150 Nhà thơ Nga
cacbac 13.12.2007 08:22:30 (permalink)
150 Nhà thơ Nga




Bella (Izabella) Akhatovna Akhmadulina (tiếng Nga: Белла Ахатовна Ахмадулина, sinh ngày 10 tháng 4 năm 1937) là nữ nhà văn, nhà thơ Nga, một trong những nhà thơ lớn của Nga nửa cuối thế kỷ XX.

Tiểu sử:
Bella Akhmadulina sinh ở Moskva. Biết làm thơ từ nhỏ, năm 1955 in bài thơ đầu tiên trên báo Комсомольская правда (Sự thật thanh niên). Tốt nghiệp trường viết văn Maxim Gorky năm 1960. Năm 1962 in tập thơ đầu tiên, Струна (Dây đàn), sau đó là các tập Уроки музыки (Những giờ học nhạc, 1970); Стихи (Thơ, 1975); Метель (Bão tuyết, 1977); Свеча (Ngọn nến, 1977); Тайна (Điều bí mật, 1983); Сад (Khu vườn, Giải thưởng Nhà nước Liên Xô năm 1989).
Nét chính của thơ Bella Akhmadulina là nhịp điệu khẩn trương, hình thức tao nhã và sự tiếp tục truyền thống thơ cổ điển. Nhà thơ Joseph Brodsky (giải Nobel Văn học năm 1986) gọi Bella Akhmadulina là “người thừa kế của trường phái thơ Lermontov – Pasternak trong thơ ca Nga”. Ngoài thơ sáng tác, Bella Akhmadulina còn là người dịch nhiều nhà thơ cổ điển của Gruzia và là tác giả của nhiều tập sách viết về các nhà thơ lớn như Pushkin, Lermontov, Akhmatova, Tsvetaeva…

Bella Akhmadulina là hội viên của Hội nhà văn Nga, Hội Văn bút Nga, Hội bạn bè của Bảo tàng Pushkin, thành viên danh dự của Viện hàn lâm Văn học Nghệ thuật Mỹ. Bà được tặng nhiều giải thưởng của Liên Xô, Nga và nhiều nước khác, trong đó: giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1989), giải Nosside (Italy, 1992), giải Independent (Triumph, 1993), giải Pushkin (Đức, 1994). Năm 1984 bà được tặng huân chương Hữu nghị các dân tộc, các năm 1997 và 2007 được tặng huân chương “Vì công lao với Tổ quốc”, năm 2004 được tặng giải thưởng Nhà nước Nga.
Bella Akhmadulina hiện sống và làm việc ở Moskva.

Tác phẩm:
* «Струна» (1962)
* «Озноб» (Франкфурт, 1968)
* «Уроки музыки» (1969)
* «Стихи» (1975)
* «Свеча» (1977)
* «Сны о Грузии» (1977, 1979)
* «Метель» (1977)
* альманах «Метрополь» («Много собак и собака», 1980)
* «Тайна» (1983)
* «Сад» (1987)
* «Стихотворения» (1988)
* «Избранное» (1988)
* «Стихи» (1988)
* «Побережье» (1991)
* «Ларец и ключ» (1994)
* «Шум тишины» (Иерусалим, 1995)
* «Гряда камней» (1995)
* «Самые мои стихи» (1995)
* «Звук указующий» (1995)
* «Однажды в декабре» (1996)
* «Созерцание стеклянного шарика» (1997)
* «Собрание сочинений в трех томах» (1997)
* «Миг бытия» (1997)
* «Нечаяние» (стихи-дневник, 1996—1999)
* «Возле елки» (1999)
* «Друзей моих прекрасные черты» (2000)
* «Стихотворения. Эссе» (2000)
* «Зеркало. XX век» (стихи, поэмы, переводы, рассказы, эссе, выступления, 2000)


Một số bài thơ:

ĐỪNG DÀNH CHO EM QUÁ NHIỀU THỜI GIAN
 
Đừng dành cho em quá nhiều thời gian
Và đừng hỏi gì em nhiều anh nhé.
Những ánh mắt dịu dàng và chung thủy
Đừng để chạm vào bàn tay em.

