Về quản lý xuất bản sách ở Việt Nam
hathuynguyenhn 15.02.2008 23:09:58 (permalink)
Trong tháng 12 năm 2007, cuốn sách thứ hai của tôi tên là "Cầm thư quán" được nhà sách Kiến Thức của ông Dương Tất Thắng phát hành. Cuốn sách đã phát hành được hơn 1 tháng. Nhưng mới đây, "Cầm Thư quán" đã bị thu hồi.
Nguyên nhân của vụ việc này khá phức tạp và nó liên quan đến nhiều vấn đề về quyền tự do sáng tác ở Việt Nam hiện nay.
Sự việc bắt đầu nảy sinh từ khi Nhà xuất bản Phụ Nữ nhận bản thảo "Cầm Thư quán" của tôi. Xin nói thêm về tác phẩm này: Đó là một cuốn tiểu thuyết kể về khát vọng tự do của hai cô gái Ngọc Cầm và Ngọc Thư trong "Cầm Thư quán". Hai cô gái này có quan hệ lằng nhằng với vua Lê Thánh Tông (Trong tác phẩm tôi gọi là Hồng Đức). Mời các bác vào link sau để ngó qua.
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nvnmn1n31n343tq83a3q3m3237nvn
Bên NXB Phụ nữ yêu cầu tôi bỏ tất cả những chữ Hồng Đức trong quyển sách của mình, tôi đồng ý và cũng nhắc nhở họ: Cho dù có bỏ chữ "Hồng Đức: hay không thì người đọc vẫn nhận ra đó là Lê Thánh Tông.
Khi sách phát hành, nhà sách Kiến Thức do sơ suất nên vẫn sót hai chỗ có chữ "Hồng Đức". Ngay lập tức, NXB Phụ Nữ tịch thu toàn bộ và không cho nhà sách Kiến Thức cơ hội để sửa chữa những lỗi sai nhỏ ấy. Xin nói thêm, nhà sách Kiến Thức đã nộp lưu chiểu cách đó 2 tháng.
Việc nhà sách Kiến Thức sơ suất để sót hai chữ "Hồng Đức" trên thực tế không phải là nguyên nhân chính. Họ không muốn tôi động chạm đến Lê Thánh Tông, không được viết về những mối quan hệ của danh nhân lịch sử này. Họ không muốn tôi được quyền sáng tác trên bối cảnh lịch sử nhà Lê. Với họ Lê Thánh Tông là một nhân vật phi thường và họ buộc tôi một cái tội rất khó bào chữa: Xuyên tạc lịch sử.
Vậy thì quyền tự do sáng tác ở đâu? Cùng một danh nhân lịch sử, một sự kiện lịch sử, mỗi người đều có cách nhìn nhận, đánh giá và có quan điểm khác nhau. Nhưng họ chỉ muốn tất cả các nhà văn, nhà viết sử có cùng một quan điểm vói họ, cho dù quan điểm của họ là đúng hay sai.
Mở rộng hơn, trong nhiều năm gần đây, rất nhiều cuốn sách triết học, văn hóa, văn học, nghiên cứu xu hướng phát triển của thế giới... đã bị thu hồi và đình bản một cách vô căn cứ. Các nhà sách bị chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế còn tác giả, dịch giả chịu thiệt hại về quyền lợi sáng tác và lao động.
Ở một khía cạnh khác, các nhà xuất bản đã không quản lý một cách chặt chẽ việc xuất bản sách. Có nghĩa là họ để các nhà sách phát hành ấn bản rồi mới bắt đầu giở chiêu bài tịch thu. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng về kinh tế với các nhà sách.
Tôi viết topic này rất mong có sự đồng cảm của các bạn, những người viết sách, những nhà phát hành sách, những độc giả ham hiểu biết và quí trọng sách. Tất cả chúng ta hãy cùng chung sức để việc quản lý xuất bản sách ở Việt Nam đúng đắn và hợp với qui luật phát triển của xã hội hơn.
Xin chân thành cảm ơn!


#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9