Các nhà thơ Anh

Tác giả Bài
cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 17:19:01


Lord George Gordon Noel Byron (22 /1/1788 – 19 /4/1824) là nhà thơ lãng mạn Anh, một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ XIX.

Tiểu sử:
Byron sinh ở London, trong một gia đình quí tộc đã sa sút. Học ở Harrow School và Đại học Cambridge. Năm 1807 in tập Hours of Idleness (Những giờ giải trí), năm 1809 in trường ca English Bards and Scotch Reviewers (Những nhà thơ Anh và những nhà phê bình Scotland) phê phán những nhà lãng mạn quá khích. Từ năm 1809 là thành viên nghị viện Anh, sau đó bắt đầu 2 năm đi chu du sang các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Năm 1812 in 2 chương đầu của Childe Harold's Pilgrimage (Chuyến hành hương của Childe Harold) kể lại chuyến đi Nam Âu và Cận Đông. Nhân vật của trường ca là chàng trai trẻ thất vọng trước cuộc sống thiếu lý tưởng và tự do. Năm 1812, phát biểu trước nghị viện, Byron tố cáo tầng lớp thống trị ở Anh và đòi hủy bỏ luật tử hình những người công nhân phá máy.

Trong những tác phẩm The Giaour, 1813; The Bride of Abydos, 1813; The Corsair, 1814; Lara, 1814; The Siege of Corinth, 1816 Byron kêu gọi đấu tranh giành tự do. Năm 1816 ông đi sang Thụy Sĩ, gặp Shelley, hai người trở thành bạn của nhau. Những năm 1817-1820 Byron sống ở Venice, cảm thông với nỗi khổ của người Ý trước ách cai trị của người Áo. Thời kỳ này ông viết một số trường ca và 2 chương tiếp theo của Childe Harold's Pilgrimage. Những năm 1818-1819 ông viết trường ca Don Juan gồm 16 chương và chương 17 viết dở. Năm 1823 ông sang Hy Lạp để tham gia đấu tranh giải phóng Hy Lạp khỏi ách cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng công việc đang dở dang thì ông bị sốt và mất ngày 19 tháng 4 năm 1824 ở Missolonghi.

Lòng say mê mãnh liệt, tính trữ tình sâu sắc, sự bạo dạn về ý tưởng và vẻ sống động của những hình tượng khiến Byron trở thành một trong những nhà thơ lớn và nổi tiếng nhất ở châu Âu thế kỷ XIX. Tác phẩm của Byron mở ra những khả năng mới của chủ nghĩa lãng mạn như một phương pháp nghệ thuật. Byron đưa vào thơ ca những nhân vật mới, làm giàu hình thức và thể loại thơ ca. Ông có sự ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca thế giới thế kỷ XIX, sinh ra một trường phái thơ ca ở nhiều quốc gia khác nhau với tên gọi: chủ nghĩa Byron.

Tác phẩm:
*Hours of Idleness (1806)
*English Bards and Scotch Reviewers (1809)
*Childe Harold's Pilgrimage (1812 – 1818)
*The Giaour (1813)
*The Bride of Abydos (1813)
*The Corsair (1814)
*Lara (1814)
*Hebrew Melodies (1815)
*The Siege of Corinth (poem) (1816)
*Parisina (1816)
*The Prisoner Of Chillon (1816)
*The Dream (1816)
*Prometheus (1816)
*Darkness (1816)
*Manfred (1817)
*The Lament of Tasso (1817)
*Beppo (1818)
*Mazeppa (1819)
*The Prophecy of Dante (1819)
*Marino Faliero (1820)
*Sardanapalus (1821)
*The Two Foscari (1821)
*Cain (1821)
*The Vision of Judgement (1821)
*Heaven and Earth (1821)
*Werner (1822)
*The Deformed Transformed (1822)
*The Age of Bronze (1823)
*The Island (1823)
*Don Juan (1819 – 1824)





FARE THEE WELL

Than ôi! họ đã từng là bạn của nhau
Nhưng ác nhân đầu độc lòng chung thủy
Dù sự thật vẫn sống ở trên cao
Nhưng tuổi thanh xuân phí hoài, vô nghĩa
Và cuồng điên ngự trị ở trong đầu
Và cuộc đời từ đây chia hai ngả.
***
Không bao giờ họ còn gặp lại nhau
Để con tim lại mừng vui, hớn hở
Biệt ly này có ai muốn gì đâu
Như vách đá bị chia làm hai nửa.
Biển buồn bã giữa con sóng bạc đầu
Không sấm chớp, oi nồng hay băng giá
Tình đã chết ở trong lòng, tuy thế
Hai người đã từng một thuở của nhau.
Coleridge. Christabel.



Vĩnh biệt em! và nếu là mãi mãi
Thì đến muôn đời vĩnh biệt em
Lòng hận thù anh không còn giữ lại
Và em nhé, hãy quên.

Có lẽ nào trên ngực của anh
Nơi mái đầu của em từng cúi xuống
Nơi đã từng say sưa trong giấc mộng
Em còn nhớ chăng giấc mộng của mình?

Và với anh, có lẽ nào em nỡ
Khi đã nhìn xuyên suốt trái tim anh
Rồi sau đấy em dễ dàng chối bỏ
Trái tim anh em nỡ coi thường.

Có thể là thiên hạ sẽ khen em
Nhưng là điều tai họa, em có biết
Rằng khi nhận về lời khen cho mình
Em mang bất hạnh đến cho người khác.

Ừ thì anh lỗi lầm, anh vẫn biết
Anh vẫn mong chuộc lại lỗi lầm
Nhưng tại sao bàn tay, em nỡ giết
Bàn tay từng âu yếm cùng anh?

Và dù sao, em đừng tự dối mình
Ngọn lửa tình đâu đã tàn phai hẳn
Dù bây giờ đã ly biệt con tim
Tình đau đớn trong tim này vẫn sống.

Tình của em trong tim anh vẫn giữ
Đớn đau này rỉ máu trái tim anh
Một ý nghĩ vẫn làm anh đau khổ
Rằng sẽ không còn gặp nữa chúng mình.

Em có nghe tiếng nức nở của ai
Như tiếng khóc lạc loài trên xác chết
Ta vẫn sống, nhưng mỗi sáng hai người
Đều goá bụa trên giường khi tỉnh giấc.

Và khi em âu yếm cùng con gái
Dạy con mình cất tiếng gọi “Cha ơi!”
Thì với con của mình, em có nói:
Cha của con vẫn sống ở trên đời?

Khi bàn tay đứa con quàng âu yếm
Khi hôn môi con em có biết rằng
Anh vẫn mong và vẫn luôn cầu nguyện
Vẫn nghĩ về em như thuở yêu anh.

Nếu em thấy con gái mình rất giống
Với kẻ mà xưa em nỡ phụ tình
Nếu bỗng nhiên con tim em rung động
Nhịp đập chân thành em hãy hướng về anh.

Lỗi lầm anh, có thể là em biết
Vẻ điên cuồng em chẳng biết được đâu
Niềm hy vọng của anh còn tha thiết
Như bên tai còn vọng mãi u sầu.

Và tâm hồn rất kiêu hãnh của anh
Trước tình em cúi xuống
Hồn anh đuổi theo em
Từ giã anh đi về nơi xa vắng.

Hết thật rồi, tất cả lời trống rỗng
Càng phí hoài hơn thế những lời anh
Nhưng ý nghĩ không thể nào ngăn cản
ý nghĩ khát khao bay đến với tình.

Vĩnh biệt em! giờ tình yêu đã hết
Mất em rồi, tình yêu đã xa xôi
Không bao giờ tim anh còn được chết
Bởi từ đây con tim đã chết rồi.





CHẲNG CÒN NHỮNG ĐÊM XƯA

Thôi đêm này chẳng cùng em sánh bước
Như những đêm xưa từng bước chung đôi
Dù tình yêu vẫn dồn lên trong ngực
Và ánh trăng vẫn sáng ở trên trời.

Như lưỡi dao đã mòn vì bao vỏ
Tâm hồn đau vì đã lắm bồi hồi
Giờ con tim đang rất cần hơi thở
Và tình yêu đang muốn được nghỉ ngơi.

Dù đêm nay vẫn dịu hiền như trước
Đêm dễ thương, âu yếm của hai người
Nhưng anh và em chẳng còn sánh bước
Như những đêm xưa dưới ánh trăng soi.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 17:27:39


William Blake (28 tháng 11 năm 1757 – 12 tháng 8 năm 1827) – là nhà thơ, hoạ sĩ Anh, một trong những nhà thơ lớn của thế kỷ XVIII. Thơ ca của William Blake là một hiện tượng, chuyển từ thơ ca thế kỉ ánh sáng sang thơ ca lãng mạn của Keats, Shelley. Năm 1957 Hội đồng Hòa bình Thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Năm 2002 đài BBC bầu chọn 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại, William Blake được bầu ở vị trí 38.

Tiểu sử:
William Blake sinh ở Broad Street, Golden Square, London, là con trai của một nhà buôn hàng vải. Lên 10 tuổi bắt đầu học vẽ, năm 1778 vào học Royal Academy ở Old Somerset House. Năm 1880 công bố bức tranh đầu tiên. Năm 1873 bạn bè bỏ tiền in cho cuốn Poetical Sketches (Những phác họa thơ ca), năm 1784 cưới Catherine Boucher và mở cửa hàng bán tranh. Đến năm 30 tuổi William Bake chỉ được một số ít người biết đến nhưng bắt đầu nổi tiếng sau khi minh hoạ cho cuốn Night Thoughts (Những suy ngẫm về đêm).
Năm 1818 Blake làm quen và kết bạn với họa sĩ trẻ John Linnell, người gợi ý và tài trợ cho Blake vẽ minh hoạ cuốn Job của Kinh Thánh. Sau đó, cũng với sự giúp đỡ của John Linnell, Blake vẽ những bức tranh minh hoạ cho phần Inferno (Địa ngục) của Dante.

Về thơ ca, William Blake cũng là một trong những nhà thơ hàng đầu. Thơ của Blake bao gồm thơ trữ tình và thơ triết học. Năm 1789 ông in cuốn Songs of Innocence (Những khúc hát ngây thơ), gồm những bài thơ và hình minh hoạ. Năm 1794 Songs of Innocence in cùng Songs of Experience (Những khúc ca từng trải). Blake đón chào Cách mạng Pháp bằng trường ca The French Revolution, 1791.

Từ sau năm 1790, Blake xuất bản một loạt sách minh hoạ, gồm The Marriage of Heaven and Hell (Đám cưới của Thiên đường và Địa ngục); Proverbs of Hell (Cách ngôn của Địa ngục); The First Book of Urizen (Cuốn sách đầu của Urizen); America, a Prophecy (Nước Mỹ và tiên tri); The Book of Ahania (Sách Ahania); The Song of Los (Bài ca của Los); The Book of Los (Sách của Los); Europe (Châu Âu); Vala, a Dream of Nine Nights(Vala, giấc mộng của chín đêm) Jerusalem (Jerusalem); The Everlasting Gospel (Sách Phúc âm muôn thuở); Milton: a Poems (Milton: Thơ)…
William Blake mất năm 1827 tại London.




CHÚA SƠN LÂM

Chao ôi hổ! Hổ cháy bừng như lửa
Chúa sơn lâm bừng cháy giữa rừng đêm
Ánh mắt nào, bàn tay nào bất tử
Có thể tạo ra cái vẻ kinh hoàng.

Giữa trời cao, hay chốn nào sâu thẳm
Đôi mắt của ngươi rực lửa cháy lên?
Và nỗi khát khao nào trên đôi cánh?
Bàn tay nào ngọn lửa dám tịch biên?

Bờ vai nào, và từ đâu nghệ thuật
Tạo đường gân thớ thịt của con tim?
Mỗi khi con tim dồn lên nhịp đập
Chân tay nào tạo nên vẻ khiếp kinh?

Đe búa nào, và từ đâu xiềng xích?
Trong thử thách nào trí tuệ của ngươi?
Đã nhào nặn ra vòng vây khủng khiếp
Và cái ôm choàng sợ hãi không thôi?

Khi những vì sao tung ngọn giáo của ngươi
Và khi bầu trời tuôn ra dòng lệ
Thấy việc làm của mình có mỉm cười?
Cái người tạo ra cừu non và hổ?

Chao ôi hổ! Hổ cháy bừng như lửa
Chúa sơn lâm bừng cháy giữa rừng đêm
Ánh mắt nào, bàn tay nào bất tử
Dám tạo ra ngươi với vẻ kinh hoàng?


HOA HUỆ

Hoa hồng e lệ có gai che chở
Còn cặp sừng bảo vệ chú cừu non
Nhưng hoa huệ với sắc đẹp trắng trong
Chỉ tình yêu – huệ không cần gì cả.



BÍ MẬT CỦA TÌNH

Đừng bao giờ về tình
Với người bằng lời nói
Bởi lời theo gió thổi
Lặng lẽ và vô hình.

Tôi nói hết với em
Những lời chất trong ngực
Lạnh run trong nước mắt
Sao tình vội đi nhanh!

Sau đó kẻ du hành
Đi qua đường lặng lẽ
Vô hình và kín kẽ
Sao tình thổn thức lên.


VƯỜN TÌNH

Tôi trở lại khu vườn tình yêu xưa
Nơi đùa chơi trên cỏ hoa ngày bé
Lại nhìn thấy tháp chuông của nhà thờ
Đứng giữa màu xanh ngập tràn hoa cỏ.

Những cánh cửa tháp chuông đóng im lìm
“Không được mở” – chữ đề trên cánh cửa
Tôi quay trở lại với khu vườn tình
Đâu rồi cỏ hoa êm đềm ngày cũ?

Tôi nhìn quanh, bốn phía toàn mồ mả
Bên một nấm mồ cha mặc áo đen
Đọc bản thánh ca, giọng trầm buồn bã
Niềm vui tôi tan vào bụi tầm xuân.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 17:42:20


Robert Burns (25/2/1759 – 21/7/1796) là nhà thơ dân tộc Scotland, tác giả của các tập thơ, trường ca và những bài hát dân gian cải biên viết bằng tiếng Anh phương ngữ Scotland.

Tiểu sử:
Robert Burns sinh ở Alloway, South Ayrshire, Scotland, trong một gia đình nông dân nghèo. Suốt đời phải vật lộn với cảnh nghèo túng. Lên 12 tuổi được bố gửi đến trường học, cậu bé thích đọc nhiều và yêu thích thơ của Milton và Shakespeare. Biết làm thơ từ năm 15 tuổi. Năm 1784 bố mất, Burns và em trai chuyển đến trang trại Mossgiel ở Mauchline, công việc của Burns là làm việc ở trang trại kết hợp với làm thơ. Năm 1785 Burns yêu cô Jean Armour (1767-1834) – con gái của một kiến trúc sư giàu có trong vùng đã có thai với Burns. Burns đã viết tờ cam kết sẽ cưới cô làm vợ nhưng ông bố cô đã xé tờ cam kết và tuyên bố rằng không bao giờ gả con gái – dù là đứa hư hỏng cho một kẻ tay trắng như Burns. Không còn nhìn thấy tương lai ở quê hương và tình yêu cũng bị ngăn cấm Burns quyết định sang châu Mỹ (Jamaica) làm việc cho một thương gia. Nhưng tiền đi đường không có và không vay mượn đâu được, Burns nghĩ ra một cách – mặc dù rất ngờ vực là in thơ bán lấy tiền. Không ngờ, tập thơ Poems, Chiefly in the Scottish Dialect (Thơ, chủ yếu viết bằng phương ngữ Scotland) của Burns in ra bán rất chạy. Trước ngày lên đường sang châu Mỹ Burns nhận được thư mời lên thủ đô Edinburgh tái bản sách và làm việc. Chuyến đi được hoãn lại… Armour sau lần mang thai thứ hai bị ông bố đuổi ra khỏi nhà và cuối cùng hai người cũng lấy được nhau. Vinh quang đã đến với Burns nhưng cuộc đời của ông vẫn vất vả và không yên ổn vì những vụ kiện tụng xuất phát từ những mối liên hệ với nhiều người phụ nữ khác. Burns mất ngày 21-7-1796 ở Dumfries.

