Tiểu Sử của nhà văn Tiểu Tử
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 22 bài trong đề mục
Viet duong nhan 08.02.2008 22:48:18 (permalink)
Nhà văn Tiểu Tử
 
Tiểu sử của nhà văn Tiểu Tử .
 
Tên họ : Võ Hoài Nam
Sanh năm 1930. Quê quán : Gò Dầu Hạ ( Tây Ninh )
Tốt nghiệp trường kỹ sư Marseille ( Pháp ) năm 1955 . Về Việt Nam dạy trường Petrus Ký một năm ( 1955 – 1956 ) rồi vào làm  việc cho hãng dầu Shell VN từ năm 1956 cho đến ngày mất nước . .
Năm 1979 vượt biên rồi định cư ở Pháp . Qua  Côte d’ Ivoire ( Phi Châu ) làm việc cho Công ty Đường Mía của Nhà Nước 1979 – 1982 , sau đó , qua làm hãng dầu Shell Côte d’ Ivoire cho đến về hưu .
Trước 1975, phụ trách mục biếm văn ‘’ Trò Đời ‘’ của nhựt báo Tiến với bút hiệu Tiểu Tử. là bút hiệu mà tác giả vẫn dùng cho những truyện ngắn hay tạp văn mà ông viết sau này , từ khi ông lưu vong…..….
Đã xuất bản tập truyện ‘’ Những Mảnh Vụn ‘’ ( 2004 ), và bây giờ là tập truyện ‘’ Bài Ca Vọng Cổ ‘’ ( 2006 )
 
 
#1
    Viet duong nhan 08.02.2008 22:50:43 (permalink)
    Xíu 

    Tiểu Tử


    Nàng là người Việt gốc Hoa. Tên nàng là Trịnh Tiểu Mi, một cái tên rất... "tài tử Hồng Kông". Mà thật sự, nàng cũng có nét tài tử Hồng Kông, bởi vì nàng đẹp. Ở nhà gọi nàng là "A Xíu", một cái tên có âm thanh thật dễ thương. Và cũng hạp với con người của nàng: nhỏ nhỏ thon thon, cân đối gọn gàng như con búp-bế.
    Gia đình nàng có nhà ở Chợ Cũ Sàigòn.Tầng dưới là cửa hàng bán cà phê đã rang rồi, cà phê hột và cà phê xay đủ loại. Hai tầng trên để ở và sân thượng là nơi rang cà phê.

    Nàng là con gái duy nhứt của gia đình, lại là đứa con út nên được cưng như trứng mỏng. Hai người anh đã có gia đình, đã "ra riêng", cũng bán cà phê nhưng ở tuốt trong chợ lớn. Ngày ngày, nàng phụ "mà má" đứng bán cà phê. Khách hàng tới mua nườm nượp, nhất là giới trai trẻ. Cà phê được pha trộn và rang theo lối thủ công gia truyền, ngon có tiếng. Bán đắt đã đành nhưng cửa hàng đông khách, có lẽ phần lớn tại vì nàng duyên dáng dễ thương ! Bằng cớ là thiên hạ nói "Cà phê A Xíu" chớ không ai nói "Cà phê Hối Ký" là bản hiệu của cửa hàng !

    ...Chàng là người Việt "chánh cống", quê ở Cần Thơ. Chàng thuộc gia đình nông dân, ba đời làm ruộng. Chàng tên là Bảy vì là thứ bảy. Dáng vóc chàng cao ráo, "đô" con, nhưng tánh tình thì trầm lặng ít nói, còn có vẻ... lù đù nữa ! Vì vậy nên hồi đi lính quốc gia, bạn đồng đội "gắn" cho hỗn danh "thằng Bảy Lù".

    Hồi thời trước, nhờ bà con quen lớn sao đó mà chàng được về làm việc văn phòng ở tổng tham mưu. Chàng mướn một căn gác nhỏ ở khu cổng xe lửa số 6 để ở, rồi ngày ngày đi làm bằng xe đạp. Chàng không đủ sức mua Honda nên lúc nào cũng thấy đi xe đạp, cho dầu phải đạp xa cách mấy...

    Chàng và nàng gặp nhau lần đầu trong bữa tiệc cưới của một người bạn chung. Chú rễ này cố tình sắp cho họ ngồi cạnh nhau, cùng bàn. Bởi vì khi giới thiệu, anh ta nói : "Đây là Tiểu Mi, người đẹp Chợ Cũ. Chưa có kép nào được lọt mắt xanh của nàng hết. Mày liệu thử thời vận coi ra sau. Còn đây là thằng Bảy, bạn cùng đơn vị. Nó hơi cù lần nhưng dễ thương như một tờ giấy trắng. Anh sắp nó ngồi cạnh Tiểu Mi để nó... hầu Tiểu Mi đó nghen !" Nàng nhìn chàng, mỉm cười mà hai vành tai đỏ ửng. Chàng gật đầu, nói lí nhí : "Hân hạnh...". Vậy rồi họ quen nhau...

    Về đơn vị chàng giới thiệu "cà phê A Xíu". Mấy xếp lớn xếp nhỏ uống thử, khen ngon. Sau đó, cứ vài hôm là chàng đạp xe xuống Chợ Cũ mua cà phê giùm mấy xếp. Nhờ vậy, họ thân nhau. "Pà-pá , mà-má" của Xíu cũng mến "thằng Bảy", nên thường nói : "Tội nghiệp thằng nhỏ ! Đạp xe lên xuống mua cà phê hoài mà không nghe than một tiếng".

    Rồi họ được phép đi chơi với nhau. Đi xe đạp, mỗi đứa một chiếc, chạy song song. Những lúc đi như vậy, chỉ có mình nàng nói, còn chàng thì mỉm cười lắng tai nghe, lâu lâu góp vào vài câu, nhưng góp đúng lúc. Nàng thích chàng ở chỗ tế nhị đó. Còn chàng thì thích nghe nàng nói, nói bất cứ chuyện gì. Bởi vì giọng nói của nàng đã dễ thương mà cách nàng nói càng dễ thương gấp bội.

    Vậy rồi họ yêu nhau lúc nào không biết ! Họ chưa từng nói "yêu nhau" nhưng họ biết họ yêu nhau. Bởi vì họ nói tình yêu bằng đôi mắt và họ nghe lời yêu bằng tất cả con tim...

    Một hôm -chàng nhớ hoài cái hôm đó, đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ, và có lẽ mãi mãi về sau ... ờ... mãi mãi về sau ... chắc chẳng bao giờ quên- hai đứa hẹn nhau đi chơi, Xíu nói : "Em để xe đạp ở nhà. Đi chơi mà đạp xe song song cứ phải nhìn qua ngó lại, sợ té sợ đụng, có khi quên bẵng đi mình đang nói cái gì ... thành ra mất đi cái thú đi chung với nhau". Rồi nàng nghiêng nghiêng đầu nhìn chàng, cười cười : "Em muốn anh chở em đi, được không ?". Chàng sung sướng, gật đầu. Nàng ngồi lên pọt-ba-ga, hai chân buôn thõng một bên, một tay nắm lấy phía sau yên xe. Dáng nàng ngồi thong dong thoải mái. Chàng đạp xe, nghe nhẹ phiêu phiêu. Một lúc, chàng hỏi "Xíu ngồi có được không ?". Nàng trả lời: "Được chớ anh". Rồi tiếp: "Anh thấy không ? Mình đi chung một xe như vầy, nói chuyện với nhau có phải thích hơn không ? Dĩ nhiên, anh ngồi phía trước, em phía sau, mình không nhìn nhau được trong khi nói chuyện. Nhưng mình đâu cần nhìn nhau mà mình vẫn thấy nhau phải không anh ?".Chàng nghe mát cả lòng. Chàng gật đầu rồi nhấn mạnh lên bàn đạp cho xe đi nhanh nhanh như để nói lên niềm phấn khởi ! Rồi đột nhiên chàng nói, lời lẽ không biết từ đâu tuôn ra : "Xíu à ! Chở Xíu đi như vầy, có phải đạp suốt ngày, suốt tháng, suốt năm... anh cũng đạp nổi." Nàng cười sung sướng, đưa tay véo hông chàng một cái. Sao nàng thèm cắn người yêu thật đau cho hả "cái gì đó" đang căng đầy lồng ngực...

    Từ đó, có đi chung thì luôn luôn chàng đèo nàng sau xe...Dễ thương quá là tình yêu của Bảy và Xíu !

    Vậy rồi có ngày 30 tháng tư 1975... Phải có ngày đó, để đổ nát được cách mạng đề cao. Phải có ngày đó, để hoang tàn được cách mạng xem là thành tích. Miền Nam giống như nùi giẻ rách, nhờ đã được giải phóng hoàn toàn !

    Hai người anh của Xíu đã đưa vợ con di-tản. Pà-pá, mà-má và Xíu ở lại buôn bán lai rai, chờ coi có "làm ăn gì được không". Cửa hàng bây giờ thâu gọn lại chỉ còn có hai thùng kiếng nhỏ đặt phía trước. Bảng hiệu đã được gỡ xuống cất trên sân thượng. Mấy dụng cụ rang cà phê được chất ngổn ngang trong một góc, giống như đồ phế thải. Làm như vậy để thấy cái vẻ nghèo nàn, làm ăn khó khăn...

    Bảy học tập ba hôm rồi về làm thợ phụ cho bác Năm thợ hồ ở cùng xóm. Chàng có "xẹt" qua Chợ Cũ thăm người yêu mấy lần. Bây giờ họ không còn thì giờ để đi chơi với nhau bởi vì ai cũng bận rộn bởi các buổi hội họp, học tập, khai báo, đi mết tinh v.v... là những thứ sanh hoạt rất cần thiết để đưa nhân dân lên làm chủ (Nhà Nước nói như vậy). Thành ra mỗi lần họ gặp nhau, họ coi thời gian quý như vàng ! Có lẽ vì vậy mà bây giờ họ nhìn nhau nhiều hơn là họ nói chuyện với nhau...

    Thời gian sau, chánh quyền "đánh tư sản mại bản".Gia đình Xíu không tránh khỏi "đại nạn" này. Những người "cách mạng" xong vào nhà ngang nhiên và hùng hổ như một bọn cướp. Họ "bươi" từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ sau ra trước... giống như gà bươi đống rác. Gặp gì kiểm kê nấy. Vậy rồi... hốt hết ! Mà-má và Xíu chỉ biết ôm nhau mà khóc, còn Pà-pá thì ngồi trên ghế xích-đu, xích tới xích lui hút thuốc, nín thinh.

    Sau "trận" đó, nhiều người nhảy lầu tự tử. Nghe thấy như vậy, Pà-pá nói: "Làm như vậy đâu có giải quyết cái gì ? Tụi nó còn cười, nói mình ngu ! Từ từ rồi tính nữa." Trong khi chờ đợi pà-pá "tính nữa", mẹ con Xíu ngồi xổm trên vỉa hè bán giò-cháo-quẩy bánh tiêu... Bây giờ, Bảy vẫn đạp xe xuống thăm Xíu. Lần nào cũng được nàng cho một cái bánh. Chàng ngồi xổm một bên, ăn. Không đói, nhưng vẩn ăn. Và ăn thấy ngon !

    Cách mạng không..."quản lý" được thời gian nên thời gian vẫn đi qua, ngạo nghễ. Thiên hạ lần lượt đi chui-cũng gọi là "vượt biên" -Phần đông đi bằng đường biển. Có người đi thoát, có người bị bắt. Những người đi thoát, có khi mất tích, có khi bị cướp. Dầu vậy, đi chui cũng đã trở thành gần như là một phong trào !

    Thấy mỗi người vượt biên phải đóng nhiều cây vàng cho người tổ chức, cán bộ cách mạng "nhào ra làm ăn". Họ cũng tổ chức đi chui, nhưng là một loại đi chui không sợ bị bắt vì có chánh quyền ... hộ tống. Vì vậy, thiên hạ gọi là "đi chui bán chánh thức" ! Người Tàu được ưu tiên đi bằng cách này. Cho nên họ đi ồ ạt...

    Một hôm, được thơ hẹn của Xíu, Bảy xin nghỉ việc buổi chiều, đạp xe xuống "Con Rùa" đường Duy Tân, đợi. Một cô gái chở Xíu tới bằng Honda, gật đầu chào Bảy, đợi Xíu bước xuống rồi quay xe đi vội vã. Xíu mặc áo dài trắng, tóc được cột túm lại sau ót. Nhìn đôi mắt mọng đỏ của người yêu, Bảy linh cảm có một cái gì không ổn. Bảy hỏi: "Có chuyện gì vậy, Xíu ?". Nàng không trả lời, nhưng nói giọng trống rỗng: "Anh chở em đi. Đi đâu cũng được". Đợi nàng vén vạt áo ngồi vững vàng lên pọt-pa-ga, chàng mới đạp xe đi. Đi chầm chậm, đi thẳng. Lần này, Xíu không nắm phía sau yên xe. Xíu vòng một tay ôm lấy nửa người của Bảy. Lần đầu tiên được bàn tay thon nhỏ của người yêu đặt lên bụng mình, Bảy thật xúc động. Chàng đạp xe mà tưởng chừng như trên đường phố chỉ còn lại có hai đứa...

    Một lúc sau, Xíu mới nói: "Pàpá cho phép em đi chơi với anh từ giờ tới năm giờ chiều". Rồi nàng nghẹn ngào: "Đi với nhau lần cuối". Bỗng nàng chồm tới, vòng cả hai tay ôm chặt lấy người yêu, úp mặt lên lưng chàng, khóc ngất. Chàng nghe rớt ra từng tiếng rời rã trên lưng: "Tối ... nay ... em ... đi ...". Mồ hôi bỗng vã ra như tắm, nhưng Bảy vẫn còn tỉnh táo để đặt một bàn tay lên bàn tay người yêu bóp nhẹ. Cử chỉ đó làm Xíu không kềm được nữa. Nàng vừa khóc lớn vừa giúi giúi mặt lên lưng người yêu, mạnh thật mạnh- Làm như nàng muốn chui hẳn vào người của chàng để hai đứa chỉ còn là một, để nước mắt và mồ hôi của hai đứa hòa quyện với nhau cùng chung niềm thống khổ, để đừng thấy đừng nghe đừng biết gì gì nữa, chết lịm đi cho cuộc tình khép lại, vĩnh viễn khép lại... Tội nghiệp ! Rồi ngày mai, rồi mãi mãi, cuộc đời này còn ý nghĩa gì nữa đâu ?

    Hai người vẫn đèo nhau đi... Đầu óc trống rỗng. Chẳng còn nói được với nhau chuyện gì hết. Và chắc cũng chẳng còn biết phát âm là gì nữa ! Niềm đau quá lớn đã làm cho họ như người câm. Hai người câm...

    Xíu vẫn ôm lấy người yêu, áp một bên má lên cái lưng chắc nịch của người yêu, quên mất rằng đây là lần đầu tiên Xíu chạm vào người của Bảy ! Lâu nay, mặc dầu yêu nhau tha thiết, họ chỉ dám nắm tay nhau thôi, và nắm tay nhau chỉ có mấy lần. Xíu nhắm mắt, tưởng chừng như thời gian đang ngừng lại. Nàng bỗng nghe rõ hơi thở, nghe rỏ nhịp tim của Bảy, những thứ mà lâu nay nàng chưa từng nghe. Mũi nàng bỗng hửi được mùi mồ hôi, hửi được mùi da thịt của Bảy, những thứ mà lâu nay nàng chưa từng dám nghĩ tới. Nàng bỗng nghe hơi ấm từ người của Bảy chuyền sang người nàng âm thầm nhưng rõ rệt, thứ cảm giác dìu dịu lân lân mà lâu nay nàng chưa từng được biết. Nàng bỗng nhận thức rằng người yêu nàng là đây, còn hiển hiện trong vòng tay. Rồi sẽ không bao giờ được như vầy nữa. Bởi vì đây là lần đầu và cũng là lần cuối, lần cuối... Thương xót quá ! Nàng siết chặt người yêu với tất cả sức mình mà nước mắt trào ra không dứt...

    ...Rồi Bảy cũng phải đưa Xíu về. Chàng vừa thắng xe, chống chân xuống đất, nàng đã đứng xuống chạy ù vào nhà. Tà áo dài trắng của nàng lất phất vài cái như vẫy chào lần cuối trước khi khuất sau cánh cửa. Bảy chống tay lên ghi-đông, đầu gục xuống giữa hai vai. Chàng có cảm giác như mình đã kiệt sức...

    ...Xíu đi rồi, ngày nào Bảy cũng đạp xe đi long bong. Không biết đi đâu, cứ đạp chầm chậm, đạp hoài. Khát, thì tấp vô uống cái gì đó. Đói, thì tấp vô ăn đại cái gì đó. Ăn gì uống gì, không cần để ý tới nữa.

    Vậy mà Bảy cũng đạp tới cái công viên nhỏ mà hai đứa thường hẹn nhau. Chàng dựng xe cạnh chiếc băng xi măng mà hai đứa thường ngồi, rồi bước lại ngồi giống như ngày xưa chàng vẫn ngồi để đợi nàng tới. Nhưng bây giờ thì chàng ngồi một mình, ngồi thật lâu. Và không biết tại sao lại phải ngồi như vậy !

    Rồi lại đạp xe đi loanh quanh. Không cần biết đi đâu...

    Vậy mà Bảy cũng đi đến "Con Rùa" đường Duy Tân, chỗ hai đứa thường đến ăn kem, uống nước dừa. Chàng dựng xe rồi lại ngồi lên bệ gạch, chỗ quen ngồi để đợi nàng đến. Chỗ đó nhìn thẳng xuống sau lưng nhà thờ Đức Bà, nàng luôn luôn đi từ hướng đó đi lên, hướng mà bây giờ chàng nhìn đâm đâm, nhìn mãi...

    Vậy mà Bảy cũng đi đến con đường Đinh Tiên Hoàng, khúc rộng thênh thang dẫn dài xuống bờ sông. Hai đứa thường đi bộ ở đó vì đường vắng và mát. Đường đó bây giờ vẫn vắng và mát, Bảy dẫn xe đi bộ chầm chậm như ngày xưa...

    Rồi Bảy còn đến nhiều nơi nữa : sở thú, vườn Tao Đàn, con đò Thủ Thiêm, chùa Vĩnh Nghiêm, quán thạch chè Hiển Khánh... Những nơi những chốn mà hai đứa, ngày xưa, đã từng đến một lần, hai lần, nhiều lần. Không biết cái gì đã đưa đẩy chàng đi như vậy ?

    Bảy không biết rằng mình đang đi lượm những mảnh vụn của cuộc tình. Nếu không có cái "ngày cách mạng thành công", thì cuộc tình đó đã không bị đập tan thành mảnh vụn... Để thấy cái gọi là "cách mạng thành công" đã thật sự thành công trong nhiệm vụ phá tan đập nát tất cả những gì của miền Nam, kể cả những gì nhỏ bé nhứt tầm thường nhứt như tình yêu của chàng trai và cô gái đó !

    Chuyện không nói Xíu có đi được đến bờ đến bến nào không. Điều mà người ta biết là có vài chiếc tàu "đi chui bán chánh thức" bị chìm vì gặp sóng to gió lớn. Việt cộng đã cho đi bằng loại tàu gần như phế thải, không còn đủ tiêu chuẩn vượt đại dương.

    Nhưng chuyện nói rằng Bảy vẫn đạp xe đi loanh quanh, hết ngày này qua tháng khác. Và bây giờ Bảy hay đứng ở bờ sông Sàigòn, nhìn xa xâm rất lâu để chỉ gọi thầm có hai tiếng : "Xíu ơi...".


    Tiểu Tử
    #2
      Viet duong nhan 08.02.2008 22:54:07 (permalink)
      NGỤY

      Tiểu Tử

      "Trích từ tuyển tập truyện Những Mảnh Vụn - Tiểu Tử"


      Trong ngôn ngữ thông thường miền Nam Việt Nam trước tháng tư 1975, tiếng "ngụy" nghĩa là "giả" ít thấy có ai dùng tới.
      Cái gì không phải thứ thiệt, không phải thứ "chánh cống", không phải thứ "có cầu chứng tại tòa"... là người ta gọi hoạch tẹt là "đồ giả", chớ không ai gọi là "đồ ngụy" hết. Ví dụ như rượu giả, thuốc giả, vú giả, bạc giả, v.v.
      Bởi vì từ ngữ hồi đó rất... thật!

      Sau tháng Tư 1975, tiếng "ngụy" đã theo gót... dép râu (Xin lỗi! Chỗ này văn chương nghe chỏi lỗ tai một chút, nhưng rất... tả chân. Không thể viết "theo gót giầy" như xưa nay thường viết, vì đối tượng ở đây toàn mang dép râu cả!) quân nón cối và quân mũ tai bèo vào Nam làm cách mạng...

      Sau biến cố, toàn dân miền Nam đều phải đi "học tập" ba hôm. Chính trong ba hôm đó người ta mới nghe lần đầu tiên tiếng "ngụy". Và nghe... đầy lỗ tai!

      Vậy là đầu hôm sớm mai, tiếng "ngụy" được nhét vào ngôn ngữ miền Nam một cách "ngang xương", không cần phổ thông đầu phiếu! Mới đầu nghe lạ hoắc, không hiểu ý nghĩa sâu đậm của nó. Cũng chẳng có ai giải thích. Mà ví dụ có ai to gan lớn mật đặt câu hỏi thì cán bộ cũng chỉ giải thích... ngang như cua thôi!

      Thành ra nhân dân miền Nam hiểu tiếng "ngụy" một cách rất... tự do, và sử dụng tiếng "ngụy" rất... rộng rãi (Được "giải phóng", có khác!). Thôi thì cái gì của miền Nam cũng đều biến thành "ngụy" ráo. Để phân biệt với "cách mạng"!.. Thằng ngụy, vợ ngụy, con ngụy, lính ngụy, chánh quyền ngụy, cơ sở ngụy, xí nghiệp ngụy, công nhân ngụy, "hàm-bà-lằng" ngụy... Và người ta nghĩ một cách rất đơn giản, rất thật thà: "Hễ thấy không có đóng con dấu ngôi sao đỏ thì cứ xếp vào đồ ngụy, là ăn chắc!".

      Thật ra, khi dán cái nhãn "ngụy" lên miền Nam, "Đảng và Nhà Nước" muốn nhân dân "chủ yếu là nhân dân miền Bắc" hiểu theo định nghĩa "ngụy" là giả, "giả nhân giả nghĩa, giả đạo đức, giả yêu nước thương dân, "ngụy" là đoạt của người ta mà nói là của mình, là bịp, là láo, là phiến loạn...

