Một Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh!
Là một ngôi chùa nhưng lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ em nô đùa, tiếng những cụ già trò chuyện bên khay trầu cho khuây khỏa nỗi buồn của tuổi xế chiều. Tại địa chỉ 392/1 Kinh Dương Vương phường An Lạc quận Bình Tân, chùa Từ Hạnh trở thành nơi nương tựa của những mảnh đời kém may mắn, những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi hay những cụ già neo đơn.
Ngôi nhà chung của nhiều số phận
Con đường đến với chùa Từ Hạnh của mọi người không ai giống ai, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng cùng là những câu chuyện đẫm nỗi buồn và nước mắt. Sư trụ trì chùa Thích Nữ Như Diệu cho biết, các em nhỏ được nuôi dưỡng tại chùa phần lớn bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, có em cha mẹ nghèo quá nuôi không nổi nên gửi chùa nuôi giúp.
Nhiều em bị bỏ trước cổng chùa khi mới 1, 2 ngày tuổi, được các sư cô bế vào chùa nuôi nấng. Các sư kể, các bé thường bị mẹ bỏ lúc đêm khuya, nếu các sư nghe được tiếng khóc thì bế vào ngay trong đêm. Có bé sáng ra mới thấy, lúc đó đã bị kiến bu khắp người, da thịt lạnh ngắt. Bế bé vô các sư phải sưởi ấm, pha sữa nóng cho bé uống, chăm chút từng tý vì lúc này sức của bé rất yếu.
Cũng có hoàn cảnh cá biệt, cả mẹ lẫn con cùng vào chùa để nương náu. Chị Mùi quê ở Đồng Nai cùng 4 con vào chùa sống hơn 2 năm rồi. Chị vô đây để cho các con có chỗ ăn ở, học hành, còn chị làm công quả, giúp chùa chăm sóc các cháu. Chị kể khi chồng chị mất vì bệnh ung thư, một mình chị vật lộn với cuộc sống để nuôi 4 con. Đến khi sức cùng lực kiệt vì bệnh tật mà lại lao lực quá sức, ở Đồng Nai không còn nơi nào nương tựa, chị đã nghĩ đến cái chết. Nhưng nghĩ lại: “Mình chết thì ai nuôi con, chúng nó sẽ ra sao?” chị lại gượng dậy.
Một hôm nghe người ta mách, chị cùng các con tìm đến chùa Từ Hạnh. “Từ đó đến giờ, 5 mẹ con không phải ngày đêm lo lắng ngày mai mình lấy gì để ăn, làm sao mà sống cho qua ngày”, chị Mùi nghẹn ngào. Còn chị Khoa quê tận Phan Thiết cũng vào chùa gần 1 năm nay cùng 2 con. Chị bị chồng bỏ, gia đình bên nội lại không nhận các cháu. Chị dắt các con vô TPHCM làm thuê kiếm sống, một mình làm quần quật chị cũng không thể nuôi nổi 3 mẹ con ở nơi thành phố đắt đỏ này. Nhìn các con không được học hành, sống cuộc sống lay lắt mà lòng người mẹ đau quặn thắt. Năm ngoái chị nghe nói đến chùa Từ Hạnh, thế là chị đánh liều đến xin sư cô cho ở. 2 con chị được học chữ ở lớp tình thương do chùa mở, chị phụ giúp chùa chăm nom các cháu.
Các cụ già sống ở chùa hầu hết đều neo đơn, hoặc có con thì chúng cũng nghèo quá nuôi không nổi. Bà Hai (78 tuổi) là người ở thành phố này, có một con nhưng “con không thể nuôi nổi nên mẹ phải nương tựa cửa chùa”. Trước kia khi còn sức khỏe, bà bán nước ở lề đường, tối mắc võng ở công viên mà ngủ. Có một cô gái thấy vậy dắt bà vô chùa gửi, hàng tháng cô gái ấy vẫn đến thăm bà thường xuyên. Trong suốt câu chuyện, bà rất ít nhắc đến người con, có nhắc thì cũng biện minh cho núm ruột của mình. Trước kia còn khỏe, bà cũng giúp các sư chăm sóc cho các cháu, nhưng giờ già yếu bệnh tật chỉ nằm một chỗ. Tất cả 16 cụ đang sống tại chùa đều tự tìm đến xin ở hoặc có người vì thương hoàn cảnh các cụ mà dẫn vô nhờ các sư cô chăm sóc giúp.
