Tây Tạng dưới sự trấn áp của Trung Cộng
Ngọc Lý 14.03.2008 22:58:12 (permalink)
Tây Tạng dưới sự trấn áp của Trung Cộng
 Tẩy chay Olympics Bắc Kinh để phản đối Trung Cộng  
 

Công an Trung Quốc bắn chết 2 người biểu tình Tây Tạng
RFA - 2008.03.14


http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/14/vnews031408am.mp3
Tải xuống để nghe

Tin tức mới nhất mà Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi vừa nhận được cho biết những cuộc biểu tình đòi độc lập của người dân Tây Tạng tiếp tục diễn ra ngay tại thủ phủ Lhasa.

Một nhân chứng có mặt tại chỗ cho biết các cuộc biểu tình đã lan tràn khắp nơi tại Lhasa, đồng thời xáo trộn cũng đã xảy ra, khi những người biểu tình nổi lửa đốt xe và một số cửa tiệm trong thành phố.

Tin tức cũng cho thấy bất chấp áp lực đến từ phía công an, khoảng từ 300 đến 400 nhà sư Tây Tạng cũng đã rời tu viện tiếp tục cuộc tuần hành phản đối chính quyền Trung Quốc.

Cũng có tin nói đã có một số nhà sư bị bắt, nhưng chưa rõ là bao nhiêu người. và theo những nguồn tin đáng tin cậy, Ðài chúng tôi được biết có ít nhất 2 người Tây Tạng bị công an Trung Quốc nổ súng bắn chết.

Từ Luân Ðôn, Bộ ngoại giao Anh cũng nói đã có báo cáo nghe được tiếng súng nổ.

Các cuộc biểu tình đã xảy ra từ đầu tuần này, đánh dấu 50 năm ngày khởi nghĩa bất thành của nhân dân Tây Tạng, khi họ đứng lên đánh đuổi Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ của họ.

Nhiều người Tây Tạng bị bắt giữ

Mặt khác, tin từ Ấn Ðộ cũng cho biết cảnh sát đã bắt giữ khoảng 100 người Tây Tạng, khi toán người này đang thực hiện cuộc tuần hành đi từ thành phố Dharmshala về lại quê hương của họ.

Cách đây chùng nửa tiếng đồng hồ, qua những lời lẽ được xem là cứng rắn nhất từ trước đến giờ, Nhà Trắng đã lên tiếng bày tỏ quan tâm đến những diễn biến đang xảy ra, kêu gọi chính phủ Bắc Kinh phải tôn trọng nền văn hóa của người dân Tây Tạng, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ phải thật thận trọng khiđến Tây Tạng trong lúc này.

Một viên chức hành pháp còn nói nhận được tin có hàng chục người bị thương khi xô sát với công an.
Các nước EU cũng đã lên tiếng đòi hỏi Trung Quốc phải bình tĩnh, đồng thời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng đã bày tỏ mối lo âu trước những sự việc đang xảy ra với người dân của Ngài.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/14/Chinese_Police_Fire_on_Rioting_Tibetan_Protesters_in_Lhasa/





Bạo động bùng phát ở thủ đô Tây Tạng
VOA - 14/03/2008


Bạo động xảy ra hôm nay ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng và những đám cháy đã bùng ra ở trung tâm thành phố giữa lúc có những vụ biểu tình từ đầu tuần này để chống lại quyền cai trị của Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA tường thuật rằng những vụ xuống đường hiếm khi xảy ra ở Tây Tạng dường như đang leo thang cường độ.



Xe cộ bị đốt cháy trên đường phố thủ đô LhasaNhững người mục kích sự việc cho biết hỏa hoạn đã xảy ra tại ít nhất một ngôi chợ trên đường Barkor ở Lhasa, gần tu viện Jokhang mà những người Phật giáo Tây Tạng xem là một trong các địa điểm thiêng liêng nhất. Nhiều chiếc xe hơi cũng đã bị đốt. Tân Hoa Xã cho biết bạo động đã gây thương tích cho một số người.

Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã gởi e-mail để khuyến cáo các công dân Mỹ tránh tới Lhasa vì có những vụ nổ súng và những vụ bạo động khác. Những mối căng thẳng ở thủ đô Tây Tạng đã gia tăng từ vài ngày qua trong lúc hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát phong tỏa 3 tu viện lớn nhất ở thành phố này.

Cuộc biểu tình lớn nhất Tây Tạng trong vòng gần 20 năm đã bắt đầu hôm thứ hai, khi các nhà sư tìm cách thực hiện một cuộc tuần hành để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 49 ngày khởi nghĩa bất thành để chống lại sự cai trị của Trung Quốc.

