Các nhà thơ Mỹ
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
cacbac 18.12.2007 20:56:36 (permalink)


Wystan Hugh Auden (21 tháng 2 năm 1907 – 29 tháng 9 năm 1973) là nhà thơ Mỹ gốc Anh, sinh ra và lớn lên ở Anh, trở thành nhà thơ nổi tiếng của Anh, năm 1939 sang Mỹ. Ông là người có sự ảnh hưởng rất lớn đến văn học Anh-Mỹ, là một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XX.

Tiểu sử:
Wystan Hugh Auden sinh ở York, Anh. Từ nhỏ được học ở trường St. Edmund's School (Hindhead), Surrey, sau đó, ở trường Gresham's School, nổi tiếng với việc giáo dục kỷ luật nghiêm khắc và gắn liền với giáo dục tôn giáo. Ở trường này, Auden nhận ra rằng mình là người đồng tính nên từ chối việc học các môn học tôn giáo. Auden tiếp tục học thơ cổ ở Đại học Oxford và bắt đầu hoạt động văn học từ ngày còn là sinh viên. Năm 1930 in tập thơ đầu tiên Poems, chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng của Karl Marx, Sigmund Freud, Charles Darwin, phê phán xã hội tư sản. Thập niên 1930, Auden sang Đức, sống ở Berlin một số năm, dạy học và sáng tác. Năm 1936 in tập thơ Look, Stranger!, kết hôn với con gái nhà văn Thomas Mann. Thời gian tiếp đó ông đi du lịch nhiều nơi cùng với Christopher Isherwood, và quyết định sang sống ở Mỹ. Việc ông di cư sang Mỹ trước thềm Thế chiến II, khiến đa số người dân Anh coi như một hành động phản bội, tuy vậy, đối với Auden là vì những lý do cá nhân.

Sang Mỹ năm 1939, ông dạy học ở nhiều trường Đại học và tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng. Các tập thơ: Another Time, 1940; The Double Man, 1941; For the Time Being, 1944. Nhiều tác phẩm sáng tác thời kỳ trước cũng được tập hợp in vào năm 1945. Năm 1948 ông được trao giải Pulitzer, năm 1954 được tặng giải Bollinger, và năm 1967 được tặng huân chương Văn học. Wystan Hugh Auden mất năm 1973 ở Vienna.

Tác phẩm chính:
*Poems, 1930
*The Dance of Death, 1933
*The Dog Beneath the Skin, 1933
*The Ascent of F.6, 1936
*Look, Stranger!, 1936
*Spain, 1937
*Journey to a War, 1939
*Another Time, 1940
*The Double Man, 1941
*For the Time Being, 1944
*Nones, 1951
*The Shield of Achilles, 1955
*Homage to Clio, 1960
*Collected Longer Poems, 1969
*Forewords and Afterwords, 1973
*Collected Shorter Poems 1927-1957 , 1966
*Last Poems, 1974
*Collected Poems (1976, new edns. 1991, 2007)
*The English Auden: Poems, Essays, and Dramatic Writings, 1927-1939 (1977)
*Plays and Other Dramatic Writings, 1927-1938 (1989)
*Libretti and Other Dramatic Writings, 1939-1973 (1993)
*Tell Me the Truth About Love: Ten Poems (1994)
*Juvenilia: Poems 1922-1928 (1994)
*Prose and Travel Books in Prose and Verse: Volume I, 1926-1938 (1997)
*Prose, Volume II: 1939-1948 (2002)



Tưởng nhớ W. B. Yeats(Trích)
(Mất tháng giêng năm 1939)

I

Anh ra đi giữa băng giá mùa đông
Sông đóng băng, những phi trường hoang vắng
Tuyết trắng rơi, phủ đầy lên bức tượng
Rót xuống miệng của ngày một giọt thủy ngân
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.

Cách xa những ngày đau ốm của anh
Chó sói hãy còn chạy giữa rừng xanh.
Dòng sông quê không còn mê bờ đẹp
Và ngôn ngữ của đám tang
Ngăn cách thơ anh và cái chết.

Nhưng với anh, ngày cuối, như chính anh
Ngày của tin đồn và những cô y tá
Đặt lên thi thể vẻ không yên
Và hoang vu cả quãng trường lý trí.
Vùng ngoại ô bao trùm lên lặng lẽ
Những cảm giác dường như lặng ngừng
Anh trở thành người cho đời ngưỡng mộ.

Và bây giờ lan tỏa trong hàng trăm thành phố
Anh mang cho những cảm giác không quen
Để hạnh phúc trong cõi khác
Và xử phạt theo bộ luật của lương tâm
Lời của người đã chết
Cùng với người đang sống ở trần gian.

Nhưng sự quan trọng của ngày mai trong tiếng ồn
Nơi những người môi giới om sòm trên sàn chứng khoán
Nơi những kẻ nghèo khổ sở vì nghèo túng
Và mỗi người đều có tự do của mình
Nhưng cái ngày này không một ai hờ hững
Như ý nghĩ về một ngày không bình thường
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.


IN MEMORY OF W. B. YEATS
(d. January 1939)

I

He disappeared in the dead of winter:
The brooks were frozen, the air-ports almost deserted?
And snow disfigured the public statues;
The mercury sank in the mouth of the dying day.
O all the instruments agree
The day of his death was a dark cold day.

Far from his illness
The wolves ran on through the evergreen forests,
The peasant river was untempted by the fashionable quays;
By mourning tongues
The death of the poet was kept from his poems.

But for him it was last afternoon as himself,
An afternoon of nurses and rumours;
The provinces of his body revolted,
The squares of his mind were empty,
Silence invaded the suburbs,
The current of his feeling failed: he became his admirers.

Now he is scattered among a hundred cities
And wholly given over to unfamiliar affections;
To find his happiness in another kind of wood
And be punished under a foreign code of conscience.
The words of a dead man
Are modified in the guts of the living.

But in the importance and noise of to-morrow
When the brokers are roaring like beasts on the floor of the Bourse,
And the poor have the sufferings to which they are fairly accustomed,
And each in the cell of himself is almost convinced of his freedom;
A few thousand will think of this day
As one thinks of a day when one did something slightly unusual.
O all the instruments agree
The day of his death was a dark cold day.
#16
    cacbac 10.03.2008 16:09:38 (permalink)

     
     
    Nhà thơ, nhà viết kịch, nhà lý luận, phê bình văn học Thomas Stearns Eliot sinh ra trong một gia đình tư bản Anh di cư sang Mỹ từ thế kỷ 17. Bố – Henry Ware Eliot là một doanh nhân thành đạt, mẹ – Charlotte Champe Stearns là người viết văn và làm thơ sùng đạo. Ông học triết học và ngôn ngữ ở đại học Harvard, sau đó học tiếp văn học và ngôn ngữ ở Đại học Sorbonne (Paris, Pháp), Đại học Marburg (Đức), Đại học Oxford (Anh). Từ năm 1914 thường xuyên sống ở Anh. Năm 1917, T. S. Eliot làm trợ lý giám đốc một tạp chí thuộc “phái hình tượng” - tờ Người vị kỷ (The Egoist). Tập thơ đầu tiên của ông là Prufrock và những bài thơ khác (1917) chịu ảnh hưởng rõ rệt của chủ nghĩa tượng trưng. T. S. Eliot viết phê bình văn học từ quan điểm thuần mỹ học, gạt bỏ xuống hàng thứ yếu những khía cạnh thuộc về tiểu sử của tác giả.

    T. S. Eliot trở nên nổi tiếng như một nhà thơ ngay sau khi trường ca Đất hoang (1922) ra đời với sự giúp đỡ to lớn của E. Pound, trong đó ông chẩn đoán trạng thái tinh thần của Châu Âu sau Thế chiến I, cho thấy sự trống rỗng tâm hồn của cả một thế hệ. Hình thức ngắt đoạn của trường ca này, lần đầu xuất hiện trên tạp chí The Criterion do T. S. Eliot sáng lập, càng làm tăng thêm ấn tượng về sự mất định hướng của con người.
    Tại Anh, ông làm việc cho nhà băng Lloyd, rồi làm giám đốc Nhà xuất bản Faber & Gweger (sau đổi thành Faber & Faber). Năm 1927, T. S. Eliot nhập quốc tịch Anh và cải sang Anh giáo. Năm sau ông viết tiểu luận Lanczenot Endrus đánh dấu bước ngoặt mang tính tôn giáo. Cùng với tập thơ xuất bản năm 1930 là Ngày thứ Tư tro bụi (Ash Wednesday), tư tưởng tôn giáo bắt đầu hiện diện thường xuyên trong tất cả các tác phẩm của ông.
    Vở kịch Vụ giết người trong nhà thờ (1935) đánh dấu bước khởi đầu công việc thực sự của ông trong lĩnh vực sân khấu. Những năm 1949-1959 ông cho ra đời một loạt các vở kịch.