Tác phẩm:
*Poems, Chiefly in the Scottish Dialect(Thơ, chủ yếu viết bằng phương ngữ Scotland, 1786) 1786, thơ
*Tam O' Shanter. 1790, truyện thơ
*The Antiquities of Scotland (Scotland cổ, 1789), truyện thơ
*Select Collection of Original Scottish Airs (Tuyển tập những bài hát cổ Scotland, 1793-1805), lời bài hát dân gian
*The Works of Robert Burns. Ed. By Thomas Stewart, 1801-1802
*The Works of Robert Burns. Ed by James Hogg and William Motherwell, 5 vols, 1834-1836.
*The Works of Robert Burns. Ed by Allan Cunningham, 8 vols, 1834.
*The Poems and Songs of Robert Burns. Ed. By James Kinsley, 3 vols, 1968


ÊLIZA

Vĩnh biệt em, Êliza thân thiết
Và với người vĩnh biệt nhé, quê hương!
Bởi số phận hẩm hiu đành vĩnh biệt
Đến muôn đời ta cách bởi đại dương.

Nhưng dù cho ngăn cách ta biển rộng
Chẳng có gì chia cắt nổi con tim
Anh sẽ gửi tình anh theo ngọn sóng
Sẽ gửi hồn anh về với hồn em.

Vĩnh biệt em, Êliza thân thiết
Hai chúng mình chỉ còn gặp trong mơ
Một giọng nói thì thầm cho anh biết
Rằng hai ta không gặp nữa bao giờ.

Nhưng em ạ, phút giây này đau khổ
Tựa hồ như cái chết đã sau lưng
Anh sẽ gửi về em từng hơi thở
Và con tim với nhịp đập cuối cùng!
___________
(1)Bài thơ này (và nhiều bài khác) được viết trong thời kỳ Burns chuẩn bị đi sang Jamaica.




NẾU TA ĐỪNG YÊU

Nụ hôn này rồi theo ta đến chết
Thôi nhé em, đến muôn đời vĩnh biệt
Con tim này giờ nức nở khôn nguôi
Nỗi nhớ em theo anh suốt cuộc đời.

Ai buồn đau vì đời không may mắn
Chứ anh đâu dám trách gì số phận
Nhưng bây giờ trước mặt anh
Tất cả chỉ còn bóng tối vây quanh.

Anh đâu trách nỗi đam mê của mình
Đâu trách đời vì đã trót yêu em
Ai gặp em mà chẳng yêu say đắm
Đã yêu rồi, giờ chia tay sao đặng.

Nếu ta đừng yêu tha thiết, chân tình
Nếu ta đừng yêu mù quáng, cuồng điên
Nếu đừng chia ly, nếu đừng gặp gỡ
Thì tim ta chẳng bao giờ tan vỡ.

Vĩnh biệt em, người yêu dấu nhất
Vĩnh biệt em, người yêu xinh đẹp
Cầu chúc cho em mọi sự tốt lành
Cầu chúc cho em hạnh phúc, bình an.

Nụ hôn này rồi theo ta đến chết
Thôi nhé em, đến muôn đời vĩnh biệt
Con tim này giờ nức nở khôn nguôi
Nỗi nhớ em theo anh suốt cuộc đời.


EM HÃY CÒN BÉ LẮM

Quanh năm sống với mẹ
Em còn bé, thưa Ngài!
Nếu sống với người lạ
Em sợ lắm, thưa Ngài!

Em hãy còn bé lắm
Để làm vợ người ta
Bây giờ em chỉ muốn
Cùng với mẹ ở nhà.

Ngày lễ Thánh qua rồi
Đêm mùa đông dài lắm
Một mình em với người
Chao ôi, em sợ lắm!

Cây khô cành trơ trọi
Gió lạnh thổi đêm đêm
Nếu thương em hãy đợi
Sang hè em lớn thêm.


LÒNG TÔI Ở CAO NGUYÊN

Lòng tôi ở Cao nguyên, không ở nơi này
Lòng tôi ở Cao nguyên theo dấu chân nai
Mơ đuổi hươu rừng nhớ theo vết hoẵng
Lòng tôi ở Cao nguyên, dù tôi xa vắng.

Tạm biệt nhé Cao nguyên, núi rừng phương bắc
Quê hương anh hùng nghĩa tình son sắt
Dù khi đi xa hay ở rất gần
Tôi vẫn nhớ Cao nguyên như nhớ người thương.

Tạm biệt nhé, những đồi cao tuyết trắng
Tạm biệt nhé, thung lũng xanh trải rộng
Tạm biệt nhé, hàng cây rủ bên đèo
Tạm biệt nhé, tiếng nước chảy, suối reo.

Lòng tôi ở Cao nguyên, không ở nơi này
Lòng tôi ở Cao nguyên theo dấu chân nai
Mơ đuổi hươu rừng nhớ theo vết hoẵng
Lòng tôi ở Cao nguyên, dù tôi xa vắng.





VĨNH BIỆT XCỐTLEN

Thôi vĩnh biệt Xcốtlen thân thiết
Xứ sở nghìn năm lịch sử ngoan cường
Tên gọi Xcốtlen giờ đây vĩnh biệt
Tổ quốc muôn đời hùng vĩ, oai phong!

Quê hương của Sark đuổi thù trên cát
Và Tweed đánh giặc giữa biển xanh
Nhưng giờ đây đã trở thành mảnh đất
Bị chia làm tỉnh lẻ của người Anh.

Dùng sức mạnh chẳng hề chinh phục nổi
Quê hương ta hàng bao thế kỷ nay
Nhưng đã bán chúng ta quân phản bội
Vì những đồng tiền dơ bẩn lắm thay!

Sắt thép người Anh chẳng thể nào khuất phục
Những người con đã chiến đấu ngoan cường
Nhưng người Anh đã đem vàng mua chuộc
Đáng rủa nguyền những kẻ bán quê hương!

Tôi chỉ tiếc chẳng dự vào trận đánh
Cùng anh em chiến đấu với quân thù
Vì quê hương được hy sinh anh dũng
Như Bruce, Wallace sáng mãi nghìn thu!

Nhưng mãi mãi cho đến giờ phút cuối
Xin được nói lên dõng dạc, đàng hoàng:
Sẽ nguyền rủa muôn đời quân phản bội
Những kẻ tham vàng bán rẻ quê hương!
-----------------------------
*Năm 1707 Anh và Xcốtlen ký “Hiệp ước liên minh” (The Act of Union), theo đó hai nước thống nhất thành một quốc gia và giải tán quốc hội Xcốtlen. Trong một thời gian dài “Hiệp ước liên minh” vẫn gợi trong lòng người dân Xcốtlen một cảm giác sỉ nhục và bị phản bội.
Quân phản bội, bịp bợm (parcel of rogues) là cụm từ mà dân chúng dùng để gọi các đại biểu quốc hội (Scottish Commissioners). Thời Robert Burns họ gồm có 31 người.



TÌNH NHƯ HOA HỒNG ĐỎ

Người yêu anh như bông hoa hồng đỏ
Bông hoa tươi đang nở giữa mùa hè
Người yêu anh như bài ca trong gió
Giai điệu ngọt ngào, êm ái, say mê.

Nét duyên dáng của người em yêu dấu
Với tình anh chỉ có một trên đời
Tình của anh mãi cùng em yêu dấu
Đến bao giờ biển cạn hết mới thôi.

Biển chẳng cạn bao giờ, em yêu dấu
Như đá kia trơ gan với mặt trời
Tình của anh mãi cùng em yêu dấu
Dù dòng đời cứ thế, chẳng ngừng trôi.

Tạm biệt nhé, người em yêu dấu
Chia tay nhau em nhé đừng buồn
Anh sẽ về với người em yêu dấu
Dù phải đi qua ngàn vạn dặm đường.



NHÀ EM BÊN SUỐI

Tôi hỏi: “em đi đâu,
Đi đâu mà vội thế?”
Em kiêu hãnh lắc đầu:
“Em đi theo lời mẹ!”

“Nhà em đâu-tôi hỏi-
Ơ gần hay ở xa?”
“Nhà em ở bên suối
Em sống với mẹ già”.

Tôi tìm về nơi ấy
Nhưng em giấu mẹ già
Gần sáng cùng tỉnh dậy
Em đã bớt kiêu sa.

Chú gà trống ngủ quên
Chưa cất lên tiếng gáy
Nhưng hình như giường bên
Mẹ già đang thức dậy.

Mẹ nhìn anh giận dữ
Lôi em ra khỏi giường
Rồi lấy chiếc roi dẻ
Đánh em thấy mà thương.

Tạm biệt người em gái!
Người em gái kiêu sa!
Anh mong ngày gặp lại
Nhưng anh sợ mẹ già.



QUÁN TRỌ ĐÊM ĐÔNG

Giữa rừng đêm tối mịt
Ngọn gió rét tháng giêng
Nhà cửa bưng kín mít
Tôi tìm nơi trọ đêm.

May mắn thay trên đường
Tôi gặp người con gái
Nàng tỏ ý sẵn lòng
Mời tôi về nghỉ lại.

Tôi cúi chào lễ phép
Người con gái làm ơn
Rồi tỏ ra lịch thiệp
Nhờ nàng giúp trải giường.

Tấm vải rộng làm chiếu
Nàng trải chiếc giường con
Rót mời tôi chén rượu
Nàng chúc tôi ngủ ngon.

Rồi lấy đi ngọn đèn
Nhìn theo nàng tôi gọi:
“Nàng ơi cảm phiền em
Cho anh nhờ chiếc gối”.

Nàng mang tôi chiếc gối
Đặt nhẹ xuống đầu giường
Nàng dễ thương quá đỗi
Khiến tôi ôm chặt nàng.

Đôi má nàng ửng đỏ
Như thoáng chút thẹn thùng
“Nếu yêu em hãy giữ
Đời con gái nghe anh!”.

Mái tóc xoăn mềm mại
Toả mùi hương ngất ngây
Của mùi hương hoa huệ
Khiến lòng tôi mê say.

Bộ ngực nàng tròn căng
Ngỡ như cơn gió mạnh
Của buổi sớm mùa đông
Dồn tuyết về thành đụn.

Tôi hôn nàng mải miết
Lên mắt biếc môi hồng
Thịt da nàng tinh khiết
Như hương ngọn gió rừng.

Nàng ngoan ngoãn dễ thương
Đôi mắt hiền nhắm lại
Giữa tôi và bức tường
Nàng ngủ say êm ái.

Tỉnh giấc lúc sáng trời
Tôi yêu nàng lần nữa
“Trời, em chết mất thôi!”-
Nàng rưng rưng, nức nở.

Hôn đôi mắt đẫm ướt
Mái tóc đượm mùi hương
Tôi nói: “còn nhiều lượt
Em giúp anh trải giường!”

Nàng ngồi dậy tìm kim
May cho tôi chiếc áo
Trong buổi sáng tháng giêng
Nàng ngồi may chiếc áo.

Thời gian thấm thoắt trôi
Hoa bên rừng đã nở
Nhưng tôi nhớ suốt đời
Đêm mùa đông quán trọ.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 17:48:44


John Keats (31 /10 /1795 – 23 /2 /1821) – nhà thơ Anh, người cùng thời với Shelley, Byron, một đại diện tiêu biểu của trường phái lãng mạn Anh thế kỉ XIX.

Tiểu sử:
John Keats sinh ở Moorgate, London, là con trai cả của Thomas Keats và Frances Jennings Keats. Năm 1804 bố mất, ba tuần sau đó mẹ đi lấy chồng nên các con ở với bà ngoại. Năm 1810 mẹ chết vì bệnh lao phổi, hậu quả của cái chết này là sau đó các con trai của bà cũng chết vì bệnh này.
Từ năm 1803-1811 học ở trường tư, năm 1811 học ngành y ở King's College London. Thời gian này Keats đã rất say mê thơ ca, tốt nghiệp ngành y nhưng Keats không làm bác sĩ mà theo đuổi sự nghiệp thơ ca. Năm 1817 in tập thơ “Poems”, năm sau in tiếp trường ca “Endymion”. Năm 1820 in tập thơ cuối cùng.
Cuộc đời của Keats thật ngắn ngủi nhưng sự nghiệp thơ ca mà ông để lại cho đời là vô giá. Keats nổi tiếng là nhà thơ ca ngợi cái đẹp “Cái đẹp là chân lý, chân lý là cái đẹp, thế thôi, đấy là tất cả những gì ta biết và ta cần biết”. Theo quan niệm của ông, nghệ thuật là phải thể hiện cái đẹp chứ không phải là thứ vũ khí của chính trị, khoa học hay tôn giáo. Nhà thơ không phải là lãnh tụ, không phải là người thầy, nhà thơ không nên tham gia vào đấu tranh xã hội mà nhà thơ – trước hết là người sáng tạo.
Keats mất ở Ý vì bệnh lao phổi. Ông được mai táng tại nghĩa trang Tin lành ở Roma, trên mộ có dòng chữ đề: “tên của người này in trên nước” (whose name was writ in water).

Tác phẩm:
*Endymion
*Hyperion
*St. agnes Eve
*Ode to a Grecian urn
*Ode to a nightingale
*On Melancholy
*То autumn
*Isabella
*The poetical works and other writings of J. Keats, 4 vv., ed. by Forman, 1883
*Poetical works, ed. by Arnold, 1929
*The letters, ed. by Golvin, 1891



LA BELLE DAME SANS MERCI (1)

“Chàng kỵ sĩ có điều chi phiền muộn
Mà đi lang thang buồn bã một mình?
Để cây bên hồ chỉ còn lá rụng
Và chẳng còn nghe tiếng hót của chim.

Chàng kỵ sĩ có điều chi phiền muộn
Có điều chi lo lắng ở trong lòng?
Cho chú sóc một vụ mùa đầy đặn
Đã kết thúc mùa gặt hái trên đồng.

Ta thấy rằng: như hoa huệ trong sương
Vầng trán ngươi ướt đầm đìa lạnh lẽo
Có điều chi đau đớn lắm trong hồn
Đôi má ngươi như hoa hồng đang héo”.

Ta đã gặp trên đồng người con gái
Nàng đẹp xinh tựa như một cô tiên
Mái tóc dài, gót chân nàng tươi rói
Và lẳng lơ, hoang dại ánh mắt nhìn.

Ta kết vòng hoa cho nàng đội lên đầu
Vòng đeo tay toả hương thơm ngào ngạt
Nàng nhìn ta với ánh mắt u sầu
Và ta nghe tiếng thở dài dịu ngọt.

Ta bế nàng lên yên ngựa của mình
Suốt cả ngày với nàng trong yên lặng
Nàng cất lên những bài hát của tiên
Đôi mắt nàng nhìn về nơi xa vắng.

Nàng trao ta cội nguồn hương dịu mát
Và những gì mật ngọt tháng ngày xanh
Rồi thốt lên những lời kỳ quặc:
“Em yêu anh chân thành”.

Nàng đưa ta vào lâu đài tình ái
Rồi nàng khóc nghe nức nở trong hồn
Ta nhìn thấy đôi mắt nàng hoang dại
Ngắm nhìn ta say đắm tựa môi hôn.

Nàng vỗ về, ru ta vào giấc ngủ
Ta đi vào giấc mộng – nhưng than ôi!
Giấc mơ cuối cùng ta không còn nhớ
Rằng chỉ mình ta lạnh lẽo trên đồi.

Ta nằm mơ thấy hoàng tử tình si
Vẻ tái nhợt trong cơn đau gào thét:
“La Belle Dame Sans Merci
Ngươi thấy rồi và ngươi đã chết!”

Ta nhìn thấy những bờ môi khát khao
Đang gào lên những lời nghe khiếp đảm.
Ta tỉnh giấc và thấy trên đồi cao
Một mình ta nằm bên bờ dốc lạnh.

Từ dạo đấy ta đâm ra thờ thẩn
Vẻ xanh xao ta lảng vảng một mình
Cây bên hồ giờ chỉ còn lá rụng
Và chẳng còn nghe tiếng hót của chim.
__________________
(1) Người đẹp không thương xót (tiếng Pháp). Tên của bài thơ này lặp lại tên một trường ca của nhà thơ Pháp. A. Chartier (1385 – 1433). Không chỉ ở trong thơ của Chartier, mà mô-típ “Người tình đau khổ”(L’amant martyr) còn hay gặp trong thơ của Francois Villon.




STANZAS

I

Em vẫn nói rằng yêu nhưng câu trả lời
Trong giọng nói của em sao hờ hững
Nghe có vẻ giống như lời cầu nguyện
Trong tiếng ngân vang của những hồi chuông.
Hãy yêu anh thật lòng!

II

Em vẫn nói rằng yêu nhưng nụ cười em
Lạnh lẽo như ánh bình minh tháng chín
Có vẻ như thần Tình yêu sai khiến
Em nén lòng trong tuần lễ chay chăng.
Hãy yêu anh thật lòng!

III

Em vẫn nói rằng yêu nhưng đôi môi em
Không hạnh phúc, ánh bừng lên sắc đỏ
Giữa biển lớn, ngọc giấu mình trong đó
Không bao giờ chịu để một ai hôn.
Hãy yêu anh thật lòng!

IV

Em vẫn nói rằng yêu nhưng bàn tay em
Không siết chặt tay anh, không thiện cảm
Em như bức tượng, không hề sống động
Trước tình yêu cháy bỏng của anh.
Hãy yêu anh thật lòng!

V

Bằng những lời đẹp đẽ từ trái tim
Bằng nụ cười cháy bừng như ngọn lửa
Bằng nụ hôn, hãy dìm anh trong đó
Trong lửa tình hừng hực trái tim em.
Hãy yêu anh thật lòng!


SONNET

Ngày ra đi, tất cả mang theo mình
Giọng nói ngọt ngào, bờ môi, ánh mắt
Ngực ấm áp và những lời đùa cợt
Bàn tay êm và tiếng thổn thức lòng.

Tất cả nhạt phai, hoa cũng héo tàn
Trong đôi mắt đã tàn phai nhan sắc
Từ bàn tay đã không còn vẻ đẹp
Cả nhiệt tình, trinh trắng cũng héo hon.

Tất cả tiêu tan, khi bóng tối nhá nhem
Đem thay ngày lễ bằng đêm thần thánh
Bức màn hương của tình yêu buông xuống
Dành cho đam mê chỉ có bóng đêm.

Cuốn kinh tình yêu tôi đọc ban ngày
Tôi nguyện cầu giấc ngủ hãy đến đây!

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 17:56:04


Thomas Moore (28 /5 /1779 – 25 /2 /1852) – nhà thơ, nhạc sĩ, nhà kinh tế Ireland.

Tiểu sử:
Thomas Moore sinh ở Dublin, Ireland trong một gia đình buôn bán nhỏ theo đạo Tin lành. Tốt nghiệp trường Trinity College năm 1798 ở Dublin. Năm 1799 Moore sang London. Năm 1800 in bản dịch thơ Anacreon, tập thơ “Poems by the late Thomas Little (Thơ của Thomas Little đã quá cố) và trở thành một người nổi tiếng. Năm 1803 Moore sang làm việc ở đảo Bermuda, từ đó ông đi sang Canada và Mỹ. Sau đó ông trở về Anh và năm 1807 in Irish Melodies (Những giai điệu Ireland). Năm 1815 ông in tác phẩm lớn nhất của mình Lalla Rookh – là tác phẩm được coi là sánh ngang hàng với những trường ca về phương Đông của Lord Byron, cũng là một người bạn thân thiết của Moore. Lalla Rookh được dịch sang tiếng Ba Tư và được người Ba Tư gọi là “một thiên sử thi vĩ đại”.

Trong những tác phẩm bằng văn xuôi của ông, đáng kể nhất là The Letters and Journals of Lord Byron (Thư từ và nhật ký của Lord Byron, 1830). Moore thể hiện những quan điểm kinh tế của mình trong tập thơ Cash, Corn and Catholics (Tiền, gạo và những tín đồ công giáo, 1828), được coi là một trong 100 nhà kinh tế vĩ đại. Ông mất ở Wiltshire, Anh. Thơ của Thomas Moore được dịch ra nhiều thứ tiếng, thời gian gần đây được dịch nhiều sang tiếng Việt.

Tác phẩm:
- Poems by the late Thomas Little (Thơ của Thomas Little đã quá cố, 1800)
- Irish Melodies (Những giai điệu Ireland, 1807), thơ
- Lalla Rookh,1815, trường ca sử thi
- The Letters and Journals of Lord Byron (Thư từ và nhật ký của Lord Byron, 1830).
- Cash, Corn and Catholics (Tiền, gạo và những tín đồ công giáo, 1828), thơ
- History of Ireland (Lịch sử Ireland, 1827), văn xuôi.



NHỚ MẸ HIỀN TỔ QUỐC

Đến một ngày con tim chưa ngừng đập
Tôi không thể quên mẹ hiền tổ quốc
Trong ngày đau thương, tăm tối, bão giông
Tổ quốc thân yêu, Người đẹp vô cùng!

Nếu mai này Người hùng mạnh, tự do
Biển dâng ngọc và mặt đất dâng hoa
Tôi ngẩng cao đầu với niềm hạnh phúc
Nhưng chẳng yêu Người hơn lúc này được.

Không, máu tổ quốc đang chảy dưới gông cùm
Mẹ càng yêu hơn, mẹ của chúng con
Những trái tim như bầy chim lìa tổ
Uống tình yêu từ nỗi đau của mẹ.


NẾU EM LÀ NGƯỜI TÌNH

Nếu em là người tình thì muôn báu vật
Của biển, đất, trời xin đặt dưới chân em
Và tất cả những gì tươi đẹp nhất:
Những giai điệu ngọt ngào, những hy vọng dịu êm
Đều của ta – nếu em là người tình!

Đường ta về muôn loài hoa sẽ nở
Suối sẽ reo vang khúc nhạc thần tiên
Cõi tình yêu những vì sao rực rỡ
Mặt đất này như một giấc mơ xinh
Trong mắt ta – nếu em là người tình!

Bao ý nghĩ trong mạch nguồn ẩn khuất
Như dòng sông bắt ngọn tự trời xanh
Trong tim ta sẽ giữ miền hạnh phúc
Được tắm bằng dòng suối nước long lanh
Mãi trong xanh – nếu em là người tình!

Những điều này được tạo bởi Yêu Thương
Cho tất cả những ai hằng mơ ước
Và ông Trời sẽ dựng chốn thiên đường
Trên mặt đất, nơi có niềm hạnh phúc
Cùng đắp xây – nếu em là người tình!





TÌNH ĐÃ CHẾT TRONG TA
(Dân ca Sicily)

Thôi vĩnh biệt! Cho dù em vẫn đẹp
Nhưng tình yêu không trở lại bao giờ
Hồn hoang vu, lòng chân thành đã khép
Có nghĩa là tình đã chết trong ta.

Dù lời em ngọt ngào như đường mật
Đâu dễ gì quyến rũ được lòng anh
Nhưng đôi mắt vẫn nhìn anh chân thật
Biết làm sao không tin được cho đành!

Nhưng mà thôi, bây giờ, xin vĩnh biệt!
Em dù xinh nhưng chẳng của ngày xưa
Hồn hoang vu lòng chân thành đã khép
Tình ngọt ngào, tình đã chết trong ta.

Đôi mắt em như ngôi sao không đổi
Giữa trời xanh vẫn nhấp nháy gọi mời
Đôi má hồng kia dường như vẫn đợi
Chuyển màu hồng thành trắng, bạc như vôi.

Chỉ con tim em bây giờ phụ bạc
Cứ nói những lời gian dối không thôi
Tình vẫn sống ở một nơi nào khác
Nhưng trong tim, than ôi, đã chết rồi!

Nên em ạ, bây giờ, xin vĩnh biệt!
Em dù xinh nhưng chẳng của ngày xưa
Hồn hoang vu, lòng chân thành đã khép
Tình ngọt ngào giờ đã chết trong ta.




HÃY NGỦ ĐI EM
(Dân ca Sicily)

Thôi hãy ngủ đi em và hãy mơ
Về niềm vui không còn nữa bao giờ.
Trên môi ta muôn đời còn vị đắng
Hạnh phúc mong manh, tình không bền vững.
Thôi hãy ngủ đi em!

ánh trăng thanh lại tỏa sáng diệu kỳ
Trên đường về lấp lánh buổi chia ly
Nhưng ánh trăng của ngày ta gặp gỡ
Trong mắt em giờ đây không về nữa.
Thôi hãy ngủ đi em!


TÌNH ĐÃ BAY XA

Nỗi đau em, than ôi, giờ nhắc mãi
Sự thật kia đừng che dưới sương mờ
Con tim giá băng, thề nguyền xưa đã đổi
Tình đã xa – tình giờ đã bay xa.

Đôi mắt anh vẫn nhìn em chân thật
Nhưng nụ cười đã khác nụ cười xưa
Vòng tay anh dù ôm vào siết chặt
Nhưng đã khác rồi – tình đã bay xa.

Em như người ngủ say trong giấc mộng
Điều dối gian em chẳng muốn nhìn ra
Nhưng than ôi! Bây giờ em thất vọng
Tất cả rõ ràng – tình đã bay xa.

Hỡi những kẻ đã về nơi chín suối
Những yêu thương, hờn dỗi của ngày qua
Hãy quay về đây dỗ dành, an ủi
Và trả cho em tình đã bay xa.





CHỈ TÌNH YÊU

Nếu em muốn đôi mắt say vẻ đẹp
Thì đầu tiên hãy chinh phục con tim
Đẹp không yêu, đẹp cũng bằng vô ích
Chỉ tình yêu cho nét đẹp thần tiên.

Em bây giờ như bông hoa kiêu hãnh
Nhưng sẽ ra sao nếu thiếu ánh mặt trời?
Thiếu nữ không yêu như hoa hồng thiếu nắng
Chỉ tình yêu cho ánh sáng mà thôi.

Nhìn trong gương vẻ đẹp giờ rực rỡ
Nhưng thời gian tàn phá chẳng hề thương
Vẻ đẹp kia chỉ mãi còn gìn giữ
Trong mắt tình chứ đâu phải trong gương.




YÊU SAO BUỔI HOÀNG HÔN

Đáng yêu sao vẻ đẹp buổi hoàng hôn
Trên biển lặng ánh mặt trời dần tắt
Khi giấc mơ xưa trỗi dậy trong hồn
Và nỗi nhớ em thì thào, khoan nhặt.

Tôi lặng buồn nhìn theo từng đợt sóng
Dội về tây chẳng vướng chút ưu phiền
Và thầm nghĩ giá mà con đường sáng
Sẽ đưa tôi về tận cuối trời Quên.



ĐIỀU KỲ DIỆU

Ai cho tôi biết được có nơi nao
Người con gái yêu mà không gian dối
Để tôi bắt cả thiên hạ cúi chào
Và xin được quì xuống bằng đầu gối.

Tôi biết tìm đâu nơi ở của nàng
Ngôi nhà thần tiên có niềm hạnh phúc
Tôi sẽ tháng dài, ngày rộng lang thang
Tìm cho được, dù chỉ là ánh mắt.

Ơ nơi đâu người con gái khi yêu
Mà trong lòng không nói điều gian dối
Để cho tôi được từ sáng đến chiều
Ngắm đôi mắt của nàng không mệt mỏi.

Và tôi sẽ kêu ầm khắp thiên hạ
Tôi tin vào điều kỳ diệu từ nay
Bởi tạo ra người tuyệt vời như thế
Đến ông Trời cũng đành chịu bó tay!


TA GẶP GỠ CHÂN TÌNH
(Dân ca Hungari)

Ta gặp gỡ ân cần rồi chia ly tình cảm
Chẳng biết điều gì trong đó ngọt ngào hơn
ánh mắt ngày gặp nhau vui như tia nắng
Nước mắt buổi chia ly lấp lánh nỗi buồn.

Ta gặp gỡ chân tình, chia tay nhau cũng thế
Vui và buồn đều chẳng chịu nhường nhau
Thần tình yêu hai con mắt như thể
Nước mắt, nụ cười hòa quyện vào nhau.

ánh bình minh của ngày đầu gặp gỡ
Đã tắt vào trong bóng tối xa bay
Đêm chia ly lại cháy bừng ngọn lửa
Chợt sáng lên như tia nắng ban ngày.

Ngày gặp gỡ hạnh phúc chẳng kéo dài
Bởi hạnh phúc lâu ngày không chịu ở
Nhưng chia ly để hy vọng ngày mai
Ta lại vui niềm vui ngày gặp gỡ.


TIẾNG CHUÔNG CHIỀU

Còn nhớ chăng em yêu
Ngày chia tay trên bến
Cùng nghe tiếng chuông chiều
Ngắm hoàng hôn trên biển?

Tiếng vang trên sóng nước
Chạy ra tít mù khơi
Rồi dường như bất chợt
Tan ra giữa đất trời.

Giờ sau ngày làm việc
Lòng lại nhớ em yêu
Lại nhìn con sóng biếc
Lặng nghe tiếng chuông chiều.

Tiếng vang trên sóng nước
Nức nở quyện vào nhau
Anh khóc và muốn được
Chết theo tiếng chuông chiều.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 18:13:06


Percy Bysshe Shelley (4/8/1792 – 8/7/1822) – nhà thơ Anh, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XIX.

Tiểu sử:
Percy Bysshe Shelley xuất thân trong một gia đình quí tộc lâu đời. Năm 12 tuổi vào học trường College đã được bạn bè gọi là “Shelley điên rồ” vì say mê đọc Lucretius và tuyên bố rằng không hề có Chúa Trời. Thời gian này Shelley còn say mê đọc các tác phẩm triết học của Voltaire, Francis Bacon. Năm 1810 vào học Đại học Oxford, in những bài thơ về chính trị và tiểu luận triết học The Necessity of Atheism (Cần chủ nghĩa vô thần), chứng minh rằng không thể có sự hòa nhập giữa tôn giáo và trí tuệ nên bị đuổi học. Từ đây bắt đầu một thời kỳ xa lánh gia đình và đi phiêu lãng. Một thời gian Shelley nghiên cứu kinh tế chính trị và các tác phẩm của William Godwin. Vì lòng thương hại, Shelley cưới Harriet Westbrook, con gái của một chủ quán làm vợ và hai người đi sang Edinburgh làm lễ cưới. Cuộc hôn nhân này không mang lại cho Shelley hạnh phúc mà chỉ làm cho gia đình càng xa lánh Shelley nhiều hơn.

Năm 1812 Shelley đi sang Ireland để tham gia phong trào giải phóng dân tộc, đòi độc lập cho Ireland, Nhà thơ đứng về phía những người giải phóng, viết tác phẩm Queen Mab (Hoàng hậu Mab, 1813) mà Lord Byron gọi là tác phẩm hay nhất của Shelley. Sử dụng những hình tượng của Shakespeare, Shelley vẽ một bức tranh tưởng tượng trong mơ của một cô gái lạc vào lâu đài của hoàng hậu Mab, được hoàng hậu kể cho nghe những bất công ở trần gian và phần cuối là một tương lai tươi sáng, nơi con người sống tự do, không còn bị áp bức.

Năm 1814 Shelley cưới vợ lần thứ hai. Người này là Mary Wollstonecraft Godwin, thường gọi là Mary Shelley, con gái của William Godwin. Năm 1818 gia đình chuyển sang sống ở Ý, xứ sở mà các nhà thơ lãng mạn vẫn coi là ngọn nguồn của cảm hứng thi ca. Chính thời kỳ này Shelley viết được nhiều tác phẩm có giá trị nhất, như: The Cenci; Ode to the West Wind; The Masque of Anarchy; Julian and Maddalo; Prometheus Unbound; Hellas…
Cuối năm 1822, gia đình Shelley cùng gia đình một người bạn sống ở biệt thự Casa Nova bên bờ biển. Mặc dù không biết bơi và không hiểu gì về môn thể thao đua thuyền nhưng Shelley vẫn sắm cho mình chiếc thuyền buồm có tên “Ariel”. Trong một lần đến gặp Byron ở Pisa, trên đường trở về “Ariel” bị chìm do gặp bão. Mấy ngày sau người ta tìm thấy xác của Shelley, đem hỏa táng gửi về nghĩa trang Tin lành ở Roma. Con tim của Shelley được Mary Shelley mang theo mình cho đến hết đời.

Sáng tạo của Shelley, không được người đương thời đánh giá đúng mức, có ảnh hưởng lớn đến thơ ca Anh và Thế giới. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng lãng mạn của Shelley là đề tài của nhiều huyền thoại và truyền thuyết nổi tiếng.
 


