Với một tình yêu thơ sâu sắc như nhà thơ PNT và các bạn của anh thì tôi nghĩ không có lý do gì mà không giới thiệu với những người yêu thơ như vậy một thi sỹ tài năng nhưng bạc mệnh, Lãng Thanh. Xin được đăng bài viết của nhà thơ Thiên Sơn và một số bài thơ của Lãng Thanh trong tập thơ HOA của anh.
Với Lãng Thanh Chiều 23 tháng 6 năm 2002, Lãng Thanh đến xóm Hồng.
Đó là một chiều nắng vàng, gió nhẹ làm rung những cánh hoa đỏ, vài chiếc lá rơi nghiêng không phát ra tiếng động.
Nhắp một ngụm trà sen, Lãng Thanh nhìn tôi bằng ánh mắt sâu lặng:
- Đã bốn năm từ ngày em đến với nhóm bạn Chí Tâm và gặp được anh... Tự dưng hôm nay em nhớ lại cái lần đầu tiên ấy, anh Việt Hưng giới thiệu em với mọi người. Từ buổi đó chúng ta cùng chung những suy tưởng về nghệ thuật, thi ca...
Lãng Thanh ngừng lặng, lấy ra tập bản thảo có bìa xanh:
- Tập thơ
Hoa, em đã sửa lại, chọn lọc kỹ càng. Lần này em tặng anh một bản và một bản nhờ anh gửi cho Nhà xuất bản. Năm 1998, khi tròn 21 tuổi em đã muốn in thơ nhưng không thực hiện được, năm 2001 em lại muốn in nhưng Nhà xuất bản vẫn chưa chấp nhận, họ ái ngại sự mới lạ của tập thơ. Còn anh, em nhớ mãi, anh đã đọc trước anh em Chí Tâm mấy lời nhận xét vào ngày 13 tháng 1 năm 2001:
"Tập thơ vẫn còn nhược điểm: có bài thiếu nhuần nhuyễn, có bài chưa hoàn chỉnh, có ý còn chưa đủ chín. Nhưng nó giống như một ngọn núi lửa đang phun, tung phá mọi nham thạch, rạn vỡ mọi khuôn mẫu, bật loé nhiều ý tưởng như những tia lửa lạ và những hình tượng độc đáo...". Thì đây, tập bản thảo này đã cố gắng để tránh những nhược điểm kể trên.
Tôi đỡ lấy tập bản thảo từ tay Lãng Thanh. Giấy mới tỏa hương. Cả tôi và Lãng Thanh đều bị những con chữ tăm tắp hút hồn. Những con chữ như có ánh sáng, có hơi thở phập phồng... Những con chữ như nổi hẳn lên trang giấy, như động đậy, như ngân lên tiếng nhạc... Tôi bảo Lãng Thanh:
- Cậu đọc đi, bài mới nhất ấy.
Lãng Thanh lật đến cuối tập bản thảo, đọc chậm rãi bài
Nhật ký. Lãng Thanh đọc xong rồi mà tôi còn thấy rợn người:
"Ngôi nhà lạnh toát như một thứ vũ khí Đi trên đường như bước giữa hàng họng súng" "Sông chảy dài như oan hồn Mảnh trăng hóa thạch". "Cỏ đang bắt rễ vào nhau, nắng vẫn lục tìm ô cửa Lời của tôi đang nói trên môi em"... Tôi chưa thể hiểu hết những điều diễn ra trong cảm thức của người bạn thơ đang đối diện với mình. Giữa cái cuộc sống tưởng yên bình, hóa ra lại đầy ắp dự cảm bất an và đau đớn. Tôi lặng nhìn vào gương mặt gầy, đôi mắt Lãng Thanh lấp lánh sau cặp kính cận. Đã bao nhiêu lần... đã bao nhiêu lần rồi nhỉ, chúng tôi nhìn sâu vào cõi lòng nhau như thế. Lãng Thanh ít cười. Dường như tôi chưa bao giờ thấy Lãng Thanh cười. Chỉ thấy sự suy tư trào lên trong tâm cảm.
- Đời em chỉ in một tập thơ thôi... - Lãng Thanh nói sau khoảng lặng - Dĩ nhiên mỗi lần tái bản sẽ bổ sung thêm...
