Chợ cưới Tam Lộng
Barbiegirl 05.08.2003 23:21:06 (permalink)

Cô dâu người Dao.


Chợ cưới Tam Lộng (Phú Thọ) chỉ trở nên đặc biệt vào ngày phiên cuối cùng trong năm - 25 tháng Chạp. Khi đó, những thanh niên nam nữ người Dao có thể công khai mối tình thầm kín của mình. Nếu cuộc đính ước của họ được ông bà, cha mẹ thừa nhận thì từ sau phiên chợ đó, họ không được gặp nhau hay trò chuyện riêng cho đến tận ngày cưới.

Thanh niên nam nữ Thái mong mỏi ngày hội tung cầu thế nào thì trai gái Dao chờ đợi ngày chợ tết Tam Lộng như vậy.

Chợ họp trên một khu đất khá rộng thuộc xã Tam Lộng, tỉnh Phú Thọ. Những ngày khác trong năm, chợ không có gì lạ hơn các chợ cửa rừng, chỉ là nơi trao đổi hàng hóa giữa đồng bào Kinh - Thượng. Riêng ngày 25 tháng Chạp mỗi năm, phiên chợ Tết này đặc biệt đã biến thành phiên chợ để những mối tình thầm kín giữa các thanh niên nam nữ Dao trong vùng được công khai thừa nhận.

Những người sống ở bản xa chợ phải rủ nhau đi từ hôm trước, vì chợ chỉ họp từ lúc mặt trời lên khỏi ngọn tre đến xế chiều đã tan rồi.

Họ lũ lượt từng hàng theo nhau kéo đến từ mọi nẻo đường rừng núi. Cùng đi với các cậu, các cô bao giờ cũng có các cụ già. Các cụ đi theo con cháu trước là để chính thức thừa nhận dâu rể tương lai, sau là để được ôn lại những kỷ niệm xa xưa ngày nào.

Có được đứng ngắm các cô sơn nữ trong cảnh tưng bừng như vậy mới thấy hết cái đẹp của họ: cô nào cũng có xiêm áo mới; yếm mầu sặc sỡ; chân, tay, cổ đeo vòng bạc, cái bé chồng cái lớn, lẻng kẻng tranh đua với tiếng cười tiếng nói, lấp lánh thi ánh với những khóe mắt sáng ngời.
Attached Image(s)
#1
    Barbiegirl 05.08.2003 23:25:03 (permalink)

    Lễ đón dâu của người Dao.


    Có những cô nàng phải mất năm, sáu tháng để tự dệt lấy chiếc áo mà cô mặc hôm đi chợ cưới! Có những chàng trai phải gắng gỏi đi rừng tìm mật, tìm mây cả năm để có thể dành đủ tiền mua tặng người bạn đính ước một bộ xà tích bằng bạc!

    Họ chuyện trò vui vẻ, mời mọc nhau ăn uống, rồi trao nhau kỷ vật, để rồi khi trời tà bóng xế, đôi bên chia tay, mỗi người mỗi ngả về chuẩn bị ngày hợp hôn. Các cụ cũng theo con cháu ra về, sau khi thỏa thuận với nhau những chi tiết về lễ vật, về ngày giờ hỏi cưới.

    Các cô, các cậu tha thiết với ngày chợ cưới không những vì ngày đó đã chính thức hóa mối tình thầm kín của họ, mà còn một lý do khác nữa: đấy là cơ hội cuối cùng để các cô, các cậu gặp nhau trò chuyện trước khi thành vợ thành chồng. Từ sau ngày đi hỏi, tục lệ bắt đôi bên không được phép gần nhau chuyện trò nữa, dù có gặp nhau giữa đường cũng phải nhìn đi nơi khác. Trước kia, khi chưa ăn hỏi, các cô, các cậu tha hồ hò hẹn, nhưng khi đã ăn hỏi rồi thì nhất định không được chuyện trò với nhau nữa dù là vụng trộm ở ven suối, trong rừng hay khi đêm tối không ai biết. Thời gian có khi kéo dài hàng năm, có khi năm, sáu tháng, tùy sự thỏa thuận giữa đôi bên cha mẹ.

    Phong tục bắt như vậy, nếu trái sẽ bị chê cười, và họ tin rằng nếu chuyện trò sau khi ăn hỏi, cuộc tình duyên đôi lứa sau này sẽ gặp nhiều điều không hay.

    Không hiểu tục lệ này có từ đời nào, nhưng nếu suy xét kỹ một chút thì thấy rằng, xưa kia ông bà tổ tiên người Dao đã rất tâm lý! Cho phép trai gái tự do tìm hiểu nhau, nhưng khi đã hiểu nhau và quyết định lấy nhau rồi thì cấm gặp nhau trong một thời gian để ngày cưới mối tình thêm thắm thiết! Nếu không có chuyện cấm đoán đó, biết đâu sau khi hiểu nhau và được công khai thừa nhận rồi, đôi trai gái ấy lại không đợi phải cưới nhau theo nghi lễ nữa?
    Attached Image(s)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9