Tôi với ông có họ mà !
Nghiêm Lương Thành 17.01.2008 13:32:09 (permalink)
Nghiêm Lương Thành



TÔI VỚI ÔNG CÓ HỌ MÀ !
 
           
            Phúc Cụt. Bạn bè vẫn gọi hắn như vậy.
            Cái tên, đơn giản, được được đặt ra để phân biệt người này với người kia, tiện cho việc giao tiếp và thông tin trong quan hệ cộng đồng. Cái tên của một người, đôi khi, cũng phản ảnh một hy vọng tốt đẹp nào đó mà những bậc cha mẹ muốn gửi gắm vào đứa con của mình.
            Trong cái tên Phúc Cụt: Phúc là tên cúng cơm, là một trong những chữ có ý nghĩa tốt đẹp nhất mà người phương Đông đã từng nghĩ ra; Cụt là biệt hiệu mà bạn bè, đồng đội đặt cho hắn. Cụt, đối với Phúc, nghĩa là chẳng còn cái chân nào. Thoạt nghe, thấy cách gọi ấy ác quá, thậm chí là độc ác. Nhưng thế đấy. Ngẩng mặt lên cành mít, cái ta nom thấy là quả chứ không phải là múi.
 
*
 
Chiến tranh đã cuốn Phúc vào vòng xoắy khốc liệt và vô tình của nó khi hắn đang học năm thứ ba bậc đại học. Và, cũng chính chiến tranh, đã dửng dưng lấy mất của hắn đôi chân; một đôi chân bình thường như muôn vàn những đôi chân khác; nghĩa là chúng có thể giúp hắn đem lại hạnh phúc cho những người thân yêu và chính mình, bình dị và tự nhiên như mỗi buổi sớm ta thức dậy giữa muôn vàn tiếng chim hót bên ngoài cửa sổ. Tuy vậy, sau khi chữa trị vết thương, với đôi chân gỗ có những chiếc nẹp sắt, Phúc quay trở lại học tiếp và, không cần phải cố gắng gì nhiều, hắn đã lấy được tấm bằng cử nhân như mong muốn. Khi nhận việc tại một sở của nhà nước, hắn đã tự hứa và hạ quyết tâm với chính mình là phải làm việc thật tốt, phải vẫn là người hữu dụng như bất cứ một người bình thường nào.
Thời gian ở chiến trường và sau đó là những năm chữa trị và học tập, xã hội đã có nhiều biến đổi; có nhiều cái không giống như những gì hắn đã từng biết, cũng có nhiều cái lạ lùng trái khoắy hắn không hề thấy trước đấy. Mặc, Phúc vẫn hăm hở lao vào công việc, cặm cụi học thêm ngoại ngữ, tranh thủ thời gian đọc thêm để nâng cao kiến thức chuyên môn và sống thật chan hoà, thành thực với các đồng nghiệp. Nhưng, thật oái oăm, mọi cố gắng suy nghĩ phát hiện, phân tích và đề xuất trong công việc hầu như đều không được đón nhận; khi thì từ phía các phòng chức năng, lúc thì từ phía đảng uỷ, lần khác lại từ phía ban giám đốc. Tuy không nói thẳng ra, nhưng khá nhiều những cặp mắt - những cái cửa sổ tâm hồn - cho thấy họ đã, không hẹn mà gặp, không bàn bạc mà đã khá nhất trí với nhau rằng tất cả những cố gắng, nỗ lực của Phúc đều bắt nguồn từ một động cơ không trong sáng. Một lần, một đồng nghiệp vui tính vỗ vai hắn, bảo: “Này anh bạn, cống-hiến ư ? Mỏi lắm ! Phải tách từ đó ra làm đôi và chọn lấy một chữ hợp với giới tính thì mới có cơ khá được”.
Trong một thời gian dài, cảm thấy bị xúc phạm, lại thấy nhân tình ngày càng thiếu ngay ngắn; người người nói dối như cuội, ngành ngành nói dối như ranh; cộng với cuộc sống mà đồng lương không đủ ăn của những năm tám mươi đã đẩy hắn đến bước phải lắc đầu cay đắng, làm đơn xin thôi việc. Bà giám đốc xinh đẹp có đôi mắt ướt và cặp má nóng hầm hập ấy, tay cầm tờ đơn của Phúc, miệng thỏn thẻn:
- Đồng chí nà người có đào tạo, nà thương binh ở chiến trường ra, tôi yêu cầu đồng chí nên cân nhắc kỹ về việc lày.
- Đồng chí … ? 
Hắn trố mắt, phô ra một cái cười ngô nghê của kẻ thiểu trí, không nói gì và uể oải xoay người đi ra. Được mấy bước, không hiểu thế nào, hắn dừng chân, quay lại, thủng thẳng và bình thản:
- Còn điều này, nói để chị yên tâm: Tôi chưa bao giờ là đồng chí của những người như chị ! Và, nếu đời tôi có một cái gì đấy, rất nhỏ mọn, nhưng có thể tạm coi là đáng tự hào, thì chính là điều đó.
Sau việc này, trong lúc trà dư tửu hậu, trong sở có người nói: “Ôi dào ! Tính tình thế nào thì số phận bày ra thế ấy ! Ngẫm mà xem, cái tên thường cứ ngược lại với cuộc đời thực của con người ta. Chẳng trách, các cụ trước thường tìm những chữ không hay đặt tên cho con cháu của mình. Ngày xưa, kẻ vô phúc là kẻ không có gang có thép trong mồm; ngày nay được hiểu là kẻ không tiến bộ. Hai chữ tiến bộ này, dĩ nhiên, không hề chứa đựng chút nghĩa lý triết học nào, nhưng bây giờ nghe nó cứ … tùng tục thế nào ấy !”. Nhưng những người bà con cư trú ở cùng xóm với Phúc lại không cho là như vậy.
 
*
 
Một người không còn cái chân nào thì cũng kể như là phế nhân. Phế nhân thì tất sống theo cuộc đời của phế nhân và, đương nhiên, đấy không phải là nơi để các cô gái chín chắn có thể gửi gắm cả cái cuộc đời quý giá và dài dằng dặc của mình vào đó. Ấy là cái lý của đời sống. Nhưng trong muôn vàn những cái lý, vẫn có một cái lý nữa là Nồi nào vung ấy. Vậy thì tất phải có một cô gái đã phải lòng hắn. Cô gái đó chính là người bán sách ở hiệu sách Nhân Dân của thị xã. Nhưng tại sao lại phải lòng thì, chính Liên (tên của cô gái) cũng không biết được. Đơn giản, chẳng hiểu sao, cô chỉ muốn được gần gũi hắn, về ở hẳn với hắn, chăm sóc hắn, chăm sóc cả cây ghi ta cũ kỹ đã sờn nước véc ni của hắn; chăm sóc luôn cái tủ sách có những cuốn đã nhầu nhĩ, vàng ố mà hắn đã mua ở cửa hàng nơi cô bán và kỳ cục tích cóp giữ gìn trong nhiều năm cùng với những vật dụng trong nhà có cho cũng không ai muốn lấy; và cuối cùng, chiều chiều được ngồi trên bãi cát, cùng nhìn ra vịnh, lắng nghe tiếng đàn của hắn trong lao xao sóng biển, trong mênh mông vời vợi của hoàng hôn dịu lành, thảnh thơi và yên ả.
Cuối cùng, cô gái đó đã được toại nguyện. Và, dưới cái mái căn nhà cấp bốn thấp tè, trông ra một mảnh vườn ấy, đã có thêm một quả tim vừa vẩn vơ, vừa thiếu ý chí vươn lên.
Để có thể sống, dù là trái tim vàng hay không vàng, đều cần phải có thực phẩm. Thực phẩm giúp cho sự sống của hai quả tim to và, đến lượt chúng, nuôi dưỡng và phát triển những quả tim bé bỏng - thế hệ tiếp theo - của chúng. Nghe theo lời khuyên của một người bạn bên Hòn Gai và với sự hỗ trợ đắc lực của anh cùng những người bạn đã đặt cho hắn cái tên Phúc Cụt, vợ chồng hắn đã chính thức nhập nghệ trồng hoa. Người ta bảo hoa là tinh tuý của thảo mộc, là hồn vía của tự nhiên; chẳng biết có đúng không, nhưng, cái tạng hắn xem ra hợp với giống này. Cứ xem cái cung cách của hắn: trên đôi chân gỗ, suốt ngày lọc cọc di chuyển ngoài vườn, mê mải vun sới, tưới tắm, chăm bẵm, nâng niu từng nụ hoa thì thấy. Các tay chơi hoa, một khi đã trông thấy giàn phong lan của hắn, không ai không sinh lòng quyến luyến, chẳng người nào muốn về nữa.
Tuy không thể trở nên giàu có, nhưng cuộc sống của gia đình hắn cũng có thể nói là được đảm bảo và ổn định. Hai quả tim bé bỏng ngày trước nay đã trở thành hai quả tim nhỡ và, bằng cái lối thi cử nghênh ngang đáng ghét (Đúng là bố nào con ấy), chúng đều đã vào được đại học. Riêng thằng em, chơi ghi ta còn tuyệt hơn cả bố, vừa tốt nghiệp đại học và được giữ lại làm giảng viên của trường.
Hai con đều ở xa, nhà chỉ còn lại hai kẻ “son rỗi”. Ngày ngày, Phúc đảm nhiệm phần vườn tược, cây trồng. Còn Liên, chở hoa ra chợ, thực hiện khâu cuối cùng của quá trình sản xuất.
 