      Về sau, khi nhân dân cả hai miền đều... mở mắt, tiếng "ngụy" ít thấy dùng tới. Nhưng bây giờ thì mọi người đều nhận ra ai mới đúng là ngụy. Lớp ngụy trang bị rơi xuống, những ngụy ngôn bị vạch trần, thì chân tướng ngụy lòi ra rõ rệt, đến người mù cũng phải thấy!

      Viết dài dòng để... "đả thông tư tưởng" trước khi vào chuyện.

      Ông H là thiếu tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông làm việc ở Tổng Tham Mưu.

      Ông thuộc gia đình trung lưu. Hồi 1945, cha và anh của ông đi kháng chiến rồi đi luôn ra Bắc. Từ đó, không được tin tức gì hết.

      Mẹ của ông là giáo viên tiểu học, xem việc dạy dỗ trẻ con là một thiên chức. Bà thường nhắc về người cha và người anh vắng mặt, nhứt là người anh với những kỷ niệm đẹp của thời mà hai anh em còn ở chung với nhau: "Anh Hai của con thương con lắm. Đi học về là cởi trần rồi cõng con chạy cà bồng cà bồng quanh sân vừa chạy vừa hí rân như ngựa làm cho con cười hắc hắc. Mà con thì hay nhõng nhẽo với anh Hai con, đi đâu cũng bắt nó cõng hết. Còn khi nào con đòi cái gì không được, con hay vừa khóc vừa la để ba tưởng là anh Hai chọc con, ba rầy ảnh! Tội nghiệp! Những lúc thấy con sắp sửa làm trận như vậy, anh Hai con thường đưa đầu biểu con đánh nó đi chớ đừng khóc la, sợ ba rầy!". Rồi bà kết luận: "Tánh tình nó tốt lắm!".

      Ông lớn lên trong vòng tay người mẹ, được giáo dục bằng tình thương, xem gia đình là căn bản, lấy đạo đức làm phương châm. Và ông giữ mãi trong lòng sự mến mộ "người anh Hai lúc nào cũng làm vui lòng em, lo lắng cho em, bảo vệ em".

      Mãi đến năm 1973, mới được tin qua một người bà con rằng cha mất đã lâu và người anh bây giờ là tướng của "ngoài đó". Thật là bàng hoàng. Mẹ ông khóc hết nước mắt. Thời gian sau, bà nói: "Mẹ chỉ mong cho mau hết giặc, để anh em con về sống bên mẹ yên vui như ngày xưa. Chừng đó, mẹ mãn nguyện để theo ông theo bà...".

      Mẹ ông qua đời vào giữa năm 1974, chưa kịp thấy cảnh "hết giặc" ra làm sao và chưa kịp gặp đứa con làm tướng...

      Mấy hôm sau ngày 30 tháng tư 1975, ông tướng nhờ người bà con đưa lại nhà ông H. Xa cách đã ba mươi năm, nhưng hai anh em vẫn nhìn ra được nhau. Bởi vì họ giống nhau như đúc. Sau mấy giây ngỡ ngàng, họ xà vào ôm lấy nhau siết chặt. Cả hai đều không cầm được nước mắt. Bà H và bốn đứa con "ba trai một gái, đã lớn hết, hai đứa đại học và hai đứa trung học cấp hai" đứng nhìn cảnh hai anh em ôm nhau, cũng bồi hồi xúc động...

      Sau đó là bữa cơm gia đình để hai anh em kể cho nhau nghe những biến thiên của đời mình, của thời cuộc. Tiếp theo là ông tướng mang hành trang lại ở với gia đình ông H, để có anh có em.

      Ông bà H có hai cái nhà. Cái mà ông bà đang ở với hai con học trung học, là loại vi-la lầu có sân lót gạch và vườn cây kiểng hồ cá trang trí theo kiểu Nhựt. Nhà này do ông bà tự cất lấy hồi thời các con còn nhỏ. Về sau, ông được thuyên chuyển ra miền Trung một thời gian. Ông đem hết gia đình ra ngoài đó, để nhà cho Mỹ mướn. Nhờ vậy, mấy năm sau, ông mua thêm một căn phố nhỏ cho hai đứa con trai lớn ở, khi chúng nó vừa vào đại học.

      Sau khi đi xem nhà, ông anh bảo:

      - To thế thì ở làm gì cho hết? (Bây giờ ông anh nói pha giọng Bắc rất nhiều). Nguyên cái buồng ngủ thôi cũng chứa cả môt hộ bốn năm người đấy!

      Hôm sau, ông H được người anh khuyên:

      - Chú làm cái vườn như thế này là phí đất. Đào lên đi để trồng trọt khoai bắp cho các cháu có mà ăn. Phải biết tăng gia chứ!

      Mới đầu, ông hơi phật ý. Nhưng, khi nhìn sang hàng xóm thấy nhà nào cũng đào cũng xới kể cả dải đất hẹp té nằm dọc theo chân tường rào phía ngoài đường, ông nghĩ: "Mình cũng phải làm như thiên hạ, cho yên thân".

      Vậy là cha con ông hè hụi đập nạy cạy khượi, gạch, bê-tông, hồ cá... cho lòi đất rồi trỉa đậu trồng mì! Khu vườn Nhụt Bổn mà ông Bà H đã tự tay xây đắp, bây giờ tan hoang lồi lõm giống như bãi đổ... xà bần. Nhà ông H bây giờ mới thật sự mang nét cách mạng!

      Ông anh "tên R" làm việc ở đâu, hỏi không bao giờ nói. Chỉ thấy mỗi sáng có xe của cơ quan đến rước, chiều đưa về. Ông H, sau khi khai lý lịch ở tòa đô chánh, tối ngày ngồi nghe tin tức qua ra-đi-ô. Bà H không dám nấu nướng trong bếp bằng lò ga. Bà sợ làm như vậy nó... ngụy quá đi, nên bà dựng ở hàng ba mấy cục gạch rồi nấu bằng than củi bằng lá khô... Bà kê cạnh đó một cái bàn thấp để chén đũa mắm muối, còn nồi niêu dao thớt thì cứ bỏ nằm lỏng chỏng dưới đất bên cái thau nhôm lớn đựng nước để dùng cho việc nấu nướng rửa ráy. Nước lấy từ ống cao su trước đây dùng tưới vườn. Nước dơ thì cứ tạt... cha nó ra sân. Bà H ngồi chồm hổm làm bếp, chổng khu thổi lửa khói bay um tùm làm đôi khi bà nhớ thời thơ ấu – bốn mươi mấy năm về trước – hồi ở dưới quê với bà ngoại, bà hay nhìn bà ngoại nấu cơm như bà làm bây giờ. Chỉ khác là hồi đó chưa có cách mạng! Ông anh có vẻ hài lòng về tác phong của bà H, nên khen: "Cô thật là sớm giác ngộ!".

      Một hôm, đài phát thanh gọi các sĩ quan ngụy đi trình diện học tập. Và nói rõ: "Đem theo tiền ăn cho một tháng". Ông H lo lắng, hỏi ý kiến ông anh thì được trả lời:

      - Chú cứ yên tâm đi học tập. Anh bảo đảm không sao hết.

      Vậy là ông H hun vợ con, xách ba-lô lên đường, còn dặn:

      - Ở nhà có bác Hai. Mẹ con bây cần gì thì nhờ bác, nghen.

      Một tháng sau, không thấy ông về, bà H hỏi ông anh thì được trấn an một cách rất bình thản:

      - Cô yên tâm. Vài hôm là về thôi!

      Cứ thế, vài hôm rồi vài hôm... dài dài... Bà H nóng lòng, chạy đi gặp mấy bà bạn cũng là vợ sĩ quan, mới hay rằng có thể chồng đã bị chở đi luôn ra ngoài Bắc. Bà lau nước mắt, về quây quần với mấy con, ngồi đợi ông anh. Gặp ông, bà mếu máo:

      - Họ chở nhà tôi đi mất rồi...

      - Đi đâu mà mất? Còn tập trung cải tạo ở trong Nam chứ phải biệt xứ đâu mà mất? Đi học tập chứ đi tù đâu mà cô sợ.

      - Nghe đồn trong trại khổ lắm. Nhờ anh can thiệp cho nhà tôi về. Dù gì anh cũng là tướng và cha đã hy sinh vì cách mạng.

      - Cách mạng không phải như ngụy đâu cô! Không có chuyện móc ngoặc bè phái. Không có chuyện tư vị nể nang. Luôn luôn xử sự có tình có lý. Chú ấy cứ học tập tốt là về ngay thôi! Nói thế chứ... để tôi xem có làm gì được không.

      Một hôm, ông anh họp các con ông H lại, khuyên:

      - Ba các cháu là ngụy. Cách mạng khoan hồng gởi đi học tập cải tạo. Ba các cháu có sớm được trả về hay không là còn tùy thuộc ở thái độ học tập của ba các cháu. Và cũng tùy thuộc ở trình độ giác ngộ cách mạng của má các cháu và các cháu nữa.

      - Vậy, mình phải làm sao?

      - Dễ thôi! Bác sẽ giới thiệu các cháu vào đội thanh niên xung phong, nếu các cháu muốn giúp ba các cháu.

      - Vô đó để làm cái gì, thưa bác?

      - Để phục vụ nhân dân theo khả năng của mình. Nếu các cháu có tinh thần phục vụ cao, Nhà Nước sẽ cho điểm tốt trong việc cứu xét trường hợp của ba các cháu.

      Sau một lúc bàn tính, cả bọn bốn đứa đều đồng ý... xung phong.

      Bốn đứa được thâu nhận nhưng không cùng ở chung một đơn vị. Phân tán chúng nó ra, cô lập từng đứa một, để dễ theo dõi kiểm soát, tránh mầm móng phản loạn... Nhà Nước đi một nước cờ thật cao!

      Chúng nó được đưa đi đào đất đắp nền ở các vùng kinh tế mới hay đi đào kinh làm thủy lợi. Lâu lâu mới về thăm nhà một vài hôm. Nhưng không bao giờ cùng về một lúc. Và đứa nào về cũng xác xơ hốc hác, tay chân ghẻ lở giống như bị đi đày! Đứa con gái trước đây học năm thứ bảy dương cầm ở quốc gia âm nhạc, bây giờ tay cứng còng, không đánh nổi một bài tầm thường của hồi đó. Bà H nhìn các con mà đứt ruột. Cho nên mỗi lần đứa nào về, bà cũng chạy lo thuốc men và nấu nướng cho ăn uống tẩm bổ. Chỉ có ông anh là hài lòng và cho rằng đó là thành quả tốt đẹp của lao động!

      Một hôm, ông anh bảo người em dâu:

      - Bây giờ các cháu đã có Nhà Nước lo. Cô giữ làm gì đến hai cái nhà? Đây là lúc mà cô phải chứng tỏ trình độ giác ngộ cách mạng của mình bằng cách hiến cái nhà này cho Nhà Nước để làm cơ quan phục vụ nhân dân. Như vậy, chú ấy có cơ được về sớm.

      Sau vài phút suy nghĩ, bà H chỉ bằng lòng cho Nhà Nước mượn thôi.

      - Ừ! Thì cho mượn cũng được, tôi nghĩ thế. Để tôi liên hệ với các đồng chí ấy xem sao.

      Vậy là tuần lễ sau, bà dọn về căn phố nhỏ ở cách đó độ mười lăm phút xe đạp, nhưng thuộc về một quận khác. Sự chuyển hộ (nghĩa là dời chỗ ở, địa chỉ) không gặp khó khăn, nhờ ông anh cách mạng (Trong thời này, muốn chuyển hộ phải làm đơn xin phép nơi mình sắp dọn đến. Phải "có lý do chánh đáng" và điều này phải được chứng nhận bởi chánh quyền nơi mình đang ở!

      Khi đã được chấp thuận (có ký tên đóng dấu) đương sự phải vác đơn đó về trình cho chánh quyền nơi đang ở để... xin phép được di chuyển. Khi được chấp thuận - ký tên đóng dấu- mình mới được quyền dọn đi!
      Rắc rối như vậy nên lúc nào cũng có một sự giải thích rất "có trình độ": "Đằng kia có cho anh vô thì ở đây tôi mới cho anh ra. Chớ tôi cho anh ra mà đằng kia không cho anh vô thì anh... đi đâu?".

      Rõ như vậy, nhưng nhiều khi vác đơn đến "đằng kia" trước, thì bị từ chối và dĩ nhiên được giải thích cũng rất "có trình độ" không kém: "Anh phải xin phép nơi anh đang ở trước rồi mới đến đây sau. Anh có được cho đi thì tôi mới nhận cho anh đến. Chớ bảo tôi nhận cho anh đến, trong lúc anh chưa được cho đi thì làm sao được? Phải có đi rồi mới có đến chớ! Dễ hiểu thôi!".

      Cứ lẩn quẩn loanh quanh như vậy nên việc chuyển hộ thật là khó khăn.
      Trong trường hợp chuyển từ tỉnh sang tỉnh hay từ vùng sang vùng thì khỏi nói, thật là "trần ai gian khổ"!).

      Ông tướng có "động viên" một số đồng chí trẻ trong cơ quan đến phụ dọn nhà cho bà H. Và có cho mượn một chiếc xe cam-nhông-nét (cũng của cơ quan) nên việc dọn nhà cũng nhanh. Sau đó, ông anh cho bà ký tên tờ ủy quyền để ông anh thay mặt bà quản lý cái nhà lớn mà ông đang ở. Bởi vì bây giờ, bà đã chuyển hộ thì mặc nhiên ông anh trở thành chủ hộ ở ngôi nhà đó, mà muốn sử dụng cái nhà thì phải có sự ủy quyền của chủ nhà.

      Mười lăm ngày sau, bà H được biết là nguyên cả tầng trệt nhà của bà đã trở thành "tổ gạo", còn ông anh thì vẫn ở một mình trên lầu. Nghe nói bà tướng có vào thăm chồng một lần, ở độ mười lăm hôm rồi trở về Hà Nội. Không hiểu sao ông tướng không có đưa bà vợ lại thăm cô em dâu. Cách mạng có khác!

      Bẵng đi một thời gian dài gần cả năm, một hôm ông anh ghé nhà thăm bà H để báo tin đã tìm ra trại cải tạo của người em ở ngoài Bắc và chỉ vẽ cho bà cách thức xin đi thăm nuôi, đường đi nước bước, xe cộ vv... và nhứt là những thứ cần thiết như lương khô quần áo. Nghe như vậy, bà H đã đoán ra phần nào đời sống của chồng ở ngoài đó, nên bà rớt nước mắt hỏi:

      - Sao trước đây anh không nói rõ để tôi lo cho nhà tôi có đầy đủ phải hơn không?

      - Chuyện Nhà Nước, đâu nói ra được. Cô phải hiểu như thế chứ!

      - Cái gì cũng che đậy. Cái gì cũng giấu diếm. Nhưng lần hồi thiên hạ đều biết hết. Bộ anh tưởng thiên hạ đui sao?

      Đến đây bỗng nghe tiếng bà hàng xóm la lớn: "Đi đâu đó nữa? Mấy bữa nay tao nói mầy kê lại dùm mấy ông Táo kẻo mấy ổng sụm xuống thì không còn khỉ gì để nấu nướng... mà mầy cứ ăn rồi là xách đít đi hà!".
      Giọng người con trai: "Bộ má tưởng con đi chơi hả?".
      Giọng bà hàng xóm: "Chớ đi đâu mà ngày nào cũng đi, mầy nói tao nghe coi!". Giọng người con, có vẻ hảnh diện, nói rời ra từng tiếng: "Con-đi-phục-vụ-nhân-dân!".
      Giọng bà hàng xóm, tức tối: "Phục vụ nhân dân! Phục vụ nhân dân! Con gái mẹ mầy cũng là nhân dân đây nè! Mầy phục vụ cho nó đi! Kẻo không chổi chà nó đơm lên đầu bây giờ!".
      Ngừng một lúc, lại nói: "Cha... Lúc này nói giọng cách mạng quá há! Phải mà! Con mẹ buôn gánh bán bưng này hăm mấy năm nay nó kềm kẹp mầy quá mà! Nó nhét cho mầy ăn để mầy lớn! Nó ép mầy học để mầy khôn! Nó ác ôn quá phải hông? Nó ngụy quá phải hông? Nó giả nhơn giả nghĩa quá phải hông?"

      Nghe đến đây, ông tướng nhăn mặt:

      - Ăn với nói! Rõ là không có trình độ!

      Rồi ông đứng lên:

      - Tôi phải vào cơ quan. Bao giờ cô được phép đi thăm nuôi, gặp chú ấy nhớ bảo tôi nhắn chú ấy luôn vững tin vào sự sáng suốt của Đảng và Nhà Nước. Ta khác ngụy ở chỗ xử sự có tình có lý và lúc nào cũng khoan hồng đối với những người biết quay về với nhân dân.

      Bà H làm thinh, nhưng nhìn người anh chồng chỉ có nửa con mắt!
      Lúc đó, nghe tiếng thằng con trai nhà hàng xóm: "Rồi đó! Con kê lại mấy ông Táo rồi đó!". Giọng bà mẹ, vẫn còn hậm hực: "Dữ hôn! Có bao nhiêu đó mà cũng phải đợi tao nhắc năm lần bảy lượt! Thôi! Mầy đi phục vụ nhân dân của mầy, đi. Chiều, vác mỏ về, con mẹ ngụy này nó nấu cơm cho mà ăn".

      Từ ngày dọn về đây, bà H đi làm ở tổ hợp may thêu gần đó. Cũng phải đi làm như thiên hạ để đừng bị để ý theo dõi, chớ thật ra bà chưa đến nỗi túng thiếu nhờ đã cất giữ nữ trang trong nhà thay vì gởi ở ngân hàng. Bây giờ, lâu lâu bà bán một vài chỉ...

      Bà hàng xóm (tên là bà Năm) có cái sạp cháo lòng ở đầu ngõ. Sáng nào, bà cũng đi bộ theo thằng con trai đạp xe ba bánh chở thùng tô dĩa muỗng đũa, thùng lòng dồi gia vị, nồi cháo lớn bằng nhôm, lò dầu hôi và mấy can nhựa đựng nước rửa chén... ra cây trứng cá nằm trên lề đường Phan Đăng Lưu (tức là đường Chi Lăng hồi trước).
      Ở đây, có cái sạp gỗ dựng đứng và bốn năm cái ghế gỗ nhỏ được... xiềng vào gốc cây trứng cá. Hai mẹ con mở ống khóa, hạ cái sạp rồi kê ngay ngắn dưới tàn cây. Xong, thằng con về nhà lấy xe đạp, đạp đi "phục vụ nhân dân" cho tới tối. Thành ra, đến trưa khi bán hết nồi cháo - bà chỉ bán có buổi sáng - bà thâu xếp dọn dẹp một mình ên, rồi đẩy xe ba bánh chở đồ nghề về nhà (Bà không đạp vì không biết đi xe đạp!).

      Cứ vài bữa, bà lại mang biếu bà H một tô cháo lòng. Bà biết bà H là vợ thiếu tá quốc gia và chồng đi học tập nên bà hay tới lui thăm viếng để an ủi. Bà H thật cảm động. Có hôm bà nhắc chừng:

      - Bà Năm cẩn thận. Có thể tụi nó theo dõi.

      - Ối... Cái lũ cô hồn đó tôi đâu có sợ, cô Hai. Hồi tụi nó mới vô, bắt mình làm tờ "báo công báo tội". Tôi phát ghét nên khai là tôi tội lỗi đầy đầu bởi vì gần hai chục năm nay tôi bán cháo lòng cho ngụy ăn chớ không cho cách mạng ăn! Vậy mà có thấy thằng nào đụng tới tôi đâu, cô Hai!

      - Coi vậy chớ cũng nên coi chừng, bà Năm à! Nhứt là khi bà rầy la thằng nhỏ, nói đụng chạm tới họ quá, không nên.

      - Tụi nó đã coi mình là ngụy thì cứ thí mạng cùi chửi cho sướng miệng. Tội vạ gì mà nín thinh? Há?

      Nói xong, bà Năm nhếch mép cười, làm như bà đang thách đố cách mạng vậy!

      Khi bà H được giấy phép đi thăm nuôi chồng, bà báo tin cho bà Năm và nhờ bà Năm coi chừng nhà giùm. Bà Năm mừng rỡ, làm như ông H là người nhà:

      - Dữ hôn! Tới bây giờ mới cho con người ta đi thăm nuôi. Quân ác ôn! Được rồi, cô Hai cứ yên tâm, tôi giữ nhà cho. Mà chừng nào cô Hai định đi?

      - Chắc mười hôm nữa, bà Năm à. Để có thì giờ lo cho đầy đủ. Chớ gấp rút quá thì quên trước quên sau...

      - Cô Hai nói phải đó. Đi ra tới ngoài Bắc chớ bộ gần gụi gì hay sao?

      Ngừng một chút, bà Năm cầm tay bà H lắc nhẹ:

      - Cần gì thì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà...

      Bà H xúc động, lí-nhí "cám ơn" mà nước mắt chảy quanh.
      Lạ quá! Chỉ có mấy tiếng "mình với nhau" mà sao nghe ấm cúng vô cùng. Nhứt là trong hoàn cảnh này, trong giai đoạn này. "Mình với nhau" là sự nhận diện của những người cùng đứng về một phía. "Mình với nhau" nói lên sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ, cần nương tựa vào nhau, nâng đỡ nhau để sinh tồn. "Mình với nhau" là tình người không dị biệt giai cấp. Cho nên, khi mở rộng vòng tay, bà Năm cháo lòng chỉ cần nói có mấy tiếng đó thôi là quá đầy, quá đủ...

      Hai hôm trước ngày bà H khăn gói đi thăm chồng, bà Năm qua nhà đưa một lon ghi-gô được ràng chằng chịt bằng dây thun:

      - Cô Hai cho tôi gởi ổng lon thịt chà bông. Tôi làm có hơi mặn để ăn cho lâu. Tôi ém chặt và ràng kỹ, cô Hai đừng lo đường xa nó sút sổ. Cô cho tôi gởi lời thăm ổng, nghen.

      Bà H "cám ơn"mà có cảm tưởng như bà Năm là người trong quyến thuộc!

      Trong khi đi ra cửa, bà Năm còn quay lại nói:

      - Cô Hai đi yên tâm. Tụi nhỏ của cô có về chơi thì tôi lo cơm nước cho hết. Cô nhớ viết ít chữ để lại cho tụi nó biết, nghen!

      Bà H gật gật đầu, nhìn theo mà thấy bà bán cháo lòng đó còn cao cả gấp mấy mươi lần người anh chồng làm tướng của cách mạng!

      Đi thăm chồng về, bà H như già đi năm bảy tuổi. Mắt bà sưng húp, tóc tai rối bời, mặt mũi hốc hác. Bà Năm nhìn bà H, động lòng chảy nước mắt. Ngồi xuống bên bà H, bà Năm hỏi:

      - Sao, cô Hai? Khổ lắm phải không?

