Czeslaw Milosz (1911-2004) – nhà văn, nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học 1980. Sinh ngày 30-6-1911 ở Seteksniai, khi đó còn thuộc Đế chế Nga, sau đó là Ba Lan, sau nữa là Liên Xô và cuối cùng là Cộng hòa Lithuania độc lập. Kí ức về tuổi thơ của nhà văn in đậm trong tiểu thuyết Thung lũng Issy. Học Đại học King Stefan Batory ở Wilno, Ba Lan (nay là Vilnius, thủ đô Lithuania), đăng những bài thơ đầu tiên trên tạp chí của trường. Năm 1933, ông xuất bản tập thơ Bài ca về thời gian bị đóng băng ( giải thưởng Hội Nhà văn Ba Lan 1943). Từ 1935, ông làm việc cho đài phát thanh Ba Lan, in tập thơ Ba mùa đông. Trong thế chiến I, ông viết thơ chống phát xít, xuất bản trường ca Thế giới: bản trường ca ngây thơ đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác.
Sau chiến tranh C. Milosz hoạt động ngoại giao, làm việc ở New York, Washington. Năm 1951, vì bất đồng chính trị, ông xin tị nạn tại Pháp. Tiểu luận Trí tuệ bị cầm tù là tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông được Phương Tây biết đến. Năm 1952, tiểu thuyết Giành chính quyền đoạt giải thưởng Văn chương Châu Âu. Năm 1960, C. Milosz sang Mỹ, trở thành giáo sư Đại học California, năm 1970 nhập quốc tịch Mỹ. Ngoài sáng tác C. Milosz còn dịch Kinh Thánh từ tiếng Do Thái cổ sang tiếng Ba Lan và thơ của nhiều nhà thơ Châu Mỹ . Năm 1980, ông nhận giải thưởng Nobel vì “các sáng tác thể hiện nỗi đau khổ của con người không được bảo vệ trong một thế giới mà họ đã phải đến sống sau khi bị đuổi khỏi thiên đường”. Trong hơn 20 năm sau giải thưởng Nobel, C. Milosz vẫn tiếp tục sáng tác, viết thơ, tiểu luận, dịch... Ông nhận được rất nhiều giải thưởng của Ba Lan, Mỹ, là tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học (California, Viện Đại học Cơ Đốc Lublin, New York,...). C. Milosz được coi là một trong những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất, sánh ngang với Adam Mickiewicz. Ông mất ngày 14-8-2004 tại Krakow. Sáng tác của Milosz gồm cả tiếng Ba Lan và tiếng Anh.
Tác phẩm: *Bài ca về thời gian bị đóng băng (Poemat o czasie zastyglym, 1933), thơ
*Ba mùa đông (Trzy zimy, 1936), thơ.
* Thế giới: Bản trường ca ngây thơ (The world: a naive poem, 1943), trường ca
*Bài ca bất khuất (Invincible song, 1943), thơ
*Giải cứu (Rescue, 1944), thơ
*Giành chính quyền (Zdobycie wladzy, 1952), tiểu thuyết
*Trí tuệ bị cầm tù (Zniwolony umysl, 1953), tiểu luận
*Thung lũng Issy (Dolina Issy, 1955), tiểu thuyết
*Châu Âu ruột thịt (Rodzinna Europa, 1958), tự truyện
*Thành phố không tên (Miasto bez imenia, 1969), thơ
*Những điều nhìn thấy ở bờ vịnh San Francisco (Widzenia nad zatoka San Francisco, 1969), tập truyện kí.
*Lịch sử văn học Ba Lan (The history of Polish literature, 1969), sách giáo khoa.
*Mảnh đất Ulro (The land of Ulro, 1977), tiểu luận.
*Hoàng đế trên Trái Đất: quan điểm lập dị (Emperor of Earth: modes of eccentric vision), tiểu luận.
*Tiếng chuông trong mùa đông (Bells in winter, 1978), thơ.
*Sách của Job (Ksiega Hioba, 1980), bản dịch Kinh Thánh.
*Bài ca ngọc trai (Hymn of the pearl, 1982), thơ.
*Nhân chứng thơ ca (Swiadectwo poezji, 1983), thơ
*Trái Đất ngoài tầm với (Nieobjeta Ziemia, 1986), thơ
*Sử biên niên (Kroniki, 1987), thơ.
*Những tỉnh thành (Provinces, 1991), thơ.
*Bắt đầu từ phố của tôi (Zaczynajac od moich ulic, 1992), tập truyện ký
*Đối mặt trước dòng sông: Thơ Mới (Facing the river: New Poems, 1995), thơ
HAI BÀI THƠ
Hai bài thơ dưới đây mâu thuẫn với nhau. Một, phủ nhận việc đi sâu vào vấn đề mà hàng thế kỉ nay các nhà thần học, các nhà triết học quan tâm, khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới trên một hòn đảo ở vùng Caribê. Bài thứ hai, ngược lại, than phiền rằng con người tự đánh mất kí ức của mình và sống có vẻ như không có gì xảy ra, có vẻ như nỗi kinh hoàng không ẩn giấu dưới bề mặt của thiết chế xã hội.
Chỉ có tôi biết rằng sự hoà hợp với thế giới ở bài thứ nhất che giấu trong mình không ít đắng cay, còn hơn cả sự mỉa mai như ta tưởng. Còn sự xung đột với thế giới ở bài thứ hai xuất phát từ một điều rằng sự giận dữ là một nhân tố kích thích mạnh mẽ hơn những cuộc tranh luận triết học. Cứ cho là như vậy. Cả hai bài thơ đồng thời thể hiện những mâu thuẫn của tôi, bởi vì chính kiến trong những bài thơ này, ở một mức độ ngang nhau, đều thuộc về bản thân tôi.