*
 
Liên là người mau miệng. Chiều nào ở chợ về cô cũng kể cho hắn nghe một chuyện nào đó. Hắn thường lắng nghe và thỉnh thoảng lại mỉm cười. Hắn nghe cốt để Liên vui, cũng để biết thêm được cái xã hội ngoài kia nó đang chuyển động thế nào. Một buổi chiều, vừa về đến nhà, Liên đã thông báo:
- Mình này, chúng mình vất vả đã đành, nhưng cũng còn có chỗ chui ra chui vào, còn có mảnh vườn mà bới lấy cái ăn; đằng này, lại còn có những người ... đúng là vô sản. Sao lại khổ đến thế cơ chứ, khổ quá chừng cơ !
- Khổ thế nào ?
- Chân đi khập khiễng, người ngợm hom hem, áo quần tiều tuỵ, lang thang kiếm sống, không vợ không con, không nhà không cửa …
- Chuyện đó có gì mới !
- Nhưng mà ở tít tận những miền nam lang bạt ra đây cơ ...
- Sao mình biết ?
- Em nghe giọng nói mà.
- Người đó làm nghề gì ?
- Em không biết … chỉ thấy ai thuê gì, làm nấy. Lúc có người thuê đã đành, lúc không có việc … chắc là đói lắm. Tối ngủ trong lều chợ, trên mình có độc manh áo cũ, trời thì rét căm căm thế này …
Phúc khẽ thở dài, ngoảnh nhìn ra vườn. Lúc sau bảo vợ:
- Ngày mai mình lấy cái chăn chiên, cái áo khoác với mấy bộ quần áo cũ của tôi, đem đỡ cho người ta. Nhớ đem thêm cả đồ ăn nữa …
Liên bật cười. Hắn cau mặt:
- Mình cười cái gì ?
- Lắm lúc trông mình cũng hổ phù hổ pháp ra phết, em cũng thấy sợ sợ là. Thế mà … không ngờ mình cũng dễ … cảm động nhỉ !
Phúc trợn mắt, vớ lấy cái chổi phất trần, dướn thẳng lưng, đập đánh đét xuống mặt bàn, lập nghiêm:
- Cảm cảm cái gì ? Có đi nấu cơm không thì bảo !
Liên, miệng vẫn cười, né mình và bước vội xuống bếp. Lát sau, lẫn với tiếng bát đĩa xoong nồi va vào nhau, Phúc nghe bập bõm tiếng vợ khe khẽ hát: Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội …; giọng hát không đẹp nhưng các bạn hắn vẫn khen là có tình.
 
*
 
Những kẻ lang thang cơ nhỡ, những hạt bụi dân sinh lớn bé, đủ màu, đủ vẻ, phiêu bạt trong giang hồ, đời nào mà chẳng có; chuyện này vẫn thế và Phúc đâu có lạ. Điều khiến hắn băn khoăn là không hiểu vì đâu, họ luôn như một thứ người thiên cổ, luôn hiện hữu sống động giữa cuộc đời nhưng cũng luôn, dứt khoát, được quy là tàn tích của chế độ cũ. Cái anh chàng người phương nam sống vất vưởng ngoài chợ ấy, Phúc đâu có biết mồm ngang mũi dọc thế nào; vậy mà hình ảnh một người đàn ông hom hem, tiều tuỵ, buồn thảm, chân đi khập khễnh cứ vương vất, ám ảnh hắn mãi từ cái buổi chiều hôm ấy. Nhận thấy điều ấy, có lúc hắn bật cười tự giễu: Hẳn đây là mối “tương liên” của những kẻ “đồng bệnh” ?
Độ này, trong những mẩu đối thoại buổi chiều với Liên, không giống trước đây, hắn luôn là người bắt đầu: “Này mình, cái anh chàng ngoài chợ hôm nay có việc làm không ?” hoặc: “Những người ngoài chợ họ đối xử với anh chàng ấy thế nào ?” hay: “Đêm qua chắc hắn rét lắm nhỉ ?” …
Một lần, thấy Liên ngồi tước chuối xanh ở đầu hè, hắn hỏi:
- Chiều nay nhà mình ăn món ốc nấu om hả mình ?
- Vâng, mình không thích à ?
            - Thích, nhưng … nấu kha khá vào; ngày mai mang ra cho cậu chàng một ít. Chậc, vô gia cư thì có bao giờ được ăn miếng ngon.
            Liên dừng tay, nhìn chồng:
            - Này mình, hôm nay em hỏi quê quán ở đâu, anh ta ngần ngừ một lúc rồi bảo: Sài Gòn. Dân Sài Gòn sao lại ra nông nỗi thế cơ chứ ! Nhìn anh ta ngơ ngác trông theo những cành đào trên tay những người đi sắm tết, em đoán chắc anh ta buồn và nhớ nhà lắm, nhưng chắc không có tiền về. Tiện có tiền bán hàng, cộng với một ít có sẵn trong người, em đưa cả cho anh ta, bảo tết nhất đến nơi rồi, anh cầm lấy mà về quê.
            - Ôi ! – Phúc nhìn Liên, đôi mắt mở to, thán phục rồi cứ thế ôm chầm lấy vợ mà hô tướng lên – Vợ muôn năm !
            - Nhẹ thôi – Liên khẽ nhắc – gớm, làm em nghẹt cả thở. Nhưng anh ta đâu có chịu nhận. Anh ta nhìn em chăm chăm, lắc đầu, chắp tay cảm ơn rồi vội bỏ đi; hai con mắt nom thảm lắm. Mà xem cái cách cảm ơn, em cảm thấy anh ta là người đã từng được giáo dục cẩn thận. Lạ thật đấy, không thể hiểu được !
Mấy hôm sau, Phúc có việc đi thăm một bạn cách nhà hơn hai chục cây số; tiện thể  thỉnh giáo người ấy về kỹ thuật trồng một loài hoa mới nhập nội. Tối mịt hắn mới về đến nhà.
Cửa nhà mở toang; ánh đèn hắt ra ngoài làm thành một vệt sáng đến tận cuối vườn, nhìn rõ cả những bông hoa trắng muốt đang khẽ xao nhẹ trong thoang thoảng mặn chát của hơi gió biển. Mới được gặp bạn, trong tâm trạng phấn khích vui vẻ, vừa vào đến sân hắn đã gọi: “Mình ơi, anh về rồi !”.
Không thấy Liên chạy ra như mọi lần. Bước vào nhà, hắn thấy có người đang nằm trên chiếc giường kê ở góc buồng ngoài; chiếc giường này vẫn dùng cho bạn bè ở xa đến chơi. Hắn mừng rỡ, tiến lại gần giường, toan lật chăn, nhưng … không phải là một người bạn như hắn nghĩ; đó là một người đàn ông lạ hoắc với khuôn mặt hốc hác, nước da xạm  tái của người bị sốt rét rừng và đôi chỗ bị bầm dập, xước sát do va vập hoặc một tai nạn gì đó. Người ấy đang thiêm thiếp, đầu hơi nghiêng ra phía ngoài. Nhìn kỹ … khuôn mặt hơi vuông, cặp lông mày rậm như hai con tằm nằm vắt ngang trán, vuông góc với cái sống mũi thẳng, thanh tú … Lập tức, trong vô thức, có cái gì đấy, mơ hồ, rất lạ đang kéo về khiến Phúc lặng người. Cái đó, không gọi ra được, đang rần rần lan toả trong người hắn, vừa hư vừa thực, vừa gần vừa xa … quả đạn cối, tảng đá … cái nòng súng đen ngòm …
 
*
 
Không có nhẽ ... là người ấy ? Cặp lông mày chữ nhất ấy, cái sống mũi thẳng thanh tú ấy. Phát đạn oan nghiệt … anh ta gục xuống … bên một gốc cây trơ cành trụi lá … ngoái lại, cái nhìn oán hận … đã chết rồi mà ! Hồi ức từ ba mươi năm trước thức dậy, ùa về, bùng lên trong tâm khảm hắn như một thứ hoà khí trong buồng nén gặp tia lửa điện, mọi cái hiển hiện rõ ràng như có thể đưa tay ra là sờ thấy được …


