Các nhà thơ Hy Lạp+Italia

Tác giả Bài
cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:34:02





Sappho (tiếng Hy Lạp Attic: Σαπφώ, tiếng Hy Lạp Aeolic: Ψάπφω) - là nữ nhà thơ Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Có thể gọi Sappho là nhà thơ nữ đầu tiên của thế giới, người làm thơ ca ngợi tình yêu giữa phụ nữ và phụ nữ. Bà sống vào khoảng 630 – 570 trước Công nguyên.

Cuộc đời và sáng tác:
Về cuộc đời và thơ ca của nữ nhà thơ huyền thoại này chủ yếu là những thông tin truyền miệng, đôi khi còn mâu thuẫn với nhau. Chúng ta chỉ biết được rằng Sappho sinh ở đảo Lesbos, thuộc nòi giống quí tộc. Lấy chồng là một người đàn ông giàu có và có một con gái nhưng cả chồng và con đều mất sớm. Ngoài ra Sappho còn có một vài mối tình với những người đàn ông khác. Tuy vậy, những người sống xung quanh Sappho đều là phụ nữ, do tập quán thời đấy, đàn ông và phụ nữ có hội riêng. Sappho đứng đầu một nhóm phụ nữ quí tộc đam mê âm nhạc và khiêu vũ. Sau đó, những kẻ ác ý bày đặt (hay thực tế như vậy?), gán cho bà tình yêu với những cô gái quí tộc và trẻ tuổi. Vì thế mà sau này có từ Lesbian – xuất phát từ tên đảo Lesbos, quê hương của Sappho – dùng để chỉ quan hệ đồng tính luyến ái giữa các phụ nữ.

Theo truyền thuyết thì Sappho làm thơ bằng tiếng Aeolic. Thơ của bà ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ, ca ngợi vẻ quyến rũ và nữ tính. Trong thơ bà có một nỗi khao khát tình yêu, đam mê và cháy bỏng. Tiếc rằng thơ của Sappho chỉ còn lại rất ít. Cũng theo truyền thuyết thì những năm cuối đời Sappho lại yêu một người đàn ông nhưng tình yêu này không được đáp lại. Sappho nhảy từ vách núi đá xuống biển tự tử là cũng vì tình yêu. Câu nói nổi tiếng được người đời truyền tụng: “Giá như cái chết là tốt đẹp thì thánh thần đã không trở thành bất tử".



Một số bài thơ của Sappho:


GỬI NGƯỜI ĐẸP

Gần mặt trăng những ngôi sao mờ đục
Đem phủ lên gương mặt tấm khăn voan
Để trăng một mình trên mặt đất
Chiếu lên đầy đủ vẻ hào quang.




ĐỢI CHỜ

Trăng ghé vào, dải Ngân hà vụt biến
Chỉ mình em còn lại với đêm đen
Và đã trôi qua giờ hẹn…
Một mình em thiếp ngủ trên giường!
 




CHỈ NGƯỜI TÌNH

Ai yêu ngựa, ai yêu lính bộ binh
Ai yêu tàu thuyền xếp thành hàng dãy
Còn tôi – trên đời này yêu hơn hết thảy
Chỉ người tình!





cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:36:39


Anacreon (tiếng Hy Lạp: Ἀνακρέων) (570 tr. CN – 478 tr. CN) là nhà thơ Hy Lạp cổ đại.

Tiểu sử:
Anacreon sinh ở Teos, Ionian vùng Tiểu Á. Sau khi người Ba Tư chiếm được Tiểu Á, Anacreon về vùng Abdera, sau đó đến đảo Samos. Theo truyền thuyết, Anacreon là thầy của vua độc tài Polycrates. Sau khi Polycrates chết, ông đến Athens trở thành nhà thơ của vua Hipparchus. Năm 514 tr. CN, sau khi Hipparchus bị giết chết, Ancreon lại phải rời khỏi Athens. Những năm tháng sau đó không mấy ai biết. Người đời chỉ biết rằng, ông thường được các bậc vua chúa mời đến đọc thơ, còn những năm tháng cuối đời ông trở về quê hương ở Teos hoặc Abdera. Anacreon mất khoảng năm 478 tr. CN. Về sau người Teos lấy hình của Anacreon in trên đồng tiền của mình, còn ở Athens bên cạnh tượng của Xanthippus có bức tượng một người say ngất ngây, người đời cho đấy là tượng của Anacreon.

Thơ của Anacreon còn lưu lại được qua ít ỏi, chủ yếu là phong cách của Anacreon qua thơ của các nhà thơ khác. Những mô-típ chính là rượu, tình yêu và một cuộc sống vui vẻ với những người đẹp – là những thứ mà từ cổ chí kim vẫn coi rằng đấy là phần thưởng của Tạo hóa ban cho con người sống ở cõi trần gian vốn đầy rẫy gian khó và nhọc nhằn. Về sau nhiều bài thơ của nhiều tác giả dân gian viết và gán cho đấy là thơ của Anacreon.

Ảnh hưởng của thơ Anacreon:
Thời Phục Hưng và Thế kỷ Ánh sáng ở châu Âu rất phổ biến những bài thơ mô phỏng theo Anacreon. Mô-típ của Anacreon được nhiều nhà thơ Pháp như Pierre de Ronsard, Pierre Jean de Beranger, Voltaire… Nhà thơ Ireland, Thomas Moore viết tập Thơ Anacreon, còn các nhà thơ Đức như Gotthold Ephraim Lessing, Johann Wolfgang von Goethe cũng viết nhiều bài thơ mô phỏng thơ của Anacreon.



***
Tôi yêu mà có vẻ như không yêu
Khi ngẩn ngơ, khi hiểu biết mọi điều.


***
Kleobula, Kleobula, tôi yêu em
Bên Kleobula tôi nằm xuống cuồng điên
Bên Kleobula tôi cho đôi mắt uống.


***
Đừng ngạo mạn cười tôi
Rằng mái tóc đã bạc
Em say đắm tuyệt vời
Mắt ngó nhìn người khác.



***
Chén của tôi sao lại cạn thế này
Cô bán hàng hãy rót rượu vào đây
Chỉ màu rượu đỏ bừng như đôi má
Mang cho đời vẻ say đắm ngất ngây.

Tôi không phải người Skythae, không yêu
Kẻ khác say sưa, quậy phá đủ điều
Không, bên chén rượu đầy tôi sẽ hát
Rằng cuộc đời thật đáng sống, đáng yêu.


***
Tóc hơi thưa rồi tóc bạc
Trên mái đầu của tôi đây
Ngọn lửa đã tàn trong đôi mắt
Và những chiếc răng đã lung lay.

Đời đã ngọt ngào hoặc đã đắng cay
Chẳng qua chỉ ít ngày còn lại
Thời gian tôi Ngài đang tính từng ngày
Tôi sẽ về với người ta đang đợi.

Không còn sự hồi sinh từ chốn ấy
Nơi chìm trong quên lãng muôn đời
Cửa mở ra cho tất cả mọi người
Nhưng đã vào không còn quay trở lại.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:40:10
Constantine P. Cavafy còn gọi là Konstantin hoặc Konstantinos Petrou Kavafis (tiếng Hy Lạp: Κωνσταντίνος Π. Καβάφης, 29 tháng 4 năm 1863 – 29 tháng 4 năm 1933) – nhà thơ Hy Lạp.

Tiểu sử:
Constantine P. Cavafy sinh ở Alexandria, Ai Cập. Bố là một thương gia, sau khi ông mất cả gia đình sang Anh. Từ năm 1875 Cavafy quay trở về sống ở Alexandria làm báo và làm công chức. In thơ từ năm 1891 nhưng chỉ một số ít người biết. Năm 1903 in ở một tạp chí thơ Athens thì bắt đầu được giới phê bình chú ý. Sau đó in 2 tập thơ vào năm 1904 và 1910 nhưng chỉ sau khi chết mới được người đời công nhận là một nhà thơ vĩ đại của Hy Lạp.
Constantine P. Cavafy nổi tiếng ở châu Âu trước khi nổi tiếng ở Hy Lạp. Bài thơ quan trọng nhất Waiting for the Barbarians (Đợi chờ quân man rợ) được dịch sang tiếng Anh trở thành một hiện tượng. Nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2003 John Coetzee dùng ý và lấy tên của bài thơ đặt cho một tiểu thuyết của mình. Tập thơ dịch của nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1986 Joseph Brodsky in ở Nga cũng lấy tên của bài thơ này. Cuộc đời và thơ của Cavafy trở thành nội dung xuyên suốt cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Alexandria Quartet của Lawrence Durrell. Thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc và các nhà điện ảnh dựng phim về ông. Constantine P. Cavafy có ảnh hưởng đến các nhà thơ lớn thế kỷ XX như Wystan Hugh Auden, Eugenio Montale, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky. Ông mất vì bệnh ung thư đúng vào ngày sinh nhật 70 tuổi của mình.

Tác phẩm:
*Ποιήματα (1935)
*Άπαντα Τα Ποιήματα (2003)

Thư mục:
*The Complete Poems of Cavafy translated by Rae Dalven

*C. P. Cavafy: Collected Poems translated by Edmund Keeley and Philip Sherrard, edited by George Savidis

*Before Time Could Change Them: The Complete Poems of Constantine P.Cavafy translated by Theoharis C. Theoharis

*Cavafy's Alexandria by Edmund Keeley

*Cavafy: A Critical Biography by Robert Liddell
*"Alexandria: City of Memory" by Michael Haag (published by Yale University Press, London and New Haven, 2004) provides a portrait of the city during the first half of the twentieth century and a biographical account of Cavafy and his influence on E.M. Forster and Lawrence Durrell.

*Cavafy a literary form of the script of «Cavafy» the film, by Iannis Smaragdis
*Liddell R. Cavafy: A Critical Biography. London: Gerald Duckworth & Co., 1974.
*Keeley E. Cavafy’s Alexandria: Study of a Myth in Progress. Cambridge: Harvard UP, 1976.
*The Mind and Art of C.P. Cavafy/ Denise Harvey, ed. Athens: Denise Harvey and Co., 1983.
*Jusdanis G. The Poetics of Cavafy. Princeton: Princeton UP, 1987.
*Rekonstruktionen lebendiger Vergangenheit : Projektionen ins dritte Jahrtausend / Hrsg. von H.-D. Blume und C. Lienau. Münster: Lienau, 2004.



ĐỢI CHỜ QUÂN MAN RỢ


Tại sao dân tình tụ tập ở đây?

Vì hôm nay đến đây quân man rợ

Thế tại sao nghị viện giờ đóng cửa?
Nghị viện không làm luật nữa hay sao?

Vì quân man rợ sẽ đến hôm nay
Nghị viện ra luật làm gì cho uổng?
Quân man rợ có luật riêng của chúng.

Tại sao Hoàng đế dậy từ sáng sớm
Và tại sao Hoàng đế ngoài cổng chính
Mũ áo trang nghiêm ngự trên ngai vàng?

Vì quân man rợ sẽ đến, và rằng
Hoàng đế cần tiếp chuyện tên đầu sỏ
Văn bản, giấy tờ sẽ trao cho nó
Tước vị cao sang, toàn bộ chức quyền.

Thế tại sao quan chấp chính, pháp quan
Đội mũ khăn, mặc áo choàng màu đỏ
Tại vì sao họ đeo xuyến thạch anh
Và nhẫn ngọc lấp lánh trên tay họ?
Tại sao những cây ba toong trang trí
Bằng vẻ xa hoa của bạc của vàng?

Vì quân man rợ sẽ đến, và thường
Vẻ sang trọng làm cho lòa mắt chúng.

Thế tại vì sao những nhà hùng biện
Hôm nay không diễn thuyết như mọi ngày?

Vì quân man rợ sẽ đến hôm nay
Man rợ không ưa những lời hùng biện.

Thế tại sao vẻ bồn chồn lo lắng
Hiện ra trên gương mặt mọi người dân?
Tại sao quảng trường, đường phố vắng tanh
Tất cả lo đi về nhà trú ẩn?

Và đêm buông, man rợ không thấy đến
Từ biên cương ai đó mang tin về
Rằng man rợ trên đời không còn nữa.

Làm sao bây giờ, không còn man rợ?
Dù sao, đấy là một giải pháp hay.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:43:36


Giorgos Seferis (1900-1971) tên thật là Giorgos Stilianu Seferiadis - nhà thơ, nhà ngoại giao Hy Lạp, giải Nobel Văn học năm 1963. Sinh ngày 19-2-1900 tại Smyrna (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Lên 14 tuổi theo gia đình chuyển về Athen, năm 1918 theo bố sang Paris. Năm 1922 quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Smyrna, người Hy Lạp từ giã vùng đất họ đã sống 2000 năm. Seferis học luật và say mê văn chương, làm việc tại Bộ ngoại giao Hoàng gia Hy Lạp. Trong thế chiến II Hy Lạp bị Đức chiếm đóng, Giorgos Seferis cùng chính phủ Hy Lạp sống lưu vong ở nước ngoài.

Sau chiến tranh, G. Seferis tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao Hy Lạp, giữ các trọng trách ở Ankara (1948 - 1950), London (1951 - 1953), Lebanon, Syria, Jordan và Iraq (1953 - 1956) và là Đại sứ Hoàng gia Hy Lạp ở Anh từ năm 1957 tới 1961. Ông nhận được rất nhiều bằng danh dự và giải thưởng, trong đó có bằng Tiến sĩ danh dự của các trường đại học Cambridge (1960), Oxford (1964), Salonika (1964) và Princeton (1965).

Tập thơ đầu tiên Điểm ngoặt (Strofi, 1931) chỉ in 150 bản, tên sách trong nguyên tác vừa có nghĩa "Khổ thơ", vừa có nghĩa "Điểm ngoặt", tượng trưng cho một bước chuyển mới trong thơ Hy Lạp. Tiếp đó là tập thơ trữ tình theo chủ nghĩa tượng trưng Cái bể nước (1932) đề cập đến những ước mơ trong sâu thẳm tâm hồn con người, những ước mơ bị quên lãng trong cuộc sống ngày thường. Trong những tác phẩm sau này, G. Seferis nói nhiều đến sự hiện hữu của quá khứ trong hiện tại, bắt đầu bằng Thần thoại (1935). Ngoài các tác phẩm thơ, năm 1962 ông xuất bản tập Tiểu luận, và năm 1965 là tuyển tập dịch thơ của các nhà thơ Anh, Pháp, Mỹ mang tên Bản sao. Sáng tác thơ của G.Seferis giai đoạn 1924 - 1955 được in cả ở Hy Lạp và Mỹ.
Thơ của Seferis về những đề tài như: cái chết, sự mất mát và hỗn mang. Nhân vật trong thơ ông thường là những người lãng du muôn thuở buồn nhớ về thiên đường đã mất. Năm 1963 ông được trao giải Nobel Văn học “vì những tác phẩm thơ trữ tình xuất sắc”. Giorgos Seferis mất tại Athen ngày 20-9-1971.

Tác phẩm:
- Điểm ngoặt (Strofi, 1931), thơ
- Cái bể nước (Sterna, 1932), thơ
- Thần thoại (Mythistorema, 1935), thơ
- Cuốn sách bài tập (Tetradio gymnasmaton, 1940), thơ
- Nhật kí hải trình I (Imerologio Katastromatos I, 1940), thơ
- Nhật kí hải trình II (Imerologio Katastromatos II, 1944), thơ
- Xô đẩy (Kichli, 1947), thơ
- Vua Assine và những bài thơ khác (The king of Assine and other poems, 1948)
- Nhật kí hải trình III (Imerologio Katastromatos III, 1955), thơ [Logbook III].
- Ba bài thơ bí mật (Tria Kryfa Poiimata, 1966), thơ
- Tiểu luận (Dokimes, 1962), tiểu luận
- Bản sao (Antigrafes, 1965), thơ dịch





HÃY HÁT LÊN ĐÀN UKULELE(1)

“Say it with a Ukulele…”

“Hãy hát lên đàn Ukulele…”
Từ máy hát vang lên lời hát cũ
Em yêu ơi, anh biết hát bài gì
Để cho em hiểu rằng anh buồn bã.

Kẻ hành khất chơi cây đàn phong cầm
Tay chạm lên phím đàn rất cẩn trọng –
Hãy đi xuống đây những thiên thần
Nhưng thiên thần ngồi khóc trong lo lắng.

Thiên thần đã sẵn sàng đi
Nhưng mặt đất mây che kín
Ta nghèo khó đến ngày cuối tận
Bởi thiên thần quên đến với ta.

Cuộc đời ta lạnh lùng như biển
Sống ra sao ư? Như ở trong sương
Chìm đắm những linh hồn
Như đá chìm trong biển.

Cây run rẩy tựa san hô
Màu xanh trở thành màu xám
Đang ngủ yên những chiếc xe thồ
Từ lâu trên mặt đất quên lãng.

“Hãy hát lên đàn Ukulele…”
Lời ca không còn sức mạnh nữa
Tình yêu ơi, đâu ngôi đền của em muôn thuở?
Sao nơi này ta lạnh lẽo nhường kia!

Giá mà cuộc đời đi theo đường thẳng
Anh và em không biết đến ưu phiền
Nhưng trò chơi số phận
Bước ngoặt trong đời thay đổi triền miên.

Đợi đến khi nào? Không ai biết
Lửa cháy lên trong sương khói hoàng hôn
Trong màn sương ta đánh mất con đường
Giữa hai ngọn lửa tâm hồn đau thắt.

Số kiếp ta. Đâu hạnh phúc chúng mình
Ngày chết dần trong vương quốc đêm tối
Xung quanh bóng đêm. Em hãy đi tìm
Hãy đi tìm cho con đường ngắn lại!

“Hãy hát lên đàn Ukulele…”
Những móng tay em ánh lên màu đỏ
Dưới ánh sáng sao trời anh bỗng nhớ
Vật trang sức bằng đá muộn màng kia.

London, Giáng sinh 1924.
__________________
(1)SAY IT WITH A UKULELE
Word & Music: Art Conrad
Artist: Irving Politzer
Shapiro, Bernstein & Co., New York.
(tên đĩa hát hiện vẫn có bán trên mạng Internet)

* Ukulele: Đàn ghi ta Hawaii.



NỖI BẤT HẠNH DỊU DÀNG

Nỗi bất hạnh dịu dàng
Như cát trên bờ, màu trắng
Cơn khát làm môi khô khan
Nhưng mà nước mặn.

Cái tên em màu trắng
Anh viết khi ở trên bờ
Những ngọn gió mang chữ đi xa
Và thầm thĩ bên tai rằng: “quên lãng”.

Nghe những lời trách cứ xì xào
Từ mọi con đường: ta bước vào cuộc sống
Con đường ta - đầy ắp những khát khao
Nhưng ta sẽ làm đổi thay cuộc sống.


TẮT GIỌNG NÓI CỦA EM

Tắt giọng nói của em - ánh nắng chiều
Hoàng hôn đã tắt
Số phận của anh, ôi em yêu
Đêm đến là em biến mất.

Chỉ một lần, trong giờ khắc
Thế giới hoang vu. Anh còn lại một mình
Tình đã chết, còn lại chiếc bình
Trong bình không giọt sương hay nước.

Đêm đến, và đã không còn
Cái miền quê em đã tắm
Đâu rồi miền quê, đâu rồi bờ biển
Vĩnh biệt em! Niềm hạnh phúc của anh.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:51:52
Các nhà thơ Italia
 


Gaius Valerius Catullus (84 tr. CN – 54 tr. CN) – nhà thơ La Mã cổ đại thế kỉ I tr. CN, người nổi tiếng nhất trong nhóm các nhà thơ mới (neoteroi).

Tiểu sử:
Catullus sinh ở Verona, miền bắc Ý. Gia đình có lẽ là rất giàu có vì sử sách còn chép là Caesar nhiều lần làm khách ở nhà bố của Catullus, còn Catullus cũng có một villa ở Sirmio, bên hồ Garda và một villa ở vùng đồi Sabina. Thời tuổi trẻ Catullus lên Roma, có ý định buôn bán tàu bè nhưng vì thiếu kinh nghiệm thực tế trong nghề này nên chỉ tập trung vào thơ ca. Catullus tham gia nhóm các nhà thơ mới (neoteroi) và trở thành nhà thơ xuất sắc nhất của nhóm này.
Di sản thơ ca mà Catullus để lại còn đến ngày nay gồm 116 bài thơ dài ngắn khác nhau (từ 2 câu đến 480 câu). Nổi tiếng nhất là những bài thơ tình viết về người đẹp Lesbia. Tên thật của Lesbia là Clodia, vợ của một quan lớn trong triều và là chị gái của Publius Clodius Pulcher, địch thủ chính trị của Cicero. Theo truyền thuyết thì Lesbia là một phụ nữ xinh đẹp và đỏng đảnh, coi nhà thơ trẻ tuổi và tài năng Catullus là một người tình, nhưng với Catullus thì khổ sở vì mối tình này. Năm 56 tr. CN, em trai mất, Catullus viết một số bài thơ về sự kiện này. Đầu năm 57 tr. CN, Catullus đến thăm người bạn thơ Memmius ở Bithynia, vùng Tiểu Á. Catullus hy vọng nhiều vào chuyến đi này nhưng kết quả không được như mong muốn. Sự thất vọng này được thể hiện trong một số bài thơ viết về Memmius. Một năm sau, Catullus quay trở lại Roma, viết nhiều bài thơ về cuộc sống xã hội đương thời. Catullus mất ở Roma năm 30 tuổi, ngày tháng chính xác không rõ.