Tác phẩm:
(1810) Zastrozzi and St Irvyne
(1811) The Necessity of Atheism
(1813) Queen Mab
(1815) Alastor, or The Spirit of Solitude
(1816) Mont Blanc
(1817) Hymn to Intellectual Beauty
(1817) The Revolt of Islam
(1818) Ozymandias
(1818) Plato, The Banquet (or Symposium) dịch “Bữa tiệc” của Plato sang tiếng Anh
(1819) The Cenci
(1819) Ode to the West Wind
(1819) The Masque of Anarchy
(1819) Men of England
(1819) England in 1819
(1819) The Witch of Atlas
(1819) A Philosophical View of Reform
(1819) Julian and Maddalo
(1820) Prometheus Unbound
(1820) To a Skylark
(1821) Adonais
(1821) Hellas
(1821) A Defence of Poetry (in lần đầu năm 1840)
(1822) The Triumph of Life (viết dở, in sau khi chết)




Khúc ca gửi ngọn gió Tây (trích)

1

Ơi ngọn gió Tây hoang dã mùa thu
Gió cuốn tung mịt mù bao chiếc lá
Như những con ma đang bỏ bùa mê.

Gió say sưa với sắc vàng, đen, đỏ
Gió tung bay với sặc sỡ muôn màu
Gió như đất cày mùa đông đen đúa.

Ngươi gieo hạt giống vương vãi khắp nơi
Giữa mùa xuân tiếng thổi kèn ầm ĩ
Vang lên như gọi người chết trong mồ.

Đất mơ màng nằm nghe cơn gió hát
Gọi mùa xuân như tiếng sáo mục đồng
Mầm cây mới trên cánh đồng đã mọc.

Hồn hoang vu mang gió đến khắp nơi
Người gìn giữ, người phá hủy, nghe đây!




VỀ TÌNH YÊU (TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC)

Tình yêu là gì? Hãy hỏi người đang sống: đời là gì. Hãy hỏi người đang cầu nguyện: Thượng Đế là ai.
Tôi không biết được điều gì ở trong những người khác, thậm chí ở bạn, người mà tôi đang nói cùng. Theo dáng vẻ bề ngoài, tôi thấy rằng những người này giống với tôi nhưng khi tôi quyết định tìm ra một cái gì đấy chung với tất cả mọi người và mở cõi lòng mình với họ thì hóa ra tôi đang nói bằng một ngôn ngữ mà họ không hiểu được, giống như mình bị lạc vào một xứ sở hoang vu và xa lạ. Tôi càng có thêm kinh nghiệm thì càng cảm thấy khoảng cách và càng thấy xa hơn những gì xưa đồng điệu. Đem phân chia tâm hồn ra phần rạo rực, xốn xang và phần nhu nhược, yếu hèn, bằng vẻ dịu dàng tôi đi tìm sự nhận thức nhưng chỉ gặp sự chống trả quyết liệt và chịu nếm mùi cay đắng.
Và bạn sẽ hỏi, tình yêu là gì? Đó là sự ham mê khủng khiếp đối với tất cả những gì ta hình dung ra, những gì ta sợ, những gì ta hy vọng ở bên ngoài bản thân ta, khi ta nhận ra trong mình có một khoảng trống không được thỏa mãn và ta khát khao thức dậy ở mọi người một cái điều gì chung mà ta đang chịu đựng. Nếu ta bàn luận – thì ta mong được trở thành người làm chứng; nếu ta tưởng tượng – thì ta mong sự hình dung của mình cũng sẽ nảy ra trong đầu óc người khác; nếu ta cảm xúc – thì ta muốn tâm hồn người khác sẽ rung nhịp cùng với tâm hồn này, để cho đôi mắt của ai sẽ cháy lên khi bắt gặp, và sẽ rót ánh sáng của mình vào ánh sáng này, để cho bờ môi cháy bừng bằng máu nóng của con tim ai mà không gặp phải bờ môi giá băng và bất động. Tình yêu là thế đấy. Đó là mối liên hệ và là điều bí ẩn kết gắn một con người không chỉ với một con người mà với tất cả những gì sống động. Ta đi qua cuộc đời, và từ khoảnh khắc đầu tiên có điều gì đấy ở trong ta mãnh liệt khát khao một điều gì tương tự. Điều này, có lẽ, cũng giống như con trẻ hướng về vú mẹ, ta càng lớn lên thì niềm khát khao này cũng lớn lên. Trong cái “tôi” của tâm hồn, ta mang máng nhìn ra cái bản sao tí hon của ta nhưng ta coi thường và đoán xét nó, cái hình mẫu lý tưởng mà ta có thể hình dung ra trong bản chất của con người. Không chỉ diện mạo bề ngoài mà tất cả những bộ phận cấu thành nên con người ta, tấm gương phản chiếu chỉ những hình ảnh sáng sủa và thanh khiết; hồn trong hồn ta vẽ ra thiên đàng của mình bằng một vòng ma thuật mà không cái ác hay sự buồn rầu, đau khổ nào có thể đi qua. Ta thường so sánh thiên đàng này với tất cả tình cảm của mình và ước mong tìm ra một cái gì tương tự. Đi tìm cái tương đồng của mình; đi tìm một đầu óc thông minh, biết đánh giá; tìm một sự hình dung có khả năng hiểu rõ những cung bậc tinh tế, khó nắm bắt của tình cảm mà ta nâng niu, trìu mến; một thể xác cùng biết rung một nhịp như bộ dây của hai cây đàn hòa theo giọng ca tuyệt vời của người ca sĩ; tìm ra tất cả trong một sự tương đồng, đó là điều mà tâm hồn ta khao khát – đấy là cái mục đích không nhìn ra và không thể đạt đến, là cái mà tình yêu khát khao hướng đến. Để đạt được mục đích này, tâm hồn buộc ta nắm bắt dù chỉ là cái bóng nhỏ nhoi của cái người, mà nếu thiếu, thì con tim không hề yên nghỉ. Bởi thế, khi ở trong tình trạng cô đơn hoặc trong cái hoang vắng giữa những người không hiểu ta, ta yêu cỏ, yêu hoa, yêu bầu trời, yêu dòng nước chảy. Trong cái run rẩy của chiếc lá mùa xuân, trong bầu không khí màu xanh ta tìm ra sự hoà nhịp thầm kín với con tim mình. Trong ngọn gió không lời có tài hùng biện, trong tiếng rì rào giữa những cây lau có khúc nhạc du dương êm ái và có một mối liên hệ không nhìn thấy của chúng với một cái gì đó ở trong ta, làm nảy sinh ra trong hồn ta một điều gì mừng rỡ, bao trùm lấy hơi thở; khơi ra dòng lệ thật đằm thắm, dịu dàng, giống như lòng tự hào về đất nước, quê hương hay giọng nói của người yêu dấu chỉ nói cho một mình ta. Sterne nói rằng, giá mà ông một mình giữa bãi hoang thì có lẽ ông đã yêu một cây thông nào đấy. Khi lòng khát khao này, khả năng này chết đi thì con người sẽ trở thành một quan tài sống: chỉ còn lại cái vỏ mà trước đây đã từng có.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 18:20:35



John Donne (19/7/1572 – 31/3/1631) – nhà thơ Anh theo trường phái siêu hình, tác giả của thơ sonnet, thơ tình, bi ca và những lời thuyết giáo nổi tiếng, là một trong những nhà thơ lớn của Anh thế kỉ 17.

Tiểu sử:
John Donne sinh ở Bread Street, London trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Bố là một thương gia, mất khi John Donne mới lên 4 tuổi, mẹ là con gái của nhà thơ, nhà viết kịch Heywood. Trong số những người đời trước có nhà nhân văn Thomas Moore, tác giả của “Utopia” nổi tiếng. Năm 20 tuổi John Donne vào học ở Hart Hall (ngày nay là trường Hertford College, Oxford), sau đó học Đại học Oxford và Đại học Cambridge nhưng cả hai nơi đều không được nhận bằng do việc những người tốt nghiệp những Đại học này phải theo Anh giáo, trong khi John Donne là tín đồ của Thiên Chúa giáo. Sau khi nghỉ học John Donne đi du lịch sang Ý và Tây Ban Nha. Năm 1891 vào học Lincoln’s Inn trong 3 năm. Những năm 1596-1597 theo ngài bá tước Essex tham gia vào trận đánh Cadiz ở Tây Ban Nha, sau đó làm thư ký cho ngài Thomas Egerton. John Donne yêu cô Anne More, cháu của ngài Thomas Egerton và bí mật làm đám cưới, khi ngài Egerton biết chuyện đã đuổi việc và bắt John Donne vào tù. Sau khi mãn hạn tù John Donne cùng Anne More về thăm quê ngoại và viết tác phẩm Ignatius his Conclave mong cải thiện điều kiện khó khăn về tài chính. Hai lần (năm 1601 và năm 1614) John Donne được bầu vào Quốc hội Anh, trở thành ông nghị giàu có và rất đông con.
Năm 1617 Anne More mất, kể từ đây sáng tác của John Donne đượm vẻ u ám và thần bí hơn trước. John Donne mất năm 1631, trước khi chết ông còn đọc lời thuyết giáo để dùng trong lễ tang và sai người nhà vẽ chân dung đặt vào áo quan. Sau khi mất, gần 200 năm John Donne bị người đời quên lãng, chỉ đến đầu thế kỉ XX nhà thơ William Butler Yeats mới tìm thấy bậc tiền bối của mình. Thế kỉ XX John Donne là nhà thơ cổ điển thời thượng bậc nhất ở nước Anh.

Câu thuyết giáo nổi tiếng: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phẩn của tổng thể; nếu biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên ít hơn, cũng như nếu biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cho tôi trở thành ít lại vì tôi là một phần của nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy”. Những lời này của John Donne được nhà văn Ernest Hemingway dùng làm đề từ của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chuông nguyện hồn ai”.

Tác phẩm:
Thơ:
*He had done most of his poems in 1633
*Poems on Several Occasions (1719)
*Love Poems (1905)
*John Donne: Divine Poems, Sermons, Devotions and Prayers (1990)
*The Complete English Poems (1991)
*John Donne’s Poetry (1991)
*John Donne: The Major Works (2000)
*The Complete Poetry and Selected Prose of John Donne (2001)

Văn xuôi:
*Six Sermons (1634)
*Fifty Sermons (1649)
*Paradoxes, Problemes, Essayes, Characters (1652)
*Essayes in Divinity (1651)
*Sermons Never Before Published (1661)
*John Donne’s 1622 Gunpowder Plot Sermon (1996)
*Devotions Upon Emergent Occasions and Death’s Duel (1999)



BUỔI SÁNG

Trước khi mình yêu, có phải em và anh
Có phải chưa bao giờ chúng mình xa nhau cả?
Và có phải mình đã từng đùa vui trên hoa cỏ?
Có phải hai đứa đã từng ngủ ở trong hang?
Nhưng tất cả những điều này quả đến lạ lùng.
Hễ mắt anh nhìn thấy vẻ đẹp nào như thế
Là lại khát khao, lại mơ ước về em.

Và giờ đây mỗi buổi sáng hai chúng mình
Đã không còn nhìn thấy nhau, trong nỗi sợ
Tình làm cho cả thế gian trở thành xa lạ
Căn phòng nhỏ này trở thành rộng mênh mông.
Thì cứ mặc cho những nhà thám hiểm sẽ đi tìm
Và cứ để cho họ sẽ mở ra những bến bờ xa lạ
Nhưng chỉ một thế giới này của anh và em.

Gương mặt anh trong mắt em và em trong anh
Hai con tim chân thành cùng chung nhịp đập
Còn ở đâu tìm ra hai nửa bán cầu
Mà đã lặng phía Tây, đã yên phía Bắc
Sẽ mất đi những thứ vô tình trộn lẫn vào nhau
Nhưng nếu như hai tình yêu hòa chung làm một
Thì nghĩa là chúng mình còn mãi đến nghìn sau.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 18:25:48


Dame Edith Louisa Sitwell (7/9/1887 – 9/12/1964) là nữ nhà văn, nhà thơ Anh.

Tiểu sử:
Edith Sitwell sinh ở Scarborough, Yorkshire trong một gia đình gốc gác quí tộc. Là con gái của George Sitwell và Ida Emily Augusta Denison. Edith Sitwell có hai em trai Osbert (1892-1969) và Sacheverell Sitwell (1897-1988) cũng đều là những nhà văn, nhà thơ nhưng trong 3 chị em cùng một trường phái, Edith Sitwell là người nổi tiếng hơn cả. Edith Sitwell chỉ học ở nhà, biết làm thơ, viết văn từ rất sớm. Năm 1915 in tập thơ đầu tiên The Mother, năm 1916 in Twentieth-Century Harlequinade cùng với em trai Osbert.

Edith Sitwell bắt đầu viết phê bình trên tạp chí thơ Wheels, là tạp chí mà bà làm biên tập viên từ năm 1916 đến năm 1921. Năm 1930 in cuốn sách về nhà thơ Alexaner Pope, năm 1934 in Aspest of Modern Poetry (Về thơ hiện đại), năm 1943 in A Poet’s Notebook (Sổ ghi chép của nhà thơ). Thơ của Edith Sitwell có những hình tượng phức tạp, nhịp điệu kích động. Thế giới quan của bà gần gũi với những nhà văn, nhà thơ “thế hệ mất mát”. Những năm 1950 – 1960 Edith Sitwell là phó chủ tịch Hội văn học Hoàng gia, bà được tặng nhiều huân chương của Anh, nhiều giải thưởng văn học và là tiến sĩ danh dự của Đại học Oxford, Đại học Cambridge và một số trường Đại học khác. Bà mất năm 1964.

Tác phẩm:
*Clowns' Houses (1918)
*Rustic Elegies (1927)
*Gold Coast Customs (1929)
*The Song of the Cold (1948)
*Façade, and Other Poems 1920-1935 (1950)
*Gardeners and Astronomers (1953)
*Collected Poems (1957)
*The Outcasts (1962).
*Alexander Pope (1930)
*The English Eccentrics (1933)
*I Live under a Black Sun (1937)
*Fanfare for Elizabeth (1946) (biography of Elizabeth I)
*The Queens and the Hive (1962) (biography of Elizabeth I)





MƯA RƠI

Mưa rơi
Tối như cõi người đời, đen như những gì đã mất
Mù như năm 1940
Trên cây thập ác.

Mưa rơi
Tiếng động như nhịp con tim, như búa đang gõ đập
Trên ruộng của Thợ gốm(1), tiếng bước chân của những kẻ lỗi lầm
Trên quan tài:
Tiếng mưa gõ nhịp
Trên đất của Huyết, nơi hy vọng nuôi trí tuệ người trần
Giun vẫn khát khao vầng trán của Cain.

Mưa rơi
Dưới chân Người, trên cây thập ác
Nơi Chúa bị đóng đinh. Suốt đêm mỏi mệt
Xin độ lượng với Người Giàu và cả La-xa-rơ(2)
Mưa rơi trên vải mịn và trên ghẻ khắp người.

Mưa rơi
Huyết của Người bị đóng đinh rơi xuống
Những đau khổ của thế gian trong tim người trú ẩn
Tia lửa trong phút lâm chung
Trong tim kẻ quyên sinh và nỗi buồn của bóng đêm câm nín
Vết thương của con gấu mù(3)
Bị người đánh roi đuổi ra…
Và nước mắt đầm đìa của thỏ(4).

Mưa rơi
Tôi giơ tay đến Chúa(5)
Huyết của Giê-su chảy xuống giữa đời
Huyết từ trán chảy trên cây(6)
Giờ hấp hối con tim người khát nước
Ngọn lửa bùng lên, đớn đau bàn chân bước
Mũ gai trên đầu như vòng nguyệt quế của Caesar(7).
Một giọng nói vang lên – của người sống trên trần
Thuở ấu thơ sinh ra trong máng cỏ, trong chuồng(8)
“Ta yêu con người, Huyết của ta - ánh sáng trinh nguyên – cho con người rót xuống”.
___________
(1)Ruộng của Thợ gốm – theo Kinh Phúc âm: sau khi Giê-su bị bắt, Giu-đa – kẻ phản bội, cảm thấy hối hận bèn đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ nhưng họ lượm bạc và nói rằng: “Không có phép để bạc này trong kho thánh, vì là giá của huyết”. Rồi họ bàn với nhau dùng bạc mua ruộng của người làm gốm để chôn những khách lạ. Ruộng ấy đến nay còn gọi là “ruộng huyết” (Ma-thi-ơ 27:3-8).
(2)Người Giàu và La-xa-rơ (Dives and Lazarus) – theo Luca người nghèo Lazarus được lên thiên đàng còn người giàu Dives phải về địa ngục (Luca 16: 19-31).
(3)Vết thương của con gấu mù – Sitwell muốn nói về một trò thời trung cổ: xua bầy chó vào con gấu bị xích.
(4)Nước mắt của thỏ – theo truyền thuyết, ngay cả những con thú cũng khóc khi Giê-su chết.
(5)Tôi giơ tay đến Chúa – câu trích từ bi kịch “Doctor Faustus” của Christopher Marlowe (1564 – 1593).
(6)Huyết từ trán chảy trên cây – tức cây để đóng đinh Chúa Giê-su trên đó.
(7)So sánh cái mũ gai Chúa Giêu-su đội trên đầu trước khi bị đóng đinh với vòng nguyệt quế của Caesar,
(8)Theo Kinh Phúc âm: Chúa Giê-su khi sinh ra được đặt nằm trong máng cỏ vì nhà chật chội (Luca 2:7).

