Joseph Rudyard Kipling (30-12/1865 - 18-01/1936) - nhà văn, nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907.
Rudyard Kipling sinh ngày tại Bombay (Ấn Độ); bố ông là giáo sư hiệu trưởng trường Nghệ thuật Bombay, một chuyên gia lớn về lịch sử nghệ thuật Ấn Độ; mẹ xuất thân từ gia đình danh giá nổi tiếng ở London, 6 tuổi được gửi sang Anh sống với một gia đình theo đạo Tin Lành. Trong thời gian ở Anh, R. Kipling đã học tại các trường
United Service College, Westward Ho, Bideford. Năm 1882 ông trở về Ấn Độ, viết một số truyện ngắn và làm trợ lý Tổng biên tập cho tờ báo
Dân thường và lính (Civil and Military Gazette) ở Lahor. Chàng thanh niên đã khiến xã hội sở tại kinh ngạc bởi những ý kiến sắc sảo trước các vấn đề xã hội và kiến thức về đất nước Ấn Độ. Những chuyến đi hàng năm tới thành phố Shimla trong vùng Hymalaya là nguồn gốc dẫn đến sự ra đời nhiều tác phẩm của nhà văn. Năm 1886 R. Kipling in tập thơ đầu tiên
Những bài ca ở bộ với số lượng hạn chế, nhưng sách bán hết ngay nên phải in lại. Năm 1887 ông chuyển sang làm việc cho báo
Người tiên phong (Pioneer) ở Allahabad. Truyện ngắn của ông in ở Ấn Độ được tập hợp thành 6 tập sách trong Tủ sách
Đường sắt Ấn Độ khá nổi tiếng.
Năm 1889 ông du lịch khắp thế giới, viết du ký cho báo. Tháng 10 năm này ông đến London và gần như lập tức trở nên nổi tiếng. Ông bắt đầu chuyển sang phong cách thơ mới của Anh. Năm 1892 ông sang Mỹ và kết hôn với em gái chủ xuất bản người Mỹ U. Balestier, người viết chung cùng R. Kipling cuốn tiểu thuyết
Naulahka (1892) nhưng không thành công lắm. Trong 4 năm sống ở Mỹ, R. Kipling đã viết những tác phẩm hay nhất của mình, như
Sách rừng (1894) và
Sách rừng thứ hai (1895). Năm 1896 họ trở về Anh. Theo lời khuyên của bác sĩ, mùa đông nhà văn sang Nam Phi. Trong chiến tranh Anh - Nam Phi (thường gọi là Chiến tranh Boer, 1899-1902) ông làm phóng viên mặt trận.
Trên đỉnh cao vinh quang và tiền bạc, R. Kipling tránh công chúng, bỏ qua những phê bình thù nghịch, từ chối nhiều danh hiệu. Năm 1901 ông xuất bản tiểu thuyết
Kim - như một lời chào giã từ gửi đến đất nước Ấn Độ. Năm 1902 ông lui về sống tại một làng quê hẻo lánh ở tỉnh Sussex (Anh) cho đến cuối đời.
Năm 1907 R. Kipling được trao giải Nobel khi đã có trong tay 20 tập sách (trong đó có 4 tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, nhiều tập kí, bài báo...). Ông đến Stockholm nhưng không đọc diễn văn nhận giải. R. Kipling còn được nhận bằng danh dự và phần thưởng của nhiều trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, Edinburg, Paris, Athens, Toronto... Đến nửa đời, phong cách của nhà văn có sự thay đổi. Ông bắt đầu viết từ tốn, chín chắn và cẩn thận kiểm tra lại những gì đã viết. Trong Thế chiến I, con trai ông hy sinh, ông cùng vợ làm việc ở tổ chức Hồng Thập tự. Sau chiến tranh ông đi du lịch nhiều, làm quen và kết bạn với nhà vua Anh George V.