Đừng đi trên những đồng cỏ mùa xuân
Theo dấu vết của bàn chân em nhé.
Em biết rằng sẽ không bao giờ nữa
Gặp gỡ này tất cả chỉ bằng không.

Anh có nghĩ rằng, em vì kiêu hãnh
Mà đi chơi, mà kết bạn với anh?
Không phải thế - mà em vì đau đớn
Giữ thẳng mái đầu và chỉ nhìn ngang.


EM TỪNG NGHĨ

Em từng nghĩ anh là kẻ thù của em
Là điều tai họa nặng nề quá đỗi
Thế mà hóa ra chỉ là gian dối
Trò chơi của anh: thật quá rẻ tiền.

Anh đã từng đứng trên quảng trường
Đã từng ném đồng xu vào tuyết
Rồi bằng đồng xu đoán già đoán non
Liệu em có yêu anh không biết.

Và anh quấn khăn vào chân cho em
Và ở trong khu vườn Aleksandr ấy
Anh sưởi ấm bàn tay và nói dối
Và anh nghĩ rằng em đang dối anh.

Có một điều gian dối vây quanh em
Giống như là quạ khoang.

Nhưng trong lần giã biệt cuối cùng
Đôi mắt anh không đen, cũng chẳng xanh.
Ôi, anh sống không hề buồn bã
Còn em cũng không làm sao cả.

Nhưng tất cả thật uổng phí làm sao
Nhưng tất cả thật nhảm nhí biết bao!
Anh đi về bên trái
Còn em đi về bên phải.
1957
 
 




Anna Akhmatova (tiếng Nga: А́нна Ахма́това, tên thật: А́нна Андре́евна Горе́нко)(23/6/1889—5/3/1966) – nữ nhà thơ Nga, một trong những gương mặt xuất sắc nhất của thơ Nga thế kỉ XX.

Tiểu sử:
Anna Akhmatova sinh ở Bolshoy Fontan, Odessa (nay là Ucraina). Năm 1890 gia đình chuyển về Hoàng thôn (Tsarskoe Selo), St. Peterburg. Năm 1905 bố mẹ chia tay nhau, các con theo mẹ đến thành phố Evpatoria ở phía nam. Học luật ở Kiev năm 1906-1907. Học văn học và lịch sử ở St. Peterburg năm 1908-1910. Tháng 4-1910 lấy chồng là nhà thơ Nikolai Gumiliev sau đó đi du lịch sang Pháp, Italia.

Bài thơ đầu tiên viết năm 11 tuổi in ở tạp chí Apollo nhưng bố không cho lấy họ Gorenko nên đã lấy họ thời trẻ của bà ngoại là Akhmatova. Năm 1912 in tập thơ đầu tiên Вечер (Buổi chiều) được giới phê bình chú ý. Năm 1914 in tập thơ thứ hai Чётки (Tràng hạt). Những nét chính của thơ Anna Akhmatova là sự hiểu biết tinh tế của những cung bậc tình cảm, sự suy ngẫm về những bi kịch nửa đầu thế kỉ XX. Trường ca Реквием (Khúc tưởng niệm, 1935-1940 in năm 1976) viếv những nạn nhân của cuộc trấn áp những năm 30. Đỉnh cao trong sáng tác của A. Akhmatova là Поэмa без героя (Trường ca không có nhân vật, 1940-1965) được đánh giá là một tác phẩm thi ca triết học tầm cỡ của thế giới. Năm 1962 được đề cử trong danh sách xét giải Nobel Văn học. Năm 1964 được tặng giải Etna Taomina của Italia. Năm 1965 được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Oxford.

Ngoài thơ, A. Akhmatova còn là tác giả của nhiều bài viết về Pushkin và các nhà thơ đương thời. Anna Akhmatova được mệnh danh là “Bà chúa thơ tình Nga”. Thơ của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và gần đây được dịch nhiều ra tiếng Việt.

