(url) Nhà văn Thạch Lam
fye_soul 10.03.2008 15:25:54 (permalink)
Thạch Lam
(1909 - 1942)
  Tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1909. Quê nội làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương. Thuở nhỏ, Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại, sau đó theo cha chuyển sang Thái Bình tiếp tục bậc tiểu học. Lớn lên, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội, học trường Canh nông, rồi trường Trung học Albert Saraut.
Thạch Lam bắt đầu hoạt động văn học từ 1932, thành viên của Tự lực văn đoàn. Ông tham gia biên tập các tờ tuần báo Phong hóa, Ngày nay. Thạch Lam mất vì bệnh lao năm 1942 tại Hà Nội.
Tác phẩm chính: Các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), tiểu thuyết Ngày mới (1939), tập tiểu luận Theo dòng (1941), tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943).
Trong bài giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa xuất bản trước cách mạng tháng Tám, Thạch Lam viết :
"Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".
Có thể coi đoạn văn ngắn nói trên như là "Tuyên ngôn văn học" của Thạch Lam. Và quả thật, trong toàn bộ gia tài sáng tạo của Thạch Lam, hầu như không một trang viết nào lại không thắm đượm tinh thần đó. Là thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn, được coi là một trong những cây bút chính của nhóm ấy, song trước sau văn phong Thạch Lam vẫn chẩy riêng biệt một giòng. Đề tài quen thuộc của nhóm Tự Lực văn đoàn là những cảnh sống được thi vị hóa, những mơ ước thoát ly mang mầu sắc cải lương, là những phản kháng yếu ớt trước sự trói buộc của đạo đức phong kiến diễn ra trong các gia đình quyền quý. Thạch Lam, trái lại, đã hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Khung cảnh thường thấy trong truyện ngắn Thạch Lam là những làng quê bùn lầy nước đọng, những phố chợ tồi tàn với một bầu trời ảm đạm của tiết đông mưa phùn gió bấc, những khu phố ngoại ô nghèo khổ, buồn, vắng ... Trong khung cảnh ấy, các nhân vật cũng hiện lên với cái vẻ heo hút, thảm đạm của số kiếp lầm than - Đó là mẹ Lê, người đàn bà nghèo khổ, đông con, góa bụa ở phố chợ Đoàn Thôn, là bác Dư phu xe ở phố Hàng Bột, là Thanh, Nga với bà nội và cây hoàng lan trong một làng quê vùng ngoại ô, là cô Tâm hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn ... Tất cả những cảnh, những người ấy đều được mô tả bằng một số đường nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng vẫn hết sức chân thực. Thạch Lam không hề gắn cho nhân vật của mình những hành động, những ý nghĩ khả dĩ có thể làm bi thảm thêm cuộc đời của họ. Trái lại ông cũng không như một số nhà văn lúc ấy vẫn thường khoác lên cảnh vật hoặc nhân vật thứ      "ánh trăng lừa dối " như nhà văn Nam Cao đã từng nhận xét. 
Tác phẩm của Thạch Lam vì thế có nhiều yếu tố hiện thực tuy nhân vật không dữ dội như Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao, hay bị đày đọa như chị Dậu của Ngô Tất Tố ... Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam, chính là ở lòng nhân ái, và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông. Nhân vật Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam. Mẹ Lê nghèo khổ đến cùng cực nhưng vẫn nguyên vẹn là một bà mẹ cần cù, chăm chỉ chịu thương chịu khó, hết lòng vì đàn con. Liên và Huệ hai cô gái điếm, hai con người tưởng như vất đi ấy, trong đêm giao thừa ngồi khóc vì nỗi trơ trọi, thiếu quê hương và chán chường cho cảnh bèo bọt của thân phận mình. Thạch Lam đôi khi còn đặt nhân vật của mình vào vùng ranh giới tranh chấp giữa cái thiện và cái ác, để rồi tự bản thân con người bằng việc thức tỉnh của lương tri, của phẩm giá xác lập chỗ đứng tốt đẹp cho mình trong cuộc sống đầy bùn nhơ của xã hội cũ. Đó là trường hợp của nhân vật Thanh trong truyện ngắn Một cơn giận hoặc Thành trong truyện ngắn Sợi tóc.
