Nguyễn Văn Tuyết, đô đốc nhà Tây Sơn
rongxanhag 27.12.2007 04:19:48 (permalink)

 
Nguyễn Văn Tuyết, đô đốc nhà Tây Sơn
 
“Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi bất bình, đó là sở nguyện của ta…”(Đô đốc Tuyết).
 
I.Thân thế:
 
Nguyễn Văn Tuyết (?- ?) là một trong Tây Sơn thất hổ tướng (gồm có Võ Văn Dũng, Võ Đình Túc, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc).


Theo wikipedia tiếng Việt: Bà Trần Thị Lan, vợ ông là chị ruột vợ Nguyễn Nhạc, cũng là một nữ tướng dưới quyền của Bùi Thị Xuân và cũng là một trong “Tây Sơn ngũ phụng thư”


Hiện nay về nơi sinh và cái chết của ông có những ý kiến khác nhau:
 
-Nhiều nhà viết sử cho rằng ông là người Bình Định, và không cho rằng ông là người đã hy sinh anh dũng trong trận chiến với thủy quân nhà Mãn Thanh năm 1789 tại Hải Dương.
 
Tuy nhiên, trong wikipedia tiếng Việt lại ghi khác:


-Trong cuốn gia phả của “chi 2 phái 4 họ Nguyễn” ở làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có chép về Nguyễn Văn Tuyết như sau: "Nguyễn Minh Mẫn (tự Tuyết), đô đốc hải quân, tướng lĩnh Tây Sơn, tiền trào vi huấn đạo Tuyết quang tử, thất tích tại Hải Dương năm Kỷ Dậu 1789...


Cũng theo cuốn gia phả này, đô đốc Tuyết có một người con trai duy nhất tên là Nguyễn Minh Tuế, cũng là tướng giỏi của nhà Tây Sơn. Năm Canh Tuất (1790), Minh Tuế được phong làm "Bắc Triều Hữu Quân Tham Luận Tuế Thành Hầu", đến năm 1792 vào Gia Định rồi thất tích.

Gần đây trong văn khố Đài Loan, người ta còn tìm thấy một tài liệu khi nói về cuộc chiến tranh năm Kỹ dậu (1789) có đề cập đến cái chết của một vị đô đốc Việt Nam.
Chi tiết này rất trùng khớp với gia phả vừa ghi trên.
 
Wikipedia tiếng Việt còn nêu thêm chi tiết để củng cố việc đô đốc Tuyết là người làng Lệ Xuyên, tỉnh Quảng Trị:
 
Tuy tại làng Lệ Xuyên cũng như dòng tộc của ông ở TP HCM, không ai biết phần mộ đô đốc Tuyết  hiện ở đâu…Nhưng khi xưa, làng Lệ xuyên có một địa danh (nay gọi là Cồn tổng) để cho các xã lân cận làm đàn cúng tế đô đốc Tuyết và các người đã hy sinh trong chiến trận, nhưng đến năm 1936 đã bị triều đình Huế cho phá bỏ.
 
Và hiện nay trên đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, Tp HCM có nhà thờ họ Nguyễn do ông Nguyễn Minh Tuế khai sinh ở đất Gia Định từ năm 1792. Ở đấy, con cháu thờ ông cùng đô đốc Đặng Văn Long vì ông này vừa là thầy dạy võ cho ông Tuyết và cũng là người đồng hương …
(Đô đốc Đặng Văn Long tự là Tử Vân quê ở làng Đại An huyện Tuy Viễn phủ Quy Nhơn, nay thuộc xã Nhơn Mỹ huyện An Nhơn, Bình Định. Vậy phải chăng dòng tộc đô đốc Tuyết vẫn tin ông Tuyết là người Bình Định?)
 
Vậy nếu tin theo những gì vừa ghi trên thì đô đốc Tuyết có tên thật là Nguyễn Minh Mẫn, người làng Ôn Tuyền, huyện Đăng Xương, Thuận Hóa (nay là làng Lệ Xuyên, Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị), và mất vào năm 1789.


