Bạn Hiền cũng tập viết lách
BanHien 10.04.2008 19:10:34 (permalink)
LỐI ĐI CỦA NẮNG

1. LONG ĐONG

Con đường từ Bắc hà ra Củ chi sao hôm nay dài thế, hai đứa đi như chạy trong cái nắng sớm của mùa hè, cái nắng chưa đủ làm cho cát dưới chân nóng ran lên. Có thể nói Bắc hà là trại định cư duy nhất được thiết kế và xây dựng trên một khu cát. Dọc đường một số bạn cùng lớp cũng đang đi về hướng Củ chi, thỉnh thoảng có vài cậu cưỡi xe đạp qua mặt, bóp chuông inh ỏi.
Khuôn viên trường tiểu học Củ chi hôm nay đông nghẹt với đám trẻ và thân nhân đến nghe kết quả kỳ thi tiểu học năm 1959. Trường tiểu học Củ chi là một trong những trường lớn của quận Hóc môn nên là trung tâm thi tiểu học cho cả vùng. Nguyên và Đĩnh cũng len lỏi được vào tận gần cột cờ để chờ đợi nghe kết quả. Nguyên rất hồi hộp lo lắng vì hôm đi thi cậu bé bị bịnh nặng, nhất là hôm thi hát và học thuộc lòng thầy giám khảo bằng lòng cho Nguyên viết bài hát Hè về và bài học thuộc lòng Nhớ rừng vì Nguyên bị đau cuống họng, không thể nói năng gì được.
Bài hát Hè về bắt đầu với Trời hồng hồng, sáng trong trong ngàn phượng rung nắng ngoài song … mà Nguyên đã luyện tập rất lâu. Chính bài hát này Nguyên đã được thầy Thanh cho hát giúp vui khi đức Giám mục Simon-Hoà Hiền về thăm xứ Bắc hà vài tuần trước khi thi. Với sự chuẩn bị, tập dượt và đã thực sự được trình diễn thì khi thi chắc chắn là sẽ được điểm cao, vậy mà Nguyên không hát được lúc thi, thật là uổng.
Còn bài thơ Nhớ rừng nữa, Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, thuở tunh hoành hống hách những ngày xưa … mà Nguyên cũng đã nghiền ngẫm hoài để cho ngày thi, vậy mà tới ngày thi thì chuyện đã không được như ý muốn. Mẹ Nguyên bảo đùa là “gà nuôi tới ngày đi đấu thì gãy cựa”.
Ông Hiệu trưởng trường tiểu học Củ chi, đồng thời là Chánh chủ khảo khoá thi cầm một xấp giấy đánh máy sẵn, từ văn phòng đóng kín, bước ra chân cột cờ. Ông nghiêm chỉnh công bố kết quả kỳ thi tiểu học năm 1959. Có lẽ ông phải nói lớn hơn bình thường rất nhiều vì lúc đó trường không có máy phóng thanh.
Lần lượt ông chánh chủ khảo đọc số ký danh, rồi tên. Trong khi có những cô bé, cậu bé nhảy lên vui mừng khi nghe tên mình thì đó đây cũng có những cô bé, cậu bé im lặng hoặc bật khóc khi số ký danh người kế tiếp lớn hơn số ký danh của mình.
    Ba mươi tám Đào văn Đĩnh
Đĩnh ôm chầm lấy Nguyên khi nghe tên mình làm Nguyên càng hồi hộp hơn. Tại sao bố mẹ đặt tên cho mình là Nguyên để phải chờ đợi như thế này. Giá bố mẹ đặt tên cho mình là A thì đỡ biết mấy, thế nào tên mình cũng đứng đầu danh sách. Mà biết đâu tên A lại không có trong danh sách ngay từ đầu, chắc phải độn thổ thôi. Nếu nghĩ là rớt thì chọn vần Y tốt hơn, để tên mình được đứng cuối, để nếu mình không có tên có lẽ cũng chẳng ai để ý.
    Một trăm mười bảy Nguyễn Công Nguyên
Nguyên chợt thấy tim mình đập nhanh hơn, ôm lấy Đĩnh, cậu bé nói
-   Tao cũng đỗ rồi, thôi chúng mình về.
Đĩnh chưa muốn về, rủ Nguyên ở lại cho đến khi ông chánh chủ khảo đọc đến tên cuối cùng.
Từ ngày về Việt Nam, vào học trường trung tiểu học Minh Tân, Nguyên chỉ chơi thân với Đĩnh. Đĩnh hơn Nguyên đến 3 tuổi nhưng tình bạn giữa hai người vẫn thắm thiết, mặc dù đôi lúc Đĩnh cho Nguyên là trẻ con. Nhà Đĩnh có một tiệm vải rất lớn ở Bắc hà và thuộc gia đình có máu mặt của trại định cư này. Nhà Nguyên thì nghèo, khi mẹ con Nguyên về Việt Nam vì không có nhà để ở nên mẹ Nguyên thu xếp ở chung với một người chị họ của bà. Ngay từ ngày đầu tiên Nguyên vào trường Minh Tân, Nguyên đã được Đĩnh giúp đỡ tận tình từ cái bút tới cuốn vở Đĩnh cho mượn mà không bao giờ đòi; khi Nguyên trả Đĩnh chỉ bảo “cứ để đấy”. Phần vì nhớ ơn Đĩnh, phần vì Nguyên cũng chẳng muốn chơi với ai nên cuối cùng Nguyên chỉ có Đĩnh là người bạn thân ở Bắc hà.
Hai đứa dẫn nhau về, lúc về có đông bạn bè cùng lớp và có cả thầy Thanh nữa. Thầy không ngồi trên xe đạp mà dẫn bộ xe cùng với đám học trò. Những câu chuyện vui được chuyền nhau nổ ran đã làm cho quãng đường về như ngắn lại. Thầy Thanh rất vui vì năm đó 34 trong số 47 học trò của thầy đỗ tiểu học.
Khi về đến nhà Đĩnh, Đĩnh bảo Nguyên vào chơi đã nhưng Nguyên nhất định về. Nguyên phải đi vào rừng cao su để báo cho mẹ biết tin vui này chứ. Mẹ Nguyên đang cạo mủ cao su, thấy con đến bà biết ngay là có chuyện vui, bà khoe con với mấy người cùng làm việc rồi xin về sớm, bà không quên nhặt những nhánh cây dưới đường về làm củi. Lần nào cũng vậy hễ có việc làm trong rừng là thế nào bà cũng mang về một ít củi, có khi cả một gánh, đủ dùng cho việc nấu nướng vài ngày.