Tôi có ngờ đâu đời Lãng Thanh ngắn ngủi.
Hai mươi ngày sau, 13 tháng 7 năm 2002, đến thăm tôi, có ai ngờ là lần cuối cùng, Lãng Thanh nói:
- Thơ là nghệ thuật hàm súc nhất. Em không đưa kiến thức vào thơ mà cố gắng biểu đạt cách cảm xúc mới, cách cảm suy mới, ở đó cuộc sống được tái tạo, tỏa sáng.
Trước khi chia tay, Lãng Thanh còn dặn:
- Cố gắng làm sao in được năm nay... Em đã sống, đã suy nghĩ, đã học hỏi rất nhiều mới viết được tập thơ này. Em tin sẽ có người đón nhận nó, dù là ít ỏi...
Một tuần sau, ngày 20 tháng 7 năm 2002, Việt Hưng đau đớn báo cho tôi tin Lãng Thanh qua đời vì một tai họa bi thảm bất ngờ.
* * * Đời Lãng Thanh dừng lại ở tuổi 25!
Anh tốt nghiệp Học Viện Quan hệ Quốc tế và Đại học Ngoại thương. Thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Anh xuất sắc trong nghệ thuật thư pháp và còn là một tài năng hội họa. Nhưng trước hết và hơn cả có lẽ vẫn là thơ. Trong hồn anh đầy ắp những ý tưởng và dự định.
Lãng Thanh nuôi dự định viết sách về thư pháp để trình bày những kỹ năng và phương thức thể hiện các kiểu chữ: chân, thảo, triện, lệ... mà ngày nay trong giới trẻ dường như còn ít người hiểu được. Anh đang hoàn thành công trình nghiên cứu vạch ra con đường cải cách thư pháp Việt Nam, vừa kế tục truyền thống, vừa hiện đại lại có bản sắc riêng. Anh thể hiện hàng trăm bức thư pháp, đầy sáng tạo với tinh thần cách tân mạnh mẽ trên nhiều chất liệu phong phú: giấy dó, lụa, gốm sứ. Anh viết bằng cả chữ Hán cổ, bằng chữ Nôm, bằng chữ Quốc ngữ... Chính Lãng Thanh cũng có một bài thơ về thư pháp:
"Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ Sóng bút điên cuồng nương theo áng thơ Cánh tay dịu dàng của thơ bao la như tình biển mẹ Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay..." Lãng Thanh cũng đầy khát vọng cải cách trong hội họa. Tranh Lãng Thanh trau chuốt về đường nét, sống động về sắc màu, vừa mang đến một trực cảm sung mãn lại gợi những liên tưởng bao la... Lãng Thanh vẽ nhiều hoa, nhưng đó không còn là những đóa hoa cụ thể mà là hoa của tâm tưởng. Hoa mang một triết lý sâu xa: Hoa là tinh tuý của thiên nhiên. Là biểu trưng cái đẹp của sự sống. Hoa cũng là biểu tượng những ước mơ, khát vọng không bao giờ tắt của con người.
Hình tượng HOA xuyên suốt trong các họa phẩm và thi phẩm của Lãng Thanh. Đó là một ám ảnh lớn lao và cũng là một cảm thức đau đớn:
"Những đóa hoa đánh con đau quá Con trở về băng vết máu đầy tay" (
Thư pháp)
* * * Sau sự ra đi đầy bắt ngờ của Lãng Thanh, trong đêm sâu khó ngủ, tôi lật lại những trang bản thảo được người bạn thơ ký thác. Từ những bài thơ, những câu thơ hay tôi nhận diện gương mặt thi sỹ khác thường của Lãng Thanh.
"
Em đến bàng hoàng như cơn sốt Bỗng môi tôi bất lực Nụ hôn ơi người khóa cả linh hồn". (IV,
Thơ trước tuổi 21)
Một cách giãi bày trực diện mà tình, ý, lời, nhạc hòa quyện nhuần nhuyễn.
Một chỗ khác, có cách nói xa xôi hơn, duyên dáng và gợi cảm suy:
"Lá thu! Như lãng quên hiện về đỏ sẫm" "Lá thu! Những lá vàng chờ đợi xôn xao" "Lá rơi vì gió sao lá rơi vào giếng" (VIII,
Thơ trước tuổi 21).
