Giải phẫu thẩm mỹ
HongYen 20.12.2007 07:31:15 (permalink)



Vài ý kiến về vấn đề giải phẫu thẩm mỹ



18/12/2007

Bấm vào đây để nghe (RA 1.63 MB)
Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để nghe (RA 1.63 MB)
Bấm vào đây để tải xuống (MP3 2.46 MB)
Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để tải xuống (MP3 2.46 MB)


Phụ nữ ngày nay, ở Hoa Kỳ cũng như ở khắp thế giới gần như bị ám ảnh bởi cái hình ảnh bề ngoài của mình. Làm sao cho mình không bị tuổi tác làm mất đi vẻ trẻ trung, thon thả thời thiếu nữ. Đến độ, có người đã nghĩ ra việc tặng nhau trong dịp lễ tết phiếu đi sửa sắc đẹp tại các thẩm mỹ viện. Vào lúc những ngày lễ cuối năm sắp tới, Câu chuyện Phụ nữ kỳ này thuật lại một vài ý kiến về vấn đề này, dựa theo một bài viết trên trang web Women’s E News, hay Tin điện tử Phụ nữ.
 






Kanye West và mẹ Donda West (Hình năm 2006). Bà West đã chết vì các biến chứng sau khi giải phẫu thẩm mỹTác giả bài viết tìm hiểu về đề tài này sau khi có tin về cái chết của bà Donda West, 18 tuổi, mẹ của siêu sao nhạc hip-hop Mỹ Kanye West.
 
Bà Sandra Kobrin thú thực là không thích thú gì với những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trên mặt, nhưng bà khẳng định là cũng sẽ không muốn hy sinh tính mạng để có một cái cằm gọn hay một cái bụng phẳng phiu.
 
Tuy nhiên bà nhận thấy rằng bà thuộc vào khối thiểu số. Bà nêu ra các số liệu của Hội Giải phẫu thẩm mỹ Hoa Kỳ ở thành phố Arlington Heights trong bang Illinois cho thấy tính từ năm 1997 đến nay, con số các ca giải phẫu thẩm mỹ hàng năm đã tăng vọt gấp hơn 5 lần.
 
Gần 11 triệu vụ giải phẫu thẩm mỹ đã được thực hiện trong năm 2006, tức là tăng 7 phần trăm so với năm trước đó. Gần 10 triệu ca là phụ nữ.
 
Các tín hiệu thôi thúc phụ nữ giữ nguyên hay lấy lại vóc dáng trẻ trung đã in sâu trong nền văn hóa Mỹ. Các cơ sở tập luyện thể dục thực hiện những vụ chỉnh trang thẩm mỹ không cần mổ mọc lên như nấm trong các thương xá, và ngay cả các bác sĩ nhãn khoa cũng thực hiện những vụ bơm botox.
 
Nhưng điều đáng sợ là hơn bao giờ hết, giới phụ nữ thành đạt trong các ngành nghề chuyên môn ngày càng thực hiện các cuộc giải phẫu thẩm mỹ tốn kém, phức tạp và nguy hiểm. Với đầy đủ phương tiện trong tay, càng ngày các phụ nữ trong giới này lại càng thích đem mạng sống ra thử thời vận để có được một cái eo thon nhỏ, xóa các nếp nhăn hay có một bộ ngực săn cứng hơn.
 
Một trường hợp điển hình là bà Donda West. Là một nhà giáo dục đã đạt nhiều thành công, bà West từng là trưởng khoa Anh ngữ trong trường đại học tiểu bang Chicago và là một học giả Fulbright đã bỏ nghề vào năm 2004 để giúp cho sự nghiệp của con là ca sĩ nổi tiếng Kanye West. Bà là một tấm gương tuyệt diệu cho cả con trai lẫn các sinh viên của bà. Vậy mà, ở một bình diện nào đó, thế vẫn chưa đủ.
 
Hôm 9 tháng 11 vừa qua, bà đã đi hút mỡ và làm nhỏ ngực rồi được xuất viện về nhà để bình phục. Tối hôm sau, nhân viên y tế đã chở bà trong tình trạng mê man vào Trung tâm Y tế Centinela Freeman ở Marina del Rey, và mọi cố gắng cứu sống bà đã thất bại. Sau khi giảo nghiệm, pháp y Los Angeles nói rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy là bà West chết vì các biến chứng sau giải phẫu.
 
Tin của CNN cho biết bà West biết là bà có thể gặp nguy hiểm nhưng vẫn muốn thực hiện cuộc giải phẫu. Bà đã đến tham khảo một vị bác sĩ khác ở Beverly Hills và vị bác sĩ này đã từ chối không thực hiện phẫu thuật. Bà đến gặp một bác sĩ khác đã bị kiện về hai vụï hành nghề trái phép và đã bị phạt vì say rượu lái xe 2 lần, nhưng bà vẫn để ông ta tiến hành phẫu thuật.
 
Những nhân vật nổi tiếng khác chết vì giải phẫu thẩm mỹ là cựu đệ nhất phu nhân Nigeria, bà Stella Obasanjo, qua đời năm 2005, và bà Olivia Goldsmith, tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1996, “The First Wives Club,” qua đời cách đây 3 năm trong khi mổ căng da mặt. Điều trớ trêu là, trong tác phẩm tiểu thuyết của bà năm 1998, nhân vật chính muốn đi căng da mặt để ganh đua với một phụ nữ trẻ hơn, đã được bác sĩ bảo là, “Bà có điên không? Bà cần một bác sĩ tâm thần, chứ không phải bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ.” Tiếc rằng bà Goldsmith đã không sáng suốt được như thế với chính mình.
 
Nhưng những phụ nữ vừa kể chỉ là những ca mà chúng ta được biết. Có hàng ngàn phụ nữ tự ý liều mạng để có được một thân hình thon thả hơn, một vóc dáng trẻ trung hơn; đó là một sự thôi thúc mà kỹ nghệ giải phẫu thẩm mỹ đã châm thêm vào bằng cách bỏ ra hàng triệu đôla quảng cáo mỗi năm.
 
Bác sĩ Barry Firedberg, chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ ở Los Angeles nói rằng, không có cái gì được gọi là thủ thuật nhỏ trong giải phẫu thẩm mỹ. Không phải như đi thể dục hay mỹ viện. Hút mỡ là một phẫu thuật lớn và theo ông, là một trong các cuộc giải phẫu thẩm mỹ nguy hiểm nhất. 
 
 Những người muốn thực hiện phẫu thuật này lại năm trong nhóm gặp nhiều rủi ro nhất. Đó là những người đã luống tuổi, có con, thường là mập. Có nguy cơ bị đột quỵ, bị băng huyết, và các vấn đề hậu phẫu. Đối khi rất khó nói với người bệnh về những vấn đề này, nhưng phải đặt sự an toàn lên trên hết.
 
Một cuộc khảo cứu do trường đại học California ở Los Angeles thực hiện năm 2003 đặt câu hỏi với 52 người trưởng thành rằng, “Nếu tiền không phải là vấn đề, thì bạn có muốn giải phẫu thẩm mỹ hay hút mỡ bụng để được đẹp hơn hay không?” Kết quả cho thấy 71 phần trăm phụ nữ tỏ ra ít nhất là có thể thích.
 
Đa số những người tán đồng hay đã thực hiện việc giải phẫu thẩm mỹ thường tránh né phát biểu ý kiến, nhưng phe chống thì sẵn sàng bênh vực lập trường. Tỷ như bà Kim Dung, 65 tuổi, tiến sĩ hóa học đã nghỉ hưu, hiện đang ở thành phố Mountain View, bắc California. Bà Dung từng làm việc cho công ty Dow Chemical, có nhắc lại sự kiện một số ca được gọi là 'bơm ngực' trước đây, ít lâu sau đã bị biến chứng do chất silicon được sử dụng.
Bài viết của bà Sandra Kobrin ghi nhận số liệu của Hội Giải Phẫu Thẩm Mỹ Hoa Kỳ cho thấy 303 ngàn vụ hút mỡ bụng và 140 vụ ủi nếp nhăn trên bụng đã được thực hiện riêng trong năm ngoái.
 
Hội Giải Phẫu Thẩm Mỹ Hoa Kỳ không ghi rõ con số người chết vì giải phẫu thẩm mỹ nhưng nêu ra rằng cứ trong 298 ca giải phẫu thì có 1 ca các bị các biến chứng.
 
Sở Quản lý Thực Phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ nói rằng các nguy cơ tử vong vì hút mỡ – là thủ thuật giải phẫu thẩm mỹ thông thường hàng thứ ba – còn tệ hơn tai nạn xe hơi. Cứ trong 100 ngàn ca hút mỡ thì có từ 10 đến 100 ca có nguy cơ tử vong. Trong khi cứ 100 ngàn tai nạn xe hơi thì nguy cơ tử vong là 16.
 
Nhưng kỹ nghệ giải phẫu thẩm mỹ không chịu chùn bước trước sự kiện này. Cũng giống như thị trường địa ốc năm ngoái, kỹ nghệ này đang đưa ra mọi phương cách để người tiêu thụ chi tiền cho những vụ giải phẫu tốn kém từ 2000 đến 5000 mỗi vụ, kể cả đề nghị cho trả góp hay nhận thẻ tín dụng.
 
Vào dịp này trong năm thì quý vị còn gặp một chương trình khuyến mại nữa: đó là các phiếu tặng quà giải phẫu thẩm mỹ. Thật chẳng khác nào chê người nhận là cần phải chỉnh trang sắc đẹp.
 
Người viết kết luận rằng, nếu ai đó có định tặng bà phiếu quà, thì bà sẽ chọn thử thời vận một chiếc xe hơi mới còn hơn.
 
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi thêm ý kiến của bác sĩ Phạm Hoàng, chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ, hiện đang hành nghề ở bắc Virginia:
 
http://www.voanews.com/vietnamese/2007-12-18-voa37.cfm
 
#1
    HongYen 06.05.2008 12:03:58 (permalink)
    Thứ sáu, 2/5/2008, 06:19 GMT+7
     
     

    Những lưu ý khi đi sửa mũi
     





    Ảnh: Media.canada.
    Tuy là một phẫu thuật đơn giản nhưng việc sửa mũi có thể làm gương mặt bạn xấu đi. Vì vậy, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhờ cậy đến dao kéo.
    > 10 loại phẫu thuật thẩm mỹ nên tránh
    Phẫu thuật thẩm mỹ có thể sửa chữa những "sai sót" của tạo hóa đối với chiếc mũi, chẳng hạn làm cho nó ngắn lại, thon gọn hoặc cao thêm... Các thao tác chỉ được thực hiện trong khoảng 15-20 phút với nâng mũi và gần 1 tiếng nếu làm gọn mũi. 
     
    Với các ca nâng mũi, bác sĩ có thể dùng sụn sườn của chính khách hàng làm chất độn. Ưu điểm của nó là có sự tương thích gần như hoàn toàn về mặt sinh học. Tuy nhiên, bệnh nhân phải trải qua 2 lần phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật lấy sụn sườn, gây thương tích và sẹo ở ngực. Do đó, theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cách làm phổ biến hiện nay là dùng vật liệu nhân tạo vì chúng đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao, lại rút gọn các thao tác. Vật liệu độn hiện nay được làm bằng chất trơ nên không gây kích ứng hay phản ứng thải loại, rất an toàn.
     
    Còn với phẫu thuật thu gọn cánh mũi, bác sĩ sẽ vạt bớt dải da ở chân cánh mũi. Tất cả các kỹ thuật trên đều được thực hiện qua đường rạch rất nhỏ phía bên trong lỗ mũi, sau đó khâu sát bằng chỉ tự tiêu nên không để lại sẹo. Do mũi bị băng kín trong 3-5 ngày, trong thời gian mới mổ bạn sẽ khá khó chịu khi phải thở bằng miệng. Đồng thời, bạn cũng cần uống thuốc theo đơn bác sĩ để chống nhiễm trùng.
     
    Giá cho một ca nâng mũi dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy chất liệu cũng như tay nghề của bác sĩ, uy tín của cơ sở thẩm mỹ.
     
    Đơn giản, nhưng cũng dễ làm hỏng
    Theo tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, việc mổ và đặt chất độn nâng mũi một cách an toàn không khó, nhưng làm sao cho chiếc mũi được đẹp lại không đơn giản. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, độ nhạy cảm và óc thẩm mỹ của bác sĩ. Chiếc mũi mới tạo ra cần "ăn ý" với khuôn mặt, dáng cằm và cả phong thái của khách hàng.
     
    Có những chiếc mũi nếu nhìn riêng thì rất chuẩn nhưng không phù hợp nên đã làm giảm sự khả ái của gương mặt. Chẳng hạn chiếc mũi cao không hợp với gương mặt nhỏ nhắn có các nét mềm mại; còn chiếc mũi quá thon lại không đẹp nếu đặt trong khuôn mặt quá to, cằm vuông.
    Do đó trước khi quyết định mổ, bạn cần tư vấn kỹ với bác sĩ. Theo bác sĩ Sơn, việc này giúp bạn xác định việc sửa mũi có thực sự cần thiết hay không, yêu cầu của bạn có xuất phát từ nguyện vọng tha thiết, đã được suy nghĩ chín chắn hay chỉ là sở thích nhất thời. Nếu nó không có hình dáng lý tưởng nhưng vẫn hài hòa với khuôn mặt thì tốt nhất là không nên sửa. Khi quyết tâm làm, cần trao đổi kỹ để xác định một "phương án" phù hợp với mình.
     
    Nếu tay nghề của bác sĩ kém, bạn có thể gặp một số sự cố sau mổ như mũi dị dạng, quá gồ cao như mỏ quạ, mũi bị vẹo do đặt miếng độn không chuẩn, hai lỗ mũi không đều nhau do sẹo co kéo ở nơi rạch da, dẫn đến hẹp lỗ mũi...
    Ngoài ra, khi sửa mũi, bạn cũng có thể gặp các nguy cơ chảy máu kéo dài, tê vùng mặt xung quanh mũi, đau lâu ngày, viêm nhiễm...
    Hải Hà
     

    sLoDID=sLoDID.concat('1000345149').concat(',');


     
     
    //ShowArticleLogoDate();ShowArticleLogoQuantity();


    Các tin khác
     
    http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/05/3BA00E3D/
    #2
      HongYen 06.05.2008 12:12:06 (permalink)
      Thứ tư, 9/4/2008, 03:46 GMT+7
        
      10 loại phẫu thuật thẩm mỹ nên tránh

      Ngày càng nhiều phụ nữ sẵn lòng bỏ tiền để "mua" sắc đẹp bằng dao kéo, nhưng chính các bác sĩ thẩm mỹ cũng khuyến cáo một số quy trình tiềm ẩn nguy cơ. Dưới đây là 10 loại phẫu thuật thẩm mỹ nên tránh xa.

       
      1. Làm tan mỡ bằng hóa chất
       
       
      Trong kỹ thuật này, người ta dùng kim mảnh tiêm vào cơ thể một hợp chất, giúp hòa tan các khối mỡ ương bướng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Malcolm Roth, giám đốc phẫu thuật tạo hình tại Trung tâm Y tế Maimondes ở Brooklyn, New York, các hóa chất này không an toàn khi tiêm vào cơ thể. Và điều gì xảy ra với khối mỡ đó, cũng như chúng đã biến đi đâu? Chẳng ai biết cả. Ngoài ra, hầu hết các bác sĩ thưc hiện kỹ thuật này đều không được đào tạo bài bản về phẫu thuật tạo hình, thậm chí bác sĩ nha khoa đôi khi cũng nhảy vào cuộc.


      2. Phẫu thuật chân thẩm mỹ để có dáng đi sexy hơn


      Những ai từng yêu cầu làm đẹp từ đầu tới ngón chân chắc không xa lạ với loại phẫu thuật này - bao gồm một loạt các quy trình tiểu phẫu xâm lấn để tạo ra dáng chân sexy, như tạo gót tròn, hay thay đổi toàn bộ dáng chân. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, sưng ngón chân lâu dài, thậm chí đau chân kinh niên khi bước đi.


      3. Bơm gel để làm mọng môi, xóa nếp nhăn trên mặt


      Hầu hết các gel làm đầy cơ thể này có tính tạm thời, nghĩa là sau một thời gian nào đó, chúng sẽ hấp thụ vào trong cơ thể và kết quả của phẫu thuật trở về bằng không. Chúng bao gồm các collagen tự nhiên, cũng như một số gel mới như axit hyaluronic.
      Tuy nhiên, một số loại gene được thiết kế để gắn vĩnh viễn vào cơ thể (như silicone), phục vụ những người chỉ muốn phẫu thuật 1 lần cho xong. Loại gel này có thể dẫn tới vài biến chứng, như bám chặt vào mô và có xu hướng "trôi giạt", dẫn tới biến dạng bộ phận cấy. Hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu là sản phẩm của một bác sĩ vụng.

      4. Bơm ngực
       

       
      Theo cách truyền thống, các bác sĩ sẽ lấy mỡ ở mông hoặc đùi để đắp vào vùng ngực, làm ngực to ra. Họ lý luận rằng vì cả hai chất liệu này đều thuộc về cùng một người, nên sẽ an toàn cho người bệnh. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật tạo hình Mỹ cho rằng nó vẫn nguy hiểm vì nguy cơ khối mỡ cấy vào bị vôi hóa, tạo ra những khối sẹo lớn trong mô ngực. Sự vôi hóa này cũng có thể che khuất hoặc đánh lừa sự có mặt của các khối u vú.
      Gần đây hơn, người ta sử dụng các túi gel nhân tạo để độn ngực. Một số bác sĩ cũng lo ngại kỹ thuật này cũng gây khó khăn cho việc chụp ảnh phát hiện u vú.


      5. Phẫu thuật kéo dài chân
       

       
      Trong kỹ thuật này, người ta phải đập gãy một hoặc cả hai chân, sau đó dùng các vít và nẹp sắt, từ từ kéo xương ra. Suốt quá trình kéo dài vài tháng đến cả năm này, bệnh nhân phải chịu đau đớn, tốn kém. Nó chỉ thích hợp với người quá lùn, và cũng được bác sĩ khuyến cáo nên tránh xa nếu bạn coi đó là cách làm đẹp.


      6. Cấy làm nở mông



       
      Trong khi nhiều người mải miết tập thể dục và ăn kiêng triệt để để có vòng 3 thon nhỏ, thì cũng có những người khác tìm cách phẫu thuật để có bàn tọa to, tròn hơn.

      Trong kỹ thuật này, bệnh nhân thường được cấy các miếng silicone cứng, nằm dưới các sợi cơ mông. Kết quả là họ có vòng ba tròn trịa phì nhiêu hơn. Nhưng kết quả này thường đi kèm với cái giá không nhỏ, đó là tỷ lệ mắc tai biến cao, trong đó có nguy cơ nhiễm trùng. Đó là vì để giấu vết sẹo, các bác sĩ thường đặt vết mổ ở giữa mông, gần với hậu môn, nơi có nhiều vi khuẩn. Hơn nữa, đây là vùng bạn ngồi lên suốt ngày, nên tỷ lệ gặp trục trặc là rất lớn.


      7. Xăm môi và mắt



       
      Cái giá phải trả cho việc bạn xăm mặt để đỡ công trang điểm mỗi sáng có thể chỉ là cơn ác mộng. Khu vực được xăm là những mô mềm mại nhất trên khuôn mặt, và chúng rất khó xóa. Nếu sau khi đã xăm rồi, thì dù có không thích, bạn sẽ vẫn mắc kẹt với nó.


      8. Thẩm mỹ làm đẹp mặt


      Tiến sĩ Gregory H. Branham, trợ lý giáo sư và là trường khoa phẫu thuật tái tạo và tạo hình mặt ở Đại học Washington tại Saint Louis, cho biết ông từng điều trị cho vài bệnh nhân muốn sửa lại các trục trặc trên mặt do những lần phẫu thuật trước kia, như hút mỡ mặt. Hậu quả của những lần phẫu thuật đó không tạo ra một khuôn mặt sexy hơn, mà thường là những cái hố sâu "kinh dị".  

      Một kỹ thuật khác thường được dùng là lột da mặt bằng laser CO2, khiến da mặt bệnh nhân đỏ ửng, sần sùi và mất nhiều tuần mới lành lại được.


      9. Cấy nở ngực đồng thời chuyển vị trí của ngực


      Việc kết hợp đồng thời hai quy trình này trong một cuộc phẫu thuật sẽ khiến bạn có nguy cơ nhận nhiều biến chứng hơn.
      Đó là vì mục đích của hai loại phẫu thuật này trái ngược nhau. Trong khi phẫu thuật chuyển vị trí là loại bỏ bớt da thừa, làm ngực nhỏ lại, thì khi cấy nở ngực bác sĩ phải tìm cách kéo căng phần da còn lại để có thể chứa thêm phần ngực nở ra. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đối mặt với các nguy cơ khác như trong mỗi phẫu thuật đơn lẻ, như nhiễm trùng, lộ phần cấy, ngực lệch nhau, mất cảm giác ở đầu vú...


      10. Bất kỳ loại phẫu thuật nào với bác sĩ không chuyên


      Không phải mọi bác sĩ đều được đào tạo cơ bản để thực hiện các loại phẫu thuật trên. Thực tế, nhiều người hành nghề mà chẳng có bằng cấp y khoa nào, và bạn sẽ biến mình thành nạn nhân nếu gặp phải bác sĩ đó.
      Vì vậy, đừng làm phẫu thuật ngay trước khi bạn biết mọi điều về vị bác sĩ mà mình phó thác.

      Thuận An (theo ABC)
       
      www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/04/3BA011CB/
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.05.2008 12:18:59 bởi HongYen >
      #3
        HongYen 14.06.2008 07:29:44 (permalink)
        Hút Mỡ  
        BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC . Việt Báo Thứ Sáu, 6/13/2008, 12:02:00 AM
         





        Hút Mỡ (Liposuction) đang là giải phẫu thẩm mỹ rất phổ biến tại mọi quốc gia trên thế giới.
         
        Phẫu thuật có mục đích vĩnh viễn lấy đi những mô mỡ không muốn, dưới da, tại một vùng nào đó của cơ thể mà dinh dưỡng và vận động không xóa đi được. Hút mỡ sẽ giúp mang trở lại cho hình dáng con người một phần gọn ghẽ, thon thả của tuổi thanh xuân.
         
        Kỹ thuật hút mỡ bắt nguồn từ Âu châu vào thập niên 1970 và sau đó liên tục được cải thiện vì đã đáp ứng đúng nhu cầu làm đẹp của con người.

         Năm 1974, bác sĩ sản khoa người Ý Giorgio Fisher và thân phụ của ông, bác sĩ Arpad Fisher, có sáng kiến dùng một cái ống nối với một cái máy hút để hút mỡ dưới da. Hai cha con hì hục tự chế ra máy này. Đây là phương pháp được mệnh danh là “hút khô” (dry liposuction) và thân chủ được gây mê tổng quát. Vì mới khai triển, phương pháp gây ra xuất huyết khá nhiều, để lại những vết lõm trên da và sau phẫu thuật, bệnh nhân còn cảm thấy đau ê nhiều ngày
         
        Để tránh các khó khăn này, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ người Pháp Yves-Gerard Illouz nghĩ ra cách truyền một dung dịch muối vào vùng giải phẫu để giảm thiểu xuất huyết và giúp phẫu thuật dễ dàng hơn. Đó là phương pháp hút mỡ ướt (wet liposuction), được phổ biến khắp thế giới.
        Đến năm 1987, bác sĩ chuyên bệnh ngoài da Hoa Kỳ Jeffrey Klein hoàn thiện việc hút mỡ với phương pháp phồng-chắc (tumescent liposuction).
        Phương pháp này hiện đang được rộng rãi áp dụng.
        Hút mỡ là phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện nhiều nhất ở Mỹ với hơn 400,000 trường hợp vào năm 2006. Bên Việt Nam mình không có thống kê nhưng cứ nhìn số phòng mạch hút mỡ khắp phố phường, thì chắc là các phẫu thuật gia cũng rất bận rộn mổ xẻ, đếm tiền.
         
        Vài điều về mô mỡ
        Mô mỡ (adipose tissue) là một kết hợp những sợi-liên-kết với đầy những tế bào mỡ.
        Mô mỡ tập trung nhiều nhất ở dưới da, một phần nhỏ bao bọc bảo vệ các cơ quan như thận, dạ dày, ruột…
        Mỡ có ba nhiệm vụ chính: là chất cách nhiệt rất tốt giữa cơ thể và môi trường; là chất đệm bảo vệ cơ quan nội tạng và là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể.
        Tế bào mỡ được thành hình vào ba tháng cuối của thai kỳ. Sau khi hài nhi ra đời, tế bào mỡ tăng sinh đều đặn tới một số lượng nào đó rồi ngưng. Số lượng tế bào mỡ không thay đồi trong suốt cuộc đời con người, ngoại trừ khi bị thương tổn hoặc lấy ra. Tế bào mỡ mất đi không được thay thế.

