Năm chuột nói chuyện chống tham nhũng của người xưa
Năm chuột nói chuyện chống tham nhũng của người xưa Quan liêm là phúc nước nhà, quan tham là tai họa của nhân dân. Việc chống tham nhũng của người xưa cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý báu mà ngày nay chúng ta có thể tham khảo.
Năm Tý nói chuyện chống tham nhũng của người xưa (Ảnh nguồn: tuoitre.com.vn)
Quan liêm là phúc nước nhà, quan tham là tai họa của nhân dân
Tham nhũng luôn là mối họa lớn với dân, với nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Cụ Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, coi tham nhũng như là một loại chuột nguy hiểm, chuyên đục khoét của dân, của nước. Cụ Lê Quý Đôn coi tham nhũng là một trong bốn nguyên nhân mất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời coi tham nhũng là thứ giặc nội xâm, cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngọai xâm. Lật giở từng trang sử cũ của dân tộc, ta còn thấy đó những tấm gương đạo đức sáng ngời của các bậc tiền nhân. Những vị minh quân như vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông..., những vị quan Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi… là những vị hùng tài đại lược, đức độ ngút trời, hết lòng chăm lo cho dân, cho nước.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm HN
Nguồn: kientrucvietnam.org.vn
Thế nhưng, lại có nhiều vua, quan chỉ chăm chăm hưởng thụ, ăn chơi bòn rút của dân của nước, bỏ mặc dân tình khốn khó như vua Cao Tông thời Lý, vua Dụ Tông thời Trần, vua Uy Mục, Tương Dực thời Lê hiếu sát, tham dâm, chơi bời trác táng...
Vua không sáng thì tôi không hiền. Trần Khánh Dư (thời Trần) nói: “Tướng là chim ưng, quân dân là con vịt, đem con vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”; Hồ Tông Thốc (thời Trần) nói: “Một con đội ơn vua, cả nhà ăn lộc trời”,… Chốn quan trường nhiều kẻ mang tư tưởng này, nếu có điều kiện họ sẽ sẵn sàng bán rẻ danh dự để được vinh hoa phú quý.
Đỗ Tử Bình (thời Trần) chẳng màng đến an nguy của quốc gia mà ẩn giấu số vàng tiến cống của vua Chiêm, gây nên cảnh binh đao, khiến vua Trần Duệ Tông phải bỏ mạng.
Tể tướng Lê Thụ (thời Lê sơ) làm đám cưới cho con trai mình với nàng công chúa câm, mà của hối lộ khắp nơi đổ về kinh đô về nườm nượp, chợ kinh thành hết sạch gấm lụa. Các triều đại phong kiến đều thấy được sự hiểm nguy của tham nhũng, nên có nhiều biện pháp tổng hợp để chống tham nhũng.
Người viết bài này, với suy nghĩ chủ quan của mình, thấy rằng người xưa đã có những phương cách chống tham nhũng mà ngày nay chúng ta có thể tham khảo. Bảy phương cách chống tham nhũng
Thứ nhất, thực hiện chế độ lương bổng và đãi ngộ hợp lý.
Thời Lê Thánh Tông, bổng lộc quan lại gồm 2 phần cơ bản: quan lộc (lương trả bằng tiền), điền lộc (lương trả bằng ruộng). Bổng lộc giữa chức trọng, chức khinh, chức lớn, chức bé khá rạch ròi, rõ ràng.
Ngoài ra, nhà nước còn rất nhiều lần ban thưởng cho các quan nhân các dịp này nọ, hoặc do họ hoàn thành tốt công việc, hoặc làm quan được tiếng thanh liêm…
Thời Minh Mạng lại đặt ra lễ dưỡng liêm – quan lại được phát một số tiền ngoài lương để nuôi dưỡng sự liêm khiết. Cho nên, trong xã hội ngày xưa quan lại là những người giàu có, sung túc so với nhân dân. Thứ hai, xây dựng chế độ thanh tra, giám sát chặt chẽ.
Từ thời Trần đã có Ngự sử đài là cơ quan giám sát quan lại ở triều đình, bên cạnh chức Tả, Hữu gián nghị đại phu có từ thời Lý.
Thời Lê sơ, ngoài Ngự sử đài, năm 1471, vua Lê Thánh Tông lại đặt ra Lục khoa. Đây là cơ quan thanh tra của Lục bộ, có trách nhiệm xem xét việc làm đúng/sai của các quan và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ. Ở địa phương, thời Trần có Liêm phóng sứ, làm nhiệm vụ dò xét quan lại ở địa phương; thời Hồ vai trò của Liêm phóng sứ rõ ràng hơn, thường đi về địa phương để dò xét tình hình quan, dân.
Năm 1471, thuộc niên hiệu Hồng Đức (Thánh Tông), đặt chức Hiến sát sứ ty ở các đạo thừa tuyên, có nhiệm vụ theo dõi tình hình quan lại trong đạo của mình.
Ngoài ra, đôi khi vua vi hành đến các địa phương để nghe ngóng dư luận, hoặc tổ chức ra một đoàn “thanh tra” (như liêm phóng sứ) đến từng địa phương để dò hỏi nhân dân.
Thứ ba, tạo điều kiện tối đa để nhân tài tham gia vào bộ máy công quyền.
Vua Lê Hiến Tông từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh”. Các triều đại phong kiến trong giai đoạn thịnh trị của mình đều chú ý dùng người tài năng. Dưới triều Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, được Phan Huy Chú khen: “Khoảng đời Hưng Long, Đại Khánh nhân tài có rất nhiều,… chỉ cần người dùng được chứ không câu nệ đường xuất thân” . Đầu thời Lê sơ, vua Thái Tổ cũng mở rộng đường cho người tài ra làm quan, không kể người trước kia lỡ hàng giặc Minh, Vua Quang Trung cũng nhiều lần ban chiếu cầu hiền tài và có được nhiều nhân tài như Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Thiếp,… Từ triều Lê trở đi, đường hoạn lộ chủ yếu phải thông qua khoa cử, con cái thường dân cho đến quan lại muốn được bổ dụng đều phải học hành, đỗ đạt,… cho nên mới có “Nhị Thân phụ tử đội ân vinh” (Hai cha con họ Thân (Thân Nhân Trung, Thân Nhân Tín đỗ Đồng Tiến sĩ), được vinh hiển – như lời thơ của Thánh Tông. Người có học được nhân dân tôn vinh, “chẳng tham ruộng cả ao điền, chỉ tham cái bút cái nghiên đồ”. Thứ tư, thực hiện chế độ khảo xét nghiêm cẩn. Từ thời Lý, Trần, lệ khảo khóa đã có, nhưng chưa rõ ràng, quy củ. Đến thời Lê Thánh Tông, lệ khảo khóa trở nên rõ ràng: cứ 3 năm một lần sơ khảo, đến 9 năm thì thông khảo (xét toàn bộ) một lần nữa mới định việc thăng giáng. Trong các lần khảo khóa, vấn đề liêm khiết luôn luôn là tiêu chí hàng đầu - “…xét kỹ các quan trong bộ thuộc, hoặc có người liêm hay tham, siêng hay lười” - như sắc dụ của vua Thánh Tông vào năm 1478 cho các quan Đô, Thừa, Hiến ty.
Trong các lần khảo khóa, các cơ quan giám sát, các trưởng quan ở các cơ quan, các địa phương không chỉ xem xét báo cáo của các quan cấp dưới, mà còn xem xét cả dư luận trong nhân dân. Nếu làm quan được dân mến thì xứng chức, nếu tham ô, nhũng nhiễu, dân ghét, dù không có chứng cứ vẫn xem là không làm tốt phận sự.
