Lướt sóng tìm vua vượt bể Đông
Đường xa vời vợi biển mênh mông
Gan bền sông núi thường bươn chải
Chí cả sơn hà gánh nhẹ không?
Mấy bận gian lao tầm vết Chúa
Bao lần cực khổ dõi chân Rồng
Chẳng hay Nghĩa Sĩ từ đâu lại?
Ta ở An Thường lạc bước rong !
Chu Hà
TĂNG BẠT HỔ Nghĩa khí vượt ngoài cả biển Đông Nước giàu dân gỏi những trông mong Tay không đuổi hổ bền gan hử Sức gắng phò vua mỏi chí không? Mấy trận Kim Sơn hơn giặc Pháp Một lần Lữ Thuận xứng con Rồng Đông du ai hỡi đời xin hiến Thân gởi Trường An thoả chí rong! May 2, 2008 Đuyên Hồng
Tăng Bạt Hổ, nhà yêu nước canh tân Tăng Bạt Hổ, tên của ông gắn liền với một giai thoại lý thú, nói lên bản lĩnh của ông, lúc chưa đầy 30 tuổi.
Tháng Giêng năm Đinh Hợi - 1897, sau ngày chiến đấu chống bọn thực dân Pháp và bọn tay sai phản động không thành, ông tìm đường sang Thailand, cầu viện, cứu nước. Khi đi đến đèo Dốc Đót, giáp giới cao nguyên An Khê - Bình Định, ông gặp một con cọp chặn giữa đường, mấy người theo ông ai cũng lo, có người run như cầy sấy. Tăng không chút sợ hãi, nhìn thẳng vào con cọp. Cọp phải tránh sang một bên cho ông và các người cùng đi qua đèo.
Từ đó, các người cùng đi tôn ông là Tăng Bạt Hổ.
Câu chuyện "bạt hổ" của Tăng được truyền tụng trong dân gian, nơi làng quê Bình Định, vốn giàu truyền thống yêu nước, bất khuất.
Con đường cứu nước của ông, với hành trang ngót 30 năm trên chiều dài đất nước, từ miền Trung Trung Bộ ra Hà Nội, lên Sơn Tây, Cao Bằng và đến tận Thailand, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản xa xôi, để lại biết bao kỷ niệm và nghĩa tình sâu lắng trong nhân dân trên mọi miền đất nước và bầu bạn xa gần từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đến nay.
Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, sinh năm Mậu Ngọ - 1858, tại xã An Thường, thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Ngay từ năm ất Hợi - 1876, lúc Tăng 18 tuổi đã thay anh đi đầu quân gia nhập quân đội triều đình, dưới thời Tự Đức (1848-1883).
Với bản tính can trường và giỏi võ, Tăng sớm lên chức chỉ huy từ Xuất đội (trước năm 1883) lên Cai cơ (1884) và đồn trú tại cửa An Dũ, thuộc huyện Hoài Nhơn, canh phòng bờ biển đối phó tàu Tây quấy rối biển trời Tổ quốc.
Ngày 23 tháng 5 năm ất Dậu - 1885, kinh thành Huế thất thủ, bị giặc Pháp chiếm đóng. Vua Hàm Nghi (1884-1888) phải chạy ra Quảng Trị ban chiếu Cần Vương, kêu gọi người hiền tài ra giúp nước.
Nghe tin này, Tăng cùng đồng đội bỏ hết súng đạn rời An Dũ kéo lên vùng Kim Sơn, thuộc huyện Hoài Ân, chiêu mộ Nghĩa binh và lập chiến khu chống Pháp.
Chỉ trong một thời gian ngắn ông được mọi người kính trọng, tôn vinh làm Đề đốc, chỉ huy nghĩa quân kháng chiến. Ông đặt bản doanh tại một ngọn núi trong dãy Kim Sơn, với tên gọi Tổng Dinh - tiền đồn án ngữ phía tây nam đất nước. Trong thời gian này, ông vừa xây dựng lực lượng kháng chiến chống Pháp, vừa bắt liên lạc với Bùi Điền, Thống trấn trong vùng đang lập chiến khu trong núi Chớp Chài, thuộc huyện Phù Mỹ để phối hợp lực lượng Cần Vương chống Pháp xâm lược.
Tại chiến khu Kim Sơn, lực lượng kháng chiến của ông ngày càng phát triển và ảnh hưởng của nó không ngừng lan rộng. Thực dân Pháp và bọn Việt gian bán nước lồng lộn trước khí thế của phong trào Cần Vương và vai trò lãnh đạo lực lượng kháng chiến của Tăng ở Bình Định đã tìm cách đánh phá ác liệt căn cứ kháng chiến của ông.
Tháng 8 năm Bính Tuất - 1886, thực dân Pháp và bọn Việt gian phản động, kéo quân vào Bình Định, trú đóng tại đồn Lạng Giang - Bồng Sơn, Hoài Nhơn, tiến đánh Tổng Dinh và tiêu diệt lực lượng của Tăng ở Kim Sơn.
