Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học
Ngày Xưa Tím 15.03.2008 13:13:13 (permalink)
Phó thủ tướng: 'Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học'
Ngày 11/3, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình trạng trẻ em ồ ạt bỏ học chủ yếu là do thiếu chăm sóc, phối hợp của các địa phương. Năm nay, Bộ sẽ giao cho địa phương quyết định thời điểm khai giảng và kết thúc năm học, để các tỉnh miền núi nghỉ đông dài hơn.
>
Hơn 100.000 học sinh bỏ học/ Trường học đơn sơ ở vùng cao
Theo ông Nhân, việc học sinh bỏ học là điều đau xót nhưng để đánh giá hiện tượng này đang được cải thiện hay xấu đi thì cần phải có số liệu thực tế. Ví dụ, năm học 2003 - 2004, cả nước có 580.000 em bỏ học, năm học 2005-2006, con số này là 600.000 em (khoảng 6%).
"Học kỳ một năm học này có trên 100.000 em bỏ học thì chúng ta cũng chưa đủ thông tin đánh giá là tình trạng này xấu đi hay tốt hơn. Tôi cho rằng, về tổng thể thì tốt hơn bởi qua một năm thực hiện "Hai không", năm học này ngành chỉ đạo các trường làm tương đối quyết liệt bồi dưỡng học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học", ông nói.





Tại nhiều tỉnh miền núi, trẻ em không có điều kiện đi học. Ảnh: Hồng Vân.
Đề cập tới việc 9 tỉnh có số học sinh bỏ học lên tới 1,7% (cao hơn bình quân cả nước), Phó thủ tướng cho rằng, nhiều địa phương kinh tế khó khăn chưa quan tâm tới giáo dục nên việc bỏ học tương đối cao. Mặt khác, cũng có địa phương rất khó khăn nhưng tỷ lệ bỏ học của năm học này lại thấp bằng một nửa các nơi khác. Mấu chốt của vấn đề chính là việc phối hợp, quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội.
"Việc chăm sóc, phối hợp của các địa phương là hết sức quan trọng. Ví dụ như ở Simacai (Lào Cai), mỗi ngày một phụ huynh tới trường nấu cơm. Em nào đi học về đeo tấm biển thì phụ huynh biết hôm sau đến lượt mình nấu cơm còn gạo do xã hội góp vào", Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kể.
Ông Nhân cũng cho biết, Thủ tướng vừa ký chương trình kiên cố hóa trường lớp từ nay đến 2012 với tổng đầu tư là 25.200 tỷ đồng. Theo đó, khi Nhà nước đầu tư về trường thì các tỉnh sẽ có kinh phí dành cho thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục từ đó được nâng cao.





Còn nếu may mắn được tới lớp thì nhiều nơi, học sinh cũng phải học trong điều kiện hết sức tạm bợ. Ảnh chụp tại huyện Mường Nhé (Điện Biên): Hồng Vân.
Năm nay, Bộ sẽ giao cho địa phương quyết định thời điểm khai giảng và kết thúc năm học. Nhờ đó, các tỉnh miền núi sẽ được nghỉ đông dài hơn, tránh tình trạng lúng túng khi cho học sinh nghỉ rét như thời gian qua.
Bên cạnh đó, năm học 2008 - 2009 sẽ được gọi là năm học ứng dụng công nghệ thông tin. Các trường ở miền núi không có đường điện thoại sẽ tiếp cận Internet qua các trạm thu sóng vệ tinh nhỏ. Phấn đấu hết năm 2009, tất cả các trường ở vùng khó khăn kết nối được Internet.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)



<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2008 13:21:46 bởi Ngày Xưa Tím >
#1
    Ngọc Lý 17.03.2008 22:19:46 (permalink)
     
    Nghèo: Nguyên nhân duy nhất đưa đến hiện tượng bỏ học?
    2008.03.17
    Thiện Giao, phóng viên đài RFA



    Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam, trong một thông báo gần đây, cho biết chỉ riêng học kỳ một năm học 2008, hơn 119 ngàn học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông, đã bỏ học. Đi kèm với con số ấy, giới chức của Bộ nói rằng con số bỏ học ấy là thấp hơn mọi năm, và rằng, “học sinh bỏ học không có điều gì bất thường.”


    Ông Nguyễn Thiện Nhân từng được kỳ vọng rất nhiều khi lên nắm chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. RFA file photo.
     
    Những phát biểu ấy đã khiến dư luận trong nước xôn xao, thậm chí phẫn nộ vì sự tắc trách của những người đảm nhiệm công tác giáo dục của quốc gia. Trong các lý do viện dẫn để giải thích hiện tượng bỏ học hàng loạt, người ta hay nhắc đến “cái nghèo.”

    Liệu gia cảnh có phải là nguyên nhân duy nhất? Và liệu học vấn có còn là phương tiện tiến thân trong xã hội hiện nay? Biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật sau đây.

    Hàng triệu học sinh bỏ học

    Chỉ trong vòng chưa đến 6 năm, số học sinh bỏ học tại Việt Nam đã lên đến con số hơn 3 triệu rưỡi.

    Và chỉ riêng học kỳ một năm nay, 119 ngàn học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông, đã bỏ học.

    Trong một buổi họp báo định kỳ tháng Ba năm 2008 do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo tổ chức tại Hà Nội hôm 12 vừa qua, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo Dục Trung Học đã đưa ra một số nguyên nhân giải thích, gồm có: học sinh gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình; một số trường học tại khu vực quá khó khăn không có chất lượng giảng dạy cao, bài vở không hấp dẫn khiến học sinh bỏ trường; chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức; và học sinh học kém không theo kịp chương trình nên chán nản tự bỏ.

    Không phải là chuyện bất thường?

    Báo chí trong nước gọi đây là những “nguyên nhân chung chung, thời kỳ nào cũng đúng.”

    Dư luận trong nước thì xôn xao với lời phát biểu của giới chức Bộ Giáo Dục, rằng hiện tượng học sinh bỏ học không có điều gì bất thường.

    Phải chăng, chuyện bỏ học đã trở thành bình thường? Và bình thường đến nỗi không có gì đáng ngạc nhiên?

    Có lẽ, điều bất thường nhất nằm ở chỗ, chính Bộ Giáo Dục xem chuyện học sinh bỏ học là điều bình thường!

    Một trong các lý do nổi bật được đưa ra giải thích hiện tượng đau lòng này, là do gia cảnh học sinh gặp nhiều khó khăn, nên phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình.

    Một giáo viên dạy cấp Hai tại một trường phổ thông ở miền Tây, yêu cầu không nêu tên và không ghi âm giọng nói, cho biết hiện trạng tại trường của mình.

    “Trung bình một trường khoảng trên 50 em bỏ học, đa số là cấp Hai, là tuổi các em có thể lao động. Có thể lý do bỏ học là vì “ngồi nhầm lớp.” Ngồi nhầm lớp tức là chạy theo chỉ tiêu, học giỏi học dở gì cũng kéo lên lớp. Bây giờ vô lớp học không nổi, giáo viên la nên học trò nản.