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 18:30:57


Robert von Ranke Graves (24/7/1895 – 7 /12/1985) là nhà ngôn ngữ học, nhà văn, nhà thơ Anh, tác giả của 140 đầu sách.

Tiểu sử:
Robert Graves sinh ở Winbledon, London trong gia đình một nhà thơ gốc Ireland, mẹ là người gốc Đức. Robert Graves học ở King's College School và Charterhouse School, sau đó học Đại học Oxford. Những năm Thế chiến I ông tình nguyện ra mặt trận. Từ năm 1921 ông thường xuyên sống ở đảo Majorca. Robert Graves từng là giảng viên của các trường Đại học Cambridge và Đại học Oxford. Số lượng tác phẩm của Robert Graves rất đồ sộ, gồm văn xuôi, thơ, phê bình, các tập sách chuyên khảo… Ông là một nhà thơ viết nhiều thơ tình và thành công trong thể loại này. Riêng thơ đã có tới hơn 30 tập. Ngoài sáng tác, ông còn dịch nhiều nhà thơ Hy Lạp cổ ra tiếng Anh. Robert Graves được tặng rất nhiều giải thưởng, đáng kể nhất là Huy chương vàng Hoàng gia năm 1968. Ông mất năm 1985.

Tác phẩm:
Thơ:
*Over the Brazier. London: The Poetry Bookshop, 1916; *Goliath and David. London: Chiswick Press, 1917.
*Fairies and Fusiliers. London: William Heinemann,1917;
*Treasure Box. London: Chiswick Press, 1920.
*Country Sentiment. London: Martin Secker, 1920;
*The Pier-Glass. London: Martin Secker, 1921;
*Whipperginny. London: William Heinemann, 1923;
*The Feather Bed. Richmond, Surrey: Hogarth Press, 1923.
*Mock Beggar Hall. London: Hogarth Press, 1924.
*Welchmans Hose. London: The Fleuron, 1925.
*Poems. London: Ernest Benn, 1925.
*The Marmosites Miscellany (as John Doyle). London: Hogarth Press, 1925.
*Poems (1914-1926). London: William Heinemann, 1927;
*Poems (1914-1927). London: William Heinemann, 1927
*Poems 1929. London: Seizin Press, 1929.
*Ten Poems More. Paris: Hours Press, 1930.
*Poems 1926-1930. London: William Heinemann, 1931.
*To Whom Else? Deyá, Mallorca: Seizin Press, 1931.
*Poems 1930-1933. London: Arthur Barker, 1933.
*Collected Poems. London: Cassell, 1938;
*No More Ghosts: Selected Poems. London: Faber & Faber, 1940.
*Work in Hand, with Norman Cameron and Alan Hodge. London: Hogarth Press, 1942.
*Poems. London: Eyre & Spottiswoode, 1943.
*Poems 1938-1945. London: Cassell, 1945;
*Collected Poems (1914-1947). London: Cassell, 1948.
*Poems and Satires. London: Cassell, 1951.
*Poems 1953. London: Cassell, 1953.
*Collected Poems 1955. New York: Doubleday, 1955.
*Poems Selected by Himself. Harmondsworth: Penguin, 1957;
*The Poems of Robert Graves. New York: Doubleday, 1958.
*Collected Poems 1959. London: Cassell, 1959.
*The Penny Fiddle: Poems for Children. London: Cassell, 1960;
*More Poems 1961. London: Cassell, 1961.
*Collected Poems. New York: Doubleday, 1961.
*New Poems 1962. London: Cassell, 1962; as New Poems.
*The More Deserving Cases: Eighteen Old Poems for Reconsideration.
Văn xuôi:
*My Head! My Head!. London: Sucker, 1925; Alfred. A. Knopf, New York, 1925.
*The Shout. London: Mathews & Marrot, 1929.
*No Decency Left (with Laura Riding) (as Barbara Rich). London: Jonathan Cape, 1932.
*The Real David Copperfield. London: Arthur Barker, 1933;
*Antigua, Penny, Puce. Deyá, Mallorca/London: Seizin Press/Constable, 1936;
*The Story of Marie Powell: Wife to Mr. Milton. London: Cassell, 1943;
*The Golden Fleece. London: Cassell, 1944; as Hercules, My Shipmate, New York: Creative Age Press, 1945.
*The Islands of Unwisdom. New York: Doubleday, 1949; as The Isles of Unwisdom. London: Cassell, 1950.
*Homer's Daughter. London: Cassell, 1955; New York: Doubleday, 1955.
*Catacrok! Mostly Stories, Mostly Funny. London: Cassell, 1956.
*They Hanged My Saintly Billy. London: Cassell, 1957;
*Collected Short Stories. Doubleday: New York, 1964; Cassell, London, 1965.
*An Ancient Castle. London: Peter Owen, 1980.
Các thể loại khác:
*On English Poetry. New York: Alfred. A. Knopf, 1922; London: Heinemann, 1922.
*The Meaning of Dreams. London: Cecil Palmer, 1924; New York: Greenberg, 1925.
*Poetic Unreason and Other Studies. London: Cecil Palmer, 1925.
*Contemporary Techniques of Poetry: A Political Analogy. London: Hogarth Press, 1925.
*Another Future of Poetry. London: Hogarth Press, 1926.
*Impenetrability or The Proper Habit of English. London: Hogarth Press, 1927.
*A Survey of Modernist Poetry (with Laura Riding). London: William Heinemann, 1927;
*Lawrence and the Arabs. London: Jonathan Cape, 1927;
*A Pamphlet Against Anthologies (with Laura Riding). London: Jonathan Cape, 1928; *The Long Weekend (with Alan Hodge). London: Faber & Faber, 1940;
*The Reader Over Your Shoulder (with Alan Hodge). London: Jonathan Cape, 1943;
*Occupation: Writer. New York: Creative Age Press, 1950; London: Cassell, 1951.
*The Nazarene Gospel Restored (with Joshua Podro). London: Cassell, 1953;
*Adam's Rib. London: Trianon Press, 1955; New York: Yoseloff, 1958.
*Jesus in Rome (with Joshua Podro). London: Cassell, 1957.
*5 Pens in Hand. New York: Doubleday, 1958.
*Food for Centaurs. New York: Doubleday, 1960.
*Greek Gods and Heroes. New York: Doubleday, 1960;
*Selected Poetry and Prose (ed. James Reeves). London: Hutchinson, 1961.
*Oxford Addresses on Poetry. London: Cassell, 1962; New York: Doubleday, 1962.
*The Siege and Fall of Troy. London: Cassell, 1962; New York: Doubleday, 1963.
*The Big Green Book. New York: Crowell Collier, 1962;
*Hebrew Myths. The Book of Genesis (with Raphael Patai).
*Majorca Observed. London: Cassell, 1965; New York: Doubleday, 1965.
*Mammon and the Black Goddess. London: Cassell, 1965
*Two Wise Children. New York: Harlin Quist, 1966; London: Harlin Quist, 1967.
*Poetic Craft and Principle. London: Cassell, 1967.
*The Poor Boy Who Followed His Star. London: Cassell, 1968;
*Greek Myths and Legends. London: Cassell, 1968.
*The Crane Bag. London: Cassell, 1969.
*On Poetry: Collected Talks and Essays. New York: Doubleday, 1969.
*Difficult Questions, Easy Answers. London: Cassell, 1972;


  TRÒ CHƠI KẾT THÚC

Đã kết thúc trò chơi, và muôn thuở
Ta, mọi người vẫn thú nhận đôi khi
Hoặc nhìn vào bầu trời xanh xưa cũ
Một màu xanh như áo của Mary.

Ta ngỡ rằng đời vẫn cứ nhởn nhơ
Và thơ thẩn giữa đất trời mùa hạ
Ánh sáng chói chang, màu xanh hoa cỏ
Và lòng tin hạ cố từ trời kia.

Cứ ngỡ: gương và tiếng vọng nghìn thu
Hoà nhập với tầm nhìn và tiếng động
Tiệng gọi lòng tin không còn can đảm
Vang lên như lời than vãn: “Tôi mù!”

Sao người đời than khóc thật vu vơ
Chẳng khác gì khóc không còn răng sữa
Có những kẻ khóc nức nở và quì
Đầu gối, kêu vẻ sầu bi của Chúa.

Ta đã thôi không gian lận, dối lừa
Đã không còn nghĩ suy như ngày cũ
Trong rừng rậm hổ báo và sư tử
Vẫn rập rình chờ nhảy xổ vào ta.

Và đam mê không dối gian mời mọc
Vào điệu nhảy xưa vô tội những ai
Từ cái chạm luống cuống của bàn tay
Đến cái ôm choàng ngất ngây lồng ngực.

Nhưng tình yêu vẫn sống – như vết khắc
Dưới lưỡi rìu của đao phủ tang thương
Và xác thân bất động ở trong gương
Những kỷ niệm xưa vẫn nhìn thấy hết.


VƯƠNG QUỐC BÍ ẨN

Ở mỗi một người phụ nữ hoàng gia
Có vương quốc bí ẩn, còn hiện thực
Hơn cõi trần màu xám ở quanh ta.

Giờ nửa đêm, khi ngôi nhà lặng lẽ
Nàng bỏ sách, thôi cuốn chỉ xe tơ
Rồi đi vào vương quốc bí ẩn nọ.

Nàng chau mày rồi kéo chắn song
Giữa những cây bạch dương cao lớn
Và nàng đưa ra đòi hỏi của mình.

Chạy, hoặc bay, hoặc ngồi trên ngựa phóng
(Ngựa, tất nhiên, là tự đến với nàng)
Và đi về nơi mà nàng muốn đến.

Nàng làm cho hoa cỏ phải lớn lên
Gọi hoa huệ nở hoa từ những nụ
Đưa thức ăn cho cá tự tay mình.

Trồng những đồi cây, xây những ngôi làng
Thung lũng vui nhờ những dòng suối mát
Nước lạnh đổ vào hồ đất bao quanh.

Tôi chưa bao giờ dám đi hỏi nàng
Như quyền lực mà nàng thơ có được
Hay về địa lý, về suối về sông.

Tôi không lẻn vào giữa rừng bạch dương
Và không gác chân ngôi lên trên cổng
Rồi ngó nhìn vào màn sương mơ màng.

Có phải vì thế mà nàng hứa hẹn
Khi tôi qua đời nàng tặng cho tôi
Một túp lều ở gần bên cung điện
Của riêng nàng, luôn có những hoa tươi
Nơi mà sau này chúng tôi sẽ đến.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 18.12.2007 18:41:04

James Joyce (1882-1941)


BÀI THƠ THỨ MƯỜI BA*

Chàng du hành theo mặt trời mùa đông
Xua đàn bò bước trên con đường lạnh
Bằng giọng nói ồm ồm, quen với chúng
Dẫn đàn bò trên đỉnh Cabra.

Giọng nói quen gợi ấm áp ngôi nhà
Đàn bò chạy thung thăng và kêu rống
Trên sừng bò làn khói màu mận chín
Chàng quất đàn bò bằng một cành hoa.

Ơi chàng chăn thú, ơi kẻ quê mùa
Đêm nay chàng nằm xoài bên lửa ấm
Còn ta chảy máu bên dòng nước thẫm
Vì đã tan tành hết một cành hoa.
__________
Tilly – lối văn nói Ireland là thêm vào. Theo R. Ellmann, người chú thích tác phẩm của Joyce, thì tên bài thơ xuất phát từ việc tác giả thêm bài thơ này vào tập thơ trước đó chỉ có 12 bài (Xem: R. Ellmann. James Joyce. New and Revised Edition, N. Y. , Oxford Univ. Press, 1982, p.132).



LÁ TRĂNG

O bella bionda,
Sei come l’onda! *


Ánh trăng lộng lẫy huy hoàng
Trùm lên bóng đêm tê tái
Nơi trong khu vườn cô gái
Đang ngồi nhặt lá dưới trăng.

Trên tóc nàng giọt sương lấp lánh
Và trăng hôn lên trán dịu dàng
Nàng vừa nhặt lá, vừa hát rằng:
Em đẹp xinh, tuyệt vời như ngọn sóng!

Hãy bịt lấy đôi tai này, xin cầu Chúa
Để cho yên lặng ở trong tim
Để cho không còn thánh thót vang lên
Tiếng hát dưới trăng của người nhặt lá.
____________
*Ơi người đẹp có mái tóc vàng
Em tựa hồ như ngọn sóng! (tiếng Italia)



TRÍCH TỪ TẬP THƠ “NHẠC THÍNH PHÒNG”
From “Chamber Music”

II

Hoàng hôn từ thạch anh tím
Có màu xanh và sâu hơn
Còn ánh sáng của ngọn đèn
Đổ xuống cây trên đường phố lớn.

Tiếng đàn dương cầm xưa cũ vang lên
Giai điệu vui tươi, chầm chậm
Trên những phím đàn màu vàng
Mái đầu em cúi xuống.

Ý nghĩ của em trong ánh mắt cháy lên
Còn đôi tay trên phím đàn thơ thẩn
Hoàng hôn đi vào bóng tối màu xanh
Ánh sáng của thạch anh màu tím.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 19.12.2007 11:33:10


Francis Willam Bourdillon (1825-1921)

NHƯ KHÓI BAY LÊN

Đêm nhìn bằng hàng nghìn con mắt
Còn ngày chỉ có một mắt nhìn
Nhưng không có mặt trời – trên mặt đất
Bóng tối trải dài như khói bay lên.

Lý trí nhìn bằng hàng nghìn con mắt
Còn trái tim chỉ có một mắt nhìn
Nhưng không có tình yêu – cuộc đời sẽ tắt
Và ngày trôi như ngọn khói bay lên.
1874.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 19.12.2007 11:42:35


John Lennon (1940-1980) & Paul Maccartney (1942-)

TÌNH CHO ANH KHÔNG MUA ĐƯỢC

Tình yêu không bán, không mua
Tình cho anh không mua được.
Anh sẽ mua cho em nhẫn kim cương
Nếu như lòng em mong ước
Em muốn gì anh sẽ tặng em
Nếu như lòng em mong ước
Nhưng mà anh coi khinh tiền bạc, em biết không
Tình cho anh không mua được.
Anh sẵn sàng trao cho em hết
Nếu như em nói yêu anh
Và tất cả những gì anh có được
Anh trao em – chân thành
Nhưng mà anh coi khinh tiền bạc, em biết không
Tình cho anh không ai mua được
Tình yêu không tiền nào mua được
Không mua được – không, không, không!
Em hãy nói: không cần nhẫn kim cương
Và anh sẽ vô cùng hạnh phúc
Em hãy nói rằng em chỉ cần
Một thứ mà bằng tiền không mua được
Anh coi khinh tiền bạc, em biết không
Tình cho anh không ai mua được.
Tình yêu không tiền nào mua được
Không mua được – không, không, không!
Tình yêu không bán, không mua
Tình cho anh không mua được.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 19.12.2007 11:47:25

Alfred Edward Housman (1859 – 1936)


NGÀY XƯA ANH YÊU EM

Ngày xưa anh yêu em
Thanh sạch và can đảm
Thiên hạ ngạc nhiên rằng:
Hắn ta hành động đúng!

Giờ năm tháng qua nhanh
Chẳng chút gì còn lại
Và người ta lại nói:
Hắn tìm ra chính mình!


