Các nhà thơ Mỹ

Tác giả Bài
cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 18:52:12


Emily Elizabeth Dickinson (12 /10 /1830 – 15 /5 /1886) – nhà thơ Mỹ, cùng với Walt Whitman, Emily Dickinson là nhà thơ đặc sắc nhất của Mỹ thế kỉ XIX.

Tiểu sử:
Emily Dickinson sinh ở Amherst, Massachusetts. Học xong trường College, Emily Dickinson sống một cuộc sống thu mình, hầu như không ra khỏi nhà. Việc làm thơ của bà cũng không một ai biết. Những bài thơ đầu tiên của bà được in năm 1890 nhưng không mấy ai để ý. Tuyển tập thơ đầu tiên chỉ được in ra vào năm 1955. Thế kỷ XX, Emily Dickinson được thừa nhận là một nhà thơ lớn của nước Mỹ. Bà là người đầu tiên trong thơ Mỹ sử dụng lối thơ hai câu liền vần (para-rhyme). Emily Dickinson để lại cho đời gần 2000 bài thơ. Những bài thơ nho nhỏ nhưng được đáng giá là đầy ắp những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Thơ của Emily Dickison được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.

Tác phẩm:
*Dickinson, Emily (2006). Emily Dickinson's Herbarium. Cambridge, Mass.: Belknap Press of Harvard University Press.
*Farr, Judith; Louise Carter (2004). The Gardens of Emily Dickinson. Cambridge, Mass.; London: Harvard University Press.





47

Nào, con tim! Về người ấy đêm này
Ta và mi hãy cùng quên lãng.
Ta sẽ quên nguồn sáng
Còn mi – nồng ấm, mê say.

Khi quên rồi, mi hãy nói cho ta
Để ta, sẽ bắt đầu tim nhé
Chứ bây giờ mi lần lữa
Thì ta vẫn cứ nhớ về.

137

Yêu nước – những ai trong cơn khát
Quí đất – người đang giữa đại dương
Vui vẻ, hân hoan chỉ biết đến khi buồn
Ai đang chiến đấu – kẻ yêu hoà bình nhất.
Còn ta yêu – là khi tình đã mất
Khi tuyết trắng trời ta lại nhớ về chim.

224

Em chẳng có gì mới mẻ với anh đâu
Bởi biết bao ngày ta đã sống
Bởi đêm vẫn gìn giữ những vì sao
Mà mắt ta đã quen nhìn ngắm.

Có thể không từng để ý hai ta
Nhưng nếu mà không có chúng
Thì đường trở về nhà
Tìm ra ta đã chẳng.

686

Nghe rằng: “Thời gian làm lành hẳn”
Thời gian không chữa khỏi bao giờ.
Nỗi đau giống như bắp cơ
Càng săn chắc theo năm tháng.

Nhưng thời gian sẽ kiểm tra
Qua khổ đau có còn lành lặn
Nghĩa là, ta buồn lo cho phí uổng
Nghĩa là ta chưa đau khổ bao giờ.

887

Ta chăm chút tình yêu giống như áo quần
Và sau đó ta đem cất vào tủ
Cho đến một khi chưa thành đồ cổ
Thì ta lấy ra từ đó và mang.



cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 18:57:50


Robert Lee Frost (26 tháng ba năm 1874 – 29 tháng 2 năm 1963) – nhà thơ Mỹ bốn lần đoạt giải Pulitzer (1924, 1931, 1937, 1943).

Tiểu sử:
Robert Frost sinh ở San Francisco. Bố mất năm R. Frost lên 11 tuổi. Gia đình chuyển về Massachusetts, Frost học tiểu học ở Lawrence. Năm 1892 học Dartmouth College, các năm 1897-1899 học Đại học Harvard. Năm 1912 cả gia đình chuyển sang Anh, đầu tiên ở Glasgow, sau chuyển về Beaconsfield gần London. Thời gian này R. Frost in tập thơ đầu tiên A Boy's Will (Ước muốn của chàng trai, 1913). Tập thơ thứ hai North of Boston (Phía Bắc Boston được độc giả và giới phê bình đánh giá cao.

Năm 1915 Frost quay trở về Mỹ tậu trang trại ở Franconia, New Hampshire nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, phải đi dạy thêm ở các trường Đại học và đọc thơ ở các câu lạc bộ. Tập thơ New Hampshire, 1923 mang lại cho R. Frost giải thưởng Pulitzer đầu tiкn năm 1924. Tập Colleted Poems (Tuyển tập thơ, 1930) được tặng giải Pulitzer thứ hai. Hai tập A Further Range (Về phía xa, 1936) và A Witness Tree (Cây làm chứng, 1942) mang lại thêm hai giải Pulitzer. Tập thơ cuối cùng In the Clearing (Trong rừng thưa, 1962) bao gồm những bài thơ hay không kém những tập đầu tiên. Tổng thống John Kennedy đã mời R. Frost đọc thơ trong ngày nhậm chức của mình. Năm 1962 R. Frost sang thăm Liên Xô. Ông mất ở Boston.

Tác phẩm:
*A Boy's Will (Ước muốn của chàng trai, 1913)
*North of Boston (Phía Bắc Boston, 1914)
*Mountain Interva (Giữa núi đồi, 1916)
*Selected Poems, 1923
*West-Running Brook (Con suối phía tây, 1928)
*Selected Poems, 1928
*Colleted Poems (Tuyển tập thơ, 1930)
*Collected Poems of Robert Frost, 1930
*A Witness Tree (Cây làm chứng, 1942)
*Masque of Reason (Mặt nạ của lý trí, 1945)
*Masque of Mercy (Mặt nạ của lòng nhân từ, 1947)
*Complete Poems of Robert Frost, 1951
*In the Clearing (Trong rừng thưa, 1962)
*The Poetry of Robert Frost, (New York, 1969).



TÌNH YÊU VÀ MỘT CÂU HỎI

Người xa lạ gõ cửa trong chiều vắng
Đấy – ngôi nhà của một đôi uyên ương.
Cây gậy của người có màu trắng và xanh
Còn trong lòng một nỗi lo đè nặng.
Người xa lạ bằng mắt nhiều hơn miệng
Hỏi chàng rể cho nghỉ lại đêm này
Đôi mắt người nhìn con đường xa xôi
Những ánh lửa khắp nơi đều tắt ngấm.

Và chàng rể liền bước ra ngoài cổng:
“Ta hãy cùng nhau ngó vào bầu trời
Có một câu hỏi cho anh và tôi
Mà bầu trời đêm hãy còn giấu kín”.
Những chiếc lá của kim ngân rụng xuống
Quả mọng kim ngân đang thẫm màu xanh
Ngọn gió mùa thu như gió mùa đông
“Người xa lạ, tôi đây mong biết lắm”.

Cô dâu một mình trong nhà im lặng
Khát khao như bếp lửa trước mặt nàng
Bếp lửa làm cho đôi má thêm hồng
Và ý nghĩ - trong tim đầy ước muốn.

Chàng rể ngó nhìn con đường xa vắng
Nhưng nghĩ suy chỉ quanh quẩn bên nàng
Mong giữ trái tim yêu trong lồng vàng
Và chốt bạc đem chốt ngoài cửa đóng.

Chàng rể nghĩ rằng hãy còn ít lắm
Chia sẻ bánh mỳ, chia sẻ hầu bao
Thành tâm cầu Chúa giúp cho người nghèo
Hay trừng phạt kẻ giàu cho đích đáng.

Và liệu có phải đấy là số phận
Khách đến mang hạnh phúc cho hai người
Hay tai họa sẽ đổ xuống đêm nay
Thì câu trả lời chàng mong biết lắm.




ĐỒNG CỎ

Tôi ra đi dọn đồng cỏ mùa xuân
Trên đồng cỏ tôi sẽ cào lá rụng
Và đồng cỏ sạch sẽ, tôi ngắm nhìn
Rồi tôi sẽ quay về. – Em hãy đến.

Tôi ra đi giúp cho con bê non
Đứng bên mẹ. Bê hãy còn bé lắm
Bước chân bê chao đảo, chưa vững vàng
Rồi tôi sẽ quay về. – Em hãy đến.


NGỌN GIÓ VÀ BÔNG HOA TRÊN CỬA SỔ

Người đang yêu, xin hãy tạm quên tình
Và bạn hãy lắng nghe câu chuyện kể:
Nàng – là bông hoa trên cửa sổ
Còn chàng – cơn gió lạnh mùa đông.

Gió để ý và nhìn thấy hoa hồng
Khi mặt trời mùa đông xuất hiện
Ánh mặt trời làm tan băng trên kính.
Và chim oanh đã thức dậy trong lồng
Gió nhìn thấy bông hoa trong cửa sổ
Nhưng gió không biết được phải làm gì
Nhìn thấy hoa rồi gió đã bay đi
Để đêm khuya lại quay về nơi đó.

Bởi vì gió chỉ là cơn gió
Đã đành, cơn gió lạnh mùa đông
Chỉ biết vùi đầu trong tuyết miên man…
Không hay biết tình yêu là gì cả.

Nhưng dù sao ngọn gió cứ thấy buồn
Ngọn gió lung lay khung cửa sổ
Để cho hoa hồng không thể ngủ
Khi nơi này ngọn gió đến trong đêm.
Để biết đâu, bông hoa sẽ xiêu lòng
Rồi cùng gió biến vào đêm vắng
Về cái nơi dịu êm và tĩnh lặng
Nơi có bàn có bếp lửa và gương.

Nhưng bông hoa đã không nói không rằng
Biết lấy gì để đáp lời ngọn gió
Và trăm ngàn dặm cách xa, sau đó
Ngọn gió sang ngày gặp buổi bình minh.


LỬA VÀ BĂNG GIÁ

Ai đấy nói rằng thế gian sẽ chìm trong lửa
Ai đấy nói rằng ngày tận thế trong băng.
Còn tôi thì tôi chỉ mong
Như người nói rằng thế gian chìm trong lửa.
Nhưng nếu phải chịu cả hai điều tai họa
Tôi nghĩ sẽ nhận thức ra được sự thù hằn
Và để phá tan băng giá vĩnh hằng
Thì cũng tốt
Không sao cả.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 19:20:27


Henry Wadsworth Longfellow (27 /2 /1807 – 24 /3 /1882) – nhà thơ Mỹ, tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng: “Bài ca về Hiawatha”, “Bản thánh ca của cuộc đời”, “Excelsior”… Ông cũng là tác giả của bản dịch Thần khúc ra tiếng Anh hay nhất.

Tiểu sử:
Henry Wadsworth Longfellow sinh ở Portland, Maine. Năm 1825 học xong Bowdoin College được mời làm giáo sư dạy các ngôn ngữ mới. Chuẩn bị cho công việc này, ông lên đường sang châu Âu, đến các nước Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Đức học tiếng và nghiên cứu về văn hoá, lịch sử của các nước này. Từ năm 1829-1835 dạy ở Bowdoin College. Năm 1831 cưới vợ và xuất bản tập thơ Outre-Mer (Ở nước ngoài). Năm 1835, Đại học Harvard mời ông dạy các ngôn ngữ mới và ông lại lên đường sang châu Âu du lịch. Vợ ông mất trong thời kỳ này, ông một mình trở về Mỹ năm 1836, dạy ở Đại học Harvard đến năm 1854.

Tập thơ đầu tiên Voices of the Night (Giọng của đêm, 1839) có bài thơ Bản thánh ca của cuộc đời làm cho Longfellow trở thành nhà thơ nổi tiếng trong tất cả mọi tầng lớp của xã hội. Tập thơ Ballads and Other Poems (Những bài Ballad và những bài thơ khác, 1842) có bài thơ Excelsior cũng là một bài thơ rất nổi tiếng. Năm 1843 ông cưới vợ lần thứ hai và tiếp tục sáng tác nhiều. Năm 1861 vợ thứ hai của ông lại qua đời, Longfellow rất buồn và đau khổ nhưng vẫn sáng tác đều. Ông bỏ ra nhiều năm dể dịch trọn vẹn bộ “Thần khúc” của Dante ra tiếng Anh, được dánh giá là bản dịch tốt nhất trong số rất nhiều bản dịch ra tiếng Anh. Những năm cuối đời ông bị bệnh khớp nhưng vẫn luôn thoải mái tâm hồn và vẫn làm việc nhiều. Ông mất ở Cambridge, Massachusetts năm 1882.
 
Henry Wadsworth Longfellow là nhà thơ rất nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà cả ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam mới chỉ có một số bài thơ của Longfellow được dịch ra tiếng Việt.

Tác phẩm:
*Coplas de Don Jorge Manrique (Bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha, 1833)
*Outre-Mer: A Pilgrimage Beyond the Sea (Ở nước ngoài: Chuyến hành hương qua biển, 1835)
*Voices of the Night: Ballads; and other Poems (Giọng của đêm, 1839)
*Ballads and Other Poems (Những bài Ballad và những bài thơ khác, 1842)
*The Spanish Student (Sinh viên Tây Ban Nha, kịch 3 hồi, 1843)
*Poets and Poetry of Europe (Các nhà thơ và thơ ca châu Âu, bản dịch, 1844)
*Evangeline: A Tale of Acadie (Câu chuyện Acadie, trường ca sử thi, 1847)
*The Golden Legend (Truyền thuyết vàng, bi kịch thơ, 1851)
*The Song of Hiawatha (Bài ca về Hiawatha, trường ca sử thi, 1855)
*The Courtship of Miles Standish and Other Poems (Lời tỏ tình của Miles Standish, 1858)
*Tales of a Wayside Inn (Poetry)(1863)
*Dante's Divine Comedy (Thần khúc của Dante, dịch, 1867)
*The New England Tragedies (Những bi kịch nước Anh mới, 1868)
*Three Books of Song (Ba quyển sách bài ca, 1872)





MEZZO CAMMIN

Đến nửa đường đời, tôi để mất dấu vết
Của tháng ngày qua. Xúc cảm ở đâu rồi
Đâu khát khao thời tuổi trẻ, để xây
Một lâu đài của bài ca cao vút.

Đâu phải biếng lười và phải đâu hạnh phúc
Đâu mê say, yêu tha thiết nồng nàn
Nhưng nỗi buồn có lẽ tự lúc sinh
Là lo lắng, là tai ương, chết chóc.

Từ nửa đường lên đồi, tôi nhìn thấy
Quá khứ dưới chân, tất cả tối mù
Và thành phố mịt mờ trong lửa khói

Chỉ tiếng kêu than, niềm vui chẳng thấy
Nghe trên đầu tôi, trong ngọn gió thu
Dòng thác Chết ầm ầm trên cao ấy*.
_____________
*Đây là bài Sonnet tự thuật viết năm 1842, khi nhà thơ tròn 35 tuổi – một nửa đường đời theo Dante. Tên gọi của bài thơ trích từ dòng thơ đầu của “Thần khúc”: “Nel mezzo del cammin di nostra vita…”(Con đường đời tôi đã đi đến nửa… - bản dịch của Hồ Thượng Tuy). Mezzo cammin – nửa đường, nghĩa là nửa đường đời.





CAO HƠN*

Trên con đường bóng đêm và băng giá
Một chàng trai đi lên núi An-pơ
Mặc tuyết rơi, trong tay một lá cờ
Với dòng chữ đề vô cùng xa lạ:
Cao hơn!

Vầng trán mang nét buồn vì suy nghĩ
Nhưng ánh mắt sắc như một lưỡi gươm
Và nghe như tiếng kèn bạc vang lên
Một ngôn ngữ không ai hay biết cả:
Cao hơn!

Những ánh đèn trong những nhà hạnh phúc
Bếp lửa gia đình ấm áp gọi mời
Nhưng bóng ma và băng giá ngoài trời
Bờ môi chàng như thì thào: cứ mặc
Cao hơn!

Một ông già bảo chàng: “Không đi được!
Nơi ấy bóng đêm, tuyết lở, sông băng
Chảy cuồn cuộn và rộng lớn mênh mông!”
Nhưng lại vẫn câu trả lời dứt khoát:
Cao hơn!

Cô gái gọi: “Em xin chàng dừng bước
Hãy áp mái đầu trên ngực của em!”
Trong đôi mắt chàng ánh sáng màu xanh
Nhưng câu đáp lại như lời thổn thức:
Cao hơn!

“Hãy coi chừng những cành thông khô đấy!
Và sông băng, tuyết lở hãy coi chừng!”
Một người nông dân kêu lên với chàng
Nhưng giọng trả lời từ trên cao ấy:
Cao hơn!

Ở đèo Sait-Bernard chàng gặp nạn
Khi đi lên cao, vào buổi cầu kinh
Những lời cầu nguyện dường như lặng ngừng
Một giọng nói giữa không trung vang vọng:
Cao hơn!

Xác kẻ du hành vùi trong tuyết phủ
Chỉ chó tìm ra sau một thời gian
Vẫn lá cờ nguyên vẹn trong tay chàng
Với dòng chữ đề vô cùng xa lạ:
Cao hơn!

Giờ ở đó, giữa lạnh lùng màu xám
Chàng yên giấc với vẻ đẹp tuyệt vời
Từ bầu trời sáng sủa và xa xôi
Một giọng nói như ngôi sao rụng xuống:
Cao hơn!
_________
*Bài thơ này lần đầu in trong tập “Ballads and Other Poems” năm 1842 nổi tiếng như một lời tuyên ngôn vì những lý tưởng cao cả. Sau đó, bài thơ này trở thành đối tượng của vô vàn những bài thơ phóng tác và nhại theo nó.
Excelsior! (tiếng Latinh) – Cao hơn! (Cao hơn nữa!). Trên biểu tượng của bang New York có dòng chữ này.





BẢN THÁNH CA CỦA CUỘC ĐỜI

Xin đừng nói bằng một giọng u buồn
Rằng cuộc đời là một giấc mơ suông!
Linh hồn chết là linh hồn thiu ngủ
Nghĩa sâu xa của đời sống còn không.

Đời là thực! Đời là một chiến công
Thân mất đi nhưng linh hồn còn mãi
“Thân cát bụi lại trở về cát bụi”
Lời trên đây không phải nói về hồn.

Không buồn khổ và cũng không hưởng lạc
Mà mục tiêu ta sống ở đời này
Vì ngày mai đẹp hơn ngày hôm nay
Cuộc đời giục ta đi về phía trước.

Nghệ thuật dài lâu, thời gian có ít
Đừng để mất trong đó một điều gì
Hãy nhớ rằng tiếng kèn của đám ma
Là tiếng tim ta liên hồi đang đập.

Trong cuộc sống nhiều chông gai thử thách
Và cuộc đời riêng ngắn ngủi, tầm thường
Chớ làm một kẻ nô lệ đáng thương
Mà anh hùng, thử thách qua trận mạc.

Đừng than khóc điều gì trong quá khứ
Hay ước ao gì đó ở tương lai
Mà hãy hành động vì ngày hôm nay
Tin sức mình, và chỉ tin ở Chúa.

Những chiến công của bao người vĩ đại
Thúc giục ta đi tiếp một con đường
Mà rồi đây trên cát của thời gian
Dấu chân mình, biết đâu, ta để lại.

Dấu chân ấy một ngày mai có thể
Giúp được những người lầm lạc đau thương
Nhìn thấy giấu chân họ sẽ vững lòng
Và khơi dậy niềm phấn khích trong họ.

Vậy thì chúng ta đứng lên hành động
Hãy tận tâm với công việc hết mình
Biết học hỏi trong lao động quang vinh
Và đợi chờ một ngày vui sẽ đến.


MŨI TÊN VÀ BÀI CA

Tôi phóng lên trời một mũi tên
Mũi tên rơi nơi nào không biết được
Thật uổng phí ánh mắt tôi dõi nhìn
Lao vút nhanh rồi mũi tên mất hút.

Và tôi thả bài ca vào trời xanh
Không biết được lời bay đi đâu đó
Có ai thấy, có ai biết được rằng
ở nơi nào bài ca trong ngọn gió.

Mãi sau đó rất lâu, trên cây sồi
Tôi tìm thấy mũi tên còn nguyên vẹn
Và bài ca vẫn đầy đủ những lời
Tôi tìm thấy trong con tim người bạn.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 19:30:30


Walt Whitman (31/5/1819 – 26/3/1892) – nhà thơ, nhà báo, nhà nhân văn, nhà cải cách thơ Mỹ, tác giả của tập thơ Lá cỏ nổi tiếng thế giới.

Tiểu sử
Walt Whitman sinh ở West Hills, Long Island, là con thứ hai trong chín đứa con của Walter và Louisa Van Velsor Whitman. Bố làm nghề thợ mộc, được ông nội chia cho một phần đất xây nhà, nay vẫn còn được lưu giữ như là “nơi sinh của Walt Whitman”. Mẹ là con gái của một người chăn nuôi gốc Hà Lan nhưng họ hàng trước đó đều là những người đi biển. Năm Whitman lên 4 tuổi, gia đình chuyển về Brooklyn, tại đây bắt đầu đến trường. Cũng trong thời gian này bắt đầu làm quen với nghề xuất bản, in ấn và bắt đầu thích viết. Từ năm 16 đến 21 tuổi làm nghề dạy học và viết loạt bài Sun-Down Papers from the Desk of a Schoolmaster (Những ghi chép từ chiếc bàn thầy giáo buổi hoàng hôn). Năm 1841 thôi nghề dạy học, trở về New York City làm ở nhà in. Năm 1842 biên tập cho báo New York Aurora nhưng chỉ sau một thời gian ngắn phải chuyển sang làm với các tờ báo khác vì những bài viết phê phán tư bản bóc lột thợ thuyền. Thời gian này Whitman bắt đầu dành nhiều thời gian cho thơ ca.
Những năm 1852-1854 làm nghề thầu xây dựng. Đầu năm 1855 bắt đầu chuẩn bị tập thơ Leaves of Grass (Lá cỏ). Do không tìm được nhà tài trợ, Whitman tự bỏ tiền túi và chế bản một phần cuốn sách. Tập thơ in lần đầu này gồm 12 bài thơ và một bài mở đầu, sau này có tên gọi Song of Myself (Hát về mình). Thay vì đề tên tác giả ở trang bìa, Walt Whitman in chân dung của mình mặc áo trắng, quần công nhân và đội mũ ống. Trong bài mở đầu nhà thơ tự giới thiệu “Walt Whitman, người Manhattan”, bắt đầu bằng “I celebrate myself, and sing myself”. Chủ đề xuyên suốt của tập thơ là ý nghĩa của đời sống con người trong mối liên hệ giữa tâm hồn và thể xác, giữa thần thánh và người trần mắt thịt, sự tiến hóa của những hình thái cuộc sống, sự bình đẳng giữa mọi sinh linh và cuộc phiêu lãng muôn thuở của linh hồn trong quá trình sinh, tử và hồi sinh lại. Tập thơ ra đời không được đón chào như tác giả mong đợi, giới phê bình coi đó là những vần thơ “thông tục, tầm thường”.. Tuy vậy “Lá cỏ” ngay lập tức được Ralph Waldo Emerson, là người lúc đó đã rất nổi tiếng, đánh giá cao. Ralph Waldo Emerson gửi thư khen ngợi và động viên Walt Whitman. Năm 1856 in lại lần thứ hai có bổ sung thêm những bài thơ mới khác cùng với bức thư của Ralph Waldo Emerson. Và sau đó được bổ sung, in lại rất nhiều lần, chỉ tính thời Walt Whitman còn sống đã được in lại 6 lần. Tập thơ “Lá cỏ” là tác phẩm thơ duy nhất thể hiện vẻ muôn mặt của đời sống nước Mỹ và đề cao tư tưởng dân chủ. Thế kỷ XX, “Lá cỏ” được thừa nhận là một trong những sự kiện văn học quan trọng nhất, đã làm một cuộc cách mạng trong thi ca, với sự ra đời của một thể thơ mới – thơ tự do, mà Walt Whitman là người khởi xướng.