      Bà H mếu máo khóc, chỉ gật gật đầu chớ không nói được một lời. Bà Năm nhích lại gần, choàng tay ôm vai bà H, chửi đổng:

      - Mẹ bà nó! Quân ác ôn!

      Bà H bỗng quay sang ôm chầm lấy bà Năm, khóc nức nở. Vừa khóc vừa cố gắng nói, câu nói đứt ra từng khúc:

      - Ảnh... ốm... đến nỗi... tôi... nhìn... ảnh... không ra...

      Đến đây, bà Năm cảm động nghẹn lời. Bà chỉ còn biết vuốt vuốt lưng bà H, giống như bà đang dỗ về người em gái.

      Hôm sau, bà H đội nón lá cầm cái thơ ông H viết cho người anh để gởi gắm vợ con, đi bộ về cái vi-la của bà ở quận kế bên. Bà cố tình đi bộ, vì bà nghĩ đến chồng. Đối với những gian khổ cùng cực mà chồng bà đã chịu đựng từ bao nhiêu năm nay - theo lời kể lại của ông H - thì sự đi bộ của bà không thấm thía vào đâu hết. Nhưng, khi bà đi bộ, bà tưởng chừng như bà đang chia xẻ một phần nào những khổ dịch của chồng, người tù cải tạo.

      Vi-la của bà, bây giờ thấy khác trước. Tường rào đã xây lên cao. Cổng song sắt được gắn thêm lưới sắt ô vuông. Nhìn vào trong không còn tổ gạo, mà sân thì đã được tráng xi-măng lót gạch khía sạch sẽ.

      Thấy có bóng người, bà H bấm chuông. Có giọng đàn bà hỏi vọng ra, giọng Bắc:

      - Ai đấy?

      - Dạ... tôi.

      Một bà cỡ tuổi bà H bước ra hất hàm:

      - Chị muốn gì?

      - Thưa... Tôi muốn tìm ông R. Nhà tôi có viết cho ổng cái thơ...

      - Đồng chí R à? Đồng chí ấy đã phục viên lâu rồi. Đồng chí bán nhà cho chúng tôi, xong, dọn hết về thủ đô. Thế... chị là gì của đồng chí ấy?

      Bà H choáng váng mày mặt, chỉ còn kịp tỳ người vào trụ cổng để khỏi quị xuống. Tuy nhiên, bà vẫn nghe tiếng mình nói:

      - Dạ... Tôi... À... Không!

      Rồi câm luôn. Thấy bên ngoài làm thinh, bà người Bắc bỏ đi vào trong, nhưng vẫn nói vói ra:

      - Đồng chí R hiện ở đâu, tôi cũng không biết. Thôi, chị về đi!

      Phải một lúc lâu sau, bà H mới hoàn hồn. Bà đứng thẳng nhìn vào trong. Bà bỗng thấy bà đã biến thành một người khác. Một người cứng rắn hơn, lì lợm hơn. Một người sẽ dám nhìn thẳng vào mặt kẻ địch mà chửi như bà Năm cháo lòng. Ví dụ có người anh chồng đứng trước mặt bây giờ, bà sẽ xáng cho anh ta một bạt tai – điều mà trước đây bà chẳng bao giờ dám làm dám nghĩ!

      Bà H vẫn đứng thẳng, nhìn vào trong. Mắt mở to, ráo hoảnh. Môi mím chặt. Tay bà vò nát cái thơ của chồng viết. Bà vò nó mà bà không hay! Bà chỉ cảm thấy một sự căm thù đang dâng lên làm bà trạo trực. Bà nghe buồn nôn!
      Phải rồi! Bà muốn nôn mửa lên những giả dối gian manh mà bọn chúng nó thằng nào cũng có sẵn trong đầu. Bà muốn nôn mửa lên những lời lẽ giả nhân giả nghĩa mà bọn chúng nó thằng nào cũng có sẵn trên đầu môi chót lưỡi.
      Bà muốn nôn mửa lên những thủ đoạn xảo quyệt được ngụy trang bởi những chiêu bài yêu nước thương dân, có nghĩa có tình... mà bọn chúng nó thằng nào cũng sẵn sàng hành động. Bà muốn... Bà muốn...

      Bà H liệng cái thơ nhàu nát xuống đất, phun nước miếng nghe cái phụt một cách khinh bỉ, rồi cúi lượm cái nón lá bỏ rơi khi nãy đội lên đầu, đi thẳng.

      Mấy năm sau, ông H vẫn "còn được cải tạo", bà H lâu lâu vẫn lặn lội đi thăm nuôi chồng, hai thằng con lớn vượt biên rồi định cư ở Úc, đứa con gái lấy chồng đánh cá ở Minh Hải, thằng con út cặp với con bạn cùng xóm mở quán cà phê vỉa hè cạnh hàng cháo của bà Năm. Còn bà Năm vẫn bán cháo lòng, lâu lâu vẫn chửi thằng con mà giống như bà chửi Nhà Nước!...

      Tiểu Tử
      #3
        Viet duong nhan 08.02.2008 22:56:42 (permalink)
        Chuyện Giả Tưởng
        Tiểu Tử
         ( Đây là một chuyện giả tưởng. Viết dưới dạng …kiếm hiệp để thấy cái chất hoàn toàn giả tưởng của nó. Vậy, nếu có trùng hợp với ngoài đời là sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn của tác giả ).
         

         

        …Gã tên là Nguyễn Văn Mít ( Tên giả đó. Sau này, trong khi tung hoành trên chốn giang hồ, gã còn thay tên đổi họ… lia chia để đánh lạc hướng kẻ địch. Cho nên, cả hai phía hắc bạch chẳng biết đâu mà mò ! ) Người ta truyền tụng rằng gã thuộc giòng dõi mấy đời khoa bảng, chớ thật ra ông nội của gã là nhà nông. Điều này giải thích tại sao gã sanh ra đã biết căm thù địa chủ. Sự căm thù đó thể hiện qua lập luận rất tà giáo sau đây : tất cả những thằng có ruộng đều là địa chủ, mà hễ là địa chủ là phải ác ôn, tất cả những người làm ruộng đều là bần nông, mà hễ là bần nông thì phải thay trâu để cày bừa. Cái lý luận của Mít đưa đến khẳng định : để không còn có người bóc lột người, phải lôi bọn địa chủ – lớn nhỏ hầm-bà-lằng – xuống làm bần nông hết ( Sau này, khi Mít đã gồm thâu một phần thiên hạ và lên làm minh chủ võ lâm, hắn đã áp dụng " chiêu số đấu tố địa chủ " một cách bừa bãi, giết hại không biết bao nhiêu sanh linh thuộc cả hai phe hắc bạch, gây sóng gió trên chốn giang hồ một dạo ! )

        Mặc dầu có gốc nhà nông nhưng Nguyễn văn Mít lại không thích làm ruộng. Gã lý luận : tại vì mình làm ruộng mới sanh ra giới địa chủ. Và gã cũng không thích đi học, bởi vì nhà trường đẻ ra trí-thức, trí-thức đẻ ra bất công ( Mấy thằng có chút chữ nghĩa lúc nào mà không ăn trên ngồi trốc ? ) bất công đẻ ra bè phái, bè phái đẻ ra…v.v. Cho nên sau khi biết đọc biết viết sơ sơ, gã bỏ đi " giang hồ tầm sư học đạo " để thực hiện cái mộng của hắn : làm bá chủ võ lâm ! ( Bàn về trí thức, giáo chủ Bắc phái – một hệ phái hắc đạo lừng danh giang hồ – đã tuyên bố một câu…xanh dờn :

        " Trí thức không bằng một cục phân ". Thật đúng với tư tưởng của Mít ta. Cho nên sau này Mít đã tìm đến thọ giáo với vị giáo chủ đó hết một thời gian, học được những quái chiêu vô cùng tàn khốc. Như chiêu " trăm hoa đua nở ", khi phát chiêu người nghiêng nghiêng như cành liễu đong đưa, hai tay dang ra như đón chào, từ lòng bàn tay chưởng phong tuông ra thật nhẹ nhàn mang theo mùi thơm ngọt ngào mời mọc như mùi rượu " trúc diệp thanh "…làm địch thủ ngất ngây, nhắm mắt bước vào vòng chưởng lực ! Ghê gớm vậy đó ! )

                   Một hôm, Nguyễn văn Mít dừng chân ở một quán nước nằm cạnh bìa rừng. Trong khi xì xụp húp tô nước vối nóng hổi, gã nghe ( Cái… nghề nghe lén này, gã là số một ! ) hai tên có vẻ đạo tặc ngồi ở bàn bên to nhỏ mà tay vẫn không rời đốc kiếm :

                   - Đại huynh liệu đến chùa Thiếu Lâm có biết đường dẫn tới Tàng Kinh Các không ?

                   - Ta đã có mang theo sơ đồ, ngươi yên tâm. Ta chỉ cần ngươi nhanh tay hạ thủ mấy tên sư đứng gác quanh đó. Còn bên trong ta sẽ lo liệu.

                   - Nghe nói ở đó chứa rất nhiều võ công bí kíp lưu truyền tồn trữ từ mấy mươi đời. Người giang hồ nói chỉ cần học được một pho thôi cũng đủ làm cho bốn phương cao thủ võ lâm nể mặt.

                   - Ngươi nói đúng. Nhưng mà…

                   Tên này bỗng liếc sang Mít, làm tô nước vối trong tay của gã xuýt rơi xuống bàn. Mít vội vã húp lia húp lịa không kịp thổi ( Mới ra giang hồ, còn kém bản lãnh là cái chắc ! ) Tên " đại huynh " đứng lên :

                   - Ta đi thôi ! Đường còn xa.

                   Rồi cả hai khoác bọc hành lý, bước ra khỏi quán.

                   Đợi cho chúng đi một đỗi, Mít trả tiền rồi cấp mã-tấu lẽo đẽo theo sau. Vừa đi vừa suy nghĩ : " Mình muốn tầm sư học đạo mà thiên địa mênh mông biết sư ở mô ? Thời may gặp hai tên này gợi ý cho mình lên chùa Thiếu Lâm thọ giáo. Kệ nó ! Mình cứ tạm cạo đầu làm sư làm tiểu một thời gian rồi sau đó xuống núi mặc tình mà tung hoành ". Rồi gã lại suy nghĩ : " Mà mình phải thủ tiêu hai tên đạo tặc này mới được. Kẻo chúng nó lên… làm rùm trên đó thì sức mấy mà mấy thằng trọc không nghi mình nằm vùng ? " ( Xưa nay, Mít thù địa chủ, ghét trí thức, và không ưa thầy tu. Cho nên  mới gọi ông sư là " thằng trọc ". Mít lý luận : " Bọn này là bọn đứng ở kẽ giữa, nghĩa là không theo phe nào hết. Vậy là không theo phe ta. Phải xem chúng như thành phần nguy hiểm " ) Nghĩ đến đó – đến hành động thủ tiêu hai tên đi phía trước – Mít hâm hở cầm chắc mã tấu, nín thở nhón chân chạy theo. Gã định từ phía sau " phụp " cho mỗi đứa một phát ( Cái trò… đánh lén hạ cấp này cũng là " nghề " của gã, bởi vì gã chủ trương " mọi " phương tiện đều tốt, quân tử tiểu nhân là cái… khỉ gì ? " ) Chưa kịp ra tay, gã đã nghĩ lại : " Chúng nó hai thằng. Mình mới phụp thằng đầu thì thằng kia đã phụp lại mình rồi. Không ổn ! Không ổn ! " Vậy là gã dừng lại, núp sau góc cây, tìm một phương kế khác. Vốn tánh khôn ranh xảo quyệt, nên chỉ cần vài phút sau là gã đã nghĩ ra một quỷ kế để đưa gã vào làm đệ tử Thiếu Lâm mà không tốn công sức và …nước bọt để xin xỏ, lại còn được lòng tin cẩn của các " sư tiền bối " nữa là khác ! Quỷ kế đó như sau : xin cùng đi với hai tên kia cho có bạn trên đường dài ; trong khi chuyện trò, mình thổ lộ tâm tình rằng thì là mình chán mùi tục lụy nên muốn lên chùa Thiếu Lâm để qui y đầu Phật ( Thế nào chúng nó cũng nói rằng chúng nó cũng muốn lên xem thắng cảnh ở trên đó ! ) ; lần hồi mình làm thân với chúng nó để đánh tan mọi nghi kỵ ngờ vực ; đến chùa, mình lạy xin qui y, nhưng…" bỏ nhỏ " với mấy sư rằng bọn nó có gian ý, bằng cớ là trong người thằng " đại huynh " có tấm sơ đồ để xâm nhập Tàng Kinh Các …Thế là xong chuyện  ! 

                   Vậy mà xong chuyện thật ! Nguyễn văn Mít đã được một vị sư chùa Thiếu Lâm nhận làm đệ tử ( Đời thứ mấy gã cốc cần biết ). Hằng ngày, ngoài việc tập luyện võ nghệ, gã phải nấu nước pha trà và quét dọn chánh điện. Mới đầu gã thấy thích thú. Nhưng sau một tuần trăng gã bắt đầu càu nhàu :" Bắt trèo lên tuột xuống lau chùi mấy tượng phật muốn …hộc xì dầu mà chỉ mới dạy đứng trung bình tấn và thở khí công. Cứ đà này thì còn lâu mình mới thành cao thủ ".

                   Một hôm, gã bỗng nhớ lại câu chuyện của hai tên đạo tặc định đột nhập Tàng Kinh Các. Rồi gã suy nghĩ : " Tại sao mình không lén vào đó …'chơm' đại một pho rồi tuột xuống núi chạy về xứ ? Học thẳng trong sách có phải nhanh hơn không ? " Lại suy nghĩ : " Tàng Kinh Các thì mình biết ở đâu rồi. Nhưng muốn vào đó không phải dễ ? Phải qua hai thằng trọc ngồi ngay cửa vào và tránh mấy thằng khác đi tuần rỏn chung quanh. Mặc dù mình được các sư tin cẩn, nhưng không có lý do mà đi lẩn quẩn gần đó chúng nó cũng sanh nghi. Phải đẻ ra một cái cớ, hay đợi một cơ hội...". Mấy hôm sau, cơ hội đã đến với Mít : chú tiểu quét dọn Tàng Kinh Các ngã bịnh, Mít ta – người đã được phương trượng gọi là " cứu tinh của Thiếu Lâm Tự " sau vụ tố cáo hai tên gian tặc – được cắt đi thay thế. Được lịnh, lòng Mít như …mở cờ, nhưng ngoài mặt thì cứ tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì quan trọng ( Đây cũng là điểm cốt cán của con người Mít : nhìn bên ngoài ít ai đoán đúng trạng thái ở bên trong. Cho nên sau này, trong những kỳ đại hội quần hùng, biết bao nhiêu cao thủ võ lâm đã lầm Mít. Họ đã ôm hun Mít – hồi này đã đổi tên là Xoài – " thấm thiết tình huynh đệ chi giao " để rồi ít lâu sau tử vong trong chưởng phong của gã ! ) Vậy là sáng bữa đó, Mít – mặt hiền như bụt – cấp chổi cầm khăn vào Tàng Kinh Các.

                   Sau khi kính cẩn châm trà cho vị sư già đang ngồi đọc sách trên bồ đoàn đặt ngay giữa đại sảnh, Mít lui cui quét dọn lau chùi, miệng như lâm râm niệm Phật mà mắt thì …láu liên. Gian phòng này không rộng bao nhiêu, nhưng sách nằm trên kệ thì đầy tường. Ngoài ra, còn nhiều ngã vào bên trong nhưng bị đóng lại bằng những cánh cửa to có khoá. Mít nghĩ : " Mẹ nó ! Biết quyển nào mà lấy !" Nhưng khi nhớ lại những gì đã nghe lén ở quán nước, gã tự nhủ : " Quyển nào mà chẳng dạy võ công. Cứ xem pho nào vừa …tầm tay mà cũng đừng to quá để lận lưng không thấy cợm … là đớp." Thế là sau khi để ý đến một quyển kinh đúng … tiêu chuẩn gã cứ lau đi lau lại vòng vòng để … rình " thằng trọc " ngồi kia. Lâu sau, vị sư già – chừng như mỏi mệt – chấp tay nhắm mắt. Đợi một lúc, gã khúm núm thưa nhỏ : " Bạch sư cụ … " Gã … bạch mấy lần mà sư ông vẫn làm thinh. Gã mừng rỡ … phóng lại chỗ để cái khăn lau làm dấu khi nãy, rút lấy quyển kinh nhét lẹ vào lưng. Nhìn lại sư cụ thấy vẫn chấp tay nhắm mắt thở đều. Gã từ tốn cấp chổi cầm khăn nhẹ nhàng đi ra mà nghe trong lòng đang … thổi kèn đánh trống ! Đêm đó, gã " tuột " xuống núi, không quên mò lại kẹt đá lấy thanh mã tấu mà gã đã cất giấu trước lúc gã lên chùa xuống tóc qui y ( Hành động của gã ở chùa Thiếu Lâm – gọi nôm na là lừa thầy phản bạn – người trên chốn giang hồ chẳng ai hay biết. Các nhà sư được lịnh nín khe. Có lẽ sợ mất mặt. Mãi về sau này, một vị sư … phản tỉnh đã " xì " ra, nhưng lúc đó Mít – đổi tên là Hà văn Ổi – đã là giáo chủ của một môn phái, nên … hồ sơ được xếp vào văn khố ! )

                   Xuống núi, sau khi chạy đến tờ mờ sáng thấy đã khá xa, Mít lủi đại vào một bìa rừng núp xem động tĩnh. Thấy êm rơ nên gã bèn trèo lên một cành cây to rút quyển sách ra coi. Quyển sách đó đã bị mọt ăn mất trang bìa và mấy trang đầu. Bên trong cũng bị lủng rất nhiều lỗ nhưng vẫn còn nhiều chữ và hình vẽ. Gã sung sướng quên cả mệt nhọc, nhét quyển sách vào ngực, tựa lưng vào thân cây suy nghĩ miên  man :

        " Vậy là chẳng mấy chốc mình sẽ thành cao thủ. Phải là cao thủ mới lập ra môn phái, mới chế ngự được quần hùng, mới gồm thâu được thiên hạ, mới thanh toán hết địa chủ, mới đè đầu được lũ trí thức, mới nắm cổ mấy thằng trọc, mới … mới … " Rồi gã ngủ thiếp đi … ngon lành !

                   Vậy là trên đường về xứ – bây giờ gã đã đổi tên là Lý văn Xoài – mỗi ngày Mít ( Xin lỗi. Tôi vẫn phải dùng tên Mít để độc giả dễ dàng theo dõi câu chuyện, kẻo không, sẽ không còn biết ai là ai nữa ! ) trốn vào một nơi vắng vẻ mở sách ra học. Mới đầu còn hơi khó hiểu, khó làm. Thêm phần sách bị mọt đục nên phải khổ công mò mẫm. Nhưng nhờ mấy chương đầu còn nhiều hình vẽ với những mũi tên chỉ dẫn nên lần lần gã cũng hấp thụ được. Nội công của gã càng ngày càng thâm hậu, và gã đã có thể đào khoét sâu dưới đất một cái hang có ngõ vào được bít lại, rồi gã nằm dưới đó mấy hôm mà không … chết ! ( Sau này, trong công tác nghiên cứu các tuyệt kỹ võ lâm, ngài Ku-Ba-Móp của xứ Nga-la-tư có đặt giả thuyết rằng gã đã ngậm mấy viên nhựa … á phiện để chịu đựng. Giả thuyết chưa được kiểm chứng nhưng vẫn … lưu hồ  sơ ! )

                   Khi về đến xứ thì gã đã có thể phóng mã tấu mà không nghe … tiếng gió ( thế mới chém lén kẽ địch được ! ) và trong bóng tối gã vẫn xuất chiêu trúng đích dễ dàng ( thế mới là … hắc đạo ! ) Có điều là những chiêu thức của gã phần nhiều thật quái dị. Lý do là khi đọc tới những hàng chữ bị mọt ăn mất gã cứ … ráp đại những hàng chữ còn lại với nhau cho nó … xong chuyện ! Ví dụ như khi gã học chiêu " Đao thức trực chiếu ", trong sách có mấy dòng chữ bị mọt đục, gã đành đọc " nhảy " nên khi phát chiêu, đường mã tấu lại đi … cong cong chớ không đi thẳng ! Ngay như chiêu " Chẻ trúc ", rất tầm thường mà trên giang hồ ai ai cũng biết, đường mã tấu của gã đang đi xuống bỗng dừng lại – chỗ này sách bị mọt đục – rồi rút về như thâu thức – lại mọt đục mất mấy hàng – chợt lại … chém tiếp, chém tiếp ! Cho nên cao thủ võ lâm chỉ thấy ở gã toàn là quái chiêu thôi ( Vài chục năm sau, chính những chiêu thức " không giống ai " đó đã làm cho mấy " đại cao thủ " của xứ Đại Hùng Kê và xứ Đại Bàng bị thân bại danh liệt )

                   Về xứ, gã rút vào một cái hang đá ở vùng cao nguyên để tiếp tục luyện tập võ công. Lâu lâu, gã … xuất hang để " tiếu ngạo giang hồ ", thâu nạp đồ đệ và để kết giao với các giáo phái khác hầu có thêm vây cánh. Hồi này, quê hương của gã vẫn bị thống trị bởi xứ Đại Hùng Kê, cho nên gã dùng chiêu bài " cứu quốc " để quy tụ quần hùng, bởi vì gã biết rằng ai ai cũng muốn " viết lại trang lịch sử " giống như phong trào " Phản Thanh phục Minh " ở bên Tàu thuở trước. Trong thâm tâm của gã muốn mượn tay quần hùng để diệt bọn Đại Hùng Kê, rồi sau đó gã sẽ chế ngự quần hùng để gã lên làm võ lâm bá chủ là cái mộng của gã xưa nay ! Về phía quần hùng thì họ xem Nguyễn văn Mít tức là Xoài ( Nhưng bây giờ đã đổi tên là Hà văn Ổi ) như một nhân vật có khả năng liên kết tất cả các phe hắc bạch, bởi vì sau mấy lần luận kiếm, họ nhận thấy đường … mã tấu của gã không thuộc một môn phái nào cả ( Cái thế " vô sư môn " của gã hoá giải mọi tranh chấp phe phái vốn dĩ là nguồn chia rẽ xưa nay của giới võ lâm ). Vậy là toàn thể quần hùng nhất tề " đứng lên cứu nước " dưới sự lãnh đạo của Mít ( tức là Hà văn Ổi ). Quyển bí kíp bị mọt đục vậy mà đã giúp gã " làm nên sự nghiệp ".