Lãng Thanh còn tìm trong thiên nhiên, tạo vật những dáng nét, phong vị của tình yêu. Những trường hợp như vậy, khả năng liên tưởng, tưởng tượng được bộc lộ đặc biệt tinh tế và phong phú:
- "Nhạc reo xa thoáng lạnh từng chân tóc Cỏ thu xa vuốt ve đôi mày đẹp" - "Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men, đất hình như mặn, Một chiếc lá đỏ mặt, một chiếc lá lên gân S
ắc mùa thu ấm hơn màu tình ái". (Thượng -
Mùa thu I)
Không dừng lại ở thơ tình yêu nam nữ. Lãng Thanh có cách nhìn đời, nhìn người không giống cách bình thường. Và dù về đề tài nào cũng để lại những dấu ấn khác lạ. Cùng một hình tượng nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau có cách biểu đạt hết sức độc đáo:
"Người ta bảo mắt em là mặt trời đen" "Mắt em đong đầy hoa cúc tím" Và đây, ta gặp một câu thơ vô tiền khoáng hậu:
"Nước mắt hung dữ như một viên đạn bắn trượt" (Hạ -
Mùa thu II)
Đây nữa, những câu thơ về nỗi cô đơn khủng khiếp của con người:
"Từng mặt người đang ghép lại thành một thể cô đơn mênh mang, sâu lắng hơn Hai mặt người lăn tròn vào nhau như hai bánh răng" (Hạ -
Mùa thu II)
Cái nhìn sắc lạnh đến kinh sợ. Dường như chưa có thi sĩ nào dám mang cái nhìn ấy
vào thơ.
Tuy nhiên, Lãng Thanh lại có những câu thơ về tình yêu quê hương thật sâu nặng,
độc đáo:
"Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà Bầu trời bên phải kéo cha mẹ về ruộng đất quê tôi" (
Những mảnh vỡ)
Và đây là khát vọng hướng đến ánh sáng, chân lý:
"Trái tim con nghiêng giấc ngủ về phía mặt trời" "Buổi sớm mai trở dậy tim con mọc ở đằng Đông" (
Thư pháp)
Tôi bùi ngùi nhớ lại lúc anh em Chí Tâm đứng bên mộ Lãng Thanh, một ngôi mộ chất đầy hoa trắng. Tôi nói với người dưới mộ trong nghẹn ngào:
- Lãng Thanh ơi, rồi tập thơ
Hoa sẽ được in. Thơ bạn sẽ ở lại mãi trong lòng người... Bạn mãi sống cùng những người thân yêu, cùng họ hướng về chân trời khát vọng ngày mai...
Ngọn lửa đỏ từ những cây hương bén vào hoa trắng bùng lên.
Và hôm nay đây, Nhà xuất bản Thanh niên đã chắp cánh cho thơ Lãng Thanh bay vào biển đời lồng lộng.
Ngày 3 tháng 12 năm 2002 THIÊN SƠN Thơ trước tuổi 21 I Em đừng tách bạch cuộc sống...
Bài thơ tôi viết
Không ngoài hai chín chữ cái buồn tẻ vô nghĩa này
...
Sự vĩ đại của cỏ
Sự vĩ đại của thơ
Vô nghĩa như một chữ cái lớn.
II Không bên hàng cây, cây đẹp; không bên bờ suối, suối đẹp;
Không hò hẹn, không bâng khuâng;
Không hò hẹn; Không bâng khuâng;
Không lời khen cho đôi môi
- Là tình yêu của em
...Của tượng khỏa thân... của ngọn lửa trong tranh
...Của giấc chiêm bao thoang thoảng hương nhài
...Của đất... của tôi... của hoa bèo...
- Là tình yêu của em
Không vỡ, nước mắt không vỡ, không long lanh, không mặn;
Không xấu hổ; không nụ hôn, hôn đẹp; không lầm lỡ, lầm lỡ đẹp;
Và không lần thứ hai...; không lần thứ ba...
Là tình yêu của em
...Của người nghèo... của ni cô... của nô lệ, thiên thần...
...Của tranh tĩnh vật...
