Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học
Phó thủ tướng: 'Đau xót khi nhiều học sinh bỏ học' Ngày 11/3, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình trạng trẻ em ồ ạt bỏ học chủ yếu là do thiếu chăm sóc, phối hợp của các địa phương. Năm nay, Bộ sẽ giao cho địa phương quyết định thời điểm khai giảng và kết thúc năm học, để các tỉnh miền núi nghỉ đông dài hơn.
> Hơn 100.000 học sinh bỏ học/ Trường học đơn sơ ở vùng cao Theo ông Nhân, việc học sinh bỏ học là điều đau xót nhưng để đánh giá hiện tượng này đang được cải thiện hay xấu đi thì cần phải có số liệu thực tế. Ví dụ, năm học 2003 - 2004, cả nước có 580.000 em bỏ học, năm học 2005-2006, con số này là 600.000 em (khoảng 6%). "Học kỳ một năm học này có trên 100.000 em bỏ học thì chúng ta cũng chưa đủ thông tin đánh giá là tình trạng này xấu đi hay tốt hơn. Tôi cho rằng, về tổng thể thì tốt hơn bởi qua một năm thực hiện "Hai không", năm học này ngành chỉ đạo các trường làm tương đối quyết liệt bồi dưỡng học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học", ông nói.
Tại nhiều tỉnh miền núi, trẻ em không có điều kiện đi học. Ảnh: Hồng Vân. Đề cập tới việc 9 tỉnh có số học sinh bỏ học lên tới 1,7% (cao hơn bình quân cả nước), Phó thủ tướng cho rằng, nhiều địa phương kinh tế khó khăn chưa quan tâm tới giáo dục nên việc bỏ học tương đối cao. Mặt khác, cũng có địa phương rất khó khăn nhưng tỷ lệ bỏ học của năm học này lại thấp bằng một nửa các nơi khác. Mấu chốt của vấn đề chính là việc phối hợp, quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. "Việc chăm sóc, phối hợp của các địa phương là hết sức quan trọng. Ví dụ như ở Simacai (Lào Cai), mỗi ngày một phụ huynh tới trường nấu cơm. Em nào đi học về đeo tấm biển thì phụ huynh biết hôm sau đến lượt mình nấu cơm còn gạo do xã hội góp vào", Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kể. Ông Nhân cũng cho biết, Thủ tướng vừa ký chương trình kiên cố hóa trường lớp từ nay đến 2012 với tổng đầu tư là 25.200 tỷ đồng. Theo đó, khi Nhà nước đầu tư về trường thì các tỉnh sẽ có kinh phí dành cho thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục từ đó được nâng cao.
Còn nếu may mắn được tới lớp thì nhiều nơi, học sinh cũng phải học trong điều kiện hết sức tạm bợ. Ảnh chụp tại huyện Mường Nhé (Điện Biên): Hồng Vân. Năm nay, Bộ sẽ giao cho địa phương quyết định thời điểm khai giảng và kết thúc năm học. Nhờ đó, các tỉnh miền núi sẽ được nghỉ đông dài hơn, tránh tình trạng lúng túng khi cho học sinh nghỉ rét như thời gian qua. Bên cạnh đó, năm học 2008 - 2009 sẽ được gọi là năm học ứng dụng công nghệ thông tin. Các trường ở miền núi không có đường điện thoại sẽ tiếp cận Internet qua các trạm thu sóng vệ tinh nhỏ. Phấn đấu hết năm 2009, tất cả các trường ở vùng khó khăn kết nối được Internet.
(Nguồn: Bộ GD-ĐT)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.03.2008 13:21:46 bởi Ngày Xưa Tím >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: