Bàn luận về bài thơ
CHỮ “HOA” TRONG TÂY TIẾN
Sau khi đọc bài “Chen ngang một chữ “hoa” trong Tây tiến của Võ Minh (THT 486), tôi rất cảm phục và có phần đồng cảm về những suy nghĩ riêng của tác giả bài báo. Anh không phụ thuộc về cách hiểu chữ “hoa” trong Tây tiến của những giáo sư, tiến sĩ ở các tài liệu tham khảo. Anh cũng đưa ra một cách cảm thụ hợp lý về thơ văn: “Cái đẹp bắt nguồn từ cái đúng, có từ trong cái đúng. Nói chính xác là cái đúng được phản ánh qua nói và viết bằng sự biểu cảm tinh tế, tài hoa một cách rất văn học thì đạt đến cái đẹp văn chương”. Từ quan niêm đó, Võ Minh đã lý giải hợp lý chữ “hoa” trong câu thơ Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa: “ Chủ thể “hoa” ở đây là biểu trưng, là hình ảnh nhằm biểu đạt những ngọn đuốc bừng lên trong đêm hội như cả một vùng hoa nở giữa núi rừng về đêm vậy”.
Tuy nhiên, anh lại có phần mâu thuẫn với quan niệm đúng đắn trên khi lý giải về hai chữ “hoa” còn lại trong bài. Nói về chữ hoa trong câu thơ Mường Lát hoa về trong đêm hơi, Võ Minh quá thật thà khi dùng những hiểu biết của mình về địa hình vùng Bắc, Trung Lào làm cơ sở: “Bối cảnh của bài thơ Tây tiến, Quang Dũng viết về mùa gió rét thì ở Lào tuyệt nhiên không có hoa, càng không thể có “hương hoa lan toả” vào cái đêm cóng giá ấy được”. Cả bài thơ Tây tiến chẳng những không có một tín hiệu ngôn ngữ nào khẳng định Qung Dũng viết “về mùa gió rét” mà Mường Lát đâu phải là địa danh ở Lào? Vả lại, không thể khẳng định hiện thực không có hoa thì trong thơ sẽ không có hoa. Điều quan trọng ở đây là cảm xúc của thi nhân có hoa hay không. Thơ sẽ nở hoa, thậm chí hoa rất thơm ngay cả trong tù ngục: “Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình” (Cảnh chiều hôm-Hồ Chí Minh). Biết bao áng thơ ca không “viết đúng” mà vẫn xao xuyến lòng người, thậm chí sống mãi với thời gian. Chẳng hạn, mùa thu Việt Nam chỉ se lạnh và thỉnh thoảng có từng đột gió heo may thế mà đầu thu Xuân Diệu đã thấy: ‘Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngang hàng” và nghe “ rét mướt luồn trong gió” (Đây mùa thu tới). Hoặc những năm 60 của thế kỷ trước, chưa có đường tàu lên Tây Bắc nhưng Chế Lan Viên vẫn viết Tiếng hát con tàu. Do đó, chúng ta muốn hiểu chữ “hoa” trong câu Mường Lát hoa về trong đêm hơi cần phải đặt nó trong thế đối lập với Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi. Đó là những nét hào hoa và hào hùng của những chàng trai Hà Thành “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Dù vừa trải qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng họ vẫn mơ mộng, bay bổng khi “hoa về trong đêm hơi”. Vì thế, không nhất thiết là hoa rừng hay “ẩn dụ về người con gái” mà chỉ mang tính tượng trưng cho cái đẹp, cái êm ái, nhẹ nhàng. Thêm nữa, xét trong cấu trúc cú pháp: “Mường Lát hoa về…” càng không thể nói “hoa” là cô gái Mường Lát được.
Chữ “hoa” thứ ba trong bài được Võ Minh đồng nhất với người con gái chèo thuyền: “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa thì hình ảnh người lái con đò độc mộc ở câu trên đích thực là cô gái (…). Đặc điểm đi thuyền độc mộc trên dòng lũ phải đứng (có thể mất thăng bằng bị ngã nhưng phải ngã ngồi ở trong thuyền). Và để đỡ khỏi ngã, người lái phải đong đưa thân mình theo nhịp dập dềnh của con đò. Đong đưa của Quang Dũng xuất phát từ hình ảnh thật ấy! Cành hoa chỉ có thể đong đưa theo dòng nước khi là suối, khe róc rách chảy chứ khi là dòng nước lũ thì dẫu có cả mảng hoa trong đó con người cũng khó mà nhận thấy nổi”. Lý luận như thế là theo lẽ thường, từ “kinh nghiệm sự thật” chỉ phù hợp với các ngành khoa học mang tính chính xác còn văn nghệ khám phá các “kinh nghiệm quan hệ” thông qua sự cảm nhận, nhào nặn, tưởng tượng, hư cấu của người nghệ sĩ. Nếu bình giá văn chương mà đứng trên góc độ xã hội học xem nó có phản ánh đúng hiện thực hay không thì còn đâu là văn chương? Nhiều câu thơ tài hoa, tài tình như: Nắng xuống trời lên sâu chót vót, Củi một cành khô lạc mấy dòng (Tràng Giang-Huy Cận), Ngoài thềm rơi cá lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiên (Đêm Côn Sơn-Trần Đăng Khoa)… sẽ sao đây? Vì thế, muốn hiểu và cảm nhận được hình ảnh “hoa đong đưa” phải đặt nó trong cảm hứng lãng mạn của bài thơ. Súng có thể “ngửi trời”, tiếng khèn dìu dặt có thể chở hồn phiêu diêu đến tận Viên Chăn-thủ đô nước Lào “xây hồn thơ” thì dòng nước lũ có là sá gì mà hoa không “đong đưa” được! Cái hay của đoạn thơ là cảnh Tây Bắc trong con mắt người lính Tây tiến có sự hoà quyện giữa thiên nhiên và con người: có lau, có hoa, có dáng người trên độc mộc. (Bài đã đăng Tài hoa trẻ số 490/2007)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2008 20:18:10 bởi Thanh Công >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: