Các nhà thơ Anh
cacbac 18.12.2007 17:19:01 (permalink)


Lord George Gordon Noel Byron (22 /1/1788 – 19 /4/1824) là nhà thơ lãng mạn Anh, một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ XIX.

Tiểu sử:
Byron sinh ở London, trong một gia đình quí tộc đã sa sút. Học ở Harrow School và Đại học Cambridge. Năm 1807 in tập Hours of Idleness (Những giờ giải trí), năm 1809 in trường ca English Bards and Scotch Reviewers (Những nhà thơ Anh và những nhà phê bình Scotland) phê phán những nhà lãng mạn quá khích. Từ năm 1809 là thành viên nghị viện Anh, sau đó bắt đầu 2 năm đi chu du sang các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Năm 1812 in 2 chương đầu của Childe Harold's Pilgrimage (Chuyến hành hương của Childe Harold) kể lại chuyến đi Nam Âu và Cận Đông. Nhân vật của trường ca là chàng trai trẻ thất vọng trước cuộc sống thiếu lý tưởng và tự do. Năm 1812, phát biểu trước nghị viện, Byron tố cáo tầng lớp thống trị ở Anh và đòi hủy bỏ luật tử hình những người công nhân phá máy.

Trong những tác phẩm The Giaour, 1813; The Bride of Abydos, 1813; The Corsair, 1814; Lara, 1814; The Siege of Corinth, 1816 Byron kêu gọi đấu tranh giành tự do. Năm 1816 ông đi sang Thụy Sĩ, gặp Shelley, hai người trở thành bạn của nhau. Những năm 1817-1820 Byron sống ở Venice, cảm thông với nỗi khổ của người Ý trước ách cai trị của người Áo. Thời kỳ này ông viết một số trường ca và 2 chương tiếp theo của Childe Harold's Pilgrimage. Những năm 1818-1819 ông viết trường ca Don Juan gồm 16 chương và chương 17 viết dở. Năm 1823 ông sang Hy Lạp để tham gia đấu tranh giải phóng Hy Lạp khỏi ách cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng công việc đang dở dang thì ông bị sốt và mất ngày 19 tháng 4 năm 1824 ở Missolonghi.

Lòng say mê mãnh liệt, tính trữ tình sâu sắc, sự bạo dạn về ý tưởng và vẻ sống động của những hình tượng khiến Byron trở thành một trong những nhà thơ lớn và nổi tiếng nhất ở châu Âu thế kỷ XIX. Tác phẩm của Byron mở ra những khả năng mới của chủ nghĩa lãng mạn như một phương pháp nghệ thuật. Byron đưa vào thơ ca những nhân vật mới, làm giàu hình thức và thể loại thơ ca. Ông có sự ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca thế giới thế kỷ XIX, sinh ra một trường phái thơ ca ở nhiều quốc gia khác nhau với tên gọi: chủ nghĩa Byron.

Tác phẩm:
*Hours of Idleness (1806)
*English Bards and Scotch Reviewers (1809)
*Childe Harold's Pilgrimage (1812 – 1818)
*The Giaour (1813)
*The Bride of Abydos (1813)
*The Corsair (1814)
*Lara (1814)
*Hebrew Melodies (1815)
*The Siege of Corinth (poem) (1816)
*Parisina (1816)
*The Prisoner Of Chillon (1816)
*The Dream (1816)
*Prometheus (1816)
*Darkness (1816)
*Manfred (1817)
*The Lament of Tasso (1817)
*Beppo (1818)
*Mazeppa (1819)
*The Prophecy of Dante (1819)
*Marino Faliero (1820)
*Sardanapalus (1821)
*The Two Foscari (1821)
*Cain (1821)
*The Vision of Judgement (1821)
*Heaven and Earth (1821)
*Werner (1822)
*The Deformed Transformed (1822)
*The Age of Bronze (1823)
*The Island (1823)
*Don Juan (1819 – 1824)





FARE THEE WELL

Than ôi! họ đã từng là bạn của nhau
Nhưng ác nhân đầu độc lòng chung thủy
Dù sự thật vẫn sống ở trên cao
Nhưng tuổi thanh xuân phí hoài, vô nghĩa
Và cuồng điên ngự trị ở trong đầu
Và cuộc đời từ đây chia hai ngả.
***
Không bao giờ họ còn gặp lại nhau
Để con tim lại mừng vui, hớn hở
Biệt ly này có ai muốn gì đâu
Như vách đá bị chia làm hai nửa.
Biển buồn bã giữa con sóng bạc đầu
Không sấm chớp, oi nồng hay băng giá
Tình đã chết ở trong lòng, tuy thế
Hai người đã từng một thuở của nhau.
Coleridge. Christabel.