NGÀY TÔI HĂM MỐT TUỔI

Ngày tôi hăm mốt tuổi
Tôi nghe lời người khuyên:
“Con hãy tiêu bạc tiền
Nhưng con tim giữ lại
Châu ngọc con hãy dùng
Nhưng tâm hồn giữ lại”.
Nhưng ngày hăm mốt tuổi
Lời khuyên tôi không dùng.

Ngày tôi hăm mốt tuổi
Tôi lại nghe người khuyên:
“Rằng con tim vô tội
Rằng chớ nên hão huyền
Và thổn thức quá đỗi
Kẻo hối hận triền miên”.
Tôi lên hăm hai tuổi
Mới hiểu đúng lời khuyên.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 19.12.2007 11:52:17

Edwin Muir (1887 – 1959)

XÓT THƯƠNG TÌNH

Đau đớn quá, biết không người yêu dấu
Ta cúi đầu bất lực trước thời gian
Vòng quay mặt trời vẫn thế muôn năm
Đời ngắn ngủi theo vòng xoay con tạo.

Có vẻ ân huệ này anh tự nguyện
Trao cho thời gian trống rỗng mịt mù
Mùa hè của ta thay bởi mùa thu
Câu trả lời, nơi nào anh đi kiếm?

Chuyện con tim chỉ là dối gian thôi
“Tình yêu kia theo thời gian vẫn trẻ”
Quả đúng vậy. Nhưng ta già đi chứ
Chỉ muôn năm chân lý một điều này:

“Sự vĩnh cửu với thời gian bất chấp
Trao cho tất cả tuổi xuân đã mất”.




 
© Nguyễn Viết Thắng giới thiệu, dịch, chú giải
"Các nhà thơ Anh"

printed with kind permission

 

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 15.03.2008 08:58:41


Joseph Rudyard Kipling (30-12/1865 - 18-01/1936) - nhà văn, nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907.

Rudyard Kipling sinh ngày tại Bombay (Ấn Độ); bố ông là giáo sư hiệu trưởng trường Nghệ thuật Bombay, một chuyên gia lớn về lịch sử nghệ thuật Ấn Độ; mẹ xuất thân từ gia đình danh giá nổi tiếng ở London, 6 tuổi được gửi sang Anh sống với một gia đình theo đạo Tin Lành. Trong thời gian ở Anh, R. Kipling đã học tại các trường United Service College, Westward Ho, Bideford. Năm 1882 ông trở về Ấn Độ, viết một số truyện ngắn và làm trợ lý Tổng biên tập cho tờ báo Dân thường và lính (Civil and Military Gazette) ở Lahor. Chàng thanh niên đã khiến xã hội sở tại kinh ngạc bởi những ý kiến sắc sảo trước các vấn đề xã hội và kiến thức về đất nước Ấn Độ. Những chuyến đi hàng năm tới thành phố Shimla trong vùng Hymalaya là nguồn gốc dẫn đến sự ra đời nhiều tác phẩm của nhà văn. Năm 1886 R. Kipling in tập thơ đầu tiên Những bài ca ở bộ với số lượng hạn chế, nhưng sách bán hết ngay nên phải in lại. Năm 1887 ông chuyển sang làm việc cho báo Người tiên phong (Pioneer) ở Allahabad. Truyện ngắn của ông in ở Ấn Độ được tập hợp thành 6 tập sách trong Tủ sách Đường sắt Ấn Độ khá nổi tiếng.

Năm 1889 ông du lịch khắp thế giới, viết du ký cho báo. Tháng 10 năm này ông đến London và gần như lập tức trở nên nổi tiếng. Ông bắt đầu chuyển sang phong cách thơ mới của Anh. Năm 1892 ông sang Mỹ và kết hôn với em gái chủ xuất bản người Mỹ U. Balestier, người viết chung cùng R. Kipling cuốn tiểu thuyết Naulahka (1892) nhưng không thành công lắm. Trong 4 năm sống ở Mỹ, R. Kipling đã viết những tác phẩm hay nhất của mình, như Sách rừng (1894) và Sách rừng thứ hai (1895). Năm 1896 họ trở về Anh. Theo lời khuyên của bác sĩ, mùa đông nhà văn sang Nam Phi. Trong chiến tranh Anh - Nam Phi (thường gọi là Chiến tranh Boer, 1899-1902) ông làm phóng viên mặt trận.

Trên đỉnh cao vinh quang và tiền bạc, R. Kipling tránh công chúng, bỏ qua những phê bình thù nghịch, từ chối nhiều danh hiệu. Năm 1901 ông xuất bản tiểu thuyết Kim - như một lời chào giã từ gửi đến đất nước Ấn Độ. Năm 1902 ông lui về sống tại một làng quê hẻo lánh ở tỉnh Sussex (Anh) cho đến cuối đời.

Năm 1907 R. Kipling được trao giải Nobel khi đã có trong tay 20 tập sách (trong đó có 4 tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, nhiều tập kí, bài báo...). Ông đến Stockholm nhưng không đọc diễn văn nhận giải. R. Kipling còn được nhận bằng danh dự và phần thưởng của nhiều trường đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge, Edinburg, Paris, Athens, Toronto... Đến nửa đời, phong cách của nhà văn có sự thay đổi. Ông bắt đầu viết từ tốn, chín chắn và cẩn thận kiểm tra lại những gì đã viết. Trong Thế chiến I, con trai ông hy sinh, ông cùng vợ làm việc ở tổ chức Hồng Thập tự. Sau chiến tranh ông đi du lịch nhiều, làm quen và kết bạn với nhà vua Anh George V.
Năm 1926, R. Kipling nhận Huy chương Vàng Văn học Hoàng gia Anh quốc. Cho đến cuối đời R. Kipling vẫn tiếp tục sáng tác thơ và truyện ngắn, tuy cường độ sáng tác đã giảm sút. R. Kipling mất vì chảy máu đại tràng vào ngày 18 tháng 1 năm 1936 tại London. Hai ngày sau, bạn của ông - vua George V - cũng băng hà. Tác phẩm tự truyện Vài điều về bản thân được xuất bản sau khi ông qua đời.




Tác phẩm:
- Departmental Ditties (Những bài ca ở bộ, 1886), thơ
- Plain Tales from the Hills (Truyện kể núi đồi, 1887)
- Soldiers Three (Ba người lính, 1888), tập truyện ngắn
- The Ballad of East and West (Bài thơ Đông - Tây, 1889), thơ
-The Light that Failed (Ánh sáng đã tắt, 1890), tiểu thuyết
- The Naulahka - A story of West and East (1892), tiểu thuyết
- Barrack-Room Ballads (Những khúc ballad về trại lính, 1892), thơ
- Many Inventions (Vô số điều bịa đặt, 1893), tập truyện ngắn
- The Jungle Book (Sách Rừng xanh, 1894), tập truyện
- The Second Jungle Book (Sách rừng thứ hai, 1895), tập truyện
- The Seven Seas (Bảy biển, 1896), thơ
- Captains Courageous (Những người đi biển quả cảm, 1897)
- The Day's Work (Công việc của ngày, 1898), tập truyện ngắn
- The White Man's Burden (Gánh nặng người da trắng, 1899), thơ
- Kim (1901), tiểu thuyết
- The Five Nations (Năm dân tộc, 1903), thơ
- Traffics and Discoveries (Những lối đường và các khám phá, 1904), tập truyện ngắn
- Puck of Pook's Hill (Quả bóng từ đồi Pook, 1906), tập truyện ngắn
- Actions and Reactions (Hành động và phản ứng, 1909), tập truyện ngắn
- Rewards and Fairies (Phần thưởng và các nàng tiên, 1910), tập truyện ngắn
- If (Nếu, 1910), thơ
- Debits and Credits (Chi và thu, 1926), tập truyện ngắn
- Limits and Renewals (Những giới hạn và gia hạn, 1932), tập truyện ngắn.

Một số bài thơ đã dịch sang Tiếng Việt:




BÀI THƠ ĐÔNG – TÂY

Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng trên đường biên mặt đối mặt không thôi.

Kamal cùng với hai mươi người chạy ra vùng đường biên nổi loạn
Trộm con ngựa cái của ngài đại tá - con ngựa của ngài là niềm kiêu hãnh.
Kamal bắt con ngựa từ trong chuồng giữa buổi hoàng hôn
Quay những móng sắt dưới chân, nhảy lên ngựa phóng ra đường.
Khi đó con trai ngài đại tá kêu lên – chàng là đội trưởng(1):
"Chẳng lẽ mọi người không có ai biết ở đâu tên kẻ trộm?"
Thì Mohammed Khan, con trai của Ressaldar(2) nói rằng:
"Nếu có ai biết con đường trong sương thì biết nơi hắn dừng chân.
Hắn phóng về Abazai(3) buổi hoàng hôn rồi về Bonair đó
Phải đi qua Fort Bukloh, đường khác không hề có.
Và nếu ông đi qua Fort Bukloh thì ngựa phóng còn nhanh hơn cả chim bay
Chúa phù hộ cho ông thì đuổi kịp nó ở khe núi Jagai.
Nhưng nếu như nó đã đi qua khe núi Jagai thì hãy quay về ngay lập tức
Ở đó nguy hiểm vô cùng, người của Kamal đông nghịt.
Bên phải là vách đá, bên trái cũng là vách đá và những bụi gai
Nghe sột soạt tiếng vũ khí nhưng chẳng nhìn thấy người".
Thế là vội vàng lấy con ngựa ô của mình – con trai ngài đại tá
Như cái miệng của chuông, địa ngục trong tim và cái đầu như giá treo cổ.
Con trai ngài đại tá phóng về Fort và người ta gọi chàng dừng chân
Nhưng ai đuổi theo kẻ trộm, người ấy nghỉ không cần.
Chàng phóng về Fort Bukloh, như chim bay, ngựa lướt
Một khi chưa thấy con ngựa của cha ở hẻm núi Jagai lòng chưa yên được
Một khi chưa thấy con ngựa của cha và Kamal cưỡi trên lưng
Và khi nhìn thấy tròng mắt của nó chàng rút súng, bật khoá nòng
Chàng bắn một phát, bắn hai phát, và đạn réo lên trong bụi
"Bắn như lính xem nào, ta xem mày đi ra sao” – Kamal nói.
Từ hẻm núi Jagai một bầy quỉ bụi bay ra
Con ngựa ô bay như hươu nhưng ngựa cái như con sa-moa
Con ngựa ô cắn vào cái hàm thiếc và ngựa ô thở dốc
Nhưng ngựa cái lướt nhẹ nhàng như cô gái khoe đôi tất
Bên phải là vách đá, bên trái cũng lại là vách đá và những bụi gai
Ba lần rút súng lên khoá nòng nhưng chẳng nhìn thấy ai người
Mảnh trăng non bị xua khỏi bầu trời và bình minh đánh vào móng guốc
Ngựa ô như con bò bị thương, còn ngựa cái như con đama nhẹ nhàng bay lướt
Ngựa ô vấp vào đống đá bên đường và rơi tõm xuống sông
Kamal dừng ngựa của mình, quay lại kéo người cưỡi ngựa lên
Và lấy khẩu súng từ tay chàng trai - đây không phải là lúc tranh đấu
"Tao quá tốt với mày – Kamal kêu lên – mày đuổi theo tao chậm quá.
Ở đây hai mươi dặm không tìm ra vách đá và chẳng có bụi cây nào
Nhưng nếu quì gối đầu hàng thì người của ta chẳng giết mày đâu.
Nếu tay ta nâng dây cương lên rồi đột nhiên ta hạ
Thì bầy chó rừng sẽ tiệc tùng đêm nay rất vui vẻ
Và nếu ta cúi đầu trên ngực rồi ta lại ngẩng cao đầu
Thì bầy diều hâu sẽ ăn no, không nhấc nổi cánh bay đi đâu”
Con trai ngài đại tá trả lời nhẹ nhàng: "Sẽ làm mồi cho chim và thú
Nhưng ngươi hãy tính xem, cái giá cho bữa tiệc kia ngươi phải trả
Nếu cả một nghìn tay kiếm sẽ đến đây để lấy xương ta về
Thì không chừng kẻ ăn trộm ngựa sẽ phải trả nhiều hơn kia.
Ngựa của họ sẽ giẫm nát mùa màng, họ sẽ thu hết thóc
Họ đốt hết những mái nhà tranh, sẽ giết cho không còn gia súc
Hãy nghĩ xem, với ngươi chẳng đáng gì, nhưng anh em sẽ không còn lại gì đâu
Chó và chim cũng một loài – cứ gọi chó với diều hâu
Nhưng nếu cái giá quá cao, anh em, mùa màng, gia súc
Thì trả lại con ngựa cái cho ta, đường quay lại ta tìm được”.
Kamal nắm bàn tay chàng trai và bốn mắt nhìn vào
"Đừng nói gì về chó, khi chó sói và chó sói gặp nhau
Dù đồ ăn thú vật cho ta, nếu ta làm cho mày điều ác
Ta không ngăn, nếu mày thích đùa cợt cùng cái chết".
Con trai ngài đại tá trả lời: “Ta giữ danh dự của ta
Tặng con ngựa cái cho mày để đi cùng với ngựa ô".
Con ngựa cái chạy đến bên người chủ, chúi mũi vào trong ngực
"Ta là hai thằng đàn ông lực lưỡng- Kamal nói – mà nó yêu người trẻ nhất
Thì cứ để nó mang đi món quà tên trộm – dây cương có ngọc lam
Đôi bàn xỏ chân bằng bạc và cả chắn ngựa, yên cương".
Con trai ngài đại tá rút súng và trao cho Kamal khẩu súng:
"Ông lấy một của kẻ thù – còn cái này là trao cho ông người bạn".
Kamal nói chân thành: "Máu trả bằng máu, quà sẽ trả bằng quà
Bố anh phái con trai đuổi theo ta, bây giờ ta gửi con trai của mình về với ông ta".
Nói rồi Kamal huýt gió gọi con trai của mình từ vách núi đá
Và cậu con trai chạy như con nai rừng, có mặt ngay tại chỗ
"Bây giờ, đây là người chủ của con – anh ta là lính Hoàng gia
Con sẽ là tấm lá chắn chở che, là cánh tay trái của anh ta
Cho đến một ngày cha còn hoặc là cái chết kia chưa đến
Thì cuộc đời của con hãy gắn bó với người đội trưởng
Và con sẽ ăn cơm của Nữ Hoàng,(4) kẻ thù của Người là kẻ thù của con.
Và sẽ dẹp ổ loạn của cha để giữ gìn yên ổn đường biên
Và con sẽ là người lính trung thành, vinh quang con có được
Có thể người ta thăng chức tước cho con, còn cho cha roi vọt".
Họ cùng nhìn vào mắt nhau và cảm thấy run run
Rồi họ mang muối với bánh mì để cùng hẹn ước, thề nguyền
Họ thề với nhau kết nghĩa anh em rồi cùng khắc lên trên vạt đất
Họ khắc trên cán gươm tên Chúa Trời của những điều kì diệu nhất.
Rồi con trai ngài đại tá cưỡi ngựa cái, con trai Kamal cưỡi ngựa ô
Cùng phóng về nơi trước đây đến chỉ một người – Fort Bukloh.
Và khi đến gần trại lính thì họ gặp một rừng lửa gươm sáng chói
Ai cũng muốn con dao của mình nhuốm đầy máu người dân miền núi.
"Dừng lại – con trai ngài đại tá kêu lên – dừng lại, bỏ vũ khí xuống ngay!
Đêm qua ta đuổi theo thằng kẻ trộm đường biên và ta dẫn về một chiến hữu đêm này!"

Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng trên đường biên mặt đối mặt không thôi.
__________________

(1) Đây là bài thơ rất nổi tiếng của Kipling. In lần đầu ở tạp chí MacMillan’s Magazine, tháng 12-1889, sau đó in trong tập thơ Barrack – Room Ballads, 1892. Câu chuyện trong bài thơ dựa trên thực tế ở vùng biên giới tây-bắc Ấn Độ thuộc Anh (khi đó còn bao gồm cả Pakistan và Băng-la-đét). Ấn Độ là một trong những nền văn văn minh đầu tiên của loài người. Ở đây có một sự va chạm và tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Đây cũng là một vấn đề lớn của thế giới hiện đại. Cho đến bây giờ chưa có ai có thể nói chính xác rằng Đông – Tây đã hội nhập đến mức nào, đã gặp gỡ đến đâu nhưng hễ có vấn đề gì là người ta lại thích trích dẫn Kipling: "Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ…" Cũng cần nói một điều rằng Kipling chưa bao giờ có ý hạ thấp hay phủ nhận những giá trị của văn hóa phương Đông. Ông cố gắng tìm hiểu những qui luật bên trong của văn hóa phương Đông và tìm cách giải mã nó. Tiểu thuyết hay nhất của Kipling: Kim, 1901 là một tác phẩm về điều này. Nhân vật chính do dự giữa những giá trị văn hóa Đông – Tây và cuối cùng đã chọn phương Tây nhưng vẫn canh cánh bên lòng một nỗi buồn nhớ phương Đông. Bài thơ Đông – Tây cũng là một minh chứng cho điều đó.