                   Trở lại chuyện luyện tập võ công của Mít – ở trong hang, dĩ nhiên – gã tuyên bố với đệ tử và quần hùng rằng ở hang để đừng bị ràng buộc bởi vật chất xa hoa và gã ở một mình để dễ tập trung tư tưởng ngày đêm tìm đường cứu nước. Vậy là mọi người rút lui êm lặng mà lòng thán phục con người đã quá hy sinh vì đại nghĩa đó ! Chẳng ai biết rằng gã đang cố gắng học cho chóng hết quyển bí kíp võ công đó để còn tiêu hủy nó đi hầu xoá tan dấu vết. Gã còn nghĩ : " Ngày nào mà quyển bí kíp còn, là ngày đó sanh mạng của mình vẫn không yên. Sẽ có những thằng khốn nạn tìm cách giết mình để cướp bí kíp. Hoặc sẽ có những thằng mất dạy lén ăn cắp trong lúc mình sơ hở. Loại đệ tử phản thầy thời nào mà không có ? Nguy hiểm ! Nguy    hiểm ! Sách mà lọt vào tay chúng thì thế giới này sẽ … loạn tới đâu ? ". ( Phải lý luận như thế mới là … đỉnh cao trí tuệ ! Điều gì " ta " làm, cái gì của " ta ", hay … lấy về cho  " ta " đều đúng đều tốt, đều có chánh nghĩa. Còn những gì " của lũ chúng nó " đều sai, đều xấu, đều ngụy hoàn toàn ! )

                   Thấm thoát mà Mít đã học gần hết quyển sách. Bây giờ nội lực gã rất thâm hậu, võ công gã đã vào mức thượng thừa. Mỗi chiêu phát ra là cả mười hai thành công lực đẩy tới ! Từ xa, gã có thể phá sập một nhịp cầu đúc hay đánh lật một đoàn xe lửa nặng cả ngàn tấn mà chỉ xử dụng công lực của … một ngón tay ấn xuống cái nút đỏ ! (Ngày xưa, Đoàn Nam Đế bên Tàu có môn " nhứt dương chỉ " lừng danh giang hồ, nhưng so với môn " độc chỉ công " này của gã thì chẳng thấm vào đâu cả ). Còn " thần sầu quỷ khóc " hơn nữa là gã chỉ cần dang hai tay … hốt một cái là " cát bay đá chạy, nhà sập cây ngã ". Môn này gọi là " Bình địa thức ", là môn mà gã thường dùng nhứt để đánh dấu nơi nào gã đã đi qua…

                   Hôm nay, gã dứt điểm quyển bí kíp. Chiêu thức cuối cùng này, bởi vì gã đã vượt mức thượng thừa, chỉ cần đọc đến đâu là tự nhiên tâm ý phát huy đến đó. Hai tay gã đưa tới đưa lui càng lúc càng nhanh. Chưởng phong nghe o o … Vách đá bốn bên và trên trần bể vụn ra nhỏ, rơi rào rào … Gã chấp tay thâu thức, trầm khí đan điền, rồi vừa cười to vừa hét lớn : " Ha ! Ha ! Ta đã thành công ! Ta đã thành công !" Tiếng của gã dội trong vách đá, nghe vang vang tiếp nối một cách thật là ma quái…

                   Gã cầm quyển sách lên, vừa lật nhanh mấy trang mới học xong vừa suy nghĩ : " Từ quyển sách nhỏ này ta sẽ tạo nên một môn phái vĩ-đại !" Bỗng gã thấy ở trang cuối có mấy dòng chữ nhỏ. Gã đưa lên đọc : " Đến đây là hết quyển Thượng dạy về môn Đả Phá. Xin đọc tiếp quyển Hạ dạy về môn Xây Dựng để phát huy toàn bộ pho võ thuật Thái Bình Thư này ". Gã ngạc nhiên thốt : " Thì ra còn một quyển nữa mà ta không biết. Tiên sư nó ! " Suy nghĩ một lúc, gã bỗng cười khẩy : " Xây dựng là cái khỉ gì mà mấy thằng trọc vẽ vời ? Với công lực thiên hạ vô địch của ta, chuyện di sơn đảo hải ta còn làm được thì chuyện gì mà ta không làm được ? " Rồi gã cười to ngạo nghễ, đập hai bàn tay vào nhau : quyển sách tan thành mảnh vụn…

        Thời gian sau, Mít tái xuất giang hồ với cái tên mới là Hà Văn Ổi, lập môn phái Hồng Kỳ giáo thâu nhận đệ tử, chiêu dụ quần hùng, đánh đuổi bọn bạch chủng Tây Vực, gồm thâu thiên hạ rồi lên làm võ lâm chí tôn với khẩu hiệu " Muôn năm truờng trị "…


         -oOo-

        Rồi ba mươi năm sau…

        Thanh mã tấu " trấn giáo " của Nguyễn Văn Mít ( tức Xoài, tức Ổi… ) đã truyền qua mấy đời chửơng môn. Vị nào cũng là " đại cao thủ ", nhưng không có vị nào đẻ ra được môn võ công mà giới giang hồ gọi nôm na là " Xây Dựng ". Cho nên, Hồng Kỳ giáo chỉ biết có " Đả Phá " dài dài…

         

        Tiểu Tử
        #4
          Viet duong nhan 08.02.2008 22:59:55 (permalink)
           THẰNG  ĐI  MẤT  BIỆT
           Tiểu Tử


                                   
                 Sáng nào, nếu trời không mưa, bà Hai cũng vắt cái khăn rằn lên vai, chụp cái nón lá đã tưa vành lên đầu, xách giỏ trầu đi ra phía vàm rạch trèo lên mô đất cao, ngồi chồm hổm vừa nhai trầu vừa nhìn qua bên kia sông, nhìn miết.
                 Mô đất nầy, cách đây hơn ba mươi năm - hồi thời kháng chiến chống Tây – chính tay bà và đồng bào trong xóm đã đắp lên làm ụ súng cho du kích bắn tàu Tây chạy ngoài sông Cái. Hồi đó, mô đất cao lắm. Bây giờ nó đã mòn lần nhưng vẫn còn đủ cao để bà Hai, dầu ở vị trí ngồi, vẫn nhìn thấu tuốt qua bên kia sông. Bên kia sông là quận Gò Keo, ở đó có sở cao su của Năm Lượm, em út của bà. Bà còn nhớ rõ như in : « Hồi nẳm, thằng Lượm làm cặp-rằng trong sở cao su của thằng tây Mi-Sên. Kế đến tây rút đi –đâu hồi một ngàn chín trăm năm mấy gì đó- thằng Mi-Sên kêu bán rẻ lại cho thằng Lượm. Thằng hên ! Nó bán đi phần ruộng ông già để lại cho nó rồi chạy thêm mớ nợ, mua trọn gói sở cao su ! Vậy rồi nó giàu ngang, mới tức cười ! » Thường thì kể đến đây bà Hai hay ngừng lại để xỉa cục thuốc qua lại mấy lần rồi mới nói tiếp ; « Bây coi ! Hồi thời ông gì đó, chỉ có Út Lượm là sắm được chiếc ca-nô tổ chảng, chạy lên chạy xuống tỉnh hà rầm. Lâu lâu còn cho mấy ông lớn mượn đi bắn le le nữa ! Hồi ông nhà tao còn sống, nó hay lái ca-nô qua đây nhậu với ổng. Mẹ ! Mỗi lần ca-nô nó vô tới đầu vàm rạch là nó hú còi nghe điếc con ráy, còn làm nổi sóng cho nước phóng lên bờ, bà con trong xóm ai cũng hay là có ông Út qua ! » Bà thường ngừng ở đây để cười khịt khịt mà nghe sung sướng ở trong lòng, bởi vì trong ba thằng em trai, bà Hai thương thằng em út nầy nhứt. Bà hay nói : « Thằng Lượm tuy ít học hơn hai anh của nó nhưng bụng dạ nó tốt lắm. Ăn ở có nhơn nên dân thợ trong sở cao su ai cũng thương. Hồi giàu lên rồi, nó cũng không quên ai hết. Như anh Ba của nó đi tập kết đâu tuốt ngoài bắc viết thơ về gởi gắm hết người nầy tới người kia cho nó, vậy mà nó cũng lén nuôi đàng hoàng. Còn thằng anh Tư của nó theo bên vợ làm thầy giáo ở Cần Thơ muốn mở trường tư thục gì gì đó, nó cũng mang tiền xuống giúp. Thằng tốt ! »
                 Trong làng Bình Quới nầy ai cũng biết vụ bà Hai ngày ngày ra ngồi trên mô đất nhìn miết qua bên kia sông. Chuyện xảy ra sau ‘giải phóng’, từ ngày người con trai út của bà, tên Trực, ở Sài Gòn về thăm bà và để cho hay là vợ con của Trực đã theo tàu hải quân di tản rồi, còn Trực thì phải lo khai báo với chánh quyền mới để có giấy tờ hợp lệ bởi vì Trực là sĩ quan của chế đõ cũ. Trực nói : « Chừng có giấy tờ, con về đây ở với má. Chắc chừng vài ba bữa nửa tháng, hà ! » Nghe vậy, bà Hai rất vui, têm trầu ăn liền liền ! Bà nói : « Tao chỉ có hai thằng con, mà Trời thương, thằng nào cũng được hết. Thằng Cang -thằng lớn- đi lính quốc gia. Nghe nói nó đánh giặc gan lỳ. Vậy mà không bao giờ nó nói động tới thằng cậu Ba nó ở ngoài kia. Còn thằng Trực - thằng út – thì thông minh học giỏi, vậy mà sau khi anh hai nó chết trận ở Công-tum Công-tiết gì đó, nó đang học đại học cũng bỏ học đi lính nói để trả thù cho thằng anh ! » Bà hay ngừng một chút rồi mới nói tiếp, như để kết một câu chuyện : « Bây giờ thì hết giặc rồi. Vài bữa thằng Trực về đây, tao sẽ chỉ nó lo chăm sóc cây trái vườn tược thế cho con Tư để con nhỏ còn đi lấy chồng chớ ! » Nói như vậy bởi vì mấy năm gần đây, từ ngày ông Hai nằm xuống, bà Hai hay ngã bịnh bất thường nên người em bà con ở bên quận gởi đứa con gái là cô Tư – ba mươi tuổi, chưa chồng – qua ở với bà để lo cơm nước vườn tược v v… Cô Tư kêu bà bằng Dì.
                 Sau khi Trực trở về Sài Gòn, một hôm, đò ngang từ bên quận Gò Keo qua làng Bình Quới ngừng lại trước nhà bà Hai thả xuống một ông già lưng mang ba-lô, ốm nhom đen thui đầu bạc trắng. Người lái đò chỉ tay nói lớn : « Ông đi thẳng vô trong, cái nhà gạch nền đúc đó, đó ! » Nghe lao xao, cô Tư nói : « Dì Hai ! Dì Hai ! Có ai kìa ! » Bà Hai nheo mắt nhìn : má bên trái của ông già có một nút ruồi với một sợi râu lăng quăng. Bà rớt nước mắt : « Mầy còn sống hả Ba ? » Vậy là hai chị em gặp lại nhau, vẫn nhìn ra được nhau sau hơn hai mươi năm xa cách ! Út Lượm hay tin cũng xách ca-nô chạy qua thăm anh Ba, tủi tủi mừng mừng. Cô Tư dầu chưa biết ‘ Cậu Ba ‘ là ai nhưng trước cảnh gặp nhau đó, cô cũng nghe xúc động nước mắt chảy quanh….Sau đó, để hàn huyên cho đã, nên ông Ba dự trù ở lại chơi thêm năm bảy hôm.
                 Bữa nọ lối mười giờ sáng, có tiếng ca-nô chạy xộc vô rạch. Thằng Kiên, con Út Lượm, u vào nhà, vừa thở vừa nói : « Con qua rước bác Ba về can thiệp gắp vụ nầy : họ đang kiểm kê để tịch thâu sở cao su ở bển đó ! » Ông Ba cười : « Bây làm gì như Mỹ bỏ bom vậy ? » Rồi quay qua bà Hai : « Chị để em qua bển một chút. Em nói mấy tiếng rồi về, hà ! Biểu con Tư nó nấu cho em miếng cháo gà ăn chơi ! » Rồi ông xuống ca-nô qua quận. Bà Hai ở nhà đợi em. Càng lúc càng trưa, rồi đứng bóng, rồi xế bóng. Chừng đó mới thấy một chiếc xuồng nhỏ, với tiếng giầm khua nước lách chách, đâm đầu vào chân cầu thủy tạ trước nhà, ông Ba lò dò bước lên. Bà Hai và cô Tư chạy ra bươn bả : « Ủa ! Sao vậy cậu Ba ? Còn ca-nô đâu ? » Ông Ba lắc đầu : «  Tụi nó kiểm kê luôn rồi ! » Bà Hai thở hắt ra : «  Còn thằng Út ! » Ông Ba cười như mếu : « Nhờ nó có công nuôi cách mạng nên mấy đồng chí đó giữ nó lại làm trong tổ kế hoạch, làm tổ viên thôi nhưng cũng có lương. » Bà Hai phun cốt trầu nghe cái phẹt : « Hứ ! Đồng chí với đồng rận ! Lương với lậu ! » Bà ngừng ở đó, nhai miếng trầu trong miệng như nhai cái tức ở trong lòng. Một lúc, bà mới nói : « Tao tưởng mầy đi theo tụi nó mấy chục năm để làm được cái giống gì, té ra mầy cũng trớt quơ cũng bạch tuộc như mấy thằng cô hồn trôi sông lạc chợ chớ có hơn gì đâu ? Hỏi chớ mầy đi theo tụi nó chi lâu vậy ? » Ông Ba đốt điếu thuốc rồi ngồi bập liên miên, làm như khói thuốc có thể che cho ông đỡ ê mặt ! Bà Hai xỉa cục thuốc qua lại, ấn mạnh vô răng như muốn kỳ cọ cho cái ‘lớp tức’ nó bong ra ! Một lúc sau, bà nói với cô Tư, giọng thật trầm tĩnh : «  Tư ! Mầy đẩy xuồng trong xẽo ra đưa cậu Ba qua sông, đi ! » Cô Tư nhìn bà, ngạc nhiên. Nhưng người ngạc nhiên nhứt là ông Ba. Ông nuốt nước miếng rồi mới nói được : « Bộ chị đuổi em hả chị Hai ? » Bà Hai tằng hắng : « Tôi đâu có đuổi !Ai mà dám đuổi cách mạng ! Tôi… mời cậu ra khỏi nhà, chớ ở lại đây, thiên hạ cười tôi thúi mặt sao cậu ? » Ngần ngừ một chút như định nói gì, nhưng rồi ông Ba lẳng lặng xách ba-lô cuối đầu đi thẳng ra bờ rạch, bước xuống xuồng mà nghe như trời đất ngã nghiêng
           chao đảo….
                 Thằng em đi rồi, bà Hai như người mất hồn. Tối ngày làm thinh, ngồi bó gối trên bộ ván nhỏ kê ngoài hàng hiên, vừa ăn trầu liên miên vừa nhìn đăm đăm ra phía rạch như đợi như chờ cái gì. Thấy kỳ, cô Tư hỏi : « Bộ đợi ai sao dì Hai ? » Một lúc, bà mới trả lời : « Tao đợi thằng Trực ! Nó nói nó đi năm ba bữa gì đó là về. Vậy mà đã hơn con trăng rồi sao hổng thấy bóng dáng gì hết » Rồi bà lầm bầm : « Thằng ! Đi mất biệt ! » Cô Tư nói : «  Con nghe nói… » Rồi ngừng ngang. Cô định nói là cô có nghe nói sĩ quan chế độ cũ đều bị đi cải tạo, chắc giống như đi ở tù… nhưng cô sợ dì Hai hết hồn nên cô bỏ lửng câu nói. Trong nhà, ngoài cô Tư ra, ông Út Lượm – lúc nầy lâu lâu chèo xuồng qua thăm chị Hai – cũng biết vụ ‘cải tạo’ nhưng ông không dám nói cho bà chị biết. Vì vậy, bà Hai cứ ngày ngày ngồi đợi thằng con. Và trách : «  Thằng đi mất biệt ! »
                 Mới đầu, bà còn ngồi chờ trên bộ ván hàng hiên. Thời gian sau, khi trời nắng ráo, bà hay đi tuốt ra ngoài vàm rạch lên ngồi trên mô đất để có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Như vậy, ‘ khi nào thằng nhỏ nó về, mình thấy nó từ đằng xa, nó có đi đò, trong đám đông mình cũng nhìn ra được nó liền hà !’. Vậy rồi ngày ngày bà ra ngồi trên mô đất, như một pho tượng. Thiên hạ trong làng đi ghe đi xuồng ngang qua, có hỏi thì bà trả lời, lúc nào cũng chỉ có một câu : « Ợ… Tao đợi thằng đi mất biệt ! » Không ai ngừng lại để hỏi tiếp coi ‘ Thằng đi mất biệt ’ là ai ? Riết rồi thành quen nên lâu lâu nghe có người chèo ngang qua hỏi cho lấy có : « Đợi thằng đi mất biệt hả bà Hai ? » Rồi đi tuốt….
                 Cái mô đất bà ngồi, bây giờ láng cón. Cỏ dại chỉ mọc cao ở dưới chân, bao quanh giống như một hàng rào. Người mẹ đợi con đó ngã bịnh rồi chết, hai năm sau. Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà Hai còn rán thều thào : «  Bây chôn tao ở đầu vàm cho tao thấy thằng Trực trở về…. »
          * * *
           
                 ‘ Thằng đi mất biệt ’ được thả về sáu năm sau, nhờ học tập tốt. Đi đón Trực ở bến xe đò quận Gò Keo là ông Ba và ông Út. Ông Út, vì rầu sự nghiệp nên già khú, vẫn là công nhân nhà máy cao su. Ông Ba về thọ tang bà Hai rồi ở lại luôn Bình Quới để giữ ‘đất đai ông bà’ kẻo ‘mấy thằng ác ôn nó quen thói côn đồ đớp hết của người ta’, ổng nói như vậy ! Bây giờ, ông Ba hay cười gằn, cầm cây rựa quơ quơ :  « Tụi nó có muốn vô nhà nầy phải bước qua xác của tao, nè ! »
                 Hai ông đưa Trực ra đầu vàm thăm mả bà Hai nằm cách mô đất không xa. Sau khi thắp nhang vái lạy, ông Ba kể cho Trực nghe chuyện bà Hai ngày ngày ra ngồi trên mô đất để trông ‘ thằng đi mất biệt ’. Trực ngồi thụp xuống, úp mặt vào hai tay khóc ngất. Ông Ba chấp tay nói như nói trước mặt người chị : « Chị Hai ơi ! Thằng đi mất biệt của chị, nó về rồi nè ! » Bỗng, mặt ông nhăn nhúm lại, giọng ông cao lên : « Mà… thằng Trực đâu phải là thằng đi mất biệt đâu, chị Hai ! » Rồi ông nấc lên, vứa đấm vào ngực vừa la lớn : « Em mới là thằng đi mất biệt đây, chị Hai à ! » Ông quì xuống ôm lấy mộ bia, gục đầu lên đó, nức nở. Cái đầu tóc trắng lắc qua lắc lại, nói lên tâm tư của một người không tìm ra đáp số cho bài toán khó.
               Ông Út khom xuống, đặt tay lên vai anh bóp nhẹ : « Anh Ba à ! Anh nói được như vậy là anh đã thấy con đường về rồi đó, anh Ba ! »
           
                                                                                                            Tiểu Tử

          #5
            Viet duong nhan 08.02.2008 23:03:16 (permalink)