    Nhưng hiện tượng rõ ràng nhất là các em bỏ học để đi làm công ty. Mấy em lớp 8, lớp 9 là bắt đầu nghỉ. Các em to con thì mượn hồ sơ của anh chị lớn tuổi hơn. Rồi ở xã, nếu quen thì người ta chứng cho đi làm. Đây là sai luật lao động.”


    Bỏ học vì nghèo khó?

    Phải chăng, nghèo khó là nguyên nhân chính yếu đưa đến chuyện học sinh bỏ trường? Người Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ, đã có nhận thức rõ ràng, như một thứ truyền thống, rằng chỉ có học vấn mới là con đường tiến thân trong xã hội. Và thực tế xã hội đã chứng minh, càng nghèo, người ta càng cố gắng học, để thoát ra khỏi cái nghèo.

    Ngày nay, trước hiện tượng học sinh bỏ học được giải thích là do hoàn cảnh khó khăn, một câu hỏi được đặt ra, là liệu học vấn không còn là phương tiện tiến thân, giúp người đi học thoát ra khỏi cảnh nghèo?

    Một chuyên viên giáo dục Việt Nam có ý kiến.

    “Người ta không thấy lối ra trong chuyện học. Người ta không thấy cơ hội trong chuyện học, không thấy học mang lại lợi ích thiết thân với mình. Nhu cầu cơm áo là chuyện trước mắt phải lo không thể không lo. Vậy mà, sự thăng tiến lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố không phải học vấn.


    Thăng tiến chính trị chẳng hạn, không thể thăng tiến nếu không có gốc gác. Thăng tiến trong kinh doanh cũng không được, vì sự thăng tiến này không được quyết định trong sự nhạy bén, trong kiến thức, mà được hậu thuẫn của hệ thống quyền lực.”


    Đã có một thời gian dài, dư luận được biết đến hiện tượng những cán bộ nhà nước đến tuổi nghỉ hưu nhưng không chịu về hưu. Điều này đưa tới nghi vấn về việc nhà nước có thật lòng muốn tuyển dụng đội ngũ trí thức trẻ vào hệ thống công quyền.

    Đó là chưa nói, gần đây, báo chí trong nước cho biết Bộ Nội Vụ đã phải làm một cuộc nghiên cứu hiện tượng hàng loạt viên chức bỏ khu vực công sang làm cho khu vực tư.

    Chuyên viên giáo dục giải thích tiếp:

    “Câu chuyện hàng loạt công chức có chuyên môn trong các cơ quan công quyền bỏ việc ra ngoài làm cho thấy họ không có cơ hội thăng tiến trong bộ máy. Đó là một bằng chứng. Bằng chứng là cơ hội thăng tiến không còn cho tất cả mọi người nữa. Đó là bất công xã hội. Cơ hội không rõ ràng, nên người ta không còn nỗ lực nữa.”

    Đâu là nguyên nhân chính?

    Đã có một thời, việc gắn liền tiêu chuẩn bằng cấp với chức danh trong hệ thống công quyền đã khiến bằng cấp trở thành một yếu tố không thể thiếu cho sự thăng tiến.

    Những tưởng, việc điều kiện hoá sự thăng tiến với bằng cấp và trình độ sẽ đặt lại vai trò quan trọng của giáo dục trong xã hội, sự thật không phải như vậy.

    Bằng chứng rõ nét nhất vẫn là hiện tượng bằng giả lan tràn cùng với việc các cán bộ mọi ngành tham gia đi học tại chức. Báo chí trong nước đã viết rất nhiều về thảm nạn này.

    Một bài báo đã từng thống kê cho thấy, riêng tỉnh Cà Mau, tại 85 cơ quan, người ta phát hiện hơn 650 trường hợp bất thường. Tại ngành Giáo Dục và Tư Pháp của tỉnh, người ta khám phá ra đến 4 chánh án, 1 phó chánh án, 1 thẩm phán toà án huyện, dùng bằng giả, đó là chưa kể hơn 300 cá nhân khác là cán bộ giáo dục của tỉnh.

    Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Đỗ Hiếu của đài Á Châu Tự Do, một nữ sinh viên tại Sài Gòn, tên Tú cho biết.

    “Tình hình giáo dục Việt Nam ngày cáng có nhiều bức xúc. Tiền thì cao mà chất lượng và bằng cấp không có nhiều giá trị. Đó cũng là lý do nhiều sinh viên bỏ học.”


    Trở lại với giáo viên dạy cấp Hai tại một trường trung học miền Tây. Cô cho biết chương trình học cũng là một điều bất cập. Cô nhận xét rằng chương trình học được xây dựng thiếu tính khoa học:

    “Mà chương trình thì nặng, ép học trò học vẹt, toàn trên trời dưới đất không hà! Chẳng hạn chương trình ngữ văn, trước đây lớp Chín học thơ Đường, bây giờ thì xuống tới lớp Bảy. Em đi dạy em còn không hiểu thơ Đường nữa là.”


    Giáo viên các trường có học sinh bỏ học có nhiệm vụ phải đi vận động học trò của mình trở lại lớp. Những gì mà người nữ giáo viên miền Tây kể về địa phương mình không phải là chuyện ngoại lệ.

    “Giáo viên bị bắt buộc đi vận động. Phụ huynh người ta đa số không quan tâm. Họ nói, bây giờ đi học cũng được, nhưng rồi mấy năm nữa học xong thì cũng đâu có xin được việc đâu. Đâu có phải con ông cháu cha mà xin được việc làm. Thôi thì cho nghỉ học bây giờ luôn cho rồi. Nghe phụ huynh nói mà mình giựt mình trước bức xúc của họ.”


    Trước hiện tượng hàng triệu học sinh bỏ học chỉ trong vòng 5 năm, việc giải thích bằng cách viện dẫn lý do gia cảnh nghèo khó có vẻ không phản ánh hết hiện trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Có thể, cái nghèo là điều kiện đủ, nhưng hoàn toàn không phải là điều kiện cần đưa đến thảm nạn.

    Chính phủ Việt Nam đã từng nhấn mạnh rằng Giáo Dục là Quốc Sách. Vấn đề không nằm ở tiêu chí mà ở chỗ những giải pháp nào sẽ được thực hiện. Và hiển nhiên, trước hết vẫn là tìm cho ra nguyên nhân.

    Nếu học vấn và bằng cấp không còn là phương tiện tiến thân trong xã hội, câu hỏi có lẽ sẽ lớn hơn nhiều. Và câu trả lời, không chỉ là sự nghèo khó

    http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/17/Vietnamese_Government-high_school_dropout_rates_are_normal_TGiao/






    Đọc thêm:

    Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t  
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.03.2008 22:26:25 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 17.03.2008 23:05:29 (permalink)
      NGUYỄN QUANG A
      20 ngàn tiến sĩ và hơn 114 ngàn học sinh bỏ học
      Lao Động Cuối tuần số 11 Ngày 16/03/2008 

      Cập nhật: 7:49 AM, 16/03/2008

       
      (LĐCT) - Đầu năm 2007 dư luận xôn xao về dự án đào tạo 20.000 tiến sĩ của Nhà nước trong vòng 10 năm, trung bình mỗi năm 2.000 tiến sĩ. Đầu năm nay dư luận nóng lên vì thực tiễn hơn 114 ngàn học sinh trung học bỏ học.

