Các nhà thơ Đức+Ba Lan

Tác giả Bài
cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:16:15
 


Johann Wolfgang von Goethe (28/8/1749 – 23/2/1832) – nhà bác học, nhà tư tưởng, nhà thơ Đức, tác giả của “Faust” vĩ đại.

Tiểu sử:
Goethe sinh ở Frankfurt am Main. Bố là Johann Caspar Goethe, một vị quan của triều đình, mẹ là Catharina Elisabeth Textor, con gái của Thị trưởng thành phố. Từ nhỏ được bố và các thầy tư dạy các môn học phổ thông và các thứ tiếng: Hy Lạp, Latinh, Anh, Pháp. Goethe yêu thích hội họa và văn chương từ bé, 8 tuổi đã biết làm thơ. Từ năm 1765 đến năm 1768, Goethe học luật ở Đại học Leipzig nhưng ông tỏ ra không thích môn luật mà chỉ yêu thích thơ ca. Thời kỳ này Goethe yêu cô Käthchen Schönkopf và làm nhiều bài thơ tặng cô gái này. Năm 1767 ông xuất bản tập thơ đầu tiên: Das Buch Annette, một số bài thơ ông viết thời kỳ này bị thất lạc vì ông không lưu lại. Năm 1768 ông trở về Frankfurt và bị bệnh, phải nằm viện một thời gian dài. Năm 1770 ông tốt nghiệp Đại học luật ở Strasbourg. Ở đây, ông gặp và kết bạn với Johann Gottfried Herder, người có sự ảnh hưởng đến việc phát triển tài năng của Goethe sau này. Chính Herder là người đã khơi dậy lòng yêu thích Shakespeare, Ossian và thơ ca dân gian ở Goethe. Trong một chuyến đi về làng Sesenheim, Goethe đem lòng yêu mến cô Friederike Brion, nhiều bài thơ nổi tiếng như: Willkommen und Abschied (Gặp gỡ và chia ly); Mailied (Khúc hát tháng năm), được viết trong thời kỳ này.

Những năm từ 1775 đến 1785, Goethe sống ở Weimar, vừa là bạn, vừa là cố vấn cho quận công Carl August, ông tham gia vào nhiều công việc quan trọng trong bộ tài chính, bộ giao thông và nghiên cứu nhiều môn khoa học khác ngoài thơ ca. Thời gian này ông hai lần đi sang Ý du lịch và nghiên cứu các nhà thơ cổ La Mã. Năm 1794 ông kết bạn với Friedrich Schiller và chủ yếu sống ở Weimar. Năm 1806, một lần dạo chơi trong công viên ở Weimar, Goethe gặp người đẹp Christiane Vulpius, chính xác hơn là người đẹp đã bước đến nhờ Goethe đọc thơ của anh trai mình. Thơ của anh trai không hay nhưng Christiane Vulpius rất đẹp, và con tim nhà thơ đã rung động. Cuộc hôn nhân của ông với Christiane Vulpius là nguồn cảm hứng cho ông viết Römische Elegien (Những khúc bi ca La Mã) và nhiều bài thơ tình nổi tiếng. Ngoài thơ (gần 1600 bài), Goethe còn viết tiểu thuyết, truyện, giai thoại và danh ngôn. Đỉnh cao sáng tạo của ông là kiệt tác “Faust”, tác phẩm mà ông viết xong vào những ngày tháng cuối của cuộc đời. Goethe mất ở Weimar ngày 23 tháng 2 năm 1832.

Tác phẩm chính:
*Das Buch Annette, 1767
*Die Laune des Verliebten, 1767
*Götz von Berlichingen mit der eisernen Hand, 1773
*Clavigo, 1774
*Die Leiden des jungen Werthers, 1774
*Egmont, 1788
*Iphigenie auf Tauris, 1787
*Torquato Tasso, 1790
*Wilhelm Meisters Lehrjahre, 1796
*Xenien, 1796
*Die Wahlverwandtschaften, 1809
*Urworte. Orhisch, 1817
*Faust, 1832





GỬI MIGNON

Bay trên trời chiếu sáng
Xe mặt trời màu vàng
Tỏa sáng tận xa xăm
Nhưng than ôi, gần sáng
Trong con tim sâu thẳm
Thức dậy nỗi đau buồn.

Đêm nghiệt ngã cùng ta
Vỗ về những giấc mơ
Giờ khắc trôi chầm chậm
Nhưng than ôi, gần sáng
Trong con tim sâu thẳm
Đan kết nỗi buồn xưa.

Tưởng nhớ tháng ngày qua
Dưới bầu trời mờ xa
Những con tàu cập bến
Nhưng ở trong lòng ta
Một nỗi buồn cay đắng
Không đi khỏi bao giờ.

Ta ngỡ là khỏe mạnh
Mặc áo quần sang trọng
Chỉ dành cho ngày vui
Nhưng những ai chào đón
Có ai người cảm nhận
Trong tim ta ngậm ngùi.

Mặc lòng khóc cay đắng
Nhưng nước mắt ta chùi
Giá như đau khổ này
Đưa ta về ngôi mộ
Thì từ lâu ta đã
Ngủ yên trong đất rồi.

 
 
 

 
 
TÌNH YÊU MỚI, CUỘC ĐỜI MỚI
 
Con tim của ta ơi, có điều gì
Đã xảy ra làm mi buồn đến thế?
Cuộc đời mới lại hồi sinh mạnh mẽ
Làm cho ta không thể nhận ra.
Những gì xưa yêu giờ đã trôi qua
Xưa khát khao để giờ mi rầu rĩ
Đâu rồi tĩnh lặng, đâu vẻ vô tư
Con tim ơi, sao mi buồn đến thế?
 
Vẻ đẹp trẻ trung biến mi thành nô lệ
Vẻ dịu dàng, thùy mị, nét thơ ngây
Ánh mắt rực lửa, khao khát, gọi mời
Quyến rũ mi cho đến ngày xuống mộ
Liệu mi có muốn quay về lần nữa
Hay mong thoát ra khỏi cảnh tù đày
Nhưng vẻ đam mê, ánh mắt gọi mời
Chao ôi, muốn được quay về lần nữa!
 
Ta bất lực, bị bùa mê quyến rũ
Vây quanh ta dù sợi chỉ mong manh
Nhưng làm cho ta không nhận ra mình
Và ta vui với cuộc đời nô lệ.
Không mong muốn, không còn sức lực nữa
Ta thèm yêu, ta khao khát nỗi buồn
Muốn sống trong câu chuyện cổ thần tiên
Tình yêu ơi, thôi ta đành vậy nhé.
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.09.2009 10:19:03 bởi cacbac >

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:18:21
 


Christian Johann Heinrich Heine (13/12/1797 – 17/2/1856) – nhà thơ, nhà văn Đức, là một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XIX. Tên tuổi của Heine đặt ngang hàng với Goethe, Schiller…

Tiểu sử:
Heinrich Heine sinh ở Düsseldorf, Đức trong gia đình một thương gia gốc Do Thái.Heine học ở các trường Đại học Göttingen, Bonn và Berlin, chịu ảnh hưởng của Hegel. Năm 1825 nhận bằng tiến sĩ luật và hành nghề luật nhưng say mê văn chương, cả thơ ca lẫn văn xuôi. Tác phẩm đầu tay Reisebilder, nhiều tập, xuất bản năm 1826 đг mang lại danh tiếng cho фng vа tiếp đу, фng đг cу thể sống được bằng nghề văn. Thаnh cфng nаy cho phйp Heine cộng tбc lвu năm với một nhа xuất bản ở Hamburg. Thời gian nаy фng đi sang Anh, Э tмm kiếm cảm hứng để viết tiếp cбc tập sau. Quyển thơ đầu tiкn Gedichte (Những bài thơ), sáng tác năm 1821, về một tình yêu cuồng si với người em họ Amalie. Tình yêu này đã truyền cảm hứng cho ông viết nên những bài thơ tình hay nhất. Tập Buch der Lieder (Quyển sách thơ) là tuyển tập thơ đầu tiên có đầy đủ các bài thơ ông viết. Năm 1831. Heine rời Đức, sang Paris, Pháp và sống ở đó cho đến hết đời, ngoại trừ một lần trở lại Đức năm 1843. Ở Pháp, ông đã liên kết với nhóm chủ nghĩa xã hội không tưởng của Count Saint-Simon, người tuyên truyền một thiên đường theo chủ nghĩa quân bình không giai cấp dựa trên những người có tài thực sự. Dù sống ở Pháp nhưng ông sáng tác về nước Đức. Thập niên 1840 ông liên tục cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng: Atta Troll: Ein Sommernachtstraum (Atta Troll: Giấc mộng đêm hè, 1843); Neue Gedichte (Những vần thơ mới, 1844); Deutschland, ein Wintermrchen (Nước Đức. Câu chuyện cổ mùa đông, 1844).

Những năm tháng cuối đời, Heine bị bệnh nằm liệt giường trong suốt 8 năm trời, tuy vậy ông vẫn tiếp tục sáng tác. Bằng chứng là nhiều tuyệt tác của ông được viết trong thời gian này như Romanzero, 1851; Gedichte 1853–1854…Heinrich Heine mất ngày 17 tháng 2 năm 1856 ở Paris, mai táng tại nghĩa trang Montmartre. Thơ của Heine dễ đọc vì ông biết cách diễn đạt giản dị và ngắn gọn nhưng sâu sắc về ý nghĩa. Với gần 10.000 tác phẩm đủ mọi thể loại, Heine còn là nhà thơ được phổ nhạc nhiều nhất mọi thời đại. Heine nổi tiếng là một nhà tiên tri với dòng thơ: “Ở nơi mà người ta đốt sách, rồi họ sẽ đốt người”, ông viết những lời này từ năm 1821, dự báo về cảnh lò thiêu của Đức Quốc xã trong thế chiến II.

