MÊ LỘ (tiểu thuyết)
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
sen dat 22.05.2008 06:04:56 (permalink)
CHƯƠNG XV
 
DƯ ÂM
 
Buổi sáng khi trời còn tờ mờ Dũng đã có mặt tại bến xe. Dũng đi chuyến xe lửa Thống Nhất Hà Nội - Hồ Chí Minh. Công tác xong, nán lại Sàigòn vài ngày thăm một vài người bạn. Nóng ruột quá hôm nay ra bến xe mua vé lên Đàlạt. Anh cứ nghĩ mình sẽ là một trong những hành khách đến sớm nhất. Nhưng không phải! Nhiều người đã ăn chực nằm chờ, tay cầm chiếu, tay xách hành lý đứng sắp hàng rồng rắn xô lấn la ó…
Bến xe giống như một phiên chợ. Những người bán hàng rong rao mời, bám sát theo khách với vô số thức ăn bày bán trên những mâm hay mẹt. Khung cảnh nhộn nhịp phồn vinh khác hẳn miền bắc. Dũng đứng nhìn sinh hoạt của mọi người lòng thấy vui vui. Anh lắng nghe giọng ca đặc sệt miền nam mùi mẩn của hai cha con người hành khất cho đến khi tiếng ca của họ chìm hẳn lạc đi bị vùi lấp giữa muôn vàn tiếng ồn ào hỗn tạp khác. Bỗng dưng Dũng nghe tiếng quát thật to:
_ Mẹ kiếp! thằng nào đẩy đó? Tính ăn cắp chỗ hả? Ra khỏi hàng ngay! Tao đợi hai tiếng đồng hồ rồi. Thức cả đêm ở đây giữ chỗ không phải để ra về không đâu nghen mậy! Bà con đạp cái thằng nhóc này ra đi. Tính ăn gian à?
Thằng nhỏ mếu máo:
_ Không phải! Con đứng thay chỗ cho má con đi vệ sinh.
_ Bực cả mình!  Thiệt cái thời buổi gì mà khổ quá vậy nè trời! Liên tục xô đẩy nhau.
Dũng lạnh lùng nhìn phớt đám người rồi thong thả rút tờ giấy công tác ưu tiên đi về phía quầy vé. Mọi người xung quanh im lặng nhìn Dũng bước tới. Đám đông dạt ra cho Dũng vào. Cô bán vé vẻ mặt đang cau có gắt gỏng với khách vừa thấy Dũng bỗng nhoẻn miệng cười duyên, giọng cô nhỏ nhẹ hẳn lại:
_ Dạ thưa cán bộ cần gì ạ?
Dũng chìa tờ giấy ra. Cô ta nhìn lướt rồi vội vã xé vé, trao cho anh bằng cả hai tay. Dũng trả tiền cầm vé quay ra giữa những cặp mắt ghen tức bực dọc.
Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng đi đâu xa Dũng vẫn mặc bộ quân phục xanh đội nón cối đi dép lốp. Anh thấy đây là bộ đồ thuận tiện nhất. Trước khi vào nam, vợ anh đã sửa soạn một số quần áo để mặc đi chơi cùng với đôi dép da nhưng anh vẫn còn xếp trong ba lô chưa sử dụng trong suốt cuộc hành trình. Dũng cho đôi dép cao su này là một kỳ công. Còn hơn là giày thể thao của các vận động viên. Anh cảm thấy khổ sở bực dọc nếu đi đường xa mà thiếu đôi dép lốp.
Là người hành khách đầu tiên bước lên xe Dũng thấy lòng hồi hộp rộn rã một niềm vui. Niềm ao ước mấy chục năm của mẹ muốn được gặp cậu đã không thành. Vậy mà bây giờ Dũng sắp được gặp cậu.
Cơm mưa sáng bất chợt ập đến. Nhìn những giọt mưa bắt đầu chảy thành dòng, vỡ oà nhoè nhoẹt trên mặt kiếng, bất giác anh đưa tay lên vuốt nhẹ. Anh nghĩ đến những giọt nước mắt của mẹ khi nghe tin em Chiến hy sinh. Ngày ấy Dũng biết mẹ không còn sống được bao lâu nữa! Là phóng viên chiến trường Chiến vội vã ra đi khi chưa tốt nghiệp đại học, được đưa đến những điểm nóng nhất. Lá thư cuối cùng gia đình nhận được kèm với những bài tường thuật chiến sự, em mô tả nỗi buồn tiếc khi nghe tin oanh tạc Phố Khâm Thiên và bày tỏ quyết tâm phải đi tới cùng với  bọn Mỹ-nguỵ.
Cơn mưa ngắn ngủi đã qua. Trên xe mới leo teo vài người. Mưa đọng lại trên mặt kính. Dũng miên man nhớ lại những chiến khu xa xôi, những chuyến công tác ở các sạp lán giữa rừng. Khuôn mặt hạnh phúc của những phụ nữ may mắn gặp lại tình yêu trong những vùng mưa bom bão đạn. Nhưng tất cả vẫn còn mù mờ… Có những cơn mưa đầu mùa… Mưa tràn bờ ruộng, đầm, đìa, bưng… Những bữa cơm rau cá mắm đồng… Hoa… Đúng rồi, hoa súng! Khuôn mặt một người hiện lên trong ký ức rõ ràng hơn. Hình như anh đang nghe lại tiếng thở của cô ta chạy cùng với mình ra phía bờ sông. Tấm thân lao nhanh xuống nước… Một loạt súng nổ. Cả hai chạy vào một căn nhà. Người chủ đẩy Dũng vào nằm chung với người con dâu trong phòng tối.  Người nữ đồng chí thay nhanh bộ đồ ướt vào ngồi trong xó bếp giả vờ đun nước. Vài phút sau giặc càn chạy quanh nhà. Sự tra hỏi diễn ra. Chủ nhà bình tĩnh trả lời. Khi giặc đi rồi Dũng chạy ra thấy cô ta ngồi lịm đi… Bên đống rơm đun bếp một vũng máu đang loang dần ra ngoài. Thì ra cô ta bị thương ở bắp chuối. Không kêu rên, vẻ mặt bình thản không biểu lộ một chút cảm xúc nào khiến Dũng chợt rùng mình. Người nữ đồng chí đã làm cho Dũng vừa cảm phục vừa e ngại.  Ngoại trừ khi làm việc cùng nhau, hai người ít tâm sự gì mặc dù biết nữ đồng chí quê ở miền bắc. Có một buổi sáng Dũng thức dậy, khó chịu khi nghe tiếng quát lanh lảnh dứt khoát của cô ta từ lán bên cạnh, phê bình góp ý ai đó đã lỡ mồm nghêu ngao một bài hát uỷ mị thời tiền chiến. Một hôm Dũng ngạc nhiên không thấy bóng dáng cô ta trong bữa cơm trước khi bước vào một cuộc họp quan trọng. Sự vắng mặt của người nữ đồng chí hình như làm mọi người ăn uống tự nhiên hơn, vui vẻ bỡn cợt lẫn nhau, không để ý nên khi hỏi cô ta đâu ai cũng lắc đầu không biết. Dũng cảm thấy bất an vì sự vắng mặt bất thường này. Anh quyết định đi tìm. Đi được một quãng ngắn cách sạp lán không xa anh dừng lại. Trong phạm vi tầm mắt, những vùng đất xung quanh chỉ bạt ngàn màu xanh của cây rau đắng. Dũng cất tiếng gọi… Không ai trả lời. Anh đi tiếp. Khi biết mình đã đi hơi xa, anh không gọi nữa vừa đi vừa ẩn mình sau những bụi cây. Chợt Dũng nhận ra những nếp nhà tranh thấp thoáng sau những lùm dừa nước. Chiều rồi sao vẫn không thấy khói bếp? Tất cả đều im lìm chỉ có tiếng rả rích của côn trùng làm tăng thêm vẻ thê lương. Khi tiến lại gần anh nhận ra những tàn phá gãy đổ, những vết cháy nám, nham nhở… Những nét quen thuộc của một vùng quê trong thời chiến. Trước khi cất tiếng gọi anh cẩn thận nhìn quanh một lần nữa.  Thấp thoáng trên mô đất kề bên gốc bần mọc xen lẫn với đám dừa nước ven bờ rạch có bóng người. Mái tóc, chiếc áo bà ba đen quen thuộc làm anh nhận ra ngay người nữ đồng chí của mình. Dũng vội vàng tiến tới nhưng chợt khựng lại khi thấy cô ta đang gục đầu khóc vùi. Hai bờ vai gầy cứ rung lên nhè nhẹ. Dũng đặt tay lên vai cô ta kêu khẽ:
_ Chiều rồi sao lại ra nơi nguy hiểm này?
Người phụ nữ ngước mặt lên bối rối vội vàng quay đi nhìn về hướng khác tránh nhìn Dũng. Quá ngạc nhiên anh đứng lặng không hỏi thêm gì. Thật lạ! Không còn nhận ra người nữ đồng chí kiên cường lạnh lùng trầm tĩnh thường ngày nữa. Với vẻ yếu đuối tuyệt vọng cô ta nhìn trừng trừng về phía dòng nước đang chảy. Có một nỗi đau khổ uất ức ẩn chứa trong đôi mắt ấy. Dũng không hiểu cái gì làm cho người nữ đồng chí của mình ra nông nỗi này. Anh lặng lẽ nhặt chiếc khăn rơi bên góc dừa choàng nhẹ lên vai cô ta khẽ nói:
_ Ta về thôi! Trời chiều quá rồi! Có chuyện gì buồn ta chia sẻ với nhau cho nỗi buồn vơi đi chứ ai lại buồn một mình như thế?
Đang nói Dũng chợt nhận ra trong tay cô ta đang giữ khư khư một tờ báo. Anh chộp lấy trước khi cô ta kịp giấu ra phía sau. Đấy là tờ báo xuất bản ở vùng địch. Dũng lướt nhanh những dòng tin sôi động về cuộc chiến dừng lại ở một đoạn: “Sàigòn. Phản lực F105 và F.4C từ căn cứ Takhli Thái Lan hôm qua vượt hoả lực phòng không dữ dội của Bắc Việt để tấn công phá huỷ những vị trí phòng không cách Điện Biên Phủ 17cs về phía bắc đông bắc. Trong khi đó nhiều phi cơ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm đã bay 66 phi vụ tại các tỉnh miền nam bắc việt vùng phía đông Hải Phòng phá huỷ 13 ghe thuyền, 5 xà lan... Phi cơ A.6 Intruder từ hàng không mẫu hạm Emterprise đã tấn công làm tê liệt hoàn toàn một giàn hoả tiễn SAM cách Hải phòng 15 cây số về phía tây. Từ Hàng không mẫu hạm Kitty Hawk cũng đã oanh tạc kho dầu cách Thanh Hoá một cây số rưỡi…” [1]
Người nữ đồng chí vẫn ôm mặt khóc lặng lẽ. Dũng lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Cả hàng tháng nay không nhận được thư từ từ ngoài ấy. Báo chí cũng không. Cái đài nghe tin tức bị hư chưa sửa được. Thế rồi hôm nay đọc những dòng này… Dũng hỏi:
_ Đồng chí lấy cái này ở đâu?
Cô ta chỉ về phía ngôi nhà tranh trước mặt. Nhìn số ngày ra của tờ báo anh biết có một đoàn quân địch vừa đi qua đây không lâu. Họ dừng chân tại đây. Tờ báo vô tình bị bỏ lại. Anh nói:
_ Đây là giọng điệu tuyên truyền của địch, đồng chí đọc làm gì?
Người phụ nữ nói trong nước mắt:
_ Em biết rồi! Lâu quá không có gì đọc, em nghĩ chỉ đọc vậy thôi chứ em không tin đây là sự thật. Vậy mà khi đọc xong em lo, em thất vọng em sợ cho anh ấy. Anh ấy đang công tác ngay tại vùng quân địch đánh phá.
Bây giờ Dũng đã hiểu ra mọi sự. Dũng giận mình trách cô ta quá sớm. Khi những uất ức, nhớ thương tư riêng đều phải dìm tận đáy lòng để rồi hoà vào một cái gì đó chung hơn to hơn, đôi lúc biến thành một sự quyết tâm trầm tĩnh đến lạnh lùng cho những mệnh lệnh; người ta mải miết hiến dâng, quên rằng mình đang hiện hữu…Thế rồi trong những lúc khó khăn dao động đôi khi tình cảm làm mờ lý trí… Hình như Dũng đang gặp một người hoàn toàn khác. Anh xé nát tờ báo thả trôi theo dòng nước. Người nữ đồng chí thẫn thờ nhìn theo những mảnh giấy trôi về phía cầu tre. Tờ báo không còn nhưng bản tin vẫn nguyên trong đầu. Những dòng chữ tưởng đã xoá nhoà bây giờ hiện về rõ mồn một. Dũng chợt nhận ra rằng hình như năm tháng qua mình vẫn còn nằm trong sự ám ảnh. Bến vắng xơ xác tiêu điều. Không có tiếng động cơ của những chuyến bắc qua sông. Chỉ có tiếng nấc nhè nhẹ của người nữ đồng chí và tiếng con gì kêu khắc khoải mơ hồ thoảng qua trong gió thật xa vắng. Tiếng chim rõ dần, lênh đênh theo con nước trong xanh, tắt nghẽn bên bờ mương nơi có những bóng dừa vật vờ xoã tóc… Khuôn mặt đau buồn đẫm đầy nước mắt của người phụ nữ…Nét kiên cường trong chiến đấu xông pha… Tất cả đã đi theo Dũng suốt cuộc chiến, đọng lại cho đến ngày hôm nay. Sau đó Dũng đổi công tác ra miền trung. Hoà bình Dũng dò hỏi một số bạn bè về người nữ đồng chí của mình. Thật xúc động khi nghe tin cô ta đã hy sinh trong một trận chống càn ở chiến khu D.
Giọng một nữ phát thanh viên đột ngột vang lên từ một cái loa rè nhắc nhở khách trên bến xe, Dũng nhìn xung quanh vẫn chưa có ai lên xe thêm vẫn chỉ leo teo như lúc nãy...
 
(còn tiếp)

 [1]Tám vị trí phòng không Điện Biên phủ bị oanh tạc dữ dội (tin Sàigòn báo Đối Thoại ra ngày 19-4-1967 )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.05.2008 17:32:02 bởi Ct.Ly >
#16
    sen dat 23.06.2008 03:11:39 (permalink)
    CHƯƠNG XVI
     