    Eliot là người cả đời luôn làm lại mình, bắt đầu lại, sáng tạo lại: từ người Mỹ làm thành người Anh, từ công dân nước cộng hòa thành công dân nước theo chế độ quân chủ lập hiến, từ người theo đạo Tin lành thành tín đồ Anh giáo, từ người theo đuổi cách sống tự do, phóng túng thành người theo đuổi chủ nghĩa khổ hạnh. Và ông không thả mình theo cảm hứng của thơ ca mà bắt thơ ca đi theo tư tưởng của mình. Đã từng có một thời vì Eliot mà thế giới thơ ca Anh-Mỹ có sự phân rẽ sâu sắc: 3/4 các nhà thơ chịu sự ảnh hưởng thơ hoặc lý thuyết thơ của Eliot, 1/4 còn lại nhất quyết phản đối thi pháp mà Eliot đưa ra. Tuy vậy, một cuộc cách mạng thi ca mới đã không xảy ra. Không xảy ra vì trong thơ ca Anh-Mỹ vai trò chủ đạo thuộc về thơ ca bác học, mà thơ ca bác học ủng hộ Eliot. Ông là nhà cách tân thi ca, mặc dù vẫn tự nhận là học trò của Ezra Pound (1885-1972) – người phát hiện và cổ vũ, khuyến khích nhiều nhà thơ, nhà văn, trong số họ có nhiều người rất nổi tiếng như James Joyce (1882-1941), Robert Frost (1874-1963), Ernet Hemingway (1899-1961). Vinh quang đến với Eliot kể từ sau chiến tranh thế giới I trong khuôn khổ của dòng văn học “thế hệ mất mát” (lost generation). Eliot viết về sự mất mát của văn minh phương Tây, của cả nhân loại nhưng ngay từ đầu vẫn quan niệm đấy là bi kịch của thế hệ mất mát…
    Sáng tác của Eliot T. S. có thể chia làm ba giai đoạn: từ 1909-1920, viết những tác phẩm có khuynh hướng bài tư bản và tôn giáo. Đây là thời kì tìm kiếm hình thức thể hiện và chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng. Năm 1917 ông làm biên tập tạp chí Egoist. Những năm 20 là một giai đoạn mới trong sáng tác của ông với những tác phẩm tiêu biểu như Đất hoang (1922); Những kẻ rỗng tuyếch (1925). Tính qui mô, triết lý sâu sắc và cách thể hiện hình tượng thơ ca độc đáo đã cho phép Eliot trở thành một nhà cách tân có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn học Anh-Mỹ những năm 20-30. Năm 1922 Eliot sáng lập tạp chí Criterion (xuất bản đến năm 1939). Tạp chí này chủ yếu đang tải những tác phẩm của Eliot và những tác giả khác gần gũi về quan điểm với ông. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế giới quan của Eliot có những thay đổi cơ bản. Cảm hứng phủ nhận và lo lắng được thay bằng cảm hứng tìm kiếm những giá trị đích thực. Tiêu biểu của thời kỳ này là những tác phẩm: Thứ Tư tro bụi (1930), Bốn khúc tứ tấu (1943). Trong các tác phẩm này Eliot sử dụng những phạm trù triết học (thời gian, nơi chốn, sự vô tận vv…) cùng với học thuyết của Anh giáo. Và cũng như hai giai đoạn trên, sáng tác thơ ca của ông gắn liền với hoạt động của một nhà lí luận, phê bình văn học, nhà triết học. Những năm 30 Eliot cố gắng thử nghiệm trong hoàn cảnh lịch sử mới một thể loại quen thuộc của thời đại Elizabeth là kịch thơ: Vụ giết người trong nhà thờ (1935), Bữa tiệc Cocktail (1950), tuy vậy, sự thành công không mấy đáng kể… Năm 1948 ông được trao tặng giải Nobel văn học với tư cách là một nhà thơ.

    Tác phẩm:
    - Bản tình ca của J. Alfed Prufrock (The love song of J. Alfed Prufrock, 1911), thơ.
    - Prufrock và những quan sát khác (Prufrock and other observation, 1917), thơ.
    - Suy ngẫm về thơ tự do (Reflexions on vers libre, 1917), tiểu luận.
    - Rừng thiêng (The sacred wood, 1920), phê bình.
    - Đất hoang (The waste land, 1922), trường ca.
    - Những kẻ rỗng tuếch (The hollow men, 1925), trường ca.
    - Lanczenot Endrus (1928), tiểu luận.
    - Ngày thứ tư tro bụi (Ash wednesday, 1930), thơ.
    - Chức năng của thơ ca và chức năng của phê bình (The use of poetry and the use of criticism, 1933), tiểu luận.
    - Đá tảng (The rock, 1934), thơ.
    - Vụ giết người trong nhà thờ (Murder in the cathedral, 1935), kịch.
    - Những tiểu luận cũ và mới (Essays ancient and modern, 1936), tiểu luận.
    - Những chú mèo (Old possum's book of practical cats, 1939), thơ.
    - Đoàn tụ gia đình (The family reunion, 1939), thơ.
    - Bốn khúc tứ tấu (Four quartets, 1943), trường ca.
    - Bữa tiệc cocktail (The cocktail party, 1949-1950), kịch.
    - Ghi chép hướng tới việc định nghĩa về văn hóa (Notestowards the denfinition of the culture, 1950), tiểu luận.
    - Thơ và kịch (Poems and plays, 1951), tiểu luận.
    - Thư kí riêng (The confidence clerk, 1954), kịch.
    - Về thơ và các nhà thơ (On poetry and poets, 1957), tiểu luận.
    - Chính nhân khả kính (The elder statesman, 1959), kịch.



    BẢN TÌNH CA CỦA J. ALFRED PRUFROCK(1)

    S’io credesse che mia risposta fosse
    A persona che mai tornasse al mondo,
    Questa fiamma staria senza piu scosse.

    Ma perciocche giammai di questo fondo
    Non torno vivo alcun, s’i’odo il vero,
    Senza tema d’infamia ti rispondo.

    Nào, ta hãy lên đường, anh và em
    Trong buổi chiều lặng lẽ, dịu êm
    Như người bệnh đang nằm trên bàn mổ
    Ta hãy đi theo từng con phố nhỏ
    Nơi vỏ sò chất đống ngổn ngang
    ở nơi đó những quán rượu rẻ tiền
    Những phòng trọ cho những đêm không ngủ
    Đường phố dẫn vào cuộc tranh chấp, cãi cọ
    Dẫn ta đến tận nơi
    Và cho em, một câu hỏi chết người
    Em đừng hỏi rằng “điều gì thế”
    Nào, ta hãy đi về nơi đó.

    Trong phòng khách những người phụ nữ chuyện trò
    Họ nói chuyện về Michelangelo(2).

    Sương màu vàng kì cọ trên mặt kính
    Khói màu vàng chạm vào trên mặt kính
    Liếm vào mọi góc của buổi hoàng hôn
    Bám vào những rãnh mương
    Trải lên ống khói
    Trên bậc thềm bay nhảy
    Nhìn thấy buổi chiều tháng Mười dịu êm
    Và ngôi nhà đang ngủ im lìm.

    Rồi đây, sẽ đến một thời gian
    Trên đường phố làn khói màu vàng
    Sẽ chùi lên mặt kính
    Rồi sẽ đến một thời gian
    Đối mặt phải sẵn sàng
    Thời giết chóc và tạo dựng
    Thời cho lao động
    Câu hỏi này bày trên đĩa của em
    Thời cho em và cho anh
    Thời của một trăm điều do dự
    Một trăm cái nhìn ra và sửa chữa
    Khi cầm lấy cốc trà.

    Trong phòng khách những người phụ nữ chuyện trò
    Họ nói chuyện về Michelangelo.

    Quả là sẽ đến một thời gian
    Khi ngạc nhiên rằng “Không lẽ ta đã dám?”
    Còn thời gian bước xuống bậc thang
    Thời gian rảo bước trên mái tóc anh
    (Thiên hạ sẽ nói rằng: “Đầu hắn ta đã bạc!”)
    Chiếc áo khoác của anh cổ cồn cứng nhắc
    Chiếc ca-ra-vát của anh có hình dáng giản đơn
    (Thiên hạ sẽ nói rằng: “Hắn đã yếu tay chân!”)
    Chẳng lẽ anh đã dám
    Làm cho vũ trụ này lo lắng?
    Mỗi phút – là thời gian
    Để quyết định, nghi ngờ hay lật ngược hoàn toàn.

    Điều này anh đã biết từ xưa
    Những buổi chiều, những buổi sớm, buổi trưa
    Cuộc đời mình anh dùng thìa cà phê đo đếm
    Anh nghe những giọng hát từ đâu xa lắm
    Nơi mà người ta theo nhạc hát lên
    Là bởi vì anh đã dám?

    Những điều này từ lâu anh đã biết
    Những đôi mắt gắn anh vào công thức
    Dán nhãn gim trên tường
    Anh nằm trong đó thở than
    Và anh bắt đầu
    Khạc nhổ từ đầu ghép hai mảnh ván
    Chẳng lẽ là anh lại dám?

    Và những bàn tay này anh đã biết từ xưa
    Những bàn tay đeo vòng, trắng và trọc lóc
    Dưới ánh sáng ngọn đèn, có màu nâu mái tóc
    Mà cũng có thể là
    Mùi nước hoa từ quần áo tỏa ra?
    Những bàn tay khăn quàng đem quấn
    Chẳng lẽ là anh lại dám?
    Và làm sao anh có thể bắt đầu?
    ………………………………….

    Buổi hoàng hôn anh thơ thẩn trên những đường phố nhỏ
    Và nhìn khói toả ra từ những ngôi nhà
    Của những người cô đơn cúi mình bên cửa sổ?..

    Ôi giá mà anh là hai càng cua bờm xờm
    Chạy trốn vào trong đáy biển lặng im!
    …………………………………….

    Và buổi chiều đi vào đêm rồi êm đềm ngủ
    Những bàn tay ấp ủ
    Mệt mỏi… ngủ say… hay chỉ giả vờ
    Ngủ say sưa ở dưới chân ta.
    Có thể, sau khi uống trà và ăn bánh ngọt
    Không cần đi vào những miền không thể biết?
    Nhưng anh đã khóc, ăn chay, đã khóc và nguyện cầu
    Và anh nhìn thấy trên mặt đĩa phẳng mái đầu.
    Anh không phải nhà tiên tri – và đây không phải là điều gì vĩ đại
    Anh nhìn thấy một lần và trước mặt anh lửa cháy
    Một Người hầu(3) mặc áo khoác của anh và khúc khích cười
    Nói tóm lại là anh đã thôi.

    Và liệu có cần gì cho anh, sau tất cả
    Sau bánh ngọt, cốc trà, trong lặng lẽ
    Nói một điều gì đó về em và anh
    Liệu có cần thiết chăng?
    Với nụ cười rũ bỏ điều cấm đoán
    Ôm cả hoàn cầu trong lòng im lặng
    Và xoay quả đất với câu hỏi chết người
    Rằng: “Ta là Lazarus từ cõi chết trở về đây
    Ta quay trở về để nói ra tất cả” –
    Nếu ai đó cái gối trên đầu đã sửa
    Và nói rằng: “Không phải thế đâu
    Tất cả đều không phải thế”.

    Thì anh có cần gì sau đó
    Thì anh còn cần thêm gì nữa
    Sau những buổi hoàng hôn, sân trước và những đường phố mưa giăng
    Sau ấm chén, sách vở, váy áo rải trên sàn
    Và điều này, và hơn thế nữa?
    Anh cứ ngỡ rằng lời chẳng có
    Nhưng giống như khuôn mẫu trên màn hình
    Thì liệu có còn cần thiết cho anh
    Nếu như ai đó sửa lại khăn và gối
    Và quay nhìn vào cửa sổ rồi nói:
    “Tất cả không phải thế đâu
    Tất cả đều không phải thế”.
    ……………………………..

    Không! Anh không phải là Hamlet và không thể trở thành
    Anh chỉ là người hầu, những kẻ ở xung quanh
    Là kẻ bị người ta đẩy ra sân khấu
    Rồi khuyên bảo phải thế này thế nọ
    Người được tôn kính và rất sẵn lòng
    Người cẩn trọng và khôn ngoan
    Người cao sang nhưng hơi đần một chút
    Theo thời gian có lẽ thành lố bịch
    Theo thời gian thành kẻ pha trò.

    Anh ngày một già thêm
    Có lẽ anh phải xắn quần lên.

    Liệu anh còn được ăn quả đào? Còn chải tóc trên trán?
    Còn đi ra biển mặc quần màu trắng.
    Và anh nghe những nàng tiên cá hát vang lên.

    Nhưng bài hát này không phải để cho anh.

    Anh thấy những nàng tiên cá bơi trên sóng biển
    Những con sóng vuốt ve làn tóc trắng
    Khi ngọn gió rì rào trên mặt nước trắng và đen.

    Ta lang thang trong xứ sở của tiên
    Nghe giọng nói của người trần và ta nức nở
    Giọng nói gọi ta trở về trần thế, và ta chìm.
    _____________

    (1)Eliot viết bài thơ này năm 1910, khi đang còn là sinh viên Đại học Harvard, viết xong năm 1911. Bốn năm sau đăng ở tạp chí Poetry (June 1915). Sau đó in trong tập thơ đầu tiên Prufrock and Other Observations (1917). Đề từ của bài thơ này trích từ Thần khúc của Dante:

    Giá tôi biết rằng câu chuyện của mình
    Nghe thấy được người còn quay trở lại
    Thì ngọn lửa của tôi đã không run.

    Nhưng bởi vì không còn đường trở lại
    Tôi chưa từng nghe chuyện ấy bao giờ
    Nên tôi trả lời, xấu hổ chi mà ngại.
    (Thần khúc_Địa ngục, khúc ca XXVII, dòng 61-66. Bản tiếng Việt của Hồ Thuợng Tuy)

    Ý nghĩa của những dòng thơ này như sau: giá như nhân vật tin chắc rằng câu chuyện của anh ta có ai đó nghe được và sau này quay trở lại trần gian kể cho mọi người những điều đã nghe thì anh ta đã chẳng nói ra. Điều đó có nghĩa là Bản tình ca… của Eliot không ca lên cho tất cả cùng nghe. Đọc bài thơ đến hết ta sẽ hiểu ra rằng Prufrock không hề yêu ai cả - ít ra là trong trường hợp Bản tình ca… này, không yêu một người phụ nữ nào trong những lời độc thoại của mình. “Em và anh” ở đây là Prufrock tự nói với chính mình đấy thôi, còn những người phụ nữ thì chỉ chuyện trò về Michelangelo. Đây là bài ca tình yêu thời hiện đại của chàng sinh viên Đại học Harvard, nếu có thể gọi đấy là tình yêu.
    Prufrock, một mặt nào đó cũng giống như Hamlet với “to be, or not to be”(nên hay không nên), rất thận trọng và lưỡng lự, chàng cứ sợ rằng sau lời tỏ tình của mình thì cả thế giới này sẽ sụp đổ. Mặt khác, không biết liệu có nên làm cho thế gian phiền muộn hay không, nếu như đằng nào thì người đời cũng không nghe, không hiểu mình? Và, ngay cả nếu được như Lazarus (La-xa-rơ: Tân Ước_Giăng11: 43,44) từ cõi chết trở về muốn kể lại những điều về cuộc sống, cái chết thì cũng chẳng ai thèm nghe: những người phụ nữ trong phòng khách kia chỉ quan tâm những điều mà họ muốn nói. Thì khi ấy mong ước được trở thành “hai càng cua bờm xờm/ chạy trốn vào trong đáy biển lặng im…” Chủ đề của Bản tình ca… là không yêu được. Từ không yêu được đến không sống được cũng chẳng xa xôi gì, bởi thế ở đoạn cuối ta thấy xuất hiện các nàng tiên cá (các nàng tiên cá tượng trưng cho vẻ đẹp chết người, vẻ quyến rũ của phụ nữ) và bài thơ kết thúc bằng lời “ta chìm” (we drown).
    (2)Michelangelo Buonarroti (1475-1564) – nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ Italia thời Phục hưng.
    (3)Người hầu (the eternal Footman) – ở đây có nghĩa là cái chết, luôn luôn chuẩn bị bộ quần áo cuối cùng cho con người - áo quan.




    #17
      cacbac 26.05.2008 09:26:52 (permalink)

       
      ĐẤT HOANG

      "Nam Sibyllam quidem Cumis ego ipse
      oculis meis vidi in ampulla pendere, et cum
      illi pueri dicerent: Σίβυλλα τί θέλεις;
      respondebat ilia: άποθανείν θελω".
      (Tôi từng nhìn thấy Xibila ở Cumai ngồi trong chai.
      Khi bọn trẻ hỏi: “Bà muốn gì, Xibila?”
      Xibila trả lời: “Muốn chết” (tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ).

      Tặng Ezra Pound
      il miglior fabbro.
      (bậc thầy cao hơn tôi (tiếng Italia)(1).

      I. Lễ mai táng người chết

      Tháng tư là tháng khắc nghiệt, gây ra
      Màu tím tử đinh hương của đất, rồi hòa
      Ký ức với ước mong, và gây xúc động
      Nguồn cội mơ màng bằng mưa xuân trút xuống.
      Mùa đông sưởi ấm lòng ta
      Chở che mặt đất bằng tuyết dày quên lãng
      Nuôi cuộc đời bằng những cọng cây khô.
      Mùa hè đến bất chợt trên hồ Starnbergersee(2)
      Với những cơn mưa, chúng em dừng chân bên dãy cột to
      Sau đó đi về Hofgarten trong ánh nắng
      Chúng em uống cà phê và suốt cả giờ trò chuyện.
      Bin gar keine Russin, stamm’ aus Litauen, echt deutsch.
      (Em không phải người Nga, sinh ở Lít-va, là người Đức chính cống)
      Ngày còn bé chúng em thường đến chơi với người anh
      Hoàng tử Áo – anh ấy rủ em đi xe trượt tuyết
      Thấy em sợ hãi thì anh ấy động viên:
      Marie, em giữ cho chắc vào. Ta bắt đầu đầu trượt.
      Giữa núi đồi sẽ thanh thoát nhẹ nhàng.
      Em đọc sách ban đêm và đi về phương Nam mùa đông.

      Rễ nào bám vào, cành nào mọc lên
      Từ đá vỡ này? Con người trần(3)
      Không thể nói ra, ước chừng, vì chỉ biết
      Một đống hình vỡ, nơi ánh mặt trời đập
      Cây chết không cho bóng, cào cào chẳng làm khuây(4)
      Đá khô không có nước, mà chỉ có ở đây
      Chiếc bóng của loài đá đỏ(5)
      (Hãy đứng dưới bóng của loài đá đó)
      Và em sẽ chỉ cho anh một cái gì đó
      Không như cái bóng người buổi sáng ở sau lưng
      Hay cái bóng buổi chiều ở trước mặt anh
      Em sẽ chỉ ra trong một nắm tro tàn sợ hãi.
      Frisch weht der Wind(6)
      Der Heimat zu.
      Mein Irsch Kind
      Wo weilest du?
      (Mát lành cơn gió thổi
      Gió thổi về quê hương.
      Em nơi mô chờ đợi
      Hở cô bé Ai-len?)
      “Năm ngoái người trao em hyacinths(7) lần đầu tiên
      Người ta gọi em là lan dạ hương thiếu nữ”.
      – Nhưng khi ta trở về từ vườn Hyacinth đó
      Tay em đầy hoa và mái tóc đầy sương
      Anh không nói nên lời, đôi mắt anh mơ màng
      Dở sống, dở chết, anh không biết gì hết cả
      Anh nhìn vào con tim ánh sáng – và lặng lẽ
      Od’ und leer das Meer(8).
      (Biển hoang vu, vời vợi, triền miên).

      Bà Sosostris(9) nhìn thấu được cả những cái vô hình
      Dù bà có bị cảm lạnh nhưng mà vẫn
      Nổi tiếng khắp châu Âu là người đoán đúng
      Với một cỗ bài. Bà nói: con bài của anh kia
      Người thủy thủ bị chìm của xứ Phê-ni-xi(10).
      (Hãy xem kìa: đôi mắt như ngọc châu lấp lóa)
      Còn đây là Belladonna(11), bà chúa tể của bao vách đá
      Bà chủ của những tình thế nọ kia.
      Người đàn ông với ba cây gậy, và đây bánh xe
      Còn đây là nhà thương gia một mắt
      Quân này trống, có vật gì trên lưng được đặt
      Thì ta chẳng nhìn ra. Không nhận ra
      Người treo cổ. Hãy coi chừng chết đuối.
      Ta thấy một đoàn người đi quanh vòng ấy.
      Cám ơn. Nếu anh nhìn thấy ngài Equitone(12)
      Thì nói rằng lá số ta mang đến cho ông
      Thời buổi này hãy nhớ dè chừng, cẩn thận.

      Thành phố có vẻ như trong tưởng tượng
      Dưới làn sương mù của buổi sáng mùa đông
      Người ta chen chúc nhau trên cầu Luân Đôn
      Tôi đã không nghĩ rằng thần chết bắt nhiều người ghê gớm(13).
      Những tiếng thở dài trong không trung hiếm hoi và ngắn(14)
      Và mỗi người đều đưa mắt nhìn xuống bàn chân.
      Đi lên đồi và đi xuống phố King William(15)
      Nơi đồng hồ chuông Saint Mary Woolnoth buông xuống
      Âm thanh chết của giờ thứ chín.
      Tôi nhìn thấy một người quen và tôi gọi: “Stetson!
      Có phải ta đã cùng chiến đấu trên tàu ở Mylae(16) không?
      Cái xác mà anh chôn ở trong vườn năm ngoái
      Có xanh tốt? Có nở hoa, kết trái?
      Có sống qua được băng giá của đời?
      Hãy tránh xa chó, chó không hẳn là bạn của người
      Kẻo nó dùng móng chân của mình đào bới lại!(17)
      Anh! Hypocrite lecteur! – mon semblable, – mon frere!”(18)
      (Anh! Bạn đọc đạo đức giả! – người giống tôi, – người anh em của tôi!)
      ___________

      Trường ca “Đất hoang” in lần đầu ở tạp chí Criterion (London) tháng 10 – 1922. “Đất hoang” là biểu tượng của châu Âu sau chiến tranh thế giới I, khủng hoảng tinh thần, thiếu lòng tin… Tuy vậy ẩn ý của trường ca là những cuộc truy tìm chiếc Chén Thần (Holy Grail), chiếc chén mà Chúa Giê-su đã uống trong bữa ăn cuối cùng. Eliot lên hệ với truyền thuyết trong tác phẩm “Cành vàng” của J. Fraser. Vua Cá (Fisher King – biểu tượng của cuộc sống) bị làm bùa phép và bị giết, mặt đất trở thành đất hoang. Chàng hoàng tử Perceval (Percyvelle) giải thoát được cho nhà vua bằng cách vượt qua nhiều thử thách tìm đến Nhà Nguyện để nhận biết những nghi lễ của Chén Thần… Eliot thường xuyên so sánh, đối chiếu hiện tại với quá khứ.
      Trường ca có 5 phần. Chúng tôi trích dịch phần I – là phần nổi tiếng nhất, thường được đưa vào các tuyển tập. Trong các tác phẩm của mình, Eliot dùng tiếng Anh xen lẫn với tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Italia, tiếng Hy Lạp cổ… Trung thành với nguyên tác chúng tôi dịch phần tiếng Anh còn các ngôn ngữ khác để nguyên như trong nguyên tác và thêm phần tiếng Việt trong dấu mở, đóng ngoặc.
      (1)Đề từ của trường ca lấy từ tác phẩm Satyricon (chương 48) của nhà văn La Mã Arbite (Gaius) Petronius (? – 66). Xibila ở Cumai (the Cumaean sibyl) xin thần Apollo cho một cuộc sống vĩnh cửu nhưng quên xin một tuổi trẻ vĩnh cửu. Cơ thể của Xibila nhăn nheo, teo tóp bỏ được vào trong chai. Trong “Đất hoang” Xibila trở thành bà Sosostris, là người giống như nhà tiên tri mù Tiresias trong thần thoại Hy Lạp. Theo thần thoại Hy Lạp, Tiresias biến thành phụ nữ trong bảy năm rồi lại trở về làm đàn ông, sau đó trở thành người trọng tài trong cuộc tranh luận giữa các vị thần (Zeus và Hera): Ai là người nhận được nhiều hơn khoái cảm của tình yêu – đàn ông hay phụ nữ? Khoái cảm của phụ nữ mạnh hơn khoái cảm của đàn ông gấp chín lần – kết luận của Tiresias. Vì điều kết luận này mà nữ thần Hera tức giận, đã làm cho Tiresias trở thành mù nhưng được thần Zeus ban cho một cuộc sống trường thọ.
      Bậc thầy cao hơn tôi (il migllior fabbro) – đây là câu trả lời của Guido Guinizelli nói về A. Daniel trong những lời trò chuyện với Dante. (Dante. Tĩnh ngục, XXVI, 112-118).
      (2)Starnbergersee – hồ nước ở gần Munchen (Munich). Hofgarten là tên một công viên.
      (3)Xem: Cựu ước_Ê-xê-chi-ên 2:1 (chú thích của Eliot): Hỡi con người, chân ngươi hãy đứng, ta sẽ phán cùng ngươi. ở chương 37:3 Chúa hỏi Ê-xê-chi-ên: Hỡi con người, những hài cốt này có thể sống chăng? Và Ê-xê-chi-ên trả lời: Lạy Chúa Giê-hô-va, chính Chúa biết điều đó!
      (4)Xem: Cựu ước_Truyền đạo 12:5 (chú thích của Eliot), nơi người truyền đạo nói về những ngày gian nan, khó nhọc:
      Lúc ấy người ta sợ hãi lên cao
      Đi trên đường sẽ vô cùng khiếp sợ
      Và sẽ trổ bông những khóm hạnh đào
      Cào cào nặng, ước ao không còn nữa.
      (5)Xem: Cựu ước_Ê-sai 32:2: Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi.
      (6)Mát lành cơn gió thổi... lời thơ trích từ vở nhạc kịch câu chuyện tình “Tristan und Isolt” (Trixtăng và Iđơn, tiếng Đức) của Richard Wagne (1813-1883).
      (7)Hyacinth – theo thần thoại Hy Lạp là một chàng trai trẻ đẹp. Sau khi Hyacinth chết thần Apollo lấy xác của hyacinth gieo thành loài hoa lan dạ hương.
      (8)Biển hoang vu… tiếng kêu của người đầy tớ mà vua Mác sai đi nhìn ra biển xem có thấy con tàu chở Iđơn.
      (9)Thầy bói có tên một Pharaon Ai Cập, Eliot lấy từ một bi kịch của A. Huxley.
      (10)Xứ Phê-ni-xi (Phoenicia) – quốc gia cổ đại ở vùng biển Địa Trung Hải.
      (11) Belladonna – tên Italia của một quân bài.
      (12) Equitone – cũng là tên một trong các quân bài.
      (13)Xem: Dante. Địa ngục, III, 55-57 (chú thích của Eliot):
      Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc
      Đông đến mức tôi không thể nào tin được
      Rằng thần chết đã nhanh tay như thế!
      (Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).
      (14)Xem: Dante. Địa ngục, IV, 25-27 (chú thích của Eliot):
      Ở đó những gì mà tôi nghe được
      Không phải tiếng kêu van mà là tiếng thở dài
      Làm xáo động cả bầu không khí.
      (Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).
      (15)Đồng hồ chuông của nhà thờ Saint Mary Woolnoth trên phố King William là nơi Eliot thường qua lại khi sống ở Luân Đôn. Để đi đến khu trung tâm tài chính của Luân Đôn (City) cần đi qua cầu Luân Đôn sang bờ bên kia của sông Thames.
      (16)Trận đánh Mylae (Battle of Mylae) trong chiến tranh Punic giữa người Roma và người Carthaganian năm 260 – 146 tr. CN.
      (17)Eliot dẫn John Webster (1580-1625), tác giả của bi kịch “Con quỉ trắng” (The White Devil, 1612) “Hãy đuổi chó sói/ Kẻ thù của con người/ Để nó không dùng móng chân đào xác chết”. Đây là tiếng khóc của một phụ nữ có đứa con trai đã giết người anh em của mình rồi đào mồ chôn người anh em bị giết.
      (18)Đây là một câu trong “Những bông hoa ác” (Les fleurs du mal) của Charles Baudelaire (1821- 1867).

      #18
        cacbac 31.10.2008 08:01:07 (permalink)



        BỐN KHÚC TỨ TẤU


        τού λόγου δ'εόντος ξυνού ζώουσιν οί
        πολλοί ώς Ιδίαν έξουτες φρόνησιν
        I. p. 77. Fr. 2. (*)

        όδός άνω κάτω μέα καί ώυτή
        I. p. 89. Fr. 60. (**)(tiếng Hy Lạp)

        Diels: Die Fragmente der Vorsokratiker Herakleitos.


        Cả hiện tại và quá khứ
        Có lẽ đều có mặt ở tương lai
        Và tương lai có mặt trong quá khứ.
        Nếu thời gian còn mãi bây giờ
        Thời gian không thể nào chuộc lại
        Cái chưa đến là trìu tượng
        Và chỉ mãi mãi giữ nguyên
        ở trong vùng suy luận.
        Cái chưa đến và đã đến
        Luôn luôn ở trong một điểm – bây giờ.
        Những bước chân vang vọng trong trí nhớ
        Đến miền ta chửa từng qua
        Về cánh cửa không bao giờ mở
        Vào vườn hồng. Những lời của ta
        Vang vọng ở trong em.
        Nhưng có cần thiết chăng
        Tro bụi trên bình hoa lo lắng
        Ta không biết rằng
        Tiếng vang khác hẳn
        Ngự trị khu vườn. Có nên bước vào không?
        Tiếng chim hót: nhanh lên, hãy tìm thấy chúng
        Quanh góc phòng. Qua cánh cổng đầu tiên
        Bước vào thế giới đầu tiên, hãy tin
        Tiếng chim hót? Bước vào cuộc đời thứ nhất
        Chúng ở đó trang nghiêm, không nhìn thấy được
        Lơ lửng trên những chiếc lá lìa cành
        Trong mùa thu ấm áp, qua không khí ngân vang
        Và lời chim nhắc lại
        Tiếng nhạc không nghe ra, giấu mình trong bụi
        Và giao nhau những ánh mắt vô hình
        Bởi hoa hồng thấy những ánh mắt nhìn
        Ở đó họ là khách của ta, là khách mà chủ
        Theo luật lệ ta bước đi theo họ
        Đường phố hoang vu, nhìn hồ nước đã khô
        Và những bụi gai mọc ở quanh hồ.
        Hồ nước khô, bê tông khô và màu hung bên mép
        Ngày xưa trong hồ này nước mặt trời đầy ắp
        Và lặng lẽ, dịu dàng có một bông sen
        Nước lấp lánh và ánh sáng trong tim
        Và họ từng ở sau ta, phản chiếu trên hồ nước
        Nhưng đám mây bay qua và hồ khô kiệt.
        Chim hót: hãy đi đi, có những đứa trẻ con
        Giấu mình trong bụi và chúng đang cười ầm.
        Hãy đi đi, đi đi – và tiếng chim lại hót:
        Con người vẫn nhọc nhằn khi cuộc đời hiện thực.
        Cả quá khứ và cả tương lai
        Cái chưa đến và đã đến
        Luôn luôn ở trong một điểm – bây giờ.

        _______________
        (*)Từ ngữ với mọi người có nghĩa như nhau, nhưng đa số có vẻ như hiểu theo cách của riêng mình. Herakleitos I, tr. 77, dòng 2.
        (**)Con đường đi và con đường đến – chỉ là một con đường. Herakleitos I, tr. 89, dòng 60.

        (1) Bốn khúc tứ tấu được viết trong khoảng thời gian từ 1934-1942, lần đầu tiên in thành sách năm 1943. Đây là tác phẩm thể hiện quan niệm thơ ca và triết học của Eliot được hình thành trong những năm 20, 30, tiêu biểu là tác phẩm Ngày thứ tư tro bụi. Eliot kết hợp ở đây khái niệm về linh hồn bất tử của Cơ đốc giáo với cách giải thích khoa học những phạm trù như thời gian, nơi chốn, sự vô tận, sự chuyển hoá liên tục thành những hình thái khác nhau của đời sống... Giải quyết những vấn đề này, Eliot chủ yếu dựa vào triết học trực cảm của Henri Bergson (1859-1941). Năm 1911 Eliot thường xuyên dự những giờ giảng triết học của Henri Bergson, cũng là người đoạt giải Nobel Văn học năm 1927. Ngoài ra, chính Eliot nhiều lần tuyên bố rằng ông theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng tuyệt đối trong triết học của Francis Bradley (1846-1924), đặc biệt là tác phẩm Thể diện và thực chất (Apperance and Reality, 1893).

