Phải viết lại sách giáo khoa Lịch sử
Thanh Vân 28.03.2008 18:03:51 (permalink)
Phải viết lại sách giáo khoa Lịch sử


Kiến thức nặng về chiến tranh, liệt kê số liệu, thiếu sự gắn kết với cuộc sống hiện đại... đang là lý do khiến học sinh xa rời môn Lịch sử. Bên lề "Hội nghị Diên Hồng" ngày 27/3 về thực trạng môn học này, VnExpress đã có cuộc trao đổi với các nhà sử học hàng đầu Việt Nam.


GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Phải biên soạn lại chương trình và viết lại sách giáo khoa



GS Phan Huy Lê, một trong "tứ trụ" của ngành Sử học Việt Nam. Ảnh:
T.D.

 Sách giáo khoa Lịch sử đã qua nhiều lần biên soạn. Lần sửa lại vào năm 2006 có những cố gắng đáng kể cả về nội dung và trình bày. Tuy nhiên, nhiều kiến thức lịch sử trong sách hiện nay quá cao, hoàn toàn không phù hợp đối với học sinh.

Giáo dục lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà phải giúp các em hiểu sử thế giới, sử dân tộc. Từ đó sẽ tác động tới nhận thức và cả tâm hồn của thế hệ trẻ. Các em sẽ biết ứng xử với quá khứ thế nào và vận dụng quá khứ đó đối với cuộc sống hôm nay và mai sau ra sao. Lịch sử là cuộc đối thoại liên tục giữa hiện tại và quá khứ.

Có quan điểm cho rằng, học Sử là phải nhớ sự kiện, phải hiểu biết về diễn biến nhưng đây đâu phải là môn học thuộc lòng, không phải là các sự kiện được kết nối lại với nhau. Vấn đề căn bản là phải hiểu lịch sử là quá khứ nhưng gắn rất chặt với tương lai. Môn Sử bị xa rời là do chính hai lý do đó.
Tôi cho rằng, học sinh hiện nay không thích lịch sử là hoàn toàn đúng đắn. Đó hoàn toàn không phải thuộc trách nhiệm của thế hệ trẻ mà là trách nhiệm của người lớn, của xã hội và những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục. Môn Sử mà sa sút thì cực kỳ nguy hiểm và không thể lường trước được sự nguy hại đối với thế hệ trẻ. Không biết gì về quá khứ dân tộc thì điều đó sẽ như thế nào?

Do đó, trước hết cần thay đổi chính nhận thức cơ bản về vị trí của môn Sử, về yêu cầu giáo dục của môn học này bởi từ trước đến nay, đây luôn bị coi là môn phụ, lúc thi lúc không. Từ thay đổi đó, rõ ràng phải biên soạn lại chương trình và viết lại sách giáo khoa.

Ngay cả việc tổ chức biên soạn cũng phải thay đổi, không thể giao cho một ban, một hội đồng có tính chất độc quyền. Cần phải tập hợp các chuyên gia giỏi, kết hợp với các giáo viên dạy phổ thông. Có thể nói viết sách giáo khoa phổ thông là khó bậc nhất.

GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Là người viết sách, tôi thấy kiến thức nặng về chiến tranh, quân sự, ít nói về kinh tế, văn hóa.



GS Đinh Xuân Lâm, một trong "tứ trụ" của ngành Sử học VN. Ảnh: T.D.

Các em cơ bản là yêu Sử, nên việc chúng chán Sử là lỗi của người lớn. Chương trình xây dựng chưa tốt, sách viết chưa hay, phương pháp dạy không hấp dẫn nên học sinh thụ động, học thuộc lòng đối phó.
Chúng tôi viết sách giáo khoa nhiều, dạy lâu năm nên thấy chương trình chưa hoàn chỉnh, mang tính chất chắp vá. Chương trình nặng về kiến thức quân sự, chính trị mà không thấy rằng lịch sử dân tộc bao gồm cả mặt văn hóa, kinh tế.

Chương trình hạn chế dẫn đến chất lượng sách kém. Ngay như cuốn Lịch sử lớp 12 do tôi chủ biên, kiến thức còn nặng về chiến tranh, quân sự, trong khi văn hóa, kinh tế rất quan trọng thì lại nói ít, nhất là văn hóa. Vậy thì phải làm thế nào để bồi dưỡng cho các em tinh thần yêu mến văn hóa dân tộc?