(2)Guides: đội kị binh tuần tiễu của người Anh ở biên giới Ấn Độ - Afghanistan xưa (ngày nay là Pakistan và Afghanistan).
(3)Ressaldar: sĩ quan chỉ huy trong những đơn vị tuần tiễu là người bản xứ.
(4)The Abazai… Bonair… Fort Bukloh… Tongue of Jagai – những địa danh ở vùng biên giới Ấn Độ – Afghanistan.
(5)White Queen: Nữ hoàng Anh Victoria.



cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 26.05.2008 09:46:22

 
BỤI
 
Một - hai - một - hai – ta đi khắp châu Phi
Ngày - đêm - ngày - đêm – khắp châu Phi đường dài
Bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Chiến trường không miễn thứ cho ai!

Bảy - sáu - năm - mười một – hai chín dặm hôm nay
Bốn - mười một - mười bảy – ba hai dặm ngày mai
Bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Chiến trường không miễn thứ cho ai!

Không- không- không- không – phía trước nhìn thấy ai
Bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Người - người - người - người – vì bụi điên, mất trí
Chiến trường không miễn thứ cho ai!

Xem- xem- xem- xem – nghĩ điều khác cho rồi
Ô - lạy - Chúa - tôi – như cuồng điên mất trí
Bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Chiến trường không miễn thứ cho ai!

Đếm - đếm - đếm - đếm – đếm đạn trong dây cài
Nếu - mắt - buồn - ngủ – người trong hàng thức nhé
Bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Chiến trường không miễn thứ cho ai!

Ta - không - sợ - gì -- đói, khát, đường dài
Nhưng - không - không - không – chỉ một điều tồi tệ
Bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Và chiến trường không miễn thứ cho ai!

Không - đến - nỗi - nào – với đồng đội ban ngày
Nhưng - khổ - nỗi - đêm – trên bước đường thiên lý
Bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Chiến trường không miễn thứ cho ai!

Tôi - đi - qua - địa ngục – sáu tuần và xin thề
Ở - đó - không - có – lò thiêu, bóng đêm và quỉ
Nhưng bụi - bụi - bụi - bụi – từ bước chân chiến sĩ
Và chiến trường không miễn thứ cho ai!
 
_______________
 
There's no discharge in the war! (Chiến trường không miễn thứ cho ai) – Câu kết ở mỗi khổ thơ trích từ quyển Ecclesiastes của Kinh Cựu ước: "There is no man that hath power over the spirit to retain the spirit; neither hath he power in the day of death; and there is no discharge in the war..." (Chẳng có ai cai trị được sinh khí để cầm sinh khí lại; lại chẳng có ai có quyền về ngày chết; trong khi tranh chiến chẳng có sự miễn thứ... Ecclesiastes 8:8). Câu này trong Kinh Thánh đã đi vào những khúc quân hành và Kipling nhắc lại theo nghĩa đen trần trụi: "Chiến trường không miễn thứ cho ai".
 
 
BÀI CA GỬI NGÀI MITHRAS
 

 
Mithras, thần buổi sớm và chúng tôi thổi kèn
Rôma cao hơn mọi quốc gia còn Ngài trên tất cả!
Chúng tôi lại lên đường khi đã điểm danh xong
Mithras cũng là lính, hãy cho chúng tôi sức khỏe!

Mithras, thần buổi trưa, cây cỏ bơi trong cái nóng
Mũ sắt đội trên đầu, xăng-đan rát bàn chân
Trong giờ giải lao - những đôi mắt mơ màng
Mithras cũng là lính, hãy giữ chúng tôi theo lời thề nguyện!

Mithras – vị thần của buổi chiều tà xế bóng
Ngài bất tử đi xuống từ trời rồi lại đi lên
Giờ phiên gác đã xong, bên chén rượu u buồn
Mithras cũng là lính, hãy giữ chúng tôi trong lành đến sáng!

Mithras, thần nửa đêm, ở đây con bò đã chết
Những đứa con của ngài trong bóng đêm. Những vật hy sinh
Ngài tạo ra nhiều con đường. Tất cả dẫn về ánh sáng quang vinh
Mithras cũng là lính, hãy dạy cho chúng tôi biết chết!
_______________
Mithras (Mithra) – thần mặt trời, thần của sự hoà thuận trong kinh Avesta. Mithra bảo vệ những quốc gia trung thành với hiệp ước và trừng phạt những ai vi phạm. Sự sùng bái Mithra rất phổ biến ở Đế chế La Mã những thế kỷ đầu sau CN, đặc biệt là trong quân đội.
 

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 31.10.2008 07:55:44





NẾU


Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả
Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con
Nếu con vẫn vững tin khi mọi người nghi kỵ
Mặc ai đó không tin nhưng con vẫn vững lòng
Nếu con biết đợi chờ và kiên nhẫn chờ trông
Không lấy điều dối gian đáp lại điều gian dối
Hoặc bị căm ghét mà không căm ghét lại
Không nói những lời khôn, không ra vẻ thánh thần.

Nếu con mơ ước mà không để ước mơ làm chủ đời con
Nếu con có thể suy tư mà không lấy nó làm mục đích
Nếu cả Thành công, Thất bại trên đường đời con gặp
Mà vẫn như nhau - đối xử một tấm lòng
Nếu con biết nghe sự thật những lời của con
Bị kẻ bất lương làm bẫy lừa kẻ dại
Hoặc nhìn đời con đổ vỡ, đành làm lại
Và con cúi xuống dựng nên với công cụ đã mòn.

Nếu con dám đem những đồng vốn của mình
Đổ hết vào một trận ăn thua úp ngửa
Đành làm lại từ đầu vì đã mất tất cả
Mất mát của mình không một chút thở than
Nếu con ép được con tim, thớ thịt đường gân
Phục vụ cho mình để giành mục đích
Và cố níu giữ, dù chẳng còn sức lực
Nhưng ý chí vẫn đòi: "Hãy giữ vững lòng tin!".

Nếu con giữ tư cách khi nói chuyện với mọi người
Hay khi ngồi với Vua – thường dân không gián đoạn
Nếu không để thiệt cho mình – dù với thù hay bạn
Không còn để ai nợ nần hay còn nợ gì ai
Nếu mỗi phút giây con có được trong đời
Không để phí hoài mà luôn luôn đặt trên đường chạy
Thì thế giới này sẽ là của con, cùng tất cả những gì trong đấy
Và – quan trọng hơn – con trai, con là một Con Người!
______________
*Bài thơ này in lần đầu ở tạp chí The American Magazine, tháng 10- 1910, sau đó in trong truyện ngắn Brother Square – Toes của tập truyện Rewards and Fairies, 1910.

Cuối thế kỷ XX, nghĩa là chỉ mới đây, Đài BBC đã đề nghị thính giả chọn những bài thơ hay nhất của các nhà thơ Anh. Có hàng nghìn người tham gia và kết quả là bài thơ này được chọn nhiều nhất, mở đầu cho tập "Những bài thơ hay nhất của nước Anh". Nội dung và ý nghĩa của bài thơ có vẻ đã rõ ràng, tưởng không có gì phải giải thích thêm nhưng sự đời cái gì đã hay, đã nổi tiếng thì người ta càng hay trích dẫn, mô phỏng mà trích dẫn cũng theo nhiều vẻ khác nhau. Nhà văn Anh, Richard Aldington (1892-1962) trong tiểu thuyết nổi tiếng "Cái chết của một anh hùng" (Death of a Hero, 1929) viết về "thế hệ mất mát" trong chiến tranh Thế giới I đã trích dẫn Kipling để ca ngợi tính cứng rắn của người lính ngoài mặt trận, ca ngợi những ai biết chém giết mà không hề run sợ, và chỉ khi đó "... con trai, con là một Con Người!" Nhà đạo diễn người Anh Lindsay Anderson (1932-1994) cũng đã dùng tên bài thơ để đặt tên cho một bộ phim nổi tiếng "Nếu" (If, 1968), giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes, chứng minh rằng sự giáo dục theo những chuẩn mực của Kipling đôi khi cho kết quả ngược lại... Đấy chỉ là hai ví dụ tiêu biểu nhất trong văn chương và điện ảnh thế giới cho thấy bài thơ mới đọc qua có vẻ tất cả đều rõ ràng, thực ra vẫn ẩn giấu bên trong những ý nghĩa sâu xa mà một vài bản dịch chưa thể nào lột tả hết được...

Dù sao, dù người đời có trích dẫn theo nhiều vẻ khác nhau càng cho thấy một điều là bài thơ này có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội phương Tây và đã trở thành bất tử. Cuối cùng xin dành một đôi dòng về đối tượng của bài thơ này – con trai của Kipling chết năm 1915 ở mặt trận nước Pháp. Cú sốc này Kipling đã không thể hồi phục cho đến hết đời.







MẸ CỦA CON

Nếu con bị chết treo trên vách núi
Mẹ của con, ôi mẹ của con!
Con biết rằng tình ai theo con mãi
Mẹ của con, ôi mẹ của con!

Nếu con bị đắm chìm trong biển cả
Mẹ của con, ôi mẹ của con!
Con biết rằng ai sẽ tuôn dòng lệ
Mẹ của con, ôi mẹ của con!

Nếu con bị đày đọa cả thể xác, tâm hồn
Con biết ai cầu cho con bình an vô sự
Mẹ của con, ôi mẹ của con!


LỜI THỈNH CẦU

Nếu như bạn yêu mến
Những câu chuyện của tôi
Cho tôi yên đêm này
Nơi sau này bạn đến.

Ý nghĩ về người chết
Chỉ trong phút giây thôi
Bạn hãy tìm trong sách
Tôi gửi lại cho đời.


THE LOVE SONG OF HAR DYAL

Một mình em trên mái nhà nhìn về phương bắc
Trông những vì sao lấp lánh giữa trời xanh
Trời phương bắc phản chiếu bước chân anh
Người yêu hãy quay về hoặc là em sẽ chết.

Khu chợ nhỏ dưới chân em tĩnh mịch
Đang ngủ say sưa những chú lạc đà
Những chú lạc đà, những kẻ bị bắt tù
Người yêu hãy quay về hoặc là em sẽ chết.

Vợ của cha càng ngày càng cay nghiệt
Em còng lưng làm việc suốt ngày đêm
Nước mắt trào ra, em đau khổ, em buồn
Người yêu hãy quay về hoặc là em sẽ chết.





cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Anh - 07.09.2009 10:08:49

 
William Butler Yeats (1865-1939) - nhà thơ, nhà soạn kịch Ai-len, giải Nobel Văn học năm 1923. Sinh ra giữa thời đại mà quê hương Ai-len của ông bắt đầu thức dậy một phong trào yêu nước, đỉnh cao là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1919-1923, thời đại này đã mang lại một xung lực cho sáng tác của William Butler Yeats.

W.B. Yeats sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Bố là họa sĩ chân dung nổi tiếng, em trai cũng trở thành một họa sĩ lớn của Ai-len. Bản thân Yeats cũng từng học trường nghệ thuật và có ý định sẽ sống bằng nghề hội họa nhưng thơ ca đã xâm chiếm tâm hồn ông ngay từ những thành công đầu tiên. Năm 1868 cả gia đình chuyển đến London, năm 1880 trở về Dublin và năm 1887 quay lại London. Tại đây ông bắt đầu in những bài thơ và kịch đầu tiên trên các báo và tạp chí. Năm 1889 xuất bản cuốn sách đầu tiên Những cuộc viễn du của Oisin và các bài thơ khác, trường ca Những cuộc viễn du của Oisin – tác phẩm chính của tập sách này dựa theo những mô-típ dân gian của Ai-len. Cũng trong thời gian này Yeats gặp gỡ và làm quen với nữ nghệ sĩ Maud Gone – một trong những thủ lĩnh của phong trào giải phóng dân tộc Ai-len, tham gia tích cực vào phong trào “Phục hưng Ai-len”. Mục đích của phong trào này là phục hồi tiếng Gaelic, tìm hiểu văn hoá và lịch sử Ai-len, sáng tác những tác phẩm dựa trên những huyền thoại, truyền thuyết của Ai-len, thành lập nhà hát dân tộc. Năm 1904 Yeats cùng với một số bạn bè thành lập “Nhà hát Abbas” và làm giám đốc nhà hát này đến năm 1938.

Sau năm 1910, các vở kịch nghệ thuật của W. Yeats chuyển hướng đột ngột sang viết bằng thơ, phong cách bí ẩn, có nhiều khoảng trống. Những vở kịch sau đó (ông viết cho số ít khán giả chọn lọc) là những thử nghiệm với vũ điệu, âm nhạc và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những vở kịch Noh của Nhật Bản. Từ năm 1922 đến năm 1928 W. Yeats là thượng nghị sĩ của Nhà nước Ireland tự do, tham gia nhiều hoạt động chính trị ở Ireland, sáng tác của ông thời kỳ này mất dần tính lãng mạn và trở nên thâm trầm sâu sắc. Hai tác phẩm đáng chú ý cuối cùng của ông là Rằm tháng Ba (1935) và Những bài thơ và những vở kịch cuối cùng (1940).

Thơ ca của Yaets mang đậm hơi thở, phong cách dân tộc Ai-len. Nhiều đề tài, hình tượng trong thơ ông được lấy từ kho tàng thơ ca dân gian kết hợp với khuynh hướng biểu tượng và lãng mạn trữ tình. Tác phẩm của ông giàu hình tượng với những quan sát tinh tế, kết hợp vẻ đẹp bên ngoài với chiều sâu trí tuệ bên trong. Năm 1923 ông được trao giải Nobel Văn học vì sự nghiệp sáng tác phản ánh cao độ tinh thần dân tộc trong những tác phẩm điêu luyện. W. B. Yeats có ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca Anh trong thế kỉ XX. Tên tuổi của ông đặt ngang hàng với những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ XX. Ông mất ngày 28-1-1939 tại miền nam nước Pháp.

Tác phẩm:
*Những cuộc viễn du của Oisin và các bài thơ khác (The wandering of Oisin and other poems, 1889), thơ.
*John Sherman (1891), tiểu thuyết.
*Nữ bá tước Cathleen (The countess Cathleen, 1892),kịch thơ.
*Tặng bông hồng trên con đường thời gian (To the rose upon the road of time, 1893), thơ.
*Xứ sở ham muốn của con tim (The land of heart’s desire, 1894), kịch thơ.
*Những ngã tư đường (Crossways, 1889), tập thơ.
*Hoa hồng (The rose, 1893), tập thơ.
*Gió trong bãi sậy (The wind among the reeds, 1899), thơ.
*Catheleen con gái Houlihan (Catheleen ni Houlihan, 1902), thơ.
*Đồng hồ cát (The hour glass, 1903), kịch.
*Trong bảy cánh rừng (In the seven woods, 1903), thơ.
*Trước cửa Vua (The King’s thereshold, 1904), kịch thơ.
*Nồi nước sốt (The pot of broth, 1904), hài kịch.
*Bóng nước (The shadowy waters, 1906), kịch thơ.
*Chiếc mũ màu xanh (The green helmet, 1910), thơ.
*Trách nhiệm (Responsabilities, 1914), thơ.
*Lễ Phục Sinh (Easter, 1916), thơ.
*Bên giếng diều hâu (At the Hawk's well, 1916), kịch.
*Những giấc mơ của xương (The dreaming of the bones, 1919), kịch.
*Thiên nga ở Coole (The wild’s swans at Coole, 1919), thơ.
*Bốn vở kịch cho vũ nữ (Four plays for the dancers, 1921), thơ.
*Michael Robartes và vũ nữ (Michael Robartes and dancer, 1921), thơ.
*Hoàng hậu - diễn viên (The player queen, 1922), kịch.
*Bóng hình (A vision, 1925; tái bản 1937), tiểu luận.
*Con mèo và mặt trăng (The cat and the moon, 1926), kịch.
*Bảy bài thơ và một đoạn (Seven poems and one fragment, 1927), thơ.
*Đám tang Parnell (Parnell's funeral, 1932, in 1935), thơ.
*Cầu thang xoáy ốc và những bài thơ khác (The winding stair and other poems, 1933), thơ.
*Vua những đồng hồ tháp lớn (The king of the great clock tower, 1935), kịch.
*Rằm tháng Ba (A full moon in March, 1935), thơ.
*Lời nguyền Cromwell (The curse of Cromwell, 1937), thơ.
*Cái chết của Cuchulain (The death of Cuchulain, 1939), kịch.






KHI EM ĐÃ GIÀ(1)

Khi em đã già, mái tóc điểm bạc
Một mình em bên bếp lửa, cúi đầu
Em mở cuốn sách này, hãy đọc thật lâu
Có bóng xưa toả ra từ ánh mắt.

Biết bao kẻ yêu vẻ vui tươi phút chốc
Yêu vẻ đẹp của em, giả dối hoặc chân thành
Nhưng chỉ một người yêu tâm hồn hành hương của em
Và yêu nét buồn đổi thay trên gương mặt.

Em cúi xuống, giọng thì thào, khoan nhặt
Đượm vẻ buồn sao tình vội qua mau
Tình vút bay lên tận đỉnh núi cao
Giữa đám đông các vì sao giấu mặt.
_________
(1)Bài thơ này viết về người yêu, ngưòi đẹp, nữ nghệ sĩ Maud Gonne – một trong những thủ lĩnh của phong trào giải phóng dân tộc Ailen. Nhờ sự ảnh hưởng của Maud Gonne mà Yeats đã xác định cho mình vị trí trong cuộc đấu tranh vì độc lập của Ailen…
Bài thơ này mang sự ảnh hưởng rất chi tiết một bài sonnê nổi tiếng của Pierrè Ronsard (1524-1585) “Quand vous serez bien vieille, au soir à la chandelle…”




NỖI BUỒN CỦA TÌNH YÊU

Dưới mái hiên chim sẻ kêu ríu rít
ánh trăng thanh và cả dải ngân hà
Và tiếng lá đang hoà âm xào xạc
át tiếng khóc than nhân thế mờ xa.

Nàng thiếu nữ bờ môi hồng ảm đạm
Tựa hồ như đau đớn cả trần gian
Nàng giống như Odyssey bi thảm
Như vua Priam trước cái chết hiên ngang.

Và trỗi dậy, tiếng chim kêu ríu rít
Và giữa bầu trời buồn bã ánh trăng
Và tất cả tiếng lá cây xào xạc
Hòa nhập vào tiếng khóc của trần gian.



ĐI VÀO BUỔI HOÀNG HÔN

Nào, con tim, hãy quên hết xiềng gông
Hãy xua đi ý nghĩ về phải, trái
Hãy cười lên trong hoàng hôn tê tái
Hít thở vào giọt sương buổi bình minh.

Mẹ của em Eire mãi mãi trẻ trung
Sương vẫn trong và hoàng hôn tê tái
Dù hy vọng đổ vào trong lửa cháy
Của tình yêu bị vu khống chết dần.

Nào con tim, hãy đến ngọn đồi con
Nơi bí ẩn muôn đời tình huynh đệ
Nơi mặt trời, mặt trăng và cây dẻ
Ta nhận về ý chí của dòng sông.

Và Chúa Trời sẽ đứng đấy một mình
Và cuộc đời, thời gian còn bay mãi
Và tình yêu không dịu êm bằng hoàng hôn tê tái
Và hy vọng không quí bằng sương buổi bình minh.



 
 
 
NGƯỜI YÊU KỂ VỀ BÔNG HỒNG NỞ TRONG TIM

Tất cả những gì buồn bã trên đời: nghèo nàn, già cũ
Tiếng kẽo kẹt bánh xe, tiếng trẻ khóc bên đường
Vẻ mệt mỏi của thợ cày, tia nước lạnh mùa đông
Làm sai hình ảnh của em, bông hồng trong tim anh đang nở.

Thật đã lắm nỗi buồn, anh muốn xây lại nó
Trên ngọn đồi cô đơn sẽ trải một màu xanh
Để Đất và Trời sẽ biến thành một cái tráp vàng
Đựng giấc mơ về em, bông hồng trong tim anh đang nở.


 
TÂM TRẠNG

Thời gian đang phân hủy
Như ngọn nến lụi tàn
Núi rừng và cây cối
Vẫn sống ngày của mình
Có điều chi nguồn cội
Trong tâm trạng lửa sinh
Hay là đang tàn lụi?



GIỮA RỪNG CÂY DƯƠNG LIỄU

Tôi và em gặp nhau giữa rừng cây dương liễu
Bàn chân của em nhẹ nhàng rảo bước giữa rừng dương
Hãy yêu em - nàng bảo tôi - như những chiếc lá trên cành
Nhưng tôi dại dột, trẻ con, với nàng tôi không chịu.

Trên bãi đất nhỏ bờ sông - nàng đứng bên tôi
Bàn tay nàng nhẹ nhàng đặt trên vai tôi như là chiếc lá
Hãy yêu em - nàng bảo tôi - như đập nước yêu cây cỏ
Nhưng tôi trẻ con, dại dột... để bây giờ nước mắt đầy vơi.



ANH MUỐN TẤM VẢI BẦU TRỜI

Giá mà anh có tấm vải bầu trời
Và trong đó ánh sáng vàng hay bạc
Vải màu tối, màu xanh hay màu khác
ánh sáng lung linh đêm cũng như ngày.

Thì anh sẽ căng vải dưới chân em
Nhưng khổ thân anh, chỉ là mơ ước
Anh trải ước mơ dưới bàn chân em
Em nhẹ nhàng lên giấc mơ hãy bước.



RỪNG CÂY XÀO XẠC

Em hãy về miền nước hồ lấp lánh
Cùng chú hươu với tiếng thổn thức tình
Và khi đó hãy ngắm nhìn hình ảnh
Chẳng có ai yêu như em và anh!

Em sẽ thấy nữ hoàng rất kiêu hãnh
Với đôi hài trượt xuống tự trời xanh
Khi mặt trời trong ánh vàng lấp lánh
Chẳng có ai yêu như em và anh!

Em hãy về miền rừng cây xào xạc
Anh muốn kêu lên với những người tình:
Ôi cuộc đời, ôi màu vàng mái tóc
Chẳng có ai yêu như em và anh!



NÀNG TIÊN CÁ

Có một chàng trai bơi trong nước
Chìm theo vẻ đẹp của nàng tiên
Nàng tiên cá ép chàng vào thân mình
Nàng mỉm cười kéo chàng xuống vực
Mà quên rằng ngay cả trong hạnh phúc
Thường vẫn hay chìm đắm những người tình.



MẤT MÁT GÌ

Tôi hát về mất mát, tôi sợ thành công
Và lại như xưa tôi bước vào trận đánh
Với mất mát của mình, dù vua hay người lính
Bàn chân đứng hay đi, tôi xếp đặt cho mình
Trên đá nhỏ bước chân đều vẫn giậm.



THƯƠNG TÌNH

Lòng thương hại đến vô cùng
Trong trái tim yêu trú ẩn
Những đám mây trên cuộc hành trình
Của những người mua và bán
Và một cơn gió lạnh
Bóng cây phi tử chơi vơi
Còn nước bây giờ màu xám
Hãy coi chừng tình yêu của tôi.



VĂN MỘ CHÍ SWIFT

Swift ngàn thu yên giấc
Tức giận một thuở đã từng
Không còn xé tan lồng ngực.
Cho người đời sẽ noi gương
Anh từng là người lữ khách
Vì tự do của quê hương.



CHÉN NƯỚC CẠN KHÔ

Chàng điên tìm ra chén nước
Khi mà chết khát nhân dân
Không dám làm cho môi ướt
Sợ ánh trăng sẽ rủa nguyền.
Chỉ vừa mới nhấp một hớp
Thì con tim đã vỡ tung.
Tôi cũng tìm ra chén nước
Nhưng mà chén nước cạn khô
Vì thế tôi cũng hoá rồ
Và suốt đêm không ngủ được.



SAU ĐÓ LÀ GÌ

Bạn bè xưa trong lớp học cho rằng
Nó sẽ trở thành người nổi tiếng
Nó vẫn suy nghĩ và sống như thường
Còn tất cả bạn bè lao động
“Sau đó là gì?” lời nhà triết học còn vang.

Mọi người đọc những gì nó viết
Thế rồi theo tháng năm
Nó làm ra nhiều tiền bạc
Bè bạn, bạn bè quả thực
“Sau đó là gì?” lời nhà triết học còn vang.

Những thứ nó ước mơ trở thành hiện thực
Có vợ, có nhà, có con gái, con trai
Có vườn nho, có vườn rau cải bắp
Trong số các nhà thơ nó là người thành đạt
“Sau đó là gì?” còn vang vọng những lời.

“Công việc đã xong – nó thầm nghĩ bụng –
Ta muốn một điều như thuở bé con
Chuyển về số không, cứ cho là ngớ ngẩn
Bởi ta mang lại một điều lý tưởng”
Nhưng “sau đó là gì?” lời chiếc bóng còn vang.



BÀI CA PHỤ NỮ II

Người đàn ông nào đến
Nằm ở dưới chân ta
Thì phận ta đàn bà
Ta làm cho thỏa mãn.
Những bông hoa ngát hương
Ta rắc đầy trên giường
Xin Chúa Trời độ lượng.

Tình yêu người khao khát
Làm mê hoặc tâm hồn
Tình chỉ yêu thể xác
Chứ tình không yêu hồn.
Tình trong tình hai mặt
Nhưng bản chất một phương
Xin Chúa Trời độ lượng.

Tâm hồn cần phải học
Tình yêu ngự trong lòng
Tình yêu theo thói thường
Cao thượng và thú vật
Nhìn ngắm hay ve vuốt
Đâu hạnh phúc nhiều hơn?
Xin Chúa Trời độ lượng.



BÀI CA PHỤ NỮ III

Khi em với người gặp gỡ chân tình
Khi chàng hân hoan dưới bàn chân em
Với hồn mình em nhớ đừng phụ bạc
Đừng nghĩ rằng chàng chỉ cần thể xác
Người phụ nữ khi yêu sẽ biết rằng
Thân xác so cùng cái ác tồi hơn
Tình phân chia đều đặn trong danh dự
Không kém, không hơn cùng chung phận số
Để cho nụ hôn êm ái của tình
Không phải như lời con rắn nỉ non
Hãy đưa bàn tay sờ lên thể xác
Và thiên thần chốn thiên đàng thổn thức.



CON TIM PHỤ NỮ

Căn phòng nhỏ có để làm gì đâu
Và nguyện cầu, nghỉ ngơi trong tĩnh lặng
Chàng dẫn tôi đi về miền u ám
Chúng tôi nằm ngực sát ngực bên nhau.

Tôi đâu có cần gì mẹ lo âu
Ngôi nhà đây, nơi này tôi sưởi ấm
Bóng đen của mái tóc tôi dày rậm
Giấu hai người khỏi những nỗi buồn đau.

Giấu trong mái tóc và đôi mắt khát khao
Tôi chẳng cần cuộc đời hay cái chết
Con tim chàng và tim tôi hoà nhập
Chúng tôi hít vào hơi thở của nhau.



MÔ PHỎNG THƠ HAIKU CỦA NHẬT

Một điều làm tôi kinh ngạc nhất
Là tôi đã sống bảy mươi năm.

(Hoan hô hoa của mùa xuân
Vì mùa xuân nơi này lại đến).

Bảy mươi năm tôi đã sống
Không phải là người nghèo khổ, ăn xin
Bảy mươi năm tôi đã sống
Bảy mươi năm, cậu bé rồi đàn ông
Chưa bao giờ tôi nhảy vì sung sướng.




 
 
 
ẤN ĐỘ DÀNH CHO TÌNH YÊU

Một hòn đảo mơ màng dưới bình minh
Những cành cây êm đềm trong tĩnh lặng
Chim công múa trên bãi cỏ mịn màng
Chú vẹt đung đưa nhảy nhót trên cành
Ngó chằm chặp bóng mình trong nước biển.

ở nơi này con tàu ta cập bến
Và ta lang thang tay nắm trong tay
Môi kề môi trong êm ái thì thào
Trên cỏ hoa và trên bờ cát trắng
Rằng cõi muộn phiền ở chốn xa xôi.

Ta bên nhau, xa cách với cuộc đời
Ta giấu mình trong cỏ hoa êm ả
Tình cháy lên bằng ngôi sao ấn Độ
Ngôi sao băng như lửa của con tim
Như sóng vỗ bờ, như cánh của chim.

Bồ câu trắng vờn bay trong rừng rậm
Một trăm ngày thở than và ai oán:
Khi ta chết đi bóng ta vẫn nơi này
Khi những con đường của chim đứt quãng
Bóng vẫn mơ màng trên sóng nước, trên mây.



CHỌN LỰA

Trí tuệ con người dùng cho chọn lựa
Để hoàn hảo hơn trong công việc, trong đời
Nếu cho cái đầu tiên, cần chối bỏ
Những nghĩ suy về cung điện trên trời.

Có tin tức gì, khi kết thúc câu chuyện
May mắn hay không ở điểm cuối cùng
Bối rối nhìn vào hầu bao trống rỗng
Phù phiếm của ngày, hối hận của đêm.



CÁI CHẾT

Không hy vọng, chẳng kinh hoàng
Loài động vật trong ngày chết
Còn con người đợi ngày kết thúc
Với hy vọng và nỗi kinh hoàng.
Con người chết không chỉ một lần
Không chỉ một lần ngã xuống
Rồi lại đứng lên kiêu hãnh
Vững vàng trong cuộc đấu tranh
Khó khăn, gian khổ coi thường
Hơi thở căng đầy trong ngực
Với cái chết đã từng quen
Con người tạo nên cái chết.



BÀI HÁT RU

Thiên thần đang bay xuống
Trên chiếc giường của con
Thiên thần giờ đã chán
Lời người chết thở than.

Chúa nhìn con hạnh phúc
Mỉm cười từ trên trời
Bảy người bơi trong nước
Đang cầu nguyện cho Ngài.

Mẹ âu ếm hôn con
Thở dài trong lặng lẽ
Mai này mẹ sẽ buồn
Khi mà con khôn lớn.



KHÔN LÊN THEO THỜI GIAN

Dù lá có nhiều nhưng cây chỉ một
Ngày tháng dù nhiều – tuổi trẻ của tôi
Như lá, như hoa ở dưới mặt trời
Chỉ bây giờ mới hiểu ra sự thật.



Wystan Hugh Auden viết về Yeats:

Tưởng nhớ W. B. Yeats
(Mất tháng giêng năm 1939)

Anh ra đi giữa băng giá mùa đông
Sông đóng băng, những phi trường hoang vắng
Tuyết trắng rơi, phủ đầy lên bức tượng
Rót xuống miệng của ngày một giọt thủy ngân
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.

Cách xa những ngày đau ốm của anh
Chó sói hãy còn chạy giữa rừng xanh.
Dòng sông quê không còn mê bờ đẹp
Và ngôn ngữ của đám tang
Ngăn cách thơ anh và cái chết.

Nhưng với anh, ngày cuối, như chính anh
Ngày của tin đồn và những cô y tá
Đặt lên thi thể vẻ không yên
Và hoang vu cả quãng trường lý trí.
Vùng ngoại ô bao trùm lên lặng lẽ
Những cảm giác dường như lặng ngừng
Anh trở thành người cho đời ngưỡng mộ.

Và bây giờ lan tỏa trong hàng trăm thành phố
Anh mang cho những cảm giác không quen
Để hạnh phúc trong cõi khác
Và xử phạt theo bộ luật của lương tâm
Lời của người đã chết
Cùng với người đang sống ở trần gian.

Nhưng sự quan trọng của ngày mai trong tiếng ồn
Nơi những người môi giới om sòm trên sàn chứng khoán
Nơi những kẻ nghèo khổ sở vì nghèo túng
Và mỗi người đều có tự do của mình
Nhưng cái ngày này không một ai hờ hững
Như ý nghĩ về một ngày không bình thường
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.