      Theo thông báo của chuyến thăm Anh vừa qua của Thủ tướng, 7 trường đại học hàng đầu của Anh sẽ hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua việc tăng cường số giảng viên Việt Nam được đào tạo tiến sĩ tại Anh.

      Theo thoả thuận đào tạo tiến sĩ cho Việt Nam tại Đức, kể từ năm 2008 các trường đại học thuộc bang Hessen sẽ tiếp nhận 85 nghiên cứu sinh Việt Nam theo học ở nhiều chuyên ngành mỗi năm. Số nghiên cứu sinh theo học ở Đức chắc phải lên đến vài trăm.

      Đầu năm ngoái Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ và theo đó phía Mỹ "sẽ hỗ trợ giúp Việt Nam quản lý chương trình 322 về đào tạo tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Mỗi năm Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ sẽ đào tạo giúp Việt Nam 200 tiến sĩ trong tất cả các ngành theo yêu cầu của Việt Nam".  Và còn Pháp, Nhật, Úc...

      Những thông tin thật đáng "phấn khởi". Nhưng không thấy nói rõ kinh phí đào tạo lấy từ đâu (trừ trường hợp Mỹ vì chương trình 322 lấy tiền ngân sách để đào tạo tiến sĩ), nếu Nhà nước Việt Nam đủ tiền thì chắc có thể đào tạo cả 2.000 tiến sĩ ở nước ngoài mỗi năm.

      Các trường đại học trên khắp thế giới sẽ rất vui lòng nhận những nghiên cứu sinh đạt tiêu chuẩn của họ theo học khi chúng ta trả phí đào tạo cho họ. Đối với nước họ, đây là khoản xuất khẩu dịch vụ rất tốt. Kế hoạch là mỗi năm đưa từ 400 đến 600 người đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Những thông tin trên cho thấy chắc Bộ GD-ĐT làm "rất tốt" công việc này.

      Nhưng, đào tạo tiến sĩ để làm gì? Đào tạo cho ai? Đào tạo những ngành nghề gì? Liệu Nhà nước có thể trả lời cho các câu hỏi ấy? Đấy có phải là việc của Nhà nước hay không? Những câu hỏi này cũng cần được trả lời. Trong thời khi tất cả công nhân, kỹ sư, nhà khoa học đều làm việc cho Nhà nước, thì Nhà nước có thể có câu trả lời, nay thì không hoàn toàn. Chỉ một phần nhỏ của đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học là cho Nhà nước và cơ chế thị trường đóng vai trò đáng kể. 

      Nếu bàn cãi để có câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi này thì rất có thể thấy rằng, đấy chưa chắc đã là việc của Nhà nước và nếu cần làm cũng không nên làm theo kiểu mang nặng tính "kế hoạch tập trung" như vậy.

      Ngược với đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học, trong giáo dục đào tạo ở bậc phổ thông, nhất là các bậc cấp thấp, vai trò của Nhà nước (trung ương và địa phương) to lớn hơn nhiều. Chăm lo cho mọi trẻ em đều có thể đến trường là một trong những việc chủ yếu của Nhà nước. Hơn 114 ngàn học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở bỏ học là một dấu hiệu về sự yếu kém của hệ thống giáo dục đã tồn tại từ lâu nay mới bục ra.

      Bộ Giáo dục-Đào tạo không cho biết số học sinh tiểu học bỏ học là bao nhiêu. Bộ cố tìm nguyên nhân và cho rằng "có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tác động của hoàn cảnh kinh tế khó khăn và hệ quả của cuộc vận động "nói không với bệnh thành tích và chống ngồi nhầm lớp"..., nhiều học sinh chán nản khi có kết quả học lực yếu kém, phải lưu ban nên đành bỏ học".

      Tôi nghĩ đó không phải là nguyên nhân chủ yếu, mà chỉ là những tác động nhỏ nhưng cũng đủ để làm cho ung nhọt vỡ ra, chứ không phải những nguyên nhân gây ra ung nhọt. Những nguyên nhân chính là: Hệ thống giáo dục đã không cung ứng được dịch vụ mà khách hàng (học sinh, gia đình, xã hội) mong đợi, họ không hay chưa cảm thấy cái hệ thống giáo dục cung cấp là cần cho cuộc sống của họ; hệ thống do Luật Giáo dục quy định không hợp lý [ở nhiều mặt mà ở đây chúng ta chỉ nêu một điểm là ở] cấp trung học phổ thông.

      Học sinh học hết trung học cơ sở hầu như chỉ có 1 kênh đi tiếp: lên trung học phổ thông, vào đại học. Lẽ ra một phần đáng kể nên rẽ sang trung học nghề (ra trường có thể đi làm ngay nhưng cũng có thể lên tiếp đại học nếu học giỏi, nhưng mục đích là đào tạo thợ). Ai cũng kêu chúng ta thừa thầy thiếu thợ chủ yếu là vì lẽ đó. Đây là một lỗi hệ thống cần sửa ngay ở mức luật và là một nguyên nhân chính của hiện tượng học sinh trung học phổ thông bỏ học đi làm.

      Nguyên nhân chủ yếu nữa là hệ thống giáo dục dạy cái học sinh không cần và cái chúng cần thì không được dạy. Hình như hệ thống vẫn (vô tình hay hữu ý) muốn "nhào nặn" ra những con người theo khuôn mẫu đồng đều theo ý chủ quan của nó, chứ không phải những con người sáng tạo, tự chủ, đa dạng, có kỹ năng phù hợp với sự phát triển kinh tế và xã hội. Lỗi này ở khắp các cấp học và thể hiện ra ở chương trình học, nội dung học, phương pháp giảng dạy. Đây là lỗi hệ thống trầm trọng mà việc sửa chữa cần có quyết tâm chính trị rất cao.

      Bất cứ tổ chức nào làm rất tốt những việc không phải của mình và đồng thời làm tồi (hay sao nhãng) công việc chính của mình, thì đó là tai hoạ. Có học sinh "ngồi nhầm lớp" bởi có các [cơ] quan "làm nhầm việc". Mà cái nhầm sau thì tai hại hơn cái trước rất nhiều và giáo dục chỉ là lĩnh vực lấy làm ví dụ.


      Nguyễn Quang A


      http://www.laodong.com.vn/Home/skbl/2008/3/80209.laodong





      Đọc thêm:

      Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t  

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.03.2008 23:08:28 bởi Ngọc Lý >
      #3
        Ngọc Lý 18.03.2008 07:25:27 (permalink)
        3 điều “kỳ lạ” trong bản thống kê HS bỏ học
        VietnamNet - 06:17' 18/03/2008 (GMT+7)


         - Sau cuộc họp báo ngày 12/3, Bộ GD-ĐT vừa tiếp tục có thêm một công bố mới về thống kê chi tiết số học sinh bỏ học theo từng nguyên nhân của cấp tiểu học. Có 4 nguyên nhân để HS tiểu học bỏ học được Bộ đưa ra là: do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiên tai, học lực quá yếu và các nguyên nhân khác. 





