Biến Cố Vịnh Bắc Việt (tài liệu chiến tranh)
lyenson 01.01.2008 12:17:35 (permalink)
Biến Cố Vịnh Bắc Việt (tài liệu chiến tranh)
Tác giả: Trần Ðỗ Cẩm
Nguồn tư liệu.

LỜI TÁC GIẢ: Vụ đụng độ giữa các chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ và những ngư lôi đĩnh Cộng Sản Bắc Việt tại Vịnh Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964 mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt và hậu quả vô cùng quan trọng. Đây không phải là một trận hải chiến lớn liên quan tới nhiều chiến hạm hay thương vong đôi bên lên tới một con số cao, nhưng có hậu quả vô cùng quan trọng. Các sử gia đều cho rằng biến cố này đã khơi ngòi cho việc quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, tương tự như trận tấn công bất ngờ tại Trân Châu Cảng đã mở màn cho cuộc chiến tranh Mỹ-Nhật tại Thái Bình Dương thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Nhưng cho tới nay, dù cuộc đụng độ xảy ra đã trên 30 năm và đã làm tốn hao nhiều giấy mực, nhiều chi tiết vẫn chưa được sáng tỏ. Có thể nói "Biến Cố Vịnh Bắc Việt" tuy là đề tài được đề cập nhiều nhất cũng như bàn cãi sôi nổi nhất tại Hoa Kỳ mỗi khi nhắc tới chiến tranh Việt Nam, nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn nhất. Những "nghi vấn" này không những đã làm nhiều sử gia thắc mắc, ngay cả những người liên quan chủ chốt cũng muốn tìm câu trả lời.
Mới đây nhất, khi cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là Robert McNamara --người được mệnh danh là "kiến trúc sư" của cuộc chiến tranh-- sang thăm Việt Nam vào năm 1995, ông cũng đã hỏi đối thủ Võ Nguyên Giáp: "Cho tới bây giờ tôi vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra tại Vịnh Bắc Việt vào hai ngày 2 và 4 tháng 8 năm 1964. Tôi nghĩ rất có thể chúng tôi đã phạm phải hai suy đoán sai lầm quan trọng... Vậy điều chúng tôi gọi vụ đụng độ vào ngày 4 tháng 8 năm 1964, thường được gọi là cuộc tấn công thứ nhì, có thật sự xảy ra không?"
Một vị cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng khi đặt câu hỏi như vậy đã chứng tỏ không nắm vững tình hình, không biết mình biết người, nhưng vẫn đưa ra nhiều quyết định quan trọng sinh tử trong quá khứ. Thật là điều không tưởng tượng nổi! Vì vậy, nhiều người đã chê bai câu hỏi "ngớ ngẩn" và làm bẽ mặt Hoa Kỳ này.
Võ Nguyên Giáp đã trả lời câu hỏi "ngây thơ" của người đã từng quyết định sự thắng bại của cuộc chiến tại Việt Nam thế nào? Biến cố Vịnh Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964 đã diễn tiến ra sao? Những nghi vấn gì vẫn còn chưa được sáng tỏ? Chúng tôi sẽ tuần tự mô tả lại những sự kiện liên quan trực tiếp hay gián tiếp để độc giả dễ bề theo dõi và tự tìm câu trả lời.

NHỮNG HOẠT ÐỘNG BIỆT KÍCH NHẮM VÀO BẮC VIỆT
Ngay từ sau hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước, cả hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đã để lại trong "lòng địch" một số gián điệp với mục đích thu thập tin tức tình báo và quấy rối đối phương. Tuy nhiên, lúc ban dầu, những hoạt động này thường chỉ có tính cách "nằm vùng" chờ thời cơ hơn là tích cực xâm nhập hoặc phá hoại.
Dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cơ quan tình báo được đặt dưới quyền Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Trung Tá Lê Quang Tung, Chánh Sở Liên Lạc đảm nhiệm những công tác đặc biệt dưới quyền Bác Sĩ Tuyến. Đại Úy Ngô Thế Linh, Trưởng Phòng 45 --coi như "Sở Bắc"-- đặc trách về những công tác đặc biệt ngoại biên gồm Bắc Việt, Lào và Cam Bốt. Người em của Trung Tá Tung là Đại Úy Lê Quang Triệu, nghe nói là một đại đội trưởng thuộc Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, lo về vấn đề quản trị hành chánh. Đa số những nhân viên phục vụ được tuyển mộ trong số những người gốc Công Giáo hoặc trong đảng Cần Lao.
Các ông Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Nhu cũng dính dáng đến các hoạt động tình báo với sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Vào năm 1955, một toán biệt kích sáu người gốc Quảng Bình dùng ghe buồm giống như ghe miền Bắc xâm nhập Bắc Việt. Vì có thể trà trộn với những ghe đánh cá địa phương nên những chuyến công tác ban đầu kéo dài chừng vài ba ngày này không bị Cộng Sản phát hiện.

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/99004E6E44B54C91ADAB0C613EBF1F2D.jpg[/image]
Hình chụp tại Ðà Nẵng vào khoảng đầu thập niên sáu mươi, với các sĩ quan Hoa Kỳ thuộc Toán-1 Hải Quân Ðặc Biệt đang huấn luyện một số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa thuộc Liên Ðội Người Nhái. (HÌNH ẢNH: Website Ngô Thế Linh).

Tới năm 1958, Tổng Thống Diệm lại yêu cầu cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (thường được gọi là "cơ quan CIA," viết tắt của chữ Central Intelligence Agency) trợ giúp để đẩy mạnh hoạt động biệt kích. Do đó những hoạt động xâm nhập miền Bắc được gia tăng vào khoảng năm 1960 bằng phương tiện ghe buồm. Vùng duyên hải Bắc Việt có rất nhiều ghe đánh cá nên các ghe xâm nhập có thể trà trộn dễ dàng không bị khám phá.
Qua năm 1961, với sự trợ giúp tích cực của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ, miền Nam bắt đầu tổ chức những vụ xâm nhập qui mô hơn bằng đường hàng không. Các toán biệt kích do Hoa Kỳ huấn luyện tinh thục và võ trang tối tân được thả bằng máy bay vào vùng thượng du Bắc Việt. Phi công dưới quyền của Đại Tá Nguyễn Cao Kỳ bay những phi vụ đầu tiên. Sau đó, những phi công người Đài Loan đảm nhiện những phi vụ kế tiếp.
Về mặt huấn luyện các biệt kích quân miền Nam, ngoài Hoa Kỳ, Đài Loan cũng góp phần tham dự. Vào năm 1960, một toán người nhái Việt Nam được gửi sang Đài Loan để thụ huấn. Đến năm 1961, có 20 huấn luyện viên người nhái của Đài Loan đến Việt Nam để mở các khóa huấn luyện tại Vũng Tàu và Đà Nẵng.
Sở dĩ Đài Loan hợp tác với các hoạt động biệt kích của miền Nam vì họ cũng muốn nhân dịp thăm dò sự cộng tác của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) và Trung Cộng. Nhiều tài liệu cho biết vào cuối thập niên 50, đã có một số các cuộc hành quân Biệt Hải giữa biệt kích Nam Việt Nam và Đài Loan xuất phát từ Đài Loan nhắm vào vùng biển Hải Phòng, Móng Cáy, giáp ranh giới Hoa Việt.
CHIẾN DỊCH OPLAN-34A
Tới năm 1963, Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh các hoạt động biệt kích nhắm vào các cơ sở quân sự của Bắc Việt. Bộ Tham Mưu Quân Ðội Hoa Kỳ chỉ thị Đô Đốc Harry Felt, Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, soạn thảo một kế hoạch đặc biệt gọi là OPLAN 34-63 (Operation Plan) do lực lượng miền Nam đảm nhiệm với sự trợ giúp phương tiện của Hoa Kỳ.
Sau nhiều cuộc thảo luận giữa CIA và Quân Đội Hoa Kỳ, kế hoạch OPLAN 34-63 được biến cải trở thành OPLAN 34A vào tháng 12 năm 1964. Theo kế hoạch này, Hoa Kỳ sẽ huấn luyện những quân nhân Việt Nam, đa số gốc người Bắc để xâm nhập miền Bắc với mục tiêu tuyên truyền móc nối, thả truyền đơn, phá hoại và ngăn chặn các tàu bè Việt Cộng chuyên chở vũ khí vào miền Nam. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của các toán biệt kích là điều-nghiên hệ thống phòng thủ của Bắc Việt và thu thập tin tức tình báo cần thiết để có thể hoàn thành kế hoạch oanh tạc cũng như đổ bộ Bắc Việt khi cần.

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/4B73AA6BF81045A7BD923EE696DB8F2E.jpg[/image]
Hình chụp Ðại Tá Sadler (trái) đang trao băng khen-ngợi cho Trung Tá Robert McKnight. Trung Tá Knight là "xếp" của các cuộc hành-quân OPLAN-34A, tương đương với Ðại Tá Ngô Thế Linh của phía Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai người đều là sĩ quan chỉ-huy điều hành chiến dịch này trong thời gian từ 1964 đến 1967. (HÌNH ẢNH: Website Ngô Thế Linh).


Về phía Cộng Sản Bắc Việt được Nga Sô cho biết về các hoạt động tình báo của miền Nam nên cũng ráo riết chuẩn bị đề phòng. Nga Sô còn viện trợ cho Bắc Việt nhiều khinh tốc đĩnh tuần duyên trang bị ngư lôi, hỏa tiễn, đại bác phòng không và phòng duyên cùng những giàn radar phòng thủ duyên hải.
Bờ biển miền Bắc từ Vĩ Tuyến 17 tới vùng Hải Phòng, Móng Cáy gần biên giới Hoa Việt gồm nhiều đảo nhỏ và những mỏm núi cao thuộc giãi Hoành Sơn (núi đâm ngang ra biển). Ngang Vĩ Tuyến 17 gần Đồng Hới có đảo Hòn Cọp. Vùng Vinh, Bến Thủy có đảo Hòn Mật. Xa hơn về phía Bắc có các đảo Hòn Mê, Hòn Niếu gần Thanh Hóa, Sầm Sơn rồi tới Vịnh Hạ Long với các đảo Cát Bà, Cái Bầu, Cái Bàn v.v... Các mũi biển quan trọng gồm Mũi Ron, Mũi Vinh Sơn, Mũi Sót v.v...
Trên các hải đảo và các mũi đá cao dọc duyên hải, Cộng Sản Bắc Việt đặt các đài radar và hải pháo phòng duyên để theo dõi và ngăn chận các hoạt động xâm nhập của biệt kích cũng như của chiến hạm Hoa Kỳ hoạt động trong vùng Vịnh Bắc Việt.
Tới ngày 24 tháng giêng năm 1964, Hoa Kỳ thành lập Toán Hành Quân Đặc Biệt (Special Operations Group, gọi tắt là "SOG") và đặt dưới quyền của Phái Bộ Viện Trợ Quân Sự Mỹ tại Việt Nam (Military Assistance Command Vietnam, tức "MACV") nên thường được gọi tắt là MACV-SOG. Sau này để đánh lạc hướng địch và cũng để giảm bớt ấn tượng nặng về quân sự, Toán Hành Quân Đặc Biệt được đổi tên là Toán Nghiên Cứu và Quan Sát (Studies and Observations Group), nhưng vẫn được gọi tắt là MACV-SOG.
Về phía Việt Nam, một cơ quan tương đương tên là Sở Kỹ Thuật (Strategic Technical Service) được thành lập vào ngày 12 tháng Giêng năm 1964 để làm việc hàng ngang với MACV-SOG. Đây là hậu thân của Sở Khai Thác Địa Hình (Topographic Exploitation Service) và Sở Liên Lạc do Đại Tá Lê Quang Tung điều động dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau này, Sở Kỹ Thuật được đổi thành Nha Kỹ Thuật (Strategic Technical Directorate).
Như vậy, về phía Việt Nam, Nha Kỹ Thuật là cơ quan chịu trách nhiệm tổng quát về các hoạt động biệt kích trên thủy, bộ cũng như đường hàng không.
SỞ PHÒNG VỆ DUYÊN HẢI
Dưới cơ quan MACV-SOG, Hải Quân Hoa Kỳ có Nhóm Cố Vấn Hải Quân (Navy Advisory Detachment, hoặc "NAD") để hoạt động với Sở Phòng Vệ Duyên Hải (Coastal Security Service, viết tắt là "CSS") còn được gọi là Lực Lượng Hải Tuần của Hải Quân Việt Nam, trực thuộc Nha Kỹ Thuật. Nhóm NAD/CSS này đặt căn cứ tại tòa nhà "Bạch Tượng" đôi khi còn gọi là "Nhà Trắng" ở vùng bán đảo Sơn Chà, Đà Nẵng.
Các doanh trại của Sở Phòng Vệ Duyên Hải nằm ngay dưới chân Núi Khỉ (Monkey Mountain) gần căn cứ Hải Quân Tiên Sa thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải. Các chiến đĩnh của Lực Lượng Hải Tuần đậu tại cầu tàu riêng biệt trong khu cảng Deep Water Pier gần bán đảo Tiên Sa. Khu cảng này rất gần bãi ủi của các tàu chuyển vận LST (Landing Ship Tank) của Hải Quân Hoa Kỳ.
Việc thám sát mục tiêu cho các chuyến công tác của Lực Lượng Hải Tuần phần lớn do phi cơ gián điệp U-2 đảm trách. Căn cứ U-2 chính đặt tại Phi Luật Tân. Nhưng vào khoảng giữa năm 1964, tại phi trường Biên Hòa lúc nào cũng có hai phi cơ U-2 túc trực. Vào ngày có chuyến công tác, phi cơ U-2 bay từ lúc sáng sớm ra Bắc để thám sát mục tiêu lần chót, đến trưa MACV-SOG tại Sài Gòn đã có không ảnh.
Trước khi xuống tàu đi công tác, các Hạm Trưởng PTF [1] đều tham dự một buổi thuyết trình về chuyến công tác và nghiên cứu những tấm không ảnh mục tiêu này. Tuy nhiên vì U-2 phải bay rất cao ngoài tầm hỏa tiễn phòng không nên thường hình nhỏ không được rõ ràng. Vì vậy sau này Hoa Kỳ dùng những phi cơ nhỏ không người lái (drone) bay thấp hơn để chụp hình mục tiêu trước mỗi chuyến công tác. Ngoài ra, cũng có kế hoạch chụp hình ban đêm bằng radar.
[1] VNCTLS GHI CHÚ: PTF, viết tắt của chữ Patrol Torpedo Fast, tức loại khinh tốc đỉnh được trang bị ống phóng ngư lôi. Tuy được gọi là "tàu phóng ngư-lôi," nhưng trong các chuyến công tác ra Bắc của Lực Lượng Hải Tuần, các tàu PTFchỉ được trang bị đại liên, súng phóng lựu, và bích-kích pháo trực xạ. Các ống phóng ngư lôi được tháo gỡ vì loại vũ khí này không có nhiều lợi thế trong trường hợp Lực Lượng Hải Tuần phải giao chiến với các tàu tuần-duyên Bắc Việt.

Vì Lực Lượng Hải Tuần là một đơn vị đặc biệt của Hải Quân nên ít người biết tới, ngay cả đối với đa số các quân nhân Hải Quân Việt Nam. Mới đây, một số hồ sơ Hoa Kỳ được giải mật nên có vài quyển sách do ngưới Mỹ viết nói qua về Lực Lượng Hải Tuần.
Nhưng rất tiếc, cũng giống như những tài liệu khác của người Mỹ nói về chiến tranh Việt Nam, nhiều sự thực đã vô tình hay cố ý bị xuyên tạc gây ngộ nhận không hay. Đây có thể là "thói quen" của người Mỹ, kể cả các "sử gia," thường xuýt xoa tâng bốc người thắng trận (winner) và coi rẻ kẻ bại trận (loser). Chúng tôi là người đã phục vụ tại Lực Lượng Hải Tuần liên tiếp 5 năm với nhiều chuyến công tác từ năm 1965 đến 1970, tiện đây thấy cần phải nói lên những sự thật.
Trước hết là quyển sách Tonkin Gulf and the Escalation of VietNam War (tạm dịch "Chiến Tranh Việt Nam và Cường Ðộ Gia Tăng qua Vịnh Bắc Việt") của tác giả Edwin E. Moise. Ông này là giáo sư sử học chuyên về chiến tranh Việt Nam tại trường Đại Học Clemson, tiểu bang North Carolina.
Theo dư luận, giáo sư Moise được coi là người có nhiều tài liệu nhất và có thẩm quyền nhất về phương diện sử học khi nói về chiến tranh Việt Nam. Tóm lại, ông Moise được coi như là "sử gia" chuyên về chiến thanh Việt Nam. Trước khi xuất bản sách này, ông Moise có tới gặp chúng tôi tại nhà riêng để hỏi một số chi tiết về Lực Lượng Hải Tuần cũng như các loại và đặc tính của các chiến đĩnh PT.
Sách của ông Moise có đoạn nói về nghi vấn nhân viên Hải Quân Hoa Kỳ "bí mật" có đi theo nhân viên Hải Quân Việt Nam trong các chuyến công tác ra Bắc không (trang 15)? Ông Moise trích lời của Đại Tá Phil Bucklew là cấp chỉ huy của toán nhân viên Hoa Kỳ này cho rằng, "Ông không biết bất cứ trường hợp nào những chiến đĩnh PTF đi công tác từ Đà Nẵng mà KHÔNG có nhân viên Hoa Kỳ trên đó" (He did not aware of any cases in which the PTF's from Danang went on combat operations without American personnel aboard. His recollection is that the American were running the boats, with Vietnamese along in what was essentially an apprenticeship role).
Đại Tá Bucklew còn "nhớ" lại rằng những nhân viên Hải Quân Hoa Kỳ trực tiếp điều khiển chiến đĩnh, còn thủy thủ đoàn Việt Nam chỉ đóng vai trò "phụ việc." Đại Tá Bucklew cũng nói tuy có đề nghị để nhân viên Việt Nam điều khiển chiến đĩnh trong khi công tác, nhưng đề nghị này bị từ chối vì nhân viên Việt Nam không đủ khả năng (the Vietnamese did not have the skills).
Còn ông Đô Đốc Roy Johnson, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội thời đó cũng nói: "Thủy thủ đoàn Việt Nam không tin tưởng được (unreliable) nên phải dùng thủy thủ đoàn Hoa Kỳ để thay thế." Ông Đô Đốc "khá chắc chắn" rằng thủy thủ đoàn Hoa Kỳ đã được dùng trong các công tác đánh phá ngoài Bắc từ tháng 8 năm 1964 hay chỉ ít lâu sau đó."

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/298D34532CC64B99BFE4756378719431.jpg[/image] 
Tấm hình chụp vào năm 1963 tại vịnh Subic Bay ở Phi Luật Tân. Chiếc khinh-tốc đỉnh trong hình là PTF-3, lúc này đang thời gian được tu bổ, về sau này lại được mang qua Việt Nam để tham dự trong các cuộc đột kích dọc ven biển Bắc Việt. (HÌNH ẢNH: Jack Duncan).

