Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông
Nguyên Đỗ 07.02.2008 11:19:21 (permalink)


Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông

Em ạ,

Chiều nay anh ghé lại bưu điện nhận món quà em gởi từ quê hương, một vùng trời đầy kỷ niệm, hồi hộp không biết em một người xa mà gần bất ngờ gởi đến anh một món quà gì, một tập thơ, một băng nhạc, một chiếc nón bài thơ, một ống sáo, hay những cánh hoa mai, hoa đào ép trong tập vở với những vần thơ xinh của một thời mộng mị ngày em hoặc anh đang còn lững thững học ở trường Bùi Thị Xuân, Thiên Phước trên thành phố mộng mơ Đà Lạt...

Anh cầm kéo cắt hộp quà ra cẩn thận từng tí một, cũng như em đã hết lòng gói quà với tất cả thân thương, từng góc cạnh gắn băng gọn ghẽ, kỹ càng để khung ảnh không bị bể. 

Thật ra ngoài suy đoán của anh.  Em đã gởi món quà thật ý nghĩa trong dịp xuân Mậu Tý này.  Em đã gởi trong khung ảnh đó cả tấm lòng tao nhân tri kỷ, cả một trời mộng mị, một cành đào thêu tay thật đẹp với hàng chữ:

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

trích trong bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt của Thôi Hộ:

Đề Đô thành Nam trang

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Thôi Hộ

Dịch nghĩa

Đề (thơ) ở trang viện phía Nam thành Đô

Ngày này năm ngoái tại cửa đây
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao

(Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.



Hôm nay, năm ngoái, cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi

Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.


Dịch giả Trần Trọng Kim



Anh ngỡ mình như chàng Thôi Hộ sống ở đời Đường, như Nguyễn Du dùng điển tích hoa đào của Thôi Hộ để trải hồn mình ra với mối tình Vương Thúy Kiều, Kim Trọng:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Nguyễn Du (Kiều)

Trong thoáng chốc hồn anh phiêu lãng vào một chân trời nào thật lạ.  Anh hóa thân thành danh sĩ Thôi Hộ đời Đường nhân tiết thanh minh thảnh thơi một mình đi về nơi phía nam của thành Lạc Dương để thưởng ngoạn tới một thôn nhỏ đầy hoa đào mọc khắp nơi ánh hồng trong nắng trưa.  Chân đã mỏi,  miệng khát nước, ghé lại cổng một trang viên để xin nước uống.  Một người con gái tuổi độ đôi tám, má ửng hồng như cánh hoa đào trong gió, ra mở cổng hỏi tên họ và có việc chi.  Khi nàng biết chàng Thôi Hộ cần nước, nàng dịu dàng kín đáo bưng nước ra mời sau khi xin lỗi gia đình đã đi lễ thanh minh không có ai ngoài nàng nên không tiện mời Thôi Hộ vào trang viên.  Chàng dùng nước xong, lòng vương vương vấn vấn trước nét đẹp tuyệt vời của Vương tiểu thư, nhưng chẳng dám chần chừ ở lại trái với nho phong, vì dẫu sao nàng vẫn còn bé bỏng so với tuổi đời của chàng.

Bẳng cả năm sau, chàng vẫn chưa quên được hình ảnh người con gái e ấp đôi má ửng hồng như cánh hoa đào.  Nhân tiết Thanh minh, cũng ngày này năm ngoái, chàng đã gặp nàng, Thôi Hộ quay về đường xưa lối cũ với hy vọng được gặp Vương tiểu thư thêm một lần nữa.  Chỉ gặp thôi, chứ chàng chưa  dám mơ tưởng tới chuyện xa xôi khi chàng chưa biết rõ gia thế  và sự kén chọn của gia đình Vương tiểu thư.  Chàng dù sao cũng đã trung niên và chỉ là một danh sĩ nghèo chứ không phải nhà cửa đền đài sang trọng như vua quan hay phú hộ.  Nếu có một chút hy vọng gì, chàng chắc chắn sẽ cậy người mai mối. 

Nhưng than ơi, chàng đến Vương gia trang từ trưa đến chiều cũng không thấy ai về, hoa đào vẫn nở tươi, nhưng người đâu chẳng thấy...  Chàng bồi hồi xúc động thương nhớ cảm tác viết một hơi bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Chàng buồn bã  gắn lên cánh cửa bên trái
bốn câu thơ rồi ra về:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Có ai ngờ đâu người con gái khuê các xem thơ xong, gỡ xuống, cất đi, nhớ mong Thôi Hộ trở lại mà chàng biền biệt vắng tăm.  Nàng khuê nữ thời buổi ấy mang nỗi tương tư không nói lên lời, phải chi mà cha và nàng có mặt ở trang viên hôm chàng tới thì có phải là hay không, phải chi... phải chi...  Ôi nỗi lòng của người con gái mười bảy xuân thì tương tư một người hàn sĩ trung niên có mấy ai hiểu hay đoán được.  Nỗi lòng bi ai sầu thẳm của nàng chỉ có thể đem xuống tuyền đài mới cam chứ làm sao tỏ bày cùng ai được!

Nàng buồn rầu rồi sinh bệnh, khi chết còn cầm trang thơ của Thôi Hộ áp vào trên ngực.  Bấy giờ cha nàng mới biết là nàng tương tư Thôi Hộ sinh bệnh mà chết, thuốc chữa chạy bấy lâu chỉ là chữa bệnh bên ngoài, chứ bệnh tâm làm sao chữa được đây.  Đang tiết thanh minh nên ông chưa kịp chôn thì Thôi Hộ vì nhớ thương lại đến với hy vọng gặp nàng con gái chàng đã gặp ba năm trước cũng vào ngày thanh minh này.

Chàng gõ cổng, Vương ông ra, nhìn dáng nho nhã liền hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không, và trách khéo chàng đã làm con ông đau buồn mà chết.  Choáng váng và ân hận, Thôi Hộ quỳ xuống xin lỗi ông và xin được vào tạ tội cùng người quá cố.  Chàng quỳ xuống bên giường Vương tiểu thư khóc lóc kể lể, cầu trời thương xót Vương Tiểu Thư và chàng, những lời van xin thành khẩn chạm tới trời xanh, những giọt lệ chân tình chạm vào khuôn mặt nàng khiến đôi má ửng hồng lại dần dần, trái tim đập lại...  Vương tiểu thư tỉnh dậy trước sự vui mừng của Thôi Hộ và Vương ông.  Như hiểu đó là duyên tiền định, Vương ông nói Thôi Hộ nhờ người mai mối để ông tác hợp duyên của chàng và con gái ông.  Bài thơ Thôi Hộ và chuyện tình tuyệt vời như huyền thoại của Thôi Hộ và Vương tiểu thư đã đi vào lòng người.

Bức tranh thêu tay của em đã đưa anh về thời xa xưa tuyệt vời thơ mộng ấy.  Cám ơn em đã đưa anh vào cõi đào nguyên nơi chuyện gì cũng có thể xảy ra được.  Cám ơn em những cảm giác xa vời mà gần gũi như đang gần bên nhau.

Nguyên Đỗ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.02.2008 11:35:44 bởi Nguyên Đỗ >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9