Thí sinh sợ thi tốt nghiệp môn Lịch sử
Thanh Vân 28.03.2008 17:44:49 (permalink)
Thí sinh sợ thi tốt nghiệp môn Lịch sử


Ngày sau khi biết 6 môn thi tốt nghiệp THPT, thí sinh tại Hà Nội và TP HCM đã có những phản ứng khác nhau. Nhiều bạn nơm nớp lo lắng vì sự có mặt của môn Sinh và đặc biệt Sử, lần thứ tư liên tiếp trong danh sách.






Nguyễn Thanh Tùng (THPT Chu Văn An) chia sẻ: "Em nghĩ là năm nay sẽ thi Hóa nên dành thời gian ôn môn này khá nhiều. Em rất sợ những môn học thuộc lòng, nhất là Sử. Chắc em sẽ tập trung cho 2 môn Lý và Toán để gỡ điểm môn Sử và Sinh".
Trái lại, Hồ Duy Thái (THPT Nguyễn Trãi) mừng rỡ khi năm nay không thi môn Hóa học: "Em thi kiến trúc nên chỉ học cầm chừng môn Hóa. Các môn học thuộc lòng cứ chăm là được vì chỉ cần trên 30 điểm là qua. Mục tiêu của em là kỳ thi đại học trước mắt".
Nhiều thí sinh đều sợ các môn thi học thuộc lòng. Ảnh: H.H. Nhiều thí sinh thi khối C cũng thở phào nhẹ nhõm khi biết có môn Sử bởi nhiều em cho rằng, năm 2007 thi Sử nên năm nay sẽ thi môn khác. Theo Thu Hà (THPT Quang Trung), môn Lịch sử dài mà khó học nên thi tốt nghiệp sẽ là bước "thử nghiệm" cho kỳ thi đại học sắp tới. "Ở trường, em cũng được ôn trắc nghiệm Lý và Sinh nên cũng không thấy quá lo lắng", Hà nói.
Tại TP HCM, nhiều học sinh lớp 12 cho biết chưa được trường thông tin các môn thi tốt nghiệp năm 2008, nhưng hầu hết đã cập nhật qua báo chí vào chiều 27/3. 
Nguyễn Tiến Trung, học sinh 12 A3 Trung học thực hành (ĐH Sư phạm TP HCM) cho biết, chưa nắm được tin về môn thi tốt nghiệp. Nhưng khi biết rằng năm nay sẽ thi môn Lịch sử, cậu học sinh này suy tư ra mặt.
"Em thi ĐH khối A vào ĐH Kinh tế TP HCM, nên không chú tâm học các môn xã hội, đặc biệt là môn Sử, vì phải học thuộc quá nhiều. Ngay từ hôm nay em sẽ phải học hết "tốc lực" môn này", Trung vạch kế hoạch, nhưng không giấu được vẻ lo lắng trong ánh mắt.
Còn Nguyễn Thị Mỹ Phương, lớp 12 B1, THPT Lê Thị Hồng Gấm cũng tỏ ra khá ngỡ ngàng khi biết sẽ thi môn Sử. Tuy nhiên, theo Phương, Sử chưa phải môn thi "ngán" nhất, môn Sinh học mới môn "kinh hoàng" với hầu hết học trò. "Trong dự đoán của bọn em không có môn Sử, vì môn này đã thi tốt nghiệp 4 năm liên tiếp", Phương than thở.
Học sinh THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), Lê Quý Đôn, Marie Curie (quận 3), Lê Hồng Phong (quận 5), cũng chung ý kiến: "ngán" nhất môn Sinh học. Tuy nhiên, các học sinh này cho rằng, từ nay đến ngày thi tốt nghiệp vẫn còn đủ thời gian.
Chiều 27/3, trao đổi với VnExpress, nhiều lãnh đạo THPT tại Hà Nội và TP HCM cho biết, thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học không khiến giáo viên và học sinh lúng túng như năm ngoái.
Đa số giáo viên THPT tại TP HCM được hỏi cũng cho rằng, học sinh sợ thi môn Sinh học. "Môn này không những phải học thuộc nhiều mà các bài toán cũng rất khó", bà Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Sinh học THPT Lê Thị Hồng Gấm nhận định.
Tuy nhiên, bà Duyên cũng cho biết, nhiều giáo viên, học sinh đã dự báo được sự có mặt của Sinh học trong danh sách môn thi. "Môn này không thi đã bốn năm, nên chúng tôi cũng dự đoán năm nay sẽ thi và chú trọng dạy và học ngay từ đầu năm", bà Duyên chia sẻ.
Chia sẻ với tâm trạng của học sinh, Hiệu trưởng THPT Hà Nội -Amsterdam Đỗ Lệnh Điện cho rằng, việc thi 6 môn này là hoàn toàn hợp lý. "Ngoai 3 môn bắt buộc, danh sách 3 môn còn lại cũng chỉ có Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh nên có thể "đoán " trước được. Trường đã cho các em tập dượt môn thi trắc nghiệm ngay từ trong năm. Khi biết danh sách môn thi, chúng tôi sẽ lên kế hoạch ôn thi cụ thể hơn cho các em", ông Điện nói.
Ngay từ cuối học kỳ 1, THPT Trần Nhân Tông đã ôn thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 12. Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trường còn mở lớp ôn miễn phí để bổ trợ kiến thức cho các em học yếu kém.
Theo thống kê của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT), trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2007, điểm trung bình môn Lịch sử là 2, trong khi môn Vật lý là gần 5,2, Hóa học là gần 4,5, Văn là 4,4, Toán là gần 3,7 và Ngoại ngữ là 3,6 điểm.
Đáng lưu ý, trong số hơn 150.000 thí sinh thi Lịch sử được 0- 4,5 điểm (gần 96% tổng số thí sinh dự thi), có gần 6.000 em được 0 điểm. Số thí sinh đạt trên 5 điểm chỉ khoảng 6.700 (chiếm hơn 4%) và chỉ có 34 bài được 8,5 - 9 điểm.

