cũng vừa tới để cho chú nghỉ Chúa nhật này, làm quen nói chuyện với mọi người sau lễ cái đã.
    Tiệm đóng cửa lúc 9 giờ, nhưng dọn dẹp và đợi khách đã vào đứng lên đi ra cũng gần 10 giờ khuya. Bác Hàn đã đưa Dũng về từ lúc 8 giờ rưỡi khi bớt khách để cho Dũng ngủ, ngày mai còn đón xe búyt đi học lúc 7 giờ 15. Tan học thì hoặc bà nội hoặc Thanh lại đến đón lúc 3 giờ hơn. Tôi âm thầm nghĩ rằng ở xứ này sao cực quá, chỉ được thoải mái tinh thần thôi, chứ làm việc còn hơn ở Việt Nam. Bây giờ chỉ còn thợ bếp và thợ phụ rửa chén đĩa, Thanh và tôi ở lại làm cho xong việc chuẩn bị cho ngày hôm sau.
    Thanh cứ chú chú, chị chị hoài nghe đến mắc cỡ. Tôi nghĩ hồi xưa hai đứa cứ mày tao tối ngày bây giờ nghe vậy nó dị dị làm sao ấy, nhưng chả nhẽ tôi sửa lưng trước mặt mọi người. Khi xong xuôi hết trơn, mọi người ra về, Thanh khóa cửa tiệm, và tôi chào Thanh để đạp xe về hôm sau còn đi làm sớm, dù chỗ làm cũng gần nhà, đạp xe chắc chỉ 5, 10 phút thôi. Thanh nói:
    -- Đâu được! Liệu chú có biết đường về không hay là lạc đi lạc tới sáng cũng chưa mò đường về tới nhà. Khóa xe để đó đi, mai sớm chị tới đón chú đi làm, nhân tiện cho biết chỗ làm của chú luôn.


    Tôi nhìn Thanh, nghĩ nếu mình không sửa bây giờ, chắc suốt đời nàng sẽ chị chị, chú chú hoài cho xem nên buột miệng nói:
    -- Thiên Thanh à, đã tới đây được thì sẽ biết đường về thôi. Chỉ xin Thiên Thanh đừng gọi chú, xưng chị với Trúc. Trước mặt Dũng thì được, Dũng không có đây cứ xưng tên với nhau được rồi, hồi xưa mày tao chi tớ cả 10 năm, bây giờ chú chú chị chị nghe sao sao đó!
    -- Bộ không thấy Thanh già đi sao?

    -- Đâu có, trưởng thành lên thôi, chứ có thấy Thiên Thanh già chút nào đâu. Nói thật là nếu không biết Thiên Thanh có chồng, có con, Trúc cũng cứ ngỡ là Thiên Thanh như bọn em gái của Trúc đó!


    Thanh cười:
    -- Xạo ghê nha, bộ con trai Việt Nam thời này miệng lưỡi lắm hở?
    Tôi đưa mấy ngón tay phải lên kiểu tuyên thệ ngày xưa mà Thanh chắc hẳn còn nhớ:
    -- Không thật đó mà! Lời nói danh dự của Hùng Tâm Dũng Chí!
    -- Ừ, thôi tạm tin cho Trúc đó! Thôi để xe đạp đó đi, để Thanh đưa Trúc về! Mai Thanh tới đón sau khi chờ bé Dũng lên xe búyt. Trúc phải có mặt ở sở lúc 8 giờ rưỡi phải không? Đủ giờ để Thanh đãi ly cà phê và Krispee Kreme Donut.
    -- Krispee Kreme Donut là món gì vậy?
    -- À bánh ngọt đó mà! Vậy đi, lên xe Thanh đưa Trúc về.


    Lên xe, tôi ngồi cạnh Thanh, thấy cũng vui, bạn bè nhiều năm trước biết bao nhiêu chuyện sao mà kể cho hết. Hơn mười năm trời, thật đủ mọi đổi thay. Thanh tự tin hơn ngày xưa rất nhiều, hồi xưa nàng còn nhút nhát, nhỏ nhẹ, bây giờ nàng chín chắn và rất tự tin. Sự tự tin toát ra trong cử chỉ cách nói của nàng. Có lẽ vì nàng đã bương chải từ những ngày ở trại tỵ nạn bên mẹ chồng, hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau và trưởng thành khi thích nghi với cuộc sống bên này.
     
     
    Thanh đậu vào bãi đậu xe, rồi chào hẹn ngày mai. Nàng nói thêm, "Chiều 6 giờ, Thanh hoặc mẹ Thanh sẽ tới đón Trúc tới đây làm nhé!" Tôi cười bảo được mà! Lại có dịp chuyện trò thêm biết thêm về quãng đời mười năm lạc nhau! Gớm chưa nói giá cả gì hết mà sao tôi đã nhận lời rồi kìa? Tôi vừa vào nhà vừa húyt sáo. Tôi chợt nhận ra, dù Thanh không trả đồng nào tôi cũng sẵn sàng làm. Thế có lạ không nhỉ?


    Nguyên Đỗ



    <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.01.2008 09:34:56 bởi Nguyên Đỗ >
    #2
      Nguyên Đỗ 20.01.2008 11:57:10 (permalink)
      Tái Ngộ

      Thư viện công cộng nhỏ nằm ở khu chợ Argyle trong phố Việt Nam ở Chicago không phải là chỗ hẹn hò hay chỗ tìm người làm quen.  Tôi thường đến đó mỗi tối tìm sự thinh lặng để học hành và đọc sách từ ngày tôi đặt chân tới đây khi Minh, vị hôn phu sắp cưới của tôi, rời Việt Nam theo diện Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) gọi tắt là ODP của Hoa Kỳ giúp những gia đình sĩ quan bị đi cải tạo tái định cư.  Tôi chờ đợi cả hai ba năm trời không được tin gì của chàng, nhưng rồi gia đình tôi rồi cũng hoàn tất hồ sơ được ra đi cùng diện ODP như gia đình Minh.  Tôi không biết gia đình chàng đi đâu, và cũng không còn tha thiết để tìm kiếm chàng nữa.  Chàng chắc đã quên hẳn tôi rồi, cái đám hỏi giữa hai gia đình coi như là một lầm lẫn quá khứ, cha mẹ tôi đã cố quên khi rời Việt Nam. 

      Ba tôi thường chép miệng:

      --  Thằng Minh nó ham vui hay bận học lỡ quên thì ông bà Quân cũng phải nhắc nhớ nó chứ.  Ai lại chẳng thư từ gì ráo.  Bộ đổi đời rồi là đổi vợ đổi chồng hay sao.

      Mẹ tôi lại nhắc ba:

      --  Cái ông nhà này, con gái mình vẫn là con gái mình.  Tụi nó xưa có đi lại với nhau, nhưng nó vẫn là con gái, không người này thì người khác, nó xinh nó đẹp, lấy chồng chẳng khó khăn gì.

      Tôi sợ nghe thấy những lời đó lắm, chỉ biết rấm rức khóc.  Dẫu sao thì chuyện ấy đã qua bốn năm rồi, tôi cũng đã bình yên, lo học hành ngay khi đặt chân tới nơi đây.  Tôi học cũng giỏi, cũng được học bổng sau năm đầu vì tôi chiếm toàn điểm A.  Thỉnh thoảng có nhớ đến Minh lòng tôi cũng nhói đau, không hiểu sao chàng nhẫn tâm thinh lặng, ít ra chàng cũng phải giải thích cho tôi một chút chuyện gì đã xảy ra.  Chàng lúc dạm hỏi đã 21 chứ đâu có nhỏ nhít như tôi lúc bấy giờ mới 18.

      Buổi tối đó, tôi đang còn đi giữa những dãy sách lặng lẽ như trong một thánh đường thì tôi chợt nghe một giọng quen thuộc:

      --  Cô là người Việt làm ở đây phải không?  Tôi muốn tìm cuốn tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên mà tìm mãi chưa ra.  Tôi thấy trong máy vi tính là chưa có người mượn.

      Tôi nhìn qua kẽ hở của dãy sách thấy đôi mắt quen thuộc thân thương.  Một làn hơi ấm tràn vào hồn tôi làm trái tim tôi lộn nhịp, đập thình thịch.  Vẫn đôi mắt ấy long lanh sáng tôi đã từng ngắm nhìn và mỗi khi tôi nhìn tôi đã tưởng mình thấy tương lai trong ánh mắt của anh, vẫn giọng nói ấy đã từng yêu thương và hỏi tôi có yêu anh không.  Cặp mắt ấy cũng nhìn lại, chỉ trong thoáng giây, cũng nhận ra cặp mắt của tôi.

      --  Ái Liên đó sao?  Phải em là Ái Liên không?

      Tôi cố trấn tĩnh để chào hỏi Minh, vị hôn phu đã bỏ rơi tôi ngày trước, mà không thể nào ra tiếng, cổ tôi khô, nói không ra lời.  Lần cuối tôi nói chuyện với chàng là lúc tôi tiễn chàng ra đi với cha mẹ và các em chàng, tôi đã khóc rấm rứt và chàng đã dỗ dành hứa là sẽ viết thư về cho tôi mỗi tuần.  Thế mà ba năm trôi qua, tôi chẳng nhận được một lá thư nào, con người bạc bẽo thế, nhưng sao mà tôi vẫn nhớ.  Tôi đã mất nhiều năm để cố quên chàng, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn quên hẳn được.  Tôi ấp úng:

      -- Anh Minh...

      Chàng đi vòng qua dãy sách trước khi tôi kịp chạy trốn.  Tôi bỗng sợ hãi phải đối diện với người tôi đã từng yêu thương, từng hẹn thề và từng mơ ước xây một tổ ấm trọn cuộc đời.  Chàng dừng trước mặt tôi, không xa lắm, nhưng dường như có một bức tường vô hình chặn chàng lại, một khoảng trống khổng lồ ngăn cách chúng tôi.  Bốn năm trước, chàng chắc chắn sẽ ôm chầm lấy tôi, và tôi cũng chẳng ngại ngùng ngả vào lòng chàng.  Chàng bước thêm một bước nữa, gọi tên tôi thêm một lần:

      -- Ái Liên!

      Tôi không biết nói gì, đành ú ớ trong miệng:
      -- Chào anh Minh...
      -- Em sang đây hồi nào, bao lâu rồi?

      Tôi trả lời cụt lủn, vì không biết nói gì:
      -- Hơn 1 năm rồi!
      -- Em khoẻ không?  Hai bác và gia đình thế nào?
      --  Cũng thường thôi, còn gia đình anh?

      Minh cau mày, có dáng buồn như muốn khóc, chàng xoay đi chỗ khác, đưa tay quệt mắt rồi quay lại nói:

      -- Chuyện dài dòng lắm, anh có thể mời em tới tiệm Như Miên ăn tối ngày mai không?  Bây giờ anh phải đi...

      Chắc chàng có chuyện gì khó nói, tôi cũng không miễn cưỡng, tôi cũng không muốn chối từ, vì tò mò muốn biết thêm về gia đình chàng, không chừng chàng đã có vợ con, và cũng muốn biết thêm về ba má và các em chàng.  Dù sao chúng tôi đã một lần đám hỏi, cũng phải gặp thêm một lần cho ra lẽ.  Dù thế nào, tôi cũng sẽ tha thứ cho chàng.  Tôi gật đầu:

      -- Được, tối mai lúc 6 giờ em tới tiệm Như Miên!  Em cũng thường ghé tới nơi đó!  Nhưng anh nhớ đưa vợ con anh tới nữa nhé!

      Minh đỏ mặt lúng túng:
      --  Không, anh chưa hề có vợ, có con mà!  Anh xin lỗi em về mọi chuyện, nhưng để ngày mai anh giải thích nhé!  Mai nha, Ái Liên!

      Rồi chàng vội vàng quay đi như trốn chạy.  Tôi nhìn theo ái ngại không biết nên giận dữ hay vui mừng, nên thứ tha mọi chuyện hay đay nghiến xỉ vả chàng là đồ bạc bẽo vô tình hôm sau.  Tôi biết là tôi sẽ dung thứ bỏ qua cho chàng, dù gì thì nước đã trôi dưới chân cầu từ lâu, bốn năm rồi còn gì.  Bốn năm nhưng sao vẫn như mới xảy ra hôm qua, ngày đám hỏi, ngày tiễn đưa gia đình anh Minh ra phi trường.  Tôi dễ tha thứ nhưng nhủ lòng sẽ không để trái tim đớn đau thêm một lần nữa, trí óc tôi quay cuồng, nhìn anh khuất trong bãi đậu xe mà lòng cuồn cuộn sóng.  Tôi biết đêm hôm ấy tôi là người thiếu nữ hạnh phúc nhất gian trần vì cuộc tái ngộ đầu tiên với người yêu sắp cưới sau hơn bốn năm biền biệt.

      *****
      Tôi bước vào thư viện gần khu chợ Argyle chỗ cư dân Việt sinh sống, buôn bán vì nghe một người bạn giới thiệu có một số lớn sách in bằng tiếng Việt ở đó.  Thư viện ở Hoa Kỳ được chỗ là luôn luôn có chủ đích phục vụ cộng đồng các cư dân nên có đầy đủ sách tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Hoa, tiếng Việt cho mọi người bên cạnh những sách tiểu thuyết, biên khảo, báo chí... tiếng Anh để phục vụ tất cả mọi  người.  Bốn năm qua bận rộn làm việc nuôi sống các em tôi, và học ở University of Illinois, Chicago, cách xa khu chợ Argyle chừng 1 tiếng nên tôi ít khi xuống đây, trừ khi đưa các em tôi đến đây đi chợ búa hay ăn những món ăn Việt Nam mà tôi không biết nấu sành thay đổi khẩu vị.  Ái Liên mà tới đây và ở nơi này thì hay biết mấy, nàng giỏi nội trợ lại hay thích đọc sách học hỏi.  Tôi không hiểu vì sao vẫn nghĩ mãi về Ái Liên, người con gái nhỏ duyên dáng dễ thương ngày nào.  Hình ảnh nàng vẫn thỉnh thoảng đến bất ngờ không báo trước.

      Tôi nhớ rõ tôi đã viết thư cho Ái Liên ba lần mà chẳng lần nào nàng hồi âm, lần đầu tiên khi mới đặt chân lên đất Mỹ, lần thứ hai khi cha tôi mất vì tai nạn xe hơi khi vừa lấy được bằng lái xe được một tháng để mẹ chàng sống thoi thóp cả hơn một năm trời trong bệnh viện, và lần cuối cùng cách đây ba năm khi mẹ tôi từ trần.  Nghĩ cũng tệ, không hiểu vì sao nàng lại không hồi âm cho chàng, nếu không còn yêu chàng nữa, ít ra cũng phải chia buồn với chàng và các em chàng chứ, người đâu mà lạnh lùng đến thế vì dù sao cũng là người đã đính hôn cơ mà.

      Tôi không muốn nghĩ nhiều về Ái Liên, chuyện đã qua thôi bỏ qua đi, nhắc nhớ làm chi chỉ gợi thêm u buồn.  Tôi lần mò đi dọc theo dãy sách tìm cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên tôi thích tự thời xa xưa.  Sách nhiều quá, tôi lơ đãng đọc phớt qua từng tên sách,  mà chẳng tìm được cuốn tôi đang tìm kiếm.  Tôi chợt thấy một khuôn mặt Á đông  với mái tóc dài đen duyên dáng:

      --  Xin lỗi cô,
      cô là người Việt làm ở đây phải không?  Tôi muốn tìm cuốn tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên mà tìm mãi chưa ra.  Tôi thấy trong máy vi tính là chưa có người mượn.

      Cô ấy quay lại, qua kẽ hở tôi thấy rõ khuôn mặt quen quen, trông thật hiền dịu.  Hình như khuôn mặt ấy tôi đã gặp ở đâu rồi.  Cô ta trông có vẻ bối rối không nói nên lời.  Tôi dụi mắt mình, không phải mơ, trố mắt nhìn qua, người yêu xưa của tôi đây mà.  Tôi buột miệng kêu:

      --  Ái Liên đó sao?  Phải em là Ái Liên không?

      Nàng chớp mắt nhìn, không nói tiếng nào.  Mãi một hồi mới hơ hãi cất tiếng:

      -- Anh Minh...

      Tôi vội đi vòng qua dãy sách sợ nàng sẽ bỏ chạy hay tan biến vào dãy sách như thật là ảo ảnh.  Tôi tiến đến gần nàng, chăm chú nhìn nàng không rời, thu tất cả hình ảnh thân thương ngày xưa vào trong đôi mắt và tâm trí của mình.  Tôi muốn tiến tới ôm sát nàng vào lòng, kể lể những nhung nhớ những tháng năm qua, những đoạn đường đau khổ xảy ra cho gia đình tôi, nhưng tôi đứng như trời trồng cách nàng một quãng ấp úng có câu:

      -- Ái Liên!

      Phải như hồi xưa nàng đã chế nhạo trìu mến, "Sao mà anh gọi hoài tên em thế?  Nói chi thì nói đi, em chờ nghe anh nè!"  nhưng lần này Ái Liên lạnh lùng nói:

      --  Chào anh Minh...

      Chắc nàng đã có chồng hay là đã thơ ơ không muốn nhắc chuyện ngày cũ.  Tôi muốn kể hết cho nàng nghe là từ hồi xa nàng tới giờ, tôi cũng chẳng quen ai hay mong muốn kết bạn với người con gái nào ngoài Ái Liên, tôi chỉ sợ nàng đã có chồng, nên sau ba lá thư gởi về, không nhận được hồi âm,  tôi mới buông xuôi cắm đầu vào việc học và việc giúp đỡ các em ăn ở học hành.  Tôi hỏi thêm với hy vọng nàng sẽ nói hết những gì tôi cần biết:

      -- Em sang đây hồi nào, bao lâu rồi?

      Nàng trả lời ngắn ngủi, như đang giận dữ trong lòng:
      -- Hơn 1 năm rồi!

      Tôi trấn tĩnh ráng tạo cho nàng cơ hội để nói thêm, để trách cứ tôi nếu cần, để nghe nàng nói như thưở xa xưa chúng tôi đã từng đi chơi chuyện trò tới khuya.

      -- Em khoẻ không?  Hai bác và gia đình thế nào?

      Nàng dường như không còn thiết tha nói chuyện, trả lời gọn ghẽ nghe muốn ghét:

      --  Cũng thường thôi, còn gia đình anh?

      Tôi thấy hình như không tiện nói ở đây, thư viện cũng sắp đóng cửa, các nhà hàng cũng sửa soạn dẹp tiệm rồi, tôi phải biết đường rút lui, chờ dịp thuận tiện hơn giải thích và tìm hiểu Ái Liên hơn:

      -- Chuyện dài dòng lắm, anh có thể mời em tới tiệm Như Miên ăn tối ngày mai không?  Bây giờ anh phải đi...

      Tôi biết lòng mình xúc động ghê lắm, người yêu tự nghìn xưa trở về sao lại chẳng xao xuyến cơ chứ?  Tôi thấy nàng ngần ngừ, ngạc nhiên, rồi cặp mắt hiền dịu lại, đôi mắt của Ái Liên của tôi ngày xửa ngày xưa thân ái ấy, đôi mắt luôn luôn tỏ vẻ quan tâm và tha thứ.  Nàng gật đầu:

      -- Được, tối mai lúc 6 giờ em tới tiệm Như Miên!  Em cũng thường ghé tới nơi đó!  Nhưng anh nhớ đưa vợ con anh tới nữa nhé!

      Tôi bỗng khựng lại, đỏ mặt tía tai, nàng nghe ở đâu mà lại nói chuyện vợ con của tôi.  Tôi nào có hò hẹn với ai, ngay cả bạn gái cũng không có huống chi là vợ con, hay là nàng đã có chồng con nên suy bụng ta ra bụng người.  Tôi ngẩn người ra một thoáng rồi vội vã quay đi bước thật nhanh như trốn chạy.  Tôi xáo động vô cùng.  Tôi đã định khi ra trường kỳ hè này sẽ về quê tìm cho ra sự thật, dù nàng đã có gia đình chưa cũng thế, tôi muốn hỏi nàng tại sao không hồi âm những thư tôi viết, nhất là khi tôi báo tin buồn của ba tôi và mẹ tôi.  Tôi sẽ đem cả tập ảnh của gia đình tôi để chứng minh những điều tôi sẽ nói là sự thật.  Tôi vì lo cho mẹ tôi nằm trong bệnh viện cả năm, cho các em tôi, lo học lo làm, lấy giờ đâu về Việt Nam để tìm hiểu cho ra lẽ, hơn nữa ba bức thư tôi viết chẳng trả lại cũng chẳng hồi âm, thì Ái Liên làm sao có quyền trách cứ tôi chứ.  Dù sao tôi cũng tới tiệm Như Miên cùng nàng ăn tối và giải bày cũng như tìm hiểu chuyện đã xảy ra cho chúng tôi trong những tháng ngày xa cách.

      *****

      Tôi đã làm xong ca chiều của một nhân viên sửa xe và kéo xe, đúng ra là từ  5 giờ chiều, nhưng hôm nay trời đổ tuyết bất chợt nên tai nạn xe cộ xảy ra nhiều nên tôi đã làm thêm tới 8 giờ hơn mới chuẩn bị bấm thẻ ra về khi một cú điện thoại reo.  Ai cũng bận rộn, người thì lui cui sửa xe, người thì vừa mới kéo xe về, tôi liền nhắc ống nghe lên.   Hãng bảo hiểm xe báo có xe cần được kéo và chuyển điện thoại tôi thẳng tới người bị tai nạn. Giọng nói của người bên kia ống điện thoại có vẻ như van lơn cầu cứu khiến tôi mủi lòng.  Vội lấy xe kéo tới chỗ xe cô gái bị tai nạn vì đường trơn trượt, xe lao vào thành đá trên xa lộ 94 nối liền Chicago đến tiểu bang Wisconsin, cô không việc gì, nên không được ưu tiên đối với cảnh sát nhưng xe chết máy và bị móp méo.  Nước mắt cô ta chảy dài, tôi cố trấn an, bảo rằng chuyện tai nạn hôm nay là thường, hãng bảo hiểm sẽ chi phí chứ không việc gì phải khóc, tại trời tuyết chứ không phải lỗi của cô.  Cô nói trong làn nước mắt và tiếng nấc:

      --  Không ...  tôi khóc vì tôi ...  lỡ buổi hẹn ăn tối với một người bạn đã 4 năm rồi mới tình cờ gặp lại.

      Đúng là đàn bà con gái, chuyện nhỏ vậy mà cũng khóc, lỡ hẹn thì hôm sau hay ngày khác chứ có hề chi.  Tôi hỏi:

      -- Cô chờ ở đây bao lâu rồi...
      -- Hơn 2 tiếng.

      Tôi phân trần:
      -- Hai giờ, trời ơi!  Tôi xin lỗi, thông thường chúng tôi đến mau hơn nhiều.

      Tôi nói cô lên ngồi trên ca-bin cho khỏi lạnh trong khi tôi gắn đồ kéo xe cô đi về tiệm sửa.  Tôi hỏi cô có người tới tiệm đón không.  Cô rụt rè:

      --  Thưa không.  Anh có thể cho tôi quá giang về không?
      --  Được, tôi kéo xe về hãng rồi chuyển sang xe riêng để đưa cô về nếu cô không ngại.  Chút nữa cô cho tôi địa chỉ để tôi đưa cô đi.  À cô ăn uống gì chưa, tôi mời cô ăn tối nha!  Giờ này các tiệm gần đóng cửa hết rồi, tôi ghé chỗ chị tôi ăn ké thôi.
      --  Có phiền anh không?
      --  Không, không đâu! Cô đồng ý nha!

      Cô gái lí nhí đáp:
      -- Dạ, phiền anh quá!

      Tôi bấm điện thoại gọi chị Hoa ở tiệm Như Miên, dặn chị cho hai tô phở lớn đặc biệt dọn sẵn và 5 ổ bánh mì thịt nguội Ba Lẹ cho hôm sau vì tôi đang trên đường về tiệm mà trời tuyết thế này chẳng lòng dạ nào về nhà lại chui vào bếp, gọi là 5 ổ chứ thực ra là 6, cứ mua 5 được tặng 1.  Đúng ra là bánh mì Ba Lê, bánh mì kiểu Pháp kẹp thịt, nhưng người Việt mình viết chữ không có dấu, ban đầu pha trò đọc trại Ba Le thành Ba Lẹ riết rồi quen luôn, vì chú Ba làm bánh mì lẹ lắm, và người mua cũng ăn lẹ.  Người Việt nào ghé Chicago cũng tạt vào mua 5, 10 ổ đem về ăn sáng hay ăn khuya.  Đôi lúc tôi lười ăn cả sáng lẫn trưa lẫn chiều lẫn tối sạch chẵn 6 ổ!