            Giọt Mưa Trên Tóc
            Tiểu Tử
                                                                                                                     
            Đường Hai Bà Trưng. Chiều. Một trai một gái tuổi độ 17,18, đạp xe về hướng Tân Định, đi song song.
            Bỗng, trời nổi gió ào ào rồi mây đen kéo về vần vũ. Mọi người đều hối hả, đi như chạy, để tránh mưa. Đứa con trai giục:
                      - Đạp lẹ lên Kim ! Qua khỏi đoạn này mới có chỗ đụt.
            Đứa con gái gật đầu, chồm lên nhấn mạnh bàn đạp, nhưng chỉ vài phút sau mưa đã rơi lắc rắc xuống hai đứa làm chúng nó cười lên hăng hắc, cái cười hồn nhiên thanh thoát khi thấy mình bị mưa đuổi kịp, cái cười còn nguyên nét trẻ con trong trò chơi “cút bắt” ! Chúng nó vội tấp vào mái hiên một tiệm giày. Sau khi dựng xe đạp lại ngay ngắn, Kim nhìn bạn, hơi ân hận:
                      - Tại Nghĩa đợi Kim mới bị mưa ướt đó. Phải hồi nãy Nghĩa đạp đi trước thì đâu có sao ?
            Đứa con trai tên Nghĩa vừa nhìn quanh vừa trả lời, người hơi lắc qua lắc lại giống như cành cây đong đưa trong cơn gió thoảng:
                      - Mình đi chung mà Kim.
            Nghe bạn nói, Kim yên lặng nhìn ra mưa mà nghe lòng thật ấm cúng. Sự nhạy cảm của người con gái ở tuổi đó đã giúp Kim nhận thấy một tình yêu nho nhỏ đang nhen nhúm giữa hai đứa, một “cái gì” vừa nhẹ nhàng vừa tinh khiết, mà lại vừa thật là rung động. Một “cái gì” cứ bắt phải cần có nhau; một “cái gì” cứ bắt phải nghĩ đến nhau. Một “cái gì”... Một “cái gì”... Không biết nữa ! Kim cảm thấy nóng hai vành tai. Kim nhìn xuống chiếc áo bà ba trắng đang dán vào người từng mảng nhỏ. Tự nhiên, Kim khoanh tay lại che ngực, rồi tự trách thầm: “Phải nghe lời má đội nón thì bây giờ đã có cái gì để ôm cho đỡ ngượng. Con gái gì mà đi đâu cũng đầu trần ! Cho đáng...”. Thật ra, Kim thấy đội nón bực bội quá, cứ nghe ngứa ngáy trên đầu như mấy ngày chưa gội và sau đó khi lấy nón ra tóc cứ như bị dán keo nằm nhẹp xuống coi thật chướng mắt. Cho nên, thảng hoặc có đi đâu với má thì Kim cầm theo cái nón lá cho khỏi bị rầy, kỳ dư là đi đầu trần – dù đi học hay đi lao động cũng vậy. Thành ra, tóc Kim bồng lên thật đẹp, đen huyền xõa xuống ngang vai, chao qua chao lại khi Kim nghiêng đầu và lúc nào cũng tự do phất phơ theo chiều gió. Mấy thằng bạn cùng lứa – nhứt là Nghĩa – thường hát ghẹo: “Nắng lên, gió lên cho tóc em bồng...” Và Kim thấy hãnh diện với “mái tóc em bồng”  đó.
                       Cơn mưa thật lớn. Vỉa hè, mặt đường... đều lai láng nước. Làm như là nước từ dưới đất dâng lên !
            Bên kia đường là nhà thờ Tân Định với bức tường cao kéo dài. Bên này, chỗ nào có mái hiên là có người đứng đụt. Cách chỗ hai đứa đứng vài căn phố là tiệm nước mà phía trước là chiếc xe mì với hàng ghế đẩu đứng trong mưa chờ khách.
            Mái hiên chỗ hai đứa đụt bỗng nghiêng triền qua một bên, đổ ào nước xuống như một dòng thác. Không bảo nhau mà cả hai đứa cùng nhảy lùi vào trong và cùng đứng về phía mái hiên không đổ nước. Khoảng trống không bị ướt dưới mái hiên bây giờ thu hẹp lại chỉ còn một góc nhỏ vừa đủ cho hai đứa đứng. Không đứng sát vào nhau, nhưng đứng thật gần nhau...
            Nghĩa quay nhìn phía sau : cửa lưới sắt tiệm giày đóng im lạnh ngắt. Bên trong tủ kiếng, kệ hàng trống bốc, bụi đầy. Nhìn sang Kim, Nghĩa nói:
                      - Kim biết không ? Ông chủ tiệm giày này đã đưa gia đình vượt biên cách đây ba bốn tháng...
                      - Sao Nghĩa biết ?
            Kim ngạc nhiên, bởi vì nhà Nghĩa ở xóm Chi Lăng, còn đây là chợ Tân Định.
            Nghĩa chỉ tay sang nhà thờ:
                      - Con nhỏ em của Nghĩa học ở trường nhà thờ bên kia. Chiều nào Nghĩa cũng tới đón nó. Trong khi chờ đợi, nghe mấy anh xích lô nói chuyện với nhau mới biết.
                      - Họ đi thoát không ?
                      - Không biết nữa. Mà không phải có tiệm giày đi thôi đâu. Cả dãy phố này đều lần lượt chui hết. Cho nên nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, Kim thấy không ? Nhà Nước tịch thâu lâu rồi sao không thấy cấp cho ai hết.
            Kim nhìn ra mưa, bâng khuâng:
                      - Không biết họ đi có thoát không ?
                      Im một lúc, bỗng Nghĩa ngập ngừng hỏi nhỏ:
                      - Gia đình Kim có định... có định... đi không Kim ?
                      Kim nhìn bạn, nửa ngạc nhiên, nửa dò xét. Rồi khi thấy không có gì khác lạ trên gương mặt của người bạn trai, Kim thở dài nhìn ra mưa :
                     - Gia đình Kim mà đi đâu, Nghĩa ! Chạy gạo hằng ngày thì lấy vàng đâu           mà đi chui ?
            Nghĩa bối rối, người hơi lắc lư:
                      - Thì... hỏi là hỏi vậy thôi, chớ Nghĩa cũng biết...
            Ba của Kim làm thầy giáo. Hồi thời “ngụy”, bị động viên, rồi chạy chọt được biệt phái trở về đi dạy học – để khỏi đi đánh giặc. Qua trào Việt Cộng, hai chữ “biệt phái” đã làm cho chúng nghi là CIA nên bắt đi học tập từ đó đến giờ. Ở nhà, má và chị Hai của Kim chạy ngược chạy xuôi lảnh đồ về may để nuôi năm miệng ăn và góp nhóm chút đỉnh để lâu lâu đi thăm ba của Kim một chuyến. Cho nên, nói chuyện “lo đi vượt biên” cũng như chuyện xuống biển mò trăng...
            Bên gia đình Nghĩa cũng không hơn. Ngày xưa, ba Nghĩa làm kế toán ngân hàng, bây giờ đan giỏ chầm nón ở tổ “Mây Tre” Phú Nhuận với má Nghĩa. Hai ông bà sáng đi tối về, đèo nhau trên xe đạp. Nghĩa và con nhỏ em đi học, tối về dán bao giấy bỏ mối cho mấy bà ngoài chợ gói hàng. Bữa cơm gia đình thường là tương chao hoặc ba  cái trứng luộc dầm nước mắm. Chuyện “vượt biên” đúng là chuyện mò trăng đáy biển !
            Bỗng Kim nhìn Nghĩa, một thoáng tinh ranh nằm trong ánh mắt:
                      - Còn Nghĩa ? Có tính đi không ?
            Nghĩa phì cười, miệng rộng huệch:
                      - Kim trả thù hả ?
            Kim cười bằng mắt, nhái lại câu của Nghĩa khi nãy, người cũng nhẹ lắc lư:
                      - Thì... hỏi là hỏi vậy thôi.
            Không bảo nhau mà cả hai cùng phá lên cười, cái cười che giấu sự sung sướng bên trong của mỗi đứa, cái cười của những người cùng cảnh ngộ gặp nhau, cái cười không phải của niềm vui mà là của sự an ủi. Rồi chúng nó nhìn nhau một thoáng, trước khi quay nhìn đi nơi khác để cảm thấy thật gần gũi nhau vô cùng.
            Mưa thôi ồ ạt nhưng vẫn chưa dứt hột thì nửa vùng trời đã hé nắng ở đằng kia. Ánh nắng xiêng xiêng thật sáng, thật trong làm như vừa được mưa lau sạch  bụi ! Nắng chiều mà giống như nắng sáng.
            Nắng xuyên mưa đổ xuống chỗ Kim và Nghĩa, giống như vệt đèn pha sân khấu. Nghĩa nhìn Kim đứng trong vùng ánh sáng đó bỗng nhớ tới vở kịch thần thoại Liên Xô mà hai đứa đóng trong trường cách đây mấy tháng, trong đó Nghĩa làm người cùng khổ còn Kim là bà tiên áo trắng, mái tóc đầy kim tuyến lấp lánh như kim cương. Bây giờ, những giọt mưa đọng lại trên tóc Kim cũng lấp lánh như kim cương trong tia nắng chiều nghiêng chụp xuống. Đẹp quá !
            Kim chợt bắt gặp cái nhìn ngây dại của bạn, nóng bừng hai tai.
                      - Nhìn gì kỳ vậy Nghĩa ?
            Nghĩa giật mình, người hơi lắc lư:
                      - Nghĩa đang nhìn mấy giọt nước trên tóc Kim. Nó... Nó...
            Kim mỉm cười, lắc mạnh đầu mấy cái rồi đưa hai tay vuốt tóc tém vào ót. Tóc được gom lại, dính vào nhau thành một cái đuôi cong cong.
            Nghĩa tiếp:
                      - Nó giống như kim cương. Thật giống kim cương. Uổng quá !
                      - Cái gì uổng ?
            Kim ngạc nhiên hỏi. Nghĩa đang tiếc rẻ hình ảnh đẹp của Kim khi nãy với những giọt mưa trên tóc, bất ngờ bị hỏi vặn, không biết phải trả lời làm sao. Nghĩa đưa tay gãi ót, chặc lưỡi:
                      - Thì...
            Mắt Nghĩa bỗng sáng lên, mặt hí hửng. Một ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu, Nghĩa chụp lấy như người sắp chết đuối chụp lấy cái phao:
                      - Uổng quá chớ ! Nếu là kim cương thiệt thì Kim dư sức đưa gia đình đi vượt biên rồi.
            Rồi Nghĩa cười lên ha hả, cái cười của người vừa thoát nạn. Kim cũng cười theo bạn, nhưng cười vì cái ý nghĩ ngộ nghĩnh bắt nguồn từ những giọt mưa trên tóc.
            Trời cũng vừa hết mưa. Đường phố khi nãy vắng tanh, bây giờ đầy người trở lại. Làm như mưa ngừng cho nước rút xuống để rừng người mọc lên ! Nghĩa và Kim nhập vào đoàn người đạp xe về ngã Phú Nhuận. Không khí sau mưa mát rượi. Hai đứa đều có cảm giác như mặt mũi mình vừa được rửa sạch trong cơn mưa.
            Đến ngã tư Phú Nhuận, Nghĩa vẫy tay chào bạn:
                      - Thôi, “bye” nghe Kim.
            Rồi cắm đầu đạp nhanh về hướng Gia Định trong lúc Kim quẹo sang trái để về cổng Phi Long.                                                                                                                                                                                                               * * *                                                 
            ...Sau bữa cơm tối, ba gọi Nghĩa và con nhỏ em vào buồng, kéo ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới đất, vẻ nghiêm trọng, thấp giọng nói:
                      - Hổm rày ba má giấu tụi con. Bây giờ, tới lúc phải cho tụi con biết. Khuya nay mình vượt biên.
            Nghĩa cảm thấy choáng váng mày mặt, mồ hôi đổ ra như tắm. Trước mắt Nghĩa bỗng là một khoảng trống không mơ hồ. Nghĩa không còn thấy ba. Nghĩa không còn thấy em. Nhưng Nghĩa còn loáng thoáng nghe tiếng ba nửa xa nửa gần:
                      - Ba sẽ chở má. Nghĩa chở em. Mình đạp xuống cầu Kinh, bỏ xe ở nhà bác Tám rồi băng ruộng ra bờ sông cách đó chừng năm trăm thước. Ghe chờ ở đó. Tụi con đừng đem gì theo hết. Cứ đi tay không như mình đi thăm bác Tám vậy. Hiểu chưa ?
            Nghĩa gật đầu như người máy, nhưng Nghĩa không hiểu. Thật tình không hiểu ! Ba má vẫn hay than vắn thở dài: “Phải chi nhà mình có chút đỉnh gì để liều một chuyến vượt biên như thiên hạ coi ra sao”. Khi gặp bạn bè, ba thường chép miệng: “Tôi mà biết bị kẹt lại như vầy, tôi đã đưa gia đình di tản cha nó hồi bảy mươi lăm rồi ! Bây giờ thì thôi. Đành muôn năm ở lại với Bác !”. Vậy mà bây giờ... bây giờ... Nghĩa không hiểu ! Thật tình không hiểu ! Mới hồi nãy đây, còn đứng đụt mưa chung với Kim, còn đùa nhau về chuyện vượt biên – lý do để hai đứa thấy gần nhau hơn nữa – còn đạp xe song song trên đường dài – dù đường dài có dài thăm thẳm chắc hai đứa lúc nào cũng đạp xe song song... Vậy mà bây giờ... bây giờ... Sao nó giống như ngã tư Phú Nhuận, mỗi đứa đi về một hướng, hai hướng ngược nhau trên một đường thẳng, nghĩa là chẳng bao giờ gặp lại nhau  dù có kéo mãi về vô tận. Và những giọt mưa trên tóc. Ờ... những giọt mưa trên tóc ! Những gì hồi nãy mới thấy đây, mới hiện diện đây, những rung động, những cảm nhận thật rõ ràng mới đây, hồi nãy, khi đứng đụt mưa với Kim dưới mái hiên tiệm giày... bây giờ sao giống như giọt mưa trên tóc, chỉ một cái lắc đầu đã rơi mất trong không gian ! Còn Kim ?... Kim ?... Kim sẽ làm sao ? Một câu hỏi thật ngớ ngẩn nhưng nói lên chiều sâu của tình yêu vừa chớm, thứ tình yêu chưa rõ nét như bước chân chập chững của trẻ thơ, thứ tình yêu còn thơm mùi giấy mực học trò, còn thật thà như đọc cửu chương hai ! Nghĩa bỗng thấy cần phải gặp Kim. Gặp ngay bây giờ. Không biết để làm gì, nhưng phải gặp. Không biết sẽ nói cái gì, nhưng cứ gặp trước cái đã. Có một cái gì thúc đẩy từ bên trong. Có một cái gì kêu gọi từ bên ngoài. Nghĩa không hiểu nữa. Cảm thấy thật cần thiết, thật cấp bách !
            Nghĩa bước ra phòng khách, với tay lên kệ lấy đại hai quyển sách gì đó rồi nói với ba đang soạn giấy tờ trên bàn:
                      - Con đem trả sách cho thằng Tuân.
            Khi thấy ba nhìn mình soi mói, Nghĩa tiếp:
                      - Trả cho nó học.
            Ba gật đầu:
                      - Ờ... Nhưng ba cấm con nói “chuyện đó” với bất cứ ai, dù là bạn thân cũng vậy. Nghe chưa ?
            Nghĩa gật đầu, đẩy xe đạp ra sân. Ba nói với theo:
            -         Trả rồi về ngay nghe con, Nghĩa.
             Nghĩa ‘’ dạ ‘’ rồi phóng lên xe, đạp thật nhanh. Trên đường Phan Đăng Lưu (Chi Lăng cũ), Nghĩa ném hai quyển sách vào một đống rác rồi đi thẳng.
            Nhà Kim ở xóm cổng Phi Long. Nghĩa vẫn quen lui tới. Vậy mà bây giờ sao thấy nó xa thăm thẳm. Mặc dù xe đã lao nhanh nhưng Nghĩa vẫn có cảm tưởng như hãy còn quá chậm. Nghĩa vừa nhấn mạnh bàn đạp vừa nghĩ miên man: “Không biết phải nói làm sao đây ? Ba đã cấm thì mình làm sao nói ? Mà không nói làm sao Kim hiểu ? Không biết mình đi có thoát không ? Rồi cuộc đời sẽ ra sao ? Không có Kim mình sẽ ra sao ? Còn Kim ? Kim sẽ ra sao ? Ra sao ?... Ra sao ?...”. Thật nhiều câu hỏi để không có được một câu trả lời. Người con trai đó cảm thấy thật chơi vơi, tất cả đều vuột khỏi tầm tay, tất cả đều vượt khỏi tầm suy luận của nó, nó không hiểu được gì hết, không chủ động được chuyện gì hết ! Lần đầu tiên, người con trai đó nhận thấy cuộc đời này quá nhiều rắc rối chớ không đơn giản như những bài toán ở trong trường, mà mình thì giống thằng học trò dốt nhìn tấm bảng đen thấy nó rộng bằng cái sân banh...
            Khi Nghĩa vừa thắng xe trước cổng nhà Kim thì con chó chạy ra sủa mấy tiếng rồi chồm lên cửa sắt vẫy đuôi mừng. Có tiếng má của Kim hỏi vọng ra:
                      - Ai đó ?
                      - Dạ thưa cháu.
            Nghĩa trả lời.
                      - Nghĩa hả ? Đi đâu tối vậy ?
            Rồi đèn dưới hiên được bật lên, một bóng đèn nhỏ xíu tỏa ánh sáng vàng vọt như ánh sáng cây đèn dầu. Má của Kim bước ra mở cổng:
                      - Cháu ngồi chơi. Em nó tắm rồi ra bây giờ. Bác còn phải vô mai tiếp mớ đồ để mai giao...
            Nghĩa “dạ”, rồi dựng xe vào tường rào. Con chó chạy lại quắn quýt mừng rồi chạy vào trong sủa mấy tiếng như để báo là nhà có khách ! Nghĩa nhìn quanh: nhà vắng teo, chỉ nghe có tiếng máy may xành xạch đều đều. Nghĩa nghĩ: “Chắc mấy đứa nhỏ về dưới quê hết rồi. Chớ không thì đã chạy ào ra mừng như mọi khi”. Sân nhà Kim tuy nhỏ nhưng tráng xi măng sạch sẽ. Ở góc sân có cây mận khá lớn, tàng gie ra phủ lấy sân như cây lộng. Dưới gốc mận, có mấy gộc củi to đặt đứng để làm ghế ngồi. Trên thân cây mận, hãy còn treo mấy giỏ phong lan mà ba của Kim trồng hồi đó.
            Khi Nghĩa vừa ngồi xuống cạnh gốc mận thì Kim cũng vừa bước ra hiên nhà. Tóc Kim chải ngược về phía sau, để lộ khuôn mặt đều đặn với đôi mắt ngời tinh anh. Kim dừng ở hiên một chút... như để định hướng, rồi mới bước tiếp ra sân. Chỉ trong một thoáng đó thôi – một thoáng dừng lại của Kim – Nghĩa bỗng thấy không gian chìm mất chỉ còn lại gương mặt của người bạn gái là hiện hữu, là sinh động, là rạng rỡ... Nghĩa thấy gương mặt đó thật rõ, thật sáng. Thấy mái tóc hãy còn láng nước, tóc mai còn dán vào má vào tai. Thấy vầng trán rộng, thấy đôi mày dài. Thấy ánh sao trong mắt, thấy nét cười phớt nhẹ làn môi... Chỉ trong có một giây thật ngắn ngủi – như một chớp mắt – mà sao ngần đó nét, ngần đó chi tiết được Nghĩa nhìn thấy hết, thâu nhận rõ hết. Phải chăng đó là hình ảnh của Kim mà Nghĩa muốn ghi lần cuối cùng vào tim vào óc ? Ghi lấy để giữ lấy mãi mãi, bởi vì, sẽ không còn có lần nào khác nữa để Nghĩa được nhìn Kim như bây giờ...
            Kim vừa bước về hướng Nghĩa, vừa hỏi:
                      - Ủa ? Đi đâu mà tối vậy Nghĩa ?
            Yên lặng. Từ cái thoáng dừng lại khi nãy của Kim, từ cái thoáng đặt hết tâm tư vào gương mặt của người bạn gái, Nghĩa không còn cảm nhận được sự hiện diện của mình. Tiếng của Kim, Nghĩa nghe loáng thoáng như trong chiêm bao.
            Nghĩa chỉ sực tỉnh khi Kim đã ngồi đối diện. Người con gái đó có dáng ngồi thật thẳng, thật ngoan, thật dễ thương với hai bàn tay đặt nằm thoai thoải trên đầu gối. Ở Kim, toát ra một cái gì vừa tươi mát vừa tinh khiết, lại vừa trầm lặng với sức sống căng đầy. Nghĩa cảm thấy bối rối, không biết phải nói cái gì, nói làm sao, rồi miên man nghĩ: “Chắc Kim sẽ buồn lắm khi nghe mình nói. Chắc Kim cũng sẽ... cũng sẽ đau khổ lắm khi biết mình đi. Bây giờ còn ngồi đây với nhau chớ lát nữa đây, rồi ngày mai, rồi mãi mãi sẽ không còn gặp nhau nữa. Vĩnh viễn không gặp nhau nữa. Vĩnh viễn... Vĩnh viễn...”. Nghĩa thấy thương Kim. Nghĩa thấy thương Nghĩa. Nghĩa thấy thương hai đứa. Nghĩa muốn khóc ! Nghĩa không dám nhìn thẳng mặt Kim. Nghĩa nhìn đôi bàn tay thon nhỏ của Kim, đôi bàn tay ngoan hiền nằm trên đầu gối. Đôi bàn tay đó đã từng vẫy gọi Nghĩa trong đám đông, đã từng vỗ vào nhau thành nhịp khi Nghĩa đàn, và một hôm, đã từng kết lại giùm Nghĩa cái nút áo, sau một lần vật lộn với bầy em của Kim. Đôi bàn tay đó, rồi đây, suốt cuộc đời về sau, Nghĩa sẽ không còn được cầm lấy, nắm lấy, hay nhìn thấy, dù là trong giấc mộng. Không tự chủ được, Nghĩa nghiêng người tới cầm lấy hai bàn tay của Kim. Một cử chỉ thật đột ngột làm Kim sửng sốt định rút tay về, nhưng khi thấy Nghĩa chẳng có nét gì sỗ sàng nên để yên. Nghĩa giữ tay Kim trong tay mình như giữ một vật gì đẹp nhứt, quí nhứt của cuộc đời này. Như hơi thở. Như nhịp tim. Như tình yêu... tình yêu... tình yêu...
            Yên lặng. Nghĩa ngồi như pho tượng. Lưng khom khom, đầu chút xuống, cùi chỏ chống lên đùi làm hai vai nhô lên. Kim không nhìn thấy mặt Nghĩa, nhưng Kim “nhìn” thấy tâm tư của Nghĩa trong đôi bàn tay và trong dáng ngồi của bạn. Đôi bàn tay muốn nắm thời gian ngừng lại và dáng ngồi nói lên niềm thống khổ vô biên...
            Yên lặng. Rồi có tiếng Kim hỏi, thật trầm tĩnh:
                      - Nghĩa đi hả ?
            Không có tiếng trả lời. Nhưng Nghĩa gật gật đầu, cái đầu đã ở sẳn tư thế cúi thấp xuống của một người nhận chịu số phận ! Rồi vai Nghĩa bỗng run run, Nghĩa gục xuống tay nấc lên khóc. Bấy giờ – và chỉ bấy giờ – những ngón tay của hai đứa mới đan vào nhau, tự nhiên đan vào nhau, giữ lấy nhau, giữ chặt lấy nhau. Không biết tại sao ? Không biết để làm gì ? Mà cần gì phải biết, khi tất cả đều vô nghĩa ? Vô nghĩa !
            Yên lặng. Không gian không còn nữa. Thời gian không còn nữa. Vũ trụ bây giờ nằm trọn trong lòng tay hai đứa, một vũ trụ rách nát, đau thương. Ở đó, giữa những ngón tay đan chặt vào nhau, tình yêu vừa mới sinh ra, còn măng non nhưng sao đã thấy già nước mắt....
            Yên lặng. Kim không khóc. Kim vẫn ngồi thẳng, nhìn thẳng, tuy tâm hồn đã tê dại. Phải một lúc lâu sau, thật lâu sau, Kim mới trở về với chính mình để nhận thấy rằng bỗng nhiên mình già đi mười mấy tuổi ! Kim nhìn xuống Nghĩa, chỉ thấy cái đầu tóc ngắn, cái ót gầy gầy, đôi vai nhô cao. Hình ảnh cuối cùng của Nghĩa là đây chăng ? Người con trai có đôi mắt xếch xếch, có cái cười rộng huỵch làm cho một bên má lúm đồng tiền, người con trai đã làm Kim rung động, người con trai đã làm Kim xao xuyến, người con trai đó, bây giờ, Kim chỉ nhìn thấy được có cái ót và đôi vai thôi ! Rồi mai mốt... mai mốt... Một chua xót đang trạo trực dâng lên. Kim cắn môi kềm lại. Yên lặng...
            Một lúc sau, Kim hỏi, giọng lạc đi:
                      - Chừng nào ?
            Nghĩa ngồi thẳng lên, tay vẫn không rời tay Kim, mặt còn đầy nước mắt, giọng cũng lạc đi:
                      - Khuya !
            Kim nhìn gương mặt méo mó vì đau khổ của Nghĩa bỗng nghe xúc động dạt dào. Kim muốn chồm tới ôm lấy Nghĩa, ôm lấy gương mặt đầy nước mắt đó áp vào má mình, ôm thật chặt, xiết thật chặt, để mọi niềm đau được cùng chia sớt, để mọi nỗi hận được cùng xẻ đôi. Nhưng Kim gượng lai, gượng lại vì lễ giáo, và gượng lại vì sợ không rời nhau ra được nữa... Trào lòng dâng dậy miên man, Kim nhắm nghiền mắt lại, siết những ngón tay của Nghĩa, siết với hết sức mình, siết thật mạnh, siết thật đau, siết như để nén một trời thống khổ, siết như để bóp vỡ một cái gì uất nghẹn trong tim, siết như đang cố gắng nuốt một liều thuốc đắng, siết như... siết như để chia tay lần cuối trước khi lìa đời… Kim cắn răng để đừng bật khóc !
            Yên lặng. Lâu sau, Nghĩa buông tay Kim đứng lên, lủi thủi lại lấy xe đạp. Kim bước theo, nhẹ như một cái bóng. Kim mở cổng, tiếng cổng rỉ sét rên lên. Nghĩa dẫn xe ra, không dám nhìn lại cũng không dám nói một lời, chỉ phóng lên xe đi thẳng. Kim đóng cổng, cổng sắt lại rên lên trước khi kêu cái rầm khô khan. Kim có cảm tưởng như mình vừa bị nhốt trong tù. Ngoài kia, đã là một thế giới khác.
            Khi Kim bước lên cầu thang để lên gác – cái gác lửng ba làm cho Kim ngủ và học riêng một mình trên đó – Kim bỗng nghe hai chân mình yếu đi, chẳng còn chút sức lực nào hết. Kim cố bám từng nấc thang, mồ hôi đổ ra như tắm. Lên đến bên trên, Kim chỉ còn đủ sức gieo mình xuống giường, úp mặt xuống gối, khóc ngất... Bao nhiêu nước mắt trần gian xin gởi hết cho Kim, người con gái mang tâm trạng người góa phụ .
                                                               * * *
                      Trời mưa Paris. Ở đây không có “mưa rồi chợt nắng” như ở Sàigòn. Ở đây, mưa không ngập tràn cống rãnh, mưa không đưa rác trôi quanh phường phố. Cũng không có trẻ con cởi truồng chạy giỡn trong mưa. Cho nên, chẳng có gì để gợi nhớ như mưa Sàigòn...
                      Nghĩa ngồi một mình uống cà phê trong một bar ở khu Maubert. Hai cô đầm tránh mưa kéo vào ngồi bàn trước mặt. Những giọt mưa trên mái tóc vàng gợi nhớ những giọt mưa trên mái tóc đen của Kim hồi đó. Hồi đó, nghĩa là đã hơn bảy năm. Bảy năm không một tin tức gì hết của Kim, mặc dù đã gởi không biết bao nhiêu thơ, đã nhắn không biết bao nhiêu lời qua bạn bè của hai đứa ! Cứ im lìm trống rỗng, làm như những chuyện gì đã xảy ra hồi đó chỉ là một ảo ảnh, một giấc mơ….
                      Những giọt mưa trên tóc hai cô đầm trước mặt vẫn lấp lánh dưới ánh đèn trong bar càng gợi lại hình ảnh Kim trong lần đụt mưa hồi đó với những giọt mưa trên tóc, rõ ràng như Nghĩa đang nhìn bây giờ. Vậy mà bây giờ….
                      Nghĩa đốt điếu thuốc. Hít một hơi dài bỗng nghe khói thuốc thật đắng và làm cay chảy nước mắt !
             