Năm 1926, R. Kipling nhận Huy chương Vàng Văn học Hoàng gia Anh quốc. Cho đến cuối đời R. Kipling vẫn tiếp tục sáng tác thơ và truyện ngắn, tuy cường độ sáng tác đã giảm sút. R. Kipling mất vì chảy máu đại tràng vào ngày 18 tháng 1 năm 1936 tại London. Hai ngày sau, bạn của ông - vua George V - cũng băng hà. Tác phẩm tự truyện Vài điều về bản thân được xuất bản sau khi ông qua đời.
Tác phẩm: - Departmental Ditties (Những bài ca ở bộ, 1886), thơ
- Plain Tales from the Hills (Truyện kể núi đồi, 1887)
- Soldiers Three (Ba người lính, 1888), tập truyện ngắn
- The Ballad of East and West (Bài thơ Đông - Tây, 1889), thơ
-The Light that Failed (Ánh sáng đã tắt, 1890), tiểu thuyết
- The Naulahka - A story of West and East (1892), tiểu thuyết
- Barrack-Room Ballads (Những khúc ballad về trại lính, 1892), thơ
- Many Inventions (Vô số điều bịa đặt, 1893), tập truyện ngắn
- The Jungle Book (Sách Rừng xanh, 1894), tập truyện
- The Second Jungle Book (Sách rừng thứ hai, 1895), tập truyện
- The Seven Seas (Bảy biển, 1896), thơ
- Captains Courageous (Những người đi biển quả cảm, 1897)
- The Day's Work (Công việc của ngày, 1898), tập truyện ngắn
- The White Man's Burden (Gánh nặng người da trắng, 1899), thơ
- Kim (1901), tiểu thuyết
- The Five Nations (Năm dân tộc, 1903), thơ
- Traffics and Discoveries (Những lối đường và các khám phá, 1904), tập truyện ngắn
- Puck of Pook's Hill (Quả bóng từ đồi Pook, 1906), tập truyện ngắn
- Actions and Reactions (Hành động và phản ứng, 1909), tập truyện ngắn
- Rewards and Fairies (Phần thưởng và các nàng tiên, 1910), tập truyện ngắn
- If (Nếu, 1910), thơ
- Debits and Credits (Chi và thu, 1926), tập truyện ngắn
- Limits and Renewals (Những giới hạn và gia hạn, 1932), tập truyện ngắn.
Một số bài thơ đã dịch sang Tiếng Việt:
BÀI THƠ ĐÔNG – TÂY Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi Khi hai người đàn ông lực lưỡng trên đường biên mặt đối mặt không thôi. Kamal cùng với hai mươi người chạy ra vùng đường biên nổi loạn
Trộm con ngựa cái của ngài đại tá - con ngựa của ngài là niềm kiêu hãnh.
Kamal bắt con ngựa từ trong chuồng giữa buổi hoàng hôn
Quay những móng sắt dưới chân, nhảy lên ngựa phóng ra đường.
Khi đó con trai ngài đại tá kêu lên – chàng là đội trưởng(1):
"Chẳng lẽ mọi người không có ai biết ở đâu tên kẻ trộm?"
Thì Mohammed Khan, con trai của Ressaldar(2) nói rằng:
"Nếu có ai biết con đường trong sương thì biết nơi hắn dừng chân.
Hắn phóng về Abazai(3) buổi hoàng hôn rồi về Bonair đó
Phải đi qua Fort Bukloh, đường khác không hề có.
Và nếu ông đi qua Fort Bukloh thì ngựa phóng còn nhanh hơn cả chim bay
Chúa phù hộ cho ông thì đuổi kịp nó ở khe núi Jagai.
Nhưng nếu như nó đã đi qua khe núi Jagai thì hãy quay về ngay lập tức
Ở đó nguy hiểm vô cùng, người của Kamal đông nghịt.
Bên phải là vách đá, bên trái cũng là vách đá và những bụi gai
Nghe sột soạt tiếng vũ khí nhưng chẳng nhìn thấy người".
Thế là vội vàng lấy con ngựa ô của mình – con trai ngài đại tá
Như cái miệng của chuông, địa ngục trong tim và cái đầu như giá treo cổ.
Con trai ngài đại tá phóng về Fort và người ta gọi chàng dừng chân
Nhưng ai đuổi theo kẻ trộm, người ấy nghỉ không cần.
Chàng phóng về Fort Bukloh, như chim bay, ngựa lướt
Một khi chưa thấy con ngựa của cha ở hẻm núi Jagai lòng chưa yên được
Một khi chưa thấy con ngựa của cha và Kamal cưỡi trên lưng
Và khi nhìn thấy tròng mắt của nó chàng rút súng, bật khoá nòng
Chàng bắn một phát, bắn hai phát, và đạn réo lên trong bụi
"Bắn như lính xem nào, ta xem mày đi ra sao” – Kamal nói.
Từ hẻm núi Jagai một bầy quỉ bụi bay ra
Con ngựa ô bay như hươu nhưng ngựa cái như con sa-moa
Con ngựa ô cắn vào cái hàm thiếc và ngựa ô thở dốc
Nhưng ngựa cái lướt nhẹ nhàng như cô gái khoe đôi tất
Bên phải là vách đá, bên trái cũng lại là vách đá và những bụi gai
Ba lần rút súng lên khoá nòng nhưng chẳng nhìn thấy ai người
Mảnh trăng non bị xua khỏi bầu trời và bình minh đánh vào móng guốc
Ngựa ô như con bò bị thương, còn ngựa cái như con đama nhẹ nhàng bay lướt
Ngựa ô vấp vào đống đá bên đường và rơi tõm xuống sông
Kamal dừng ngựa của mình, quay lại kéo người cưỡi ngựa lên
Và lấy khẩu súng từ tay chàng trai - đây không phải là lúc tranh đấu
"Tao quá tốt với mày – Kamal kêu lên – mày đuổi theo tao chậm quá.
Ở đây hai mươi dặm không tìm ra vách đá và chẳng có bụi cây nào
Nhưng nếu quì gối đầu hàng thì người của ta chẳng giết mày đâu.
Nếu tay ta nâng dây cương lên rồi đột nhiên ta hạ
Thì bầy chó rừng sẽ tiệc tùng đêm nay rất vui vẻ
Và nếu ta cúi đầu trên ngực rồi ta lại ngẩng cao đầu
Thì bầy diều hâu sẽ ăn no, không nhấc nổi cánh bay đi đâu”
Con trai ngài đại tá trả lời nhẹ nhàng: "Sẽ làm mồi cho chim và thú
Nhưng ngươi hãy tính xem, cái giá cho bữa tiệc kia ngươi phải trả
Nếu cả một nghìn tay kiếm sẽ đến đây để lấy xương ta về
Thì không chừng kẻ ăn trộm ngựa sẽ phải trả nhiều hơn kia.
Ngựa của họ sẽ giẫm nát mùa màng, họ sẽ thu hết thóc
Họ đốt hết những mái nhà tranh, sẽ giết cho không còn gia súc
Hãy nghĩ xem, với ngươi chẳng đáng gì, nhưng anh em sẽ không còn lại gì đâu
Chó và chim cũng một loài – cứ gọi chó với diều hâu
Nhưng nếu cái giá quá cao, anh em, mùa màng, gia súc
Thì trả lại con ngựa cái cho ta, đường quay lại ta tìm được”.
Kamal nắm bàn tay chàng trai và bốn mắt nhìn vào
"Đừng nói gì về chó, khi chó sói và chó sói gặp nhau
Dù đồ ăn thú vật cho ta, nếu ta làm cho mày điều ác
Ta không ngăn, nếu mày thích đùa cợt cùng cái chết".
Con trai ngài đại tá trả lời: “Ta giữ danh dự của ta
Tặng con ngựa cái cho mày để đi cùng với ngựa ô".
Con ngựa cái chạy đến bên người chủ, chúi mũi vào trong ngực
"Ta là hai thằng đàn ông lực lưỡng- Kamal nói – mà nó yêu người trẻ nhất
Thì cứ để nó mang đi món quà tên trộm – dây cương có ngọc lam
Đôi bàn xỏ chân bằng bạc và cả chắn ngựa, yên cương".
Con trai ngài đại tá rút súng và trao cho Kamal khẩu súng:
"Ông lấy một của kẻ thù – còn cái này là trao cho ông người bạn".