Tác phẩm:· Auf Flügeln des Gesanges
· Gedichte, 1821
· Tragödien, nebst einem lyrischen Intermezzo, 1823
· Reisebilder, 1826-31
· Die Harzreise, 1826
· Ideen, das Buch le Grand, 1827
· Englische Fragmente, 1827
· Buch der Lieder, 1827
· Französische Zustände, 1833
· Zur Geschichte der neueren schönen Literatur in Deutschland, 1833
· Die romantische Schule, 1836
· Der Salon, 1836-40
· Ludwig Börne: Eine Denkschrift, 1840
· Neue Gedichte, 1844 - New Poems
· Deutschland. Ein Wintermärchen, 1844 - Germany
· Atta Troll. Ein Sommernachtstraum, 1847
· Romanzero, 1851
· Der Doktor Faust, 1851
· Les Dieux en Exil, 1853
· Die Harzreise, 1853
· Lutezia, 1854
· Vermischte Schriften, 1854
· Letzte Gedichte und Gedanken, 1869
· Sämtliche Werke, 1887-90 (7 Vols.)
· Sämtliche Werke, 1910-20
· Sämtliche Werke, 1925-30
· Werke und Briefe, 1961-64
· Sämtliche Schriften, 1968

Một số bài thơ:



NÓI LỜI RỒI CHẾT

Bao kiếp người đều chết
Năm tháng vẫn qua mau
Chỉ tình yêu không hết
Ngự trong trái tim sầu.

Xin một lần tôi được
Quì xuống dưới bàn chân
Nói một lời rồi chết:
Tôi yêu nàng, madame!


HỌ ĐÃ CHẾT TỪ LÂU

Họ đã yêu nhau vô cùng thắm thiết
Nhưng hai người đều không muốn gặp nhau
Họ đau khổ vì tình yêu mỏi mệt
Nên hai người ngăn cách bởi niềm đau.

Họ chia tay chỉ còn trong giấc mộng
Cả hai người được nhìn thấy hình nhau
Và tự họ không thể nào biết đến
Một điều rằng họ đã chết từ lâu.


EM NHƯ BÔNG HOA QUÍ

Em như bông hoa quí
Đẹp sáng tỏ, dịu hiền
Anh nhìn em, ngắm nghía
Hồn lại nổi sóng lên.

Hãy cho anh được nhé
Đưa tay đặt lên đầu
Để cầu xin Thượng Đế
Cho em đẹp dài lâu.



ĐÔI MẮT EM

Em có cả kim cương và ngọc bích
Cả những gì thiên hạ vẫn đi tìm
Và em có đôi mắt vô cùng đẹp
Em yêu ơi còn ao ước gì hơn?

Vì đôi mắt của em vô cùng đẹp
Anh gửi về nguyên cả một đoàn quân
Những bài hát của trái tim tha thiết
Em yêu ơi còn ao ước gì hơn?

Trong tim anh, đôi mắt này tuyệt đẹp
Đã đặt vào dấu vết của đau thương
Vì đôi mắt anh sẵn sàng xin chết
Em yêu ơi còn ao ước gì hơn?


ÁNH TRĂNG

Ánh trăng soi sóng sánh
Trên sóng biển rì rào
Trăng trên trời yên lặng
Và sáng tỏ biết bao.

Em cũng vậy, lặng yên
Đi trên đường sáng tỏ
Nhưng bóng em rung lên
Trong tim này run rỡ.


DÙ EM Ở ĐÂU

Dù em ở đâu thì anh vẫn thế
Ơ khắp nơi, anh vẫn gặp hàng ngày
Em càng muốn xa anh, càng khó dễ
Anh lại càng yêu em đến mê say.

Cơn giận của em làm anh dễ chịu
Trước mặt em anh luống cuống, ngại ngùng.
Nếu em muốn cho anh thôi quấy nhiễu
Hãy nhớ rằng em cần phải yêu anh.


CON TIM TAI ÁC

Anh chẳng tin điều gì ở trời xanh
Chẳng đọc kinh dù Tân hay Cựu ước
Mà anh chỉ tin ở đôi mắt em
Trong đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc.

Anh chẳng hề tin vào chuyện thánh thần
Chẳng đọc kinh dù Tân hay Cựu ước
Mà anh chỉ tin ở trái tim em
Ngoài trái tim chẳng có thần nào khác.

Anh chẳng tin ác độc những linh hồn
Chẳng hề tin vào khổ đau địa ngục
Mà anh chỉ tin ở đôi mắt em
Anh chỉ tin con tim em tai ác.


BÂY GIỜ TÔI MỚI NÓI

Cái chết về. Bây giờ tôi mới nói
Đành bỏ qua thề thốt một lời nguyền
Rằng con tim đã bao năm nhức nhối
Một nỗi buồn mòn mỏi chỉ vì em.

Quan tài đợi. Và bóng đen cau có
Tôi ngủ quên trong giấc ngủ muôn đời
Chỉ mình em, Maria, hãy nhớ
Chỉ mình em khóc thương tiếc cho tôi.

Bàn tay đẹp em nhớ đừng làm hỏng
Chỉ thế thôi số phận của con người
Ai chỉ sống với cuộc đời cao thượng
Khi chết rồi chỉ còn tiếc mà thôi.


NGƯỜI ĐANG YÊU

Ai là kẻ mới biết yêu lần đầu
Cứ đau khổ đi – ngươi là Thượng Đế
Nhưng ai người đã yêu lại lần sau
Còn đau khổ qủa là không biết nghĩ.

Tôi đang yêu – tôi người không biết nghĩ
Đi yêu người nhưng người chẳng yêu tôi.
Sao cười tôi, cả mặt trời cũng thế
Tôi cũng cười nhưng cười để chết thôi.


EM CHẲNG THẤY ĐÂU

Trong nhà em đêm hội
Cửa sổ sáng chói loà
Bóng dáng em sôi nổi
Anh đứng nhìn từ xa.

Nhưng em không nhìn thấy
Anh đang đứng trong đêm
Lại càng không nhìn thấy
Trong mắt anh nỗi buồn.

Con tim yêu đau đớn
Dòng máu nóng tuôn trào
Tim vỡ ra từng mảng…
Em cũng chẳng thấy đâu.




CHỈ LÀ BÓNG

Chỉ là bóng – tất cả về cát bụi
Cả nụ hôn, cuộc sống, ái tình
Vâng, em ơi, tất cả đều qua nhanh
Những gì đã qua không còn quay trở lại.

Những gì đã yêu, những gì đã có
Đều là giấc mơ, tiếng động, bóng ma
Và con tim quên lãng tự bao giờ
Và đôi mắt đã từ lâu mê ngủ.


SAU ĐÓ – VÀ MỘT MÌNH

Hai người trước lúc chia xa
Cùng bắt tay nhau tạm biệt
Cả hai cùng thổn thức
Và những giọt lệ tuôn ra.

Khi chia xa cả em và anh
Hai ta không nức nở
Nhưng nước mắt đau khổ
Đã tuôn ra sau đó – và một mình.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:20:51





Rainer Maria Rilke (tên đầy đủ: René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke, 4 tháng 12 năm 1875 – 29 tháng 12 năm 1926) – nhà thơ Áo viết bằng tiếng Đức, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ XX.

Tiểu sử:
Rainer Maria Rilke sinh ở Prague, Bohemia (thời đó là Áo-Hung, nay là cộng hoà Czech) trong một gia đình công chức. Tuổi thơ sống ở Prague, sau đó ở Munchen (Munich), Berlin, Paris, Thụy Sĩ. Học văn học, lịch sử nghệ thuật, triết học ở Đại học Prague, Đại học Munchen, Đại học Berlin. Những tập thơ đầu tiên Leben und Lieder (Cuộc đời và những bài ca, 1894); Traumgekrönt ( Những giấc mộng đăng quang, 1897).. là sự thể hiện những đề tài của chủ nghĩa suy đồi cuối thế kỉ XIX. Sau 2 chuyến đi sang Nga (năm 1897 và 1900) Rilke gặp Leo Tolstoy và chịu sự ảnh hưởng của văn học Nga, chuyển sang khuynh hướng nhân đạo trong sáng tác. Năm 1901 cưới Clara Westhoff và sinh con gái trong năm này, sau đó chuyển sang sống ở Pháp. Thế chiến I xảy ra, Rilke tham gia quân đội một thời gian, sau đó sống ở Munchen, năm 1919 sang Thụy Sĩ. Năm 1921 sống ở Muzot, hoàn thành Duineser Elegien (Những khúc bi ca Duineser) viết dở từ năm 1912 và viết Die Sonette an Orpheus (Sonnet gửi Orpheus). Từ năm 1923 vì lý do sức khoẻ phải sống ở khu điều dưỡng Territet bên hồ Geneva. Các bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh tình, chỉ trước khi chết không lâu mới xác định ra đó là bệnh máu trắng. Hậu quả là Rilke qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1926. Nhà thơ tự chọn cho mình câu thơ khắc trên bia mộ:

Rose, oh reiner Widerspruch, Lust,
Niemandes Schlaf zu sein unter soviel Lidern.

Hoa hồng, ôi vẻ hai mặt trắng trong, đỏng đảnh
Làm một giấc mộng không của ai dưới gánh nặng của bao đời.