        HS Mường Khương (Lào Cai) trong giờ học. Ảnh: Lê Anh Dũng

        Bản thống kê này được xem là một sự nỗ lực rất lớn của Bộ GD- ĐT trong việc nhìn thẳng vào thực trạng HS bỏ học, tuy nỗ lực này mới chỉ thực hiện được ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, thống kê tình hình HS chỉ ở riêng bậc tiểu học bỏ học mà cũng đã xuất hiện 3 điều “kỳ lạ”.

        Học kỳ I năm học 2007- 2008 bậc học này có tất cả 12.966 học sinh bỏ học, chiếm 0,2% tổng số HS tiểu học. Trong đó, số HS bỏ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn là 2466 HS, 70 HS bỏ học do thiên tai, 724 HS bỏ học do học lực quá yếu và 1748 HS bỏ học do các nguyên nhân khác. 

        21/64 tỉnh thành không tìm được nguyên nhân HS bỏ học? 

        Trà Vinh là địa phương có số HS tiểu học bỏ học nhiều nhất trong cả nước với 1554 HS. Nhưng, rất ngạc nhiên khi các lý do khiến HS ở tỉnh này bỏ học lại không được nhắc đến trong bản thống kê.  

        Và cũng thật trùng hợp ngẫu nhiên khi hầu hết các tỉnh có số học sinh bỏ học vào loại cao nhất trong cả nước đều không đưa ra nguyên nhân HS bỏ học. Ví dụ như Cao Bằng có 750 HS bỏ học, Kon Tum 502, Điện Biên: 359; Yên Bái: 393; Gia Lai: 787; Quảng Ngãi: 500; Đắc Lắc: 727... Các thống kê số HS bỏ học theo các nguyên nhân tại bảng thống kê này đều bị bỏ trắng.

        Có 21/64 tỉnh, thành có các cột bỏ trắng như vậy. 

        HS bỏ học chủ yếu do hoàn cảnh khó khăn? 

        15 tỉnh, thành không có học sinh tiểu học nào bỏ học
        Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Ninh, Hậu Giang, Tiền Giang.


        Bậc tiểu học là bậc học được miễn hoàn toàn học phí, HS được đến trường mà không cần có bất kỳ điều kiện gì về vật chất kèm theo. Số HS của bậc học này cũng chưa thể đủ sức khỏe để giúp đỡ gia đình, vì thế, lý do phần lớn các em bỏ học để giúp đỡ cho gia đình đỡ khó khăn hơn là khó hợp lý. 

        Thế nhưng, số HS tiểu học bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn lại chiếm số lượng nhiều nhất với 2466 học sinh trong tổng số 12.966 HS bỏ học. 

        Chẳng hạn như Kiên Giang có 627 HS bỏ học thì có tới 600 em bỏ học đều vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, 27 HS còn lại bỏ học do thiên tai. Đồng Tháp có 262 HS bỏ học thì 148 em trong số đó bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn... 

        Số HS tiểu học trong cả nước bỏ học vì nguyên nhân học lực yêu kém chỉ chiếm 724 HS. Có 28/64 địa phương HS bỏ học không phải vì nguyên nhân học lực yếu kém. 

        Bí ẩn của các nguyên nhân...khác? 

        HS bỏ học vì nguyên nhân được gọi là “các nguyên nhân khác” cũng chiếm số lượng khá nhiều. Như tại Đồng Nai có 327 HS bỏ học thì tất cả HS bỏ học đều vì các nguyên nhân...khác... Bình Dương có 63 HS bỏ học thì tất cả 63 HS này cũng bỏ học vì các nguyên nhân...khác. 

        Thậm chí như Phú Thọ chỉ có 6 HS bỏ học nhưng lý do của cả 6 HS này bỏ học cũng bị “liệt” vào các nguyên nhân... khác! 

        Các nguyên nhân khác là những nguyên nhân gì, tất nhiên không ai được biết vì bản thống kê này chỉ đưa ra “định nghĩa” có vậy!
        • Lê Châu 


        TIN LIÊN QUAN


        http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/03/773862/





        Đọc thêm:

        Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t  


        <bài viết được chỉnh sửa lúc 18.03.2008 07:28:12 bởi Ngọc Lý >
        #4
          Ngọc Lý 01.04.2008 01:21:15 (permalink)
          Mỏ dầu lửa dân trí
          Friday, March 28, 2008

          Ngô Nhân Dụng

          Trước đây tôi làm nghề dạy học ở Montréal, Canada, nhiều người ngoại quốc tới trường tôi trình bày những bài nghiên cứu của họ. Có một giáo sư từng được thỉnh giảng ở Israel, trong lúc ăn trưa đã kể một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Ðó là chuyện “Mỏ dầu lửa của Israel.”


          Tôi chưa tới xứ Israel bao giờ, thắc mắc là một nước Israel mấy triệu người, không có tài nguyên thiên nhiên nào làm vốn, nếu không được Mỹ giúp thì làm sao trong tương lai lâu dài họ có thể đương cự được khối dân Á Rập chung quanh, với mấy trăm triệu người và những mỏ dầu lửa lớn nhất thế giới?

          Ðồng nghiệp người Mỹ kể, anh ta cũng có lần nêu lên thắc mắc đó khi đang làm việc ở Tel Aviv. Trong lúc ông khoa trưởng dẫn anh đi thăm trường, đi qua một cánh cửa lớn, ông mở cửa ra, chỉ tay, “Ðây là mỏ dầu lửa của chúng tôi.”

          Bên trong phòng là những sinh viên và giáo sư trước những máy điện toán, chăm chú làm việc.

          Tài nguyên lớn nhất của Israel là học vấn, là hiểu biết. Là những sinh viên và những nhà nghiên cứu trong đại học. Mỏ dầu lớn của họ là con người! Tính trên tỷ lệ dân số thì đây là quốc gia sản xuất các công trình khảo cứu khoa học nhiều nhất, không nước nào bằng. Họ đầu tư, nuôi dưỡng, mở rộng mỏ dầu lửa đó. Mỏ dầu của Á Rập Sau Ði, của Iraq, Kuwait, vân vân, có ngày sẽ cạn kiệt. Nhưng mỏ dầu của Israel sẽ mỗi ngày một lớn hơn, sản lượng còn tăng lên mãi, có thể nói là vô tận. Tôi không bao giờ quên câu chuyện “Mỏ dầu của Israel.” Họ theo đúng châm ngôn của vị vua đời Lý nước ta: “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia.” Một mạng lưới của sinh viên Việt Nam ở Mỹ đang dùng câu nói đó làm tiêu đề, chúng ta thấy đáng mừng. Người Việt Nam, nhất là ở trong nước, không bao giờ được quên lời nói đó.