Đọc truyện ngắn Thạch Lam rõ ràng ta thấy yêu con người, quý trọng con người hơn. Và cũng từ đó ta thương cảm, nâng niu, chắt gạn từng chút tốt đẹp trong mỗi một con người.
                                              Trích lời dẫn NXB Văn học-1982
Các tác phẩm chính;
Trước tiên mình  xin giới thiệu  truyện ngắn Một đời người
 
 
" Tiếng còi tan việc nổi lên vang động trong không khí. Lập tức các công việc trong xưởng đều ngừng lại. Bọn thợ đàn ông với lấy áo mũ trên mắc rồi hấp tấp dồn nhau đi ra phía cửa như một lớp sóng người.
Liên cùng mấy chị em bạn gái thong thả hơn, vì công việc họ làm xong đã lâu rồi. Nhìn lại một lần nữa cái thùng giặt đầy quần áo sạch sẽ - họ làm trong một xưởng xe tay - bọn thợ con gái ra đến cửa sau hết mọi người. Họ vui vẻ nói chuyện luôn miệng như những con chim sẻ ngày mùa. Nhưng Liên không thể giữ được cái rùng mình sẽ rung chuyển thân thể nàng mỗi lần đến trước mặt chú Tây đen cao lớn ngồi canh cổng và khám các người làm công. Toàn thân Liên cứng lại dưới hai bàn tay mập mạp đen thủi. Nàng nhắm mắt như không muốn trông thấy cái cười khả ố của người gác và hai con mắt sâu hoắm của hắn ta long lanh ham muốn.
Ra đến ngoài, Liên nhẹ hẳn người. Cảnh tấp nập ở ngoài phố làm nàng vui vẻ. Mấy chị em bạn cùng rảo bước trên vỉa hè, vừa đi vừa nói những câu chuyện trong sở, thỉnh thoảng làm cho một cô bật lên tiếng cười trong trẻo, ròn rã như tiếng cười con trẻ. Liên và mấy cô bạn gái của nàng tuy đã có đến hàng nghìn lần, mà lần nào ở trong xưởng ra về, cũng thấy vui vẻ trong lòng như một người vừa làm xong công việc của mình. Cái vui giản dị ấy làm cho nàng quên trong chốc lát những nỗi khó nhọc và các ý nghĩ lo buồn.
Đến chỗ rẽ sắp phải chia tay, tất cả bọn đứng dừng lại dưới gốc cây bàng. Liên sẽ bảo các bạn:
- Các chị bây giờ về nhà, chắc chồng con vui vẻ lắm. Chỉ có em là khổ thôi.
Mọi người nhìn Liên không nói gì. Vì họ biết Liên lấy phải người chồng vũ phu ác nghiệt, hay đánh đập nàng. Lại thêm mẹ chồng cũng ác nghiệt chẳng vừa, hơi một tí là đay nghiến nàng thậm tệ, đến nỗi cấm cả không cho các bạn lai vãng đến nhà nàng nữa.
Khi Liên quay đi, mấy người bạn nhìn theo thương hại:
- Chị Liên thật là khổ. Đi làm cầm cập suốt ngày để nuôi cả nhà chồng, về nhà lại bị chồng nó hành hạ.
Cô Sinh, nhiều tuổi nhất trong bọn, giọng nói đầy vẻ tức giận:
- Tôi mà như chị ấy thì thôi bỏ quách đi lấy người khác. Mình làm kiếm được nuôi thân, có phải nhờ vả gì nhà chồng đâu mà sợ.
Một người khác chép miệng thở dài:
- Chẳng qua cũng là tại cái số chị ấy vất vả nên mới gặp người như thế.