Tác phẩm:Thơ:
*Leben und Lieder (Cuộc đời và những bài ca, 1894)
*Traumgekrönt (Những giấc mộng đăng quang, 1897)
*Advent (1898)
*Erste Gedichte (Những bài thơ đầu tiên, 1903)
*Mir zur Feier (Cho tôi trong ngày lễ, 1909)
*Buch der Bilder (Quyển sách những hình tượng, 1902)
*Stundenbuch (Nhà nguyện, 1905)
*Neue Gedichte (Những bài thơ mới, 1907-08)
*Duineser Elegien (Những khúc bi ca Duineser, 1912/1922)
*Die Sonette an Orpheus (Sonnet gửi Orpheus, 1923)
*Das Marien-Leben (Cuộc đời của trinh nữ Marie, 1912)
*Die Weise von Liebe und Tod des Kornets Christoph Rilke, (Bài ca về tình yêu và cái chết của Kornets Christoph Rilke 1906).
Văn xuôi:
*Die Aufzeichnungen des Malte Laurids Brigge (Những ghi chép Malte Laurids Brigge 1910)



CHO GIẤC MỘNG NGÀY MAI

Anh muốn hát ru em như ngày cũ
Hát đưa nôi mẹ từng hát ru ta.
Để ru em vào giấc mộng và chờ
Em trở về với anh từ giấc ngủ.

Rồi anh anh sẽ lắng nghe từng hơi thở
Anh nép mình bên cửa sổ lặng yên
Để sáng ra anh biết, chỉ một mình
Ôi, cái đêm vừa qua sao lạnh thế.

Khu vườn khẽ rùng mình sau cửa sổ
Khi ngôi sao trên chiếc lá rơi lên
Trong giấc mơ em hãy ngó nhìn xem:
ánh mắt anh như bàn tay dịu nhẹ.

Những bàn tay giữ gìn em rất khẽ
Và ít khi đặt em ở trên giường
Trong khoảnh khắc, khi trong sự lặng yên
Anh nghe ra tiếng thì thào ai đó.


BẦU TRỜI ĐÊM

Bầu trời đêm mờ mờ trong ánh bạc
Đêm muốn khoe vẻ đặc biệt của mình
Ta thật xa, để cùng đêm hoà nhập
Và quá gần, để không hiểu về đêm.

Ngôi sao rụng!... Và em hãy vội nhìn
Em hãy đoán ra trong giờ phút ấy…
Điều gì “có” và “không” chốn trần gian
Ai có lỗi? Ai người không có lỗi?…


TA YÊU EM, MÙA XUÂN

Ta yêu em, mùa xuân
Cả trăm điều huyền bí
Không mùa xuân thành thị
Mà mùa xuân trong rừng.

Chỉ những ai lang thang
Chỉ những ai đôi lứa
Sẽ tìm thấy mùa xuân
Trong từng bông hoa nhỏ.



TRÊN THUNG LŨNG GIỜ HOÀNG HÔN

Trên thung lũng giờ hoàng hôn
Ta lang thang, không hiểu vì đâu đấy…
Và bỗng nhiên giữa trời xanh
Một ngôi sao bừng cháy.

Ngôi sao giữa trời xanh mệt mỏi
Ánh lửa cháy rung rinh
Ngôi sao cũng khát khao về nơi xa ấy
Và cũng một mình…


ANH SẼ CÙNG EM

Anh sẽ cùng em, khi năm tháng
Tạo nên những sự diệu kì
Từ cành thông sẽ nhỏ xuống hồn ta
Niềm ân huệ như giọt sương buổi sớm.

Khi hoa nhài nở trong tháng năm
Bên đường, quanh cây thập ác
Bàn tay màu trắng của hoa xoã lấp
Vầng trán của Chúa đau thương.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:23:46
 


Nelly Sachs (1891-1970) - nữ nhà thơ Đức, giải Nobel Văn chương 1966, sinh ngày 10-12-1891 trong một gia đình Do Thái giàu có ở Berlin. Từ nhỏ đã yêu thích âm nhạc, văn chương, làm thơ đăng trên một số báo và in một cuốn sách bao gồm những giai thoại và truyền thuyết. Năm lên 15 tuổi Nelly Sachs đọc tiểu thuyết Gostar Berlings Saga của nữ nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlof (1858 - 1940), cuốn sách đã để lại trong lòng Nelly Sachs một ấn tượng vô cùng sâu sắc và cô đã viết thư cho Selma Lagerlof. Kể từ đó hai người tiếp tục thư từ cho đến khi Selma Lagerlof mất.
Năm lên 18 tuổi Nelly Sachs bắt đầu làm thơ về thiên nhiên và dựa trên những câu chuyện cổ tích, một số bài thơ được đăng trên các báo. Sau khi bố mất và Hitler lên nắm quyền ở Đức, Nelly Sachs cùng mẹ sống một cuộc sống thu mình, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài.
Năm 1940, nước Đức đánh chiếm Châu Âu và khủng bố người Do Thái, Nelly Sachs trốn sang Thụy Điển và ở đây tiếp tục sáng tác và dịch thuật. Tập thơ đầu tiên sau chiến tranh của bà Trong ngôi nhà của tử thần xuất bản tại Đông Đức năm 1947. Thơ Nelly Sachs mang tư tưởng nhân đạo, thường nói về nỗi thống khổ và niềm hi vọng của dân tộc Do Thái, chịu ảnh hưởng bởi thơ ca truyền thống Do Thái và chủ nghĩa thần bí cổ đại Đức. Từ sau chiến tranh bà còn viết một số vở kịch, nhưng tác phẩm khiến bà nổi tiếng nhất là Trốn chạy và biến đổi (1959). Sau tập thơ này bà được trao giải thưởng Anetta von Droste Hulsoff và chính quyền Dortmund đã lập ra một giải thưởng văn học hàng năm mang tên Nelly Sachs và cấp cho bà một chế độ trợ cấp trọn đời.
Nelly Sachs được tặng nhiều giải thưởng, trong đó giải Nobel Văn học bà nhận cùng với nhà văn Do Thái khác là Shmuel Agnon. Nelly Sachs mất tại Stockholm ngày 12-05-1970.

Tác phẩm:
- Trong ngôi nhà của tử thần (In den Wohnungen des Todes, 1946), thơ.
- Che mờ các ngôi sao (Stern ver dunkelung, 1949), thơ.
- Không ai biết được sẽ ra sao (Und niemand weiss weiter, 1957), thơ.
- Trốn chạy và biến đổi (Fluch und Verwandlung, 1959), thơ.
- Bí kịch về những đau khổ của Israel (Ein Mysterienspiel vom Leiden Israels, 1951), kịch.
- Những dấu hiệu trên cát (Zeichen im Sand, 1962), tập kịch.




CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐỜI

Các dân tộc trên đời
hãy bằng sức mạnh những vì sao xa xôi
quấn vào như búp sợi
hãy đan, rồi tháo, rồi đan lại
cho trộn lẫn những lời
như cái tổ ong
châm chích cho thoả lòng
và để cho ong cắn lại.

Các dân tộc trên đời
chớ hủy hoại những lời hoàn vũ
chớ chia cắt bằng dao lòng thù hận khắp nơi
tiếng động sinh ra cùng hơi thở!

Các dân tộc trên đời
có ai không hiểu ngầm cái chết
khi nói “cuộc đời”
có ai không hiểu rằng máu thịt
khi nói “vành nôi”!

Các dân tộc trên đời
những lời nói nơi ngọn nguồn bỏ lại
bởi chúng sẽ quay về với
những chân trời
bằng mặt trái của mình
sự sơ suất che đêm lại
để những vì sao sẽ hồi sinh.



NHỮNG NGƯỜI GIÀ

Ở đây
Trong kho chứa của những ngôi sao này
Trời đêm che lên từng mảng
Họ đứng và đợi Chúa Trời.
Những móc sắt han gỉ cùm miệng họ
Lưỡi lặng câm. Chỉ những đôi mắt nói lời
Trong những đôi mắt – là những cái giếng xác chết chất đầy
Ô, những người già mang những đứa trẻ bị thiêu trong mắt
Như tài sản duy nhất của họ trên đời…

Những người già đứng đấy
Đêm cắt vào giấc ngủ
Vào bầu trời đêm họ dõi mắt nhìn
Họ đợi Chúa Trời với vì sao cháy lên.

Những bàn tay giơ vào trời xanh
Những đôi môi cháy sém
Những đôi môi câm nín
Trong tiếng kêu lạc lối những hành tinh.

Chỉ những đôi mắt không ngủ bao giờ
Bầy quạ đen trên đám mồi bay liệng
Chìm trong nước mắt và luôn tái hiện
Quạ canh chừng những đứa trẻ cháy thành tro.

Ô, những người già mang những nấm mồ:
Kí ức đắng cay của những ngày khiếp đảm!
Họ vẫn đợi, kiên gan, dù Chúa Trời im lặng
Không vội vàng từ xứ sở những vì sao…


*Năm 1966 Nell Sach được trao giải Nobel Văn học cùng với Agnon. Trong lời đáp ở buổi tiệc chiêu đãi Nelly Sachs nói rằng: “Agnon đại diện cho nhà nước Israel còn tôi đại diện cho thảm kịch của dân tộc Do Thái”.

Ngày 10-5-1933 ở Berlin, Đức quốc xã đem đốt hàng loạt sách “độc hại” do những tác giả người Do Thái viết ra. Trong số này có sách của H. Heine, S. Freud. S. Zweig, A. Einstein… Nhưng từ giữa thế kỉ 19 nhà thơ vĩ đại Heinrich Heine đã viết những lời tiên tri: “Nơi mà người ta đem đốt sách, rồi họ sẽ đốt người!”
Trong suốt những năm chiến tranh thế giới thứ hai Đức quốc xã thi hành chính sách giết hết người Do Thái. Bất kể đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ con… Sáu triệu người Do Thái bị giết ở Đức và các nước châu Âu bị Đức chiếm đóng. Đây là một trang bi thảm nhất trong toàn bộ lịch sử dân tộc Do Thái.
Trong những năm kinh hoàng này Nelly Sachs cùng với mẹ đã kịp rời nước Đức trên chuyến tàu cuối cùng sang Thụy Điển. Đến Thụy Điển những năm đầu bà làm đầu bếp, sau đó là dịch thuật và tiếp tục sáng tác. Bà viết trong hồi kí của mình: “Tôi viết để mà tồn tại. Tôi cháy lên trong lửa với những ai ở đấy… Nhưng tôi phải sống để cho những người khác biết về tất cả…” Khi nghe tin về cái chết của người yêu, những người bà con, bạn bè thì phong cách thơ của bà thay đổi hẳn. Những lò thiêu, nhà hỏa táng và những nỗi cực hình luôn có mặt trong thơ bà…
Thơ của Nelly Sachs độc đáo ở hình thức lạ. Dường như toàn bộ thơ bà tạo thành một khúc tưởng niệm. Dưới những vẻ khác nhau chúng hợp thành một bài thơ lớn. “Những khúc Khải huyền tôn giáo này – nhà thơ, nhà phê bình Anh, Stephen Spender (1909-1995) viết – là sự thể hiện tính cách Do Thái, vô cùng mạnh mẽ, cuộc đời sánh ngang với cái chết và ngược lại…” Thơ của Nelly Sachs, có lẽ, là câu trả lời cho câu nói nổi tiếng của nhà triết học, nhà phê bình Đức, Theodor Adorno (1903-1969): “Sau Oswiecim(1) không nên làm thơ nữa”. Nghĩa là thơ ca, bằng cách nào đấy, phải viết khác đi… Quả vậy, thơ của Nelly Sachs không dễ đọc (dịch sang tiếng Việt lại càng khó khăn hơn). Đấy là sự khó nhọc của tâm hồn nhưng nếu xuyên qua được bức tường thì sẽ hiểu hơn về con người nói chung, hiểu về bản thân mình nhiều hơn, hiểu hơn về sự tồn tại cao cấp và đầy bi kịch của con người.
“Những người già” là một bài thơ không có vần bắt đầu bằng tiếng kêu “ở đây”. Những người già đứng ở đây. Họ không làm gì cả, họ chỉ đứng và đợi Chúa Trời. Chúa Trời ở đây không giống với Chúa Trời trong Kinh Thánh – là vị cứu tinh đối với con người trong những tình huống tuyệt vọng, còn ở đây, những người ở “trong kho chứa của vì sao” thì Ngài không thể cứu được họ. Những người già cũng không giống với Job đã gọi Chúa Trời, kêu với Ngài về những đau khổ của mình. Những người già chỉ biết đứng chờ trong tuyệt vọng. Họ đã mất không chỉ hy vọng mà cả lời nói “những cùm sắt han gỉ cùm miệng họ”. Những cùm sắt này hiểu theo truyền thống tôn giáo cho ta liên tưởng với cái mũ gai người ta đã đội lên đầu Chúa Jêsus trước khi đem Chúa đi đóng đinh (Tân Ước_Ma-thi-ơ 27:28). “Lưỡi lặng câm. Chỉ những đôi mắt nói lời…” Chỉ đôi mắt – cửa sổ tâm hồn – có thể biểu hiện được nỗi đau, nỗi tuyệt vọng tràn ngập trong lòng họ. Nelly Sachs mô tả: “những đôi mắt – là những cái giếng xác chết chất đầy”. Giếng là nơi con người lấy nước, giếng cần cho sự sống của con người. Nhưng giếng xác chết chất đầy thì không thể còn sử dụng được nữa. Giếng cũng bị tước mất chức năng của mình là cung cấp nước cho người…
Những người già được nói đến trong bài thơ này không hẳn là những người già cả mà chỉ đơn giản họ là những người sống sót qua những năm tháng khủng khiếp kia và bây giờ họ trở thành những người già. Họ bị mất tất cả: tài sản, gia đình, cả tiếng nói và cả niềm hy vọng. Họ đã chịu đựng quá nhiều đau khổ nên đã không còn cảm nhận được nỗi đau, nước mắt đã không còn trong những đôi mắt của họ. Chỉ còn lại một thứ duy nhất trong đó – “những đứa trẻ bị đốt thành tro”. ở đây qui luật tự nhiên bị phá vỡ – những đứa trẻ đáng lẽ phải sống tiếp sau bố mẹ mình nhưng vì chúng bị thiêu trong lò gas nên chỉ còn lại những người già… Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh Đức Chúa Trời, mặc dù Chúa đã không can thiệp, không giúp được gì cho họ nhưng họ vẫn đợi, vẫn kiên gan và vẫn tin rằng Ngài đang ở đâu đó. Hình tượng Chúa ở đây nói lên nhiều điều. Một mặt, cho thấy tình trạng tuyệt vọng đến tận cùng. Người ta đợi mà không còn mong một điều gì - đây là tình trạng mong manh giữa sự sống và cái chết. Mặt khác, sự tuyệt vọng được gắn liền với hình tượng Chúa – là Đấng Tối Cao mà con người vẫn đặt vào tất cả hy vọng (không quan trọng là sự tồn tại hay sự có mặt của Ngài). Và trái ngược với những điều được nói đến trong bài thơ, thức dậy ở người đọc một tình cảm, một ý nghĩ rằng, dù sao vẫn tồn tại Đức Chúa Trời, chỉ đơn giản là lúc đó Ngài không có mặt. Tồn tại – bởi vì người ta vẫn gọi tên Ngài, còn không có mặt – là bởi vì người ta vẫn đợi.
_____________
(1)Oswiecim (tiếng Ba Lan); Auschwitz (tiếng Đức) – thành phố ở miền nam Ba Lan. Trong những năm 1940-1945 là trại giam của phát xít Đức. Hơn 4 triệu người bị giết chết trong trại giam này.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:26:07
Các nhà thơ Ba Lan


Nhà thơ Giáo hoàng John Paul II


Bức hoạ thành Rôm phần II - Theo sách "Sáng thế ký"


NGÀI (ĐỨC CHÚA TRỜI)

Ta sống, đi lại, hít thở bằng Ngài
Nhưng chẳng lẽ Ngài chỉ là Đức Chúa?
Ngài sáng tạo ra muôn loài, và sau đó
Ngài cho tất cả có hơi thở, cuộc đời
Bàn tay Ngài là trụ đỡ cho những ước mơ.
Ta là nòi giống của Ngài – cuộc đời của Chúa.
Giáo chủ trong dàn đồng ca đứng giữa
Cất giọng hát lên, những lời trong Kinh
Con người hồi tưởng trong buổi hoàng hôn:
"Nhìn thấy Đức Chúa Trời, và đó là tốt đẹp".

Tâm hồn trong đời sáng tỏ nhường kia
Đức Chúa Trời soi sáng cho tất cả
Khởi thuỷ là Lời – Lời mở ra cánh cửa
Ta bước vào – hít thở, sống và đi.



CON NGƯỜI (TÔI)

Kêu lên trong sáng tạo của mình:
- "Hoan hô!"
Nhưng lịch sử trái ngược với ý muốn của ai?
Thế kỉ hai mươi thật vô cùng khiếp đảm!
Có thể chỉ là thế kỷ hai mươi?
Nhưng chân lý trăm năm không hạ mình tranh luận.
Và hình dáng, sự tương tự - của Ngài!

Người làm thuê của chân lý – thầy Buonarroti(1)
Suốt cả đời những gian phòng ở Vatican đã vẽ
Và chỉ mở cửa ra đi, ngôi nhà từ giã
Sau khi đã vẽ xong nhà thờ Sistina(2).

"Và Ngài đã tạo ra
Con người theo hình của Chúa
Ngài đã tạo ra
Đàn ông và phụ nữ
Ngài đã tạo ra họ.
Và cả hai đều trần truồng
Và không hề xấu hổ".
Và Đức Chúa Trời khi đó
Ngắm nhìn những gì Ngài đã tạo ra
Và nói: "Tất cả đều tốt đẹp cả mà!"

Không một sinh linh nào tránh khỏi con mắt Ngài
Trước mắt Ngài tất cả đều sáng tỏ.



SỰ PHÁN XÉT

Bảo tàng Sistina có bức tranh ngày phán xử
ở Capella(4) có toà án cho tất cả mọi người
Trong những con mắt đớn đau – cùng chung phận số
Điểm tận cùng là điểm kết đó thôi
Cứ như vậy, lần lượt những cuộc đời.

Non omnis morriar
Không, ta không chết bao giờ
Trong ta là cuộc sống
Đấy chỉ là phần xứng đáng
Đối diện với Ngài
Ngài đã tạo ra sự sống!
Đám đông trong bức tranh luống cuống.
Ngươi chưa quên chứ, Adam?
Ngài đã từng gọi:
- Con ở đâu rồi?
Và ngươi trả lời:
- Con sợ, con trần truồng
Con trốn vì điều ấy.
Ai nói rằng ngươi trần truồng?
Và ngươi đã trả lời, có nhớ?
- Ngài đã trao cho con người vợ
Và vợ con trao trái cấm cho con...