                 Trận đánh trên điểm 613 ấy đã diễn ra thật tàn khốc. Cả hai bên đều thiệt hại nặng. Phúc lồm cồm bò dậy, nhưng không sao gượng được, lại đổ xuống, cặp đùi nhũn nhẽo và đau buốt kinh khủng; cái buốt ấy như một luồng điện, truyền và xoắy đến tận óc. Hắn đưa tay lần xuống chỗ đau, chạm phải cái gì nhơn nhớt, lành lạnh. Đưa lên xem, thấy bàn tay nhầy nhụa máu tươi … Trông xuống sườn đồi, qua làn khói đạn cối vẫn chưa tan hẳn, đó đây ngổn ngang thây xác; những cái xác mặc đồ rằn ri và những cái xác mặc đồ xanh lá cây nằm ngồi đủ kiểu. Một cái bi đông rách toác, thớ nhôm bị xé, hắt ra cái ánh kim trắng nhợt đến quái gở. Một khẩu AR15 ngoẹo nòng, nằm gếch lên một hòn đá. Một mảng thịt đỏ thẫm như thịt trâu, còn dính một mẩu vải, đè vắt lên một nhành mua vàng úa. Ngay bên hắn, trên mặt đất héo rụi nồng nặc mùi thuốc súng, nằm chếch một tấm ảnh thiếu nữ chụp nghiêng đang mỉm cười e thẹn. Cô là ai ? Người Sài Gòn, Quảng Đà … ? hay Hà Nội, Thái Bình … ? Chắc giờ này cô đang tựa cửa ngóng trông một người anh hoặc một anh chàng điển trai nào đó. Rất có thể anh ta đang nằm đâu đó, trên cái sườn đồi nhầy khét này. Có cánh tay ai đó giơ lên phía sau bụi cây, rồi sau tiếng gọi chới với “Mẹ ơi !”, cánh tay đó đổ vật xuống … Phúc gắng lết người, dựa lưng vào một tảng đá độc loang lổ địa y và cảm thấy trời đất bỗng nhiên đổi sang một màu tía sẫm và độ sẫm ấy cứ tăng dần, tăng dần đến đen kịt; hắn lịm đi. Không biết khoảng thời gian ấy là bao lâu, chỉ biết lúc thần kinh đã làm việc trở lại thì hắn nghe có tiếng chân người lạo xạo trên mặt đất. Cứu thương đến rồi ! Được cứu rồi ! Phúc thầm reo lên và cố mở mắt, nhưng … trước mặt hắn là một thằng sỹ quan trẻ măng để ria con kiến, mặc bộ quân trang loang lổ những mảng nâu và xanh. Nhận ra Phúc còn sống, thằng đó, nhanh như cắt, quay phắt cái nòng súng ngắn về phía Phúc. Gần như đồng thời, Phúc cũng đưa nòng khẩu AK về phía nó. Bốn mắt nhìn nhau chằm chặp; hai ngón tay trỏ đều đã kéo hết nấc thứ nhất; cả hai đều như bị đông cứng lại; cả hai đều nhận ra mình đang đứng ở làn ranh giữa cái sống và cái chết và chưa biết mình sẽ thoát khỏi cái tình cảnh oái oăm ây như thế nào. Khoảnh khắc định mệnh ấy đã diễn ra thật lạ: Thằng râu con kiến từ từ hạ súng xuống và liệng khẩu súng sang bên, nói như thì thào:
- Bắn tao đi ! Trước sau gì rồi cũng chết. Tao ngán lắm rồi !…
Phúc, đầu óc trống rỗng, cũng hạ nòng súng của mình xuống … Thằng đó ngớ mặt, đứng đực ra hồi lâu. Dường như, có điều gì đó, thậm vô lý và không sao hiểu được, đang diễn ra trong cái đầu rối bù vương dính mấy mảnh lá khô và những hạt đất đỏ của hắn. Lúc sau, khẽ giơ bàn tay, một cử chỉ như chào, hắn quay người, thất thểu bước về phía chân đồi. Phúc thở phào. Nhưng, đột nhiên, thằng đó quay lại. Phúc lại giương nòng súng lên.
- Mèn đét ơi ! Mày sợ cả cái thằng đã hạ súng trước và bây giờ không có lấy một tấc sắt trong tay sao ?
Phúc phì cười, hạ súng xuống.
- Ờ - Thằng “ria con kiến” mỉm cười, cái đầu gật gật - Chơi vậy mới ngon chớ !
- Mày quay lại làm gì ?
- Mày bị thương nặng rồi. Tao thấy máu chảy ướt sũng cả hai cái ống quần kia.
Dứt lời, thằng đó cởi phăng cái áo ngoài, cởi tiếp cái áo lót, xé chiếc áo lót đó ra thành nhiều dải nhỏ rồi, mình trần trùng trục, cầm mớ vải đó tiến lại bên Phúc.
- Đứng im. Lại gần tao bắn ! – Phúc quát, tay lăm lăm khẩu súng.
“Ria con kiến” dừng lại, đắn đo rồi bảo:
- Tao muốn cầm máu cho mày. Mày đề phòng vậy cũng có lý. Thôi, để đôi bên thoải mái, tao đề nghị: Trong khi tao cầm máu cho mày, mày cứ việc gí nòng súng vào mạng sườn tao. OK ?
Phúc, mất quá nhiều máu, đau đến lả người, không thể không đề phòng một thằng trước đấy nửa giờ đã xả đạn vào đồng đội của hắn từ bên kia chiến tuyến.
“Ria con kiến” ngồi thụp xuống, đưa tay sờ mó, nắp bóp tìm vị trí đặt ga rô. Đoạn, hắn lượm một mảnh đạn pháo lam nham như lưỡi dao mẻ nằm gần đó, cứa cứa vào quần của Phúc, xé cụt phăng cả hai ống và bắt đầu băng bó. Máu đã cầm, băng bó đã xong. Thằng đó ngồi phệt xuống đất, đối diện với Phúc, mặt mũi bơ phờ:
- Tao hỏi thiệt nè, trả lời cho lương thiện nghen: Nếu đổi mày làm tao, mày có quay trở lại không ?
Phúc cảm thấy lúng túng. Đang chưa biết thoát ra khỏi cái mớ đang bùng nhùng trong đầu bằng cách nào thì thằng đó phá lên cười:
- Mày đúng là một thằng lương thiện thứ thiệt đó !
- Tao đã trả lời đâu ?
- Khỏi ! Coi cái bộ lúng túng của mày, tao chắc mày là thằng ngon lành, nhưng …, cha nội ơi, nói thế nào nhỉ - hắn đưa tay lên đầu, nhăn mặt gãi gãi - trong cái đầu của mày vẫn còn  mắc mớ ba cái thứ hệ luỵ nhăng nhít nào đó.
Phúc nhăn mặt, dồn lại:
- Hệ luỵ gì ? Mày đã thoát được khỏi cái vòng đó rồi sao ?
Môi mím chặt, “ria con kiến” cúi xuống, rầu rĩ. Lát sau, ngẩng lên nhìn Phúc, lắc đầu:
- Không … không đâu ! Cái đó đâu có dễ ... ngay cả khi đã xuống tóc vào chùa rồi,  cũng hiếm người thoát được. 
Im lặng.
- Mà cái con người ta kể ra cũng nhảm nhí thật - Đột nhiên, chẳng hiểu thế nào, “ria con kiến” hăng lên như kẻ nhập đồng, vào mạch - tự mình bày đặt, tự tác ra hông biết bao nhiêu thứ, rồi lại tự mình nhốt chặt cái thằng mình vào trong đó. Có những thứ sằng bậy như phù thuỷ ma vương, cũng có những thứ cao cả bác ái như tôn giáo; nhưng rồi chính sự tối tăm ngu muội đã dựa trên những cái cao cả đó, tạo ra những cuộc thánh chiến, lấy đi, chẳng chút thương tiếc, không biết bao nhiêu những sinh mạng của những thằng ngon lành như mày và tao. Có lẽ … cái ngu dại nhất của người đời là choảng nhau. Má ơi ! Đúng ra, tao với mày phải gặp nhau bên bàn nhậu chớ ! Rồi, biết đâu, mày lại phải kêu tao là anh nhạc nữa cũng nên ! Mà nè, tửu lượng của mày có khá hông ?
Hai cái đùi bị dập nát của Phúc đang tấy lên rần rần, đỉnh đầu buốt tái, cặp môi khô khát. Phúc gắng cười, lắc đầu:
- Tao không biết uống rượu. Nhưng bây giờ, thú thật, tao đang khát nước lắm.
Nhìn đôi môi nhợt nhạt, héo quắt của Phúc, “Ria con kiến” đứng dậy, nhặt cái bi đông rách toác lên, bảo:
- Rồi ! Chờ chút, tao đi kiếm thử. Nhưng bị thương mà uống nhiều thì coi chừng thấy cụ nội năm đời đó nghe.
Trời đã về cuối chiều. Mấy con chim ăn đêm đã bắt đầu rời tổ, đập cánh lạch phạch, bay qua khu chiến địa vẫn còn sặc mùi tử thần. Đầu nóng hầm hập, hai hàm răng đã bắt đầu gõ vào nhau cầm cập, Phúc vẫn ngồi dựa lưng vào tảng đá, mắt dõi theo cái lưng trẻ trung của thằng “ria con kiến” kia mà lòng vẫn chưa hết băn khoăn, xao động.
“Ria con kiến” thận trọng dò dẫm, tìm đường xuống chân đồi, nơi có con suối nhỏ đã gần như cạn mặc dù lúc ấy mới chỉ đầu mùa khô. Đi qua một cây xăng lẻ trụi lá nữa là hắn đến bờ suối. Đúng lúc đó, đột nhiên, hai phát AK chắc đanh từ một góc nào đó dội lên và, trời ơi … “Ria con kiến” bỗng xững lại, người hơi dướn lên, dáng chừng đang gắng xoay người về phía Phúc. Phúc thấy “Ria con kiến” nhìn mình, một cánh tay giơ lên … rồi ngã nhào xuống đất, tay vẫn nắm khư khư cái bi đông rách toác. Toàn bộ cảnh đó đã diễn ra trước mặt Phúc. Cùng lúc ấy, rất nhanh, Phúc thấy mặt mày xây xẩm, đầu óc quay đảo và không biết gì nữa.
 
*
 
   Người đàn ông khẽ cựa mình, mở mắt. Bốn mắt gặp nhau. Người ấy lộ vẻ bồn chồn, thảng thốt làm một động tác như muốn ngồi dậy. Phúc vội đưa tay ra đỡ và nhẹ nhàng đặt anh ta nằm lại gường. Có lẽ đúng ! Trong cái khoảnh khắc giữa cái sống cái chết khi đó, đôi mắt đen này, đôi mày này, cái sống mũi này, đã khắc đậm vào tâm trí hắn.
- Ông tha lỗi, tôi bị chúng nó đánh té xỉu, chị Liên và mấy người đưa tôi về đây.
- Làm sao chúng nó đánh ông ?
- Chúng rạch túi của người đi chợ. Tôi cản. Chúng không lấy được gì, tức giận, hè nhau quây vào đánh tôi.
- Bây giờ ông thấy trong người thế nào ?
- Dạ, tốt. Chỉ còn ê ẩm chút xíu à.
- Thế thì được. Mà … ông là người Sài Gòn ? - Phúc hấp tấp hỏi.
- Dạ, phải. Sao ông biết ?
- Thời gian gần đây, bà xã tôi hay nói chuyện về ông mỗi khi ở chợ về. Còn điều này, hy vọng là tôi không nhầm: Ông là một sỹ quan quân đội Sài Gòn, đã đánh nhau với chúng tôi trên điểm 631 thuộc địa phận Kon Tum ?
- Dạ, phải. Trận giáp lá cà đó đại đội tôi chỉ huy coi như bị xoá sổ. Tôi cũng nhận ngay ra ông từ hồi nãy, lúc ông đứng bên giường.
- Tôi cũng vậy. Nhân tiện nói luôn: Tôi tên là Phúc, Phạm Phúc, biệt hiệu là Phúc cụt.
- Cảm ơn, tôi tên Thiện, Nguyễn Duy Thiện, biệt hiệu là Thiện cà nhắc.
- Vậy mà tôi cứ ngỡ ông đã chết bên gốc cây xăng rồi. Sau hai phát súng, tôi đã thấy tất cả. Hình như ông vẫn oán tôi ?
- Dạ, đâu có ! Tôi biết hai tiếng nổ đó phát ra từ hướng nào chớ ! Có điều, tôi bị dính một phát vào chân và không còn cách nào khác, buộc phải vờ chết. Cái người đã bắn tôi, sau đó đã tìm thấy ông và cõng đi.
- Cảm ơn, không có ông cầm máu cho thì tôi cũng đứt rồi.
- Khỏi cần nhắc lại. Chúng ta đã hiểu nhau trước khi tôi đi kiếm nước cho ông rồi mà. Ông không nhớ ông đã lúng túng thế nào khi tôi hỏi sao ?
- Nhớ, nhớ …Ấn tượng lắm, quên sao được.
Vừa lúc ấy, Liên bước vào nhà, một tay xách con cá thu, tay kia là nắm lá láng mới hái. Thoáng nhận ra thái độ thân thiết giữa hai người đàn ông, cô đùa:
- Này, hai người biết nhau từ trước rồi à ?
Phúc quay lại, miệng cười rộng ngoác:
- Phải, đây chính là anh chàng sỹ quan Việt Nam Cộng Hoà trên điểm 631 tôi đã kể cho mình nghe từ hồi chúng mình còn chưa cưới đấy.
- Trời ! – Liên ngẩn ra, kinh ngạc - Cuộc đời đến là hay. Trời xui đất khiến đấy. Em sẽ làm món gì đấy để hai cố nhân uống với nhau một chút chứ nhỉ ?
Dứt lời, Liên quầy quà bước ra. Phúc ngăn lại và đem hai chiếc ghế nhựa lại bên giường:
- Mình ngồi xuống đây với anh em tôi. Lát nữa cũng được.
Rồi anh quay sang phía Thiện:
- Còn điều này, tôi hỏi, nhưng ông không trả lời cũng được: Làm sao mà ông ra nông nỗi này ?
Thiện nhìn Phúc hồi lâu, rồi chậm rãi:
- Sau trận đó, tôi được người ta đưa về chữa trị và được đánh giá là mất khả năng chiến đấu. Tôi trở vô Sài Gòn với cái chân đi cà nhắc. Rồi hoà bình vãn hồi, người ta đưa tôi đi học tập cải tạo một thời gian. Tuy vậy, mấy năm sau tôi cũng lấy được vợ. Vợ tôi sinh con cho tôi được hai lần, nhưng chẳng đậu được đứa nào. Có thể tôi cũng đã bị nhiễm cái chất dioxin oan nghiệt ấy. Đường con cái thì như vầy. Thêm nữa, điều này quá nặng nề với vợ chồng tôi, đi đâu cũng thấy người ta xầm xì: Thẳng trước là sỹ quan Nguỵ quyền đó ! Vợ tôi bả cũng bị cực lây, vợ Nguỵ mà. Thú thực, chân cẳng tôi như vầy, lại thêm cái nhãn mác cắc cớ đó trên người, nên hổng có xin được việc ở đâu; nói cho đúng: chỗ phù hợp với sức lực thì người ta không nhận, chỗ thông cảm nhận cho thì sức mình không kham nổi. Ở nhà cũng hổng làm được gì nhiều. Bả còn trẻ, nhỏ hơn tôi cả chục tuổi, đẹp người, tên là Sứ mà tánh nết cũng thiệt hiền như bông sứ vậy thôi.
- Còn họ hàng thân thích ?
Thiện thở dài, lắc đầu:
- Họ cũng vậy thôi, ở bầu mà. Còn vợ tôi, ngày ngày lụi cụi với gánh hủ tíu, kiếm ăn, thuốc thang cho chồng … Thương bả quá, chịu không nổi, tôi biểu ly dị để giải phóng cho bả, nhưng bả hổng có chịu, cứ khóc hoài à. Nói nhẹ hổng được, nói khùng cũng hổng nghe, tôi để lại đơn ly dị và lời nhắn rằng tôi không muốn sống nữa, đừng tìm mất công, rồi trốn bả, lang thang ra Bắc … không ngờ lại còn cuộc tái ngộ hôm nay. 
 