LỜI THỀ CỦA PHỤ NỮ

Em bảo tôi: em chỉ muốn trở thành người vợ của anh
Ngay cả thần Jupiter không muốn điều như thế.
Em nói vậy. Nhưng phụ nữ khi yêu bên tai người tình thỏ thẻ
Những lời bay lên trời, chui xuống nước rồi vội vã trôi nhanh.


TÔI CĂM THÙ – TÔI YÊU

Tôi căm thù nhưng mà yêu. Xin đừng hỏi tôi tại vì sao như vậy
Tự mình, tôi không biết tại vì sao, chỉ thấy mệt mỏi, rã rời.



CẢ GHÉT VÀ YÊU

Cả ghét và yêu sôi sục trong lòng tôi
Người hỏi “tại vì sao” ư?. Tôi không biết
Nhưng sức mạnh cả hai đều rất mãnh liệt
Sôi sục trong tim này, tôi khổ lắm người ơi.


CHỨNG CỚ CỦA TÌNH YÊU

Lesbia chửi rủa tôi. Không im lặng dù chỉ trong
khoảnh khắc.
Tôi xin thề rằng em làm thế bởi vì yêu!
Tôi cũng chửi rủa em. Bởi không thể nào làm khác
Và xin thề rằng tôi làm thế cũng chỉ bởi vì yêu!




HÃY SỐNG HÃY YÊU

Lesbia, ta hãy sống, hãy yêu nhau
Mặc ai già cả thở dài than vắn
Ta sẽ không cho họ một cắc nào
Mặc kệ mặt trời cứ lên rồi lặn.
Em hãy nhớ rằng ngày của ta chóng tàn
Ta về ngủ trong đêm dài vô tận
Hãy hôn anh nghìn nụ hôn cháy bỏng
Rồi lại một nghìn, rồi lại một trăm
Còn khi đã hôn nhau cả trăm ngàn lần
Không cần biết và ta không cần đếm
Để ai ganh tỵ về ta đừng nói nhảm
Rằng hai chúng mình…
Đã hôn nhau cả vạn, cả ngàn.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:54:30


Publius Vergilius Maro (15 tháng 10 năm 70 tr. CN – 21 tháng 9 năm 19 tr. CN) – nhà thơ lớn của La Mã cổ đại, người sáng tạo ra thể loại thơ sử thi, tác giả của Bucolics, Georgics, Aeneid (Bucolica, Georgica, Eneide) – những thiên sử thi ca tụng nguồn gốc huyền thoại của dân tộc La Mã.

Tiểu sử:
Publius Vergilius Maro thường được gọi ngắn gọn bằng tiếng Latin: Vergilius hoặc bằng tíếng Anh: Virgil. Người đời còn giải mã từ Maro là cách trao đổi các chữ cái của các từ: AMOR (tình yêu) và ROMA (Thành Rôma). Về cuộc đời của Virgil chủ yếu là qua những truyền thuyết. Một số ghi chép của người đời sau trong tác phẩm “Những cuộc đời song hành” và đặc biệt là qua tác phẩm “Thần khúc” nổi tiếng của Dante Alighieri.
Virgil sinh ở làng Andes, gần Mantua (miền bắc Ý). Học văn học Hy Lạp và triết học ở Milan, Napoli. Năm 19 tuổi lên Roma học môn nghệ thuật hùng biện, một môn học bắt buộc đối với những ai muốn theo đuổi con đường chính trị. Say mê trường phái triết học của Epicurus, và đặc biệt tôn sùng Lucretius nhưng sau đó chịu ảnh hưởng triết học của Platon và các nhà triết học phái khắc kỷ (Stoism). Virgil bắt đầu làm thơ bằng những bài thơ ngắn gọi là Culex, làm quen với nhiều nhà thơ nổi tiếng đương thời. Thời kỳ sau đó ông viết những thiên sử thi nổi tiếng nhất của ông.
Năm 19 tr. CN Virgil đi sang Hy Lạp. Ở Hy Lạp ông gặp Augustus và quyết dịnh không quay về Ý nhưng sau đó bị bệnh, trở về đến Brundisium, ông qua đời.
Virgil đạt đến vinh quang khi còn sống. Các thời đại sau đấy được tôn sùng ông như một nhân vật huyền thoại, một nhà hiền triết, một bậc tiên tri. Từ thời cổ đại, tác phẩm của ông đã được giảng dạy ở nhà trường và đã được dịch sang tiếng Hy Lạp cổ. Người cổ đại dựng tượng và lập đền thờ. Thiên chúa giáo gọi ông là bậc tiên tri. Truyền thuyết kể rằng sứ đồ Paolus từng khóc nức nở bên mộ Virgil. Câu chuyện tình say đắm giữa Didone và Enea được khắc trên những lâu đài nổi tiếng. Những quyển sách viết về phép yêu thuật của Virgil được dịch ra tất cả các thứ tiếng châu Âu trung cổ. Cho đến tận ngày nay, phương pháp Sortes Vergilianae của Virgil vẫn được người đời sử dụng để bói toán. Ảnh hưởng của Virgil đến văn học và ngôn ngữ không thể nào kể hết. Ông là người thầy, người dẫn đường cho Dante Alighieri trong hai phần đầu của kiệt tác La Divina Commedia (Thần khúc).

Tác phẩm:
Bucolica được viết trong những năm 42 – 39 tr. CN; Georgica viết trong những năm 36 – 30 tr. CN; Eneide viết trong những năm 29 – 19 tr. CN.
Ngoài 3 thiên sử thi nói trên, Virgil còn được coi là tác giả của một số trường ca tập hợp dưới tên gọi Appendix Vergiliana (tạm dịch: Phần phụ lục của Virgil) gồm : Ciris, Moretum và Сора.


Tình yêu của Didone với Anea (IV, câu 1-22)

Niềm say mê từ lâu xâm chiếm nữ hoàng
Và đốt lên, một ngọn lửa kín thầm cháy bỏng
Tất cả gợi lên vẻ đẹp người anh hùng
Của nòi giống vinh quang, tâm hồn không yên lặng
Lời nói và gương mặt chàng không để nàng yên.
Cả mặt đất ngập tràn ánh sáng bình minh
Chiếc bóng từ bầu trời chuyển động. Nàng bối rối
Bằng những lời sau đây, nàng nói với cô em gái:
“Anne! Những giấc mơ đáng sợ quấy rấy ta
Về người đàn ông quyến rũ đang ở trong nhà
Chàng oai nghiêm, thể xác tâm hồn đều quyến rũ
Ta tin chàng xuất thân từ thánh thần bất tử.
Linh hồn kỳ là xua đi nỗi kinh hoàng
Của số phận, chàng kể về những cuộc chiến tranh.
Lòng ta đã dứt khoát, từ lâu ta đã quyết
Sẽ không còn yêu ai sau tình đầu oan nghiệt
Chồng ta đã chết, tình yêu dối lừa ta
Nếu ngọn đuốc hôn nhân quên hết hận thù
Thì vẻ yếu đuối này sẽ trở nên can đảm
Kể từ sau cái chết của người chồng bất hạnh
Chết vì lưỡi gươm khát máu của người em
Hồn ta ngã xuống bỗng được chàng nâng lên
Ta nhận ra vết lửa tình ngày trước….


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:56:59


Dante Alighieri (1625-1321) – nhà thơ, nhà thần học Italia, tác giả của hai kiệt tác Thần khúc (La Divina Commedia) và Cuộc đời mới ((La Vita nuova).

Tiểu sử:
Dante sinh khoảng giữa 14 tháng 5 và 13 tháng 6 năm 1265 tại Firenze, miền trung Itakia. Mẹ của Dante, Bella degli Abati, mất khi ông 7 tuổi; ngay sau đó bố của Dante, Alighiero de Bellincione, cưới người vợ thứ hai, Lapa di Chiarissimo Cialuffi, và họ có hai con: em trai Francesco và em gái Gaetana của Dante. Thời trẻ, Dante được Brunetto Latini, một người có kiến thức uyên bác dạy tiếng Latinh và truyền cho Dante niềm thích thú văn chương. Thông qua tiếng Latinh mà Dante say mê thơ ca cổ đại và tôn sùng thơ Virgile. Dante còn học tiếng Pháp, tiếng Provence, đi sâu nghiên cứu thần học, triết học, thiên văn học và trở thành một người có kiến thức bách khoa uyên bác bậc nhất ở thời đại ông.
Dante biết yêu và làm thơ từ rất sớm. Những bài thơ về mối tình tuổi thiếu niên sau này được gom lại thành tập Cuộc đời mới. Năm 1295 Dante tham gia hoạt động chính trị, đứng về phái Guelfi đối lập với phái Ghibellini. Năm 1289 phái Guelfi thắng thế nhưng rồi lại chia ra thành phe Đen và phe Trắng. Dante theo phe Trắng, kiên quyết chống lại đường lối dựa vào Giáo hoàng. Giáo hoàng cầu viện Hoàng tử Pháp Charles de Valois. Năm 1301 quân Pháp tiến vào Firenze, phe Đen lưu vong trở về tổ chức đàn áp phục thù. Dante bị kết án hai lần, phải rời bỏ quê hương đi sống lưu vong và mai danh ẩn tích. Thời kỳ này ông bắt đầu viết Thần khúc.
Dante mất năm 1321 tại Ravenna.

Tác phẩm:
Dante là tác giả của các tập Thơ (Rime), Bữa tiệc (Il convivio), Về hùng biện đại chúng (De vulgari eloquentia), Về chế độ quân chủ ( De monarchia)… Tuy vậy, những tác phẩm này chỉ một số ít các nhà nghiên cứu quan tâm, còn bạn đọc khắp thế giới hầu như chỉ biết hai kiệt tác: Cuộc đời mới Thần khúc.

Tác phẩm Cuộc đời mới bao gồm thơ và văn xuôi, viết về tình yêu của Dante đối với Beatrice Portinari. Tình yêu của Dante với Beatrice mang một qui mô vũ trụ. Nhà thơ nhìn thấy ở người con gái trần tục này một ý tưởng thánh thần được thể hiện trong những con số: “Số 3 là nguồn gốc của số 9, ba lần ba là chín. Như vậy, nếu 3 có thể sinh ra 9 thì điều kì diệu ở trong mình – Ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Đức Thánh Linh – ba trong một. Từ đó rút ra kết luận rằng: người con gái này là con số 9, nghĩa là điều kì diệu và nguồn gốc của điều kì diệu này là Tam vị nhất thể”. Những lập luận này thể hiện tinh thần của thời đại bấy giờ nhưng phải nói rằng nhà thơ đã dũng cảm khi đem người yêu của mình so sánh với Ba ngôi thần thánh.
Dante gặp Beatrice lần đầu khi nàng lên 9 tuổi. “Linh hồn của cuộc sống” đã bao trùm lấy tâm hồn của cậu bé Dante. Beatrice chỉ khẽ nghiêng mái đầu cúi chào mà đã làm cho chàng trai Dante lâng lâng khôn tả. Chàng vội vàng đi về phòng riêng viết bài thơ đầu tiên… Chín năm sau hai người gặp lại nhau. Hễ nhìn thấy Beatrice là Dante lại luống cuống, xúc động, không thể làm chủ được bản thân và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ tìm gặp Beatrice nữa… Những chi tiết này được Dante mô tả rất tỉ mỉ trong “Cuộc đời mới”. Sau đó Beatrice đi lấy chồng nhưng tình yêu của Dante đối với nàng vẫn không hề suy giảm. Ngược lại, tình yêu này là nguồn cảm hứng cho Dante viết ra hai kiệt tác “Cuộc đời mới” và “Thần khúc”. Beatrice mất năm 1290. Dante khóc suốt một năm ròng và những người đương thời kể rằng họ không bao giờ còn nhìn thấy Dante cười nữa. Dante và Beatrice trở thành một biểu tượng của tình yêu đôi lứa trong văn chương Thế giới như Petrarca và Laura, Tristan và Isolt, Romeo và Juliet.

Thần khúc là một tác phẩm bằng thơ đồ sộ gồm ba phần: Địa ngục, Tĩnh ngục, Thiên đường. Mỗi phần có 33 khúc, cộng 1 khúc mở đầu, tất cả là 100 khúc với hơn 14.000 câu thơ. Người ta vẫn thường gọi Thần khúc là “Kinh Thánh của thời Trung cổ”. Trong tác phẩm vĩ đại này, Dante đặt ra cho mình một mục đích vĩ đại: giúp loài người thoát khỏi nỗi sợ hãi trước cái chết. Nhiệm vụ này ở thời bấy giờ là vô cùng quan trọng: trong linh hồn con người có một nỗi sợ về những cực hình ở Địa ngục mà người ta vẫn nghe qua những lời rao giảng và thuyết giáo. Khác với những nhà triết học theo trường phái Epicurus, Dante không khuyên người đời quên đi cái chết, hay như những nhà triết học thế kỉ Ánh sáng, khẳng định rằng Địa ngục là do các cha đạo nghĩ ra, Dante tin rằng Địa ngục là có thật và chỉ có sự Can đảm, Danh dự và Tình yêu có thể giúp con người thoát khỏi Địa ngục. Thần khúc mở đầu bằng những lời cay đắng về cái chết của Beatrice nhưng tác giả bỗng nhiên hiểu ra rằng nàng là con người cao thượng, trong trắng và không thể chết. Thế là linh hồn của Beatrice, với sự giúp đỡ của Virgile đã dẫn Dante, và cùng với Dante là bạn đọc, đi hết các tầng ngục, chứng kiến hết những nỗi kinh hoàng của Địa ngục. Trên cánh cổng vào Địa ngục có dòng chữ “kẻ vào đây hãy quên niềm hy vọng” nhưng Virgile khuyên Dante hãy quên nỗi sợ hãi, vì rằng chỉ với đôi mắt mở to thì con người mới có thể nhìn ra nguồn gốc của mọi cái ác. Cũng theo Dante thì linh hồn con người có thể bị đày xuống Địa ngục ngay cả khi thân xác còn sống nhởn nhơ nơi dương thế, bởi vì Địa ngục không phải là một địa điểm hay nơi chốn mà Địa ngục là một trạng thái của lòng người. Người nào sống trong lầm lỗi sẽ rơi vào trạng thái đó. Ngay cả lầm lỗi của lòng thù hận – cả người trả thù và nạn nhân của sự trả thù đều bị đày xuống Địa ngục, và một khi nạn nhân còn căm thù kẻ đã hành hạ mình thì vẫn chưa thể thoát ra khỏi Địa ngục. Bạn đọc có thể đọc thấy những điều này ở phần Địa ngục qua bản dịch tiếng Việt. Thần khúc lần đầu tiên được trích dịch ra tiếng Việt năm 1978. Đó là bản trích dịch 30 khúc của cả 3 phần ra văn xuôi có vần điệu của Khương Hữu Dụng và Lê Trí Viễn. Gần đây có bản dịch văn xuôi trọn phần Địa ngục của Nguyễn Văn Hoàn (2005) và bản dịch thơ trọn phần Địa ngục của Hồ Thượng Tuy (chưa in thành sách). Tác phẩm Cuộc đời mới có một bản dịch của Hồ Thượng Tuy.



Vita Nuova
Dante Alighieri
CUỘC ĐỜI MỚI

(Trích)

LỜI MỞ ĐẦU

Trong cuốn sách kỷ niệm của tôi chỉ một số trang có thể đọc được, có tựa đề là:
“Incipit vita nova: Cuộc đời mới bắt đầu”Theo tựa đề này tôi tìm ra những lời đã viết mà tôi có ý định thuật lại trong cuốn sách nhỏ này, nếu không được tất cả, thì ít ra là ý nghĩa của chúng.

I

Đã chín lần, kể từ khi tôi sinh ra, bầu trời hầu như quay lại chỗ ban đầu trong vòng quay của mình, khi trước mắt tôi lần đầu tiên xuất hiện người con gái quang vinh của lòng tôi, nhiều người vẫn gọi tên nàng là Beatrice mà không biết rằng cần phải gọi tên nàng như vậy.
Nàng đã có mặt ở cuộc đời này, khi đó bầu trời sao di chuyển về phía đông thêm một trong mười hai phân độ: nàng hiện ra trước mắt tôi trong buổi đầu năm thứ chín của cuộc đời tôi, còn tôi nhìn thấy nàng ở đoạn cuối năm thứ chín của cuộc đời tôi. Nàng trước mặt tôi mặc quần áo màu hồng, khiêm nhường và đúng mực, sắc phục tương xứng với tuổi trẻ của nàng. ở đây tôi thành thực xin nói rằng Linh hồn Cuộc sống từ sâu thẳm trái tim tôi bắt đầu rạo rực trong từng đường gân thớ thịt và thốt lên những lời: “Ecce deus fortior me, qui veniens dominabitur mihi: Thượng Đế mạnh hơn tôi, Người đi đến nhận lấy quyền sai khiến tôi”. Ở đây Linh hồn Thú vật ngự trị phần trên, nơi tình cảm thu nhận tri giác của mình, trở nên kinh ngạc và hướng về Linh hồn Thị giác nói những lời: “Apparuit iam beatitudo vestra: Đã hiện ra niềm hạnh phúc của ngươi”. Ở đây Linh hồn Thiên nhiên, nơi cung cấp dinh dưỡng, bắt đầu khóc lóc và thốt ra những lời: “Heu miser, quia, frequenter impeditus ero deinceps!: Khổ thân tôi, vì rằng phía trước sẽ thường xuyên gặp điều trở ngại!”. Kể từ đây về sau, tôi nói rằng Tình yêu đã ngự trị tâm hồn tôi, Tình yêu có quyền lực và sức mạnh mà sự tưởng tượng của tôi trao gửi và tôi đành phải thực hiện tất cả mọi mong muốn của tình. Rất nhiều lần tình ra lệnh cho tôi tìm gặp thiên thần trẻ trung này, vì rằng thời thơ ấu tôi vẫn đi tìm nàng, và tôi để ý thấy rằng hình dáng và phong thái của nàng rất cao thượng, quả là có thể dùng lời của nhà thơ Homer để nói về nàng: “Nàng có vẻ như con gái không phải của người trần, mà thần thánh”. Và dù hình bóng nàng thường xuyên ở bên tôi, trao cho tình sức mạnh để sai khiến tôi nhưng với những phẩm chất cao thượng, rằng đã nhiều lần hình bóng này không cho phép tình yêu cai trị tôi mà thiếu lời khuyên của lý trí, một khi những lời khuyên tương tự có ích để mà lắng nghe. Nhưng nếu tôi giữ lâu trong tình cảm và hành động của tuổi trẻ như thế thì câu chuyện của tôi thành ra bày đặt, bởi thế tôi bỏ qua điều này và bỏ qua nhiều thứ có thể lấy ra từ đó để đi đến những lời được ghi trong những chương tiếp theo của ký ức tôi.

II

Thời gian trôi qua đã bấy nhiêu ngày, tròn chín năm kể từ ngày Người con gái cao thượng nhất nói trên xuất hiện, vào ngày cuối cùng của những ngày này người đẹp tuyệt vời hiện ra trước mắt tôi trong bộ áo quần màu trắng, giữa hai người đẹp thanh cao khác, những người này lớn tuổi hơn nàng. Khi đi trên đường nàng nhìn về nơi tôi đứng một cách rụt rè và với thái độ nhã nhặn nàng cúi chào tôi, còn tôi khi đó cứ ngỡ như đang nhìn thấy tận cùng của hạnh phúc. Thời khắc của cái cúi chào ngọt ngào ấy chính xác vào chín giờ, và bởi vì lần đầu tiên những lời của nàng bay đến tai tôi nên tôi cảm nhận được vị ngọt tựa hồ như ngất ngây, tôi từ giã mọi người về phòng riêng của mình và bắt đầu suy nghĩ về Con người lịch sự nhất.