Đám đông chen chúc trong bức hoạ trên tường
Trước câu trả lời con người còng lưng xuống
Câu hỏi đã ghi, câu trả lời cũng đúng
Tất cả ra về theo một đường chung.
_____________________-
Bức hoạ thành Rôm là bài thơ dài gồm 3 phần, mỗi phần có nhiều mục. Chúng tôi chỉ trích dịch 3 mục của phần 2.
(1) Michelangelo Buonarroti (1475-1564) – nhà điêu khắc, hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ Italia.
(2) Sistina (Capella Sistina) – nhà thờ ở Vatican, nay là bảo tàng, nơi có những bức tranh nổi tiếng của Michelango Buonarroti
(4) Tháp chuông nhà thờ ở Vatican.




cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:28:30
 


Adam Bernard Mickiewicz (24 tháng 12 năm 1798 – 26 tháng 11 năm 1855) – nhà thơ dân tộc Ba Lan, được coi là một trong những nhà thơ lón nhất của thơ ca lãng mạn thế giới.

Cuộc đời:
Adam Mickiewicz sinh ở Zaosie gần Navahrudak, Đế quốc Nga (nay là Belarus), là con trai của Mikołaj Mickiewicz một luật sư nghèo. Học Đại học Vilnius từ năm 1815. Tham gia vào việc thành lập nhóm thanh niên yêu nước và làm thơ cổ vũ cho phong trào này. Sau khi tốt nghiệp Đại học, làm giáo viên dạy học. Năm 1823 bị bắt vào tù vì tham gia hoạt động chính trị, năm 1824 được trả tự do. Từ năm 1824 đi đến nhiều thành phố như Sankt-Peterburg, Odessa, Moskva, Cremia.. làm quen với nhiều nhà cách mạng Tháng Chạp ở Nga. Từ năm 1829 đi ra nước ngoài. Sống ở Đức, Thụy Sĩ, Ý. Năm 1832 sang Paris, cộng tác với các nhà chính trị sống lưu vong của Ba Lan và Litva. Năm 1840 được phong giáo sư các ngôn ngữ Slavic của trường College de France. Năm 1855 Adam Mickiewicz đến Constantinople với ý định thành lập đội quân người Ba Lan giúp Anh, Pháp chống lại Nga hoàng nhưng ý định đang dở dang thì bị bệnh dịch tả và mất ngày 26 tháng 11.

Thơ ca:
Bài thơ dầu tiên Zima miejska in ở báo Tygodnik Wileński năm 1818. Tập thơ đầu Poezje (Thơ), xuất bản năm 1822 có bài giới thiệu O poezji romantycznej (Về thơ lãng mạn) trở thành tuyên ngôn của phái lãng mạn trong văn học Ba Lan. Sau đó in 4 tập thơ khác ở Nga. Thiên sử thi Pan Tadeusz czyli Ostatni zajazd na Litwie viết trong các năm 1832-1834 in ở Paris năm 1834 được coi là kiệt tác. Adam Mickiewicz là người thể hiện ý chí của dân tộc Ba Lan, người đầu tiên nâng thơ ca Ba Lan lên ngang tầm các nền thơ khác của châu Âu.

Tác phẩm:
*Poezje (Thơ, 1822)
*Sonety krymskie (Những bài sonnet Cremia, 1826), thơ
*Konrad Wallenrod, 1828, trường ca
*Księgi narodu polskiego i pielgrzymstwa polskiego», 1832, văn xuôi
*Pan Tadeusz czyli Ostatni zajazd na Litwi, 1834, thiên sử thi
Các tuyển tập:
*Dzieła. Wydanie narodowe, t. 1-16, Warszawa, 1949—1955
*Dzieła. Wydanie jubileuszowe, t. 1-16; Warszawa, 1955
*Dzieła wszystkie, t. 1, 4, Warszawa, 1969-72




NGHI NGỜ

Anh đau khổ khi không nhìn thấy em
Khi gặp em – rối bời anh đã chẳng
Nhưng nếu hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Thì anh buồn, anh cảm thấy cô đơn
Không làm sao trả lời được cho mình:
Tình yêu chăng? Hay chỉ là tình bạn?

Khi ở xa nụ cười, ánh mắt của em
Hình bóng em, anh đã không tưởng tượng
Dù cố gắng, chỉ hoài công, phí uổng
Hình bóng rất gần tuyệt đẹp, lung linh
Anh không đoán ra đến tận bình minh:
Tình yêu chăng? Hay chỉ là tình bạn?

Anh chịu đựng đã nhiều, nhưng dù thế
Em trong nỗi niềm cay đắng chẳng hình dung
Không mục đích, em không giữ con đường
Anh chẳng biết tìm đâu ra cánh cửa
Ai dẫn đường? Sao chẳng có lời khuyên:
Tình yêu chăng? Hay chỉ là tình bạn?

Anh trao em sức khỏe, nếu em cần
Vì yên lặng của em, khổ đau anh chịu đựng
Và chẳng phải bằng những lời trống rỗng
Anh mong lặng yên, mong sức khỏe cho mình
Nhưng nguyên nhân của hẹn ước thề nguyền:
Tình yêu chăng? Hay chỉ là tình bạn?

Có chạm đến chăng bàn tay kín thầm
Có lãng quên trong giấc mơ êm ái
Anh khó nhọc đến muôn đời, mãi mãi
Và nghi ngờ thức dậy giữa con tim
Và lí trí đòi hỏi một lời khuyên:
Tình yêu chăng? Hay chỉ là tình bạn?

Bài thơ sáu khổ, không đọc cho anh
Người bạn nhà thơ - linh hồn báo mộng
Không biết từ đâu trên trang giấy trắng
Những tứ thơ, những vần điệu hiện ra?
Làm nức lòng, làm hứng khởi nhà thơ?
Tình yêu chăng? Hay chỉ là tình bạn?




HÃY NGỦ NGON

Hãy ngủ ngon! Anh chia tay với em
Để thiên thần đưa em vào giấc mộng
Hãy ngủ ngon! Đắm chìm vào quên lãng
Vẻ lặng yên sẽ mang đến trong lòng.

Từng phút giây em hãy ở bên anh
Một bước đi, một lời, em hãy nhớ
Để hình dung theo từng đường nét nhỏ
Gọi anh về từ bóng tối đêm đen!

Hãy ngủ ngon! Cho anh nhìn mắt em
Và gương mặt, cho anh nhìn có được?
Hãy ngủ ngon! Cho anh hôn lên ngực!

Em đừng đi, cho anh nói hai lời
Hãy ngủ ngon!… Em đóng cửa mất rồi
Anh nói trăm lần: “ngủ ngon” - để em không ngủ được.


GỬI VÀO ALBUM S. B.

Đã qua phút giây hạnh phúc của mùa hè
Khi ta nhẹ nhàng dạo chơi trên đồng cỏ
Ngắt những bông hoa, ta bó thành một bó
Hoa bây giờ nơi đó chẳng tìm ra.

Quên bão giông, bóng tối giữa trời xanh
ở nơi đó ánh vàng lên đồng cỏ
Tìm trang giấy cho bàn tay em nhỏ
Nhưng em ơi trang giấy thật khó tìm.

Thấy trang giấy, anh mang nó theo mình
Dù điều này em không còn trân trọng
Trang giấy này bàn tay anh sưởi ấm
Quà tặng cuối cùng anh gửi về em.
1824.



PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG BẮC

Nơi ta sống trị vì cơn bão tuyết
Có ghen chăng, những kẻ ở phương nam?
Miền đất mêng mông, không có tận cùng
Hoa trong bình minh và con tim rực lửa
Nhưng ở đó họa mi giờ đang ngủ
Những bông hồng, phút chốc đã ngắn hơn
Lục địa khô khan nhưng ký ức giữ gìn
Về những kẻ nằm trong mồ yên ngủ
Quí đất đai những ai nằm trong mộ
Và nhân gian muôn thuở chẳng hề quên.
1825.


LẠI TÌM VỀ EM

Khi giữa trời chim bay đi từng dãy
Tránh mùa đông, chim cất tiếng thở than
Em đừng trách chim, bởi đến mùa xuân
Theo đường quen chim lại bay về đấy.

Nhưng nghe giọng của chim buồn, em hãy nhớ
Hy vọng trong anh vẫn tỏa sáng nhọc nhằn
Trên đôi cánh vui mừng anh từ phương nam
Theo hướng bắc lại tìm về em đó!
1829.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:30:38
 


Konstanty Ildefons Gałczyński (23 tháng 1 năm 1905 – 6 tháng 12 năm 1953) là nhà thơ Ba Lan. Một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của Ba Lan thế kỷ XX.

Tiểu sử:
Konstanty Ildefons Gałczyński sinh ở Warsaw. Học văn học và ngôn ngữ ở Đại học Warsaw. Bắt đầu in thơ từ năm 1923. Năm 1928 tham gia nhóm thơ Kwadryga. Năm 1930 ông cưới Natalia Avalov. Những năm 1939-1940 bị bắt vào trại giam của Đức. Năm 1946 trở về Ba Lan, ông cộng tác với các tạp chí Przekrój, Tygodnik Powszechny.