*
* *

Liên một mình thong thả bước đi. Nàng không còn vui vẻ nữa vì sắp về tới nhà. Nàng buồn rầu nghĩ đến cái cảnh êm thấm trong gia đình của các bạn, khi đi làm về được chồng con săn sóc đến. Về phần nàng, không phải một cái gia đình mà nàng lui tới nữa, chính là một cái địa ngục. Liên không hiểu tại sao chồng nàng và mẹ chồng nàng lại ác nghiệt, ghét nàng như thế. Có lẽ vì xưa kia cha mẹ nàng đã bắt người ta phải dẫn cưới nhiều chăng? Nàng đoán có lẽ thế vì mỗi lần chửi mắng bà mẹ chồng lại nhắc đến chuyện ấy mà đay nghiến nàng.
Liên thở dài nhớ lại quãng đời nàng từ lúc đi lấy chồng. Bảy tám năm qua, mà Liên tưởng hình như lâu lắm, hình như đã hết nửa đời người. Nàng về nhà chồng từ năm không lấy Tâm, người nàng quý mến từ nhỏ và bây giờ cùng làm một sở với nàng, Liên cũng không rõ tại sao nữa. Khi cha mẹ nàng ngỏ ý gả cho Tích, lấy cớ rằng hai nhà vẫn quen biết nhau, Liên tuy không bằng lòng nhưng nàng cũng không từ chối. Mà nàng cũng không dám từ chối cái gì. Nàng tưởng rằng mình sinh ra chỉ để chịu sai khiến mà thôi, không dám phản kháng bao giờ cả.
Trong bảy năm ở nhà chồng, nàng chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, hành hạ mà không dám kêu ca. Liên chỉ âm thầm đau đớn.
Nàng thương hại cho Tâm đã khổ vì nàng. Khi được tin nàng đi lấy chồng, Tâm bỏ nhà trốn đi. Cách đây một năm, sự tình cờ lại khiến cho nàng với người cũ gặp nhau cùng một sở; Tâm vẫn yêu cầu nàng bỏ chồng cũ để lấy chàng.
Liên nhiều khi sung sướng tưởng đến cái đời dễ chịu của nàng nếu lấy Tâm. Nhưng Liên vẫn chối. Chính nàng cũng không hiểu tại sao mà từ chối. Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời. Liên lờ mờ thấy rằng nàng không đủ can đảm làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên chung quanh nàng. Không phải vì nàng quyến luyến đứa con lên sáu: nàng không yêu nó vì nó cũng xấc láo như bố. Nhưng bỏ chồng bỏ con để lấy Tâm, để được sung sướng riêng lấy mình nàng. Liên cho như là một việc không bao giờ có thể làm được.
Sáng nay, vào đến sở, nàng thấy Tâm khác mọi ngày thường. Chàng gọi nàng ra một chỗ và ứa nước mắt nói:
- Liên ạ, mai tôi phải đổi đi Sài Gòn, mà đi chưa biết đến bao giờ mới được về. Liên nghĩ thế nào? Nếu Liên còn yêu tôi, xin Liên đi hẳn với tôi, chúng ta sẽ xa hẳn chỗ này. Tôi cam đoan làm cho đời Liên được sung sướng. Liên bằng lòng đi, Liên!
Nàng chỉ cúi mặt khóc. Khi thấy Tâm thất vọng quay đi, nàng đau đớn, uất ức, như đứt từng khúc ruột. Hình như từ đây có cái gì gẫy nát không phương vớt lại được trong cả đời nàng.
Bước chân vào nhà, tự nhiên Liên thấy lo sợ. Không khí trong nhà nặng nề như sắp có tai nạn gì xảy ra. Tích và bà mẹ đương ngồi bàn tán, thấy nàng về ngừng lại, mỗi người ra ngồi một chỗ, nhưng thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nàng. Liên lặng lẽ vào buồng xem con ngủ, rồi ngồi bên mâm cơm nguội để phần. Nàng và vội vàng mấy miếng cơm, cố nuốt cho xong bữa.
Bỗng nhiên bà mẹ chồng lại gần, giọng dịu dàng làm nàng ghê sợ:
- Này cô Liên, thế cô định theo cậu Tâm vào Sài Gòn thật đấy chứ?