III

Và trong suy nghĩ về nàng có một giấc mơ ngọt ngào vây lấy tôi, trong giấc mơ này hiện ra một điều kỳ diệu: tôi có vẻ như nhìn thấy trong phòng mình một đám mây màu lửa, sau đám mây này tôi nhận ra hình dáng một người dàn ông nào đấy, vẻ ngoài của người này ai nhìn thấy sẽ vô cùng sợ hãi. Người đàn ông này có vẻ rất vui mừng và trong lời của mình người này nói nhiều điều nhưng tôi chỉ hiểu được ít, trong những lời này tôi hiểu: “Ego dominus tuus: Ta là chúa tể của ngươi”. Trên tay người này dường như có một sinh vật trần truồng đang ngủ được phủ một tấm vải mỏng, hình như có màu hồng. Ghé nhìn rất chăm chú, tôi nhận ra Người đẹp, người mà một ngày trước đã cúi chào tôi. Còn trong một bàn tay của người này có vẻ như đang giữ một vật gì đó cháy lên và tôi ngỡ như người này nói với tôi những lời: “Vide cor tuum: Hãy nhìn vào trái tim mình”. Sau khi đứng yên một lát, người này dường như thức cô gái đang ngủ dậy, đưa ra một lý lẽ đầy sức mạnh để bắt nàng nuốt cái vật đang cháy ở trên bàn tay kia, và cô gái sợ hãi nuốt vào. Sau một thời gian, vẻ vui nhộn của người này trở thành tiếng khóc cay đắng. Vừa khóc, người này vừa nâng người đẹp trên tay rồi cùng với nàng có vẻ như bay vào trời xanh. Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi, giấc mơ yếu ớt của tôi không chịu nổi đã bị cắt đứt – và tôi tỉnh giấc. Ngay lúc đó tôi bắt đầu suy ngẫm và nhận thấy rằng cái giờ mà tôi trong mơ nhìn thấy là giờ thứ tư của đêm ấy, từ đó rõ một điều rằng đấy là giờ đầu tiên trong chín giờ cuối cùng của đêm.
Suy nghĩ kỹ về điều thấy trong mơ tôi quyết định thông báo cho những người tuyên truyền nổi tiếng của thời ấy. Vì tôi đã bắt đầu để ý học cách làm thơ nên tôi quyết định viết một bài thơ mà trong đó tôi chào mừng tất cả những người chung thủy của Tình yêu và đề nghị họ giải thích về giấc mơ của tôi. Tôi giãi bày cho họ những gì tôi thấy trong giấc mơ của mình và bắt đầu bài thơ bằng những lời: “A ciascun´alma presa e gentil core: Hồn ai say…”

Hồn ai say, tim ai đầy ánh sáng
Thơ của tôi hiện ra trước mắt ai
ý nghĩ sâu xa ai nói ra lời
Vì tên gọi Tình yêu – tôi chào đón.

Hai chục phút, khi hành tinh xuất hiện
Tỏa hào quang và kết thúc đường mình
Trước mắt tôi Tình yêu bỗng hiện lên
Thật khủng khiếp khi lòng tôi nhớ đến.

Tình đi trong hoan hỉ, và trên tay
Giữ trái tim tôi, còn trong tay ấy
Có một nàng Trinh Nữ ngủ rất say.

Tình cho nếm mùi khi nàng thức dậy
Từ trái tim – và cuống quít, rối bời
Trong nước mắt, Tình biến mất sau đấy.


Bài sonnê này chia làm hai phần: ở phần thứ nhất tôi chào đón và đề nghị câu trả lời; ở phần thứ hai, tôi chỉ ra điều cần trả lời. Phần thứ hai bắt đầu thế này: “Hai chục phút…” Có nhiều người trả lời bài thơ này và theo nhiều vẻ khác nhau, trong số này có một người tôi gọi là đầu tiên trong những người bạn của tôi; người này viết bài thơ bắt đầu bằng câu: “Anh thấy đấy, tôi mơ màng, tất cả rất hoàn mỹ…” Và diều này có vẻ như là sự bắt đầu của tình bạn chúng tôi, khi người này hiểu rằng tôi đã gửi bài thơ cho anh ấy. í nghĩa thật của giấc mơ kia, khi đó chưa ai biết, còn bây giờ thì đã rõ ràng và chất phác.

IV

Kể từ khi nhìn thấy, Linh hồn Thiên nhiên của tôi trở nên khó nhọc làm việc của mình, vì tất cả tâm hồn trao hết cho suy nghĩ về Người con gái cao thượng nhất; vì rằng trong phút chốc tôi trở nên yếu đuối và uể oải, rằng nhiều người bạn lấy làm buồn phiền cho dáng vẻ của tôi, một số khác thì ganh tỵ, muốn biết cái điều mà tôi giấu mọi người. Còn tôi, nhìn ra âm mưu nham hiểm trong những câu hỏi mà người ta hỏi tôi, hỏi ý chí của Tình yêu, theo lời khuyên của lí trí, đã trả lời họ rằng Tình yêu đang ngự trị tôi; tôi gọi là Tình yêu bởi vì tôi mang trên gương mặt của mình quá nhiều những dấu hiệu của tình yêu mà không thể nào che giấu được. Khi người ta hỏi tôi: “Tình yêu bắt ngươi đau khổ vì ai?…” – tôi cười, nhìn họ và không trả lời gì cả.

V

Một lần, Người con gái cao thượng nhất ngồi ở nơi có những lời vang lên về Nữ hoàng của vinh quang thì tôi cũng ở nơi để có thể nhìn thấy niềm hạnh phúc của mình; còn ở giữa tôi và nàng, theo một đường thẳng, có một người trinh nữ với vẻ mặt rất dễ chịu thường xuyên ngó nhìn tôi, lấy làm ngạc nhiên với ánh nhìn của tôi, bởi thế mọi người nhìn thấy ánh mắt của nàng. Và có nhiều người để ý nên khi tôi rời chỗ, nghe những lời nói sau lưng: “Xem kìa, người đẹp làm cho chàng trai kia đau khổ”. Và khi họ gọi tên nàng, tôi nghe những lời về người con gái ở giữa đường thẳng, bắt đầu từ người con gái cao thượng nhất Beatrice và kết thúc ở trong đôi mắt tôi. Khi đó tôi rất bình tĩnh và tin rằng, ngày ấy, vẻ bí mật của tôi chưa lộ ra qua vẻ bên ngoài. Và ngay lập tức tôi nghĩ rằng cần phải làm cho người con gái này trở thành điều che giấu sự thật. Trong thời khắc tôi đã làm được điều này và số đông những người nói về tôi đã biết điều bí mật này. Tôi tránh gặp người này mấy năm để cho những người khác thêm tin tưởng, tôi đã viết tặng nàng mấy bài thơ liền nhau, nhưng sau đấy tôi có ý định thể hiện những lời của mình về Beatrice và chỉ để ca ngợi nàng.

VI

Tôi nói rằng khi người con gái này che chở cho tôi bằng một tình yêu mạnh mẽ thì tôi có mong muốn nhắc tên người con gái cao thượng nhất cùng với tên những cô nương khác; tôi lấy tên sáu mươi cô nương đẹp nhất của thành phố, nơi nàng sinh ra theo ý của Đức Chúa Trời, và tôi viết bằng thể thơ serventese mà tôi sẽ không truyền đạt; tôi có lẽ đã không nhắc đến, nếu đã không cần thiết nói rằng có một điều kỳ diệu xảy ra là trong số tên các cô nương kia thì cô nương của tôi không thuộc về con số nào khác ngoài con số chín.

VII

Cô nương mà tôi có được sự che chở cho điều ao ước trong một thời gian dài kia phải đi đến một nơi xa; bởi thế tôi sợ đánh mất sự che chở tuyệt vời đã khiến tôi đau khổ mà trước đó tôi chưa hề biết được. Và tôi nghĩ rằng nếu tôi không nói về chuyến đi đau buồn thì mọi người sẽ nhận ra vẻ giả vờ của tôi, bởi thế tôi quyết định viết một bài thơ; tôi sẽ truyền đạt nó, vì rằng cô nương của tôi là nguyên nhân trực tiếp của nhiều lời trong bài thơ này, và người ta sẽ nhận ra nếu hiểu nó. Và tôi viết bài thơ bắt đầu như thế này: “O voi che par la via: Hỡi những ai với tình yêu trong đời..”

Hỡi những ai với tình yêu trong đời
Xin hãy lắng tai nghe và hãy nói
Nỗi đau nào bằng đau đớn của tôi?

Quả thực tình yêu theo chuỗi tháng ngày
Xin hãy tha thứ cho điều ước muốn
Mà những ngày qua đã rất hào phóng
Với những lời tôi nghe được bên tai:
“Hãy nhìn xem kìa, phải chăng số phận
Ban cho anh ta niềm vui suốt cuộc đời?”

Nay ở đâu rồi âu yếm vỗ về tôi?
Ai trả cho tôi tình yêu cao thượng?
Tôi mòn mỏi đợi chờ
Trước tương lai cúi xuống.

Ai đem niềm khát khao giấu diếm
Vì xấu hổ, sự bố thí không mong –
Gương mặt tôi luống cuống
Và buồn đau, thổn thức trong lòng.


Bài thơ này có hai phần chính: ở phần đầu tôi kêu gọi Tình yêu chung thủy bằng những lời của nhà tiên tri Jeremiah, nói rằng: “O vos omnes qui transitis per viam, attendite et videte si est dolor sicut meus”: “Hỡi những người đi trên đường, hãy lắng nghe và hãy nhìn xem có nỗi đau khổ nào như đau khổ của tôi”, và cầu xin để họ rủ lòng thương mà nghe tôi; phần thứ hai – tôi kể rằng từ đâu mà tình xuất hiện trong tôi, nhưng với một nghĩa khác, không phải như hai phần đầu và cuối của bài thơ, và tôi nói rằng tôi đã đánh mất nó. Phần thứ hai bắt đầu bằng những lời: “Amor non gia..." “Quả thực tình yêu…”

VIII

Sau khi cô nương cao thượng ra đi thì vị chúa tể của những thiên thần gọi về vinh quang của mình một cô nương nào đấy trẻ trung và có dáng vẻ rất cao quý, người được yêu mến ở thành phố nói trên; tôi nhìn thấy thân thể nàng nằm bất động giữa những cô nương đang khóc lóc đau khổ. Tôi bỗng nhớ lại, có một lần tôi từng thấy nàng đi cùng cô nương cao thượng nhất, tôi đã không cầm được dòng nước mắt và tôi quyết định nói đôi lời tưởng nhớ người mà tôi từng nhìn thấy đi cùng cô nương của mình. Vì thế, ai đọc phần cuối những lời tôi đã nói sẽ hiểu; tôi viết hai bài thơ, một bài bắt đầu bằng: “Piangete, amanti..." “Tình trong nước mắt..”, còn bài thứ hai: “Morte villana..." “Cái chết dữ dằn…”

Tình trong nước mắt; ai yêu – khóc với Tình!
Nỗi buồn tình yêu nặng nề không thể tả
Giữa những người đẹp Tình yêu nức nở
Và tôi nhận ra tiếng khóc của Tình.

Cái chết dữ, bằng nghiệt ngã của mình
Mang tàn úa đến cho con tim trẻ
Và lấy đi vẻ yêu kiều tuyệt mỹ
Chỉ một lời “không được!..” cứ kêu lên.

Giờ Tình yêu tỏ ra nghe cái chết
Tôi nhìn ra: Tình nức nở, bồi hồi
Tình cúi mình trên tro tàn vẻ đẹp.

Và thường xuyên ánh mắt hướng lên trời
Nơi linh hồn đang dạo chơi hạnh phúc
Trên mặt đất nhìn thấy trong niềm vui.


Bài thứ nhất chia làm ba phần: ở phần một – tôi kêu gọi tất cả những ai chung thủy với Tình yêu hãy khóc và nói rằng vị chúa tể khóc than về họ, rằng “nỗi buồn tình yêu nặng nề không thể tả”, họ cần nói rằng cần phải nghe tôi; ở phần hai – tôi nêu nguyên nhân này; ở phần thứ ba – tôi nói về niềm vinh dự mà Tình yêu mang đến cho cô nương. Phần hai bắt đầu: “Amor sente: Giữa những người đẹp…”; còn phần ba: “Audite: Giờ Tình yêu…”

Cái chết dữ dằn, kẻ thù của đau khổ
Mẹ của nước mắt và của tiếng kêu than
Vị quan xét xử cay nghiệt, chẳng xót thương
Đốt con tim bằng nỗi buồn tưởng nhớ!
Trong sự suy tư của phiêu bạt tha phương
Ta sẽ không ngừng đem mi ra nguyền rủa.

Chính vì thế mà ta không kín kẽ
Bài ca của ta sẽ nói những lời ta
Rằng mi là nguyên nhân cái ác và đau khổ
Cứ để mặc thế gian biết ra sự thật là
Cái sự thật chính nó là tội lỗi
Vì ai không hề biết đến tình ta.

Vẻ dịu dàng từ cuộc đời mang ra
Tuyệt vời hơn trong con người cao cả
Và ở trong chàng trai vô tư lự
Niềm vui với tình đã vội bay xa.

Cái chết ra sao, ta chẳng mở ra
Những đường nét – trong bài ca ngắn ngủi
Với đời muôn thuở là tên phản bội
Thân xác diệu kỳ nó chẳng nhận ra.


Bài thơ này chia làm bốn phần: ở phần một tôi gọi cái chết bằng những cái tên của nó; ở phần hai – tôi nói cùng cái chết, nêu ra cái nguyên nhân khiến tôi nguyền rủa nó; ở phần ba – xỉ vả nó; ở phần bốn – tôi nói với một nhân vật không cụ thể, tuy vậy tôi vẫn biết rõ. Phần thứ hai bắt đầu bằng: "poi che hai data..." “Đốt con tim…”; phần thứ ba: “E s’io di grazia..." “Chính vì thế…”; phần thứ tư: "Chi non merta salute..." “Với đời muôn thuở là tên phản bội…”


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 10:59:10
IX

Mấy ngày sau cái chết của cô nương này có một điều làm tôi đi khỏi thành phố nói trên và đi đến nơi cô nương cao thượng, người đã từng che chở cho tôi, mặc dù con đường của tôi không xa bằng nơi nàng ở. Và, mặc dù có vẻ tôi cùng nhiều người, cuộc du hành tôi thấy khó chịu, những tiếng thở dài luống cuống vì con tim cảm thấy cách xa niềm hạnh phúc của mình. Và bỗng nhiên vị chúa tể ngọt ngào nhất điều khiển tôi vì những đức tính của cô nương cao thượng nhất, tôi hình dung ra trong vẻ của một người đồng hành, mặc quần áo nhẹ nhàng may bằng thứ vải thô. Người này có vẻ phiền muộn và nhìn xuống đất, chỉ thỉnh thoảng có vẻ nhìn dòng suối trong suốt, chảy nhanh và tuyệt đẹp chảy bên con đường mà tôi đi. Tôi ngỡ rằng người bạn đường – Tình yêu nhìn sang tôi và nói những lời sau: “Tôi từ cô nương mà nhiều ngày là sự che chở của anh, tôi biết rằng ít nữa nàng sẽ trở về; và con tim mà tôi buộc anh trao cho nàng, tôi vẫn mang theo, sẽ là sự che chở cho anh như người trước đây”. Người này gọi tên nên tôi biết rõ. “Tuy nhiên, nếu anh nghĩ rằng truyên đạt lời gì đó mà tôi đã nói với anh thì hãy truyền đạt sao cho khéo tình yêu mà anh cần hướng tới nàng”. Nói xong những lời này, hình bóng kia biến mất khỏi mắt tôi, vì thế tôi ngỡ rằng Tình yêu đã trao cho tôi một phần lớn. Một chút đổi thay trên nét mặt, tôi tiếp tục lên đường trong cái ngày này trầm tư và thường xuyên thở dài. Một ngày sau tôi bắt đầu viết bài thơ bắt đầu bằng: “Cavalcando".

Một buổi chiều tôi rong ruổi trên đường
Trong mỏi mệt đường xa và đau khổ
Trên đường ấy tôi với Tình gặp gỡ
Người lữ hành mặc chiếc áo giản đơn.

Giống như người cần gì đó với nhau
Tôi cứ ngỡ vẻ ngoài rất tội nghiệp
Người thổn thức và vội bàn chân bước
Trước người quen như cúi xuống mái đầu.

Nhìn thấy tôi, người nói: “Xin giã biệt
Đến muôn đời tôi về chốn xa xăm
Nơi con tim ngươi phụng sự áng chừng

Vì bây giờ phụng sự niềm vui khác…”
Nghe những lời trên tôi thấy ngại ngùng
Rồi người biến mất, tôi không biết được.


Bài thơ này có ba phần: ở phần thứ nhất tôi kể rằng tôi đã gặp gỡ Tình yêu và ngỡ tình ra sao; ở phần thứ hai kể rằng Tình đã nói gì với tôi, mặc dù không phải tất cả vì sợ mở ra điều bí mật; ở phần thứ ba nói về Tình đã biến mất ra sao. Phần thứ hai bắt đầu bằng: “Quando mi vide" “Nhìn thấy tôi…”; phần thứ ba: “Allora presi.." “Nghe những lời…”.

X

Sau khi trở về tôi đi tìm cô nương mà vị chúa tể đã gọi tên cho tôi trên con đường thổn thức, nhưng để cho câu chuyện của tôi ngắn hơn, tôi chỉ nói rằng trong một thời gian ngắn tôi đã biến nàng thành sự che chở cho mình, rằng nhiều người hiểu điều này ngoài giới hạn của sự nhã nhặn mà tôi nhiều lần đã trầm tư suy nghĩ. Vì nguyên nhân này, nghĩa là vì sự xúc phạm mà người ta đồn đại về tôi, khiến người cô nương cao thượng nhất khi đi trên phố đã từ chối tôi bằng cái cúi chào ngọt ngào nhất, là tất cả hạnh phúc của tôi. Và để phần nào sáng tỏ điều bây giờ tôi đang nói, tôi muốn giải thích rằng cái cúi chào của nàng đã làm cho tôi hạnh phúc biết nhường nào.

XI

Tôi nói rằng: khi nàng xuất hiện bất kể từ phía nào thì niềm hy vọng về cái cúi chào xua đi tất cả mọi cái xấu trong tôi và làm đốt lên ngọn lửa của từ bi, bắt tôi tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến tôi. Và nếu như người ta hỏi tôi điều gì khi đó thì câu trả lời của tôi chỉ có một: “Tình yêu…” – và gương mặt của tôi đầy vẻ nhún nhường. Và khi gần khoảnh khắc của sự cúi chào, linh hồn của tình yêu xua đuổi những linh hồn khác, xua đuổi những linh hồn yếu đuối của thị giác và nói rằng: “Hãy đến và tôn vinh danh sự cô nương” – còn tôi đứng yên tại chỗ. Và giá như ai đó muốn nhận thức tình yêu, thì người này có thể làm được điều này khi nhìn vào đôi mắt run rẩy của tôi. Khi cô nương cao thượng nhất cúi chào, Tình yêu không chỉ không cản trở một niềm hạnh phúc bao trùm lấy tôi mà còn ngọt ngào đến mức thân thể của tôi như chịu sự sai khiến của nàng, khi đó cử động có vẻ như một vật gì đó rất nặng nề và buồn tẻ. Từ đó rõ ràng một điều rằng trong cái cúi chào của nàng là niềm hạnh phúc của tôi và rất nhiều lần vượt quá sức lực của tôi.

