Giới Thiệu Miền Đất Sóc Trăng...
shinno 15.11.2004 19:55:48 (permalink)

Mời bạn Thăm Huyện Cù Lao Dung

Cù Lao Dung trước thuộc huyện Long Phú, nay tách ra thành huyện Cù Lao Dung. Tên chữ ngày xưa là Cù Lao Hổ Châu hay tên dân gian là cù lao Chàng Bè (chắc vì có nhiều chim Chàng Bè). Cù Lao Dung là địa danh chỉ một dãy cù lao chạy dọc trên sông Hậu đổ ra biển, càng về cuối càng nở phình ra để tạo thành 2 cửa sông lớn : Định An và Trần Đề, những cửa ngõ chính đi vào vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cả một vùng cù lao trù phú bây giờ điện đã về gần giáp ngã.

Ai mới đến Cù Lao Dung lần đầu nếu không có người hướng dẫn thì sẽ rất dễ đi lạc bởi những bờ bao - cũng chính là những con đường nối liền nhau giữa các khu vườn, mảnh rẫy như những bờ tường thành băng ngang, xẻ dọc như mê cung. Chỉ tính riêng phần đê bao vòng ngoài đã lên đến 300 km. Còn bờ bao phía trong thì khó có thể tính hết được. Đi trên bờ bao, thò tay ngắt một chùm Sapôchê ngay trước mặt bên này hoặc thò tay qua bên kia bẻ một trái cam quả là thú vị phải không các bạn! Còn khi nước lớn đi dạo trên những con rạch ngoằn ngoèo bằng vỏ lãi hay bằng xuồng thì các bạn mới cảm nhận được hết cái thi vị của đất cù lao!!! Thế mới biết nhũng người dân nơi đây trong những ngày đầu khai phá đã vất vả biết bao khi chiến đấu với thiên nhiên!

Người dân cù lao rất hiếu khách! Đến nhà nào, bạn cũng được mời những đặc sản có trong trong vườn nhà. Đó có thể là một ly nước dừa ngọt mát hay rổ cam, chùm nhãn,... Hay được ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa be bờ, lặn đất,... hay chuyện đánh Tây bằng tầm vông, mã tấu; chuyện đánh tàu mỹ bằng cách đóng cọc, căng dây chì bắt bo-bo; hay chuyện bắt kình ngư ngày xưa đi lạc vào vùng cửa sông chẳng hạn!? Tin rằng bạn khó mà rời gót!

Nếu gặp may, bạn có thể được đãi món đặc sản đất cù lao mà bây giờ có thể nói rằng đã “cực hiếm”!? Đó là cá Bống sao kho chồn, một món tuy dân dã nhưng chỉ nếm qua một lần thì ban khó có thể quên được. Cá bống sao chỉ lớn độ ngón chân cái, nhưng gan cá bống sao lớn gần bằng cái bụng của nó. Vị nhẫn nhẫn, bùi bùi của gan cá, cộng với mùi hăng hăng, nồng nồng của rau cải trời mọc quanh vườn nhà thì thiệt... ”tuyệt cú”!!!

Một món độc khác là cá thòi lồi nướng trui, ăn kèm bún, rau sống, chấm nước mắm chua dằm bần dĩa chín,... Món này bỏ xa món cá lóc nướng trui. Khi bắt được một chú thòi lồi, tin rằng với những du khách yếu lòng khó có thể vùi chú cá vào đống lửa than vì đôi mắt lộ to tròn ngơ ngác, bộ vi lưng màu sắc lộng lẫy vươn cao như hàng kỳ của một viên dũng tướng ra trận. Chính vì đôi mắt to, lộ như vậy mà hễ ai bị cận thị thì sẽ bị gán ngay cho một câu “mắt thòi lồi”. Nhưng các hãy khoan giận khi một lần được nhìn thấy chú cá này và xơi thử món cá thòi lồi nướng trui rồi hãy tính sau!?

Chưa hết! Vào buổi chiều dần xuống có thể tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên con rạch Tráng, vốn ngày xưa chính là cửa Ba Thắc - một trong chín cửa của sông Cửu Long, bạn mới thấy hết nét đẹp và thơ của xứ Cù Lao với những rặng bần trải dài hút tầm mắt, tiếng đàn ong vo ve. Hoàng hôn xuống, lấp loá đèn Đom Đóm như đêm hội hoa đăng trên sông nước Cù Lao. Có lẽ, ngày xưa chúa Nguyễn có dịp qua đây trên con rạch Tráng, cảm với vẻ đẹp của hàng bần nên mới cải tên cho “bần” thành Thuỷ Liễu!?

Hiện rừng bần phòng hộ đang ngày càng lấn biển và trải dài suốt dọc bờ sông Hậu ở cả hai phía. Với những trái bần dĩa, bần ổi chín “dốt” chấm mắm sống hoặc muối,... bảo bảo đảm các bà, các chị, các cô mê chết...

Cũng cần phải nói thêm! Ngõ đổ ra sông Hậu của con rạch Tráng nay (cửa Ba Thắc xưa) chính là đoạn rạch từ bên này cảng Trần Đề nhìn xéo qua về phía tay phải. Cửa Ba Thắc bị bồi lấp đã hình thành nên xã An Thạnh 3, Đại Ân 2 và khu vực Nông trường 30/4 ngày nay. Đổ vào rạch tráng từ cảng Trần Đề qua khi nước ròng, bạn mới thực sự thấy được sự dữ dội của một cửa sông xưa, dù bây giờ chỉ còn mang tiếng là con rạch nhưng vẫn rộng trên 100m và nước đổ cuồn cuộn ra biển.

Phương Quang

mời bạn ghé thăm website của Tỉnh Sóc Trăng
www.soctrangonline.net
#1
    QVPT 15.11.2004 22:40:57 (permalink)
    Lịch Sử



    Theo tài liệu "Gia Định Nhất Thống Chí" của Trịnh Hoài Đức. Người Việt Nam đến miền này từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Năm 1757, đời vua Lê Hiến Tông, tranh giành vương quyền xảy ra ở Cao Miên giữa Nặc Nhuận (kế nghiệp vua Nặc Ông Nguyên) và Nặc Hinh, khiến Nặc Nhuận cầu cứu bên ta (trước khi bị giết). Chúa Nguyễn theo báo cáo của Mạc Thiên Tử ở Hà Tiên bèn sai Nguyễn Phúc Du đem quân đánh giúp, lập lại trật tự và đưa con Nặc Nhuận là Nặc Tôn lên ngôi. Nặc Tôn cắt đất Tầm Phong Long tạ ơn chúa Nguyễn. Đất này gồm các miền từ Châu Đốc đến Long Xuyên, Ba Thắc... Chúa Nguyễn cũng ra lệnh cho Nguyễn Phúc Du, và Nguyễn Cư Trinh chia đất ra làm nhiều đạo như Đông Khấu Đạo ở Sa Đéc, Tân Châu Đạo ở Tiền Giang và Châu Đốc Đạo ở Hậu Giang. Đất Ba Thắc đổi thành phủ Ba Xuyên thuộc tỉnh An Giang. An Giang (gồm cả Vĩnh Long) là trấn Vĩnh Thanh, một trong năm trấn của Gia Định thành vào thời Gia Long và một trong sáu tỉnh thời Minh Mạng.



    Thời Pháp đặt tên đất nầy và một phần của tỉnh Bạc Liêu là Sóc Trăng. Tháng 8-1867, dân chúng ở Sóc Trăng theo ông Chưởng đánh Pháp. Dùng súng đạn ít, dân ta dùng dao mác, lập căn cứ trong vùng đánh trường kỳ.



    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9