Một ban nhạc trẻ 3.000 năm tuổi
Hàn Lệ Nhân 02.02.2008 22:14:32 (permalink)

Một ban nhạc trẻ 3.000 năm tuổi (*)
 
Hàn Lệ Nhân
 
 

 
Họ có tổng cộng gần 3.000 năm tuổi, đổ đồng 78 tuổi/người. The Zimmers (1) gồm 40 thành viên là một ban nhạc Rock già nhất thế giới. Người giới thiệu chương trình truyền hình, Tim Samuels kể lại làm cách nào anh đã tạo nên hiện tượng tầm cỡ hành tinh này:
 
«Chuyện về ban nhạc The Zimmers được bắt đầu bởi tôi muốn thực hiện một phóng sự tài liệu về cách đối xử với những người già đã được thể hiện ra sao: Họ đã bị cho ra rià, bỏ qua một xó. Tôi vẫn tự nhủ nếu người ta phán xét một quốc gia theo cách quốc gia đó đối đãi với những người già thì Vương quốc Anh hẳn bị xếp vào hạng tệ. Nhưng đồng thời tôi lại muốn làm dăm điều tích cực. Hát là một phương cách làm cho họ tái xuất hiện. Thế là tôi có ý làm cho một nhóm bô lão hát để thâu một clip video và một đĩa CD. Có điều tôi không muốn làm ba thứ mang tính cách “ngộ nghĩnh” và đặc quẹo như mật: Tôi mong ước một loại nhạc Rock thứ thiệt. Tác phẩm “Thế hệ của tôi” (My Generation) của The Who (ban nhạc Anh được thành lập vào năm 1965) đã được tuyển chọn như một hiển nhiên. Với những lời nhạc như “tôi ước tôi sẽ chết trước khi trở nên già” đã cho tôi biết tôi sẽ có vài điều thú vị. Điều đó không dễ thuyết phục thiên hạ theo tôi. Tôi bắt đầu quay hình và gặp gỡ các cụ hầu như khắp nơi, trong những viện dưỡng lão, cô lập trong nhà các cụ hay trong quán Bingo (2). Khi tôi đề nghị ý tưởng của tôi với các cụ, phần lớn họ đều cười vào mủi tôi và cho là nực cười. Tuy nhiên, lần hồi tôi đã thuyết phục được vài cụ đến phòng thâu, chỉ là để các cụ được ra ngoài hai ngày. Tiếp theo, phải tìm cho ra các nhà sản xuất nhạc chịu chơi. Khâu này cũng vậy, thật là khó thuyết phục để họ chịu cho thâu nguyên một đĩa nhạc với 40 giọng ca “cụ cố”. Tôi bị  khước từ biết bao nhiêu lần.
 
Rốt cuộc, tôi may mắn gặp một nhà sản xuất đồng thời cũng là một nhà tranh đấu bảo vệ người già tên Mike Hedges, từng cộng tác với các nhóm như U2, The Cure hay hơn nữa với ca sĩ Dido. Chúng tôi ghi âm trong các phòng thâu huyền thoại Abbey Road (nơi tứ quái Beatles đã thâu vào cuối thập niên 1960). Song, có các ca sĩ và nhà sản xuất vẫn chưa đủ: Mike và tôi không biết các Rockers của chúng tôi có biết hát không! Trong phòng thâu, quả là cực hình cho thần kinh. Chúng tôi có nửa ngày để tổng dợt. Nhưng nhờ giàu lòng đam mê nên dự án đã cất cánh đúng như dự tính. Điểm đặc biệt nhất là chúng tôi đã khám phá ra Alf, 90 tuổi, trở thành giọng ca chính khi lập nhóm. Cụ Alf có một giọng ca đẹp, nhờ thế đã cứu vãn được cuộc ghi âm.
 
Cụ Alf sống tại phiá bắc Luân Đôn. Cụ là một con người làm ta thương cảm: Địa điểm nơi cụ chơi bingo, nơi cụ gặp gở bạn bè hầu như hàng ngày từ 30 năm qua bị đóng cửa. Rồi cụ gặp Tim Samuels. Cụ bảo “Thật ra, đây là lần đầu tiên tôi làm 1 điều như vậy. Quả là kích động khi được thâu âm trong cùng một phòng thâu của The Beatles. Tôi không tin điều đó đã xảy ra với tôi, và tôi có cảm tưởng nó đã đưa tôi trở lại đời sống”.