XII

Bây giờ, trở lại với đối tượng của câu chuyện, tôi xin nói rằng sau khi niềm hạnh phúc của tôi bị từ chối thì có một nỗi buồn thương làm cho tôi chạy trốn mọi người để trút dòng nước mắt cay đắng, sau khi dòng nước mắt đã vơi bớt, tôi đi về phòng của mình, là nơi tôi đau khổ mà không sợ ai nghe thấy. Ở đây tôi cầu xin lòng thương của cô nương và thốt lên: “Tình yêu ơi hãy giúp người chung thủy!” – và tôi thiếp đi trong nước mắt giống như đứa trẻ bị đánh. Trong giấc ngủ, có vẻ tôi nhìn thấy một chàng trai trẻ trong nhà mình, ngồi gần bên, mặc áo quần màu trắng, nhìn với vẻ trầm tư và nói những lời: “Fili mi, tempus est ut praetermittantur simulacra nostra: Con trai ơi, đã đến lúc chia tay với những cái giả vờ”. Khi đó tôi ngỡ là tôi biết người này vì đã nhiều lần gọi tôi, tôi thấy người này có vẻ khóc và đợi câu trả lời của tôi, thế là tôi lấy can đảm và nói: “Vị chúa tể cao thượng ơi, tại sao ngươi khóc?” Và người này trả lời tôi: “Ego tanquam centrum circuli, cui simili modo se habent circumferentiae partes: tu autem non sic: Ta giống như trung tâm của vòng tròn, cách xa những phần bên; ngươi không giống như vậy”. Khi tôi suy nghĩ về những lời trên thì tôi ngỡ rằng người này trả lời rất mờ ảo, bởi thế, tôi buộc phải nói những lời sau: “Sao thế, vị chúa tể của tôi, ngươi trả lời tôi rất mờ ảo?” – thế là người này trả lời bằng lời thông thường: “Đừng hỏi nhiều, chẳng lẽ có ích gì cho ngươi”. Tôi trò chuyện với người này về cái cúi chào mà tôi bị từ chối và hỏi về nguyên nhân thì được trả lời: “Beatrice của chúng ta nghe người ta nói rằng cô nương mà ta đã nói với ngươi trên con đường thổn thức đã giận ngươi, bởi thế Cô nương – người trái ngược với những điều khiếm nhã không hạ cố đoái hoài đến sự chào đón của ngươi, e ngại bị rơi vào tình thế bất lịch sự. Vì rằng nàng có thể biết điều bí mật của ngươi vì đã biết ngươi từ lâu, nên ta muốn ngươi viết một bài thơ kể về sức mạnh của ta đối với ngươi thay vì nàng và rằng ngươi đã thuộc về nàng từ ngày thơ ấu. Để chứng kiến cho điều này, ngươi hãy gọi người biết chuyện và hãy nói rằng ngươi nhờ người ấy báo cho nàng biết. Vì rằng ta là người chứng kiến như vậy nên ta sẵn lòng giải thích để nàng biết mong muốn của ngươi và hiểu ra những lời đàm tiếu. Lời thơ ngươi hãy viết sao cho có vẻ hơi vòng vo một chút mà không nói thẳng trực tiếp với nàng, và không qua ta, ngươi chớ gửi đi đâu, những nơi mà nàng có thể nghe thấy, trang điểm lời thơ sao cho ngọt ngào để như mọi lần, khi ta cần đến”. Nói xong những lời này, người kia biến mất – và giấc mơ của tôi đứt quãng. Tôi nhớ lại những điều mơ thấy trong giờ thứ chín của ngày và quyết định trước khi ra khỏi phòng mình, viết một bài ballata, trong bài thơ này sẽ thể hiện những điều mà vị chúa tể đã ra lệnh cho tôi, bài ballata bắt đầu bằng “Ballata i’ voi…”

Bài Ballad, hãy đi tìm Tình yêu
Với Tình yêu trình diện cùng người đẹp
Để nàng sẽ nghe ra, trong câu hát
Chúa tể với nàng hãy nói đôi điều.

Ngươi hãy dịu dàng, đằm thắm, yêu kiều
Rằng ngươi chỉ một mình, không bè bạn
Ở khắp nơi dám đương đầu nguy hiểm
Nhưng nếu con tim lo âu
Thì hãy đừng trì hoãn
Hãy lên đường cùng với Tình yêu.
Vì cho kẻ mà ngươi mang tin đến
Ta biết rằng có điều chi thù hận
Nếu ngươi chỉ đến một mình
Có thể nàng không nghe lời cầu khẩn.
Ngươi hãy đến và reo vui, sung sướng
Rồi hãy lặng im khi đứng trước nàng
Hãy gắng van vỉ và cầu xin:
“Người đẹp ơi, cái người gửi tôi đến
Chỉ ước ao, nếu như người vui
Được làm kẻ bảo vệ cho người
Vì Tình yêu khao khát
Đổi thay vẻ ngoài nhờ sắc đẹp
Tình sai phụng sự người khác kia
Nhưng thủy chung, chỉ phục tùng người đẹp”.

Và hãy nói với nàng: “Hỡi người đẹp
Lòng chung thủy của người này
Và ý nghĩ chỉ về người đẹp thôi
Người này không cần ai khác”.
Còn nếu như nàng không tin câu hát
Thì để Tình yêu thú thật với nàng
Vì nàng từng chối từ giã biệt
Kẻ nô lệ trung thành đang ở trần gian
Hãy để nàng đưa ta vào cõi chết.

Hãy cầu xin nàng sự phục tùng
Và hãy ngay lập tức quay lại
Một khi lời nàng nói chưa xong:
“Vì những dòng thơ ngọt ngào ca ngợi
Đáp lại lời van vỉ cầu xin
Nỗi lòng ta cứu giải”.
Ngay khi nàng dứt lời nói
Thì hãy vội vàng với vẻ hân hoan –
Bài Ballad thân yêu, hãy lên đường
Hãy bay đi, mang niềm vinh dự tới!


Bài Ballad này chia làm ba phần: ở phần thứ nhất tôi nói bài thơ đi đâu và tán dương để nó tin tưởng ra đi, tôi nói bài thơ thuộc về người đồng hành nếu muốn được che chở khỏi nguy hiểm; ở phần thứ hai – tôi nói về điều cần làm; ở phần thứ ba – tôi cho phép nó lên đường khi muốn và trao con đường cho số phận. Phần thứ hai bắt đầu như vậy: ‘Con dolze sono..: Ngươi hãy đến và reo vui, sung sướng; phần thứ ba: ‘Gentil ballata..: Bài ballad thân yêu, hãy lên đường”.
Ai đấy có thể trách tôi và nói rằng không hiểu những lời tôi nói với ai qua nhân vật thứ hai, vì rằng bài ballad chính là những lời tôi viết, và tôi nói rằng điều chưa rõ ràng này tôi sẽ giải thích ở phần sau của cuốn sách, khi đó thì ai ai cũng rõ, kể cả những người ở đây còn nghi ngờ và còn trách móc tôi.
…………………………………………† ?……..

…………………………………………† ?……….

XLI

Sau đó hai cô nương cao thượng yêu cầu tôi gửi cho họ những dòng thơ này. Suy nghĩ về vẻ cao thượng của họ, tôi quyết định gửi thơ cho họ và viết bài thơ mới để gửi cùng những bài khác và để thực hiện tốt lời yêu cầu của họ. Tôi viết bài sonetto nói về trạng thái của tôi và gửi cho họ cùng với những bài thơ khác bắt đầu bằng: ‘Venite a intender: Hãy đến để mà nghe”.
Bài sonetto tôi viết khi đó bắt đầu bằng: Oltre la spera: Trên hình cầu” bao gồm năm phần. Ở phần thứ nhất tôi nói về ý nghĩ tôi đi đâu, gọi tên của hành động. Ở phần thứ hai tôi nói rằng tại sao ý nghĩ lên cao, nghĩa là ai dẫn lên đó. Ở phần ba tôi nói rằng thơ nhìn thấy gì, nhìn thấy cô nương nào ở trên cao và tôi gọi là “hồn lãng du” vì lên cao, tựa như người du hành ở xa quê hương mình và ở lại đấy. Ở phần bốn – tôi nói rằng hồn nhìn thấy nàng với những phẩm chất mà tôi không hiểu được, nghĩa là ý nghĩ của của tôi lên cao đến mức mà lý trí không nhận biết được, rằng trí tuệ của ta có thái độ với những linh hồn cao thượng tương tự như con mắt người yếu kém với mặt trời: chính điều này Nhà triết học nói đến trong quyển Siêu hình thứ hai. Ở phần năm – tôi nói rằng dù không hiểu được sự vật mà ý nghĩ tôi hướng đến, nghĩa là phẩm chất kỳ diệu nhưng tôi hiểu rằng tất cả những điều này là sự suy ngẫm về cô nương của tôi vì tôi thường xuyên nghe tên nàng trong ý nghĩ, và ở đoạn cuối của phần năm tôi nói ‘donna mie care: ôi những co nương ơi” để nói rằng tôi đang hướng về các cô nương. Phần hai bắt đầu bằng ‘intelligenza nova: một trí khôn rất mới..”; phần ba: ‘Quand´elli ố giunto: Trước sứ giả này..”; phần bốn ‘Vedela tal: Hồn nhìn ra..”; phần năm: ‘So io che parla: hồn đang nói về..”.
Có thể chia ra các phần nhỏ hơn và giải thích một cách cặn kẽ hơn nhưng có thể không cần chia ra như thế, bởi vậy tôi sẽ không phân chia tiếp.

Trên hình cầu, sứ giả của con tim
Lượn vòng quanh, hơi thở tôi qua đấy:
Với nỗi buồn, một Trí khôn rất mới
Tình trao cho, đang vỗ cánh bay lên.

Trước sứ giả này, một giới hạn ước mong
Thấy người đẹp trong một niềm tôn kính
Trong tốt đẹp, trong huy hoàng xán lạn
Rằng hồn lãng du không thể không nhìn.

Hồn nhìn ra, lên tiếng, nhưng mà tôi
Không hiểu nghĩa của một lời láu lỉnh
Dù hồn tôi chăm chú nghe điều tiếng

Nhưng hiện ra: hồn đang nói về Người
Tôi nghe ra cái tên: “Beatrice” –
Và hiểu ra, ôi những cô nương ơi.


XLII

Sau bài thơ này có một hình ảnh tuyệt diệu mà trong đó tôi nhìn thấy những điều bắt buộc tôi quyết định không nói về con người cao thượng, cho đến khi tôi chưa thể tường thuật lại một cách xứng đáng hơn. Và, để đạt được điều này, tôi làm những gì có thể như chính nàng thực sự biết điều này. Vì thế, nếu con người rất sống động ấy vui lòng, để cuộc đời tôi kéo dài thêm một vài năm, tôi hy vọng được nói về nàng cái điều mà chưa bao giờ có ai từng nói như vậy về một con người. Còn sau đấy, hẳn là Thượng Đế bao dung sẽ vui lòng, để linh hồn tôi có thể bay lên và nhìn thấy vinh quang người Trinh Nữ của mình, là người tôi mang ơn, có tên Beatrice, người mà ai có vinh hạnh được ngắm nhìn gương mặt Nàng, qui est per omnia saecula benedictus (người đó đến trọn kiếp mang niềm ân huệ).


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 11:01:47


Francesco Petrarca (1304-1374) – nhà thơ Italia, người được coi là ông tổ của thơ mới châu Âu.

Tiểu sử:
Sinh ngày 20-7-1304 ở Arezzo. Bảy tháng sau gia đình chuyển đến Toscana. Năm 1312 cả nhà lại chuyển sang Avignon, Pháp. Năm 1320 Petrarca cùng anh trai sang Bologna học ngành luật. Sau khi bố mất, cả hai anh em trở lại Avignon. Năm 1327, trong ngày Thứ Sáu tốt lành, Petrarca gặp và yêu cô gái có tên là Laura ở nhà thờ Avignon. Chính Laura là nguồn cảm hứng cho Petrarca viết hàng trăm bài sonetto bất tử.

Tác phẩm:
Năm 1337 Petrarca viết thiên sử thi “Châu Phi” (Africa) về nhà chinh phục Scipio Africanus và cuốn “Về những người nổi tiếng” (De Viris Illustribus). Năm 1341 nghị viện La Mã trao tặng nhà thơ giải thưởng vòng nguyệt quế. Những năm 1342-1343 Petrarca viết cuốn “Bí mật của tôi” (Secretum Meum), các trường ca “Tình yêu lên ngôi” (Triumphus Cupidinis), “Trí tuệ lên ngôi” (Triumphus Pudicitie). Năm 1350 Petrarca làm quen với nhà thơ Boccaccio và viết thêm một số tác phẩm như: “Vinh quang lên ngôi” (Triumphus Fame), “Cái chết lên ngôi” (Triumphus Mortis)…
Tuy vậy, tác phẩm nổi tiếng nhất của Petrarca là “Quyển sách những bài ca” (Canzoniere). Đã bao thế kỉ trôi qua nhưng loài người vẫn mãi còn nhớ đến Petrarca với “Quyển sách những bài ca” gồm 317 bài sonetto và nhiều bài thơ khác. “Quyển sách những bài ca” bao gồm “Những bài ca về cuộc đời của người đẹp Laura” và “Những bài ca về cái chết của người đẹp Laura”. Petrarca nhìn thấy Laura buổi sáng ngày 6 tháng 4 năm 1327 ở Avignon. Đó là một ngày Thứ sáu định mệnh. Chàng thi sĩ 23 tuổi đang đắm mình trong những lời cầu nguyện bỗng nhiên bắt gặp ánh mắt nhìn của người đẹp Laura. Chàng thi sĩ đã yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên này như một thứ ánh sáng siêu nhiên ngoài trái đất. Khi đó Laura đã lấy chồng được 2 năm. Sau này nàng có 11 đứa con. Còn chàng thi sĩ sau lần gặp cái ánh mắt ấy suốt 21 năm trời ngồi làm thơ ca ngợi nàng như một thiếu nữ Trinh bạch và Thanh khiết. Chàng đã trút hết tình cảm của mình vào những dòng thơ ca ngợi nàng và cứ mỗi ngày mỗi mạnh. Dường như Laura cũng từng biết đến những bài thơ này, nhưng… "nhưng mà em đã thuộc về người khác". Năm 1348 nạn dịch hoành hành khắp châu Âu đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người, trong số đó có Laura. Nàng chết đúng vào giờ, ngày, tháng và ở thành phố – đúng thời gian và địa điểm, nơi mà những ánh mắt kia đã giao nhau. Cái chết của Laura đối với Petrarca là một mất mát không có gì bù đắp nổi. Ông mất ngày 18-7-1374 tại Arquà.



10 bài Sonetto

LXI

Ta cám ơn ngày tháng, phút giây
Và khoảnh khắc, khi ánh nhìn ta gặp
Ta trở thành kẻ tù binh của mắt
Ta cám ơn thành phố của ta đây.

Ta cám ơn nỗi đau, lần đầu tiên
Ta cảm nhận mà không hề nhìn thấy
Rằng mũi tên tình yêu sâu đến vậy
Đức Chúa Trời đã cắm nó vào tim!

Và thổn thức, nức nở, ta cám ơn
Trong giấc mơ rừng sồi ta nghe thấy
Thức dậy trong lòng ta một cái tên!

Ta cám ơn những bài thơ của mình
Đã hát lên ngợi ca con người ấy
ý nghĩ về nàng kết lại quang vinh.

LXII

Ngày lại ngày nối đuôi nhau thơ thẩn
Đêm mơ về người con gái ta yêu
Tại vì người ta chịu đựng đã nhiều
Những đường nét tuyệt vời ta say đắm.

Ta cầu Chúa bằng việc làm xứng đáng
Suy sụp của ta xin được đền bù
Và ta vây bắt loài quỉ sứ kia
Bằng lưới bện từ trong hang ổ chúng.

Năm thứ mười một bây giờ đang đến
Kể từ khi ta chịu cảnh tù đày
Sự nghiệt ngã được đóng bằng dấu triện.

Xin tha thứ cho kẻ không xứng đáng
Hãy nhắc ta nhớ ý nghĩ của mình
Như trong ngày Đức Chúa bị đóng đinh.

LXV

Bị tấn công tôi không hề chuẩn bị
Không biét rằng sẽ chịu cảnh tù đày
Rằng Thần Tình yêu – quyền lực tối cao
Có thêm tôi, thêm một người nô lệ.

Tôi không tin Thần Tình yêu như thế
Rằng con tim tôi đến nỗi yếu mềm
Để mất hết rồi cảm xúc đầu tiên
Ôi! Lòng tự tin sao mà nghiệt ngã.

Chỉ một điều tôi năn nỉ xin Thần
Dù một chút lòng thương, xin hãy giữ
Trước lời cầu, Thần có vẻ bao dung

Ô không, không phải để trong tim
Tắt lửa tình, mà xin đem chia sẻ
Đem cho nàng một nửa khối tình chung.



CXXXII

Cơn sốt này không phải tình yêu sao
Ta bị rét? Chính vì tình yêu đó
Tình tốt đẹp? Nhưng trời ơi đau khổ
Ngọn lửa ác?… Những đau khổ ngọt ngào.

Biết trách ai, ta tự bước chân vào
Vòng quyến rũ, thở than cho phí uổng
Trong đời: cái chết và tình yêu thật giống
Thật giống nhau khát vọng với nỗi đau.

Ta cầu cứu hay đành chịu nhận về
Quyền lực khác?… Lý trí ta lầm lẫn
Ta – con thuyền nhỏ trên bồng bềnh con sóng.

Không người lái, mạn đuôi thuyền trống rỗng
Ta dùng dằng – chẳng biết muốn điều chi
Trời rét – cháy lên, ta run – khi trời nóng.

CCXLVIII

Không hình dung nổi Thiên nhiên hậu hĩnh
Và trời xanh, nếu mắt chẳng thấy Người
Kẻ đối với ta đã hoá mặt trời
Mọi tinh cầu giữa trời xanh che kín.

Đừng trì hoãn khi người ta đi đến
Lấy những gì tốt đẹp, bỏ xấu xa
Và cái chết sẽ vun vút mang đi
Sau cái chết là tự do lựa chọn.

Đừng chậm trễ – và ngươi qua ánh mắt
Trong một niềm sáng tạo sẽ cùng ta
Mọi phẩm hạnh và muôn vàn vẻ đẹp.

Và nói rằng thơ của ta đã tắt
Rằng lí trí ta bất hạnh mù loà
Ai không kịp, sẽ rót đầy nước mắt.



CCXLIX

Tôi nhớ lại một ngày – và thờ thẫn
Lại thấy ánh nhìn tiễn biệt đau thương
Của người đẹp – và tuyệt vọng bao trùm
Tôi sung sướng được quên, nhưng mà chẳng.

Hình dáng buồn với hồn tôi kết đọng
ánh mắt kia thánh thiện đến muôn đời
Cảm thấy rằng người kinh tởm trò vui
Vây quanh người có một điều lo lắng.

Vẻ linh hoạt biến mất, và dấu vết
Màu áo quần tái nhợt và buồn đau
Màu sắc bài ca quên lãng từ lâu.

Tôi lo lắng trong lòng – và nhớ hết
Những giấc mơ, những linh cảm buồn thương
Tôi cầu Trời, nuôi những ý tưởng nhầm.

CCL

Vẻ thần tiên từ lâu trong xa ngái
An ủi tôi trong giấc mộng mà thôi
Người đẹp ơi, ân huệ ở đâu rồi?
Trong hồn tôi buồn đau và sợ hãi.

Thường xuyên hơn nỗi đau, lòng thương cảm
Tôi hình dung trên gương mặt của em
Tôi nghe theo, có vẻ thường xuyên hơn
Trong ngực này hi vọng không sưởi ấm.

“Cái buổi chiều, anh còn nhớ, chưa quên –
Người yêu dấu nói với tôi – khi đó
Em vội đi có làm anh phật ý?

Nhưng bấy giờ không thể nói cùng anh
Và em không muốn rằng anh lần cuối
Trong cõi đời chiều ấy nhận ra em”.

CCXCVIII

Nhìn tháng năm đã trôi về dĩ vãng
Làm tiêu tan những dự định của ta
Ngọn lửa hồng bây giờ đã phôi pha
Dấu lặng yên nghiệt ngã và cay đắng.

Giấc mơ tình tin vào ta đã chẳng
Đã tiêu tan hạnh phúc hai cuộc đời
Giờ một dưới đất, một ở trên trời
Chỉ còn lại một nỗi niềm cay đắng.

Ta khổ sở thấy mình rất nghèo túng
Ta tiếc thương cho số kiếp long đong
Ta thấy mình ta, sợ hãi vô cùng.

Số phận ơi ta đợi phút lâm chung
Và ngày trắng trên ngôi nhà tội nghiệp
Xin quật đổ và ta đây xin chết.

CCXCI

Đâu gương mặt sáng ngời, đâu ánh mắt
Tôi đi theo, trái với ý của mình
Chỉ lối tôi đi cái ánh mắt nhìn
Hai ngôi sao dẫn đường như châu ngọc?

Đâu trí tuệ, tiết trinh, đâu kiến thức
Đâu lời nói dịu êm, lời nói ngọt ngào?
Đâu sắc đẹp thần tiên, hình bóng từ lâu
Ta theo đuổi, say mê, giờ chợt mất?

Đâu nét dịu dàng của vầng trán cao
Trong cơn nóng cho ta hơi thở mát
Cho ý nghĩ thanh cao, ước mơ dịu ngọt?

Người dẫn dắt số phận ta giờ đâu?
Đời lầm than đã mất niềm hạnh phúc
Mắt ta u sầu, mù đi vì nước mắt.

CCC

Ta ghen tỵ với tro tàn trong mộ
Ngươi tham lam giấu người ấy ta buồn
Ngươi lấy đi người con gái yêu thương
Chỗ nương tựa trong cuộc đời đau khổ.

Và linh hồn trên trời ta ghen tỵ
Ngươi nhận về người con gái trẻ trung
Đem nàng về trong vòng sáng của mình
Còn ta đây vì sao ngươi chối bỏ.

Ta ghen tỵ với hạnh phúc của họ
Để giờ đây ta chiêm ngưỡng một mình
Vầng trán của nàng toả sáng linh thiêng.

Và ta ganh tỵ với ngươi – thần chết
Mang cuộc đời em về cõi của mình
Bỏ lại ta trên đời như sa mạc.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 11:04:07

Matteo Bandello (1485-1561)




ROMEO & JULIET

Câu chuyện bất hạnh và cái chết đau buồn của đôi tình nhân: một người chết vì uống thuốc độc, còn người kia – vì khổ đau quá mức.

Chàng tin rằng người dấu yêu đã chết
Người vợ hiền không còn nữa – thương ôi!
Bên xác vợ, chàng ngã xuống rụng rời
Romeo uống vào liều thuốc độc.

