Hàng độc Bảy Núi
sunflower 14.11.2004 17:17:18 (permalink)
0


Bạn muốn biết qua về các món "độc địa" , đặc sản của Bảy Núi (An Giang) ... xin kể sơ sơ : bò cạp, rết, tắc kè, nhền nhện hùm ?

Bài phóng sự về việc săn bắt các loại côn trùng "dữ dằn" phục vụ cho dân thích cảm giác mạnh .



"Hàng độc" ở đây không phải là kỳ trân dị bảo, các thứ quý hiếm đắt tiền mà là côn trùng có nọc độc thuộc hạng dữ dằn. Điểm danh những côn trùng này đủ cho người yếu bóng vía phải xanh mặt: nhền nhện hùm đất, bọ cạp, rết chúa... Thanh Niên đã thử leo lên Bảy Núi cùng những thanh niên chuyên đi săn lùng “hàng độc”.

Săn côn trùng độc

Vùng Thất Sơn , An Giang núi đồi trùng điệp, ngoài những chuyện đường rừng kỳ thú còn được ví như là cái kho dự trữ dồi dào các loại cây thuốc quý, các loại thú rừng, côn trùng... Nơi đây thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn - nơi dãy Thất Sơn vắt qua - vốn nổi tiếng với những khu chợ độc nhất vô nhị miền Tây quanh năm chuyên bày bán "hàng độc" thuộc loài côn trùng, bò sát như bọ rầy, tắc kè, rết, bọ cạp... Không biết do hấp thụ khí thiêng núi rừng, hay do bản năng phải sinh tồn nơi sơn lâm khắc nghiệt mà các loại côn trùng nơi đây đều rất to so với vùng khác, có con bọ cạp to hơn ngón tay cái, nhền nhện hùm to gần bằng hột sầu riêng... Chỉ nhìn thấy chúng bò lổm ngổm, giơ càng, giơ ngoe hù dọa đã thấy ớn, thế nhưng với dân chuyên săn côn trùng thì đó là hình ảnh quyến rũ, tạo cho họ công ăn việc làm khá ổn định.


Theo chân anh Nguyễn Văn Hợi, một tay săn bắt côn trùng lâu đời ở ấp Tà Ngáo, xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, tôi đã chứng kiến cảnh săn bắt khá thú vị. Theo Hợi, thường ở đây mạnh ai nấy bắt, nhưng khi có mối lái tới đặt hàng trăm con thì người dân sẽ kết lại thành nhóm săn. Họ khá thông thuộc địa bàn và đời sống của các loài động vật nên nói vanh vách: "Thường thì bọ cạp, nhền nhện hùm đất làm hang ở các gò cao, bụi rậm, triền núi. Còn ở các vùng thấp, vùng trũng ứ nước chúng sống rất ít do loài này kỵ nước. Hang của bọ cạp, nhền nhện hùm đất sâu không quá 4 tấc, gặp trời mưa chúng thường dùng đôi càng to khỏe để bít miệng hang lại. Thời điểm săn côn trùng thích hợp nhất là lúc mờ sáng tinh sương, bởi loài này thường kiếm ăn vào ban đêm, khi ra vào hang chúng để lại các dấu vết trên nền đất ướt nên thợ săn theo dấu truy ra hang ổ dễ dàng". Sau một hồi quần thảo ở các gò cao, Hợi nhanh chóng phát hiện một hang nhền nhện hùm đất. Nhổ bật đám cỏ gà xung quanh cái hang to bè, anh nói nhanh: "Con này to bằng ngón cái à nghe". Chỉ với vài nhát xẻng thành thạo của dân trong nghề Hợi đã khéo léo buộc con nhền nhện phải rời khỏi nơi trú ẩn. Khi con nhện phóng khỏi hang phơi mình trên đất trống, Hợi nhanh tay lấy cành cây ấn mạnh xuống khiến chú ta hết cục cựa. Hợi cười híp mắt: "Con này ra chợ bán 10 ngàn đồng chắc giá luôn. Ai cũng nói nọc rết và bọ cạp độc vô cùng nhưng thật ra không bằng nhền nhện. Gọi là nhền nhện hùm đất thì anh biết nó dữ cỡ nào, bị cắn là đau thấu trời luôn. Dân trong nghề bị nhền nhện cắn hoài, ban đầu còn kêu la, riết rồi quen chỉ thấy buốt buốt như bị o­ng đánh thôi. Nói gì thì nói chứ gặp nhền nhện chúa (con to hơn hột sầu riêng) phải cẩn thận vô cùng, không thì bị cắn một cái là chạy thuốc mấy tuần liền mới hết nhức".

Theo anh Tư, một thợ săn khác, bắt bọ cạp và rết dễ hơn so với nhền nhện, bởi loài này khá chậm chạp, khi gặp chúng cứ lấy đôi đũa tre gắp lấy là xong, bị chúng cắn cũng có thuốc trị. Anh Tư lại bật mí một điều khá thú vị: "Thường ai bị rết cắn nếu đau nhức thì bị bọ cạp chích sẽ không đau và ngược lại. Bị bọ cạp chích tụi tôi trị theo phương pháp dân gian nhưng hiệu nghiệm vô cùng". Phương pháp dân gian của anh Tư là vầy, người bị bò cạp chích nếu đã lập gia đình thì cứ lấy tay chồng hay vợ đập lên thì bớt nhức ngay lập tức. Thấy tôi bán tín, bán nghi, mấy anh thợ săn đều nghiêm mặt bảo: Tụi tui nói thiệt đó... (!?).

Theo anh Tư, trong các loài trên thì săn rết là đáng lo nhất bởi loài này thường sống trong các đám cây mục nát, tìm bắt nó có nguy cơ chạm mặt với rắn chàm quạp, một loài rắn có nọc rất độc và hung tợn, sống nhiều ở vùng Bảy Núi. "Bị rắn chàm quạp đớp một cái là chỗ bị thương chảy máu liên tục không cầm được, máu miệng cứ trào ra hoài... Nếu không chạy trị kịp là thấy cái hòm trước mắt, trong khi một con rết to bằng ngón tay cái chỉ bán vài chục ngàn đồng. Vậy nên anh em tui ưu tiên bắt bọ cạp, nhền nhện. Khi nào mối lái yêu cầu dữ lắm mới đi bắt rết". Cũng theo anh Tư, mối lái nhiều khi lại rất thích đặt các món ăn côn trùng rất đặc biệt, chỉ cần nghe loáng thoáng con này, con kia có tác dụng cường dương bổ thận, bồi bổ tinh lực cho quý ông là được. Hiện anh Tư đang có đơn đặt hàng là kiếm gấp vài trăm con bổ củi...

Chợ bán "hàng độc"



(Hình : bán bọ cạp ở chợ)

Từng đi chợ rắn, chợ chim ở Phụng Hiệp, Hậu Giang nhưng có mặt ở chợ biên giới Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về chợ côn trùng độc nhất vô nhị ở miền Tây này. Có ít nhất 5 người bày bán hàng ngàn côn trùng sống và rượu côn trùng. Chị Huỳnh Thị Kim Ba, ấp Xuân Hịêp, xã Phú Hòa cho hay, rượu nhền nhện hùm đất, rượu bọ cạp, rượu rết loại chai một lít giá từ 40.000 - 70.000 đ/chai. Còn nhền nhện hùm đất, rết, bọ cạp còn sống tùy theo kích cỡ mà giá cả từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/con. Chị Kim Ba nhanh chóng tiếp thị loại rượu côn trùng này: "Rượu bọ cạp trị động kinh ở trẻ, trị nhức mỏi ở người già, tăng cường sinh lực cho nam giới; còn rượu nhền nhện hùm đất, rượu rết trị thấp khớp, đau thần kinh tọa, nhức mỏi rất thần sầu. Còn ăn sống thì nhền nhện hùm đất đem đi chiên hay xào rất giòn, thịt ngon không thua gì tôm càng xanh, lại trị được bệnh suyễn cho trẻ em. Còn rết và bọ cạp coi xấu xí vậy mà đem đi con xào, con nướng thì mùi bay thơm lừng. Nam giới cần nhất phải ăn cái đuôi bọ cạp, bởi ăn chúng chẳng khác nào nạp thêm tinh lực". Vừa nói thao thao bất tuyệt, chị vừa lúc lắc cái thau, hàng trăm con bọ cạp giơ càng lên hù dọa. Chị Ba nói: "Xem đôi càng to dữ dằn vậy chứ kẹp không sao, cái đuôi dồn nhiều nọc độc nên chích mới đau, bọ cạp bị cụt đuôi vài tiếng sau là chết liền...". Cũng theo chị Ba, mỗi ngày nếu "vô luồng", những người bán côn trùng độc có thể bán cả ngàn con, như anh Bảy vừa trúng luồng mới tám giờ sáng đã bán sạch 400 con bọ cạp, nhền nhện cho 2 xe khách biển số Sài Gòn. Hầu hết các món ăn tươi sống đều bán cho khách vãng lai, còn dân địa phương mua chủ yếu để đãi khách phương xa hoặc mua về ngâm rượu biếu chơi.


Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hai, anh đang hào hứng tiếp thị cho khách về công dụng... bồi bổ của con bổ củi, xen lẫn vào câu chuyện là những tiếng xuýt xoa của quý ông và tiếng cười ngượng nghịu của quý cô. Xem ra gian hàng anh Hai ít bọ cạp hơn chị Ba nhưng bù lại mặt hàng được bày bán đa dạng hơn, nào là bìm bịp, bổ củi , rết.... Anh Hai nói: "Bổ củi 4.000đ một con nghe, mua nhiều cũng không bớt”. nghe đâu chỉ ở vùng Bảy Núi mới có nhiều cái con bổ cùm cụp này.

Bổ củi, bọ cạp liệu có tăng cường sinh lực cho thực khách hay không chưa biết, nhưng trước mắt chợ côn trùng có một không hai này đang ngày càng hấp dẫn các mối lái nhà hàng. Những loài côn trùng đặc thù ở vùng Bảy Núi có nằm trong danh sách các loài động vật cần được bảo vệ hay không thì người dân ở đây vẫn chưa được nghe khuyến cáo, nhưng với cách truy lùng tận diệt như ngày nay quả là điều đáng lo ngại.

(Theo Thanh Niên)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.11.2004 18:04:50 bởi sunflower0124 >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9