          Có lần đọc một lời tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục ở Việt Nam, tôi lại nhớ tới câu chuyện mỏ dầu của Israel. Gần đây, khi các báo loan tin về nạn học sinh bỏ học, nhiều người lại nhắc tới câu nói của ông Nhân năm ngoái. Khi ông cho tăng học phí các trường công, ông bảo: “Phải tăng học phí cho dù chấp nhận sẽ có một số học sinh bỏ học.” Nếu đúng là một “Thiện Nhân” thì tôi chắc ông nói câu đó cũng buồn lắm. Nhưng các nhà báo ở Việt Nam không bao giờ quên câu này.

          Nhưng tôi lại nhớ ngay đến một vị tổng trưởng giáo dục trước đây 40 năm. Khoảng năm 1966, 67, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh là tổng trưởng văn hóa giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Có lần nói về chính sách phổ cập giáo dục cho tất cả mọi trẻ em, ông nói phải làm sao cho thanh thiếu niên nước ta “ai học được phải được học!” Chúa Nhật vừa qua gặp Giáo Sư Trần Ngọc Ninh trong buổi sinh hoạt của tạp chí Khởi Hành, nhắc lại những lời nói trên, giáo sư tỏ vẻ bùi ngùi.

          Trong mấy năm qua đã có vài triệu học sinh ở Việt Nam bỏ học. Báo chí trong nước cho biết trong niên khóa 2003-2004 trên toàn quốc đã có tới 580,000 học sinh bỏ học, sang niên học 2005-2006 hơn 600,000 em nghỉ học ngang. Không biết những học kỳ khác thì sao. Mà đó là số trẻ em bỏ học trước khi ông Nguyễn Thiện Nhân tăng học phí vào năm ngoái! Thử tưởng tượng một triệu trẻ em phải bỏ học trong vài học kỳ, có khác gì đem khoan mỏ dầu lửa của nước Việt Nam rồi đốt hết! Khi một ông phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục nói thẳng rằng ông chấp nhận cảnh học sinh bỏ học, đó là cả chế độ tự thú rằng họ bất lực, đành đốt cháy luôn cả mỏ dầu lửa của quốc gia, mỏ dầu lửa dân trí! Kinh khủng nhất là họ nói như vậy để coi đó là một chuyện bình thường! Không thấy tờ báo nào hó hé một câu rằng nói như vậy là nhục quốc thể! Các đại biểu quốc hội cũng câm như hến!

          Ðiều đáng buồn nhất là trong số những học trò bỏ học có những em bậc tiểu học! Bây giờ trên khắp thế giới người ta coi việc trẻ em được học hết bậc tiểu học là một “quyền sống làm người” căn bản. Thật tội nghiệp cho dân tộc Việt Nam! Ðầu năm nay, lạm phát đã lên tới 16%, gạo, rau, mắm muối tăng giá tới 20%, những người lao động ở thành phố sẽ phải nhịn ăn để lấy tiền đóng học phí cho con chăng? Các nông dân lấy tiền đâu?

          Tại sao thế giới văn minh họ quyết tâm coi việc trẻ em học hết bậc tiểu học là một “quyền sống làm người” căn bản? Vì giáo dục vừa giúp mở mang hiểu biết vừa là một quyền lợi kinh tế. Những chính phủ chọn chính sách ngu dân để dân càng ngu càng dễ sai khiến thì thấy bắt mọi trẻ em phải xong bậc tiểu học là không cần thiết. Người dân càng biết nhiều thì càng khó cai trị! Nhưng học vấn cũng là khí cụ để xây dựng công bằng xã hội. Nếu con cái những người chân lấm tay bùn, những người buôn thúng bán mẹt không có cơ hội đi học, thì chúng sẽ không bao giờ thoát ra khỏi vòng nghèo đói. Cứ như vậy, con cán bộ lớn lên sẽ làm cán bộ, con cái dân đen sẽ tiếp tục làm dân đen.

          Khi vấn đề học sinh bỏ học được nêu lên ở trên báo chí trong nước, nhiều ý kiến được đăng tải. Nhiều người viết rằng học sinh bây giờ có đi học cũng vô ích, vì dù học giỏi đến đâu nhưng ra ngoài xã hội vẫn có những đứa có cha chú làm lớn nó đè lên đầu mình mà không cần học hành gì cả! Ðấy, ngay cả những học sinh có đi học, học giỏi, mà còn bị đè đầu cưỡi cổ như vậy, nói gì tới những em học sinh ở nông thôn phải bỏ học!

          Nhiều người góp ý kiến rằng muốn chấm dứt cảnh học sinh bỏ học thì phải thay đổi cả từ ông bộ trưởng giáo dục trở xuống. Nhưng cũng trên báo chí trong nước chúng ta nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân là người khá nhất trong chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Thế thì nếu thay ông ấy bằng một ông khác liệu có khá hơn không? Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần nói sự thật, dù là những sự thật làm mất mặt cả đảng Cộng Sản. Người như vậy không thể nào lên làm tổng bí thư được! Cứ như Nguyễn Tấn Dũng thì ông ta đã chối bay: Làm gì có chuyện học sinh bỏ học? Làm gì có chuyện tăng học phí? Chưa biết chừng, ông ta dám nói rằng nền giáo dục Việt Nam tốt nhất thế giới, tốt không thua gì luật báo chí, nhiều nhà lãnh đạo các nước vẫn thòm thèm muốn xin về treo!

          Nhưng thay đổi toàn thể nhân viên bộ giáo dục có thể giúp cho nền giáo dục ở nước ta khá hơn không? Ai cũng biết là không. Người đưa ra đề nghị chỉ cần thay đổi các nhân viên, phải “giáo dục” lại các giáo viên, vân vân, chắc là ông Nông Ðức Mạnh! Vì ông ấy chỉ tung ra ý kiến đó, cho thiên hạ bàn tán loanh quanh; chẳng còn ai để ý đến thủ phạm đích thật gây ra cảnh suy đồi của nền giáo dục nước ta. Thủ phạm đó là đảng Cộng Sản. Còn chế độ độc tài độc đảng thì còn hàng triệu trẻ em học được mà không được học!

          Không một người nào ở trong nước được nói thẳng rằng phải thay đổi chế độ cộng sản, để cho người dân được bầu cử tự do, thì họ mới được chọn những người “tôi tớ” của dân thật sự. Những người được dân bầu lên thì không thể nào dám để cho kho dầu lửa dân trí của cả nước bị đốt cháy phí phạm như vậy!

          Ông Nông Ðức Mạnh sẽ cãi rằng: “Ðừng có cái gì cũng đổ lỗi cho đảng Cộng Sản! Phải đưa ra những giải pháp cụ thể nào để tránh cảnh học sinh bỏ học, chứ chửi cộng sản đâu có ích lợi gì?”

          Thưa ông Nông Ðức Mạnh, việc trả lại quyền tự do cho dân Việt Nam chính là một giải pháp cụ thể. Vì còn đảng Cộng Sản độc quyền cai trị thì không có cách nào thay đổi cái gì được. Hồ Chí Minh đem cả dân tộc ra làm thí nghiệm lý thuyết Mác Lênin. Suốt mấy chục năm đổi mới rồi vẫn đưa tới cảnh bộ giáo dục phải đốt mỏ dầu lửa dân trí. Các ông tính đem tương lai nước Việt Nam ra làm thí nghiệm cho tới bao giờ?

          Thử coi, đảng ta vừa mới tha cho ông Thứ Trưởng Nguyễn Việt Tiến, thế thì những tên Việt Tiến khác sẽ còn ăn cắp của công đến bao giờ mới thôi? Một đêm đánh bạc của những ông lớn này, thua hàng trăm ngàn Mỹ kim, có thể xây được bao nhiêu trường tiểu học? Có thể nuôi cơm cho bao nhiêu thầy giáo, học sinh? Ðảng của ông chỉ lo nuôi các ông lớn đó, lấy tiền đâu nuôi học sinh đi học?

          Ðảng Cộng Sản đang đốt cái mỏ dầu lửa quý nhất của nước ta. Thanh thiếu niên Việt Nam thông minh, hiếu học không kém gì các bạn trẻ ở Thái Lan hay Hàn Quốc. Nhưng thanh niên các nước này được đi học. Trẻ Việt Nam còn bao nhiêu em phải đi bới rác, kiếm ve chai. Bao giờ mới chấm dứt?

          http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=76139&z=7




          Đọc thêm:
          Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t  
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.04.2008 01:28:17 bởi Ngọc Lý >
          #5
            Ngọc Lý 02.04.2008 00:40:05 (permalink)
             
            Thương ông Nguyễn Thiện Nhân
            Tuesday, March 18, 2008

            Ngô Nhân Dụng


            Mấy năm trước ở Việt Nam có người nêu vấn đề tại sao cứ phải chọn người trong đảng Cộng Sản vào làm chính phủ, tại sao không chọn theo tiêu chuẩn khả năng, cho những người ngoài Ðảng vào cũng được vào? Nhưng lại có nhiều người sợ nhân tài của nước Việt Nam đã thành đảng viên cộng sản hết cả rồi, bên ngoài lấy đâu ra người giỏi nữa? Lúc đó là trước cái Ðại Hội X, họ cho dân được nói linh tinh cho vui cửa vui nhà. Một người Việt quốc tịch Mỹ đang ở Sài Gòn hồi đó, ngồi uống cà phê nói chuyện với một nhà báo, anh nói đùa rằng nếu được mời làm bộ trưởng giáo dục, một người như anh cũng làm được! Không ngờ ông ký giả đem câu nói đó lên báo, khiến cho kinh tế gia Phạm Ðỗ Chí bị nhiều đảng viên cộng sản nhìn bằng con mắt nghi ngờ, như lo có người đang tranh mất “giốp” của họ. Ở bên ngoài thì Phạm Ðỗ Chí còn bị bạn bè mắng là “thân Cộng” nữa!



            Phạm Ðỗ Chí may mắn vì chỉ nói đùa chơi. Vì làm bộ trưởng giáo dục trong chế độ cộng sản ở nước ta bây giờ chỉ mang tội. Bài này mang tựa đề là “Thương ông Nguyễn Thiện Nhân”, là thương hại một người đang chịu búa rìu dư luận do tội lỗi của cả một chế độ gây ra.

            Ông Nguyễn Thiện Nhân là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục ở Việt Nam. Ông mới bị rất nhiều người đả kích, rất tội nghiệp. Chẳng qua chỉ vì ông nói sự thật. Trong một cuộc chuyện trò với mạng lưới VNExpress, ông nói như vầy: “Học kỳ một năm học này (tức trong niên khóa 2007-2008) có trên 100,000 học sinh bỏ học, thì chúng ta chưa đủ thông tin đánh giá là tình trạng này xấu đi hay tốt hơn. Tôi (Nguyễn Thiện Nhân) cho rằng về tổng thể thì tốt hơn.”

            Một ông bộ trưởng giáo dục mà nhìn thấy cảnh 100 ngàn học sinh bỏ học rồi nhận xét rằng về tổng thể là tốt hơn trước! Ðọc lời tuyên bố đó, nếu không nổi giận thì cũng phải bật cười! Một trăm ngàn học sinh phải bỏ học mà nói rằng tốt hơn, vậy cái gì mới là xấu hơn? Nhiều người nổi nóng lên tiếng chỉ trích ông Nguyễn Thiện Nhân, họ có lý do chính đáng.

            Nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ nói lên một sự thật. Nếu giỏi nói dối, ông đã chối phăng rằng không có học sinh nào bỏ học cả - giống như ngài thủ tướng (gọi như vậy chắc không có vẻ hằn học) Nguyễn Tấn Dũng chối rằng ở Việt Nam không có ai bị bắt giam vì bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản. Nói xong, chùi mép một cái, nhìn mọi người chung quanh coi chúng là ngu dốt hết, thế cũng xong!

            Sự thật mà ông Nguyễn Thiện Nhân đã nêu lên là tình trạng năm học 2007 chỉ có 114,000 học sinh bỏ học là “tốt hơn trước.” Vì báo chí trong nước cho biết niên khóa 2003-2004 trên toàn quốc đã có tới 580,000 học sinh bỏ học. Trong niên khóa 2005-2006 con số trò bỏ học đã lên tới hơn 600,000 em. Số học trò bỏ học đang thừa thắng xông lên như vậy, đến năm ngoái nó tụt xuống chỉ còn 100 ngàn, ông Nguyễn Thiện Nhân nói như vậy là tốt hơn; đó là một sự thật! Giống như một nhà thương năm trước làm chết 200 bệnh nhân vì cho uống nhầm thuốc, năm nay chỉ gây tai nạn cho 180 người, theo lối ông Nguyễn Thiện Nhân cũng phải nói là “về tổng thể là tốt hơn!” Ai dám bảo là nó xấu hơn những năm trước nào? Cứ tình trạng hàng trăm ngàn học sinh bỏ học mỗi năm như vầy, nếu còn tiếp tục sẽ tới lúc không còn trẻ em nào đi học nữa. Cuối năm, có thể kết toán là số học sinh bỏ học đã xuống số không, zero! Lúc đó, về tổng thể, có thể coi là tình trạng tốt nhất!

            Ðể tránh không cho tình trạng “tốt nhất” đó xảy ra, chúng ta phải tìm tới căn nguyên sâu xa để trừ tận gốc, chứ không thể chỉ đổ tội cho một ông bộ trưởng giáo dục. Tất nhiên, trong quốc gia nào cũng vậy, chỉ cần MỘT học sinh bỏ học người ta cũng phải tự hỏi đâu là nguyên nhân, và làm sao để sửa chữa. Không thể nào chấp nhận việc có những học sinh muốn học, có khả năng học, mà phải bỏ học. Nhưng trong nước Việt Nam của chúng ta, những lý do gây ra cảnh học sinh bỏ học hàng trăm ngàn một năm không phải chỉ do Bộ Giáo Dục gây ra; chắc chắn một đời bộ trưởng giáo dục không thể gây ra cảnh đó. Cho nên vẫn phải thương ông Nguyễn Thiện Nhân là người phải đưa đầu ra nhận những búa rìu dư luận.

            Tuần trước, đài phát thanh BBC đã phỏng vấn Giáo Sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Ðại Học An Giang về vấn đề này; theo thống kê chính thức tỉnh An Giang có 17,000 học sinh bỏ học. Giáo Sư Võ Tòng Xuân nêu lên mấy nguyên nhân chính. Thứ nhất là lạm phát. Thứ hai là việc tăng học phí ở các trường công lập. Và thứ ba là hậu quả của chính sách “đề cao thành tích” trước đây, cứ cho các em học sinh lên lớp dù không đủ sức.

            Có thể tin những phân tích của Giáo Sư Võ Tòng Xuân, vậy xét ba nguyên nhân trên, ta thấy ông bộ trưởng giáo dục chịu trách nhiệm về những khoản nào? Ông Nguyễn Thiện Nhân không có khả năng gây ra nạn lạm phát. Việc tăng học phí là do đảng Cộng Sản không cung cấp đủ tiền cho ngân sách giáo dục, ai là bộ trưởng cũng chịu thua, không tìm đâu ra tiền. Còn cái thói đề cao thành tích, đó không phải là do các nhà giáo đặt ra. Từ thời ông Hồ Chí Minh vẫn có những phong trào “thi đua đạt thành tích,” rồi “thi đua vượt chỉ tiêu,” khắp mọi ngành chứ không riêng ngành giáo dục. Thi sĩ Hồ Chí Minh rất hãnh diện về những câu “thơ” như “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” mà thi sĩ Tố Hữu ca ngợi là nghe ròn như tiếng súng liên thanh!

            Bất cứ một chế độ độc tài nào cấm không cho ai được nói trái ý mình, mà lại bắt con người phải thi đua, thi đua, thi đua mãi, thì hậu quả tất nhiên là sinh ra bệnh “làm láo báo cáo hay!”. Không cần phải thông minh xuất chúng cũng biết như vậy. Tại sao Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản khác cũng biết vậy mà vẫn cứ bắt người ta phải đề cao thành tích? Vì họ không quan tâm đến kết quả thật. Nếu số thóc báo cáo là 10 tấn mà thực tế chỉ có 3 tấn, thì thằng dân đói chứ lãnh tụ đâu có đói? Nếu học sinh học hết trung học không làm được con tính hai ẩn số thì học sinh dốt chứ thầy giáo hề hấn chi? Nhưng hệ thống thi đua đó buộc mọi người phải sống trong căng thẳng, lúc nào cũng thấy mình bị kiểm soát và sợ hãi không biết mình báo cáo thành tích ra sao cho vừa lòng cấp trên. Khi đó, các cán bộ sẽ kiểm soát được tất cả mọi người. Kiểm soát chính trị bằng hộ khẩu, kiểm soát kinh tế bằng tem phiếu, kiểm soát thất tình lục dục của người ta bằng thi đua, đêm nằm mơ cũng thấy thi đua thành tích! Dân thì sợ cán bộ, cán bộ nhỏ sợ cán bộ lớn, tất cả sợ mấy anh lãnh tụ ngồi trên đầu mọi người. Ðó là một hệ thống kiểm soát tinh vi do các ông Stalin, Mao Trạch Ðông sáng chế ra và đã áp dụng thấy có lợi. Các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn chỉ sao chép lại áp dụng ở nước ta mà thôi.

            Hậu quả là cả nước học cái thói quen nói dối, thằng dưới gạt thằng trên, thằng trên giả bộ tin. Lâu ngày nó thành tập quán của cả xã hội! Trong trường học thầy nói dối trò, biết nó dốt vẫn cho lên lớp. Từ lớp dưới đùn lên lớp trên, năm sau lại đùn lên lớp trên nữa, càng ngày càng ứ ra, càng ngày trình độ học sinh càng dốt. Một cán bộ giáo dục ở quê tôi là tỉnh Bắc Ninh đã nói thật rằng bây giờ mà học sinh lớp 12 biết làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia đã là một điều may mắn rồi. Tất cả những thói quen gian dối đó tích lũy từ thời ông Hồ để lại, đổ tội cho ông Nguyễn Thiện Nhân là oan!

            Ông Nguyễn Thiện Nhân có ý muốn chấm dứt tình trạng học sinh dốt, cho nên ông ta mới gây tai họa cho chính mình. Bắt học sinh lớp 10 phải học đúng trình độ lớp 10 thì hầu hết các em sẽ không đủ sức, vì trình độ chỉ ở lớp 7, lớp 8. Ðó là một lý do nhiều học sinh bỏ học. Nguyên nhân gây ra nạn bỏ học có từ ngày đảng Cộng Sản củng cố chế độ độc tài của họ, muốn thay đổi phải làm lại tất cả, một đời bộ trưởng giáo dục không thể làm nổi.
            Giáo Sư Võ Tòng Xuân nhận xét rằng các thầy các cô giáo đứng lớp bây giờ “cũng chỉ là sản phẩm của một hệ thống ‘học vẹt’ và họ lại dạy học sinh theo lối học vẹt như cũ.”

            Nhưng ai bầy ra cái thói học vẹt như vậy? Những con vẹt lên lớp hăng hái nhất là các anh quản giáo. Nhưng tất cả hệ thống giáo dục đều bị các quản giáo chỉ huy. Một sinh viên Việt Nam ở Ðà Nẵng than rằng trong đại học anh phải học 6 tới 7 môn về chính trị, không còn thời giờ học về chuyên môn nữa. Học thứ chính trị gì? Tất nhiên là phải học chủ nghĩa Mác-Lênin, trong khi ở nước Nga người ta cũng bỏ nó rồi, đến cái xác ông Lê Nin cũng sắp được đem chôn. Chính các ông lãnh tụ cộng sản ở Việt Nam bây giờ cũng chỉ theo chủ nghĩa đô la, không còn ai tin chủ nghĩa cộng sản nữa. Sinh viên Việt Nam đã nói đùa rằng ông Karl Marx tiên đoán chủ nghĩa tư bản đang trên đường giẫy chết, trong khi chủ nghĩa cộng sản nhất quyết qua mặt chủ nghĩa tư bản. Tức là chủ nghĩa cộng sản phải chết trước!

            Cho nên ông Nguyễn Thiện Nhân là một người đáng thương. Chỉ khi nào các ông lãnh tụ cộng sản dám thú nhận rằng họ đã lầm, Hồ Chí Minh đã lầm khi đi theo chủ nghĩa cộng sản, bây giờ người Việt Nam phải làm lại nước Việt Nam, thành thật với nhau, tử tế với nhau, phục hồi những đạo lý của cha ông, khi đó mới có thể nói tới chuyện cải thiện nền giáo dục. Khi đó mới chấm dứt được nạn học sinh bỏ học.


            http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=75601&z=7






            Đọc thêm:
            Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t  



            <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.04.2008 00:43:21 bởi Ngọc Lý >
            #6
              Ngọc Lý 07.04.2008 09:31:00 (permalink)
              Mỗi năm, Bộ GD-ĐT phải chi một khoản tiền khá lớn để trả lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác cho đối tượng đến tuổi nhưng chưa về hưu. Do đó, số tiền bị BHXH chiếm dụng hàng năm là rất lớn. Vấn đề tham quyền cố vị, về mặt pháp lý, tạo ra tâm lý và ý thức coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến việc ổn định và sắp xếp bộ máy, biên chế cũng như hiệu quả quản lý và hoạt động của chính Bộ.