Những ước mơ không thành hiện thực
Trong chùa Từ Hạnh hiện có 54 trẻ em sinh sống, lớn nhất đã được 18 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi. Các em nhỏ chưa biết gì thì hồn nhiên vui chơi, nô đùa cùng các bạn, tranh giành nhau từng viên kẹo. Với các em, được vui chơi, ăn uống, học hành… là sung sướng rồi. Những tâm hồn ngây thơ, bé bỏng chưa biết gì có khi lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất.
Đến khi lớn lên một chút, bắt đầu biết nhận thức về cuộc đời thì các em lại thắc mắc “Cha, mẹ con ở đâu?”, lúc đó các sư cô chỉ còn biết quay mặt đi hướng khác, tránh cho các em thấy những giọt nước mắt chực rơi. Có em may mắn được cha mẹ quay lại nhận con, nhưng có em không bao giờ biết cha mẹ mình là ai.
Nhìn những bạn may mắn ấy, các em chỉ còn biết tự an ủi bản thân là mình không chỉ có một mẹ mà có rất nhiều mẹ. Mẹ của các em là những sư cô đã nuôi dưỡng các em nên người. Vô chùa, các em có tên có họ, có giấy khai sinh (lấy theo họ của Sư trụ trì), được học hành, “như thế tụi con cũng còn may mắn hơn nhiều trẻ em khác rồi”, em Thu (11 tuổi) bộc bạch. Nhiều em cũng nuôi ý định khi thành người sẽ đi tìm cha mẹ, nhưng đó sẽ là hành trình gian nan vì biết đâu mà tìm. Mỗi em đều mơ ước được mẹ tới thăm một lần nhưng đó chỉ mãi là giấc mơ, khó thành hiện thực.
Những cụ già chẳng mong chi hơn nữa, “có được chỗ để nương tựa lúc tuổi già là mừng lắm rồi, cần gì hơn nữa”, bà Sáu nói. Bà không có con cái, họ hàng nên nói thế. Chứ cụ nào có con mà chẳng mong một ngày chúng nó khấm khá hơn, có thể đón các cụ về sum họp một nhà. Ngày đó với các cụ, có lẽ còn xa lắm!
Tất cả vì chữ thiện, vì tình người
Chùa Từ Hạnh trước kia vốn là cô nhi viện, giải thể từ năm 1975. Đến năm 1999, Sư Thích Nữ Như Diệu mới bắt tay xây dựng lại chùa trên nền cô nhi viện cũ và bắt đầu nuôi trẻ mồ côi, phụng dưỡng các cụ già không nơi nương tựa. Chăm sóc cho các em nhỏ đòi hỏi phải chịu khó, nhất là khi các bé đau ốm, khóc cả đêm không chịu ngủ, vậy là các ni cô phải thức theo chúng, dỗ dành chúng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của những đứa trẻ khác.
Ngoài các sư cô, còn có chị Nghiêm (48 tuổi, quê Hậu Giang), không chồng con, đã gần 7 năm chăm sóc cho các cháu tại chùa; bà Hai ( 62 tuổi, quê Cà Mau) lên chùa hơn 8 năm rồi, còn khỏe nên làm bà nội của hơn 50 đứa trẻ, hàng ngày trông nom, bảo ban chúng… các sư cô một buổi đi học, một buổi dạy cho các em học chữ, học may. “Bọn trẻ chỉ là những sinh linh vô tội, đáng thương, chúng cần được làm người như bao đứa trẻ khác. Sư chỉ tiếc là không thể cưu mang hết những số phận kém may mắn…”, sư cô Như Diệu bày tỏ tâm sự.
Nam mô a di đà phật đệ tử Diệu Thanh lòng thành cảm ơn Sư Thích Nữ Như Diệu đã cho phép đệ tử được viết bài này...
Mong nhận những tấm lòng hảo tâm đóng góp ,địa chỉ chùa Từ Hạnh 392/1 Kinh Dương Vương phường An Lạc ,quận Bình Tân.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2008 15:12:47 bởi Ngày Xưa Tím >