Về việc có người Mỹ đi theo trong những chuyến công tác hay không, trước năm 1965 chúng tôi không không dám nói chắc vì lúc đó chưa có mặt tại Lực Lượng Hải Tuần. Nhưng theo những bạn bè đi trước nói lại và suy đoán, chúng tôi tin rằng chỉ có thủy thủ đoàn Việt Nam trong những chuyến công tác.
Nhưng trong khoảng thời gian từ năm 1965 tới 1970 là thời gian chúng tôi phục vụ tại Lực Lượng Hải Tuần với nhiệm vụ hạm phó rồi hạm trưởng PTF trong hàng trăm "combat missions," chắc chắn, quả quyết không hề có người Mỹ nào đi theo tàu chúng tôi hay tàu khác trong những chuyến công tác vượt Vĩ Tuyến 17. Nhân viên Hoa Kỳ chỉ đi theo trong những chuyến huấn luyện dưới Vĩ Tuyến 17. Còn về vấn đề khả năng và kinh nghiệm thật rất khó nói. Nếu không có khả năng hay không tin tưởng được, chắc chắn chúng tôi đã khó có thể an toàn trở về sau 5 năm công tác liên tiếp tại vùng biển Bắc Việt.
Nhưng dù một Đô Đốc Hoa Kỳ thường khoe khoang là thủy thủ đoàn Việt Nam chỉ đóng vai phụ việc đi nữa, nếu phục vụ tại lực lượng PTF trong một "tour" chỉ có sáu tháng, lại thường nằm trong phòng lạnh ăn hút, không đi một chuyến công tác rồi đổi đi nơi khác, cũng khó có "khả năng" hơn một thủy thủ Hải Quân Việt Nam phục vụ đã lâu năm.
Chuyện thứ hai trong sách của sử gia Moise là việc bận đồng phục (uniform) hay quân phục trong lúc công tác. Trang 15, ông Moise viết: "Có nhiều bằng cớ chứng tỏ thủy thủ đoàn các chiến đĩnh Nasty là người của Hải Quân Việt Nam và mặc quân phục Hải Quân trong lúc công tác." Tác giả đã nói đúng về việc thủy thủ đoàn thuộc Hải Quân Việt Nam, nhưng việc "mặc quân phục Hải Quân trong khi công tác" là điều không đúng.
Một nhân viên khi tình nguyện gia nhập Lực Lượng Hải Tuần, tuy quân số vẫn thuộc Hải Quân và vẫn lãnh lương Hải Quân hàng tháng, nhưng không trực thuộc quyền điều động của Hải Quân. Mỗi người ký một giao kèo phục vụ trong vòng sáu tháng, sau đó nếu muốn có thể ký tiếp hay thuyên chuyển về Hải Quân. Có thể nói lúc đó nhân viên Lực Lượng Hải Tuần coi như vừa là Hải Quân, vừa là dân sự. Ngay cả tên cũng thay đổi, ngoại trừ tên thật vẫn giữ trong thẻ quân nhân. Khi đi công tác, không ai được phép mặc quân phục Hải Quân, thông thường mặc thường phục không ai mang lon đội mũ. Riêng chúng tôi chỉ mặc bộ bà ba đen.
Những lúc ở trong doanh trại không đi công tác, chúng tôi chỉ mặc quân phục Hải Quân khi có thượng cấp Hải Quân viếng thăm và mặc tiểu lễ chào cờ vào sáng thứ hai và nghe "câu chuyện dưới cờ" của Đô Đốc Tư Lệnh Trần Văn Chơn. Vả lại, trong nhiều công tác Tâm Lý Chiến ra Bắc, chúng tôi có nhiệm vụ đóng vai nhân viên của mặt trận "Gươm Thiêng Ái Quốc" --coi như một phong trào nổi dậy tại miền Bắc-- để phát radio (dân miền Bắc gọi là "đài"), truyền đơn và quà cho ngư phủ miền Bắc. Nếu bận quân phục Hải Quân VNCH thì đâu còn là "đồng chí miền bắc" nữa.
Tóm lại, tuyệt đối không có việc mặc quân phục Hải Quân trong những chuyến công tác, ngoại trừ trong sách của sử gia Moise hay "nhớ lại" của các giới chức cố vấn Mỹ.
Hiện nay, các anh em cựu Lực Lượng Hải Tuần còn có mặt tại Hoa Kỳ rất nhiều. Vì tuy tham dự nhiều chuyến công tác vượt vĩ tuyến nguy hiểm nhưng luôn luôn nắm thế "thượng phong" nên rất ít khi bị thiệt hại. Bạn đọc có thể dễ dàng tiếp xúc với các cựu chiến sĩ Hải Tuần để phối kiểm những chi tiết nêu trên.
Vào khoảng giữa năm 1964, cường độ hoạt động của Lực Lượng Hải Tuần gia tăng. Nhiều chuyến công tác thành công phá hủy một số đài radar, cơ sở duyên-phòng và căn cứ Hải Quân của Bắc Việt. Nhiều ngư phủ Bắc Việt cũng bị bắt đem về Cù Lao Chàm ngoài khơi Đà Nẵng để khai thác tin tức, sau đó lại được trả về nguyên quán ngoài Bắc.
Dĩ nhiên, để chống lại các hoạt động biệt kích bằng đường biển này, Cộng Sản Bắc Việt cũng ráo riết gia tăng hệ thống phòng thủ duyên hải. Các chuyến công tác do đó trở nên nguy hiểm và hồi hộp hơn nhiều.
Vào mùa hè năm 1964, trong lúc các chiến đĩnh thuộc Lực Lượng Hải Tuần thường xuyên thực hiện những chuyến công tác biệt kích bí mật trong khuôn khổ OPLAN-34A thì Hải Quân Hoa Kỳ cũng có kế hoạch riêng nhằm công khai thám sát bờ biển Bắc Việt. Kế hoạch của Hải Quân Hoa Kỳ mang bí danh DeSoto.
KẾ HOẠCH TUẦN TIỂU DESOTO
Hải Quân Hoa Kỳ thường tổ chức những cuộc tuần tiễu mang bí danh DeSoto dọc theo bờ biển các quốc gia vùng Á Châu Thái Bình Dương để thám sát và thu thập tin tức tình báo bằng những dụng cụ "nghe lén" và "nhìn lén" đặc biệt.
Vào tháng 4 năm 1964, Khu Trục Hạm (KTH) DeHaven thực hiện chuyến công tác DeSoto đầu tiên dọc theo bờ biển Trung Cộng, sau đó công tác tiếp tục mỗi tháng một lần, liên tiếp trong vòng năm tháng. Trung Cộng chỉ phản ứng chiếu lệ.
Trong các chuyến công tác vào tháng 10 năm 1962 do Khu Trục Hạm Hollister (DD-788) và tháng 11 năm 1962 với Khu Trục Hạm Shelton, lần đầu tiên chiến hạm Hoa Kỳ thám sát cả bờ biển Bắc Hàn. Cũng như những lần trước, phía Cộng Sản không có phản ứng mạnh. Vào khoảng cuối năm 1962, Khu Trục Hạm Agerholm (DD-826) xuất phát từ Keelung (tại Đài Loan) lần đầu tiên thám sát Vịnh Bắc Việt và vùng đảo Hải Nam nhưng không vào cách bờ dưới 20 hải lý.
Trong năm 1963, có tổng cộng 6 công tác DeSoto dọc bờ biển Trung Cộng, Nga Sô, Bắc Hàn và Bắc Việt nhưng vẫn giữ khoảng cách 20 hải lý. Trong chuyến công tác vào tháng 4 năm 1963, khi Khu Trục Hạm Richard Edwards (DD-950) tuần tiễu khu vực giữa đảo Hải Nam và bờ biển Bắc Việt, có sáu tàu tuần duyên Bắc Việt và một số phi cơ Trung Cộng theo dõi, nhưng Trung Cộng cũng chỉ phản kháng chiếu lệ. Cộng Sản Bắc Việt không lên tiếng.
Sang đầu năm 1964, Bộ Tư Lệnh Liên Quân Hoa Kỳ ra lệnh thực hiện thêm nhiều chuyến tuần tiễu DeSoto trong vùng Vịnh Bắc Việt để thâu thập những tin tức tình báo sau đây:

Hệ thống phòng thủ mặt biển gồm phối trí và khả năng của các chiến hạm phòng duyên, kể cả tiềm thủy đĩnh.
Hệ thống phòng không gồm phối trí và khả năng đối phó với các mục tiêu trên không và trên biển.
Hoạt động của các thương thuyền.
Khả năng điện tử duyên phòng.
Chụp hình và xác định hệ thống phòng thủ.
Thâu thập tin tức tình báo và thủy đạo.

Mỗi chuyến công tác DeSoto thường do một khu trục hạm mang những dụng cụ kiểm thám điện tử đặc biệt, xuất phát từ căn cứ Keelung (tại Đài Loan) đảm nhiệm.
Ngày 25 tháng 2 năm 1964, Khu Trục Hạm John Craig có Đại Tá Edward Williams, Chỉ Huy Trưởng Phân Đoàn Khu Trục Hạm 12 tháp tùng, xuất phát từ Đài Loan để thi hành công tác tuần tiễu Vịnh Bắc Việt với Khu Trục Hạm Ingersoll (DD-652) bên ngoài vịnh để yểm trợ khi cần. Tuy Trung Cộng cho một chiến hạm loại Kronstadt và phi cơ theo dõi nhưng không xảy ra biến cố nào quan trọng. Khu Trục Hạm Craig hoàn tất nhiệm vụ vào ngày 9 tháng 3 năm 1964.
Đến đầu tháng 7 năm 1964, cơ quan MACV tại Sài Gòn yêu cầu Hải Quân cung cấp thêm tin tức tình báo dọc theo bờ biển Bắc Việt, nhất là tại những nơi các chiến đĩnh OPLAN-34A thường hoạt động. Vì vậy Đô Đốc Ulysses G. Sharp, người vừa thay thế Đô Đốc Felt trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, ra lệnh tiếp tục các cuộc tuần tiễu thám sát DeSoto. Các Đô Đốc Moorer, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương và Đô Đốc Johnson, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội chỉ định Khu Trục Hạm Picking (DD-685) đảm nhận công tác.

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/985706C1F19E4A97AA0817D2AD7FB814.jpg[/image]
Hình chụp khu-trục hạm USS DeHaven đang lướt sóng trong vùng biển động, chạy bên cạnh một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Ở phía sau thân-tàu có hai dàn đại-bác đôi, tương tựa như loại hải-pháo gắn trên khu-trục hạm USS Maddox. Tháng 4 năm 1964, chiếc USS DeHaven là chiến hạm đầu tiên của Mỹ tham dự trong chiến dịch tuần-thám DeSoto ngoài khơi Vịnh Bắc Việt. (HÌNH ẢNH: Hải Quân Hoa Kỳ).

Chiến hạm dự trù khởi hành từ Keelung vào ngày 28 tháng 7 năm 1964 với Đại Tá John Herrick, Chỉ Huy Trưởng Phân Đoàn Khu Trục Hạm-192 tháp tùng. Phân Đoàn Khu Trục Hạm-192 thuộc Lực Lượng Hoa Kỳ tại Đài Loan do Đô Đốc Robert A. MacPherson chỉ huy. Theo kế hoạch, chiến hạm tuần tiễu không được vào gần bờ dưới 8 hải lý (hải phận Bắc Việt) và cách các hải đảo dưới 4 hải lý và còn phải tới đúng các chuẩn điểm (check points) theo lộ trình và thời điểm vạch sẵn (xem bản đồ trục tuần tiễu ấn định).
Đô Đốc Johnson cũng ra lệnh cho Khu Trục Hạm Maddox đặc biệt ghi nhận vị trí và tầm hoạt động của những đài radar, hải đăng, các dấu mốc quan trọng cũng như chi tiết về thủy đạo, nhất là tại vùng các cửa sông. Chiến hạm cũng chụp hình những vị trí quan trọng dọc theo duyên hải Bắc Việt. Có lẽ Hoa Kỳ muốn thâu thập trước các chi tiết cần thiết để chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ sau này.
Chiến hạm Maddox chỉ được chạy cách bờ biển Trung Cộng không dưới 15 hải lý và cách các đảo không dưới 12 hải lý. Sau khi đi hết trục tuần tiễu ấn định dọc bờ biển Việt Nam từ Vĩ Tuyến 17 đến biên giới Hoa Việt vùng Móng Cáy, Hải Phòng, Khu Trục Hạm Maddox sẽ tạt xa hơn về phía Đông để tiến gần về phía đảo Hải Nam của Trung Cộng. Mục đích là để thăm dò sự liên hệ duyên phòng hỗ tương giữa Việt Cộng và Trung Cộng xem đôi bên có trao đổi hay "bàn giao" nhau những tin tức tình báo hay không.
Vì các chiến đĩnh thuộc Lực Lượng Hải Tuần và chiến hạm DeSoto tuy đảm nhiệm công tác riêng biệt nhưng sẽ hoạt động chung một vùng nên nhiều biện pháp cần thiết được hoạch định để tránh làm trở ngại hoặc ngộ nhận. Chiến hạm DeSoto sẽ theo đúng lộ trình và giờ giấc đã vạch sẵn, còn chiến đĩnh Lực Lượng Hải Tuần sẽ hoạt động tại vùng riêng biệt cách xa. Về không-yểm, hàng không mẫu hạm Ticonderoga lúc đó đang hoạt động tại điểm Yankee ngang Vĩ Tuyến 17 ngoài khơi Đà Nẵng sẽ yểm trợ chiến hạm DeSoto khi cần.
Tất cả mọi chuẩn bị và huấn thị cho chuyến công tác DeSoto tại Vịnh Bắc Việt vào mùa hè năm 1964 đã đầy đủ, nhưng tới gần ngày công tác, Khu Trục Hạm Maddox (DD-731) được chỉ định thay thế Khu Trục Hạm Picking. Trong lúc đó, hoạt động của các chiến đĩnh Lực Lượng Hải Tuần cũng gia tăng trong Vịnh Bắc Việt.
Ngày 22 tháng 7/1964, các chiến đĩnh PTF-3, 4, 5 và 6 thám sát vùng Đồng Hới và bắt về một số ngư phủ để khai thác tin tức.
Ngày 30 tháng 7/1964, các chiến đĩnh PTF-2, 3, 5 và 6 rời Đà Nẵng đi đánh phá các đảo Hòn Mê và Hòn Niếu. Hồi 23 giờ 15 phút, bốn chiến đĩnh đến mục tiêu tại vị trí vĩ độ 19 Bắc, kinh độ 106.16 Đông phía đông-nam Hòn Mê. Tại đây, các chiến đĩnh chia làm hai toán. Các PTF-3 và 6 đảm nhận mục tiêu Hòn Mê, trong lúc PTF-5 và 2 hướng về Hòn Niếu.
Hai chiến đĩnh dự trù đổ toán Biệt Hải lên Hòn Mê bị địch phát hiện và nổ súng khiến bốn người trên PTF-6 bị thương. Toán Hòn Niếu cũng không đổ được quân. Khoảng sau nửa đêm, các chiến đĩnh bắn phá mục tiêu được chỉ định bằng đại bác 57 ly, 40 ly và 20 ly gây nhiều tiếng nổ phụ. Khoảng một giờ sáng ngày 31/7, hai toán chiến đĩnh rời mục tiêu trở về tới Đà Nẵng vào khoảng 11 giờ trưa ngày 31 tháng 7.
KHU TRỤC HẠM USS MADDOX VÀO VỊNH BẮC VIỆT
Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Maddox là Hải Quân Trung Tá Herbert Ogier, nhưng Hải Quân Đại Tá John Herrick, Chỉ Huy Trưởng Phân Đoàn (Khu Trục Hạm) Khu Trục Hạm192 là Chỉ Huy Trưởng công tác DeSoto. Tuy trọng tâm của cuộc tuần tiễu là thám sát bờ biển Việt Nam, nhưng Hải Quân Hoa Kỳ cũng muốn tiện dịp thăm dò thêm khả năng phòng duyên của Trung Cộng, nhưng tương đối dè dặt hơn.
Chiến hạm Maddox chỉ được chạy cách bờ biển Trung Cộng không dưới 15 hải lý và cách các đảo không dưới 12 hải lý. Sau khi đi hết trục tuần tiễu ấn định dọc bờ biển Việt Nam từ Vĩ Tuyến 17 đến biên giới Hoa Việt vùng Móng Cáy, Hải Phòng, Khu Trục Hạm Maddox sẽ tạt xa hơn về phía đông để tiến gần về phía đảo Hải Nam của Trung Cộng. Mục đích là để thăm dò sự liên hệ duyên phòng hỗ tương giữa Việt Cộng và Trung Cộng xem đôi bên có trao đổi hay "bàn giao" nhau những tin tức tình báo hay không
TRUNG TÂM KIỂM THÍNH LƯU ĐỘNG
Một trong những nhiệm vụ chính của chiến hạm Maddox là "nghe lén" những công điện truyền tin của Bắc Việt, nhất là những liên lạc dính dáng tới việc điều động duyên phòng. Nếu định được vị trí của những trung tâm truyền tin và nội dung của các công điện trao đổi giữa Bộ Chỉ Huy và các tàu tuần tiễu, Hoa Kỳ có thể biết rõ khả năng duyên phòng của Bắc Việt.
Tuy nhiên, không hẳn chỉ có các chiến hạm DeSoto mới có khả năng kiểm thính. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ có nhiều căn cứ chuyên xâm nhập hệ thống truyền tin của Bắc Việt để "nghe lén." Một trong những căn cứ này là Trung Tâm Truyền Tin Hải Quân đặt tại San Miguel bên Phi Luật Tân. Một căn cứ phụ nhỏ hơn đặt tại Phú Bài, gần Huế. Ngoài ra, còn có những đơn vị kiểm thính lưu động dùng phi cơ C-130 cất cánh từ Thái Lan bay dọc theo bờ biển Bắc Việt.
Phương tiện kiểm thính lưu động dùng trong các cuộc tuần tiễu DeSoto của Hải Quân được gọi là "communications van" hay "com van." Đây là một phòng kín lớn bằng sắt, tương tự như những thùng "connex" chở hàng, trong đó có trang bị nhiều dụng cụ truyền tin điện tử đặc biệt.
Trước khi khởi hành sang Việt Nam, một "com van" được chuyển từ Khu Trục Hạm MacKenzie sang Khu Trục Hạm Maddox tại Keelung. Khu Trục Hạm MacKenzie lúc đó vừa hoàn tất một chuyến công tác DeSoto tại vùng biển Nhật Bản vào giữa tháng 7 năm 1964. Nhân viên truyền tin lo việc kiểm thính trên Khu Trục Hạm Maddox được qui tụ từ San Miguel, Nhật và Hawai, tổng cộng chừng 15 người, do Đại Úy Gerrel Moore, Phụ Tá Sĩ Quan Truyền Tin tại căn cứ Hải Không Quân Shu Lin Kou ở Đài Loan chỉ huy.
Nhóm kiểm thính này được chia làm hai toán, mỗi toán thay phiên nhau làm việc mỗi 12 giờ. Trong phòng làm việc có ba máy thâu thanh để kiểm thính. Một máy thâu thanh VHF (Very High Frequency) có gắn máy thâu băng để nghe những liên lạc âm thoại ngắn tầm, thường là giữa các tàu bè.
Lúc đó, các chiến đĩnh hải quân Bắc Việt xử dụng máy truyền tin loại P-609 của Nga Sô trên tần số từ 100 đến 150 megaherz với tầm hoạt động chỉ chừng vài ba hải lý, sau này mới dùng máy truyền tin tương đối khá hơn là loại P-108.
Nhân viên kiểm thính Hoa Kỳ biết ít nhiều tiếng Việt nhưng không rành rẽ lắm. Ngoài ra, còn có hai máy thâu thanh loại HF (High Frequency) dùng để kiểm thính các liên lạc tầm xa dùng ký hiệu Morse. Những máy HF không có máy ghi âm. Ngoài toán kiểm thính, trên chiến hạm Maddox chỉ có bốn người được quyền coi những công điện bắt được: đó là Đại Tá Herrick, vị sĩ quan phụ tá, Trung Tá Ogier và Hạm Phó Khu Trục Hạm Maddox.
Điều đáng để ý là khả năng "nghe lén" của phòng kiểm thính lưu động này rất giới hạn so với các trung tâm San Miguel và Phú Bài. Vì với ba máy thâu, Khu Trục Hạm Maddox chỉ túc trực được trên ba tần số khác nhau, trong khi các trung tâm kia có nhiều máy nên bắt được hầu hết các công điện của Hải Quân Bắc Việt. Có lẽ lợi điểm duy nhất của Khu Trục Hạm Maddox là có thể nghe được những liên lạc âm thoại ngắn tầm trên tần số VHF.
Trong buổi thuyết trình sau cùng vào ngày 27 tháng 7 tại Đài Loan trước khi khởi hành cuộc tuần tiễu, các sĩ quan của Khu Trục Hạm Maddox được thông báo có lẽ chiến hạm sẽ không gặp sự chống đối nào trong lúc thi hành nhiệm vụ tại Vịnh Bắc Việt.
Để khỏi bị mang tiếng là "gây hấn," Đại Tá Herrick cẩn thận ra lệnh cho các ổ súng trên chiến hạm đều giữ vị thế nằm ngang, không nhắm vào bất cứ mục tiêu nào trên biển cũng như trên không nếu chưa được lệnh. Trong trường hợp chiến hạm bị tấn công, phi cơ từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga nằm tại vị trí Yankee ngoài khơi Đà Nẵng sẽ tới yểm trợ.
VẤN ĐỀ GIỜ GIẤC TRONG HẢI QUÂN
Chiến hạm Maddox hoạt động trong Vịnh Bắc Việt nhưng các cơ quan báo cáo liên hệ lại ở tại Sài Gòn, Subic, Hawai và Washington v.v. đều nằm trên những múi giờ khác nhau nên việc qui định giờ giấc chính xác khi các biến cố xảy ra trở nên rắc rối và khó phân biệt. Vì vậy, cần nói rõ sự khác biệt về vấn đề giờ giấc để việc theo dõi các hoạt động của chiến hạm Maddox tại Vịnh Bắc Việt được dễ dàng, hợp lý và thứ tự.
Lãnh thổ Việt Nam nằm trong khoảng từ kinh độ 104 đến 110 độ Đông nên thuộc cả hai múi giờ G (Golfe --kinh độ 90 đến 105 Đông) và H (Hotel --kinh độ 105 đến 120 Đông). Trước đây vào thời Pháp thuộc, Việt Nam chọn giờ G, tức là trước giờ Quốc Tế (còn gọi là giờ GMT --Greenwich Mean Time-- hay giờ Zulu) bảy tiếng đồng hồ, nhưng dưới trào Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại đổi sang giờ Hotel, tức là trước giờ Zulu tám tiếng đồng hồ. Bắc Việt vẫn dùng giờ G nên miền chỉ riêng giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam giờ giấc đã khác biệt nhau một tiếng đồng hồ.
Giờ dùng trong bài viết này là giờ quân sự, mỗi ngày 24 giờ, kèm theo "múi giờ" theo đúng qui ước giờ giấc hải quân quốc tế. Thí dụ 1430H có nghĩa là 2 giờ 30 chiều, múi giờ Hotel tức là giờ miền Nam Việt Nam. Giờ Hotel còn được gọi là giờ -8 vì muốn đổi sang giờ Quốc Tế, ta phải "trừ 8" tiếng đồng hồ.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.01.2008 12:28:53 bởi lyenson >
Attached Image(s)
#1
    lyenson 01.01.2008 12:38:58 (permalink)
    Việc xác định múi giờ rất quan trọng nhất là đối với các chiến hạm hoạt động trên khắp thế giới. Các chiến hạm Hoa Kỳ khi hoạt động tại Việt Nam đều đổi đồng hồ sang giờ Hotel, tức là giờ của miền Nam Việt Nam. Giờ Hoa Thịnh Đốn EDT (Eastern Daylight Time) cách giờ Hotel 12 tiếng đồng hồ. Như vậy, 1430H (giờ Việt Nam) tức là 1430 - 12 = 2:30 AM EDT (giờ Hoa Thịnh Đốn) và 1430 - 8 = 0630Z (giờ quốc tế).
    Trong biến cố Vịnh Bắc Việt, có nhiều chiến hạm liên quan nhưng lại đến từ các vị trí khác nhau trên thế giới nên dùng giờ giấc khác nhau. Hơn nữa, các cơ quan báo cáo như từ các chiến hạm, từ Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ở Hawai, từ Hoa Thịnh Đốn v.v. cũng nằm trên những múi giờ khác nhau nên nếu không phân biệt rõ ràng, chúng ta sẽ thấy có khi nói về cùng một sự kiện nhưng giờ giấc lại sai biệt cả mấy tiếng đồng hồ. Để ý thức được những rắc rối về vấn đề giờ giấc, hãy đơn cử trường hợp của vài ba chiến hạm Hoa Kỳ hoạt động trong vùng Vịnh Bắc Việt lúc đó.
    ·  Khi rời hải cảng Keelung, Đài Loan lên đường công tác tại Vịnh Bắc Việt, Khu Trục Hạm Maddox dùng giờ India tức là giờ địa phương ở Đài Loan. Nên nhớ đây là múi giờ India, hay -9 tức là giờ Đài Loan chứ không phải giờ của nước... Ấn Độ. (Ấn Độ nằm trong múi giờ Foxtrot nên dùng giờ F hay -6).
    ·  Sau đó, ngày 2 tháng 8 trước khi vào Vịnh Bắc Việt, chiến hạm vặn đồng hồ chậm lại một tiếng cho đúng với giờ H (Hotel hay -8) là giờ miền Nam Việt Nam mà các chiến hạm Hoa Kỳ tại vị trí Yankee đang dùng.
    ·  Tới sáng ngày 3 tháng 8, khi vào Vịnh Bắc Việt chiến hạm lại vặn đồng hồ chậm lại một tiếng nữa để dùng giờ G (Golf hay -7) là giờ Bắc Việt.
    ·  Hàng không mẫu hạm Ticonderoga vì phối trí tại vị trí Yankee ngay cửa vào Vịnh Bắc Việt nên vẫn dùng giờ Golf, mãi tới nửa đêm 4 rạng ngày 5 tháng 8 mới thêm một tiếng đồng hồ để đổi sang giờ Hotel (từ 0001G sang 0101H) tức là giờ miền Nam VIệt Nam.
    ·  Riêng hàng không mẫu hạm Constellation tới từ Hồng Kông nên dùng giờ India cho tới chiều ngày 4 tháng 8, sau đó mới vặn đồng hồ chậm lại một tiếng để đổi sang giờ Hotel (từ 1900I sang 1800H).
    CUỘC TUẦN TIỂU BẮT ĐẦU
    Khu Trục Hạm Maddox rời hải cảng Keelung tại Đài Loan vào ngày 27 tháng 7. Đến sáng ngày 31, chiến hạm tới vị trí 17 độ 15 Bắc, 108 độ 29 Đông, khoảng ngang Vĩ Tuyến 17 ngoài khơi Việt Nam để nhận tiếp tế nhiên liệu từ chiếc tàu dầu Astabula (AO - 51).
    Lúc đó, bốn chiếc PTF của Lực Lượng Hải Tuần cũng trên đường về từ chuyến công tác Hòn Mê và chạy ngang Khu Trục Hạm Maddox lúc 0841H, cách chừng bốn hải lý. Điều này khiến một số người cho rằng chiến hạm Maddox đã cố ý chặn ngang Vĩ Tuyến 17 để đề phòng tiểu đĩnh Bắc Việt có thể đuổi theo các PTF. Nhưng trong thực tế, với vận tốc lên tới 55 knots, các PTF có thể bỏ các tiểu đĩnh Bắc Việt vận tốc chừng 35 knots lại đàng sau dễ dàng. Trong suốt 5 năm phục vụ tại Lực Lượng Hải Tuần với hàng trăm chuyến công tác, chúng tôi chỉ thấy tàu Bắc Việt chạy trốn vào các cửa sông hay các hải đảo, chưa từng thấy chiếc nào dám đuổi theo những PTF vừa có vận tốc cao hơn, vừa có hỏa lực mạnh hơn.


    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/6A17B41146AB4FD69C5F8CC4B570318D.jpg[/image]
    Tấm hình chụp khu-trục hạm Maddox trên biển Thái Bình Dương vào tháng 3 năm 1964. Khoảng 5 tháng sau, trong một chiến dịch tuần-thám với ám danh Desoto, chiến hạm này đã lâm vào một cuộc giao-tranh trên biển với một số duyên-tốc đỉnh Bắc Việt. (HÌNH ẢNH: Hải Quân Hoa Kỳ).

    Từ buổi sáng tới xế trưa ngày 31 tháng 7, Khu Trục Hạm Maddox tuần tiễu quanh vùng Hòn Cọp, một hải đảo thuộc Bắc Việt nằm xế về phía Bắc Vĩ Tuyến 17, cách bờ chừng 13 hải lý. Tới 1000H, chiến hạm rời vùng Hòn Cọp đi về phía Bắc, cách bờ từ 8 đến 20 hải lý và bắt đầu bị hệ thống phòng duyên Bắc Việt theo dõi.
    Sáng ngày 1/8, Khu Trục Hạm Maddox tới vùng Hòn Mật, một hải đảo nằm ngoài khơi thành phố Vinh. Đến chiều tối, trung tâm kiểm thám bắt được nhiều công điện của Bắc Việt ghi rõ hải trình và vị trí của chiến hạm. Từ những chi tiết này, Khu Trục Hạm Maddox tính ngược lại để xác định vị trí của các đài quan sát trên bờ. Tuy nhiên, đây chỉ là những công điện báo cáo theo dõi vị trí thông thường.
    Nhưng khi đến gần Hòn Mê ngoài cửa biển Sầm Sơn xa hơn về phía Bắc, chiến hạm bắt được một công điện ngắn khác của Bắc Việt ra lệnh cho các tiểu đĩnh duyên phòng tấn công, nhưng không nói rõ mục tiêu. Nên nhớ, lúc đó có cả các PTF và chiến hạm Maddox hoạt động trong Vịnh Bắc Việt, nên "mục tiêu" rất có thể là các tàu PTF. Nhưng sau đó, một công điện khác dài hơn cho biết vị trí của mục tiêu trùng hợp với vùng Khu Trục Hạm Maddox đang hoạt động.
    Sau khi đọc nhưng công điện bắt được của Bắc Việt, Hải Đội Trưởng Herrick biết rằng chiến hạm đang ở trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị các tiểu đĩnh Cộng Sản Bắc Việt tấn công bất cứ lúc nào. Vào lúc 0336H ngày 2 tháng 8/1964, ông ra lệnh nhiệm sở tác chiến, tăng tốc độ và đổi đường về hướng Đông quay mũi xa hơn ra ngoài biển để tránh xa vùng nguy hiểm.
    Về phía Bắc Việt, khi thấy Khu Trục Hạm Maddox tới gần Hòn Mê là mục tiêu đã bị các chiến đĩnh của Lực Lượng Hải Tuần bắn phá mấy đêm trước, nên lại càng tin rằng chiến hạm này và các PTF cùng chung một toán hoạt động phối hợp và hỗ trợ nhau.
    Vào thời gian này, Hải Quân Bắc Việt rất yếu kém, không có chiến hạm lớn, chỉ có một số pháo đĩnh Swatow cũ kỹ do Trung Cộng đóng, dài chừng chừng 25 thước, trang bị đại bác 37 ly, vận tốc tối đa 35 knots. Ngoài ra còn có một số ngư lôi đĩnh loại P-4 do Nga Sô chế tạo, dài chừng 20 thước trang bị thượng liên 14.5 ly, hai ngư lôi đầu nổ nặng 550 pounds TNT, vận tốc lên tới 50 knots, có thể tấn công chiến hạm lớn.
    Muốn phóng hiệu quả các như lôi này, tiểu đĩnh phải vào cách mục tiêu không quá 1,000 yards (914 mét). Những tiểu đĩnh P-4 này tuy nhanh nhưng vẫn chậm hơn các PTF lại trang bị vũ khí nhẹ hơn nên không phải là đối thủ của các chiến đĩnh Lực Lượng Hải Tuần. Đối với chiến hạm lớn như Khu Trục Hạm Maddox, tuy vận tốc của ngư lôi đĩnh P-4 có lợi thế hơn, nhưng muốn phóng được ngư lôi phải tới gần mục tiêu chừng 1,000 yards. Lúc đó có lẽ đã bị các đại bác 127 ly, 76 ly, với tầm bắn xa 18,000 yards (16,459 mét) trên chiến hạm bắn tan.
    Hồi 2220H tối 1 tháng 8/1964, Bắc Việt ra lệnh cho ba ngư lôi đĩnh mang số T-333, T-336 và T-339 thuộc Phân Đội 3, Hải Đội 135 cùng 2 chiếc Swatow mang số T-142 và T-146 rời căn cứ gần Hòn Gay sát biên giới Hoa-Việt lên đường đến phòng thủ Hòn Mê. Căn cứ này có tên là Văn Hoa (Hoa Kỳ gọi là Port Wallut) cách Hòn Mê chừng 145 hải lý về hướng Bắc.
    Qua đêm 1 tháng 8 ngoài biển, sáng sớm ngày 2 tháng 8, Khu Trục Hạm Maddox quay trở lại vùng cách Hòn Mê chừng 10 hải lý. Trung tâm kiểm thám trên chiến hạm bắt được thêm nhiều báo cáo theo dõi của Bắc Việt. Tới xế trưa, chiến hạm phát hiện 5 tiểu đĩnh nói trên của Bắc Việt ở hướng tây-nam, đang di chuyển sát bờ về phía nam và tới Hòn Mê lúc 1322H.
    CUỘC ĐỤNG ĐỘ LẦN THỨ NHẤT (2 THÁNG 8 năm 1964)
    Theo hải trình dự trù trong lệnh hành quân, trong khoảng thời gian từ 1100H tới 1900H, Khu Trục Hạm Maddox sẽ tuần tiễu quanh vùng điểm D, nằm về phía Đông Bắc Hòn Mê, tọa độ 19 độ 47 Bắc, 106 độ 08 Đông. Nhưng khi phát hiện các tiểu đĩnh Bắc Việt tới phòng thủ Hòn Mê, Đại Tá Herrick cẩn thận ra lệnh cho chiến hạm đổi đường về hướng Đông Bắc tránh xa Hòn Mê để đề phòng bị phục kích.
    Theo tài liệu của Bắc Việt, lệnh tấn công được ban hành lúc 1450H. Khoảng 1530H, radar trên Khu Trục Hạm Maddox phát hiện ba ngư lôi đĩnh xuất phát từ Hòn Mê đi hướng Đông Bắc đuổi theo chiến hạm với vận tốc chừng 30 knots. Nửa tiếng đồng hồ sau, chiến hạm vào nhiệm sở tác chiến và đổi đường về hướng Đông Nam để tránh xa bờ biển Bắc Việt và tới gần hơn các chiến hạm Hoa Kỳ phối trí tại điểm Yankee.
    Theo chiến thuật phóng ngư lôi, các tiểu đĩnh cần tận dụng vận tốc cao và chọn đường đi gần như chận đầu mục tiêu để có thể tới gần trong thời gian nhanh nhất hầu tránh thiệt hại vì hải pháo. Ðúng ra các tiểu đĩnh Bắc Việt phải tấn công Khu Trục Hạm Maddox từ hướng Đông Nam tới (hướng về phía Tây Bắc) để chận đường và ghìm mục tiêu vào sát bờ để tấn công. Nhưng khi các tiểu đĩnh Bắc Việt đi hướng Đông Bắc tiến về Khu Trục Hạm Maddock, chiến hạm đã đổi đường Đông Nam đi nơi khác.
    Vì vậy khi tới nơi, các tiểu đĩnh bị bỏ lại đàng sau và nằm về phía tây của chiến hạm nên chỉ còn cách đuổi theo về hướng Đông Nam, tức là chạy song song thay vì chận đường chiến hạm. Sau này, Hạm Trưởng Ogier cho biết: "Các tiểu đĩnh Bắc Việt bị bỏ lại phía sau vì khi bắt được công điện tấn công chiến hạm đã đổi đường. Do đó chúng chỉ còn cách đuổi theo."


    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/31F37458F51649ACB62C294CB33AC244.jpg[/image]
    Tấm hình chụp từ mạn tàu Maddox, ngày 2 tháng 8/1964, cho thấy 3 duyên-tốc đỉnh Bắc Việt đang chạy với vận-tốc cao về phía tàu Hoa Kỳ. Lúc 4 giờ 5 phút chiều, khi các tàu Bắc Việt còn cách 9 cây số, đại bác trên chiến hạm Maddox bắn vài quả đạn cảnh cáo về phía trước và sau các tàu địch. Nhưng đến 4 giờ 10, khi khoảng cách giữa đôi bên chỉ còn 8 cây số, hai giàn hải pháo từ tàu Maddox bắt đầu khai hỏa để tiêu diệt. Họ bắn tổng cộng 283 quả đạn, vừa 76-ly và luôn cả đạn 127-ly. Lúc đó, chiến hạm Maddox đang cách bờ biển Bắc Việt khoảng 28 hải lý. (HÌNH ẢNH: Hải Quân Hoa Kỳ).


