Tiếng Việt thương yêu
Thu Hiền 31.01.2008 21:54:09 (permalink)
Tiếng Việt thương yêu

Tiếng Việt đáng yêu vô cùng. Tiếng tôi gọi mẹ đầu tiên là tiếng Việt, tiếng tôi chào bố đầu tiên là tiếng Việt, tiếng tôi nói đầu tiên với người yêu là tiếng Việt, tiếng nựng con đầu tiên của tôi cũng là tiếng Việt thân thương. Hầu như mọi người Việt Nam đều yêu tiếng mẹ đẻ của mình.

Từ những năm xa, nhà thơ Huy Cận đã tâm tình: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời”. Cũng lâu lắm rồi, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời Tình ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...”.

Ôi tiếng Việt yêu dấu ngàn năm! Tiếng Việt tình tứ, long lanh trong những câu ca dao, dân ca. Tiếng Việt uyển chuyển, tinh tế trong những câu Kiều. Tiếng Việt bình dị, rạch ròi trong vần thơ thầy Đồ Chiểu: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Có lần giở chồng báo cũ từ thời xa lắc trong thư viện quốc gia, tôi sững sờ bắt gặp một câu ca dân gian: “Giang sơn một gánh cheo leo/Qua sông nỉ nước, qua đèo nỉ non”. Chữ “nỉ nước” đi cặp với chữ “nỉ non” sao mà tuyệt thế. Lại có lần ở chốn quê nghèo, tôi lặng người khi tình cờ nghe một lão nông đứng trước giàn mồng tơi mà ứng khẩu đọc: “Ở gần sao chẳng sang chơi/Để anh kết ngọn mồng tơi bắc cầu”.

Mới đây tới Vân Nam xứ bạn, đi qua những vườn lựu đầy hoa, tôi lại nhớ thơ Nguyễn Du: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”. Thân tình quá! Đúng là lửa từ những cây lựu kết thành bông, thành trái giữa mùa hè chói lọi nắng hồng. Lại có lần tôi đến nước Úc, lạ thay một bà già đứng bên lề đường đón tôi vào nhà. Hóa ra vì hoàn cảnh phải theo con gái sang tận châu Đại Dương để trông cháu, lúc rảnh bà thường ra đường đón đồng hương để được trò chuyện bằng tiếng Việt. Kỳ lạ hơn nữa, bà còn dạy tiếng Việt cho các cháu bé và chỉ dẫn đứa cháu gái sinh ra trên đất Úc mới chừng 5 tuổi mỗi ngày đều đặn chép nắn nót một trang Truyện Kiều vào cuốn vở lớn trắng bong, để nó khỏi quên chữ và tiếng nước mình.

Bà già ấy, cũng như tôi, như nhiều người, đều yêu tiếng Việt đến tận cùng đời mình như thế. Nhưng tôi không chỉ yêu mà còn thương lo cho tiếng Việt. Bởi lẽ ngày nay vẫn có một số người coi nhẹ thứ ngôn ngữ từng nghe từ thuở nằm nôi. Trên đài, trên báo thôi thì mặc sức dùng tiếng Anh thay cho tiếng Việt. Nào là diễn đàn tuổi teen, nào là vấn đề “hot”, nào là khu resort Phú Quốc, nào là cuồng nhiệt với V.League, live show ca nhạc...

Thật buồn đến héo ruột khi tiếng mẹ đẻ cứ vô tình bị làm nghèo, làm hỏng đi! Sâu thẳm lòng tôi mãi đồng vọng cảm xúc thơ của Lưu Quang Vũ:

“Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

...Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

...Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...”.


TRẦN ĐỒNG MINH

Theo báo Người Lao Động
#1
    vinhsaigon 10.02.2008 09:06:37 (permalink)
    Xin giới thiệu một bài viết của một Việt kiều Canada về tiếng Việt :
     