Khi tỉnh giấc, hiểu ra, Juliet
Nhìn người chồng bằng ánh mắt đau thương
Nàng thổn thức, nàng hướng về trời xanh
Hỏi trăng sao có thấu điều mất mát.

Đau đớn thay! Nhìn chàng nằm bất động
Gương mặt nàng trắng hơn cả áo quan:
“Con xin Trời cho con được theo chàng

Chỉ một điều, một điều con cầu khẩn
Hãy cho con xin được chết theo chàng!”
Và con tim nàng đau đớn vỡ tung.
__________
Bài thơ này khắc trên mộ chí của Romeo & Juliet. Rút từ câu chuyện tình “Romeo & Juliet” của Matteo Bandello. Dựa vào cốt truyện của câu chuyện này mà William Shakespeare đã viết nên bi kịch “Romeo & Juliet” nổi tiếng.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 11:07:13


Giosue Carducci (1835-1907) – nhà thơ, nhà văn Italia đoạt giải Nobel Văn học năm 1906. Giosue Carducci sinh ngày 27-7-1835 ở vùng tây - bắc tỉnh Toscana, Italia. Là con trai một bác sĩ, thành viên của một tổ chức bí mật đấu tranh thành lập chính thể lập hiến nên gia đình thường xuyên phải chuyển nơi ở. Từ năm 1848, gia đình chuyển đến Firenze, Carducci mới được đến trường. Cậu bé say mê văn học cổ điển, đọc nhiều, bắt đầu viết về đề tài lịch sử, làm thơ trào phúng, dịch khúc thứ 9 trong trường ca Iliad của Homer. Năm 1853 G. Carducci được học bổng vào trường Đại học Pisa, học triết và văn học, kết bạn với những người đồng chí hướng thuộc nhóm Văn Đàn.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Pisa, ông làm giảng viên tại trường trung học thành phố Man-Miniato-al-Tedesco. Năm 1857 ông in tập thơ đầu tiên Thi vận, gồm những bài sonneto và ballata mang một tình cảm ái quốc sâu nặng, thiếu vắng hẳn những tình cảm ủy mị của chủ nghĩa lãng mạn. G. Carducci là một trong những người đứng đầu đã tập hợp quanh mình nhóm tác giả của tạp chí Phụ bản do Pietro Tuar ấn hành, coi nhiệm vụ của mình là bảo vệ nền thơ ca Italia thoát khỏi cái mà họ gọi là "ảnh hưởng nguy hại của chủ nghĩa lãng mạn". Những năm 1857-1858 G. Carducci gặp nhiều khó khăn: tài chính eo hẹp, anh trai tự tử, cha mất sau đó một năm. Sang năm 1859, ông lấy vợ, năm sau nhận được chức giảng viên khoa tiếng Hi Lạp tại trường Đại học Pistoja. Còn sau vài tháng, ông trở thành giáo sư Văn học Italia tại Đại học Bologna, giữ chức trưởng khoa đến khi về hưu vào năm 1904.

Di sản thơ của G. Carducci không nhiều, trong bộ tuyển 30 tập chỉ có 4 tập thơ, phần còn lại là khảo luận, chuyên luận khoa học và các bài tranh luận. Các tác phẩm thơ tiêu biểu của ông là Nhẹ nhàng và nghiêm trọng (1861-1868), Thơ mới (1861-1887), Những đoản thi man dại (ba tập, 1878-1889)... Những năm cuối đời G. Carducci, vốn nổi tiếng là một nhà hùng biện, được coi là nhà thơ dân tộc Italia, trở thành thượng nghị sĩ, ủng hộ chính sách bành trướng của Italia ở châu Phi.

Ngoài sáng tác thơ, G. Carducci còn nổi tiếng là một nhà phê bình và nhà ngôn ngữ học. Ông là tác giả của nhiều bài viết quan trọng và Dante, Petrarca, Boccaccio… Năm 1906 ông được trao giải Nobel Văn học vì “phong cách mới mẻ và sức mạnh trữ tình trong thơ”. Ông mất ngày 16-2-1907 tại Bologna, một năm sau khi nhận giải Nobel Văn học.

Tác phẩm:
*Thi vận (Rime, 1857), thơ
*Nhẹ nhàng và nghiêm trọng (Levia gravia, 1861-1868), thơ
*Thánh ca cho quỉ Satan (Inno a Satana, 1865), thơ
*Thơ Iambơ và epodes (Giambi ed epodi, 1882), thơ
*Thơ mới (Rime nuove, 1861-1887), thơ
*Những đoản thi man dại (Delle di barbare, 1878-1882, 1889), thơ
*Nghiên cứu về những thế kỉ đầu tiên của quá trình phát triển văn học Italia (Studii su la letteratura italianna dei primi secoli), khảo luận
*Về sự phát triển nền văn học dân tộc (Dello svolgimento della letteratura nazionale, 1868-1871), phê bình
*Nghiên cứu văn học (Studi letterati, 1874), khảo luận
*Phác thảo phê bình và tranh luận văn học (Bozetti critici e discorsi letterari, 1876), phê bình
*Thi vận và tiết điệu (Rime e ritmi, 1901), thơ



Ở VÙNG TERME DI CARACALLA

Những đám mây đen bay qua Aventino, Celio
ngọn gió buồn từ đồng bằng mang hơi ẩm
đằng xa – những ngọn đồi Anbani
đứng trong tuyết trắng.

Dưới màu tro của tấm khăn voan
dâng lên màu xanh, cô gái người Anh tìm trong sách
những cuộc tranh luận của thời xa lắc
và bầu trời với những viên đá thành Rôm.

Bầy quạ đen không ngừng tiếng kêu vang
quạ bay giữa trời như có vẻ
tiếng gọi của ai nghe rất dữ
và to lớn vô cùng.

Người khổng lồ cổ đại mơ tưởng, than phiền
bầy yêu tinh – với trời xanh tranh luận
từ Laterano nghiêm trang đổ xuống
một hồi chuông.

Kẻ lười biếng quấn vào chiếc áo choàng
miệng huýt gió, không nhìn ai hết
bây giờ ta gọi ngươi, bệnh sốt rét
ở đây, ngươi là thiên thần.

Nếu động đến ngươi giọt nước mắt tuyệt trần
và lời van xin của nhiều bà mẹ
chùi nước mắt cho bầy con trẻ
cúi mình xuống nhọc nhằn.

Động chạm đến Palazio vinh quang
cái bàn thờ xưa (ngọn đồi evandrio
Tebro trong buổi chiều vật vờ
khắp Campidoglio

hoặc Aventino, rồi trở về
ngắm mưa đá đang đổ xuống
và hát trong im lặng
bài ca Saturino).

Bệnh sốt rét, ngươi hãy xua đi
những kẻ xa lạ với điều bận rộn
điều khủng khiếp này, xin hãy kính trọng
thiên thần của thành Rôm

ở Palatino – kiêu hãnh ngẩng đầu lên
ở Aventino, Celio buông tay xuống
từ Capena đến Appia con đường lớn
giũ sạch bờ vai.


TIẾNG KHÓC

Cây lựu lại cúi mình
Trong im lặng của khu vườn hoang vắng
Và những chiếc lá lại vui mừng
Đón ánh nắng của mùa hè nóng bỏng.
Như bàn tay con trẻ, thường xuyên
Tiếng khóc đã từng giăng ra một thuở
Lên màu của những chiếc lá xanh
Và lên màu lá đỏ bừng như lửa.

Màu của cô đơn, màu cuối cùng
Màu của lá cành không đến nỗi
Màu của cuộc đời tôi không cần
Với ngươi, ta không còn gặp lại.
Ngươi ở trong đất đen lạnh lẽo
Mặt trời tháng sáu như ánh mắt nhìn
Niềm vui cho ngươi – không mang tới
Tình yêu cho ngươi – chẳng thức lên.
 

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 11:09:27


Salvatore Quasimodo sinh ngày 20-8-1901 tại Sicily, học ở các trường kỹ thuật theo ý muốn của cha mẹ nhưng từ năm 1938 dạy văn học ở Nhạc viện Milan. Năm 1916, S. Quasimodo vào học trường kĩ thuật ở Palermo và sau đó theo học trường Bách khoa ở Roma với mong muốn trở thành một kĩ sư. Ngoài ra, ông còn học tiếng Latinh và tiếng Hi Lạp tại đó. Tuy nhiên, vì lý do kinh tế, ông không thể hoàn thành việc học tập. Từ khi là học sinh ông đã say mê và đọc nhiều sách văn học, bắt đầu đăng báo những bài thơ đầu tiên, nhưng thời gian đầu do không tự tin lắm với khả năng văn học của mình nên ông đã vào làm việc ở Bộ Xây dựng. Năm 1930 S. Quasimodo xuất bản tập thơ đầu tiên Nước và Đất.

Trong giai đoạn từ 1930 tới 1938, ông làm quen với rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng Italia, xuất bản hàng loạt tập thơ được chú ý. Năm 1938, ông xin thôi việc ở Bộ Xây dựng và làm biên tập viên cho tạp chí Tempo, 3 năm sau trở thành giáo sư văn học Italia ở Nhạc viện Milan.

Trong sáng tác thơ của ông cũng có nhiều sự thay đổi: đầu tiên theo chủ nghĩa hiện thực, những năm 30 theo trường phái Hermetic, khi chiến tranh thế giới II nổ ra lại hướng về những đề tài xã hội. Năm 1946 Salvatore Quasimodo gia nhập Đảng cộng sản nhưng sau đó đã ra khỏi đảng vì không muốn làm thơ về chính trị. Đối với S. Quasimodo, vai trò của nhà thơ phải mang tính tích cực: nhà thơ dùng tài năng của mình để tham gia vào cuộc đấu tranh trong xã hội hiện đại. Các tác phẩm về sau của S. Quasimodo càng thể hiện sự thay đổi, đi từ phản ánh nội tâm cá nhân sang tính xã hội, và hơn nữa còn khẳng định đặc điểm tích cực của cuộc sống thậm chí trong một thế giới mà cái chết là nỗi ám ảnh thường trực. Trong tập thơ Đất vô song (1958) ông đã phát triển một ngôn ngữ mới thể hiện hoạt động mới của con người và các khám phá mới.

Năm 1953 ông được trao giải thưởng Thơ quốc tế Etna Taormina, bằng danh dự Đại học Oxford và nhiều giải văn chương khác. Năm 1959, S. Quasimodo được trao giải Nobel vì “những tác phẩm thơ trữ tình xuất sắc phản ánh kinh nghiệm bi thảm của thời đại bằng một nghệ thuật trác tuyệt".
Ngoài sáng tác, Quasimodo còn là một dịch giả thơ nổi tiếng. Ông dịch thơ trữ tình Hy Lạp (I lirici greci), Shakespeare và nhiều nhà thơ đương đại của Thế giới. Salvatore Quasimodo mất ngày 14-7-1968 tại Naples (Napoli).

Tác phẩm:
- Nước và đất (Acque e terre, 1930), thơ.
- Kèn ô boa (Oboe sommerso, 1932), thơ.
- Hương khuynh diệp và các bài thơ khác (Odore di eucalyptus e altri versi, 1933), tập thơ.
- Thơ trữ tình Hy Lạp (I lirici greci, 1940), thơ dịch.
- Các bài thơ mới (Nuove poesie, 1942), thơ.
- Bàn chân kẻ xa lạ đặt trên trái tim tôi (Con il piede straniero sopra il coure, 1945), tập thơ.
- Ngày lại ngày (Giorno dopo giorno, 1946), thơ.
- Cuộc đời không phải là giấc mộng (La vita non è sogno, 1949), thơ.
- Màu xanh giả và màu xanh thật (Il fallo e vero verde, 1956), tập thơ.
- Bàn về thơ (Discorso sulla poesia, 1956), tiểu luận.
- Đất vô song (La terra impareggiabile, 1958), thơ .
- Nhà thơ, nhà chính trị và các tiểu luận khác (Il poeta, e il politico e altrri saggi, 1960), tiểu luận.
- Cho và có (Dare e avere, 1966), tập thơ.




MÀU MƯA VÀ RỈ SẮT

Ngươi nói rằng: sự im lặng, cái chết, sự cô đơn
cũng như người ta nói tình yêu và cuộc sống
đó là những lời trung chuyển.
Và ngọn gió mỗi buổi sáng rung lên
và màu mưa, rỉ sắt của thời gian
mang về trên đá
trên những lời nguyền rủa
đến sự thật hãy còn quá xa xôi.
Thì hãy nói cho ta nghe, con người
con người bị đóng đinh trên thập ác
và ngươi - đôi bàn tay máu còn dính chặt
ta biết trả lời làm sao những câu hỏi này?
và giờ đây
trước khi sự im lặng ùa vào đôi mắt
trước khi ngọn gió mới lại rung lên, và rỉ sắt
lại dâng đầy.


TUYẾT

Ngọn gió cúi xuống, chia tay với các ngươi
những bóng hình yêu quí của đất đai – cây cối
con người, súc vật
trùm lên những chiếc áo khoác
những bà mẹ không biết làm sao khóc lên
và như trăng, tuyết chiếu sáng cho ta từ những cánh đồng.
Ôi những linh hồn chết trong con tim gõ nhịp.
Dù cho ai đấy phá vỡ sự lặng im bằng tiếng khóc nức nở của mình,
như áo quan, màu tuyết trắng khắp nơi như màu chết.





TRÊN NHỮNG RẶNG LIỄU

Chẳng lẽ ta có thể hát lên dưới gót dày
của ngoại bang, khi mà trên những quảng
trường mùa đông chất đầy xác chết
đã nhiều ngày, và con tim tan nát
vì không im tiếng khóc, tiếng nức nở của
những mẹ già có những đứa con trai bị treo
trên dây thép? Lúc này ta phải hát làm sao?
Trên những rặng liễu, giữa đồng hoang và
những cây đàn của ta nhẹ tênh, đung đưa
trong ngọn gió giá băng vô cùng buồn bã.


HÒN ĐẢO ODYSSEY

Giọng nói cổ xưa quyết đoán
Và anh nghe theo tiếng vọng phù du
Cùng sự lãng quên đêm vắng
Giữa vực thẳm sao trời.

Từ ngọn lửa trời xanh
Hòn đảo Odyssey xuất hiện
Cây cối, bầu trời bơi trong đêm yên tĩnh
ở giữa bờ sông trăng.

Em yêu ơi, những con ong mang đến cho ta vàng
Thời gian âm thầm biến đổi.
 

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 08.12.2007 11:13:40


Eugenio Montale (1896-1981) – nhà thơ, nhà phê bình văn học Italia đoạt giải Nobel Văn học 1975. Sinh ngày 12-10-1896 ở Gienova, Italia. Từ nhỏ bị ốm nặng không đến trường được nên đọc rất nhiều sách văn học, triết học, thu lượm nhiều kiến thức về văn hóa, âm nhạc, hội họa, tư tưởng nghệ thuật của những triết gia hàng đầu Châu Âu. Trong thế chiến I ông là sĩ quan bộ binh, chiến đấu ở mặt trận nước Áo 2 năm. Làm giám đốc thư viện Gabinetto Vieusseux trong 10 năm.

Năm 1925 ông xuất bản tập thơ đầu tiên Những chiếc mai cá mực được dư luận chú ý bởi giọng thơ cách tân khác biệt với những nhà thơ đương thời. Phong cách thơ của E. Montale gần gũi với T. S. Eliot, không ngẫu nhiên mà ông dịch Đất hoang của Eliot ra tiếng Italia. Năm 1948 ông bắt đầu viết phê bình văn học và âm nhạc cho tờ Corriere della Sera, một nhật báo uy tín ở Milan. Năm 1956 E. Montale cho ra đời tập thơ được đánh giá là tiêu biểu nhất của ông Giông tố và những bài thơ khác. Các tác phẩm của ông mang đậm vẻ đẹp của nền văn hóa Italia và nêu cao tinh thần chống chủ nghĩa phát xít. Ngôn ngữ thơ ông gần với tiếng Italia bình dân. Năm 1967, ông được bổ nhiệm là thượng nghị sĩ trọn đời của Quốc hội Italia. Năm 1975 E. Montale nhận giải Nobel vì các tác phẩm thơ ca đặc sắc thể hiện quan điểm và cảm xúc lớn lao về một cuộc sống bị tước bỏ ảo ảnh. Sự tìm tòi một ngôn ngữ thơ nguyên thủy khiến E. Montale trở thành một trong những nhà thơ lớn nhất của Italia trong thế kỷ XX. Thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Eugenio Montale mất ngày 12-9-1981 tại Milan.

Tác phẩm:
*Những chiếc mai cá mực (Ossi di seppia, 1925), thơ
*Ngôi nhà hải quan và các bài thơ khác (Lacasa dei doganieri edaltri versi, 1932), thơ.
*Cơ hội (Le Occasioni, 1939), thơ
*Cuối đất (Finisterre, 1943), thơ
*Giông tố và những bài thơ khác (La bufera e altro, 1956), thơ
*Xenia, (1966), thơ.
*Satura (1971), thơ.
*Nhật kí năm 71 và 72 (Diario del 71 del 72), thơ.
*Thơ mới (New poem, 1976), thơ.
*Sổ ghi chép trong bốn năm (Quaderno di quattro anni, 1977), thơ.



XENIA (1964-1966)*

1

Côn trùng dễ thương ơi, anh không biết
tại vì sao em lại gọi là ruồi
ngày hôm nay trời hầu như tối mịt
còn anh đọc quyển Deuteroisaia(1) phần hai
khi em lại hiện lên trước mặt anh đây
chỉ một điều em không đeo kính
nên em không thể nào nhìn ngắm
còn anh không thể thiếu kính này
để nhận ra em trong làn khói.

2

Không có râu ria, không có kính
không cánh bay, tội nghiệp quá em ơi
em chỉ bay trong giấc mộng mà thôi
bài hát cổ xưa trong Kinh Thánh
có quá ít điều thú vị và đêm đen
sấm chớp và sau đó mưa dông
không phải mưa dông, chẳng lẽ là em có thể
vội vàng ra đi
không nói năng một điều gì
dù anh vẫn nghĩ rằng đôi môi ngày ấy.

3

Khách sạn Saint James ở Pari anh cần thuê
phòng một người (họ không vui
khi khách đi lẻ), và thế rồi
ở khách sạn Bisanzio cũng thế
sau đó, khi đi tìm
cái phòng của những cô nhân viên điện thoại
là những người quen biết của em
thì đã không còn dây máy
khao khát có em
dù chỉ một cử chỉ, dù chỉ một thói quen.

4

Ta học theo cách, để sau khi chết hai ta
theo dấu này tìm ra nhau nhanh chóng.
Anh thử huýt gió lên với niềm hy vọng
rằng sự đã rồi, không biết rằng ta đã cõi hư vô.

5

Anh vẫn không hiểu rằng, có phải anh đã từng
là con chó trung thành của em đau ốm
và có phải em cũng vậy của anh.
Còn với những người khác em chỉ là côn trùng
bị đánh mất trong tiếng kêu rỉ rả
cao hơn thế gian. Trong sự giản dị
của những kẻ láu lỉnh, tinh ranh
rằng chúng chỉ là trò chơi trong tay em
trong bóng tối thấy rõ ràng không cần thêu dệt
với linh cảm của em chính xác
bằng sự định vị của chuột bay.

6

Em không nghĩ rằng sẽ để lại sau mình dấu vết
trong thơ văn mà em say đắm đã từng
chính vì thế mà sau này anh cảm thấy buồn nôn
chính vì thế mà anh sợ rằng em, sau đấy
quẳng anh vào nhóm các nhà thơ mới(2)
như cái đầm.

 


7

Lòng thương mình, đau đớn tận cùng và buồn chán
của người yêu đất đai và hy vọng
(ai dám nói rằng “thế giới khác”?
………………………………
“Lòng thương lạ lùng, kì quặc”(3) (Azucena, màn thứ hai).

8

Lời của em lảng bảng và khó khăn
những gì còn, cám ơn ngành bưu điện.
Nhưng bây giờ lời của em khó nhận
anh học cách phân biệt giọng nói của em
khi để ý lắng nghe tiếng tíc tắc của máy đánh tin
trong vòng khói bập bềnh của thuốc lá
từ Brissago(4).

9

Em có thể nhìn thấy bằng thính giác
tiền điện thoại sẽ giảm được rất nhiều.

10

“Cô ấy cầu nguyện không?” – “Vâng cô ấy cầu Thánh Antonio(5)
để tìm thấy chiếc ô mất và tìm thấy đồ
từ trong tủ của Thánh Ermete”
“chỉ thế thôi à?” – “Và cầu cho người đã chết
và cầu cho tôi”.
“Thế đủ rồi” – vị mục sư bảo thế.

11

Kí ức về tiếng khóc của em (gấp hai lần – của anh)
không che khuất tiếng cười xưa vui vẻ
có vẻ như báo trước ngày Tận thế
của riêng em, nhưng thật không may mắn, đã không thành.