Thơ của Walt Whitman có sự ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn của thế giới như: T. S. Eliot, Ezra Pound, Galway Kinnell, Langston Hughes, William Carlos Williams, Pablo Neruda, Arthur Rimbaud, Federico García Lorca, Fernando Pessoa, Vladimir Mayakovsky…

Tác phẩm:
*Leaves of Grass, 1855 - 95 trang; 12 bài thơ
*Leaves of Grass, 1856 – 32 bài thơ
*Leaves of Grass, 1860 –456 trang; 178 bài thơ
*Drum-Taps, 1865
*Leaves of Grass, 1867 - 6 bài thơ mới
*Leaves of Grass, 1871–72 thêm 120 trang
*Memoranda During the War, 1875
*Leaves of Grass, 1881–82 - thêm 17 bài thơ mới, bớt 39 bài khác
*Leaves of Grass, 1891–92
*Walt Whitman, Poetry and Prose (Justin Kaplan, ed.)
*Walt Whitman: Selected Poems, American Poets Project (Harold Bloom, ed.)



Song of Myself (Hát về mình)

1
Tôi ca tụng mình, tôi hát về mình
Và cái tôi nhận về thì quí vị cũng nhận về mình như thế
Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi, cũng thuộc về quí vị.

Tôi là người lữ thứ, tôi gọi hồn tôi về
Tôi, kẻ vô công rồi nghề, cúi nhìn hoa cỏ mùa hè.

Lưỡi tôi, mỗi nguyên tử trong máu tôi là từ đất đai, từ không khí này
Sinh ra từ cha mẹ ở đây, và họ cũng sinh ra ở đây
Năm này tôi 37, cái tuổi tràn trề sinh lực
Và hy vọng sẽ không ngừng cho đến ngày tôi chết.

Những giáo điều và những trường học sẽ trống không
Cứ để cho quay lại một thời gian, chúng tốt đẹp ở nơi cần, nhưng ta sẽ không quên
Tôi tiếp nhận Tự nhiên như vốn có, thừa nhận mọi nơi, mọi lúc
Nói hết mọi điều với sức lực buổi đầu tiên.

7
Ai đấy nghĩ rằng sinh ra trên đời này là hạnh phúc?
Tôi vội vàng nói với người này (anh hoặc chị) rằng chết cũng là hạnh phúc, tôi biết điều này.

Tôi chết cùng với người đang chết và sinh ra cùng đứa bé vừa sinh, tôi ở giữa mũ và giày
Tôi nhìn thấy những vật khác nhau, không cái nào giống cái nào, mọi thứ đều tốt đẹp
Mặt đất tốt, những ngôi sao cũng tốt và những thứ phụ thuộc vào cũng tốt.

Tôi không phải là đất mà cũng chẳng phải là những thứ phụ thuộc của đất đai
Tôi là đồng chí, là bạn của mọi người, họ cũng là những người bất tử như tôi
(Họ không biết rằng họ bất tử nhưng tôi biết.)

Mọi thứ đều tồn tại tự thân và vì những cái của mình, với tôi là những gì thuộc về đàn ông và phụ nữ
Với tôi, đấy là những chàng trai, những người biết yêu thương phụ nữ
Với tôi, đấy là những người đàn ông kiêu hãnh, biết không để ai xúc phạm điều gì
Với tôi, đấy là người tình và cô gái già quá lứa, là những người mẹ, những cụ bà
Với tôi, đấy là những bờ môi hay cười, những đôi mắt nhiều khi rơi lệ
Với tôi, đấy là con trẻ và những người sinh ra con trẻ.

Hãy buông tấm màn trang trí! Quí vị chẳng có gì sai trái với tôi, không có ai là người xưa cũ, bị thải hồi
Tôi nhìn xuyên qua vải bông kẻ, vải len mỏng khổ đôi
Tôi có mặt ở khắp nơi, giữa những người kiên trì, những người biết tiếp thu, những người đầy sinh lực, và quí vị không thể nào xa tôi được.

17
Đây quả thực là ý nghĩ của tất cả mọi người, sống ở mọi thời, mọi xứ sở chứ không chỉ của riêng tôi
Nếu những ý nghĩ này không phải là của bạn, mà chỉ của tôi, thì chúng không đáng kể gì hoặc gần như là như thế
Nếu chúng không phải là điều bí ẩn và không phải là lời giải điều bí ẩn thì cũng chẳng đáng gì hết cả
Nếu chúng không ở thật gần mà không ở thật xa thì chúng cũng chẳng đáng gì.

Đấy là cỏ, cỏ mọc khắp nơi, ở nơi nào có đất và nước
Đấy là không khí cho tất cả mọi người trên mặt đất.

***



Đêm bên bờ biển một mình

Đêm bên bờ biển một mình
Biển như bà mẹ già giọng khàn khàn hát ru mặt đất
Còn tôi nhìn những ngôi sao sáng, nghĩ về mạch nguồn của vũ trụ, tương lai.

Khoảng rộng bao la bao trùm lấy muôn loài
Mọi tinh cầu, bé và to, thấy và không, mặt trời, mặt trăng và những vì tinh tú
Mọi khoảng cách của thời gian, vô vàn hình thái
Mọi linh hồn, mọi cơ thể sống trong sự khác nhau và trong những thế giới khác nhau
Mọi thể khí, lỏng, khoáng, thực vật, gia súc và cá
Mọi dân tộc, sắc màu, sự dã man, văn minh và ngôn ngữ.
Mọi cá tính đã từng tồn tại hoặc có thể đã từng tồn tại ở hành tinh khác hoặc hành tinh này
Mọi cuộc sống, cái chết, tất cả đều ở trong quá khứ, hiện tại, tương lai
Khoảng rộng bao la tất cả bao trùm và bao giờ cũng thế
Và mãi mãi vẫn bao trùm và giữ lấy cho mình.

Khi tôi đọc cuốn sách

Khi tôi đọc cuốn sách, là tiểu sử của người nổi tiếng
Cuốn sách này (tôi nói), có phải tác giả gọi ra đời sống con người?
Vậy thì khi tôi chết, ai đấy cũng sẽ viết về cuộc đời của tôi?
(Có vẻ như người này biết về cuộc đời tôi rất giỏi
Không, tôi nghĩ rằng cuộc đời thực của mình, tôi cũng không biết nổi
Chẳng qua chỉ là những câu ám chỉ bóng gió mà thôi
Những thứ mà tôi vẫn đi tìm cho mình để đánh dấu ở đây.)

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 19:36:35


Irwin Allen Ginsberg (3/6/1926 – 5 /4/1997) – nhà thơ Mỹ, tác giả của bài thơ Tiếng tru (Howl) nổi tiếng thế giới, là một trong những thủ lĩnh của “Thế hệ Beat” những năm 60, thế kỉ XX.

Tiểu sử:
Allen Ginsberg sinh tại Newark, New Jersey, là con của Naomi Levi Ginsberg, một phụ nữ Nga gốc Do Thái và Louis Ginsberg, một nhà thơ có uy tín ở địa phương. Allen Ginsberg học Đại học Columbia. Bước ngoặt trong đời chàng sinh viên đang mơ ước trở thành luật gia chuyên về luật lao động là khi ông gặp Jack Kerouack và Williams S. Burroughs, những nhà văn về sau sẽ trở thành nòng cốt của phong trào Beat. Tốt nghiệp đại học năm 1948, ông làm rất nhiều nghề: thủy thủ, thợ nhà in, rửa bát, điểm sách, nhân viên tiếp thị... Năm 1950 Allen Ginsberg đến San Francisco, ở đó ông gặp các nhà thơ Kenneth Rexroth, Gary Snyder, Lawrence Ferlinghetti.
Ngày 13 tháng 10 năm 1955, Ginsberg đọc bài thơ dài Tiếng tru (Howl) tại Gallery Six ở San Fransisco trước một cử tọa cuồng nhiệt. Bài thơ được Hiệu sách City Lights (Đèn Thành phố) của Ferlinghetti xuất bản năm 1956, đã bị ra tòa với tội danh “văn hóa phẩm bẩn thỉu”, nhưng kết quả là trắng án. Bài thơ này được dịch ra 23 thứ tiếng trên thế giới. Howl và những bài thơ sau đó của Ginsberg thể hiện sự ảnh hưởng của thơ cổ Ấn Độ, các nhà thơ siêu thực Pháp, nhà thơ Anh thế kỷ XIX William Blake và các nhà thơ Mỹ Walt Whitman, William Carlos Williams…
Ginsberg đã làm thay đổi giọng thơ Mỹ và trở thành bộ mặt trung tâm của trào lưu phản - văn hóa những năm 60. Trong thời nhiễu loạn ấy giới trẻ Mỹ đã coi ông như người dẫn đường tinh thần, một Đạo sư của những kẻ “rời bỏ”. Ông cũng tham gia những cuộc phản đối chính trị và đưa tinh thần ấy vào thơ (đòi quyền tự do, quyền của những kẻ yếu - nhất là những người đồng tính luyến ái, chống nhà nước cảnh sát Mỹ, chống chiến tranh Việt Nam và bom hạt nhân),
Allen Ginsberg đã được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mỹ. Ông mất tại New York City vì bệnh ung thư gan.

Tác phẩm:
*Howl and Other Poems (Tiếng tru và những bài thơ khác, 1956)
*Empty Mirror: Early Poems (1961),
*Kaddish and Other Poems (Kaddish và những bài thơ khác, 1961)
*Reality Sandwiches (Thực tế cô đọng, 1963)
*Wichita Vortex Sutra (1966)
*T. V. Baby Poems (1967)
*Planet News (Tin tức của hành tinh, 1968)
*The Fall of America (Sự sụp đổ của nước Mỹ, 1972)
*The Fall of America: Poems of these States (1973)
*Mind Breaths: Poems 1971 - 1976 (1978)
*Plutonian Ode: Poems 1977 - 1980 (1982)
*Many Loves (1984)
*Cosmopolitan Greetings: Poems, 1986 - 1992 (1994)
*Collected Poems 1947–1980 (1984)
*Selected Poems: 1947–1995 (1996)



SIÊU THỊ Ở CALIFORLIA

Tôi nghĩ gì về ông đêm nay, Walt Whitman, khi đi theo những đường phố nhỏ dưới hàng cây, ngắm trăng tròn mà đầu đau nhức nhối.
Mệt và đói, tôi đi mua hình ảnh cho mình, ghé vào siêu thị trái cây sáng đèn nê-ông, tôi mơ màng về những điều thơ ông nói!
Những trái đào và những vùng nửa tối! Những gia đình cả nhà đi mua sắm ban đêm! Những lối đi đầy các ông chồng! Những bà vợ bên đống lê, những đứa bé bên đống cà chua! – còn ông, Garcia Lorca, ông đang làm gì dưới kia, bên những quả dưa hấu vậy?
Tôi thấy ông, Walt Whitman, không con cái, bợm nhậu già cô đơn đang sờ những tảng thịt trong tủ băng và đang ngó nhìn những chú bán hàng tạp hóa.
Tôi nghe những lời ông hỏi: Ai giết thịt heo? Giá chuối bao nhiêu? Cậu có phải Thiên thần của tớ?
Tôi đi theo ông, lang thang giữa những dãy lon sáng lóa mà cứ ngỡ như đang dõi theo bước chân tôi những thiết bị bảo vệ của cửa hàng.
Ta cùng sải bước chân theo những hành lang, trong sự tưởng tượng cô đơn ta cùng nếm vị artisô ngon, tận hưởng mọi mỹ vị cao lương nằm trong tủ ướp băng và không bao giờ đi qua chỗ cô thu ngân.
Ta đi đâu bây giờ, Walt Whitman? Một giờ nữa là người ta đóng cửa. Đêm nay chòm râu của ông sẽ hướng về đâu?
(Tôi chạm vào quyển sách của ông và tôi ước ao về một cuộc phiêu lưu của chúng mình trong siêu thị mà cảm thấy tất cả đều nhảm nhí).
Ta sẽ thơ thẩn suốt đêm trên những con đường vắng vẻ? Cây thả bóng lá bóng cành vào bóng và đèn đóm trong các nhà tắt ngấm, chỉ còn lại hai ta.
Ta thơ thẩn mà mơ về tình yêu nước Mỹ đã mờ xa, khi đi qua những chiếc ô-tô màu xanh trên đường ta về nhà, mái nhà tranh của chúng mình chìm trong im lặng.
Ôi, người cha thân yêu chòm râu bạc trắng, người thầy giáo già cô đơn dạy lòng dũng cảm, ông đã từng có nước Mỹ nào khi Charon chở ông sang bờ khói sương mờ mịt, và ông đứng nhìn con thuyền dần biến mất trên dòng đen kịt của Lethe?(1)
____________
(1)Charon – ông già lái đò chở những âm hồn dưới địa ngục. Lethe – dòng sông dưới địa ngục. Charon chở những âm hồn qua sông Acheron và sông Styx, chứ không phải qua sông Lethe. Sông Lethe, tiếng Hy Lạp nghĩa là Quên lãng, được đặt ở ngoài ngục để cho những âm hồn đến rửa ráy sau khi đã chuộc lỗi lầm, để dòng sông này sẽ cuốn đi những kỉ niệm đau buồn về những điều lầm lỗi (Allen Ginsberg nhầm chi tiết này).



BÀI CA

Gánh nặng chốn trần gian
là tình.
Dưới gánh nặng
của sự cô đơn
dưới gánh nặng của sự không bằng lòng

gánh nặng
gánh nặng ta mang
là tình.

Ai người phủ nhận?
Rằng trong mộng
tình chạm
vào thân
trong ý tưởng
tình làm nên
điều kỳ diệu, kỳ công
trong trí tưởng tượng
tình đau buồn
một khi chưa sinh
trong người trần –
nhìn từ trái tim
tinh khiết cháy lên –
vì gánh nặng chốn trần gian
là tình

nhưng gánh nặng ta mang
mệt mỏi
ta cần sự dịu êm
trong vòng tay tình ái
và cuối cùng
có tĩnh lặng, dịu êm
trong vòng tay tình ái

nhưng chẳng có dịu êm
chẳng tình
không ngủ
không nói mớ
về tình –
lạnh lẽo hay điên cuồng
ám ảnh bởi thiên thần
hay máy móc
thì điều cuối cùng mong ước –
là tình
- chẳng cay đắng trong lòng
không thể nào phủ nhận
không thể nào giấu diếm
dù có chối phăng:

gánh nặng quả vô cùng nặng

ta cần đem cho
mà chẳng nhận về
như ý tưởng
từng đến
trong sự cô đơn
trong tất cả vẻ huy hoàng
trong sự thừa mứa của tình.

Thân xác ấm nồng
cùng toả sáng lên
trong bóng tối
bàn tay qua lại
về điểm trung tâm
của xác thân
làn da run bần bật
vì hạnh phúc
và tâm hồn
hân hoan trong ánh mắt –

vâng, vâng
quả thật rằng
tôi ao ước
tôi luôn luôn ao ước
tôi luôn luôn ao ước
quay trở về
với thể xác kia
nơi tôi sinh ra ngày trước.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 19:46:56


Carl August Sandburg (6/1/1878—22/7/1967) – nhà thơ, nhà văn, nhà thư mục, người sưu tầm văn hóa dân gian Mỹ.

Tiểu sử:
Carl August Sandburg sinh ở Galesburg, Illinois trong một gia đình nhập cư người Thụy Điển. Thời trẻ phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Năm 1898 tham gia đoàn tình nguyện của chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ, đi sang Puerto Rico. Khi trở về, học trường Lombard College ở Galesburg. Ở đây bắt đầu in những bài thơ đầu tiên. Năm 1902 bắt đầu làm báo và tham gia hoạt động chính trị. Năm 1913 chuyển đến Chicago, cộng tác với các báo Chicago Daily NewsThe Day Book. Cũng trong thời gian này thường xuyên in thơ ở tạp chí Thơ và trở thành một nhà thơ nổi tiếng của nước Mỹ.
Ngoài thơ ca, sự nghiệp văn xuôi của Sandburg cũng rất đồ sộ. Ông đặc biệt nổi tiếng với các tập sách viết về Abraham Lincoln, về chiến tranh và các tập sách biên soạn, sưu tầm những bài hát của dân gian. Carl August Sandburg được tặng hai giải Pulitze và giải Grammy.

Tác phẩm:
*Chicago Poems (Những bài thơ Chicago, 1916), thơ
*Cornhuskers (Người thu hoạch ngô, 1918), thơ
*Chicago Race Riots (Những cuộc bạo loạn sắc tộc ở Chicago: Walter Lippmann viết lời giới thiệu, 1919), văn xuôi
*Smoke and Steel (Khói và thép, 1920), thơ
*Rootabaga Stories (Những câu chuyện Rootabaga, 1920), truyện thiếu nhi
*Rootabaga Pigeons (Bồ câu Rootabaga, 1923), truyện thiếu nhi
*Selected Poems (Thơ tuyển. 1926), thơ
*Abraham Lincoln: The Prairie Years (Abraham Lincoln: Những năm thơ ấu, 1926)
*The American Songbag (Túi bài ca nước Mỹ, 1927), thơ dân gian
*Songs of America (Những bài ca của nước Mỹ, 1927), thơ dân gian
*Good Morning, America ( Chào nước Mỹ, 1928), thơ
*Early Moon (Trăng non, 1930), thơ
*Potato Face (Gương mặt khoai tây, 1930), truyện thiếu nhi
*Mary Lincoln: Wife and Widow (Mary Lincoln: Người vợ và goá phụ, 1932), sách tiểu sử
*The People, Yes (Nhân dân, Vâng, 1936), thơ
*Abraham Lincoln: The War Years (Abraham Lincoln: Những năm chiến tranh, 1939), sách tiểu sử
*Remembrance Rock (Đá của kí ức, 1948), tiểu thuyết
*The New American Songbag (Túi bài ca mới của nước Mỹ, 1950), thơ dân gian
*Complete Poems (Tuyển tập thơ, 1950), thơ
*Always the Young Strangers (Mãi mãi là những người xa lạ trẻ trung, 1953), tự truyện
*Selected poems of Carl Sandburg (Thơ tuyển, Rebecca West hiệu đính, 1954), thơ


BA LỜI

Ngày còn bé tôi từng nghe ba lời
Cả nghìn người Pháp chết trên đường phố
Vì: Tự do, Bình đẳng và Bác ái
Tôi hỏi: vì sao họ chết vì lời.

Tôi lớn lên, những chú bác râu đầy
Bảo tôi rằng có ba lời quan trọng:
Mẹ, Gia đình, Bầu trời – còn khi người lớn
Người đeo huân chương bảo: Sự bất diệt, Bổn phận, Chúa Trời
Họ nói ba lời này mà xúc động khôn nguôi.

Trên chiếc đồng hồ lớn ngày tháng nối đuôi
Những số phận người, bỗng nhiên chuyển động
Từ đất nước Nga vô cùng rộng lớn
Binh lính, thợ thuyền không sợ chết xông lên
Vì: Đất đai, vì Cơm áo, Hòa bình.

Tôi thấy chàng thủy thủ Mỹ, trong một lần
Cùng cô gái trẻ, nàng ngồi trên đầu gối
Chàng thủy thủ bảo: có ba lời cần nói
Cho anh xin ít trứng, ít giăm bông
Và gì nữa? – Và một chút tình
Em yêu của anh!”




CỎ

Xác chất đống ở Austerlitz và Waterloo(1)
Chôn xuống mộ, và hãy cho tôi làm việc
Tôi là cỏ: tôi che lấp hết.

Và xác chất đống ở Gettysburg
Và xác chất đống ở Ypres, Verdun
Chôn xuống mộ, và hãy cho tôi làm việc.
Hai năm, mười năm, và hành khách hỏi người soát vé:
Đây là chỗ nào?
Chúng ta đang ở đâu?

Tôi là cỏ
Hãy cho tôi làm việc.
_________________
(1)Austerlitz (nay là Slavkov, cộng hòa Séc) – nơi từng diễn ra trận đánh nổi tiếng của Napoleon năm 1805.
Waterloo – thành phố ở Bỉ nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng của Napoleon năm 1815.
Gettysburg – thành phố ở Mỹ năm 1863 ở đây xảy ra một trận đánh lớn trong thời kì Nội chiến.
Ypress – thành phố ở Bỉ, nơi xảy ra một trận đánh lớn trong chiến tranh Thế giới 1.
Verdun – thành phố ở Pháp
, nơi diễn ra trận đánh giữa Đức và Pháp trong chiến tranh Thế giới 1.



