Ngọt ngào sen Huế
sunflower 30.10.2004 01:36:44 (permalink)
0

Sang tiết hè, những mầm sen từ dưới bùn trỗi dậy, những nụ sen non bắt đầu nhú lên, sau vài tuần đã thành đoá hoa hàm tiếu có màu trắng hay đỏ hồng.

Món ăn từ sen

Đối với người dân xứ Huế, củ sen, thân sen (ngó sen), hạt sen đều chế biến được những món ăn sang trọng, bổ dưỡng.

Củ xương hầm với xương đuôi heo thành món súp sen vừa đậm ngọt, vừa thơm ngậy. Ngó sen trộn gỏi, có hương vị chua chua, ngọt ngọt dùng để uống rượu khai vị. Phần tinh tuý nhất là hạt sen, có thể chế biến ra hàng chục món cao lương mặn, ngọt. Trong đó, nổi tiếng nhất từ thời các vua triều Nguyễn là món "Ngọc liên kê tử" (Gà trống non hầm hạt sen), hoặc hạt sen hầm táo tàu là món ăn có nhiều chất bổ dưỡng cao tác dụng nhanh chóng phục hồi thể tạng. Đáng kể nhất là món chè hạt sen bọc nhãn lồng nấu với đường phèn. Đây là một tác phẩm thật công phu, tài tình mang đậm chất thơ trong ẩm thực của xứ Huế. Bên cạnh đó, lá sen có hình khuyên tròn, to, thơm lừng còn được dùng gói hạt sen tươi, gói cốm xanh. Hương cốm thơm nồng se duyên cùng vị thơm man mác, ngọt ngào của lá sen xanh, tựa hồ như gói trọn cả một sắc hương của trời của đất. Món cơm hấp chắc sẽ kém phần hấp dẫn nếu thiếu đi hương thơm nồng nàn của lá sen khi được hấp cùng gạo trộn hạt sen. Đẹp như một bức tranh chấm phá trên bàn tiệc.

Sen Huế đi xa

Nếu có dịp tới Huế, du khách có thể thưởng thức các món ăn chế biến từ hạt sen như chè sen lạnh vừa thơm vừa ngọt ngào hoặc mua hạt sen Huế về làm quà. Đừng ngạc nhiên khi bắt gặp đâu đó hình ảnh những cô gái Huế tay lủng lẳng và đeo trên cổ những chùm hạt sen. Mỗi chuỗi hạt sen có một trăm hạt, một trăm chuỗi thì gọi là một muôn. Theo chân du khách, hạt sen Huế đã có mặt trên mọi miền đất nước, trong túi quà của Việt kiều khắp nơi trên thế giới. Tết Nguyên Đán là thời điểm Việt kiều về thăm quê hương đông nhất, do đó trong thời gian từ tháng Giêng đến tháng Hai âm lịch hạt sen không đủ để bán.

Sống với nghề làm sen


Người dân xứ Huế thường nhắc đến hai người cùng tên Vinh ở thôn Vĩ Dạ và Tịnh Tâm, có cuộc sống gắn liền với nghề trồng sen. Hơn nửa thế kỷ qua, vẫn bám trụ, gìn giữ để nghề không bị mai một. Ông Vinh không những là một nghệ nhân trồng sen mà ông còn là "nhà sen học". Những hào sen quanh Đại Nội, những hồ sen ở các lăng tẩm, chùa chiền đều do tay ông trồng hoặc hướng dẫn. Ông am hiểu về các giống sen, phong thổ cho đến các công dụng của cây sen. Theo ông, giống sen chỉ thích hợp với thời tiết và chất bùn ở Huế, nếu mang đi trồng nơi khác thì cây không tăng trưởng hoặc chết. Một điều rất đặc biệt, cây hoa sen chỉ sống với đất bùn mà không thích hợp với bất cứ loại phân bón nào, nhưng rất kén người trồng. Vì vậy, tuy số người trồng sen nhiều nhưng không mấy người theo được nghề. Bí quyết trồng sen là đặt sen không quá sâu dưới bùn, cây sẽ bị bí, nếu đặt nông quá thì cây sẽ nổi lên mặt nước. Quan trọng hơn là phải có gió nhẹ để hương bay lên, nhờ thế hoa sen mới thụ phấn, kết hạt được.

Còn bà Vinh, từ năm mới 3-4 tuổi đã được mẹ dạy cho xâu chuỗi hạt sen. Lớn hơn chút nữa lại học cách lột vỏ, hớt đầu, soi tim sen, phơi sấy. Khi thành cô gái Huế, thì học cách phân loại hột sen, rồi dần dần bước vào lĩnh vực tiếp thị, điều phối thị trường thay mẹ. Con gái bà cũng đang nối tiếp nghề làm hạt sen đặc biệt của xứ Huế. "Tui chưa thấy khi mô hạt sen bị mất giá. Ngày trước, Tây cũng mê, Mỹ cũng ưa, nay du khách tới Huế cũng tìm mua cho được hạt sen. Cây sen Huế có giá thì mình cũng sướng theo nó phải không cô?".

( Theo tạp chí Thời Trang Trẻ )
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9