    ĐỒNG HÀNH
     
    Một cơn gió thốc qua khung cửa kính khép hờ của xe mang theo bụi nước tạt ngang khuôn mặt Dũng. Anh đưa tay vuốt nhẹ mặt rồi lơ đãng nhìn ra ngoài. Bỗng có hai người phụ nữ chạy ùa vào xe như một cơn lốc. Tay họ khệ nệ đủ mọi thứ. Họ nói cười huyên thuyên rôm rả, chạy tới chạy lui trên xe, xem xét đủ mọi góc trống để có thể nhét bừa những túi hàng. Nhìn vóc dáng hùng hổ xông xáo to khoẻ của họ Dũng chán nản nhắm mắt lại nhưng rồi phải mở mắt ra vì họ ồn ào quá! Cuối cùng hai người đàn bà cũng đã tìm được chỗ ngồi. Vừa ngồi xuống một trong hai người lột vỏ một trái bắp luộc vứt vèo ra cửa xe không cần biết nó rơi đi đâu rồi tỉnh bơ vừa ngoạm bắp vừa nói chuyện. Nhìn người đàn bà ăn bắp Dũng nghĩ đến một người thổi ác-mô-ni-ca rồi bỗng nhiên bật cười. Vào miền nam khi đến những nơi đông đúc Dũng thường bắt gặp những cảnh khó chịu như vậy. Ăn quà ngay giữa đường phố. Ăn chóp chép. Ăn ngồm ngoàm. Vừa ăn vừa nói đến nỗi thức ăn cứ chạy qua chạy lại, lởn vởn trong miệng, có cảm tưởng như bị ứ đọng mắc toòng teng không qua được cái cổ họng đen ngòm… Dũng bỗng nhớ lại sự đoan trang thuỳ mị kín đáo của các cô gái ngoài ấy. Một người hỏi:
    _ Sao giờ này nó chưa đến?
    Người kia trả lời:
    _ Nó nói đi mua cái quần cho thằng con nó vậy mà đi hàng tiếng đồng hồ. Thôi cứ để cho nó ngồi chỗ khác. Ngồi dồn đống làm gì. Tao với mày mới lo chứ nó thì lo gì? Có người mua vé cho nó rồi!
    Hai người lại phá lên cười sằng sặc rồi không biết nổi hứng sao đó lại xông vào nhau mà thọc lét, cấu véo cứ chí choé cả lên.
    Khách bắt đầu lục tục lên, xe bắt đầu kín chỉ còn vài chỗ… Dũng tựa người vào lưng ghế thấy như muốn thiu thiu ngủ. Một lát anh nghe có tiếng sột soạt bên mình nên mở mắt ra. Một người đàn bà thân hình cũng như cách ăn mặc giống hệt hai người đàn bà kia. Chị ta đang loay hoay nhét cái giỏ lấn qua chỗ Dũng để balô. Anh không nói gì, hơi nhăn mặt rồi quay đi nhìn ra ngoài bến. Chú tài xế bắt đầu rồ máy la lên:
    _ Lè lẹ bà con ơi!
    Rồi quay sang hỏi thằng ét đứng ở cửa xe:
    _ Xong chưa mậy? Đi được chưa?
    Thằng nhỏ nhìn khắp lượt rồi kêu to:
    _ Đi thôi!
    Tiếng máy như rên rỉ. Xe từ từ lăn bánh rời bến thoát ra khỏi những tiếng rao hàng của những người lao động kiếm sống tất bật đang cố bám theo xe. Đi được một đoạn đường Dũng mới để ý thấy người đàn bà lúc nãy đang ngồi cạnh mình. Chị ta đặt nón lá lên đầu gối ngoảnh mặt ra phía bên kia. Nhìn vẻ nặng nề kềnh càng của thân hình anh nghĩ chị ta đang có mang. Trời không lạnh nhưng cũng giống như hai người đàn bà ngồi trên kia, họ đều khoác áo ngoài, loại áo dài đến đầu gối làm bằng vải dầu trơn láng, nửa như măng tô nửa như áo mưa. Đôi giày vải chị ta mang tựa như giầy thể thao nhưng đã cũ sờn. Thỉnh thoảng hai người đàn bà ngồi trên lại quay xuống nháy nháy. Thế rồi người đàn bà quay mặt lại.  Ánh mắt hơi lạnh lướt nhanh khựng lại trên bộ đồ Dũng. Chỉ một thoáng thôi rồi biến mất. Chị ta nhoẻn miệng cười làm quen. Dũng nghe tim mình thót lại. Khuôn mặt người phụ nữ làm anh sững lại. Thật lạ kỳ! Anh tò mò nhìn kỹ hơn. Bàn tay với làn da nhỏ trắng mịn, các ngón thanh mảnh làm liên tưởng đến một cánh hoa hồng. Tại sao lại có sự đối lập kỳ cục vậy? Nét mặt kiêu sa, bàn tay quý phái như vậy sao lại đi đôi với cách ăn mặc quá lam lũ như thế này? Ánh mắt người phụ nữ thật khó diễn tả. Không thể quay đi nơi khác được. Đôi mắt như có ma lực. Nó làm cho Dũng cảm thấy háo hức như đứng trước một khung cảnh trữ tình muốn dấn sâu vào bên trong để khám phá. Khi bắt gặp Dũng đang nhìn mình đăm đăm, người phụ nữ quay mặt nhìn ra ngoài. Những rừng cao su với những hàng cây thẳng tắp cứ lùi dần về phía sau. Lâu lâu lại có vài căn nhà chơ vơ giữa đồng không mông quạnh. Người đàn bà dõi mắt về phía ấy như dõi về một điều gì đó mình vừa mới rời xa…người phụ nữ nghĩ về một phần đời rất gần nhưng đã qua… Thân phận mẹ goá con côi… Đất cỏ bạt ngàn… Bàn tay rắn rỏi của người thanh niên xung phong. Phát quang, dẫy cỏ, đánh luống trồng khoai. Ánh mắt thiết tha đến cháy bỏng dưới giàn hoa bí vừa mới trổ hoa. Cũng đôi mắt ấy cương quyết trước mọi thử thách, nóng nực, giá lạnh, muỗi mòng sình lầy… Người phụ nữ buồn bã nhắm mắt lại, nhớ tiếng mưa đêm quất trên mái tôn rỉ sét, nhỏ long tong xuống nền đất. Tiếng thì thầm vỗ về của người ấy. Tiếng con khóc ngặt nghẽo trong đêm dài trên đường rời vùng kinh tế mới lên bệnh viện tỉnh. Ánh nhìn cuối cùng đầy nuối tiếc đến vô vọng mà mình không thể đáp trả. Người phụ nữ thở dài. Tại sao người ấy không là người đầu tiên? Lẽ nào lời nói của chồng mình ngày nào lại trở thành lời nguyền? Sao tất cả những gì anh cho em lại quá êm dịu, nồng nàn để rồi em không thể quên anh, cứ mãi chơi vơi, cô đơn lăn lóc chìm nổi trên đường đời? Đã bao lần em muốn gạt bỏ anh ra khỏi trái tim mình, muốn quay về vùng kinh tế mới cứu hai con thoát khỏi kiếp trầm luân này. Em biết anh đã ra đi mãi mãi. Ngày nghe tin anh mất em tưởng như trời đất quay cuồng, em nghĩ sẽ được theo anh. Thế nhưng đứa con chập chững với cái thai trong bụng đã níu em lại không cho em thực hiện ước muốn của mình. Anh ra đi sao không mang theo cả bầu trời xanh đẹp đến ngây ngất bàng hoàng? Anh nhớ không? Cái ngày anh hỏi cưới em trên đồi mai anh đào đó? Lúc ấy em thấy vòm trời trên đầu chúng mình như nhoà hẳn đi, biến thành một mảng màu không rõ rệt. Vàng hồng xen lẫn nhau… Chao đảo quay cuồng nhấn chìm chúng mình trong vùng ánh sáng tuyệt vời đến gần như hư ảo, vụt đến… vụt xa… vụt biến. Chúng mình đã vồ vập ôm lấy cái khoảnh khắc ấy… Ngày chủ nhật đi bên anh dạo quanh khu Hoà Bình. Đường phố đông vui rực rỡ sắc màu. Trong chiếc áo dài màu hoàng yến em ngỡ mình là nữ hoàng khi thấy các sĩ quan trường VBQG cứ ngoái nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Ngày ấy anh doạ em rằng em sẽ là của anh mãi mãi trừ khi nào anh chết. Bây giờ anh không còn nữa, em đã mất anh vĩnh viễn. Thế nhưng có một sự thật phũ phàng, anh chưa bao giờ chết trong lòng em. Anh tàn nhẫn quá! Hãy buông em ra cho em thoát khỏi lời nguyền…
    Dũng ngồi cạnh duỗi chân cựa quậy khiến người phụ nữ giật mình quay lại. Chị ta vội vã lên tiếng:
    _ Xin lỗi anh! Tôi có ít đồ lấn qua chỗ anh để tôi kéo nhích lại một chút kẻo anh mỏi chân.
    Nãy giờ hoàn toàn bị thu hút bởi khuôn mặt đầy gợi cảm của người phụ nữ nên đây là lúc Dũng được dịp làm quen:
    _ Không sao! Chị cứ để đó.
    Khi cúi xuống ánh mắt chị ta dừng lại đôi dép cao su của Dũng. Thấy vậy anh phân trần:
    _ Chiến tranh đã qua, vậy mà hành trang cũng vẫn là cái balô vượt Trường sơn và đôi dép lốp này. Nhà tôi đã gói sẵn một đôi dép bắt tôi phải mang vào thế mà tôi gói bỏ vào trong này. Tôi quen đi dép lốp đi xa mà không có nó thấy khó chịu.
    Người phụ nữ hỏi:
    _ Anh là người Hà Nội?
    Dũng trả lời:
    _ Tôi sinh ra ở đó!
    Chị ta luồn bàn tay thuôn dài vào trong giỏ xách, lôi ra một đôi dép cao su nho nhỏ giơ lên nói:
    _ Anh biết tại sao tôi mua nó không? Vì nó vừa rẻ vừa thấm mồ hôi nên tôi mua cho con trai nhân dịp sắp khai giảng. Ở đây bây giờ người ta làm loại dép râu này cũng nhiều. Cái kiểu thấy cũng đơn giản, nhẹ thoáng. Phải chi làm bằng da thì sang hơn.
    Dũng gật gật:
    _ Đúng đó chị! Làm cao su trông hơi quê.
    Bỗng trên xe trở nên nhốn nháo, mọi người dáo dác nhìn nhau hỏi:
    _ Tới trạm rồi hả?
    _ Đâu có đâu!
    _ Tại sao lại ở đây?
    Chú tài cho xe chạy chậm ngoái đầu ra phía sau nói:
    _ Bà con chuẩn bị giấy tờ, chắc là kiểm tra đột xuất.
    Có một tiếng than:
    _ Kiểm gì mà kiểm. Kiểm thì cũng có nơi có chốn chứ! Còn một đoạn nữa mới tới Ma-đa-gui mà!
    _ Ồ hình như là tụi xung kích bà con ơi!
    _ Không phải bọn quản lý thị trường đó!
    Dũng nhìn ra ngoài. Có năm người đàn ông đeo băng đỏ trong đó có một người cầm súng giơ lên ra hiệu cho xe dừng lại. Chú ét nhỏ nhảy vội xuống đường trước khi xe kịp đỗ lại, chạy về phía họ để trình giấy tờ. Họ trao đổi nói gì với nhau rồi tất cả tiến lại xe. Một người có vẻ là trưởng đoàn bước lên trước.  Chú tài hỏi:
    _ Có phải cho hành khách xuống không anh hai?
    Người đàn ông không đáp chỉ lắc đầu rồi đưa mắt quét một lượt khắp xe. Trong khoảnh khắc đôi mắt đầy ma lực của người đàn bà bên cạnh bỗng trở nên cực kỳ hoảng hốt. Ánh nhìn thê thảm đến tận cùng như thể đang gom hết sức lực để ngăn không cho toàn thân bớt run rẩy. Sự sợ hãi đã làm mờ lý trí. Chị ta ngả đầu vào vai Dũng. Bàn tay mềm mại bám lấy cánh tay anh.  Anh chưa kịp phản ứng gì thì nghe tiếng quát:
    _ Hai mụ kia xuống xe mau!
    _ Tụi em hả anh?
    _ Chứ còn ai nữa! Còn giả “nai” hả? Cái mặt hai mụ là quen lắm! Buôn lậu một cây! Xuống xe mau! Mang hành lý theo, soát nhanh còn cho xe chạy.
    Người đàn bà giơ cái xách lên thách thức:
    _ Đấy anh soát đi!
    _ Có xuống không?
    _ Tại sao phải xuống?
    Người đàn ông nhếch cặp môi thâm sì cười nhạt rồi trừng mắt ra lệnh:
    _ Xuống ngay!
    Dũng nhận ra hai người đàn bà ăn bắp lúc nãy. Họ tiếp tục ngồi lì. Chú tài năn nỉ:
    _ Thôi hai chị xuống một chút rồi lên đừng làm phiền bà con nữa!
    Dường như thấy lời nói của mình không có hiệu quả, người đàn ông quay lại ra hiệu cho hai người nữa lên xe xông tới hai người đàn bà dùng sức lôi họ xuống xe. Cả hai kêu rống lên:
    _ Trời ơi! Bà con ơi! Cướp bà con ơi! Rồi cả hai cứ ra rả văng tục. Một cái tát như trời giáng làm người đàn bà chao đi rồi cả thân hình lại lồng lên chống trả lại một cách điên cuồng để bảo vệ mấy túi xách. Cả hai trì lại không chịu đi, chửi rủa liên tục. Giành giật đôi co một hồi, cái áo khoác của một người bị rách toạc. Tất cả mọi người cười ồ lên. Gạo từ chỗ rách cứ thế tuôn ra thành một đống trên sàn xe.  Khỏi phải nói năm người đàn ông xúm lại quyết liệt kéo họ xuống. Người kia ống quần túm lại phía cổ chân bị tuột dây thung lòi ra những bao thuốc lá. Họ tiếp tục giãy dụa kêu khóc, chửi bới rồi lại van xin. Tất cả diễn ra trong sự lạnh lùng của những người thi hành nhiệm vụ.
    Khi đã trục được cả hai xuống xe, người đàn ông có cặp môi thâm bắt đầu hỏi giấy tờ từng người. Không khí thật ngột ngạt. Người phụ nữ mắt nhắm nghiền không dám nhìn cảnh bạn mình bị lôi xuống xe. Đôi môi tái nhợt không còn chút máu run nhè nhẹ. Có một động lực vô hình nào đó thôi thúc khiến Dũng bất chợt nắm lấy bàn tay người phụ nữ siết nhẹ và cứ để cho chị ta dựa đầu vào vai mình. Khi người đàn ông đến gần Dũng đưa tay lên sờ túi áo lấy giấy tờ. Hắn ta nở một nụ cười về phía anh đon đả nói:
    _ Chào cán bộ! Cán bộ đi công tác hay đi nghỉ ạ?
    Dũng đáp:
    _ Tôi lên Đàlạt thăm cậu.
    Hắn ta hỏi:
    _ Chị sao vậy anh?
    Dũng trả lời:
    _ Say xe anh ạ!
    Hắn ta khoát nhẹ tay:
    _ Thôi khỏi trình giấy. Nhìn cán bộ là tụi em biết rồi! Soát là soát cái tụi buôn lậu ấy! Mệt lắm anh ạ! Thôi bà con đi vui vẻ! Xuống đây bác tài ơi!
    Thằng ét chỉ đợi có thế mời vội điếu thuốc lá, mồi lửa cho hắn ta rồi nhảy lên xe ra hiệu cho xe khởi hành trở lại. Khi xe chạy không khí ồn ào trở lại. Có người hỏi trống không:
    _ Còn ai muốn hút thuốc lá nữa không? Giấu kỹ hen! Trong ống quần đó đa! Gạo giấu trong người như vậy chắc cũng mười ký chứ không ít. Thảo nào lúc nãy tui ngửi thấy mùi gì là lạ giống như đang đứng trong tiệm tạp hoá vậy đó!
    Mọi người lại cười ồ lên. Chú tài xen vào:
    _ Đi xuống thì mùi sang lắm nha! Mùi cà-phê, trà. Đi lên thì mùi gạo, mùi mắm muối, mùi linh tinh…Thiệt hết biết! Nói cho cùng ngăn sông cấm chợ thì nảy sinh buôn lậu chứ sao giờ? Làm như vậy chỉ nuôi mấy trạm kiểm soát mà thôi! Bọn đó hách dịch nhũng nhiễu bà con. Bọn cách mạng 30 ấy mà! Cái thằng lúc nãy đó!
    Dũng vẫn ngồi bất động, ngỡ ngàng vì sự việc vừa xảy ra. Phải một lúc sau khi sự tê cứng trong đầu óc dần dần biến đi, những mạch suy nghĩ bắt đầu thông suốt anh mới hoàn hồn trở lại.
    Xe chạy được một quãng người phụ nữ từ từ mở mắt ra, nỗi sợ hãi chưa tan hết nên khuôn mặt vẫn còn bàng hoàng. Chị ta nhìn Dũng với cặp mắt biết ơn rồi ngồi thẳng dậy thì thào:
    _ Cám ơn anh nhiều! Nãy giờ có gì làm anh khó chịu xin anh bỏ qua cho!