XE LỬA TỐC HÀNH

Tôi đi trên xe lửa tốc hành, con tàu của niềm tự hào dân tộc.
Con tàu lướt trên thảo nguyên, qua khói sương, mười lăm toa với cả nghìn hành khách.
(Tất cả các toa tàu rồi sẽ thành một chùm sắt gỉ và tất cả hành khách cười trong toa ăn, toa ngủ rồi sẽ trở thành tro).
Tôi hỏi một người đàn ông trong toa hút thuốc: đi về đâu, và người ấy trả lời: “Omaha”.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 19:54:45


William Carlos Williams (thường viết tắt là WCW, 17 tháng 9 năm 1883 – 4 tháng 3 năm 1963) – nhà thơ Mỹ, một gương mặt quan trọng của thơ ca Mỹ thế kỷ XX.

Tiểu sử:
William Carlos Williams sinh tại Rutherford, New Jersey. Bố là William George Williams - người Anh di cư sang Mỹ, mẹ là Helene Raquel Williams – người gốc Pháp sinh ở Puerto-Rico. Năm 1902 vào học khoa y ở Đại học Pennsylvania. Thời sinh viên kết bạn với Ezra Pound, Marianne Moore và Hilda Doolittle. William Carlos Williams cả đời hành nghề bác sĩ ở thành phố quê hương và cứ khoảng 2 năm lại in một tập thơ. Những tác phẩm đáng kể nhất của ông có thể kể đến: In the American Grain (Trên đất Mỹ, 1925) – sách về những danh nhân nước Mỹ, The Great American Novel (Tiểu thuyết vĩ đại của nước Mỹ, 1923) – viết về tiểu Ulysses của James Joyce, The White Mule (Mule trắng, 1938) – tiểu thuyết về trẻ sơ sinh, Spring and All, (Mùa xuân và tất cả, 1923) – tập thơ, Collected Later Poems, (Tuyển tập thơ thời kỳ sau, 1950), Paterson (Tập thơ, 1946–1958)

William Carlos Williams là nhà thơ đã làm thay đổi diện mạo thơ ca Mỹ hiện đại. Ông là nhà thơ góp phần quan trọng nâng cao ý thức về tính đặc thù của văn chương Mỹ. Một nền văn chương đề cao sự cụ thể, tính địa phương, và sự trực tiếp trong ngôn ngữ. Ông quan niệm ngôn ngữ thơ phải có khả năng truyền đạt trực tiếp, như cái cách mà nó được sử dụng trong đàm thoại hàng ngày. Ông phản đối ngôn ngữ “gợi mở” nghệ thuật của T. S. Elliot, gọi tác phẩm Đất hoang là “một thảm họa vĩ đại”. Thơ, theo ông, phải mang tính đặc thù địa phương, cụ thể và chính xác. Khẩu hiệu thơ nổi tiếng của Williams: “không ý tưởng, chỉ bằng vào sự vật”. Dưới đây là một bài thơ rất nổi tiếng trong những năm 20, thế kỷ XX.

so much depends
upon
a red wheel
barrow
glazed with rain
water
beside the white
chickens.


quá nhiều thứ
phụ thuộc
vào chiếc xe ba gác
màu đỏ
che phủ bới
nước mưa
bên cạnh đàn gà
màu trắng.


Bài thơ là một câu gồm 14 từ rất đơn giản, không vần điệu và không sử dụng một thủ thuật nào cả. Nhìn sự vật và hiện tượng theo một cách mới mẻ như vốn có, không theo những khuôn phép cũ – đó là đòi hỏi của thơ Mỹ hiện đại mà William Carlos Williams là một trong những người đi đầu. Trong tinh thần này, Williams hoàn toàn đi ngược lại những nhà hiện đại chủ nghĩa đương thời như T.S. Elliot, Wallace Stevens. Ông khước từ tính biểu tượng của sự vật trong thơ. Tuy vậy, trong trường ca Paterson viết vào lúc cuối đời, nhiều hình ảnh trong thơ ông cũng mang tính biểu tượng. Với trường ca Paterson, ông cho thấy những tầng lớp phức tạp của kiểu thơ trí tuệ mà trước đây ông khước từ. Williams Carlos Williams được tặng giải thưởng thơ năm 1950. Năm 1963 được tặng huy chương vàng của Viện nghệ thuật Quốc gia và giải Pulitzer. Ông là nhà thơ ảnh hưởng đến nhiều tên tuổi nổi tiếng như Allen Ginsberg, Charles Olson, Denise Levertov, Robert Creeley, Robert Lowell...

 Tác phẩm:
Thơ:
*Poems (1909)
*Five of Shot of Five (1910)
*The Tempers (1913)
*Al Que Quiere (1917)
*Kora in Hell. Improvisations (1920, repr. 1973)
*Sour Grapes (1921)
*Spring and All (1923)
*Go Go (1923)
*The Cod Head (1932)
*Collected Poems, 1921-1931 (1934)
*An Early Martyr and Other Poems (1935)
*Adam & Eve & The City (1936)
*The Complete Collected Poems of William Carlos Williams, 1906-1938 (1938)
*The Broken Span (1941)
*The Wedge (1944)
*Paterson (Book I, (1946); Book II, (1948); Book III, (1949); Book IV, (1951); Book V, (1958)
*Clouds, Aigeltinger, Russia (1948)
*The Collected Later Poems (1950; rev. ed.1963)
*Collected Earlier Poems (1951; rev. ed., 1966)
*The Desert Music and Other Poems (1954)
*Journey to Love (1955)
*Pictures from Brueghel and Other Poems (1962)
*Paterson (Books I-V in one volume, (1963)
*Imaginations (1970)
*Collected Poems: Volume 1, 1909-1939 (1988)
*Collected Poems: Volume 2, 1939-1962 (1989)
*Early Poems (1997)
Văn xuôi:
*Kora in Hell (1920)
*The Great American Novel (1923)
*Spring and All (1923)
*In the American Grain (1925, 1967, repr. New Directions 2004)
*A Voyage to Pagany (1928; repr. 1970)
*Novelette and Other Prose (1932)
*The Knife of the Times, and Other Stories (1932; repr. 1974)
*White Mule (1937; repr. 1967)
*Life along the Passaic River (1938)
*In the Money (1940; repr. 1967)
*Make Light of It: Collected Stories (1950)
*Autobiography (1951; 1967)
*The Build-Up (1952)
*Selected Essays (1954)
*The Selected Letters of William Carlos Williams (1957)
*I Wanted to Write a Poem: The Autobiography of the Works of a Poet (1958)
*Yes, Mrs. Williams: A Personal Record of My Mother (1959)
*The Farmers' Daughters: Collected Stories (1961)
*Imaginations (1970)
*The Embodiment of Knowledge (1974)
*Interviews With William Carlos Williams: "Speaking Straight Ahead" (1976)
*A Recognizable Image: William Carlos Williams on Art and Artists (1978)
*Pound/Williams: Selected Letters of Ezra Pound and William Carlos Williams (1996)
*The Collected Stories of William Carlos Williams (1996)
*The Letters of Denise Levertov and William Carlos Williams (1998)
*William Carlos Williams and Charles Tomlinson: A Transatlantic Connection (1998)
Kịch:
*Many Loves and Other Plays: The Collected Plays of William Carlos Williams (1961)
Truyện ngắn:
*The Knife of the Times
*The Use of Force



Lời biện hộ

Tại vì sao ngày hôm nay tôi viết?

Đó là vẻ đẹp
những gương mặt khủng khiếp
của những kẻ vô danh
gợi cho tôi cảm xúc:

những phụ nữ da đen
ngày làm việc của những công nhân
già cả và giàu kinh nghiệm
trở về nhà rất muộn
trong bộ quần áo nát nhàu
những gương mặt của họ giống như
cây sối Florentine xưa cũ.

Và nữa

Những bộ mặt của
Quí vị gây cảm hứng cho tôi –
những con người –
đáng nể nhưng
đó là chuyện khác.


Chân dung người vô sản

Một người phụ nữ to lớn đầu trần
mặc yếm

Với mái tóc chải bóng
đứng ở bên đường

một chân mang bít tất phụ nữ
chạm đến lề đường

Chiếc giày nàng cầm trong tay. Và nhìn
vào trong rất chăm chú

Người phụ nữ lôi cái đế giày bằng giấy
muốn tìm chiếc đinh

Đã từ lâu làm đau chân nàng


Chiếc xe ba gác màu đỏ

quá nhiều thứ
phụ thuộc

vào chiếc xe ba gác
màu đỏ

che phủ bới
nước mưa

bên cạnh đàn gà
màu trắng.


Ký ức tháng Tư

Bạn nói: “Tình yêu là, tình yêu là:
chiếc lá cây dương, là chùm liễu rủ
là chiếc lược của mưa của gió
là giọt nhỏ và tiếng leng keng –
những cành lá rung rinh” – Ha!
Tình không bao giờ đến những nơi này cả.


  Điều cần nói

Anh đã ăn
những quả nho khô
lấy từ
trong tủ lạnh

những quả nho
mà em định
để dành cho bữa sáng

Tha lỗi cho anh
nho thật là ngon
thật ngọt
và thật mát

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:02:43


Stephen Crane (1 /11 /1871 – 5 / 6 /1900) – nhà văn, nhà thơ Mỹ, một đại diện của trường phái ấn tượng.

Tiểu sử:
Stephen Crane sinh ở Newark, New Jersey. Bố là mục sư, mất khi Crane mới 10 tuổi. Năm 1888 học xong trung học, Crane vào học Lafayette College, sau đó học Đại học Syracuse. Bắt đầu viết từ năm 15 tuổi. Thời trẻ Crane viết báo và thích môn bóng chày. Năm 1891 mẹ mất, Crane đến New York thuê nhà ở, làm phóng viên của báo New York Tribune và viết bài cho một số báo khác. Năm 1893 viết cuốn , Maggie: A Girl of the Streets (Maggie: Cô gái của đường phố). Các nhà xuất bản từ chối in nên Crane bỏ tiền của mình ra in và lấy bút danh Johnston Smith. Sách bán không chạy những được các nhà phê bình Hamlin Garland và William Dean Howells khen ngợi. Cũng trong thời gian này Crane sáng tác nhiều thơ. Tập thơ The Black Riders and Other Lines (Những kị sĩ đen và những dòng khác, 1895) sử dụng thể thơ tự do của Walt Whitman với lối thơ cô đọng. Cùng với thơ, Crane viết The Red Badge of Courage (Dấu hiệu đỏ của lòng dũng cảm) là cuốn sách nổi tiếng thế giới. Cho đến nay vẫn được coi là cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về Nội chiến ở Mỹ. Cuốn sách này sau được in trong các số báo, mang lại cho tác giả tiếng tăm và tiền bạc.
Năm 1895 Crane đi về các bang miền Tây nước Mỹ và Mexico. Năm 1896 sang Cuba. Ngày 2-2-1897 con tàu mà Crane đi bị chìm trên biển, Crane may mắn thoát được vào bờ. Năm 1897, Crane làm phóng viên chiến trường trong chiến tranh Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ. sau khi chiến tranh kết thúc, Crane đi sang Anh. Những năm cuối đời, Crane bị bệnh lao nhưng vẫn phải làm việc vì mắc nợ nhiều. Năm 1900 ông phải đọc cho người khác chép cuốn tiểu thuyết cuối cùng The O'Ruddy. Ông mất ở khu nghỉ mỏt Badenweiler, Đức năm 1900. Thơ của Stephen Crane gần đây được dịch nhiều sang tiếng Việt.

Tác phẩm:
*Maggie: A Girl of the Streets (Maggie: Cô gái của đường phố).
*The Black Riders and Other Lines (Những kị sĩ đen và những dòng khác, 1895)
*The Red Badge of Courage (Dấu hiệu đỏ của lòng dũng cảm)
*The Blue Hotel (Khách sạn màu xanh, 1895) phóng sự
*George's Mother (Mẹ của George, 1896), tiểu thuyết
*The Third Violet (Màu tím thứ ba, 1896), tiểu thuyết
*The Open Boat and Other Tales of Adventure (Biển mở và những câu chuyện phiêu lưu khác, 1898), truyện
*War is kind (Chiến tranh tốt, 1899), thơ
*The Monster and Other Stories (Quái vật và những câu chuyện khác, 1899), truyện
*Wounds in the Rain (Vết thương trong mưa, 1900), truyện
*Whilomville Stories (Những câu chuyện Whilomville, 1900), truyện
*The O'Ruddy, tiểu thuyết



Đánh số thứ tự theo cuốn: The Poems of Stephen Crane. A critical edition by Joseph Katz. New York, 1966.

1
Những kỵ sĩ đen từ biển tới
Tiếng khiên và tiếng giáo mác khua vang
Tiếng móng guốc ngựa rì rầm
Tóc như sóng và tiếng kêu hoang dã
Bay đi trong gió
Đấy là sự Lỗi Lầm.

3
Trên sa mạc
Tôi gặp một người hoang dã trần truồng
Ngồi chồm hỗm trên đất
Giữ trong tay trái tim của mình
Và ăn trái tim.
Tôi hỏi: “Có ngon không anh bạn?”
Người này trả lời: “Cay đắng lắm
Nhưng mà tôi thích tim
Bởi vì tim cay đắng
Và bởi vì đấy tim mình”.

4
Vâng, lưỡi tôi có cả một ngàn
Nhưng 999 cái là gian dối
Tôi hy vọng dù chỉ còn một cái
Được hát lên như tôi vẫn ước mong
Nhưng cái này cũng đang chết trong mồm.

5
Một hôm có người đi đến
Nói rằng
“Hãy xếp cho tôi tất cả người trên mặt đất thành hàng”
Và ngay lập tức
Tiếng kêu la khủng khiếp vang lên
Người ta không muốn xếp thành hàng
Cả thế giới tranh chấp cãi cọ
Và cứ thế rất nhiều năm sau đó
Và máu đổ
Máu những ai không muốn đứng thành hàng
Và những ai muốn được đứng trong hàng.
Rốt cuộc, người này trước khi chết khóc than
Còn những người trong cuộc tranh giành đẫm máu
Nhưng điều chân lý giản đơn vẫn không hiểu thấu.

7
Chiếc bóng bí huyền cứ bám lấy tôi
Anh là ai?
Anh từ đâu đến?
Hãy nói giùm tôi điều này có đúng
Hay sự thật đắng cay tựa lửa nung
Hãy nói giùm!
Anh đừng sợ rằng tôi không dám
Tôi có thừa can đảm
Xin hãy nói giùm!

8
Tôi tìm kiếm nơi này
Tôi kiếm tìm nơi nọ
Người yêu không đâu có cả
Nhưng ngay trong lúc này
Nàng ở trong tim của tôi đây.
Tôi không hề than phiền, oán trách
Người tôi đi tìm dù có đẹp
Cũng không thể sánh với người
Đang sống trong tim tôi.

9
Tôi đứng trên đồi cao
Nhìn xuống: có biết bao con quỉ
Lượn lờ, bay nhảy.
Say sưa với lỗi lầm.
Một quỉ nhìn lên, cười nhe răng
Bảo tôi: “Chào người anh em, đồng chí!”

10
Giá như cả thế giới mênh mông này chao đảo
Bỏ lại sau mình nỗi sợ hãi màu đen
Và đêm đến vô cùng
Chẳng Thượng Đế, chẳng người, chẳng nơi anh đang đứng
Tất cả những điều nay, với anh đâu có gì quan trọng
Nếu em đứng gần với những bàn tay màu trắng của em
Thì ta sẽ bước trên con đường dài trước khi đến diệt vong.

16
Lòng nhân hậu chỉ là dối gian
Là đồ chơi của phụ nữ
Là niềm vui của một số đàn ông nào đó.
Nhưng khi có mặt sự công bằng
Thì xem kìa, những bức tường của ngôi đền
Có thể nhìn xuyên qua được
Ngươi chỉ là một hình thức của bóng mà thôi.

17
Một đoàn người bước đi trên đường
Họ không biết được đi về đâu cả
Dù thành đạt hay tai ương đi nữa
Thì tất cả đều là số phận chung.

Có một người tìm con đường mới hơn
Người này bước vào hoang vu rừng rậm
Cuối cùng, người này đã chết một mình
Nhưng ai cũng nói rằng anh ta dũng cảm.

32
Hai hay ba thiên thần
Bay sát gần mặt đất.
Thiên thần nhìn thấy ngôi đền dẹp.
Dân chúng đổ về như những dòng suối đen
Liên tục, không ngừng
Thiên thần không làm sao hiểu được
Tại vì sao, tại vì sao
Dân chúng đổ về và ở đó rất lâu.

33
Tôi gặp một người khi đi trên đường
Người này nhìn tôi bằng ánh mắt cảm tình
Bảo tôi: “Anh hãy cho tôi xem dụng cụ”
Và tôi lấy ra một thứ
Cho người này xem
Người bảo tôi: “Đấy là lỗi lầm”
Tôi lấy ra cái khác
Người lại bảo: “Đấy là lỗi lầm”
Tôi cho người xem cái nữa
Lại vẫn: “Đấy là lỗi lầm”
Và cứ như thế đến cùng.
“Đấy là lỗi lầm” – người này luôn nói vậy.
Cuối cùng tôi kêu lên
”Nhưng mà tôi không còn thứ khác”.
Người này nhìn sang
Với ánh mắt cảm tình
Và nói: “Ôi, linh hồn tội nghiệp”.

34
Tôi đứng trên con đường lớn
Còn ở xung quanh
Là những kẻ bán hàng rong
Với tôi họ làm điệu bộ
Họ đưa ra những bức tượng nhỏ
Và bảo: “Đây là Đức Chúa của tôi
Tôi yêu Đức Chúa này”.

Tôi bảo: “Xin để tôi yên!
Hãy cất đi tượng Chúa của các anh
Và hãy để mặc tôi với Chúa của mình
Tôi không thể mua tượng của người xa lạ
Cho dù các anh vẫn tin hơn tất cả”.

36
Tôi gặp một nhà tiên tri
Người này giữ trong tay
Quyển sách những lời hay ý đẹp

– Ông ơi – tôi bảo –
Ông cho con xem chút nào.
– Ô, con ơi – người này bắt đầu.
– Ông ơi – tôi xin phép ngắt lời –
Ông đừng nghĩ rằng con là trẻ nhỏ
Con đã biết rất nhiều thứ đó
Kể cả những thứ viết trong sách này
Vâng, rất nhiều thứ.

Nhà tiên tri mỉm cười
Và mở cuốn sách
Những dòng chữ hiện ra trước mắt tôi
Thật là lùng: tôi bị mù ngay lập tức.

40
– Anh có yêu em không?
– Anh yêu em.
– Thế mà anh nhát gan như cáy.

– Nhưng mà, em yêu, quả vậy.
Khi anh muốn đến với em
Thì dư luận, gai góc vô vàn
Điều phiền muộn của anh
Cuộc sống của anh
Vô cùng rối rắm
Giống như khăn che mạng
Những điều này cản trở bước chân anh
Không điều gì anh có thể làm
Một cách yên ổn
Và anh chẳng dám.

– Nếu anh yêu em
Thì không tồn tại cả thế gian
Không dư luận
Tất cả chỉ là vớ vẩn
Chỉ có tình em
Và ý nghĩ về tình.
Anh có yêu em không?

– Anh yêu em
– Thế mà anh nhát gan như cáy
–Nhưng mà, em yêu, quả vậy.

41
Tình yêu đi bộ một mình
Bàn chân êm rộp lên vì đá sắc
Và bụi gai cứa lên gương mặt.
Tình yêu tìm ra người bạn đồng hành
Nhưng than ôi, người này không giúp gì được cả
Bởi người này có tên là Đau Khổ của Tim.

42
Tôi đi trên sa mạc
Và tôi kêu lên:
“Chúa ơi, hãy đưa con thoát khỏi chốn này”
Một giọng nói: “Đấy không phải là sa mạc”
Tôi kêu: “Nhưng mà, hãy nhìn xem
Cát, hơi nóng và chân trời mênh mông
Lại giọng nói: “Đấy không phải là sa mạc”.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:06:52


43
Lời của gió thì thầm:
“Tạm biệt! Tạm biệt!”
Những giọng nói thì thầm trong bóng đêm:
“Tạm biệt! Tạm biệt!”
Tôi giơ đôi bàn tay ra phía trước
Và kêu: “Không! Không!”
Lời của gió thì thầm:
“Tạm biệt! Tạm biệt!”
Những giọng nói thì thầm trong bóng đêm:
“Tạm biệt! Tạm biệt!”

44
Tôi đã từng ở trong bóng tối
Tôi không nhìn ra từ ngữ của mình
Không ao ước của con tim.
Bỗng đột ngột bừng lên ánh sáng

“Hãy cho tôi về lại với bóng đêm”

45
Truyền thống, các người chỉ dành cho trẻ sơ sinh
Là sữa lớn nhanh dành cho trẻ nhỏ
Chứ không phải đồ ăn dành cho những ông bố
Bởi vì -
Nhưng than ôi, tất cả chúng ta đều là trẻ nhỏ.

46
Vô vàn con quỉ đỏ từ trái tim
Nhảy ra trang giấy
Những con quỉ bé tí xíu
Rằng ngòi bút có thể đè lên
Và có nhiều con tung tăng trong mực
Kỳ lạ vô cùng
Viết bằng thứ nước phân chuồng
Trút ra những cảm xúc của trái tim.

47
“Hãy nghĩ như tôi nghĩ – một người nói thế –
Hoặc anh là kẻ xấu xa gớm ghiếc
Anh là con cóc”.

Suy nghĩ một lát rồi tôi trả lời
“Nếu thế thì tôi xin làm con cóc thôi”.

48
Xưa có một anh chàng
Quả là rất khôn ngoan
Trong mọi thứ đồ uống
Chàng chọn đồ uống đắng
Trong mọi thứ đụng chạm
Chàng chỉ thích kim châm.
Cuối cùng, chàng thốt lên rằng
“Không có gì hết cả
Không cuộc đời
Không niềm vui
Không đau đớn
Chỉ có quan điểm
Quan điểm đáng rủa nguyền!”

50

Em nói rằng em thánh thần, trong sạch
Thì anh vẫn biết thế mà
Bởi vì lỗi lầm của em anh chẳng nhìn ra
Nhưng mà những kẻ khác
Nhìn thấy lỗi lầm của người bạn của anh.