*
 
Sớm hôm sau, khi trời hãy còn chưa sáng hẳn, Phúc lôi Thiện dậy, bảo:
- Vợ chồng tôi đã quyết rồi, dứt khoát là mời ông ở lại hẳn đây. Các con tôi chúng sẽ rất mừng. Tôi còn mảnh vườn này, chúng ta sẽ sống ngon lành. Rồi tôi gọi đám bạn lính tới. Họ sẽ xây cho ông một căn nhà nhỏ - Phúc trỏ tay về mé vườn đối diện - ở chỗ kia. Sau tết, tôi sẽ vào Sài Gòn; nếu bà ấy vẫn còn đợi ông, tôi đón luôn ra.
Thiện ngẩn mặt. Lát sau mới nói được:
- Sao ông lại tốt với tôi đến vậy ?
- Đừng nói thế … tôi không chịu nổi.
- Thôi, ông để tôi đi.
Thiện lảo đảo, đứng dậy. Phúc đặt tay lên đôi vai gầy guộc của Thiện, nghiêm mặt:
- Một cách lương thiện, trả lời tôi đi: Vua Hùng là gì với ông ?
Thiện há hốc mồm …
- Là gì nào ? – Phúc gặng.
- Cụ Tổ … chớ sao ?!
Phúc cả cười:
- Đấy, tôi với ông có họ mà !


Tháng 12 năm 2007
Đánh máy: Thiện Văn

#1
    Nghiêm Lương Thành 17.01.2008 14:32:09 (permalink)
    Nghiêm Lương Thành



    CON LẠY BỐ !
     
     
                Đã là giống người, ai không có tính xấu ? Có tính xấu không thể giấu diếm, có tính xấu giấu diếm được, không tự nói ra thì không ai biết và mãi mãi lẩn sâu trong góc tâm tư trừu tượng và trữ tình. Thực ra, cho đến lúc chớm tuổi "nhi lập", hắn mới nhận ra đấy là một tính xấu của mình, bởi nhớ lại, từ thuở còn thiếu niên, hắn đã rất ham và luôn vui thích ngắm nhìn những thiếu nữ xinh đẹp mà hắn bắt gặp. Tất nhiên, lúc ý, họ đều hơn tuổi hắn, thậm chí còn hơn đến cả chục tuổi. Sau này, khi đã là một thanh niên, cái tính ấy càng phát triển, nhưng đã bắt đầu có ý thức giấu diếm và sự giấu diếm ấy có lúc đã trí trá đến gần như hoàn hảo. Sau khi quan hệ với vài cô gái, hắn phát hiện ra cái con đường đi đến "Z" cũng không phải khó khăn, tế nhị gì ghê gớm như hắn vẫn tưởng, vì thế hắn đâm ra thực dụng một cách đổ đốn. Nghĩa là, như một gã đệ tử Lưu Linh, cứ trông thấy gạo là y như rằng đầu óc lại nghĩ ngay đến rượu, cái thứ nước kỳ lạ có men say ấy, cái miệng bắt đầu chóp chép và trên đôi môi, lúc nào cũng ươn ướt, liền nở một nụ cười đờ đẫn, mơ hồ, nhưng thật ra rất thực tiễn khách quan và khá bạo liệt.
    Chẳng phải hỏi ai, hắn thừa biết tất cả bọn đàn ông đều thế hết. Có điều, kẻ ít người nhiều, kẻ lộ liễu, người kín đáo; kẻ hăm hở bỏ công ra để đạt được điều khiến mình ham hố, người thì lại lười biếng không chịu nhúc nhắc mồm miệng chân tay, thành thử không có sự gì đặc biệt xảy ra và vì thế: Chung thân trong sáng.
    Mà cánh đàn ông cũng thật là đa sự ! Lại cứ có cái thói hay đi bình phẩm, phê phán, khen chê đức hạnh của cánh phụ nữ. Họ bảo đức hạnh của phụ nữ cũng như thứ thuỷ tinh mỏng mảnh - ý hẳn là dễ vỡ. Ừ, thì dễ vỡ, nhưng sắt thép và thuỷ tinh thì thứ gì được gọi là long lanh ? Thử hỏi, không có những cô nàng lúng liếng đong đưa thì lấy đâu ra đối tác cho các quý ông phối kết hợp, giải trí vui vẻ ?
    Cánh đàn bà thì vẫn đa sự. Họ nhất trí với nhau rằng cái bọn đàn ông là chúa ham hố và đa mang. Nhưng thực tế, những quý ông kém ham hố lại luôn bị họ đánh giá thấp đến thê thảm. Nghĩ xem, nếu không có những anh chàng giăng hoa phong tình, không ngại tốn kém, không sợ mất công, không ngại khó khăn vất vả … thì lấy ai ra để các quý bà vui thích nhâm nhi, ngấm ngầm định lượng và tự hào về sức quyến tình của mình ? Chỉ riêng những lời khen chơi quấy quá, cốt cho vui vẻ đời sống của các quý ông cũng đã chiếm đến quá nửa cái bảo tàng tinh thần đồ sộ của các quý bà rồi !
    Quả là hắn đã trở nên thực dụng một cách đổ đốn. Và cái sự đổ đốn ấy, theo thời gian và theo quy luật tất yếu khách quan, ngày càng phát triển và hoàn thiện theo luật vòng xoắn ốc. Thậm chí, cho đến bây giờ, tuy mới ngoài ba mươi tuổi, trực giác của hắn đã phát triển đến mức, khi gặp một cô nàng nào đó, chỉ thoáng qua ánh mắt và một vài cử chỉ nhỏ, hắn cũng có thể đoán định được với đối tượng này mình sẽ đi được đến đâu.
    Để quý vị không nghĩ người kể chuyện là hạng khoác lác, chỉ được cái "ný nuận" tinh vi và làm phách xuông, xin thuật lại một câu chuyện của chính hắn, cũng do chính hắn kể lại và sau câu kết chuyện là một lời dặn dò không kém phần chân tình: “Cậu nên ghi lại để các anh chị em khác có thể tham khảo. Biết đâu, gặp người sáng dạ, lại đúc rút được thành lý luận cũng nên !”.  Tôi cười, bảo hắn: Lý luận gì cái thứ phải gió chết tiệt ấy !
    Câu chuyện này, tất nhiên là tầm phào, vô cùng tầm phào, vừa mới xảy ra tuần trước thôi, trên một chuyến tàu đêm Bắc Ninh - Lạng Sơn.
     