    Dũng ái ngại hỏi:
    _ Anh nhà đâu sao lại nỡ để chị bôn ba như vậy?
    Người phụ nữ đáp:
    _ Chồng tôi mất đã gần bốn năm rồi anh ạ!
    _ Chị có con chưa?
    _ Một trai, một gái.
    Bây giờ Dũng hiểu tại sao dáng người đàn bà lại kềnh càng nặng nề như vậy. Lúc đầu anh lại nghĩ chị có mang. Anh hỏi tiếp:
    _ Sao chị không xin đi làm chứ đàn bà như chị xuôi ngược trên những chuyến xe như vậy tôi bất bình quá chị ơi!
    _ Tôi không thể xin đi làm ở đâu được.
    _ Vì sao?
    _ Lý lịch của tôi chỉ có thể đi vùng kinh tế mới.
    _ Anh nhà trước đây làm gì?
    _ Anh ấy là lính VNCH
    Dũng à lên một tiếng. Người đàn bà nói tiếp:
    _ Tôi đi kinh tế mới nhưng rồi con đau nặng, hoảng quá trốn về. Không có việc làm không có tem phiếu mua đồ hợp tác xã, có lần tôi tưởng ba mẹ con tôi không thể vượt qua.
    Chị ta không nói nữa, nghẹn ngào quay mặt đi, nỗi đau thầm lặng hiện rõ trên khuôn mặt. Chị lại nghĩ về vùng kinh tế mới. Về một chân trời tít tắp ngàn xa… Nơi có những ngôi mộ lẻ loi sau những luống khoai mì, chập chờn trong khoảng không gian tím ngắt… Chị đã chạy trốn khỏi nơi ấy đưa con về lại thành phố. Những ngày không có chút bo bo trong bụng. Quẩn quá chị vay một lon gạo của người hàng xóm nấu cháo… Gói thuốc bả chuột của bác tổ trưởng mới giao cho nổi lều bều trên nồi cháo vừa chín tới, bốc khói nghi ngút. Nếu không có tiếng khóc ré của đứa con gái thì chắc ba mẹ con chị đã không còn trên đời này nữa! Tiếng khóc của nó khiến chị chạy ra ngoài sân. Đứa con gái đang lăn ra đất ăn vạ vì thằng anh chia phần bánh mì (do người hàng xóm cho) không đều nên nó dỗi không ăn. Thế là thằng anh ăn hết. Nhìn đứa con trai đôi mắt sáng ngời, đôi môi đỏ đầy sức sống đang ăn ngấu nghiến miếng bánh mì, chị bừng tỉnh chạy vội vào đổ nồi cháo thuốc chuột vào nhà vệ sinh rồi chạy ra ôm chầm lấy hai con khóc ngất. Suýt chút nữa chị đã giết con. Chị không có quyền cắt đứt mạch sống đang chảy rào rạt trong người các con. Chị phải sống để cứu con ra khỏi cảnh ngộ này. Chị rút chiếc nhẫn cưới, di vật cuối cùng còn lại cuả chồng bán đi mua gạo cho con, còn lại làm vốn cùng chị em ngược xuôi kiếm lời trên những chuyến xe. Chị đã từ chối cuộc sống đang đâm chồi nảy lộc đầy hứa hẹn nơi vùng kinh tế mới, từ chối lời đề nghị đưa các con đi vượt biên cùng với một người Hoa ở Chợ Lớn. Chỉ vì chị quá ích kỷ chỉ nghĩ đến mình. Bây giờ chị phải hy sinh cho chúng dù có phải làm gì đi nữa! Người đàn bà thở dài nước mắt ứa ra.
    Nãy giờ Dũng ngồi câm lặng lòng dạ vẫn còn xốn xang. Từ trước tới nay, nhất là trong thời chiến anh làm việc gì cũng rõ ràng quyết đoán. Không bao giờ có những hành động thiếu cân nhắc như ngày hôm nay. Anh đã làm gì vậy? Đã tiếp sức cho con buôn vì trong phút chốc không thể ngăn được sự thương cảm đang trỗi dậy trong lòng mình? Có một cảm giác căng thẳng bứt rứt của kẻ biết mình có lỗi xen lẫn với sự háo hức. Tâm hồn anh như đang trải rộng, sẵn sàng đón nhận những bất ngờ ngạc nhiên bên cạnh người phụ nữ xa lạ trong cuộc hành trình này. Ánh mắt đầy u uẩn ấy có một thứ quyền lực, như cơn lốc khiến Dũng không kịp suy nghĩ bị lôi cuốn một cách tuyệt vọng.  Lúc mọi việc đang rối ren, chị ta ngước lên nhìn… Trời  ơi! Hình như trong khoảnh khắc tất cả địa ngục trần gian đang tích tụ trong đôi mắt ấy. Nó làm cho Dũng nhớ lại cái cảm giác bồi hồi xót xa khi đứng trước cảnh điêu tàn của một cánh rừng đang bốc khói sau một trận mưa bom thời còn chiến tranh.
    Chiếc xe dừng lại ven đường cho mọi người xuống ăn trưa. Có người xuống, người ở lại. Người phụ nữ quay lại hỏi Dũng:
    _ Anh có xuống ăn cơm không? Nếu xuống thì cứ để đồ nặng ở đây tôi coi cho. Mang giấy tờ tiền bạc đồ quý giá theo mình thôi!
    Dũng cười xoà:
    _ Ồ có gì quý giá đâu! Có chút quà cho cậu mợ thôi! Giấy tờ thì tôi luôn mang theo mình.
    Dũng hỏi lại:
    _ Chị có xuống không?
    Người phụ nữ nở một nụ cười chua chát lắc đầu:
    _ Tôi đâu có sang mà ăn cơm quán. Tôi mua gói xôi khi nào đói thì ăn nhưng thú thật tôi chưa đói.
    _ Tôi định xuống nhưng nếu chị ở lại tôi cũng ở lại nói chuyện cho vui.
    Vừa nói anh vừa lôi ổ bánh mì kẹp thịt to tướng trong balô ra:
    _ Đây là ổ bánh mì khi sáng vợ người đồng chí của tôi cứ dúi vào tay để lót dạ trước khi từ biệt. Chị ấy cứ ép ăn liền nhưng tôi không đói.
    Nói rồi Dũng bẻ đôi ổ bánh mì:
    _ Mời chị!
    Người phụ nữ kêu lên:
    _ Ý trời! Không được đâu! Tôi có xôi đây rồi! Ai lại ăn lấn phần anh vậy?
    Dũng cương quyết:
    _ Chị thấy không? Ổ bánh mì như vậy mà ăn một mình sao đặng? Chị không ăn tôi giận đó!
    Rồi anh đùa:
    _ Tôi sẽ không giúp chị nữa đâu!
    Người phụ nữ rơm rớm nước mắt:
    _ Thật ra chỉ có trạm Ma-đa-gui nguy hiểm nhất thì anh đã giúp tôi vượt qua rồi! Chút nữa trước khi qua trạm Nguyễn Tri Phương cửa ngõ vào thành phố tôi sẽ tải hàng xuống chỗ quen. Giao một số hàng cho họ còn lại gởi đó, ngày mai cho xe đạp thồ về. Nếu đi xe đạp qua trạm sẽ không bị bắt. Thồ từ từ vậy đó!
    Dũng chìa miếng bánh năn nỉ:
    _ Vậy thì ăn đi! Chị biết không, tôi nhìn chị tôi xót xa lắm! Chị đẹp quá! Đáng lẽ chị phải sướng mới phải! Tôi không thể chịu được khi thấy chị phải vất vả như vậy! Sao thế chị? Hồi tôi đi kháng chiến có mấy cô văn công xinh xinh đi đâu cũng được ưu đãi, hành lý có người mang vác cho.
    Người phụ nữ nhận miếng bánh mì anh mời nhìn một hồi rồi mới bắt đầu ăn. Vừa ăn chị vừa tâm sự:
    _ Anh biết không, ăn bất cứ thứ gì ngon như thế này tôi ít khi nuốt trôi. Tôi nghĩ đến các con ở nhà mong mẹ về. Hồi tôi mới đi hàng lần đầu, xuống bến xe tôi đi bộ hàng chục cây số để giao hàng cất hàng chứ không dám đi xe, tiết kiệm kiếm đồng quà cho con. Đi hàng từ trên Đàlạt xuống thì không cực bằng từ dưới lên. Đi xuống hàng thường là trà và cà phê tôi chia ra thành từng bịch nhỏ cỡ nửa ký một rồi nhờ những người hành khách trên xe ai dễ chịu thông cảm thì giữ dùm vì mỗi người có quyền mang theo nửa ký trà và cà phê nhưng không phải ai cũng có ý mang trà và cà phê làm quà khi đi Sàigòn. Khi xuống xe mình xin lại thu gom về. Cực nhất là cất hàng, giao hàng phân phối hàng.
    Dũng nhìn sững người đàn bà rồi đánh bạo hỏi:
    _ Sao chị không đi bước nữa để có người phụ một tay nuôi con chứ một thân một mình chân yếu tay mềm làm sao kham nổi!
    Người phụ nữ cúi đầu không nói gì. Dũng hỏi tiếp:
    _ Chồng chị thuộc quân chủng nào cấp bậc gì?
    Người phụ nữ ngần ngừ một lúc rồi đáp:
    _ Anh ấy là lính dù. Là thiếu tá. Anh không biết là đã giúp cho mẹ con tôi như thế nào đâu! Đây là chuyến đi hàng cuối cùng của tôi. Xong chuyến này tôi có đủ tiền mua lại cái máy may cũ,mua những loại vải thừa rẻ tiền của các nhà may quốc doanh hoặc xin những mẫu vải vụn về ráp nối lại may những bao gối hoặc may ba cái đồ nho nhỏ của tụi con nít, khi may xong đem cất cho mấy bà bán chợ trời bán chạy hơn các thứ khác nhiều. Bác tổ trưởng hứa là sẽ giúp xin cho ba mẹ con nhập lại hộ khẩu để có chế độ tem phiếu.
    Nói tới đây nét mặt mệt mỏi của người phụ nữ bừng vui lên một lúc. Tự nhiên Dũng thấy lòng nhẹ nhõm. Anh lặng ngắm khuôn mặt kiêu sa thanh tú của người bạn đồng hành, lắng nghe những lời tâm sự mộc mạc đến mủi lòng. Chị tiếp tục kể:
    _ Ngày anh ấy tử trận tôi nhận được một số tiền tử rất lớn. Thu gom cùng với tất cả gia sản của hai vợ chồng đem gởi hết vào nhà băng. Biến cố 75 mất hết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng.
    Nói tới đây người phụ nữ buồn bã lắc nhè nhẹ cái đầu nhìn ra ngoài xe. Đôi mắt phản chiếu một luồng ánh sáng lạnh lẽo đẹp đến tê buốt. Dũng ngẩn ngơ nhìn quên miếng bánh mì đang gặm dở trên tay.
    Chiếc xe cứ thế ì ạch vượt đèo, khí hậu bắt đầu mát dần. Dũng thấy tỉnh táo hẳn nhìn ra ngoài ngắm phong cảnh hai bên đường. Hàng quán nhà cửa lơ thơ lại bắt đầu xuất hiện. Xe chạy vào địa phận có dân cư rồi đột ngột dừng lại một khu chợ nhỏ ven đường. Người phụ nữ reo lên:
    _ Tới rồi!
    Hành khách lục tục xuống. Người phụ nữ vội vã thu tất cả những gói hàng để đây đó trên xe, dưới ghế ngồi của chính mình. Dũng tiếp một tay mang những gói hàng xuống xe. Có người từ trong quán chạy ra thồ vào. Người phụ nữ biến vào trong quán một lúc. Xe vẫn đứng chờ vì đây cũng là chặng dừng cuối cùng cho hành khách có dịp xuống mua trái cây quà cáp dọc đường.
    Khi xe rồ máy người phụ nữ cũng vừa kịp bước lên. Dũng không thể tin ở mắt mình. Khi tất cả mọi thứ được trút ra khỏi cái áo khoác to lù lù, dáng người của chị ta trông thật mảnh dẻ, nhẹ nhàng thanh thoát. Chị ta xếp áo khoác lại rút từ trong giỏ ra chiếc áo len màu lơ nhạt mặc vào rồi quay sang Dũng mỉm cười thật tươi:
    _ Mặc thêm áo vào anh! Sắp tới Đàlạt rồi!
    Nhìn chị ta Dũng bật cười. Chị ta ngạc nhiên hỏi:
    _ Anh cười gì vậy?
    _ Chị biết không lúc đầu tôi tưởng chị có mang vì khuôn mặt thon thả mà người lại phình to ra.
    Người phụ nữ cười theo.
    Xe đã vượt đèo… Xa xa vọng tiếng thác đổ. Những ngôi biệt thự thấp thoáng ẩn hiện giữa những vườn hồng. Bóng liễu rủ thướt tha bên đường. Xe dừng lại tại trạm kiểm soát cuối cùng, Những người đàn ông đeo băng đỏ lại bước lên xe. Một người nói:
    _ Đây là cửa ngõ vào thành phố xin bà con cô bác cho xét giấy tờ.
    Mọi người lặng lẽ rút giấy tờ, ngoan ngoãn mở hành lý nếu người kiểm tra ra lệnh. Tất cả diễn ra trong bầu không khí yên lặng. Soát được nửa xe những người đàn ông ra dấu với nhau rồi lục tục đi xuống khoát tay cho phép xe chạy. Chú tài hồ hởi rồ máy chạy ngoái lại phía sau nói:
    _ Vào thành phố rồi! Ai xuống thì nhắc tôi dừng lại nghen, nếu không tôi chạy tuốt vào bến đó!
    Người phụ nữ quay lại nói với Dũng:
    _ Thành phố này nhỏ. Vào bến trung tâm rồi muốn đi đâu cũng tiện lợi hơn. Anh mới tới đây lần đầu phải không?
    Dũng gật đầu nói:
    _ Khung cảnh ở đây làm tôi thấy là lạ sao ấy!
    Vừa lúc xe chạy vòng quanh hồ. Những cây thông già lặng im in bóng xuống mặt nước. Sóng gợn lăn tăn phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh như muôn ngàn mảnh thuỷ tinh vỡ. Dũng buột miệng khen:
    _ Đẹp quá!
    Xe đã tấp vào bến. Cuộc hành trình đã kết thúc. Dũng và người phụ nữ xuống xe. Họ đứng lại nhìn nhau một lúc. Một ngày đường với tất cả rối ren vượt mức chịu đựng bị lôi cuốn vào những lo âu vậy mà bây giờ đứng đây Dũng cảm thấy nuối tiếc bịn rịn. Cuộc hành trình ngắn ngủi đầy cảm xúc này sao giống cuộc hành trình vượt Trường Sơn ngày nào… Khi Dũng đứng lại bên bìa rừng nhìn bạn bè lần cuối trước khi trở ra bắc nhận nhiệm vụ mới.
    Người phụ nữ lên tiếng trước:
    _ Anh ạ! Tôi về được bình an như vậy là nhờ anh. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ơn này.
    Dũng mở balô lấy ra một bịch đường trắng và gói lương khô đưa cho người phụ nữ nói:
    _ Chị à! Tôi có chút quà gởi cho mấy cháu chị nhận dùm cho.
    Chị ta kêu lên:
    _ Trời ơi! Anh làm tôi khó xử quá! Tôi nợ anh chất chồng sao còn dám lấy gì nữa đây? Đây là quà cho người thân anh mà!
    Dũng nói:
    _ Tôi còn mấy bịch nữa! Tôi chia cho các cháu một ít có sao đâu! Con nít là phải ưu tiên hàng đầu! Tôi cho các cháu chứ có cho chị đâu!
    Người phụ nữ cầm hai bịch quà rồi reo lên:
    _ Trời ơi! Mấy thứ này bây giờ quý lắm. Đường cát trắng tinh à! Lại còn lương khô nữa! Toàn đồ khoái khẩu của bọn nhóc. Cám ơn anh nhiều nha!
    Hai người cứ đứng ngập ngừng một lúc rồi người phụ nữ chìa bàn tay mảnh mai về phía Dũng nói:
    _ Anh cho tôi bắt tay từ biệt được không?
    Dũng nắm lấy bàn tay mềm mại ấy siết nhẹ một hồi rồi nói:
    _ Thôi chào chị. Mong có dịp gặp lại. Chúc chị sẽ gặp hạnh phúc, các cháu khoẻ mạnh ngoan ngoãn.
    Người phụ nữ gật đầu rồi lặng lẽ quay bước, lâu lâu lại ngoái nhìn lại. Dũng thẫn thờ nhìn theo cho đến khi chị ta khuất bóng. Chợt nhớ ra, Dũng khẽ kêu lên: “Tiếc quá không biết tên!” Rồi lại tự hỏi liệu có tên nào xứng với người phụ nữ ấy không? Đứng giữa bến xe Dũng xốc lại balô trên vai nhìn lên con dốc, nghe tim mình đập rộn rã, anh gọi thầm:
    Cậu ơi! Con đang thực hiện ước mơ của mẹ, con đang tới với cậu đây! 
     