85

Em bảo anh rằng em thấy Chúa Trời
Anh bảo em đó là trang giấy
Và một ngọn nến đang cháy
Và con lừa dán mắt vào thôi.

103
Em tình yêu của anh
Em là tĩnh lặng trong buổi hoàng hôn
Khi những chiếc lá màu xanh yên lặng
Khi những chiếc lá trên cành rụng xuống
Và những dòng suối nhỏ hát lên
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Em là bão tố
Là những lỗ hổng giữa trời đen đúa
Và nức nở không ngừng
Rồi trút nước làm cây rung
Thở hổn hển
Cuối cùng im hẳn
Chỉ tiếng kêu buồn của con cú cô đơn
Khổ thân anh!

Em tình yêu của anh
Em là vật trang sức lấp lánh
Mà trong lúc đùa
Anh trót làm cho
Vỡ ra thành nhiều mảnh
Dai dẳng một nỗi buồn
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Mệt mỏi cành hoa tím
Cúi đầu trong ánh nắng
Tỏ vẻ bất cần
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Là cát bụi của tình yêu ngày trước
Anh giấu trong cát bụi này gương mặt
Và anh yêu thương
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Em là bộ râu cằm
Trên gương mặt của người đàn ông khác
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Và em là một ngôi đền
Trong ngôi đền có chiếc bàn thờ cúng
Trái tim anh đặt ở trên bàn
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Em là yên tĩnh
Dù gian dối trong tình
Anh biết rằng gian dối của em là sự thật
Và sự thật là gian dối của em
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Em là người tư tế
Trong tay em là con dao máu đỏ
Và số phận bắt anh theo đuổi đến cùng
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Là cái đầu lâu với con mắt ngọc
Và anh yêu em
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Và anh thấy sợ em
Giá cái chết của em mang về cho anh yên ổn
Thì anh sẽ giết em
Khổ thân anh.

Em tình yêu của anh
Em là cái chết
Quả vậy, em là cái chết
Đen hơn cả bóng đêm
Nhưng mà anh yêu em
Anh yêu em
Khổ thân anh, khổ đau này hãy đến.

107
Em yêu, tại vì sao sau lưng em
Anh luôn thấy chiếc bóng người tình ngày trước?
Chẳng lẽ điề này có thực
Hay đấy là kí ức đáng nguyền rủa gấp ba
Của hạnh phúc ngày qua?
Bệnh dịch cho hắn ta, nếu đã chết
Bệnh dịch cho hắn ta, nếu còn sống sót
Cái bị thịt
Bám vào chiếc bóng thường xuyên
Giữa anh và sự tĩnh lặng của anh!

108
Dù sao thì em vẫn hạnh phúc với anh
Anh đâu phải thằng đần
Để mà dại dột đập đầu vào sắt
Anh nghe ra cõi lòng em thổn thức
Và nhìn đôi bàn tay run rẩy hướng về anh
Từng có một thời gian
Chúa phù hộ cho chúng mình
Người ta muốn anh trở thành quí tộc
Với vẻ ngạo mạn coi người như rơm rác
Tao nhã nói ra những ý nghĩ của mình.
Than ôi, người yêu đã mất của anh
Anh không thể nào trở thành quí tộc
Anh nói “Em yêu”
Em nói: “Anh yêu”
Và ta bắt chước những người cao thượng
Mà không để ý gì đến dòng máu nóng
Chảy ra từ trái tim anh.

109
Anh nghe tiếng em cười
Nghe ra trong niềm vui
Bề sâu cõi lòng anh đau đớn
Anh biết rằng anh còn lại một mình
Một mình với tình yêu của mình
Tình run rẩy và tội nghiệp
Chỉ một tình yêu nhỏ nhặt
Bay đến cùng anh
Vào lúc nửa đêm
Ta giống như hai sinh linh
Bên đống lửa trong đêm đã tắt.

110
Anh thấy thật lạ lùng trong buổi hoàng hôn
Khi ánh sáng màu hồng trang điểm những buổi chiều của em
Khi hãy còn chưa cháy bừng lên như lửa
Anh thấy thật lạ lùng trong buổi hoàng hôn
Em sẽ nhớ về một thời gian
Ngày em yêu anh đó
Tình yêu chúng mình, với em, là tất cả
Chẳng lẽ kỷ niệm bây giờ chỉ là thứ bỏ đi?
Mặc quần áo ngày xưa
Cũ sờn và lạc mốt?
Khổ thân anh, ôi tình đã mất
Vì tình yêu bây giờ đối với anh
Là một giấc mơ chốn thiên đường
Với vô vàn những mặt trời sáng láng.

111
Tình yêu gặp anh giữa ngày
Tình yêu liều lĩnh
Từ giã bóng đêm dày
Lộng lẫy trong ánh sáng.
Khi đó anh nhìn ra hiển hiện
Rằng tình thật vụng về
Dại dột, huyênh hoang, kẻ vụng về không mắt
Đập vỡ con tim của những người bất chấp
Như thằng ngốc đập chiếc bát của mình
Và anh nguyền rủa tình
Từ đầu đến chân đầy những lời nguyền rủa
Vì tất cả những dại dột điên rồ trong tâm trí
Nhưng cuối cùng
Tình cười lên và chỉ vào ngực của anh
Nơi con tim vẫn đập vì em, em yêu ạ.

112
Anh nhìn thấy gương mặt em đỏ bừng
Vì tình yêu đối với anh
Đôi bàn tay đẹp của em điên cuồng
Bờ môi run và thì thầm những lời gì đấy
Và – quả vậy –
Có phải đấy là ân huệ với anh?
Bây giờ em đã chẳng yêu anh
Nhưng em đã từng yêu ngày trước
Và trong tình yêu ngày trước
Em đã trao anh ân huệ muôn đời
Rằng anh có thể nghĩ về em, em ơi.

115
Người phụ nữ trần truồng và một chú lùn đã chết
Thừa mứa và sự dửng dưng
Chú lùn tội nghiệp!
Ngươi làm vua cùng dại dột những ông hoàng
Rồi chết theo tiếng lục lạc và rượu vang
Kết thúc cuộc đời bằng trò khôi hài tuyệt vọng
Tuy vậy, cả trước và sau chú lùn, trong cuộc sống
Luôn có một anh hề trong mọi thời gian
-Anh hề muôn thuở –
Người phụ nữ trần truồng.

122
Nếu anh đi tìm bạn giữa mọi người
Hãy nhớ rằng: người ta quảng cáo cho hàng của họ.
Nếu anh muốn hạnh phúc giữa mọi người
Hãy nhớ rằng: người ta quảng cáo cho hàng của họ
Nếu anh đi tìm sự thịnh vượng cho mọi người
Hãy nhớ rằng: người ta quảng cáo cho hàng của họ
Nếu anh muốn nguyền rủa hết thảy mọi người
Hãy nhớ rằng: người ta quảng cáo cho hàng của họ
Người ta quảng cáo cho hàng của họ
Người ta quảng cáo cho hàng của họ
Nếu anh muốn gây sự chú ý của mọi người
Hãy nhớ rằng:
Anh sẽ giúp hoặc cản trở người ta quảng cáo cho hàng của họ

123
Chàng trai và cô gái bên chỗ ngoặt của dòng sông
Có ánh sáng dịu dàng nhung tơ của nước
Nơi ánh trăng rót xuống những cành cây độc cần
Ôi, đêm tối tăm, đêm tuyệt đẹp.

Chàng trai và cô gái trên cầu, tay vịn lan can
Hai chiếc bóng dập dờn trên dòng nước
Ngọn gió hát gì trong hoa cỏ ven sông
Ôi, đêm tối tăm, đêm tuyệt đẹp.

Chàng trai và cô gái bơi xuồng
Và mái chèo khua lên ánh bạc.

126
Rượu cũ em cất là để cho anh
Trong những chiếc bình tuyệt vọng
Uống nhiều rượu của cuộc đời anh
Trong những chiếc bình tuyệt vọng.

Máu, tiếng kêu và náo loạn đến trong mơ
Màu trắng vật vờ trong mắt người chết
Sự can đảm lơ là đến khủng khiếp của trẻ thơ.

135
Thập ác của tôi!

Thập ác của anh?
Thập ác thực
Làm từ đồng Xtécling
Đồng đôla hoặc đồng phờrăng
Tôi chìa bàn tay của mình
Để chịu đóng đinh
Để hiểu ra sự túng thiếu
-Nỗi khổ đau vĩ đại –
Thiếu tiền.



cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:12:49


Edward Estlin Cummings (14/10/1894—3/9/1962), thường viết: e. e. cummings, là nhà thơ, họa sĩ, nhà soạn kịch, nhà văn Mỹ. E. E. Cummings là tác giả của hơn 900 bài thơ, nhiều vở kịch, tác phẩm hội họa và một số tiểu thuyết, được coi là một nhà thơ xuất sắc của thế kỉ XX.

Tiểu sử:
E. E. Cummings sinh ở Cambridge, Massachusetts, học Đại học Harvard trong các năm 1911-1916. Năm 1915 nhận bằng cử nhân (B. A) và năm 1916 – bằng thạc sĩ (M. A). Bắt đầu làm thơ từ năm 1912 và thường in thơ ở báo Harvard Monthly. Năm 1916 in một số bài thơ trong cuốn “Eight Harvard Poets” (Tám nhà thơ Harvard), cũng trong năm này tình nguyện sang Pháp làm lính cứu thương. 5 tháng sau khi sang Pháp bị bắt giam ở trại Dépôt de Triage gần 4 tháng vì bị nghi làm gián điệp. Ký ức về những ngày tháng trong trại giam được Cummings kể lại trong tiểu thuyết “Phòng to”( The Enormous Room). Sau khi được trả tự do nhờ sự can thiệp của bố, Cummings trở về Mỹ và phục vụ quân đội đến tháng 11-1918. Năm 1923 Cummings trở lại Pháp học tiếp hội họa mà trước đây đã học ở Harvard. Thời gian này Cummings đi du lịch nhiều ở châu Âu, kể cả sang Liên Xô.

Thơ ca:
Từ những tập thơ đầu “Tulips and Chimneys, 1923” (Hoa Tuylíp và Ống khói), “Is 5, 1926” (Bằng 5) Cummings đã sử dụng kiến thức hội họa trong thơ, bắt buộc người đọc không chỉ “đọc” mà còn phải “ngắm” thơ và luôn làm đau đầu các nhà in thời đó. Thí dụ, bài thơ "a leaf falls loneliness" được viết:

l(a

le
af
fa

ll

s)
one
l

iness

E. E. Cummings không chỉ là người sáng tạo ra một phong cách thơ độc đáo mà thơ ông có nội dung sâu sắc và chất hài hước chua cay. Mặc dù vậy, trong thơ của Cummings vẫn nói nhiều về tình yêu, tình bạn và những tình cảm khác của con người.

Tác phẩm:
*The Enormous Room (Phòng to, 1922), tiểu thuyết
*Tulips and Chimneys ( Hoa Tuylíp và Ống khói,1923), thơ
*& (1925), thơ
*XLI Poems (1925), thơ
*is 5 (1926), thơ
*HIM (1927), kịch
*Eimi (1933), truyện
*Collected Poems (1938), thơ
*50 Poems (1940), thơ
*1 × 1 (1944), thơ
*Xaipe: Seventy-One Poems (1950), thơ
*Poems, 1923—1954 (1954), thơ
*95 Poems (1958), thơ
*73 Poems (1963, thơ





PLATO NÓI(1)

plato nói
với anh; anh không
tin (jesus

nói với anh; anh
không tin)

lão

tử
dĩ nhiên nói
với anh, và tướng
(vâng

quả vậy)
sherman;
còn nói nhiều hơn
(anh tin
hoặc

không) bạn
nói với anh; tôi nói
với anh; chúng ta nói với anh
anh không tin, không

thưa ngài) cuối cùng
mảnh đạn nhật
làm từ sắt

của đường hầm số sáu
rơi trên đầu anh; mới nói

được với anh.
________
(1)Bài thơ này mới xem qua, ta ngỡ là một trò chơi ngộ nghĩnh. Trên thực tế, đây là câu chuyện buồn về một người lính Mỹ. Anh ta không tin, hoặc có thể, chưa hiểu lắm những học thuyết của Plato, Lão Tử, Giê-su nhưng có một điều còn thuyết phục hơn học thuyết của các nhà tư tưởng, nói được với anh ta về cái Thiện và cái Ác. Đó là “a nipponized bit of the old sixth avenue el”, nghĩa là mảnh đạn Nhật, làm từ sắt của đường hầm số Sáu (ở New York). Những năm 30 thế kỉ XX người Mỹ bán sắt đường hầm này thành sắt vụn cho người Nhật. Trong chiến tranh, đạn của Nhật làm từ sắt Mỹ rơi lên đầu lính Mỹ.


SAM LÀ MỘT CON NGƯỜI(1)

mưa dông hay mưa đá
sam làm xong mới thôi
làm những gì có thể
khi còn sống trên đời

sam là một con người

chắc khỏe như cây cầu
vạm vỡ như con gấu
như con chuột – nhanh nhảu
cũng giống như anh thôi

(tuyết hay là mặt trời)

đi về cõi hư vô
như tất cả ông vua
còn anh rồi sẽ đọc
và chim sẽ thổn thức

chim đớp muỗi nhớ về

con tim từng rộng mở
như thế giới mênh mông
có chỗ cho thiên thần
có chỗ cho quỉ sứ

vâng, thưa ngài đúng thế

điều gì sẽ tốt hơn
hay điều gì xấu hơn
không một ai có thể
biết được cho rõ rành

(không một ai có thể)

sam là một con người
cười xếch đến mang tai
làm việc như quỉ sứ
khi còn sống trên đời

yên giấc nhé, sam ơi
________
(1)Sam là nhân vật có thật, là hàng xóm ở trang trại của Cummings.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:21:17


Langston Hughes (1 tháng 2 năm 1902 – 22 tháng 5 năm 1967) – nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Mỹ.
Tiểu sử:
Langston Hughes sinh ở Joplin, bang Missouri. Là con trai của Carrie Langston Hughes và James Nathaniel Hughes. Sau khi học xong bậc trung học Langston Hughes làm giáo viên dạy tiếng Anh ở Mexico. Một thời gian sống ở châu Âu. Năm 1924 nhà thơ Vachel Lindsay phát hiện ra nhà thơ tương lai Langston Hughes, động viên và giúp Hughes in tập thơ đầu tiên Weary Blues, (Những khúc Blue buồn, 1926). Khi đã bắt đầu nổi tiếng Hughes mới vào học Đại học Lincoln và tốt nghiệp năm 1929. Năm 1943 nhận bằng tiến sĩ Văn chương của Đại học Lincoln, năm 1963 nhận bằng tiến sĩ Văn chương thứ hai của Đại học Howard. Năm 1932 đi sang Liên Xô, sau đó sang Trung Quốc, Nhật Bản. Năm 1937 sang Tây Ban Nha và trở về Mỹ.
Langston Hughes là tác giả của 16 tập thơ, nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và truyện viết cho thiếu nhi. Đáng kể nhất có thể kể đến các tập thơ: Shakespeare in Harlem (Shakespeare ở Harlem, 1942), One Way Ticket (Vé một chiều, 1949), Montage of a Dream Deferred, (Dựng lại giấc mơ bị hoãn, 1951), The Panther and the Lash (Con báo và cái roi, 1967); các vở kịch: Mulatto, (Người da ngăm, 1935), Black Nativity (Giáng sinh đen, 1961); các tập truyện: Laughing to Keep From Crying (Cười để khỏi khóc, 1952), The Big Sea (Biển lớn, 1940); tiểu thuyết: Not Without Laughter (Cười qua nước mắt, 1930)… Một đặc điểm của thơ Langston Hughes là sự kết hợp nhiều thể loại và sử dụng những bài hát dân gian của người da đen.

Tác phẩm:
Thơ:
*The Weary Blues. Knopf, 1926
*Fine Clothes to the Jew. Knopf, 1927
*The Negro Mother and Other Dramatic Recitations, 1931
*Dear Lovely Death, 1931
*The Dream Keeper and Other Poems. Knopf, 1932
*Scottsboro Limited: Four Poems and a Play. N.Y.: Golden Stair Press, 1932
*Shakespeare in Harlem. Knopf, 1942
*Freedom's Plow. 1943
*Fields of Wonder. Knopf,1947
*One-Way Ticket. 1949
*Montage of a Dream Deferred. Holt, 1951
*Selected Poems of Langston Hughes. 1958
*Ask Your Mama: 12 Moods for Jazz. Hill & Wang, 1961
*The Panther and the Lash: Poems of Our Times, 1967
*The Collected Poems of Langston Hughes. Knopf, 1994
*Let America Be America Again 2005
Văn xuôi:
*Not Without Laughter. Knopf, 1930
*The Ways of White Folks. Knopf, 1934
*Simple Speaks His Mind. 1950
*Laughing to Keep from Crying, Holt, 1952
*Simple Takes a Wife. 1953
*Sweet Flypaper of Life, photographs by Roy DeCarava. 1955
*Simple Stakes a Claim. 1957
*Tambourines to Glory (book), 1958
*The Best of Simple. 1961
*Simple's Uncle Sam. 1965
*Something in Common and Other Stories. Hill & Wang, 1963
*Short Stories of Langston Hughes. Hill & Wang, 1996
*The Big Sea. New York: Knopf, 1940
*Famous American Negroes. 1954
*Marian Anderson: Famous Concert Singer. 1954
*I Wonder as I Wander. New York: Rinehart & Co., 1956
*A Pictorial History of the Negro in America, with Milton Meltzer. 1956
*Famous Negro Heroes of America. 1958
*Fight for Freedom: The Story of the NAACP. 1962
Kịch:
*Mule Bone, with Zora Neale Hurston. 1931
*Mulatto. 1935 (renamed The Barrier, an opera, in 1950)
*Troubled Island, with William Grant Still. 1936
*Little Ham. 1936
*Emperor of Haiti. 1936
*Don't You Want to be Free? 1938
*Street Scene, contributed lyrics. 1947
*Tambourines to glory. 1956
*Simply Heavenly. 1957
*Black Nativity. 1961
*Five Plays by Langston Hughes. Bloomington: Indiana University Press, 1963.
*Jericho-Jim Crow. 1964
Truyện thiếu nhi:
*Popo and Fifina, with Arna Bontemps. 1932
*The First Book of the Negroes. 1952
*The First Book of Jazz. 1954
*The First Book of Rhythms. 1954
*The First Book of the West Indies. 1956
*First Book of Africa. 1964



ĐỜI VẪN ĐẸP SAO

Anh đi ra bờ sông
Ngồi lên mỏm đá.
Không cần nghĩ suy gì cả
Anh nhảy xuống sông.

Anh lặn xuống nhiều lần
Cứ ngỡ là anh chìm nghỉm!
Giá mà dòng nước ấm
Và cạn hơn – lòng sông.

Nhưng dòng nước
Chảy trên sông
Lạnh vô cùng!


Thang máy anh bước vào
Mười sáu tầng nhà cao
Anh nhớ em, và nghĩ:
Sẽ không nhảy xuống đâu!

Một nỗi buồn vơi đầy
Anh muốn kêu lên ầm ĩ
Giá mà không cao như thế
Thì anh nhảy xuống chết ngay!

Nhưng mà cao
Nhà cao lắm!
Thật là cao!

Giờ anh vẫn sống mà em
Và anh vẫn còn sống nữa.
Có để làm gì cơ chứ
Sinh ra rồi chết vì tình.

Em có nghe tiếng anh kêu
Và có thấy anh đang khóc
Nhưng mà anh không muốn chết
Anh không muốn chết, em yêu!

Đời vẫn đẹp sao!
Ngọt ngào như rượu!
Đời vẫn đẹp sao!


NHỮNG ỐNG NHỔ BẰNG ĐỒNG

Rửa những ống nhổ, này chàng trai!
Detroit,
Chicago,
Atlantic City,
Palm Beach.
Rửa những ống nhổ đờm
Ống khói bếp trong khách sạn
Chùi khói thuốc ở ngoài tiền sảnh
Đổ những ống nhổ đờm
Đấy là cuộc đời của con.
Này, chàng trai!
Năm xu
Một hào
Một đô
Hai đô một ngày.
Này, chàng trai!
Năm xu
Một hào
Một đô
Hai đô
Để mua giày cho bé
Để trả tiền thuê nhà
Để chủ nhật đi nhà thờ
Ôi lạy chúa!
Nhà thờ và con trẻ
Chủ nhật và phụ nữ
Pha trộn đồng năm xu
Đồng đô và lau chùi ống nhổ
Và trả tiền thuê nhà
Này, chàng trai!
Cái bát đồng tau sáng ngời dâng cho Chúa.
Bát đòng sáng loáng như cái chũm chọe
Của các cô vũ nữ vua David ngày xưa
Như chén vàng của vua Solomon ngày trước.
Này, chàng trai!
Ống nhổ sạch đặt lên làm bàn thờ Chúa
Ống nhổ sạch bóng và sáng ngời
Ta có thể trả cho những cái này
Hãy đi lại đây, chàng trai!



LAO CÔNG

Tôi phải nói
Vâng, thưa ngài!
Với ông trong mọi ngày.
Vâng, thưa ngài!
Vâng, thưa ngài!
Suốt cả cuộc đời tôi
Chạy lên ngọn núi lớn
Của vâng, thưa ngài!

Nhà giàu da trắng
Giành cả thế giới này
Cho phép tôi
Xin được đánh giày
Vâng, thưa ngài!

