RE: Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học
-
17.03.2008 22:19:46
Nghèo: Nguyên nhân duy nhất đưa đến hiện tượng bỏ học?
2008.03.17
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam, trong một thông báo gần đây, cho biết chỉ riêng học kỳ một năm học 2008, hơn 119 ngàn học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông, đã bỏ học. Đi kèm với con số ấy, giới chức của Bộ nói rằng con số bỏ học ấy là thấp hơn mọi năm, và rằng, “học sinh bỏ học không có điều gì bất thường.”
Ông Nguyễn Thiện Nhân từng được kỳ vọng rất nhiều khi lên nắm chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. RFA file photo.
Những phát biểu ấy đã khiến dư luận trong nước xôn xao, thậm chí phẫn nộ vì sự tắc trách của những người đảm nhiệm công tác giáo dục của quốc gia. Trong các lý do viện dẫn để giải thích hiện tượng bỏ học hàng loạt, người ta hay nhắc đến “cái nghèo.”
Liệu gia cảnh có phải là nguyên nhân duy nhất? Và liệu học vấn có còn là phương tiện tiến thân trong xã hội hiện nay? Biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật sau đây.
Hàng triệu học sinh bỏ học Chỉ trong vòng chưa đến 6 năm, số học sinh bỏ học tại Việt Nam đã lên đến con số hơn 3 triệu rưỡi.
Và chỉ riêng học kỳ một năm nay, 119 ngàn học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông, đã bỏ học.
Trong một buổi họp báo định kỳ tháng Ba năm 2008 do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo tổ chức tại Hà Nội hôm 12 vừa qua, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo Dục Trung Học đã đưa ra một số nguyên nhân giải thích, gồm có: học sinh gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình; một số trường học tại khu vực quá khó khăn không có chất lượng giảng dạy cao, bài vở không hấp dẫn khiến học sinh bỏ trường; chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức; và học sinh học kém không theo kịp chương trình nên chán nản tự bỏ.
Không phải là chuyện bất thường? Báo chí trong nước gọi đây là những “nguyên nhân chung chung, thời kỳ nào cũng đúng.”
Dư luận trong nước thì xôn xao với lời phát biểu của giới chức Bộ Giáo Dục, rằng hiện tượng học sinh bỏ học không có điều gì bất thường.
Phải chăng, chuyện bỏ học đã trở thành bình thường? Và bình thường đến nỗi không có gì đáng ngạc nhiên?
Có lẽ, điều bất thường nhất nằm ở chỗ, chính Bộ Giáo Dục xem chuyện học sinh bỏ học là điều bình thường!
Một trong các lý do nổi bật được đưa ra giải thích hiện tượng đau lòng này, là do gia cảnh học sinh gặp nhiều khó khăn, nên phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình.
Một giáo viên dạy cấp Hai tại một trường phổ thông ở miền Tây, yêu cầu không nêu tên và không ghi âm giọng nói, cho biết hiện trạng tại trường của mình.
“Trung bình một trường khoảng trên 50 em bỏ học, đa số là cấp Hai, là tuổi các em có thể lao động. Có thể lý do bỏ học là vì “ngồi nhầm lớp.” Ngồi nhầm lớp tức là chạy theo chỉ tiêu, học giỏi học dở gì cũng kéo lên lớp. Bây giờ vô lớp học không nổi, giáo viên la nên học trò nản.
Nhưng hiện tượng rõ ràng nhất là các em bỏ học để đi làm công ty. Mấy em lớp 8, lớp 9 là bắt đầu nghỉ. Các em to con thì mượn hồ sơ của anh chị lớn tuổi hơn. Rồi ở xã, nếu quen thì người ta chứng cho đi làm. Đây là sai luật lao động.” Bỏ học vì nghèo khó? Phải chăng, nghèo khó là nguyên nhân chính yếu đưa đến chuyện học sinh bỏ trường? Người Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ, đã có nhận thức rõ ràng, như một thứ truyền thống, rằng chỉ có học vấn mới là con đường tiến thân trong xã hội. Và thực tế xã hội đã chứng minh, càng nghèo, người ta càng cố gắng học, để thoát ra khỏi cái nghèo.
Ngày nay, trước hiện tượng học sinh bỏ học được giải thích là do hoàn cảnh khó khăn, một câu hỏi được đặt ra, là liệu học vấn không còn là phương tiện tiến thân, giúp người đi học thoát ra khỏi cảnh nghèo?
Một chuyên viên giáo dục Việt Nam có ý kiến.
“Người ta không thấy lối ra trong chuyện học. Người ta không thấy cơ hội trong chuyện học, không thấy học mang lại lợi ích thiết thân với mình. Nhu cầu cơm áo là chuyện trước mắt phải lo không thể không lo. Vậy mà, sự thăng tiến lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố không phải học vấn.
Thăng tiến chính trị chẳng hạn, không thể thăng tiến nếu không có gốc gác. Thăng tiến trong kinh doanh cũng không được, vì sự thăng tiến này không được quyết định trong sự nhạy bén, trong kiến thức, mà được hậu thuẫn của hệ thống quyền lực.”
