Đô đốc Bùi Thị Xuân, nỗi ngậm ngùi bên cửa Nhật Lệ (bản mới)
rongxanhag 13.12.2007 00:43:10 (permalink)

 
Đô đốc Bùi Thị Xuân,
nỗi ngậm ngùi bên cửa Nhật Lệ

-“Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà…”

Triều vua Quang Trung có vài nữ tướng, trong số đó nổi bật hơn cả là đô đốc Bùi Thị Xuân.


Và theo sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1853-1922) thì Bùi Thị Xuân cùng chồng (Trần Quang Diệu), được người đương thời liệt vào hàng Tứ kiệt (2 người còn lại là Ngô Văn Sở và Võ Văn Dũng).

I.Cuộc đời và sự nghiệp:
 

Bùi Thị Xuân (?- 1802) quê ở thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ qui Nhơn ( nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). 

Bà là con gái của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, Bùi Thị Nhạn bằng cô.( Bà Nhạn là một nữ tướng trong Tây Sơn ngũ phụng thư. Theo tác giả "Nhà Tây Sơn" là Quách Tấn - Quách Giao thì "Bùi Thị Nhạn kết duyên cùng Nguyễn Huệ sau khi bà Phạm Thị Liên (vợ trước) qua đời) 
 
Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bà được theo việc nghiên bút.Tuy nhiên địa thế và phong thổ nơi bà sinh trưởng đã có tác động không nhỏ đến nhân cách của bà.
Xem địa đồ ta thấy, quê hương Bùi Thị Xuân chỉ có phía tây liền với Phú Phong, còn phía đông lấy suối làm ranh giới, nam giáp núi, bắc giáp sông; chính vì bà được hun đúc bởi đất hiểm nên thích võ hơn văn… 
Người ta kể, bà là người phụ nữ có nhan sắc, khéo tay, viết chữ đẹp.Đến khi học võ với đô thống Ngô Mạnh, bà cũng rất nhanh chóng thành thạo, nhất là môn song kiếm.
 
Bởi vậy sau này, bà đã dùng kiếm để giải nguy cho Trần Quang Diệu khi tráng sĩ này bị một con hổ lớn, hung dữ tấn công trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa.
 
Cũng nhờ duyên cớ này mà hai người thành vợ chồng khi ông Diệu đến ở nhà bà để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.
 
Với tài nghệ cộng với lòng dũng cảm; vợ chồng bà nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ dậu 1789 và so tranh quyết liệt với quân Nguyễn Ánh hơn 10 năm …
 
Người ta còn kể, khi đến với Nguyễn Huệ, người con gái trẻ đẹp làng Xuân Hòa này không chỉ tòng quân một mình, mà còn dẫn theo một đội nữ binh do mình đào tạo và một đoàn voi rừng đã được bà rèn luyện thuần thục.Trước khi gia nhập quân Tây Sơn, bà đã tự phong là “Tây Sơn nữ tướng”. Sau này bà được hội kiến với Nguyễn Huệ, Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó; và vương còn ban tặng thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng”.
 
Giữa lúc Tây Sơn đang rất thành công với các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao và phát triển kinh tế thì đột ngột vào ngày 29/7/1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, để lại nhiều thương tiếc.
 
Cũng từ đấy triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) còn nhỏ, bất tài nên đã không giữ được việc triều chính, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu số đó là người cậu: thái sư Bùi Đắc Tuyên.
 
Từ lúc này, các đại thần thêm kết bè kết phái, quay sang xúc xiểm, giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi; khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...Và đây thật sự là một cơ hội vàng cho đối phương.
 
Quả thực, Nguyễn Ánh liền tổ chức ngay việc chiếm lại Quy Nhơn vào năm 1799. Tức khắc, Bùi Thị Xuân cùng chồng một mặt tham gia củng cố triều chính, một mặt chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân Nguyễn.Tuy nhiên trước sức tấn công mạnh mẽ của Nguyễn vương, các thành lũy của Tây Sơn nhanh chóng bị chiếm đoạt. Bà Xuân cùng chồng con bị quân Nguyễn bắt được ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An .
 