    Trong khi văn minh nhân loại ngày càng tiến bộ về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, hầu hết mọi công dân trẻ trên thế giới đều tự hào về phong tục văn hóa của riêng mình, ra sức đánh bóng cho sự phong phú giàu đẹp của tiếng nước mình, thì dường như dân Việt và tiếng Việt lại là một ngoại lệ.
    Tiếng Việt có vốn từ ngữ trù phú đẹp đẽ bậc nhất thế giới. Thứ tiếng nói ấy đã sản sinh ra không biết bao nhiêu là thể loại văn hóa tuyệt đẹp khác, nào ca trù, thơ, hịch, vè, phú, hò, cải lương... Tôi quả thật chua xót khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ ngày nay, thay vì phong phú hóa hơn nữa "di sản phi vật thể" quý báu nhất của cha ông, thì họ lại đang làm cho nó bị tạp nhiễm đủ thứ tả pí lù. Giữa những nền văn hóa ngoại lai đang hăm he mần thịt tiếng Việt chính thống, thì "nền văn hóa" Internet là "bạo động" nhất. Với sự giới hạn về khả năng nghiên cứu, tôi chỉ xin được "bép xép" vài dòng về "nền văn hóa" này và những hệ lụy về đạo đức mà nó góp phần mang lại.
    "Nền văn hóa" Internet tuy sinh sau đẻ muộn nhưng lại có sức mạnh tẩy não con người, bằng cách làm cho họ quên béng đi những vần những chữ những nguyên âm phụ âm mà các thầy cô giáo lớp 1 đã dầy công khổ luyện dạy bảo cho chúng ta suốt 9-tháng-10-ngày đầu tiên của đời học sinh, thời điểm mà tiếng Việt lành mạnh được phôi thai vào nhận thức.
    "Bi kịch thời @" xảy ra cách đây hơn 10 năm, khi Internet đổ bộ vào Việt Nam, cùng với những tiến bộ vượt bậc về tri thức mà nó mang lại thì đồng thời chat và forum cũng nồng nhiệt giúp chúng ta hấp thụ một thứ tiếng Việt mới mẻ, ngắn gọn và vô cùng tiết kiệm nhiên liệu.
    Chúng ta sẽ "hok" mất nhiều thì giờ để gõ chữ "không" mà vẫn tạo ra được một âm tiết cực kỳ nhí nhảnh đáng yêu, hay ta sẽ duyên dáng và bẽn lẽn hơn khi bày tỏ tình yêu qua một chữ 'iu', sẽ cực kỳ giản tiện và hợp thời trang khi gõ chữ 'j' thay vì chữ 'gì' dài dòng văn tự. Thời buổi giao tiếp hightech thì thời gian là vô giá, chúng ta sẽ mạnh dạn thẻo bớt vài nguyên âm râu ria để tạo ra những chữ siêu nhỏ như Ipod hoặc siêu mỏng như Iphone, ví dụ như bùn (buồn), wê (quê), thik (thích), lém (lắm) và vô vàn những "sản phẩm" cực kỳ hay ho khác.
    Nói nào ngay, tôi cũng hơi bị sến. Vào những đêm tĩnh lặng nằm trong phòng, tôi thường nghe văng vẳng gần xa những "Đời cô Lựu", "Tiêu Anh Phụng", "Người phu khiêng kiệu cưới", "Kiếm sĩ dơi", "Tướng cướp Bạch Hải Đường" hay "Lôi Vũ". Những tuồng cải lương xưa cũ  với thứ tiếng Việt chân quê, sâu lắng, đầy xúc động đã không ít lần khiến tôi "rưng rưng". Thứ tiếng Việt ấy chỉ cần được nghe là tôi sẽ mơ thấy mình đang sung sướng nằm ngủ trưa trong khoang một chiếc ghe con con dưới quê, xào xạc tiếng lá tre, lách tách tiếng cá lội, rồi tự nhiên bà nội ra cho tôi một cái bánh ú nhân dừa, kể cho tôi nghe những tuồng xưa tích cũ, dạy cho tôi đạo lý sống sao có nghĩa có nhân, biết phải trái trước sau trong quan hệ gia đình, trường lớp, xóm giềng.
    Đó là một nền văn hóa thấm đẫm tình người, đong đầy đạo lý. Làm sao những điều này có thể len lỏi vào thế hệ trẻ ngày nay khi chúng ta suy nghĩ và nói thứ tiếng nói "ngoài hành tinh" mà cha ông ta không tài nào hiểu nổi? Làm sao trẻ nhỏ còn biết sợ người lớn khi phép tắc chào hỏi bị xem nhẹ, khi cây chổi lông gà và câu vè "bị đòn nát đít" từ lâu đã chìm lỉm giữa những vật chất phù phiếm mà người người nhà nhà đang đua nhau trang bị cho con cháu mình.
    Thương quá trời thương cây chổi lông gà ngày xưa có hai đầu. Đầu có lông để quét dọn bàn thờ tổ tiên ông bà, đầu có tay cầm (roi mây) dùng để đánh phạt và dạy dỗ con cháu cho tới khi chúng ta nên người. Nhưng thời nay cái phần roi chắc không còn tác dụng nữa, vì con cháu nói thứ tiếng nói khác, suy nghĩ một cách khác vô cùng xa xôi với truyền thống dân tộc! Do đó những người làm chổi nên thiết kế lại chổi lông gà cho kinh tế hơn: bằng cách thay lông gà bằng sợi ni-lông để nó trông "xì-tai" hơn, và phần roi thu gọn lại chừng quá nửa là được, vừa đủ để cầm mà quét thôi (bởi không còn cần phục vụ nhu cầu đánh/bị đòn của công chúng nữa!)
    Có lẽ bạn cho rằng tôi quá ư cổ hũ. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi rằng tại sao ngôn ngữ và tư tưởng của mình lọt thỏm trong thế giới của những 8x, 9x như một ông già lọm khọm đòi "thi leo núi" với thanh niên trai tráng. Hôm nọ có một cô bé đang học lớp 10 đã khuyên tôi nên "mau ăn chóng lớn" để theo kịp với trình độ nhận thức "hightech" của cô và các bạn cô, sau khi tôi tài lanh tài khôn khuyên cô hãy viết tiếng Việt cho đàng hoàng đi, bởi vì "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời".
    Dĩ nhiên là cô nàng mắc mớ gì nghe tôi nói. Tôi ước gì tôi hay cô, hoặc bất kỳ ai đang nhiễm "tiếng nói lạ" thời nay, trong những phút bốc đồng với văn hóa của chúng ta, chợt nhớ lại những cây roi mây đau như trời giáng của ông bà ngày xưa khi mình lỡ miệng nói bậy, hay những đòn thước kẻ của thầy cô giáo khi ta viết sai chính tả hoặc viết chữ cẩu thả. Chữ viết Việt và tiếng nói Việt đã từng quan trọng với cha ông ta và với chính chúng ta như vậy đó! Cho nên mỗi lần tôi hay bạn sử dụng "tiếng Việt ngoại lai" là chúng ta đang hùa nhau đẩy dân tộc chúng ta từng chút một xuống hố sâu thoái trào về đạo đức và sự tiến bộ.
    Đó là một lỗi lớn, lỗi mà hẳn chúng ta phải khóc òa như ngày thơ bé, rồi tự thú với cô giáo: "Cô ơi, con làm sai. Xin cô hãy đánh con thật đau!".
    NGUYỄN TRƯỜNG AN
    (Canada
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9