Đầu năm học 59-60, Nguyên vào lớp đệ thất ở Minh Tân. Học phí đang từ năm chục tăng lên trăm mốt là một sự lo lắng lớn của mẹ Nguyên. Bố Nguyên viết thư về nói việc làm của ông bi đát hơn và có ý định về Việt Nam làm mẹ Nguyên càng lo lắng vì trước đây, do không tìm ra việc ở Việt Nam bố Nguyên mới phải bỏ xứ ra đi. Bà biết khi các con lớn lên, muốn cho các con học đàng hoàng phải tốn kém, ở Bắc hà này chẳng có công việc gì mà làm, làm phu cạo mủ cũng chỉ có muà, ăn lương công nhật; nên bà quyết định mang các con ra Saigon, hy vọng thế nào thì cũng dễ xoay sở hơn.
Nguyên có ba người em nhưng chỉ còn hai. Ngày xưa khi mới chỉ có mình Nguyên, hễ bố Nguyên đổi đi đâu là mẹ mang Nguyên theo đó, đời lính. Bố Nguyên đi lính cho Pháp vì không có con đường nào khác. Là nông dân trong một vùng xôi đậu, vùng mà người ta nói “ngày mông-siơ, đêm đồng chí”, ông không bị Việt Minh hỏi thăm thì cũng bị Pháp bắt lên huyện có khi hàng tuần. Trước ngày chấm dứt cuộc chiến, đơn vị của ông tan rã, ông trở về quê và bị chính quyền bắt như một người đào ngũ. Khi đất nước chia đôi, chính quyền mới coi ông như kẻ thù vì đã đi lính cho Pháp nên ông đã quyết định mang gia đình vào Nam. Gia đình Nguyên là một trong những gia đình cuối cùng từ Bắc vào Nam năm 1955.
Sau thời gian nhận viện trợ lúc đầu, và sau khi xây dựng xong trường Minh Tân, do không tìm ra việc gì khác, bố Nguyên quyết định đi xứ khác làm ăn và mang gia đình sang Vientiane. Sau một thời gian ngắn, cả gia đình chuyển đi Luang Prabang rồi Xieng Khoang. Nguyên phải chạy trường như chạy chợ, thậm chí có chỗ không có lấy một trường học, do đó bố mẹ Nguyên thấy cần phải cho các con về lại Việt Nam, về lại chỗ mà gia đình đã đến định cư lúc ban đầu.
Ngày rời Bắc hà Nguyên cũng chẳng nói với Đĩnh vì cậu bé đâu có biết những quyết định của mẹ. Năm tuần lễ sau Đĩnh lên Saigon và cùng với người chị lớn ghé thăm Nguyên. Lúc đó Nguyên chưa đi học lại, Đĩnh bảo Nguyên về lại Bắc hà ở nhà Đĩnh bố mẹ Đĩnh sẽ lo cho, nhưng mẹ Nguyên nói chuyện đó không dễ dàng như Đĩnh nghĩ và gởi lời cám ơn gia đình Đĩnh.
Ngày đầu tiên vào Phạm Ngũ Lão, một trường trung học vỏn vẹn có 8 lớp từ đệ thất tới đệ tứ, Nguyên cảm thấy thật xa lạ. Điều làm cho Nguyên lạ hơn là các thầy cô dạy đều bao môn. Minh Tân là một trường xa Saigon trên dưới 40 cây số mà còn có thầy (không có cô nào cả) dạy riêng từng môn. Hầu như tất cả thầy dạy ở Minh Tân đều đến từ Saigon, do cha Du gọi về dạy. Cha Du là người rất khéo léo, ngay cả ngôi trường khang trang với hàng chữ “Minh Đức Tân Dân” trạm nổi trên cổng cũng do cha xin một tờ báo ở Paris xây tặng.
Học ở Phạm Ngũ Lão chưa được 2 tháng thì trường đóng cửa vì ông thư ký trường, sau khi thu tiền học đã mang tiền bỏ đi Nha Trang. Nguyên phải chuyển sang Lê Bảo Tịnh. Sở dĩ mẹ Nguyên cho Nguyên học Phạm Ngũ Lão lúc đầu vì lớp đệ thất ở đó có 110 đồng một tháng trong khi bên Lê Bảo Tịnh đến 130 đồng một tháng. Trường Lê Bảo Tịnh lớn hơn trường Phạm Ngũ Lão rất nhiều, đây là một trường tôn giáo, các nghi thức công giáo không xa lạ với Nguyên vì cậu bé là dân đạo gốc và đã từng theo học một số trường đạo từ nhỏ.
Không tìm được việc làm chắc chắn, một lần nữa mẹ Nguyên lại quyết định mang con đi Xóm mới nơi bà có một người dì đang sinh sống. Gia đình bà dì làm nghề trồng rau, mẹ Nguyên mua luôn những luống rau tới ngày thu hoạch rồi bó thành từng bó, mang bỏ mối các chợ, từ Bà Chiểu tới Phú Nhuận. Công việc bỏ mối này tuy phải thức khuya dậy sớm và cũng đủ sống nhưng vẫn không chắc chắn. Nguyên được cho vào trường Dũng lạc, đây là lớp đệ Thất thứ tư trong niên khóa. Tổng cộng cậu bé mới chỉ học chừng năm tháng và ngày hè đã sắp tới, không biết năm tới nhà trường có cho lên lớp hay không.
Nghề nông ở Việt Nam nói chung tuỳ thuộc vào thời tiết rất nhiều, tuy hai mùa thuận mưa thuận nắng nhưng người làm vườn, làm ruộng cũng không thể giàu được ngọai trừ những đại điền chủ. Những buổi tối thức khuya bó rau và những buổi sáng sớm mang rau ra chợ cũng không đủ xoay sở cho cuộc sống gia đình, nhất là Nguyên cần phải có chỗ học nhất định. Mẹ Nguyên nghĩ mãi không ra kế, cuối cùng phải nhờ đến em ruột mình để gửi con và trước muà hè năm đó Nguyên khăn gói quả mướp với đúng nghĩa của nó, ngồi sau xe mobillete của ông Đức từ Xóm mới về Ngã năm Bình Hoà.
Ông Đức là em ruột của mẹ Nguyên, nhỏ hơn mẹ Nguyên 4 tuổi. Mẹ Nguyên rất thương em và ngược lại ông Đức cũng rất thương chị. Ngày xưa mặc dù sinh sống ở Hà nội ông bà ngọai của Nguyên chỉ cho con trai đi học, mẹ Nguyên chỉ được đi học với em hai năm đầu, chủ yếu là đi trông nom em. Những năm sau dù nhà không đến nỗi nào do ông ngọai Nguyên làm y tá ở bệnh viện Bạch mai, nhưng vẫn không cho con gái đi học. Tới lúc con cái khôn lớn ông đã quyết định rời Hà nội về quê xây nhà tậu ruộng và giữ gìn mồ mả tổ tiên. Ông Đức nối nghiệp cha, làm y tá ở bệnh viện Nguyễn Văn Học.