II.Những tư liệu liên quan :

 
1. Nhìn lại thế trận lúc bấy giờ và sự việc Bùi Thị Xuân cùng chồng bị bắt như thế nào?
 
-Theo tự điển Wikipedia tiếng Việt:
 
Năm 1800, Quang Diệu và Vũ văn Dũng cùng vào đánh Qui Nhơn. Sau khi nhận thấy hai tướng giỏi nhất và lực lượng quân sự lớn của Tây Sơn đã tập trung cả ở Qui Nhơn, tháng 5 âm lịch năm 1801, Nguyễn Ánh quyết định không giải cứu Võ Tánh -khi này đang cầm cự để giữ thành Qui Nhơn- để tấn công Phú Xuân.
 
Biết tin Phú Xuân đang trống trải do quân số không đủ để tự bảo vệ, Quang Diệu điều ngay một bộ phận quân tướng đến cứu nguy nhưng đạo quân này thất bại.
 
Võ Tánh giữ thành được gần một năm mới bị Tây Sơn chiếm được, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự tận, Quang Diệu tha cho tướng tá và quân sĩ nhà Nguyễn, không giết một ai.
 
Sau đó, ông chia người đi cứu Phú Xuân và Phú Yên nhưng việc lớn không thành.
 
Tháng 5 âm lịch năm 1802, sau khi biết Cảnh Thịnh và Bùi Thị Xuân thất trận khi cố đánh thu hồi lũy Trấn Ninh (tháng giêng âm lịch năm 1802), thêm vào đó, tuy chiếm lại được thành Qui Nhơn nhưng các mặt đều là địch cả, Trần Quang Diệu bỏ thành, đem tượng binh đi đường thượng đạo qua Lào với ý định tập trung với quân của Cảnh Thịnh giữ thành Nghệ An.
 
Nhưng khi tới châu Quỳ Hợp vào được đất Hương Sơn thì thành Nghệ An đã thất thủ, Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân về huyện Thanh Chương. Lúc này, quân của Quang Diệu đã tan rã cả, tướng của Nguyễn Ánh dùng mưu mua chuộc người chỉ điểm nơi trú ẩn của gia đình của Trần Quang Diệu. Ông và vợ con đều bị bắt.
 
-Theo “Tây Sơn thất hổ tướng”trên web Vn thư quán:
 
Nghe tin quân Tây Sơn đại bại ở Nhật Lệ, Trấn Ninh, Trần Quang Diệu cùngVõ Văn Dũng đem 3 ngàn quân cùng 80 thớt voi, theo đường sạn đạo sang Lào để ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802).

Đường đi khó khăn, Sơn lam chướng khí đầy dẫy, khiến cho đoàn quân ngày càng hao hụt. Lớp bị bệnh, lớp bị bọn thổ ty theo nhà Nguyễn tập kích, nên khi đến Nghệ An thì mười phần chỉ còn ba bốn. Đoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt. Tại Hương Sơn, hai ông Diệu và Dũng đều bị tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Đức Định bắt sống.

Ở Diễn Châu, Bùi Thị Xuân hay hung tin liền đem nữ binh đi giải cứu. Đến Giáp Sơn thì giải cứu được, nhưng chạy đến sông Thành Chương thì hai vợ chồng Trần, Bùi bị bắt trở lại.

 
Một mình Võ Văn Dũng mở đường máu thoát chạy. Nhưng đến Nông Cống, thuộc Thanh Hóa thì Võ Văn Dũng bị bọn Lê Văn Pháp, Phạm Ngọc Thụy kéo dân địa phương ra bao vây. Với một thanh đoản đao, Võ Văn Dũng đã đánh thắng hai tướng Lê, Phạm xong quá yếu sức vì gian lao đói khát, nên đành buông đao chịu trói.

Bộ ba Dũng, Diệu, Xuân bị đóng cũi giải về Nghệ An. Dọc đường, Võ Văn Dũng phá cũi, thoát ra ngoài, ông giải cứu luôn cả hai vợ chồng Trần, Bùi thêm một lần nữa song hai chân của Trần tướng quân bị sưng phù, không thể chạy trốn được. Bùi nữ tướng đành ở lại chịu chết cùng chồng.

 
Ảnh:Tượng thờ Bùi Thị Xuân ở nhà Bảo tàng Tây Sơn (Qui Nhơn )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.02.2008 19:46:47 bởi rongxanhag >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9