    *
     
                Tàu chợ, chạy từ Hà Nội, dừng ở ga Bắc Ninh để đón khách. Hắn lững thững lên tàu. Nhìn toa nào cũng đã đông người nên đành lên đại một toa ở khúc cuối. Dò dẫm trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn trần không đủ điện áp, thấy ghế nào cũng đã có người. Đến cuối toa, hắn hoàn toàn thất vọng, đã toan trải tờ báo xuống sàn để ngồi thì có một giọng con gái léo nhéo: "Anh gì ơi, đây còn chỗ, lên đây mà ngồi". Hắn ngoái lại, nhận ra một cô gái đang ngồi sát phía cửa sổ, cạnh một cái va li to tướng để chềnh ềnh trên mặt ghế. Cô gật đầu mỉm cười và ra hiệu cho hắn. Hắn đắn đo, lấy tay trỏ vào cái vai li: "Hình như chỗ này có người ngồi rồi !". Cô nhanh nhẹn bỏ chiếc va li xuống sàn toa xe: "Ngồi vào đi anh !". Thế thì yên tâm rồi. Hắn khẽ cúi đầu chào hai cụ già ở ghế đối diện, nói lời cảm ơn cô gái, từ tốn ngồi xuống và kín đáo nhìn cô gái: Còn trẻ, mái tóc dày mềm mại để thẳng, khuôn mặt sáng khá xinh xắn, thân hình mềm mại, đầy đặn; cái đầy đặn chết người của thứ gái một con và một chút nước hoa nhẹ thoang thoảng, đem đến cho hắn một cảm giác vô cùng dễ chịu, nhất là trên một chuyến tàu chợ xô bồ như thế này. Bây giờ, thiên hạ ăn mặc đẹp, nhiều kiểu, lắm sắc màu, nếu chỉ căn cứ vào trang phục, thì khó mà đoán được điều gì về cô gái.
    - Cô xuống ga nào ? – Hắn bắt chuyện.
    - Em xuống thành phố Lạng Sơn - Cô gái trả lời, khuôn mặt xây ra phía cửa sổ - Còn anh ?
    - Cũng thế. Chắc em đi công việc ?
    - Vâng, đi làm kiểm toán cho một công ty liên doanh.
    - Chết thật, sao em liều thế ?
    - Sao lại liều ? - Cô ngoảnh lại, không giấu được vẻ ngạc nhiên.
    - Có gì đâu ... – Hắn làm bộ bối rối - Những cô gái xinh xắn không nên đi đâu một mình, nhất là đi xa như thế này.
    - Vậy sao ?
    Trong ánh sáng lờ mờ, hắn dễ dàng nhận thấy khuôn mặt cô chợt thẫm lại và thoáng lộ một cử chỉ bẽn lẽn. Tất nhiên, cái bẽn lẽn đầy giới tính, và hơn nữa, mơ hồ gợi mở cho hắn một điều gì đó, nhẹ nhõm và vui vẻ.
    Lúc sau, hai cụ già ngồi đối diện mắt đã hơi gà gà, người đã dựa hẳn vào lưng ghế, vai lắc lư theo nhịp rung đều đều của con tàu. Cánh đàn ông ngồi ở khoang đối diện qua lối đi vẫn còn thức, ngồi hút thuốc xuông và nói những câu đứt quãng, những câu chuyện trên trời dưới đất, chẳng ăn nhập vào đâu và thỉnh thoảng lại đưa mắt sang phía hắn và cô gái, không giấu được vẻ tò mò. Cũng hơi khó chịu. Biết làm thế nào đươc, xã hội mà. Mà chính hắn cũng thỉnh thoảng đưa mắt sang nhìn họ đó thôi ! Có điều, hai kiểu đưa mắt đó lại hoàn toàn ở hai vị thế khác nhau.
    - Anh ơi, em thấy rét  - Mấy ngón tay thon nhỏ của cô gái chạm nhẹ vào đùi hắn - anh  giúp em đóng cái cửa xổ lại đi.
    Hắn đứng dậy, hào hiệp thực hiện yêu cầu của cô gái. Lúc ngồi xuống, nhận thấy hai vai cô vẫn xo lại, hắn bèn galăng, cởi phăng chiếc áo khoác mỏng của mình, hồn nhiên nhẹ phủ lên đôi vai cô. Cô vẫn ngồi im, không có phản ứng gì ngoài cái nhìn nửa biết ơn nửa khen ngợi và thấp thoáng chút khích lệ. Thấy vậy, hắn mới nửa đừa nửa thật:
    - Chồng em cũng thật …
    - Thật … thế nào ?
    -  … đáng trách !
    - Sao lại thế ? - Cô gái ngước lên nhìn hắn, đôi mắt mở to ngạc nhiên đến ngây thơ.
    - Có kim cương trong nhà mà không biết nâng niu. Như anh ấy à ... thà nghỉ phép đưa em đi chứ sao nỡ để em phải thui thủi một thân một mình, thân gái dặm trường thế này !
    - Thật thế sao ? Anh cứ đùa em.
    Đôi má cô lại thẫm hơn, cặp mắt đưa đi đưa lại, long lanh tin cậy, khiến hắn chẳng còn chút khí phách nam nhi nào nữa. Sau đó là im lặng. Tàu vẫn chạy, phát ra những tiếng cạch cạch đều đều. Cô gái hình như đã thiếp đi, đầu dần ngả và tựa hẳn vào vai hắn. Hơi ấm cùng với mùi hương từ cổ áo của cô gái toả ta khiến hắn ngất ngây, mụ mị. Hắn muốn có một cử chỉ gì đó. Hắn muốn nắm lấy bàn tay nhỏ bé kia mà bóp nhẹ; hắn muốn quàng tay, ấp cô vào lòng mà sưởi ấm cho cô ...
    Hai cụ già lúc ấy đã ngủ hẳn. Nhìn sang khoang ghế bên kia, nhận ra có một cặp mắt đang nhìn mình và những người còn lại vẫn hút thuốc xuông và nói những câu chuyện rời rạc. Hắn thấy vừa bừng bực, vừa thất vọng. Thiên hạ lạ lùng thật ! Sao không ngủ một giấc cho béo, lấy sức để ngày hôm sau còn "cày" tiếp, đâu lại có cái thói cứ hay đi "soi" người khác, thô bạo phá hoại cái nết hồn nhiên trời cho của đồng loại !
    Hoàn cảnh éo le, lực bất tòng tâm, hắn đành giả tảng tựa đầu vào lưng ghế, nhắm mắt lại như người vô tình thiếp ngủ. Lát sau, cô gái mở mắt và hốt hoảng ngồi thẳng dậy, luống cuống vuốt lại mái tóc óng ả, thẹn thò: "Xin lỗi anh, tại em mệt quá ... !". "Ồ, không !  Em nghĩ thế làm gì cho nó phức tạp; khi ngủ, ai cũng trong sáng như thiên thần ấy chứ !". Hắn vui vẻ nói lời vỗ về và, một lần nữa, đôi má của cô lại thẫm lại. Bất giác, không hiểu sao, hắn lại đưa mắt sang khoang bên. Ôi trời ! Cặp mắt đó vẫn đang nhìn sang phía hắn và cô gái. Thế này thì không phải là "soi" nữa mà phải gọi là "supersoi" [1] mới đích đáng ! Đúng lúc ấy, mắt hắn dừng lại ở một tờ báo đang để trên mặt cái bàn con phía bên họ và, trong khoảnh khắc, trong đầu loé lên một tia tinh quái, thứ tinh quái của những kẻ vốn tinh quái.
    - Báo hôm nay hả anh ? – Hắn nhã nhặn hỏi người đàn ông đang nhìn mình.
    - Vâng, cũng chả có gì đặc biệt. - gã trả lời hắn, không mấy thiện chí.
    - Có nói gì về mấy ông bà ca hát trốn thuế hay cánh bóng đá trong nước bán độ không ? Thời buổi lộn xộn quá, mình thì xem họ chơi bằng tình cảm thể thao, còn họ lại lỡm mình.
    - Thế mới đau chứ ! - Một anh chàng khác chen vào - Cứ tưởng thể thao là thứ trong sạch nhất, thế mà ... lại sinh ra cái trò bán độ. Thời buổi này, liệu còn có cái gì không đem ra bán không ?
    - Tại sao ấy nhỉ ? - Anh chàng ngồi trong góc thở dài.
    - Còn làm sao nữa ? Thế mà cũng phải hỏi. Theo tôi, cứ đuổi cổ hết chúng nó đi - Anh chàng vữa nãy soi hắn bức xúc.
    Và sau đó, các ý kiến bắt đầu cất cánh. Hắn thú vị, ngồi im nghe ngóng.
    - Đuổi hết đi thì chất lượng bóng đã Việt Nam sẽ ra sao, liệu các ông có đủ kiên nhẫn để ngồi xem đến hết cả hai hiệp không ?
    - Đồng ý là như thế, nhưng buộc lòng phải làm lại thôi.
    - Theo tôi, để dung hoà, từ thời điểm này trở về trước coi như xí xoá. Còn từ giờ giở đi, anh nào vi phạm, phải nghiêm trị theo pháp luật.
    - Không được, như thế là dung túng cho tội ác. Có công thì thưởng, có tội thì phải trị ngay, không thì bóng đá của ta sẽ nát bét, các ngành khác cũng học theo thì bỏ bố !
    - Thôi đi bố ạ, có mà nó học theo các ngành khác thì có ! Mà đã bao giờ bố thấy lợi mà ngoảnh mặt đi chưa ?
    ...
                Quả là các ý kiến đã liên tiếp cất cánh, thi nhau cất cánh, có lúc còn chạm cánh, chéo cánh, thậm chí đè lên cánh của nhau. Một vài khuôn mặt đã bắt đầu ửng đỏ. Cung bậc âm thanh đã có phần cao hơn, ngữ điệu đã chuyển sang sắc thái hùng biện và lác đác đã thấy có cả dấu hiệu gia trưởng cực đoan. Cuộc "các ý kiến cất cánh" đã lan sang cả những khoang kề bên. Thật khí thế, thật sôi nổi, thật ồn ào náo nhiệt. Cái ồn ào đáng yêu của những chính kiến, của những suy nghĩ cá nhân tự do phát tác thoải mái, không cần phải e dè bởi, dường như ai cũng nghĩ, trong thể thao không hề có trần ngôn luận, cái thứ trần vô hình, thường trực hăm doạ, cứ lơ lửng đâu đó như không khí nước Trung Hoa thời “mười năm đại loạn” [2]. Có người đã thu cả hai chân lên ghế, có người chân trên ghế chân dưới sàn, có người đứng phắt dậy mà hoa chân múa tay, có người chỉ quay sang nói với người bên cạnh, ý tứ giảng giải, âm thanh ôn tồn đủ nghe ... Ôi chao, cái sự ngôn luận mới tự do, mới thoải mái và đáng yêu làm sao ! Và trong cái góc ao xôn xao chao chát ấy, hắn quay sang phía cô gái, mỉm cười:
                - Em có thấy là họ rất đáng yêu không ?
                - Vâng !
                Cô gái tinh quái và thẹn thò trả lời. Rồi vừa cười, vừa ngả đầu vào vai hắn, tin cậy. Hắn, như một tiền đạo tài năng được trời phú bầm, đoán được hướng bóng tất yếu của người đồng đội, không bỏ lỡ cơ hội, liền cầm lấy bàn tay nhỏ bé của nàng, thủ thỉ:
    -  Bàn tay em sao lại đẹp thế ?
    Nàng không nói gì, để yên tay nàng trong tay hắn và đôi mắt tối sẫm như nhung từ từ khép lại, đôi môi hồng hơi mỏng hé nở một nụ cười ngoan ngoãn, mơ hồ ... Nhìn sang khoang bên, dỏng tai nghe ngóng, hắn vẫn thấy các điệu bộ đầy phấn khích, các ý kiến đầy thuyết phục vẫn thi nhau chao chát cất cánh, lấp lánh như những tia pháo hoa trong ngày hội lớn. Vậy là, trong bầu không khí náo nhiệt, thẳng thắn, hiền lành và "unsoiable" [3] ấy, hắn và cô gái đó, trong chừng mực hoàn cảnh cho phép, đã làm được tất cả những gì họ muốn một cách say xưa và mĩ mãn.
     
    *
     
                Trời đã sáng rõ. Chàng và nàng cùng xuống tàu. Lẫn trong đám hành khách đang đổ ra phía cửa ga ấy, tai hắn vẫn bập bõm nhận ra một vài giọng cố níu kéo, bày tỏ đến cùng những ý kiến ... Hắn tủm tỉm cười, cái cười chỉ thấy ở những thằng đểu: Chà ... một vài tia pháo hoa le lói ở phút chót tàn hội. Nàng nhận ra chàng đang tủm tỉm thì hỏi: “Anh cười gì vậy ?”. Trả lời nàng thế nào đây ? Hắn chỉ có thể cười, và đó cũng chính là lời đáp khôn ngoan nhất.
    Cô gái của hắn đã có xe của liên doanh ra đón. Nàng dúi vội cho hắn mẩu giấy ghi số điện thoại cầm tay của mình và bịn rịn tạm biệt. Hắn đứng bên cửa nhà ga, tay trái đưa lên vẫy vẫy theo xe như người ta vẫn làm trong những trường hợp như thế, còn tay phải chậm rãi vò nhẹ mẩu giấy nàng vừa trao cho và kín đáo búng nhẹ vào một thùng rác công cộng cạnh đấy.
    Bỗng có ai đó vỗ nhẹ vào vai hắn. Ngoảnh lại, nhận ra đôi mắt trong góc khoang xe đối diện đêm trước, hắn bèn nở một nụ cười thân ái. Còn gã kia thì nghiêm mặt, đứng chụm chân, hai tay nắm vào nhau, hướng về phía hắn, khom người cung kính:
     
    -         Con lạy bố !
     