Chỉ còn ít tuần là nghỉ hè nên ông Đức bảo Nguyên ở nhà lấy sách vở ra ôn, năm tới xin vào lớp đệ Lục trường Đạt đức. Một hôm đi làm về ông Đức gọi Nguyên bảo:
-   Chuẩn bị áo quần sách vở để ngày mai đi học.
Nguyên chưa biết tại sao ông Đức lại có quyết định cho Nguyên đi học vào lúc nghỉ hè này. Hôm sau, ông Đức đi làm trễ, dẫn Nguyên đến trường Canh tân trên đường Phan Văn Trị để học luyện thi vào đệ thất trường công. Đúng là lớp dạy luyện thi, trong 6 tuần ở Canh tân, Nguyên đã học cách trình bày bài, cách giải bài và được cho giải những bài mẫu của các kỳ thi trước đó. Lối dạy thật hiệu quả và cũng có thể do may mắn, năm đó Canh tân tự hào là có nhiều học sinh đỗ hạng cao vào các trường trung học Saigon – Gia định. Trong cái may và cái tự hào của Canh tân, Nguyên cũng được tham dự một phần vì cậu bé đã đậu vào trường công.
Hôm đi thi về, bài luận văn thì không kể, đề bài hỏi “thú đọc sách và coi xi-nê thì chọn thú nào” là bài tủ của Canh tân nhưng bài toán thì được đưa ra tranh cãi khá nhiều. Không biết các thầy cô ở Canh tân thấy thế nào nhưng có một ông thầy ở Đà nẵng về nghỉ hè, sau khi xem bài nháp của Nguyên đã cho rằng bài làm của Nguyên không được đúng lắm. Ông Đức thở dài khi nghe tin ấy và bảo Nguyên:
-   Thôi, nghỉ vài tuần nữa rồi xin vào Đạt đức.
Nguyên buồn một chút vì thấy sự thất bại của mình, nhưng cậu bé quên ngay và nghĩ đến năm học tới đây phải đạp xe đạp theo cô Dung đến trường Đạt đức học. Cô Dung có họ hàng rất gần với mợ của Nguyên, có lẽ cô học trễ mấy năm vì lúc đó cô còn đang học đệ Tứ. Cô Dung rất có cảm tình với Nguyên, có thể cái ngoan ngoãn và vẻ chịu đựng của Nguyên làm cho cô thương hại và quan tâm săn sóc như một đứa em nhỏ.
Sau cơn mưa buổi chiều, đường còn ướt sũng, Nguyên đi bộ từ nhà đến trường Hồ Ngọc Cẩn coi kết quả, nghe nói kết qủa đã treo từ ngày hôm qua và ông Đức vì không tin tưởng nên chẳng thèm nhắc cháu đi coi. Nhìn thấy tên mình trên tờ giấy đánh máy, dán trong một khung gỗ có phủ lưới sắt như lưới chuồng gà, Nguyên rất mừng. Hơn một năm trước đây khi đi nghe kết quả thi tiểu học, Nguyên thấy có vẻ quan trọng hơn, có lẽ do sự chuyển cấp của quá trình học tập. Nguyên đâu có biết rằng đậu và không đậu vào trường trung học công nó có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một người.
Nguyên về đến nhà thì ông Đức chưa đi làm về, Nguyên thưa với mợ nhưng bà Đức có vẻ không tin cho lắm và bảo đợi cậu về chở đi coi lại. Khi ông Đức vừa về đến nhà, Nguyên đã nhanh nhẩu nói ngay:
-   Cháu đỗ vào trường công rồi.
-   Sao cháu biết? Ông Đức hỏi,
-   Cháu mới đi xem chiều nay.
Bà Đức bảo với chồng là cháu về có thưa chuyện và bà bảo đợi cậu về chở đi coi lại.
Ông Đức bảo Nguyên lên xe đi coi lại kết quả, ông nói có lẽ Nguyên “trông gà hoá cuốc” nhưng Nguyên khẳng định với cậu là đúng tên, đúng tất cả. Hai cậu cháu dựng xe rồi đến khung bảng kết quả, Nguyên chỉ ngay cho ông Đức trang có tên mình, ông Đức xem xong nhưng vẫn chưa tin, ông dò lại một lần nữa rồi nói:
-   Chắc mẹ cháu mừng lắm, vì còn được học bổng nữa đấy.
Được học bổng? Nguyên không mường tượng ra nó như thế nào nhưng chắc nó đem đến cho Nguyên một cái gì đó mà ông Đức nói là mẹ sẽ rất mừng. Để trang trải việc ăn học cho con, mẹ Nguyên hàng tháng gửi đến em mình một số tiền, Nguyên không biết là bao nhiêu nhưng nếu học trường tư mẹ Nguyên sẽ phải lo lắng nhiều hơn vì không muốn làm phiền em mình nhất là em dâu mình.
Về đến nhà, trong lúc thay đồ chuẩn bị cơm chiều, ông Đức nói với vợ:
-   Mai dẫn cháu đi may đồng phục cho nó, nó đã đậu và còn được học bổng nữa đấy, chắc mẹ nó mừng lắm.
Bà Đức cũng mừng cho cháu. Bà có mấy đứa con còn nhỏ đang học tiểu học, bà mong các con bà cũng đều thi đỗ vào trường công và được học bổng hết thì tương lai của chúng và của gia đình sẽ sáng sủa hơn.

còn tiếp
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.04.2008 19:12:26 bởi BanHien >
#1
    BanHien 21.04.2008 12:54:52 (permalink)
    LỐI ĐI CỦA NẮNG

    2. ÁNH



    Để chuẩn bị cho các con được gần trường học hơn khi lớn lên và phải trả lại căn nhà thuê, ông bà Đức quyết định mua một căn nhà gần chợ Bà Chiểu. Giá mua căn nhà tương đối hời vì nó nằm ở vị trí không tốt đối với một số người tin phong thổ, địa lý. Bà Đức lúc đầu cũng do dự nhưng ông Đức bảo rẻ là được rồi và còn cho là căn nhà có địa thế tốt chứ không xấu như người ta nghĩ.
    Cả xóm có khoảng trên dưới mười căn nhà, có căn còn lợp lá. Đầu xóm, ngay ngã ba góc đường là một tiệm hớt tóc và cuối xóm, dưới một gốc cây, cũng có một tiệm hớt tóc dã chiến được che bằng một tấm vải nhựa dày. Vào những ngày rảnh không có bài nhiều, Nguyên thỉnh thoảng đến tiệm hớt tóc đầu xóm để xem đánh cờ tướng và ở đấy Nguyên đã gây được cảm tình với ông chủ tiệm, chính ông đã dạy cho Nguyên cách chơi cờ tướng và trở thành đối thủ của ông khi tiệm vắng khách.