Konstanty Ildefons Gałczyński là tác giả của nhiều tập thơ châm biếm và thơ trữ tình rất nổi tiếng ở Ba Lan cũng như ở nước ngoài qua bản dịch. Thơ ông thể hiện tình yêu Tổ quốc, quê hương, yêu lao động và nghệ thuật. Thơ ông giàu hình tượng, phong phú vần điệu và nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo. Ngoài sáng tác, ông còn là một dịch giả thơ nổi tiếng.
Tác phẩm:
*Liryka i groteska / Wybór N. Gałszyńskiej. — Warszawa: Czytelnik, 1975
*Poezje. — Warszawa: Czytelnik, 1976
*Dzieła, t. 1-5, [Warsz.], 1957-60

Thư mục:
*Drawicz A. Konstanty Ildefons Całczyński. — Warszawa: Państw, zakł. wyd. szkolnich, 1972
*Szymański W. P. Konstanty Ildefons Gałczyński. - Warszawa: PIW, 1972
*Wyka М. Gałczyński a wzory literackie. — Warszawa: PIW, 1970



CHUYỆN TRÒ

- Anh yêu em như thế nào, anh hãy nói?
- Anh sẽ nói bây giờ…
- Anh nói đi.
- Anh yêu em ngày dưới mặt trời, đêm dưới nến
Yêu em khi em đội mũ, quàng khăn
Yêu em trong nhà hát, giữa ngã tư đường
Trong tím tử đinh hương, trong bạch dương, phúc bồn tử
Yêu em cả khi em đi làm, khi em ngủ
Và khi em đập quả trứng vỡ rất dễ thương
Ngay cả khi chiếc thìa nhỏ em buông.
Trong xe tắc xi, khi gần, khi xa thẳm
Và cả khi em đi bộ đến
Yêu em cả bắt đầu, cả ở cuối con đường
Khi em chải tóc bằng chiếc lược con.
Cả dưới biển, trên rừng, cả khi em khó xử
Yêu bây giờ. Yêu hôm qua, ngày mai. Cả ngày và đêm cũng thế
Và khi chim én bay về báo hiệu mùa xuân.
- Thế mùa hè anh có yêu em không?
- Cháy bừng như nắng hạ.
- Thế mùa thu mây đen khắp nơi, cây rụng lá?
- Anh yêu, ngay cả khi em đánh mất chiếc ô!
- Thế mùa đông, khi tuyết rơi bên cửa sổ trắng mờ?
- Ô! Mùa đông anh yêu em như ngọn lửa
Luôn ở trong tim em. Khi gần, khi xa cũng thế
Dù ở bên ngoài cửa sổ tuyết trắng rơi
Còn quạ đen bay dưới tuyết, giữa trời.



cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:35:34




Leopold Staff (1878-1957)

KHI Ở TRONG RỪNG ANH GẶP EM

Khi ở trong rừng anh gặp em
Tựa như trong giấc mộng êm đềm
Sao em không nói cùng anh vậy
Chỉ nghe tiếng vọng của lời em?

Khi ở trong vườn anh gặp em
Nơi mùi hương ngan ngát bốc lên
Tại sao em không ôm anh nhỉ
Chỉ phảng phất gần gũi của em?

Khi bên giếng nước anh gặp em
Bầu trời trong giếng nước màu xanh
Tại sao mắt em anh không thấy
Chỉ ánh nhìn từ nước chiếu lên?

Khi ở trong mơ anh gặp em
Chỉ đêm khuya khoắt với lặng yên
Sao em không sống trên đời vậy
Chỉ hồn anh tràn ngập hồn em?



TÔI XÂY NGÔI NHÀ TRÊN CÁT

Tôi xây ngôi nhà trên cát
Ngôi nhà đổ nhào
Tôi xây ngôi nhà trên đá
Ngôi nhà vẫn đổ nhào
Nên bây giờ tôi bắt đầu
Xây nhà trên khói.

HOÀNG HÔN

Ôi hoàng hôn! Ngươi thật tuyệt vời thay
Cổ xưa như bầu trời, muôn đời – như bí ẩn
Trước băng giá của những ảo ảnh này
Mọi thứ của con người đều cô đơn và ngắn.

Nhưng khi hoàng hôn lặng yên trên biển
Và trở nên hoang vắng chốn trần gian
Thì theo ngọn đồi bước chân ta đến
Và những bước chân – có vẻ cả trăm năm.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:37:59
 


Czeslaw Milosz (1911-2004) – nhà văn, nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học 1980. Sinh ngày 30-6-1911 ở Seteksniai, khi đó còn thuộc Đế chế Nga, sau đó là Ba Lan, sau nữa là Liên Xô và cuối cùng là Cộng hòa Lithuania độc lập. Kí ức về tuổi thơ của nhà văn in đậm trong tiểu thuyết Thung lũng Issy. Học Đại học King Stefan Batory ở Wilno, Ba Lan (nay là Vilnius, thủ đô Lithuania), đăng những bài thơ đầu tiên trên tạp chí của trường. Năm 1933, ông xuất bản tập thơ Bài ca về thời gian bị đóng băng ( giải thưởng Hội Nhà văn Ba Lan 1943). Từ 1935, ông làm việc cho đài phát thanh Ba Lan, in tập thơ Ba mùa đông. Trong thế chiến I, ông viết thơ chống phát xít, xuất bản trường ca Thế giới: bản trường ca ngây thơ đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác.

Sau chiến tranh C. Milosz hoạt động ngoại giao, làm việc ở New York, Washington. Năm 1951, vì bất đồng chính trị, ông xin tị nạn tại Pháp. Tiểu luận Trí tuệ bị cầm tù là tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông được Phương Tây biết đến. Năm 1952, tiểu thuyết Giành chính quyền đoạt giải thưởng Văn chương Châu Âu. Năm 1960, C. Milosz sang Mỹ, trở thành giáo sư Đại học California, năm 1970 nhập quốc tịch Mỹ. Ngoài sáng tác C. Milosz còn dịch Kinh Thánh từ tiếng Do Thái cổ sang tiếng Ba Lan và thơ của nhiều nhà thơ Châu Mỹ . Năm 1980, ông nhận giải thưởng Nobel vì “các sáng tác thể hiện nỗi đau khổ của con người không được bảo vệ trong một thế giới mà họ đã phải đến sống sau khi bị đuổi khỏi thiên đường”. Trong hơn 20 năm sau giải thưởng Nobel, C. Milosz vẫn tiếp tục sáng tác, viết thơ, tiểu luận, dịch... Ông nhận được rất nhiều giải thưởng của Ba Lan, Mỹ, là tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học (California, Viện Đại học Cơ Đốc Lublin, New York,...). C. Milosz được coi là một trong những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất, sánh ngang với Adam Mickiewicz. Ông mất ngày 14-8-2004 tại Krakow. Sáng tác của Milosz gồm cả tiếng Ba Lan và tiếng Anh.

Tác phẩm:
*Bài ca về thời gian bị đóng băng (Poemat o czasie zastyglym, 1933), thơ
*Ba mùa đông (Trzy zimy, 1936), thơ.
* Thế giới: Bản trường ca ngây thơ (The world: a naive poem, 1943), trường ca
*Bài ca bất khuất (Invincible song, 1943), thơ
*Giải cứu (Rescue, 1944), thơ
*Giành chính quyền (Zdobycie wladzy, 1952), tiểu thuyết
*Trí tuệ bị cầm tù (Zniwolony umysl, 1953), tiểu luận
*Thung lũng Issy (Dolina Issy, 1955), tiểu thuyết
*Châu Âu ruột thịt (Rodzinna Europa, 1958), tự truyện
*Thành phố không tên (Miasto bez imenia, 1969), thơ
*Những điều nhìn thấy ở bờ vịnh San Francisco (Widzenia nad zatoka San Francisco, 1969), tập truyện kí.
*Lịch sử văn học Ba Lan (The history of Polish literature, 1969), sách giáo khoa.
*Mảnh đất Ulro (The land of Ulro, 1977), tiểu luận.
*Hoàng đế trên Trái Đất: quan điểm lập dị (Emperor of Earth: modes of eccentric vision), tiểu luận.
*Tiếng chuông trong mùa đông (Bells in winter, 1978), thơ.
*Sách của Job (Ksiega Hioba, 1980), bản dịch Kinh Thánh.
*Bài ca ngọc trai (Hymn of the pearl, 1982), thơ.
*Nhân chứng thơ ca (Swiadectwo poezji, 1983), thơ
*Trái Đất ngoài tầm với (Nieobjeta Ziemia, 1986), thơ
*Sử biên niên (Kroniki, 1987), thơ.
*Những tỉnh thành (Provinces, 1991), thơ.
*Bắt đầu từ phố của tôi (Zaczynajac od moich ulic, 1992), tập truyện ký
*Đối mặt trước dòng sông: Thơ Mới (Facing the river: New Poems, 1995), thơ



HAI BÀI THƠ

Hai bài thơ dưới đây mâu thuẫn với nhau. Một, phủ nhận việc đi sâu vào vấn đề mà hàng thế kỉ nay các nhà thần học, các nhà triết học quan tâm, khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới trên một hòn đảo ở vùng Caribê. Bài thứ hai, ngược lại, than phiền rằng con người tự đánh mất kí ức của mình và sống có vẻ như không có gì xảy ra, có vẻ như nỗi kinh hoàng không ẩn giấu dưới bề mặt của thiết chế xã hội.
Chỉ có tôi biết rằng sự hoà hợp với thế giới ở bài thứ nhất che giấu trong mình không ít đắng cay, còn hơn cả sự mỉa mai như ta tưởng. Còn sự xung đột với thế giới ở bài thứ hai xuất phát từ một điều rằng sự giận dữ là một nhân tố kích thích mạnh mẽ hơn những cuộc tranh luận triết học. Cứ cho là như vậy. Cả hai bài thơ đồng thời thể hiện những mâu thuẫn của tôi, bởi vì chính kiến trong những bài thơ này, ở một mức độ ngang nhau, đều thuộc về bản thân tôi.
Czeslaw Milosz.



TRÒ CHUYỆN CÙNG JEANNE

Ta triết lý với nhau, có để làm gì đâu hở Jeanne(1)
Tốn bao nhiêu lời, tốn bao nhiêu giấy mực
Anh nói thật cùng em về sự xa cách của mình
Rằng anh không đến nỗi đắng cay vì cuộc đời này khó nhọc
Với đau đớn đời thường không tốt hơn mà cũng chẳng xấu hơn.

Cuộc tranh luận của ta kéo dài không dưới ba mươi năm
Còn bây giờ, trên đảo này, dưới bầu trời nhiệt đới
Ta chạy trốn cơn giông, phút giây dưới mặt trời sáng chói
Còn lại đây ngọc bích của màu xanh.

Ta đắm chìm vào bọt biển, bơi về chốn xa xăm
Nơi mặt trời móc vào những tàu lá chuối
Với những lá cọ trên cối xay gió vẫn còn vẫy vẫy
Và người ta đã buộc tội anh
Vì không đạt đến đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình
Rằng không đòi hỏi cho mình như Jaspers(2) đã chỉ
Rằng đã coi thường những yêu cầu thế kỉ.

Đung đưa trên ngọn sóng, anh ngắm nhìn những đám mây.

Jeanne ạ, quả thế, anh không biết quan tâm đến sự cứu rỗi của linh hồn
Một người này có năng khiếu thì người kia cũng làm được những gì có thể
Anh xứng đáng với những gì đã xảy ra và anh đồng ý.
Anh không chơi cái trò biết điều theo lối cổ xưa
Là đặc tính của cuộc đời này, sự tồn tại của ta:
Trên bãi tắm phụ nữ cởi trần với sắc đồng trên ngực
Hoa hồng vàng, hoa huệ đỏ, hoa phong lan… và xực
Bằng đôi mắt, bờ môi, lưỡi và nước ép La prune de Cynthere
Rượu rum và nước đá, nước quả ép và nước xi-rô
Những hàng cây gốc khẳng khiu trong rừng ẩm ướt
Và em vẫn nói rằng ta đã gần cái chết
Rằng ta khổ vì hạnh phúc quá ít chốn trần gian.

Những luống đất của vườn rau có màu tím đen
Em có còn ở lại đây nhìn đất, hay là chẳng
Biển sẽ vẫn như hôm nay, thở từ trong sâu thẳm
Biển co vào, mất hút trong bao la mà vẫn tự do hơn.

Guadeloupe
_________________
(1)Jeanne Hersch – một người bạn lâu năm của Czeslaw Milosz – giáo sư triết học Đại học Geneva (Thụy Sĩ), học trò của Karl Jaspers.
(2) Karl Jaspers (1883-1969) – nhà triết học Đức, một đại diện của chủ nghĩa hiện sinh.




BÀI THƠ CUỐI THẾ KỈ

Một khi đều tốt đẹp
Thì biến mất khái niệm lỗi lầm
Và mặt đất đã sẵn sàng
Tiêu dùng và vui vẻ
Khắp mọi nơi, mọi chỗ
Không mơ tưởng, chẳng lòng tin.

Tôi, không hiểu tại vì sao
Đi lục tìm trong sách
Của những tiên tri, những nhà thần học
Những thi sĩ, những triết gia
Đi kiếm câu trả lời
Nhăn mặt, chau mày, thức trong đêm vắng
Rồi kêu lên mỗi buổi sáng.

Những gì hành hạ tôi
Thật vô cùng xấu hổ
Thiếu sáng suốt và tế nhị
Là thuộc tính của chuyện này
Chút nữa thì tôi xâm hại
Đến sức khoẻ của loài người.

Chỉ tiếc rằng, kí ức của tôi
Không để cho tôi yên lặng
Và trong đó có những điều sống động
Với nỗi đau của mình
Với cái chết của mình
Và với sự ngạc nhiên tư hữu.

Lấy đâu ra sự trinh trắng, hồn nhiên
ở chốn thiên đàng trên mặt đất
Để trao cho bầu trời trong sạch
Bằng sự rửa tội của nhà thờ?
Có phải chính vì thế mà
Điều này tồn tại đã từ lâu lắm?

Nói cho bậc hiền tri ngoan đạo
Câu ngụ ngôn Arập thế này
Thượng Đế từng nói trong cơn giận:
“Giá mà con người khi hối hận
Nói rằng con là kẻ lỗi lầm
Thì ta đã chẳng hề khen.

Còn ta khi mở cửa cho con
Cho kẻ nhân từ xứng đáng
- Ngài trả lời cao thượng -
Thì ta đã coi thường”.

Tôi biết hỏi ai
Về những việc làm đen tối
Những nỗi đau cùng lầm lỗi
Trong kiến trúc cuộc đời này
Nếu như không ở dưới đây
Không ở trên cao đó
Không một sức mạnh nào có thể
Mở ra nguyên nhân và hậu quả cho tôi?

Không suy nghĩ, không nhớ về
Cái chết trên cây thập ác
Dù hàng ngày đang chết
Một người duy nhất đáng yêu
Người mà lúc nào
Cũng đồng ý và cho phép
Rằng sự tồn tại trên mặt đất
Luôn cùng với đau đớn, cực hình.

Quả là enigmatical
Những điều không hiểu nổi.
Tốt nhất là lời khép lại.
Ngôn ngữ này không phải cho người
Ta chỉ có một niềm vui
Là mùa thu hoạch nho và lúa
Dù không phải cho tất cả
Sự yên lòng được trời trao.

Berkeley.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 08.12.2007 12:41:06
 


Wislawa Szymborska (1923-) - nữ nhà thơ Ba Lan đoạt gải Nobel Văn học năm 1996. Sinh ngày 2-7-1923 tại Bnin (nay là Kurnik, gần Poznan). Năm 1929 gia đình chuyển đến Krakow. Học xong bậc tiểu học năm 1935 và học xong trung học ở trường bí mật năm 1941, khi Ba Lan còn bị Đức chiếm đóng. Một thời gian ngắn W. Szymborska làm công nhân đường sắt. Từ năm 1945-1947 học văn học Ba Lan và xã hội học tại Đại học Jagiellonian; năm 1945 khởi đầu sự nghiệp sáng tác vào với bài thơ đăng báo Tôi tìm lời, năm 1952 in tập thơ đầu tiên Vì lẽ này chúng ta đang sống và được kết nạp vào Hội Nhà văn Ba Lan. Phong cách thơ W. Szymborska thời kì này mang tính hiện thực truyền thống, viết về chiến tranh, quân đội, Tổ quốc. Trong những năm 1953-1981, bà là biên tập viên thơ và là người viết xã luận trên tuần báo Đời sống văn học, các tiểu luận của bà về sau được tập hợp xuất bản dưới dạng sách tái bản nhiều lần. Từ 1952-1996, bà đã xuất bản 16 tập thơ. Ngoài ra, bà còn dịch thơ Pháp, Nga ra tiếng Ba Lan.W. Szymborska đã được nhiều giải thưởng văn học cao quý. Năm 1954 bà được tặng giải thưởng của thành phố Krakow; năm 1963 đoạt giải Văn học của Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật Ba Lan; giải thưởng Goethe của Đức (1991) và giải thưởng Herder của áo (1995). Bà được trao bằng Tiến sĩ Văn chương Đại học Poznan (1995) và giải thưởng Hội Văn bút Ba Lan (1996). Năm 1996 W. Szymborska được trao giải Nobel cho “những tác phẩm thơ tái hiện chân thực một thế giới trong đó cái thiện và cái ác đan xen, giành giật nhau chỗ đứng cả lẫn trong tư duy và hành động của con người, thể hiện tấm lòng một công dân, một nghệ sĩ có nhân cách lớn và đầy trách nhiệm trước những thực trạng các giá trị tinh thần bị đảo lộn, trước nguy cơ suy đồi đạo đức trong cuộc sống hiện đại”. Thơ của Wislawa Szymborska được dịch ra gần 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.

Tác phẩm:
* Vĩ lẽ này chúng ta đang sống (Dlatego zyjemy, 1952), thơ
*Những câu hỏi cho mình (Pytania zadawane sobie, 1954), thơ
*Lời kêu gọi đối với người tuyết (Wolanie do yeti, 1957), thơ
* Muối (Sols, 1962), thơ
*Sili (1965), thơ
*Tuyển thơ (Poezje wybrane, 1967), thơ
*Một trăm trò hề (Sto pociech, 1967), thơ
* Thơ (Poezje, 1970), thơ
*Trường hợp bất kì (Wszelki wypadek, 1972), thơ
* Tarsius và những bài thơ khác (Tarsjusz i inne wiersze, 1976), thơ
*Số lớn (Wielka liczba, 1976), thơ
*Những người trên cầu (Ludzie na moscie, 1985), thơ
*Buổi chiều của tác giả (Wieczúr autorski, 1992), thơ
*Kết thúc và mở đầu (Koniec i poczatek, 1993), thơ



NHÀ GA

Sự không có mặt của em đến thành phố N
Đã theo đúng thời gian biểu.

Em đã báo trước với anh
Bằng bức điện mà rồi em không gửi.

Và anh đã không kịp tới
Theo thời gian hẹn hò.

Con tàu đi vào đường thứ ba
Có rất nhiều người ra đón.

Trong đám đông, em hướng về phía cổng
Không có người đưa đón của mình.

Một vài người phụ nữ vội vàng
Nhìn theo em
Bước đi vội vã.

Có ai đấy chạy đến bên một người phụ nữ
Người này em không quen
Nhưng người phụ nữ nhận ra người đàn ông
Chỉ trong khoảnh khắc.

Họ hôn nhau thắm thiết
Không bằng nụ hôn của chúng mình
Và chiếc va li bị lấy cắp
Không phải là chiếc va li của em.