- Là của em, của em
Của em, cá tính của anh
Của em, cá tính của hoa hồng...
Không thời trang, không khiêu vũ; Chào gót chân em!
Không thầm thì; Kỉ niệm? Không! không cô đơn; không giục giã
- Là tình yêu của em
Hơi ấm của trời xuân là hơi ấm của em,
Màu đỏ của rượu nồng là màu mái tóc em,
...Của hàng cây, cây đẹp; của dòng suối, suối đẹp...
- Là của em, của em
Không tìm cành lộc vừng...; không đến Angkor...; không nghe tiếng khóc...;
Không run mình theo chiếc lá; không lạnh lẽo như pha lê...
- Là tình yêu của em
III Hoa ngô đồng in nốt ruồi đỏ trên da thịt của đất
Dải đất nâu dập dồi dồn cuối chân trời
Hăng mùi mái ngói mốc meo đầu thế kỉ
Chừng như nốt ruồi đỏ nuôi sống làn da ẩm ướt tanh tao
Mấy chiếc lá cong cong đựng sắc vàng cô đọng
Trên ô cửa sổ màu xanh
Gỡ đôi kính cận lau đi mấy hạt mưa
Trong cơn mưa mà con trâu đen chấm một dấu chấm tròn trĩnh
Da mặt con tỏa sáng ngôi nhà ngoại ô
Tờ giấy ố vàng nằm dán lên mặt đường bê tông
Sốt râm ran như tiếng hát tương tư
Quanh hai vệ hoa cỏ nở cao
Buổi chiều, cây ngô đồng rụng chiếc lá tuyệt sắc.
IV Em đến bàng hoàng như cơn sốt
Bỗng môi tôi bất lực
Nụ hôn ơi ngươi khóa cả linh hồn
Em đến bất ngờ như dao sắc
Không đùa tựa những vết thương
Bởi gai hoa lặng chán chường
Em đến vùng vằng như tơ rối
Tìm nhau xa đến không ngờ
Trói anh rồi em lại làm ngơ
Em đến lao đao như lá rụng
Ngày xanh là nghĩa thế nào
Về bên anh khi đã chết rồi sao.
V Em
miền đất giản đơn chỉ có ba màu:
màu trắng của da
màu đỏ của môi
và màu đen của tóc
Em
đôi mắt của em là bài ca thứ nhất -
Thân hình em là những bài ca
Đến với em
nước mắt nở hoa
cười trổ nụ
Pho tượng đá cụt tay
pho tượng đá cụt đầu
lại là cái đẹp hoàn hảo!
Đến với em
THIẾU THỐN là tặng phẩm của tâm hồn
NIỀM ĐAU là tặng phẩm của tâm hồn
Tâm hồn em cũng có trăng sao
có sóng biển dạt dào
có mầm tơ chồi biếc
Nơi đôi tâm hồn trai gái yêu nhau
có nóng, có lạnh
Có khoảnh khắc, có mênh mang
Có chết, có nở
Cọ cựa những bào thai
Có thể tâm hồn em làm cha
tâm hồn anh làm mẹ
Con sinh ra là những đứa-trẻ-tình-yêu
hay lãng mạn
ngây thơ... hoặc cười
hoặc khóc
Có thể bây giờ nhưng cũng rất xa xưa
nhiều đứa trẻ mồ côi
- những đứa trẻ hồn nhiên -
vừa ĐẸP
vừa ĐÓI...
* *
*
Khi hiểu nỗi đau nhìn thấy, có ai lại đứt tay khi hái hoa hồng
Hoặc ai biết tay mình vốn đầy gai độc
đang bồng những đứa con nuột nà yếu đuối
Không!
Tình yêu không bao giờ hiển hiện như hạt cát
hạt bụi,
như những phấn hoa
Nếu mắt đứa trẻ được làm bằng những giọt niềm vui long lanh
của hai nụ hôn đầu
sẽ mờ đi theo kỷ niệm tàn phai
sẽ mù, không nhìn được nỗi buồn, niềm âu lo...
Chân tay chúng được làm bằng những đường gân thớ thịt
của nhớ của mong
SÁM HỐI sẽ là gan,
THIẾT THA là máu,
Mộng mơ là các sợi dây thần kinh...