    Có chừng mười gia đình trong xóm nhưng Nguyên chẳng hề biết ai vào ai ngọai trừ nhà kế bên. Ông bà hàng xóm có một người con gái, có lẽ là con một nên cô có vẻ đỏng đảnh rất khó thương. Ông hàng xóm rất có cảm tình với Nguyên, đôi khi còn mang những hoạ đồ kiến trúc mà ông thầu xây cất cho Nguyên coi, có lúc ông còn chỉ cho Nguyên biết cách thức xây dựng nhà cửa. Những lúc ấy cô Liên, con gái ông, càng tỏ ra đỏng đảnh dễ ghét hơn nhưng Nguyên chẳng hề để ý.
    Một hôm lúc đi học về, Nguyên thấy bên nhà hàng xóm đầy người. Tò mò, Nguyên ngó vào nhà, thấy bà hàng xóm ôm cô Liên khóc lóc thảm thiết. Nguyên đoán có chuyện không lành xảy ra cho ông hàng xóm nhưng nghĩ mình là cái thá gì mà hỏi, nên vào nhà. Lúc đó mấy đứa em đã nhanh miệng nói ngay:
    -   Ông Đàm chết rồi.
    Chiều hôm đó Nguyên mới được biết là ông Đàm trên đường ra thăm thân nhân ở Đà nẵng đã tử nạn do máy bay rớt. Tự nhiên Nguyên thấy thương hại cô Liên và cảm thấy tiếc là từ nay sẽ không còn một ông hàm xóm thỉnh thoảng chỉ cho Nguyên biết các công trình xây cất của ông.
    Khoảng hơn một tháng sau, nhà hàng xóm có thêm người, một người em gái của ông Đàm có chồng tử trận trước đó vài năm, mang con đến cùng ở với chị dâu. Bà Hằng, em ông Đàm, cũng có một cô con gái trạc tuổi Liên tên là Ánh và cũng như người anh, bà Hằng có cảm tình với Nguyên ngay từ khi gặp mặt.
    Chẳng hiểu là bà Hằng có ý gì khi tỏ vẻ thân thiện với Nguyên ngay từ tuần lễ đầu, nhưng có một điều chắc chắn là với cảm tình của bà, Nguyên đã giúp bà hàng ngày cắt cổ từ mười đến mười lăm con gà cho bà làm một món ăn bán ở “Câu lạc bộ” bệnh viện quân đội ở gần Gò vấp. Được bà Hằng nhờ mỗi ngày, Nguyên cảm thấy hãnh diện, vì rõ ràng cô Liên và cô Ánh chẳng được tích sự gì, chỉ có con trai mới làm được việc cắt cổ gà. Đã thế nếu mẹ các cô có bảo giữ chân gà cho “anh” Nguyên cắt thì hai cô cũng chạy ngay lên gác trốn.
    Ngày qua ngày, tự nhiên Nguyên có cái nghề cắt cổ gà không công. Trước bà Hằng hoặc bà Đàm còn gọi Nguyên sang nhờ, sau Liên và Ánh thay nhau gọi Nguyên sang nhờ và sau nữa cứ tới giờ là Nguyên sang xử tử hơn chục con gà. Một tối, khi Nguyên đứng trước nhà ngóng ra đường thì Ánh cũng ra trước cửa nhà. Nguyên thấy Ánh hàng ngày, có khi nói chuyện hàng ngày nhưng không có chuyện nào ra chuyện nào. Rất bình thường Nguyên hỏi Ánh:
    -   Hôm nay không phải làm bài sao mà ra đây?
    -   Không, Ánh nói, à mà có, nhưng bài khó thấy mồ nên nghỉ một lúc.
    Ra vẻ ta đây là người học trên, Nguyên hỏi:
    -   Bài gì, và khó thế nào?
    -   Bài hình học, gớm ông thầy cho bài tập gì khó thấy mồ, nhìn hoài không ra.
    Tưởng gì chứ hình học là môn tủ của Nguyên, Nguyên thích toán từ hồi còn nhỏ. Năm ngoái Nguyên rất say mê thầy Học dạy toán ở trường và còn muốn sau này nối gót thầy, Nguyên nói với Ánh.
    -   Ánh đưa đây anh xem cho.
    Không hiểu sao Nguyên xưng anh với Ánh ngọt xớt. Cũng chẳng lạ vì hai bà mẹ của hai cô chẳng gọi Nguyên là anh đấy sao. Ánh thay vì trở vào lấy bài lại hỏi Nguyên một câu cắc cớ:
    -   Anh cắt cổ gà hàng ngày mà không sợ à?
    -   Sợ gì? Nguyên hỏi lại,
    -   Sợ máu, sợ gà trả thù, anh sát sinh nhiều như vậy thì thế nào chúng cũng trả thù anh.
    À há, Ánh cũng gọi Nguyên bằng anh như không có chuyện gì hết, hai người không coi nhau như xa lạ. Nguyên không tin là gà sẽ trả thù mình. Máu, lúc đầu Nguyên cũng sợ, riết rồi quen đi. Ánh kể cho Nguyên nghe lúc trước, có những ngày mẹ Ánh cắt tiết xong một con gà, thả ra mà nó còn chạy khắp nơi, hai mẹ con đuổi mãi mới bắt được, Ánh nói tiếp:
    -   Anh cắt tiết gà là gà chết ngay, chắc anh ác lắm nhỉ?
    Chết Nguyên rồi, cậu học trò hiền như bụt là Nguyên mà chỉ vì giúp người hàng xóm cắt tiết gà mà bị cho là ác, thật oan cho mình quá, Nguyên nói:
    -   Anh đâu có ác, ngay cả với súc vật. Chẳng qua đó là nhiệm vụ hay bổn phận mà thôi.
    Ơ hay cái anh này, cắt cổ gà đâu phải là nhiệm vụ của Nguyên, Nguyên chỉ giúp người hàng xóm chứ đâu phải việc mình. Nghĩ vậy nên Nguyên nói chữa lại:
    -   À, chẳng qua là anh làm vậy để Ánh khỏi phải làm, nếu anh sợ ác mà từ chối chắc là từ ngày mai trở đi Ánh hoặc Liên phải làm thôi.
    Ánh và Nguyên nói chuyện mà vô ý không biết Liên đứng ở cửa sổ từ lúc nào, lúc này Liên nói vọng ra:
    -   Không cắt thì mẹ với cô cắt, có gì đâu mà ác.