    (còn tiếp)
    _
     
     




    <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.06.2008 09:26:54 bởi sen dat >
    #17
      sen dat 14.07.2008 02:21:19 (permalink)
      CHƯƠNG XVII
       
      ĐOÀN TỤ
       
      Từ sáng tới giờ không lúc nào ông Hưng ngồi yên một chỗ. Ông hết đi ra rồi lại đi vào. Ngồi xuống, đứng lên, thấp thỏm hồi hộp. Ông nhận được điện tín Dũng báo hôm nay sẽ lên Đàlạt. Bây giờ trời đã về chiều, ông sốt ruột không biết cháu có gặp trắc trở trên đường không? Ông đứng ở cổng nhìn về phía đầu dốc trông chừng. Thấy thái độ ấy của chồng bà Mơ nói với ra:
      _ Anh làm sao vậy? Anh cứ vào nhà, cháu nó sẽ tìm tới, không mắc gì phải đứng đợi dài cổ ra vậy!
      _ Anh sợ cháu nó tìm không ra nhà.
      Bà Mơ nguýt nhẹ nói kháy:
      _ Khéo lo! Nó đi mòn Trường Sơn ngóc ngách nào mà chả chui vào, cớ gì lại không tìm ra nhà cậu trong cái thành phố nhỏ như cái lỗ mũi này? Nó tìm không ra không biết hỏi đường chắc? Đường ở cái mồm mình ấy! Với lại anh thấy nó bao giờ đâu mà mong nhận ra? Vớ vẩn! Thôi vào đi cho rồi!
      Ông Hưng vẫn đứng lóng ngóng ngoài sân chứ không chịu vào nhà. Mỗi lần có bóng người ló lên ở đầu dốc là mỗi lần ông nghe tim mình đập mạnh, rồi ông lại chưng hửng thất vọng. Bà Mơ tuy nói thế nhưng thỉnh thoảng vẫn ló đầu ra dòm chừng. Bỗng bà nghe tiếng chồng reo lên:
      _ Em ơi! Cháu đây rồi!
      Bà Mơ ngạc nhiên:
      _ Quái! Sao chưa thấy ai ở cổng mà ổng đã biết là Dũng rồi?
      Bà Mơ chạy ra, thấy chồng đang tất tả chạy ra phía đầu dốc. Ở phía xa xa có người mặc đồ bộ đội đang lầm lũi đi. Bà Mơ hét lên:
      _ Coi chừng không thì lầm với mấy ông bộ đội ở khu trại bên kia bây giờ! Trời ơi là trời! Sao lại hấp tấp quá vậy?
      Ông Hưng vẫn không nghe, ông chạy về phía người bộ đội hai tay giang rộng như sẵn sàng đón mừng một người thân thiết. Người mặc quân phục hơi khựng lại rồi cũng chạy nhanh về phía ông. Họ ôm chầm lấy nhau không chút ngượng ngập. Đứng ở xa nhìn lại bà Mơ sững người. Sao lạ vậy? Sao ổng lại nhận ra nó là Dũng? Hai người đàn ông ôm siết lấy nhau. Những giọt nước mắt trào ra. Dũng nghẹn ngào nói:
      _ Cậu giống mẹ quá! Con nhìn mặt cậu là biết ngay!
      Ông Hưng không nói được gì. Mùi mồ hôi trên vai áo cháu càng làm ông thổn thức. Ôm cháu mà ngỡ là đang ôm anh Cả trong buổi biệt ly ngày nào. Nó giống y hệt khiến chỉ mới thấy dáng đi thôi ông đã nghĩ mình không thể lầm được!
      Sau những giây phút xúc động, họ bừng tỉnh nhìn nhau cười nói tíu tít một lúc rồi cùng dìu nhau vô nhà. Khi thấy họ đi qua cánh cổng, bà Mơ chạy vào bếp đứng như trời trồng bối rối, quýnh lên như gà mắc đẻ. Bà nhấc thúng bo bo lên rồi lại bỏ xuống. Rồi bà nghe tiếng chồng gọi to:
      _ Em ơi! Cháu tới rồi em ơi!
      Bà Mơ không trả lời. Bà nghe chồng nói:
      _ Lạ thật! Mợ mới ở đây mà!
      Giọng Dũng vang lên:
      _ Vào nhà mát quá cậu ơi!
      Rồi họ lại bi bô nói chuyện. Bà Mơ nhìn xéo qua bức rèm thưa ngăn cách phòng ăn và phòng khách. Hình ảnh một việt cộng đang ở trong nhà bà làm bà không khỏi lo lắng. Bỗng bà giật mình nhìn đôi dép râu vừa mới cởi ra còn để ở lối ra vào trước thềm. Đôi dép kia, cái nón kia, bộ đồ kia quá ư xa lạ! Nó gây cho bà cảm giác rờn rợn. Bà nghĩ lại những trận mưa bom dội xuống cây số 4 hồi tết Mậu thân san bằng cả một khu dân cư. Chiếc dép râu không biết bị sức bom như thế nào mà lại bay sang tận vườn cà phê xa lắc xa lơ của bà treo toòng teng trên cành cây.
      Người đàn ông đứng quay lưng về phía bà, đầu vẫn còn đội nón cối. Anh ta để ba lô vào một góc bỏ nón cối xuống và quay đầu lại… Có một luồng gì đó vừa chạy qua tim… Lồng ngực nhói lên tim thắt lại. Bà Mơ ôm lấy ngực, tựa vào vách. Trời sao giống quá! Có phải Bình đó không con? Má chờ con mòn mỏi. Sao con khéo trêu má vậy con? Bộ đồ lính của con đâu rồi sao hôm nay con về với má trong bộ đồ kia? Bà lảm nhảm và có thể sẽ lún sâu thêm hơn vào trong trạng thái hỗn loạn nếu không có giọng của chồng lôi bà trở lại thực tế:
      _ Em ơi! Em ơi!
      Bà bừng tỉnh ấp úng đáp trả:
      _ Ờ ờ em đây!
      Bà bước ra, hai chân run lên, hơi khuỵu xuống nhưng gượng đứng lên rồi ngồi phịch xuống ghế. Ông Hưng chạy lại hỏi:
      _ Em sao vậy?
      Dũng reo lên:
      _ A chào mợ!
      Rồi tiến lại gần lo lắng hỏi:
      _ Mợ có sao không? Mợ bị lên máu à?
      Bà Mơ lắc đầu:
      _ Không, không sao đâu!
      Bây giờ bà đã giáp mặt Dũng. Nét mặt chân chất nhưng lại có cái gì đó rất lịch lãm thân thiết. Bà ngỡ như gặp Dũng từ bao giờ. Nếu tình cờ gặp ngoài đường bà sẽ ngờ ngợ hoặc sẽ nhận ra Dũng trong bao nhiêu người khác. Bà sẽ không lầm lẫn đâu! Tự nhiên bà có cảm giác như có sợi dây vô hình vô cùng thiêng liêng nối kết chồng bà, con trai bà và người đàn ông trong bộ quân phục bộ đội này. Trong phút chốc tất cả mọi nghi ngờ biến mất chỉ còn lại sự vui mừng khôn xiết. Dũng nói:
      _ Mợ à! Có gì ăn nấy nghe mợ. Con quen đời lính, đạm bạc lắm mợ à!
      Bà Mơ liếc nhanh về phía chồng rồi nói:
      _ Mợ không làm gì đâu con à! Giời ơi sao nó giống Bình nhà mình quá anh à! Ngồi chơi đi mợ có hẹn phải đi đằng này chút. Hai cậu cháu tha hồ mà chuyện trò nhé! Thôi mợ đi đây!
      Bà Mơ thoát khỏi phòng khách để có thể ổn định lại tinh thần sửa soạn một bữa cơm tươm tất đãi người cháu mà trước đây vài tiếng đồng hồ bà cứ nghĩ chỉ việc nấu bo bo là xong. Ông Hưng và Dũng ngồi lại trong phòng khách. Ông kể về gia đình. Con ông đã đi hết. Hoan Bình mất tích. Dũng chép miệng ngồi lặng đi một lúc rồi hỏi:
      _ Bình đóng quân ở đâu cậu?
      _ Nó đóng nhiều nơi lắm! Lần cuối cùng là ở Quảng Trị và Huế. Sau Hiệp Định Paris nó giữ chức vụ trao trả tù binh hai bên.
      Dũng kêu lên:
      _ Trời ơi! Thật vậy sao cậu?
      Anh không dám hỏi tiếp. Hình như có cái gì đó rất nặng đang từ từ ép lồng ngực anh. Hoan Bình và Chiến. Có khi nào hai em đã đối mặt nhau trên trận tuyến? Dũng ngồi ngả lưng trên chiếc ghế bành. Ông Hưng nhìn cháu. Nét mặt đăm chiêu thoáng nỗi buồn câm lặng làm lòng ông se lại. Ông nhớ lại cái ngày chủ nhật đau buồn ấy. Cái cảm giác thất vọng chua xót… Ông không biết cháu nghĩ gì? Hơn ai hết ông muốn giúp cháu thoát ra khỏi cái không khí nặng nề hụt hẫng (nếu có) mà mười mấy năm về trước ông đã bị bủa vây bị nhấn chìm ngay trên chiếc ghế bành đó. Hơn lúc nào hết ông muốn bảo vệ niềm tin, sự nhiệt tình, tuổi trẻ với những ước mơ của cháu để sự thất vọng sẽ đến từ từ cảm giác ấy dễ chịu hơn là cảm nhận bầu nhiệt huyết trong mình bỗng đông cứng quá đột ngột phũ phàng. Ông hỏi Dũng về những năm tháng ở chiến trường. Dũng bắt đầu kể. Càng lúc câu chuyện càng rôm rả hơn. Nguy hiểm đầy ải cũng nhiều niềm vui cũng không ít. Cuộc đối thoại giữa hai người đàn ông vô tình làm cho không khí ngột ngạt lúc ban đầu tan dần…
      Mùi xào nấu xèo xèo từ trong bếp bay ra tận phòng khách thơm lừng làm cho Dũng rú lên:
      _ Mợ ơi! mợ nấu gì mà thơm nhức mũi lên thế?
      Ông Hưng ngồi thẳng lên nhìn vào trong ngơ ngác. Dũng chạy thẳng vào bếp. Căn phòng màu hồng nhạt nhỏ với khung cửa sổ nhìn ra vườn, mọi vật ấm cúng lạ thường! Bà Mơ đang rô-ti con gà. Thấy Dũng bà vội giục cháu:
      _ Đi tắm đi Dũng kẻo tối. Tắm trễ ra ngoài gặp gió lạnh là đau đó. Khí hậu miền núi coi vậy chứ nguy hiểm lắm! Đừng coi thường!
      Dũng cười:
      _ Mợ quên con là người rừng à?
      _ Rừng thì rừng chớ! Nhiệt độ nơi đây lên xuống thất thường lắm!
      Dũng đứng lặng một lúc rồi nói:
      _ Mợ à thời buổi khó khăn mà mợ nấu thịnh soạn quá làm con ngại.
      Bà Mơ chép miệng:
      _ Bây giờ thấy trịnh trọng vậy chứ trước giải phóng ăn như vậy là thường.
      Rồi bà chỉ cái áo ngủ khoác ngoài vắt sẵn trên ghế nói:
      _ Khi nào tắm xong mặc cái này thêm cho ấm.
      Từ trong phòng tắm ra bao nhiêu mệt nhọc bao nhiêu bụi đường xa dường như đã được trút hết. Chiếc áo choàng bằng vải trơn láng như gấm, màu đen ánh vàng làm Dũng trở nên khác hẳn. Bà Mơ nhìn Dũng đăm đăm. Dũng hỏi:
      _ Áo này của ai kiểu lạ và sang vậy mợ?
      Bà Mơ khẽ đáp:
      _ Của Hoan Bình!
      Dũng chăm chú nhìn bà Mơ dọn thức ăn. Dĩa xà-lách trộn dầu dấm xanh mơn mởn với những lá non vàng nhạt nỏn nà, những lát cà chua đỏ tươi, con gà rô-ti nguyên con vàng óng ả, dĩa thịt bò xào hành tây bên cạnh những khoanh bánh mì bày trên cái dĩa kiểu hình bầu dục với những hoa văn thật nhẹ nhàng… Đi dọc từ bắc vào nam ghé vào nhà nhiều người Dũng thấy căn phòng bếp của mợ, các món ăn của mợ có cái gì đó đặc biệt khác lạ! Tất cả đều hấp dẫn. Bỗng nhiên ánh mắt Dũng dừng lại rất lâu. Màu đỏ thắm của cánh hồng đơn độc xen lẫn với màu xanh của cây dương xỉ cắm trong cái ly thuỷ tinh đặt giữa bàn ăn. Mọi vật dường như chứa đựng một sự hân hoan thầm lặng… Chợt nhận ra sự vắng mặt của cậu Dũng hỏi:
      _ Cậu đâu rồi ạ?
      Cũng vừa lúc đó giọng ông Hưng cất lên:
      _ Cậu đây! Cậu vừa đi khai tạm trú cho con về.
      Bà Mơ reo lên:
      _ Thế thì vào bàn ăn cho nóng. Chắc Dũng cũng đói rồi! À Dũng ơi! Còn chai rượu trong tủ kia con lấy ra đây uống hết nghen!
      Khi cả ba cùng ngồi vào bàn bà Mơ cầm chai rượu có in hình Napoleon chỉ còn lại một nửa đưa lên xăm xoi rồi nói:
      _ Chai rượu này Bình nó uống chưa hết lần về phép cuối cùng.
      Giọng bà run run… Bà nhìn Dũng… đợi chờ, mắt tràn đầy yêu thương:
      _ Bây giờ con hãy uống hết đi!
      Dũng không dám nghĩ ánh mắt ấy dành riêng cho mình. Ánh nhìn của mợ thay đổi liên tục. Khi bừng lên thiết tha dịu ngọt, khi vụt tắt xa xăm… Không khí trong phòng trầm hẳn xuống. Giọng bà Mơ thật nhẹ đôi khi như tiếng thở dài… Lảng vảng đâu đó xen lẫn với sắc màu tươi vui, không khí ấm cúng dịu êm của căn phòng vẫn có những mảng u ám làm mờ hạnh phúc. Dũng bỗng dưng thấy nghẹn ở cổ. Anh kéo chiếc áo choàng sát người. Cánh hồng kiêu sang nép bên lá rừng trong ly thuỷ tinh như lung linh gợi nhớ khuôn mặt u uẩn của người phụ nữ trên chuyến xe. Đôi mắt ngấn lệ của mợ nhìn Dũng như chờ đợi… Dũng đứng lên mở nút chai, rót rượu vào ly. Ba người khẽ chạm ly.Những ly rươu của sự đoàn tụ.Dũng rót thêm rươu vào ly bàn tay run run hướng ly của mình về phía ông Hưng:
      _Ly này con uống thay cho Bình.
      Ông Hưng cũng hướng ly mình lại gần miệng lẩm bẩm:”cậu uống cho Chiến”
      Hai cái ly như lơ lửng trên không trung ngập ngừng một lúc rồi từ từ sáp lại gần. Tiếng thủy tinh va chạm nhau. Âm nhẹ nhưng sắc buốt. Dũng nghe như tiếng rạn vỡ từ chính trong lồng ngực mình. Mấy ngón tay bám chặt vào thành ly. Rươụ sóng sánh vàng không đỏ thắm như rượu vang. Hình như những mạch lưu thông, thứ chất lỏng thường ngày rất dễ hừng hực trong Dũng đang nguội dần đi…
       Dũng hớp hết rượu trong ly nói:
      _ Con hằng mơ ước có ngày hôm nay. Nhưng con không bao giờ nghĩ chỉ có mình con và cậu mợ trong căn phòng này. Con nghĩ sẽ được đoàn tụ với nhiều người, sẽ nghe tiếng chạm ly to hơn nữa… Con tưởng…
      Dũng không nói được nữa nhìn cậu mợ qua màn nước mắt. Ông Hưng nắm chặt lấy bàn tay Dũng. Niềm vui sáng bừng trên khuôn mặt già nua mệt mỏi của ông. Không hiểu sao sự xuất hiện của Dũng lại mang đến cho ông một niềm hy vọng mới. Ông đang sống trong cảm giác mà ông muốn nó không bao giờ mất. Ông nói với Dũng:
      _ Con không biết là con đã mang lại hạnh phúc cho cậu mợ như thế nào đâu! Đã lâu rồi cậu mợ không được hưởng những giây phút tuyệt vời như thế này. Thôi ăn đi con! Chúng ta vui lên nào!
      Bà Mơ cắt cái đùi gà để vào dĩa cho Dũng, ông Hưng rót thêm rượu mời cháu…
      Tối hôm ấy những người hàng xóm thấy căn nhà của hai vợ chồng già thường ngày quá trầm lặng bữa nay lâu lâu lại vang tiếng cười nói vọng ra tận bên ngoài. Các căn phòng đều bật điện sáng choang.
       (còn tiếp)
       
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.07.2008 02:25:33 bởi sen dat >
      #18
        nguyenbs 26.07.2008 01:40:02 (permalink)
        Xin lỗi chủ nhà.
        Em nghĩ không nên viết tiếp. Tới đây đủ ý rồi :)
        #19
          phuongmainguyen 13.08.2008 01:13:08 (permalink)
          Tôi nghĩ viết tiếp hay không la do tác giả.  Tôi mong được đọc tiếp đoạn sau.
          #20
            sen dat 16.10.2008 01:20:51 (permalink)
            CHƯƠNG KẾT
             
             
            CÁT BỤI
             
             
            Ông Hưng đang ngồi trên ghế xích đu, tay cầm một mảnh giấy trắng có ghi hàng chữ li ti nhưng mắt ông lại hướng ra bãi cỏ bên kia đường. Bà Mơ từ trong nhà bước ra hiên khẽ khàng ngồi xuống sát bên ông rồi hỏi nhỏ:
            _ Sao anh? Anh nghĩ em có nên đi tìm con không?
            Ông Hưng cúi xuống dòng chữ ghi trên giấy rồi ngập ngừng nói:
            _ Em à! Nếu em còn đủ sức khoẻ thì em cứ đi. Nhưng anh e rằng khó tìm được tông tích con.
            Giọng nói đứt quãng của ông làm bà cảm thấy xót xa. Hơn ai hết bà hiểu ông đang bị căng thẳng cao độ. Thật ra trong sâu thẳm tâm tư tuy chưa bao giờ ý thức một cách rõ ràng, hình như ông luôn sợ giây phút này, mặc dù vẫn luôn ước ao một ngày nào đó được biết tin con. Khi cầm địa chỉ của ông Ba, người theo lời đồn có thể tìm được những người lính chết mất xác, tâm hồn ông tràn ngập mâu thuẫn. Vừa e ngại lại vừa mong mỏi. Năm tháng qua… Hy vọng của ông bà cũng nhạt dần. Bây giờ sắp gần đất xa trời, họ cảm thấy ước nguyện được biết sự thật. Cùng đong đưa theo nhịp xích đu bà siết chặt lấy bàn tay ông. Trong ánh hoàng hôn chập choạng ông bà nhìn nhau bằng cái nhìn của những người đã bắt đầu hiểu và chấp nhận vấn đề mà trước đây họ thường tránh né. Một lúc sau bà mới lên tiếng:
            _ Vậy mai em lên đường anh nhé! Ra đó có gì em sẽ gọi điện về cho anh, anh đừng lo!
            Ông Hưng thở dài, giọng ông chứa đựng sự đau xót chân thành ông dặn dò:
            _ Em à! Em đi nếu lỡ ra ở nhà anh có mệnh hệ gì thì mong em tha thứ cho anh. Anh biết anh có lỗi với em và con. Anh có lỗi với cha nữa… Xin em cứ cuốn chiếu mà chôn anh đừng làm gì chộn rộn xa hoa mà tội của anh thêm nặng. Nói với con cháu ở xa rằng nơi nào cưu mang mình thì nơi ấy là quê hương hãy là công dân tốt ở xứ người.
            Thật ra nhìn vào ánh mắt u uẩn của chồng bà cũng không thể hiểu hết được ý nghĩa những gì ông vừa nói. Bà vội vã đưa tay lên bịt miệng ông, kêu lên:
            _ Trời ơi! Bậy quá nói gì ghê thế giống như đang hấp hối vậy!
            Nói rồi bà vội đỡ ông đứng dậy, nhẹ nhàng dìu ông vào nhà.
            ***
            Bà Mơ khởi hành lúc tám giờ sáng bằng xe lửa. Ngồi trên chuyến tàu bà hầu như lặng câm. Bà không còn bụng dạ để xã giao bắt chuyện với những người cùng toa, cũng không còn tâm trạng đâu để nhìn cảnh vật mưa nắng hai bên đường. Bà hồi hộp lo lắng không biết cuộc hành trình của mình sẽ đi về đâu? Đau khổ bà đã chuẩn bị để tiếp nhận nhưng không biết có tìm thấy con không? Bà nhắm mắt lại miên man với những dòng suy nghĩ hầu như quên mất mọi người xung quanh. Ngồi như vậy không biết bao lâu bỗng bà giật mình khi một bàn tay chạm nhẹ vào người. Bà mở mắt ra ngơ ngác. Người đàn bà ngồi cạnh nhìn bà nở một nụ cười đôn hậu nói:
            _ Mời bác ăn với vợ chồng tôi cái bánh ít lá gai. Bác chắc không phải người miền trung? Bác đi đâu đây? Đi chơi hay đi thăm ai, sao đi có một mình?
            Nhìn người đàn bà có vẻ hồn hậu bà Mơ nhận lấy chiếc bánh ít ngập ngừng một lúc rồi nói:
            _ Cám ơn bà tôi không đi chơi mà cũng chẳng có ai để thăm ngoài này.
            _ Vậy ra bác có việc? Bác dừng ở đâu vậy?
            _ Ở Tam kỳ. Tôi ra đó xa lạ không biết có được chuyện gì không?
            Người đàn bà bật cười rồi trấn an:
            _ Bác may mắn rồi đó! Tôi ở Tam kỳ đây!
            Bà Mơ mừng quá quên cả e dè vội hỏi:
            _ Vậy bà có biết vị Tiên Linh Đại Tiên Sư ở chính điện Tam Kỳ không?
            Người chồng ngồi kề bên nghe vậy mau mắn trả lời:
            _ Tôi biết vị Tiên Linh này. À hoá ra bà ra đây về việc này.
            Thế là bà Mơ bắt đầu kể. Bà nói nhỏ chỉ đủ hai vợ chồng nghe thôi. Hai vợ chồng cũng hạ thấp giọng khi nghe bà nói mục đích chuyến đi tìm con, một người lính VNCH đã mất tích năm 75. Bọn họ cứ thế thì thào tâm sự. Người đàn ông nói:
            _ Nếu con bà là lính Thuỷ Quân Lục Chiến thì tôi có thể biết. Hồi đó tôi ở Cam Lộ. Thạch Hãn là nơi đóng quân của TQLC.
            Bà Mơ gật đầu:
            _ Đúng rồi! Con tôi đã từng ở đó. Trong thơ con tôi nói đó là nơi trao trả tù binh hai bên.
            Giọng người chồng bỗng trầm hẳn xuống, có cái gì đó thật buồn nghèn nghẹn:
            _ Gặp bà trên chuyến tàu này khi nghe bà xưng là mẹ một sĩ quan TQLC tôi bồi hồi nhớ lại khuôn mặt một người tôi đã chôn. Khi chôn khuôn mặt anh ta còn tươi rói, đẹp đẽ, thân thể y nguyên như người đang ngủ. Chôn anh ta xong mấy chục năm không hiểu sao tôi không bao giờ quên nét mặt ấy.
            Nói tới đây nước mắt ông ta ứa ra. Bà Mơ đọc được trong mắt người đàn ông một nỗi niềm thầm kín giống như ngọn lửa bị vùi dập dưới lớp tro chỉ cần một cơn gió là bùng cháy trở lại. Bà Mơ nghe như có một bàn tay vô hình đang từ từ siết nhẹ tim mình. Giọng ông ta một lúc một sống động hơn:
            _ Cái ngày hôm ấy tôi đi tìm đứa cháu thường bán quà ven biển, cũng là ngày tôi chứng kiến những cảnh thật đau lòng. Quân VNCH một số rút về Đà Nẵng, một số chạy đến biển Thuận An. Phần vì tranh nhau lên tàu há mồm, một số bị trúng đạn tàu chìm. Phần vì trúng đạn ngoài khơi bắn vào chết nhiều lắm! Xác dạt vào bãi biển Thuận An. Người dân ở đó nếu thấy xác lính họ đều đem chôn. Có người còn nhớ mộ bia người mình chôn mặc dù không dám ghi dấu trên mộ. Bà biết không sau 75 có những hiện tượng rất lạ. Đó là người dân trong vùng quanh đó trồng khoai nhưng không hề thấy củ trong suốt nhiều mùa như thế. Về đêm người ta thường nghe tiếng quân lính hô tập trận…
            Người đàn ông chép miệng thở dài:
            _ Có lẽ họ chết bất đắc kỳ tử nên còn nhiều ấm ức. Sức trẻ ham muốn còn nhiều tạo áp lực sao đó khiến không thể siêu thoát được. Sau này thì không thấy nữa chứ những năm đầu sau 75 mỗi lần rằm tháng 7 cúng cô hồn, khấn chưa xong là cả cái mâm cúng cứ run lên bần bật dù cho lúc đó trời im gió.
            Bà Mơ lấy khăn tay chậm nước mắt. Chắp tay lại như van vái, bà nghẹn ngào cố gắng lắm mới nói được trọn câu sau những tiếng đứt quãng:
            _ Cơ duyên nào xui tôi gặp ông trên chuyến tàu này vậy? Tôi biết mình không có cách gì, khả năng gì để đền đáp. Tôi không biết chắc con tôi mất ở đâu? Nhưng khi nghe ông kể xong tôi xin ông cứ nhận nơi tôi một cái lạy này thay cho lòng biết ơn tất cả những ai đã chôn xác những người tử nạn ngoài đó.
            Nói tới đây không kìm được cảm xúc tiếng bà nhòe đi trong nước mắt. Mọi người trong toa tò mò quay lại nhìn. Hai vợ chồng dùng mọi lời lẽ để an ủi bà Mơ. Người vợ nói:
            _ Chút nữa xuống Tam Kỳ tôi sẽ chỉ chỗ trọ an toàn cho bác ở gần ga. Ngày mai tôi sẽ cho cháu nó lên chở bác tới tận nhà ông Ba đồng tử. Bác đừng lo!
            Bà Mơ thắc mắc:
            _ Nghe nói ông Ba là cán bộ cộng sản không biết tôi là “nguỵ” ông ta có coi không?
            Người đàn ông trả lời:
            _ Tiên Ông vô tư chỉ mượn xác phàm có phe phái gì đâu mà phân biệt cộng sản hay VNCH? Mặc dù khách thường ở bên cách mạng là nhiều. Để con trai tôi mai nó đưa bà đi, chỉ đường đi nước bước cho bà hầu có thể duyệt đơn nhanh nếu không sẽ bị loại và cứ thế mà chờ đợi.  Bà ở trong ấy ra mỗi lần đi là mỗi lần khó, đường xá xa xôi… Khi nhập, giọng Tiên ông rất khó nghe do đó phải chuẩn bị thâu băng để về nghe lại.
            Khi bà Mơ đến Tam Kỳ đường phố đã lên đèn. Sau khi chỉ chỗ trọ vừa rẻ vừa an toàn hai vợ chồng chào tạm biệt và hẹn gặp lại ngày mai. Tắm rửa rũ sạch bụi đường bà Mơ lang thang ra ngoài kiếm một quán nhỏ để ăn uống qua loa cốt để xem xét sự tình nơi đây. Khi dùng bữa bà làm quen được với một số người khác. Bà thấy dân ở đây mộc mạc chân chất sao ấy! Trong họ có cái gì nồng nàn đậm sâu. Cuộc sống yên bình ít đua tranh khiến họ hướng nội hơn thì phải? Tín ngưỡng chứ không phải vật chất chi phối con người nơi đây. Bà là người theo đạo Thiên Chúa lấy chồng đạo Phật nên cũng không xa lạ gì với những việc cúng tế lễ lạc nhưng khi đến đây những phong tục tập quán địa phương vẫn làm bà cảm thấy rất ngạc nhiên.
            Trở về phòng trọ lúc trời đã về khuya, bà thao thức mãi không sao ngủ được. Cứ chập chờn suốt đêm. Tất cả những gì xảy ra ngày hôm nay đã an ủi bà phần nào. Bây giờ bà chấp nhận nếu không nói là sẵn sàng chờ đợi mọi bất hạnh. Khổ đau cơ cực có thể phải chịu đựng miễn là biết được tin con. Bà nghĩ như vậy và thấy lòng dịu lại ít nhiều. Tuy chưa gặp Tiên Ông nhưng tinh thần bà đã điềm tĩnh trở lại. Bà ước sao cho trời mau sáng. Sự mệt nhọc ăn uống thất thường của cuộc hành trình đường xa hình như không ảnh hưởng đến bà. Nghĩ đến Hoan Bình và Hoàn những mạch máu trong người bà như bừng dậy. Ngày mai, ngày mốt… Những ngày kế tiếp bà nhất định sẽ vượt qua những ngăn trở, lần này quyết tâm tìm cho ra tông tích con và cháu. Bà nhủ thầm như thế rồi thiếp đi lúc nào không biết.
            Ngày hôm sau người con trai tên Hinh của hai vợ chồng bà quen trên chuyến tàu đến tận nhà trọ đón bà. Biết bà sốt ruột, anh ta phóng xe chạy thẳng một mạch. Khi xe vừa dừng tại nhà thầy Ba bà thấy một đám đông ồn ào trước ngõ. Một số người xô xát chửi rủa lẫn nhau. Một thanh niên gào lên uất ức:
            _ Mẹ kiếp! Ông thì ông không chịu thua mày đâu! Ông đợi dài cả cổ mà cứ bị loại ra miết thôi! Cũng vì những đứa ăn trên ngồi trốc, có thân thế có tiền bạc như mày đó!
            Bà Mơ hốt hoảng hỏi Hinh:
            _ Chết thật! Cái gì vậy? Mình có vào được không?
            Hinh trấn an:
            _ Không sao đâu! Mình cứ vào xem tình hình như thế nào?
            Hinh đưa bà gặp người phụ trách giấy tờ cho thầy Ba, xin đăng ký tên họ của Hoan Bình và Hoàn nhờ thầy xem xét dùm. Anh ta giải thích:
            _ Mấy bữa trước thầy đi Kontum theo lệnh của Tiên Ông để làm cho thân chủ. Giấy tờ bị ứ đọng. Sáng nay chỉ làm cho chín người, còn lại đợi chiều. Vậy ai nộp đơn như bà đây thì phải chiều mai mới đến lượt. Bây giờ anh hướng dẫn hoặc viết thủ tục dùm bà đi!
            Hinh đưa bà Mơ ra ngồi chiếc bàn bên cạnh để làm đơn. Khi làm xong Hinh đưa lại nộp đơn cho người đàn ông. Ông ta nhận đơn rồi dặn dò cặn kẽ một lần nữa:
            _ Nhớ sửa soạn máy ghi âm nghen!
            Bà Mơ và Hinh cúi đầu chào rồi xin phép ra về. Khi lái xe đưa bà ra khỏi nơi xô xát lúc nãy Hinh nói như phân trần với bà:
            _ Bà thấy không? Người chết người mất tích thì nhiều mà chỉ có mỗi mình thầy Ba làm sao cáng đáng hết được. Ở đâu muốn cho nhanh cũng phải vận dụng sự quen biết, thanh thế này nọ nên mới có vụ lộn xộn mà hồi nãy bà thấy đó! Người nhận đơn là con một người hồi trước làm việc cùng chỗ với bố con nên ông ta mới thông qua dễ như vậy!
            Bà Mơ nói giọng nhẫn nhục:
            _ Họ kêu la làm thế được chứ thân phận như bà đây họ nói chờ thì cứ chờ chứ biết sao giờ?
            Rồi bà lo lắng hỏi Hinh:
            _ Bà có làm phiền con không? Con có phải đi làm đi học gì không?
            _ Con làm nghề tạc tượng, làm đồ lưu niệm bà ạ! Con làm gia công cho người ta nên cũng chủ động về thời gian.
            Bà Mơ bàn:
            _ Vậy con đưa bà ra phố mua ít đồ cần thiết cho buổi lễ ngày mai.
            _ Con sẽ đưa bà đi tham quan một loáng trước khi đưa bà về nhà bố mẹ con. Máy thu băng bà khỏi lo để con lo cho!
            Bà Mơ gật đầu:
            _ Ừ cái đó thì phải nhờ con rồi đó!
            Xe đi vào một khu chợ. Là người Đàlạt nơi có nhiều người Quảng vào lập nghiệp nên ngôn ngữ trao đổi, khung cảnh mua bán không làm bà cảm thấy ngỡ ngàng chút nào! Tiếng rao hàng chào mời. Tiếng nhạc xập xình phát ra từ những cửa hàng quán nhỏ ven đường. Những âm thanh động cơ lướt trên mặt đường, tất cả đều thân quen. Bà trả giá mua bán rất nhanh làm Hinh ngạc nhiên:
            _ Xong rồi hả bà? Bà mua nhanh ghê!
            _ Đi chợ cà kê dê ngỗng giữa nắng nôi có gì thích thú đâu!
            Hinh phì cười nói giọng bí mật:
            _ Vậy bà lên xe con chở bà đi một vòng cho khuây khoả.
            Ngồi trên xe do một người trẻ lái, xe chạy nhanh nhiều hơn là chậm. Bà có cảm tưởng như mình lạc vào một không gian đặc biệt vừa xa lạ vừa thân quen. Xe đi qua những vùng cát trắng, qua những làng chài. Đây đó xuyên qua những hàng dừa, sau những tấm lưới phập phồng giăng giăng bóng những người phụ nữ thoát ẩn thoát hiện, những mảnh áo quần, những làn tóc xổ tung bay bay nghiêng nghiêng trong gió. Những đứa bé trần như nhộng nô đùa chạy nhảy vô tư giữa đất trời, nhìn xa trông cứ như chúng đang bị cuốn đi theo những cơn gió cát mịt mù… Một cụ già râu tóc bạc phơ tay cắp một cái chai đứng ngất ngưỡng chênh vênh trước mũi thuyền, ông ta đang say? Tiếng hò khoan từ đâu vọng lại lướt xa trong gió… Tất cả hoà quyện vào nhau rời rạc hỗn độn hay chính lòng bà đang ngổn ngang rối bời… Bất chợt Hinh hỏi bà:
            _ Hồi nãy làm đơn cho chú Bình và chú Hoàn con thắc mắc tại sao chú Hoàn đi học tập mà lại mất tích được vậy bà?
            Bà Mơ chép miệng than:
            _ Khổ quá! Đi học tập ở Sông Bé chứ sao nhưng rồi lại trốn trại vì không chịu đựng được. Thế là biết đâu mà hỏi mà tìm bây giờ? Người ta đi học tập về hết rồi, không về nữa thì chắc chết ở đâu đó rồi con ạ! Tội nghiệp quá!
            _ Chú Hoàn làm đại uý phi công mà sao không lo đi cho rồi hả bà?
            Bà Mơ đáp:
            _ Ấy thủ tục đã xong xuôi. Chỉ cần chậm vài ngày là chú ấy đi được rồi. Mình không có phước thì biết sao giờ?
            Hinh chặc lưỡi:
            _ Nếu nói là không có phước thì người Việt Nam mình vô phước nhiều lắm bà ạ! Gia đình con họ hàng, người theo cách mạng, người theo VNCH chết cũng nhiều lắm! Thanh niên thời chiến đã đành, hoà bình cũng có sung sướng gì đâu! Học hành tốt nghiệp ra trường như con đây cũng phải đi học nghề ở Đà Nẵng mới có ăn chứ trông nhờ gì vào bằng cấp hả bà?
            Mãi nói chuyện bà Mơ không để ý xe đã rẽ vào một xóm nhỏ và bất ngờ dừng lại trước một ngôi nhà nằm khiêm tốn cuối một con ngõ hẹp. Hinh tắt máy xe nhìn đồng hồ kêu lên:
            _ Trời đất đi vậy mà cũng quá trưa rồi bà ơi! Thôi mình vào nhà kẻo bố mẹ con mong.
            Vừa bước lên bậc thềm bà quay lại nhìn cái sân đất phẳng lì lấp lánh rơi đầy hoa nắng. Ngoài kia những con bướm chập chờn bay nhìn xa tựa như những điểm trắng linh động thoát ẩn thoát hiện giữa màu tím của những bông hoa đậu ván nở kín trên giàn. Một chiếc áo tơi đi mưa mắc hững hờ bên bờ dậu thưa. Một đôi guốc mộc gác khẽ khàng bên cạnh cái giếng nhỏ. Có một cái gì tưởng chừng như đã xa xôi đã trôi dạt vào quên lãng bỗng quay trở về. Bất giác bà đứng lặng người đi. Hinh đứng sau bà kêu lên:
            _ Mời bà vào nhà! Đứng nắng coi chừng bịnh đó bà!
            Bà Mơ giật mình:
            _ Ờ… ờ bà vào đây!
            Từ ngoài bước vào thoạt đầu tối om đến nỗi không nhìn rõ vật gì ra vật gì. Hinh kéo ghế mời bà ngồi. Ánh mắt bà nhanh chóng hướng sự chú ý về một phía. Một gốc khế cằn cỗi nằm trong một khuôn chậu tròn trịa. Những cành gầy guộc khẳng khiu gần như trơ trụi lá nhưng lại lủng lẳng đầy những trái vàng tươi căng mọng rực rỡ. Hình như tất cả những gì tinh túy khắc nghiệt nhất của thiên nhiên đang tích tụ hoà nhập thật diệu kỳ toả sáng cái không gian bé nhỏ tối tăm này. Bà Mơ buột miệng khen:
            _ Trông kìa ngộ chưa kìa!
            Hinh giải thích:
            _ Đây là cây khế bạn con nó tặng. Thấy hay hay nên để ở góc phòng chứ mình người nhà quê có biết chơi cây cảnh đâu! Có điều bố con cưng nó lắm! Nâng niu hết biết luôn!
            Đang thích thú ngắm nhìn cây khế thì hai vợ chồng xuất hiện. Người chồng xách cái ấm tích trà, người vợ bưng mâm thức ăn theo sau. Người chồng lên tiếng trước:
            _ Chào bà! Trưa trầy trưa trật ra rồi! Mời bà dùng bữa với chúng tôi rồi còn nghỉ lấy sức kẻo mệt!
            Bà Mơ kêu lên:
            _ Trời ơi! Tôi làm phiền ông bà rồi! Bà làm gì mà thịnh soạn thế?
            Bà nhìn mâm thức ăn để trên bàn tấm tắc khen:
            _ Trông hấp dẫn quá!
            Người chồng vừa so đũa vừa mời:
            _ Xin mời bà dùng bữa với chúng tôi. Xin bà đừng làm khách!
            Bà Mơ xua xua tay:
            _ Ồ không đâu! Tôi là người gốc bắc thuộc loại quê mùa không biết khách sáo đâu! Thú thật mấy bữa nay không muốn ăn gì hết. Ruột gan cứ rối bời. Tôi buồn nên ăn gì cũng thấy đắng đầu lưỡi. Sao nóng ruột quá ông bà ạ! Nhất là khi làm đơn ở nhà thầy Ba. Bây giờ nhìn dĩa gỏi cuốn này mới biết mình đói.
            Người vợ bật cười ha hả rồi nói với chồng:
            _ Đó ông thấy không, tôi nghĩ đãi bác món này là hợp lý lắm!
            Rồi bà ta gọi với vào trong:
            _ Hinh làm gì đó ra ăn đi con!
            Hinh dạ ran từ nhà sau chạy ra tay cầm mấy lon bia, sà ngay xuống hít hà tỉnh bơ rồi hỏi:
            _ Mẹ đãi bà món gì vậy?
            Bà mẹ lườm yêu con rồi gắt:
            _ Lại còn vờ vịt! Mắt đâu không nhận ra món gì?
            Rồi quay lại bà Mơ giọng bà trầm hẳn xuống như một lời tâm sự:
            _ Đêm qua tôi về cứ suy nghĩ mông lung. Tôi nghĩ đến những giọt nước mắt của bác hôm qua trên chuyến xe. Thật ra cuộc đời có bao giờ tốt đẹp hoàn hảo luôn đâu phải không bác? Tôi đây hồi còn nhỏ cũng lận đận lao đao. Mẹ mất sớm. Cha đi làm cách mạng biền biệt trong khu. Lớn lên lấy chồng, những năm đầu cứ sẩy thai miết, cố gắng lắm mới được cháu Hinh đây. Hôm nay tôi mời bác món gỏi này trước hết là vì trời nóng để bác nuốt cho dễ hơn là ăn cơm. Sau đó là để bác ăn thử với nước mắm nổi tiếng của quê tôi coi có hợp không?
            Bà Mơ hỏi:
            _ Thế quê bà ở đâu? Phú Quốc à?
            Người đàn bà lắc đầu. Bà Mơ hỏi tiếp:
            _ Phan Thiết chăng?
            _ Không! Quê tôi ở Nam Ô.
            Rồi bà chỉ vào chén nước mắm đặt giữa mâm:
            _ Nước mắm này là nước mắm Nam Ô. Ngon lắm! Không thua gì nước mắm đặc biệt Phú Quốc đâu!
            Người chồng lại lên tiếng:
            _ Thôi! Xin mời tất cả!
            Họ bắt đầu dùng bữa chuyện trò râm ran hỏi han đủ thứ. Bà Mơ không thể ngờ mới có một ngày mà lại được ngồi trong khung cảnh êm đềm hạnh phúc với những người ngày hôm qua vẫn còn hoàn toàn xa lạ. Bà Mơ chấm gỏi cuốn vào nước mắm. Mùi vị đậm đà. Một chút rồi lại hai chút… Bà ngạc nhiên vì những miếng gỏi cuốn khéo đẹp màu sắc bắt mắt ăn thấy không biết chán. Vừa thưởng thức bà vừa kêu lên:
            _ Cứ thế này chắc bể bụng lúc nào không biết!
            Người vợ nói:
            _ Nhìn thấy bác ăn được như thế tôi cũng mừng. Gỏi cuốn của tôi nào có thiếu gì nữa đâu! Rau thơm, khế chua, chuối chát, thịt ngậy, tôm ngọt, đậu phọng bùi, ớt cay chấm với nước mắm… đầy đủ hương vị mặn mà nồng cay chua chát ngọt bùi rồi đó bác ạ!
            Bà Mơ gật gù ra ý đã hiểu lời lẽ ý vị của bà ta. Bầu không khí càng lúc càng giống như một bữa tiệc vui. Khi dùng bữa xong lúc nhìn Hinh mang chiếc ấm lại rót cho mỗi người một tách trà bốc khói bà Mơ thổ lộ:
            _ Mặc dù chỉ mới ra đây nhưng số phận lại run rủi cho tôi gặp ông bà. Điều này thoả mãn những mong ước của tôi từ bao năm nay. Ông bà khiến tôi có cảm tưởng giải đất miền trung này còn nhiều bí ẩn. Tôi nhìn miền trung qua ông bà và cháu Hinh đây. Dù cho có tìm ra con tôi hay không tôi cũng sẽ ra Đà Nẵng, Huế ghé thăm những nơi con tôi đã từng đóng quân. Hồi sáng nghe cháu Hinh tâm sự có một thời học nghề ở Đà Nẵng. Nếu ông bà và cháu đây không e ngại gì tôi muốn xin phép cho cháu Hinh được đi với tôi chừng vài ngày, mọi chi phí tôi sẽ chịu hết, không biết ông bà có bằng lòng cho cháu đi với tôi không? Dù sao cháu Hinh cũng quen đường quen lối.
            Không kịp nghe phản ứng của bố mẹ, Hinh gật đầu ngay:
            _ Con cũng muốn bàn với bà như vậy. Bởi nếu không, ra ngoài ấy phải tìm người dò đường hỏi lối mất thì giờ. Vả lại bà cũng phải cảnh giác. Miền trung cũng lắm điều bất ngờ lạ đời lắm bà ạ! Phải coi chừng tụi bán hàng rong mỗi khi xe dừng trong chốc lát. Nếu có ai bán bánh ú, bánh tét, bánh chưng thì đừng vội mua, coi chừng bánh đất đó nha bà!
            Người chồng bàn:
            _ Để cháu nó đi với bà vì nếu tìm được mộ thì phải mang nắm đất vào đây cho Tiên Ông xác nhận rồi lại mang trở ra trả lại chỗ mộ bia, bà cứ ở ngoài ấy cháu nó về rồi trở ra cho nhanh.
            Người mẹ quay sang nạt con:
            _ Trời ơi! Hinh! Sao con lại nói chuyện tàm xàm gì với bà vậy? Đâu phải lúc nào cũng vậy đâu? Bác cứ yên tâm mà đi, không sao đâu!
            Hinh cãi:
            _ Không à? Với lại mấy tên mà cứ xách cái rổ hay mâm lót lá chuối, trên bày thịt gà luộc. Mới nhìn thấy hấp dẫn mua rồi khi xe chạy thì hỡi ôi bà biết không leo teo vài miếng chỉ toàn xương và da không à! Vậy mà chúng sắp xếp bày biện làm sao khi nhìn cứ ngỡ là phải ngon phải ngậy phải nhiều nhiều là…
            Nói tới đây Hinh ngả người ra ghế cười ngặt nghẽo. Bà mẹ nói móc con:
            _ Sao biết rõ vậy? Có kinh nghiệm rồi à?
            Bà Mơ tạm quên nỗi đau buồn riêng nói đùa:
            _ Được rồi con nói vậy thì bà đây cảnh giác. Mắt bà còn tinh lắm! Đố đứa nào lừa được bà? Vả lại bà có ăn quà vặt dọc đường đâu! Ba cái chuyện lặt vặt đó ăn thua gì với cái bà già gân này?
            Nói rồi bà đứng dậy xin phép về nhà trọ nghỉ ngơi. Thấy Hinh vội vàng lục túi lấy chìa khoá xe bà khoát tay lia lịa:
            _ Thôi con à! Bà phiền con cả buổi sáng rồi! Con nghỉ một chút rồi lo dùm bà cái vụ thu băng gì đó. Bà cám ơn con. Bà đi tà tà cho khuây khoả, khi nào hứng thì nhảy lên xe ôm về nhà trọ. Hai ông bà già rồi sức yếu nên đi nghỉ trưa một chút cho khoẻ.
            Nói rồi bà Mơ bắt tay từ biệt. Bước ra khỏi nhà bà đi lang thang tình cờ đi qua một con đường dài sâu hun hút hai bên là những vách lá đơn sơ. Bà nghe văng vẳng tiếng ru vọng lại từ một căn nhà nào đó… Giọng ru nghe sao thiết tha. Lòng bà chợt nao nao… Bà bước chậm lại… “Ầu.. ơ… Thương nhau bụi cỏ cũng ngồi, đám tranh cũng lội rừng chồi cũng băng…” Bà nhớ lại lúc đưa võng cho con khi Hoan Bình còn bé, lẫm chẫm bước đi đầu tiên. Bất giác bà gọi khẽ tên con: “Bình ơi! Má sẽ đi tìm con. Dù cho có khó khăn vô vọng như thế nào đi nữa! Con đã ra đi quá lâu! Má không thể ngồi khóc đau khổ chờ đợi hy vọng nữa! Bây giờ má sẽ cố gắng hết mình. Tất cả vì con Bình ạ!” Bà cứ lầm lũi đi chìm đắm trong hồi ức. Có tiếng bóp còi inh ỏi đằng sau. Một thanh niên cho xe trờ tới mời chào:
            _ Bà ơi! Bà đi đâu đó? Để con chở bà đi.
             