II.Sự nghiệp:


Theo sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1851-1922) và chuyện kể trong dân gian thì trước năm 1771, Nguyễn Văn Tuyết là một người “du thủ du thực”. Sau, nhờ một người thầy dạy võ hết lòng yêu thương chỉ vẽ, lại còn đem con gái gả cho (chi tiết về người vợ, khác với wikipedia tiếng Việt đã ghi trên ).


Là người giỏi võ nghệ, có chí khí, nhiều mưu lược nên ông nhanh chóng được anh em nhà Tây Sơn trọng dụng.


Cuối năm 1788, hai mươi chín vạn quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy tràn sang xâm lược nước ta, ông đã là một đô đốc lừng danh, được dự phần trong bộ chỉ huy Bắc Hà do đại tư mã Ngô Văn Sở đứng đầu.


Nhờ ông có ngựa hay, nên ông được giao trọng trách gấp rút trở về Phú Xuân, để cấp báo tình hình nguy cấp và phương lược phòng chống giặc do bộ chỉ huy Bắc Hà đề xuất.


Khi Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi hoàng đế, đem binh mã tiến ra giải phóng Thăng Long, trong lệnh xuất quân của nhà vua vào ngày 30 tháng chạp Mậu Thân, thì: "đại đô đốc Lộc, đô đốc Tuyết đốc xuất tả quân, trong đó gồm có thủy quân vượt biển vào sông Lục Đầu; rồi Tuyết vẫn kinh lý vùng Hải Dương để tiếp ứng với mặt đông…( Trích theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, nxb Văn Học năm 1984, riêng Việt Nam sử lược ghi là: “đem hữu quân cùng thủy quân vượt qua bể vào sông Lục Đầu”…)


Sách “Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ” của Nguyễn Lương Bích & Phạm Ngọc Phụng, nxb QDND năm 1977, ở trang 230, ghi chi tiết hơn:

Đạo quân thứ hai đi đường thủy, do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, tiến vào sông Lủc Đầu, tiêu diệt quân cần vương của Lê Chiêu Thống ở Hải Dương, rồi tiến lên uy hiếp cạnh sườn phía đông của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Hồng, làm tiếp ứng cho đạo quân chủ kực và các đạo quân khác đánh vào Thăng Long…

<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.12.2007 04:26:05 bởi rongxanhag >
#1
    rongxanhag 27.12.2007 04:27:32 (permalink)
    III. Nói thêm về cái chết của đô đốc Tuyết:
    1.Chắc dựa vào gia phả đã nêu ở phần đầu, nên wikipedia tiếng Việt cho biết:


    Ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) ông chỉ huy thủy quân Tây Sơn tiêu diệt quân nhà Thanh ở cửa sông Lục Đầu Giang, Hải Dương và đã hy sinh trong trận chiến này.


    2.Nhưng theo sách Tây Sơn thất võ tướng của Hữu Vinh thì:


    “Ngày mồng bốn tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), đồng một loạt với các cánh quân khác, đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã tấn công đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương.
    Diệt xong giặc ngoại xâm, Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân. Vua Quang Trung mất, ông cùng bà Bùi Thị Xuân phò vua Cảnh Thịnh lo việc trấn giữ kinh thành. Sau hai vợ chồng được cử ra gìn giữ Bắc thành.
    Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ kéo đến Thăng Long. Nguyễn Văn Tuyết với cây ngân côn tung hoành ngang dọc giữa lớp lớp quân nhà Nguyễn bao vây.

    Tướng nhà Nguyễn là Lê Chất đối với Nguyễn Văn Thuyết có phần thua kém, song nhờ binh đông tướng nhiều, nên càng kéo dài cuộc chiến đấu, Tuyết càng tuyệt vọng.
    Thình lình một viên đạn trúng vào chỗ ngực của đô đốc Tuyết. Con chiến mã Xích Kỳ, ông đang cỡi cũng liên tiếp bị thương. Và khi chủ tướng nhào xuống ngựa, Xích Kỳ này cũng quỵ theo.
    Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802
    ).