        Bốn khúc tứ tấu là: 1) Burnt Norton; 2) East Coker; 3) The Dry Salvager; 4) Little Gidding. Đoạn trích trên đây là phần I (mỗi khúc tứ tấu có 5 phần) của khúc đầu tiên. Burnt Norton là một điền trang ở Gloucestershire, gần nơi ở của Eliot.

        - Năm dòng đầu: "Cả hiện tại... không thể nào chuộc lại" (Time present... unredeemable) là cách hiểu các hình thái thời gian của Henri Bergson dẫn lời Kinh Thánh: "whatsoever God doeth it shall be for ever... That which hath been is now; and that which is to be hath already been..." (Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời... Điều gì hiện có, đã có từ xưa... Cựu Ước_Truyền đạo 3: 14,15).

        - Vườn hồng (rose-garden) – hình tượng luôn xuất hiện trong Bốn khúc tứ tấu, có nghĩa là vườn địa đàng được Eliot dùng như là biểu tượng của tình yêu với tâm hồn thức tỉnh.





        NHỮNG KẺ RỖNG TUYẾCH

        Mistah Kurtz — he dead.
        Ngài Kurtz đã chết
        A penny for an Old Guy
        Xin một hào cho Guy già*



        I

        Ta là những người trống rỗng
        Ta là những hình nộm
        Ta cúi xuống cùng nhau
        Rơm xào xạc trên đầu
        Giọng ta khô, nức nở
        Khi cùng nhau to nhỏ
        Lặng lẽ và hững hờ
        Như gió trong cỏ khô
        Như chuột trên kính vỡ
        Trong hầm rượu cạn khô.

        Hình thiếu nét, bóng thiếu màu
        Sức lực đờ ra, cử chỉ không cử động

        Những đôi mắt của ai nhìn thẳng
        Từ Vương quốc cái chết khác đang nhìn
        Nhắc ta, không như những kẻ vô hồn
        Những tâm hồn sôi động, nhưng
        Chỉ như những người trống rỗng
        Như những hình nộm bằng rơm.

        II

        Những đôi mắt tôi sợ gặp trong mơ
        Nhưng trong vương quốc mơ màng cái chết
        Những đôi mắt không có bao giờ
        Những đôi mắt này
        Trên cột gãy là ánh mặt trời
        Là cành cây nhún nhảy
        Và giọng nói
        Trong ngọn gió hát lên
        Xa cách và trang nghiêm
        Hơn những ngôi sao dần tắt.

        Hãy cho tôi đến gần
        Vương quốc mơ màng cái chết
        Hãy cho tôi được mặc
        Quần áo cải trang
        áo khoác của chuột, lông của quạ khoang
        Đứng trên đồi như ngọn gió
        Gió đi đâu, tôi đi đó
        Nhưng đừng để đến gần –

        Lần cuối cùng gặp gỡ
        Trong vương quốc của hoàng hôn.

        III

        Đấy là quê hương cái chết
        Đấy là xứ sở của xương rồng
        Nơi này những pho tượng đá
        Và những cánh tay vật vã
        Của những người chết van xin
        Trong ánh sáng của ngôi sao tắt dần.

        Có phải vậy chăng
        Trong vương quốc cái chết khác
        Khi thức dậy một mình
        Và trong giờ khắc
        Ta run lên với sự dịu dàng
        Những bờ môi chờ hôn môi khác
        Và nguyện cầu cho đá vỡ tan.

        IV

        Những đôi mắt không ở đây
        Những đôi mắt không có ở nơi này
        Trong thung lũng những ngôi sao đã chết
        Trong thung lũng này rỗng tuyếch
        Đã gãy quai hàm những vương quốc đã mất của ta

        Ở nơi của lần gặp gỡ cuối cùng
        Ta cùng nhau mò mẫm
        Và nói năng cùng nhau ta tránh
        Trên bờ sông có dòng nước sưng lên

        Không nhìn ra cho đến một khi mà
        Những đôi mắt chưa hiện
        Như ngôi sao muôn đời tỏa sáng
        Như muôn ngàn cánh hoa hồng
        Của vương quốc cái chết hoàng hôn
        Và chỉ đấy là niềm hy vọng
        Dành cho những người trống rỗng.

        V

        Ta đi vòng quanh những bụi cây gai
        Những bụi cây gai những bụi cây gai
        Ta đi vòng quanh những bụi cây gai
        Vào lúc năm giờ sáng.

        Giữa ý tưởng
        Và hiện thực cuộc đời
        Giữa ý muốn
        Và hành động con người
        Chiếc bóng kia đổ xuống
        Bởi Vương quốc là Ngài

        Giữa quan niệm
        Và sự dựng xây
        Giữa mối xúc động
        Và câu trả lời
        Chiếc bóng kia đổ xuống
        Cuộc đời ta rất dài

        Giữa niềm ước mong
        Và sự rung cảm
        Giữa khả năng
        Và sự sống
        Giữa hiện tượng
        Và bản chất của đời
        Chiếc bóng kia đổ xuống
        Bởi Vương quốc là Ngài

        Bởi Vương quốc là Ngài
        Là Cuộc sống
        Bởi Vương quốc là Ngài và

        Và như thế kết thúc cuộc đời
        Và như thế kết thúc cuộc đời
        Và như thế kết thúc cuộc đời
        Bằng tiếng nấc chứ không bằng đập mạnh.

        ____________
        (1) Trường ca Những kẻ rỗng tuyếch in đầy đủ lần đầu vào năm 1925 nhưng trước đó, 4 trong số 5 phần đã in riêng lẻ từng phần trong tạp chí Criterion. Bởi thế khi đi giải thích trường ca này có những khó khăn vì một điều rằng: Eliot đem tập hợp thành một trường ca từ những bài thơ lẻ trước đó được tư duy một cách độc lập.

        "Những kẻ rỗng tuyếch" là cách Eliot gọi những trí thức châu Âu thời đó. Vì đánh mất lòng tin nên trong tâm hồn họ có một khoảng trống được lấp bằng những chính kiến rất ngẫu nhiên. Bởi thế, những người này vừa rỗng tuyếch (hollow), vừa là hình nộm (stuffed) được kết bằng rơm rác...

        Đề từ thứ nhất của trường ca là câu trích từ tiểu thuyết Con tim bóng tối (The Heart of Darkness, 1902) của Joseph Conrad (1857-1924) nói về sự đánh mất lòng tin. "Mistah Kurtz – he dead" là lời cô người hầu da đen nói tiếng Anh còn chưa sõi, thông báo về cái chết của ngài Kurtz da trắng, người mà một bộ tộc da đen ở Công-gô coi như một vị thánh. Nhưng nếu như ngài đã chết thì có nghĩa là ngài không phải thánh thần.

        Đề từ thứ hai xuất phát từ một tục lệ truyền thống – hàng năm cứ vào mồng 5 tháng 11 người ta đốt hình nộm Guy Fawkes, kẻ cầm đầu vụ mưu dùng thuốc nổ phá toà nhà Quốc hội Anh năm 1605. Tối mồng 4 sang ngày mồng 5 trẻ con mang hình nộm Guy Fawkes đến từng nhà "xin một hào cho Guy già", sau đó đem đốt hình nộm và tổ chức đốt pháo hoa.

        Điểm khó hiểu thứ nhất của trường ca này là khái niệm "vương quốc cái chết" (death’s kingdom). Khái niệm này Eliot sử dụng trong trường ca theo 5 dạng. Vì rằng sự đánh mất lòng tin nghĩa là không còn tin vào sự bất tử nên "những kẻ rỗng tuyếch" đang sống trong "vương quốc cái chết". Nhưng trong vương quốc cái chết này người ta vẫn mơ ước, vẫn thấy những giấc mơ nên mới có "vương quốc mơ màng cái chết" (death’s dream kingdom). Những kẻ rỗng tuyếch này, đa số là sống trong vương quốc ảo nhưng trong số họ vẫn có những người sẵn sàng từ bỏ nó để đi về vương quốc khác (giống như tĩnh ngục) để tẩy rửa và chuộc lỗi lầm. Những người này đang ở trong "vương quốc cái chết hoàng hôn" (death’s twilight kingdom). Như vậy, đã có 3 dạng của vương quốc cái chết. Ngoài vương quốc cái chết ở trần gian còn có một vương quốc cái chết ở bên kia thế giới nữa, nên có thêm một khái niệm: "vương quốc cái chết khác" (death’s other kingdom). Và cuối cùng, để phân biệt "vương quốc cái chết khác" này với một vương quốc cũng ở bên kia thế giới dành cho những kẻ ngoan đạo (giống như thiên đường), Eliot viết hoa chữ "Kingdom" – "death’s other Kingdom". Đấy là 5 cách gọi một khái niệm "vương quốc cái chết" của Eliot.

        Điểm khó hiểu thứ hai trong trường ca này là hình ảnh những đôi mắt. Những đôi mắt xuất hiện từ phần II của trường ca, và nhân vật vừa muốn được nhìn thấy những đôi mắt lại vừa sợ nhìn thấy chúng. Nhân vật muốn mặc quần áo cải trang để cho những đôi mắt kia không nhận ra. Hình tượng này Eliot mượn của Dante (Thần khúc - Tĩnh ngục, khúc ca XXXI). Không nhìn thấy đôi mắt của Beatrice thì không thể từ giã Tĩnh ngục để bước lên Thiên đường (Đôi mắt Beatrice tượng trưng cho Trí tuệ của Chúa).

        Điểm khó hiểu thứ ba là hình tượng chiếc bóng đổ xuống "giữa ý tưởng/ và hiện thực cuộc đời/ giữa ý muốn/ và hành động con người..." Chiếc bóng là biểu tượng của tính nhu nhược, thiếu quyết đoán của "những kẻ rỗng tuyếch".

        - Câu: "Bởi Vương quốc là Ngài" (For Thine is the Kingdom) trích từ lời cầu nguyện "Cha của chúng con" (lời Đức Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi): "Bởi Ngài là Vương quốc, là quyền lực, là vinh quang muôn thuở. Amen!"(Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. Amen! – lời dịch của Hội Thánh Kinh tại Việt Nam. Tân Ước - Ma-thi-ơ 6:13). Chỉ có đôi mắt của tình yêu, đôi mắt của Beatrice có thể trả về nhãn quan cho "những kẻ rỗng tuyếch". Những đôi mắt này là ngôi sao dẫn đường, là hoa hồng thần bí "là ngôi sao muôn đời toả sáng/ là muôn ngàn cánh hoa hồng/ của vương quốc cái chết hoàng hôn..." (muôn ngàn cánh hoa hồng là những thánh thần, những người ngoan đạo mà Dante nhìn thấy ở Thiên đường (Thần khúc_Thiên đường, khúc ca XXX, XXXIII).

        - Câu: "Cuộc đời ta rất dài" (Life is very long) trích từ tiểu thuyết Kẻ lưu đày của những hòn đảo (An Outcast of the Islands) của J. Conrad.

        - Câu: "Ta đi vòng quanh những bụi cây gai"(Here we go round the prickly pear) – nhại theo bài hát thiếu nhi "Here we go round the mulberry bush on a cold frosty morning". Cây xương rồng tượng trưng cho vùng đất khô cằn.

        - Điệp khúc: "Và như thế kết thúc cuộc đời" (This is a way the world ends) – nhại theo bài hát thiếu nhi "This is the Way we Clap our Hands".



        #19
          cacbac 25.03.2009 15:35:23 (permalink)
          CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA CÁC ĐẠO SĨ



          "Ta đi trong băng giá
          Mùa xấu nhất trong năm
          Đằng đẵng cuộc hành trình
          Con đường dài và gió
          Buốt giá của mùa đông"(2).


          Và những con lạc đà trầy da chân
          Lì lợm nằm trên tuyết.
          Còn ta, đôi khi cảm thấy buồn
          Nhớ những cung điện mùa hè, sân gác
          Những cô gái mượt mà mang ra đồ ngọt
          Những kẻ cai lạc đà lời tục tĩu tuôn ra
          Họ chạy đi đòi rượu và đàn bà
          Và tắt lửa nhưng lều riêng không đủ
          Và thù địch ở những thành phố to, không cảm tình ở những thành phố nhỏ
          Những ngôi làng bẩn thỉu và giá cả rất cao
          Trong thời buổi khó khăn như vậy ta đi vào.
          Cuối cùng ta đã đi thâu đêm suốt sáng
          Ngủ ngáy chỉ đôi khi, thỉnh thoảng
          Và ta nghe những giọng hát bên tai
          Tất cả chỉ là điên rồ, cuồng loạn.

          Rồi buổi bình minh ta đến miền thung lũng
          Nơi dưới tuyết mùi hoa cỏ bốc lên
          Dòng suối rì rào, cối xay nước gõ nhịp vào bóng đêm
          Và dưới bầu trời thấp có ba cây gỗ(3)
          Và con ngựa bạch phóng nhanh trên đồng cỏ(4).
          Ta đến bên quán rượu có treo những cành nho
          Sáu cánh tay mở cửa ném những miếng bạc ra
          Bàn chân giẫm lên túi da đựng rượu nhưng đã hết
          Nhưng không ai biết gì và ta đi tiếp
          Rồi ta đến nơi vào buổi chiều, không một chút sớm hơn
          Rất tốt đẹp, như dự định mà ta cần.
          Đã từ rất lâu, bây giờ tôi nhớ lại
          Nhưng có một điều, giá mà tôi được hỏi
          Giả sử là
          Một điều này: những con đường của ta
          Vì Sinh hay Tử? Đã từng là Sinh, hẳn thế
          Ta đã biết điều này. Tôi đã từng thấy cả Sinh và Tử
          Nhưng mà chúng khác nhau, đó chính là Sinh
          Thật đắng cay, ta sống như là chết với cái chết của mình
          Và ta đành quay trở về Vương quốc
          Nhưng chẳng tìm ra cho mình sự bình yên
          Con người vẫn bám chặt vào thần thánh của mình.
          Bởi thế, tôi vui mừng đón chào cái chết khác.

          ________________
          (1) Bài thơ này in lần đầu trên thiệp Giáng sinh của nhà xuất bản "Faber and Faber" năm 1927. Cũng trong năm này T. S. Eliot nhập quốc tịch Anh và cải đạo sang Anh giáo. Bài thơ này dựa theo câu chuyện kể về sự Giáng sinh của Chúa Giê-su (Tân Ước_Ma-thi-ơ 2:1-12). Tuy vậy, ngay từ dòng đầu Eliot đã viết theo cách của mình. Bài thơ không nhắc đến ngôi sao dẫn đường, không nói gì về lễ vật là vàng và nhũ hương hay sự vui mừng của các đạo sĩ. Eliot chỉ nói về sự khó nhọc của con đường đi đến lòng tin mới (việc cải đạo của mình). Nhân vật chính của bài thơ là một đạo sĩ hồi tưởng lại cuộc hành trình sau nhiều năm đã trôi qua. Và, hoá ra là con đường có rất nhiều ngờ vực, có thể, "tất cả chỉ là điên rồ, cuồng loạn". Nhưng sau khi đã trở về Vương quốc (Anh) cuộc sống cũng chẳng yên bình hơn. Sự hồi sinh này đòi hỏi cái chết, và chỉ sau cái chết này, có thể, sẽ sinh lại lần hai.
          Cả bài thơ dựa trên hai phạm trù triết học: Sinh và Tử. Người kể chuyện chưa tiếp nhận hết lòng tin mới, mà muốn chết để giải thoát mối nghi ngờ của những người sống quanh mình, những người vẫn tôn thờ những đạo sĩ cổ xưa. Bài thơ cho thấy việc cải đạo sang Anh giáo của T. S. Eliot không một chút dễ dàng.

          (2)Khổ thơ đầu trong ngoặc là những lời thuyết giáo đêm Giáng sinh của giáo chủ người Anh, Lancelot Andrews (1555-1626).

          (3)Đây là ba cây gỗ treo ba cây thập ác để đóng đinh Chúa Giê-su cùng với hai tên trộm-cướp ở hai bên (Tân Ước_Luca 23: 32,33).