    Hóa ra Liên đã nghe hết chuyện hai người nói. Chẳng đề cập đến ai, Liên chỉ nói bâng quơ như vậy. Cái tính của Liên khác hẳn tính Ánh, Liên lúc nào cũng muốn cho người khác chú ý đến mình. Thực tâm mà nói, giữa hai người chị em họ này, Nguyên thấy Liên sắc xảo và đẹp hơn Ánh rất nhiều, nhưng ngược lại, cái duyên dáng, tế nhị Ánh lại có phần trội hơn Liên. Cũng có thể là do ở nội trú một thời gian tức là gián tiếp phải ra đời sớm hơn nên Ánh học được bên ngoài nhiều hơn.
    Nguyên nói với Liên:
    -   À, tôi nói vậy chứ hai thím còn nhờ thì tôi còn cắt.
    Nguyên không hiểu tại sao Nguyên xưng hô với Liên là “tôi” trong khi xưng hô với Ánh là “anh”. Hai thím là cách Nguyên gọi bà Hằng và bà Đàm vì hai bà cũng chỉ đáng em mẹ Nguyên là cùng. Hằng chắc chắn là tên của mẹ Ánh nhưng Đàm là tên của bố Liên, Nguyên chẳng hiểu tại sao người ta gọi bà chị bằng tên chồng mà gọi bà em bằng tên tục.
    Liên bỏ đi vào phía trong chỉ còn Ánh và Nguyên, Nguyên chuyển sang chuyện học:
    -   Bài có gấp lắm không, đưa anh xem có thể giúp gì được không?
    Lúc ấy Ngần, em họ của Nguyên, đi ra gọi Nguyên vào để coi bài cho cô ấy. Từ ngày ở với ông bà Đức, ngoài việc học và tuần 3 lần rửa chén Nguyên còn có thêm nhiệm vụ kèm các em. Ngần đang học lớp nhất và ông bà Đức muốn Nguyên phải kèm em thế nào để Ngần đậu vào trường công, không được học bổng thì cũng phải đậu. Ngần với Nguyên không ưa nhau lắm nên được dịp là Nguyên la rầy Ngần, có lần Nguyên cầm roi đánh Ngần khiến bà Đức sốt ruột nói:
    -   Em có ngu thì cũng kệ nó, chứ đừng đánh nó.
    Bà Đức mang chuyện nói với chồng, ông Đức gọi Nguyên vào bảo:
    -   Cháu không được đánh em, cháu dạy nó nếu nó không biết thì chỉ cho nó.
    -   Nhưng nó lười chứ không phải nó không biết. Nguyên bào chữa.
    Ông Đức bảo thôi, lần sau nếu em nó lười thì mách cậu hay mợ, chứ đừng đánh nó.
    Nguyên nghĩ “mày học cho mày chứ có học cho tao đâu, mày lười thì tao ra ít bài đi” nhưng lại sợ nếu Ngần thi rớt thì trách nhiệm của mình không hoàn tất, nên bực mình thì bực thật nhưng cũng cố ôn hoà chỉ bảo cho em.
    Đầu tháng 11 năm 1963, hôm ấy là ngày nghỉ lễ, khoảng quá trưa có những tiếng súng chốc lát nổ ròn. Ông Đức bảo Nguyên và các con:
    -   Không đứa nào ra đường hết nghe chưa, chắc lại đảo chánh gì đây.
    Đảo chánh, chuyện người lớn, Nguyên không biết và cũng chẳng muốn biết. Nguyên nhớ hồi năm 60 thì phải, cũng có đảo chánh rồi êm ru. Lần này chắc cũng vậy thôi vì trong mấy tháng qua tình hình có lộn xộn thật nhưng chính quyền còn kiểm soát tất cả. Ông Đức bật chiếc radio lên nghe, vẫn chẳng có tin gì ngoài những bài hát hùng tráng. Ông vặn qua đài VOA rồi BBC nhưng giờ này họ đâu có phát thanh tiếng Việt nên đành chờ với cái radio bên cạnh.
    Nguyên ra đứng ngoài cửa, ngó ra đường, suy nghĩ vẩn vơ. Ánh cũng từ trong nhà bước ra, thấy Nguyên Ánh hỏi:
    -   Hình như là có bắn súng ở đâu ấy, anh có nghe thấy không?
    Nguyên đáp:
    -   Có, nghe cậu anh nói là đảo chánh gì đó.
    Nguyên rất lờ mờ về vấn đề đảo chánh và Ánh thì còn lờ mờ hơn, Ánh hỏi tiếp:
    -   Đảo chánh là gì?
    -   À, người này đòi lên nắm chánh quyền của người khác.
    -   Em tưởng là người cầm quyền do dân bầu lên chứ, em thấy trong bài công dân có dạy một nước độc lập dân chủ như nước mình các người lãnh đạo là do dân bầu chứ làm gì có chuyện cướp quyền.
    -   À, như thế mới gọi là đảo chánh.
    À, lại “à” nữa. Khi không biết trả lời một câu hỏi gì một cách chắc chắn Nguyên thường mở đầu với “à”, mỗi người có một cái tật. Ánh có vẻ đăm chiêu, chống tay lên hàng rào xi-măng thấp, cái nắng chiều đã bắt đầu đổ vào vỉa hè. Nguyên nhìn Ánh, ở đâu đó Nguyên thấy cái dịu dàng, duyên dáng của Ánh đổ tràn trên khuôn mặt nghiêng nghiêng của người thiếu nữ hàng xóm. Nguyên thấy Ánh hàng ngày nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Nguyên có cái nhận xét thật lạ về Ánh khi nhìn cô.
    Ánh thua Nguyên hơn một tuổi nhưng học kém Nguyên hai lớp, Nguyên học trễ một năm nên tính tuổi thì năm nay Ánh đã 15. Tuổi của Nguyên và Ánh là lứa tuổi trẻ con không ra trẻ con mà người lớn thì còn lâu mới thành, cái tuổi toàn mơ với mộng và không muốn ai coi mình là trẻ con đồng thời cũng không muốn ai coi mình là người lớn. Cái mâu thuẫn tâm sinh lý ấy có thể là cái chung của mỗi con người phải trải qua lớp tuổi như Nguyên và Ánh.
    Như linh cảm thấy Nguyên nhìn mình, Ánh quay lại. Nguyên tự nhiên cảm thấy bối rối và Ánh cũng thấy mất tự nhiên. Sau vài chục giây đặc biệt khó hiểu đó, Nguyên ra vẻ biết chuyện nói:
    -   Mấy năm trước cũng có đảo chánh gì đó, nghe nói cuối cùng chính quyền bắt mấy người làm loạn mang ra xử, có người bỏ trốn đi nước khác.