    Khi chiếc T-333 dẫn đầu vào vị trí song song với Khu Trục Hạm Maddox, hai chiếc T-336 và T-339 lại chạy quá xa phía sau mục tiêu để tránh đạn. Tiểu đĩnh T-336 hoảng hốt phóng ngư lôi trước, chiếc T-339 phóng sau khi cả hai còn cách mục tiêu rất xa. Khu Trục Hạm Maddox vận chuyển tránh các ngư lôi này dễ dàng vào hồi 1718 H và 1721 H. Sau khi hai chiếc T-336 và T-339 đã phóng hết ngư lôi, chiếc T-333 mới quẹo vào mục tiêu. Một thủy thủy Bắc Việt tên là Trần Bảo, Chỉ Huy Phó Phân Đội 135, sau này cho biết chiếc T-333 có phóng ngư lôi vào mục tiêu, nhưng thật sự, chiếc T-333 bị trúng đạn của chiến hạm Maddox khiến ít nhất một trái như lôi bị bật tung khỏi ống phóng và rơi xuống biển.
    Việc các tiểu đĩnh Bắc Việt thay vì "chận đầu" lại "theo đuôi" này cho thấy các tiểu đĩnh không có radar hoặc có mà không xử dụng được nên mới không biết Khu Trục Hạm Maddox đã đổi đường. Trên giấy tờ, các ngư lôi đĩnh Bắc Việt được trang bị radar loại 253 của Nga, còn có tên là "Skinhead," trong điều kiện lý tưởng, có thể nhìn thấy mục tiêu lớn các xa chừng 15 hải lý, nghĩa là tầm xa không hơn gì mắt thường.
    Cột radar được chế tạo có thể hạ xuống để tránh bị phát hiện và cũng đỡ bị cản gió để tiểu đĩnh có thể đạt vận tốc tối đa khi phóng ngư lôi. Tuy tài liệu trong báo Hải Quân Cộng Sản Bắc Việt trang 25 nhan đề Thiếu Úy Nguyễn Văn Giản của tác giả Hồng Thủy khoe rằng thuyền trưởng chiếc T-339 nói radar phát hiện chiến hạm Maddox trước khi nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng đây nhiều phần chỉ là để tuyên truyền. Nếu có radar theo dõi, các tiểu đĩnh đã kịp thời đổi hướng tương ứng để chận đường mục tiêu thay vì chạy theo sau.
    Khi radar phát hiện các tiểu đĩnh Bắc Việt từ Hòn Mê đuổi theo, Khu Trục Hạm Maddox đã cách xa bờ biển chừng 16 hải lý. Chiến hạm lập tức gửi công điện cho Đệ Thất Hạm Đội thông báo sắp bị tấn công. Khoảng 1605H, khi các ngư lôi đĩnh còn cách chừng 10,000 yards (9,144 mét), Hạm Trưởng Ogier ra lệnh tác xạ ba-bốn trái hải pháo chận đầu. Sau này, Hải Đội Trưởng Herrick cho biết ông chỉ cho phép bắn cảnh cáo, không nhắm thẳng vào các tiểu đĩnh Bắc Việt và ông nhớ các quả đạn này rơi xuống phía trước và đàng sau các tiểu đĩnh. Phần Hạm Trưởng Ogier và Đại Úy Raymod Connell cho biết họ đã nhắm thẳng vào mục tiêu. Tuy bị bắn cảnh cáo, các ngư lôi đĩnh Bắc Việt vẫn xông tới.
    Tới khoảng 1610H, khi khoảng cách còn chừng 9,000 yards (8,230 mét), hải pháo trên chiến hạm bắt đầu bắn tiêu diệt, tổng cộng 283 quả đạn vừa 76 ly và 127 ly. Lúc đó, chiến hạm Maddox đã ra cách bờ biển Bắc Việt chừng 28 hải lý.
    PHÂN ĐỘI NGƯ LÔI ĐỈNH BẮC VIỆT TẤN CÔNG
    Theo tài liệu của Bắc Việt, mỗi phân đội gồm ba ngư lôi đĩnh. Ba tiểu đĩnh thuộc Phân Đội 3 Hải Quân Bắc Việt do ba anh em ruột chỉ huy. Chỉ Huy Trưởng Phân Đội 3 là Nguyễn Văn Bột, cũng là Thuyền Trưởng chiếc T-333. Hai người em, Nguyễn Văn Tú chỉ huy chiếc T-336 và Nguyễn Văn Giản chỉ huy chiếc T-339. Ngoài ra, còn một số sĩ quan khác không thuộc Phân Đội 3 cũng được gửi tới tăng cường như Lê Duy Khoát, Chỉ Huy Trưởng Phân Đội 135.
    Ba ngư lôi đĩnh hướng về Khu Trục Hạm Maddox theo đội hình hàng dọc, chiếc T-333 dẫn đầu, theo sau là T-336 và T-339. Theo tài liệu kỹ thuật, mỗi tiểu đĩnh có hai ống phóng ngư lôi nằm hai bên hông. Các ống phóng này không hướng thẳng về phía trước mà nằm xiên ra phía ngoài chừng một độ rưỡi so với trục chiến đĩnh để hai ngư lôi khi phóng ra sẽ tỏa rộng khiến mục tiêu khó vận chuyển lẩn tránh.
    Theo chiến thuật, cả ba tiểu đĩnh đều phóng ngư lôi tổng cộng 6 quả cùng một lúc khi chỉ còn cách mục tiêu từ 600 đến 1,000 yards để hy vọng ít nhất một trái trong chùm ngư lôi sẽ trúng đích. Nhưng lúc tiến gần mục tiêu nhưng chưa đến tầm ngư lôi, các tiểu đĩnh Bắc Việt đã bị tán loạn hàng ngũ vì hải pháo từ Khu Trục Hạm Maddox bắn quá dữ dội.
    Khi chiếc T-333 dẫn đầu vào vị trí song song với Khu Trục Hạm Maddox, hai chiếc T-336 và T-339 lại chạy quá xa phía sau mục tiêu để tránh đạn. Tiểu đĩnh T-336 hoảng hốt phóng ngư lôi trước, chiếc T-339 phóng sau khi cả hai còn cách mục tiêu rất xa.
    Khu Trục Hạm Maddox vận chuyển tránh các ngư lôi này dễ dàng vào hồi 1718 H và 1721 H. Sau khi hai chiếc T-336 và T-339 đã phóng hết ngư lôi, chiếc T-333 mới quẹo vào mục tiêu. Trần Bảo, Chỉ Huy Phó Phân Đội 135 sau này cho biết chiếc T-333 có phóng ngư lôi vào mục tiêu, nhưng thật sự, chiếc T-333 bị trúng đạn của chiến hạm Maddox khiến ít nhất một trái như lôi bị bật tung khỏi ống phóng và rơi xuống biển.
    HẢI PHÁO TRÊN KHU TRỤC HẠM MADDOX
    Hỏa lực chính trên Khu Trục Hạm Maddox gồm 3 giàn đại bác 127 ly đôi. Hai giàn trước mũi mang số 51 và 52. Giàn phía sau lái mang số 53. Trung Sĩ Trọng Pháo Ronald Stalsberg, trưởng khẩu 51 cho biết chiếc T-333 bị ụ súng của anh bắn bất khiển dụng vì một quả đạn nổ rất gần khiến tiểu đĩnh này bị nhấc bổng rồi rơi xuống mặt nước khiến ít nhất một trái ngư lôi bị bật tung khỏi ống phóng. Sau đó ụ súng 51 chuyển xạ sang các ngư lôi đĩnh khác. Về phần Khu Trục Hạm Maddox chỉ bị trúng một viên đạn đại liên 14.5 ly do từ ngư lôi đĩnh T-333.
    Sau khi phóng ngư lôi, các tiểu đĩnh Bắc Việt bỏ chạy tan tác mỗi chiếc một ngã, một phần vì hỏa lực từ chiến hạm Maddox quá dữ dội, phần vì đã hết ngư lôi. Hai chiếc T-333 và T-336 chạy trước, trong lúc chiếc T-339 vì bị mất liên lạc với hai chiếc kia nên còn bám theo mục tiêu ít lâu mới chạy sau. Chiến hạm Maddox lập tức quay mũi vừa bắn vừa đuổi theo.
    Hệ thống tác xạ chính gồm ba giàn hải pháo 127 ly đôi trên Khu Trục Hạm Maddox được chia làm ba thành phần chính: đài kiểm xạ viễn khiển, ụ súng và phòng tiếp đạn. Đài kiểm xạ chịu trách nhiệm việc gióng súng với cao độ và chiều hướng thích hợp nhắm vào mục tiêu rồi chuyển lệnh cho ụ súng xử dụng loại đạn và thuốc bồi thích hợp. Với nhiều nhiệm vụ quan trọng như vậy, một nhân viên kiểm xạ rành nghề cần thường xuyên báo trước cho toán hải pháo trong ụ súng mọi di chuyển sắp tới cũng như ngưng của ụ súng để họ đề phòng, không bị xô đẩy bất ngờ trong ụ súng đóng kín.

    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/BE8C1A4D73AD44F6AF8E8C694B4A6F1F.jpg[/image]
    Vào thời điểm của thập-niên 1960, lực lượng phòng-duyên Bắc Việt chỉ được trang bị thô sơ với một số ngư-lôi đỉnh loại P-4 và Swatow do Trung Quốc chế tạo và cung cấp. Theo tài liệu của nhóm VNCTLS, không biết trong trận giao chiến vào tháng 8/1964 có ngư-lôi đỉnh Swatow tham dự hay không. Nhưng ít nhất có một tài liệu cho biết loại tàu Bắc Việt xử dụng lần đó là loại P-4 với một đại liên 14.5-ly và hai ống phóng ngư lôi ở hai bên. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).

    Toán hải pháo trong ụ súng có nhiệm vụ nạp đạn, thuốc bồi và khai hỏa. Toán tiếp đạn chịu trách nhiệm chuyển đạn từ những hầm dưới boong chính lên ụ súng. Nếu ba toán này phối hợp trơn tru nhịp nhàng, nhịp bắn của mỗi ụ súng có thể lên tới chừng 40 viên một phút trong thới gian đầu. Sau đó, vì số đạn chứa sẵn trong ụ súng đã tiêu thụ hết, cần phải chuyển đạn từ dưới hầm lên nên nhịp bắn chậm lại còn chừng 30 viên mỗi phút.
    Hôm đó, các giàn hải pháo của Khu Trục Hạm Maddox hoạt động không được hiệu quả đúng mức trong khi tác chiến vì nhiều lý do. Thứ nhất, nhân viên đài kiểm xạ thiếu kinh nghiệm nên những ụ súng nhiều khi được quay hoặc ngừng quá bất chợt khiến nhân viên hải pháo không kịp đề phòng, bị té nhào trong ụ súng.
    Nhiều lúc, đài kiểm xạ không ngưng súng kịp thời khiến nòng súng đụng mạnh vào các rào cản nhằm chận súng không hướng về các thượng tầng kiến trúc của chiến hạm. Ngoài ra, đạn không được chuyển đến kịp thời khiến nhịp bắn bị chậm lại. Đôi khi toán tiếp đạn cung cấp loại không thích hợp. Thí dụ như cả đạn chiếu sáng và đạn mã tử cũng được chuyển đến nạp vào nòng súng. Vì những trục trặc này mà nhịp bắn của Khu Trục Hạm Maddox chậm hơn bình thường rất nhiều. Trong khoảng 10 phút giao chiến, các ụ súng 127 ly chỉ bắn được tổng cộng 151 viên, trung bình chừng năm viên một phút cho mỗi ụ súng hai nòng.
    Sau này, những cuộc điều tra cho biết lý do chính của việc tác xạ kém hiệu quả này vì Khu Trục Hạm Maddox không đủ nhân viên theo bảng cấp số, thủy thủ đoàn lúc đó chỉ còn 212 người so với quân số lý thuyết 296 người. Vì vậy, đã có lúc nhân viên của ụ súng 52 phải bỏ nhiệm sở xuống tăng cường cho toán tiếp đạn của các ụ súng khác. Đây là tình trạng thiếu hụt quân số chung của Hải Quân Hoa Kỳ lúc đó.
    PHI CƠ HOA KỲ TẤN CÔNG
    Ngay khi các ngư lôi đĩnh Bắc Việt bỏ chạy, bốn phi cơ F-8 Crusader thuộc hàng không mẫu hạm Ticonderoga do Trung Tá James Stockdale chỉ huy nhập trận. Để tránh trở ngại và ngộ nhận, Khu Trục Hạm Maddox rời khỏi chiến trường, đổi đường xả hết tốc lực đi về hướng Nam, nhường mục tiêu lại cho các phi cơ thanh toán.
    Lúc đó ba tiểu đĩnh Bắc Việt chia làm hai toán: hai chiếc T-333 và T-336 chạy trước, còn T-339 tụt lại phía sau. Phi cơ Hoa Kỳ do dó cũng chia làm hai toán. Hai phi cơ của Trung Tá Stockdale và Trung Úy Richard Hastings tấn công hai tiểu đĩnh đi đầu. Hai chiếc còn lại do Trung Tá R. F. Mohrhardt và Thiếu Tá C. E. Southwick tấn công chiếc T-339 chạy sau.
    Các phi cơ bắn hỏa tiễn Zuni trước nhưng đều không trúng mục tiêu. Zuni là loại hỏa tiễn khá lớn, đường kính chừng bốn inches (10 cm), nặng khoảng 110 pounds (50 kg). Ngay trong đợt tấn công đầu tiên, phi công Trung Úy Hastings, người kém thâm niên nhất thấy súng phòng không từ tiểu đĩnh bắn lên và cánh trái của mình bị bay mất một mảng, anh báo cáo phi cơ mình bị trúng hỏa lực phòng không của các tiểu đĩnh Bắc Việt.
    Nhưng thật ra, phi cơ của phi công Hastings không bị hư hại vì đạn phòng không mà vì sau khi nhào xuống để bắn rocket, anh đã hoảng hốt bay lên quá mau khiến cánh phi cơ không chịu nổi sức cản của không khí nên bị bể mất một miếng. Đây là nhược điểm thường thấy của loại phi cơ F-8 Crusader.
    Trung Tá Stockdale phải hộ tống phi công Hastings tới gần chiến hạm Maddox để được cấp cứu nếu cần, rồi bay trở lại mục tiêu. Tưởng lầm đây là một phi cơ mới tới nên sau này phía Bắc Việt cho rằng có 5 phi cơ tấn công các tiểu đĩnh, đợt đầu bốn chiếc trong số này có hai chiếc bị hư hại bỏ chạy; đợt sau chỉ có một chiếc.
     
    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/AC37A49C589E43F49D88D6001BEE8A09.jpg[/image]
    Hình chụp một chiến-đấu cơ F-8 Crusader vừa đáp xuống sân bay trên hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Ngày 2 tháng 8/1964, sau khi bị bốn ngư-lôi đỉnh Bắc Việt tấn công, chiến hạm Maddox đã phản pháo và đồng thời liên lạc với các tàu chiến bạn trong vùng. Lập tức, bốn chiếc F-8 Crusader cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga bay đến trợ chiến. Tuy có hỏa lực khá hùng hậu, nhưng hỏa tiển Zuni từ cả bốn chiếc F-8 đều không bắn trúng tàu địch. Chỉ sau khi bắn hết hỏa tiển, các phi cơ Mỹ dùng đại liên tác xạ thì mới bắn trúng và làm bốc cháy ít nhất một ngư lôi đỉnh đối phương. (HÌNH ẢNH: Hải Quân Hoa Kỳ).

    Sau khi bắn hết hỏa tiễn Zuni nhưng tất cả đều không trúng đích, các phi cơ bắt đầu nã đạn đại bác 20 ly Oerlikon. Lần này, cả ba tiểu đĩnh đều bị trúng đạn. Chiếc T-339 bị hư hại nặng nhất không còn chạy được và bị bốc khói. Phía Bắc Việt nói là chiếc tiểu cố tình đĩnh thả khói để che dấu và cũng để đánh lừa các phi công Hoa Kỳ lầm tưởng rằng mục tiêu đã bị hư hại nên không bắn nữa.
    Thật ra, bình khói của chiếc T-339 bị trúng đạn nên phun khói ra. Phần lớn các ổ phòng không chính 14.5 ly trên các tiểu đĩnh cũng bị trở ngại tác xạ. Súng trên chiếc T-339 bị kẹt đạn. Súng trên chiếc T-333 không quay được nên không thể nhắm vào mục tiêu.
    KẾT QUẢ TRẬN ĐÁNH
    Phía Bắc Việt khoe rằng bắn rơi hai trong năm phi cơ Hoa Kỳ. Thật ra, khi phi cơ của Trung Tá Stockdale hộ tống phi cơ bị hư hại của Trung Úy Hastings rời trận chiến, khói từ ống phản lực phun ra khiến thủy thủ đoàn Bắc Việt cho rằng hai phi cơ này bi hư hại và bị rơi.
    Phía Bắc Việt, cả ba tiểu đĩnh đều bị hư hại. Chiếc T-339 không còn chạy được, đúng ra đã bị bắn chìm nếu không có sự hiểu lầm trong nội bộ lực lượng Hoa Kỳ. Lúc đó, Đô Đốc Robert Moore, Chỉ Huy Trưởng Hải Đội Ticonderoga đã ra lệnh cho một phi đội thứ nhì cất cánh để đánh chìm các ngư lôi đĩnh Bắc Việt.
    Đây là chính điều Đô Đốc Johnson, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội mong muốn. Nhưng khi nghe thấy Đô Đốc Johnson ra lệnh cho Khu Trục Hạm Maddox không được đuổi theo, ý muốn để các tiểu đĩnh cho phi cơ thanh toán, Đô Đốc Moore lại lầm tưởng rằng toàn lực lượng không được phép đuổi theo. Vì vậy, khi phi đội thứ nhì tới vùng mục tiêu, Đô Đốc Moore ra lệnh không được tác xạ.
    Sau trận đánh, hai tiểu đĩnh T-333 và T-336 không còn nhìn thấy chiếc T-339 và cũng không liên lạc được nên báo cáo về Bộ Chỉ Huy chiếc T-339 đã bị chìm rồi dìu nhau về cửa Lạch Chao (cửa sông Mã) và ủi vào bãi Sầm Sơn để khỏi bị chìm. Riêng chiếc T-339 chỉ bị hư hại nặng, sau này sửa được máy và chạy về được tới đảo Hòn Nê ngoài khơi gần cửa sông Mã.
    Về phía Hoa Kỳ, việc báo cáo chiếc T-339 đã bị chìm cũng có nhiều sai lạc. Vì các phi cơ tấn công thấy rõ chiếc T-339 bi bốc khói và hư hại nặng. Vả lại, các liên lạc truyền tin bắt được từ các tiểu đĩnh T-333 và T-336 cũng báo cáo chiếc T-339 đã bị chìm. Hơn nữa, không ảnh chụp mấy ngày sau tại vùng Sầm Sơn cũng chỉ thấy hai chiếc T-333 và T-336.
    Thật ra lúc này chiếc T-339 không nằm tại Sầm Sơn mà tại bãi Hòn Nê. Nguồn tin khác lại cho rằng có tới hai tiểu đĩnh bị chìm. Thật ra, tin này căn cứ vào báo cáo của phi cơ thám sát một giờ sau trận đánh, chỉ còn thấy chiếc T-339 ngoài biển (hai chiếc kia đã chạy vào Sầm Sơn).
    Nhưng những ngư lôi đĩnh này cũng không sống sót được bao lâu. Vào tháng 7 năm 1966, một toán ba ngư lôi đĩnh của Bắc Việt mạo hiểm lần mò ra Vịnh Bắc Việt. Lần này cả ba chiếc bị đánh chìm thật sự. Chiến hạm Hoa Kỳ vớt được 19 người sống sót. Theo lời khai, ba ngư lôi đĩnh này là các chiếc mang số T-333, T-336 và T-339 trước đây đã đụng độ với chiến hạm Maddox.
    Trong số các sĩ quan Hải Quân Bắc Việt bị bắt sống, có hai người biết rất rõ về biến cố ngày 2 tháng 8 năm 1964. Đó là Đại Úy Trần Bảo, Chỉ Huy Phó Phân Đội 135, người viết báo cáo về biến cố ngày 2 tháng 8. Người kia là Thượng Úy Nguyễn Văn Giản. Lúc đó vẫn còn là thuyền trưởng chiếc T-339.
    Cả Trần Bảo và Nguyễn Văn Giản cung khai rõ ràng vị trí và tình trạng của từng tiểu đĩnh Bắc Việt sau trận đánh ngày 2 tháng 8. Trần Bảo khai rằng trong trận tấn công chiến hạm Maddox, không có ngư lôi đĩnh nào bị chìm và mô tả từng trường hợp mỗi ngư lôi đĩnh vào được tới bờ. Theo khẩu cung của cả 19 tù binh cũng xác nhận không có ngư lôi đĩnh nào bị chìm. Sau này, một tù binh khác bị bắt vào tháng 7 năm 1967 cung khai về trường hợp ba ngư lôi đĩnh khác bị đánh chìm vào năm 1966. Do đó có một số người ngộ nhận ba tiểu đĩnh bị đánh chìm sau này với ba tiểu đĩnh tham chiến ngày 2 tháng 8 năm 1964.
    PHÍA BẮC VIỆT KỂ LẠI TRẬN ĐÁNH
    Trong lúc Hoa Kỳ dường như cố ý làm lớn chuyện về cuộc đụng độ thì phía Bắc Việt lại như muốn che dấu. Việc cho các tiểu đĩnh cố ý tấn công chiến hạm Maddox ngoài hải phận quốc tế đã khiến Bắc Việt khó ăn khó nói. Các báo chí chuyên môn tuyên truyền của Bắc Việt như tờ Nhân Dân Nhật Báo cũng không đả động gì nhiều tới biến cố Vịnh Bắc Việt. Mãi tới sau khi Hoa Kỳ oanh tạc trả đủa vào ngày 5 tháng 8, Bắc Việt mới bắt đầu la ó và tuyên truyền về hành động "anh hùng" của các tiểu đĩnh.
    Với mục đích tuyên truyền cố hữu, Bắc Việt đã trắng trợn xuyên tạc sự thật. Trong "văn thư về hành động chiến tranh của Hoa Kỳ nhằm vào Cộng Hòa Nhân Dân Việt Nam," Bắc Việt cho biết trận chiến xảy ra khi Khu Trục Hạm Maddox chỉ cách bờ biển dưới 8 hải lý trong khi thật sự xảy ra ngoài khơi xa hơn nhiều, khoảng trên 20 hải lý tức là thuộc hải phận quốc tế. Nên nhớ, lúc đó Bắc Việt cũng đã bắt chước Trung Cộng, đòi hải phận quốc gia 12 hải lý.
    Trên tờ báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 11 tháng 8 năm 1964, trong bài Thiếu Úy Nguyễn Văn Giản, tác giả Hồng Thủy còn tuyên truyền bịa đặt rằng các tiểu đĩnh Cộng Sản đã dùng hỏa lực "trội hơn" để đánh bại Khu Trục Hạm Maddox.
    Chẳng lẽ tác giả Hồng Thủy muốn nói đại liên 14.5 ly của Cộng Sản có hỏa lực "trội hơn" hải pháo 127 ly của đế quốc Mỹ? Ngoài ra, các cơ quan tuyên truyền Cộng Sản cũng khoe khoang Hải Quân Bắc Việt chỉ với mấy chiếc tàu nhỏ cũng đã gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như vật chất cho chiến hạm Maddox.
    Thật sự chỉ có một viên đạn đại liên bắn trúng chân của đài kiểm xạ không gây thiệt hại quan trọng. Phía Bắc Việt có ba chết trong số đó có thuyền trưởng chiếc T-336 là Nguyễn Văn Tú và sáu bị thương.
    CUỘC TUẦN TIỂU DESOTO TIẾP TỤC
    Sau biến cố ngày 2 tháng 8, Đại Tá Herrick tỏ ra rất do dự vì lo ngại rằng nếu còn tiếp tục hoạt động gần bờ, có thể Bắc Việt sẽ lại tấn công. Do đó, ông đề nghị hủy bỏ công tác nhưng thượng cấp không đồng ý. Đô Đốc Johnson cho rằng nếu làm như vậy có nghĩa là chiến hạm Hoa Kỳ đã Bắc Việt bị tống ra khỏi vùng dù hải hành trong hải phận quốc tế. Tuy nhiên trong công điện ngày 3 tháng 8 hồi 1712Z, ông cũng đồng ý rằng chỉ nên tiếp tục trong thời hạn ngắn với thêm chiến hạm tăng cường.
    Ngay ngày hôm sau 3 tháng 8, Khu Trục Hạm Maddox tiếp tục công tác, dự trù kéo dài 5 ngày với sự tăng cường của Khu Trục Hạm Turner Joy thuộc Hải Đội Khu Trục Hạm 19 lúc đó đang đảm trách nhiệm vụ tiền sát cho hàng không mẫu hạm Ticonderoga ngoài cửa Vịnh Bắc Việt. Hai chiến hạm được lệnh không được tới gần bờ biển Bắc Việt dưới 11 hải lý thay vì 8 hải lý như trước. Khoảng cách với các hải đảo vẫn giữ nguyên 4 hải lý.
    Theo nhận xét của Đại Tá Herrick, thế nào Bắc Việt cũng phản ứng. Vì vậy, trong hai ngày 3 và 4 tháng 8, các chiến hạm Hoa Kỳ rất dè dặt, lúc nào cũng hải hành cách bờ không dưới 16 hải lý và cách các đảo chừng 10 hải lý, vì vậy không thu thập được nhiều tin tức tình báo hữu ích. Về phần Trung Tá Robert C. Barnhart, Jr., Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Turney Joy, ông đã rất bất ngờ khi được chỉ định tham dự công tác.
    Trước đây, chiến hạm đảm trách nhiệm vụ tiền sát, tuần tiễu trong vùng giữa Hải Đội Ticonderoga và Bắc Việt để báo động sớm những hành động thù nghịch như máy bay địch có thể bất thần tấn công hàng không mẫu hạm của hải đội. Do dó, Hạm Trưởng Barnhart, Jr. không hoàn toàn nắm vững tình hình địch trong Vịnh Bắc Việt và chiến hạm cũng không có máy móc kiểm thính để biết trước những hoạt động của địch như Khu Trục Hạm Maddox. Về mặt nhân sự, thủy thủ đoàn trên chiến hạm cũng thiếu hụt khá trầm trọng, nhưng nhìn chung, tinh thần vẫn khá cao.
    Trong ngày 3 tháng 8, các chiến hạm Hoa Kỳ hải hành rất thận trọng trong khu vực ấn định và quan sát thấy có nhiều ghe đánh cá trong vùng tuần tiễu, nhưng không có biến cố quan trọng nào xảy ra.
    CUỘC TẤN CÔNG CỦA CÁC CHIẾN ĐỈNH LỰC LƯỢNG HẢI TUẦN
    Trong lúc đó, vào trưa ngày 3 tháng 8, các PTF 1, 2, 5 và 6 thuộc Lực Lượng Hải Tuần rời Đà Nẵng với nhiệm vụ đánh phá các mục tiêu tại Mũi Vinh Sơn và Cửa Ron nằm về phía Bắc Vùng Phi Quân Sự chừng 70 hải lý, khoảng vĩ tuyến 18 Bắc. Trên đường công tác, PTF 2 vì bị trục trặc máy móc nên phải quay về Đà Nẵng. Ba chiến đĩnh còn lại tiếp tục công tác. Tới khoảng 11 giờ đêm, các PTF 2 và 5 tới mục tiêu, bắn phá đài radar Vinh Sơn trong vòng 45 phút. PTF 6 còn lại hoạt động một mình, bắn phá đài quan sát và cầu tàu tại Cửa Ron. Theo báo cáo, một chiếc Swatow của Bắc Việt rời bến nghênh chiến nhưng vì vận tốc chậm hơn nên không theo kịp PTF 6.
    Vì có các chiến đĩnh của Lực Lượng Hải Tuần cùng hoạt động trong vùng, hai Khu Trục Hạm Hoa Kỳ được lệnh tuần tiễu xa hơn về phía Bắc, phía trên vĩ tuyến 19 độ 20 Bắc cho tới ngày 6 để tránh gây trở ngại hoặc ngộ nhận đối với các tàu PTF. Phía với Bắc Việt la cho rằng đây là kế "dương đông kích tây," các chiến hạm Hoa Kỳ cố tình "cầm chân" lực lượng phòng duyên ở mặt Bắc để trợ giúp các PTF hoạt động xa hơn về phía Nam. Trong suốt ngày 3 tháng 8, Bắc Việt không theo dõi được các hoạt động của các chiến hạm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chiếm hạm Maddox ghi nhận vào lúc 2030H, có một tiểu đĩnh di chuyển về hướng Đông Nam dùng radar loại "skinhead" theo dõi. Tiểu đĩnh này sau đó mất hút về hướng đảo Hải Nam.