12

Giống như con chuột chũi, rảo bước mùa xuân
anh đã không còn nghe em nói về chất độc
của thuốc kháng sinh, về nỗi đau thường xuyên trên cơ bắp
về sự may mắn, mà em yêu
không sưởi ấm được bao nhiêu.

Mùa xuân đến gần với những lớp sương mù
ngày dài hơn, và giờ không thể chịu
anh đã không còn nghe em đấu tranh với tiếng kêu ầm réo
của thời gian, của dấu hiệu không giải quyết được vấn đề
của mùa hè kia.

13

Bầy côn trùng từ trong đêm Strasburg
với dao chạm đi vào khe hở nhà thờ
Maison Rouge và chàng hầu bàn của em có tên là
Ruggero, hơi thọt chân và nhẹ nhàng, vui vẻ
còn Striggio, không rõ người ở đâu rất hay mổ
hắn bị người yêu phụ bạc – cô gái Thổ Nhĩ Kì
(mũi hắn đỏ lên vì xấu hổ
và nếu ai nhắc đến sự xấu hổ thì mặt hắn xéo đi vì
addition,(6) nhiều hơn trì hoãn không chịu nổi)
khi đó hiện ra trước mặt em những gì?
có thể chỉ vẩn vơ. Nhưng mà em chỉ nói
“Hãy uống thuốc ngủ vào” – là lời cuối
lời cuối cùng của em nói về anh.

14

Anh trai của em chết sớm, khi đó em
là cô gái tóc xù, rằng em đứng lặng
nhìn sang anh từ bức ảnh hình ôvan.
Anh ấy viết nhạc mà không ai nghe tiếng đàn
những bản nhạc này chưa in, giờ nằm trong tủ
hay thành giấy loại. Có thể là ai đó
viết lại những bản nhạc này mà không rõ
chúng đã từng được viết ra.
Dù chưa từng quen nhưng anh yêu anh ta
giờ về anh ấy, ngoài em, không ai còn nhớ
anh không đi tìm: bây giờ chuyện này vô bổ
sau em, anh là kẻ cuối cùng
nhớ về anh ấy. Nhưng anh ấy biết rằng
có thể yêu bóng hình, bởi ta cũng là chiếc bóng.

15

Người ta vẫn nói rằng thơ anh
không của ai, không thuộc về ai cả
nhưng đã từng của em, thì nghĩa là tất cả
là của em, bởi em không còn là bản chất, mà chỉ bóng hình.
Người ta nói rằng thơ ca trong mức độ của mình
vượt trội hơn tất cả
không thừa nhận rằng tia chớp lửa
có thể chậm hơn những chú rùa.
Chỉ em biết rằng sự chuyển động
không khác gì sự đứng yên
rằng trống rỗng là đầy, rằng tĩnh lặng
bầu trời trong – vẻ phổ biến của mây.
còn anh hiểu hơn về con đường dài
qua ngục tù thạch cao và vải gạc
nhưng không mang đến cho anh vẻ lặng yên, tĩnh mịch
rằng anh hoà nhập với em, dù một hoặc hai người.
__________
*Tập thơ “Xenia” là những kỉ niệm của Eugenio Montale về người vợ đã mất. “Xenia” – tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là “khách sạn”, là “món quà”.
(1) Sách tiên tri Ê-sai trong Kinh Cựu Ước.
(2) Các nhà thơ mới “neoteroi” – nhóm các nhà thơ La Mã thế kỉ I tr. CN, người nổi tiếng nhất là Gaius Valerius Catullus (87-54 tr. CN).
(3) “Lòng thương lạ lùng kì quặc”- lời cô gái Digan Azuccena, màn thứ hai trong một vở Opera của Giuseppe Verdi (1813-1901).
(4) Tên một loại thuốc lá và là địa danh ở Thuỵ Sĩ.
(5) Theo truyền thuyết Thánh Antonio giúp tìm ra đồ bị thất lạc.
(6) Ađition – sự thêm vào (tiếng Anh). Trong thơ của mình, đặc biệt là ở giai đoạn sau Eugenio Montale rất hay sử dụng tiếng Anh trong những bài thơ viết bằng tiếng Italia.




CÂY SẬY

Cây sậy
với chiếc quạt lông màu hồng
chia tay với mùa xuân
con đường ở dưới đáy mương
một bầy chuồn chuồn bay trên dòng nước đục
những con chó vô cùng gan góc
trèo lên những bụi cây gai

ngày hôm nay không có gì giống ở nơi này
nơi nọ, nơi cháy bừng lên ánh mặt trời
và đám mây ở dưới vẫn còn tiếp diễn
ánh mắt của em – hai tia nắng
giao nhau ở chốn xa xăm.

Và thời gian không đứng yên một chỗ.




NHƯ DẤU HIỆU TỐT LÀNH

Như dấu hiệu tốt lành
như cái tin về ngày mới
đường răng viền quanh lá cọ
qua ánh sáng chiếu lên tường.

Những ngôi nhà kính
đang thiu thiu ngủ mơ màng
bước chân rất nhẹ nhàng
tựa hồ như trên tuyết trắng…
Đấy là em – sự nhắc lại em ở trong anh.


TRONG KHÓI

Đã bao lần anh đợi em ở nhà ga
trong giá buốt, đấy là chưa nói gì sương khói!
đi tới đi lui, nhìn qua ngó lại
rồi hút thuốc, mua những tờ báo rẻ tiền
quả là anh thật ngớ ngẩn, phải không em?

Chuyến tàu đã bị hoãn hay đã đi nhầm đường
anh nhìn theo những chiếc xe chở đầy hành lý
xem thử có không hành lý của em
còn em luôn xuất hiện sau cùng
bước thản nhiên theo chiếc xe sau chót.
Cảnh tượng này luôn hiện ra trong giấc ngủ của anh.


CÁI ÁC VÀ CÁI THIỆN

Cái ác giữ vẻ bất di, bất dịch của mình
Khi như sông, khi như người chết đuối
Khi như lá vàng, khi như cá nổi
Khi lại như con ngựa bị cùng đường.

Còn cái Thiện tôi chưa biết một lần
Nếu có chăng, chỉ vô tình, ngẫu hứng
Khi trong mơ, khi trong mây xa thẳm
Khi như chim bay về chốn xa xăm.




 
Nguyễn Viết Thắng giới thiệu và dịch "Các nhà thơ Hy Lạp+Italia"

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 27.08.2008 09:57:10


Dante Alighieri


LA DIVINA COMMEDIA
di Dante Alighieri
INFERNO


Inferno: Canto I


THẦN KHÚC. ĐỊA NGỤC

KHÚC I

Khúc mở đầu: Rừng rậm – Ba con thú – Viếcghiliô

Con đường đời tôi đã đi đến nửa
Bỗng thấy mình lạc lối ở trong rừng
Đường chính đạo đánh mất trong bóng tối!

4 Rừng hoang vu, rừng hiểm trở trập trùng
Nói sao hết bao điều cay đắng ấy
Nỗi kinh hoàng trong ký ức tôi mang!

7 Cái chết cũng không đắng cay nhường vậy
Nhưng vì điều hay trong đấy muôn năm
Tôi xin kể về những điều trông thấy.

10 Tôi không nhớ, sao đã lạc vào trong
Rừng hiểm trở vì chìm trong giấc ngủ
Khi lìa xa chính đạo một con đường.

13 Nhưng rồi bỗng tới một chân đồi nhỏ
Nơi có một thung lũng nhỏ bao quanh
Tim tôi thắt lại vì run và sợ.

16 Tôi nhìn ra khi ngước mắt trông lên
Ánh sáng mặt trời khắp nơi rực rỡ
Soi tỏ lối đi trên mọi con đường.

19 Khi đó trong lòng vơi đi nỗi sợ
Nỗi sợ dài lâu nén ở trong tôi
Như mặt nước hồ qua đêm mệt lử.

22 Và giống như kiệt sức một con người
Thoát lên bờ từ mênh mông biển cả
Ngoái lại nhìn và sợ hãi không thôi.

25 Trong lòng tôi hãy vẫn còn run sợ
Quãng đường đi qua, thử ngoái lại nhìn
Chưa từng có một ai đi thoát cả.

28 Khi đã nghỉ ngơi mỏi mệt tấm thân
Tôi bước tiếp trên con đường cát vắng
Tiếng xạc xào ở dưới những bàn chân.

31 Và kia, ngay trên đầu dốc dựng đứng
Có một con báo nước chạy lẹ làng
Trên bộ lông những vết hoa lốm đốm.

34 Cản bước tôi, con báo chạy vòng quanh
Tôi cảm thấy ở trong vòng nguy hiểm
Từng tính bài quay lại đã nhiều phen.

37 Và rồi đến lúc bình minh vừa rạng
Giữa những vì tinh tú mặt trời lên
Đang chuyển động một tình yêu thần thánh.

40 Khơi dậy điều tốt đẹp lần đầu tiên
Tôi cảm thấy mừng vui và hạnh phúc
Máu nóng không còn dồn dập trong tim.

43 Vẻ con thú có bộ lông vui mắt
Nhưng không lâu, với một vẻ kinh hoàng
Một con sư tử bờm cao trước mặt.

46 Có vẻ như nhằm vào tôi tấn công
Nó dữ dội gầm lên vì cơn đói
Cả không gian cũng sợ hãi rùng mình.

49 Cùng với sư tử một con sói cái
Dáng gầy gò, lộ đầy vẻ khát thèm
Từng làm cho biết bao hồn kinh hãi.

52 Nó làm tôi rời rụng cả tay chân
Vẻ đe dọa phát ra từ ánh mắt
Làm cho tôi hết hy vọng bước lên.

55 Như một kẻ máu mê thèm thắng bạc
Nhưng gặp hồi đen đủi chịu trắng tay
Chỉ còn biết khổ đau và khóc lóc.

58 Con thú kia cũng như thế với tôi
Đẩy lùi tôi dần dần theo chân bước
Dồn tôi vào nơi tối ánh mặt trời.

61 Trong khi tôi đang tuột dần xuống thấp
Một người đàn ông trước mặt hiện ra
Nhưng lặng lẽ, im lìm và mỏi mệt.

64 Vừa nhìn thấy giữa hoang vắng và xa
“Cứu tôi với, – tôi kêu lên buồn bã –
Dù là người còn sống hoặc bóng ma!”

67 “Ta không phải người, đúng hơn là đã
Từng là người, dân của Lômbácđô
Quê ở Mantua cả cha lẫn mẹ.

70 Ta sinh ra vào cuối thời Xêda
Lớn lên ở Rôma, dưới triều Augút
Thời người ta thần tượng vẫn tôn thờ.

73 Ta là thi sĩ, từng viết lời bài hát
Ca ngợi con trai Ankixê, người Tơroa
Khi thành Iliông kiêu hùng lửa đốt.

76 Còn ngươi sao trở về nơi chết chóc?
Sao không trèo lên đỉnh núi diệu kỳ
Nơi khởi nguồn của mọi điều cực lạc?”

79 “Có phải Người là Viếcghiliô
Là mạch nguồn của dòng thơ tuôn chảy?” –
Tôi trả lời mà thấy thẹn thùng ghê!

82 “Ôi ánh sáng của bao nhà thơ ấy
Và việc say mê sưu tập thơ Người
Đã giúp cho tôi miệt mài đến vậy!

85 Người là thầy, là gương sáng cho tôi
Chỉ có ở nơi Người tôi đã học
Cách tuyệt vời làm vinh dự thơ tôi!

88 Người xem kìa, thú dồn tôi vào góc
Hãy cứu tôi, bậc hiền giả lẫy lừng
Máu tôi run trong đường gân thớ thịt!”

91 “Ngươi cần đi tìm một con đường khác
Nếu muốn thoát ra ma dại nơi này –
Người trả lời, khi thấy tôi than khóc –

94 Con thú không cho ai thoát lối này
Nếu ngươi cứ đứng thét lên và khóc
Nó sẽ nhảy vào cắn chết ngươi ngay.

97 Con thú bản tính xấu xa, ác độc
Lòng tham của nó không bao giờ vơi
Càng ăn no lại càng thích ăn tiếp.

100 Cùng với nhiều con vật nó kết đôi
Và sẽ quyến rũ còn nhiều con nữa
Khi thần Khuyển đến nó sẽ đi đời.

103 Thần chẳng sống vì bạc tiền, tài sản
Mà vì tình yêu, danh dự, trí khôn
Thần sống giữa diệu huyền và cao thượng.

106 Thần là cứu tinh của nước Ý khiêm nhường
Vì nước này Camminla đồng trinh tuẫn nạn
Và Ơraliô, Tuốcnô, Nixô bị tử thương.

109 Dù cho bước chân thú kia mong muốn
Thần sẽ xua đuổi sói khỏi đô thành
Giam vào ngục, nơi có bao dục vọng.

112 Ta nói với ngươi theo lối của mình:
Hãy theo ta, ta là người hướng dẫn
Đưa ngươi từ đây về chốn vĩnh hằng.

115 Ngươi sẽ nghe những tiếng kêu tuyệt vọng
Của những hồn xưa muốn chết lần hai
Sẽ nghe những lời nguyện cầu đau đớn!

118 Ngươi sẽ thấy hết đau khổ những ai
Trong lửa ngục với một niềm hy vọng
Sống với những người hạnh phúc nay mai.

121 Còn nếu ngươi muốn cao hơn bay bổng
Thì đợi chờ ngươi có một linh hồn
Ta chia tay, ngươi theo hồn xứng đáng.

124 Đấng Thượng Đế ngự trị chốn cao sang
Chưa muốn cho ta bước chân lên đó
Vì luật của trời ta hãy chưa thông.

127 Ngài ở khắp nơi nhưng trên cao ngự trị
Là thành đô, là nơi chốn ngai vàng
Hạnh phúc cho ai vinh quang được mở!”

130 “Hỡi nhà thơ – lời của tôi vang lên –
Tôi cầu Đấng mà thầy chưa biết rõ
Thoát khỏi chốn này cùng cực nguy nan!

133 Hãy dẫn tôi đến nơi thầy nói đó
Cho tôi nhìn cửa Thánh Piêtơrô
Và những linh hồn muôn đời đau khổ”.

136 Người chuyển động, và tôi theo nhà thơ.


CHÚ THÍCH

KHÚC I

1. Con đường đời… đến nửa: Dante hình dung đường đời như một vòng cung (Bữa tiệc, IV, 23), điểm cao nhất là 35 tuổi. Dante đạt đến điểm này năm 1300.
13. Một chân đồi nhỏ: tức là trên khu rừng tội lỗi và lầm lạc có một ngọn đồi cứu rỗi nhô lên cao, nơi có ánh sáng mặt trời soi tỏ mội lối đi (câu 18).
17. Theo học thuyết của Plotemaioi (90 – 160), thời của Dante cũng vẫn như thế, thì mặt trời là một trong số các hành tinh quay xung quanh quả đất đứng yên một chỗ.
32. Con báo: biểu tượng của dục vọng, thói dâm đãng.
44. Con sư tử: biểu tượng của sự kiêu căng.
49. Con sói cái: biểu tượng của thói hám lợi, tham lam.
62. Một người đàn ông: Virgilio (Virgil), Marone Publio (70 – 19 tr. CN) – nhà thơ La Mã, tác giả của thiên anh hùng ca Eneide (Aeneid).
69. Mantua (Matova): thành phố ở đông nam khu Lombardia, miền bắc Italia.
70. Giulio Cesare (Gaius Julius Caesar)(100 – 44 tr. CN): Lúc Virgilio sinh thì Cesare đã 31 tuổi.
71. Dưới triều Augút – nghĩa là dưới triều Hoàng đế La Mã Augusto (63 tr. CN – 14 sau CN).
74. Con trai Ankixê, người Tơroa: tức Enea (Aeneas), thủ lĩnh người Tơroa, là con trai của Anchise.
91. Ngươi cần đi tìm một con đường khác: Dante hãy còn chưa thể vượt qua con sói để lên đến đỉnh đồi ngay được mà phải đi qua ba thế giới bên kia.
105. Câu này trong nguyên tác: tra feltro e feltro đang gây tranh cãi xưa nay. Có người giải thích “giữa thành phố Feltro và lâu đài Montefeltro”. Chúng tôi dịch như bản tiếng Việt của Nguyễn Văn Hoàn.
107 – 108. Cammila, Eurialo, Turno, Niso: tên những nhân vật trong tác phẩm của Virgilio. Họ thuộc về hai phe địch thủ của nhau nhưng Dante quan niệm sự hy sinh của cả hai phe đều cần cho sự ra đời Đế chế La Mã.
116. Muốn chết lần hai: những kẻ lầm lỗi ở Địa ngục đã chết về thể xác nhưng vẫn còn mong được chết cả linh hồn để chấm dứt đọa đầy, đau khổ.
123 – 126. Ngươi theo hồn xứng đáng: tức Beatrice. Virgilio chưa qua phép rửa tội nên không được đặt chân đến thiên đường.
134. Cửa Thánh Piêtơrô: cửa vào Tĩnh ngục.





KHÚC II

Mối nghi ngờ của Đantê – Khích lệ của Viếcghiliô

Bầu trời sẫm tối, một ngày sắp qua
Mọi sinh linh dần đi vào giấc mộng
Họ nghỉ ngơi, chỉ tôi kẻ không nhà.

4 Và tôi chuẩn bị bước vào cuộc chiến
Với chặng đường dài, khó nhọc, gian nan
Cuộc chiến mà tôi trung thành hồi tưởng.

7 Hỡi Nàng Thơ, giờ ta gọi tên Nàng
Hỡi trí tuệ và tài thơ cao thượng
Ghi lại những điều đã thấy, đã trông!

10 Tôi bắt đầu: “Hỡi nhà thơ hướng dẫn
Hãy xem tôi có đủ khả năng không
Trước khi vào cuộc du hành bí hiểm?

13 Thân sinh của Xinviô – Người từng kể rằng –
Khi hãy còn mang phàm thân tội lỗi
Thân xác trần đi vào chốn trường sinh.

16 Nhưng nếu vượt qua những điều lầm lỗi
Đến hạnh phúc, thì xét sự vinh quang
Ông là ai, và xét ra sao vậy?

19 Điều đó hình như không hợp với thiên lương
Nhưng ông được chọn trên trời cao ánh sáng
Làm Cha tinh thần của Đế chế, thành Rôm.

22 Đế chế, thành này được làm đất Thánh
Và người ta đã thiết lập ngai vàng
Cho người kế vị Thánh Piêtơrô tối thượng.

25 Ông từng biết rõ về mọi nguyên nhân
Với du hành thầy cho ông vinh dự
Và chiếc trượng giám mục của Giáo hoàng.

28 Cả Thánh Paolô cũng lên trên đó
Để gia thêm sức mạnh cho Đức Tin
Bước đầu tiên trên con đường thoát khổ.

31 Còn tôi lấy ai làm gương cho mình?
Tôi không phải Enêa hay Thánh Paolô ấy
Không một ai nghĩ tôi xứng với mình.

34 Và nếu như tôi bước vào xứ đấy
Tôi sợ rằng đó là chuyện điên rồ
Thầy anh minh, thấy rõ hơn tôi vậy”.

37 Như người xa lạ với ý muốn xưa
Một ý tưởng làm đổi thay kế hoạch
Vứt bỏ cái điều đã nghĩ đã suy.

40 Tôi như thế, trên bờ dốc tối mịt
Mới khởi đầu mà đã thấy gian nan
Càng nghĩ suy, càng tiêu tan kế hoạch.

43 “Ta hiểu đúng sự thật những lời con –
Chiếc bóng hào hiệp kia liền đáp –
Trĩu nặng hồn con vì sự đớn hèn!

46 Chớ để sợ hãi khiến sai đầu óc
Còn nếu không sẽ nhụt chí bước chân
Như con thú quẫn trí trong cảm giác.

49 Ta sẽ nói để giải thoát cho con
Về cái điều, những gì ta nghe được
Rằng từ đầu ta đã xót thương con.

52 Ta ở giữa cái thiện và cái ác
Đã gọi ta một người đẹp thanh cao
Ta có trách nhiệm phục tùng người đẹp.

55 Ánh mắt nàng lấp lánh, sáng hơn sao
Giọng nói của nàng khoan thai, êm ả
Như lời thần tiên toát giọng ngọt ngào:

58 “Hỡi linh hồn xứ Mantua tao nhã
Mà vinh quang còn lưu lại trần gian
Còn vọng mãi, vĩnh hằng cùng vũ trụ!

61 Một bạn tôi đang gặp phải nguy nan
Bạn không may mắn trên đường cát vắng
Nỗi sợ hãi giờ đang cản bước chàng!

64 Để cứu chàng tôi sợ mình đến muộn
Chuyện của chàng tôi nghe ở Thiên đình
Tôi sợ chàng gặp phải điều nguy hiểm.