Trong lúc tham gia biên soạn sách, chúng tôi đã nói chương trình này là không được, phải có một chương trình ổn định, có tính chất pháp lý của Nhà nước thì trên cơ sở đó mới viết được sách hay. Nhưng người chỉ đạo nói trong quá trình viết sẽ điều chỉnh dần chương trình.

Chúng ta phải nghiên cứu lại và hoàn chỉnh chương trình. Khi đã có chương trình ổn định rồi thì mới đặt vấn đề viết sách tốt. Hy vọng sau hội nghị này, chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với Bộ GD&ĐT và các cấp quản lý để sau đó có những biện pháp mạnh hơn.

Hiện nay, muốn quy trách nhiệm thì cũng khó nhưng đứng về mặt chỉ đạo, quan niệm đối với môn Lịch sử là chưa đúng đắn, nặng về thành tích, thấy môn nào thi thì vun vào, cắt thời gian của các môn khác.

PGS Lê Mậu Hãn, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội: Giáo sư cũng chẳng nhớ hết, huống hồ học sinh.



PGS Lê Mậu Hãn. Ảnh: T.D.

Về yêu cầu hiện nay, sách giáo khoa cần cung cấp những kiến thức cơ bản và quan trọng là đúc kết ra bài học tự hào về truyền thống. Kiến thức ở bậc THCS nên vừa phải, trong đó những dấu ấn lịch sử là quan trọng. Lên THPT, trình độ cao hơn và chú ý nâng cao khả năng phân tích cho người học.

Tuy nhiên, khung chương trình đã có sẵn, người viết sách đành phải tuân theo mặc dù biết là trùng lặp và không hiệu quả. Điều này kiến thức trong sách nặng về chiến tranh, liệt kê số liệu quá nhiều, không hấp dẫn. Ngay cả Giáo sư cũng chẳng nhớ hết, huống hồ học sinh.

Nếu đổi mới sách giáo khoa thì phải đổi mới chương trình. Tôi thấy, chương trình sách giáo khoa THCS và THPT gần giống nhau, chỉ hơn nhau vài sự kiện nên rất khó viết. Cần viết theo hướng kiến thức nhẹ hơn, không nên dàn trải. Ví dụ trong một trận đánh, không nên đưa ta diệt bao nhiêu giặc, địch nhảy dù thế nào…, chỉ cần nói mốc và đi sâu vào kết quả, rút ra bài học, ý nghĩa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Click chuột là ra kiến thức lịch sử, việc gì phải học nhiều quá?



Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: T.D.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục phổ thông là hình thành nhân cách. Có người trao đổi với tôi, kiến thức lịch sử có thể click chuột là ra ngay, việc gì phải học nhiều quá? Điều đó hoàn toàn đúng. Mục đích của học lịch sử không phải chỉ là để nhớ. Hiện nay học sinh khổ thân vì phải nhớ nhiều quá, vật vã vì học lịch sử.

Việc học sinh chán môn học này không phải là điều mới mẻ mà tích tụ từ lâu, trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới. Dạy lịch sử nhằm tạo ra nhân cách cho một thế hệ làm chủ tương lai đất nước. Nhưng sách giáo khoa hiện vẫn mang nặng kiến thức nhiều hơn là giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh.

Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất của lịch sử (tạm gọi) là tính ngụ ngôn hay những bài học của lịch sử, thấm vào thế hệ trẻ không phải tri thức đơn thuần. Hiện, chúng ta mới nhìn lịch sử như là trí nhớ, trong khi phải tìm thấy bài học lịch sử gắn với ngày hôm nay thì mới có ý nghĩa.
Theo thống kê của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT), trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2007, điểm trung bình môn Lịch sử là 2, trong khi môn Vật lý là gần 5,2, Hóa học là gần 4,5, Văn là 4,4, Toán là gần 3,7 và Ngoại ngữ là 3,6 điểm.

Đáng lưu ý, trong số hơn 150.000 thí sinh thi Lịch sử được 0- 4,5 điểm (gần 96% tổng số thí sinh dự thi), có gần 6.000 em được 0 điểm. Số thí sinh đạt trên 5 điểm chỉ khoảng 6.700 (chiếm hơn 4%) và chỉ có 34 bài được 8,5 - 9 điểm.

Tiến Dũng
thực hiện

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2008 18:07:51 bởi Thanh Vân >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9