      Kể ra tôi và cô gái tên Ái Liên ngồi chung xe tính ra cũng  quá nửa tiếng, cũng nói chuyện sơ sơ hiểu qua  tình trạng của cô ấy.  Bỏ xe ở hãng xong, tôi viết giấy để lại cho ông chủ, thực ra là anh ruột tôi, là cần sửa gấp cho Ái Liên trong ngày hôm sau, rồi tôi mới chở Ái Liên tới tiệm Như Miên.  Ái Liên sửng sờ khi tôi đưa cô tới tiệm này, cho chợt ứa lệ, tôi dịu dàng nói:

      -- Ái Liên đừng khóc, chuyện đâu còn có đó, từ từ giải quyết được hết mà.  Tôi đã viết cho anh tôi sửa xe cho cô nội trong ngày mai, mai tôi đích thân sửa cho cô.  Cần thì tôi tới đón cô đi làm hay đi học.  Chiều cô ghé tới lấy xe hay tôi đưa xe tới nhà cô cũng được.

      --  Không phải Ái Liên lo vụ xe!  Ái Liên tin anh mà!  Tại Ái Liên cũng đã hẹn anh Minh ở tiệm Như Miên này....

      Cô thút thít khóc.  Tôi mở cửa mời Ái Liên vào trước rồi dẫn tới một bàn trong góc tiệm, chỗ tôi thường ngồi.  Chị Hoa thấy tôi đưa cô gái vào bàn ngồi.  Khi tôi lại chào chị, chị chăm chú nhìn tôi hỏi:

      -- Bồ mày đấy sao?  Lâu nay sao mày giữ kín thế?

      Tôi giải thích ngay, sợ chị hiểu lầm:

      --  Không phải đâu, cô bị hư xe, em đi kéo xe về tiệm anh Hùng rồi cho cô quá giang về nhà thôi.  Hổng có chi đâu.

      --  Trông dáng cô bé đó đẹp quá mày.  Ráng đi nha em, trông tướng hiền lành ghê vậy đó.  À mày xem, chút nữa ghé trạm cảnh sát giao cho họ cái ví này được không?  Có anh chàng Việt Nam trông cũng bảnh trai buồn hiu, chỉ uống qua loa ly cà phê rồi để quên cái ví ở đây.

      Tôi mở ví ra nhìn bằng lái xe, loay hoay làm sao, lúc tôi mở một tấm hình rơi xuống đất, tôi nhặt lên và chăm chú nhìn hai người trong tấm ảnh:

      --  Trời, tình cờ sao khéo tình cờ...
      --  Gì vậy mẩy?  Mày lại thẩn thơ gì đó mày...
      --  Suỵt, chị Hoa!  Cô gái trong tấm hình này là cô gái em vừa đưa tới ngồi kia kìa.  Xe cô trượt, đâm vào tường thành, chết máy.  Cả buổi cứ thút tha thút thít khóc vì trễ hẹn với bạn trai. Hồi nãy trước khi vào cửa lại khóc nữa kìa.

      Tôi đưa chị Hoa tấm hình.  Chị coi rồi thốt lên:

      --  Và anh chàng kia!  Đúng là chàng trai trong hình này rồi.  Chị hỏi chàng ấy có cần gì không, nhưng chàng lắc đầu, ly cà phê đủ rồi vì chàng đang chờ một người con gái tới.  Chị hỏi mãi anh chàng ấy cuối cùng cũng kể hết tâm sự là chàng chờ vị hôn thê của chàng đã đính hôn từ 4 năm rồi mới gặp lại.  Đây là cơ hội để chàng giải thích và hy vọng nối lại tơ duyên.  Chàng rời tiệm khoảng 20 phút rồi.

      Tôi lật đật tìm trong ví coi có số điện thoại nào để liên lạc không, may quá tôi tìm ra số điện thoại di động, đưa cho chị Hoa, bảo chị gọi Minh tới tiệm ngay vì Minh bỏ quên ví ở đây, trong khi tôi bưng hai tô phở lại bàn để cùng ăn với Ái Liên.  Tôi nháy mắt với chị Hoa:

      --  Chị làm thêm hai tô phở đặc biệt nữa nha!  Một cho chị, một cho Minh, đêm nay em ở lại rửa chén giúp chị.  Hôm nay chị em mình làm được việc thiện lớn đó, mai mốt chắc có thiệp hồng và đầu heo đãi chị em mình.

      Nguyên Đỗ
      Mùa Chuẩn Bị Valentine 2008

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.01.2008 09:35:59 bởi Nguyên Đỗ >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9