    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/E232D26517B1491BA21CDA542C30DC16.jpg[/image]
    Hình chụp hai khinh-tốc đỉnh, loại tàu do Na-Uy (Norway) chế tạo, đang lướt sóng trên biển. Trưa ngày 3 tháng 8/1964, bốn khinh-tốc đỉnh của Lực Lượng Hải Tuần VNCH rời Ðà Nẵng trực chỉ ra vùng biển bắc (một chiếc bị trục trặc máy móc, phải quay trở lại) với nhiệm vụ pháo kích đài radar Vinh Sơn cùng một số mục tiêu khác gần cửa biển Ron. Tuy cùng hoạt động trên một vùng biển, nhưng cả hai hoạt động của tàu Maddox và các chiến đỉnh của Lực Lượng Hải Tuần đều riêng rẽ. Tuy nhiên, phía Bắc Việt vẫn cho rằng có sự hợp tác chặt-chẽ giữa đôi bên trong cuộc điều-quân trên biển ngày hôm đó. (HÌNH ẢNH: Norman Polmar và Samuel Loring Morison, PT Boats At War, World War II to Vietnam).


    Căn cứ vào các dữ kiện thâu thập được như vị trí, hướng đi, nơi đến, đây có thể là một tiểu đĩnh của Trung Cộng. Với liên hệ chặt chẽ giữa Trung Cộng và Việt Cộng lúc đó, rất có thể Trung Cộng đã thông báo cho Việt Cộng biết những hoạt động của chiến hạm Hoa Kỳ trong Vịnh Bắc Việt.
    Sau khi các PTF bắn phá đài radar Vinh Sơn và Cửa Ron vào đêm 3 rạng ngày 4 tháng 8, Bắc Việt la hoảng là đã bị pháo kích bằng hải pháo cỡ lớn vì tìm thấy mảnh đạn cỡ 125 ly. Các PTF xử dụng hải pháo cỡ 40 ly, súng cối 80 ly và đại bác không giật 57 ly, chỉ có các Khu Trục Hạm Hoa Kỳ trang bị súng 127 ly.
    Trước đây, Bắc Việt cho rằng Khu Trục Hạm Maddox không dính dáng tới vụ Lực Lượng Hải Tuần đánh phá vùng Hòn Mê vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 7, nhưng nay họ cho rằng lực lượng hải quân bắn phá Vinh Sơn và Cửa Ron gồm 4 PTF xuất phát từ Đà Nẵng và cả hai Khu Trục Hạm Hoa Kỳ.
    KHU TRỤC HẠM HOA KỲ ĐƯỢC DÙNG LÀM MỒI NHỬ
    Phía Bắc Việt cho rằng Hoa Kỳ đã dùng các Khu Trục Hạm trong công tác DeSoto để cố ý khiêu khích cũng như tìm lý do chính đáng để gây hấn. Khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, lúc gặp cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ McNamara, Võ Nguyên Giáp cũng vẫn giữ lập luận này. Một số chính khách Hoa Kỳ cũng tỏ ý nghi ngờ. Sau này, ngay thủy thủ đoàn Khu Trục Hạm Maddox cũng cho rằng cấp chỉ huy muốn dùng họ làm "mồi," tìm cách cho chiến hạm bị hư hại nặng hoặc bắn chìm để Hoa Kỳ có cớ tấn công Bắc Việt. Bằng cớ là có một tàu dòng chuyên dùng để tiếp cứu các chiến hạm lâm nạn đã túc trực sẵn sàng ngoài khơi Vịnh Bắc Việt.
    VỤ ĐỤNG ĐỘ LẦN THỨ NHÌ (ngày 4 tháng 8 năm 1964)
    Qua sáng ngày 4 tháng 8, các ghe đánh cá ngày hôm trước không còn nữa nhưng có một tàu dầu nhỏ xuất hiện gần Hòn Mê. Khi thấy bóng các chiến hạm Hoa Kỳ, chiếc tàu này vội lẩn trốn vào sau hải đảo.
    Hai khu trục hạm tiếp tục tuần tiễu dọc bờ biển Bắc Việt như ngày hôm trước, giữ khoảng cách trên 16 hải lý và thường trong nhiệm sở tác chiến. Vào khoảng 10 giờ sáng, một tiểu đĩnh gần bờ bắt đầu theo dõi hai chiến hạm bằng radar "skinhead."
    THỜI TIẾT
    Tới chiều, hai chiến hạm hướng ra ngoài biển khơi. Tin khí tượng cho biết thời tiết xấu, trời không trăng sao và rất tối với tầm nhìn xa chừng 300 thước, sóng từ 5 đến 6 feet (1.5 đến 1.8 mét), gió chừng 17 knots. Theo kinh nghiệm, trong điều kiện thời tiết như vậy, nhiều hồi-ba giả (false radar echo) thường xuất hiện trên màn ảnh radar. Các hồi-ba [2] này lúc ẩn lúc hiện, khi rõ khi mờ hoặc đột nhiên biến mất.

    [2] VNCTLS GHI CHÚ: Hồi-ba, tức là "radar echo" theo thuật ngữ tiếng Anh. Khi làn sóng radar trên tàu, phi cơ, hoặc từ đài quan sát trên đất liền, được phát ra chạm vào chướng ngại vật thì một phần nào của tia radar dội ngược lại và sẽ được đài phát sóng ghi nhận. Ở ngoài biển khi có thời tiết xấu với mưa to, hoặc gió lớn tạo nên những đợt sóng cao, những làn sóng radar khi chạm vào mưa hay sóng biển sẽ dội ngược lại và hiện lên trên màn ảnh radar như các đốm xanh hoặc trắng, và các đốm này được gọi là "hồi-ba giả." Ở đây, chữ "giả" có nghĩa là các mục tiêu hiện lên trên màn ảnh radar đều chỉ là những đợt sóng biển cao, hoặc những trận mưa nặng hạt, chứ không phải là tàu chiến hay máy bay địch.