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:26:56


Edna St. Vincent Millay (22 tháng 2 năm 1892 – 19 tháng 10 năm 1950) – nữ nhà thơ Mỹ, là người phụ nữ đầu tiên được tặng giải Pulitzer.
Tiểu sử:
Millay sinh ở Rockland, Maine. Học ở Camden High School. Làm thơ từ những ngày còn là sinh viên. Năm 1917 xuất bản tập thơ đầu tiên Renascence and Other Poems. Đầu những năm 20 là nghệ sĩ của nhà hát Provincetown Players. Thời gian này Millay viết 3 vở kịch thơ cho nhà hát này. Năm 1923, tập thơ The Harp-Weaver, and Other Poems được tặng giải Pulitzer, trở thành người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng này. Millay là tác giả của hơn 10 tập thơ. Đáng kể nhất có thể kể đến: Collected Sonnets, 1941; Collected Poems, 1956. Thơ của bà là những tình cảm chân thành được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị mà tao nhã, giọng thơ nhỏ nhẹ nhưng dễ gây xúc động lòng người.
Ngoài thơ và kịch sáng tác, Millay còn là người dịch Les Fleurs du mal (Những bông hoa ác) của Charles Baudelaire ra tiếng Anh rất nổi tiếng.


TÌNH ĐÂU PHẢI LÀ TẤT CẢ

Tình đâu phải là tất cả: không cơm ăn, nước uống
Chẳng giấc ngủ ngon, không mái nhà che nắng che mưa
Cũng không phải chiếc bè thả xuống, một khi mà
Kẻ chết đuối đang dần dần chìm xuống.

Tình không thể làm đầy trong lồng ngực
Không khí cho ta, khi khó thở, nhọc nhằn
Tình không lọc máu, không gắn kết xương
Nhưng nếu thiếu tình, người ta sẽ chết.

Em cứ ngỡ rằng trong giờ khắc khó nhọc
Khi đớn đau, khi buồn bã vô cùng
Để đổi lấy hòa bình cho thân xác
Hay sự lặng yên em đem bán tình anh

Hoặc kỷ niệm những đêm, đổi lấy đồ ăn.
Cũng có thể. Nhưng mà em chẳng cần.



KHÔNG PHẢI CHẾT VÌ LÒNG THƯƠNG

Không phải chết vì lòng thương, mà phải sống
Và uống và ăn để khỏe mạnh, lớn lên
Để máu nóng, để cho vững chắc xương
Để cảm nhận và trí khôn mở rộng
Ai kẻ xoay xở, bày mưu, kén chọn
Cứ mặc người ta kén cá chọn canh
Lòng thương hại của ta chỉ có chừng
Rồi không khéo sức lực đều phí uổng!
Ngày tháng Chín màu xanh nơi này, nơi nọ
Phong đỏ bừng trên những ngọn đồi xanh
Và mây trắng bay lượn giữa không trung
Người yếu đuối có lẽ cần giúp đỡ.
Ta nhất định sẽ xua đi nỗi buồn
Uống cốc đầy, ăn hạnh phúc như cơm.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:31:05


Frederic Ogden Nash (19 tháng 8 năm 1902 – 19 tháng 5 năm 1971) – nhà thơ trào phúng Mỹ, tác giả của những tập thơ châm biếm chua cay mà nhẹ nhàng.

Tiểu sử:
Ogden Nash sinh ở Rye, New York. Sau khi học xong St. George's School (Middletown, Rhode Island), Nash vào học Đại học Harvard nhưng một năm sau nghỉ học, trở về St. George's dạy học. Một thời gian Nash làm việc ở công ty quảng cáo, sau đó tập trung toàn bộ cho thơ ca. Năm 1950 được bầu làm thành viên của Viện Văn học và Nghệ thuật Quốc gia. Ông mất ở Baltimore năm 1971.
Thành tựu đặc sắc nhất của Nash là thơ trào phúng. Ông biết cách châm biếm một cách chua cay thói khoa trương và lố bịch. Một trong những đặc điểm của thơ ông là cứ sau một câu ngắn lại một câu rất dài nhưng vẫn có vần điệu và niêm luật rất chặt chẽ. Bài thơ The Christmas That Almost Wasn’t (Lễ Giáng sinh hầu như chưa xảy ra, 1957) được coi là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Nash.

Tác phẩm:
Các tập thơ tiêu biểu:
*Tự mình là người xa lạ ở đây (I'm a Stranger Here Myself, 1938).
*Gương mặt người thân (The Face Is Familiar, 1940).
*Những dự định tốt lành (Good Intentions, 1942).
*Nhiều năm về trước (Many Long Years Ago, 1945).
*Trái ngược (Versus, 1949).
*Từ đây anh không đi đến đó (You Can't Get There From Here, 1957).
*Tất cả, trừ em và anh (Everyone But Thee and Me, 1962).
*Những dòng trong ngày cưới (Marriage Lines, 1964).
*Những cuộc phiêu lưu chưa kể của Santa Clause (The Untold Adventures of Santa Clause, 1964).
*Cối xay gió không ngừng (There's Always Another Windmill, 1968).
*Con chó già nằm sủa (The Old Dog Barks Backwards, 1972).




THIÊN NHIÊN BIẾT RÕ

Tôi không biết chính xác con người từ cái thời Hector ngày xưa ngày xửa ấy
Nhưng tôi tin rằng người ta vẫn bắt đầu mỗi ngày bằng việc sáng ra thức dậy.
Vâng, con người đã ngủ rồi thức dậy hàng trăm năm
Trong cung điện, nhà tù hay trong toa xe lửa hạng sang.
Người thượng cổ cần thức dậy trước khi loài khủng long thức dậy
Verdi* cần thức dậy trước khi viết ra vở “Anvil Chorus” bất tử ấy
Alexander** cần thức dậy trước khi tiếp tục lên đường chinh phục đất đai
Ngay cả Rip Van Winkle*** thức dậy trèo lên núi rồi sau đó mới lại ngủ say.
Vâng, loài hoa bắt nguồn từ hoa và loài chim kia thì cũng vậy
Còn con người muôn đời nay, mỗi ngày đêm vẫn cần ít nhất một lần thức dậy
Không cần bắt ép loài chim hót như chim, thay vì như chuột, vì rằng chim có nguồn gốc từ chim
Và vì rằng hoa có nguồn gốc từ hoa, không cần bắt ép chúng tỏa mùi hương thay mùi cao su cháy hay xà phòng
Nhưng con người đã bao thế hệ xưa nay vẫn thường xuyên sống cả đời trên đệm lông chim hay nệm cỏ
Bởi vì không biết cách thức dậy mỗi buổi sáng theo lương tâm của mình hay ai đó, đồng hồ báo thức hay người phục vụ.
Còn tôi rút ra một kết luận rõ ràng – như đã nói từ đầu
Nếu như Thiên nhiên chỉ định con người thức dậy mỗi buổi sáng, thì người ta sẽ thức dậy tự nhiên chứ chẳng cần phải ép buộc gì đâu.
____________
*Verdi, Giuseppe (1813 – 1901) – nhạc sĩ Italia.
**Alexander Đại đế (356 – 323 tr. CN) – Hoàng đế Macedonia, vị tướng lừng danh thời cổ đại.
***Rip van Winkle – nhân vật trong truyện cùng tên của nhà văn Washington Irving (1783 – 1859), người đã ngủ trong gần hai mươi năm.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:37:24


Sylvia Plath (27/10/1932—11/2/1963) – nữ nhà thơ, nhà văn Mỹ. Người đời thường so sánh thơ của Sylvia Plath với loại “thơ xưng tội”(confessional poetry) của Robert Lowell và W.D. Snodgrass.

Cuộc đời:
Sylvia Plath sinh ở Boston, Massachussets (Mỹ). Lên 8 tuổi mồ côi bố, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, số phận và sáng tác của S. Plath sau đó. Năm 1955 học xong trường Smith College danh tiếng, S. Plath được nhận học bổng Fulbright và tiếp tục sang Anh học Đại học Cambridge. Năm 1956 lấy chồng – nhà thơ Anh Ted Hughes. Mùa hè năm 1962 họ chia tay nhau. Tháng 2-1963 S. Plath tự tử.

Tác phẩm:
Khi còn sống, S. Plath mới in một tập thơ “The Colossus, 1960” và tiểu thuyết “The Bell Jar, 1963”(Lọ chuông) với bút danh Victoria Lucas. Sau khi mất, các tập thơ: “Ariel, 1965”, “Crosing the Water, 1971”, “Winter Trees, 1972”(Cây mùa đông) được xuất bản. Nhà thơ Ted Hughes – chồng cũ của S. Plath tập hợp và in “Tuyển tập thơ – Collected Poems” năm 1981. Năm sau, 1982 được trao giải Pulitze – một điều hiếm thấy trong lịch sử của giải thưởng vốn chỉ trao cho những người còn sống. Sylvia Plath được coi là một nhà thơ nữ đặc sắc của Mỹ trong thế kỷ XX.




BẢN TÌNH CA CỦA CÔ GÁI ĐIÊN

Nhắm mắt lại, cả thế giới lụi tàn
Mở mắt ra, tất cả đều mới mẻ
(Em cứ ngỡ rằng em đã nghĩ ra anh).

Những ngôi sao với màu đỏ và xanh
Dưới trời hoàng hôn tối đen như mực
Nhắm mắt vào, cả thế giới lụi tàn.

Hướng về ánh mắt, bờ môi dịu dàng
Và những bài ca dưới trăng em đợi
(Em cứ ngỡ rằng, em đã nghĩ ra anh).

Cả cơn nóng địa ngục và Thượng Đế không còn
Biến mất hết cả thần tiên, quỷ sứ
Nhắm mắt vào, cả thế giới lụi tàn.

Em mơ màng những câu nói của anh
Rồi lớn lên, và rồi em quên lãng
(Em cứ ngỡ rằng, em đã nghĩ ra anh).

Yêu con chim tiếng sấm, trong cái lần
Giữa mùa xuân, không dữ dằn đến nỗi
Nhắm mắt vào, cả thế gian tàn lụi
(Em cứ ngỡ rằng, em đã nghĩ ra anh).


GƯƠNG

Tôi bằng bạc. Tôi không thành kiến, mà chính xác
Nhìn thấy thứ gì, hấp thụ hết vào gương
Như vốn có – không bị phủ mờ bởi ghét và thương
Tôi không dữ dằn, tôi chỉ yêu sự thật.
Con mắt của Chúa, con mắt trong bốn góc
Thường suy tư, nhìn đối diện bức tường
Bức tường hồng vấy bẩn. Tôi nhìn, tôi suy ngẫm
Tường là một phần của trái tim. Nhưng tường run bắn
Bóng tối và mặt người làm cho cách biệt thường xuyên.

Tôi là mặt nước hồ. Phụ nữ cúi trên gương
Họ nhìn vào tôi để tìm ra con người thật
Rồi hướng về nến và trăng – những kẻ chuyên lừa lọc
Tôi nhìn thấy lưng nàng và phản chiếu trong gương
Phụ nữ khóc lên, hai bàn tay phụ nữ run run
Phụ nữ cần gương. Phụ nữ đi rồi trở lại
Mỗi buổi sáng khuôn mặt hiện trước gương từ bóng tối
Phụ nữ chìm trong gương cả thiếu nữ, cả khi đà luống tuổi
Ngày lại ngày đứng trước gương như con cá khủng khiếp vô cùng.


CÂY ANH TÚC THÁNG MƯỜI

Ngay cả mây trời sáng nay cũng không sai nổi váy
Không có người phụ nữ ở trong xe cấp cứu
Trái tim đỏ của nàng ánh lên áo khoác đến sững sờ –

Tặng vật của tình yêu
Tự ý và dứt khoát
Dưới trời

Cháy như lửa và nguôi
Thán khí bừng trong đôi mắt
Lờ đờ dưới vành mũ quả dưa.

Ôi, lạy Chúa, ta là ai
Sẽ kêu lên những lời đã muộn
Trong rừng băng, trong bình minh của những bụi thỉ xa.


KHÚC HÁT BAN MAI

Tình yêu dẫn dắt anh như chiếc đồng hồ vàng
Bà mụ vỗ vào chân, vào tiếng kêu của anh
Chiếm chỗ của mình trong từng nguyên tố.

Những lời vang lên đón chào anh. Bức tượng mới
Trong bảo tàng, anh trần truồng che chở
Bóng của chúng tôi. Quanh anh như những bức tường.

Em sẽ là mẹ của anh, không hơn
Một đám mây tan trong gương, phản chiếu
Trong bàn tay của gió sự ra đi chầm chậm của mình.

Hơi thở của anh như sâu bướm suốt đêm
Nhấp nháy giữa hoa hồng, và em tỉnh giấc
Nghe tiếng rì rào của biển chốn xa xăm.

Một tiếng kêu, em suýt ngã xuống từ giường
Như một con bò sữa trong chiếc áo đêm
Miệng anh mở như miệng mèo. Hình vuông cửa sổ

Có màu trắng, nuốt những ngôi sao. Còn anh thử
Nắm bàn tay của bao nhiêu câu chữ
Những nguyên âm sạch vẫy vùng như những quả bóng giữa không trung.





TÌNH ĐỊCH

Nếu trăng mỉm cười, trăng cũng giống như cô
Cô cũng gây ấn tượng như trăng, y hệt
Ấn tượng của một cái gì đó đẹp, nhưng hủy diệt
Đều là những kẻ ưa gom ánh sáng về mình
Miệng trăng làm khổ đời, còn miệng cô thản nhiên.

Làm mọi thứ trở thành đá, là tài năng đầu tiên
Của cô ở đây, còn tôi thấy mình trong lăng mộ
Gõ ngón tay trên bàn cẩm thạch, cô tìm thuốc lá
Hằn học như phụ nữ nhưng không cáu bẳn bực mình
Rồi thốt ra một điều gì có chứng cớ hiển nhiên.

Trăng cũng lăng mạ những thần dân của mình
Nhưng giữa ban ngày trăng quả là lố bịch
Sự bất mãn của cô ở trong bàn tay khác
Xuyên qua đường bưu điện, vẻ quyến rũ thường xuyên
Trắng và trong, nhưng như thán khí lan truyền.

Không ngày nào không nghe về cô những cái tin
Có thể cô đi dạo ở châu Phi, nhưng nghĩ về tôi đấy.


NGÀY THỨ HAI MUÔN THUỞ

Anh sẽ là ngày thứ Hai muôn thuở
Và sẽ đứng trong trăng.

Người trăng đứng trong vỏ bọc của mình
Thích ẩn mình sau đống củi
Ánh sáng rơi như phấn và lạnh lẽo
Trên vải trải giường.
Răng đập vào nhau giữa những đỉnh bệnh phong
Và những miệng hoả diệm sơn đã tắt.

Nó cũng chống lại thứ đen ngòm giá buốt
Có thể chặt củi mà chẳng nghỉ ngơi
Cho đến một khi cái bóng ma của mặt trời
Chưa bị phòng sáng của nó làm cho mờ nhạt
Còn bây giờ công việc của địa ngục ngày thứ Hai trên quả cầu trăng
Không còn lửa, bảy biển lạnh trói vào mắt cá của chân.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:48:45


Edgar Allan Poe (19 tháng 1 năm 1809 – 7 tháng 10 năm 1849) là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Edgar Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, ông có sự ảnh hưởng đến Charles Pierre Baudelaire, Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky, Sir Arthur Conan Doyle…

Tiểu sử:
Edgar Poe sinh ở Boston, là con thứ hai của David Poe và Elizabeth Arnold Hopkins Poe. Bố mẹ mất sớm, Poe được John Allan nhận làm con nuôi. Từ đó Allan trở thành họ thứ hai của Edgar. Những năm 1815 – 1820 Edgar Poe cùng gia đình Allan đi sang Anh, Poe học ở trường Richmond. Năm 1826 vào học Đại học Virginia nhưng chỉ học được một học kỳ thì bỏ. Năm 1827 Poe trở về Boston in cuốn Tamerlane and Other Poems, cũng trong năm này Poe gia nhập quân đội và 2 năm sau đấy, khi mẹ nuôi mất, Poe xin ra quân. Năm 1829 in tập sách thứ hai: Al Aaraaf, Tamerlane, and Minor Poems. Năm 1830 vào học trường quân đội nhưng cũng chỉ được một năm lại bỏ học. Trở về New York, Poe in cuốn Poems. Năm 1833 in truyện MS Found in a Bottle được tặng giải thưởng của một tạp chí ở Bantimore. Năm 1836 Poe cưới vợ, là một cô gái mới 14 tuổi. Những năm từ 1836-1842 Poe làm biên tập của nhiều tạp chí. Năm 1845 in bài thơ Raven (Con quạ), là tác phẩm nổi tiếng nhất của Edgar Poe. Năm 1847, vợ chết, Poe bị ốm nặng, cả năm hầu như không sáng tác nhưng 2 năm sau đó ông viết được nhiều bài thơ nổi tiếng như: The Bells, For Annie, Annabel Lee, Eldorado… Năm 1849 ông sống với một người phụ nữ mà ngày xưa hai người từng yêu nhau. Thời gian sau đấy không có tư liệu về tiểu sử của Poe. Ngày 3 tháng 10 năm 1849 người ta tìm thấy ông trong một quán rượu ở Bantimore. Ông mất ngày 7 tháng 10 năm năm 1849.

Tác phẩm:
Tác phẩm của Edgar Allan Poe được dịch ra tất cả các ngôn ngữ chủ yếu của thế giới. Những bản dịch của Charles Pierre Baudelaire, Stéphane Mallarmé ra tiếng Pháp tác phẩm của Poe trở thành những bản dịch nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng đến nhiều nhà văn, nhà thơ lớn khắp thế giới. Tuy nhiên, Edgar Allan Poe bằng tiếng Việt hầu như chưa có gì, ngoài một số bài thơ. Dưới đây là phần nói về những bài thơ đã được dịch sang tiếng Việt.

Bài thơ Eldorado lần đầu tiên in ở tạp chí Flag of Our Union tháng 4 năm 1849. Tiếng Tây Ban Nha “El Dorado” có nghĩa là “dát vàng”. Nguồn gốc của từ này xuất phát từ một tục lệ của một bộ tộc người da đỏ khi nhà vua mới lên ngôi họ đem cát vàng rắc lên người nhà vua. Từ đó sinh ra truyền thuyết về “người dát vàng “El Dorado” mà những nhà thám hiểm Tây Ban Nha từng gặp đâu đó ở Nam Mỹ. Trên thực tế nó được bắt nguồn từ những lời kể của nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Francisco de Orellana về một vùng đất nằm giữa sông Amazon và hồ Parima ở Guiana (Nam Mỹ). Một người Tây Ban Nha khác có tên là Martinez còn kể khắp châu Âu rằng ông ta từng sống 7 tháng ở thủ đô Manoa của vương quốc Eldorado này và mô tả tỉ mỉ về cung điện của nhà vua bằng vàng ròng, còn nhà vua cứ buổi sáng rửa hết vàng, buổi tối trước khi đi ngủ lại dát vàng lên người. Truyền thuyết này sau đó trở thành đề tài cho tin đồn về một xứ sở có rất nhiều vàng mà những người dân ở đó đem vàng dát lên người. Sau đấy, có rất nhiều đoàn thám hiểm (không chỉ của người Tây Ban Nha mà còn của người Anh) đi tìm vùng đất này. Cuộc thám hiểm quan trọng nhất do nhà thám hiểm người Anh Walter Raleigh thực hiện vào đầu thế kỷ XVII. Suốt gần 300 người ta đi tìm Eldorado mà không thấy, nhưng những cuộc tìm kiếm này đã đem lại nhiều kết quả khoa học về địa lý học và dân tộc học rất quan trọng. Tháng 1 năm 1848 người ta tìm thấy vàng ở California thì người đời cho đấy là “El Dorado”. Bài thơ này của Edgar Allan Poe viết trong những ngày tháng được gọi là “Cơn sốt vàng” (California Gold Rush) đó, nhưng đề tài Eldorado tác giả hoàn toàn viết theo cách của mình.
Chàng hiệp sĩ suốt cả cuộc đời đi tìm miền đất xa lạ, mà có thể là không tồn tại trên đời, tất nhiên, không giống như những kẻ khát khao đi tìm vàng. Thành ra, bài thơ này viết về con người đi tìm cái tuyệt đối. Khổ thơ cuối, qua lời của chiếc bóng phiêu du, nói rằng “Eldorado” thật, không có ở cõi đời này mà ở bên kia thế giới.

Bài thơ Annabel Lee lần đầu in ở báo New York Tribune ngày 9 tháng 10 năm 1849, hai ngày sau khi nhà thơ qua đời. Nhiều nhà thư mục khẳng định đây là bài thơ tác giả viết về người vợ của mình chết khi hãy còn rất trẻ. Tuy vậy, từ năm 1846, nghĩa là trước cái chết của vợ ông, Edgar Allan Poe đã viết trong tác phẩm The Philosophy of Composition (Triết học của sáng tạo) rằng: “…Cái chết của người phụ nữ đẹp, ngoài mọi điều nghi ngờ, là đối tượng của thi ca và cũng không hề nghi ngờ rằng, với đối tượng này thích hợp hơn hết là bờ môi của người tình đang đau khổ”. Đây cũng là đề tài trong những bài thơ nổi tiếng khác của ông như Raven, Ulalume.



Danh mục tác phẩm:
Văn xuôi:
*Berenice
*The Black Cat
*The Cask of Amontillado
*The Fall of the House of Usher
*The Gold-Bug
*Hop-Frog
*Ligeia
*The Man of the Crowd
*The Masque of the Red Death
*The Murders in the Rue Morgue
*The Pit and the Pendulum
*The Purloined Letter
*The Tell-Tale Heart
*Philosophy of Composition

Thơ:
*Annabel Lee
*The Bells
*The City in the Sea
*Eldorado
*The Haunted Palace
*Lenore
*The Raven
*Ulalume



Eldorado

Xưa có chàng hiệp sĩ
Trẻ trung và vui vẻ
Ngày sáng hay đêm mờ
Luôn đi về phía trước
Chàng hát vang câu hát
Chàng đi tìm Eldorado.

Nhưng thời gian thấm thoắt
Đến lúc già, bạc tóc
Con tim chàng mơ hồ
Mà chàng trai không thể
Tìm đâu ra xứ sở
Giống như là Eldorado.

Rồi một hôm, chàng bỗng
Gặp trên đường chiếc bóng
Một chiếc bóng phiêu du
“Này bóng – chàng gặng hỏi –
Ở đâu miền đất ấy
Có tên là Eldorado?”

“Sau Núi Trăng chót vót –
Chiếc bóng kia liền đáp –
Qua chín núi bảy hồ
Rồi đi qua Thung lũng
Qua vương quốc của Bóng
Nếu muốn tìm Eldorado!”



Annabel Lee

Chuyện xảy ra đã nhiều năm về trước
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì
Một cô gái, hẳn mọi người dã biết
Nàng có tên là Annabel Lee
Nàng đã sống với một điều ao ước
Yêu người và được yêu lại nhường kia.

Nàng con trẻ, tôi cũng là con trẻ
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì
Chưa từng có ai yêu nhau như thế
Như tôi và nàng Annabel Lee
Yêu đến mức để thiên thần ghen tỵ
Dù thiên thần vẫn ở chốn xanh kia.

Chính vì thế mà đã từ lâu lắm
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì
Cơn gió lạnh từ mây đen ập xuống
Đã giết chết nàng Annabel Lee
Anh em, họ hàng cao sang đổ đến
Những người thân đã mang xác nàng đi
Rồi họ đã chôn nàng trong mồ lạnh
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì.

Niềm hạnh phúc, dù mới là một nửa
Mà thiên thần đã ganh tỵ nhường kia
Chính vì thế (mọi người hay biết cả
Ở vương quốc bên biển, sóng rầm rì)
Cơn gió lạnh từ đám mây đen đúa
Đã giết chết nàng Annabel Lee.

Nhưng tình yêu chúng tôi càng mạnh mẽ
Hơn những ai sống hạnh phúc đến già
Và những ai khôn khéo đã chắc gì –
Dù cả thiên thần ngự trên cao ấy
Hay quỉ ma dưới sóng biển rầm rì
Cũng không ngăn cách nổi hồn tôi với
Linh hồn của nàng Annabel Lee.

Ánh trăng sáng gợi ra nhiều giấc mộng
Tôi mơ về nàng Annabel Lee
Nhìn những ngôi sao thấy đôi mắt sáng
Đẹp tuyệt vời của Annabel Lee
Cứ hằng đêm, hằng đêm tôi lại đến
Với người vợ hiền, người yêu, người bạn
Năm trong nấm mồ bên chốn biển xa
Đang ngủ yên trong sóng biển rầm rì.



cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.12.2007 20:56:36


Wystan Hugh Auden (21 tháng 2 năm 1907 – 29 tháng 9 năm 1973) là nhà thơ Mỹ gốc Anh, sinh ra và lớn lên ở Anh, trở thành nhà thơ nổi tiếng của Anh, năm 1939 sang Mỹ. Ông là người có sự ảnh hưởng rất lớn đến văn học Anh-Mỹ, là một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XX.

Tiểu sử:
Wystan Hugh Auden sinh ở York, Anh. Từ nhỏ được học ở trường St. Edmund's School (Hindhead), Surrey, sau đó, ở trường Gresham's School, nổi tiếng với việc giáo dục kỷ luật nghiêm khắc và gắn liền với giáo dục tôn giáo. Ở trường này, Auden nhận ra rằng mình là người đồng tính nên từ chối việc học các môn học tôn giáo. Auden tiếp tục học thơ cổ ở Đại học Oxford và bắt đầu hoạt động văn học từ ngày còn là sinh viên. Năm 1930 in tập thơ đầu tiên Poems, chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng của Karl Marx, Sigmund Freud, Charles Darwin, phê phán xã hội tư sản. Thập niên 1930, Auden sang Đức, sống ở Berlin một số năm, dạy học và sáng tác. Năm 1936 in tập thơ Look, Stranger!, kết hôn với con gái nhà văn Thomas Mann. Thời gian tiếp đó ông đi du lịch nhiều nơi cùng với Christopher Isherwood, và quyết định sang sống ở Mỹ. Việc ông di cư sang Mỹ trước thềm Thế chiến II, khiến đa số người dân Anh coi như một hành động phản bội, tuy vậy, đối với Auden là vì những lý do cá nhân.

Sang Mỹ năm 1939, ông dạy học ở nhiều trường Đại học và tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. Các tập thơ: Another Time, 1940; The Double Man, 1941; For the Time Being, 1944. Nhiều tác phẩm sáng tác thời kỳ trước cũng được tập hợp in vào năm 1945. Năm 1948 ông được trao giải Pulitzer, năm 1954 được tặng giải Bollinger, và năm 1967 được tặng huân chương Văn học. Wystan Hugh Auden mất năm 1973 ở Vienna.

Tác phẩm chính:
*Poems, 1930
*The Dance of Death, 1933
*The Dog Beneath the Skin, 1933
*The Ascent of F.6, 1936
*Look, Stranger!, 1936
*Spain, 1937
*Journey to a War, 1939
*Another Time, 1940
*The Double Man, 1941
*For the Time Being, 1944
*Nones, 1951
*The Shield of Achilles, 1955
*Homage to Clio, 1960
*Collected Longer Poems, 1969
*Forewords and Afterwords, 1973
*Collected Shorter Poems 1927-1957 , 1966
*Last Poems, 1974
*Collected Poems (1976, new edns. 1991, 2007)
*The English Auden: Poems, Essays, and Dramatic Writings, 1927-1939 (1977)
*Plays and Other Dramatic Writings, 1927-1938 (1989)
*Libretti and Other Dramatic Writings, 1939-1973 (1993)
*Tell Me the Truth About Love: Ten Poems (1994)
*Juvenilia: Poems 1922-1928 (1994)
*Prose and Travel Books in Prose and Verse: Volume I, 1926-1938 (1997)
*Prose, Volume II: 1939-1948 (2002)



Tưởng nhớ W. B. Yeats(Trích)
(Mất tháng giêng năm 1939)

I

Anh ra đi giữa băng giá mùa đông
Sông đóng băng, những phi trường hoang vắng
Tuyết trắng rơi, phủ đầy lên bức tượng
Rót xuống miệng của ngày một giọt thủy ngân
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.

Cách xa những ngày đau ốm của anh
Chó sói hãy còn chạy giữa rừng xanh.
Dòng sông quê không còn mê bờ đẹp
Và ngôn ngữ của đám tang
Ngăn cách thơ anh và cái chết.

Nhưng với anh, ngày cuối, như chính anh
Ngày của tin đồn và những cô y tá
Đặt lên thi thể vẻ không yên
Và hoang vu cả quãng trường lý trí.
Vùng ngoại ô bao trùm lên lặng lẽ
Những cảm giác dường như lặng ngừng
Anh trở thành người cho đời ngưỡng mộ.

Và bây giờ lan tỏa trong hàng trăm thành phố
Anh mang cho những cảm giác không quen
Để hạnh phúc trong cõi khác
Và xử phạt theo bộ luật của lương tâm
Lời của người đã chết
Cùng với người đang sống ở trần gian.

Nhưng sự quan trọng của ngày mai trong tiếng ồn
Nơi những người môi giới om sòm trên sàn chứng khoán
Nơi những kẻ nghèo khổ sở vì nghèo túng
Và mỗi người đều có tự do của mình
Nhưng cái ngày này không một ai hờ hững
Như ý nghĩ về một ngày không bình thường
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.


IN MEMORY OF W. B. YEATS
(d. January 1939)

I

He disappeared in the dead of winter:
The brooks were frozen, the air-ports almost deserted?
And snow disfigured the public statues;
The mercury sank in the mouth of the dying day.
O all the instruments agree
The day of his death was a dark cold day.

Far from his illness
The wolves ran on through the evergreen forests,
The peasant river was untempted by the fashionable quays;
By mourning tongues
The death of the poet was kept from his poems.

But for him it was last afternoon as himself,
An afternoon of nurses and rumours;
The provinces of his body revolted,
The squares of his mind were empty,
Silence invaded the suburbs,
The current of his feeling failed: he became his admirers.

Now he is scattered among a hundred cities
And wholly given over to unfamiliar affections;
To find his happiness in another kind of wood
And be punished under a foreign code of conscience.
The words of a dead man
Are modified in the guts of the living.

But in the importance and noise of to-morrow
When the brokers are roaring like beasts on the floor of the Bourse,
And the poor have the sufferings to which they are fairly accustomed,
And each in the cell of himself is almost convinced of his freedom;
A few thousand will think of this day
As one thinks of a day when one did something slightly unusual.
O all the instruments agree
The day of his death was a dark cold day.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 10.03.2008 16:09:38

 
 
Nhà thơ, nhà viết kịch, nhà lý luận, phê bình văn học Thomas Stearns Eliot sinh ra trong một gia đình tư bản Anh di cư sang Mỹ từ thế kỷ 17. Bố – Henry Ware Eliot là một doanh nhân thành đạt, mẹ – Charlotte Champe Stearns là người viết văn và làm thơ sùng đạo. Ông học triết học và ngôn ngữ ở đại học Harvard, sau đó học tiếp văn học và ngôn ngữ ở Đại học Sorbonne (Paris, Pháp), Đại học Marburg (Đức), Đại học Oxford (Anh). Từ năm 1914 thường xuyên sống ở Anh. Năm 1917, T. S. Eliot làm trợ lý giám đốc một tạp chí thuộc “phái hình tượng” - tờ Người vị kỷ (The Egoist). Tập thơ đầu tiên của ông là Prufrock và những bài thơ khác (1917) chịu ảnh hưởng rõ rệt của chủ nghĩa tượng trưng. T. S. Eliot viết phê bình văn học từ quan điểm thuần mỹ học, gạt bỏ xuống hàng thứ yếu những khía cạnh thuộc về tiểu sử của tác giả.

T. S. Eliot trở nên nổi tiếng như một nhà thơ ngay sau khi trường ca Đất hoang (1922) ra đời với sự giúp đỡ to lớn của E. Pound, trong đó ông chẩn đoán trạng thái tinh thần của Châu Âu sau Thế chiến I, cho thấy sự trống rỗng tâm hồn của cả một thế hệ. Hình thức ngắt đoạn của trường ca này, lần đầu xuất hiện trên tạp chí The Criterion do T. S. Eliot sáng lập, càng làm tăng thêm ấn tượng về sự mất định hướng của con người.
Tại Anh, ông làm việc cho nhà băng Lloyd, rồi làm giám đốc Nhà xuất bản Faber & Gweger (sau đổi thành Faber & Faber). Năm 1927, T. S. Eliot nhập quốc tịch Anh và cải sang Anh giáo. Năm sau ông viết tiểu luận Lanczenot Endrus đánh dấu bước ngoặt mang tính tôn giáo. Cùng với tập thơ xuất bản năm 1930 là Ngày thứ Tư tro bụi (Ash Wednesday), tư tưởng tôn giáo bắt đầu hiện diện thường xuyên trong tất cả các tác phẩm của ông.
Vở kịch Vụ giết người trong nhà thờ (1935) đánh dấu bước khởi đầu công việc thực sự của ông trong lĩnh vực sân khấu. Những năm 1949-1959 ông cho ra đời một loạt các vở kịch.

Eliot là người cả đời luôn làm lại mình, bắt đầu lại, sáng tạo lại: từ người Mỹ làm thành người Anh, từ công dân nước cộng hòa thành công dân nước theo chế độ quân chủ lập hiến, từ người theo đạo Tin lành thành tín đồ Anh giáo, từ người theo đuổi cách sống tự do, phóng túng thành người theo đuổi chủ nghĩa khổ hạnh. Và ông không thả mình theo cảm hứng của thơ ca mà bắt thơ ca đi theo tư tưởng của mình. Đã từng có một thời vì Eliot mà thế giới thơ ca Anh-Mỹ có sự phân rẽ sâu sắc: 3/4 các nhà thơ chịu sự ảnh hưởng thơ hoặc lý thuyết thơ của Eliot, 1/4 còn lại nhất quyết phản đối thi pháp mà Eliot đưa ra. Tuy vậy, một cuộc cách mạng thi ca mới đã không xảy ra. Không xảy ra vì trong thơ ca Anh-Mỹ vai trò chủ đạo thuộc về thơ ca bác học, mà thơ ca bác học ủng hộ Eliot. Ông là nhà cách tân thi ca, mặc dù vẫn tự nhận là học trò của Ezra Pound (1885-1972) – người phát hiện và cổ vũ, khuyến khích nhiều nhà thơ, nhà văn, trong số họ có nhiều người rất nổi tiếng như James Joyce (1882-1941), Robert Frost (1874-1963), Ernet Hemingway (1899-1961). Vinh quang đến với Eliot kể từ sau chiến tranh thế giới I trong khuôn khổ của dòng văn học “thế hệ mất mát” (lost generation). Eliot viết về sự mất mát của văn minh phương Tây, của cả nhân loại nhưng ngay từ đầu vẫn quan niệm đấy là bi kịch của thế hệ mất mát…
Sáng tác của Eliot T. S. có thể chia làm ba giai đoạn: từ 1909-1920, viết những tác phẩm có khuynh hướng bài tư bản và tôn giáo. Đây là thời kì tìm kiếm hình thức thể hiện và chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng. Năm 1917 ông làm biên tập tạp chí Egoist. Những năm 20 là một giai đoạn mới trong sáng tác của ông với những tác phẩm tiêu biểu như Đất hoang (1922); Những kẻ rỗng tuyếch (1925). Tính qui mô, triết lý sâu sắc và cách thể hiện hình tượng thơ ca độc đáo đã cho phép Eliot trở thành một nhà cách tân có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn học Anh-Mỹ những năm 20-30. Năm 1922 Eliot sáng lập tạp chí Criterion (xuất bản đến năm 1939). Tạp chí này chủ yếu đang tải những tác phẩm của Eliot và những tác giả khác gần gũi về quan điểm với ông. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế giới quan của Eliot có những thay đổi cơ bản. Cảm hứng phủ nhận và lo lắng được thay bằng cảm hứng tìm kiếm những giá trị đích thực. Tiêu biểu của thời kỳ này là những tác phẩm: Thứ Tư tro bụi (1930), Bốn khúc tứ tấu (1943). Trong các tác phẩm này Eliot sử dụng những phạm trù triết học (thời gian, nơi chốn, sự vô tận vv…) cùng với học thuyết của Anh giáo. Và cũng như hai giai đoạn trên, sáng tác thơ ca của ông gắn liền với hoạt động của một nhà lí luận, phê bình văn học, nhà triết học. Những năm 30 Eliot cố gắng thử nghiệm trong hoàn cảnh lịch sử mới một thể loại quen thuộc của thời đại Elizabeth là kịch thơ: Vụ giết người trong nhà thờ (1935), Bữa tiệc Cocktail (1950), tuy vậy, sự thành công không mấy đáng kể… Năm 1948 ông được trao tặng giải Nobel văn học với tư cách là một nhà thơ.

Tác phẩm:
- Bản tình ca của J. Alfed Prufrock (The love song of J. Alfed Prufrock, 1911), thơ.
- Prufrock và những quan sát khác (Prufrock and other observation, 1917), thơ.
- Suy ngẫm về thơ tự do (Reflexions on vers libre, 1917), tiểu luận.
- Rừng thiêng (The sacred wood, 1920), phê bình.
- Đất hoang (The waste land, 1922), trường ca.
- Những kẻ rỗng tuếch (The hollow men, 1925), trường ca.
- Lanczenot Endrus (1928), tiểu luận.
- Ngày thứ tư tro bụi (Ash wednesday, 1930), thơ.
- Chức năng của thơ ca và chức năng của phê bình (The use of poetry and the use of criticism, 1933), tiểu luận.
- Đá tảng (The rock, 1934), thơ.
- Vụ giết người trong nhà thờ (Murder in the cathedral, 1935), kịch.
- Những tiểu luận cũ và mới (Essays ancient and modern, 1936), tiểu luận.
- Những chú mèo (Old possum's book of practical cats, 1939), thơ.
- Đoàn tụ gia đình (The family reunion, 1939), thơ.
- Bốn khúc tứ tấu (Four quartets, 1943), trường ca.
- Bữa tiệc cocktail (The cocktail party, 1949-1950), kịch.
- Ghi chép hướng tới việc định nghĩa về văn hóa (Notestowards the denfinition of the culture, 1950), tiểu luận.
- Thơ và kịch (Poems and plays, 1951), tiểu luận.
- Thư kí riêng (The confidence clerk, 1954), kịch.
- Về thơ và các nhà thơ (On poetry and poets, 1957), tiểu luận.
- Chính nhân khả kính (The elder statesman, 1959), kịch.



BẢN TÌNH CA CỦA J. ALFRED PRUFROCK(1)

S’io credesse che mia risposta fosse
A persona che mai tornasse al mondo,
Questa fiamma staria senza piu scosse.

Ma perciocche giammai di questo fondo
Non torno vivo alcun, s’i’odo il vero,
Senza tema d’infamia ti rispondo.

Nào, ta hãy lên đường, anh và em
Trong buổi chiều lặng lẽ, dịu êm
Như người bệnh đang nằm trên bàn mổ
Ta hãy đi theo từng con phố nhỏ
Nơi vỏ sò chất đống ngổn ngang
ở nơi đó những quán rượu rẻ tiền
Những phòng trọ cho những đêm không ngủ
Đường phố dẫn vào cuộc tranh chấp, cãi cọ
Dẫn ta đến tận nơi
Và cho em, một câu hỏi chết người
Em đừng hỏi rằng “điều gì thế”
Nào, ta hãy đi về nơi đó.

Trong phòng khách những người phụ nữ chuyện trò
Họ nói chuyện về Michelangelo(2).

Sương màu vàng kì cọ trên mặt kính
Khói màu vàng chạm vào trên mặt kính
Liếm vào mọi góc của buổi hoàng hôn
Bám vào những rãnh mương
Trải lên ống khói
Trên bậc thềm bay nhảy
Nhìn thấy buổi chiều tháng Mười dịu êm
Và ngôi nhà đang ngủ im lìm.

Rồi đây, sẽ đến một thời gian
Trên đường phố làn khói màu vàng
Sẽ chùi lên mặt kính
Rồi sẽ đến một thời gian
Đối mặt phải sẵn sàng
Thời giết chóc và tạo dựng
Thời cho lao động
Câu hỏi này bày trên đĩa của em
Thời cho em và cho anh
Thời của một trăm điều do dự
Một trăm cái nhìn ra và sửa chữa
Khi cầm lấy cốc trà.

Trong phòng khách những người phụ nữ chuyện trò
Họ nói chuyện về Michelangelo.

Quả là sẽ đến một thời gian
Khi ngạc nhiên rằng “Không lẽ ta đã dám?”
Còn thời gian bước xuống bậc thang
Thời gian rảo bước trên mái tóc anh
(Thiên hạ sẽ nói rằng: “Đầu hắn ta đã bạc!”)
Chiếc áo khoác của anh cổ cồn cứng nhắc
Chiếc ca-ra-vát của anh có hình dáng giản đơn
(Thiên hạ sẽ nói rằng: “Hắn đã yếu tay chân!”)
Chẳng lẽ anh đã dám
Làm cho vũ trụ này lo lắng?
Mỗi phút – là thời gian
Để quyết định, nghi ngờ hay lật ngược hoàn toàn.

Điều này anh đã biết từ xưa
Những buổi chiều, những buổi sớm, buổi trưa
Cuộc đời mình anh dùng thìa cà phê đo đếm
Anh nghe những giọng hát từ đâu xa lắm
Nơi mà người ta theo nhạc hát lên
Là bởi vì anh đã dám?

Những điều này từ lâu anh đã biết
Những đôi mắt gắn anh vào công thức
Dán nhãn gim trên tường
Anh nằm trong đó thở than
Và anh bắt đầu
Khạc nhổ từ đầu ghép hai mảnh ván
Chẳng lẽ là anh lại dám?

Và những bàn tay này anh đã biết từ xưa
Những bàn tay đeo vòng, trắng và trọc lóc
Dưới ánh sáng ngọn đèn, có màu nâu mái tóc
Mà cũng có thể là
Mùi nước hoa từ quần áo tỏa ra?
Những bàn tay khăn quàng đem quấn
Chẳng lẽ là anh lại dám?
Và làm sao anh có thể bắt đầu?
………………………………….

Buổi hoàng hôn anh thơ thẩn trên những đường phố nhỏ
Và nhìn khói toả ra từ những ngôi nhà
Của những người cô đơn cúi mình bên cửa sổ?..

Ôi giá mà anh là hai càng cua bờm xờm
Chạy trốn vào trong đáy biển lặng im!
…………………………………….

Và buổi chiều đi vào đêm rồi êm đềm ngủ
Những bàn tay ấp ủ
Mệt mỏi… ngủ say… hay chỉ giả vờ
Ngủ say sưa ở dưới chân ta.
Có thể, sau khi uống trà và ăn bánh ngọt
Không cần đi vào những miền không thể biết?
Nhưng anh đã khóc, ăn chay, đã khóc và nguyện cầu
Và anh nhìn thấy trên mặt đĩa phẳng mái đầu.
Anh không phải nhà tiên tri – và đây không phải là điều gì vĩ đại
Anh nhìn thấy một lần và trước mặt anh lửa cháy
Một Người hầu(3) mặc áo khoác của anh và khúc khích cười
Nói tóm lại là anh đã thôi.

Và liệu có cần gì cho anh, sau tất cả
Sau bánh ngọt, cốc trà, trong lặng lẽ
Nói một điều gì đó về em và anh
Liệu có cần thiết chăng?
Với nụ cười rũ bỏ điều cấm đoán
Ôm cả hoàn cầu trong lòng im lặng
Và xoay quả đất với câu hỏi chết người
Rằng: “Ta là Lazarus từ cõi chết trở về đây
Ta quay trở về để nói ra tất cả” –
Nếu ai đó cái gối trên đầu đã sửa
Và nói rằng: “Không phải thế đâu
Tất cả đều không phải thế”.

Thì anh có cần gì sau đó
Thì anh còn cần thêm gì nữa
Sau những buổi hoàng hôn, sân trước và những đường phố mưa giăng
Sau ấm chén, sách vở, váy áo rải trên sàn
Và điều này, và hơn thế nữa?
Anh cứ ngỡ rằng lời chẳng có
Nhưng giống như khuôn mẫu trên màn hình
Thì liệu có còn cần thiết cho anh
Nếu như ai đó sửa lại khăn và gối
Và quay nhìn vào cửa sổ rồi nói:
“Tất cả không phải thế đâu
Tất cả đều không phải thế”.
……………………………..