              Nạn "tham quyền cố vị" tại Bộ Giáo dục-Đào tạo


              Những "cây đa, cây đề" đều được kéo dài thời gian công tác; Những cán bộ quản lý, dù không có học hàm học vị, không trực tiếp nghiên cứu giảng dạy đều được "ở lại". Vấn đề "tham quyền cố vị" tại Bộ GĐ-ĐT và các cơ quan thuộc Bộ đang trở thành tệ nạn.
               
              Ai có chức vụ cũng được ở lại
               
              Cuộc thanh tra do Bộ Nội vụ tiến hành phát hiện những kỷ lục đáng buồn về vấn đề kéo dài thời gian công tác và thực hiện chế độ nghỉ hưu tại Bộ GD-ĐT.
               
              Số cán bộ, viên chức nghỉ hưu khi đã quá tuổi chiếm tỷ lệ rất cao. Trong số 873 trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT thì có đến 499 trường hợp quá từ vài tháng đến dưới 10 năm (chiếm 57,15%). Trong số 869 trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, cũng có tới 215 trường hợp quá từ một vài tháng đến dưới 10 năm (chiếm gần 25%). Như vậy, trong tổng số 1.742 trường hợp đã được ngành GD-ĐT giải quyết chế độ nghỉ hưu, số nghỉ hưu khi đã quá tuổi quy định chiếm tới 41% ). Số ngày phần lớn thuộc diện Bộ GD-ĐT quản lý (tập trung nhiều nhất ở khối cơ quan Bộ và ĐHBK Hà Nội).
               
              Ngoài việc nể nang “thầy – trò” thì trong ngành cũng còn biểu hiện của tư tưởng “cây đa, cây đề” của một số nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành và lĩnh vực.
               
              Thanh kiểm tra việc kéo dài thời gian công tác, cơ quan chức năng phát hiện ngay tại một cơ quan thuần túy thực hiện chức năng quản lý như Bộ GD-ĐT thì hầu như bất kỳ ai có học hàm, học vị, có chức vụ đều được kéo dài thời gian công tác và hầu hết các trường hợp được kéo dài thời gian công tác cũng chỉ làm công tác quản lý chứ không trực tiếp tham gia công tác giảng dạy. Trong số 313 trường hợp kéo dài thời gian công tác thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc Bộ thì có tới gần 20% được kéo dài không đúng về đối tượng.
               
              Kết quả thanh tra cho thấy, việc kéo dài thời gian công tác hầu hết là để được tiếp tục phong học hàm cao hơn; hoặc được nâng ngạch lên chuyên gia cao cấp, giảng viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp hoặc để nâng bậc lương cao hơn. Tại ĐH Đà Nẵng, có một trường hợp sau khi đã có thông báo nghỉ hưu, có quyết định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT nâng sớm một bậc lương để nghỉ hưu nhưng sau đó lại có quyết định phong hàm phó giáo sư nên cá nhân này có văn bản gửi Bộ và trường từ chối các quyết định này và đề nghị kéo dài thời gian công tác dù bộ môn, khoa, trường đều không đồng ý cho người đó ở lại.
               
              Thanh tra Bộ Nội vụ đã làm phép so sánh một số trường hợp có cùng bằng cấp, học hàm, học vị và thời gian công tác ở ĐH Mỏ Địa chất thì thấy rằng người không kéo dài thời gian công tác hàng tháng chỉ lĩnh hơn 2 triệu đồng lương hưu, còn người kéo dài thời gian công tác thì sau 5 năm được nhận lương hưu gần 3 triệu đồng/tháng (chưa kể các quyền lợi khác).
               
              Trong khi đó, với nhóm đối tượng là những người đang trực tiếp làm việc, có năng suất, hiệu quả, theo đúng chuyên môn; những người có trình độ chuyên môn cao, có uy tín..., Thanh tra nhận xét: Không một cơ quan, tổ chức nào của Bộ GD-ĐT thực hiện kéo dài thời gian công tác đối với nhóm này. Họ đã bị chiếm chỗ bởi những người dốt hơn nhưng có chức vụ quản lý.

              Bộ chưa nghỉ thì trường cũng chưa nghỉ

               - Việc kéo dài thời gian công tác đã trở thành mảnh đất tốt cho nhiều cá nhân trục lợi cho riêng mình chứ không phải toàn tâm, toàn ý tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của ngành giáo dục (Nhận xét của Bộ Nội vụ).


              - Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiên quyết thực hiện đúng chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác đối với tất cả các trường hợp vi phạm; Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm.

              (Đại đoàn kết)

              Trong những năm qua, hầu như Bộ GD-ĐT chưa chú trọng ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện nghiêm túc chế độ nghỉ hưu. Chính cơ quan Bộ lại là nơi thực hiện chế độ này yếu nhất, với số lượng nhiều và điển hình: Trong số 112 cán bộ, viên chức khối cơ quan Bộ đã nghỉ hưu từ tháng 10-2002 đến tháng 9-2007, 100% đều vi phạm về thời gian.

              Vì khối cơ quan Bộ không gương mẫu nên nhiều cơ quan, tổ chức trực thuộc cũng không thực hiện nghiêm chỉnh vì “Bộ chưa nghỉ thì trường cũng chưa nghỉ”. Do đó, tại các trường ĐH, các trường hợp được kéo dài thời gian công tác cũng chỉ thuần túy làm công tác quản lý chứ không trực tiếp tham gia công việc nghiên cứu, giảng dạy.
              Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, những người giữ bất kỳ chức vụ quản lý, lãnh đạo nào của trường cũng đều được kéo dài thời gian công tác. Rất nhiều trong số đó không hề có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, thậm chí nhiều trường hợp còn không tham gia trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy. Tại ĐH Thái Nguyên, 19% số hồ sơ kiểm tra có vi phạm về đối tượng kéo dài tuổi nghỉ hưu, kéo dài chỉ để làm công tác quản lý.

              Việc nghỉ hưu không đúng quy định đã để lại hậu quả không nhỏ về kinh tế và pháp lý.
               
              Mỗi năm, Bộ GD-ĐT phải chi một khoản tiền khá lớn để trả lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác cho đối tượng đến tuổi nhưng chưa về hưu. Do đó, số tiền bị BHXH chiếm dụng hàng năm là rất lớn. Vấn đề tham quyền cố vị, về mặt pháp lý, tạo ra tâm lý và ý thức coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến việc ổn định và sắp xếp bộ máy, biên chế cũng như hiệu quả quản lý và hoạt động của chính Bộ.
               
              (Theo Đại đoàn kết)

              http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/03/772962/




              Đọc thêm:
              Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t  
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.04.2008 09:35:11 bởi Ngọc Lý >
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9