    RADAR TRÊN CÁC CHIẾN HẠM HOA KỲ
    Trên các Khu Trục Hạm, thường có ba loại radar: radar phòng không (air defense radar), radar hải hành (navigation radar) hay kiểm thám trên biển và radar hải pháo (gunfire-control radar). Radar phòng không dùng để phát hiện các phi cơ bạn cũng như địch. Hải Quân Hoa Kỳ dùng tiếng lóng "bogey" để chỉ các phi cơ lạ rất có thể là phi cơ địch, không phải là "friendlies" là những phi cơ đã được nhận dạng là phi cơ bạn. Radar hải hành phát hiện các đối vật và tàu bè trên mặt biển. Để phân biệt, hồi-ba của các tàu bè bạn cũng được gọi là được gọi là "friendly" còn tàu bè địch gọi là "skunk." Radar hải pháo dùng để hướng dẫn các ụ súng tự động nhắm vào mục tiêu. Khi thời tiết xấu, các hồi-ba giả xuất hiện trên màn ảnh khi tỏ khi mờ chỉ những chuyên viên có kinh nghiệm mới có thể phân biệt được.
    Đối với radar hải pháo, vì phải liên tục theo dõi và dóng súng nên hồi-ba cần phải được phân biệt rõ ràng để radar lúc nào cũng có thể nhìn thấy hầu "khóa" được mục tiêu. Bộ phận điều khiển radar hải pháo loại MK-5 trông như một cái bàn nhỏ (console) trong đó có một màn ảnh radar và bốn cần điều khiển ở bốn góc. Nhân viên phụ trách dùng cần điểu khiển điều chỉnh cho vòng tròn "hồng tâm" của máy nhắm nằm chồng lên hình của mục tiêu trên màn ảnh radar. Kể từ lúc đó máy nhắm sẽ tự động theo dõi và dóng súng theo mọi di chuyển của mục tiêu.
    Sau khi đổi hướng ra biển, cảm thấy không còn bị đe dọa, các khu trục hạm cho giải tán nhiệm sở tác chiến đã được ban hành liên tục trên sáu tiếng đồng hồ khi tuần tiễu gần bờ biển. Tuy nhiên, để đề phòng mọi bất trắc, các hạm trưởng đã bàn tính trước đội hình cũng như kế hoạch tác chiến khi hữu sự.
    KẾ HOẠCH TÁC CHIẾN
    Theo kế hoạch, hai chiến hạm di chuyển theo đội hình hàng dọc với Khu Trục Hạm Turney Joy có nhiệm vụ quan sát để hai chiến hạm không đụng nhau, giữ vị trí phía sau, cách Khu Trục Hạm Maddox chừng 1,000 yards (914 mét). Như vậy, radar hải hành của Turney Joy thường phải để ở tầm ngắn để ban đêm dễ dàng quan sát vị trí cả hai chiến hạm. Khu Trục Hạm Maddox vì radar mạnh hơn nên được dùng để phát hiện các hồi-ba tầm xa.
    Về hải pháo, Maddox sẽ bắn đạn chiếu sáng để soi sáng mục tiêu, còn Turner Joy có súng bắn nhanh hơn sẽ bắn tiêu diệt. Nếu cả hai chiến hạm đồng loạt bị phi cơ và tiểu đĩnh tấn công, Maddox sẽ tập trung hỏa lực vào các mục tiêu trên biển, còn Turner Joy với súng bắn nhanh sẽ đảm nhận trách nhiệm phòng không.
    Khu Trục Hạm Turney Joy tuy cũng có ba ụ súng 127 ly, nhưng đây là những ụ súng đơn không giống Maddox gồm những ụ súng đôi. Như vậy, kể về hỏa lực hải pháo 127 ly, Maddox có sáu khẩu, Turney Joy chỉ có ba khẩu trong khi, nhưng lại bắn nhanh hơn nhiều.
    Theo đúng thông lệ, các ụ súng 127 ly của Turney Joy cũng được đánh số 51 (đàng mũi) và 52, 53 sau lái. Ngoài ra, Khu Trục Hạm Turner Joy cũng có hai đài kiểm xạ: 51 trước mũi và 52 sau lái.
    Về tình trạng khiển dụng, ụ súng 51 bị hư hỏng hoàn toàn không xử dụng được nên phía trước chỉ có hải pháo 76 ly do đài kiểm xạ 51 điều khiển. Đài kiểm xạ này cũng bị trục trặc vì radar hải pháo tuy khiển dụng nhưng không chính xác. Trong đêm 4 tháng 8, ụ súng 52 nạp đạn nổ mạnh và ụ 53 nạp đạn thời chỉnh nổ cách mục tiêu 50 feet (15 mét) để bắn phi cơ cũng như ngư lôi đĩnh.
    BẮC VIỆT TẤN CÔNG?
    Theo tài liệu của Hải Quân Hoa Kỳ, ngay từ lúc 5 giờ chiều, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Bắc Việt tại Hải Phòng đã gửi công điện cho tàu Swatow T-142 để thông báo vị trí của các chiến hạm Hoa Kỳ lúc 1445H. Một công điện thứ nhì vào khoảng 2000H ra lệnh cho các tiểu đĩnh T-142, T-333 và có thể cả T-333 nếu được sửa chữa kịp thời "sẵn sàng hành động" nhưng không xác định mục tiêu. Tuy Hoa Kỳ đoán rằng mục tiêu là các chiến hạm Hoa Kỳ, nhưng cũng rất có thể là các PTF của Lực Lượng Hải Tuần.
    Tới khoảng 8 giờ 30 tối, các Khu Trục Hạm Hoa Kỳ tăng tốc độ từ 12 knots lên 20 knots. Đồng thời Hải Đội Trưởng Herrick thông báo hàng không mẫu hạm Ticonderoga ông đã nhận được nguồn tin các tiểu đĩnh Bắc Việt sắp sửa tấn công nên đổi đường về hướng Đông Nam với vận tốc tối đa để rời xa vùng bờ biển Bắc Việt.
    Theo nhật ký Trung Tâm Chiến Báo (Combat Information Center, viết tắt là CIC) của Khu Trục Hạm Maddox và báo cáo hậu hành quân của Khu Trục Hạm Turney Joy, hồi 8 giờ 46 tối, radar của Khu Trục Hạm Maddox phát hiện một tiểu đĩnh cách xa 36.4 miles (59 km), vận tốc 33 knots, hướng đi 170 độ (nam tây nam). Tiểu đĩnh này được đặt tên là skunk N (chữ "N" trong "November," ví dụ như skunk phát hiện đầu tiên trong ngày thì đã được đặt tên là Alpha, rồi sau đó là Bravo, v.v.).
    Sau đó, radar phát hiện thêm hai tiểu đĩnh nữa. Hồi 8 giờ 48 tối, phát hiện skunk O (Oscar) cách xa 34 miles (55 km), ở hướng 044 độ, vận tốc 28 knots. Hồi 8 giờ 50 tối phát hiện skunk P (Papa) cách xa 36.6 miles (59 km) ở hướng 060 độ, vận tốc 40 knots.
    Chiến hạm Maddox vào nhiệm sở tác chiến lúc 8 giờ 58 tối. Hồi 9 giờ 04 tối, Hải Đội Trưởng Herrick thông báo Khu Trục Hạm Turner Joy vị trí của các "skunks" và ra lệnh vào nhiệm sở tác chiến. Radar trên chiến hạm Tuner Joy tạm thời đổi qua tầm xa trong một thời gian ngắn để theo dõi và cũng phát hiện các skunks này. Tiếp theo đó, chiến hạm Maddox còn phát hiện thêm các skunks R (Roméo) và S (Sierra) nhưng sau khi theo dõi một thời gian mới biết là các hồi-ba giả do thời tiết xấu gây ra.
    Hồi 9 giờ 15 tối, radar phát hiện ba phi cơ lạ (bogeys), hướng 287 độ, khoảng cách 28 hải lý. Hải Đội Trưởng Herrick báo cho hàng không mẫu hạm Ticonderoga biết ông đang bị các tiểu đĩnh và phi cơ lạ theo dõi. Hàng không mẫu hạm Ticonderoga lập tức phản ứng bằng cách cho sáu phi cơ cất cánh gồm hai chiếc loại Skyraiders, hai F-8 Crudaders và hai AD-4 Skyhawks để yểm trợ. Trong lúc này, vị trí của các skunks N, O và P vẫn còn ở bắc và di chuyển về hướng Tây trong khi các chiến hạm Hoa Kỳ di chuyển hết tốc độ về hướng Nam nên khoảng cách đôi bên ngày càng xa. Tới khoảng 9 giờ 45, radar mất hồi-ba của các skunks.
    Hồi 10 giờ 08 tối, radar trên chiến hạm Maddox phát hiện thêm một skunk mới, đặt tên là U (Uniform) ở hướng 90 độ (3 giờ), khoảng cách 15 miles, đường đi 214 độ. Sau một thời gian theo dõi kỹ càng, cả 2 chiến hạm Maddox và Turner Joy đều phát giác đây không phải là một mà là một nhóm gồm ba hay bốn tiểu đĩnh chạy rất gần nhau.
    Lúc này, các phi cơ của hàng không mẫu hạm Ticonderoga đã đến bao vùng. Trung Tá phi công James Stockdale nhìn thấy các lượn sóng sau chiến hạm Hoa Kỳ vào lúc 10 giờ 08 tối. Trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ, phi cơ của ông bay thấp dưới 1,000 feet và lúc nào cũng nhìn thấy rõ các Khu Trục Hạm vì nước biển có nhiều lân tinh nên các lượng sóng sau chiến hạm rất sáng.
    Hồi 10 giờ 17 tối, ngay sau khi phát hiện skunk U, các chiến hạm hướng dẫn phi cơ tới để tìm kiếm. Tuy phi công không nhìn thấy bằng mằt thường, nhưng skunk U vẫn hiện rõ trên màn ảnh radar của các chiến hạm. Tới khoảng 10 giờ 33 tối, skunk U chỉ còn cách chừng 11.5 miles (18.5 km) rồi đột nhiên biến mất.
    Hồi 10 giờ 31 tối, hai chiến hạm phát hiện nhiều hồi-ba mới ngay trước mũi, khoảng cách trên 30 hải lý nhưng khám phá ra đây chỉ là những hồi-ba giả do thới tiết xấu.
    Hồi 10 giờ 34 tối, radar trên Khu Trục Hạm Maddox phát hiện thêm một hồi-ba mới ở hướng 93 độ (3 giờ), khoảng cách 9,800 yards, vận tốc từ 35 đến 40 knots, đặt tên là skunk V (Victor). Radar hải pháo lập tức khóa vào mục tiêu nhưng chỉ một lát sau chưa kịp bắn thì mục tiêu đã biến mất.
    Skunk V, sau khi hướng về Khu Trục Hạm Maddox, hồi 10 giờ 37 tối, đột ngột quẹo trái khi còn cách chiến hạm 6,200 yards giống như khi vừa phóng xong ngư lôi. Giàn hải pháo 76 ly trên Khu Trục Hạm Maddox lập tức khai hỏa. Cùng lúc đó vào lúc 10 giờ tối, radar trên chiến hạm Turney Joy phát hiện một hồi-ba khác ở hướng 86 độ (khoảng 3 giờ), khoảng cách 8,000 yards, đường đi 210 độ, đặt tên là skunk V-1.
    Hồi 10 giờ 39 tối, ụ súng phía sau lái khai hỏa và nhưng bắn sau hai phút vì radar hải pháo không còn phát hiện mục tiêu. Nhân viên phụ trách radar cho biết họ quan sát thấy ba quả đạn 127 nổ ngay trên mục tiêu và sau đó skunk V-1 biến mất trên màn ảnh.
    Bên chiến hạm Maddox, ngay khi skunk V quẹo gắt, chuyên viên Sonar báo cáo nghe thấy tiếng động của chân vịt khả nghi. Hải Đội Trưởng Herrick cho rằng đây là tiếng chân vịt của ngư lôi do skunk V vừa phóng ra ở hướng 051 độ nên cả hai chiến hạm cùng quẹo gắt qua phải để tránh.
    Ba thủy thủ trên chiến hạm Turner Joy xác nhận trông thấy sóng của ngư lôi lướt qua bên tả hạm từ sau lái đến trước mũi. Vì nhân viên radar trên chiến hạm Maddox phát hiện nhiều tiếng động khả nghi giống tiếng chân vịt của ngư lôi nên hai chiến hạm phải quẹo gắt nhiều lần để tránh.
    Theo báo cáo, Khu Trục Hạm Maddox vận chuyển tránh ngư lôi tổng cộng 26 lần. Dần dần, vì có quá nhiều báo cáo về tiếng ngư lôi, Hạm Trưởng Ogier cho rằng đây chỉ là những tiếng động giả vì may ra chỉ có vài ba tiểu đĩnh Bắc Việt với vài quả ngư lôi, làm gì có nhiều tiếng ngư lôi như vậy. Do đó, ông không vận chuyển lẩn tránh nữa.
    Có điều khá lạ là trong khi Sonar của Khu Trục Hạm Maddox phát hiện rất nhiều tiếng động ngư lôi thì Turner Joy lại không nghe thấy gì. Ngược lại, radar của Turner Joy phát hiện nhiều hồi-ba trên mặt biển nhưng Maddox lại không thấy. Sau này Hạm Trưởng Ogier ước đoán có thể vì tần số cũng như sự khác biệt về đặc tính của máy móc điện tử trên hai chiến hạm nên các hồi-ba giả hiện ra hay không.
    Trong khi đó, các phi cơ được hướng dẫn đến các vị trí của skunks do radar phát hiện nhưng vẫn không tìm thấy một tiểu đĩnh Bắc Việt nào. Các phi cơ không thám và bao vùng cũng không nhìn thấy đạn nổ trên mục tiêu.
    Hồi 10 giờ 42 tối, Hải Đội Trưởng Herrick báo cáo ông bắt đầu khai hỏa và hồi 10 giờ 52, các chiến hạm bị tấn công bằng ngư lôi. Tổng cộng, hai chiến hạn bắn chừng 300 quả đạn, đa số là đạn 127 từ Khu Trục Hạm Turner Joy. Turner Joy cũng thả nhiều thủy lựu đạn (depth charge) điều chỉnh ở tầm nông để phá các ngư lôi.
    Căn cứ vào các tin tức trái ngược, số skunks và mục tiêu phát hiện và nhất là việc phi cơ không tìm thấy một tiểu đĩnh nào, Hải Đội Trưởng Herrick là người đầu tiên nghi ngờ các chiến hạm Hoa Kỳ đã chỉ bắn vào các mục tiêu tưởng tượng. Khoảng 1 giờ 27 sáng, ông báo cáo rất có thể vì thời tiết xấu đã khiến cho các chiến hạm phát hiện nhiều mục tiêu cũng như ngư lôi giả.
    Sáng ngày hôm sau, 5 tháng 8, hai Khu Trục Hạm và nhiều phi cơ Hoa Kỳ trở lại vùng hoạt động đêm trước nhưng không tìm thấy vết dầu loang hay bất cứ dấu vết nào của tiểu đĩnh Bắc Việt bị bắn chìm.
    Sau này, khi cả ba ngư lôi đĩnh T-333, T-336 và T339 bị phi cơ Hoa Kỳ đánh chìm vào ngày 1 tháng 7 năm 1966, có 19 thủy thủ Bắc Việt bị bắt sống. Các tù binh này đều khai rằng Bắc Việt chỉ có 12 ngư lôi đĩnh do Nga viện trợ và không có chiếc nào tham chiến vào đêm 4 tháng 8.
    Trong báo cáo của tướng Cộng Sản Hoàng Văn Thái cũng cho biết trong đêm 4 tháng 8 khi các chiến hạm Hoa Kỳ bắn trái sáng và đạn nổ ngoài khơi Vịnh Bắc Việt, phía Việt Cộng gửi công điện thượng khẩn hỏi các đồng chí Trung Cộng xem có phải họ đang đánh nhau với đế quốc Mỹ không. Phía Trung Cộng cũng gửi cho Việt Công một công điện tương tự. Cả đôi bên đều trả lời "không."
    PHẢN ỨNG CỦA HOA KỲ: XÁC NHẬN ĐÃ BỊ TẤN CÔNG
    Các công điện không rõ ràng của Đại Tá Herrick và những tin tức trái ngược từ vùng hành quân làm cho các giới chức thẩm quyền ở Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (trên đảo Hawaii) và Tòa Bạch ốc rất phân vân. Công điện từ các nơi gửi đi tới tấp để hỏi thêm chi tiết và yêu cầu Đại Tá Herrick xác nhận các chiến hạm Hoa Kỳ đã thực sự bị tấn công. Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara ra chỉ thị trực tiếp cho Đại Tá Herrick: "Hãy kiểm chứng và báo cáo rõ ràng."
    Lúc đầu, Đại Tá Herrick tỏ ý hoài nghi đã bị tấn công vì không có một bằng cớ nào rõ rệt. Nhưng về sau, dưới áp lực của thượng cấp, ông đành phải thay đổi ý kiến, từ "nghi ngờ bị tiểu đĩnh địch tấn cống" thành "chắc chắn bị địch tấn công."
    Tuy Đại Tá Herrick, sĩ quan thâm niên hiện diện tại chiến trường đã nhiều lần nhấn mạnh "có nhiều điểm đáng nghi ngờ" nhưng Đô Đốc Ulysses S. Grant Sharp, Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã xác nhận với Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara rằng các chiến hạm Hoa Kỳ đã thực sự bị ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công vào đêm 4 tháng 8.

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.01.2008 12:48:32 bởi lyenson >
    Attached Image(s)
    #2
      lyenson 01.01.2008 12:58:08 (permalink)
      Đối với McNamara, việc có nhìn thấy các tiểu đĩnh Bắc Việt hay không chẳng còn là điều cần thiết vì các công điện bắt được của Bắc Việt cộng với sự hư hại tuy nhẹ về phía chiến hạm Hoa Kỳ mấy ngày trước cũng đã đủ để làm bằng chứng.
      Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên viên tại Tòa Bạch Ốc, McNamara điện thoại cho Đô Đốc Sharp để thảo luận về các biện pháp trả đũa quân sự thích ứng. Cuộc điện đàm chấm dứt lúc 6 giờ chiều ngày 4 tháng 8 (lưu ý: vì giờ Hoa Thịnh Đốn chậm hơn giờ Việt Nam 12 tiếng đồng hồ, lúc đó đã là 6 giờ sáng ngày 5 tháng 8 tại Việt Nam).
      Liền sau đó, lệnh báo động cho các hàng không mẫu hạm ngoài khơi Việt Nam được ban hành. Vào khoảng 7 giờ tối giờ Hoa Thịnh Đốn (tức 7 giờ sáng ngày 5 tháng 8 giờ Việt Nam), Tổng Thống Johnson thông báo cùng các lãnh tụ quốc hội việc chiến hạm Hoa Kỳ bị ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công lần thứ nhì và cho biết Hoa Kỳ sẽ oanh tạc trả đủa. Sau đó, Tổng Thống Johnson chuẩn bị viết bài diễn văn để đọc trên đài truyền hình vào buổi tối.
      TỔNG THỐNG JOHNSON GẤP RÚT HÀNH ĐỘNG
      Một trong những lý do khiến Tổng Thống Johnson muốn hành động gấp rút mặc dù tin tức từ Vịnh Bắc Việt chưa được phối kiểm chính xác vì lúc đó đã gần tới ngày bầu cử. Tổng Thống Johnson cần chứng tỏ uy tín trước quốc dân rằng ông là người biết đưa ra những quyết định đúng mức và đúng lúc. Đây cũng là một dịp tốt để ông Johnson gián tiếp trả lời những thách thức của đối thủ là Thượng Nghị Sĩ diều hâu Barry Goldwater và phe cực hữu của đảng Cộng Hòa. Trước đây, vào sáng ngày 4 tháng 8, giới chức ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cùng các đại sứ ngoại quốc về các biến chuyển tại Vịnh Bắc Việt và yêu cầu họ chuẩn bị để tiếp nhận thêm những tin tức mới.
      Đúng 10 giờ 43 tối (giờ Hoa Thịnh Đốn tức 10 giờ 43 sáng ngày 5 tháng 8 tại Vịnh Bắc Việt), các phản lực cơ đầu tiên được phóng đi từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga lên đường oanh tạc Bắc Việt. Hàng không mẫu hạm Constellation lúc đó đang trên đường từ Hồng Kông tới vị trí Yankee sẽ cho phi cơ cất cánh phi sau.
      Vào lúc 11 giờ 37 tối, Tổng Thống Johnson lên đài truyền hình toàn quốc để thông báo cùng dân chúng Hoa Kỳ việc "Các chiến hạm Hoa Kỳ đã vô cớ bị ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công" và "Lực lượng Hoa Kỳ không những sẽ tự bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mà còn trả đủa đích đáng. Cuộc trả đủa này đã bắt đầu, vì vậy tôi cần thông báo với toàn thể quốc dân đồng bào đêm nay."
      CUỘC OANH TẠC TRẢ ĐỦA "PIERCE ARROW"
      Tuy Tổng Thống Johnson tuyên bố chỉ trả đũa giới hạn, nhưng cuộc oanh tạc được mệnh danh là Pierce Arrow đã bắt đầu bằng một đợt 64 phi xuất nhắm vào các căn cứ tiểu đĩnh và cơ sở tiếp vận của Bắc Việt. Dưới bầu trời u ám và trần mây thấp, sáu phản lực cơ F-8 Crusader từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga đã oanh tạc căn cứ hải quân Quảng Khê là mục tiêu xa nhất về phía Nam --ngay phía trên vùng phi quân sự-- vào lúc 1 giờ 15 chiều ngày 5 tháng 8 giờ Việt Nam (lúc đó là 1 giờ 15 sáng giờ Hoa Thịnh Đốn).
      Mười phút sau, một toán phi cơ khác cũng thuộc hàng không mẫu hạm Ticonderoga tấn công căn cứ hải quân Phúc Lợi xa hơn về phía Bắc. Toán phi cơ này cũng bắn phá kho nhiên liệu tại thành phố Vinh, phá hủy tám bồn dầu và gây nhiều đám cháy với khói đen bốc cao nhiều ngàn bộ. Ba tiếng đồng hồ sau, 14 phi cơ trở lại oanh tạc cùng mục tiêu, phá hủy thêm hai bồn dầu nữa.
      Trong khi đó, các phi cơ từ hàng không mẫu hạm Constellation cũng bắt đầu tham chiến. Vào hồi 3 giờ 45 chiều, 10 phi cơ A-4 Skyhawk, hai phi cơ F-4 Phantom và bốn phi cơ A-1 Skyraider thả bom, bắn phá cầu tàu và các tiểu đĩnh Bắc Việt tại căn cứ Hòn Gay nằm về phía Bắc Hải Phòng.

      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/004F5AC963764B95A7D93EE0C806F48B.jpg[/image]
      Hình chụp một chiến-đấu cơ A-4 Skyhawk vừa đáp xuống sân bay trên hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga. Ngày 5 tháng 8, chiến dịch dội-bom mệnh danh Pierce Arrow được thực hiện với tổng cộng 64 phi cơ từ hai mẫu-hạm Ticonderoga và Constellation. Các mục tiêu dội bom gồm hai căn cứ hải quân tại Quảng Khê và Phúc Lợi, các kho nhiên liệu tại thành phố Vinh. Ngoài ra, một số chiến đỉnh Bắc Việt tại căn cứ Hòn Gai cũng bị máy bay của Hải Quân Hoa Kỳ oanh tạc. (HÌNH ẢNH: Hải Quân Hoa Kỳ).

      Toán phi cơ này gặp phải hỏa lực phòng không dữ dội. Các ổ đại bác 37 ly và 57 ly đặt bố trí trên một ngọn đồi trông xuống cảng Hòn Gay. Xa hơn về phía Nam, một đợt phi cơ nữa cũng thuộc hàng không mẫu hạm Constellation tấn công căn cứ tiểu đĩnh tại vùng cửa Lạch Chao (Sầm Sơn).
      EVERETT AVAREZ, PHI CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA HOA KỲ BỊ CỘNG SẢN BẮC VIỆT BẮT GIỮ
      Tổng cộng, các phi cơ trong cuộc oanh tạc Pierce Arrow đã đánh chìm hơn phân nửa (25 chiếc) số tiểu đĩnh và tiêu hủy khoảng 10% số nhiên liệu dự trữ của Bắc Việt. Về phía Hoa Kỳ, có hai phi cơ bị bắn hạ và hai chiếc khác bị hư hại.
      Phi cơ Skyraider của Đại Úy Richard Sathr (Pamona, CA) trúng đạn phòng không tại vùng Lạch Chao, phi công bị chết khi rơi xuống biển. Một phi cơ khác loại Skyhawk bị bắn hạ tại Hòn Gay, phi công là Trung Úy Everett Alvarez (San Jose, CA) nhẩy dù thoát hiểm nhưng bị Cộng Sản Bắc Việt bắt làm tù binh. Như vậy, Trung Úy Alvarez là phi công Hoa Kỳ đầu tiên bị cầm giữ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau đây là lời tường thuật của Trung Úy Alvarez về chuyến công tác của mình:
      "Tôi là một trong những phi công đầu tiên được phóng đi từ hàng không mẫu hạm Constellation. Mục tiêu của tôi đã được chỉ định sẵn: đó là căn cứ tiểu đĩnh thuộc vùng mỏ than Hòn Gay nằm về hướng đông bắc của Hà Nội và bắc của cảng Hải Phòng. Phi đội chúng tôi gồm 10 phi cơ hướng về mục tiêu cách xa chừng 400 dậm. Chúng tôi hiện đang thực sự tham chiến! Đây là điều khó tin nhưng có thật. Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột như một giấc mơ [3]. Tôi cảm thấy hơi run. Khi tới mục tiêu, phi cơ của chúng tôi bay qua để nhận dạng mục tiêu trước (identification pass), sau đó vòng trở lại để bắt đầu oanh kích. Tôi bay rất thấp là là ngọn cây với vận tốc chừng 500 knots. Đột nhiên, tôi cảm thấy phi cơ không còn điều khiển được ! nữa: phi cơ đã bị trúng đạn phòng không, bắt đầu bị cháy và rơi xuống đất. Biết chắc rằng nếu còn ở lại trên phi cơ sẽ không thể nào sống được nên tôi bấm dù đào thoát. May mắn thay, dù mở và tôi không bị vướng vào những mỏm đá lởm chởm phía dưới."
      [3] TÁC GIẢ GHI CHÚ: Lúc đó hàng không mẫu hạm Constellation đang nghỉ bến ở Hồng Kông để thủy thủ đoàn tiêu khiển thì đột ngột có lệnh lập tức tơi Vịnh Bắc Việt.

      Cánh dù của Trung Úy Everett rơi xuống vùng biển tương đối cạn. Sau đó, anh bị bắt giữ và đưa tới gặp Phạm Văn Đồng lúc đó đang kinh lý vùng này. Trung Úy Alvarez bất đắc dĩ trở thành nổi tiếng vì là người đầu tiên trong số gần 600 phi công Hoa Kỳ bị Cộng Sản Bắc Việt cầm tù. Trung Úy Alvarez sau đó bị giam tại Hỏa Lò Hà Nội, nơi các tù binh Mỹ gọi là Hanoi Hilton. Mãi tới khi thỏa ước ngưng bắn Paris được ký kết hơn tám năm sau đó, ông mới được phóng thích.
      QUỐC HỘI HOA KỲ CHẤP THUẬN KẾ HOẠCH JOHNSON
      Sau khi ra lệnh oanh tạc trả đũa, Tổng Thống Johnson lập tức yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận kế hoạch "Đông Nam Á." Thượng Nghị Sĩ Williams Fullbright là người bảo trợ cho kế hoạch. Mặc dầu kế hoạch này cho phép Tổng Thống Johnson hầu như toàn quyền quyết định việc Hoa Kỳ tham chiến tại Đông Nam Á, nhưng đại đa số Dân Biểu và Nghị Sĩ Hoa Kỳ vẫn tán đồng. Chỉ có Nghị Sĩ Wayne Morse của tiểu bang Oregon, người đã từng thuộc đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, yêu cầu được biết thêm chi tiết.
      Trước đây, khi nghe phong phanh về các cuộc hành quân biệt hải trong kế hoạch OPLAN 34-A, Nghị Sĩ Morse đã chất vấn ngoại Trưởng Dean Rusk và Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara về sự liên hệ giữa các chiến hạm Hoa Kỳ và các cuộc hành quân Biệt Hải này. Ông McNamara trả lời rõ ràng: "Nếu thực sự đã có những cuộc hành quân biệt hải của Nam Việt Nam thì Hải Quân Hoa Kỳ hoàn toàn không tham dự, dính liếu hoặc hay biết gì về các hoạt động đó. Và đây là sự thực."
      Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện tranh luận khoảng 1 giờ 40 phút tranh luận rồi bỏ phiếu với kết quả hầu như mọi người đều chấp thuận, chỉ có Nghị Sĩ Morse phản đối.
      Tuy kế hoạch "Đông Nam Á" đã được Ủy Ban Ngoại Giao thông qua, nhưng sáng hôm sau, cuộc tranh luận còn tiếp tục. Nghị Sĩ Morse vẫn muốn biết sự thật về kế hoạch OPLAN-34A và Nghị Sĩ Daniel Brewster của tiểu bang Maryland chất vấn Nghị Sĩ Fullbright xem Tổng Thống Johnson có được quyền "đổ bộ một số lớn quân Mỹ lên Việt Nam và Trung Hoa" hay không. Nghị Sĩ Fullbright trả lới: "Tôi không thấy điều này được ghi rõ nhưng bản kế hoạch không ngăn cấm chuyện đó".
      Khi cuộc tranh luận kết thúc, Nghị Sĩ Ernest Gruening của tiểu bang Alaska phản đối bản kế hoạch, cho rằng: "Đây là một bản tuyên chiến được ký sẵn." Còn Nghị Sĩ Morse tuyên bố: "Tôi tin rằng lịch sử sẽ phê phán chúng ta đang phạm một lỗi lầm trọng đại, vì chúng ta đã vi hiến khi cho phép Tổng Thống Johnson được quyền tham chiến tại Đông Nam Á mà không cần tuyên chiến. Đây là một sai lầm lịch sử."
      Vào ngày 7 tháng 8 năm 1965, chỉ có Nghị Sĩ Morse và Gruening phản đối, Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu với tỉ số 88-2 chấp thuận cho "tổng thống, với quyền lực của Tổng Tư Lệnh quân đội, được toàn quyền quyết định để bẻ gẫy mọi cuộc tấn công vào quân lực Hoa Kỳ và ngăn chận những hành động thù nghịch trong tương lai." Sau đó không lâu, Hạ Viện Hoa Kỳ cũng chấp thuận kế hoạch của Tổng Thống Johnson với tỉ số 416-0.
      KHẢ NĂNG TÁC CHIẾN CỦA HẢI QUÂN HOA KỲ
      Trong trận đánh "thật" vào ngày 2 tháng 8, lực lượng Hoa Kỳ gồm Khu Trục Hạm Maddox và sáu phi cơ thuộc hàng không mẫu hạm Ticonderoga. Phía Bắc Việt gồm 3 ngư lôi đĩnh loại P-4 thuộc Phân Đội 3.
      Kể riêng về hỏa lực chiến hạm, Khu Trục Hạm Maddox có 6 đại bác 127 ly với tầm xa khoảng 20 cây số, do radar điều khiển, đó là chưa kể một số hải pháo cỡ nhỏ hơn như 76 ly, 40 ly và đại liên 20 ly đa số được dùng trong việc phòng không nhưng cũng rất hữu hiệu đối với những mục tiêu ngắn tầm trên mặt biển.
      Các ngư lôi đĩnh Bắc Việt chỉ được trang bị đại liên 14.5 ly tầm xa không quá 2 cây số và ngư lôi. Sau khi các ngư lôi đã được phóng đi, hỏa lực của tiểu đĩnh Bắc Việt không thấm thía gì so với các khẩu hải pháo trên chiến hạm Maddox.
      Ngoài ra, với ưu thế tuyệt đối về radar, Khu Trục Hạm Maddox có thể "nhìn thấy" các tiểu đĩnh Bắc Việt từ lâu trước khi vào tầm hải pháo. Hơn nữa, các radar hải pháo của Khu Trục Hạm Maddox với khả năng tự động "khóa" vào mục tiêu nên có thể tác xạ rất chính xác. Vì vậy, nếu khả năng tác chiến của Khu Trục Hạm Maddox chỉ ở mức trung bình, cả ba ngư lôi đĩnh của Bắc Việt đã bị bắn chìm từ lâu trước khi chúng tới gần để phóng ngư lôi hay bắn trúng một viên đại liên vào chiến hạm Maddox.
      Trong trận hải chiến, chiến hạm Maddox không bắn chìm được mục tiêu vì không có một viên đạn 127 ly nào bắn trúng đích. Cả ba tiểu đĩnh Bắc Việt đều bị hư hại vì miểng của những viên đạn nổ gần dưới nước.
      Trận đánh xảy ra giữa ban ngày, có lúc trong tầm ngắn, đôi bên chỉ cách nhau chừng một vài cây số. Do đó, chúng ta có thể nói khả năng tác chiến của Khu Trục Hạm Maddox dưới mức trung bình. Hải quân Hoa Kỳ viện lý do thủy thủ đoàn thiếu hụt, nhưng với trang cụ và vũ khí tối tân, đúng ra ba tiểu đĩnh Bắc Việt phải bị bắn chìm.
      Kể về phi cơ, Hoa Kỳ có ưu thế tuyệt đối. Bốn phi cơ tự do oanh tạc ba tiểu đĩnh đã bị hư hại vận chuyển khó khăn, hỏa lực lại coi như không còn gì. Lẽ ra, các tiểu đĩnh Bắc Việt không thể sống sót. Nhưng trong đợt oanh tạc đầu tiên, một phi cơ Hoa Kỳ vì hoảng hốt bốc lên quá mau tự làm hư hại cánh trái. Tất cả các hỏa tiễn Zuni của ba phi cơ còn lại đều bắn trật mục tiêu. Chỉ cần một hỏa tiễn Zuni bắn trúng đích cũng đủ làm chìm tiểu đĩnh Bắc Việt. Tuy đạn đại bác 20 ly có làm hư hại nhưng vẫn không làm chìm được mục tiêu.
      Ngoài sự yếu kém về khả năng tác chiến, lực lượng Hoa Kỳ còn phạm phải lầm lẫn quan trọng trong vấn đề liên lạc truyền tin khiến các tiểu đĩnh địch có cơ hội thoát thân. Đô Đốc Robert Moore, Tư Lệnh Hải Đội Ticonderoga đã gửi thên một phi đội thứ nhì đuổi theo để đánh chìm các tiểu đĩnh các tiểu đĩnh Bắc Việt đang chạy trốn vào bờ. Nhưng trong lúc đó, Đô Đốc Johnson, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội, ra lệnh cho chiến Hạm Maddox không được đuổi theo, để mục tiêu cho phi cơ thanh toán. Nghe được tin này, Đô Đốc Moore lầm tưởng Đô Đốc Johnson ra lệnh không được đánh chìm các tiểu đĩnh Bắc Việt, vì vậy, các phi cơ được lệnh quay về! Một lần nữa, việc "hiểu lầm" giữa hai vị Đô Đốc khiến các tiểu đĩnh Bắc Việt có cơ hội thoát thân.

      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/21636/2323DF425A134290A7C934ACE923A7C9.jpg[/image]
      Hình chụp giàn đại bác đôi 127-ly, tương tựa như loại đại bác được trang bị trên khu-trục hạm USS Maddox. Khả năng tác-chiến của thủy-thủ đoàn trên tàu Maddox có thể nói là ở mức trung bình. Với hỏa lực mạnh mẽ hơn đối phương (đại bác 127-ly), nhưng vẫn không thể bắn chìm được mục tiêu. Các chiến đỉnh Bắc Việt đều bị trúng miểng đạn, bốc cháy, nhưng không có viên đạn nào của Hải Quân Hoa Kỳ rơi trúng vào mục tiêu cả. (HÌNH ẢNH: Hải Quân Hoa Kỳ).

      Tới đây, người viết không thể không liên tưởng tới trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung Cộng. Trong trận đánh này, lực lượng tham chiến của đôi bên tương đương, một chọi một, nhưng Trung Cộng chiếm ưu thế tuyệt đối về chiến hạm trừ bị và phi cơ không yểm. Tuy vậy, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bắn chìm và gây thiệt hại cho cả bốn chiến hạm Trung Cộng, trong khi chỉ có một chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa bị chìm.
      Tuy dè dặt khó có thể nói khả năng và tinh thần chiến đấu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa trội vượt so với Hải Quân Hoa Kỳ trong trận đánh tại Vịnh Bắc Việt, nhưng có điều chắc chắn nếu Hạm Trưởng Vũ Hữu San của chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4 là Hạm Trưởng của Khu Trục Hạm Maddox có hỏa lực mạnh và tối tân, chắc chắn các tiểu đĩnh Việt Cộng đã không có cơ hội sống sót.
      Nói tóm lại, trong trận hải chiến ngày 2 tháng 8, lực lượng Hoa Kỳ tham chiến, vì lý do này hay lý do khác, đã chiến đấu tầm thường, dưới mức trung bình. Rất có thể đây là phần đầu của "chiến thuật" đánh không cần thắng của Hoa Kỳ, nhưng phần nhiều vì lúc đó Hải Quân Hoa Kỳ lần đầu tham chiến tại Việt Nam nên còn nhiều "trục trặc." Sau này, khi đã hoạt động thường xuyên hơn tại Vịnh Bắc Việt, các phi cơ và chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ đã đánh chìm hầu hết các tiểu đĩnh của Hải Quân Việt Cộng, kể cả ba tiểu đĩnh đã tấn công chiến hạm Maddox.
      TRẬN HẢI CHIẾN "TƯỞNG TƯỢNG"
      Tới trận hải chiến "tưởng tượng" vào ngày 4 tháng 8, có rất nhiều điều khó hiểu. Các chiến hạm Hoa Kỳ đã hoảng hốt báo cáo nhiều "bogeys" và "skunks" không có thật. Nhiều "contacts" lúc ẩn, lúc đột nhiên hiện ngay sát các chiến hạm như ma. Rồi các chiến hạm vận chuyển hết tốc độ để tránh trên 20 trái ngư lôi không biết từ đâu phóng ra.
      Các báo cáo "ngư lôi" nhiều không thể tưởng tượng nổi, đến nỗi Hạm Trưởng Ogier cuối cùng phát giận không vận chuyển chiến hạm lẩn tránh nữa. Ngoài ra, còn có những tin tức trái ngược, người nói trông thấy tàu địch, người nói thấy đạn nổ khiến mục tiêu bị chìm, kẻ nói thấy tàu địch rọi đèn. Nhưng những cuộc điều tra sau này đều cho thấy đây chỉ là những điều tưởng tượng.
      Sau này vào năm 1965, khi nói về trận đánh ma ngày 4 tháng 8, chính Tổng Thống Johnson xác nhận: "Theo tôi biết, Hải Quân của chúng ta đã bắn vào... cá voi tại Biển Đông." Còn Trung Tá James Stockdale, người phi công đã bay yểm trợ cho chiến hạm Maddox trong cả hai ngày 2 tháng 8 và 4 tháng 8, sau này là ứng cử viên Phó Tổng Thống trong liên danh Ross Perot, tuyên bố: "Tôi là người nhìn thấy rõ nhất những điều đã xảy ra. Vào đêm 4 tháng 8, các Khu Trục Hạm của ta đã bắn vào các mục tiêu ma! Không có ngư lôi đĩnh Bắc Việt. Chẳng có gì hết ngoài nước đen và hỏa lực của Hoa Kỳ."
      Vì vậy, khi Bộ Trưởng McNamara còn ngây thơ hỏi Võ Nguyên Giáp về trận hải chiến dêm 4 tháng 8 có thật sự xảy ra hay không, họ Võ ung dung trả lời: "Không có, hoàn toàn không có," làm McNamara Bộ Trưởng ngượng ngùng muốn biến khỏi trái đất.
      Ý ĐỒ CỦA HOA KỲ
      Cho tới nay, mặc dù đã trên 30 năm trôi qua kể từ khi có những cuộc "đụng độ" giữa các chiến hạm Maddox và Turner Joy và các tiểu đĩnh phòng duyên Cộng Sản Bắc Việt tại Vịnh Bắc Việt, nhiều nghi vấn vẫn còn được đặt ra. Chúng ta không còn nghi ngờ gì về cuộc đụng độ ngày 2 tháng 8 năm 1964 vì có đầy đủ bằng cớ về thiệt hại đôi bên và cả hai phía đề xác nhận.
      Riêng cuộc đụng độ vào đêm 4 rạng ngày 5 tháng 8 vẫn còn đưa đến nhiều tranh luận. Giới chức thẩm quyền, kể cả Hải Quân Hoa Kỳ cho rằng các ngư lôi đĩnh Cộng Sản Bắc Việt đã thật sự tấn công các Khu Trục Hạm Maddox và Turner Joy trong khi các chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam tỏ vẻ hoài nghi.
      Vậy thật ra Hoa Kỳ đã oanh tạc Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964 để trả đũa các hành động thù nghịch hay cố tình gây hấn? Hoa Kỳ có gây hấn không? Vì lý do gì? Để tìm hiểu sự thực, chúng ta cần duyệt lại bối cảnh lịch sử tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ lúc bấy giờ.
      BỐI CẢNH LỊCH SỬ
      Tại Việt Nam Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị ám sát với sự tiếp tay gián tiếp của Hoa Kỳ. Lý do vì Tổng Thống Diệm đã không đồng ý để Hoa Kỳ can thiệp quá sâu vào nội tình Việt Nam. Lúc đó tướng Nguyễn Khánh đang cầm quyền sau cuộc chỉnh lý ngày 29 tháng 1 năm 1964. Tuy tướng Dương Văn Minh (biệt hiệu là "Big Minh") vẫn ngồi ghế quốc trưởng nhưng đây chỉ là chức vụ bù nhìn vì quyền hành đếu nằm trong tay tướng Khánh, tướng Khiêm và Đỗ Mậu. Các tướng đã từng tham gia cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm như tướng Kim, tướng Đôn, tướng Xuân v.v. đều bị quản thúc tại gia vì tội muốn bắt tay với chính phủ De Gaule của Pháp để trung lập hóa miền Nam.
      Vào tháng 6 năm 1964, bốn "tướng Đà Lạt" [4] là Kim, Đôn, Xuân, Đính đều bị ra tòa án quân sự. Tình hình quân sự tại miền Nam càng thêm suy thoái vì sau mỗi lần đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng. Cộng quân lại có thêm cơ hội dành dân, lấn đất. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Henry Cabot Lodge, Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson và giới chức quân sự Hoa Kỳ tin rằng muốn dẹp hẳn Cộng Sản tại miền Nam, cần phải đập tan đầu não của chúng tại miền Bắc. Ngoài ra, nếu giải pháp trung lập do chính phủ Pháp khởi xướng được thành tựu, có lẽ ảnh hưởng của ngưới Pháp sẽ dần dần thay thế quyền lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
      [4] VNCTLS GHI CHÚ: Ðó là các tướng Lê Văn Kim, Trần Văn Ðôn, Mai Hữu Xuân, và Tôn Thất Ðính.