Thứ năm, các cá nhân, các cơ quan chịu trách nhiệm về người mình đề cử vào chức vụ mới, quan lại trong đơn vị nào tham nhũng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Triều Lê sơ, vua Thái Tổ quy định ai tiến cử người không tốt sẽ bị truy xét là tội tiến cử kẻ gian. Thời Lê Nhân Tông, nếu để xảy ra tham nhũng, trưởng quan và đồng liêu phải bị tội. Vua Thánh Tông - triều Lê sơ, quy định: Người được bảo cử hoặc tham nhũng, hoặc không làm nổi việc, làm quan không công trạng gì, thì điều tra xem viên quan nào đã bảo cử người ấy, mà trị tội; Lại bộ là nơi bổ nhiệm quan lại, nhưng nếu bổ nhiệm không tốt thì bị Lại khoa bác bỏ và cử người thay thế, cử người bậy phải chịu tội,… Thứ sáu, luật pháp nghiêm trị tội tham nhũng, Trịnh Khả lúc làm Thái úy dưới triều Nhân Tông đã nói: “Ăn trộm của một nhà còn không tha được, huống hồ ăn trộm của một huyện”, tội tham nhũng trong thời xưa bị xử rất nặng. Thời Lý, tội tham nhũng xử như tội ăn trộm có thể bị chặt chân tay, nhận hối lộ một tấm lụa bị phạt đến trăm trượng,… Dưới triều Lê Thái Tổ, ăn hối lộ một quan tiền đã khép vào tội chết. Thời Lê Thánh Tông, theo Lê triều hình luật người nhận hối lộ 20 quan tiền trở lên thì xử tội chém; phạm tội tham nhũng (có thể chưa rõ ràng), thì bãi chức sung quân. Tội tham nhũng dù xảy ra đã lâu, nhưng nếu phát hiện, vẫn xử rất nghiêm khắc…
Tranh dân gian Đông Hồ "Chuột rước đèn" (Nguồn: soxaydung.bacninh.gov.vn)
Thứ bảy, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có thể tố cáo tham nhũng, dư luận cũng góp phần quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng.
Nhà nước phong kiến thường coi việc chống tham nhũng là của toàn dân, tạo điều kiện để dân chúng có thể tố giác tham nhũng, như thông qua đánh chuông, hoặc bỏ thư vào hòm thư đặt trước sân đình, ban chiếu cầu lời nói thẳng để được nhận ý kiến của nhân dân, cho người đi đến các địa phương hỏi thăm nhân dân.
Nhà nước đặc biệt quan tâm đến dư luận. Quan lại bị mất lòng dân bị xem là không xứng chức, bởi “không có lửa làm sao có khói” - như dân gian nói. Thứ tám, đề cao quan lại liêm khiết và những tấm gương đạo đức. Vua Lý Nhân Tông, sắp băng hà để lại di chiếu nhắc nhở việc tang lễ phải cần kiệm. Vua Lê Thánh Tông lúc gặp cảnh dân tình khốn khó, đã triệt bỏ đồ nhạc, giảm bớt thức ăn.
Tấm gương đạo đức của Chu Văn An (thời Trần), đời sau tạc vào Văn Miếu, hậu sinh nghiêng mình ngưỡng phục. Nguyễn Trãi (thời Lê), vẫn rạng ngời như “sao Khuê lấp lánh” sáng soi hậu thế. Trần Thời Kiến (thời Trần), nổi tiếng thanh liêm được vua ban cho cái hốt với bài minh ngợi ca, Vũ Tụ (thời Lê sơ) làm quan to không đổi nếp thanh bần, được vua ban cho thẻ bài “Liêm tiết”.
Các ông, bên trong quan trường nể sợ, bên ngoài nhân dân ngợi ca, danh thơm đến muôn đời. Kẻ chưa làm quan lấy đó làm gương để noi theo. Dương Chấn làm quan thời Đông Hán (Trung Quốc), nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, Vương Mật (bạn ông) mang biếu ông 10 cân vàng, ông từ chối không nhận. Vương Mật nói: “Đêm hôm khuya khoắt đâu có ai thấy mà sợ” Ông nói: “Có trời biết, thần biết, tôi biết, ông biết. Tại sao nói là không có ai biết?”. Quan tham dù có dấu giếm cách mấy cũng chỉ che mắt được quan trên chứ không che mắt được mọi người.