Bao nhiêu trẻ mù
Bao trẻ đứt tay...
Bao nhiêu cái roi
Bao liều thuốc độc...
Tội lỗi!
Tội lỗi!
Tội lỗi với tình yêu!
Tội lỗi với tình yêu!...
* *
*
Tình yêu lạnh nhạt có khi là con của hai tâm hồn nồng nàn tha thiết
Tình yêu có cá tính của tình yêu
Không phải của anh
Không phải của em
Pho tượng đá cụt đầu
Vẫn đòi lại cái đầu trong tưởng tượng của anh
Pho tượng đá cụt tay
đòi lại tay trong tưởng tượng của anh
Hạnh phúc của chim phải là hót
là bay
là nhảy;
Cái đẹp của con chim là đủ lông đủ cánh
Hạnh phúc của em
hạnh phúc của anh
Là có những đứa con hiền hậu tuyệt trần;
Cái đẹp của Tình yêu viên mãn cái đẹp của anh cái đẹp của em
* *
*
Cái đẹp của vầng trăng tròn lại là cái đẹp của vầng trăng khuyết.
VI Em mang nợ cái rác cái rưởi
Về một bông hoa
Hương hoa la đà như tơ tình
Sống giờ đây em sống thiếu cô đơn
Nghĩa là thiếu bóng tối, thiếu lặng im, thiếu không gian lạnh lẽo
Mặt trời đã mọc lên thì lặn xuống!
Em mang nợ người yêu hèn nhát
Một nụ hôn nồng ấm
Thiết tha...
Đã hóa thành ngọt ngào của ngày xưa đắng chát
Sống giờ đây em sống thiếu cô đơn
Cô đơn nhỏ nhoi là hạnh phúc
Em mang nợ tháng ngày cô đơn
Phút giây được là mình, không gian thuộc về mình,
nguồn gốc đam mê và sáng tạo
Bông hoa quỳnh về đêm
Sống giờ đây em sống thiếu cô đơn
Đôi môi sinh ra chỉ để đưa những hạt cơm vào hàm răng và lưỡi
Sao lại thành nụ hôn?
Em mang nợ đôi bò tơ mắt ướt
Cho em tin rằng
Tình yêu không phải của chỉ riêng loài người có được.
VII Tình yêu ra đời trên lưu vực của dòng sông nước mắt
Nếu là em, tôi không cần băn khoăn, tôi yêu tôi đắm say và mãnh liệt
Tôi hiểu sự chân thành của tôi, cá tính của tôi và cảm xúc của tôi
Lá thu! Như lãng quên hiện về đỏ sẫm
Hoàn hảo của tâm hồn là tình yêu
Nếu là em, tôi vẫn ca ngợi tình yêu nhưng lo sợ
Tình yêu càng hoàn hảo thì cần một sai lầm cả tình yêu đổ vỡ
Lá thu! Những lá vàng chờ đợi lao xao
Không bông hoa nào vô hương nhưng đồng thời vô cảm
Nếu là tôi, em có chọn tình yêu theo phong cách của loài hoa
Không màu sắc nào của những bông hoa không đẹp
Ngoài trời lá thu rơi! Lá rơi vì gió sao lá rơi vao giếng!
Nếu bây giờ tôi giống như em
Tôi đủ sắc đẹp để yêu tôi,
tôi đủ tỉnh táo thấu hiểu tôi,
tôi đủ dũng cảm để yêu tôi...
nhưng biết làm cách nào
Để quyến rũ được tôi?
VIII Tôi thấy một cô con gái
mắt hoắm sâu nhìn vụng dại
Tôi thấy một cô con gái
ngực lép khuỷu tai thòi xương
Tôi thấy một cô con gái
lết bàn chân cụt qua đường
Tôi thấy một cô con gái
mái tóc lầy nhầy chấy rận
Tôi thấy một cô con gái
vận may hình như đã mất
Trời ơi! Những cô gái đó
nhập cả vào em hành khất
Nếu xác thịt lộn vào trong
chắc đâu cô là xấu nhất
Nói khoác yêu vì tâm hồn
có ai tìm yêu cô thật
Ngay tôi có lần xua đuổi
mảnh tâm hồn cô u uất
Đến nay cô đã phát điên
cởi truồng xun xoe giữa phố
Muốn viết câu thơ lạc quan
cô gái không còn hiểu nữa
Có nỗi đau nào đau hơn
một người không còn xấu hổ
Ước mơ nhan sắc ngày xưa
nhập trả vào cô gái đó
Tâm hồn khi chưa được mở
chắc rằng tôi dám mê say
Mặt cô ánh hồng như lụa
khiến bao người phải ngất ngây
Vẫn biết tình yêu vô lý
tâm hồn hay xác thịt đây?
