Vào thời đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm về trước), có một dòng người thuộc chủng Mongoloid từ vùng Tây Tạng thiên di về phía Ðông Nam, tới vùng nay là Ðông Dương thì dừng lại. Tại đây đã diễn ra sự hợp chủng giữa họ với cư dân Melanésien bản địa (thuộc đại chủng Úc), dẫn đến kết quả là sự hình thành chủng Indonésien (còn gọi là cổ Mã Lai), với nước da ngăm đen, tóc quăn dợn sóng, tầm vóc thấp... Từ đây lan tỏa ra, người Indonésien cư trú trên toàn bộ địa bàn Ðông Nam Á cổ đại. Ðó là một vùng rộng lớn, phía Bắc tới sông Dương Tử, phía Tây tới bang Assam của Ấn Ðộ, phía Ðông tới quần đảo Philippin và phía Nam tới các hải đảo Inđônêsia (Nguyễn Ðình Khoa - Các Dân tộc ở miền Bắc Việt Nam - 1976).
Từ cuối thời đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng gần 5.000 năm về trước), tại khu vực mà nay là Nam Trung Hoa và Bắc Ðông Dương (từ phía Nam sông Dương Tử đến lưu vực sông Hồng Hà), trên cơ sở chuyển biến từ loại hình Indonésien bản địa dưới tác động của sự tiếp xúc thường xuyên với chủng Mongoloid từ phía Bắc, đã hình thành một chủng mới là chủng Nam-Á (Austroasiatique). Với chủng Nam-Á, các nét đặc trưng Mongoloid lại càng nổi trội, do vậy nó xếp vào ngành Mongoloid phương Nam.
Thời kỳ sau đó, chủng Nam Á được chia tách thành một loạt các chủng tộc mà trong cổ thư Việt Nam và Trung Hoa được gọi bằng danh từ Bách Việt. Tuy "một trăm" (Bách) chỉ là một cách nói biểu trưng, nhưng đó thực sự là một cộng đồng cư dân hùng hậu, bao gồm nhiều tộc người Việt như Ðiền Việt, Dương Việt, Mân Việt, Ðông Việt, Nam Việt, Lạc Việt (về mặt địa lý thì Ðiền Việt ở Vân Nam, Nam Việt ở Quảng Ðông, Lạc Việt ở Quảng Tây và Bắc Bộ Việt Nam (theo Nguyễn Ðình Khoa) ), sinh sống khắp khu vực phía Nam sông Dương Tử cho đến tận Bắc Trung Bộ ngày nay, họp thành những khối cư dân lớn (mà ban đầu mỗi khối có một tiếng nói riêng) như Môn-Khmer, Việt-Mường, Tày-Thái, Mèo-Dao. Quá trình chia tách này tiếp tục diễn tiến, dần dần đã dẫn đến sự hình thành các Dân tộc cụ thể (cùng với sự chia tách ngôn ngữ), trong đó người Việt đã tách ra từ khối Việt-Mường chung vào khoảng cuối thời Bắc thuộc (thế kỷ VII-VIII) (Nguyễn văn Tài - Góp thêm tài liệu cho việc đoán định thời điểm chia tách hai ngôn ngữ Việt và Mường- Tạp chí Dân tộc học số 3 -1978). Trong khi đó, ở phía Nam, dọc theo dải Trường Sơn, vẫn là địa bàn cư trú của người Indonésien. Cuộc sống biệt lập khiến cho khối người này lưu giữ được nhiều hơn những đặc điểm của truyền thống văn hóa cổ gần gũi với cư dân các hải đảo. Ðó là tổ tiên của người
Chàm, Raglai,
Êđê, Giarai, Churu, v.v... Ngôn ngữ của khối người mà Chàm có thể xem là đại diện này (gọi là Nam Ðảo, Austronésien) cũng duy trì được nhiều nét tương đồng với ngôn ngữ của cư dân các hải đảo. Kết hợp các cứ liệu nhân chủng học (Nguyễn Ðình Khoa -1976; Viện DTH 1983) với các cứ liệu ngôn ngữ học (Ví dụ: Phạm Ðức Dương 1983; Hà văn Tấn 1993) có thể sơ bộ hình dung bức tranh về nguồn gốc các Dân tộc Ðông Nam Á. Như vậy người Việt và tuyệt đại các bộ phận các Dân tộc Việt Nam đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc chung là nhóm loại hình Indonésien, chính điều đó đã tạo nên tính thống nhất - một tính thống nhất trong sự đa dạng của con người và văn hóa Việt Nam và rộng hơn là toàn vùng Ðông Nam Á. Trong sự đa dạng chung đó lại luôn có tính thống nhất bộ phận: của người Việt và Mường, của người Việt-Mường và các Dân tộc cùng gốc Nam Á-Bách Việt...
Về ý nghĩa của tộc danh Việt, lâu nay một số người thường dựa trên dạng Hán tự hiện đại giải thích rằng Việt nghĩa là chạy, vượt. Thực ra, chữ Việt trong Hán tự đã trải qua nhiều cách viết rất khác nhau - đây là một tên gọi có từ lâu đời (họ Việt thường, chủng Bách Việt được nhắc đến trong sử Bắc từ rất sớm). Theo Bình Nguyên Lộc: Việt vốn là tên gọi một loại công cụ kiêm vũ khí rất đặc thù của người (tiền) Việt cổ:
cái rìu. Khảo cổ học đã tìm được ở khắp nơi trong địa bàn cư trú của người tiền Việt cổ rất nhiều loại rìu với các chất liệu khác nhau (đá,
đồng, sắt)... Ðến đời Khổng Tử chữ Việt vẫn còn giữ được ký hiệu tượng hình cho cái rìu, ngoài ra còn được bổ sung thêm một nét đặc trưng quan trọng nữa là bộ mễ để chỉ dân trồng lúa (Kim Ðịnh-1970). Ngay cả chữ Việt hiện thời vẫn còn giữ được dấu vết của "cái rìu"... ( dẫn theo PGS.TS. Trần Ngọc Thêm - Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam- Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh - 1996 - từ trang 60 đến trang 66).