Liên giật mình, hoảng hốt đáp:
- Thưa mẹ, ai bảo mẹ thế?
- Lại còn ai bảo nữa. Mà cần gì phải có ai bảo tôi mới biết. Thôi, cô có đi thì cứ thu xếp mà đi đi, đừng ở đấy nữa. Phải, cô thiết gì cái nhà này...
Liên thưa:
- Mẹ nói oan cho con, chứ con đâu dám thế.
Bà mẹ chồng lồng lộn lên, xỉa nói:
- Đừng già mồm nữa, con kia! Có người rõ ràng trông thấy mày đừng nói chuyện với nó buổi sáng nay, còn chối gì nữa, đồ khốn nạn! Này tao bảo thật: mày tưởng mày đi thoát được cái nhà này à?
Bà cụ đay nghiến và diếc móc nàng bằng những lời chua cay. Tích vẫn ngồi trên ghế, yên lặng không nói gì. Liên ứa nước mắt, đặt bát cơm ăn dở xuống chiếu, phàn nàn:
- Mẹ cứ đặt điều cho con mãi. Thật là ác, không cho người ta nuốt trôi miếng cơm nữa.
Nàng nghẹn ngào, buông đũa đứng dậy toan bước xuống dưới nhà. Nhưng có tiếng xô ghế, rồi một bàn tay nắm chặt lấy cổ nàng:
- Mày bảo mẹ tao ác à? Không ác để cho mày tự tiện đi theo trai phải không?
Bàn tay như sắt bóp chặt xoay nàng lại. Liên thấy giáp mặt mình, cái mặt ghê sợ của Tích, hai mắt đỏ ngầu. Cái giận dữ làm tiếng hắn run lên:
- Con đĩ!
Liên thoáng nghĩ đến nét mặt thanh tao của Tâm ban sáng. Nàng khinh bỉ nhìn chồng:
- Buông tôi ra!
Rồi nàng gục xuống dưới những cái đấm, đá nặng nề. Lòng ghen ghét làm Tích khỏe thêm lên. Hắn nghiến răng lại đánh túi bụi. Hắn thấy ghét nàng đến cực điểm. Không phải vì nàng không yêu, mà hắn căm tức. Nhưng nàng lại đi yêu một người khác, như đâm vào lòng tự ái của hắn. Sự ấy không bao giờ hắn tha thứ được.
*
* *

Khi Liên thấy tiếng nói, tỉnh lại, thì đã chiều. Mở mắt, nàng thấy đứa con đứng bên cạnh sợ hãi nhìn nàng. Liên vùng ngồi dậy, lo sợ, vì sực nhớ đã mất buổi làm. Nhưng khi cử động, nàng thấy khắp người đau đớn như dần, và cái quang cảnh buổi trưa lại hiện ra trong trí.
Một sự căm hờn nổi dậy trong lòng nàng; Liên nhớ ra ngày mai Tâm phải đổi Sài Gòn. Sao nàng lại không đi với Tâm được? Ai cấm? Mà tội gì nàng ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế này? Phải đi, đi để thoát nơi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời.
Nhưng đến ngày mai, những điều dự định của Liên tiêu tán cả. Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa, mang theo đi cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nhiêu nỗi đau khổ trỗi dậy ngập lòng. Nàng gục đầu vào chiếc cột sắt rồi òa lên khóc.
Ngày nọ nối tiếp ngày kia. Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở, đau đớn mọi ngày. Cái mộng cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ có thể về nàng được. "
                                                                                                                  Bài viết được lấy từ http://chimviet.free.fr/tienchie/0050thlm/thln058.htm
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.07.2008 17:44:16 bởi Viet duong nhan >
#1
    fye_soul 10.03.2008 17:38:45 (permalink)
    Trở về   Mùa hè năm nay, Tâm và vợ chàng về nghỉ mát ở nhà một người bạn ở vùng thôn quê. Khi người bạn mời thì Tâm nhận lời ngay, vì chàng tính được chỗ nghỉ mát suốt một tháng hè không phải mất tiền, vả lại tiện hơn nữa, chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó.