            Bà Mơ ngớ người ra một lúc. Nhờ người lái xe ôm bà mới kịp nhận ra mình đã đi lầm đường, đi quá xa rồi thì phải?
             
            ***
             
            Chiều hôm sau bà Mơ là vị khách đầu tiên của thầy Ba. Trước khi vào phòng bà quay sang Hinh căn dặn:
            _ Con nhớ ghi chép và thu âm cẩn thận những gì Tiên Ông nói nghe con!
            Bà và Hinh được người hướng dẫn đưa lại đứng trước bàn thờ. Tự bà đốt nhang van vái lâm râm một lúc rồi cắm nhang vào lư hương. Bà từ từ quỳ xuống kính cẩn trước mặt thầy. Trong khoảnh khắc trang nghiêm hồi hộp khuôn mặt bà bất động, hai mắt mở to lộ rõ sự căng thẳng. Tất cả đều im phăng phắc. Căn phòng chìm đắm trong sự chờ đợi. Mùi hương hoa lãng đãng bạch lạp cháy xèo xèo… Hinh sửa soạn máy thu âm. Bỗng nhiên có ai đó gõ nhẹ vào cái khánh nhỏ. Tiếng chuông thanh thanh vang lên… Ba tiếng một tiếp thành chín tiếng. Dứt một lát, tiếng trống lại vang lên… Ba tiếng đầu thong thả… Ba tiếng sau dồn dập hối hả dừng lại ở ba tiếng cuối mạnh mẽ và dứt khoát… Tất cả lại lặng yên. Bà Mơ ngồi đó, mi mắt khẽ rung môi bà mấp máy như đang cầu nguyện. Có tiếng xì xào: “Tiên Ông ứng vào rồi!”
            Bà Mơ tò mò ngước nhìn lên thấy con ngươi của người đồng tử trợn ngược lên đảo qua đảo lại hai bàn tay rà rà trên không như một người đang dò dẫm tìm kiếm gì… Bà vội cúi xuống nín thở chờ đợi. Một giọng nói thật lạ không rõ ràng chợt vang lên. Cảm giác rờn rợn lướt qua da, lan tận xương sống. Nhưng bà trấn tĩnh lại ngay. Ánh mắt bà sáng lên chuẩn bị hết tinh thần lắng nghe cái giọng trọ trẹ khàn khàn đứt quãng của Tiên Ông bắt đầu hỏi:
            _ Người thân tên Hoàn của nhà ngươi đi học tập trước đây có chức vụ có quyền phải không?
            Bà gật nhẹ kính cẩn trả lời:
            _ Dạ thưa là đại uý phi công.
            Tiên Ông phán:
            _ Vậy ta cho ngươi biết người thân nhà ngươi vượt ngục mất trong rừng sâu xác bị thú rừng tha đi không thể tìm cốt được nữa! Bây giờ nhà ngươi về nhà đem ảnh của đại uý Hoàn nhờ một vị hoà thượng cao thâm đức độ làm lễ cầu siêu. Táng bức ảnh vào trong một cái hòm gỗ bằng nửa cái hòm bình thường bên ngoài sơn đỏ hay bọc giấy đỏ. Không được đóng đinh. Tất cả các khớp phải ráp bằng gỗ. Xong xuôi đem an táng tại nghĩa trang.
            Nghe tới đây sự trầm lặng nhẫn nại của bà dường như biến mất. Đôi vai bà rung lên từng hồi. Mồ hôi rịn ra ướt cả hai bên thái dương. Mặt biến sắc. Bà muốn hỏi Tiên ông một số điều về Hoàn nhưng toàn thân cứ run lập cập. Tiên Ông lại hỏi tiếp:
            _ Còn con trai nhà ngươi là đại uý TQLC Hoan Bình trán cao, lông mày rậm dáng cao phải không?
            Sự mô tả không đúng lắm nhưng trong cơn bối rối bà Mơ nghẹn lời không nói được gì cứ gật đầu lia lịa. Tiên Ông phán:
            _ Ta cho ngươi biết, người thân của nhà ngươi khi rút lui đã bị bao vây tấn công và thiệt mạng. Xác dạt vào bãi biển Thuận An, người thôn Đông Hà vớt chôn tại bãi biển. Sau này biển lấn, dân chúng dời mộ vào trong, cách 200 thước. Chôn thành một ngôi mộ tập thể như một luống dài. Ngôi mộ này có mười một xác. Xác thứ ba từ hướng tây bắc đếm tới chính là con trai nhà ngươi. Ta sẽ vẽ hoạ đồ chỉ đường đến thăm mộ, cáo tri cùng thổ địa, xin đất về ta xác minh cho biết ngày tử nạn sau. Ra đó cứ hỏi người dân địa phương người ta sẽ chỉ cho…
            Bà Mơ nghe mà đứt từng khúc ruột. Cảnh vật trước mắt bà như nhoà đi… chao đi… chao lại… Hôm qua có lẽ nỗi đau xót chưa thấm sâu bà tưởng mình sẽ chịu đựng và vượt qua được giây phút này. Không còn trấn tĩnh được nữa, không cầm được cảm xúc bà bật khóc thành tiếng.
            Ngồi bên cạnh bà, Hinh chứng kiến nét mặt bà thay đổi liên tục. Từ căng thẳng chờ đợi đến hốt hoảng tuyệt vọng rồi đau đớn. Bây giờ toàn thân bà như sụp xuống thành một đống bất động trên chiếc chiếu hoa. Hinh vội vàng thay bà thu thập những lời Tiên ông căn dặn về ngôi mộ của chú Bình rồi nhận tấm hoạ đồ ngôi mộ, cám ơn Tiên Ông, hấp tấp đỡ bà Mơ đứng dậy. Hầu như bà không nghe thêm được gì nữa. Bà phải dựa vào vai Hinh mới có thể bước ra khỏi phòng. Ngồi trên bực thềm của ngôi nhà, không khí thoáng đãng nhưng phải một lúc sau bà mới bình tĩnh trở lại. Cố gắng lắm bà mới rên lên được vài tiếng:
            _ Con chở bà về nghỉ rồi đi mua vé ngay cho bà!
            Hinh thở dài nắm lấy bàn tay bà lạnh ngắt, xót xa ái ngại nói:
            _ Dạ bà đừng lo! Con đưa bà về nghỉ để lấy sức mai ta lên đường!
             