 

Thành viên “đặc biệt” thứ hai là giọng bè nữ Winifred Warburton (Winnie), mới có 99 cái xuân xanh. Winnie là cây cười của The Zimmers. Luôn luôn sắp sẵn để kể chuyện tếu, thấm chí “cô nàng” đã dám gọi thẳng tới Graham Norton, người dẫn chương trình trứ danh của mục talk-show trên kênh BBC, chỉ để nhắc nhở chàng rằng lắm khi chàng tỏ ra thô lậu. “Cô nàng” tâm sự với kênh BBC: Cuộc phiêu lưu này là 1 trong những ngày đẹp nhất của đời tôi. Trước khi gia nhập The Zimmers, Winnie đã chuyển đổi nhà dưỡng lão… 16 lần.
 
Trong clip video My Generation của The Zimmers, chúng ta có thể đọc được những khắc khoải của các cụ ghi trên mấy tấm cạc-tông, chẳng hạn “tôi chưa ra khỏi nhà từ 3 năm qua”, “xin đừng bỏ tôi qua một bên chỉ vì tôi 90 tuổi”, “tôi buồn chán lắm trong viện dưỡng lão”.
 
Ngày nay, sự thành công của The Zimmers đã ngoài sức tưởng tượng. Đầu năm 2008, clip video của The Zimmers đã có 4,1 triệu lượt xem riêng trên mạng Youtube. Đĩa My Generation được phát hành cuối tháng 5 năm 2007, ngay tuần đầu tiên đã đứng hạng 26 trong Top 50 bên Anh. Rồi tôi đi Los Angeles cùng ba thành viên trong The Zimmers, hợp tác với chương trình truyền hình NBC, trước khi ra mắt CD bên Mỹ (3).  Điều ngạc nhiên lớn nhất của tôi trong khi thực hiện dự án là các cụ nhà ta rất hoạt kê. Tôi được cười nhiều bận suốt thời gian 3 tháng quay phim. Tóm lại, phần lớn các bạn tôi đều kém vui nhộn như The Zimmers.»
 
*


Dường như tôi “hữu duyên” với lớp trưởng lão hơn lứa tôi, vì tôi chỉ thoải mái khi giao tiếp, đối thoại với các…cụ. Trong văn giới VN tại Pháp, có một cụ nhà báo lớn tuổi hơn song thân tôi, con trai út của cụ và tôi đồng tuổi, do đó đương nhiên tôi phải gọi cụ bằng bác. Cụ không chịu, bắt tôi gọi bằng anh. Tôi đâu dám. Thế rồi, hai bác cháu thoả thuận với nhau: Trong gia đình thì xưng hô bác-cháu. Ngoài sinh hoạt lại là anh em. Một cụ nhà thơ khác cũng vậy, nhưng trớ trêu trong một buổi họp mặt, tôi đang đứng hàn huyên với một chị bạn hơn tôi 5 tuổi thì cụ nhà thơ sà tới, chị bạn liền bộp chộp giới thiệu: Đây là cậu ruột của chị! Tôi ngớ người hết mấy giây, bật cười bảo: Ông cậu thì “moa” kêu bằng anh, cô cháu “moa” lại tôn làm chị! Cũng may chị bạn này thỉnh thoảng mới xuất hiện ở đám đông.
 
Tôi tải clip My Generation do The Zimmers hợp xướng xuống cất, đã thưởng thức 7 lần. Mỗi lần đều rưng rưng cười xúc động. Sáng kiến của Tim Samuels và Mike Hedges xứng đáng là một kỳ tích nhân bản. Không tài nào tưởng tượng nổi một hoạt cảnh tương tự gồm các cụ ông, cụ bà người mình. Tự nhiên tôi da diết nhớ một cụ ông thuộc hạng thượng thừa trong làng âm nhạc truyền thống VN mà tôi phục tài nghệ, trọng nhân cách, nể sức vận dụng trí tuệ. Cụ xem tôi như một người bạn vong niên. Nhân sinh nhật bát tuần của cụ, tôi - bấy giờ đã 50 - có mừng thọ như sau:

Năm mươi không còn trẻ
Sáu mươi đâu đã già
Bảy mười bóng ngã tà tà
Tám mươi như bác hơn là năm mươi.

Trong làng âm nhạc VN hải ngoại nói riêng, tôi chỉ may mắn quen biết ba “cây cổ thụ” nay đã ngoài 80: Một mới mất tại Paris, 29/08/2006 (cụ PXL). Một trống kèn về nước với vô vàn điều tiếng lẽ ra không nên có, không cần thiết. Một âm thầm hồi hương, tiếp tục chí hướng vị nghệ thuật từ thời mới đôi mươi (cụ TVK).
 