Về lý thuyết quan thanh, quan tham khoảng cách rất xa nhau. Trong xã hội phong kiến ngày xưa, xét cho cùng quan thanh liêm cũng là cha, mẹ dân, “miệng nhà quan có gang có thép”, còn nhân dân trong tay không có quyền, “miệng nhà khó vừa nhọ vừa thâm”, cho nên phải cầu xin quan yêu dân như con. Quan thanh chẳng qua là những “ông trời” biết thương dân, còn nhân dân giỏi lắm cũng chỉ là “con đỏ”. Trong xã hội mà nền pháp chế được kiện toàn, con người dựa vào pháp luật là một thứ vũ khí mạnh mẽ để bảo hộ mình, thì người làm quan khó lòng để thực hiện hành vi tham nhũng trót lọt. Lật giở từng trang sử cũ, thế mới hay câu nói “ôn cố tri tân” của cổ nhân. Chuyện về tham nhũng và chống tham nhũng của người xưa nhưng vẫn nóng hổi tính thời sự trong cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng của đất nước ta ngày hôm nay.
"Đám cưới chuột": Tưng bừng mà ý nhị "Đám cưới chuột" không chỉ thể hiện mong muốn tạo dựng cuộc sống gia đình và khát vọng hạnh phúc lứa đôi, còn phê phán mạnh mẽ tệ nạn đút lót, hối lộ mà còn thể hiện sự thâm thuý, tài tình của người dân nước Việt.
Tranh dân gian Đông Hồ "Đám cưới chuột"
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian nổi tiếng ở nước ta, đề tài của tranh rất phong phú, đa dạng phản ánh những tâm tư, tình cảm, quan niệm cũng như các hoạt động trong đời sống xã hội. Bằng sự sáng tạo tài tình cùng bàn tay khéo của mình, các nghệ nhân dân gian đã tạo nên những tác phẩm mộc mạc, giản dị nhưng lại hàm chứa biết bao ý nghĩa sâu sắc, đó chính là một biểu tượng cho nét đẹp của văn hóa Việt. Trong số những bức tranh dân gian Đông Hồ, có lẽ “Đám cưới chuột” là một bức tranh khá quen thuộc và phổ biến với chúng ta. Nhân dịp xuân Mậu Tý, xin cung cấp cho bạn đọc một số điều thú vị quanh bức tranh này. Tưng bừng "Đám cưới chuột"
Trước hết, về bố cục của tranh, nội dung phản ánh một đám cưới, mà đã là đám cưới thì khung cảnh phải đông vui nhộn nhịp, thế nhưng do giới hạn khuôn khổ nên nghệ sĩ dân gian chỉ thể hiện những nét chính. Cái hay ở đây là tuy lược bỏ nhiều chi tiết nhưng người xem vẫn thấy được không khí của đám rước dâu rất trang trọng nhưng tưng bừng với tấm biển đề chữ “Nghinh hôn”, lọng che, kèn thổi, chú rể mũ cao, cô dâu áo dài đội khăn, ngồi kiệu hoa.
Phía trên bức tranh có viết hai câu tiếng Hán: “Thử bối đệ ngư, chí, chí, chí” (Nghĩa là: đám chuột dâng cá kêu chí chí chí); “Miêu nhi thủ lễ, mưu, mưu, mưu” (Nghĩa là: Con mèo giữ lễ kêu meo meo meo).
Hai chú chuột khiêng kiệu phía sau vừa đi vừa ngoái đầu lại nhìn cho thấy đám rước còn kéo dài. Để thể hiện điều này, bức tranh được cắt làm hai đoạn chuyển động từ trái qua phải, cảnh chính là đám rước đặt ở đoạn dưới, còn đoạn trên diễn tả nhóm chuột đi lễ mèo. Thủ pháp nhấn mạnh và lược bỏ được sử dụng làm nổi bật nhân vật trọng tâm bằng cách phóng to, thu nhỏ kích thước. Mèo được vẽ to, đại diện cho tầng lớp thống trị, tuy ít nhưng có quyền lực lớn, trong khi cái kiệu, con ngựa là phương tiện di chuyển của chuột được thu nhỏ lại. Ý nghĩa "Đám cưới chuột"
Bức tranh “Đám cưới chuột” mang khá nhiều ý nghĩa. Cảnh đám cưới thể hiện mong muốn tạo dựng cuộc sống gia đình và khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Góc trên bên phải của tranh có bốn chữ “Lão thử thủ thân” (Chuột giữ mình) với hàm ý trong môi trường xã hội, người ta cần tỉnh táo và có ý thức giữ gìn để tránh những điều xấu xảy ra với mình. Việc chuột phải lễ mèo, ngoài việc thể hiện bằng hình ảnh còn có hai chữ “Tống lễ” (biếu lễ vật) chính là sự phê phán mạnh mẽ những tệ nạn nhức nhối, đó là đút lót và hối lộ. Phía sau chiếc kiệu của cô dâu chuột, nghệ nhân dân gian còn điểm 5 chấm nhỏ tượng trưng cho Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Phía trên của bức tranh có hai chú chuột mang lễ vật thì chú chuột đi đầu được vẽ màu nâu đỏ (= dương) ôm con chim (chim bay trên trời, dương), chuột đi sau thân mình đen (= âm) xách cá (cá bơi dưới nước, âm). Những chi tiết này thể hiện nguyên lý âm dương hòa hợp. Giai thoại "Đám cưới chuột"
Bên cạnh những ý nghĩa nói trên, xung quanh bức tranh “Đám cưới chuột” còn có một giai thoại khá thú vị.
Chuyện kể rằng thời Lê Trung Hưng, vào những ngày cuối cùng của một năm Tý, đoàn sứ thần nhà Thanh trên đường về nước có ghé qua thăm làng Đông Hồ để chiêm ngưỡng những bức tranh do dân làng làm ra.
Trong lúc nhìn ngắm, viên Chánh sứ thấy bức tranh “Đám cưới chuột” bèn nảy ra vế đối khá hóc hiểm: "Tý tận, thử tống mão" (Cuối năm Tý, chuột lễ mèo) Qua vế đối, Chánh sứ nhà Thanh có ý vòi vĩnh, tự coi mình là mèo, còn dân làng như đàn chuột phải mang lễ vật đến biếu. Thâm ý còn răn đe rằng nước Việt muốn sống yên ổn thì phải cống nạp Bắc triều. Trong khi các quan sở tại và người làng còn đang lúng túng chưa biết phải đối lại như thế nào thì có cụ nghệ nhân làng Đông Hồ đã lấy ra một bức tranh giơ lên. Tranh vẽ một chú trâu to khỏe đang vểnh tai bước đi trên con đường quanh co, uốn lượn như rồng. Chánh sứ nhà Thanh nhìn bức tranh mà tái mặt, và hiểu ngay ý của cụ già đối lại rằng: "Sửu đầu, ngưu thốn thìn" (Đầu năm Sửu, trâu nuốt rồng) Con rồng được vua chúa Trung Quốc coi là hình ảnh của ngôi Thiên tử, thế mà nay lại bị con trâu tượng trưng cho xứ sở nông nghiệp phương Nam nuốt. Vế đối còn có ý rằng trâu nuốt rồng tức là người Việt sẽ đánh thắng quân đất Bắc. Theo thứ tự của 12 con giáp trong hệ chi thì sau Tý là Sửu, sau Mão là Thìn. Chỉ một vế đối mà thể hiện được sự thâm thúy, sâu cay và tài tình của người Việt trước Chánh xứ phương Bắc.