            ***
             
            Bà Mơ vội gác máy điện thoại công cộng rồi băng ngang qua đường. Hinh đỡ bà ngồi vào xe rồi hỏi:
            _ Bà đã báo cho ông biết gì về các chú chưa?
            Bà ngả người ra thành ghế thở dài nói:
            _ Chưa con ạ! Vì bà không biết đích xác có tìm được mộ không? Nếu không thì bà im lặng luôn. Bà không muốn ông xúc động. Còn nếu tìm được xong xuôi thì bà mới nói. Bà chỉ báo cho ông là bà đang đi ra Huế. Có thể tối sẽ có tin. Vậy thôi!
            Hinh lại hỏi:
            _ Ông có thắc mắc gì không ạ?
            Bà Mơ cười buồn:
            _ Thật ra ông vẫn hy vọng hai chú ấy còn sống. Việc phải chấp nhận hai chú ấy không còn nữa thật khó khăn với ông. Lúc nãy nói chuyện với bà hình như ông muốn lãng tránh không hỏi kỹ lắm! Ông chỉ nói bà ra Huế nên đi xem Chùa Linh Mụ, Núi Ngự Bình và khu Đại Nội.
            Xe đang chạy… Bà Mơ hỏi:
            _ Bao giờ tới Huế?
            Hinh giải thích:
            _ Chắc không lâu đâu bà ạ! Thật ra chúng ta đã kết thúc chuyến vượt đèo từ hôm qua. Bây giờ đang xuôi ra Huế. So với cảnh hoang phế đổ nát của Tháp Chàm, đền đài lăng tẳm Huế may quá vẫn còn tương đối nguyên vẹn bà ạ!
            Ngồi trên xe Bà Mơ đưa mắt nhìn cảnh hai bên đường. Những đoạn gập ghềnh không còn nữa! Giờ là những cánh đồng lúa trải dài bao quanh những làng xóm hiền hoà êm ả. Ngồi trên xe bà hồi hộp mong sao cho chóng tới, vì đây là chặng cuối cùng trong chuyến đi tìm con. Ấn tượng của bà trong cuộc hành trình dọc miền trung là những bãi cát, chỉ cát là cát. Cát trải dài mút mắt không có điểm dừng… Cát trắng phau miên man vượt qua những mõm đá chênh vênh. Nước và cát mù khơi hoà nhập với đường chân trời. Cát tụ lại thành những mũi dài vươn ra nổi trên mặt nước biếc xanh êm đềm bên những làng chài. Phong cảnh con người miền trung tuy có xa lạ nhưng là những nơi con bà đã từng hành quân qua. Những bãi cát,  những bờ biển, những rặng dương đâu đâu cũng có vẻ thân thương. Những khuôn mặt, những cái nhìn, những mỉm cười vu vơ của người không quen biết. Có một thời chiến tranh khốc liệt nơi đây, vô tình để lại những vết thương ẩn dấu sau những nhành cây ngọn cỏ. Xác tàu cháy đen. Những hàng rào dây thép gai đã xỉn nâu nhô lên từ đống cát… Mưa giăng giăng trên tháp cổ rêu phong đổ nát vẫn không đủ sức xoá nhoà những vết đạn lổ chổ trên thân tháp. Tiếng mưa sầm sập nghe như nhịp bước của một binh đoàn. Thấp thoáng đâu đó vẫn còn dư vị khổ đau. Có một điều bà thấy lạ! Đó là khi ở những nơi ồn ào lao xao hối hả với Hinh bà lại không có cảm giác đó! Thế nhưng nếu Hinh mãi tắm biển hay thăm bạn bè, một mình bà lang thang trên những bãi cát bà thường rơi vào trạng thái lơ mơ. Đôi khi thấy mình bập bềnh lấp lửng giữa thực và hư. Rõ ràng có lúc bà đang đứng trong một khung cảnh yên bình bên hàng dừa cao vút nghiêng mình du dương trong gió, hoặc thiu thiu ngủ dưới những mái lều êm ả giữa rặng phi lao, tất cả đều lặng lẽ hoang vu, ấy vậy mà bà vẫn cảm thấy điều gì đó không ổn… Giữa mây trời gió biển, mênh mông cát nước, có một cái gì đó đang chăm chăm ồ ạt như thuỷ triều dâng. Những con sóng ngoài khơi từ từ lớn lên, lừ lừ tiến vào bờ… Từng cơn từng cơn, từng đợt từng đợt sóng dội bờ cát… Tiếng sóng gầm thét oai phong nghe như tiếng hô xung phong hăm hở của một đoàn quân đang hối hả đổ bộ lên bờ.
            Có khi bà đứng chôn chân trong cát nóng. Một màn bụi mỏng xuất hiện phủ lên không gian đang chìm trong im lặng. Bụi li ti lơ lửng, rồi tất cả sáng rực lên. Bầu không khí đầy bụi kia có vẻ như lung linh sống động hơn, hừng hực khí thế.Màn bụi lớn dần xoay nhẹ trong gió rồi đột nhiên lướt tung trên cát quay cuồng như những điệu vũ Rồi bà nghe trong gió có tiếng reo thầm. Tất cả cứ mỏng như sương mờ như khói. Không khí gồ ghề không rõ rệt biển đổi lạ kỳ. Bà căng mắt nhìn mọi hướng. Rõ ràng còng, cua đang chạy tít tắp để lại vệt dài trên mặt cát, những đụn cát ướt cứ trồi lên trụt xuống rồi sao lại biến thành những vết giày lính ngoằn ngoèo và phút chốc sóng lại xoá nhoà, bờ cát lại phẳng phiu?
            Chính tại những nơi này bà nhận ra thực tại sâu xa thầm kín nhất. Hình như lướt cùng những sắc màu óng ánh mê hoặc kia, sải cánh trên biển xanh cát trắng kia là cái gì rất nhẹ đến vô hình. Một cái gì đó thật khắc khoải thiết tha mong chờ? Phải chăng đó là sự thổn thức của những linh hồn? Những gì còn nhẹ hơn hơi nóng trôi nổi vật vờ trong những luồng ánh sáng và không khí hoá thân vào cành lá, cát bụi, bám vào những cảnh xung quanh tích tụ lại tạo ra mãnh lực xoay vần trong cái bao la vô cùng vô tận của đất trời gió cát…?
            Hinh cất tiếng phá tan sự im lặng:
            _ Bà ạ! Chút nữa theo con chúng ta sẽ mướn xe thẳng tới Đông Hà. Rồi nếu tìm được mộ thì con sẽ lấy một nắm đất, đón xe về gặp lại Tiên Ông ngay để xác nhận có phải mộ chú Bình không cũng như cho biết ngày mất của chú. Con sẽ dặn xe ôm đưa bà về nhà trọ quen để trở ra con sẽ tới đó gặp bà sau.
            Bà Mơ gật:
            _ Phải đó con! Bà không thể chần chừ thêm được nữa!
            Nắm tay Hinh bà nói với giọng biết ơn chân thành:
            _ Dù có tìm được hay không bà cũng cám ơn trời đã cho bà có dịp gặp quý nhơn như con để đồng hành trong suốt chuyến đi này.
            Bà và Hinh tới Huế đã gần 10 giờ. Họ vội vã mua hoa quả đồ lễ cúng rồi mướn xe ôm đến cửa Thuận An. Khi xe vượt cầu Thuận An, Hinh cho xe dừng lại hỏi thăm người đi đường. Suốt mấy tiếng đồng hồ loay hoay vẫn không tìm thấy những chi tiết Tiên Ông ghi trong sơ đồ. Người tài xế xe ôm nhìn vào sơ đồ một lúc rồi góp ý với Hinh:
            _ Theo tôi, anh hiểu chưa thấu. Nãy giờ mình đi dọc bãi biển phía trái. Bây giờ trở lại cầu rồi cứ theo sơ đồ ước chừng 300 thước thì rẽ phải.
            Ngồi trên xe bà Mơ khấn thầm Bình có hiển linh thì mách bảo dùm bà… Thế rồi bà nghe Hinh reo lên:
            _ Cột đèn thứ sáu đúng 300 thước rồi!
            Bà Mơ và Hinh cho xe ngưng lại rồi cứ thế vừa đi vừa hỏi thăm. Khi trời đã về chiều họ may mắn gặp một ngư dân. Ông ta xác nhận:
            _ Đây là Làng Hà! Trời ơi! Bà và anh không biết chứ tôi rành địa điểm này lắm! Tôi là dân chài tin tưởng vào các anh linh những người tử nạn đã giúp đỡ chúng tôi.
            Hinh hỏi:
            _ Vậy Làng Việt Kiều ở đâu?
            Người đàn ông kêu lên:
            _ Thì đây chứ đâu! Làng này chôn nhiều người nhất hễ vượt biên là trót lọt ít ai bị bắt. Nhà nào có người đi được trở về tạ tiền bạc. Dân ở đây đóng góp xây hai ngôi đền uy nghi và đẹp lắm gọi là Đền Cô Bác để các anh linh có nơi trú ngụ. Chút nữa mời bà và anh ghé qua thăm. Anh đưa sơ đồ tôi coi tôi chỉ dùm cho.
            Hinh mở sơ đồ rồi nói:
            _ Con tìm một ngôi mộ tập thể có dấu đá mà không thấy.
            Người đàn ông lẩm bẩm:
            _ Dấu đá, dấu đá…
            Rồi như chợt nghĩ ra điều gì ông nói:
            _ Đúng rồi! Theo tôi
            Họ đi theo ông lão. Bà Mơ đi giữa những ngôi mộ vô danh vô tánh lum lúp khắp nơi. Xúc động làm nước mắt ứa ra, bà nhìn mọi vật mờ mờ ảo ảo chỉ có sự đau nhói trong lòng thì rất rõ ràng. Người bà bám đầy bụi cát. Khuôn mặt hốc hác, làn da sạm lại, hai quầng mắt thâm vì mất ngủ nhưng bà vẫn bám sát theo hai người đàn ông. Cuối cùng ông lão dừng lại trước một bia đá làm dấu ở khoảng giữa, ngôi mộ dài chừng 25-26m trên bia có ghi: “Phục Vụ Hương Linh Vô Danh Vô Tánh Viễn Cận Phương Tử Nạn.”
            Ông lão giải thích:
            _ Ở đây chia thành mười một lô. Lúc dời mộ vào thì đúng là mười một xác. Sau đó ngư dân đi biển gặp trong lưới thêm từng phần xương thân thể cũng táng bồi vào, vì vậy phía dưới dài ra.
            Hinh nhìn vào sơ đồ tính nhẩm rồi dừng lại ở lô số ba. Hinh nói với bà Mơ:
            _ Nếu tính đúng thì đây là mộ chú Bình. Tiên Ông cho biết độ sâu của sa bồi là hơn 1m 10 tây.
            Nỗi đau ùn ùn dâng ngập bà Mơ gục xuống nấm mồ khóc thành tiếng bà cảm nhận những hạt cát li ti bám trên môi trên da…Bà vùi mặt trong cát như vùi vào một điều gì đó dấu yêu vì cát bụi nơi đây đã từng hoà máu da, xương thịt của con bà.. Tiếng rên rỉ của người mẹ gọi tên con vang trong không gian u mờ bàng bạc khắp nơi. Một cơn gió lướt qua khóm dương như trăn trở. Cành lá rung nhè nhẹ.
            Hinh và ông cụ vội vàng đốt nhang, cắm hoa và ít trái cây trên mộ, lâm râm khấn vái Thổ Thần Thành Hoàng yết cáo tứ phương rồi chia nhau đi cắm nhang trên những ngôi mộ khác.
            Một lúc sau bà Mơ mới ngước mặt lên, thảng thốt nhìn mọi vật xung quanh rồi đưa tay gạt mồ hôi trán và thái dương. Đau đớn xúc động làm bà bần thần dã dượi, thắp mấy cây nhang mà tay run quá! Tàn nhang rơi lổ chổ trên nấm mồ. Những cánh hoa thoang thoảng mùi hương. Nhìn khung cảnh hiu hắt nơi đây ruột bà cứ thắt lại từng cơn. Bà muốn đưa con về Đàlạt nơi đó bà đã mua sẵn mấy lô đất nằm trên một vị thế khô ráo phong cảnh hữu tình chắc con thích lắm đây! Một bàn tay đặt nhẹ lên vai bà rồi Hinh cúi xuống nói nhỏ:
            _ Bà ơi! Hồi nãy con khấn Thổ địa rồi! Bây giờ con lấy một nắm đất nếu kịp, tối nay sẽ quay lại Tam Kỳ. Bây giờ chiều rồi. Con ra đón xe ôm bà cứ ngồi thêm một lát chừng mươi lăm phút nữa, sau đó lần theo đường cũ hồi nãy đi tà tà một đoạn con sẽ nhắc xe vào đón bà về khách sạn. Về đó có gì con gọi điện ra cho bà.
            Bà Mơ gật đầu:
            _ Ừ đi đi con! Kẻo lại không mua vé được.
            Hinh đi rồi còn lại ông lão và bà. Ông ta rút một điếu thuốc trong túi áo đốt đỏ đầu rồi cắm trên mộ thầm thì thật tự nhiên:
            _ Á à… Hoá ra cậu tên là Hoan Bình à? Cái tên đẹp quá! Mẹ cậu ra thăm cậu đây! Hôm nay vui ghê hỉ?
            Bà Mơ tâm sự:
            _ Tôi quên mất! Mai tới đây tôi sẽ mua một bịch thuốc lá để Bình chia vui với đồng đội. Nếu như đưa đất vào trong đó xác nhận là đúng tôi sẽ mang cốt cháu về.
            Người đàn ông dãy nảy:
            _ Ồ không được đâu! Vấn đề xương cốt là phải rõ ràng. Đây là mộ tập thể đã cải táng một lần rồi! Nếu bốc sót hoặc lầm lẫn thì theo phong tục của mình không tốt đâu bà ạ! Thà cứ để thiên táng tốt hơn. Bà cứ để cậu ấy ở đây nằm với đồng đội cho vui. Bà không biết chứ dân nơi đây rất thành kính và tri ân những người khuất mặt. Dân làng mỗi năm vào ngày lễ Thanh Minh vẫn cúng tế và vun xới mộ phần.
            Bà Mơ câm lặng chỉ thở dài hai dòng nước mắt lại ứa ra. Ông lão an ủi:
            _ Thôi bà đừng buồn nữa! Ở đây cậu ấy có đồng đội, có chúng tôi.
            _ Tôi bớt đau nhiều rồi ông à! Tôi gặp ông đây hiểu rõ sự tình cũng cảm thấy an ủi phần nào.
            Tình máu mủ và bao nhiêu thương cảm xốn xang làm cho tâm hồn bà lúc nãy gần như hoảng loạn. Bây giờ sự xúc động giảm dần. Bà ngước nhìn những phiến mây trắng trôi nhẹ nhẹ về nơi cuối trời. Cái buồn của bà hình như trở nên nhẹ hơn, dễ chịu hơn đang lần lần hoà vào cái hoang vắng, nao nao man mác của đất trời. Hình như nó đang vượt ra khỏi cõi lòng đang từ từ trải dài trên bờ cát lạnh lùng đìu hiu nơi vương vất bao hồn chinh tử.
            Bà lấy tay xoa nhẹ nấm mồ rồi từ từ đứng lên cùng với người đàn ông cất bước ra khỏi nghĩa trang. Bóng họ đổ trên đường đi. Nắng vờn theo… Phía sau họ những vạt nắng cuối cùng như nuối tiếc hối hả đuổi bắt nhau trên những nấm mồ.
             
            Ông Hưng ngồi bên chiếc bàn gỗ. Bên ngoài những cành cây trơ trụi lá còn vương chút nắng, lay động theo gió thoảng, hắt bóng vào bức vách khiến cành cây trông giống như những ngón tay gầy guộc loáng thóang đong đưa. Ông ngồi bất động trong sự chờ đợi cho đến khi màn đêm buông dần qua khung cửa sổ. Có tiếng guốc khua nhẹ trên nền gạch, tiến ngập ngừng đến căn phòng. Đèn vụt sáng. Giọng của đứa cháu họ được bà Mơ mời từ vùng kinh tế mới lên trông coi việc nhà trong lúc bà đi vắng:
            _ Con bật đèn cho ông đây! Sao ông ngồi trong bóng tối vậy? Coi chừng muỗi cắn đó ông! Hôm nay ăn trễ một chút nghe ông. Con đang hầm bông ác-ti-sô với giò heo để ông ăn cho mát lại giảm áp huyết.
            Ông lên tiếng mà không quay đầu lại:
            _ Ông ăn lúc nào cũng được. Con cứ thong thả mà làm!
            Tiếng guốc đứa cháu xa dần. Căn phòng lại chìm trong im lặng. Chỉ có tiếng tích tắc của đồng hồ. Hy vọng một ngày nào đó Hoan Bình sẽ về vẫn còn leo lét trong ông. Ông vẫn muốn biết tin con. Hình như giây phút đó sắp đến… Ông nhìn về phía điện thoại nửa như chờ đợi nửa như không muốn nhấc máy nếu như điện thoại reo. Ông chờ đợi trong sự sợ hãi. Ông sợ những tin không tốt lành về Hoan Bình. Ông sợ phải nhìn thấy xương cốt con… Ông sợ… Ông không thể giải thích được. Thời gian kéo dài bất tận. Ông đưa tay sờ nhẹ những cuốn sách, những lá thư, rờ rẫm những hình vẽ khắc đầy trên mặt bàn… Mỗi khi ngồi ở cái bàn này (nơi Hoan Bình đã từng ngồi học thời niên thiếu), ông thường chìm đắm trong những kỷ niệm với những cảm giác hoàn toàn xa lìa với thực tại. Ông sung sướng mở từng trang sách bìa dày đã cũ… Đây là phần thưởng của Hoan Bình mỗi khi kết thúc năm học. Tất cả những hình vẽ khắc trên mặt bàn đều liên quan đến chiến tranh. Hàng không mẫu hạm, phi cơ, trực thăng, xe tăng, súng trường, súng lục… Hình như đây là điềm báo cho số phận Hoan Bình những năm tháng sau này. Sự xuất sắc của con trong học tập làm ông trở nên chủ quan lơ là việc chăm sóc cho đến khi ông nghe một tin sét đánh con đã bỏ học, hay la cà trong các tiệm thọc bi-da, theo phong trào “Blouson noire”, thường xô xát với cảnh sát trong các phòng trà hộp đêm lúc đó đang cấm một số điệu nhảy… Hoan Bình là niềm hạnh phúc, là nỗi đau xót suốt cuộc đời ông. Ngày nghe tin Hoan Bình ra đời ông mừng quá chạy vào nhà thương thăm vợ và con, vì vội vã đâm sầm vào thành cửa bị thương máu chảy ở trán, khi nhìn thấy ông vợ ông lại tưởng ông bị quân Mỹ say rượu đánh vì nghi ngờ là người Nhật lúc đó đang bị truy lùng gắt gao trên các hòn đảo Thái Bình Dương. Ông cũng đã đau đớn lặng cả người, ngồi hàng giờ trong bóng tối bên chiếc bàn này khi nghe tin con có lệnh gọi vào quân ngũ. Cũng tại đây ông sung sướng đọc những dòng trong bức thư đầu tiên con gởi từ Trường Huấn Nhục ở Thủ đức. Tám tuần hành xác để làm quen với cuộc sống dân sự. Ông mở lá thư đọc lại những dòng ông tâm đắc nhất: “Thưa ba má, Bây giờ con đã quen với đời sống quân trường rồi! Khác với bạn bè con không cần gì, thèm gì hết. Ba má cứ yên tâm con không thiếu gì cả. Từ hôm vào đây con chưa bị phạt lần nào ngoại trừ hình phạt nhẹ tập thể. Lúc con đi ba má lo con phạm kỷ luật. Tuy sống một cách tự do và bừa bãi ngoài đời nhưng con còn một kỷ luật tinh thần mà giáo dục của ba má đã tạo cho con. Giáo dục con người, đó là mục đích của kỷ luật. Mà giáo dục của con đã hoàn tất từ bé rồi! Con thấy dễ hợp với kỷ luật hơn người khác. Người ta hành động đôi khi vì sợ hình phạt chứ không phải vì trách nhiệm và bổn phận…” Ông lại cầm bức điện tín cuối cùng của con trai gởi về vào tháng hai năm 75 từ Huế với những từ ngắn gọn: “Con vẫn bình an. Bình.”
            Ông hôn nhẹ lên bức điện tín và gọi thầm:
            _ Không! Con không thể chết được! Con phải sống con ơi!
            Có thể ông đang mơ, ông không tỉnh táo nhưng đây là giấc mơ ông không bao giờ muốn mình tỉnh trở lại. Có thể chút nữa đây ước vọng thầm kín của ông sẽ tan vỡ sẽ lụi tàn? Nỗi niềm băn khoăn khắc khoải bao năm sẽ sáng tỏ? Bỗng ông giật mình vì tiếng chuông điện thoại reo vang. Ông đứng phắt dậy nhưng khựng lại… Tiếng chuông điện thoại lại dồn dập reo lên… Cuối cùng ông nhấc ống nghe… Thấy im lặng ông lên tiếng hỏi:
            _ Xin lỗi ai ở đầu dây đó ạ?
            _ Em đây!
            Giọng bà Mơ vang lên ngập ngừng… Ông hỏi tiếp:
            _ Em làm sao vậy? Sao giọng lạc đi vậy?
            Ông hồi hộp hỏi, chân tay bỗng run lên, trái tim già nua bệnh hoạn thường làm ông đau nhói đang đập nặng nề trong lồng ngực khiến ông phải đứng hẳn người lên tựa vào tường. Im lặng một chút rồi giọng bà Mơ cất lên rời rạc trong tiếng nấc:
            _ Đã …tìm…thấy…mộ con rồi…anh ơi!
            Mọi vật trước mắt ông Hưng bỗng nhiên chao đảo rồi nhoè đi. Ông nghe tiếng bàn ghế va chạm nhau… Tiếng loảng xoảng của thuỷ tinh vỡ, tiếng guốc khua vang… Tiếng kêu la… Rồi tất cả trở nên xa vời vợi…
             