Đã có một thời gian dài, dư luận được biết đến hiện tượng những cán bộ nhà nước đến tuổi nghỉ hưu nhưng không chịu về hưu. Điều này đưa tới nghi vấn về việc nhà nước có thật lòng muốn tuyển dụng đội ngũ trí thức trẻ vào hệ thống công quyền.
Đó là chưa nói, gần đây, báo chí trong nước cho biết Bộ Nội Vụ đã phải làm một cuộc nghiên cứu hiện tượng hàng loạt viên chức bỏ khu vực công sang làm cho khu vực tư.
Chuyên viên giáo dục giải thích tiếp:
“Câu chuyện hàng loạt công chức có chuyên môn trong các cơ quan công quyền bỏ việc ra ngoài làm cho thấy họ không có cơ hội thăng tiến trong bộ máy. Đó là một bằng chứng. Bằng chứng là cơ hội thăng tiến không còn cho tất cả mọi người nữa. Đó là bất công xã hội. Cơ hội không rõ ràng, nên người ta không còn nỗ lực nữa.” Đâu là nguyên nhân chính? Đã có một thời, việc gắn liền tiêu chuẩn bằng cấp với chức danh trong hệ thống công quyền đã khiến bằng cấp trở thành một yếu tố không thể thiếu cho sự thăng tiến.
Những tưởng, việc điều kiện hoá sự thăng tiến với bằng cấp và trình độ sẽ đặt lại vai trò quan trọng của giáo dục trong xã hội, sự thật không phải như vậy.
Bằng chứng rõ nét nhất vẫn là hiện tượng bằng giả lan tràn cùng với việc các cán bộ mọi ngành tham gia đi học tại chức. Báo chí trong nước đã viết rất nhiều về thảm nạn này.
Một bài báo đã từng thống kê cho thấy, riêng tỉnh Cà Mau, tại 85 cơ quan, người ta phát hiện hơn 650 trường hợp bất thường. Tại ngành Giáo Dục và Tư Pháp của tỉnh, người ta khám phá ra đến 4 chánh án, 1 phó chánh án, 1 thẩm phán toà án huyện, dùng bằng giả, đó là chưa kể hơn 300 cá nhân khác là cán bộ giáo dục của tỉnh.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Đỗ Hiếu của đài Á Châu Tự Do, một nữ sinh viên tại Sài Gòn, tên Tú cho biết.
“Tình hình giáo dục Việt Nam ngày cáng có nhiều bức xúc. Tiền thì cao mà chất lượng và bằng cấp không có nhiều giá trị. Đó cũng là lý do nhiều sinh viên bỏ học.” Trở lại với giáo viên dạy cấp Hai tại một trường trung học miền Tây. Cô cho biết chương trình học cũng là một điều bất cập. Cô nhận xét rằng chương trình học được xây dựng thiếu tính khoa học:
“Mà chương trình thì nặng, ép học trò học vẹt, toàn trên trời dưới đất không hà! Chẳng hạn chương trình ngữ văn, trước đây lớp Chín học thơ Đường, bây giờ thì xuống tới lớp Bảy. Em đi dạy em còn không hiểu thơ Đường nữa là.” Giáo viên các trường có học sinh bỏ học có nhiệm vụ phải đi vận động học trò của mình trở lại lớp. Những gì mà người nữ giáo viên miền Tây kể về địa phương mình không phải là chuyện ngoại lệ.
“Giáo viên bị bắt buộc đi vận động. Phụ huynh người ta đa số không quan tâm. Họ nói, bây giờ đi học cũng được, nhưng rồi mấy năm nữa học xong thì cũng đâu có xin được việc đâu. Đâu có phải con ông cháu cha mà xin được việc làm. Thôi thì cho nghỉ học bây giờ luôn cho rồi. Nghe phụ huynh nói mà mình giựt mình trước bức xúc của họ.” Trước hiện tượng hàng triệu học sinh bỏ học chỉ trong vòng 5 năm, việc giải thích bằng cách viện dẫn lý do gia cảnh nghèo khó có vẻ không phản ánh hết hiện trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Có thể, cái nghèo là điều kiện đủ, nhưng hoàn toàn không phải là điều kiện cần đưa đến thảm nạn.
Chính phủ Việt Nam đã từng nhấn mạnh rằng Giáo Dục là Quốc Sách. Vấn đề không nằm ở tiêu chí mà ở chỗ những giải pháp nào sẽ được thực hiện. Và hiển nhiên, trước hết vẫn là tìm cho ra nguyên nhân.
Nếu học vấn và bằng cấp không còn là phương tiện tiến thân trong xã hội, câu hỏi có lẽ sẽ lớn hơn nhiều. Và câu trả lời, không chỉ là sự nghèo khó
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/17/Vietnamese_Government-high_school_dropout_rates_are_normal_TGiao/
Đọc thêm:
Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và t
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.03.2008 22:26:25 bởi Ngọc Lý >