        Chất béo trong thực phẩm tiêu thụ sẽ được đưa vào tế bào mỡ. Khi tiêu thụ ít chất béo hoặc khi chất béo chuyển thành năng lượng, tế bào mỡ sẽ thu nhỏ lại chứ không biến mất. Khi ăn quá nhiều, chất béo lại được vào tế bào mỡ và đưa tới mập phì. Như vậy, mập phì không tùy thuộc vào sức nặng cơ thể mà tùy thuộc nhiều hơn ở số lượng chất béo trong mô mỡ.
        Nam nữ có số lượng mô mỡ khác nhau: nữ từ 22-25% sức nặng cơ thể, nam từ 15-18%. Nữ có nhiều chất béo vì nhu cầu năng lượng cao hơn khi có thai và nuôi con. Tới tuổi già, mô mỡ phình to, cơ thể phát phì.
        Ở người nam, mô mỡ tập trung quanh bụng (nam trái táo), nữ thì mỡ nằm nhiều ở mông (nữ quả lê).
        Khi mô mỡ “xì” ra quá nhiều ở những vùng không muốn, thì con người tìm cách làm xẹp hoặc cắt xén, hút bỏ.
        Do đó, liposuction ra đời để phục vụ con người.
         
        Thân chủ thích hợp
        Tất nhiên là mọi người quá dư mô mỡ, nhất là ở những vùng “nhĩ mục quan chiêm”, thì ai cũng muốn chúng biến đi. Nhưng không phải cứ muốn là được, vì hút mỡ cững dè dặt, chọn lựa khách hàng.
        Các vùng có triển vọng “thon gọn” nhất với hút mỡ là bụng, hông, ngực, đùi, cổ tay, cánh tay, đầu gối.
        Sau đây là một số tiêu chuẩn thuận lợi:
        -Tuổi lý tưởng là từ 18-35 tuổi.
        Thực ra, tuổi tác không là vấn đề quyết định, tuy nhiên ở tuổi quá cao, da thường không còn đàn tính lại hơi võng xệ, nhăn nheo do đó kết quả không được mỹ mãn như ở giới trẻ với làn da rắn chắc, mịn căng.
        -Có những vùng tế bào mỡ tập trung hơi khó coi mà tiết chế ăn uống và vận động thể thao không xóa đi được
        -Có sức nặng cơ thể trung bình hoặc trên trung bình khoảng 10 kg (20lb)
        -Da tương đối còn rắn chắc và đàn hồi, vì hút mỡ không làm căng mặt da.
        -Có sức khỏe tốt, vận động thường xuyên và cắt giảm tiêu thụ chất béo bão hòa.
        Không hội đủ tiêu chuẩn:
        -Đang có bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi, tiểu đường, cao huyết áp có thể gặp nhiều rủi ro khi hút mỡ. Các vị này nên thảo luận kỹ càng với bác sĩ trước khi quyết định
        -Vị nào hay bị bệnh viêm tế bào da (cellulitis) cũng không có kết quả tốt vì da sẽ không đều, gồ ghề sau khi hút.
        -Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không được làm hút mỡ vì đang cần năng lượng nuôi con.
        -Dị ứng với lidocaine, vì chất này được dùng gây tê trong hút mỡ.
        Nếu đang hút thuốc lá, dùng các thuốc làm loãng máu như aspirin, ibuprofen, bác sĩ sẽ yêu cầu ngưng hai tuần lễ trước và sau phẫu thuật.
        Nói chung, thân chủ lý tưởng cho hút mỡ có thể là:
         
        Một trượng phu cao thước sáu, khỏe mạnh, nặng 75 cân, ì ạch mang chiếc lốp xe secours quanh bụng, sẽ là thân chủ lý tưởng, khỏi phải mua chiếc áo khổ cực đại để che chiếc bụng “giả thai” 7 tháng.
         
        Hoặc một nữ lưu cao thước rưỡi, nặng 68 cân, kè kè cặp túi yên-ngựa ở hai hông với cặp đùi gồ ghề, quá khổ, sẽ lấy lại được nét thon đều từ mông tới chân.
        Điều cần làm trước khi quyết định
        Trươc hết phải chọn lựa được một phẫu thuật gia có huấn luyện đầy đủ về giải phẫu thẩm mỹ, có kinh nghiệm, kỹ thuật cao, sẵn sàng giải thích tường tận cho thân chủ về lợi hại của phẫu thuật và các rủi ro có thể xảy ra.
        Lấy hẹn với phẫu thuật gia để thảo luận về mọi vấn đề liên quan tới hút mỡ, như lựa phương pháp thích hợp, an toàn; tỷ lệ thành công, biến chứng sau giải phẫu và chi phí. Đừng ngần ngại nêu ra các câu hỏi mà mình cần biết.
         
        Thông báo cho bác sĩ biết tất cả các bệnh đang có và các loại thuốc đang dùng.
        Sau khi đã thỏa thuận, bác sĩ sẽ cho thân chủ biết một số điều cần làm trước ngày hút như chế độ ăn uống, giới hạn rượu, dùng thêm hoặc bớt đi sinh tố khoáng chất nào và các rủi ro có thể xảy ra.
         
        Chi phí
        Trong hầu hết các trường hợp, chi phí cho hút mỡ đểu phải thanh toán trước. Một số bác sĩ đồng ý thương lượng để cam kết trả góp.
        Chi phí nhiều ít tùy vùng hút, hút một hay nhiều chỗ cùng lúc, số lương mỡ hút ra, tùy theo danh tiếng của bác sĩ và tùy quốc gia, địa phương.
         Hút nhiều vùng một lúc thì được giảm giá.
        Hút mỡ ở nam giới mất thời gian lâu hơn vì tế bào mỡ quý nam nhi có nhiều nguyên bào sợi, khó lấy ra, do đó quý ông phải trả tiền nhiều hơn.
        Trung bình tại Hoa Kỳ, chi phí thay đổi từ 2000 US tới 10,000 US
        Tại Việt Nam, chi phí từ 4 tới 15 triệu đồng. Nhiều cơ sở bao cả ăn ở, coi phim bộ, nghe nhạc vàng, uống nước sinh tố trong suốt mấy ngày nằm nghỉ.  Có nơi tính theo số lượng mỡ hút ra: cứ 1cc mỡ là 50,000 đồng. Mỗi lần hút ít nhất cũng 200 cc mỡ, như vậy giá thành sẽ là 10 triệu.
         
        So với Hoa Kỳ, chi phí giải phẫu thẩm mỹ ở Việt Nam “quá bèo”, vì thế có quá đông bà con mình về nước tân trang toàn bộ cơ thể, từ trên xuống dưới.
        Chi phí thường nhiều hơn ở thị trấn lớn và bác sĩ càng nổi tiếng, giá càng cao hơn.
        Nên khảo giá và thương lượng giá cả trước. Mất lòng trước nhưng được lòng sau.
        Hút mỡ có tính cách thẩm mỹ làm đẹp nên hầu hết các bảo hiểm sức khỏe không bồi hoàn phí tổn.
         
        Sửa soạn trước phẫu thuật
        Thân chủ được thử máu để coi có bất thường gì không đặc biệt là thiếu hồng huyết cầu, giảm khả năng đông máu. Rồi khám sức khỏe tổng quát, đo điện tâm đồ, nếu cần chụp X-quang phổi.
        Thân chủ bị cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường cần được điều trị ổn định và nên hỏi ý kiến bác sĩ riêng.
        Trước hút mỡ hai tuần lễ, ngưng rượu, thuốc lá, thuốc chống đông máu aspirin vì các chất này có thể làm xuất huyết, bầm da nhiều hơn. Nicotine ảnh hưởng lên sự tuần hoàn và đưa tới tổn thương tế bào.
        Và ký giấy hiểu biết-ưng thuận (consent form) về rủi ro cũng như triển vọng đẹp sau phẫu thuật.
        Nhớ yêu cầu chụp hình mầu phần sắp hút để so sánh hình dạng trước, sau phẫu thuật.
         
        Phẫu thuật
        Mổ xẻ, hút mỡ là phải đau, vì vậy bệnh nhân đều được gây tê, tùy theo vùng hút mỡ lớn hay nhỏ.
        Trước đây, hút mỡ đều phải gây mê tổng quát và chích tĩnh mạch với thuốc chống đau, an thần. Hiện nay, kỹ thuật phồng-chắc (tumescent technique) với gây tê tại chỗ được áp dụng rộng rãi.
         
        Phương pháp dùng một dung dịch gồm có nước muối, lidocaine để gây tê, epinephrine làm co mạch máu, giảm xuất huyết và bicarbonate để cân bằng chất điện giải. Dung dịch được đưa vào vùng da sẽ giải phẫu và mỡ được hút ra ở vùng rộng lớn hơn. Thân chủ được chích một liều thuốc an thần nhẹ trong suốt thời gian phẫu thuật tiến hành.
        Mỗi phẫu thuật trung bình kéo dài khoảng 1 giờ, đôi khi cả 4-5 giờ nếu hút mỡ ở nhiều vùng.
         
        Vùng giải phẫu được khử trùng cẩn thận,
        Bác sĩ sẽ rạch một đường cắt nhỏ từ dăm ba mm trên da, thường là ở một vết nhăn có sẵn, để che dấu xẹo.
        Một ống hút (cannula) được đưa qua lỗ, lách vào lớp tế bào mỡ dưới da.
        Dung dịch nước pha muối và lidocaine được đưa vào vùng lấy mỡ để làm mô bào phồng cương lên.
        Ống hút được đẩy qua đẩy lại dưới da để tách rời tế bào mỡ. Một máy hút sẽ hút mỡ ra ngoài.
         