    Hôm ấy trời nắng mà có gió. Buổi sáng, ăn điểm tâm xong, hai vợ chồng Tâm bắc ghế ngồi ngoài hiên hưởng gió mát. Người bạn Tâm vì có việc đã ra tỉnh từ sớm. Tâm sực nhớ đến việc về thăm nhà, mà từ khi về nghỉ đến giờ, chàng cứ để lần lữa mãi. Chàng nói với vợ:
    - Hôm nay thế nào tôi cũng phải về thăm nhà mới được.
    Vợ đáp:
    - Thế còn tôi, tôi làm gì cho hết ngày hôm nay? Ngồi đây mãi thì chán chết.
    - Độ năm giờ chiều tôi đã về đây rồi.
    Vợ Tâm nũng nịu:
    - Thế thành ra suốt ngày tôi ở đây một mình à? Cậu ích kỷ lắm, chỉ biết nghĩ đến công việc của cậu mà không biết nghĩ gì đến tôi cả.
    Tâm ngẫm nghĩ. Muốn chiều vợ, chàng bàn:
    - Hay là thế này thì tiện nhất. Mợ cùng đi với tôi. Đến ga, chúng ta rẽ vào cao lâu ăn cơm sáng. Rồi mợ đợi tôi ở đấy, tôi về thăm nhà độ một giờ, rồi tôi lại ra ngay.
    Vợ chàng bằng lòng. Hai người đánh xe ô tô nhà đi đến ga xe hỏa cách đấy độ một chục cây số. Đến nơi, hai người dạo chơi phố, rồi vào hàng cơm nghỉ.
    Tâm bảo:
    - Bây giờ mợ đợi tôi ở đây, tôi về thăm bà cụ.
    - Phải đấy, nhưng đừng có ở lâu nhé. Cậu chớ có quên rằng tôi đợi cậu ở đây đấy.
    Tâm mặc áo đi ra, để vợ ngồi trong căn phòng mát mẻ ở hàng cơm. Chàng đi theo một con đường đất đỏ, hai bên toàn cây râm bụt lá xanh thắm.
    Có đến năm, sáu năm nay, Tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giầu có, cũng không cho mẹ biết. Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết non nớt nguệch ngoạc và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến. Sống trong hoàn cảnh giầu sang chắc chắn, Tâm không bao giờ nghĩ đến quê nhà nữa. Hoặc có nghĩ đến, chỉ để lại tự chế giễu mình. Khi còn nhỏ, đã cho cái đời ở thôn quê là giản dị và sung sướng. Chàng mơ màng yêu một cô thôn nữ, và ước mong cùng nhau sống trong cảnh thanh bình dưới một túp lều tranh. Cái mộng ấy, bây giờ làm chàng khi nghĩ đến mỉm cười.
    Không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi. Còn đối với mẹ chàng, Tâm tin rằng đã làm đủ bổn phận khi mỗi tháng gửi về giúp bà cụ một số tiền. Chàng lại càng tin như vậy lắm, khi nghĩ đến những cái khó khăn chàng phải vượt qua để có số tiền ấy. Bao nhiêu sự dối trá chàng phải cần đến để giấu không cho vợ biết!
    Tuy vậy, khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng. Trên đường rải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.
    Một cái cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngẩng đầu lên nhìn; chàng vừa đi vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ. Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen xạm đương chơi khăng ở vệ đường. Khi thấy chàng đi qua, chúng đưa những cặp mắt bẩn thỉu nhấp nháy nhìn, và chùi tay giây bùn vào bắp chân. Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này. Tâm tự phụ vì mình bây giờ đã vượt hẳn được cái bậc nghèo hèn ấy.
    Khi vừa đến sân nhà, Tâm thấy bốn bề yên lặng, không có bóng người. Cái nhà cũ vẫn như trước, không thay đổi, chỉ có xụp thấp hơn một chút và mái tranh xơ xác hơn. Tâm bước qua sân rồi đẩy cái liếp bước vào. Vẫn cái gian nhà mà chàng đã sống từ thuở nhỏ. Tâm cất tiếng gọi. Chàng nghe thấy tiếng guốc đi, vẫn cái tiếng guốc ấy thong thả và chậm hơn trước, rồi mẹ Tâm bước vào. Bà cụ già đi nhiều nhưng vẫn mặc cái bộ áo cũ kỹ như mấy năm về trước.
    Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt:
    - Con đã về đấy ư?
    - Vâng, chính tôi đây; bà vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? Câu nói như khó khăn mới ra khỏi miệng được.
    - Bà ở đây có một mình thôi à?
    Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được.
    Một lát bà mới ấp úng:
    - Vẫn có con Trinh nó ở đây với tôi.
    - Cô Trinh nào? Có phải cô Trinh con bác cả không?
    Tâm nhớ mang máng cái cô con gái bé nhỏ ngày trước vẫn hay chơi với chàng.
    - Tôi tưởng cô ta đi lấy chồng rồi.
    Bà cụ ngồi xuống chiếc phản gỗ đáp:
    - Đã lấy ai đâu. Con bé dở hơi chết đi ấy mà. Cũng đã có mấy đám hỏi, mà nó không chịu lấy.
    Bà cụ lặng yên một lát.
    - Thỉnh thoảng nó vẫn nhắc đến cậu đấy.
    Tâm nhún vai, không trả lời. Tuy ngoài trời nắng mà Tâm thấy bên trong cái ẩm thấp hình như ở khắp tường lan xuống, thấm vào người.
    Bà cụ âu yếm nhìn con, săn sóc hỏi:
    - Năm ngoái bác cả lên tỉnh về bảo cậu ốm. Tôi lo quá, nhưng quê mùa chả biết tỉnh thế nào mà đi, thành ra không dám lên thăm. Bây giờ cậu đã khỏe hẳn chưa?
    Tâm nhìn ra ngoài đáp:
    - Như thường rồi.
    Rồi nói sang chuyện khác, Tâm hỏi:
    - ở làng có việc gì lạ không?
    Bà cụ trả lời:
    - Chả có việc gì lạ sất, ngày nào cũng như ngày nào, nhưng được có con Trinh sang đây ở với tôi nên cũng đỡ buồn. Nó thường vẫn làm giúp tôi nhiều công việc, con bé thế mà đảm đang đáo để, đã chịu khó lại hay làm.
    Có tiếng người đi ở ngoài vườn. Bà cụ ngừng lại:
    - Có lẽ nó về đấy.
    Rồi bà cụ cất tiếng gọi:
    - Trinh đấy phải không, con? Vào đây, có cậu Tâm vừa về chơi.
    Một thiếu nữ lách cửa liếp bước vào. Tâm trông ra thấy một cô gái quê ăn mặc giản dị, nhưng sạch sẽ. Đôi mắt Tâm gặp đôi mắt cô ta, đen láy, mở to nhìn chàng.
    - Cậu Tâm đấy, con không nhớ ư?
    Cô Trinh mỉm cười:
    - Thưa, có ạ, ai chứ cậu Tâm thì quên thế nào được.
    Hình như lỡ lời, cô thiếu nữ cúi mặt, hơi e lệ. Cái cử chỉ ấy, và lời nói đã không làm cho Tâm cảm động, lại làm cho chàng hơi ghét. Cô gái quê mùa tưởng chàng để ý đến chắc? Vì vậy, Tâm cất tiếng hỏi hơi xẵng:
    - Thế nào, cô Trinh còn đợi gì mà không lấy chồng đi cho tôi ăn mừng?
    Thấy thiếu nữ không trả lời, Tâm để ý nhìn. Chàng thấy cô ta không thay đổi, tuy có nhớn lên mà vẫn là cái cô bé chơi đùa với chàng thuở còn nhỏ. Tâm nhận thấy, ở thôn quê, người ta không thay đổi mấy, và tính tình vẫn giữ được y nguyên. Nhưng chàng, thì chàng thay đổi khác hẳn rồi. Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng và cảnh cũ nữa. Bây giờ, chàng không khi nào có cái ý tưởng điên rồ đi lấy một cô gái quê như Trinh để sống một cái đời tối tăm, nghèo khổ.
