Đất và người Thanh Chương với Truyện Kiều
phantien 13.01.2008 10:57:54 (permalink)
ĐẤT VÀ NGƯỜI THANH CHƯƠNG VỚI TRUYỆN KIỀU
                                                                                                                      Phan Bá Tiến
 
Hẳn  trong tâm trí nhiều người, Ngày xuân con én đưa thoi…,  luôn là câu Kiều được neo giữ nơi miền kí ức . Thì cũng phải thôi, ngẫm cho kĩ,  thơ văn xưa nay đã ai nói về mùa xuân hay hơn cụ Nguyễn ! Vậy thì cũng đủ căn cớ  thôi để  mỗi độ Xuân về, chúng ta lại được thưởng Xuân bằng những câu chuyện về  mảnh đất và  con người Thanh Chương với  Truyện Kiều
 
1. Thanh Chương , nơi tìm thấy bản Truyện Kiều cổ nhất hiện nay
Nói đến Truyện Kiều  là nói đến một kiệt tác của nền văn học Việt Nam, nhờ đó mà văn hoá Việt Nam thêm rạng rỡ, vẻ đẹp của tiếng Việt  thêm kiêu sa và  Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du được tôn vinh là Danh nhân văn hoá thế giới. Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm bất hủ này, ít nhất đã được in ấn bằng chữ Nôm 43 lần, hàng trăm lần tái bản bằng chữ Quốc ngữ, được dịch ra hàng chục thứ tiếng phổ biến trên thế giới. Ấy vậy mà, oái oăm thay, cho đến nay, bản gốc Truyện Kiều vẫn bặt vô âm tín. Càng yêu mến Truyện Kiều, người ta càng phổ biến, càng xuất bản, càng in và hậu quả của việc đó là Truyện Kiều càng… bị tam sao thất bản . Cái kiểu yêu nhau như thế thì thật là bằng mười phụ nhau khi mà  so bề tài sắc, với các bản Truyện Kiều ấy thì vẻ sắc sảo mặn mà của nguyên tác dường như vẫn là phần hơn.
Bản Truyện Kiều cổ nhất hiện nay (đang lưu giữ tại Khu di tích Nguyễn Du- làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)  được xác định là bản Kim Vân Kiều tân truyện, do nhà sách Liễu Văn Đường xuất bản  tháng Giêng năm Bính Dần ( tháng 2/1866) đời vua Tự Đức thứ 19. Bản Kiều nôm này được tìm thấy ở Thanh Tường, trong tàng thư của Cử nhân Nguyễn Thế Cát (1855-1937), là ông nội của thầy giáo Nguyễn Thế Quang - một thầy giáo dạy Văn có tiếng ở THPT Thanh Chương I (sau là THPT Huỳnh Thúc Kháng ). Xin nói thêm, Cử nhân Nguyễn Thế Cát từng giữ chức Phụng thành đại phu Hàn lâm viên Thị giảng, có nhều học trò thành danh trong khoa bảng và là tác giả của cuốn sách Đại Đồng tổng Hương Hội khoa lục.
Người phát hiện ra bản Kiều nôm 1866  này vào tháng 3-2003 là ông Đào Tam Tỉnh khi ông được thầy giáo Nguyễn Thế Quang đưa cho xem một cuốn sách giấy dó, chữ in khắc mộc.  Thật đáng tiếc là bản Kiều này bị mất rải rác tới 18 tờ (864 câu).  Những người phiên âm, khảo đính  là nhà nghiên cứu, sưu tầm Truyện Kiều  Nguyễn Khắc Bảo (quê Bắc Ninh) và Tiến sĩ Nguyễn Trí Sơn ( người Nghĩa Đàn) đã phải “ chắp nối” với bản Kiều nôm do nhà in Thịnh Mỹ Đường xuất bản năm 1879 để cho ra đời một bản Truyện Kiều “lắp ghép”(Nhà xuất bản Nghệ An- 2004) được coi là gần nguyên tác nhất hiện nay.
Thôi thì “chưa có cái ta yêu, hãy yêu cái ta có”, tạm bằng lòng với bản Kiều này để ta hiểu thêm về Nguyễn. Trong lúc chờ đợi một bản Kiều nôm khác cổ hơn (biết đâu, nguyên tác của Nguyễn Du) chúng ta hãy cứ tự hào về  một miền đất và những con người đã có công lưu giữ báu vật tinh thần của cha ông.
2. Người Thanh Chương nặng lòng nhất với Truyện Kiều
Có lẽ , trong số những người nặng lòng nhất với Truyện Kiều là Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Tài Cẩn, một trong những chuyên gia  đầu ngành của ngành ngôn ngữ học nước nhà. Ông sinh ngày 02/5/1926 (tuổi Bính Dần) tại làng Thượng Thọ -Thanh Văn. Ông am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực của ngôn ngữ và đặc biệt nặng lòng với Truyện Kiều. Từ góc độ của  ngôn ngữ và lịch sử Nguyễn Tài Cẩn đã giúp chúng ta  nhìn nhận lại  một số tồn  nghi  xung quanh Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Về thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều : Trước đây, trong các công trình nghiên cứu, nhiều người cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc về (1814-1820). Tuy nhiên cũng có ý kiến  cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trước khi đi sứ, trong thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Điều đáng quan tâm ở đây là, dù các ý kiến có khác nhau về thời gian trước và sau khi đi sứ nhưng đều là thời kì Nguyễn Du làm quan cho triều Nguyễn. Bằng những nghiên cứu của mình, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và cộng sự đã luận giải qua các chữ kỵ húy để cho rằng Truyện Kiều đã được viết ra từ đời Lê-Trịnh, bởi không  lẽ gì mà Nguyễn Du- một ông Tham tri Bộ Lễ- lại có thể phạm vào những điều huý kị chết người khi nhà Nguyễn đã xác lập vương quyền với Bộ Luật Gia Long nổi tiếng tàn khốc. Và như vậy, từ chữ và nghĩa, ông đã chứng mình  được thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều  vào khoảng 1796-1801. Đó là tác phẩm bộc lộ thiên tài và tâm sự của Tố Như  chứ không phải của  một ông Tham tri Bộ Lễ  triều Nguyễn.
 Về vấn đề phục hồi nguyên tác Truyện Kiều : Như trên đã nói, bản gốc Truyện Kiều ngày nay  đã không còn. Cùng với các nhà Kiều học như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn,  Đào Thái Tôn, Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, An Tri Nguyễn Khắc Bảo, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là một trong những người có đóng góp to lớn trong việc tìm về nguyên tác Truyện Kiều ... . Điều chúng ta có thể mong đợi là các nhà Kiều sẽ đối chiếu từ nhiều bản Kiều nôm, nghiên cứu các vấn đề chữ nghĩa, lịch sử, văn hoá… để có thể khôi phục được một bản Kiều gần với nguyên tác nhất, nghĩa là gần với Nguyễn Du nhất. Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Truyện Kiều còn tồn tại khoảng 500 trường hợp chữ nghĩa cần được soi xét.
Không biết khi sinh thời  trong mười năm gió bụi đã có khi nào gót  chân của Nguyễn bước đến  mảnh đất  Thanh Chương này chưa. Nhưng nay thì Nguyễn đang được những người con Thanh Chương “ có con mắt tinh đời” trả lại cho Truyện Kiều những máu thịt nhất mà Nguyễn đã “đứt ruột “ viết ra. Hẳn là nơi Tiên Điền, Nguyễn Du có được  “ngậm cười chín suối” !
                                                                                       13/01/2008
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9