Ông Jan Willem den Besten, một giới chức của Phong trào Quốc tế cho Tây Tạng ở Âu Châu, cho rằng vụ bạo động này có thể là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng của người Tây Tạng đối với Trung Quốc.




Mọi cặp mắt trên thế giới đang đổ dồn về Trung Quốc trong lúc sắp đến ngày khai mạc Thế vận hội Bắc KinhÔng Besten nói: "Điều này phản ánh sự chán ngán của người dân và cũng cho thấy rằng dân chúng ở đây hiểu được rằng mọi cặp mắt trên thế giới đang đổ dồn về Trung Quốc trong lúc sắp đến ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Vì vậy, dân chúng nhân cơ hội này để bày tỏ sự bất mãn về tình hình Tây Tạng, là nơi nằm dươí sự kiểm soát vô cùng nghiêm nhặt trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 10 năm gần đây."

Ông Den Besten nói thêm rằng những cuộc biểu tình phản kháng còn có một mục tiêu khác là chứng tỏ cho thế giới thấy rằng cuộc vận động đòi tự trị của Tây Tạng không hề bị suy tàn. Tuy nhiên, ông tỏ ý lo ngại về phản ứng của Trung Quốc.

Ông Besten nói: "Có điều rất rõ ràng là chúng tôi vô cùng lo ngại về việc những người biểu tình sẽ bị đàn áp thô bạo. Tôi cũng phải thừa nhận rằng trong vài năm qua phản ứng của cảnh sát Trung Quốc tương đối hòa hoãn. Hiện giờ thì chúng tôi rất lo ngại về việc mức độ trấn áp sẽ gia tăng."

Hồi đầu tuần này, phát ngôn viên Tần Cương của bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng cuộc tuần hành hôm thứ hai của các nhà sư Tây Tạng là một hành động bất hợp pháp.

Theo lời ông Tần Cương, nhân viên công lực và nhân viên tư pháp sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh lâu nay vẫn nhất mực cho rằng Tây Tạng là lãnh thổ bất khả phân của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người Tây Tạng nói rằng phần đất vùng Hi Mã Lạp Sơn này đã ở trong tình trạng hầu như độc lập hoàn toàn trong nhiều thế kỷ. Họ cũng tố cáo rằng Trung Quốc âm mưu hủy diệt nền văn hóa của Tây Tạng.
Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu sống lưu vong sau cuộc khởi nghĩa bất thành hồi năm 1959. Trong những năm gần đây ông đã tìm cách điều đình với giới hữu trách Trung Quốc để giành quyền tự trị cho Tây Tạng.

http://www.voanews.com/vietnamese/2008-03-14-voa18.cfm




Phóng hỏa ở Tây Tạng

Tin BBC 14/03/2008



Các nhà sư bắt đầu biểu tình trên đường phố Lhasa từ hồi đầu tuần

Truyền thông Trung Quốc đưa tin tại thành phố Lhasa của Tây Tạng, một số đám cháy đã bùng lên trong lúc đang có các cuộc biểu tình hiếm hoi trên đường phố.


Hãng tin Tân Hoa Xã nói nhân chứng mô tả các cửa hàng bị phóng hỏa.

Các cuộc tuần hành của sư sãi vẫn đang tiếp tục diễn ra trong tuần. Các nhóm vận động nói đây là đợt biểu tình lớn nhất chống lại sự cai trị của Bắc Kinh từ 20 năm qua.

Một nhân chứng nói với BBC về các vụ đụng độ giữa sư sãi và các lực lượng an ninh hôm Thứ Tư, trong đó có một số nhà sư bị đánh đập.

Cũng hôm Thứ Sáu, các tường thuật đưa tin nhân chứng cùng một tổ chức nhân quyền nói các lực lượng an ninh đã bao vây ba tu viện tại Lhasa.

Các nhân chứng nói cảnh sát đã có mặt tại tu viện Drepung và tu viện Sera. Tổ chức Vận Động Vì Tây Tạng (ICT) có trụ sở tại Hoa Kỳ nói tu viện thứ ba, Ganden, cũng bị bao vây.

Các quan chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh nói với hãng tin AP rằng các công dân Mỹ báo tin có súng nổ và biểu tình tại Lhasa.

