Kết quả các chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam?
Ngọc Lý 25.03.2008 21:08:38 (permalink)
Kết quả các chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam?
2008.03.24
Trà Mi, phóng viên đài RFA
 
Bộ Nội Vụ Việt Nam đang hội ý các cơ quan chức năng về đề án quy định cán bộ-công chức mỗi năm phải kê khai tài sản và thu nhập, một nỗ lực nhằm chống tham nhũng, ngăn chặn những khoản thu bất chính của quan chức nhà nước. Ý kiến của người dân về việc này ra sao? Trà Mi ghi nhận:


http://www.rfa.org/service/audio_popup.html?file=http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/24/vtm032308.mp3
Tải xuống để nghe


    AFP PHOTO.


    Nạn nhân ngao ngán

    Các nạn nhân trực tiếp của tình trạng tham nhũng hoành hành tại Việt Nam, khi được hỏi nhận xét chung về hiệu quả các chính sách trước nay nhà nước đề ra để đối phó với quốc nạn tham nhũng đều tỏ ra ngao ngán như bà Hoa, một cư dân tại Quận 2 nhiều năm tố cáo tiêu cực của giới chức địa phương trong việc thu hồi đền bù đất đai, mà vẫn chưa tìm đựơc ánh sáng công lý:

    Bà Hoa: “Hiện nay chưa có đủ lực và chưa có đủ các cơ chế để chống tham nhũng. Nhà nước đưa ra các chính sách chống tham nhũng thì các chính sách đó tôi coi là phá sản rồi, không có thực hiện được cái gì hết.
    Tôi có một ví dụ là ngay cơ quan toà án là cơ quan thay mặt công lý nhưng thực sự ra thì thẩm phán muốn xử là cứ xử theo ý mình, cho nên cái khổ của người dân là đã bị cái cơ chế pháp lý đè, không có con đường thoát. Nói lên sự thật khách quan của mình cũng không ai nghe.”



    Ông Thanh, người gặp không ít khó khăn với chính quyền địa phương chỉ vì công khai đấu tranh chống các hành vi tham nhũng đất đai tại Quận Bình Thạnh, góp lời:

    Ông Thanh: “Để chống tham nhũng, nhà nước chống thì càng ngày tham nhũng càng sâu thêm, có xử lý gì được ai đâu. Nói thôi chớ chúng tôi chẳng có coi đựoc cái toà nào xử thẳng thắn cán bộ thâm ô tham nhũng. Báo đăng nói qua loa vậy thôi chớ đâu cũng vào đấy thôi, kêu bằng thí chốt để giữ xe, xong rồi từ từ các anh cũng bao che lần lần.

    Lấy thí dụ như Bùi Tiến Dũng ban đầu xử nặng riết rồi càng ngày càng nhẹ tội lần lần. Coi như từ hồi nào tới giờ chưa thấy cái tay nào xử nghiêm minh hay là rõ ràng cho công chúng biết để cho dân thoả mãn hết. Hầu như chưa có.”



    Nhà nước nói chống tham nhũng chứ có xử lý gì đâu. Chẳng có cái toà nào xử thẳng thắn cán bộ thâm ô tham nhũng. Như Bùi Tiến Dũng ban đầu xử nặng riết rồi càng ngày càng nhẹ tội lần lần.

    Ông Thanh, quận Tân Bình


    Một nạn nhân khác tại Quận Gò Vấp là chị Trang, người đã bị không ít phiền nhiễu mà thậm chí còn bị hành hung, chỉ vì khiếu kiện những bất công trong việc chính quyền tịch thu đất đai, bức xúc:

    Chị Trang: “Cái cuộc đấu tranh của dân oan trong nước, trong đó cũng có gia đình của em, thì vấn đề đó cũng từ cái nạn tham nhũng của đất nước mà ra. Gia đình em đi đấu tranh đòi công lý 22 năm rồi, cho tới ngày hôm nay vẫn chưa thấy công lý ở đâu.


    Nhưng mà vấn đề bịt mắt công lý thì em thấy rất rõ. Những quan tham nhũng mà các em tố cáo trực tiếp thì được bao che và càng ngày càng lên chức chớ có ai bị đem ra xử hoặc lấy lại tài sản cho dân. Nếu như họ thực sự muốn đánh tham nhũng thì không có khó, nhưng mà họ có thực sự muốn làm hay không mới là điều quan trọng.

    Biện pháp để mà cứu nguy quốc nạn này thì ít nhứt phải thấy thực hiện một cái nào cho có hiệu quả nhưng mà không thấy cái nào cả. Tại vì sao? Nếu họ đem ra mổ xẻ và làm tới nơi tới chốn thị họ sẽ xử chính người thân của họ.”