- Bạn đọc Lê Thái Dũng (Hà Nội)
Nguồn : TuanVietnam - Việtnam
Lạc thụ dụng Lạc trong thụ dụng của từng doanh gia, nghiệp chủ không ai giống ai, lúc Khách tưởng doanh gia đang khổ, thì họ lại rất lạc; khi Khách ngỡ doanh gia đang lạc, thì họ lại rất khổ! Đồng tiền không có gương mặt riêng,
nó mang đúng gương mặt của người nắm giữ nó,
thể hiện qua cách kiếm tiền và sử dụng tiền
Mùa xuân (Ảnh Nguyễn Sơn)
Nếu lạc sở hữu dựa trên nền tảng vật sở hữu phải sạch và đồng điệu với niềm lạc chung của cộng đồng thì lạc thụ dụng lại tùy thuộc vào nền tảng bản thân và tâm tính của từng doanh gia, nghiệp chủ. Trong làn hương trầm giữa thời khắc giao mùa, chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm niềm lạc thứ hai trong tứ lạc của doanh gia: Lạc thụ dụng. Bài kinh Đức Phật dạy cho đại thương gia Anàthappindika về bốn niềm hạnh phúc an lạc: lạc sở hữu, lạc thụ dụng, lạc không mắc nợ và lạc không phạm tội đã làm không ít người trong giới kinh doanh chột dạ. Thật lạ, làm sao Đức Phật biết rõ tâm địa của doanh gia mà đề cập đến niềm lạc trong thụ dụng (hưởng thụ và sử dụng vật sở hữu) thấu đáo như chính người trong cuộc? Lạ hơn nữa, đôi khi chính người trong cuộc - những doanh gia nghiệp chủ, không hiếm người ngộ nhận niềm lạc và nỗi họa của chính mình: lúc cố gắng tìm niềm lạc trong thụ dụng, không thấy lạc đâu, chỉ thấy trăm bể khổ; khi không màng đến thụ dụng nữa, tưởng sẽ khổ, lại thấy ngàn niềm lạc! Người trong cuộc còn lơ mơ giữa lạc và khổ như thế, người ngoài cuộc (Khách) muốn nhận biết cũng chẳng dễ dàng gì. Phải chăng, nếu muốn thấu hiểu niềm lạc và nổi khổ của giới doanh nhân thì tâm Khách phải như tâm Phật? Tay áp phe tội nghiệp Trong quyển truyện “Hoàng tử Bé” (Saint – Exupéry) có đoạn, Hoàng tử Bé gặp một người luôn bận rộn tự xem những việc mình làm là quan trọng. Người này đã dành hằng ngàn, ngàn năm để… hái sao trời! Cuộc đời của “người quan trọng” chỉ thực hiện một chu trình: hái sao trời về đếm, đếm xong gởi ngân hàng, gởi ngân hàng xong lại hái sao... Thấy vậy, Hoàng tử Bé thắc mắc: hái sao để làm gì? “Người quan trọng” trả lời rất nghiêm túc: gởi ngân hàng! Hoàng tử Bé vốn là người đã hỏi cái gì là hỏi đến nơi đến chốn: gởi ngân hàng rồi sao nữa? “Người quan trọng” ngẩn người, đáp: rồi thôi! Hoàng tử Bé đã gọi “người quan trọng” này là “tay áp phe tội nghiệp”! Việc kinh doanh của doanh gia nghiệp chủ suy cho cùng cũng là một cách hái sao trên trời. Nhưng khác với cái thời “một mình một trời” thoải mái hái của những “tay áp phe”, thời toàn cầu hóa muốn hái được “sao trời” doanh nhân phải cạnh tranh gay gắt lắm. Doanh gia cũng khác với “người quan trọng” ở chỗ, không đắm say mê muội lao vào chu trình “hái, đếm, gởi, rồi lại hái…” mà thông qua chuyện “hái sao” họ có ý thức tạo ra cơ sở vật chất cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Cũng rất khác với “sao trời” mà nhiều tay áp phe đã “hái” một cách dễ dàng nhờ vào cơ chế và mối quan hệ, những gì mà doanh gia nghiệp chủ tích tụ được đều thấm đẫm trí tuệ, mồ hôi và vị mặn của nước mắt. Chính vì vậy không ít doanh gia ngày này rất có ý thức trong sự hưởng thụ và sử dụng vật sở hữu. Tuy vậy, lạc trong thụ dụng của từng doanh gia, nghiệp chủ không ai giống ai, lúc Khách tưởng doanh gia đang khổ, thì họ lại rất lạc; khi Khách ngỡ doanh gia đang lạc, thì họ lại rất khổ! Ngỡ khổ hóa lạc
Có những nam doanh gia vào dịp nghỉ cuối tuần, lễ, tết, cầm đàn tìm đến ngôi chùa nghèo, đường đi lắt léo, đèo dốc quanh co, xin cơm chay của các sư ăn rồi ôm đàn ngồi gãy tưng tửng từng tưng. Khách hỏi, giàu có như thế thì thiếu gì cách hưởng thụ, tại sao tự “hành xác” mình như vậy? – Lạc! Có những nữ nghiệp chủ tranh thủ ngày nghỉ, chạy đến bệnh viện chọn những khoa ngặt nghèo thuộc loại “vào cửa trước ra cửa sau” hỏi han, chăm sóc và biếu nhiều loại thuốc quý hiếm cho những người bệnh neo đơn, vô gia cư, cùng đường, nghèo khó. Khách hỏi, việc gì phải tốn công, tốn của lo cho người dưng? – Lạc! Có không ít ông chủ hết giờ ở “chợ” về được đến nhà của mình là sống thanh bần như người tu hành, lấy niềm vui, hạnh phúc và sự đủ đầy của người thân yêu làm trọng. Có những bà chủ bôn ba khắp chốn vì chỉ tìm thấy niềm an lạc khi tạo được nhiều công việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Khách hỏi, tại sao an nhàn không muốn lại ôm khổ cực, lam lũ vào thân? - Lạc! Có nhiều đại gia bận bịu đến quên cả bản thân, nhưng ở đâu thiên tai, dịch họa ập đến với đồng bào mình là có mặt để chia sẻ niềm đau, góp thêm miếng cơm manh áo. Có không ít chủ doanh nghiệp một mãnh tình vắt vai chưa có nhưng số tiền chi cho cơm áo gạo tiền thì nhiều vô kể. Họ nuôi ai? Nuôi những đứa trẻ vô thừa nhận ở các trại mồ côi và người già neo đơn. Khách hỏi, làm lụng quần quật suốt đời sao bản thân không hưởng cho sướng lại dâng người khác hưởng? – Lạc! Và cũng có những triệu phú đô-la gom gần hết tài sản của mình chia sẻ lại cho cộng đồng như một cách “của thiên trả địa”. Khách hỏi, cả đời cực khổ kiếm tiền, cuối đời lại đem dâng cho xã hội, thần kinh của các thí chủ có bị làm sao không? – Lạc! Mặc cho Khách thấy mình khổ, các doanh gia nghiệp chủ vẫn hưởng thụ và tiêu dùng theo kiểu của riêng mình miễn sao thân, tâm an lạc. Ngỡ lạc hóa khổ Khách xin được hỏi: các doanh gia, nghiệp chủ tìm đến cái khổ mà thấy lạc, vậy thì khi nào là khổ? - Xin thưa, khổ khi phải thường xuyên bay từ nơi này qua nơi khác dù bay ở hàng ghế thương gia hoặc hơn thế nữa. Phải liên tục rời xa mái ấm của mình để ở trong những cái “hộp” hình vuông, hình chữ nhật, dù những “cái hình” đó đạt tiêu chuẩn năm, sáu sao. Và khổ vì sáng ở múi giờ này, chiều ở múi giờ khác, thời tiết liên tục thay đổi, chông chênh về thời gian, chông chênh về tâm lý. - Khổ vì khi giao tế phải nuốt những món quá cầu kỳ không hợp khẩu vị ăn uống thanh cảnh. Khổ vì công chuyện