Tác phẩm:
*Вечер (Buổi chiều, 1912), thơ
*Чётки (Tràng hạt, 1914), thơ
*Белая стая (Bầy trắng, 1917), thơ
*Подорожник (Xa tiền thảo, 1921), thơ
*Anno Domini MCMXXI, 1922, thơ
*У самого моря (Bên biển, 1921), trường ca
*Бег времени (Bước chạy của thời gian, 1965), thơ
*Поэме без героя (Trường ca không nhân vật)(1940—1965, in đầy đủ năm 1976), trường ca
*Реквием (Khúc tưởng niệm)(1935-40; in năm 1976), trường ca



TÌNH YÊU

Tình như con rắn cuộn tròn
Trong sâu thẳm con tim làm phép thuật
Tình là bồ câu suốt ngày đêm
Bên cửa sổ gật gù khoan nhặt.

Tình là lấp lánh trong sương
Thuỷ dương mai trong mơ màng linh cảm…
Nhưng tình rất chân thành và bí ẩn
Tình bắt nguồn từ tĩnh lặng, hân hoan.

Tình là biết ngọt ngào, nức nở
Trong lời cầu nguyện của cây đàn.
Và thật khủng khiếp nhận ra tình
Trong nụ cười hãy còn xa lạ.
11-1911


SỰ ÂU YẾM BÂY GIỜ

Sự âu yếm bây giờ anh đừng lẫn
Với một điều gì, nó rất dịu êm.
Anh phí uổng quấn vào rất cẩn thận
Lông thú lên vai, lên ngực cho em.
Và phí hoài những lời rất ngoan ngoãn
Anh nói với em về một mối tình
Em rất biết những ánh mắt kiên nhẫn
Những cái nhìn rất khao khát của anh!
1913


KẺ ĐANG YÊU

Kẻ đang yêu có yêu cầu vô khối!
Kẻ không còn yêu không có bao giờ.
Em rất mừng vui rằng nước bây giờ
Dưới băng giá không màu đang cứng lại.

Và em đứng lên – lạy Chúa lòng lành
Trên lớp phủ mỏng manh và dễ vỡ
Còn anh những bức thư của em hãy giữ
Để đời sau sẽ phán xét chúng mình.

Cho rành mạch hơn và thật rõ rành
Người ta thấy anh thông minh, can đảm
Và trong tiểu sử danh giá của anh
Có lẽ nào chừa ra những khoảng trống?

Ôi nước uống trần gian sao quá ngọt
Lưới tình yêu sao lại dệt quá dày
Hãy để tên em một khi nào sẽ đọc
Lũ trẻ con trong sách lúc học bài.

Và, câu chuyện buồn khi đã hiểu ra
Mặc cho chúng sẽ mỉm cười ranh mãnh…
Yên lặng và tình yêu đã không cho
Hãy tặng em bằng vinh quang cay đắng.
1913


TẤT CẢ CHÚNG TA

Tất cả chúng ta – lũ say sưa, truỵ lạc
Vui vẻ gì đâu tụ tập nơi này!
Trên những bức tường hoa và chim chóc
Mệt mỏi bơ phờ dưới những đám mây.

Anh hút thuốc bằng cây tẩu màu đen
Khói vẽ lên những hình thù kỳ quặc
Chọn chiếc váy bó sát người em mặc
Để tôn thêm vẻ cân đối thân hình.

Những ô cửa đến muôn đời khép chặt
Ở ngoài kia giông bão hay giá băng?
Đôi con mắt rất cẩn trọng của anh
Giống như mắt mèo đắn đo, dè dặt.

Ôi con tim của em buồn quá mức
Phút lâm chung em có lẽ đang chờ?
Còn cô gái kia đang nhảy bây giờ
Chắc chắn là sẽ bước vào địa ngục.
1-1913


ANH XƯA DỊU DÀNG

Anh xưa dịu dàng, hay lo lắng, hay ghen
Đã yêu em như mặt trời của Chúa
Và để cho không hát như trước nữa
Anh giết đi con chim trắng của em.

Anh bước vào phòng thốt lên buổi hoàng hôn:
“Hãy yêu anh, hãy cười, thơ hãy viết!”
Còn em, con chim vui đem vùi lấp
Sau giếng tròn, dưới gốc một cây trăn.

Rằng sẽ không khóc, em hứa với anh
Nhưng tim em đã từ lâu hoá đá
Em ngỡ rằng mọi lúc và mọi ngả
Vẫn nghe giọng ngọt ngào, âu yếm của chim.
Thu 1914


TA KHÔNG CÙNG NHỮNG KẺ

Ta không cùng những kẻ
Bỏ quê hương, mặc cắn xé quân thù
Ta không nghe lời tâng bốc của họ
Và không trao cho họ những bài thơ.