    Kiểm soát thu nhập của quan chức

    Trước tình hình đó, liệu đề án kiểm soát thu nhập của quan chức nhà nước có thể là một "liều thuốc" khả thi, khống chế phần nào hoạt động của "virus tham nhũng" tại Việt Nam hay chăng?


    Vụ PMU18, một trường hợp tham nhũng điển hình tại Việt Nam, khi Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng lấy hàng triệu đôla công qũy để tiêu xài, bài bạc, ăn chơi. RFA file photo.

    Ông Thanh nhận xét: “Khó lắm! Việc đó khó lắm. Kê khai mà ai là người giám sát? Sống từ hồi đó tới giờ tôi chưa thấy được cái gì mà có niềm tin cho dân hết.”


    Ông Duy, một tiếng nói mạnh dạn chống tham nhũng cùng với bà con ở Quận 9 trong suốt nhiều năm qua, phát biểu:

    “Không khả thi bởi vì cái tính trung thực, cái đạo đức tốt của giới công chức Việt Nam không có. Nếu có thì chỉ là thiểu số thôi. Cái hệ thống này tạo nên những con người như vậy.


    Cái hệ thống xã hội này tạo nhiều kẽ hỡ cho giới công chức Việt Nam có thể tham nhũng. Và cái chuyện họ hô hào là kê khai tài sản thì chẳng qua đó là một biện pháp mị dân khi mà lòng dân đã quá ư phẫn uất đối với chuyện tham nhũng trong giới cán bộ công quyền thôi.

    Tôi nghĩ là không cần phải kê khai, thì với đồng lương công chức, tôi nói ví dụ từ ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Thủ Tướng, ông Chủ Tịch Nước, ông Chủ Tịch Quốc Hội, thì mức lương đó mình có thể "check" bất cứ lúc nào để biết cái mức lương của người ta là bao nhiêu một tháng chớ, nhưng mà cái gia sản của người ta - tôi chưa nói tới tiền gửi nhà băng, tôi chỉ nói những cái nhìn đập vào mắt người dân đó, thì đủ đánh giá là cái đó nó ở đâu mà ra rồi.”


    Cư dân ở quận 2 đồng tình: “Cái việc kê khai tài sản cũng khó thực thi lắm bởi vì người ta sẽ giấu, người ta sẽ không trung thực. Cái cụ thể là phải giải quyết từ cái cải cách hành chính một cách hợp lý, có như vậy thì mới đánh tham những được, bởi vì người ta thu được cái tiền là do nhũng nhiễu dân hoặc là do hối lộ gì gì đó.”

    Ông Lâm, người có nhiều "kinh nghiệm thương đau" khi hửơng ứng lời kêu gọi của nhà nước, khẳng khái tố cáo những quan liêu của giới chức Quận Tân Bình, bày tỏ sự hoài nghi trước công hiệu của "liều thuốc chữa cháy tạm thời" này:


    Cái hệ thống xã hội này tạo nhiều kẽ hỡ cho giới công chức Việt Nam có thể tham nhũng. Và cái chuyện họ hô hào là kê khai tài sản thì chẳng qua đó là một biện pháp mị dân khi mà lòng dân đã quá ư phẫn uất đối với chuyện tham nhũng trong giới cán bộ công quyền thôi.

    Ông Duy, Quận 9


    “Với những thực tế tai nghe mắt thấy thì chúng tôi không có một niềm tin nào để nghĩ rằng việc chống tham nhũng của đảng và nhà nước đưa ra lần này sẽ mang đến một cái hiệu quả nào đó, vì đảng và nhà nước nói thì rất nhiều nhưng mà hiệu quả trong việc chống tham nhũng nó là con số không.


    Đúng là chúng tôi không còn niềm tin nào về những phương pháp, biện pháp hay là dự án nào để chống tham nhũng hết. Những người mong muốn góp phần để xây dựng một đất nước trong sạch trở thành tấm gương để cho mọi người thấy là gì?

    Đó là tố cáo hay là phản ánh những hiện tượng tham nhũng thì chỉ mang lại tai hoạ cho bản thân họ mà thôi. Còn việc khuyến khích công dân chống tham nhũng chỉ là mị dân thôi.”


    Đề xuất của người dân

    Vậy phương thuốc nào cứu nguy cho căn bệnh trầm kha, tham nhũng tại Việt Nam? Người dân có đề xuất gì giúp nhà nước bài trừ quốc nạn này?

    Ông Thanh: “Theo tôi thì những cán bộ quan chức tham nhũng thì phải xử cho nặng tay, tịch thu tài sản, họ mới sợ, chớ còn cách chức hay xử lý nội bộ, hay là phê bình xây dựng thì nhằm nhò gì đâu.


    Ở Việt Nam bây giờ ai cũng biết những cán bộ hay những quan chức chỗ nào mà đất đai giàu có nhứt hay chỗ nào tốt đẹp nhứt thì về tay cán bộ quan chức thôi chớ có ai đâu. Mất chức thì về cũng còn đầy đủ tài sản để sống phè phởn cả đời. Cái đó là phải thu hồi, phải trả lại cho người dân hay là đem tài sản đó sung vào công quỹ để lo cho đất nước.

    Người dân bây giờ rất bức xúc. Việt Nam này mà xử vài thằng như Trung Quốc thì không có ai dám hết. Phải kiên quyết để dân và dư luận quốc tế đều nhìn thấy được. Dẹp những tham nhũng, những quan tham, cường hào ác bá, phải được minh bạch, phải được rõ ràng, thực hiện dân chủ nhân quyền cho dân đỡ khổ thì đâu đâu ai cũng muốn như vậy hết, ai cũng mong vậy, nhưng mà mong thì mong chớ chưa có được gì.

    Có dân chủ nhân quyền thì người dân Việt Nam mới sống được thoải mái. Những người có lên tiếng này kia thì bị cho là bất đồng chính kiến, cho là chống đối, chống đảng, chống nhà nước rồi bị trù dập. Mấy ổng đâu có chịu lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người dân khiến cho đất nước mình bao nhiêu năm nay không phát triển đựoc là vì vậy.”


    Chia sẻ với tâm tư của ông Thanh ở Bình Thạnh, chị Trang cư dân Quận Gò Vấp, bày tỏ mong muốn:

    Chị Trang: “Em cũng rất mong muốn nếu như mà có một sự công bằng xã hội thật sự, một cái dân chủ thật sự để cho đất nước mình, ngưòi dân mình có quyền lên tiếng và đem ý kiến mình ra đóng góp cho đất nước đi lên thì mới mong chống được tham nhũng. Đó là điều mong mỏi nhứt.


    Còn bây giờ họ có hàng trăm cách để trị cái tội nếu như anh dám nói những điều anh thấy. Thực hiện những điều họ nói là "dân biết, dân làm, dân kiểm tra" thì để cho dân được quyền nói những điều họ thấy hoặc là công đoàn cũng đựoc quyền nói, giai cấp công nhân cũng nói mà nông dân cũng được lên tiếng, đồng lòng với nhau để mà đem vấn đề ra mổ xẻ thì đó mới là tiếng nói thật của dân tộc mình. Còn bây giờ chỉ có chính quyền nói và áp đặt, dân chỉ được nghe, những người mà càng đấu tranh mạnh như tụi em thì càng bị đàn áp.”


    Còn ông Duy ở quận 9 thì đề nghị những giải pháp "tận gốc" nhằm trong sạch hoá bộ máy nhà nước đang bị "virus tham nhũng" tấn công toàn diện như hiện nay:

    Ông Duy: “Tôi cho rằng cái chế độ này nó mắc lỗi hệ thống, mà lỗi hệ thống thì phải xoá nó đi và cài đặt mới thôi. Chứ còn như thế này thì không thể nào vá lỗ hổng, không thể nào làm được đâu. Tôi nghĩ rằng chống là chống từ cấp cao nhất thì hãy nói chuyện, đừng có bắt mấy con tép bỏ vô nồi, không có ăn thua gì hết. Bản thân các ông cao nhất có tham nhũng hay không, đầu tiên là cái chuyện đó đã.”


    Vừa rồi là ý kiến phản hồi của người dân trước đề án chống tham nhũng, quy định cán bộ-công chức nhà nước phải kê khai tài sản và thu nhập hàng năm. Dự thảo này đang được Bộ Nội Vụ lấy ý kiến các ban ngành trung ương trước khi Quốc Hội ra nghị quýêt áp dụng toàn quốc.

    Nên chăng ý kiến của người dân, những nạn nhân trực tiếp đang khốn đốn lao đao vì quốc nạn tham nhũng, cũng cần đựơc nhà nước tham khảo? Và cho dù dân được cất lên tiếng nói thì những kiến nghị ấy đựơc lắng nghe đến đâu?

    Đó là những câu hỏi đang được nhiều người đặt ra và mong chờ hồi đáp của giới hữu trách.

    © 2008 Radio Free Asia


    Các tin, bài liên quan


    Giúp nghe đài RFA trên mạng »
    Tải và cài đặt Audio Player »
    Ăng-ten chống phá sóng »
     
    http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/03/24/Anti-corruption_requires_officials_to_declare_their_assets_TMi/
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.03.2008 21:12:00 bởi Ngọc Lý >
    #1
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9