     
    Tháng 01 năm 2006
     
    Đánh máy: Thiện Văn
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

    [1] Mượn chữ của học sinh phổ thông, có nghĩa là siêu soi, siêu xét nét. Trong cụm supersoi, soi là chữ Việt.
    [2] Cách mạng văn hoá Trung Quốc thời Mao Trạch Đông (1966-1976) – Theo cách nói của văn học Trung quốc thời đổi mới.
    [3] Không có khả năng soi mói, xét nét. Trong nhóm chữ unsoiable, "soi" là từ Việt.
    #2
      Nghiêm Lương Thành 17.01.2008 14:36:09 (permalink)
      Nghiêm Lương Thành



      LÍNH MỚI TÒ TE
       
       
       
      Thế là, sau hơn hai năm chạy ngược chạy xuôi, làm hơn ba chục lá đơn, thi tuyển khắp nơi, cuối cùng tôi đã có việc làm; mà lại làm trong một cơ quan của nhà nước hẳn hoi; một nơi, như người ta vẫn thường nói, rất ổn định và có nhiều tương lai.
      Hôm ấy là ngày đi làm đầu tiên, tôi được phân công về phòng kỹ thuật của cơ quan. Trưởng phòng là một chú tuổi trạc ngoài năm mươi, đôi mắt sáng trên khuôn mặt hiền hậu, mỗi cử chỉ lời nói đều toát lên một cái gì đấy rất nền nã và đàng hoàng. Chú giới thiệu tôi với mọi người trong phòng. Rồi những cái bắt tay có độ lỏng chặt không đều nhau, những nụ cười có độ mở rộng không cùng kích thước, những câu chào làm quen thông thường ... Một anh tên là Lưu, nét mặt tươi tỉnh, nhanh nhẹn đi pha nước. Mọi người mời tôi uống nước, hỏi han đôi điều và chúc mừng tôi được nhận vào làm tại cơ quan. Sau đó, chỉ với vài ba câu nói ngắn gọn của chú trưởng phòng, tôi đã rõ phần việc và trách nhiệm của mình. Cuối cùng, chú thông báo với cả phòng: "Hai giờ chiều nay chi bộ làm lễ kết nạp cậu Lưu và mời cả phòng đến hội trường cùng tham dự. Đề nghị những ai sắp xếp được công việc thì có mặt đúng giờ".
      Trong đời sống, những sự kiện trong quan hệ xã hội như ma chay, cưới hỏi, đau ốm, tân gia, sinh nhật ... tôi cũng đã trải, nhưng cái việc này thì quả thực là lần đầu trong đời. Trong phòng, tôi là em út, là kẻ hậu sinh, là lính mới tò te. Trường hợp này thì ứng xử như nhế nào đây ? Mừng thì đương nhiên rồi, nhưng mừng cái gì cho nó phù hợp ? Đầu óc tôi cứ băn khoăn, luẩn quẩn với ỹ nghĩ ấy. Gần hết buổi sáng mà vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Quan sát mọi người, thấy vẫn hí húi làm việc. Tôi không dám cất tiếng hỏi vì sợ gián đoạn công việc của mọi người, vì sợ rằng lại "cầm đèn chạy trước ôtô", gây khó chịu cho người khác. Cho đến cuối giờ làm việc buổi sáng vẫn không thấy ai có động tĩnh gì. Tôi nghĩ, chắc mọi người đã có chủ định riêng của mình rồi. Đầu giờ chiều, suy đi tính lại, tôi nghĩ, đây là một việc đặc biệt cao quý của một đời người, không thể mừng bằng phong bì hoặc vật chất thông thường được. Vậy là tôi quyết định dùng số tiền mẹ tôi mới cho sớm hôm đó mua một bó hồng thật tươi thắm. Buổi lễ kết nạp diễn ra thật trang trọng. Lưu ôm hai bó hồng tươi rói của chú trưởng phòng và của tôi mà đôi mắt cứ rơm rớm. Ôi, hạnh phúc nào mà chẳng có những cảnh tượng như thế. Cuối buổi, để kết thúc, đồng chí bí thư phát biểu ngắn gọn: Từ nay chúng ta lại có thêm một người ưu tú, một chiến sỹ đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, một xã hội phồn vinh, công bằng và hạnh phúc ...
      Về đến phòng, mọi người lại xúm vào chúc tụng Lưu một lần nữa.
      - Thôi, "đại hỷ lâm môn", đề nghị cậu Lưu chiêu đãi anh em trong phòng một chầu bia! - Một anh tên là Thọ đề xuất.
      - Đương nhiên rồi - anh Lưu cười - không có vấn đề gì. Chiều nay em mời trưởng phòng và anh em ra quán bia hơi Bò Tùng Xẻo !
      Tất cả cùng vỗ tay nhiệt liệt, trừ chú trưởng phòng. Chú chỉ mỉm cười và về bàn của mình tiếp tục công việc. Còn tôi thì có vẻ chưa được thông lắm: Một việc thanh cao như thế sao lại có thể liên quan đến nhậu nhẹt cơ chứ ?! Nhưng không thể làm khác được. Các bậc cha chú chẳng phải vẫn dạy ta "nhập gia tuỳ tục" đó sao ?
      Sau đó ít hôm, một lần, từ trong toa lét đi ra, tôi nhận ra có tiếng anh Thọ và mấy anh cùng phòng đang đứng ở đầu cầu thang:
      - Cái thằng Sơn ấy cũng giỏi thật nhỉ ?
      - Mới làm thì cũng chưa biết được, còn phải chờ đã .
      - Không, nói giỏi là giỏi “chạy” ấy chứ. Có được một chỗ làm ở một cơ quan "thơm" như cơ quan mình là điều khối kẻ phải mơ ước. Các ông quá biết rồi còn gì !
      - Chắc cũng phải có thần thế hoặc mạnh "đạn" lắm ...
      Đúng là họ đang nói về tôi. Tôi thấy sẽ là rất bất tiện nếu cứ tiếp tục đi ra, xuất hiện trước họ. Tôi không muốn, tôi sợ tình cảm buổi đầu bị sứt mẻ. Vậy là tôi đành phải trở lại, vặn nhỏ vòi nước vờ rửa tay trong khi một nỗi buồn cùng sự ngờ vực cứ vẩn lên, dâng dần trong lòng của một kẻ đang ngơ ngác tập tọng vào nghề công chức. Sự kiện này khiến tôi hoang mang, thậm chí hoảng hốt. Quả thực, bố tôi chỉ là một "phó thường dân dự khuyết", không hề có cái gì đấy như người ta vừa nói, tôi đã tham gia thi tuyển một cách vô tư như tất cả những người ứng tuyển khác. Nếu có thể nói thì đó là do tôi đã cố gắng nhiều, do tôi gặp may mắn, do số phận mỉm cười ... Trời ơi, ngày nào cũng phải giáp mặt, làm việc chung với những đồng nghiệp như thế này ... Từ giờ đến lúc về hưu còn phải mấy chục năm nữa; để cho xuôi xẻ và nhẹ nhõm, tôi sẽ phải tồn tại như thế nào đây ... ?
      Hai người khiến tôi gần gũi nhất là chú trưởng phòng và anh Lưu. Nhưng tôi lại hay nói chuyện, tâm sự với anh Lưu hơn; có lẽ vì tuổi tác của cả hai cũng chỉ chênh nhau dăm bảy năm. Buổi chiều hôm đó, tôi rủ anh Lưu đi uống cà phê và trút sang anh nỗi buồn thổn thức ghê gớm của mình.
      - Rồi cũng quen dần thôi. Cuộc sống là như vậy, ta chẳng thể làm gì được, phải biết chấp nhận và hoà vào nó thôi. Cái chính là phải có kế hoạch cho tương lai của mình ngay từ giờ ... - Lưu ngừng nói, nhìn tôi, dè dặt.
      - Cái đó thì ... lính mới tò te như em ... không biết phải làm gì ...
      - Việc làm đầu tiên là phải phấn đấu tốt, để đứng vào hàng ngũ của đảng ...
      - Ôi, tưởng gì - Tôi cười vui vẻ - điều đó thì ai chẳng mong ! Nhưng mà anh sẽ giúp em phấn đấu chứ ?
      - OK ! Chỉ cần cậu là người có chí khí, đảng đang cần những người trẻ tuổi, trong sáng và nhiệt thành như cậu !
      Thời gian trôi đi. Rồi tôi cũng dần quen với công việc và dần hiểu hơn về cái môi trường văn hoá công chức ấy. Trong tôi đang dần hình thành một năng lực thản nhiên, tức là ít ngạc nhiên, ít xúc động hơn với những điều mắt thấy tai nghe mà trước đây tôi coi là những việc lạ lẫm, nghiêm trọng, thậm chí là tày trời.
      Rồi đến một hôm, do tắc đường, kẹt xe, tôi đến cơ quan muộn. Chú trưởng phòng đi công tác miền nam chưa về. Mở cửa bước vào phòng, thấy mọi người không ai làm việc, đang ngồi xung quanh cái bàn nước, nét mặt đều tỏ ra căng thẳng, bức xúc. Riêng anh Lưu thì mặt buồn rười rượi, chẳng còn chút khí thế nào. Tôi lẳng lặng ngồi vào với mọi người, tự rót nước cho mình, không dám hé răng hỏi tại sao.
      - Lưu này - một anh đang ngồi ghé vào mép bàn quay sang -  Bây giờ xoá bỏ chế độ tem phiếu rồi, sổ hộ khẩu có gì quan trọng đâu, cứ từ từ mà làm, bao giờ xong cũng được, thậm chí không được cấp cũng chẳng chết ai. Động rồ hay sao mà phải đưa tiền cho mấy cái thằng bỏ mẹ ấy ?
      - Vẫn biết là như vậy, nhưng khổ lắm mày ơi, thằng con tao sắp đi học, nếu không có hộ khẩu thì phải đóng tiền trái tuyến, căng lắm, lương của vợ chồng tao không chịu nổi. Mà cực lắm, đi đăng ký cái xe máy cũng hỏi đến hộ khẩu, bắt cái điện thoại cũng hỏi đến hộ khẩu, bắt công tơ điện, công tơ nước cũng thế. Rồi còn vấn đề bầu cử ... lần bầu cử nào cũng phải về quê bỏ cái phiếu, đi lại mệt mỏi, tốn kém lắm !
      - Thế đã đưa cho nó bao nhiêu ?
      - Bốn chục triệu.
      - Lâu chưa ?
      - Gần một năm nay rồi. Tao sốt ruột, đến hỏi, nó cứ bảo việc này bây giờ khó lắm, phải kiên trì đợi. Cuối cùng, không chịu nổi, tao đến đòi lại tiền. Nó bảo đã chi phí phân tán đi các nơi cần thiết rồi.
      - Vậy thì đi tiêu rồi ! Nếu không gặp may, còng lưng ra mà làm lụng, ky cóp cho đến hưu cũng không bao giờ có nổi số tiền ấy !
      - Tiêu là thế nào ? Đến cơ quan thằng ấy mà phản ảnh, nếu cần thì đưa thằng bố nó ra toà ấy chứ !
      - Có mà đưa vào mắt - Anh Thọ nổi xung - Làm gì có chứng cớ, cẩn thận không lại mắc tội vu khống ! Việc này không thể xử đàng hoàng tử tế được. Phi dân luật không xong. Thằng Lưu không việc gì phải buồn chảy nước ra như thế, để tao xử lý, nó sẽ phải trả, không thiếu một cắc !
      - Ấy đừng, không thể được - Anh Lưu hoảng hốt, đứng nhỏm dậy, đôi bàn tay huơ huơ, cặp môi run run – Làm thế là phạm pháp, rồi lại rước lấy cái khổ cho vợ con mày, tao xin mày Thọ ơi !
      - Vớ vẩn ! - Anh Thọ đứng dậy, lừ mắt giận dữ - Thằng nào thích thì làm cùng tao !
      Anh Lưu vẫn phản ứng, nhưng không thể kháng lại được với cái khí bức xúc đang ngùn ngụt lúc bấy giờ của anh Thọ. Mọi người, tuy không ai nói gì thêm, nhưng tôi hiểu không ai là không đồng tình với anh Thọ. Cái cảm giác hoang mang tôi đã gặp trong cái buồng toa lét hồi nào bỗng quay trở lại, vẫn là cái không hiểu được, nhưng lần này lại hoàn toàn không phải là cái cảm giác vừa lo lắng vừa chán nản đã khiến tôi phải chúi mặt vào cái bồn rửa tay mà giấu diếm nữa. Bất giác, tôi như kẻ ở đẳng cấp thấp hơn, vô tình ngước khuôn mặt thộn lên mà ngắm nhìn không biết chán những đồng nghiệp lớn tuổi vừa quen thuộc, vừa xa lạ của mình.
       