IX Kỉ niệm nóng rực
Tôi không làm sao chịu đựng nổi
Tôi nhắm mắt tưởng tượng xung quanh băng giá
Nhưng mở mắt
Kỉ niệm lại nóng rực
Không phút nào được yên
Kỉ niệm đẹp như viên ngọc bích
Nhưng tôi muốn vứt nó ra đường
Bạn bè khuyên can
Tôi xấu hổ về mình
Mà kỉ niệm cứ là đồ trang sức
Lung linh
Người ghét tôi không nỡ ghét quá đáng
Vì kỉ niệm sáng toả
Trong cơn say thật say
Kỉ niệm vẫn là cái bóng
Lẩn quất
Không nắm được trên tay
Ám ảnh mãi.
25/08/1996
Thư pháp Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió,
Con phiêu đãng cùng non tận thủy,
Nhưng những đóa hoa đánh con đau quá,
Con trở về nhà băng vết máu đầy tay.
Ngòi bút của con điên cuồng như gió:
“
Vị ái danh hoa để tử cuồng”.
Mẹ ơi! Khóc sau lưng mẹ!
Con hái trộm nhiều hoa Chămpa thả trôi sông xanh
Nhưng con muốn tên dòng sông chảy về cửa bể
Con đổ cả nghiên mực rồi, cùng giỏ hoa Chămpa buổi mai
Ơi những cánh hoa bé bỏng!
“Bất tận Trường Giang cổn cổn lai”. Mẹ nói đi, không phải mẹ buồn vì cha của con đâu,
mẹ khóc vì con làm vỡ chiếc bình thuỷ tinh...
Xưa những ngày đói ăn con đâu biết quê mình nghèo quá,
Con ngỡ mẹ độc ác giấu bánh của con, cặp sách của con...
con căm ghét mẹ...
“En L’envol fou des mots” Trái tim con nghiêng giấc ngủ về phía mặt trời
Đất mẹ ơi, có nhận ra con đang say sưa hát theo khúc ca của
Rabindranath Tagore
Con yêu những khúc ca phương Đông
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị” Buổi sớm mai trở dậy tim con mọc ở đằng Đông
Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ,
Sóng bút điên cuồng nương theo áng thơ
Cánh tay dịu dàng của thơ bao la như biển mẹ
Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay...
Chữ phương mô ngậm hồn trong bóng nguyệt:
“Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân”. 3/1/2000
Những mảnh vỡ Tôi đã yêu những mảnh trăng nằm lạnh đáy sông;
Yêu ánh xà cừ cựa mình trên giấy điệp;
Những lăng tẩm ngả nghiêng đền đài hoang vỡ;
Mảnh gương đồng soi nửa mặt người; gốc gỗ lũa nham nhở kỳ dị;
Bức tranh cổ rã bong tàn tạ, vài mảnh ghép ngây ngô;
...Và chiếc lông chim rơi chậm hơn những giọt mưa thánh thót.
Tôi trầm ngâm dạo trong nhà bảo tàng,
Nghe hàm răng đã cười sáu nghìn năm trong miệng đất,
Tiếng loảng xoảng gươm khua, tiếng hát ru từ các bộ xương.
Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời,
Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà,
Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi.
Tôi không nỡ đổi nửa đồng xu mẻ đặng lấy đồng bạc nguyên đâu!
Tôi chạy vùng vằng quanh cánh đồng nứt nẻ quê tôi,
Rón qua những con mương đục như bát đất,
Những ô cửa méo xệch như sắp rơi.
Ủ vào lòng những mảnh ký ức quê tôi.
Tôi muốn làm con sông chia hai bờ thương
Lại muốn làm con sông nối hai đầu nhớ.
23/05/2000
[font=.vntime]