Nhìn rõ âm mưu kẻ thù, nắm được ý đồ của giặc, Tăng không ngồi yên đợi giặc tới, đã mật ước với Thống trấn Bùi Điền, đem quân tấn công vào đồn Lại Giang ngay trong đêm tối. Nhưng rất tiếc, rất đỗi xót xa, tướng Bùi Điền lầm tưởng Lại Giang ra Lộc Giang thuộc xã An Tường - Hoài Ân, nên đem quân đánh đồn Lộc Giang vào đêm hôm ấy. Lực lượng phân tán, hai cánh quân của Tăng và Điền không hợp đồng chiến đấu tại đồn Lại Giang, nên bị thất bại nặng nề.
Bọn Việt gian phản động cho tay sai dụ Tăng ra hàng giặc Pháp. Tăng vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, biểu lộ khí khái bất khuất của mình: "Dẫu rằng không thành công, nhưng các chiến hữu và học trò của tôi vẫn còn nhiều, họ tiếp tục chiến đấu. Tôi có thể nhìn người Pháp mà không hổ thẹn, khuất phục giặc!".
Vì vết thương của ông quá nặng, máu ra nhiều, đuối sức. Các chiến hữu đưa ông về nhà săn sóc, định sáng hôm sau võng ông về chiến khu Kim Sơn.
Bọn giặc thâm độc, mưu toan bắt sống ông, mới rạng sáng bọn Việt gian phản động đã thúc quân tiến đánh chiến khu Tổng Dinh và san bằng căn cứ kháng chiến ở Kim Sơn. Bọn giặc bắt gia đình ông cùng thân quyến nghĩa binh khảo tra, đánh đập dã man, nhưng ai cũng thương xót và mến phục ông, không ai điềm chỉ cho giặc về tung tích của ông. Ông thoát nạn trong tình cảnh khó khăn, ác liệt ấy.
Vào thời điểm này, con đường cứu nước đang đặt ra với ông, phải rời quê hương đi sang các nước láng giềng, nhằm cứu dân cứu nước. Ông đã vượt biên giới sang Lào, qua Thái-lan vào mùa xuân năm 1887.
Sau đó, Tăng Bạt Hổ quay về Hải Phòng tạm lánh để chờ thời cơ thuận tiện. Nhưng rồi, ông thấy chỉ còn có Nhật Bản có thể giúp ông hoàn thành tâm nguyện. Ông quyết định sang Nhật tìm hiểu bằng cách xin đi làm thủy thủ cho một chiếc tàu buôn để đươc đi Nhật mà khỏi tốn tiền.
Tại Nhật ông đã học được cách sử dụng vũ khí, chiến lược, chiến thuật của Âu Mỹ cùng tinh hoa binh pháp của một dân tộc sống trên sóng nước từng quen về thủy chiến.
Với tấm lòng yêu nước, quyết tâm học cái hay cái giỏi của xứ người để có thể đuổi kịp người, nên ông sớm thành tài. Ông nổi tiếng là một chiến sĩ thiện chiến và can trường được người Nhật mến phục. Ông đã chứng tỏ tài năng của mình trong các trận thủy chiến ở Đài Liên và Lữ Thuận trong cuộc Nga - Nhật chiến tranh xảy ra từ tháng 2-1904. Ngày chiến thắng Lữ Thuận, do Minh Trị Thiên Hoàng thết đãi, ông được Nhật Hoàng tự tay ban cho một chung ngự tửu. Cảm kích sự tưởng thưởng đó, ông bày tỏ nỗi lòng của mình: "Tôi không phải là người Nhật mà là người Việt Nam vong quốc". Chính từ đó ông nghiễm nhiên trở thành một chính khách Việt Nam hoạt động bên cạnh chính phủ Nhật Bản. Các danh nhân và chính khách ở Nhật Bản đều cảm kích tấm lòng cao thượng của ông và ngỏ ý giúp đỡ ông về đào tạo nhân tài cho đất nước.
Tháng 10-1904, ông từ Nhật trở về nước để tìm gặp nhà ái quốc Phan Bội Châu phát động Phong trào Đông Du.
Tháng Chạp năm 1905, ông từ Nhật về nước mang theo thư của cụ Phan Bội Châu "Khuyên thanh niên du học", phổ biến trong nhân dân, quần chúng khắp nơi. Ông còn liên lạc với cụ Nguyễn Quyền xúc tiến thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (mở trường dạy tân học và miễn phí cho con nhà nghèo hiếu học).
Mùa đông năm Đinh Mùi - 1908, ông từ Bắc trở vào Trung, dừng lại Huế để cổ động phong trào Đông Du, thì lâm bệnh nặng. Ông qua đời bên bờ sông Hương gợn sóng (1908).
Với 50 tuổi đời, đầy nhiệt huyết, bôn ba tìm phương cứu dân cứu nước của Tăng Bạt Hổ đã đi vào lịch sử đến nay đã hơn 90 năm, nhưng tinh thần yêu nước và đức tính cao quý của ông vẫn còn ngời sáng cùng với lịch sử dân tộc.