    Nguyên nhớ một chuyện xưa Nguyên đã có dịp đọc, trong những cuộc binh biến luôn luôn kẻ thắng bao giờ cũng có lý nên mới có câu “Được làm vua, thua làm giặc”. Nhưng đó là xã hội ngày xưa, bây giờ văn minh, và theo Ánh nói, bài công dân chẳng dạy là mình tự do dân chủ thì đã có bầu cử, không bằng lòng lần sau đừng bầu người ấy nữa.
    Nguyên vẫn còn giao động với cái nhìn của Ánh và Ánh cũng giao động không kém. Ánh thấy mắt Nguyên hôm nay thật lạ, Nguyên không còn là tay “đao phủ” cắt cổ gà như Liên và Ánh có lúc nói chuyện với nhau. Liên là vai chị nhưng nhỏ hơn Ánh vài tháng, một người cuối năm này, một người đầu năm khác nên lấy năm mà trừ thì Ánh hơn Liên tới một tuổi. Thật chẳng có gì công bằng, đàn bà, con gái đâu có ai muốn lớn tuổi đâu, người ta sẽ cho là già đi, chán chết. Vậy mà lúc này, lúc này đây, Ánh thấy mình cần phải lớn, cần phải trưởng thành hơn Liên mới được.
    Ánh biết cô thua Liên rất nhiều về sắc, Liên giống bác Đàm lắm vì Liên đẹp và rất giống mẹ Ánh. Ánh nghe mẹ nói là hồi xưa bác Đàm rất đẹp trai và nhiều cô mê mệt nhưng ông bà ngoại của Ánh cuối cùng chỉ chọn bác Đàm gái hiện tại. Mẹ Ánh cũng là gái sắc nước hương trời và nhiều người theo đuổi nên khi có người mai mối và ông bà ngoại Ánh đồng ý gả ngay, vì rất nhiều người theo đuổi mà để lâu thì không tiện. Bố Ánh không đẹp trai nhưng phúc đức nên ông bà ngoại Ánh chấm liền.
    Trong cái xã hội thứ bậc này, Liên vẫn là chị của Ánh. Khi nghĩ tới điều này Ánh cảm thấy thấy ngột ngạt đôi chút. Chị Liên đẹp lại là chị của mình, mình sao bị lép vế vậy? Ông trời bất công thật. Ánh thấy lúng túng, chân tay thừa thãi, sao tay mình không có chỗ để mà phải chống trên bờ xi-măng này? Ánh đưa tay vuốt tóc rồi nói rất bâng quơ:
    -   Đảo chánh mà cũng có bắn nhau nữa.
    Chiều hôm ấy, đài phát thanh Saigon thông báo là cuộc cách mạng thành công, Hội đồng Quân nhân thành lập để lãnh đạo đất nước, chế độ độc tài gia đình trị chấm dứt. Nguyên không biết chính trị, chính em là cái gì mà cũng chẳng biết chế độ độc tài gia đình trị ra sao nên không thể xét đoán. Việc của Nguyên là ngày mai liệu mình có còn được cắp sách đến trường không.
    Hậu quả trước mắt sau cuộc đảo chánh là chỉ một thời gian ngắn mẹ Ánh không còn được tiếp tục bán cháo gà từ sáng cho tới trưa ở trong “Câu lạc bộ” bệnh viện nữa. Người ta nói rằng người thầu cũ có ăn chia hối lộ gì đó với ban giám đốc bệnh viện nên cả ban giám đốc lẫn nhà thầu đều phải ra toà vân vân và vân vân. Nguyên mất chức “đao phủ” mà Ánh và Liên đặt cho. Liên vẫn đỏng đảnh và Ánh lộ hẳn vẻ mất vui. Một chiều khi hai đứa đứng nói chuyện với nhau trước cửa nhà, Ánh nói với Nguyên:
    -   Chắc mẹ em và em về ngọai quá.
    Quê ngoại Ánh là Đà nẵng, thật ra ông bà ngoại Ánh là người miền bắc nhưng định cư ở Đà nẵng nên Ánh coi Đà nẵng là quê ngọai của mình. Từ ngày Nguyên thôi cắt tiết gà, bà Hằng ít gặp Nguyên và có gặp cũng chỉ cười xã giao. Nguyên nghĩ có lẽ bà lo lắng cho cuộc sống nên không còn để ý đến Nguyên chứ không phải là bây giờ Nguyên không giúp được gì cho bà nữa. Nghe Ánh nói sắp về Đà nẵng, Nguyên chợt giật mình và cảm thấy như mình sắp mất một cái gì rất qúy báu, Nguyên hỏi lại một câu thật ngớ ngẩn:
    -   Em về Đà nẵng thật à?
    -   Mẹ em bảo tình hình mới khó biết sẽ ra sao. Trong Saigon, những người quen thường giúp đỡ gia đình em đã không còn điều kiện và cơ hội nữa. Mẹ con em chỉ còn cách là về với ngoại hoặc với nội thì cũng thế thôi.
    Bà Hằng là người có nhan sắc, sau khi bố Ánh mất một thời gian ngắn đã có vài người để ý đến bà. Thậm chí cả hai bên gia đình bà đều cho phép bà bước thêm bước nữa vì lúc ấy bà chưa tới ba chục tuổi nhưng bà quyết định ở vậy nuôi con. Có một thời gian do phải buôn bán đó đây bà mang con gửi nội trú, bà không muốn gửi con cho thân nhân sợ phiền cho cả hai bên. Biết Nguyên ở với cậu mợ, bà khen là Nguyên giỏi, biết vâng lời và ông bà Đức cũng là người tốt bụng, chăm lo cho cháu.
    Có một điều bà Hằng không biết hay không nghĩ tới là có hai đứa trẻ, hiện nay vì một lý do nào đó không giải thích được, hai đứa trẻ ấy không muốn xa nhau và cả hai đứa trẻ ấy cũng chẳng biết tại sao và chẳng nói với nhau tại sao đó là Ánh và Nguyên. Trong thâm tâm, Nguyên muốn nói với Ánh là hãy nói với mẹ là đừng đi nhưng Nguyên không nói ra được. Ánh cũng vậy, cô muốn nói cho Nguyên biết là cô không muốn rời nơi này nhưng cũng chẳng biết nói thế nào, trong giòng tư tưởng đó, Ánh nói:
    -   Em chỉ mong mẹ đổi ý.
    Thực ra nếu có thể nói được là “em chẳng muốn xa đây tý nào, em chẳng muốn xa anh phút giây nào”Ánh cũng nói nhưng Ánh đã không nói được, có một cái gì đó đã làm Ánh phải khựng lại, âm thanh từ cửa miệng cứ luẩn quẩn trong đầu.