      Tháng 10 năm 2005
      Đánh máy: Thiện Văn  
      #3
        Nghiêm Lương Thành 18.01.2008 14:25:45 (permalink)
        Nghiêm Lương Thành



        U60
         
         
                    Bước sang tuổi U60, sức khoẻ kém đi trông thấy. Trong đám bạn bè, chưa thấy ai có khả năng được "sơn son để thờ", nhưng cũng đã phải đi đưa một vài người "ra ngoài đồng". Vào tuổi này, mạng sống đã có vẻ bấp bênh, các loại kinh nghiệm đang ở độ vừa chín; không khẩn trương, đánh vèo một cái, đã thấy chín nẫu. Có lẽ, vì vậy, thuở trước người ta cho rằng phàm đã sống được đến tuổi 50 đều được gọi là lão, lão hạ, bậc khởi điểm của hạng lão. Mỗi khi làng có việc, ra đình không phải tay dao tay thớt, bưng mâm rót rượu, mà được ngồi chiếu trên, vuốt râu cầm quạt, tham luận việc làng, bàn chuyện thiên hạ.
        Cảnh báo trạng thái bấp bênh của mạng sống trong giai đoạn này, dân gian bảo "Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới". Các Tử vi gia khẳng định đó là giai đoạn dồn dập những tuổi hạn tuổi sung, không cẩn thận, dễ đi gặp vua Ngô chúa Chổm. Còn theo một quan điểm Dịch học, đây là giai đoạn ứng với Quẻ Kiển: Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, gian nan hiểm hoạ khôn lường. Về sau, khi đã được trang bị nhân sinh quan duy vật, thì bảo: Xì, bậy bạ, dị đoan một cục ! Gần đây, khoa sinh học đã trở nên già dặn hơn, lại nói: Đúng đấy ! Nhưng không dùng chữ tuổi sung tuổi hạn mà gọi đó là thời kỳ bản lề của quá trình tâm sinh lý trong con người ta. Chắc nó cũng giống như thời khắc lột da của giống rắn: Vô cùng dễ bị tổn thương, nhưng nếu qua được an toàn thì ... phải biết !
                    Nho gia nói: Tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc và ngũ thập tri thiên mệnh. Đối với tôi, khúc đầu có lẽ đúng một chút. Khúc thứ hai, thấy như mình đã vuột khỏi cái nhận định ấy. Thuở còn tứ thập, tưởng là mình đã khôn lắm, cái gì cũng biết, nhưng té ra không phải. Cho đến năm 44 tuổi tôi mới được một người bạn, cùng học từ thuở phổ thông, “khai sáng” cho: "Thật thà thẳng thắn thời thua thiệt", nhưng đến năm 47 tuổi mới ngộ ra: Triệt thanh tòng tục tất thênh thang ! Và, thực ra, cho mãi đến lúc đã vào sâu U60 mới thực sự hiểu được phân nửa cái thực lý tối giản đó. Có một nhà văn Châu âu đã nói, đại để: Một người phụ nữ trẻ, không có khuyết tật gì đặc biệt, họ muốn lấy ai làm chồng cũng được; may thay, khi nhận ra được điều ấy thì họ đã già !
                    Thời "bẻ sừng trâu", thường tự tin đến ngạo đời; nói chuyện với bạn bè thì gọi cha mình là "Cụ khốt". Bây giờ các con tôi lại cũng bắt đầu gọi tôi là Cụ khốt; đạo lý "con vịt và quả trứng" xưa nay là vậy chăng ? Vào những năm 70 của thế kỷ trước, lớp U30 chúng tôi rất thích nghe nhạc Beatle, Abba, nhạc Bán cổ điển (Semi-classic). Bấy giờ nhiều người gọi đấy là thứ nhạc xập xình của những hạng sống bế tắc, không lý tưởng, vất vưởng, gặp chăng hay chớ. Ngày nay, Bonney, Paul Moriat, Rechard Claydeman ... có vẻ đang trở thành những "cụ khốt". Tất nhiên, Johann Sebastien Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Piotr Ilytch Tchaikovsky, ... thì hẳn đã trở thành “Kỵ khốt”, "Tổ khốt" từ lâu rồi. Ngày ấy, hãy còn sống tập thể, tôi ở chung phòng với một đồng nghiệp cùng lứa; mỗi khi chúng tôi mở nhạc, lại nghe thấy tiếng khoá cửa lạch cạch dữ dằn từ phòng bên cạnh vọng sang. Anh bạn tôi cười, bảo: "Ông ấy (một đồng nghiệp U60) không chịu được, lại đi rồi". Bây giờ, mỗi khi nghe thời nhạc trong nước, thấy không vào được bao nhiêu, chợt nhận ra mình đã già !
                    Nhưng, vốn bản chất kiên định, ý chí kiên cường, chỉ âm thầm thừa nhận cái thực tế chủ quan đắng ngắt ấy; đối với khách quan tôi vẫn ráo riết đấu tranh, ra quân quyết liệt, không chút khoan nhượng: Tóc bạc ư ? - Đi Thẩm mỹ viện: Nhuộm ! Đen như đêm ba mươi luôn ! Cánh U20 nom thấy cũng phải à lên một tiếng, xuýt xoa trầm trồ. Răng long ư ? - Đến khoa Răng-hàm-mặt: Làm răng giả ! Lợi giả hồng tươi, răng giả trắng loá và không bao giờ bị lỗi "chín sáu ba không", có khả năng làm cho các nhà sản xuất kem đánh răng ngọc trai phải dò hỏi địa chỉ, cất công tìm đến, nài nỉ mời ký hợp đồng quảng cáo. Chân chậm ư ? - Tạo dáng thẳng lưng, tác phong thoăn thoắt như những chính khách quyết đoán, ngay thẳng, trong sáng và đầy ứ tiềm năng ! Mắt mờ ư ? - Đeo kính ! Nhìn con số ghi trên đồng giấy bạc hãy còn rõ chán. Vả lại, thanh niên bây giờ thích đeo kính trắng; mắt kính cận, kính viễn, kính không số đều trắng, chẳng thể lấy đó mà phân biệt. Vậy là xong ! Còn lại, những khoản ba lăng nhăng như vôi hoá cột sống, thận suy tuỵ kiệt, mỡ lẫn trong máu, huyết áp đỏng đảnh, loét hành tá tràng, u tuyến tiền liệt ... là những bệnh sâu kín, chỉ âm thầm nhẫn nại chữa trị, tuyệt nhiên không rách chuyện mà trình ra.
                    Hồi còn thanh niên hồn nhiên xốc vác, làm việc xiêng năng, nói năng thẳng thắn, ghét lối quanh co, coi thường tiền nong, quý tình đồng bào, chẳng luỵ quyền thế. Đến tuổi U60, nhìn lại, tuy cũng làm được đôi ba việc có ích nho nhỏ, nhưng so với bạn bè cùng lứa và các U lớp sau, chợt nhận ra mình đã bị tụt hậu từ lúc nào: Ở nhà cấp bốn, đi họp bằng xe đạp, chỉ được giới thiệu là chuyên viên; họ mạc, bạn bè hỏi thăm sự tiến bộ thì không có chức tước gì để khai báo, nên sinh lòng xấu hổ, tâm hồn xao động, bồn chồn không yên. Nhân trong cơ quan vừa khuyết chân Trưởng phòng tài chính, bèn bảo bà xã ra quỹ tiết kiệm rút hết khoản tích luỹ chiến lược, quyết liệt tìm cửa, sắm bộ mặt "chí công", nói lời "thông công", dịu dàng thành khẩn trình bày nguyện vọng. Khi sự nghiệp thành tựu, đã an toạ trên ghế trưởng phòng, đi đứng được phép oai vệ, mặt mũi tương ứng ngẩng cao, đầu óc lỡ có chỗ nào máu không bơm tới được cũng chẳng ai biết bởi công việc đã có cấp dưới lo; lại thỉnh thoảng kết hợp công tư, đi xe bốn bánh biển xanh êm ái đến thăm thú họ mạc, bạn bè; dưới thì được thuộc cấp xoa tay đón ý, bằng vai thì được nhũn nhặn nể vì, trên thì năng đi lại sâu sắc với các sếp nên luôn được lãnh đạo bắt tay khen ngợi, vỗ vai thân mật trước đám đông, vinh dự không sao kể hết; chửa được nửa năm, số dư trong sổ tiết kiệm đã được … đẩy lên một tầm cao mới. Bấy giờ mới thấy cảm khái, ngoắc vội tấm bìa "Xin đừng quấy rầy !/Please do not disturb !", khoá trái cửa phòng làm việc lại mà bật khóc, mà vật vã tự thương tự thán: Ô hô ... ! Biết thế này ... thì sắm lấy cái hạnh kiểm mềm mượt, làm quách chức tước từ hồi còn trẻ cho r ... ô ... ồi ... hức, hức ... ô hô ... hô !
                    Lúc còn thanh xuân phơi phới, nhìn cả ngàn cả vạn cô gái mới thấy có vài cô tạm cho là xinh xắn. Bây giờ, không hiểu sao, nom cô nào cũng thấy hơ hớ mơn mởn, xinh lạ đẹp lùng và đâm đổ đốn, sinh ra chứng hay thở dài và bất mãn với bản thân. Thuở trẻ: chỗ không cần phồng thì cứ phồng, nơi cần phồng thì lúc nào cũng lép; bây giờ thì không như thế; Ôi, "trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi !" [1]. Thuở còn hàn vi, đi ra ngoài, các cô gái gọi mình là gì cũng được, trong bụng không mấy quan tâm. Bây giờ đốc chứng, lại hay để ý đến ngữ pháp tiếng mẹ đẻ, nhưng chỉ chủ về mảng đại từ nhân xưng. Trong cơ quan, thật vô phúc cho cô nào cứ hồn nhiên, lỡ miệng mà gọi trưởng phòng tôi là chú. Đi nhà hàng, gặp những cô mới vào nghề, chưa bỏ được thói lễ nghĩa rườm rà nơi thôn dã quê mùa, mà gọi là bác thì không bằng lòng ra mặt và, nếu các cô nàng không đủ năng động sửa chữa kịp thời, cứ gọi là đi đứt khoản tiền "bo". Lúc còn U20, khi sinh hoạt tập thể, mọi người bảo hát thì rụt rè không dám vì cứ đinh ninh rằng thanh quản mình bị vẹo nặng. Bây giờ, mới ngớ người, chợt phát hiện trong mình có đầy ứ chất nghệ sỹ và giọng ca cũng không ít chất công huân, bèn thường rủ nhau đi hát karaoke. Hát karaoke có phần nhạc đệm công nghệ chế sẵn, có nhịp phách đều tăm tắp, có cao độ tứng từng tưng gợi mở; lại triển khai trong phòng tối lờ mờ, có tẻ có nếp - tẻ cũ nếp mới - có thủ thỉ tình tứ, có bỗ bã cởi mở, nói năng không so đo ngữ pháp, hành xử chẳng phải luỵ quy phạm; có rượu ngoại sang trọng, mỗi chai giá trị bằng tiền vốn cho dăm hộ nông dân vay để xoá đói giảm nghèo là chuyện thường ngày ở nhà hàng. Phần thanh toán, trước đây do "Liên xô" phụ trách, bây giờ do "Nhà chùa" đảm nhiệm, nên tâm tư vô cùng thoải mái, mới nghếch mặt xênh sang, nháy mắt hóm hỉnh bảo nhau: Vô tư đi, mấy cha nội !
        Thuở còn chưa đến cái mốc nhi lập, thường yêu mến bạn bè, giao du rộng rãi. Thấy bạn hữu có tài thì trong lòng tự nhiên vui mừng ngưỡng mộ, chỉ những mong giúp được bạn mình điều gì đấy để phát triển tài năng, làm nên điều phi thường trong đời. Lúc gặp gỡ người quen, hay đem bạn mình ra khoe và trong lòng lấy làm hãnh diện lắm. Thời gian thấm thoát tựa bóng xe hơi 4.5 thoáng qua khung cửa sổ Eurowindow, mới đấy mà đã ngoài ba chục năm, bạn bè thỉnh thoảng vẫn gặp nhưng tình cảm không còn hôi hổi như ngày còn trẻ; cũng chẳng biết ra làm sao. Có câu "Nhân lục thập ngôn thuận nhĩ". Nghe ra có vẻ đúng, nhưng cũng có khi cái thuận nhĩ ấy dường như là do kỹ thuật sử dụng ngôn từ và kỹ năng biểu cảm của cái tuổi từng trải mang lại hơn là do cái cảm thông, độ lượng, khoan dung mà người đời thường gán cho tuổi tác. Vào tuổi U60 này, khi gặp người quen, vẫn đem bạn mình ra khoe, nhưng những người được đem ra khoe lại thường là hạng có của hoặc có chút chức tước quyền hành. Mỗi khi thấy một người bạn có được điều may mắn hoặc mới làm được một việc gì đó có vẻ hay ho, thường trong lòng thấy buồn bực, khó chịu và dễ sinh cắm cảu không đâu. Hình như người đời gọi đó là chứng ghen tỵ và chua rằng nó không phải là đức của kẻ mạnh. Hèn chi !
        Là kẻ tầm thường trong trường người thường, tôi chẳng có gì đáng để kể lể và hãnh diện. Kẻ tầm thường thì tất tầm thường, dù đến U60 vẫn tầm thường. Tầm thường mà muốn được người ta nom thấy thì phải sắm lấy cây sáo trúc, đóng vai bát âm thâm cứu mà học theo lối của Đông Quách tiên sinh. Cây bụi không bao giờ cao được vì chúng là cây bụi. Cây bụi luôn mong có bão cấp 15. Bão cấp 15 có thể làm đổ những cây có bóng cả. Tuy có câu “Tật phong tri kính thảo”, nhưng chưa thấy nói Tật phong tri đại thụ. Sau bão, những bụi cây chỉ còn một việc là âm thầm hả hê và hát lời ngợi ca Học thuyết tương đối. Cụ Allbert Einstein sẽ mỉm cười chứ ? 
         