Bắc Kinh nói họ có chủ quyền đối với Tây Tạng, nhưng nhiều người địa phương vẫn trung thành với lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, người đã rời bỏ khu vực từ năm 1959 và hiện đang sống lưu vong tại Ấn Độ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/03/080314_tibet_shopfires.shtml





Lính TQ bao vây chùa Tây Tạng

 Tin BBC 14/03/2008



Có tin nói hàng trăm nhà sư đã tham gia biểu tình

Lực lượng an ninh Trung Quốc đã bao vây ba tu viện Phật giáo tại thành phố Lhasa, Tây Tạng, sau các cuộc biểu tình hồi đầu tuần.


Các nhân chứng và các nhóm đấu tranh nhân quyền cho hay cảnh sát đã tới các tu viện Drepung và Sera vào hôm thứ Năm. Tu viện thứ ba, Ganden, cũng đang bị bao vây.

Việc này đã xảy ra sau khi có ít nhất hai cuộc biểu tình chống lại sự cai quản của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Chính quyền Trung Quốc đã phải thừa nhận là có biểu tình trhế nhưng nói tình hình đã được ổn định trở lại.

Việc kiểm chứng thông tin về Tây Tạng rất khó khăn vì phóng viên nước ngoài khó có thể tiếp cận khu vực này.

Theo các tổ chức nhân quyền hải ngoại, các cuộc biểu tình mới rồi là thuộc vào dạng lớn nhất ở Tây Tạng trong 20 năm nay, và đã lan tỏa từ Lhasa ra các vùng phụ cận.

Phản đối ách thống trị

Các cuộc biểu tình bắt đầu từ hôm thứ Hai khi người Tây Tạng trên khắp thế giới kỷ niệm 49 năm cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của Trung Quốc.

Các tin chưa được kiểm chứng nói khoảng 600 nhà sư từ các tu viện Drepung và Sera đã tham gia tuần hành hòa bình hôm thứ Ba và cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán.

Ngoài ra cũng có tin chưa được kiểm chứng nói rằng đã có nhà sư bị bắt giữ và một số sư sãi ở Sera đang tuyệt thực.



Theo tổ chức Phong trào vận động Quốc tế vì Tây Tạng, trụ sở tại Hoa Kỳ, ba tu viện Phật giáo lớn nhất Lhasa nay "đóng cửa và bị cảnh sát bao vây".

Một người không rõ danh tính ở bên trong tu viện Sera nói với hãng Associated Press rằng tu viện này đang bị "nhiều người vây quanh".

Một người dân Lhasa khác thì nói rằng tu viện Drepung monastery bị "ba tầng" lính gác.

Đài Châu Á Tự do đặt tại Mỹ cũng nói hai vị sư đang trong tình trạng hiểm nghèo sau khi tự vẫn không thành.

'Ổn định'

Nhà chức trách Trung Quốc hôm thứ Năm đã lên tiếng về các cuộc biểu tình tại Tây Tạng, được tiến hành cùng lúc với một số cuộc tại Ấn Độ và Nepal.

Người Phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: "Trong những ngày gần đây, một số nhà sư ở Lhasa đã gây rối nhằm tạo bất ổn định".

"Nhờ có nỗ lực của chính quyền địa phương và ban lãnh đạo dân chủ của khối Phật giáo, tình hình tại Lhasa đã ổn định trở lại."

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với Tây Tạnng, nhưng nhiều người dân ở đây vẫn trung thành với lãnh tụ tinh thần của họ, đức Dalai Lama, người đã rời khỏi Tây Tạng năm 1959 và hiện sống lưu vong ở Ấn Độ.

Nếu tình hình phản kháng ở Tây Tạng gia tăng thì đây sẽ là mối lo cho Bắc Kinh ngày trước thềm Thế vận hội.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/03/080314_china_tibet.shtml






Đức Đạt Lai Lạt Ma và các Lãnh đạo thế giới kêu gọi Trung Quốc tự chế
VOA - 14/03/2008




Đức Đạt Lai Lạt Ma Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cùng với các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tự chế sau khi xảy ra những vụ bạo động trong cuộc biểu tình ở Tây Tạng.
 
Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra một thông cáo nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc nên ngưng sử dụng sức mạnh và thông qua đối thoại để giải quyết những sự bất mãn tích lũy trong nhiều năm của người dân Tây Tạng.

Ông nói thêm rằng những vụ phản kháng bắt đầu từ đầu tuần này là sự biểu lộ của nỗi bất bình của người Tây Tạng đối với quyền cai trị của Trung Quốc.

Hoa Kỳ, Anh và các nước khác ở Châu Âu đã bày tỏ quan tâm trước các tin tức về bạo động.

