NGUYÊN THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT:
PHẢI KHEN THƯỞNG, CHỨ SAO LẠI BẮT NẠT DÂN!

Đàn hổ nuôi ở Bình Dương
Việc nuôi hổ của người dân ở Bình Dương và việc kiến nghị tịch thu toàn bộ số hổ này đã gây ra nhiều tranh cãi và ý kiến trái ngược nhau. Xin tổng hợp một số ý kiến chính: của Bộ và Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), của người dân nuôi hổ và của nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt đã đăng trên báo Thanh niên.
Bộ NN&PTNT: Đề nghị tịch thu đàn hổ để "giao lại cho tổ chức, cá nhân đang nuôi"
Hôm qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị liên ngành với đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSNDTC, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, UBND tỉnh Bình Dương để "bàn biện pháp xử lý hổ nuôi nhốt tại tỉnh Bình Dương". Theo thông cáo báo chí của Cục Kiểm lâm thì:
"...các đại biểu tham dự đã thống nhất ý kiến đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết như sau:
1. Khẳng định việc mua và nuôi nhốt hổ của các tổ chức, cá nhân tại tỉnh Bình Dương là vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm của pháp luật Việt Nam và không phù hợp với Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Nhằm đảm bảo việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn và phát triển theo đúng các quy định của pháp luật, cần tịch thu toàn bộ số hổ không có nguồn gốc hợp pháp để giao cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nuôi, chăm sóc vì mục đích bảo tồn. Trước mắt, giao cho các tổ chức, cá nhân hiện đang nuôi giữ số hổ này tiếp tục chăm sóc. Cục Kiểm lâm chỉ đạo việc tổ chức cho các chủ hộ này đăng ký trại nuôi theo quy định của pháp luật, gắn chíp điện tử và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đã tịch thu.
3. Nếu các tổ chức, cá nhân không thực hiện các điều kiện theo quy định của pháp luật, thì giao cho tổ chức khác có chức năng nuôi bảo tồn, phát triển phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế theo quy định hiện hành của Nhà nước".
Người dân nuôi hổ: Tôi không vi phạm pháp luật. Nếu bị qui kết, sẽ đi tìm công lý đến cùng
Tại buổi gặp mặt Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, ông Ngô Duy Tân, người đang nuôi một đàn hổ đã đọc một bức thư kiến nghị. Nội dung có những ý chính như sau:
"...Vào ngày 19.3.2007, ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm đã có phát biểu trên Đài THVN với nội dung buộc tội tôi vi phạm pháp luật: "Ông Tân đã nuôi hổ sinh sản và sinh sản nhiều lần. Đấy là yếu tố tình tiết giảm nhẹ. Không thể nói đấy là thay cho việc không vi phạm pháp luật"... Tuyên bố trên đã có tác động rất lớn tới gia đình tôi và gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế cho doanh nghiệp mà tôi đang làm chủ cũng như cho thương hiệu của công ty chúng tôi: con cái đi học bị bạn bè trêu chọc là ba nuôi hổ vi phạm pháp luật; các doanh nghiệp trong và ngoài nước tạm thời ngừng sự hợp tác vì họ nghe thấy trên phương tiện truyền thông đại chúng là tôi vi phạm pháp luật. Tôi kiến nghị Bộ trưởng hãy yêu cầu ông Hà Công Tuấn: Nếu thấy tôi thật sự vi phạm thì truy tố tôi ra tòa. Nếu không xin hãy rút lại lời cáo buộc và có lời xin lỗi chính thức đến tôi trên các phương tiện truyền thông đại chúng... Nếu thư kiến nghị này không nhận được hồi âm, tôi sẽ khởi kiện vụ việc này ra tòa với lý do ông Hà Công Tuấn đã vu khống và xúc phạm danh dự công dân".
Bộ trưởng NN&PTNT: Tịch thu để làm rõ nguồn gốc
Trong khi đó, tối qua, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã đến thăm vườn nuôi hổ của ông Ngô Duy Tân ở Bình Dương để "kiểm tra tình hình thực tế". Được ông Ngô Duy Tân hướng dẫn tham quan một vòng trại hổ, nhìn đàn hổ mạnh khỏe luôn chạy theo bước chân người, ông Cao Đức Phát luôn miệng khen: "Hổ tốt quá!". Thậm chí Bộ trưởng còn vào tận chuồng hổ để bế tận tay con hổ con đang bú sữa mẹ. Sau khi Bộ trưởng quay lại trong nhà, ông có vẻ ngạc nhiên khi biết ông Tân vẫn thả 2 con hổ - một con một tháng tuổi và con còn lại hai tháng tuổi - đi lại tự do và vui đùa với tất cả mọi người như hai chú chó con nghịch ngợm. Ông Phát đã bế con hổ hai tháng tuổi trên tay với vẻ rạng rỡ đầy thiện cảm. Dành nhiều thời gian tham quan và lắng nghe ông Tân trình bày nguyện vọng, nhưng ông lại dành rất ít thời gian để trả lời câu hỏi của các phóng viên.
- Thưa Bộ trưởng, tại sao lại có quyết định tịch thu đàn hổ ở đây?
- Chúng tôi dự định tịch thu để làm rõ nguồn gốc.
- Ông Ngô Duy Tân đã cứu sống 5 con hổ sắp chết, tận tâm nuôi dưỡng và không hề tính chuyện kinh doanh mua bán, tại sao Bộ vẫn quyết định quy kết ông Ngô Duy Tân là vi phạm pháp luật?
- Chúng tôi không nói toàn bộ quá trình từ lúc ông Tân cứu hổ đến lúc cho sinh sản là vi phạm pháp luật, nhưng trong toàn bộ câu chuyện này có một vài tình tiết có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong nước và quốc tế nên anh em có báo cáo Bộ NN&PTNT. Việc xác định ông Tân có vi phạm pháp luật hay không, phải do nhiều cơ quan chức năng điều tra và kết luận chứ không phải chỉ riêng Bộ NN&PTNT.
- Trong cuộc họp ngày 22.3, Bộ vẫn kiến nghị tịch thu hổ và đã đưa ra giải pháp trước mắt vẫn giao cho các hộ đang nuôi hổ được tiếp tục nuôi. Vậy còn về lâu dài thì như thế nào? Có phải giao thì vẫn giao, nhưng Bộ muốn tịch thu lúc nào thì tịch thu?
- Điều đó không có nghĩa như vậy.
- Vậy nó có nghĩa như thế nào?
- Sẽ có một văn bản pháp lý quy định rõ ràng hơn về việc này. Về lâu dài thì các con hổ đời F1 sẽ được nuôi dưỡng cẩn thận cho đến khi cơ quan chức năng xác định những con hổ này chết tự nhiên. Các cá thể từ đời F2 trở đi sẽ thuộc về sở hữu của người nuôi, hoàn toàn có thể sử dụng, mua bán trong nước và quốc tế, giống như trường hợp gấu và cá sấu. Cũng sẽ có giải pháp hợp tình hợp lý thôi. Việc xác định thế hệ F1, F2 sẽ có các biện pháp khoa học cụ thể.
-Hiện nay, nếu một người dân bình thường muốn nuôi hổ thì sao?
- Hoàn toàn có thể, nếu nuôi hổ từ thế hệ F2 trở đi.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều câu hỏi bức xúc dành cho Bộ trưởng về tình trạng sắp tới vẫn chưa có gì rõ ràng của đàn hổ, vẫn còn "chờ đợi và phụ thuộc vào một số quy định mới", thì Bộ trưởng đã cáo từ.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Phải khen thưởng, chứ sao lại bắt nạt dân!
Rất bức xúc trước thông tin Bộ NN&PTNT đề nghị tịch thu đàn hổ nuôi của dân ở Bình Dương, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói :
- Tịch thu đàn hổ nuôi của dân là hết sức vô lý. Động vật hoang dã, đặc biệt là động vật quý hiếm, một mặt phải hết sức nghiêm khắc đối với việc săn bắt và tiêu dùng, nhưng mặt khác phải khuyến khích rộng rãi nhân dân nuôi dưỡng chúng. Muốn chúng tồn tại và phát triển, phải khuyến khích người dân nuôi chúng, chăm sóc chúng. Cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước phải hướng dẫn, giúp đỡ dân, để làm sao chúng sinh sôi nảy nở vừa để bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Đối với những việc sai trái, như việc nuôi gấu vì lợi ích thiển cận, mà bắt ép gấu để lấy mật quá nhiều, quá sức chịu đựng của nó, làm cho nó kiệt sức đi, việc này không thể chấp nhận được. Còn người ta nuôi với tất cả tình cảm, trách nhiệm để bảo tồn và phát triển động vật quý hiếm thì phải khuyến khích, phải giúp đỡ người ta. Sợ nhất là người ta không nuôi, sao lại đòi tịch thu khi người ta nuôi tốt!
- Ông có ý kiến gì về đàn hổ của ông Ngô Duy Tân và một số gia đình ở Bình Dương?
- Trường hợp này tôi có theo dõi. Từ 5 con hổ bệnh tật, người ta mua về, cứu chữa, chăm sóc, rồi phát triển thành cả bầy hổ. Người ta phải tốn kém, trách nhiệm lắm mới làm được, Nhà nước đâu có làm nổi chuyện này. Từ trước tới nay chưa bao giờ có ai làm tốt như thế, chưa bao giờ có chuồng trại an toàn như thế, chăm sóc tốt như thế, sinh sôi nảy nở nhiều như thế. Và người ta có bẩm báo đàng hoàng với chính quyền địa phương, được chính quyền địa phương khuyến khích. Rất tiếc vừa rồi chính quyền địa phương đã không lên tiếng bảo vệ. Người ta nuôi có hợp pháp không? Hợp pháp chứ! Nuôi công khai minh bạch. Tôi theo dõi báo chí nên biết việc này và chính tôi đã đến thăm. Tôi thấy hết sức thích thú. Các hãng tin nước ngoài cũng đến thăm, họ cũng cho đó là điều chưa từng có.