        Biến chứng
        Sau phẫu thuật, vùng da nơi hút mỡ có các vết bầm, sưng, cảm giác tê nhưng chỉ tồn tại trong mươi ngày.
        -Biến chứng thường thấy là nhiễm vi khuẩn xâm nhập qua vết mổ trên da. Để phòng tránh, bác sĩ cho thân chủ dùng kháng sinh sau khi giải phẫu.
        -Khi hút quá nhiều mỡ trong một vùng hoặc thực hiện hút mỡ ở nhiều vùng trong một ngày có thể gây ra lồi lõm hoặc xệ da. Do đó, nên thực hiện hút mỡ mỗi vùng vào các ngày khác nhau. Sau hút mỡ, có thể thực hiện thêm phẫu thuật cắt gọt, căng da, nếu da quá chùng xệ.
        -Nên để ý là trong vòng 72 giờ sau phẫu thuật, từ vết mổ sẽ có chất lỏng chẩy ra. Đây là dung dịch được đưa vào để làm lớp mỡ tách rời.
        -Một số người có thể dị ứng với thuốc tê lidocaine trong dung dịch bơm vào vùng mỡ định hút.
        -Hút số lượng lớn mô béo có thể đưa tới mất thăng bằng chất lỏng trong cơ thể, ảnh hưởng tới các cơ quan, bộ phận.
        -Nghẽn mạch (embolism) có thể xảy ra khi tế bào béo lẻn vào mạch máu bị đứt trong khi hút, chạy lên phổi hoặc não bộ. Biến chứng này ít khi xảy ra nhưng có thể đưa tới tử vong.
        -Hãn hữu mới có trường hợp ống hút gây tổn thương cho cơ quan nội tạng như ruột, vì bác sĩ không nhìn rõ được hướng đi của đầu ống hút. Rủi ro xảy ra nhiều hơn nếu ruột nhô vào thành bụng (hernia).
        Theo các nhà chuyên môn, hút mỡ cũng có thể gây tử vong, nhưng tỷ lệ rất thấp: 3 cho 100,000 phẫu thuật, so với 16 tử vong trên 100,000 tai nạn xe cộ, lái xe.
        Tử vong xảy ra thường là do phẫu thuật gia không có huấn luyện chuyên môn, ít kinh nghiệm, lơ là trong khi giải phẫu hoặc không có trang thiết bị cấp cứu tại nơi mổ.
         
        Kết quả
        Hút mỡ không có mục đích để giảm cân, chữa mập phì vì phẫu thuật thường chỉ lấy ra một lượng giới hạn mô mỡ tại địa điểm giải phẫu. Nếu quá mập, nên giữ gìn ăn uống và vận động để giảm kí trước khi hút. Hút mỡ khi đang trên đường bị mập thì mô mỡ vùng không hút sẽ phì ra.
         
        Đừng hy vọng phẫu thuật hoàn toàn thay đổi hình dạng vì hút mỡ chỉ giúp “thu gọn” một phần nào ở chỗ hút mà thôi chứ không trên toàn cơ thể. Và đôi khi phải đợi tới 6 tháng sau hút mỡ mới thấy vẻ đẹp tái tạo xuất hiện.
         
        Hút mỡ không xóa bỏ vết nhăn sau sanh đẻ, tuổi cao hoặc viêm tế bào  trên da. Viêm tế bào có thể thấy ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhưng da ở gần xương ống chân và cổ chân là hay bị viêm. Viêm do vi khuẩn lọt qua một kẽ hở trên da và gây ra sưng, đỏ, đau.
        Sau phẫu thuật, thân chủ đều được cho mang một loại áo nịt ngực (girdle) đặc biệt hoặc băng thung đàn hồi bó ép vào da  trong 6 tuần lễ để các mô bào dính vào nhau, để đẩy chất lỏng trở lại mạch máu và giữ đường cong thân hình gọn, chắc.
         
        Vài điều cần lưu ý:
        -Thực hiện tất cả hướng dẫn của bác sĩ về hậu giải phẫu.
        -Không chườm nóng hoặc lạnh sau hút mỡ, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
        -Cẩn thận khi đứng lên hoặc khi tắm để tránh chóng mặt, té ngã vì cơ thể khi đó mất một phần cân bằng chất lỏng.
        -Không nằm trong bồn tắm, bơi lội ít nhất 7 ngày sau phẫu thuật để tránh nhiễm trùng vết mổ.
        -Không ăn chế độ kiêng quá khắt khe sau giải phẫu.
        -Tránh ánh nắng cho tới khi da hết bầm. Nếu cần ra nằng, nên thoa kem chống nắng.
        -Gia tăng hoạt động cơ thể từ từ cho tới khi sinh hoạt bình thường trở lại vào 2-4 tuần lễ. Có thể đi làm trong vòng từ 3-5 ngày.
         
        Kết Luận
        Theo American Academy of Dermatology Association, hút mỡ không là phương thức để giảm mập phì và không được dùng để lấy đi một khối lượng lớn mô mỡ; chỉ nên thực hiện ở người tương đối khỏe mạnh và không nên thực hiện đồng thời với các phẫu thuật khác.
         
        Mặc dù các phương pháp hút mỡ hiện nay đều khá an toàn, nhưng thân chủ cũng cần tích cực với phẫu thuật: tìm hiểu tường tận về lợi hại, về kết quả, tuân theo các lời chỉ dẫn của bác sĩ khi về nhà.
         
        Và nhớ giữ gìn ăn uống, vận động cơ thể để tránh mập phì.
         
        Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
        Texas-Hoa Kỳ.


         BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC
        http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=129766
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9