                    Tiểu Tử
             
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.02.2008 20:09:44 bởi Viet duong nhan >
            #6
              Ct.Ly 21.02.2008 04:41:53 (permalink)
              #7
                Viet duong nhan 21.02.2008 20:13:31 (permalink)

                Trích đoạn: Ct.Ly

                Chào chị VDN

                Những truyện của tác giả Tiểu Tử đã được mang vào thư viện
                Chỉ có truyện Giọt Mưa trên tóc, khg biết sao mà vào thư viện nó chiếm hết trang thư viện sửa chửa mãi khg được, em đang nhờ Mars lo dùm

                Chúc chị luôn vui, mạnh khoẻ an lành

                Thân ái

                Chào Ly !
                 
                7 mới copy bài "Giọt Mưa Trên Tóc" cho vô word, rồi dán lại - Hổng biết được không ?
                7 đem về tiếp mấy truyện nữa nè .
                Chúc Ly & gia đình an vui.
                XX
                7_vdn
                #8
                  Viet duong nhan 21.02.2008 20:18:25 (permalink)
                  Thèm

                  Tiểu Tử
                   
                   

                  Tụi bây biết không? Bây giờ tao đi làm bằng xe đạp. Tụi bây đừng cười. Tao không giỡn đâu. Hồi xưa, trong bọn mấy đứa tụi mình, tao là thằng tếu nhứt. Tao hay kể chuyện tiếu lâm, hay bịa chuyện này chuyện nọ để chọc cười, để phá phách cho vui với nhau. Nên tụi bây thường nói: “Coi chừng! Nó nói cái gì mình phải xin keo coi có đúng không, rồi hãy tin”. Hồi đó, khác. Bây giờ, khác. Tụi bây đi hết rồi, chỉ còn mình tao kẹt lại. Nói thiệt hay nói dóc đều không còn ý nghĩa gì nữa, cũng không còn giá trị gì nữa đối với tao. Bởi vì không còn ai để giỡn, không còn lòng dạ đâu để giỡn, và cái cười của tao đã vượt biên đâu mất từ lâu...

                  Điều ngộ nghĩnh là, bây giờ, bất cứ chuyện gì tao kể ra chắc chắn tụi bây đều không tin ráo! Bởi vì tụi bây đã di tản trước ngày 30 tháng tư 1975, không thấy không biết những gì đã xảy ra ở trong nước, làm sao mà tin? Vả lại “những gì đã xảy ra” đã không xảy ra theo quy luật thông thường. Tất cả đều bị xáo trộn, đảo lộn một cách nghịch lý đến nỗi tao là người sống trong đó mà lắm khi tao phải tự hỏi: “Làm sao có thể như vậy được?”. Vậy mà nó đã “như vậy được” tụi bây à! Khó tin nhưng có thật! Cho nên, những gì tao viết ở đây cho tụi bây hoàn toàn là những chuyện có thật mà... khó tin đó.

                  Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, tao cứ phải nghe ra rả nói láo nói dóc, cứ phải luôn luôn nói láo nói dóc... Nào là “Đã vượt chỉ tiêu 150%” (Chỉ tiêu là con số đã được ấn định trước cho mức sản xuất, không biết là bao nhiêu, nhưng thấy tháng nào cũng vượt, năm nào cũng vượt, ngành nào cũng vượt - tao phải... dịch những chữ mới rõ ràng ra như vậy cho tụi bây hiểu, bởi vì bây giờ mình không còn nói giống như hồi trước nữa). Nào là “Đã hồ hởi phấn khởi đi làm nghĩa vụ” nghĩa là đi làm cái nghĩa vụ gì đó một cách... khoái trá sôi động bởi vì biết chắc rằng không đi cũng không được. Nào là “Hoàn toàn nhất trí” (Bây giờ không nói “nhứt” nữa, mà nói “nhất”. Nghe... cách mạng hơn), nghĩa là “đồng ý hoàn toàn”, cho nó rồi, kẻo không thì... kẹt lắm. Mọi người đều “nhất trí” hết mà mình không “nhất trí” thì nó... lòi ra coi không giống ai. Thành ra “nhất trí” cũng có nghĩa là “phải làm như mọi người”. Tụi bây hiểu chưa? Nào là “Làm việc rất là năng nổ”. Tao nghĩ chắc khỏi cần dịch. Tụi bây cứ nghe “nó... lốp bốp” là đoán ra cái nghĩa của nó rồi. Đại khái là làm việc giống như có cờ phất trống khua, có loa trên loa dưới ồn ào, còn lè phè suốt buổi hút thuốc uống trà là chuyện khác... vân vân và vân vân... Kể không hết!

                  Sau bao năm dài sống trong môi trường như kể trên, “cái thèm” rất lớn của tao là được sống thật, nói thật. Cho nên, viết cho tụi bây giống như tao được... giải phóng. Vậy những gì tao kể ra đây, tụi bây khỏi phải xin keo!

                  Bây giờ, tao đi làm bằng xe đạp. Vẫn làm ở sở cũ. (Còn được làm việc ở sở cũ là may đó nghen. Nhiều người bị đổi đi nơi khác xa hơn và thường thì ở một ngành nghề không dính dấp gì với phần chuyên môn của mình hết. Cách mạng mà!). Cái xe hơi con cóc , tao đã cho nó lên nằm trên bốn gộc cây để bán lần bán hồi bốn bánh xe, cái bình điện, cái đề-ma-rơ... Hầu như tháng nào tao cũng phải bán một món gì trong nhà, bởi vì lương của tao cộng với những gì vợ tao và hai con gái lớn kiếm được hằng tháng... không đủ sống. Tình trạng đó bắt đầu từ sau hai “trận” Nhà Nước đổi tiền.

                  Đạp xe riết rồi cũng quen. Khoảng cách trên mười cây số từ nhà đến sở, tao coi như “pha”. Chỉ bực mình là xe đạp của tao hay sút sên khi nó “nhảy” ổ gà. Mà đường sá bây giờ, ổ gà ở đâu nó... lòi ra nhiều quá. (Người ta nói Mỹ rút đi, để lại toàn là đồ giả không - tao nghe sao chép vậy!). Cho nên, ở nhiều đoạn đường, tao lái xe tránh ổ gà giống như người say rượu! Vậy mà có hôm vẫn “nhảy” ổ gà cho nên hai tay tao thường lấm lem dầu, đất, mà quần áo thì ướt đẫm mồ hôi.

                  Bây giờ, tao làm việc “thông tầm”, nghĩa là làm suốt tới chiều rồi về sớm không có về nhà ăn cơm nghỉ trưa như hồi trước. Vì vậy, mỗi sáng tao mang theo một lon ghi-gô cơm với vài miếng cá mặn để ăn tại bàn viết buổi trưa. Chiều về sớm, tao có bổn phận nấu cơm làm đồ ăn, bởi vì giờ đó vợ con tao còn làm việc ở tổ may thêu cách nhà cũng khá xa.

                  Mỗi sáng đi làm, lúc nào tao cũng đem theo cái giỏ đi chợ treo tòn ten ở ghi-đông, giống như đi chợ chớ không giống đi làm! Bởi vì trong sở thường hay... bất thần bán cho nhân viên (gọi là “phân phối” chớ không gọi là “bán”, nghe có vẻ... chia xẻ hơn là trao đổi) cá, rau cải... vv. Tuy không nhiều và không được lựa chọn vì phải... bắt thăm trúng lô nào lấy lô đó, nhưng rẻ hơn ngoài chợ thành ra cũng đỡ. Cho nên, đi làm việc mà ngày nào cũng nhóng nhóng hỏi thăm “coi bữa nay có phân phối gì không?” và chiều về đến nhà, thằng con tao — thằng út đó, tụi bây nhớ không? bây giờ nó lớn đại rồi - chạy ra mở cổng lúc nào cũng hỏi: “Bữa nay có mua được gì không ba?”. Và hôm nào thấy trong giỏ có đồ gì để ăn là mắt nó sáng rỡ. Tội nghiệp, sống trong sự thiếu thốn triền miên, có đứa nhỏ nào, có người lớn nào mà không nghĩ đến miếng ăn?

                  Bây giờ, tao hút thuốc lá vấn tay. Tao tự vấn lấy. Không phải tao muốn lập dị mà vì tao không đủ sức mua loại thuốc điếu kỹ nghệ thông thường. Mới đầu, tao vấn thuốc rê Gò Vấp. Nó nặng muốn... tét phổi! Về sau, tao bắt chước thiên hạ mua thuốc lá Lạng Sơn đã xắt sẵn - nghe nói là giống thuốc Virginia, mấy ông ngoài Bắc bảo thế! - đem trộn với thuốc Gò Vấp, hút thấy được. Vậy là mỗi khi muốn hút, tao cứ tà tà xé một miếng giấy quyến, tà tà rứt một miếng thuốc kéo cho dài dài ra khi để lên lòng giấy, rồi đặt hết tâm tư vào mấy ngón tay (của cả hai bàn tay đang chụm đầu lại nâng nhẹ giấy và thuốc!) để ém, lận, cuốn, xe... cho điếu thuốc được tròn đều trước khi đưa lên lưỡi liếm. Xem thật “ung dung nhàn hạ”. Giống như một nghi thức. Và tao có quyền tà tà vấn thuốc như vậy bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào: trong khi làm việc, trong các buổi hội họp học tập, và cả ngay trước mặt ông xếp của tao nữa (Bây giờ gọi là “thủ trưởng”, nôm na là “cái đầu đứng đầu”. Còn cái đầu có cái óc hay không lại là chuyện khác). Cho nên, hút thuốc vấn - đối với tao - giống như là một cách thoát tục, cái “tục” quá... tục mà tao đang sống bây giờ. Tuy nhiên, sao tao vẫn nghe thèm điếu thuốc ba số năm là loại thuốc mà mấy chục năm tao đã hút! Làm như mùi vị của nó còn nằm ở đâu trong máu trong xương. Nhiều đêm trở giấc, tao nghe thèm ray rứt, thèm chảy nước mắt!

                  Chiều hôm qua, trên đường về nhà, đạp xe tới chợ Tân Định thì trời bỗng đổ mưa. Tao tấp vô đụt mưa dưới mái hiên tiệm nước nằm ở góc đường dọc hông chợ (tao quên tên) và đường Hai Bà Trưng. Lúc đó, cỡ gần năm giờ (đồng hồ tay, tao đã bán từ lâu, nên từ lâu, tao chỉ... đoán giờ thôi!). Trong tiệm thấy lai rai có người ăn uống.

                  Tao đã đứng sát vào vách vậy mà gió cũng tạt mưa vào ướt hết phía dưới chân. Một lát, tao nghe lạnh chân. Rồi tao nghe đói. Cái đói đến một cách đột ngột, giống như nó chui từ dưới chân chui lên. Hồi nãy đạp xe trên đường, tao có thấy đói đâu, mặc dù buổi trưa tao chỉ ăn có một lon ghi-gô cơm với ít mắm ruốc - dĩ nhiên là tao có uống thật nhiều trà, thứ này, loại thường thôi, trong sở (Bây giờ gọi là “cơ quan”) có chị nhân viên tối ngày cứ châm đầy bình cho mình uống “líp” - Vậy mà bây giờ tao lại thấy đói. Có lẽ tại vì lỗ mũi tao nghe mùi hủ tiếu, mùi mì. Ờ... tụi bây không biết chớ từ lâu rồi - tao không nhớ là bao nhiêu lâu, nhưng chắc là lâu lắm - tao chưa được ăn mì. Bây giờ đứng đây phía đường hông chợ Tân Định, phía trên gió, vậy mà vẫn “đánh hơi” rõ mồn một mùi nước lèo của xe mì nằm bên đường Hai Bà Trưng, phía dưới gió, rõ như hơi của nước lèo đang bốc lên ngay trước mũi! Tao nuốt nước miếng.

                  Thèm quá! Tao thèm ăn ngay một tô mì! Thọc tay vào túi quần, tao đụng hai tờ giấy bạc. Móc ra xem thì ra là hai đồng. Tao chỉ có ngần đó thôi! Nhưng hai đồng, đủ để ăn một tô mì rồi! Thì ăn... đại một tô cho nó đã! Tao dợm bước vào tiệm nước bỗng nhớ lại vợ tao hồi sáng khi trao cho tao hai đồng đó, có dặn: “Chiều, anh ghé chợ Cây Quéo mua 6 cái hột vịt và nửa giỏ rau. Về, anh bắc nồi cơm bỏ vô luộc trước. Chừng mẹ con em về, em làm nước mắm rồi dầm cho nhà ăn.” Hình ảnh cả nhà tao 7 đứa quây quần bên “nửa giỏ rau và 6 cái hột vịt” và hình ảnh tao một mình ngồi ăn tô mì... làm tao khựng lại. Tô mì mà tao muốn ăn, thèm ăn, là cả một bữa ăn của gia đình! Tao không thể đổi được. Thà là tao nhịn thèm. Thà là tao chịu đói để về ăn chung với vợ con. Ăn thứ gì cũng được, ít nhiều gì cũng được, dở ngon gì cũng được. Miễn là ăn chung với tụi nó. Để thấy rằng cuộc đời tao bây giờ chỉ còn lại có tụi nó là quí thôi! Tao nghe thương vợ thương con vô cùng. Và tao cũng nghe thương thân tao vô cùng...

                  Tao đứng yên nhìn ra mưa bỗng nghe hai má của mình ướt lạnh. Đưa tay lên vuốt mặt mà nghĩ rằng mình vuốt nước mưa trên má...

                  (Trên đây là lá thơ viết lỡ dở, của ai viết cho ai, tôi không biết. Thơ viết trên giấy tập học trò, Chữ nhỏ li-ti, nhưng đẹp và rõ nét. Tình cờ, tôi nhìn thấy “nó” trong xấp giấy gói hàng của bà bán xôi đầu ngõ nên tôi xin...)

                  Tiểu Tử
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.02.2008 06:11:22 bởi Ct.Ly >
                  #9
                    Viet duong nhan 22.02.2008 01:58:11 (permalink)
                    NHỮNG HÌNH ẢNH ĐẸP
                    Tiểu Tử

                    Anh tôi nằm bịnh viện Saint Camille đã được mười bữa. Chiều hôm qua, ảnh gọi điện thoại về nhà, nói: «Thằng tây nằm chung phòng ra nhà thương rồi, ngày mai chủ nhựt, mầy vô đây anh em mình nói chuyện chơi.» Nghe giọng ảnh 'có thần' nên tôi vui vẻ trả lời: «Dạ! Mai em vô. Vợ con em đi Mỹ, chớ không thì em cũng chở tụi nó vô thăm anh.» Tôi nghe ảnh cười khịt: «Một mình mầy cũng đủ cho tao vui rồi…»

                    Phòng anh tôi là loại phòng hai giường ở lầu ba. Ông già người Pháp cỡ hơn tám mươi tuổi nằm chung phòng với anh tôi rất khó tánh. Ổng không thích có nhiều ánh sáng vào phòng nên tấm màn cửa sổ lúc nào cũng chỉ hé lên một chút thôi. Thấy ổng quá già lại hay gắt gỏng nên mấy cô y tá cũng nhân nhượng, chỉ kéo tấm màn lên cao trước giờ bác sĩ trưởng đi thăm bịnh nhân, rồi lại hạ thấp xuống sau đó. Mỗi lần tôi vào thăm anh tôi, mặc dầu chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau, ổng cũng lăn qua trở lại thở dài. Có khi còn lấy gối bịt lỗ tai nữa! Anh tôi nói: «Tao chưa bao giờ nghe nó…tằng hắng với tao một tiếng!» Ông tây đó xuất viện, chắc anh tôi nghe… nhẹ lắm nên mới vội vã gọi tôi vào chơi, để nói chuyện mà không cần giữ gìn ý tứ gì hết!

                    Hôm nay, tấm màn cửa sổ được kéo lên hết nên để lộ trời cao lồng lộng và phòng đầy ánh sáng. Thấy tôi, anh tôi vui vẻ nói: «Mừng quá! Hổm rày, cứ làm thinh, bực mình thấy mụ nội! Bữa nay, tụi mình nói chuyện tự do, cho nó đã!» Tôi nhìn anh tôi mà thấy thương: mới ngoài sáu mươi mà đã già xọm. Bao nhiêu năm tù đày của VC đã ăn mòn cơ thể của ảnh đến nỗi từ khi ảnh qua Pháp sum họp với vợ chồng tôi, ảnh cứ bịnh lên bịnh xuống hoài. Cũng may là ảnh không có vợ con nên không có những cái lo của người có gánh nặng gia đình. Và cũng may là ảnh chỉ có một mình tôi là em đã có cuộc sống ổn định nên ảnh không phải cưu mang một đứa em nào khác.

                    Hai anh em tôi nói chuyện vui vẻ một lúc, bỗng anh tôi nhìn trời qua khuôn kiếng cửa sổ rồi nói: «Trời đẹp quá, Cu!» Tôi còn đang ngẩn ngơ không biết ảnh nói với ai thì ảnh cười khịt khịt: «Mầy quên mầy hồi nhỏ tên là Cu hả?» Tôi bật cười: cả một trời dĩ vãng bỗng hiện về rất rõ, với những hình ảnh thuở nhỏ ở nhà quê, có bà mẹ một mình trồng rau trồng cải nuôi hai thằng con, đứa lớn tên Hai đứa nhỏ tên Cu… Tôi nhìn anh tôi mà nghe rưng rức ở trong lòng. Tôi 'Dạ' như cái máy! Anh tôi nói: «Bác sĩ nói anh ra ngoài chút chút được.» Tôi lại 'Dạ' nhưng vẫn còn thấy tôi đang ở quê tôi, ở trong cái nhà tranh vách đất có giàn bầu vắt lên mái tranh che sàng nước nằm bên góc bếp… Tôi nói ‘Vậy hả anh’ mà vẫn còn đứng trong vườn rau của mẹ với mấy cây mít cây ổi cây xoài, vẫn còn nhìn cái giếng có cây cần vọt để kéo nước và cái gàu đeo lủng lẳng ở đầu cây sào dài…Tôi chỉ giật mình dạ lớn khi nghe anh tôi gọi: «Cu! Ê …Cu!» Ảnh nhìn tôi, mỉm cười: «Tao muốn mầy đưa tao đi một vòng» Tôi 'Dạ' rồi vội vã bước ra cửa. Ảnh ngạc nhiên: «Đi đâu vậy?» Tôi trả lời: «Em đi lấy cái xe lăn!» Ảnh bật cười: «Không cần xe lăn xe liếc gì hết. Mầy lại đây, tao chỉ cho.» Ảnh tằng hắng mấy tiếng rồi nói tiếp: «Mầy đỡ tao dậy cạnh giường. Đọ… Mầy xây lưng lại thụt sát vô cạnh giường ở giữa hai chân tao nè. Đọ…Rồi mầy rùn người xuống cho tao ôm cổ mầy. Mẹ… Mầy ăn thứ gì mà mầy lớn con quá hổng biết! Rồi! Tao ôm chắc rồi! Bây giờ, mầy choàng hai tay ôm hai bắp vế của tao đây, vừa xóc nhẹ để lấy trớn vừa đứng lên. Đọ…Như vậy, người mình gọi là ‘cõng’. Ở xứ nầy, tao chưa thấy ai cõng ai hết. Có lẽ người ta không biết cõng, mầy à!» Tôi cõng anh tôi, nhẹ hều. Ảnh nói: «Hồi nhỏ, tao cõng mầy mòn lưng, mầy đâu có biết!» Một xúc động bỗng dâng tràn lên cổ, tôi vừa nuốt xuống vừa siết chặt hai chân anh tôi như muốn ôm lấy hết con người của ảnh để cám ơn, cái con người đang nằm trên lưng tôi đây, cái người anh đã hy sinh suốt cuộc đời không chịu lập gia đình chỉ vì muốn nuôi thằng em ăn học cho đến nơi đến chốn! Ảnh đã cõng tôi trong thời tuổi nhỏ, về sau, ảnh vẫn tiếp tục cõng tôi - dù dưới hình thức khác - cho đến ngày tôi thành nhân ra đời. Biết bao giờ tôi cõng lại anh tôi suốt hai mươi mấy năm trời như vậy?