67 Người hãy đến cùng vẻ đẹp từ ngôn
Bằng tất cả những gì Người có thể
Cứu vớt chàng cho tôi đặng bình tâm.

70 Tôi là Bêatơrít, tôi cầu Người đó
Tôi đến đây và mong sớm trở về
Tình yêu đã xui khiến tôi bộc lộ.

73 Khi nào trình diện trước Đức Chúa Trời
Mọi công lao của Người tôi ca tụng”.
Ta bày tỏ khi nàng đã ngưng lời:

76 “Hỡi người con gái Duy nhất, Cao thượng
Đức hạnh cao hơn tất cả mọi người
Được đặt vào trong bầu trời nhỏ nhắn.

79 Phụng sự Người là vinh hạnh cho tôi
Vâng lệnh ngay mà thấy còn chậm trễ
Tôi chỉ cần nghe mệnh lệnh của Người.

82 Nhưng Người xuống đây mà không thấy sợ
Trong bóng đêm của lòng đất kinh hoàng
Rồi trở về nơi từng ra đi đó?”

85 Nàng đáp: “Nếu ngươi muốn rõ nguồn cơn
Ta sẽ nói một đôi lời ngắn ngủi
Tại sao ta đi xuống chẳng kinh hoàng.

88 Ta chỉ sợ tiết lộ điều có hại
Sẽ làm cho phương hại đến người thân
Còn chẳng sợ gì những điều còn lại

91 Chúa tạo ra ta và ban ân huệ
Nỗi khổ trần gian không ám ảnh ta
Không thể nào bén đến ta ngọn lửa.

94 Trên trời cao nhân hậu một Đức Bà
Từng tiếc thương những ai đau khổ vậy
Tỏ lòng thương khi xét xử người ta.

97 Đức Bà cho gọi Lusia và nói:
Đang cần ngươi giúp đỡ một tín đồ
Ta uỷ thác việc này cho ngươi đấy.

100 Lusia đã tìm đến chỗ ta
Nơi ngày xưa Rakenlê ngồi cạnh
Và nói: – xin vâng lệnh Đức Bà!

103 Bà nói: Hỡi Bêatơrít, xin cố gắng
Cứu kẻ vì tình tìm đến với ngươi
Cố tách ra khỏi trần gian bận rộn.

106 Hay không nghe ra lời van vỉ của người?
Không thấy dòng sông dữ dằn hơn biển cả
Sẽ cướp mất đi cuộc sống của người? –

109 Không một ai vội vàng hơn ta cả
Ta khát khao tìm đến với niềm vui
Làm điều phúc và tránh xa điều họa.

112 Từ vinh quang hằng phúc ta xuống đây
Tin cậy người tài từ tâm ngôn luận
Biết nghe theo, làm vinh dự cho Người”.

115 Nàng nói vậy và mắt buồn nhìn xuống
Rồi nhìn ta trong nước mắt ngước lên
Giục giã ta bước vào con đường lớn.

118 Ta vội đến với con theo ý Nàng
Cứu con thoát thú dữ từng ngăn cản
Chỉ ra con đường ngắn đến đỉnh non.

121 Có chuyện gì? Tại vì sao bước chậm?
Tại vì sao bối rối ở trong lòng
Thiếu dũng khí và cả lòng kiêu hãnh?

124 Khi lên với ba hằng phúc Tiên nương
Trên Thiên đình có những người lo lắng
Và hứa với con bao chuyện tốt lành”.

127 Như cánh đồng hoa rũ cành khép cánh
Qua đêm trường với giá lạnh và sương
Bỗng bừng nở khi vừng dương tỏa sáng.

130 Tôi vươn lên từ dũng khí mỏi mòn
Máu can đảm bỗng bừng trong huyết quản
Tôi trả lời, tôi nói bạo dạn hơn:

133 “Ôi Tiên nương như một người giải phóng
Và thầy tôi, thầy hào hiệp biết bao!
Nàng bày tỏ và thực thi nhanh chóng.

136 Tôi sung sướng, lời thầy tôi nghe theo
Tôi khát khao được lên đường tiếp tục
Trở lại với bao dự định ban đầu.

139 Giờ hai người nhưng mục đích chỉ một
Thầy là người Hướng đạo, là Tôn sư”
Tôi nói thế, khi bóng người chuyển tiếp.

142 Tôi cũng bước vào hiểm trở hoang vu.


CHÚ THÍCH

KHÚC II

12. Cuộc du hành bí hiểm: nhiều bản dịch là khó khăn, gian khổ nhưng Dante cũng đã nói ở câu 8, khúc I là có “nhiều điều hay”.
13. Thân sinh của Xinviô: tức Enea, theo khúc VI của anh hùng ca Eneide, xuống Âm phủ được cha là Anchise chỉ cho xem linh hồn của hậu thế và báo trước cho tương lai vinh quang của Roma.
24. Người kế vị Thánh Piêtơrô tối thượng: Giáo hoàng thứ nhất.
25. Ông: tức Enea. Với du hành thầy cho ông vinh dự: tức cuộc du hành của Enea xuống Âm phủ mà Virgilio đã nói trong Eneide.
28. Cả Thánh Paolô cũng lên trên đó: tức Thánh tông đồ Paolô đã lên thiên đàng mà Kinh Thánh nói đến (Tân Ước_II Cô-rinh-tô 12: 2 – 4).
52. Ta ở giữa cái thiện và cái ác: những người sinh ra trước khi Chúa Giê-su ra đời, chưa qua lễ rửa tội.
58. Linh hồn xứ Mantua: tức Virgilio.
70. Tôi là Bêatờrít: Dante yêu Beatrice khi lên chín tuổi… Tình yêu này được Dante mô tả trong Cuộc đời mới. Beatrice chết năm 1290, lúc nàng mới 25 tuổi. Trong những dòng kết thúc Cuộc đời mới Dante đã hứa rằng “tôi hy vọng được nói về nàng cái điều mà chưa bao giờ có ai từng nói vậy về một con người”. Trong Thần khúc Beatrice cũng vẫn là người con gái mà Dante yêu thuở thiếu thời, nàng tượng trưng cho Trí tuệ của Chúa, cho sự giải thoát linh hồn.
78. Bầu trời nhỏ nhắn: chỉ tầng trời có mặt trăng, theo quan niệm thiên văn xưa, là tầng trời thấp nhất.
94. Một Đức Bà: chỉ Đức Mẹ đồng trinh Maria.
97. Lusia: Nữ thánh tử vì đạo ở Siracusana (thế kỉ VI sau CN), tượng trưng cho sự công bằng thần thánh. Đức Mẹ đồng trinh Maria phái Lusia đi báo cho Beatrice và Beatrice đã nhờ Virgilio đi cứu Dante.



cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 24.12.2008 09:01:59



KHÚC III

Cửa vào Địa ngục – sông Akêrông – Carôngtê

Qua khỏi đây là xứ thảm sầu
Qua khỏi đây là đau thương vĩnh viễn
Là đi về những thế hệ khổ đau.


4 Công lý tạo hóa, quyền uy thánh thần
Đã tạo ra ta bằng sức mạnh của
Trí tuệ cao siêu, tình yêu đầu tiên.

7 Trước ta, chỉ những gì vĩnh viễn
Ta ngang bằng với giá trị vĩnh hằng
Kẻ vào đây hãy vứt niềm hy vọng.

10 Những dòng chữ viết bằng thứ mực đen
Khắc trên cổng ra vào tôi đọc được
“Ôi thầy ôi, sao quá đỗi dữ dằn!”

13 Như thông tỏ nỗi lòng tôi, thầy đáp:
“Đã tới đây – phải rũ bỏ đớn hèn
Đã tới đây – phải xua điều ngờ vực.

16 Chúng ta đến nơi ta đã nói trên
Con sẽ thấy những đám đông đau đớn
Vì muôn đời đã để mất trí khôn”.

19 Cho khỏi nghi ngờ, thầy đưa tay tôi nắm
Và hướng về tôi, vẻ mặt lặng yên
Dẫn tôi đi khám phá điều bí ẩn.

22 Đó đây nghe tiếng khóc, tiếng kêu rên
Không một vì sao nào trong bóng tối
Mới thoạt nghe, nước mắt đã trào lên.

25 Những giọng nói, những lời than hoang dại
Ngôn từ đớn đau, ngữ điệu điên khùng
Tiếng vỗ tay, tiếng kêu buồn tê tái.

28 Tất cả tạo nên náo động, quay cuồng
Trong không gian đã tối mù vĩnh viễn
Như bụi trong vòng bão tố cuồng điên.

31 Còn tôi đầu óc quay cuồng, u ám
Tôi hỏi: “Thầy ơi tiếng khóc của ai?
Họ là ai, tại vì sao đau đớn?”

34 Thầy bảo tôi: “Tình cảnh đớn đau này
Là số phận những linh hồn nhàm chán
Không biết nhục vinh của những kiếp người.

37 Chúng hòa theo đám thiên thần ngớ ngẩn
Không phản phúc mà cũng chẳng trung thành
Với Thượng Đế, mà chỉ vì mình chúng.

40 Trời xua chúng để Thượng giới đẹp hơn
Địa ngục sâu cũng chẳng thèm nhận chúng
Sợ tội đồ có cớ để vênh vang”.

43 Tôi hỏi: “Thầy ơi cái gì đè nặng
Mà chúng kêu khóc ghê gớm quá chừng?”
Thầy đáp: “Ta trả lời con ngắn gọn:

46 Đến cái chết, hy vọng cũng không còn
Chúng chỉ sống đời mù lòa, thấp kém
Nên ước ao một thứ nhẹ nhàng hơn.

49 Trên thế gian không còn ai nhớ chúng
Lòng xót thương, công lý cũng làm ngơ
Thôi đủ rồi, hãy nhìn lên, đi thẳng”.

52 Tôi nhìn quanh và thấy một lá cờ
Đang quay tròn như có sức lực ác
Cuốn là cờ trong đám bụi tròn vo.

55 Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc
Đông đến mức tôi không thể nào tin
Rằng đã nhanh tay nhường kia Thần chết.

58 Tôi nhận ra trong đám một bóng hình
Sau khi tìm hiểu ít nhiều khuôn mặt
Kẻ chối từ vì nhu nhược đáng khinh.

61 Lập tức tôi hiểu và tôi tin chắc
Đúng là lũ người hèn mạt, nhỏ nhen
Cả Chúa Trời, địch thủ đều khinh suất.

64 Đến muôn đời không sống lũ đáng thương
Chúng trần truồng, bị thường xuyên vây cắn
Những bầy ruồi và cả những bầy ong.

67 Máu, nước mắt từ trên gương mặt chúng
Chảy ròng ròng xuống dưới những bàn chân
Nơi dòi bọ thối tha đang chờ uống.

70 Nhìn ra xa tôi thấy một đám đông
Đang đứng chờ trên một bờ sông lớn
Tôi hỏi: “Thầy ơi, thầy biết rõ hơn:

73 Họ là ai và phải chăng số phận
Có vẻ như xua đuổi họ qua sông
Con nhận ra họ từ xa xôi lắm”.

76 Thầy trả lời: “Rồi con sẽ tự mình
Nhìn ra, khi mà chúng ta đi đến
Dòng sông sầu tên gọi Akêrông”.

79 Nhìn xuống đất, ánh mắt tôi luống cuống
Tôi ngại phiền thầy nên đã bước lên
Gần bờ sông và rồi tôi im lặng.

82 Về hướng chúng tôi có một chiếc thuyền
Một ông già tóc bạc phơ quát lớn:
“Đáng đời chưa! Độc ác những linh hồn.

85 Quên trời xanh đi, vì tao đi đến
Để chở chúng mày sang bờ bên kia
Vĩnh viễn đêm đen, lửa thiêu, giá lạnh.

88 Còn ngươi, linh hồn còn sống đến đây
Hãy tránh ra xa, chúng đều đã chết”.
Chúng tôi chưa đi, ông nói thế này:

91 “Hãy tìm đường khác, hãy tìm bến khác
Cũng mé sông này nhưng không phải đây
Cần tìm nhẹ nhàng một con đò khác”.

94 Thầy bảo: “Carôngtê, chớ phiền chúng tôi
Chúng tôi đến nơi chúng tôi mong muốn
Và chúng tôi xin cụ hãy ngưng lời!”

97 Tôi thấy mặt lão già hơi dịu xuống
Bộ mặt lông lá trên dòng sông đêm
Một vòng lửa quanh đôi mắt đỏ lựng.

100 Và những hồn ma mệt mỏi, trần truồng
Răng đánh lập cập, mặt mày tái mét
Khi nghe những lời ác độc vang lên.

103 Chúng nguyền rủa cả giống nòi, bộ tộc
Cả quê hương, tiên tổ, Đức Chúa Trời
Cả việc sinh ra loài người trên đất.

106 Rồi sau đó chúng trết cục vào nhau
Khóc ầm ĩ trên bờ sông quái ác
Đợi lũ người lòng sợ Chúa tắt lâu.

109 Carôngtê toé lửa trong con mắt
Ra hiệu nhanh lên những kẻ lỗi lầm
Nện mái chèo những kẻ nào chậm chạp.

112 Như mùa thu lá rơi rụng trong sương
Lá rụng xuống từng chùm cho đến lúc
Trả hết cho đất, trơ trụi giơ cành.

115 Bọn gieo hạt giống Ađam ác độc
Nối đuôi nhau, từng đứa nhảy lên bờ
Như bầy chim, theo người giơ roi quất.

118 Cứ như thế, bơi qua dòng nước đen
Và khi chúng sang bờ kia chưa kịp
Thì bên này một tốp mới đang chen.

121 Thầy tôi cặn kẽ với tôi giải thích:
“Những ai chết trong cơn giận Chúa Trời
Khắp tứ xứ đều về đây tụ tập.

124 Và rồi vội vã từng phút từng giây
Công lý thánh thần sẽ thúc ép họ
Nỗi sợ biến thành ham muốn liền ngay.

127 Chưa linh hồn tốt nào qua nơi đó
Nếu Carôngtê từng cáu kỉnh với con
Thì bây giờ chắc là con đã rõ”.

130 Thầy dứt lời thì không gian tối sầm
Toàn thân tôi bỗng rung lên dữ dội
Mồ hôi của tôi trên áo ướt đầm.

133 Và mặt đất bỗng đùng đùng gió nổi
Rồi ánh lên một chớp đỏ ngang trời
Cảm giác của tôi dường như tê dại.

136 Như người mê ngủ, tôi đổ xuống ngay.


CHÚ THÍCH

KHÚC III

1 – 9. Dòng chữ đề trên cổng vào Địa ngục – theo truyền thuyết của Thiên Chúa giáo, Địa ngục do một vị thần ba ngôi tạo ra: ngôi Cha (sức mạnh tối cao), ngôi Con (trí tuệ cao siêu), và ngôi Thánh linh (tình yêu đầu tiên). Địa ngục này để hành hình Lucifeo từ trên trời rơi xuống (khúc XXXIV) và tồn tại muôn thuở. Đọc hết Địa ngục ta sẽ hình dung ra Địa ngục của Dante có hình như một cái giếng khổng lồ cứ xuống thấp dần theo từng tầng ngục.
58. Tôi nhận ra trong đám một bóng hình: các bản chưa có chú giải thống nhất mà chỉ nói hoặc là Giáo hoàng Celestino V được bầu năm 1294, lúc đó ông đã 79 tuổi, đã xin thôi sau 5 tháng vì sợ không đảm đương nổi chức vụ. Hoặc là Pontius Pilate (tức quan xét xử Phi-lát), người đã định tha cho Giê-su vì không thấy tội đáng chết nhưng đám đông dân chúng vẫn nằng nặc yêu cầu tha cho tên cướp Ba-ra-ba và đóng đinh Giê-su trên cây thập tự nên đã nghe theo (Tân Ước_Lu-ca 23: 1 – 24).
78. Dòng sông Akêrông: là con sông dưới Địa ngục theo thần thoại Hy Lạp. Đây là con sông do nước mắt vua Creta tạo thành, có bản cho là do tội lỗi của con người (xem khúc XIV, 94 – 138). Đầu tiên có tên Acheronte, tiếng Hy Lạp nghĩa là đau thương, chảy quanh vùng ngục thứ nhất. Sau đó, chảy xuống thấp hơn thành đầm Stige, nghĩa là hận thù, nơi hành hình những kẻ cuồng nộ (xem khúc VII, 106). Thấp hơn nữa thành dòng sông máu Flegetonta, nghĩa là nóng bỏng, nơi trừng phạt những kẻ bạo hành, những kẻ hại người thân (xem khúc XII, 47). Tiếp tục vẫn dòng sông máu và tên Flegetonta (xem khúc XIV, 113) xuyên qua khu rừng của những kẻ tự tử và trảng cát có mưa lửa (xem khúc XIV, 76 – 90; khúc XV, 1 – 12). Từ đây nó tạo thành những dòng thác ầm ầm đổ vào trong (xem khúc XVI, 1 – 3; 92 – 105) tạo thành đầm Cocito, nghĩa là khóc than (xem khúc XIV, 119; khúc XXXI, 123; khúc XXXII, 22 – 30; khúc XXXIV, 52). Sông Lete, nghĩa là quên lãng được Dante đặt ở “ngoài vực” (xem khúc XIV, 136 – 138) để cho những âm hồn đến rửa ráy sau khi đã chuộc lỗi lầm, để dòng sông sẽ cuốn đi những kỷ niệm về những điều lầm lỗi. Con sông này sau đó còn chảy tiếp đến Tĩnh ngục…
83. Ông già Carôngtê: là người lái đò đưa các linh hồn sang bên kia thế giới theo thần thoại. Trong Thần khúc Dante biến ông này thành một quỷ sứ của Địa ngục.
93. Cần tìm một con đò khác: Carôngtê biết rằng Dante không có lỗi lầm để phải chịu cực hình của Địa ngục nên phải tìm một con đò nhẹ nhàng để các thiên thần đưa đến gần Tĩnh ngục.
115. Giống Ađam ác độc: theo Cựu Ước, Eva nghe lời xui của con rắn đã ăn trái cấm và trao cho chồng là Ađam cùng ăn, họ đã thành những kẻ có tội và bị Đức Chúa Trời đuổi khỏi thiên đàng.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 21.04.2009 17:17:26


KHÚC IV

Tầng Địa ngục thứ nhất – Những vĩ nhân chưa qua phép rửa tội

Cơn mê ngủ ở trong tôi đứt quãng
Tri giác phục hồi sau tiếng sét vang
Như một người bị thức bằng sức mạnh.

4 Đảo cặp mắt vừa được nghỉ, nhìn quanh
Tôi đứng thẳng và mắt nhìn chằm chặp
Cố hiểu ra nơi đang ở của mình.

7 Hai chúng tôi đang đứng trên bờ vực
Thung lũng thảm sầu ở dưới bàn chân
Nơi có vô vàn tiếng kêu khủng khiếp.

10 Vực thẳm sâu, vực mờ mịt, đen ngòm
Tôi chăm chú nhìn xuống sâu tận đáy
Nhưng tất cả đều mờ mịt, tối đen.

13 “Giờ ta xuống thế giới mù phía dưới
Ta đi đầu, còn con đi thứ hai”.
Mặt thầy tái mét khi thầy nói vậy.

16 Tôi nói, khi nhìn nét mặt thầy tôi:
“Con đi sao nổi, nếu thầy cũng sợ
Thầy cũng kinh hoàng, biết dựa vào ai?”

19 Thầy bảo: “Cực hình của hồn đau khổ
Đã truyền cả sang gương mặt của ta
Nỗi đau khổ con nhầm là nỗi sợ.

22 Ta đi thôi, đang giục giã đường xa”.
Thầy bước xuống và tôi theo thầy bước
Vào vòng thứ nhất, vực thẳm đang chờ.

25 Ở đó những gì mà tôi nghe được
Không phải tiếng kêu mà tiếng thở dài
Làm xáo động bầu không gian vạn kiếp.

28 Nó từ nỗi đau không bị cực hình
Của đám âm hồn vô cùng đông đúc
Có cả trẻ con, đàn bà, đàn ông.

31 “Sao con không hỏi – thầy tôi bỗng nhắc –
Họ là ai, trú ẩn những linh hồn
Ta muốn con tỏ tường khi bước tiếp.