kinh doanh phải thường xuyên dự những hội họp ngột ngạt đông người trái với bản tính thích yên tịnh. Khổ khi phải đóng những bộ đồ hàng hiệu nghiêm trang gò bó tấm thân, xa lạ với thói quen giản dị hòa đồng thoải mái. - Và khổ nhất là khi buộc phải tiếp những vị quan khách không muốn mà vẫn phải tiếp, bởi nếu tránh né thì chuyện kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Những lúc như thế thân phận chủ giống như bông lan, bông huệ “sầu đời cho nên trong héo ngoài tươi”. Chủ đãi khách tại những nơi chốn phồn hoa, sang trọng để khách vui, miệng của chủ thì luôn phải cười tươi, nhưng lòng dạ thì ngán ngẫm, héo hắt.. Mặc cho Khách tưởng mình lạc vì được hưởng thụ cao cấp, chi xài rộng rãi, ăn ngon mặc đẹp; các doanh gia, nghiệp chủ vẫn trong tâm trạng khổ não trăm bề. Nguồn cội và nguồn gốc
Ảnh: vizion1980
Thương trường hiện có nhiều thành phần tham gia: khu vực tư, khu vực công, khu vực liên doanh, vì thế thụ dụng cũng rất khác nhau. Nhìn vào cách hưởng thụ và sử dụng của từng người trong giới này, Khách sẽ đoán hiểu được phần nào nguồn cội của người và nguồn gốc của vật sở hữu: Có những người đem vật sở hữu đi chôn giấu, không dám hưởng thụ, hoặc hưởng thụ một cách lén lút, giấu giếm, không đàng hoàng, thế cho nên không tìm thấy lạc trong thụ dụng. Khách hỏi - Thí chủ đang sở hữu vật đen “từ trên trời rơi xuống” phải không? Lại có người ngỡ vật sở hữu là “phép tiên”, đã dùng nó để mua đủ thứ: chức vụ, quyền lực, tình cảm, bằng cấp, sắc đẹp, hạnh phúc, tiếng tăm v.v… nhưng rồi chẳng những không được lạc mà còn chuốc khổ vào thân vì mua “lầm” đồ giả (đồ thiệt đã không bán). Khách hỏi - Thí chủ không phải âm binh mà sao chuộng đồ “hàng mã” dữ vậy? Cũng có vài ba “tay áp phe tội nghiệp” ngày xưa còn sót lại, miệt mài lao vào tìm kiếm vật sở hữu đến quên thân mình, quên gia đình và quên cả những người xung quanh. Khách hỏi – Chẳng hay thí chủ là “người thiệt” hay là “người máy” mà sống vô cảm đến như vậy? Và hiện nay, cũng có rất nhiều người làm giàu một cách chính đáng, đàng hoàng, nhưng cũng phải làm bộ nghèo cho nên lạc thụ dụng thì có, nhưng không trọn vẹn. Khách hỏi – Thưa các thí chủ, có phải do xã hội ta đã có một thời cái nghèo được tôn vinh, sự giàu có bị lên án? v.v… Phải chăng, lạc thụ dụng chỉ thật sự có trong một xã hội không những không chối bỏ quyền sở hữu mà còn khuyến khích doanh gia nghiệp chủ công khai sử dụng những gì đã tích tụ được để cả cộng đồng cùng hưởng lạc. Bởi nếu “sao trời” mà đem chôn giấu thì có khác gì đá cuội? . Và phải chăng, khi bản thân làm chủ thụ dụng thì lạc đến, khi thụ dụng làm chủ thì chuốc họa vào thân và đôi khi còn gây họa lây cho xã hội? Và sau cùng, nhìn Đức Phật từ bỏ quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý thanh thản xuất gia hành đạo, tự tại với cuộc sống thanh bần, các doanh gia nghiệp chủ không khỏi băn khoăn: - Tại sao như vậy? Cùng một tác giả: Lạc sở hữu