    Tâm lơ đãng nghe lời mẹ kể về những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở làng. Chàng dửng dưng không để ý đến. Con bác cả Sinh lấy vợ, hay chú bác ta chết thì có quan hệ gì đến chàng? Cái đời ở thôn quê với cái đời chàng, chắc chắn, giàu sang, không có liên lạc gì với nhau cả.
    Câu chuyện nhạt dần. Những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng chỉ làm cho Tâm khó chịu. Chàng trả lời qua loa lấy lệ.
    Nghĩ đến vợ đợi, Tâm vội vàng đứng dậy. Bà cụ nhìn theo khẩn khoản:
    - Cậu hãy ở đây ăn cơm đã. Đến chiều hãy ra.
    - Thôi, bà để tôi về. Độ này bận công việc lắm.
    Tâm lại an ủi:
    - Nhưng thế nào có dịp tôi cũng về.
    Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc năm đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:
    - Đúng hai chục: bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu, tôi lại gửi về cho.
    Bà cụ run tay đỡ gói giấy bạc, rơm rớm nước mắt.
    Tâm làm như không thấy gì, vội vàng bước ra:
    - Thôi, bà ở lại. Chào cô Trinh nhé. Bảo tôi có nhời hỏi thăm tất cả họ hàng.
    Ra đến ngoài, Tâm nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận.
    Khi Tâm bước vào hàng cơm, vợ chàng vui mừng lộ ra nét mặt, vì không ngờ chàng về chóng thế. Trời hãy còn sớm. Hai vợ chồng rủ nhau đi ngắm cảnh đợi đến chiều mát sẽ đi ô tô về hứng gió.
    Hai người đi quanh quẩn trong phố, nhìn những cửa hàng nước tiều tụy của ta và những hiệu lớn của người Khách. Mặt trời xế ngang chiếu ánh nắng lóe vào mắt, và giải vàng lên trên những mái nhà tranh. Chợ đã vãn: những người đàn bà gồng gánh sắp ra về, trên mặt đất đầy những rác bẩn, những vỏ dưa, những lá gói. Một cái mùi âm ấm bốc lên, cái mùi đặc biệt, hình như lẫn mùi đất, mùi ẩm, và mùi rác đốt. Tâm nhớ lại rõ rệt những ngày còn trẻ.
    Bỗng nhiên, Tâm giật lùi lại: một bà cụ già khom lưng dựa bên một cô con gái, đi ra phía ga. Tâm nhận ra bà mẹ. Có lẽ bà cụ muốn được trông thấy con lần nữa. Chắc bà tưởng Tâm đi xe hỏa. Chàng lộ vẻ khó chịu - Bà cụ còn ra đây làm gì? Tâm sợ lúc bà cụ lại khóc lóc, để cố giữ chàng lại hay nắm lấy áo chàng mà kể lể giữa chỗ đông người. Chàng tưởng nghe thấy những câu bình phẩm to nhỏ, và trông thấy những cái mỉm cười chế giễu của mọi người. Vợ chàng sẽ nói thế nào?
    - Thôi, chúng ta về ngay đi.
    Tâm nói như người sốt ruột, giật cánh tay vợ rảo bước mau.
    Đợi bà cụ đi khuất đầu phố, Tâm và vợ trở lại nhà hàng trả tiền, rồi đánh xe ra ngoài. Máy chạy đều, cái xe êm như ru bắt đầu lướt trên đất.
    Khi đến chỗ quặt qua ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Trong một giây, Tâm thấy cặp mắt đen láy của cô gái quê mở to ngạc nhiên nhìn mình.
    Tâm không ngoảnh lại - chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm, như có một cái bờ ngăn cản: xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ.
    Phong cảnh đồng ruộng hai bên đường vùn vụt trốn lại sau như càng làm xa cách chàng với cảnh thôn quê cũ.
                              Bài viết được lấy từ http://chimviet.free.fr/tienchie/0050thlm/thln053.htm
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9