Nhà ga thành phố N
Đã trả thi rất giỏi
Về sự tồn tại khách quan.

Cái chung vẫn còn nguyên vẹn
Cái riêng đã hoàn thành
Theo như số trời định sẵn.

Và ngay cả lần hò hẹn
Cũng đã định trước rồi.

Nhưng, than ôi
Sau khi chúng mình có mặt.

Và thiên đường đã mất
Giống như chân lý cuộc đời.

ở đâu, chứ không phải ở đây
ở đâu, chứ không phải ở đây
Vang lên những lời thánh thót.




TRƯỜNG HỢP BẤT KỲ

Đã xảy ra điều có thể
Đã xảy ra điều phải xảy ra.
Sớm hơn. Muộn màng hơn thế.
Gần hơn. Xa hơn.
Đã xảy ra – nhưng không phải với anh.

Còn nguyên vẹn, bởi anh người đầu tiên.
Còn nguyên vẹn, bởi anh người sau cuối.
Bởi do mọi người. Bởi anh tự mình
Bởi vì bên phải. Bởi vì bên trái
Bởi vì bóng rơi. Bởi vì mưa xối
Và bởi vì nắng đẹp, trời xanh.

Thật may mắn, ở đó là rừng
Thật may mắn, không một thân cây gỗ
Thật may mắn, khe núi, đường ray, sự cách trở
Milimét, phút giây và chỗ quay vòng
Thật may mắn, cọng rơm bơi trên nước.

Nhưng kết cục, thật khó mà nói được
Tuy thế, dù sao, giá mà tay, chân
Kẽ tóc chân tơ, theo mỗi bước chân
Tránh khỏi trùng phùng cơ hội.

Bởi thế, anh tồn tại?
Mang ơn mỗi phút giây
Lưới có một mắt. Còn anh ở trong mắt ấy
Em không lặng im và chẳng ngạc nhiên lắm vậy
Xin anh hãy nghe em
Để vì em
Con tim anh rộn ràng hãy đập.


BỐN GIỜ SÁNG

Thời khắc từ đêm sang ngày
Thời khắc trở mình trằn trọc
Thời khắc của tuổi ba mươi.

Thời khắc, khi đất đai chối bỏ con người
Thời khắc bật lên trong giờ gà gáy
Thời khắc, khi ngôi sao tắt ngấm giữa trời
Thời khắc, thế sau ta có những gì còn lại?

Thời khắc lặng im
Thời khắc trống vắng
Tận cùng đáy của ngày đêm.

Lúc bốn giờ sáng chẳng có ai bình yên
Nếu bầy kiến lúc bốn giờ thanh thản
Ta mừng cho kiến. Và năm giờ sẽ đến
Nếu như ta sống tiếp cuộc đời mình.




TÌNH YÊU TỪ CÁI NHÌN ĐẦU TIÊN

Cả hai người vẫn tin rằng
tình cảm của họ bất ngờ, đột ngột
lòng tin này rất đẹp
nhưng sự hoài nghi còn tuyệt vời hơn.

Họ cho rằng, nếu trước đó chưa từng quen
thì đã không có gì xảy ra với họ.
Thế sẽ nói gì những bậc thang, những hành lang, đường phố
những nơi mà họ gặp nhau không chỉ một lần?

Tôi muốn hỏi họ xem
liệu họ còn có nhớ
có thể, trong những vòng xoay cánh cửa
họ từng đối mặt ra sao?
Những lời “xin lỗi” khi va vào người nhau
giọng “anh nhầm rồi” trong ống nghe điện thoại
nhưng tôi biết câu trả lời như vậy.
Không, họ chẳng nhớ gì.

Mà họ sẽ ngạc nhiên nhiều hơn kia
khi biết rằng đã từ lâu lắm
với họ đang đùa giỡn
một trường hợp ngẫu nhiên.

Trường hợp này còn chưa sẵn sàng
trở thành số phận
xích họ lại gần, làm cho xa vắng
chạy qua đường, né sang bên
và tiếng cười khúc khích kìm nén.

Đã từng có những dấu hiệu
không quan trọng là đã chẳng hiểu ra
có thể từ ba năm trước kia
hay là, thứ ba tuần trước
khi từ vai này sang vai khác
một chiếc lá vương?
Một thứ gì người này làm rơi người khác nhặt lên
ai biết được, có thể là trái bóng
trong bụi cây từ thuở thiếu niên.

Đã có những chiếc chuông con và những tay cầm
mà ở đó rất lâu trước lần gặp gỡ
những dấu tay đã từng chồng lên.
Hai chiếc va li trong kho để kề bên.
Có thể, trong đêm có một giấc mơ giống hệt
khi thức giấc thì đã vội vàng quên.

Bởi vì mỗi sự mở đầu
chỉ là một hồi kế tiếp
và cuốn sách
của cuộc đời luôn mở giữa chừng trang.


AI ĐÓ YÊU THƠ

Ai đó –
có nghĩa: không mỗi người.
Không phải nhiều, mà là thiểu số.
Ngoại trừ những em trò nhỏ
và các nhà thi sĩ
trong nghìn người, may ra chỉ có hai.

Yêu –
như người đời yêu khoai tây với nấm
những lời khen, những sắc thái của hoàng hôn
với chiếc khăn nhỏ của mình
đứng trên chỗ của mình
trước khi đi ngủ dẫn ra đường con chó lớn.

Thơ –
thơ ca là gì thế?
Bao nhiêu câu trả lời
tôi từng nghe được về điều này.
Cũng may: chúng đều lời nhẹ
bởi nếu không, sao tôi viết những dòng này.


BA LỜI KỲ LẠ

Tôi nhắc lại rằng thời gian không ở
Thì lời đầu tiên đã kịp đi qua.

Tôi thì thầm trời yên, lặng gió
Thì trở nên không lặng yên cho.

Tôi cẩn thận nói lời không cái gì
Thì có một cái gì bao la hiện rõ…

Nguyễn Viết Thắng giới thiệu, dịch và chú giải
"Các nhà thơ Đức+Ba Lan".

<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.08.2008 10:04:46 bởi cacbac >

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 27.08.2008 10:13:30

Czesław Miłosz

KHÔNG GIAN THỨ HAI

Chốn thiên đàng tĩnh lặng biết bao
ta cần lên chốn đó
theo những bậc thang không khí.
Trên những đám mây cao
không có gì cản trở.

Hồn lìa khỏi xác
và hồn rảo bước chân
hồn ra đi, hãy nhớ rằng
có trên trời và dưới đất.

Chẳng lẽ lại là sự thật
rằng ta không tin vào không gian thứ hai?
Và đã biến mất đâu rồi
cả thiên đàng, địa ngục?

Thiếu những đồng cỏ êm đềm chốn ấy
thì sự giải thoát ta biết tìm đâu?
Và sẽ nương náu chốn nào
những tâm hồn lầm lỗi?

Ta khóc về sự mất mát
ta rắc tro lên mặt
những mái tóc ta xoã rối bời.
Ta nài nỉ, ta thì thào khoan nhặt
xin trả về ta không gian thứ hai.






cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Đức+Ba Lan - 07.09.2009 10:25:22

Johann Wolfgang von Goethe (tiếp)
 
 
CHÚA RỪNG
 
Người phóng ngựa dưới sương, trong rừng tối
Trong tay người đứa con trai bé dại
Người vỗ về, sưởi ấm đứa con trai
Đứa con sợ hãi, nức nở khôn nguôi.
 
“Con trai ơi sao con lo lắng vậy?”
“Chúa rừng trước mắt con, cha có thấy?
Ngài đội vương miện, khoác áo choàng đen?”
“Con ơi đấy là chiếc bóng trong sương”.
 
“Con trai ơi, con hãy nghe lời cha
Nhiều niềm vui trong xứ sở bao la
Hoa cỏ, bạc vàng cùng bao châu ngọc
Và trong rương có bao quần áo đẹp”/
 
“Cha ơi Chúa rừng ghé bên tai con
Rằng nhiều niềm vui, châu báu, bạc vàng”
“Con ơi đấy đâu phải lời của Chúa
Mà tiếng lá rì rào theo ngọn gió”.
 
Về theo cha, dưới bóng mát cây sồi
Con sẽ gặp những chị gái tuyệt vời
Trên sông Reihn có các nàng tiên cá
Sẽ múa hát, ru con vào giấc ngủ”.
 
“Cha ơi cha có nhìn thấy Chúa rừng
Gọi các nàng tiên từ trong bóng đêm?”
Không đâu con ơi, cha nhìn thấy hết
Những cây ánh bạc cúi mình xuống đất”.
 
“Cha yêu con, vẻ đẹp quyến rũ cha
Cha sẽ dùng sức mạnh nếu không nghe”.
“Cha ơi, cha ơi Chúa rừng đã tới
Ngài ôm choàng làm con không thở nổi!”
 
Người cha sợ hãi, thúc ngựa vội vàng
Trong tay người đứa bé đang kêu rên...
Về đến nhà với vẻ đầy gấp gáp
Và đứa con trên tay người đã chết.
 
 

 
 
LÒI CHÀO CỦA HỒN MA
 
Với tháp cổ trên sông
Một con thuyền đơn lẻ
Hồn hiệp sĩ vẫy vùng
Nhắn lời cùng hậu thế:
 
“Xem, thân xác đã từng
Và con tim, khối óc
Mạnh mẽ tận trong xương
Và chén đầy đã rót.
 
Nửa đời trên sóng nước
Rồi năm tháng cạn dần.
Hãy đi về phía trước!
Dù số kiếp phù vân.