    Không ngờ sự trở về Đà nẵng của mẹ con Ánh xảy ra nhanh như vậy, nhanh đến độ Ánh và Nguyên không kịp nói lời từ giã nhau. Hôm ấy, lúc đi học thêm về, Nguyên thấy Liên đứng ngoài cửa và khi Nguyên bước vào nhà mình Liên nói ngay, rất bâng quơ, đôi khi thiếu cả chủ từ, túc từ như thỉnh thoảng Liên nói chuyện với Nguyên:
    -   Người ta về quê rồi, tôi báo cho biết.
    Nguyên đứng xựng lại, hỏi Liên:
    -   Ánh có nhắn, gửi gì cho tôi không?
    -   Không có gì hết.
    Trả lời Nguyên xong, Liên quay vào nhà ngay.
    Không biết phải cắt nghĩa, giải thích tâm trạng của Nguyên lúc đó ra sao. Thật sự Nguyên đã mất một cái gì. Nguyên đi ngay lên gác, nằm dài trên giường mà đầu óc lùng bùng. Mất rồi, mất đi những buổi chiều chạng vạng tối hai đứa đứng nói chuyện với nhau. Chính trong những buổi chiều tối nói chuyện với nhau mà Ánh đã kể hết cho Nguyên về gia đình Ánh. Mất đi những lần Nguyên sang giúp Ánh làm bài, có khi ở trễ đến độ em Nguyên phải sang gọi về. Từ hôm nay Nguyên chỉ còn là Nguyên, những câu chuyện trong lớp sẽ không còn có ai mà kể, rồi Nguyên sẽ phải làm gì đây với những chiều trống vắng.



    còn tiếp


    #2
      BanHien 26.05.2008 12:15:49 (permalink)
      3. KIM



      Ngọc là bạn học cùng lớp với Nguyên và ở gần nhà Nguyên nhất. Từ tiệm hớt tóc đầu đường tới nhà Ngọc khoảng hơn năm mươi mét, Ngọc đến trường qua nhà Nguyên hay đi qua rạp hát Cao Đồng Hưng thì có thể nói hai quãng đường đó dài như nhau. Ngựơc lại nếu đi qua nhà Ngọc để đến trường có lẽ Nguyên đã mua đến ba, bốn lần đường. Tuy vậy, đi chung với Ngọc vui hơn nên Nguyên chẳng ngại gì đường đất, ngày nào cũng đánh một vòng qua nhà Ngọc để đi học chung.
      Không những chỉ ngày đi học, ngay cả Chủ nhật Nguyên cũng hay sang nhà Ngọc để cùng đi nhà thờ với nhau. Đôi khi ở nhà thờ về, Nguyên ở lại nhà Ngọc chơi tới trưa mới về. Ngọc có một người anh họ học chung lớp, cũng thường đến chơi ngày chủ nhật, nên nhiều khi bộ ba rủ thêm một bạn nữa là có đủ 4 tay chơi đá banh bàn ngay dưới mái hiên nhà Ngọc.
      Mấy Chủ nhật liên tiếp, Nguyên sang nhà Ngọc ở lì ra vì Nguyên không biết làm gì cho hết giờ. Trước đây Nguyên còn để giờ với Ánh, nhưng nay giờ đó Nguyên làm bài nên cuối tuần càng rảnh hơn. Mấy năm trước hễ cuối tuần cả gia đình đi thăm nhạc gia của ông Đức là Nguyên cùng đi, nhưng sau này Nguyên lớn hơn và xe không đủ chỗ nên ông bà Đức bảo Nguyên ở nhà. Mỗi lần như vậy bà Đức đưa tiền cho Nguyên bảo trưa đi ăn phở rồi đi xi-nê vì không có ngưòi nấu cho ăn, những lần như vậy Nguyên chạy đi ăn mì hay ăn phở buổi trưa rồi lại trở về nhà Ngọc.
      Nhà Ngọc ở cao hơn mặt đường rất nhiều, từ mặt đường phải lên một số bậc đá, qua một sân rộng rồi mới đến hàng hiên nhà. Sân trước nhà Ngọc trồng hoa, vài cây na và một cây “xa-pô-chê” khá lớn, Ngọc bảo mấy cây trước sân có lẽ có từ lâu đời lắm vì khi gia đình Ngọc dọn đến đã có chúng rồi. Ngọc có hai người em gái, cô Đào và cô Hương, Đào kém Nguyên hai tuổi và Hương kém Nguyên 3 tuổi. Đôi khi không đủ tay chơi banh bàn, một trong hai cô cùng chơi cho đủ cặp. Những lần như thế Nguyên thích cặp ‘bồ’ với Hương hơn vì cô rất nhanh tay và không e dè, ngại ngùng như Đào.
      Có những lần chán đá banh bàn, hai phe ra ngồi bậc đá trước sân chơi bài cào qua số đăng bộ xe chạy qua. Hôm nay, sau một chầu độ nước chanh muối, cả đám ra ngồi nghỉ và đánh bài cào. Trong lúc đợi xe đi qua, Nguyên lơ đãng nhìn những giọt nắng chảy qua đám lá, vờn vã với những đóa hoa thược dược đang lơ lửng trong gió. Đào bỗng nói với Nguyên:
      -   Eo ơi, anh Nguyên già rồi, có tóc trắng trên đầu rồi nè.
      Nguyên đưa tay vuốt đầu, nói đuà.
      -   Chắc cũng gìa thiệt, tại lo lắng nhiều quá.
      Đào bảo để Đào nhổ đi cho, Nguyên nghiêng đầu cho Đào nhổ sợi tóc trắng. Nguyên cám ơn, nói:
      -   May mà mới có một sợi, nhiều chắc ra đường người ta tưởng là ông già thì chết.
      Nói đến đấy Nguyên chợt nhớ tới một người bạn, anh ta ở Giồng Ông Tố và chỉ trạc tuổi Nguyên nhưng đầu tóc trắng xóa như người ngoài ngũ tuần nên các bạn gán cho cái tên là Ông Già. Đào lấy tay bới trên đầu Nguyên như tìm xem có thêm sợi tóc bạc nào không. Bàn tay Đào thật êm dịu và nhẹ nhàng, Nguyên ước mong nếu được bàn tay nhẹ nhàn ấy vuốt tóc cho hàng ngày thì thú biết mấy. Nghĩ đến đấy Nguyên cảm thấy hổ thẹn cho chính mình vì từ ngày chơi với Ngọc đến nay Nguyên vẫn coi Đào và Hương như em mình và nếu đã coi hai cô như em Nguyên không có quyền nghĩ bậy bạ như vậy.
      -   Đào thấy còn sợi nào không? Nguyên hỏi.
      -   Chắc hết rồi, may mà anh chỉ có một sợi thôi.