Lan Hương - Hoàng Lan


nguồn: VNexpress

#1
    Thanh Vân 28.03.2008 17:51:44 (permalink)
    Những bài thi lịch sử cười ra nước mắt




    Thí sinh bàn luận sau môn thi sử. Ảnh: Hoàng Hà

    Có thí sinh trả lời: "Rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ đang say sưa, quân ta tấn công, giặc bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc". Thậm chí, Lê Lợi cũng trở thành anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.



    Theo nhận xét chung của giáo viên, đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay dễ hơn những năm trước, thí sinh chỉ cần trình bày những kiến thức cơ bản, không yêu cầu phân tích, lí giải, một học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được.

    Tại Nghệ An, tỉ lệ bài thi đạt điểm trên trung bình không nhiều, số bài thi dưới điểm trung bình, kể cả điểm 0 khá phổ biến. Một túi bài thi (24 bài), tổng điểm chỉ đạt 40,5, trong đó chỉ duy nhất 1 bài đạt điểm 5; một túi bài thi khác, tổng điểm 49, không có bài nào đạt điểm trên trung bình.
    Thậm chí có túi bài thi tổng điểm chỉ đạt 32, trung bình mỗi bài thi chưa đủ 1,5 điểm. Nhiều thí sinh trả lời sai kiến thức, sự kiện và khái niệm cơ bản, diễn đạt, hành văn lủng củng, sai từ ngữ, ngữ pháp, sự "nhầm lẫn" và nhận thức lệch lạc về lịch sử.

    Có thí sinh dùng sai thuật ngữ và sai ngữ pháp: "Thông qua chính sách điều lệ vắn tắt, sinh hoạt vắn tắt", "kỷ cương vắn tắt" ... Một thí sinh khác lại viết: "Chiến dịch Hồ Chí Minh 1970, quân ta tiến vào Him Lan, Bản Kéo, lần lượt giành các đồi A1, C1, D, E... Hai bên chiến đấu giằng co quyết liệt và cuối cùng ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari năm 1972".
    Cũng câu hỏi về chiến dịch Hồ Chí Minh, có thí sinh trả lời: "...Đêm 30/12, rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ đang say sưa, quân ta tấn công. Tiếng súng đầu tiên nổ lên, kháng chiến bắt đầu. Giặc lúng túng chống trả không kịp, bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc".

    Có thí sinh có bài thi nhầm lẫn sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với chiến dịch Điện Biên Phủ: "...Đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ... ".

    Khi nói về tội ác của Mỹ - Diệm, có thí sinh viết: "... Mỹ - Diệm đã đàn áp nhân dân, lôi kéo người dân vào nhà chứa và đưa họ vào con đường nghiện ngập... Mở các lớp học, bắt người dân không học về lịch sử Việt Nam mà phải học về những gì mà các giáo sư Mỹ dạy".

    Viết về ý nghĩa lịch sử của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, thí sinh viết "...Mùa xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của thực dân Pháp... Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975... nổ ra dòng dã 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp... Mùa xuân năm 1975 máu chảy thành sông, người chết thì nhiều. Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết”.