     
    -Tương tự, theo trang web “Họ bùi Việt Nam” dẫn nguồn võ nhân Bình Định cũng đã kể lại:


    Khi đến Xương Giang, đêm bị giặc vây, đô đốc Tứ và tư mã Dung tử trận. Hai vợ chồng đô đốc Tuyết cùng với Bùi thái hậu ( tức Bùi thị Nhạn, một trong những người vợ của Nguyễn Huệ và là cô ruột của Bùi Thị Xuân mặc dù tuổi của bà nhỏ hơn) tả xung hữu đột phá được vòng vây phò xa giá chạy được mươi dặm nữa thì Lê Chất đem quân đuổi kịp.
    Một trận thư hùng xảy ra. Đô đốc Tuyết tử trận. Trần phu nhân và Bùi thái hậu đâu lưng lại với nhau đánh tan nhiều cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn.
    Sau cùng, sức người cạn kiệt, quân địch quá đông, hai bà đều bị bắt. Không để địch làm nhục, Trần phu nhân và thái hậu Bùi Thị Nhạn dùng gươm tự sát. Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802)


    3.Và theo Danh tướng Việt Nam tập 3 của Nguyễn Khắc Thuần, nxb Giáo dục năm 2005, chắc dựa theo sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của Nguyễn Trọng Trì, nên cái chết của đô đốc Tuyết được ghi như thế này:


    Sau trận đại phá quân Mãn Thanh, đô đốc Tuyết tiếp tục có thêm nhiều cống hiến đối với chính quyền của Nguyễn Huệ. Ông là một trong những võ quan cao cấp nhất, một trong những chỗ dựa quan trọng của Nguyễn Huệ về hoạt động của các lụ lượng vũ trang…
    Và năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại được toàn cõi nước ta.


    Nhiều thuyết nói rằng đô đốc Tuyết đã bị giết hại, tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng Nguyễn Văn Tuyết đã trốn được và sống mai danh ẩn tích cho đến ngày qua đời…
     
    Tuy nhiên, đọc vài bộ sử đáng tin cậy, tôi thấy các tác giả chỉ nói đô đốc Tuyết là người cầm đầu một mũi tiến công nhằm tiêu diệt bọn Mãn Thanh xâm lược rồi thôi, tuyệt nhiên không sách nào cho biết quãng đời sau của ông.
     
    Và đoạn kết thúc vương triều Tây Sơn, nhiều sách sử như Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Việt Nam sử lược, Việt Sử tân biên vv… chỉ thấy ghi đại để như vầy:
     
     Ngày 18, vua Gia Long tiến ra Thăng Long, truyền lệnh cho các quân đánh thành, quân Tây Sơn hoàn toàn tan vỡ. Quang Toản bỏ thành cùng với em là Quang thùy và bọn đô đốc Tú qua sông Nhĩ Hà chạy về hướng bắc.sau, vợ chồng Tú đều tự thắt cổ.Còn Quang Toản cùng các bề tôi thì đều bị thổ hào Kinh Bắc bắt được
     
    Không có dòng chữ nào cho rằng đô đốc Tuyết đã anh dũng hy sinh.Vậy, ông mất khi nào và do duyên cớ gì, vẫn là một câu hỏi lớn…
     
    IV. Tạm Khép câu chuyện:
     
    Nói về các danh tướng nhà Tây sơn, có người đã viết:
    Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu nhiều thiệt thòi như các danh tướng nhà Tây Sơn. Họ có một đời xông pha với hàng loạt những võ công kiệt xuất…để cứu dân, cứu nước.

    Nhưng ngay sau đó, rất nhiều người trong số ấy, thân thể họ bị triều đại mới hành hình một cách dã man, sách vở biên chép về họ bị đốt sạch, sự nghiệp của họ bị quá nhiều những sử quan thù nghịch tìm mọi cách xuyên tạc và dòng tộc họ bị giết chết hoặc phải phiêu dạt; nên giờ đây ta thấy, năm sanh của họ thường là dấu hỏi và cuộc đời họ thường có những dấu hỏi để nói lên sự mơ hồ…
     
    Trước khi chia tay với bạn đọc, tôi xin chép lại câu nói của đô đốc Tuyết, và lần này tôi cố ý tô đậm:
     
    “Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi bất bình, đó là sở nguyện của ta”
     

    Sở nguyện, công trạng của ông thật đẹp đẽ và lớn lao quá!

     
    Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn
    Tháng 12/2007
     
    (Những tài liệu tham khảo đều đã nêu tên trong bài)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.12.2007 04:32:31 bởi rongxanhag >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9