Nhưng muôn thuở thương kẻ đày phát vãng
Như kẻ tù nhân, như kẻ tật nguyền.
Con đường tối tăm của người du lãng
Mùi bánh mì, ngải cứu lạ bốc lên.

Còn ở đây, trong khói đám cháy này
Ta phí hoài chút tuổi xuân còn lại
Nhưng chưa từng một đòn đau nào
Nhận về mình ta từ chối.

Ta biết, sự đánh giá sau này, dù chậm
Sẽ thanh minh cho từng phút, từng giờ
Nhưng trên đời không có người đơn giản
Không nước mắt và kiêu hãnh hơn ta.
7-1922


LỜI THỀ

Người con gái hôm nay vĩnh biệt người thương
Sẽ biến nỗi đau thương của mình thành sức mạnh
Ta thề với cháu con, với những nấm mồ yên lặng
Rằng không ai bắt được ta quì gối đầu hàng!
7-1941

(Xem thêm: Bà Chúa thơ tình Anna Akhmatova - 150 bài thơ và trường ca)





Innokentiy Fyodorovich Annensky (tiếng Nga: Инокентий Фёдорович Анненский, 1 tháng 9 năm 1855 – 11 tháng 12 năm 1909) – nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình Nga, là một nhà thơ lớn của văn học Nga thế kỷ bạc.

Tiểu sử:
Innokentiy Annensky sinh ở Omsk trong một gia đình công chức. Bố là trưởng đoạn đường sắt Omsk. Lên 5 tuổi gia đình chuyển về Sank-Peterburg. Cả bố và mẹ mất khi Annensky còn nhỏ nên ở với người anh trai – là nhà kinh tế học, nhà chính trị có ảnh hưởng đến sự nghiệp của Annensky sau này. Năm 1879 tốt nghiệp khoa ngôn ngữ Đại học Sank-Peterburg, Annensky làm giáo viên dạy tiếng Latin, tiếng Hy Lạp ở các trường gymnazy Peterburg, in các bài viết ở tạp chí của Bộ giáo dục. Năm 1891 làm hiệu trưởng trường gymnazy ở Kiev. Năm 1906 làm thanh tra giáo dục tỉnh Sank-Peterburg.

Annensky biết làm thơ từ nhỏ nhưng không sưu tập, chỉ đến năm 1904 mới in tập thơ đầu tiên Тихие песни (Những bài ca thầm lặng) theo lời khuyên của anh trai và chị dâu. Năm 1910 in tập Кипарисовый ларец (Chiếc hòm trắc bá diệp) và tuyển tập thơ sau khi chết in năm 1923. Thơ của Annensky, theo như lời của chính ông, là “sự thể hiện nỗi đau của tâm hồn thành thị”, cảm nhận mọi thứ qua tâm trạng của người theo chủ nghĩa ấn tượng. Ông có sự ảnh hưởng lớn tới các nhà thơ phái Asmeist như Anna Akhmatova, Nicolai Gumilyov, Osip Mandelstam.

Ngoài thơ và phê bình, Annensky còn là một dịch giả nổi tiếng của Nga. Ông dịch thơ của Euripides và một loạt các bi kịch nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại: Melanippa-phylosoph (1901), Tsar Ixion (1903), Laodamia (1906). Các nhà thơ cổ điển Pháp: Baudelaire, Verlaine, Rimbaud…

Annensky mất ở Saint-Petersburg năm 1909.