Vĩnh biệt em! và nếu là mãi mãi
Thì đến muôn đời vĩnh biệt em
Lòng hận thù anh không còn giữ lại
Và em nhé, hãy quên.

Có lẽ nào trên ngực của anh
Nơi mái đầu của em từng cúi xuống
Nơi đã từng say sưa trong giấc mộng
Em còn nhớ chăng giấc mộng của mình?

Và với anh, có lẽ nào em nỡ
Khi đã nhìn xuyên suốt trái tim anh
Rồi sau đấy em dễ dàng chối bỏ
Trái tim anh em nỡ coi thường.

Có thể là thiên hạ sẽ khen em
Nhưng là điều tai họa, em có biết
Rằng khi nhận về lời khen cho mình
Em mang bất hạnh đến cho người khác.

Ừ thì anh lỗi lầm, anh vẫn biết
Anh vẫn mong chuộc lại lỗi lầm
Nhưng tại sao bàn tay, em nỡ giết
Bàn tay từng âu yếm cùng anh?

Và dù sao, em đừng tự dối mình
Ngọn lửa tình đâu đã tàn phai hẳn
Dù bây giờ đã ly biệt con tim
Tình đau đớn trong tim này vẫn sống.

Tình của em trong tim anh vẫn giữ
Đớn đau này rỉ máu trái tim anh
Một ý nghĩ vẫn làm anh đau khổ
Rằng sẽ không còn gặp nữa chúng mình.

Em có nghe tiếng nức nở của ai
Như tiếng khóc lạc loài trên xác chết
Ta vẫn sống, nhưng mỗi sáng hai người
Đều goá bụa trên giường khi tỉnh giấc.

Và khi em âu yếm cùng con gái
Dạy con mình cất tiếng gọi “Cha ơi!”
Thì với con của mình, em có nói:
Cha của con vẫn sống ở trên đời?

Khi bàn tay đứa con quàng âu yếm
Khi hôn môi con em có biết rằng
Anh vẫn mong và vẫn luôn cầu nguyện
Vẫn nghĩ về em như thuở yêu anh.

Nếu em thấy con gái mình rất giống
Với kẻ mà xưa em nỡ phụ tình
Nếu bỗng nhiên con tim em rung động
Nhịp đập chân thành em hãy hướng về anh.

Lỗi lầm anh, có thể là em biết
Vẻ điên cuồng em chẳng biết được đâu
Niềm hy vọng của anh còn tha thiết
Như bên tai còn vọng mãi u sầu.

Và tâm hồn rất kiêu hãnh của anh
Trước tình em cúi xuống
Hồn anh đuổi theo em
Từ giã anh đi về nơi xa vắng.

Hết thật rồi, tất cả lời trống rỗng
Càng phí hoài hơn thế những lời anh
Nhưng ý nghĩ không thể nào ngăn cản
ý nghĩ khát khao bay đến với tình.

Vĩnh biệt em! giờ tình yêu đã hết
Mất em rồi, tình yêu đã xa xôi
Không bao giờ tim anh còn được chết
Bởi từ đây con tim đã chết rồi.





CHẲNG CÒN NHỮNG ĐÊM XƯA

Thôi đêm này chẳng cùng em sánh bước
Như những đêm xưa từng bước chung đôi
Dù tình yêu vẫn dồn lên trong ngực
Và ánh trăng vẫn sáng ở trên trời.

Như lưỡi dao đã mòn vì bao vỏ
Tâm hồn đau vì đã lắm bồi hồi
Giờ con tim đang rất cần hơi thở
Và tình yêu đang muốn được nghỉ ngơi.

Dù đêm nay vẫn dịu hiền như trước
Đêm dễ thương, âu yếm của hai người
Nhưng anh và em chẳng còn sánh bước
Như những đêm xưa dưới ánh trăng soi.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9