        *
         
        Trong cơ quan của tôi - là một viện nghiên cứu khoa học đầu ngành - có một người làm ở phòng Tổ chức - Hành chính, tên là Học. Từ thuở mới đi làm cho đến U40, cả cơ quan gọi là Anh Học; nghe chẳng ra gì. Khi vào U50, được gọi là Chú Học; xem ra có khá hơn chút ít. Và khi sang U60, đương nhiên, được gọi là Bác Học; nghe mới thật đã; cũng thực bõ cái công sống lâu ! Tất nhiên, sau này, khi đã vào U70, Bác Học sẽ chuyển sang Cụ Học; nhưng lúc ý đã hết tuổi cống hiến, đã hạ cánh an toàn xuống đời thường (Té ra ở nơi trần thế của chúng ta có dững hai cuộc đời kia đấy !), sinh hoạt trong cộng đồng những người vốn là động lực của cách mạng, mặc pidama lụa mỡ gà, hình tiên vóc Di lặc, chủ về tưới cây, nuôi chim cá cảnh nên cũng chả thiết gì đến chất lượng danh từ nữa.
         
        *
         
        Cứ bảo rằng "Ngũ thập tri thiên mệnh", nhưng khi đã ngoài 80, tại sao Nguyễn Công Trứ không chịu an hưởng thú yên hà, cứ nhất quyết đòi vua cho cầm quân ra trận ? Đoàn Tử Quang [2], lúc đã vào tuổi 82, vẫn lếch thếch lều chõng đi thi; thi đỗ cử nhân, nhận quà của vua đem về dâng lên mẹ già lúc bấy giờ đã 99 tuổi. Vào tuổi ngoài 50, Mãi Thần vẫn còn vai gánh củi, tay cầm sách, vừa đi vừa học, bị vợ và chị cười chê, chẳng phải là gàn ư ?! Tục ngữ cũng nói: Trẻ trồng na, già trồng chuối. Cố nhiên, đa số người già thích trồng chuối. Nhưng thời nay, khát vọng hơn và sáng kiến hơn, một số U60 và những U bậc cao hơn, còn chuyển sang canh tác cả rau mồng tơi. Hiểu sâu sắc mồng tơi là giống rất ngắn ngày, nhưng vẫn âm thầm xịt thuốc trừ sâu, bón thúc quyết liệt bằng phân hoá học và chăm sóc chu đáo bằng thuốc kích thích tăng sản. Việc này, hình như cũng góp phần dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện K và khiến Quốc hội bắt đầu phải nghĩ tới Luật an toàn thực phẩm. Nhưng cũng thấy khối cụ, ngược đời, lại tà tà, túc tắc trồng cả rừng lim rừng lát, cũng chẳng phải là gàn ư ? Cũng thời nay, có một bộ phận U20-30-40 đang nỗ lực thực hiện mô hình Nông lâm kết hợp: Trên Keo dưới Đỗ. Giống Keo này chỉ trong vòng 8 đến 10 năm đã cho giá trị thương phẩm, giống đỗ cho hạt trong vòng có mấy tháng. Keo và Đỗ, đến lượt chúng, vào hùa với nhau tẩy chay phân hoá học cùng các loại dục tốc nông dược và làm tăng nhanh độ phì của đất. Bộ phận người này là hậu duệ nhà ai vậy ? Trong người họ có mang thứ gien gàn dở chăng ?
        Vậy thì, còn nghĩ gì nữa: Các cụ gàn dở muôn năm !
         
         
               Tháng 5 năm 2006
        Đánh máy: Thiện Văn

        [1] Lời than của Gia Cát Võ hầu - Tam quốc diễn nghĩa.
        [2] Cụ thi khoa Canh Tý (1900). Cụ Phan Bội Châu cũng đi thi khoa này.
        #4
          Nghiêm Lương Thành 18.01.2008 15:47:49 (permalink)
          Chào Ct.Ly,

          Thành thật xin lỗi Ct.Ly vì tôi đã mắc hai lỗi: i) Gửi thừa một mục và ii) Gửi chưa đúng chỗ quy định mới cho các bài tự viết.

          Lỗi thứ nhất đã tạo ta một mục thừa ngoài ý muốn. Lý do là trong lúc đang post thì máy bị treo; tôi  cho rằng việc đã bị hỏng và tiếp tục làm lại khi máy đã hết bị treo. Hiện thời, tôi đã sửa chữa lỗi thứ hai bằng cách đưa sang mục  dành cho các bài tự viết.

          Một lần nữa, xin thành thực xin lỗi.

          Chúc Ct.Ly vạn sự vui vẻ và an lành.

          Bạn của bạn

          Nghiêm Lương Thành
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9