Không! Anh không phải là Hamlet và không thể trở thành
Anh chỉ là người hầu, những kẻ ở xung quanh
Là kẻ bị người ta đẩy ra sân khấu
Rồi khuyên bảo phải thế này thế nọ
Người được tôn kính và rất sẵn lòng
Người cẩn trọng và khôn ngoan
Người cao sang nhưng hơi đần một chút
Theo thời gian có lẽ thành lố bịch
Theo thời gian thành kẻ pha trò.

Anh ngày một già thêm
Có lẽ anh phải xắn quần lên.

Liệu anh còn được ăn quả đào? Còn chải tóc trên trán?
Còn đi ra biển mặc quần màu trắng.
Và anh nghe những nàng tiên cá hát vang lên.

Nhưng bài hát này không phải để cho anh.

Anh thấy những nàng tiên cá bơi trên sóng biển
Những con sóng vuốt ve làn tóc trắng
Khi ngọn gió rì rào trên mặt nước trắng và đen.

Ta lang thang trong xứ sở của tiên
Nghe giọng nói của người trần và ta nức nở
Giọng nói gọi ta trở về trần thế, và ta chìm.
_____________

(1)Eliot viết bài thơ này năm 1910, khi đang còn là sinh viên Đại học Harvard, viết xong năm 1911. Bốn năm sau đăng ở tạp chí Poetry (June 1915). Sau đó in trong tập thơ đầu tiên Prufrock and Other Observations (1917). Đề từ của bài thơ này trích từ Thần khúc của Dante:

Giá tôi biết rằng câu chuyện của mình
Nghe thấy được người còn quay trở lại
Thì ngọn lửa của tôi đã không run.

Nhưng bởi vì không còn đường trở lại
Tôi chưa từng nghe chuyện ấy bao giờ
Nên tôi trả lời, xấu hổ chi mà ngại.
(Thần khúc_Địa ngục, khúc ca XXVII, dòng 61-66. Bản tiếng Việt của Hồ Thuợng Tuy)

Ý nghĩa của những dòng thơ này như sau: giá như nhân vật tin chắc rằng câu chuyện của anh ta có ai đó nghe được và sau này quay trở lại trần gian kể cho mọi người những điều đã nghe thì anh ta đã chẳng nói ra. Điều đó có nghĩa là Bản tình ca… của Eliot không ca lên cho tất cả cùng nghe. Đọc bài thơ đến hết ta sẽ hiểu ra rằng Prufrock không hề yêu ai cả - ít ra là trong trường hợp Bản tình ca… này, không yêu một người phụ nữ nào trong những lời độc thoại của mình. “Em và anh” ở đây là Prufrock tự nói với chính mình đấy thôi, còn những người phụ nữ thì chỉ chuyện trò về Michelangelo. Đây là bài ca tình yêu thời hiện đại của chàng sinh viên Đại học Harvard, nếu có thể gọi đấy là tình yêu.
Prufrock, một mặt nào đó cũng giống như Hamlet với “to be, or not to be”(nên hay không nên), rất thận trọng và lưỡng lự, chàng cứ sợ rằng sau lời tỏ tình của mình thì cả thế giới này sẽ sụp đổ. Mặt khác, không biết liệu có nên làm cho thế gian phiền muộn hay không, nếu như đằng nào thì người đời cũng không nghe, không hiểu mình? Và, ngay cả nếu được như Lazarus (La-xa-rơ: Tân Ước_Giăng11: 43,44) từ cõi chết trở về muốn kể lại những điều về cuộc sống, cái chết thì cũng chẳng ai thèm nghe: những người phụ nữ trong phòng khách kia chỉ quan tâm những điều mà họ muốn nói. Thì khi ấy mong ước được trở thành “hai càng cua bờm xờm/ chạy trốn vào trong đáy biển lặng im…” Chủ đề của Bản tình ca… là không yêu được. Từ không yêu được đến không sống được cũng chẳng xa xôi gì, bởi thế ở đoạn cuối ta thấy xuất hiện các nàng tiên cá (các nàng tiên cá tượng trưng cho vẻ đẹp chết người, vẻ quyến rũ của phụ nữ) và bài thơ kết thúc bằng lời “ta chìm” (we drown).
(2)Michelangelo Buonarroti (1475-1564) – nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ Italia thời Phục hưng.
(3)Người hầu (the eternal Footman) – ở đây có nghĩa là cái chết, luôn luôn chuẩn bị bộ quần áo cuối cùng cho con người - áo quan.





cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 26.05.2008 09:26:52

 
ĐẤT HOANG

"Nam Sibyllam quidem Cumis ego ipse
oculis meis vidi in ampulla pendere, et cum
illi pueri dicerent: Σίβυλλα τί θέλεις;
respondebat ilia: άποθανείν θελω".
(Tôi từng nhìn thấy Xibila ở Cumai ngồi trong chai.
Khi bọn trẻ hỏi: “Bà muốn gì, Xibila?”
Xibila trả lời: “Muốn chết” (tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ).

Tặng Ezra Pound
il miglior fabbro.
(bậc thầy cao hơn tôi (tiếng Italia)(1).

I. Lễ mai táng người chết

Tháng tư là tháng khắc nghiệt, gây ra
Màu tím tử đinh hương của đất, rồi hòa
Ký ức với ước mong, và gây xúc động
Nguồn cội mơ màng bằng mưa xuân trút xuống.
Mùa đông sưởi ấm lòng ta
Chở che mặt đất bằng tuyết dày quên lãng
Nuôi cuộc đời bằng những cọng cây khô.
Mùa hè đến bất chợt trên hồ Starnbergersee(2)
Với những cơn mưa, chúng em dừng chân bên dãy cột to
Sau đó đi về Hofgarten trong ánh nắng
Chúng em uống cà phê và suốt cả giờ trò chuyện.
Bin gar keine Russin, stamm’ aus Litauen, echt deutsch.
(Em không phải người Nga, sinh ở Lít-va, là người Đức chính cống)
Ngày còn bé chúng em thường đến chơi với người anh
Hoàng tử Áo – anh ấy rủ em đi xe trượt tuyết
Thấy em sợ hãi thì anh ấy động viên:
Marie, em giữ cho chắc vào. Ta bắt đầu đầu trượt.
Giữa núi đồi sẽ thanh thoát nhẹ nhàng.
Em đọc sách ban đêm và đi về phương Nam mùa đông.

Rễ nào bám vào, cành nào mọc lên
Từ đá vỡ này? Con người trần(3)
Không thể nói ra, ước chừng, vì chỉ biết
Một đống hình vỡ, nơi ánh mặt trời đập
Cây chết không cho bóng, cào cào chẳng làm khuây(4)
Đá khô không có nước, mà chỉ có ở đây
Chiếc bóng của loài đá đỏ(5)
(Hãy đứng dưới bóng của loài đá đó)
Và em sẽ chỉ cho anh một cái gì đó
Không như cái bóng người buổi sáng ở sau lưng
Hay cái bóng buổi chiều ở trước mặt anh
Em sẽ chỉ ra trong một nắm tro tàn sợ hãi.
Frisch weht der Wind(6)
Der Heimat zu.
Mein Irsch Kind
Wo weilest du?
(Mát lành cơn gió thổi
Gió thổi về quê hương.
Em nơi mô chờ đợi
Hở cô bé Ai-len?)
“Năm ngoái người trao em hyacinths(7) lần đầu tiên
Người ta gọi em là lan dạ hương thiếu nữ”.
– Nhưng khi ta trở về từ vườn Hyacinth đó
Tay em đầy hoa và mái tóc đầy sương
Anh không nói nên lời, đôi mắt anh mơ màng
Dở sống, dở chết, anh không biết gì hết cả
Anh nhìn vào con tim ánh sáng – và lặng lẽ
Od’ und leer das Meer(8).
(Biển hoang vu, vời vợi, triền miên).

Bà Sosostris(9) nhìn thấu được cả những cái vô hình
Dù bà có bị cảm lạnh nhưng mà vẫn
Nổi tiếng khắp châu Âu là người đoán đúng
Với một cỗ bài. Bà nói: con bài của anh kia
Người thủy thủ bị chìm của xứ Phê-ni-xi(10).
(Hãy xem kìa: đôi mắt như ngọc châu lấp lóa)
Còn đây là Belladonna(11), bà chúa tể của bao vách đá
Bà chủ của những tình thế nọ kia.
Người đàn ông với ba cây gậy, và đây bánh xe
Còn đây là nhà thương gia một mắt
Quân này trống, có vật gì trên lưng được đặt
Thì ta chẳng nhìn ra. Không nhận ra
Người treo cổ. Hãy coi chừng chết đuối.
Ta thấy một đoàn người đi quanh vòng ấy.
Cám ơn. Nếu anh nhìn thấy ngài Equitone(12)
Thì nói rằng lá số ta mang đến cho ông
Thời buổi này hãy nhớ dè chừng, cẩn thận.

Thành phố có vẻ như trong tưởng tượng
Dưới làn sương mù của buổi sáng mùa đông
Người ta chen chúc nhau trên cầu Luân Đôn
Tôi đã không nghĩ rằng thần chết bắt nhiều người ghê gớm(13).
Những tiếng thở dài trong không trung hiếm hoi và ngắn(14)
Và mỗi người đều đưa mắt nhìn xuống bàn chân.
Đi lên đồi và đi xuống phố King William(15)
Nơi đồng hồ chuông Saint Mary Woolnoth buông xuống
Âm thanh chết của giờ thứ chín.
Tôi nhìn thấy một người quen và tôi gọi: “Stetson!
Có phải ta đã cùng chiến đấu trên tàu ở Mylae(16) không?
Cái xác mà anh chôn ở trong vườn năm ngoái
Có xanh tốt? Có nở hoa, kết trái?
Có sống qua được băng giá của đời?
Hãy tránh xa chó, chó không hẳn là bạn của người
Kẻo nó dùng móng chân của mình đào bới lại!(17)
Anh! Hypocrite lecteur! – mon semblable, – mon frere!”(18)
(Anh! Bạn đọc đạo đức giả! – người giống tôi, – người anh em của tôi!)
___________

Trường ca “Đất hoang” in lần đầu ở tạp chí Criterion (London) tháng 10 – 1922. “Đất hoang” là biểu tượng của châu Âu sau chiến tranh thế giới I, khủng hoảng tinh thần, thiếu lòng tin… Tuy vậy ẩn ý của trường ca là những cuộc truy tìm chiếc Chén Thần (Holy Grail), chiếc chén mà Chúa Giê-su đã uống trong bữa ăn cuối cùng. Eliot lên hệ với truyền thuyết trong tác phẩm “Cành vàng” của J. Fraser. Vua Cá (Fisher King – biểu tượng của cuộc sống) bị làm bùa phép và bị giết, mặt đất trở thành đất hoang. Chàng hoàng tử Perceval (Percyvelle) giải thoát được cho nhà vua bằng cách vượt qua nhiều thử thách tìm đến Nhà Nguyện để nhận biết những nghi lễ của Chén Thần… Eliot thường xuyên so sánh, đối chiếu hiện tại với quá khứ.
Trường ca có 5 phần. Chúng tôi trích dịch phần I – là phần nổi tiếng nhất, thường được đưa vào các tuyển tập. Trong các tác phẩm của mình, Eliot dùng tiếng Anh xen lẫn với tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Italia, tiếng Hy Lạp cổ… Trung thành với nguyên tác chúng tôi dịch phần tiếng Anh còn các ngôn ngữ khác để nguyên như trong nguyên tác và thêm phần tiếng Việt trong dấu mở, đóng ngoặc.
(1)Đề từ của trường ca lấy từ tác phẩm Satyricon (chương 48) của nhà văn La Mã Arbite (Gaius) Petronius (? – 66). Xibila ở Cumai (the Cumaean sibyl) xin thần Apollo cho một cuộc sống vĩnh cửu nhưng quên xin một tuổi trẻ vĩnh cửu. Cơ thể của Xibila nhăn nheo, teo tóp bỏ được vào trong chai. Trong “Đất hoang” Xibila trở thành bà Sosostris, là người giống như nhà tiên tri mù Tiresias trong thần thoại Hy Lạp. Theo thần thoại Hy Lạp, Tiresias biến thành phụ nữ trong bảy năm rồi lại trở về làm đàn ông, sau đó trở thành người trọng tài trong cuộc tranh luận giữa các vị thần (Zeus và Hera): Ai là người nhận được nhiều hơn khoái cảm của tình yêu – đàn ông hay phụ nữ? Khoái cảm của phụ nữ mạnh hơn khoái cảm của đàn ông gấp chín lần – kết luận của Tiresias. Vì điều kết luận này mà nữ thần Hera tức giận, đã làm cho Tiresias trở thành mù nhưng được thần Zeus ban cho một cuộc sống trường thọ.
Bậc thầy cao hơn tôi (il migllior fabbro) – đây là câu trả lời của Guido Guinizelli nói về A. Daniel trong những lời trò chuyện với Dante. (Dante. Tĩnh ngục, XXVI, 112-118).
(2)Starnbergersee – hồ nước ở gần Munchen (Munich). Hofgarten là tên một công viên.
(3)Xem: Cựu ước_Ê-xê-chi-ên 2:1 (chú thích của Eliot): Hỡi con người, chân ngươi hãy đứng, ta sẽ phán cùng ngươi. ở chương 37:3 Chúa hỏi Ê-xê-chi-ên: Hỡi con người, những hài cốt này có thể sống chăng? Và Ê-xê-chi-ên trả lời: Lạy Chúa Giê-hô-va, chính Chúa biết điều đó!
(4)Xem: Cựu ước_Truyền đạo 12:5 (chú thích của Eliot), nơi người truyền đạo nói về những ngày gian nan, khó nhọc:
Lúc ấy người ta sợ hãi lên cao
Đi trên đường sẽ vô cùng khiếp sợ
Và sẽ trổ bông những khóm hạnh đào
Cào cào nặng, ước ao không còn nữa.
(5)Xem: Cựu ước_Ê-sai 32:2: Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi.
(6)Mát lành cơn gió thổi... lời thơ trích từ vở nhạc kịch câu chuyện tình “Tristan und Isolt” (Trixtăng và Iđơn, tiếng Đức) của Richard Wagne (1813-1883).
(7)Hyacinth – theo thần thoại Hy Lạp là một chàng trai trẻ đẹp. Sau khi Hyacinth chết thần Apollo lấy xác của hyacinth gieo thành loài hoa lan dạ hương.
(8)Biển hoang vu… tiếng kêu của người đầy tớ mà vua Mác sai đi nhìn ra biển xem có thấy con tàu chở Iđơn.
(9)Thầy bói có tên một Pharaon Ai Cập, Eliot lấy từ một bi kịch của A. Huxley.
(10)Xứ Phê-ni-xi (Phoenicia) – quốc gia cổ đại ở vùng biển Địa Trung Hải.
(11) Belladonna – tên Italia của một quân bài.
(12) Equitone – cũng là tên một trong các quân bài.
(13)Xem: Dante. Địa ngục, III, 55-57 (chú thích của Eliot):
Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc
Đông đến mức tôi không thể nào tin được
Rằng thần chết đã nhanh tay như thế!
(Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).
(14)Xem: Dante. Địa ngục, IV, 25-27 (chú thích của Eliot):
Ở đó những gì mà tôi nghe được
Không phải tiếng kêu van mà là tiếng thở dài
Làm xáo động cả bầu không khí.
(Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).
(15)Đồng hồ chuông của nhà thờ Saint Mary Woolnoth trên phố King William là nơi Eliot thường qua lại khi sống ở Luân Đôn. Để đi đến khu trung tâm tài chính của Luân Đôn (City) cần đi qua cầu Luân Đôn sang bờ bên kia của sông Thames.
(16)Trận đánh Mylae (Battle of Mylae) trong chiến tranh Punic giữa người Roma và người Carthaganian năm 260 – 146 tr. CN.
(17)Eliot dẫn John Webster (1580-1625), tác giả của bi kịch “Con quỉ trắng” (The White Devil, 1612) “Hãy đuổi chó sói/ Kẻ thù của con người/ Để nó không dùng móng chân đào xác chết”. Đây là tiếng khóc của một phụ nữ có đứa con trai đã giết người anh em của mình rồi đào mồ chôn người anh em bị giết.
(18)Đây là một câu trong “Những bông hoa ác” (Les fleurs du mal) của Charles Baudelaire (1821- 1867).


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 31.10.2008 08:01:07



BỐN KHÚC TỨ TẤU


τού λόγου δ'εόντος ξυνού ζώουσιν οί
πολλοί ώς Ιδίαν έξουτες φρόνησιν
I. p. 77. Fr. 2. (*)

όδός άνω κάτω μέα καί ώυτή
I. p. 89. Fr. 60. (**)(tiếng Hy Lạp)

Diels: Die Fragmente der Vorsokratiker Herakleitos.


Cả hiện tại và quá khứ
Có lẽ đều có mặt ở tương lai
Và tương lai có mặt trong quá khứ.
Nếu thời gian còn mãi bây giờ
Thời gian không thể nào chuộc lại
Cái chưa đến là trìu tượng
Và chỉ mãi mãi giữ nguyên
ở trong vùng suy luận.
Cái chưa đến và đã đến
Luôn luôn ở trong một điểm – bây giờ.
Những bước chân vang vọng trong trí nhớ
Đến miền ta chửa từng qua
Về cánh cửa không bao giờ mở
Vào vườn hồng. Những lời của ta
Vang vọng ở trong em.
Nhưng có cần thiết chăng
Tro bụi trên bình hoa lo lắng
Ta không biết rằng
Tiếng vang khác hẳn
Ngự trị khu vườn. Có nên bước vào không?
Tiếng chim hót: nhanh lên, hãy tìm thấy chúng
Quanh góc phòng. Qua cánh cổng đầu tiên
Bước vào thế giới đầu tiên, hãy tin
Tiếng chim hót? Bước vào cuộc đời thứ nhất
Chúng ở đó trang nghiêm, không nhìn thấy được
Lơ lửng trên những chiếc lá lìa cành
Trong mùa thu ấm áp, qua không khí ngân vang
Và lời chim nhắc lại
Tiếng nhạc không nghe ra, giấu mình trong bụi
Và giao nhau những ánh mắt vô hình
Bởi hoa hồng thấy những ánh mắt nhìn
Ở đó họ là khách của ta, là khách mà chủ
Theo luật lệ ta bước đi theo họ
Đường phố hoang vu, nhìn hồ nước đã khô
Và những bụi gai mọc ở quanh hồ.
Hồ nước khô, bê tông khô và màu hung bên mép
Ngày xưa trong hồ này nước mặt trời đầy ắp
Và lặng lẽ, dịu dàng có một bông sen
Nước lấp lánh và ánh sáng trong tim
Và họ từng ở sau ta, phản chiếu trên hồ nước
Nhưng đám mây bay qua và hồ khô kiệt.
Chim hót: hãy đi đi, có những đứa trẻ con
Giấu mình trong bụi và chúng đang cười ầm.
Hãy đi đi, đi đi – và tiếng chim lại hót:
Con người vẫn nhọc nhằn khi cuộc đời hiện thực.
Cả quá khứ và cả tương lai
Cái chưa đến và đã đến
Luôn luôn ở trong một điểm – bây giờ.

_______________
(*)Từ ngữ với mọi người có nghĩa như nhau, nhưng đa số có vẻ như hiểu theo cách của riêng mình. Herakleitos I, tr. 77, dòng 2.
(**)Con đường đi và con đường đến – chỉ là một con đường. Herakleitos I, tr. 89, dòng 60.

(1) Bốn khúc tứ tấu được viết trong khoảng thời gian từ 1934-1942, lần đầu tiên in thành sách năm 1943. Đây là tác phẩm thể hiện quan niệm thơ ca và triết học của Eliot được hình thành trong những năm 20, 30, tiêu biểu là tác phẩm Ngày thứ tư tro bụi. Eliot kết hợp ở đây khái niệm về linh hồn bất tử của Cơ đốc giáo với cách giải thích khoa học những phạm trù như thời gian, nơi chốn, sự vô tận, sự chuyển hoá liên tục thành những hình thái khác nhau của đời sống... Giải quyết những vấn đề này, Eliot chủ yếu dựa vào triết học trực cảm của Henri Bergson (1859-1941). Năm 1911 Eliot thường xuyên dự những giờ giảng triết học của Henri Bergson, cũng là người đoạt giải Nobel Văn học năm 1927. Ngoài ra, chính Eliot nhiều lần tuyên bố rằng ông theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng tuyệt đối trong triết học của Francis Bradley (1846-1924), đặc biệt là tác phẩm Thể diện và thực chất (Apperance and Reality, 1893).

Bốn khúc tứ tấu là: 1) Burnt Norton; 2) East Coker; 3) The Dry Salvager; 4) Little Gidding. Đoạn trích trên đây là phần I (mỗi khúc tứ tấu có 5 phần) của khúc đầu tiên. Burnt Norton là một điền trang ở Gloucestershire, gần nơi ở của Eliot.

- Năm dòng đầu: "Cả hiện tại... không thể nào chuộc lại" (Time present... unredeemable) là cách hiểu các hình thái thời gian của Henri Bergson dẫn lời Kinh Thánh: "whatsoever God doeth it shall be for ever... That which hath been is now; and that which is to be hath already been..." (Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời... Điều gì hiện có, đã có từ xưa... Cựu Ước_Truyền đạo 3: 14,15).

- Vườn hồng (rose-garden) – hình tượng luôn xuất hiện trong Bốn khúc tứ tấu, có nghĩa là vườn địa đàng được Eliot dùng như là biểu tượng của tình yêu với tâm hồn thức tỉnh.





NHỮNG KẺ RỖNG TUYẾCH

Mistah Kurtz — he dead.
Ngài Kurtz đã chết
A penny for an Old Guy
Xin một hào cho Guy già*



I

Ta là những người trống rỗng
Ta là những hình nộm
Ta cúi xuống cùng nhau
Rơm xào xạc trên đầu
Giọng ta khô, nức nở
Khi cùng nhau to nhỏ
Lặng lẽ và hững hờ
Như gió trong cỏ khô
Như chuột trên kính vỡ
Trong hầm rượu cạn khô.

Hình thiếu nét, bóng thiếu màu
Sức lực đờ ra, cử chỉ không cử động

Những đôi mắt của ai nhìn thẳng
Từ Vương quốc cái chết khác đang nhìn
Nhắc ta, không như những kẻ vô hồn
Những tâm hồn sôi động, nhưng
Chỉ như những người trống rỗng
Như những hình nộm bằng rơm.

II

Những đôi mắt tôi sợ gặp trong mơ
Nhưng trong vương quốc mơ màng cái chết
Những đôi mắt không có bao giờ
Những đôi mắt này
Trên cột gãy là ánh mặt trời
Là cành cây nhún nhảy
Và giọng nói
Trong ngọn gió hát lên
Xa cách và trang nghiêm
Hơn những ngôi sao dần tắt.

Hãy cho tôi đến gần
Vương quốc mơ màng cái chết
Hãy cho tôi được mặc
Quần áo cải trang
áo khoác của chuột, lông của quạ khoang
Đứng trên đồi như ngọn gió
Gió đi đâu, tôi đi đó
Nhưng đừng để đến gần –

Lần cuối cùng gặp gỡ
Trong vương quốc của hoàng hôn.

III

Đấy là quê hương cái chết
Đấy là xứ sở của xương rồng
Nơi này những pho tượng đá
Và những cánh tay vật vã
Của những người chết van xin
Trong ánh sáng của ngôi sao tắt dần.

Có phải vậy chăng
Trong vương quốc cái chết khác
Khi thức dậy một mình
Và trong giờ khắc
Ta run lên với sự dịu dàng
Những bờ môi chờ hôn môi khác
Và nguyện cầu cho đá vỡ tan.

IV

Những đôi mắt không ở đây
Những đôi mắt không có ở nơi này
Trong thung lũng những ngôi sao đã chết
Trong thung lũng này rỗng tuyếch
Đã gãy quai hàm những vương quốc đã mất của ta

Ở nơi của lần gặp gỡ cuối cùng
Ta cùng nhau mò mẫm
Và nói năng cùng nhau ta tránh
Trên bờ sông có dòng nước sưng lên

Không nhìn ra cho đến một khi mà
Những đôi mắt chưa hiện
Như ngôi sao muôn đời tỏa sáng
Như muôn ngàn cánh hoa hồng
Của vương quốc cái chết hoàng hôn
Và chỉ đấy là niềm hy vọng
Dành cho những người trống rỗng.

V

Ta đi vòng quanh những bụi cây gai
Những bụi cây gai những bụi cây gai
Ta đi vòng quanh những bụi cây gai
Vào lúc năm giờ sáng.

Giữa ý tưởng
Và hiện thực cuộc đời
Giữa ý muốn
Và hành động con người
Chiếc bóng kia đổ xuống
Bởi Vương quốc là Ngài

Giữa quan niệm
Và sự dựng xây
Giữa mối xúc động
Và câu trả lời
Chiếc bóng kia đổ xuống
Cuộc đời ta rất dài

Giữa niềm ước mong
Và sự rung cảm
Giữa khả năng
Và sự sống
Giữa hiện tượng
Và bản chất của đời
Chiếc bóng kia đổ xuống
Bởi Vương quốc là Ngài

Bởi Vương quốc là Ngài
Là Cuộc sống
Bởi Vương quốc là Ngài và

Và như thế kết thúc cuộc đời
Và như thế kết thúc cuộc đời
Và như thế kết thúc cuộc đời
Bằng tiếng nấc chứ không bằng đập mạnh.

____________
(1) Trường ca Những kẻ rỗng tuyếch in đầy đủ lần đầu vào năm 1925 nhưng trước đó, 4 trong số 5 phần đã in riêng lẻ từng phần trong tạp chí Criterion. Bởi thế khi đi giải thích trường ca này có những khó khăn vì một điều rằng: Eliot đem tập hợp thành một trường ca từ những bài thơ lẻ trước đó được tư duy một cách độc lập.

"Những kẻ rỗng tuyếch" là cách Eliot gọi những trí thức châu Âu thời đó. Vì đánh mất lòng tin nên trong tâm hồn họ có một khoảng trống được lấp bằng những chính kiến rất ngẫu nhiên. Bởi thế, những người này vừa rỗng tuyếch (hollow), vừa là hình nộm (stuffed) được kết bằng rơm rác...

Đề từ thứ nhất của trường ca là câu trích từ tiểu thuyết Con tim bóng tối (The Heart of Darkness, 1902) của Joseph Conrad (1857-1924) nói về sự đánh mất lòng tin. "Mistah Kurtz – he dead" là lời cô người hầu da đen nói tiếng Anh còn chưa sõi, thông báo về cái chết của ngài Kurtz da trắng, người mà một bộ tộc da đen ở Công-gô coi như một vị thánh. Nhưng nếu như ngài đã chết thì có nghĩa là ngài không phải thánh thần.

Đề từ thứ hai xuất phát từ một tục lệ truyền thống – hàng năm cứ vào mồng 5 tháng 11 người ta đốt hình nộm Guy Fawkes, kẻ cầm đầu vụ mưu dùng thuốc nổ phá toà nhà Quốc hội Anh năm 1605. Tối mồng 4 sang ngày mồng 5 trẻ con mang hình nộm Guy Fawkes đến từng nhà "xin một hào cho Guy già", sau đó đem đốt hình nộm và tổ chức đốt pháo hoa.

Điểm khó hiểu thứ nhất của trường ca này là khái niệm "vương quốc cái chết" (death’s kingdom). Khái niệm này Eliot sử dụng trong trường ca theo 5 dạng. Vì rằng sự đánh mất lòng tin nghĩa là không còn tin vào sự bất tử nên "những kẻ rỗng tuyếch" đang sống trong "vương quốc cái chết". Nhưng trong vương quốc cái chết này người ta vẫn mơ ước, vẫn thấy những giấc mơ nên mới có "vương quốc mơ màng cái chết" (death’s dream kingdom). Những kẻ rỗng tuyếch này, đa số là sống trong vương quốc ảo nhưng trong số họ vẫn có những người sẵn sàng từ bỏ nó để đi về vương quốc khác (giống như tĩnh ngục) để tẩy rửa và chuộc lỗi lầm. Những người này đang ở trong "vương quốc cái chết hoàng hôn" (death’s twilight kingdom). Như vậy, đã có 3 dạng của vương quốc cái chết. Ngoài vương quốc cái chết ở trần gian còn có một vương quốc cái chết ở bên kia thế giới nữa, nên có thêm một khái niệm: "vương quốc cái chết khác" (death’s other kingdom). Và cuối cùng, để phân biệt "vương quốc cái chết khác" này với một vương quốc cũng ở bên kia thế giới dành cho những kẻ ngoan đạo (giống như thiên đường), Eliot viết hoa chữ "Kingdom" – "death’s other Kingdom". Đấy là 5 cách gọi một khái niệm "vương quốc cái chết" của Eliot.

Điểm khó hiểu thứ hai trong trường ca này là hình ảnh những đôi mắt. Những đôi mắt xuất hiện từ phần II của trường ca, và nhân vật vừa muốn được nhìn thấy những đôi mắt lại vừa sợ nhìn thấy chúng. Nhân vật muốn mặc quần áo cải trang để cho những đôi mắt kia không nhận ra. Hình tượng này Eliot mượn của Dante (Thần khúc - Tĩnh ngục, khúc ca XXXI). Không nhìn thấy đôi mắt của Beatrice thì không thể từ giã Tĩnh ngục để bước lên Thiên đường (Đôi mắt Beatrice tượng trưng cho Trí tuệ của Chúa).

Điểm khó hiểu thứ ba là hình tượng chiếc bóng đổ xuống "giữa ý tưởng/ và hiện thực cuộc đời/ giữa ý muốn/ và hành động con người..." Chiếc bóng là biểu tượng của tính nhu nhược, thiếu quyết đoán của "những kẻ rỗng tuyếch".

- Câu: "Bởi Vương quốc là Ngài" (For Thine is the Kingdom) trích từ lời cầu nguyện "Cha của chúng con" (lời Đức Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi): "Bởi Ngài là Vương quốc, là quyền lực, là vinh quang muôn thuở. Amen!"(Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. Amen! – lời dịch của Hội Thánh Kinh tại Việt Nam. Tân Ước - Ma-thi-ơ 6:13). Chỉ có đôi mắt của tình yêu, đôi mắt của Beatrice có thể trả về nhãn quan cho "những kẻ rỗng tuyếch". Những đôi mắt này là ngôi sao dẫn đường, là hoa hồng thần bí "là ngôi sao muôn đời toả sáng/ là muôn ngàn cánh hoa hồng/ của vương quốc cái chết hoàng hôn..." (muôn ngàn cánh hoa hồng là những thánh thần, những người ngoan đạo mà Dante nhìn thấy ở Thiên đường (Thần khúc_Thiên đường, khúc ca XXX, XXXIII).

- Câu: "Cuộc đời ta rất dài" (Life is very long) trích từ tiểu thuyết Kẻ lưu đày của những hòn đảo (An Outcast of the Islands) của J. Conrad.

- Câu: "Ta đi vòng quanh những bụi cây gai"(Here we go round the prickly pear) – nhại theo bài hát thiếu nhi "Here we go round the mulberry bush on a cold frosty morning". Cây xương rồng tượng trưng cho vùng đất khô cằn.

- Điệp khúc: "Và như thế kết thúc cuộc đời" (This is a way the world ends) – nhại theo bài hát thiếu nhi "This is the Way we Clap our Hands".




cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 25.03.2009 15:35:23
CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA CÁC ĐẠO SĨ



"Ta đi trong băng giá
Mùa xấu nhất trong năm
Đằng đẵng cuộc hành trình
Con đường dài và gió
Buốt giá của mùa đông"(2).


Và những con lạc đà trầy da chân
Lì lợm nằm trên tuyết.
Còn ta, đôi khi cảm thấy buồn
Nhớ những cung điện mùa hè, sân gác
Những cô gái mượt mà mang ra đồ ngọt
Những kẻ cai lạc đà lời tục tĩu tuôn ra
Họ chạy đi đòi rượu và đàn bà
Và tắt lửa nhưng lều riêng không đủ
Và thù địch ở những thành phố to, không cảm tình ở những thành phố nhỏ
Những ngôi làng bẩn thỉu và giá cả rất cao
Trong thời buổi khó khăn như vậy ta đi vào.
Cuối cùng ta đã đi thâu đêm suốt sáng
Ngủ ngáy chỉ đôi khi, thỉnh thoảng
Và ta nghe những giọng hát bên tai
Tất cả chỉ là điên rồ, cuồng loạn.

Rồi buổi bình minh ta đến miền thung lũng
Nơi dưới tuyết mùi hoa cỏ bốc lên
Dòng suối rì rào, cối xay nước gõ nhịp vào bóng đêm
Và dưới bầu trời thấp có ba cây gỗ(3)
Và con ngựa bạch phóng nhanh trên đồng cỏ(4).
Ta đến bên quán rượu có treo những cành nho
Sáu cánh tay mở cửa ném những miếng bạc ra
Bàn chân giẫm lên túi da đựng rượu nhưng đã hết
Nhưng không ai biết gì và ta đi tiếp
Rồi ta đến nơi vào buổi chiều, không một chút sớm hơn
Rất tốt đẹp, như dự định mà ta cần.
Đã từ rất lâu, bây giờ tôi nhớ lại
Nhưng có một điều, giá mà tôi được hỏi
Giả sử là
Một điều này: những con đường của ta
Vì Sinh hay Tử? Đã từng là Sinh, hẳn thế
Ta đã biết điều này. Tôi đã từng thấy cả Sinh và Tử
Nhưng mà chúng khác nhau, đó chính là Sinh
Thật đắng cay, ta sống như là chết với cái chết của mình
Và ta đành quay trở về Vương quốc
Nhưng chẳng tìm ra cho mình sự bình yên
Con người vẫn bám chặt vào thần thánh của mình.
Bởi thế, tôi vui mừng đón chào cái chết khác.

________________
(1) Bài thơ này in lần đầu trên thiệp Giáng sinh của nhà xuất bản "Faber and Faber" năm 1927. Cũng trong năm này T. S. Eliot nhập quốc tịch Anh và cải đạo sang Anh giáo. Bài thơ này dựa theo câu chuyện kể về sự Giáng sinh của Chúa Giê-su (Tân Ước_Ma-thi-ơ 2:1-12). Tuy vậy, ngay từ dòng đầu Eliot đã viết theo cách của mình. Bài thơ không nhắc đến ngôi sao dẫn đường, không nói gì về lễ vật là vàng và nhũ hương hay sự vui mừng của các đạo sĩ. Eliot chỉ nói về sự khó nhọc của con đường đi đến lòng tin mới (việc cải đạo của mình). Nhân vật chính của bài thơ là một đạo sĩ hồi tưởng lại cuộc hành trình sau nhiều năm đã trôi qua. Và, hoá ra là con đường có rất nhiều ngờ vực, có thể, "tất cả chỉ là điên rồ, cuồng loạn". Nhưng sau khi đã trở về Vương quốc (Anh) cuộc sống cũng chẳng yên bình hơn. Sự hồi sinh này đòi hỏi cái chết, và chỉ sau cái chết này, có thể, sẽ sinh lại lần hai.
Cả bài thơ dựa trên hai phạm trù triết học: Sinh và Tử. Người kể chuyện chưa tiếp nhận hết lòng tin mới, mà muốn chết để giải thoát mối nghi ngờ của những người sống quanh mình, những người vẫn tôn thờ những đạo sĩ cổ xưa. Bài thơ cho thấy việc cải đạo sang Anh giáo của T. S. Eliot không một chút dễ dàng.

(2)Khổ thơ đầu trong ngoặc là những lời thuyết giáo đêm Giáng sinh của giáo chủ người Anh, Lancelot Andrews (1555-1626).

(3)Đây là ba cây gỗ treo ba cây thập ác để đóng đinh Chúa Giê-su cùng với hai tên trộm-cướp ở hai bên (Tân Ước_Luca 23: 32,33).

(4)Con ngựa bạch trong Khải huyền: "Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, có một con ngựa bạch hiện ra; Đấng cưỡi trên ngựa ấy gọi là Đấng Trung tín và Chân thật; Ngài lấy lẽ công bằng mà xét đoán và chiến đấu..." (Tân Ước_Khải huyền 19:11).

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.03.2010 14:33:11



Ezra Weston Loomis Pound
(30 tháng 10 năm 1885 – 1 tháng 11 năm 1972) – nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình người Mỹ, một đại diện xuất sắc của trào lưu văn học Anh Mỹ hiện đại nửa đầu thế kỉ XX. Nhà thơ đoạt giải Nobel Thomas Eliot dùng lời của Dante “il miglior fabbro” (bậc thầy cao hơn tôi) để nói về Ezra Pound. Còn nhà thơ Carl Sandburg viết: “Trong số những người còn sống, ông là người đã làm nhiều nhất để thức dậy những khát khao mới mẻ trong thơ ca”.

Tiểu sử:
Ezra Pound sinh ở Hailey, bang Idaho (Mỹ). Học ở Đại học Pennsylvania, dạy tiếng Latin ở bang Indiana. Năm 1908 Pound sang London (Anh) làm quen với William Butler Yeats và một thời gian làm thư kí cho W. B. Yeats. Thời gian này Pound bắt đầu in thơ và các bản dịch thơ từ tiếng Ý, tiếng Hoa, tiếng Nhật.

Năm 1915 in cuốn Des Imagistes – một hợp tuyển thơ ca và lí thuyết của phái hình tượng. Từ năm 1920 Ezra Pound vừa sáng tác vừa dịch thơ đồng thời viết phê bình tác phẩm của T. S. Eliot, James Joyce, Robert Frost, Ernest Hemingway… Năm 1921 Pound hiệu đính trường ca Đất hoang của T. S. Eliot, rút ngắn và nhuận sắc cho trường ca nổi tiếng này.

Từ năm 1920 Pound sang sống ở Paris. Từ năm 1925 sống ở Ý, Pound ủng hộ chế độ phát xít Mussolini và kêu gọi chiến tranh chống Liên Xô. Khi Mỹ tuyên bố chiến tranh với phát xít Ý, Pound phát biểu trên đài phát thanh phê phán chính sách của tổng thống Franklin Roosevelt kêu gọi binh sĩ Mỹ ủng hộ phát xít Đức. Năm 1948 Pound bị triệu hồi về Washington để xét tội tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít nhưng ngay sau đó được trả tự do vì lí do sức khỏe. Năm 1949 ông được trao giải Bollingen cho quyển Cantos. Những năm cuối đời ông sống trong im lặng một cách tự nguyện. Ezra Pound mất ngày 1 tháng 11 năm 1972 ở Venice, Ý.

Những tác phẩm xuất sắc nhất của ông có thể kể đến : Mặt nạ (Personae, 1949), Cantos 1-84 (1948), Vương miện (Thrones, 1959). Các tác phẩm dịch của Ezra Pound (The Translations of Ezra Pound, 1953), Văn xuôi (Literary Essays, 1954), Hướng dẫn văn hóa (Guide to Kulchur, 1938), Thư từ (The Letters of Ezra Pound, 1950), Xung đột (Impact, 1960).



Tác phẩm:


• 1908 A Lume Spento, poems (Venice)
• 1908 A Quinzaine for This Yule, poems (London).
• 1909 Personae, poems (London)
• 1909 Exultations, poems (London)[
• 1910 Provenca, poems (Boston)
• 1910 The Spirit of Romance, essays (London)
• 1911 Canzoni, poems (London)
• 1912 Ripostes, poems (London)
• 1912 The Sonnets and ballate of Guido Cavalcanti, translations, (London)
• 1915 Cathay, poems / translations
• 1916: Gaudier-Brzeska. A Memoir (London)
• 1916 Certain noble plays of Japan: from the manuscripts of Ernest Fenollosa, chosen and finished by Ezra Pound, with an introduction by William Butler Yeats.
• 1916 "Noh", or, Accomplishment: a study of the classical stage of Japan, by Ernest Fenollosa and Ezra Pound.
• 1916 "The Lake Isle", poem
• 1916 Lustra, poems.
• 1917 Twelve Dialogues of Fontenelle, translations
• 1918: Pavannes and Divisions, prose (New York)
• 1919 Quia Pauper Amavi, poems (London)
• 1918 Pavannes and Divisions, essays
• 1919 The Fourth Canto, poems
• 1920 Umbra, poems and translations (London)
• 1920 Hugh Selwyn Mauberley, poems (London)
• 1921 Poems, 1918–1921, poems (New York)
• 1922 The Natural Philosophy of Love, by Rémy de Gourmont, translations
• 1923 Indiscretions, essays
• 1923 Le Testament, one-act opera
• 1924 Antheil and the Treatise on Harmony, essays (Paris)
• 1925 A Draft of XVI Cantos, poems (Paris)
• 1926 Personae: The Collected Poems of Ezra Pound (New York)
• 1927 Exile, poems
• 1928 A Draft of the Cantos 17–27, poems
• 1928 Selected Poems, edited by T. S. Eliot (London)
• 1928 Ta hio, the great learning, newly rendered into the American language, translation
• 1930 A Draft of XXX Cantos, poems (New York)
• 1930 Imaginary Letters, essays
• 1931 How to Read, essays
• 1933 ABC of Economics, essays
• 1933 Cavalcanti, three-act opera
• 1934 Eleven New Cantos: XXXI-XLI, poems (New York)
• 1934 Homage to Sextus Propertius, poems (London)
• 1934 ABC of Reading, essays
• 1935 Make It New, essays
• 1936 Chinese written character as a medium for poetry, by Ernest Fenollosa, edited and with a foreword and notes by Ezra Pound
• 1936 Jefferson and/or Mussolini, essays
• 1937 The Fifth Decade of Cantos, poems (London)
• 1937 Polite Essays, essays
• 1937 Digest of the Analects, by Confucius, translation
• 1938 Culture, essays
• 1939 What Is Money For?, essays
• 1940 Cantos LII-LXXI, poems
• 1944 L'America, Roosevelt e le Cause della Guerra Presente, essays
• 1944 Introduzione alla Natura Economica degli S.U.A., prose
• 1947 Confucius: the Unwobbling pivot & the Great digest, translation
• 1948 The Pisan Cantos, poems (New York)
• 1950 Seventy Cantos, poems
• 1951 Confucian analects, translator
• 1953: The Translations of Ezra Pound, translations (London)
• 1955 Section: Rock-Drill, 85–95 de los Cantares, poems (Milan)
• 1956 Sophocles: The Women of Trachis. A Version by Ezra Pound, translation (London)
• 1959 Thrones: 96–109 de los Cantares, poems (Milan)
• 1968 Drafts and Fragments: Cantos CX-CXVII, poems
• 1975: Selected Poems, 1908-1959, poems (London)
• 1976: Collected Early Poems (New York)
• 1975: The Cantos (New York)ISBN 0-8112-1326-9
• 1997 Ezra Pound and Music, essays
• 1990: Personae: The Shorter Poems of Ezra Pound (New York)
• 1992 A Walking Tour of Southern France: Ezra Pound Among the Troubadours (New York)ISBN 0-8112-1223-8
• 2002 Canti postumi, poems ISBN 88-04-51031-5
• 2003 Ego scriptor cantilenae: The Music of Ezra Pound, operas/music
• 2003 Ezra Pound, Poems and Translations (Library of America, 2003) ISBN 978-1-93108241-9
• 2005 Early Writings (New York) ISBN 0-14-218913-0

Một số bài thơ:



cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Các nhà thơ Mỹ - 18.03.2010 14:37:18

CÔ GÁI

Tôi đưa tay vào cây
Nhựa cây chảy ra tay
Cây mọc lên từ ngực
Hạ xuống thấp
Cành cây từ tôi như những cánh tay.

Em là cây
Em là rêu
Là hoa tím dập dờn trước gió
Từ phía trên – em là cô bé
Và tất cả mê hoặc thế gian này.





MEDITATIO

Khi tôi nhận thức ra những thói quen lạ kì của chó
Thì tôi xin thừa nhận một điều này:
Con người là sinh vật cao cấp hơn tất cả.

Khi tôi hiểu ra những thói quen kì lạ của con người
Thì tôi, quả thực, cảm thấy bối rối vô cùng bạn ạ.