Tại Washington, Tòa Bạch Ốc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng văn hóa Tây Tạng, và lập lại yêu cầu đòi Trung Quốc tiến hành một cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu cũng kêu gọi Trung Quốc tự chế và tôn trọng nhân quyền.

http://www.voanews.com/vietnamese/2008-03-14-voa19.cfm






Công an Trung Quốc bắn hơi cay giải tán cuộc biểu tình của sư sãi Tây Tạng
RFA - 2008.03.12


http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/12/vnews031108pm.mp3
Tải xuống để nghe




Cùng với cuộc tuần hành ở thủ phủ Lhasa, người Tây Tạng khắp nơi cũng tổ chức biểu tình trước các tòa đại sứ TQ. Hình: một vi sư Tây Tạng bị cảnh sát Nepal bắt giữ trước Tòa đại sứ Trung Quốc hôm 11-3-2008. AFP PHOTO.


Cảnh sát vũ trang Trung Quốc hôm thứ Ba 11-3 đã bắn hơi cay để giải tán hàng trăm sư sãi Tây Tạng trong một cuộc biểu tình ở khu vực gần thủ phủ Lhasa.

Một nhân chứng cho Ban Tây Tạng Đài Á Châu Tự Do hay rằng có đến khoảng 2 ngàn nhân viên An ninh Trung quốc ra tay trấn áp sau khi đoàn sư sãi, từ 500 đến 600 người, xuống đường hô to các khẩu hiệu đòi tự do, độc lập cho đất nước và nhân dân Tây Tạng đồng thời yêu cầu trả tự do cho các đồng tu bị bắt trong cuộc biểu tình một ngày trứơc đó.

Biểu tình chống Bắc Kinh

Hai cuộc biểu tình do các tăng sĩ Tây Tạng tổ chức tại thủ đô Lasha diễn ra công khai trong tuần này, nhằm kỷ niệm 49 năm ngày Tây Tạng nổi dậy chống sự cai trị của Bắc Kinh. Một viên chức chính quyền nói rằng không có ai bị bắt.

Tuy nhiên Nhiều người dân khu vực biểu tình cho hay đã nghe tiếng súng nổ từ phía tu viện Drepung, mọi nẻo đường đến tu viện này đều bị cảnh sát rào chặn và khoảng trên dưới 60 sư sãi bị bắt từ hôm 10 tháng 3, ngày cuộc nổi dậy diễn ra 49 năm trước, tức 1959.

Người Tây Tạng đứng đầu chính quyền địa phương, tên là Champa Phuntsok, nói rằng giới chức thẩm quyền địa phương đã bắt giam một vài tăng sĩ tại tu viện Drepung ngoại ô Lhasa trong một thời gian ngắn.

Lý do những người này bị bắt là vì họ tổ chức một cuộc tuần hành vào thành phố để tưởng niệm một cuộc nổi dậy bất thành hồi năm 1959 nhằm chống lại Bắc Kinh.

Theo tin tức từ những người Tây Tạng lưu vong cũng như từ đài Á Châu Tự Do, tu viện Drepung hiện bị phong toả với sự tăng cường của cảnh sát vũ trang xung quanh các chùa tại Lhasa. Khoảng 71 người bị bắt, đa số là tăng sĩ.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/12/Chinese_police_fire_tear_gas_at_protesting_Tibetan_monks/





Hội Ân Xá Quốc Tế chỉ trích Trung Quốc đàn áp các nhà sư Tây Tạng
VOA- 13/03/2008


Tổ chức Ân Xá Quốc Tế chỉ trích việc nhà cầm quyền Trung Quốc dùng hơi cay để giải tán một cuộc tập trung biểu tình hiếm thấy của mấy trăm tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London này nói rằng những người phản đối có quyền biểu tình ôn hòa.



Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi nói hành động của cảnh sát Trung Quốc là đáng hổ thẹn

Tại Washington Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi hôm thứ tư vừa qua đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Bà nói rằng hành động của cảnh sát Trung Quốc như vậy là đáng hổ thẹn.

Các nhân chứng thuật lại cho đài VOA rằng cảnh sát Trung Quốc hôm thứ ba vừa qua đã bắn hơi cay vào đám đông biểu tình gồm mấy trăm tu sĩ Tây Tạng khi họ đang tuần hành đến thủ phủ Lhasa, và hô khẩu hiệu đòi độc lập.

Đây là ngày thứ hai cuộc biểu tình hiếm thấy này diễn ra tại Tây Tạng.

http://www.voanews.com/vietnamese/2008-03-13-voa6.cfm
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.03.2008 23:20:51 bởi Ngọc Lý >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9