Hà Nội có... hai Hồ Gươm?
Thanh Vân 21.12.2007 15:19:29 (permalink)
Hà Nội có... hai Hồ Gươm? 

Phía tây thành phố Hà Nội cũng đang hình thành một khu đất có địa thế giống hệt với Hồ Gươm của chúng ta hiện nay. Vấn đề là ứng xử thế nào về mặt qui hoạch và kiến trúc với từng "Hồ Gươm" ấy.

"Hà Nội có Hồ Gươm, nước xanh như pha mực"
 




Hồ Gươm đầu thế kỷ 20 (Ảnh nguồn: Hanoidata)

Mấy hôm nay dân phố xôn xao về chuyện người ta định "rào" Hồ Gươm bằng một toà nhà bê tông bọc kính…Từ trước tới nay, Hồ Gươm vốn là đất thiêng kinh thành nên cứ có chuyện gì là lòng ngưòi không yên.

Lý lẽ nào có thể thuyết phục được cộng đồng này hy sinh món lợi đem lại hàng trăm ngàn lạng vàng cho những giá trị văn hoá  - lịch sử tao nhã nhưng chẳng tính được thành tiền .
Tuy đã nhiều lời tâm huyết can ngăn, không ít những lời hứa thận trọng, cân nhắc của các vị có trách nhiệm... vậy mà muôn nguời vẫn không hết thấp thỏm, lo lắng. Biết làm sao, thời buổi thị trường, món lợi lớn quá dễ làm cho người ta tìm đủ trăm phương nghìn kế để theo đạt được lợi ích của mình.
Mấy năm trước, một nhóm những nhà kiến trúc sư chúng tôi đưa những người bạn đến từ Riga, thủ đô cổ kính của Latvia - một đất nước nhỏ bé nằm trên vịnh Baltic đi thăm Hà Nội. 
Chúng tôi lên Hồ Tây để chứng kiến từng đoàn xe tải đổ đất làm đường vào cái khách sạn do nước ngoài đầu tư có tên là The Lien.







Khu phố cổ thành phố Riga, Latvia
Nguồn ảnh: hanoidata
Đọc thấy sự đau xót trong ánh mắt của chúng tôi, các bạn liền an ủi: “Tại Riga cũng vâỵ, chúng tôi cũng đã phải trả giá cho việc mở cửa đầu tư, phát triển kinh tế. Nhà  đầu tư xây dựng một siêu thị trên nền một chợ cổ có gần nghìn năm tuổi. Chúng tôi đã vẽ ghi lại cẩn thận, đánh số từng viên đá, cánh cửa của cái  chợ  cũ, cất vào một chỗ. Sau này đất nước khá lên, chúng tôi sẽ dỡ cái siêu thị hào nhoáng đi để dựng lại Ngôi chợ cổ của mình”.

Chẳng biết ở nơi xa xôi, uớc ao của các bạn tôi đã thành sự thực chưa, nhưng cho đến giờ, mỗi lần lên Nghi Tàm, đứng từ chùa Kim Liên mà nhìn ra cái khách sạn chắn ngang tầm mắt, biết bao giờ nhổ được nó đi, cổ chúng tôi cứ thấy nghèn nghẹn.
Vậy thì lời giải nào đây cho hài hoà giữa lợi ích phát triển không gian kinh doanh với viện tồn giữ không gian văn hoá - lịch sử cho Thủ đô sắp tròn ngàn năm tuổi?
Phía tây thành phố cũng có một "Hồ Gươm"?

Ở phía Tây thành phố Hà Nội cũng có
những cơ hội kinh doanh hấp dẫn nhất không kém khu vực quận Hoàn Kiếm: Một hành lang thịnh vượng với hàng loạt toà nhà chọc trời đang biến đường Phạm Hùng trở thành một dãy phố “Hàng Ngang - Hàng Đào mới“.
Những nhà đầu tư tiềm lực đã và đang khởi công những công trình giá trị hàng tỷ USD tại đây. Một tương lai đang được hiện thực hoá hàng ngày, trong 1-2 năm tới nơi đây mới đích thực là nơi tụ hội của những "người khổng lồ" trong nền kinh tế đất nước ta.
Chắc chắn các thương gia này không mở cửa hàng bán quần áo, đồng hồ kính bút, vàng bạc mỹ nghệ  …mà họ mua đi bán lại các hầm mỏ, nhà máy, ngân hàng và nhiều cái ghê gớm hơn mà bây giờ ta vẫn chưa thể đoán ra.