            Căn phòng khách nhà ông Hưng mở toang. Nhiều người thân quen đang đứng lố nhố… Dũng nhìn ra ngoài ngõ đợi chờ. Vừa nghe tin cậu vào nhà thương Dũng đáp máy bay vào Đàlạt ngay lập tức. Nhưng không kịp nữa! Khi té xuống cậu đã hôn mê không tỉnh lại được. Bình nước biển chỉ còn treo lơ lửng duy trì hơi thở cho cậu trong lúc chờ mợ từ Huế trở về.
            Cuối cùng một chiếc xe cũng dừng lại trước ngõ. Bà Mơ đã về! Dũng chạy ra vừa vội vàng đỡ mợ xuống vừa nói:
            _ Mợ ơi! Vào nhanh lên cậu đang hấp hối!
            Bà Mơ hấp tấp chạy thẳng vào phòng. Ông nằm đó mê man bất động trên nền vải trắng. Không kìm được cảm xúc bà vội ôm lấy ông, bàn tay vuốt nhẹ lên ngực lên thái dương trong một cố gắng tuyệt vọng cố níu kéo sự sống đang từ từ rời khỏi thân thể ông. Hơi thở ông ngắn lại… đứt quãng… Bỗng nhiên đôi mắt nhắm nghiền từ từ mở ra. Trong tích tắc sự sống trở lại, ánh mắt lướt nhanh tìm kiếm một vòng khắp mọi người rồi dừng lại nơi bà. Ánh nhìn khựng lại. Bà nhìn thấy bóng hình mình nằm yên trong đáy mắt ông. Giống như ống kính máy ảnh vội vã chớp lấy khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong cuộc đời và cho mãi mãi. Người ông hơi rướn lên… Ông đã trút hơi thở cuối cùng.
            Quá bất ngờ bà chưa chấp nhận là ông đã ra đi. Khi thấy một bàn tay giơ lên vuốt mắt ông, bà hốt hoảng hiểu ra rằng bà đã mất đi một thứ vô cùng quý giá. Sẽ không bao giờ bà còn nhìn thấy được ánh mắt đó. Ánh mắt đã từng chia sẻ khổ đau hạnh phúc với bà. Ánh mắt ấy là cả cuộc đời bà. Bà gục xuống bên xác ông. Sự mệt mỏi đau khổ dồn dập trong suốt thời gian qua làm cho tiếng khóc của bà không còn sức để thoát ra ngoài mà lịm đi thành những tiếng nấc nghẹn ngào. Bức rèm trong căn phòng ông từ từ buông xuống lời kinh cầu từ một cái máy bắt đầu vang lên.
            Điện thoại từ bên Mỹ cứ dồn dập gọi về trong suốt lễ tang. Con gái ông,Hương bận việc không về kịp và mấy đứa cháu ông bà cũng đã gởi tiền về với những lời dặn dò phải lo liệu cho ông thật chu đáo, quay phim đưa về Mỹ cho chúng nó xem. Thôi thế là vô vọng. Bà không thể thực hiện ước nguyện của ông “cuốn chiếu chôn.” Cũng thật vô lý! Làm sao bà và con cháu có thể đối xử tàn tệ với ông như vậy kia chứ?
            Ngày đưa tang Dũng ngồi trên chiếc xe đi đầu bên cạnh bà Mơ và người con trai là Hải vừa từ Mỹ về hôm qua. Các cửa sổ xe treo đầy những vòng hoa tang. Đoàn xe màu trắng từ từ lăn bánh tiễn đưa linh cữu ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Suốt đoạn đường đi Dũng luôn luôn để bàn tay trên linh cữu cậu. Mồ côi cha từ sớm nên khi gặp cậu đối với Dũng cậu như một người cha. Tuy biết ai già rồi cũng phải ra đi nhưng điều này vẫn làm Dũng cảm thấy mất mát xốn xang, mấy ngày nay đầu óc cứ căng thẳng có lúc như tê dại hẳn đi. Bên cạnh Dũng, bà Mơ và con trai đưa khăn tay lên lau nước mắt liên tục. Dũng nhìn bức ảnh nghe như nước mắt mình đang thấm mặn bờ môi.
            Đoàn xe tang dừng lại đầu một con dốc. Tất cả mọi người lần lượt bước xuống. Đội khiêng hòm ăn mặc đồng phục chỉnh tề theo lời hô của người trưởng đội từ từ nhấc linh cữu ông lên. Cứ thế cả đoàn bước đi chầm chậm, rẽ qua một lối mòn đi vào nghĩa trang. Mọi người lặng lẽ theo sau… Đi giữa những vòng hoa rực rỡ sắc màu, những bức trướng giương cao trong gió bà Mơ lâm râm khấn:
            _ Anh ơi! Em không thể cuốn chiếu chôn anh được. Chẳng ai cho em làm như vậy! Xin anh thứ lỗi cho em.
            Vừa khấn bà vừa khóc tấm tức. Lời kinh cầu lại từ từ vang lên. Vị sư già miệng đọc kinh tay mân mê tràng hạt. Ông đi quanh cái huyệt đã được đào sâu. Giọng vị sư có khi trầm khi bổng khi lại kéo dài ngân nga… Bà Mơ chăm chú nhìn vị sư đưa ngón tay lên bắt quyết. Không khí thoang thoảng mùi trầm hương. Rồi bà hoàn toàn chìm đắm trong lời kinh cầu. Cảnh vật trước mắt như nhòa đi. Lời kinh quyện theo đôi hài vải của vị sư già. Vạt áo cà sa vàng dài chấm gót bay phần phật trong gió khiến cho những bước đi như   nhẹ tênh là là lướt trên mặt cỏ. Trong khoảng không trống trải mênh mang lời kinh như loãng đi không rõ ràng. Tâm hồn bà Mơ cứ thế nương theo nhịp kinh, lúc chìm lúc nổi, lúc ẩn lúc hiện, khi trống rỗng lúc quặn đau, khi nặng nề lúc lâng lâng… Lời kinh như lời hướng dẫn ủi an.
            Linh cữu ông đã được hạ xuống. Từng lớp đất, từng lớp đất, chôn vùi thân xác ông trong lòng huyệt sâu. Khung ảnh giữa những vòng hoa, những làn khói nhang như phai mờ trong gió bụi mịt mùng của nghĩa trang. Bà Mơ cố ghìm tiếng khóc sao cho thật khẽ vì nghĩ rằng linh hồn ông đang từ từ vươn nhẹ, bay lên giữa khung trời lồng lộng trắng xoá khăn tang.
            Khi kết thúc việc hạ huyệt, vị sư đảo mắt nhìn một lượt rồi với giọng miền trung thật ngọt thật mềm ông trách nhẹ:
            _ Anh em con cháu xin đứng sát lại bên nhau, đừng đứng rời rạc quanh mộ nếu không thì lại xa cách chia rẽ không hay!
            Người con trai ông Hưng, Hải nghe vậy vội vàng chạy về phía Dũng đứng sát lại bên anh thầm thì:
            _ Hồi nãy đứng bên kia nhìn về phía anh, em mới thấy là anh giống anh Hai em nhiều nha!
            Dũng cười nhẹ gật đầu:
            _ Lúc nhìn thấy anh, mợ cũng nói thế!
             
            ***
             
            Bà Mơ từ từ lia những nhát chổi qua từng căn phòng. Bà như cái bóng âm thầm lặng lẽ trong căn nhà vắng lặng này. Bà dừng lại trước căn phòng khép hờ khẽ lách mình bước vào, đưa tay mở toang cánh cửa sổ cho không khí bên ngoài ùa vào. Từ hôm ông mất đến nay đã được mười ngày. Ngày nào bà cũng vào đây. Đây là nơi theo lời kể của đứa cháu, ông đã ngã xuống bên cạnh cái bàn, nơi đặt máy điện thoại, cũng là nơi cái đồng hồ rơi xuống vỡ tan tành. Tuy những vật dụng trên bàn đã được sắp xếp lau chùi lại cẩn thận bà vẫn thầm thì:
            _ Thôi! Anh ra ngoài ngồi cho em quét dọn một chút. Gớm sao mà bê bối thế!
            Hình như bà vẫn cảm thấy ông còn ở đâu đó quanh bà. Bà vẫn chưa quen cái ý nghĩ rằng cuộc đời này thế giới này đã không còn ông nữa! Có tiếng gõ cửa ngoài phòng khách, rồi một giọng đàn ông gọi với vào:
            _ Ra nhận thơ chuyển phát nhanh đây!
            Bà Mơ gác vội cái chổi vào một góc hấp tấp đi ra mở cửa. Người đưa thư yêu cầu bà ký nhận xong mới trao phong thơ. Anh ta làu bàu than khí hậu thất thường, rồi cúi đầu chào, vội vã quay bước. Bà Mơ cầm phong thư đứng tần ngần như trời trồng giữa phòng khách quên cả đóng cửa. Bà nhìn đi nhìn lại phong thư. Rõ ràng đây là loại thư bảo đảm. Tên người nhận là chồng bà, còn tên người gởi, xem nào ai đây? Cái tên đập vào mắt bà. Những từ nghe quen quen… Hẳn phải có âm hưởng từ một ký ức xa xôi nào đó mà bà chưa kịp nhớ ra. Bà sốt ruột bóc vội lá thư và bắt đầu đọc:
            Anh Hưng thân mến!
            Thật bất ngờ và hạnh phúc cho tôi khi nghĩ rằng rồi cũng có một ngày tôi được cầm bút viết vài dòng tâm sự với anh. Tôi không biết anh có còn nhớ đến tôi không,người cùng sát cánh bên anh trong công cuộc “Vận động tuần lễ vàng, quỹ độc lập” bên Tân Ca-lê-đô-ni ngày nào?
            Riêng tôi, từ khi bất ngờ xa cách nhau đến nay tôi hầu như không quên anh bao giờ. Về Việt Nam, vào tù rồi lên rừng kháng chiến tôi luôn nghĩ về anh, người tôi đã gặp trong một hoàn cảnh éo le bên xứ người. Lúc ấy tôi là trưởng đoàn công nhân đình công, còn anh là người đại diện cho chính quyền bên ấy đến thương lượng. Chúng mình quen nhau mới thật lạ kỳ. Sau đó anh đã giúp tôi rất nhiều, nếu không có anh không biết tôi và anh em công nhân có hoàn thành nhiệm vụ đối với cách mạng hay không khi nửa chừng tất cả đều bị bắt và bị trục xuất quá đột ngột không kịp xoay xở.Nếu không có anh thì số tiền quyên góp “quỹ độc lập, Tuần Lễ Vàng” không thể gởi được về Việt Nam và đến tay chính quyền cách mạng, đến với nhân dân được! Xin cám ơn anh, tôi không bao giờ quên cái ơn này!
            Ngày giải phóng trở về thủ đô năm 54 tôi có hỏi tin tức anh nhưng không tìm được anh mặc dù tôi được biết anh đã về nước.
            Sau 75 khi đất nước thống nhất tôi vào nam lên Đàlạt ra sức tìm kiếm nhưng vô vọng… Thế rồi cách đây vài ngày tôi gặp một người bạn cũ từ Tân đảo về chơi, tình cờ anh ấy cho biết địa chỉ của anh. 
            Anh Hưng mến, anh có còn nhớ ngày cuối cùng hai anh em mình gặp nhau không? Đó là ngày chủ nhật đẹp trời, ngày sinh nhật con trai anh, bé Hoan Bình. Đêm trước đó khi chia tay trước cửa nhà anh, anh bảo là suốt mấy tháng trời đi vận động, sáng đi sớm, tối về khuya anh không hề nói chuyện được với con. Mai sinh nhật cháu, anh sẽ ở nhà. Ngày hôm sau sinh nhật Hoan Bình tôi mua tặng cháu bộ đồ màu trắng và anh em mình dẫn nó ra công viên chơi.
            Cái góc công viên rợp hoa phượng đỏ ấy không ngờ lại là nỗi ám ảnh của tôi trong suốt mấy chục năm trời! Sau này dù đi khắp nơi trên đất nước mình, ở đâu tôi cũng không thể tìm lại được sắc hoa tươi thắm như ở xứ người. Khi cùng đoàn quân chiến thắng tiến về thủ đô Hà Nội, đi giữa một trời cờ đỏ sao vàng vậy mà sao anh ơi đầu óc tôi vẫn miên man với màu hoa phượng lộng lẫy cháy bỏng ngày nào! Cả cuộc đời tôi là cuộc kháng chiến trường kỳ. Thế nhưng tôi đặc biệt luôn nghĩ về tuổi trẻ của mình. Những lý tưởng mà chúng mình đã cùng đấu tranh. Những ước mơ… khát vọng… Một hôm tôi mơ thấy lại khung trời cũ, thấy tôi và anh chơi vơi giữa một trời hoa phượng đỏ. Tôi thấy lại cảnh bé Hoan Bình bay nhảy trong không gian hạnh phúc ấy. Màu phượng vĩ ngày càng thắm hơn, linh động hơn rồi biến thành một biển lửa. Bóng Hoan Bình ngày càng lớn dần thành vết loang trắng trên nền lửa ấy! Vì lúc ấy đất nước còn chia cắt khi tỉnh dậy tôi thắc mắc không biết lúc đó anh ở đâu, làm gì? Chị nhà và cháu Hoan Bình ra sao rồi? Mơ thấy lửa đó là điềm lành lúc đó tôi nghĩ vậy! Anh chị vẫn mạnh khoẻ chứ? Hoan Bình bây giờ ở đâu làm gì? Tôi sẽ thu xếp việc nhà và vào thăm anh chị trong một ngày gần đây. Tôi gởi anh một số tư liệu chứng minh sự đóng góp của anh trong công cuộc kháng chiến chống Pháp phòng khi anh có gặp khó khăn gì với chính quyền hiện nay anh nhé! Vài dòng thăm anh, chào anh, mùa phượng vĩ cháy bỏng, mùa chia ly tưởng như bất tận của tôi! Sẽ gặp và tâm sự nhiều hơn. Ký tên…”

            Bàn tay bà Mơ run run xếp lá thư để lên bàn. Bây giờ bà lờ mờ nhớ ra mọi điều. Bà nhớ khuôn mặt rắn rỏi, đôi mắt sáng của một người đàn ông hay đưa chồng bà về tận nhà vào những đêm khuya. Lúc ấy bà nghĩ ông nán lại sở để làm cho hết việc nào ngờ ông tận dụng sáng sớm và đêm tối đi hoạt động cách mạng. Bây giờ bà cũng hiểu tại sao ông lại đột ngột quyết định về nước và cũng thấu được ý nghĩa những lời trăn trối  của ông trước khi bà ra đi tìm mộ con và cháu Hoàn. Không kìm được xúc động bà Mơ nhìn dáo dác xung quanh như một người mê sảng rồi thảng thốt kêu lên:
            _ Anh ơi! Bình ơi! Hoàn ơi!
            Rồi gục mặt xuống khóc tấm tức. Mái tóc xổ tung xoã trắng trên mặt bàn.
            Một cơn gió thổi thốc vào. Cánh cửa phòng khách đóng sập lại…
            Ngoài kia có cơn mưa phùn vừa lướt qua. Bây giờ nắng đang rải nhẹ trên những vùng ẩm ướt. Nước bốc hơi toả thành những làn khói trắng bay la đà trên những mái nhà lô nhô lúp xúp…
            Thành phố mùa này là thế, chập chờn mờ ảo trong mưa nắng phôi pha.
             
             
            Hết
            Tác giả: Nguyễn Minh Trân
            Bút Hiệu: Sen Đất
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.10.2008 01:28:53 bởi sen dat >
            #21
              Ct.Ly 21.10.2008 04:48:14 (permalink)
              #22
                Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 22 trên tổng số 22 bài trong đề mục
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9