Kamal nói chân thành: "Máu trả bằng máu, quà sẽ trả bằng quà
Bố anh phái con trai đuổi theo ta, bây giờ ta gửi con trai của mình về với ông ta".
Nói rồi Kamal huýt gió gọi con trai của mình từ vách núi đá
Và cậu con trai chạy như con nai rừng, có mặt ngay tại chỗ
"Bây giờ, đây là người chủ của con – anh ta là lính Hoàng gia
Con sẽ là tấm lá chắn chở che, là cánh tay trái của anh ta
Cho đến một ngày cha còn hoặc là cái chết kia chưa đến
Thì cuộc đời của con hãy gắn bó với người đội trưởng
Và con sẽ ăn cơm của Nữ Hoàng,(4) kẻ thù của Người là kẻ thù của con.
Và sẽ dẹp ổ loạn của cha để giữ gìn yên ổn đường biên
Và con sẽ là người lính trung thành, vinh quang con có được
Có thể người ta thăng chức tước cho con, còn cho cha roi vọt".
Họ cùng nhìn vào mắt nhau và cảm thấy run run
Rồi họ mang muối với bánh mì để cùng hẹn ước, thề nguyền
Họ thề với nhau kết nghĩa anh em rồi cùng khắc lên trên vạt đất
Họ khắc trên cán gươm tên Chúa Trời của những điều kì diệu nhất.
Rồi con trai ngài đại tá cưỡi ngựa cái, con trai Kamal cưỡi ngựa ô
Cùng phóng về nơi trước đây đến chỉ một người – Fort Bukloh.
Và khi đến gần trại lính thì họ gặp một rừng lửa gươm sáng chói
Ai cũng muốn con dao của mình nhuốm đầy máu người dân miền núi.
"Dừng lại – con trai ngài đại tá kêu lên – dừng lại, bỏ vũ khí xuống ngay!
Đêm qua ta đuổi theo thằng kẻ trộm đường biên và ta dẫn về một chiến hữu đêm này!"
Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi Khi hai người đàn ông lực lưỡng trên đường biên mặt đối mặt không thôi. __________________
(1) Đây là bài thơ rất nổi tiếng của Kipling. In lần đầu ở tạp chí MacMillan’s Magazine, tháng 12-1889, sau đó in trong tập thơ Barrack – Room Ballads, 1892. Câu chuyện trong bài thơ dựa trên thực tế ở vùng biên giới tây-bắc Ấn Độ thuộc Anh (khi đó còn bao gồm cả Pakistan và Băng-la-đét). Ấn Độ là một trong những nền văn văn minh đầu tiên của loài người. Ở đây có một sự va chạm và tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Đây cũng là một vấn đề lớn của thế giới hiện đại. Cho đến bây giờ chưa có ai có thể nói chính xác rằng Đông – Tây đã hội nhập đến mức nào, đã gặp gỡ đến đâu nhưng hễ có vấn đề gì là người ta lại thích trích dẫn Kipling: "Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ…" Cũng cần nói một điều rằng Kipling chưa bao giờ có ý hạ thấp hay phủ nhận những giá trị của văn hóa phương Đông. Ông cố gắng tìm hiểu những qui luật bên trong của văn hóa phương Đông và tìm cách giải mã nó. Tiểu thuyết hay nhất của Kipling: Kim, 1901 là một tác phẩm về điều này. Nhân vật chính do dự giữa những giá trị văn hóa Đông – Tây và cuối cùng đã chọn phương Tây nhưng vẫn canh cánh bên lòng một nỗi buồn nhớ phương Đông. Bài thơ Đông – Tây cũng là một minh chứng cho điều đó.
(2)Guides: đội kị binh tuần tiễu của người Anh ở biên giới Ấn Độ - Afghanistan xưa (ngày nay là Pakistan và Afghanistan).
(3)Ressaldar: sĩ quan chỉ huy trong những đơn vị tuần tiễu là người bản xứ.
(4)The Abazai… Bonair… Fort Bukloh… Tongue of Jagai – những địa danh ở vùng biên giới Ấn Độ – Afghanistan.
(5)White Queen: Nữ hoàng Anh Victoria.