Czeslaw Milosz. TRÒ CHUYỆN CÙNG JEANNE Ta triết lý với nhau, có để làm gì đâu hở Jeanne(1)
Tốn bao nhiêu lời, tốn bao nhiêu giấy mực
Anh nói thật cùng em về sự xa cách của mình
Rằng anh không đến nỗi đắng cay vì cuộc đời này khó nhọc
Với đau đớn đời thường không tốt hơn mà cũng chẳng xấu hơn.
Cuộc tranh luận của ta kéo dài không dưới ba mươi năm
Còn bây giờ, trên đảo này, dưới bầu trời nhiệt đới
Ta chạy trốn cơn giông, phút giây dưới mặt trời sáng chói
Còn lại đây ngọc bích của màu xanh.
Ta đắm chìm vào bọt biển, bơi về chốn xa xăm
Nơi mặt trời móc vào những tàu lá chuối
Với những lá cọ trên cối xay gió vẫn còn vẫy vẫy
Và người ta đã buộc tội anh
Vì không đạt đến đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình
Rằng không đòi hỏi cho mình như Jaspers(2) đã chỉ
Rằng đã coi thường những yêu cầu thế kỉ.
Đung đưa trên ngọn sóng, anh ngắm nhìn những đám mây.
Jeanne ạ, quả thế, anh không biết quan tâm đến sự cứu rỗi của linh hồn
Một người này có năng khiếu thì người kia cũng làm được những gì có thể
Anh xứng đáng với những gì đã xảy ra và anh đồng ý.
Anh không chơi cái trò biết điều theo lối cổ xưa
Là đặc tính của cuộc đời này, sự tồn tại của ta:
Trên bãi tắm phụ nữ cởi trần với sắc đồng trên ngực
Hoa hồng vàng, hoa huệ đỏ, hoa phong lan… và xực
Bằng đôi mắt, bờ môi, lưỡi và nước ép
La prune de Cynthere Rượu rum và nước đá, nước quả ép và nước xi-rô
Những hàng cây gốc khẳng khiu trong rừng ẩm ướt
Và em vẫn nói rằng ta đã gần cái chết
Rằng ta khổ vì hạnh phúc quá ít chốn trần gian.
Những luống đất của vườn rau có màu tím đen
Em có còn ở lại đây nhìn đất, hay là chẳng
Biển sẽ vẫn như hôm nay, thở từ trong sâu thẳm
Biển co vào, mất hút trong bao la mà vẫn tự do hơn.
Guadeloupe _________________
(1)Jeanne Hersch – một người bạn lâu năm của Czeslaw Milosz – giáo sư triết học Đại học Geneva (Thụy Sĩ), học trò của Karl Jaspers.
(2) Karl Jaspers (1883-1969) – nhà triết học Đức, một đại diện của chủ nghĩa hiện sinh.
BÀI THƠ CUỐI THẾ KỈ Một khi đều tốt đẹp
Thì biến mất khái niệm lỗi lầm
Và mặt đất đã sẵn sàng
Tiêu dùng và vui vẻ
Khắp mọi nơi, mọi chỗ
Không mơ tưởng, chẳng lòng tin.
Tôi, không hiểu tại vì sao
Đi lục tìm trong sách
Của những tiên tri, những nhà thần học
Những thi sĩ, những triết gia
Đi kiếm câu trả lời
Nhăn mặt, chau mày, thức trong đêm vắng
Rồi kêu lên mỗi buổi sáng.
Những gì hành hạ tôi
Thật vô cùng xấu hổ
Thiếu sáng suốt và tế nhị
Là thuộc tính của chuyện này
Chút nữa thì tôi xâm hại
Đến sức khoẻ của loài người.
Chỉ tiếc rằng, kí ức của tôi
Không để cho tôi yên lặng
Và trong đó có những điều sống động
Với nỗi đau của mình
Với cái chết của mình
Và với sự ngạc nhiên tư hữu.
Lấy đâu ra sự trinh trắng, hồn nhiên
ở chốn thiên đàng trên mặt đất
Để trao cho bầu trời trong sạch
Bằng sự rửa tội của nhà thờ?
Có phải chính vì thế mà
Điều này tồn tại đã từ lâu lắm?
Nói cho bậc hiền tri ngoan đạo
Câu ngụ ngôn Arập thế này
Thượng Đế từng nói trong cơn giận:
“Giá mà con người khi hối hận
Nói rằng con là kẻ lỗi lầm
Thì ta đã chẳng hề khen.
Còn ta khi mở cửa cho con
Cho kẻ nhân từ xứng đáng
- Ngài trả lời cao thượng -
Thì ta đã coi thường”.
Tôi biết hỏi ai
Về những việc làm đen tối
Những nỗi đau cùng lầm lỗi
Trong kiến trúc cuộc đời này
Nếu như không ở dưới đây
Không ở trên cao đó
Không một sức mạnh nào có thể
Mở ra nguyên nhân và hậu quả cho tôi?
Không suy nghĩ, không nhớ về
Cái chết trên cây thập ác
Dù hàng ngày đang chết
Một người duy nhất đáng yêu
Người mà lúc nào
Cũng đồng ý và cho phép
Rằng sự tồn tại trên mặt đất
Luôn cùng với đau đớn, cực hình.
Quả là enigmatical
Những điều không hiểu nổi.
Tốt nhất là lời khép lại.
Ngôn ngữ này không phải cho người
Ta chỉ có một niềm vui
Là mùa thu hoạch nho và lúa
Dù không phải cho tất cả
Sự yên lòng được trời trao.
Berkeley.