Ai cũng muốn sống lâu, nhưng đều sợ già, mặc dù vẫn biết già hay trẻ là tự trong cái đầu. Chẳng thiếu gì trường hợp trong nam giới, khi còn trẻ măng thì cố sắm hai con sâu róm chữ bát, dọn dáng cho [/]già trước năm tháng, lúc đã về chiều lại gắng cạo chỉnh cho ra vẻ trẻ sau tháng năm. Cả hai trường hợp, theo tôi, đều không “đúng tuổi”. Người á châu nói chung, người Việt nói riêng vốn có truyền thống quý  người già cả vì “kính lão đắc thọ” mà. Nhưng đã có mấy người già biết quý tuổi già? Theo tôi biết thì tuyệt đại đa số đều còn giữ quan niệm Hưu là Hết. Bản thân tôi, còn lâu mới được nghĩ hưu, nhưng do sống lâu ở nước ngoài, tôi đã hiểu rõ Hưu là Bắt Đầu. Chính thức bắt đầu một đời sống khác, theo lẽ, thú vị ít ra cũng phải gấp đôi đời sống đã qua, nếu biết ứng tác thời gian “ở không, không biết làm gì”.(4)
 
Và đương nhiên cũng có «những kiếp người sống lâu trăm tuổi, càng sống càng tồi, càng sống càng bé lại»(5), khác gì những «cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại»(6). Ngoài ra, có những người già với câu cửa miệng “tiền đồ đất nước nằm trong tay thanh niên”, lại có những thanh niên tiếp lời “…nhưng cái đầu thanh niên lại luôn luôn bị kẹp cứng trong cái kim cô khú đế”. Vậy đến khi tiền đồ hoá thành rồng… có cánh tất không thể không là rồng lụ khụ.
 
Riêng cụ TVK là khác hẳn, dù độ rày thể chất cụ có hơi sút, đi đứng chóng mệt nhưng tôi xem ra cụ chẳng bao giờ già khi tiếng nói vẫn vang, chắc của cụ mỗi lần bác cháu mạn đàm đủ thứ đề tài, hoàn toàn không có màn lấy tuổi đè người, tiếng cười vẫn ha hả phóng khoáng, giọng hát vẫn trầm ấm; hoặc mân mê số hồi ký cụ ký tặng từ sự miệt mài gõ bằng hai ngón trên máy vi tính và nhất là nghe-nhìn phong cách sôi động tự nhiên của cụ ông 84 tuổi ngẫu tấu liên tục hàng giờ với nhóm nhạc Jazz trẻ Pháp-Việt. Hình như cái men nhạc, men văn say cụ hơn là ngược lại.
 
Viết thêm mấy dòng này thay lời Chúc Xuân (7) bác phương đó an khang. Và chẳng qua trộm ước được nghe-nhìn con chim Sơn Ca gặp cơ hội lập một kỳ tích ngoạn mục như The Zimmers.
 
 
Hàn Lệ Nhân
(Tổng hợp và phóng tác)
 
(*) Nguyên tác: Eric Albert, J’ai lancé le Rock des vétérans – Notre Temps số 452, Paris 08/2007 và Internet.
 
(1) Zimmers có gốc từ Zimmer frame = Déambulateur, có nghĩa «tản bộ, du ngoạn».
 
(2) Bingo là lối chơi tương tự Lô-tô bên ta.
 
(3) Clip My Generation của The Zimmers có ở đây:
Một số thành viên The Zimmers:
Winifred Warburton (99 tuổi), Eric Whitty (69), Tim O'Donovan (81), Joan Bennett, Barry Foy (69), Alf Carretta (90), Gillian (Deddie) Davies (69), Peter Oakley (80), Buster Martin (101), John Tree, Bubbles Tree, Grace Cook (83), Charlotte Cox (84), Irene Samain, Joanna Judge, Jessie Thomason (85), Vera Welch (80), Ann Sherwin (79), Norma Walker, Anne Morrissey, Frank Morrissey, Maura Duckett, Maura Haughey (65), Peggie Bohan (65), Peter Comerford, Peggie Crowely, John Learnord, Mollie Ormonde…
 
(4) Tên một tiết mục trong Chuyện Linh Tinh, DĐ Đặc Trưng.net
 
(5 & 6) Lê Đạt và Phan Khôi, Ông bình vôi – Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 75. NXB SudAsie tái bản, Paris 1983.
 
(7) Nhạc Chúc Xuân:
http://www.megaupload.com/?d=GIAYCTAA
http://www.megaupload.com/?d=XSAUOHLF
 
[/font=Times new roman][/size=3]
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9