    Ở câu 1, đề II, phần lịch sử Việt Nam, khi trình bày tình hình nước ta sau năm 1945, nhiều thí sinh viết: "...Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công thì Việt Nam dân chủ cộng hòa gặp khó khăn từ nhiều mặt...", "...quân Anh vào Việt Nam với danh nghĩa là giải tán quân Pháp... quân Tưởng tiến vào miền Nam Việt Nam..." , "...Tưởng là một tên Việt gian bán nước", "...sau Cách mạng Tháng Tám, các khu công nghiệp bị tàn phá nặng nề...".

    Ở phần thi lịch sử Thế giới, sự sai sót cũng rất phổ biến. Trình bày diễn biến cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949), có thí sinh viết: "...Mở đầu là cuộc binh biến Ba Son. Tại đây công nhân đã nổi dậy đình công, đứng đầu là Ba Son, một liệt sĩ cách mạng. Phong trào bị phát xít Nhật đàn áp dã man. Ba Son đã bị giết hại...".

    Một thí sinh khác nêu: "...Năm 1946, ở Trung Quốc hình thành hai tầng lớp riêng biệt đó là cách mạng XHCN do Mao Trạch Đông lãnh đạo và dai cấp vô sản do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo...".

    Theo nhận định của nhiều giám khảo, môn Lịch sử là môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm kém nhất và sẽ có nhiều trường tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ đạt mức dưới 50%.


    (Theo Tiền Phong)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2008 18:00:15 bởi Thanh Vân >
    #2
      Thanh Vân 28.03.2008 17:59:12 (permalink)
      Bi hài bài thi tốt nghiệp môn lịch sử




      Chấm thi môn Lịch sử tại Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong

      Trong kỳ thi tốt nghiệp môn lịch sử, khi miêu tả cánh đồng Chum của đất nước Lào, một thí sinh đã miêu tả và gọi đó là cánh đồng... Chim. Học sinh này cho rằng, sở dĩ có tên gọi như vậy bởi đó là khu du lịch, có nhiều chim...


      Năm nay, gần 40% số bài thi tốt nghiệp môn Lịch sử ở Hà Nội đạt dưới trung bình. Chỉ có 61 % bài thi đạt trên trung bình, thấp hơn nhiều so với mọi năm có tới gần 90% bài trên trung bình.


      Những năm trước thi cử thoải mái hơn nên thí sinh nhìn bài nhau hoặc chép nhầm lẫn, gây nhiều chuyện khôi hài. Năm nay nhìn chung thí sinh làm bài có trách nhiệm, bài làm đỡ ngô nghê hơn, nhưng vẫn không tránh khỏi các, lỗi cơ bản.


      Lỗi thí sinh hay mắc phải là nhầm chiến dịch. Câu hỏi về diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 75, thí sinh say sưa miêu tả hoàn cảnh ra đời, diễn biến của trận... Điện Biên Phủ.


      Nhầm địa danh là chuyện không hiếm gặp trong 40% các bài điểm kém. Có thí sinh chuyển Tây Nguyên ra miền Bắc và đặt vào vị trí của tỉnh Thái Nguyên và hồn nhiên miêu tả về chiến dịch... Thái Nguyên. Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng là địa danh của Lào nhưng thí sinh viết Xiêng Khoản, Xiên Khoảng và đặt vào một vị trí khác trên bản đồ.


      Nhầm ngày tháng các sự kiện lịch sử là chuyện thường gặp. Ngày giải phóng Huế hay Đà Nẵng được các thí sinh vận dụng lịch một cách phóng khoáng nên đã đặt trải dài từ tháng 12 đến tháng 3, thậm chí nhầm cả năm xảy ra sự kiện.


      Không ít thí sinh thiếu kiến thức, không làm được bài nên chỉ ghi mấy chữ hoặc ghi đề mục của bài hoặc chép câu hỏi rồi để đấy.


      Một giám khảo chấm thi cho biết, đã từ lâu phụ huynh và học sinh đều coi lịch sử là môn học phụ. Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Không có nhiều ngành để thí sinh lựa chọn, tỷ lệ thi khối C không nhiều, môn lịch sử năm thi, năm không thi... dẫn tới việc học sinh không học môn lịch sử hoặc học để đối phó thi cử.


      Một giám khảo mạnh dạn đề nghị, trong khi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu, tốt nhất là coi lịch sử là môn thi bắt buộc hàng năm bởi vì đó là môn học cần thiết cho mọi công dân của một quốc gia.
      (Theo Tiền Phong)
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2008 18:01:03 bởi Thanh Vân >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9