      Vì vậy, Hoa Kỳ không còn cách nào hơn phải ủng hộ tướng Khánh lúc đó cũng đang hô hào "bắc tiến." Muốn đánh vào Bắc Việt, Hoa Kỳ cần tìm lý do "chính đáng" để thuyết phục Quốc Hội, dễ ăn nói với dân chúng cũng như dư luận quốc tế. Và lý do đó là biến cố Vịnh Bắc Việt. Tại Hoa Kỳ trước đó không lâu cũng đã xảy ra một biến cố chính trị lớn, đó là vụ Tổng Thống Kennedy bị ám sát tại Dallas đưa đến việc Phó Tổng Thống Johnson kế vị chức Tổng Thống. Tân Tổng Thống Johnson muốn chứng tỏ là vị nguyên thủ xứng đáng nên có ý định "làm mạnh" tại Việt Nam để lấy uy tín.
      Tổng Thống Johnson cho rằng việc lật đổ Tổng Thống Diệm là một điều thất sách, nhưng đây là chuyện đã rồi, chỉ còn cách gia tăng áp lực với Bắc Việt để đạt được các mục tiêu quân sự và chính trị tại miền Nam. Việc "gia tăng áp lực" này cũng cần có một lý do để giải thích với quan thầy của Việt Cộng là Nga Sô và Trung Cộng.
      CÁC NGHI VẤN
      Trở lại các cuộc "đụng độ" ngoài khơi Vịnh Bắc Việt, chúng ta còn nhớ, theo báo cáo của Hải Quân Hoa Kỳ, các ngư lôi đĩnh Cộng Sản Bắc Việt lần đầu tiên tấn công Khu Trục Hạm Maddox ngoài khơi Thanh Hóa vào ngày 2 tháng 8 năm 1964. Sau đó, vào ngày 4 tháng 8, hai chiến hạm Maddox và Turner Joy lại bị tấn công xa hơn về phía Nam, ngoài khơi thành phố Vinh. Các cuộc tấn công này cũng trùng hợp với những cuộc hành quân biệt hải mang bí danh OPLAN 34-A của Hải Quân VNCH vào các hải đảo và vùng duyên hải Bắc Việt. Vậy hoạt động của chiến hạm Hoa Kỳ có liên quan tới các cuộc hành quân biệt hải không?
      Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ McNamara từng tuyên bố: "Các chiến hạm Hoa Kỳ không hề dính líu gì đến các cuộc hành quân biệt hải cũng như hoạt động mật của Hải Quân VNCH." Đây chỉ là một xảo thuật chính trị nếu không muốn gọi là "nói dối." Thật ra OPLAN 34-A là con đẻ của CIA và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nên chắc chắn McNamara không những biết rõ mà còn là một trong những nhân vật quyết định.
      Tuy thủy thủ đoàn được tuyển lựa từ Hải Quân Việt Nam nhưng các chiến đĩnh PTF thuộc Lực Lượng Hải Tuần đều do Hoa Kỳ cung cấp và hệ thống yểm trợ, tiếp vận cũng do Hoa Kỳ đảm trách. Về phương diện hành quân, mỗi chuyến công tác vượt Vĩ Tuyến 17 đều hoàn toàn do thủy thủ đoàn Việt Nam đảm trách, không hề có nhân viên Hoa Kỳ đi theo.
      Việc hoạt động phối hợp với các chiến hạm Hoa Kỳ ngoài khơi Vịnh Bắc Việt tuy không trực tiếp nhưng đôi bên đều biết các hoạt động của nhau để tránh ngộ nhận và hỗ tương yểm trợ khi cần. Tác giả đã phục vụ trên các PTF trong thới gian 5 năm nên biết rất rõ điều này.
      Theo kế hoạch OPLAN 34-A được soạn thảo từ năm 1964, Lực Lượng Hải Tuần được thành lập tại Đà Nẵng để đảm nhiệm những công tác biệt hải trong vùng Vịnh Bắc Việt. Các chiến đĩnh và chiến cụ đều do Hoa Kỳ cung cấp nhưng thủy thủ đoàn hoàn toàn là Việt Nam được tuyển lựa trong số những nhân viên ưu tú thuộc Hải Quân VNCH với tư cách tình nguyện và phải ký giao kèo mỗi sáu tháng.
      Các chiến đĩnh thuộc Lực Lượng Hải Tuần đều là những loại đặc biệt như PTF đóng tại Na Uy có vận tốc tối đa trên 50 knots hay Swift với vận tốc chừng 30 knots. Lực Lượng Hải Tuần thường xâm nhập hải phận miền Bắc vào ban đêm để thả các toán Biệt Hải xâm nhập, phá hoại, bắn phá các cơ sở phòng thủ duyên hải, bắt cóc các công an duyên phòng, thả truyền đơn hoặc tiếp xúc với dân chúng để thu thập tin tức tình bào. Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về Lực Lượng Hải Tuần và các toán Biệt Hải khi hoàn cảnh cho phép.
      Như trên đã nói, các hoạt động của Lực Lượng Hải Tuần đều nằm trong kế hoạch OPLAN 34-A của Hoa Kỳ nên dĩ nhiên các chiến đĩnh Biệt Hải phối hợp chặt chẽ với các chiến hạm Hoa Kỳ có mặt trong vùng. Nhiều cuộc thực tập vận chuyển ban đêm thường được tổ chức để làm quen và nhận dạng. Trong nhiều chuyến công tác, các chiến đĩnh Lực Lượng Hải Tuần đóng vai chim mồi, giả bộ tiến gần vào bờ biển Bắc Việt khiến các giàn radar và hải pháo phòng duyên địch bắt buộc phải lộ diện để phi cơ Hoa Kỳ oanh kích.
      Cũng có lúc các chiến đĩnh Lực Lượng Hải Tuần chạy thật chậm trước các căn cứ hải quân Bắc Việt để dụ các tiểu đĩnh Cộng Sản rời nơi ẩn núp đuổi theo. Lúc đó, các chiến đĩnh tăng tốc độ giữ một khoảng cách an toàn ngoài tầm hải pháo địch. Khi các tiểu đĩnh Cộng Sản bị dụ xa ra ngoài khơi, ngoài tầm hoạt động của những ổ súng phòng không, các phi cơ Hải Quân Hoa Kỳ phục sẵn trên mây sẽ bất thần nhào xuống làm thịt các con mồi.
      Nhưng ngoại trừ trong các cuộc hành quân phối hợp đặc biệt, các chiến đĩnh Lực Lượng Hải Tuần thường hoạt động biệt lập, không trực tiếp liên quan với các chiến hạm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì cùng hoạt động trong vùng Vịnh Bắc Việt, đôi bên đều có thể nhận dạng nhau bằng radar hải thám và liên lạc âm thoại để yểm trợ nhau khi cần. Thí dụ như đôi khi Lực Lượng Hải Tuần đảm nhiệm thêm công tác tìm kiếm phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi hay mất tích ngoài biển, trong khi các chiến hạm Hoa Kỳ trợ giúp các PTF hay Swift bị hỏng máy hay bị hư hại. Vì những liên hệ trực tiếp hay gián tiếp nêu trên, sự có mặt của Khu Trục Hạm Maddox ngoài khơi Thanh Hóa vào ngày 2 tháng 8 năm 1964 không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên như Hoa Kỳ đã công bố.
      Trước đó 2 ngày, vào rạng sáng 31 tháng 7, các chiến đĩnh của Lực Lượng Hải Tuần đã bắn phá hải đảo Hòn Mê chỉ cách bờ biển Thanh Hóa chừng 30 hải lý về phía Đông Nam. Sau khi bị tấn công, đương nhiên Cộng Sản Bắc Việt phải gia tăng phòng thủ bằng cách phái các tiểu đĩnh tuần tiễu vùng ven biển và các hải đảo.
      Các công điện điều động tiểu đĩnh phòng quyên của địch do toán kiểm thính trên chiến hạm Maddox bắt được chứng tỏ điều này. Đến chiều ngày 2 tháng 8, khi Khu Trục Hạm Maddox bị các tiểu đĩnh Cộng Sản tấn công gần bờ biển Thanh Hóa, điều này cũng dễ hiểu vì lực lượng duyên phòng lầm tưởng chiến hạm này là một thành phần của lực lượng tấn công cùng với Lực Lượng Hải Tuần đã bắn phá Hòn Mê mấy đêm về trước.
      Cuộc tấn công này thực sự đã xảy ra bị đôi bên tham chiến giữa ban ngày và chiến hạm Maddox bị trúng một viên đạn dưới chân đài kiểm xạ. Hơn nữa, các phi cơ từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga tới trợ chiến cũng đã tìm thấy mục tiêu và dùng hỏa tiễn Zuni cùng với đại bác 20 ly bắn hư hại nhiều tiểu đĩnh Cộng Sản. Mới đây nhất, chính Cộng Sản Bắc Việt cũng xác nhận chúng đã tấn công. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy phía Cộng Sản Bắc Việt cũng đã lầm lẫn vì họ tưởng mục tiêu chỉ là những chiến đĩnh của Lực Lượng Hải Tuần với hỏa lực tương đương.
      Vào năm 1964, hệ thống radar phòng duyên của Bắc Việt hãy còn thô sơ và không đủ vị trí để có thể theo dõi bao trùm vùng duyên hải. Đa số các phát hiện đều do sự quan sát bằng mắt thường. Bằng cớ là lúc đó, các chiến đĩnh Lực Lượng Hải Tuần hoạt động ban đêm như vào chỗ không người, chỉ khi nào vào sát bờ bắn phá hay hoạt động giữa ban ngày mới bị phát hiện. Vì vậy, nếu biết chắc mục tiêu là một Khu Trục Hạm Hoa Kỳ với phi cơ yểm trợ, chắc chắn mấy tiểu đĩnh lỗi thời thuộc loại phế thải của Bắc Việt đã không giám mở cuộc tấn công, nhất là giữa thanh thiên bạch nhật, không có hải pháo phòng duyên và phi cơ yểm trợ. Khi đã ra tới biển, chạm trán với đối thủ có hỏa lực mạnh hơn thì chuyện đã rồi, không thể bỏ chạy.
      Tuy các tiểu đĩnh Cộng Sản có lợi thế hơn về tốc độ, nhưng tầm hải pháo lớn nhất 37 ly (trên tiểu đĩnh loại Swatow) và 14.5 ly của họ chỉ bằng một phần năm so với tầm đại bác 127 ly trên chiến hạm Maddox. Hơn nữa, giàn radar của chiến hạm Hoa Kỳ cũng nhìn được xa hơn rất nhiều nên trước khi các tiểu đĩnh Cộng Sản vào được tầm phóng ngư lôi hoặc đại bác 37 ly thì đã bị sáu khẩu hải pháo có radar điều khiển trên chiến hạm Maddox bắn hư hại từ lâu rồi.
      Ngoài ra, phía Hoa Kỳ còn có phi cơ yểm trợ, phần bất lợi lại càng nghiêng về phía Cộng Sản Bắc Việt. Hơn nữa, chiến thuật của các tàu phóng ngư lôi thường dùng là "bất ngờ đánh trộm" nên chỉ có lợi thế khi phục kích và tấn công vào ban đêm. Thông thường, các như lôi đĩnh ẩn trốn gần các đảo nhỏ khiến radar của chiến hạm không dò thấy. Khi con mồi tới gần, các tiểu đĩnh mở hết tốc độ lao thẳng vào mục tiêu và phóng ngư lôi từ nhiều hướng rồi bỏ chạy. Chúng ta có thể đoan quyết rằng, nếu cần phải đụng độ với chiến hạm Hoa Kỳ, chắc chắn các tiểu đĩnh Cộng Sản sẽ tấn công vào ban đêm thay vì lúc ban ngày.
      TRẬN ĐÁNH MA
      Nhưng nếu càng chắc chắn bao nhiêu về trận đánh ngày 2 tháng 8 thì mọi người lại càng hoài nghi về cuộc đụng độ hai hôm sau đó, vào ngày 4 tháng 8. Lúc đó, chiến hạm Maddox đã được Khu Trục Hạm Turner Joy tăng cường, nghĩa là lực lượng Hoa Kỳ mạnh gấp đôi và dĩ nhiên đề phòng cẩn thận hơn. Trận hải chiến "ma" này được phía Hoa Kỳ mô tả như một cuộc "dạ chiến" dưới bầu trời đen kịt đày mưa giông và gió lớn.
      Đại Tá Herrick, Chỉ Huy Trưởng Phân Đoàn Đặc Nhiệm 72.1 (Phân đội 1 "Maddock và Turner Joy" thuộc Hải Đội 2 "hàng không mẫu hạm Ticonderoga" nằm trong Hạm Đội 7) sau này cho biết về tình trạng thời tiết đêm đó như sau: "Trời tối đen không trăng sao, thỉnh thoảng có vài tia chớp." Vì thời tiết xấu và trần mây thấp, radar thường phát hiện những hồi-ba giả vì luồng sóng điện từ phát ra dội vào lớp mây trở về máy thu. Ngoài ra, vì biển động, các chiến hạm lại vận chuyển với vận tốc cao nên những luồng siêu âm do máy sonar (dùng để dò tàu ngầm hay nghe tiếng động của tàu ngầm hoặc thủy lôi) phát ra cũng dễ bị nhiễu loạn.
      Sau đây là tóm tắt các nghi vấn chính ghi nhận được trong trận "dạ chiến":
      ·  Các hồi-ba trên màn ảnh radar lúc ẩn lúc hiện, không rõ ràng. Có lúc đột nhiên "hiện" ra sát chiến hạm rồi lại biến mất. Radar hải pháo cũng không "khóa" được mục tiêu vì hồi-ba không rõ.
      ·  Chuyên viên sonar của chiến hạm Maddox báo cáo phát hiện tiếng chân vịt xoáy nước của tổng cộng 26 quả ngư lôi, trong lúc Khu Trục Hạm Turner Joy không phát hiện được gì. Chúng ta cũng nên nhớ, mỗi tiểu đĩnh Cộng Sản chỉ mang được hai quả thủy lôi. Như vậy nếu báo cáo của Khu Trục Hạm Maddox là chính xác, lực lượng tấn công của Bắc Việt phải có ít nhất 11 tiểu đĩnh và tất cả đã phóng hết ngư lôi.
      ·  Không có người nào trên các chiến hạm Hoa Kỳ đã thực sự nhìn thấy các tiểu đĩnh Bắc Việt bằng mắt thường hay ống nhòm. Nên nhớ, khi phóng ngư lôi, các tiểu đĩnh phải vào rất gần mục tiêu.
      ·  Phi cơ bao vùng từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga bay cách mặt biển chừng 1,000 feet (304 mét) cũng không tìm ra các tiểu đĩnh, mặc dù khi vận chuyển với vận tốc cao, các tiểu đĩnh này để lại những luồng sóng rất lớn và sáng như lân tinh phía sau lái, rất dễ nhận từ trên cao.
      Chúng ta không lấy làm lạ nếu thủy thủ đoàn chiến hạm Maddox luôn luôn ở trong trạng thái lo âu và hồi hộp vì đã thật sự bị tấn công mấy ngày truớc. Chính Hải Đội Trưởng Herrick lúc nào cũng "yên trí" sẽ bị tấn công lần nữa. Vì vậy, khi nghe trung tâm chiến báo loan tin radar ghi nhận nhiều hồi-ba lạ cách 36 hải lý, tinh thần mọi người đều căng thẳng nên đưa đến ngộ nhận. Qua các sự kiện nêu trên, nhất là việc nghe thấy tiếng chân vịt của trên 20 quả ngư lôi, chắc chắn đây chỉ là một trận đánh ma, không có địch thủ.
      KẾT LUẬN
      Tóm lại, trận đánh ngày 4 tháng 8 đã không xảy ra hay chỉ xảy ra trong "kế hoạch" hay trí tưởng tượng của các giới chức quân sự Hoa Kỳ. Rất có thể, đây là một sự sắp đặt để Hoa Kỳ có thêm lý do tấn công "trả đũa" Bắc Việt, vì tuy là một trận đánh ma nhưng Bắc Việt đã bị oanh tạc thật. Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson đã ra lệnh cho Hải Không Quân Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt qua chiến dịch Pierce Arrow.
      Daniel Ellsberg, một nhân viên cao cấp trong chính phủ Johnson sau này khi được hỏi về việc chính phủ có dụng tâm lừa dối Quốc Hội hay không, cũng tuyên bố: "McNamara có nói dối trước Quốc Hội vào năm 1964 không? Tôi có thể trả lời câu hỏi này. Có, tôi biết ông ta đã nói dối. Lúc đó tôi làm việc cho John McNaughton là Thứ Trưởng Quốc Phòng đặc tráng An Ninh Nội Vụ. McNaughton biết McNamara đã nói dối. McNamara biết ông ta đã nói dối và tới bây giờ vẫn tiếp tục nói dối. Ngoại Trưởng Dean Rusk và McNamara tường trình trước Quốc Hội trước khi biểu quyết. Họ đã lừa dối trước Quốc Hội. Tôi biết rõ như vậy. Bây giờ nhìn lại những sự kiện đó, tôi không hãnh diện chút nào."
      Phụ Tá Ngoại Trưởng George Ball cũng trả lời trong cuộc phỏng vấn của đài BBC vào năm 1977 như sau: "Nhiều người liên quan tới cuộc chiến lúc đó tìm lý do để oanh tạc. Mục đích của cuộc tuần tiễu DeSoto là để khiêu khích Bắc Việt. Mọi người tin rằng nếu bị tấn công, chiến hạm Hoa Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ khiêu khích."
      Riêng Daniel Ellsberg trong cuộc hội thảo do Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam tổ chức vào tháng 11 năm 1995 cũng chỉ trích thêm: "Vào mùa hè năm 1964 đã có kế hoạch sắp sẵn để hướng dư luận quần chúng ủng hộ chiến tranh và giúp Tổng Thống Johnson đắc cử bằng thủ đoạn lừa bịp. Vào năm 1971, Nghị Sĩ Morse, một trong 2 người phản đối Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt bảo tôi: Nếu tôi cung cấp cho ông ta đầy đủ tin tức, chắc chắn không có nghị quyết này, và nếu có cũng không được Quốc Hội chấp thuận."
      Do dó, nếu nói rằng biến cố Vịnh Bắc Việt là đầu mối đưa đến việc quân đội Hoa Kỳ phải tham chiến tại Việt Nam cũng chưa hẳn đúng. Vì nếu không có biến cố này, sớm muộn Hoa Kỳ cũng sẽ tìm một lý do khác --rất có thể là biến cố vịnh Thái Lan chẳng hạn-- để đạt được mục đích. Nhiều nhân viên chính phủ cho biết "Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt" là một bản văn đã soạn sẵn từ mấy năm trước.
      Nhưng không hẳn chỉ vì sự sống còn của miền Nam Việt Nam mà Hoa Kỳ đã gây hấn với Bắc Việt. Ngoài những lý do liên quan tới sách lược toàn cầu và quyền lợi của siêu cường quốc tế, Tổng Thống Johnson mới nhậm chức của Hoa Kỳ cũng cần tạo thêm uy tín. Khi Tổng Thống Kennedy bị ám sát vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, Phó Tổng Thống Johnson kế nhiệm theo hiến pháp. Tuy đã làm Tổng Thống, nhưng Johnson còn nặng mang hai mặc cảm lớn: một là mới được "thừa kế" chứ chưa phải do dân bầu lên. Hai là dân chúng Hoa Kỳ, nhất là tại các tiểu bang "Yankee" miền Bắc thường coi nhẹ Johnson như một anh cowboy ít học, nóng nảy và không lịch lãm như Kennedy.
      Do đó, dù không thực lòng muốn mở rộng chiến tranh tại Việt Nam vì ngại đụng chạm với Trung Cộng, nhưng với quyết định nhanh chóng trả đủa Bắc Việt, Johnson đã chận đứng được những chỉ trích của hai đối thủ lợi hại đang lăm le tranh chức Tổng Thống nhiệm kỳ tới là George McGovern và con diều hâu mạnh miệng Barry Goldwater. Ngoài ra, Johnson cũng được tiếng là người cứng rắn nhưng sáng suốt biết đưa ra những quyết định đúng mức và đúng lúc.
      Kết quả là chỉ ít lâu sau khi ra lệnh oanh tạc Bắc Việt, uy tín của Tổng Thống Johnson vọt cao khi tuyệt đại đa số lưỡng viện Quốc Hội và 85% dân chúng Hoa Kỳ nồng nhiệt ủng hộ quyết định trả đủa của Tổng Thống. Chỉ ít lâu sau đó, đảng Dân Chủ đề cử Johnson làm ứng cử viên Tổng Thống và ông đã đắc cử với số phiếu rất cao.
      Một điểm đặc biệt đáng ghi là chỉ gần đây, Việt Cộng mới lên tiếng xác nhận đã tấn công chiến hạm Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 8, nhưng trận đánh trong đêm 4 rạng ngày 5 tháng 8 chỉ do Hoa Kỳ bịa đặt để lấy cớ oanh tạc Bắc Việt vào ngày 5 tháng 8.
      Nhưng trước đó, khi cuộc chiến tại Việt Nam còn tiếp diễn, chính Việt Cộng cũng lại gián tiếp "phụ giúp" Hoa Kỳ trong việc "nói dối." Lúc đó, bộ máy tuyên truyền lừa bịp của Việt Cộng không những đã xác nhận các tiểu đĩnh của họ đã đánh đuổi chiến hạm Mỹ xâm lược vào các ngày 4 và 5 tháng 8, mà Hải Quân Bắc Việt còn chọn ngày này là ngày kỷ niệm "Truyền Thống."
      Tưởng cũng cần nói thêm, Bắc Việt rêu rao Hải Quân của họ đã đánh chìm 353 tàu bè Hoa Kỳ. Chúng ta biết rõ cả Hải Quân Việt Cộng chỉ có không quá 60 quả ngư lôi. Như vậy tất cả những ngư lôi này đều phóng trúng đích và mỗi quả đánh chìm trung bình 6 tàu bè đế quốc Mỹ xâm lược! Thật đúng là "kẻ cắp nói dối" gặp "bà già nói láo." Vì vậy, ta có thể nói: nếu cho rằng biến cố Vịnh Bắc Việt là do Hoa Kỳ đạo diễn thì Hải Quân Bắc Việt cũng đóng vai trò quan trọng trong đó.
      Biến cố Vịnh Bắc Việt tuy xảy ra cách đây đã trên 30 năm, nhưng ảnh hưởng vẫn còn đè nặng trên vận mạng của người Việt Nam thuộc cả hai miền Nam, Bắc. Hàng triệu người đã trở thành các oan hồn thảm tử trên các chiến trường. Biết bao gia đình ly tán. Việt Cộng thôn tính Miền Nam đã biến Việt Nam thành một trong những quốc gia nghèo đói, lạc hậu nhất thế giới. Chính sách cai trị ngu dân và sắt máu với các trại tù tập trung đã giết oan hàng trăm ngàn tinh hoa của dân tộc. Gần hai triệu người sống lưu vong nơi hải ngoại. Hàng trăm ngàn người khác bỏ mạng trên rừng, ngoài biển trên đường vượt biên vì không thể sống với Cộng Sản.
      Việt Cộng trước đây rêu rao chiêu bài "Chống Mỹ cứu nước" thì nay lại "đổi mới" hô hào "Lạy Mỹ cứu nước". Muốn dân giàu nước mạnh, chúng ta cần phải tự lập, không được ỷ lại vào người ngoài. Dù Cộng Sản hay Tư Bản, ngoại bang chỉ lo cho quyền lợi của họ và chỉ dùng các nước nhược tiểu như một con chốt thí.

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.01.2008 13:04:22 bởi lyenson >
      Attached Image(s)
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9