Thư mục tiếng Nga:
*Тихие песни (под псевдонимом "Никто"), СПБ., 1904; 2-е изд., П., 1923;
*Кипарисовый ларец, вторая книга стихов, М., 1910; 2-е изд., П., 1923;
*Посмертные стихи, П., 1923;
*Фамира Кифарэд, вакхическая драма, СПБ., 1919;
*Книга отражений, СПБ., 1906; Вторая книга отражений, СПБ., 1909;
*Театр Эврипида, т. I, СПБ., 1907;
*Эврипид, драмы, М., 1916-1921 (из намеченных 6 тт. вышли I-III, текст переводов А. подвергся значительным переделкам со стороны редактора Ф. Ф. Зелинского);
*О современном лиризме: 1) "Они", 2) "Оне" (Обзор современной поэзии), статьи в журн. "Аполлон", № 1-3, 1909;
*Автобиографические материалы: Венгеров С., Критико-биографический словарь, т. VI, СПБ., 1904; Фидлер Ф., Первые лит-ые шаги, М., 1911; Архипов Е., Библиография А., М., 1914; Кривич В., А. по семейным воспоминаниям и рукописным материалам, альм. "Лит-ая мысль", III, Л., 1925.



Một số bài thơ:


HAI TÌNH YÊU

Có tình yêu giống như là làn khói
Nếu gần nhau tình sẽ hóa màn sương
Cho tình ý chí – tình không sống nổi
Là khói thôi – nhưng mãi mãi trẻ trung.

Lại có tình yêu giống như là bóng
Tình nghe lời, ngày nằm ở dưới chân
Đêm ôm ấp không còn nghe tiếng động
Là bóng, nhưng ngày đêm vẫn đi cùng.




KHÚC LÃNG MẠN MÙA THU

Anh nhìn sang em, đôi mắt hững hờ
Còn trong tim, nỗi buồn không giấu nổi
Ngày hôm nay anh mệt mỏi, bơ phờ
Nhưng mặt trời giấu mình sau làn khói.

Anh biết rằng mình đang ôm giấc mộng
Nhưng giấc mơ anh trung thực – còn em?..
“Sự hi sinh không cần – trên đường vắng
Đã chết rồi những chiếc lá rơi lên…”

Duyên số ta dẫn dắt ta mù quáng
Liệu có gặp nhau, biết được chỉ có trời…
Nhưng em biết… em đừng cười, bước xuống
Giữa mùa thu trên những chiếc lá rơi!



KHÚC LÃNG MẠN MÙA XUÂN

Dòng sông hãy còn chưa nổi sóng
Nhưng đang nhấn chìm tảng băng xanh
Những đám mây hãy còn chưa tan
Nhưng chén tuyết bằng mặt trời đang uống.

Em hé nhìn qua cánh cửa
Và con tim xao xuyến, rung rinh
Em hãy còn chưa yêu, nhưng hãy tin:
Tình yêu – em không thể chối từ được nữa.



TÔI VẪN NGHĨ

Tôi vẫn nghĩ con tim làm bằng đá
Rằng con tim là hoang vắng, giá băng
Dù trong tim, bằng lời nói thốt lên
Thì con tim cũng không làm sao cả.

Và quả vậy: tôi không làm sao cả
Còn nếu đau, chỉ một chút vậy thôi
Và dù sao, tốt hơn hết, là tôi
Dập tắt lửa, một khi còn có thể.

Trong con tim, như trong mồ, tăm tối
Tôi nghĩ rằng đám cháy có vô vàn…
Nhưng đem dập tắt… khi lửa không còn
Tôi từ giã cõi trần trong làn khói.



CANZONE

Nếu bỗng nhiên sống lại chuyện thần tiên
Thì anh đặt ngọn đèn lên cửa sổ
Em đến đây… chúng mình không chia sẻ
Hạnh phúc này, anh trao hết cho em.

Em đến đây với giọng nói đượm buồn
Bởi vì em dịu dàng, trong sáng quá
Bởi vì trao em cho anh từng hứa
ánh trăng vàng và tím tử đinh hương.

Nhưng mà anh hay có phút giây, thường
Rất sợ hãi và trống trơn trong ngực
Thấy nặng nề – anh lặng im, cúi gập
Em đi đi! Anh muốn một mình hơn.



GIỮA NHỮNG ĐỜI

Giữa những đời, giữa chập chờn tinh tú
Tôi nhắc cái tên của một Vì Sao…
Không phải vì để được yêu Em đâu
Mà bởi với người ta, tôi mệt lử.

Và nếu như mối nghi ngờ rất nặng
Câu trả lời ở Người ấy tôi tìm
Không phải vì ánh sáng đến từ Em
Mà bởi, với Em không cần ánh sáng.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.05.2010 12:57:30 bởi cacbac >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9