34 Họ không phải là những kẻ lỗi lầm
Công tích không nhiều nhưng mà cũng có
Nhưng chưa qua rửa tội cửa Đức Tin.

37 Họ sống trước khi đạo Kitô có
Không biết tôn thờ Đức Chúa như cần
Ta cũng là một người trong bọn họ.

40 Vì khiếm khuyết đó, ta bị bỏ quên
Và ở đây ta chịu điều xét đoán
Mất hy vọng và cứ sống khát thèm”.

43 Lồng ngực tôi thắt lại vì đau đớn
Nghe thấy tin có không ít vĩ nhân
Chốn Minh phủ phải chịu nhiều cay đắng.

46 “Hãy cho con hay, chúa tể của con –
Tôi hỏi thầy vì muốn cho vững dạ
Về Đức Tin đã thắng mọi sai lầm –

49 Có phải nơi này không ai thoát cả
Nhờ công mình hay ai chuộc cho nhau?”
Thầy hiểu ngay những lời tôi nói đó.

52 Thầy trả lời: “Ta cũng tới chưa lâu
Ta đã thấy có một Ngài chúa tể
Với vòng hào quang chói lọi trên đầu.

55 Ngài đưa khỏi đêm anh hồn thuỷ tổ
Con trai Aben và cả Nôê
Và Môisê, luật gia, người coi giữ.

58 Vua Đavít, trưởng lão Abờraham
Ítxaraen, cha của ông và con nhỏ
Cả nàng Rakelê cũng được ưu tiên.

61 Nhiều người khác cũng được ban ân huệ
Trước họ chưa từng cứu rỗi một ai
Họ trở thành những người đầu tiên đó”.

64 Thầy vẫn nói nhưng không dừng bước chân
Chúng tôi đi qua một khu rừng lớn
Tôi thấy đây chật ních những âm hồn.

67 Và tôi thấy từ nơi xa xôi lắm
Có một vầng ánh sáng trước mặt tôi
Nửa bầu trời đen bỗng nhiên toả sáng.

70 Dù ánh sáng không ở gần chúng tôi
Tôi nhìn thấy một đoàn đông đúc lắm
Hẳn những người đáng kính ở nơi này.

73 “Hỡi người vinh dự của thơ ca, khoa học
Họ là ai mà lại được tôn vinh
Số phận họ sao khác xa người khác?”

76 Thầy đáp: “Tiếng tăm của họ lẫy lừng
Còn vang mãi trong cuộc đời dương thế
Nên Chúa Trời nhiều ân huệ đã ban”.

79 Ngay lúc này, tôi nghe ai đó nói:
“Nhà thơ cao cả nhất hãy tôn vinh!
Bóng của nhà thơ nay đà quay lại”.

82 Tôi nhìn thầy, khi dứt những lời trên
Đến trước chúng tôi bốn người vĩ đại
Nét mặt không vui mà cũng chẳng buồn.

85 “Con hãy nhìn – người thầy nhân hậu bảo –
Người đang cầm chiếc kiếm trong tay kia
Dẫn đầu ba vị như vì vương giả.

88 Nhà thơ tối thượng, chính là Hômer
Tiếp theo – Hôrát, nhà thơ trào phúng
Ôviđiô thứ ba, và sau nữa Lucanô.

91 Mỗi người danh hiệu với ta đều xứng
Lời vang lên, ta một chút bước lên
Tôn vinh họ, và tất nhiên, ta đúng”.

94 Trước mắt tôi tuyệt mỹ một tao đàn
Vị chúa tể với bài ca bất tử
Như đại bàng bay lượn giữa trời xanh.

97 Thầy tôi gặp và chuyện trò với họ
Rồi quay về tôi làm dấu cúi chào
Và thầy mỉm cười với tôi khi đó.

100 Họ ban cho tôi vinh dự lớn lao
Tôi được đứng trong tao đàn của họ
Người thứ sáu trong các bậc thanh cao.

103 Chúng tôi đi đến tận vùng sáng tỏ
Muốn nói lời mà nín lặng càng hay
Nhưng cũng hay nếu chuyện trò nơi đó.

106 Trước mắt tôi hiện ra một lâu đài
Có bảy lớp thành, tường cao chất ngất
Và một dòng sông xinh đẹp bao vây.

109 Chúng tôi qua sông như đi trên đất
Qua bảy cánh cổng đến nhóm đại hiền
Một thảm cỏ xanh hiện ra trước mặt.

112 Những vị đó rất điềm đạm, trang nghiêm
Dáng vẻ bề ngoài uy nghi, oai vệ
Lời họ khoan thai, chậm rãi vang lên.

115 Chúng tôi bước lên một khu đồi nhỏ
Một vùng cao tươi mát, sáng, dịu êm
Cho phép chúng tôi nhìn ra tất cả.

118 Ở đó, trên nền ngọc bích màu xanh
Đã hiện lên những anh hồn cao cả
Mắt thoạt nhìn đã phấn khích trong tim.

121 Tôi thấy cụ Eletơra và đàn cháu nhỏ
Trong số họ có Hécto và Ênêa
Xêda đeo gươm đôi mắt rực lửa.

124 Tôi thấy Cammila, Pantaxilêa
Và vua Latinô xa hơn một chút
Ngồi bên cạnh công chúa Lavina.

127 Bờrutô, người cho Táckinô hạ bệ
Lucờrêxia, Giulia, Mácxia, Coócnilia
Và Xalađinô một mình riêng lẻ.

130 Sau đó ngước mắt một chút nhìn lên
Thấy vị Tôn sư mọi người biết đến
Giữa quây quần triết học một gia đình.

133 Tất cả hướng về tỏ lòng tôn kính
Người ngồi gần nhất và trước mọi người
Tiếp đến Xôcrát, Platôn đáng kính.

136 Có Đêmôcrít nổi tiếng khắp nơi
Anaxagô, Talê, Điôgiênét
Empêđôclét, Hêraclít, Zênônê.

139 Tôi thấy người đi sưu tầm thảo dược
Điátcôriđê và thấy Oócphêô
Tuliô, Linô và Xênêca – nhà đạo đức.

142 Nhà hình học Ơcơlít và Tôlômêô
Avixena, Galen và Ipôcrát
Avêôít, nhà bình luận tài ba.

145 Tên mọi người không thể nào kể hết
Tôi cần nêu nhanh chóng tên mọi người
Thường lời nói không thể nêu hết việc.

148 Giờ nhóm sáu người chỉ còn lại hai
Nhà hiền triết dẫn tôi đi hướng khác
Rời lặng yên vào xao động khôn nguôi.

151 Chúng tôi đi vào một nơi tối mịt.

CHÚ THÍCH

KHÚC IV

37 – 39. Đạo Kitô: tức đạo Thiên Chúa. Virgilio chết năm 19 tr. CN vào ngục Limbus khoảng nửa thế kỷ trước khi Giê-su chết và hồi sinh.
53. Ta đã thấy có một Ngài chúa tể: chỉ Đức Chúa Giê-su.
55. Anh hồn thuỷ tổ: chỉ Adam, người đầu tiên theo Kinh Thánh.
56. Aben: con Adam; Nôê: người theo ý Chúa Trời đã đóng thuyền chở vợ con và các loài vật khi xảy ra nạn hồng thuỷ.
57. Moise: người giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, được Chúa Trời ban cho bộ luật Do Thái.
58. David: Vua Do Thái; Abraham: Trưởng lão Do Thái.
59. Israel: tức Giacobbe (Jacob); Rakelê (Rachel): Vợ Giacobbe.
88–90. Omero (Homer): Nhà thơ Hy Lạp cổ đại, người được coi là tác giả của “Iliat” và “Odyssey”; Orazio (Horace) (65 – 8 tr. CN) – nhà thơ La Mã cổ đại; Ovidio (Ovid) (43 tr. CN – 18 sau CN) – nhà thơ La Mã; Lucano (39 – 65) – nhà thơ La Mã. Bốn nhà thơ cổ đại mà Dante gọi là “bốn người vĩ đại” (câu 83). Trong bốn nhà thơ này thì Omero là nhà thơ mà Dante chưa thể đọc được vì Dante không biết tiếng Hy Lạp, còn bản dịch ra tiếng Latinh hồi này chưa có, mặc dù vậy, ông vẫn gọi Omero là “nhà thơ tối thượng”, gọi Orazio là “nhà thơ trào phúng”. Còn Ovidio và Lucano thì Thần khúc sử dụng rất nhiều sự tích từ tác phẩm của hai nhà thơ này.
121–144. Dante tiếp tục gặp những nhân vật sau: Elettra (Electra): người yêu của thần Dớt, mẹ của Dardano, người lập thành Tơroa; Ettor (Hector): con trai vua Priamo và Ecuba, anh hùng Tơroa; Cammilla, Pantasilea: những nhân vật trong thiên anh hùng ca “Eneide” của Virgilio; Latino: vua của Latium, cha của Lavina. Lavina là vợ của Enea; Bruto: lãnh chúa đầu tiên của cộng hoà La Mã, người đã hạ bệ vua Tarquino năm 509 tr. CN, thiết lập chế độ cộng hoà (không phải Bruto, người giết Cesare ở câu 65 khúc XXXIV); Lucrezia, Iulia, Marzia, Corniglia: bốn gương mặt phụ nữ đại diện cho đức hạnh La Mã; Saladino (1138 – 1193) quốc vương Ai Cập và Syria, Saladino một mình riêng lẻ vì ông thuộc về nền văn hóa khác; vị Tôn sư là Aristotele (384 – 322 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Socrate (469 – 399 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Platone (427 – 347 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Dimocrito (460 – 370 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Anassagora (500 – 428 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Tale (625 – 546 tr. CN): nhà toán học, triết học Hy Lạp cổ đại; Diogenes (413 – 327): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Empedocles (thế kỷ VI tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Zenone (335 – 264 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Eraclito (540 – 480 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Diascoride (thế kỷ I sau CN): thầy thuốc Hy Lạp cổ đại; Orfeo: nhà thơ, nhạc sĩ, nhà tiên tri Hy Lạp cổ đại; Tulio (106 – 43 tr. CN): nhà hùng biện La Mã cổ đại; Lino: nhà thơ thần thoại Hy Lạp cổ đại; Seneca (4 tr. CN – 64 sau CN): nhà triết học La Mã cổ đại; Euclide (thế kỷ III tr. CN): nhà toán học của Alexandria, Ai Cập; Tolemeo (thế kỷ II ): nhà toán học, thiên văn học Hy Lạp cổ đại; Ipocrate (460 – 377 tr. CN): danh y Hy Lạp cổ đại; Galieno (thế kỷ II) danh y Hy Lạp cổ đại; Avicenna (Ibn Sina) (980 – 1037): nhà triết học Arập; Averois (1126 – 1198): nhà triết học, danh y Arập, người bình luận triết học Aristotle hay nổi tiếng.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Hy Lạp+Italia - 09.10.2009 15:53:31

 
 
KHÚC V

Tầng Địa ngục thứ hai – Minốt – Những người tình

Vậy là tôi đã đi hết một tầng
Xuống tầng hai này không gian càng hẹp
Nhưng nghe nhiều hơn những tiếng khóc than.

4 Minốt đứng đó nghiến răng ken két
Khảo tội từng người vừa mới tới đây
Phán tội rồi đuổi đi, roi xoay tít.

7 Khi một linh hồn khốn khổ tới đây
Phải trình diện và cung khai tội trạng
Thì quan âm binh xét xử như vầy:

10 Vị quan xem xét và quan cân nhắc
Tội trạng hồn này theo số vòng roi
Để chỉ định theo số tầng địa ngục.

13 Các âm hồn hối hả, chen chúc nhau
Kẻ trước người sau để chờ phán xét
Rồi lắng nghe, và họ nói với nhau.

16 “Sao ngươi đến đây, vị khách tội nghiệp –
Nhận ra tôi, Minốt chợt kêu lên
Thậm chí quên rằng mình đang làm việc –

19 Sao ngươi đến đây và đi cùng ai?
Chớ coi thường, không dễ vào đâu nhé!”
Thầy tôi trả lời: “Ai xuống chốn này

22 Thì chớ ngăn cản người ta như thế
Ai muốn thì hãy cứ để cho người
Làm việc muốn. Đứng gào lên như thế!”

25 Tôi nhận ra cảnh đau khổ ngậm ngùi
Nghe tiếng thở than và tôi bước đến
Muôn tiếng khóc than ùa đến quanh tôi.

28 Tôi ở nơi ánh sáng đều tắt ngấm
Và giống như tiếng sóng biển, gầm gừ
Hai ngọn gió giằng xé nhau cuồng loạn.

31 Gió địa ngục không yên nghỉ bao giờ
Cuốn âm hồn vào cơn điên của nó
Rồi gió xoay vần, hành hạ, đập, va.

34 Khi những hồn đến lối đi đất lở
Thì bỗng ồn lên những tiếng khóc than
Ồn lên mọi lời thánh thần báng bổ.

37 Tôi hiểu ra, đây là tầng cực hình
Dành cho những tội đồ về xác thịt
Lý trí thấp hơn, dục vọng cao hơn

40 Như đôi cánh của bầy chim co quắp
Lượn xoay vòng giữa trời lạnh, giá băng
Trận cuồng phong cuốn những linh hồn ác.

43 Cuốn khắp đó đây, hạ xuống, tung lên
Không một chút hy vọng nào được nghỉ
Hay ước mong được giảm bớt cực hình.

46 Như đàn sếu bay về nam tránh gió
Kêu thảm thiết buồn giữa chốn không trung
Trước mặt tôi, một vòng tròn nức nở.

49 Tôi hỏi thầy: “Âm hồn bị cuồng phong
Giằng xé đó, thì họ là ai vậy
Sao bị hành hình bởi ngọn gió đen?”

52 Thầy trả lời: “Cái người đầu tiên ấy
Con hãy nhìn xem, là một nữ hoàng
Xưa từng cai trị nhiều dân tộc đấy.

55 Bà ta là người quỉ quyệt, gian tham
Đem biến thói dâm ô thành luật pháp
Cho thoát khỏi lời đàm tiếu của dân.

58 Đó là Xêmiramít mà ta biết được
Là hoàng hậu, người kế vị Ninô
Cai quản thành đô dâng cho vương quốc.

61 Kia, người đàn bà tự sát vì tình
Phản nắm xương Xikêô chồng cũ
Kia là Cờlêôpát – nữ hoàng dâm.

64 Còn kia Êlêna, một thời khó nhọc
Đã nổ ra vì sắc đẹp của nàng
Kia là Asin bị tình yêu khuất phục.

67 Và Parítxơ, và Tờrixtăng”.
Thầy kể tên và lấy tay chỉ trỏ
Những kẻ vì tình loại khỏi trần gian.

70 Khi tôi lắng tai nghe nhà học giả
Nêu tuổi tên bao hiệp sĩ, giai nhân
Thì lòng tôi bồi hồi, xao xuyến quá!

73 Tôi nói: “Hỡi nhà thơ, con rất mong
Được trò chuyện cùng hai người sánh bước
Đang cuốn theo làn gió rất nhẹ nhàng”.

76 Thầy bảo tôi: “Chút rồi con sẽ gặp
Và hãy thỉnh cầu khi họ đến đây
Họ sẽ tới, theo tình yêu dẫn dắt”.

79 Khi gió đẩy họ về phía chúng tôi
Tôi kêu lên: “Hỡi hai hồn đau khổ
Hãy trò chuyện cùng tôi, cả hai người!”

82 Như đôi chim câu nghe lời của tổ
Sải cánh theo tiếng gọi của đam mê
Theo niềm khát vọng, vượt bầu không khí.

85 Thế là họ tách khỏi nhóm Điđô
Tách bầu âm khí, phía tôi hướng đến
Họ vui lòng theo tiếng gọi từ bi.

88 “Hỡi sinh linh đáng yêu và nhân hậu
Đã ghé thăm nơi Địa ngục tối tăm
Chúng tôi những kẻ phàm trần nhuộm máu.

91 Giá như Thượng Đế sẽ là bạn thân
Thì chúng tôi cầu cho ngươi vạn sự
Vì rủ lòng thương cho cảnh đau lòng.

94 Nếu ngươi muốn hỏi, muốn nghe gì đó
Thì chúng tôi bộc lộ rất sẵn lòng
Khi nơi này dịu bớt đi ngọn gió.

97 Tôi sinh ra ở bên một dòng sông
Dòng sông Pô, nơi hạ thấp dòng chảy
Rồi các nhánh vào một biển hòa chung.

100 Tình đốt cháy những con tim dịu dàng
Tình quyến rũ, tình khát khao thân xác
Và say sưa, khủng khiếp giờ cuối cùng.

103 Tình sai khiến cả người yêu dấu nhất
Làm mê hồn, cuốn hút hai chúng tôi
Vòng tù hãm vững bền, ngươi đã biết.

106 Tình dẫn về cái chết cả hai người
Dìm ngày xanh trong Caina địa ngục”
Từ miệng họ tôi nghe thấy những lời.

109 Những chiếc bóng thật vô cùng tội nghiệp
Tôi cúi đầu trên ngực, trong u sầu
“Con nghĩ gì?” – Thầy của tôi thắc mắc.

112 “Ô, có ai người biết – tôi bắt đầu –
Mơ ước nào và từ đâu tai nạn
Dẫn hai người đi vào cõi khổ đau!”

115 Sau đó, hướng về những hồn im lặng
Tôi rằng: “Phờrăngxétxca, những lời em
Ta nghe theo bằng nước mắt thương cảm.

118 Nhưng hãy nói: giữa thổn thức ngày xanh
Có phải vì em do ai xúi giục
Hay dẫn dắt em dan díu với tình?”

121 Nàng trả lời: “Nhớ lại ngày hạnh phúc
Trong bất hạnh càng khiến cõi lòng đau
Vị học giả của ngươi chắc biết được.

124 Nhưng ngươi muốn nghe câu chuyện từ đầu
Tình khổ đau, tình chất đầy khao khát
Thì em tiếc lời và nước mắt đâu.

127 Có một lần em với chàng đã đọc
Về Lancelot – một câu chuyện ngọt ngào
Rồi cả hai, ai cũng đều sơ suất.

130 Từng nhiều lần tái mặt qua trang sách
Mắt nhìn nhau trong bí ẩn rung lên
Và đành để câu chuyện kia khuất phục.

133 Khi đọc rằng với nụ hôn của mình
Vào nụ cười bờ môi chàng áp sát
Em với chàng đau khổ đến ngàn năm.

136 Và cuốn sách trở thành Galeôt
Chàng hôn môi, em bần bật run lên
Không còn ai đọc đến cùng trang sách”.

139 Hồn nói xong, vẻ tức tối vô cùng
Còn hồn kia tim khổ đau nức nở
Tôi như người chờ đợi phút lâm chung.

142 Như người chết, tôi ngã nhoài sau đó.

______________________

CHÚ THÍCH

KHÚC V

4. Minos: Theo thần thoại Hy Lạp là vua xứ Creta, nổi tiếng công bằng và nghiêm khắc. Trong Địa ngục của Dante, Minos là quan phán xét.
58. Semiramis: nữ hoàng của xứ Caldea và Assiria, thế kỷ XIV tr. CN, nổi tiếng xinh đẹp và dâm đãng, đã ban bố đạo luật thừa nhận sự loạn luân.
59. Nino (Ninus): chồng Semiramis.
61. Didone (Dido): nữ hoàng của Cartagine (Carthage), vợ góa của Sicheo, đã yêu Enea say đắm khi chàng đi tìm miền đất để xây dựng thành Tơroa mới bị dạt vào xứ Cartagine. Enea phải tiếp tục ra đi, Didone tuyệt vọng và tự sát, như vậy là đã phản lại thề ước với người chồng cũ.
63. Cleopatras (69 – 30 tr. CN): nữ hoàng Ai Cập, là tình nhân của nhiều người, trong đó có Cesare và Antonio.
64. Elena (Helen): nữ hoàng xứ Sparta, vợ của Menelao bị Paride bắt cóc đưa về Tơroa trở thành nguyên nhân của cuộc chiến thảm khốc kéo dài 10 năm mà Dante gọi là “một thời khó nhọc”.
66. Achille (Asin): anh hùng Hy Lạp trong cuộc chiến Tơroa, yêu nàng Polissena, con gái vua Priamo, bị lôi kéo vào bẫy gian và bị giết chết.
67. Paride (Paris): người đã bắt cóc Elena; Tristan: nhân vật hiệp sĩ văn học trung cổ (Pháp, Đức), người yêu của Iđơn.
73 – 74. Đây là hai chiếc bóng không rời nhau của Fransesco da Rimini và Paolo Malatesta. Fransesco da Rimini là con gái của Gido da Polenta, lãnh chúa Ravenna đã gả cho Giancotto Malatesta, con trai của lãnh chúa Rimini – là một gã xấu trai và thọt chân nhưng độc ác. Khi Giancotto bắt gặp Fransesco dan díu với em trai mình là Paolo, đã đâm chết cả hai người bằng một nhát kiếm. Câu chuyện này xảy ra trong những năm 1283-1286.
107. Caina – đoạn đầu của vòng thứ chín địa ngục, nơi hành quyết những kẻ phản bội người thân của mình.
128. Lancialotto (Lancelot) – câu chuyện tình yêu của Pháp thế kỉ 13 về chàng hiệp sĩ Lancelot và tình yêu của chàng đối với hoàng hậu Guinevere (Gunivra), vợ của vua Arthur. Câu chuyện này thời đó đã được dịch ra tiếng Italia.
136. Galeotto (Gallehault) – người đã thuyết phục hoàng hậu Guinevere hôn chàng Lancelot vốn rất rụt rè, nhút nhát.