- Thưa ông, mặc dù Nghị định số 32 (ra ngày 30.3.2006) của Chính phủ khẳng định "Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm", nghĩa là việc nuôi hổ của ông Tân và các gia đình ở Bình Dương là không vi phạm pháp luật. Nhưng Bộ NN&PTNT vẫn đề nghị tịch thu. Và mới đây nhất, ngày 21.3, Cục Kiểm lâm vẫn cho rằng các gia đình ở Bình Dương đã "gây, nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp" và khẳng định "sẽ xử lý nghiêm"?
- Họ vi phạm cái gì mà xử lý? Họ mua những con hổ ốm yếu, họ đã báo với anh. Cơ quan quản lý nói không rõ nguồn gốc, có nhà khoa học nào đó cũng nói không rõ nguồn gốc, đó là nói theo sách vở. Truy ra nguồn gốc là việc của anh, không phải là việc của dân, người dân chỉ biết bồng lên những con hổ ốm yếu để cứu chữa nó. Họ đã báo với chính quyền địa phương, chính quyền địa phương cũng là nhà nước chứ ! Họ đã nuôi tốt như vậy, trước hết phải khen thưởng họ chứ sao lại có chuyện bắt nạt người ta? Chính quyền của dân sao kỳ lạ vậy ! Công lao người ta như thế, người ta làm điều ích nước lợi dân như thế, cơ quan Nhà nước phải có đạo lý với dân, lẽ ra phải phát hiện đây là nhân tố mới, đáng trân trọng, đáng biểu dương khuyến khích, sao lại cho người ta là phi pháp?
- Nhưng người ta vẫn viện dẫn luật pháp...
- Tôi rất hoan nghênh báo chí đã phản ứng mạnh mẽ chuyện này. Nếu không có báo chí chắc đàn hổ này đã bị tịch thu rồi, còn bắt tội người ta nữa. Hãy nhìn những con hổ trong vườn thú của ta, con nào cũng ốm nheo ốm nhách. Hôm nay tôi đọc báo thấy con hổ tịch thu đem về Sóc Sơn nuôi, bữa nay cũng không ra gì cả, lông rụng tả tơi, không còn là hổ nữa. Hãy đối chiếu những con hổ đó với những con hổ dân nuôi để thấy cái công của dân. Người ta đã trình thưa đàng hoàng, đã tôn trọng luật pháp. Nhưng giả sử người ta không xin phép, giả sử người ta làm không đúng đi chăng nữa thì khi họ làm tốt như vậy cơ quan Nhà nước cũng phải khen, rồi nhắc nhở, hướng dẫn, giúp đỡ người ta làm cho đúng. Trong trường hợp luật pháp chưa quy định đầy đủ hoặc không rõ ràng thì phải bổ sung cho đầy đủ, vì việc này dân làm trong thực tế là bảo tồn và phát triển được đàn hổ và bảo đảm an toàn. Theo tôi, đây là trường hợp điển hình, cần nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng, nếu luật pháp thiếu thì bổ sung. Quản lý Nhà nước mà viện vào những điều chưa hợp lý của luật pháp để truy bức dân là không có đạo lý. Tôi xin lưu ý, trường hợp này hoàn toàn khác về bản chất với những trường hợp vi phạm đất đai, xâm phạm lợi ích công rồi cho hợp pháp hóa. Trường hợp này là người dân làm lợi cho đất nước. Người ta nuôi hổ rất hay, hay không thể tưởng tượng nổi.
- Mấy ngày qua báo chí lên tiếng rất nhiều, nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn giữ nguyên ý định tịch thu và họ đã đưa ra các phương án giải quyết... Họ vẫn tịch thu thì làm thế nào, thưa ông?
- Tôi chờ xem mấy ổng sẽ làm gì. Các phương án mà Cục Kiểm lâm đưa ra không có phương án nào dân chấp nhận cả. Chính phủ nên ngăn chặn việc tịch thu đàn hổ và tuyên dương những người dân nuôi hổ. Tôi muốn viết thư cho cả Quốc hội nữa. Rõ ràng những người dân này đã cứu những con hổ và đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để phát triển được cả đàn hổ. Luật pháp nếu chưa đủ thì phải bổ sung, rồi hướng dẫn, giúp đỡ dân. Tôi nghĩ rằng luật pháp cũng phải tạo điều kiện để nhân ra, để những con hổ nuôi thành công được chia sẻ cho những người khác cùng nuôi, với những quy định an toàn nghiêm ngặt. Người nuôi hổ đã đầu tư rất tốn kém để bảo tồn và phát triển đàn hổ, luật pháp còn cần tạo điều kiện cho họ thu hồi vốn đã bỏ ra nữa. Cái gì dân làm được phải cho dân làm, phải khuyến khích, cổ vũ dân làm và phải tôn vinh những người làm tốt.