                    Chúng tôi ra hành lang. Gặp một cô y tá, cô ta vội nói: «Để tôi lấy cho ông một chiếc xe lăn!» Tôi lắc đầu: «Khỏi cần! Cám ơn cô! Anh tôi muốn tôi cõng như vầy.» Cô ta mỉm cười bỏ đi, vừa đi vừa nhìn lại, vẻ ngạc nhiên. Anh tôi nói: «Mầy thấy không? Ở xứ nầy, người ta không biết cõng là gì!» Thật vậy, đi dài dài theo hành lang, gặp ai cũng bị nhìn với một nụ cười như muốn nói 'Làm gì ngộ vậy há'! Tiếng của anh tôi vẫn đều đều nho nhỏ bên tai: «Hồi đó, năm mầy ba tuổi là năm mầy bịnh hoài nên mầy cứ nhề nhệ nhề nhệ đeo theo má đòi ẵm. Chiều nào má cũng nói 'Hai! Mầy cõng thằng Cu đi hàng xóm cho má nấu cơm coi!' Vậy là dầu tao đang tưới rau tao cũng quăng đó, cõng mầy đi vòng vòng. Hồi đó, lúc nào mầy cũng ở truồng, còn tao, dầu đã hơn mười tuổi, nhưng lúc nào cũng ở trần, chỉ khi nào đi học mới máng lên mình cái áo sơ-mi. Thành ra, khi cõng mầy tao thương ở cái chỗ là nghe con cu của mầy mềm mềm nằm gọn trên da lưng tao. Nhiều khi thương quá, tao xoay người lại hun mầy trơ trất làm mầy nhột mầy cười đưa mấy cái răng non nhỏ như hột gạo! Mầy coi! Vậy mà đã hơn năm mươi năm rồi chớ bộ!» Tôi im lặng nghe anh tôi kể mà trong đầu thấy như đang nhìn ngay trước mắt cảnh thằng anh cõng thằng em đi quanh quanh để người mẹ rảnh tay lo nấu bữa cơm chiều… Đẹp quá! Anh tôi lại nói: «Thiệt ra, tao đâu có cõng mầy đi đâu xa. Đi lòn lòn qua mấy liếp rau mấy bờ mía rồi qua lò bánh tráng của dì Sáu Lộc. Đứng xớ rớ một chút là dì Sáu hay chị Hai Huê con của dỉ cho một cái bánh tráng nướng thơm phức.» Ngừng một chút, anh tôi hỏi: «Mầy còn nhớ chị Hai Huê không?» Tôi đáp: «Dạ có. Hồi đó, chỉ ra sư phạm rồi dạy tụi em ở tiểu học.» Anh tôi tằng hắng: «Ờ! Chỉ đó! Má khen chỉ lắm, nói: con nhỏ dễ thương, đi làm có lương mà chỉ sắm có hai cái áo dài, hỏi nó thì nó nói nó để dành tiền cất một cái quán cho má nó ra bán bì bún ít cực hơn là xay bột tráng bánh.» Đến đây thì tôi nhớ rõ cái quán của dì Sáu Lộc: quán nhỏ nằm cạnh cây gõ trước lò bánh tráng. Bì bún ngon có tiếng. Có điều là dì Sáu không bán rượu đế mà cũng không cho khách hàng mang rượu đế đến quán! Dân nhậu phàn nàn thì dì Sáu nói: «Tôi ghét thứ đó lắm! Cũng tại ba cái đế đó mà ông nhà tôi ba ngù té xuống bàu chết không ai hay!» Cái quán đó về sau giao cho vợ chồng cô cháu gái của dì Sáu trong nom và được cất rộng ra thành tiệm cà phê, người ta gọi là tiệm 'Cây Gõ'….

                    Ở cuối hành lang bịnh viện là khuôn kiếng rộng. Nhìn xuống dưới thấy nắng đầy… Cây cỏ được cắt xén sạch sẽ đẹp mắt. Tia nước tưới vườn tự động quét qua quét lại coi mát rượi. Anh tôi im lặng nhìn một lúc rồi nói: «Hồi đó, chiều nào đi học về, tao cũng phải đi tưới vườn rau. Mới có mười tuổi mà tao mạnh lắm! Cái gàu nước lớn như vậy mà tao xách chạy bon bon. Phải nói là nhờ có cây cần vọt tao mới kéo nổi cái gàu ra khỏi giếng, chớ nếu kéo bằng sợi dây dừa thì chắc tao chịu thua.» Có lẽ sợ tôi quên nên anh tôi tả cây cần vọt. Tôi vẫn để ảnh nói vì tôi thấy ảnh đang sung sướng với những hình ảnh đẹp của quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách…Tiếng của anh tôi vẫn đều đều bên tai: «Cần vọt là hai cây tre lớn bằng bắp chân đóng dính chắc vào nhau bằng những thanh ngang coi giống như một cái thang. Chân cái thang đó được chôn đứng cách giếng độ hai ba thước. Trên đầu có một cốt tròn xỏ qua hai thân tre. Bắc dính chắc trên cái cốt đó là một thân tre dài, đầu to là đầu nặng nằm đụng đất, đầu nhỏ chỉ lên trời coi giống như một đòn bẩy hay một cái đu nhún lên hạ xuống của trẻ con. Đó là cái cần. Trên đầu cần là một cây sào bằng tầm vông dài xuống gần miệng giếng, đầu dưới của sào có cái móc để móc cái gàu. Muốn lấy nước, người ta kéo cây sào thòng gàu xuống giếng đợi gàu đầy nước là kéo gàu lên, cây cần làm đòn bẩy giúp cho người kéo nước không phải ráng sức. Hay quá!» Tôi nói đẩy đưa, cố ý để cho anh tôi nghỉ: «Dạ. Em còn nhớ cây cần vọt chớ! Hồi em lớn lên, em vẫn phụ anh tưới rau cho má, anh quên sao? Em còn nhớ hồi đó phần của em là lo tưới và châm sóc giàn bầu cùa má .” Ảnh cười khịt khịt:” Ờ… giàn bầu. Trái dài lòng thòng, đi ngang phải cúi đầu để tránh.” Rồi giọng của ảnh như vui lên: “ Bầu luộc là món mà tụi mình ăn hằng ngày, mầy nhớ không? Bữa cơm nào cũng có bầu luộc, mẻ cá kho và một tô nước luộc bầu. Nước luộc bầu không có con tôm con tép gì hết, chỉ có chút muối, chút tiêu và mấy cọng hành… vậy mà tụi mình chia nhau húp ngon lành, hén Cu!” Tôi bồi hồi nhớ lại cảnh anh em tôi húp nước luộc bầu, nhứt là cái cử chỉ của anh tôi khi ảnh đưa tô sành mẻ miệng, xây chỗ miệng tô còn lành, nói: “Húp ở đây nè, Cu!”. Cha ơi…! Sao mà nó đẹp!

                    Thấy gần trưa, tôi cõng anh tôi đi lần về phòng. Bỗng ảnh nói: “ Ý! Má kêu kìa!” Rồi ảnh nghẻo đầu buông thõng hai tay! Tôi đang hốt hoảng chưa biết phải làm sao thì gặp ông bác sĩ trưởng trong thang máy bước ra. Tôi vội vã gọi: “Bác sĩ! Bác sĩ! Ông coi dùm coi! Anh tôi bị gì rồi!” Bác sĩ rờ đầu rờ cổ anh tôi rồi lôi tôi chạy lại phòng trực y tá. Bác sĩ hướng vào trong nói 'Cứu cấp'. Mấy cô y tá phóng ra đỡ anh tôi qua giường sắt có bánh xe rồi đẩy nhanh về phòng, theo sau là xe dụng cụ thuốc men. Vào phòng, một cô y tá đẩy nhẹ tôi ra ngoài, nói: “Ông đừng vào. Cảm phiền đứng đợi ở đây.” Rồi đóng cửa lại. Tôi tỳ người vào tường, nhìn quanh bối rối: hành lang trống trơn bỗng như rộng mênh mông…

                    Một lúc lâu sau mấy cô y tá mở cửa đẩy giường đẩy xe ra, nói chuyện tỉnh bơ. Đi sau cùng là bác sĩ trưởng. Ổng vỗ vai tôi, nói: “Không có gì hết! Chỉ bị xúc động mạnh thôi. Ông vào được rồi.” Tôi nói 'Cám ơn' rồi thở dài nhè nhẹ như vừa trút một gánh nặng. Nhìn thấy tôi bước vào, anh tôi mỉm cười, mắt ảnh ngời sáng, nhưng ảnh vừa đưa tay ra dấu vừa nói: “Thôi! Mầy về đi! Để tao ngủ một chút.” Nói xong, ảnh nhắm mắt mà trên môi vẫn còn nguyên nụ cười. Tôi biết: ảnh đang đi vào giấc ngủ với những hình ảnh đẹp!

                    Tôi bước ra, đóng nhẹ cửa lại. Hành lang dài tung hút. Chắc cũng đến giờ cho bịnh nhân ăn nên phảng phất có mùi đồ ăn. Tôi bỗng nghe thèm vị ngọt của nước luộc bầu mà anh em tôi chia nhau húp năm chục năm về trước, bây giờ sao vẫn còn nhớ. Và lạ thiệt! Nước luộc bầu quá tầm thường như vậy mà sao cũng mang đầy mùi vị của quê hương?

                    Tôi nuốt nước miếng…

                    Tiểu Tử
                    #10
                      Viet duong nhan 28.02.2008 00:40:46 (permalink)
                      Làm Thinh 
                      Tiểu Tử
                       



                      Cái làng nhỏ đó nằm gần biển Manche, cách thành phố Etretat (miền bắc nước Pháp ) độ 10 km. Trong làng có chừng năm chục nóc gia nằm chùm nhum lại thành một khu, trừ một cái nhà nằm rời xa một mình về phía biển. Người trong làng gọi cái nhà đó là " nhà ông Lê”


                      Cách đây mấy năm, ông Lê – người Việt Nam độ 40 tuổi – từ Paris ra đây mua lại cái nhà đó để làm nhà nghỉ mát. Mùa hè và các ngày lễ lớn, ông đưa vợ con – vợ người Pháp và hai con trai chín mười tuổi – ra đây đổi gió và lâu lâu ông cho bạn bè mượn năm bảy hôm. Ông có mướn một người trong làng – tên Jean Marie – trông nom nhà cửa và cắt tỉa vườn tược cây trái.


                      Mới đầu, người trong làng cứ tưởng ông Lê là người Tàu. Cho nên, họ hơi dè dặt. Chừng biết ổng là người Việt Nam, họ cởi mở hơn, thân thiện hơn. Làm như, đối với họ, người Tàu là người ngoại quốc xa lạ, còn người Việt Nam thì ít nhiều gì cũng đã từng được xem là người…trong nhà ! Họ càng có cảm tình với ông Lê khi biết rằng ổng qua Pháp học từ hồi mười lăm tuổi, rằng ổng tốt nghiệp trường Arts et Métiers, rằng ổng làm chức lớn trong cơ quan Nhà Nước .v.v…Họ hay nói với nhau:" Vợ chồng ông Lê thật dễ thương".


                      Vùng này cao hơn mặt biển hai ba chục thước mà cuộc đất lại không lài lài xuống lần khi ra gần biển như ở những nơi khác, nên không có bãi. Ở đây, biển đâm thẳng vô bờ, loại bờ đá dựng thiên nhiên sừng sững như một bức tường cao thật cao. Những ngày biển động, sóng đập vào chân tường đá nghe ầm ầm.Vì nhà ông Lê nằm cách bờ đá dựng không xa, nên vào những ngày đó, từ trong nhà nghe âm vang tiếng sóng giống như những tiếng thở dài…


                      Hè năm đó, ông Lê và gia đình ra đây nghỉ mát chỉ có ba tuần thay vì một tháng như thường lệ. Ông nói với ông Jean Marie – người quản gia – rằng phải trở về Paris để đón cha mẹ từ Việt Nam qua. Ông Jean Marie hỏi ông có định đưa ông bà cụ ra đây chơi không thì ông Lê trả lời rằng không, bởi vì ông bà cụ mới xuất ngoại lần đầu tiên nên phải đợi một thời gian cho quen với khí hậu phong thổ.


                      Vậy mà chỉ mươi ngày sau, thấy ông Lê chở ra đây một ông già tóc trắng với hai va-ly hành trang. Người quản gia nghĩ:" Chắc định ở lâu nên mới mang hành trang nhiều như vậy ". Ông Lê giới thiệu:" Đây là cha tôi. Còn đây là Jean Marie, quản gia". Sau đó, ông nói:" Trong thời gian cha tôi ở đây, tôi xin nhờ bà Jean Marie lo dùm việc nấu nướng giặt giũ giống như những lúc gia đình tôi ra đây nghỉ mát. Có điều là cha tôi không thể đi chợ ở Etretat như chúng tôi vẫn làm lâu nay, nên tôi nhờ ông bà lo giùm luôn vụ này. Đổi lại, tôi sẽ tăng tiền thù lao của hai ông bà lên mười phần trăm. Tôi xin ông bà chấp nhận cho".


                      Sau khi gọi điện thoại về nhà bàn tính với vợ, ông Jean Marie bằng lòng. Tiếp theo đó, ông Lê trao cho ông Jean Marie một số tiền và nói:" Đây, tôi gởi ông bà một tháng tiền chợ. Tôi dự trù dư dả phòng khi cha tôi cần mua những gì khác, nhưng nếu thấy thiếu thì điện thoại cho tôi hay để tôi gởi ra thêm. Mỗi cuối tháng , tôi sẽ gởi tiền để gối đầu cho tháng kế tiếp, ông bà yên tâm". Ông Jean Marie hỏi:" Còn bà cụ đâu ? Sao không cùng ra đây với ông cụ ?". Ông Lê trả lời như không trả lời:" Mẹ tôi ở Paris". Rồi sau khi nói mấy lời cám ơn ông Jean Marie, ông bắt tay từ giả người quản gia và ông già tóc trắng để trở về Paris, vội vã như không muốn vấn vương gì nữa ! Thấy ông Lê đối xử với ông già tóc bạc như là một người quen thường, ông Jean Marie vừa ngạc nhiên vừa bất nhẫn, bởi vì ông nhận thấy rõ ràng ông già tóc bạc đó và ông Lê thật sự giống nhau như hai cha con…


                      Ông già ở trong nhà ông Lê như một cái bóng. Ông không xem tê-lê, không nghe ra-đi-ô. Ông cứ ngồi ở xa long hút thuốc liên miên, mắt nhìn thẳng ra cửa kiếng hướng về phía biển, giống như đang coi một cái gì ở ngoài đó. Ở ngoài đó không có gì hết ! Không có một cái cây, không có một lùm bụi. Cỏ dại cũng không mọc cao. Mặt đất trống trơn chạy thẳng ra bờ đá dựng. Từ chỗ ông ngồi, nhìn ra chỉ thấy đất và trời. Lâu lâu, vài con hải âu bay phớt ngang, và lâu lâu trên nền trời trong xanh của mùa hè, một sợi mây đi lạc…Chỉ có bao nhiêu đó, vậy mà ông cứ ngồi nhìn, nhìn đăm đăm…


                      Mới đầu, ông bà Jean Marie cứ tưởng rằng ông già không biết nói tiếng Pháp. Nhưng sau mấy lần hỏi han thấy ông trả lời trôi chảy mạch lạc, ông bà mới yên tâm. Có điều là hỏi thì ông mới trả lời chớ không thấy bao giờ tự ông gợi chuyện. Suốt ngày, ông làm thinh. Cần dùng gì thì ông viết ít chữ rồi gắn trên mặt tủ lạnh. Ông bà Jean Marie thấy vậy cũng ráng giữ ý không làm tiếng động khi quét dọn hay đi ra đi vào. Nhiều khi, họ có cảm tưởng như trong nhà không có ai hết ! Chỉ có mùi khói thuốc là nhắc đến sự hiện diện của ông già…


                      Ông già đó tên Lê Tư. Hồi thời trước – cái thời mà miền nam Việt Nam chưa biết mùi cộng sản – ông Tư là một nhà thầu xây cất rất có bề thế ở Sàigòn. Ông giao du rộng, lại "biết cách giao du", thêm giỏi tính toán sắp xếp nên ông trúng thầu nhiều công trình lớn của Nhà Nuớc và của các công ty ngoại quốc. Do đó, càng ngày ông càng nổi tiếng và sự nghiệp thì cứ nhân lên gấp năm gấp mười. Dù vậy, ông không bao giờ chối bỏ cái gốc hàn vi của ông và rất tự hào đã bắt đầu bằng hai bàn tay trắng.


                      Ông thường nói:" Hồi tôi từ Đà Nẳng vô Sàigòn, tôi chỉ có một chiếc xe đạp cũ và cái nghề thợ hồ. Ban ngày đạp xe đi làm, ban đêm đạp xe đi học thêm ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp và hội Việt Mỹ. Hồi thời đó, quanh năm suốt tháng , tôi chỉ biết có thắt lưng buộc bụng, ăn uống kham khổ, để dành tiền gởi về cho cha mẹ ở Đà Nẳng và để đóng các học phí. Vậy mà tôi vẫn không ngã lòng. Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ rằng phải cố gắng vương lên, bởi vì không ai giúp mình bằng mình hết. Nhờ vậy mà bảy tám năm sau, tôi đã có một cơ sở vững chắc để cạnh tranh với các nhà thầu khác. Rồi thì xây cất hết công trình này đến công trình khác, có khi hai ba công trình cùng một lúc, cơ sở cứ lớn lần lớn lần để trở thành bề thế như ngày hôm nay. Nghe tôi nói tôi bắt đầu sự nghiệp bằng con số không chẳng có mấy ai tin hết ".


                      Khi đã khá giả, ông mới cưới vợ. Ông hay nói đùa:" Tình phải có tiền đi theo nó mới vững. Giống như bê-tông phải có cốt sắt nó mới bền !".


                      Ông bà Lê Tư chỉ sanh có một người con trai đặt tên Lê Tuấn. Năm Tuấn được mười lăm tuổi, ông gởi con qua Pháp học. Ông muốn nó học ngành kiều lộ để sau này trở về nối nghiệp ông. Ông nói :" Việt Nam mình cạnh tranh không nổi với hãng thầu ngoại quốc bởi vì mình có binh mà thiếu tướng ". Và ông hy vọng trong tương lai, con ông sẽ thực hiện những công trình vĩ đại, vượt trội hẳn những gì ông đã làm. Để cho ông được nở mặt.


                      Cái tương lai đó bỗng tắt ngúm chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày 30 tháng tư, 1975…


                      Trước cái ngày đen tối đó, một người như ông Lê Tư dư sức để di tản dễ dàng. Vậy mà không thấy ông nhúc nhích. Ông cứ điềm nhiên hút thuốc, uống trà, xem truyền hình, nghe ra-đi-ô. Giống như một kẻ bàng quan. Bà Lê Tư thì cứ đi ra đi vô, hết gọi điện thoại cho bà bạn này đến gọi cho bà bạn khác. Rồi thúc giục ông đi di tản. Bà nói :


                      - Trời ơi ! Mấy bả đi hết rồi kìa !


                      Ông cười :


                      - Thì ai sợ cứ đi. Bà yên tâm. Tôi bảo đảm không có sao hết. Nói thiệt với bà, "họ" đã liên lạc với tôi cách đây hơn tháng, nói rõ rằng họ cần dùng những người như tôi để xây dựng lại đất nước. Cho nên, bà thấy tôi không ? Tôi bình chân như vại !


                      Điều mà ông không nói cho bà biết là từ bao lâu nay, ông vẫn đều đặn gởi tiền giúp cách mạng qua ngả thằng cháu – cũng gốc liên khu năm như ông – đang hoạt động ở mấy tỉnh miền Đông. Chính người cháu đó đã cho người về gặp ông để giải thích rõ ràng chủ trương đường lối của cách mạng. Nhờ vậy, ông mới vững tâm tin tưởng.


                      Đâu dè, sau khi cách mạng "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", cách mạng quay về đánh tư sản. Ông Lê Tư cũng "bị" mời đi "làm việc" như mọi người. Ông có xuất trình giấy chứng minh của liên khu bảy, là vùng ông đã giúp đỡ, nhưng lá "bùa" đó không linh ! Ông cũng có nghĩ đến thằng cháu cách mạng, nhưng bây giờ ông không biết nó ở đâu để gọi nó đến làm chứng. Vì vậy, ông vẫn bị mời tới mời lui để "làm việc". Mỗi lần làm việc, họ quay ông như…con dế ! Đến nỗi về sau, mệt mỏi quá, chán chường quá, thấy nói gì cũng vô ích, nên ông bèn làm thinh, mặc cho họ muốn nói gì thì nói, hỏi gì thì hỏi. Rồi đến lần "làm việc" cuối cùng , ông cũng làm thinh ký tên trên xấp giấy tờ họ đưa ra, ông ký mà không thèm đọc qua một chữ ! Lần đó, ông bước ra khỏi cơ quan, có cảm tưởng như đang sống trong một thế giới khác, một thế giới…lộn ngược ! Ông không còn khái niệm không gian thời gian. Ông chỉ biết rằng sau cái phút ký tên đó, ông trắng tay. Và ông còn nghe trong đầu câu nói ơn nghĩa "nhờ ông đã sớm giác ngộ cách mạng nên không phải đi cải tạo". Ông lái xe về nhà như một người máy. Ông đâu biết rằng trong cuộc " đổi đời vĩ đại " này, con người đâu còn sống bằng lý trí : con người chỉ sống bằng bản năng thôi !


                      Về đến trước cổng nhà, bỗng nhiên ông Lê Tư nhận thức rằng tất cả những gì trực thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ đang đợi ông ở nhà…


                      Xưa nay, mọi việc trong gia đình đều do ông quyết định. Bà Lê Tư luôn luôn làm theo ý của ông, không bao giờ thắc mắc. Bởi vì bà hoàn toàn tin tưởng vào người chồng mà lúc nào bà cũng cảm phục như một thần tượng. Bà nói :"Từ bàn tay trắng dựng nên sự nghiệp đồ sộ như vầy, không phải ai làm cũng được !". Và bà thường ví chồng bà như một cây cau vững chắc để bà bám vào đó như một giây trầu…Vậy mà bây giờ…bây giờ…Ông Lê Tư không biết ví mình như cái gì nữa. Cách mạng mà ông đã giúp từ ngày ông dựng nghiệp, hôm nay nhân danh gì gì đó, đã biến ông thành con số không. Dễ dàng như người ta cầm nùi giẻ bôi hết những hàng chữ phấn trên một bảng đen, bôi mà không cần biết những hàng chữ đó viết những gì ! Chỉ trong có một khoảnh khắc, ông chẳng còn gì hết và bản thân ông cũng không là gì hết ! Ông đã trở thành một "thứ gì" đó không có tên, một sản phẩm của cách mạng mà sách vở xưa nay chưa thấy có định nghĩa !