Mô hình hành lang phía tây thành phố Hà Nội (đường Phạm Hùng).
Nguồn: Tài liệu của CBRE

Và cũng có một khu đất có địa thế giống hệt khu Hồ Gươm ở đây: một Hồ Điều Hoà xinh xắn, nhà văn hoá quận Thanh Xuân giống như Thủy Tạ. Sát mép hồ cũng là toà nhà văn phòng các cơ quan, kế ngay đó là khách sạn 5 sao Hanoi Plaza do Hàn Quốc đầu tư.

Cũng có toà nhà Bưu điện cao tầng sát tường Trụ sở Bộ Khoa học Công nghệ đã xây xong tầng hầm. Khu đất rộng hơn 10 ha trông thẳng ra mặt hồ, bên cạnh là khu đô thị Nhân chính đã đưa vào sử dụng, mặt sau là giáp với đường Hoàng Đạo Thuý, bên kia đường là toà nhà Vinaconex cao 34 tầng (hiện là cao nhất Hà Nội). 

Vấn đề là ở phương án quy hoạch khu đất này vừa được trình: Giữa khung cảnh hiện đại, khai phóng, người ta lại lí nhí chia lô làm nhà liền kế.

Thật khó hiểu: Chỗ cần nhỏ nhắn xinh xắn như Hồ Guơm thì họ lại lý lẽ để bảo vệ cái nhà to đùng, còn chỗ thoáng rộng, tha hồ phóng tầm mắt thì họ băm vụn nó ra.

Chúng tôi đề xuất một ý tưởng thế này: trên nền chỗ đất chia lô ấy xây toà tháp “Thiên niên kỷ” cao  tới 60 - 70 tầng hay trăm tầng cũng được để đứng ở chỗ nào cũng thấy, cách xa Hà Nội hàng chục cây số cũng đã nhìn thấy rồi.

Cứ gì cứ phải đè nghiến Hồ Gươm cũ ra mà xây nhà cao tầng, vừa khó đi lại (vì nạn tắc đường) lại không yên bề dư luận. Chi bằng đổi ra chỗ “đất cao mà bằng phẳng" thì có hơn không.

Còn nơi ven hồ cũ thì trả cho thủ đô để mở rộng vườn hoa thảm cỏ. Như vậy cả thành phố lẫn doanh nghiệp cùng làm nên một kỳ tích Hồ Gươm - thể hiện tầm vóc của một tổ chức tài chính hùng mạnh có tầm nhìn vượt lên toan tính thông thường.
"Bên Hồ ngọn Tháp Bút, viết thơ lên trời cao"






Sự thật thì Hà Nội chỉ có một Hồ Gươm mà thôi
(Ảnh nguồn: ttvnol.com)

Đền Ngọc Sơn là do Nguyễn Siêu – “Thần Siêu, Thánh Quát“ nổi tiếng hay chữ đứng ra hưng công tôn tạo. Còn ông Nguyễn Trung Ngạn, từng giữ chức Đại doãn Kinh sư Thăng Long giữ gìn cho khung cảnh xung quanh thanh bình văn hiến, trăm họ an lạc một thời.

Nhắc đến hai ông là nhớ tới công đức người xưa với thắng cảnh Hồ Gươm, Hà Nội.

Vậy ai sẽ là ngưòi viết tiếp những vần thơ mới lên nền trời xanh Hà Nội đây?
Hồ Gươm đang chứng kiến cái thời khắc của sự lựa chọn không dễ dàng giữa cái Đẹp và cái Lợi. Phải khoan dung lắm, khôn ngoan lắm mới thoả nguyện cả đôi đường.

Nhưng nếu đạt được sự đồng thuận thì nên khắc biển đồng dựng bia đá ghi lại chuyện này và cũng làm nhụt chí những ai muốn biến Hồ Guơm thành...ao.

Một nghìn năm lịch sử Thăng Long đang nhìn vào tất cả chúng ta, đòi hỏi mỗi chúng ta cần ứng xử xứng đáng nhất với Hà Nội.

Riêng nhóm chúng tôi thì rất sẵn lòng dâng tặng ý tưởng này cho bất cứ ai coi nó là chuyện có thật.

Và sự thật là Hà Nội chỉ có một Hồ Gươm.

  • KTS Trần Huy Ánh
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9