          (4)Con ngựa bạch trong Khải huyền: "Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, có một con ngựa bạch hiện ra; Đấng cưỡi trên ngựa ấy gọi là Đấng Trung tín và Chân thật; Ngài lấy lẽ công bằng mà xét đoán và chiến đấu..." (Tân Ước_Khải huyền 19:11).
          #20
            cacbac 18.03.2010 14:33:11 (permalink)



            Ezra Weston Loomis Pound
            (30 tháng 10 năm 1885 – 1 tháng 11 năm 1972) – nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình người Mỹ, một đại diện xuất sắc của trào lưu văn học Anh Mỹ hiện đại nửa đầu thế kỉ XX. Nhà thơ đoạt giải Nobel Thomas Eliot dùng lời của Dante “il miglior fabbro” (bậc thầy cao hơn tôi) để nói về Ezra Pound. Còn nhà thơ Carl Sandburg viết: “Trong số những người còn sống, ông là người đã làm nhiều nhất để thức dậy những khát khao mới mẻ trong thơ ca”.

            Tiểu sử:
            Ezra Pound sinh ở Hailey, bang Idaho (Mỹ). Học ở Đại học Pennsylvania, dạy tiếng Latin ở bang Indiana. Năm 1908 Pound sang London (Anh) làm quen với William Butler Yeats và một thời gian làm thư kí cho W. B. Yeats. Thời gian này Pound bắt đầu in thơ và các bản dịch thơ từ tiếng Ý, tiếng Hoa, tiếng Nhật.

            Năm 1915 in cuốn Des Imagistes – một hợp tuyển thơ ca và lí thuyết của phái hình tượng. Từ năm 1920 Ezra Pound vừa sáng tác vừa dịch thơ đồng thời viết phê bình tác phẩm của T. S. Eliot, James Joyce, Robert Frost, Ernest Hemingway… Năm 1921 Pound hiệu đính trường ca Đất hoang của T. S. Eliot, rút ngắn và nhuận sắc cho trường ca nổi tiếng này.

            Từ năm 1920 Pound sang sống ở Paris. Từ năm 1925 sống ở Ý, Pound ủng hộ chế độ phát xít Mussolini và kêu gọi chiến tranh chống Liên Xô. Khi Mỹ tuyên bố chiến tranh với phát xít Ý, Pound phát biểu trên đài phát thanh phê phán chính sách của tổng thống Franklin Roosevelt kêu gọi binh sĩ Mỹ ủng hộ phát xít Đức. Năm 1948 Pound bị triệu hồi về Washington để xét tội tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít nhưng ngay sau đó được trả tự do vì lí do sức khỏe. Năm 1949 ông được trao giải Bollingen cho quyển Cantos. Những năm cuối đời ông sống trong im lặng một cách tự nguyện. Ezra Pound mất ngày 1 tháng 11 năm 1972 ở Venice, Ý.

            Những tác phẩm xuất sắc nhất của ông có thể kể đến : Mặt nạ (Personae, 1949), Cantos 1-84 (1948), Vương miện (Thrones, 1959). Các tác phẩm dịch của Ezra Pound (The Translations of Ezra Pound, 1953), Văn xuôi (Literary Essays, 1954), Hướng dẫn văn hóa (Guide to Kulchur, 1938), Thư từ (The Letters of Ezra Pound, 1950), Xung đột (Impact, 1960).



            Tác phẩm:


            • 1908 A Lume Spento, poems (Venice)
            • 1908 A Quinzaine for This Yule, poems (London).
            • 1909 Personae, poems (London)
            • 1909 Exultations, poems (London)[
            • 1910 Provenca, poems (Boston)
            • 1910 The Spirit of Romance, essays (London)
            • 1911 Canzoni, poems (London)
            • 1912 Ripostes, poems (London)
            • 1912 The Sonnets and ballate of Guido Cavalcanti, translations, (London)
            • 1915 Cathay, poems / translations
            • 1916: Gaudier-Brzeska. A Memoir (London)
            • 1916 Certain noble plays of Japan: from the manuscripts of Ernest Fenollosa, chosen and finished by Ezra Pound, with an introduction by William Butler Yeats.
            • 1916 "Noh", or, Accomplishment: a study of the classical stage of Japan, by Ernest Fenollosa and Ezra Pound.
            • 1916 "The Lake Isle", poem
            • 1916 Lustra, poems.
            • 1917 Twelve Dialogues of Fontenelle, translations
            • 1918: Pavannes and Divisions, prose (New York)
            • 1919 Quia Pauper Amavi, poems (London)
            • 1918 Pavannes and Divisions, essays
            • 1919 The Fourth Canto, poems
            • 1920 Umbra, poems and translations (London)
            • 1920 Hugh Selwyn Mauberley, poems (London)
            • 1921 Poems, 1918–1921, poems (New York)
            • 1922 The Natural Philosophy of Love, by Rémy de Gourmont, translations
            • 1923 Indiscretions, essays
            • 1923 Le Testament, one-act opera
            • 1924 Antheil and the Treatise on Harmony, essays (Paris)
            • 1925 A Draft of XVI Cantos, poems (Paris)
            • 1926 Personae: The Collected Poems of Ezra Pound (New York)
            • 1927 Exile, poems
            • 1928 A Draft of the Cantos 17–27, poems
            • 1928 Selected Poems, edited by T. S. Eliot (London)
            • 1928 Ta hio, the great learning, newly rendered into the American language, translation
            • 1930 A Draft of XXX Cantos, poems (New York)
            • 1930 Imaginary Letters, essays
            • 1931 How to Read, essays
            • 1933 ABC of Economics, essays
            • 1933 Cavalcanti, three-act opera
            • 1934 Eleven New Cantos: XXXI-XLI, poems (New York)
            • 1934 Homage to Sextus Propertius, poems (London)
            • 1934 ABC of Reading, essays
            • 1935 Make It New, essays
            • 1936 Chinese written character as a medium for poetry, by Ernest Fenollosa, edited and with a foreword and notes by Ezra Pound
            • 1936 Jefferson and/or Mussolini, essays
            • 1937 The Fifth Decade of Cantos, poems (London)
            • 1937 Polite Essays, essays
            • 1937 Digest of the Analects, by Confucius, translation
            • 1938 Culture, essays
            • 1939 What Is Money For?, essays
            • 1940 Cantos LII-LXXI, poems
            • 1944 L'America, Roosevelt e le Cause della Guerra Presente, essays
            • 1944 Introduzione alla Natura Economica degli S.U.A., prose
            • 1947 Confucius: the Unwobbling pivot & the Great digest, translation
            • 1948 The Pisan Cantos, poems (New York)
            • 1950 Seventy Cantos, poems
            • 1951 Confucian analects, translator
            • 1953: The Translations of Ezra Pound, translations (London)
            • 1955 Section: Rock-Drill, 85–95 de los Cantares, poems (Milan)
            • 1956 Sophocles: The Women of Trachis. A Version by Ezra Pound, translation (London)
            • 1959 Thrones: 96–109 de los Cantares, poems (Milan)
            • 1968 Drafts and Fragments: Cantos CX-CXVII, poems
            • 1975: Selected Poems, 1908-1959, poems (London)
            • 1976: Collected Early Poems (New York)
            • 1975: The Cantos (New York)ISBN 0-8112-1326-9
            • 1997 Ezra Pound and Music, essays
            • 1990: Personae: The Shorter Poems of Ezra Pound (New York)
            • 1992 A Walking Tour of Southern France: Ezra Pound Among the Troubadours (New York)ISBN 0-8112-1223-8
            • 2002 Canti postumi, poems ISBN 88-04-51031-5
            • 2003 Ego scriptor cantilenae: The Music of Ezra Pound, operas/music
            • 2003 Ezra Pound, Poems and Translations (Library of America, 2003) ISBN 978-1-93108241-9
            • 2005 Early Writings (New York) ISBN 0-14-218913-0

            Một số bài thơ:


            #21
              cacbac 18.03.2010 14:37:18 (permalink)

              CÔ GÁI

              Tôi đưa tay vào cây
              Nhựa cây chảy ra tay
              Cây mọc lên từ ngực
              Hạ xuống thấp
              Cành cây từ tôi như những cánh tay.

              Em là cây
              Em là rêu
              Là hoa tím dập dờn trước gió
              Từ phía trên – em là cô bé
              Và tất cả mê hoặc thế gian này.





              MEDITATIO

              Khi tôi nhận thức ra những thói quen lạ kì của chó
              Thì tôi xin thừa nhận một điều này:
              Con người là sinh vật cao cấp hơn tất cả.

              Khi tôi hiểu ra những thói quen kì lạ của con người
              Thì tôi, quả thực, cảm thấy bối rối vô cùng bạn ạ.


              #22
                Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9