                      Ông bước vào nhà mà cảm thấy mình lêu bêu như bọt nước, không làm chủ được gì hết, kể cả làm chủ chính bản thân mình ! Cái biệt thự có hồ tắm vườn hoa, có năm ngăn bảy nắp, mà ngày xưa ông đã xây cất cho tương xứng với địa vị xã hội của ông…bây giờ bỗng trở nên ngạo nghễ, vô duyên.


                      Nhà vắng teo. Một số gia nhân đã xin nghỉ việc từ những ngày sôi động, số còn lại đã được cho nghỉ ngay sau ngày 30 tháng tư. Bà Lê Tư chắc đang làm gì ở dải nhà sau nên ông không nghe tiếng động. Ông đốt điếu thuốc rồi ngồi xuống phô-tơi nhìn thẳng ra vườn. Ông nhìn mà không thấy gì hết ! Yên lặng…


                      Tiếng bà Lê Tư làm ông giựt mình :

                      - Sao ông ? Họ đòi gì nữa vậy ?

                      - Họ đâu có đòi. Họ lấy.

                      - Lấy gì ?

                      - Lấy hết tài sản của mình.

                      Giọng bà bỗng cao lên một nấc :

                      - Lấy hết tài sản ?

                      Ông nhìn bà rồi trả lời bằng cái gật đầu. Giọng của bà lại cao thêm một nấc :

                      - Gì lạ vậy ? Tự nhiên rồi đòi lấy tài sản của người ta. Đó là ăn cướp chớ đâu phải lấy ! Rồi ông trả lời làm sao ?

                      Ông thở mấy hơi thuốc, rồi mới nói :

                      - Thì tôi giao hết lại cho họ chớ còn làm sao ?

                      - Bà chỉ kêu lên được một tiếng "Trời" rồi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn thẳng ra vườn. Bà nhìn mà cũng không thấy gì hết ! Yên lặng…


                      Một lúc sau, ông nói, giọng thật trầm tĩnh :

                      - Bà nghĩ coi. Bây giờ họ là kẻ chiến thắng. Quyền sanh sát nằm hết trong tay, họ muốn nói gì làm gì mà không được.

                      - Còn luật pháp để đâu ?

                      - Luật pháp của ai ?

                      Bà làm thinh. Một lúc sau, bà nói :

                      - Hôm trước ông nói họ đã móc nối với ông để ông ở lại giúp họ xây dựng gì gì đó. Sao bây giờ họ lột hết của ông vậy ?


                      Ông làm thinh. Khói thuốc trong miệng bỗng trở nên thật đắng. Ông nghe thèm một hớp trà hay một hớp nước lạnh, hay bất cứ một chất lỏng nào cũng được…để ông nuốt xuống " cái gì đó" đang nghẹn ngang ở cổ. Ông dụi điếu thuốc rồi đi lại bar ở góc xa-long rót một ly nhỏ Porto uống ực một cái, giống như người ta bị mắc xương. Xong ông trở lại phô-tơi ngồi xuống, đốt điếu thuốc. Chất rượu đang nồng trên mũi, nhưng sao khói thuốc vẫn còn nghe thật đắng !

                      Giọng bà Lê Tư có vẻ trách móc :

                      - Chớ phải ông nghe lời tôi đi di tản như thiên hạ thì đâu có sao.

                      - Đi di tản cũng mất hết chớ hơn gì.

                      - Sao mất hết được ? Ông quen lớn nhiều mà không hốt được một mớ đem đi theo à ? Có nhiều người còn gởi được bàn ghế và vô số đồ cổ nữa. Như anh X., như anh T., như ông tướng Z…toàn là bạn thân của ông không.


                      Ông làm thinh. Bà vẫn nói, càng nói giọng càng gay gắt :

                      - Thà rằng mình đi, cái gì không đem theo được là mình bỏ. Tụi nó có lấy, cũng là lấy những gì mình bỏ. Chớ còn bây giờ, tụi nó bóp họng ông để lấy, bộ ông không thấy tức sao ?


                      Ông làm thinh. Ngừng một lúc như để suy nghĩ, rồi bà nói một câu giống như bà đóng sập cánh cửa sắt để nhốt ông trong một nhà tù :

                      - Chẳng bằng ông muốn ở lại để giúp cách mạng chớ gì ? Phải không ?


                      Ông nuốt nước miếng mấy lần, rồi tiếp tục làm thinh. Bây giờ, ông thật sự thấy mình như bọt nước trôi lêu bêu, không bám được vào đâu hết…


                      Chiều bữa đó, cách mạng đưa đến mười mấy thanh niên trai gái và một toán bảo vệ cầm súng để làm công tác kiểm kê. Họ bắt mở hết các hộc, các kệ, các tủ…để họ đem ra đếm từng món, không bỏ sót một nơi nào hết, một món nào hết. Đêm, họ ngủ lại trong nhà ông Lê Tư để sáng sớm hôm sau họ tiếp tục. Xong công tác kiểm kê, người cán bộ chỉ huy chỉ định một nhóm bốn người ở lại để canh giữ những gì đã kiểm kê, sợ ông bà Lê Tư…ăn cắp mang đi ! Gã còn nói như ra lịnh :

                      - Từ hôm nay trở đi, anh chị phải dọn ra nhà sau để ở, không được bước lên đây nữa. Anh chị cũng không được quyền sử dụng chiếc ô-tô bây giờ thuộc diện quản lý của Nhà Nước. Khi ra vào nhà, anh chị phải dùng cái cổng hậu, không được đi bằng cổng chánh. Rõ chớ ?


                      Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư cũng làm thinh. Nhưng hai sự làm thinh đó không cùng một ý nghĩa : ông làm thinh vì biết rằng có nói gì cũng vô ích còn bà làm thinh là vì bà hận ông vô cùng !


                      ...Từ ngày dọn xuống ở trong một nhà phụ – có ba dải nhà phụ trước đây dùng cho gia nhân – và từ ngày biết rằng văn phòng, các kho vật liệu, kho dụng cụ cơ giới, biệt thự ở Núi Lớn Vũng Tàu, các chương mục ở ngân hàng…v.v. đã hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, bà Lê Tư ít nói chuyện với ông. Nhưng hầu như ngày nào bà cũng ngồi nói một mình, nói trổng, cố tình nói lớn tiếng để cho ông "phải" nghe. Bà cứ lải nhải với giọng trách móc chanh chua, hết chuyện tin lời cách mạng, đến chuyện mất hết của cải, rồi bắt qua chuyện di tản, chuyện ở "chui rút" trong nhà của bếp của bồi…Còn ông thì cứ làm thinh ngồi nghe, nghe riết mà tóc của ông càng ngày càng bạc trắng !


                      Thời gian đi qua…Một hôm bà bỗng nói với ông :

                      - Tôi đã nhờ người quen trong toà đại sứ liên lạc được với thằng Tuấn ở Paris. Nó sẽ lo giấy tờ cho mình qua bển.


                      Bây giờ, mọi sự đều do bà quyết định, ông chỉ làm thinh đi theo. Bây giờ, người chồng " thần tượng" của thời trước chỉ còn là một cái bóng ! Bây giờ, bà mới là thân cây cau, còn ông , ông chỉ là một thứ giây trầu...Đúng là một sự "đổi đời vĩ đại" !


                      Ít lâu lau, chính bà đã chạy chọt đút lót để có xuất cảnh cho hai vợ chồng bay qua Paris, vào giữa mùa hè năm đó.


                      …Ông Lê, người con trai của ông bà Lê Tư, đến đón ông bà ở phi trường Charles De Gaulle. Gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Ông Lê Tư có cảm tưởng như mình vừa sống lại. Ông ôm con siết mạnh, rồi buông ra để nhìn. Lòng tràn sung sướng, ông vừa cung tay đấm nhẹ lên vai con, vừa chửi đổng :" Cha mày !". Rồi tiếp :" Ba tưởng không còn gặp lại con nữa chớ !" Trong một khoảnh khắc, ông tìm lại được lời nói và cử chỉ của một con người bình thường, con người của thời trước tháng tư 1975…


                      Trên đường về nhà, ông Lê vừa lái xe vừa hỏi về những chuyện đã xảy ra ở Việt Nam trong những ngày sôi động của tháng tư, nhứt là ở đoạn " mấy thằng Mỹ kéo nhau chạy sút quần". Nghe lời nói và giọng điệu của con, ông Lê Tư cảm thấy có " cái gì không ổn", nhưng ông nghĩ :" Có lẽ tại nó ở bên nây lâu quá nên nó nói tiếng Việt không biết chọn lời". Rồi ông kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Người con lâu lâu khoái chí, vỗ tay lên tay lái, gục gặc đầu :" Cho tụi nó chết!"


                      Bỗng người con hỏi :

                      - Còn mấy thằng tướng ngụy ?


                      Câu hỏi đó như một ánh sáng bật lên trong bóng tối để ông nhìn thấy rõ sự thật: không phải con ông không nói rành tiếng Việt mà là con ông nghiêng về phía bên kia, cái phía đã lật lọng, ăn cháo đá bát, cái phía đã lấy hết tài sản của ông một cách ngang nhiên trắng trợn ! Trời đất chung quanh bỗng như sụp xuống! Tuy nhiên ông vẫn trả lời:


                      - Mấy người đó thì ba không biết.

                      - Tụi nó chạy ra đảo Guam hết. Thằng chủ chạy thì thằng tớ phải chạy theo chớ dám ở lại đâu. Tưởng ba biết gì kể lại nghe chơi chớ ở bên nây báo chí tê-lê nói đầy đủ. Trên tê-lê thấy nhiều thằng tướng ngơ ngác như bầy gà nuốt giây thun !


                      Người con nói xong cười lên khoái trá. Ông Lê Tư nghe giận phừng lên mặt ! Ông đưa tay định xáng cho thằng con một cái, nhưng ông kềm lại kịp. Ông bỏ tay xuống mà nghe ngực mình tức ran. Tự nhiên, ông ứa nước mắt. Từ phút đó, ông làm thinh. Thấy như vậy, tưởng cha bị mệt vì cuộc hành trình quá dài nên ông Lê cũng không hỏi tiếp.


                      Bà Lê Tư ngồi ở băng sau, không chen vô một lời. Bà cảm thấy rồi đây sẽ không thể nào ở chung với một thằng con như vậy được. Bà đã tưởng đi ra khỏi xứ để khỏi phải thấy hằng ngày những chuyện trái tai gai mắt, nào ngờ qua đây gặp thằng con không biết học ở đâu mà ăn nói giống " tụi nó" y chang ! Nhưng không sao. Rồi bà sẽ mua nhà ở riêng. Bà dư sức. Với số hột xoàn mà bà đã cất giấu sau 1975 và bây giờ đang nằm an toàn trong cái giỏ mây hai đáy bà ôm trong lòng, bà dư sức. Cho dù bà phải cưu mang suốt phần đời còn lại ông chồng mà bà đã không còn coi là thần tượng nữa, từ lâu…


                      Về đến nhà – ở Neuilly Sur Seine, khu nhà giàu – ông Lê giới thiệu vợ con rồi đưa cha mẹ lên phòng trên lầu, nói :

                      - Ba má nghỉ một chút rồi xuống ăn trưa.


                      Bữa ăn được dọn lên từng món theo phong cách tây phương. Vợ ông Lê hỏi han lễ độ và kín đáo chăm sóc ông bà Lê Tư. Hai thằng con ông Lê – giống mẹ hơn giống cha nên ít thấy lai Việt – không biết một tiếng Việt. Chúng ăn nhanh nhanh. Xong món thứ nhì, chúng không đợi món kế tiếp, vội vã rút lên phòng. Suốt bữa ăn, câu chuyện chỉ vây quanh mấy món ăn nấu theo tây, bởi vì ông Lê khoe có bà bếp giỏi. Bà bếp, người Pháp, có bước ra chào ông bà Lê Tư…


                      Nhờ vậy, không khí trong bữa ăn không đến nỗi nào tẻ lạnh.

                      Sau bữa ăn, vợ ông Lê vì tế nhị, muốn để cho chồng và cha mẹ nói chuyện riêng với nhau, nên xin phép lên lầu. Bà dặn chồng :

                      - Anh không nên nói chuyện nhiều. Ba má chắc cần phải ngủ vì sai giờ giấc. Mình còn nhiều thì giờ mà…

                      Khi bước qua xa long để uống cà phê, ông Lê hỏi :

                      - Ba má định qua đây ở chơi bao lâu ?

                      Ông Lê Tư châu mày, nhìn bà. Bà trả lời :

                      - Ba má định qua ở luôn chớ đâu phải ở chơi.

                      Người con ngạc nhiên :

                      - Ủa ? Sao lại ở luôn ? Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên đầu trên cổ mình hết. Tất cả đều thuộc về mình, không còn sợ thằng ác ôn nào cướp giựt nữa. Như vậy mà ba má định bỏ xứ qua đây ở luôn. Thiệt là vô lý !


                      Hồi nãy, trên xe về đây, ông Lê Tư còn nghĩ rằng thằng con ông chỉ nghiêng về phía bên kia. Bây giờ thì quá rõ ràng : nó đã đứng hẳn về phía bên đó. Ông nghe lòng quặn thắt : chẳng những cách mạng đã cướp hết tài sản của ông, mà tụi nó còn cướp luôn thằng con duy nhứt của ông, cướp từ hồi nào rồi…


                      Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư hơi mất bình tĩnh:

                      - Tại con không biết. Tụi nó lấy hết tài sản của ba má rồi còn đuổi xuống ở căn nhà của bồi, rồi lại bắt không được đi cổng chánh phải đi cổng hậu. Bây giờ tụi nó sợ mình không chấp hành chỉ thị nên kéo kẽm gai cô lập căn nhà ba má ở. Con nghĩ coi sống làm sao?

                      - Buổi đầu lúc nào chẳng có chuyện sai sót. Rồi cách mạng sẽ trả lại hết cho ba má, yên tâm đi ! Điều mà con muốn nói là chưa chi mà ba má đã muốn bỏ xứ ra đi giống như bè lũ đĩ điếm trộm cắp tháo chạy mấy ngày ****…làm con thấy không hãnh diện chút nào hết !


                      Câu nói chưa dứt, ông Lê Tư đã đứng phắt dậy, làm thinh đi thẳng lên lầu. Bà Lê Tư cũng nối gót, nhưng bước chân bà nặng chình chịch. Đứa con máu mủ mà bà mới ôm hun thắm thiết hồi nãy trên phi trường, bây giờ bỗng giống như người xa lạ. Bà cảm thấy hụt hẫng đến độ bà không biết phải làm gì, nói gì. Đến giữa cầu thang, kềm không được, bà ôm mặt khóc tức tưởi…
                       
                      Suốt buổi chiều, ông Lê Tư ngồi trong phòng làm thinh hút thuốc. Ông không nghe buồn ngủ, ông chỉ nghe mệt – thật mệt – và chán chường – thật chán chường. Ông bắt gặp lại tâm trạng của ông vào những ngày cuối cùng của thời ông bị cách mạng quay hằng bữa để ông kê khai tài sản một cách "đầy đủ và trung thực" !


                      Bà Lê Tư cũng không ngủ. Bà điện thoại để liên lạc mấy bà bạn đã định cư ở Pháp, nhứt là ở vùng phụ cận Paris. Rồi bà hẹn hò…Sung sướng như thấy chân trời đang mở rộng.


                      Sau bữa ăn tối, đợi bà Lê và hai con lên lầu, bà Lê Tư nói :

                      - Chị bác sĩ A sáng mai lại rước má về nhà chỉ chơi vài bữa. Sau đó, có lẽ sẽ qua nhà bà dược sĩ L . Ở đây, má có nhiều bạn bè lắm, con đừng lo cho má. Con chỉ cần lo cho ba thôi.


                      Ông Lê Tư nhìn thẳng mặt con, giọng nghiêm trang :

                      - Ba nói thật : ba với con không hạp nhau. Ba không thể ở chung với con được. Ba xin con cho ba ở một nơi nào khác, ở một mình cũng không sao.


                      Ông nói "xin con cho ba" , đó là sự thật. Bởi vì bây giờ ông hoàn toàn trắng tay. Xưa nay, tiền dư ra, ông cho bà một phần để mua hột xoàn, còn bao nhiêu ông chuyển hết qua chương mục của người con…


                      Ông Lê ngồi làm thinh, không biết ông đang nghĩ gì. Cũng là làm thinh, nhưng sự làm thinh của ông khó hiểu hơn sự làm thinh của ông bà Lê Tư !


                      Vậy rồi sáng hôm sau, bà bác sĩ A lái xe lại rước bà Lê Tư. Tiếp theo là ông Lê chở người cha ra ở cái nhà nghỉ mát ở gần bờ đá dựng. Suốt cuộc hành trình dài mấy tiếng đồng hồ, hai cha con không nói với nhau một lời !


                      Từ ngày ra đây ở, ông Lê Tư cảm thấy cuộc đời mình như đang đi vào một ngõ bí. Không sống được với cách mạng, đã đành. Còn lại bà vợ thì bây giờ bả coi mình như cục bứu trên lưng. Rồi đến thằng con, đối với mình, nó còn lạ hơn người xa lạ ! Cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy hết ngày này qua ngày khác mà con người ông sa sút thấy rõ. Bây giờ, ông ốm nhom. Đi đứng đã phải chống ba-toon và đêm đêm cứ phải nằm trằng trọc tới khuya lơ mới dỗ được giấc ngủ. Thấy tội nghiệp, ông bà Jean Marie hay thừa dịp đưa nước trà hay cà phê để ngồi lại gợi chuyện vẩn vơ. Họ cũng ngạc nhiên tự hỏi sao không thấy ai gọi điện thoại hỏi thăm ông già này hết. Làm như ông không có mặt trong cuộc đời này…Cho nên họ tận tình chăm sóc ông từng chút. Đến nỗi, về đêm, bà Jean Marie thường đợi ông lên giường nằm đàng hoàng mới tắt đèn đóng cửa đi về nhà ! Ông Lê Tư rất cảm kích nên lâu lâu ông phá lệ làm thinh để nói hai tiếng " cám ơn", nhẹ như hơi thở…


                      Một hôm, ông Lê Tư bỗng thèm nhìn mặt biển, cái biển mà từ hôm ra đây – đã gần hai tháng – ông chỉ nghe tiếng của nó rì rào ngoài kia thôi. Ông bèn chống ba-toon bước từng bước run run đi lần ra hướng đó. Cứ đi vài bước là ông phải dừng lại một lúc để thở, nhưng ông vẫn cố bước đi…


                      Bây giờ thì ông đã đứng trên mép bờ đá dựng. Dưới chân ông, rất sâu phía dưới, là biển. Biển xanh dờn, kéo dài ra chân trời. Trời nước mênh mông. Gió muối và mùi thơm thơm của rong rêu nhắc ông nhớ cái biệt thự ở mỏm núi lớn Vũng Tàu. Ông đã xây cất biệt thự đó để làm nơi tiếp tân nên có một sân gạch thật rộng hướng về phía biển. Ông hay đứng ở đó nhìn chân trời như ông đang đứng nhìn chân trời bây giờ. Cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang. Hồi đó, lúc nào ông cũng thấy chân trời đang mở rộng cho ông, cái hồi mà ông làm chuyện gì cũng thành đạt. Bây giờ, cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang nhưng sao ông không thấy nó mở rộng cho ông một chút nào hết ! Ông chỉ thấy toàn là bế tắc. Chân trời là đường chấm dứt một cái gì : trời cao nghiêng xuống đến đó là hết, biển rộng vươn dài đến đó cũng là hết ! Giống như cuộc đời của ông bây giờ…Của cải : hết ! Vợ con : hết ! Sức khoẻ của ông rồi cũng sẽ hết ! Hết ! Hết !


                      Bỗng, ông Lê Tư liệng mạnh cây ba-toon xuống biển, giống như ông dứt khoát không cần dùng đến nó nữa. Rồi ông hít một hơi dài, nhắm mắt bước thẳng vào khoảng không trước mặt, giống như bước qua một lằn ranh tưởng tượng.


                      Từ bây giờ, ông Lê Tư làm thinh vĩnh viễn…


                      Chiều hôm đó, ông Jean Marie gọi điện thoại về Paris. Không có người bắt máy, nhưng có máy nhắn tin nên ông nhắn : "A lô ! Tôi là Jean Marie. Tôi xin báo tin buồn: ông cụ đã từ trần. Ông đi dạo gần tường đá dựng chẳng may rơi xuống biển. Nhà chức trách đã vớt được xác đem về nhà xác bịnh viện Etretat. Yêu cầu ông bà ra gấp. Vợ chồng tôi xin chia buồn. Thành thật chia buồn…"


                      Không biết, khi hay tin, vợ con ông có nhỏ cho ông một giọt nước mắt ?


                      Tiểu Tử
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.02.2008 00:45:40 bởi Viet duong nhan >
                      #11
                        Ct.Ly 28.02.2008 17:10:31 (permalink)
                        #12
                          Viet duong nhan 28.02.2008 20:58:28 (permalink)

                          Trích đoạn: Ct.Ly

                          Những truyện của nhà văn Tiểu Tử , đã mang vào thư viện

                          Cảm ơn chị VDN nhiều nhé

                          Ah, lần sau chị có đem truyện vào, xin chị ghi dùm em cái nguồn chị đã lấy ở đâu về nhé, Để ai có hỏi han gì, em biết trả lời

                          Cho nên những truyện của nhà văn Tiểu Tử em chưa ghi nguồn, vì khg biết ghi sao??

                          Chúc chị luôn vui và mạnh khoẻ



                          Chào Ly !
                           
                          Thay mặt TGTT, 7 cảm ơn Ly đã đưa những t/n vào TV. Mấy truyện sau này do Nhà Văn Tiểu Tử gởi qua mail cho 7 đó Ly.
                          Nếu copy ở đâu thì 7 sẽ ghi nguồn.
                          Chúc Ly & gia đình an vui.
                          Thân
                          7_vdn
                          #13
                            Ct.Ly 28.02.2008 23:35:56 (permalink)
                            #14
                              Viet duong nhan 29.02.2008 06:58:52 (permalink)
                              Rồi, 7 sẽ chuyển link này cho nv TT xem.
                              Chúc Ly ngủ ngon.
                              XX
                              7_
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 22 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9