      Sau vài “ván” bài cào, Nguyên nói với Ngọc là phải về. Qua tiệm hớt tóc thấy có khách đang hớt nên Nguyên chào ông chủ tiệm rồi đi về nhưng chưa được mười bước thì Nguyên chợt đứng khựng lại. Ánh đang ở trước mặt và đang dọn đồ từ trên xe vào nhà, Nguyên đi tới vài bước nữa mới nhận ra người trước mặt không phải là Ánh, đó là người trong một gia đình đang dọn vào. Thế là xóm có thêm một gia đình mới, nhưng gia đình cũ rời đi hồi nào mà Nguyên không biết mặc dù hầu như ngày nào cũng đi qua nhà này.
      Nguyên đi qua và nhìn thật nhanh người con gái mới đến một lần nữa, ở trên đời này sao lại có người giống người thế, người mới đến có thể là lớn hơn Ánh một chút nhưng nếu hai người đi với nhau người ta có thể lầm là chị em sinh đôi. Với vóc dáng ấy, chỉ khác mái tóc, người mới đến có tóc hơi nhạt một chút, không đen bằng tóc Ánh.
      Về đến nhà, Nguyên còn đứng ngoài hàng hiên, chống tay hướng về phía nhà có gia đình mới đến. Nguyên nhớ đến Ánh, phải chi gia đình kia dọn đến ở nhà bà Đàm thì biết đâu Nguyên lại chẳng có cơ hội nói chuyện với cô hàng xóm để được nghĩ, để được nhớ đến Ánh. Như vậy thì thật không công bằng chút nào hết, nhìn một người để nghĩ về một người khác là chuyện thiếu đứng đắn và chân thật. Nhưng nếu có một lý do nào đó làm cho Nguyên cảm thấy được liên lệ, được gẫn gũi với Ánh là được rồi.
      Hôm sau, khi đi ngang qua nhà mới đến, Nguyên đã không cầm được lòng, liếc trộm vào phía trong nhà. Nhà mới dọn có khác, đồ đạc còn chất ra tới tận cửa. Trên suốt quãng đường dến trường Nguyên nghĩ mông lung. Rồi đây cô mới đến sẽ phải đi học, không biết cô sẽ đi về hướng nào, nếu đi về cùng hướng với Nguyên chắc Nguyên sẽ phải đi trước để đón đường, thế cũng tiện vì Nguyên chỉ việc đứng trước nhà Ngọc đợi bạn là xong. Còn ngược lại, nếu cô đi ngược về hướng nhà Nguyên ở có thể Nguyên phải đổi hướng đi một thời gian, làm thế nào để giải thích cho Ngọc biết đây nếu chuyện đó xảy ra.
      Ba buổi sáng liên tiếp, đi ngang qua nhà mới đến là Nguyên không cầm được lòng, thế nào cũng phải liếc vào một chút. Hôm nay chủ nhật, như thông lệ, Nguyên cùng Ngọc đi nhà thờ rồi hai đứa trở về nhà Ngọc đá banh bàn. Mới đá được một đợt, Đào từ trong nhà ra hỏi Nguyên:
      -   Anh Nguyên mới có thêm hàng xóm phải không ?
      Lạ thật, sao Đào biết mà lại hỏi Nguyên cắc cớ như vậy. Nguyên giả bộ ầm ừ:
      -   Hình như có người mới dọn đến, mà sao Đào biết?
      -   Có hai chuyện khiến Đào biết: một là nghe Liên nói hai là Đào đã gặp chị ấy và chị ấy sẽ học cùng trường với Đào.
      Đào nói là chị ấy ắt cô hàng xóm mới phải lớn hơn Đào và Liên. Trường Đào học chỉ là trường đệ nhất cấp, như vậy cô ấy chỉ tới mức đệ tứ là hết, điều này làm cho Nguyên yên tâm vì năm nay Nguyên cũng đang học đệ tứ. Và nếu cô hàng xóm cũng học đệ tứ, trong xóm chỉ có hai đứa học cùng cấp lớp lại càng dễ có lý do để nói chuyện hơn.
      Liên và Đào học chung lớp, cả hai không thân nhau lắm nên mặc dù ngày nào Liên cũng phải đi qua nhà Đào để đến trường nhưng họ chưa hề đi chung với nhau. Không thân nhau mà tại sao có người mới đến mà Liên đã nói ngay với Đào?
      Quả nhiên hôm sau thứ Hai, “cô hàng xóm mới” đi qua nhà Ngọc trên đường đến trường trong lúc Nguyên còn đang đứng đợi Ngọc đi học. Ánh nắng nhạt buổi sáng chiếu chênh chếch trên mái tóc hơi hung hung của cô làm Nguyên nhớ đến ngày nào khi Nguyên lặnh ngắm nhìn Ánh. Ở đâu ra mà có người giống người vậy? Nhìn theo cô mới đến đi qua, Nguyên thấy thực ra Ánh và cô mới đến có một vài điểm khác nhau, dáng Ánh có lẽ nhỏ hơn và nhờ nhận ra như vậy Nguyên đỡ hồi hộp hơn.
      Thông thường khi về học Nguyên không về cùng với Ngọc như lúc đi. Sau những giờ học, Nguyên muốn nhanh chân về nhà, về cùng đường với Ngọc sẽ lâu đến gấp ba hay bốn lần. Hôm nay khi tan trường, Nguyên làm bộ hỏi Ngọc vài chuyện để về cùng đường. Về đến nhà Ngọc, Nguyên còn kéo dài thời gian hỏi thêm ít chuyện về môn Vật lý ngày hôm đó vì theo Nguyên tính: nếu cô mới đến tan học cùng giờ với Nguyên thì giờ này cô chưa thể về qua nhà Ngọc được, ít nhất là 5 phút sau.
      Quả nhiên sự tính toán của Nguyên khá chính xác, cô mới đến và cả Liên nữa đang cùng đi về với nhau. Khi hai người đi qua, Nguyên giả vờ như không thấy, đợi hai cô đi chừng vài chục bước Nguyên mới rời Ngọc ra về. Đi sau hai người, Nguyên để ý kỹ thêm một chút nhưng vẫn quả quyết một Ánh thứ hai đang đi trước mặt Nguyên.
      Đến nhà “cô mới đến”, Liên dừng lại nói chuyện gì đó, đúng lúc Nguyên đi qua cũng là lúc Liên từ giã người bạn mới ra về, nên Nguyên và Liên như cùng đi với nhau.
      -   Người giống người nhỉ! Liên nói đủ cho Nguyên nghe thấy.
      Nguyên giật mình, lặng thinh. Không ngờ cô bé này ranh mãnh thật, không ngờ Liên đã đi thấu trong tim Nguyên. Nguyên đi nhanh hơn một chút nhưng hai người cùng vào hai nhà một lúc. Nguyên mạnh dạn hỏi Liên:
      -   À Liên này, cái cô mới đến học cùng trường với Liên hả?
      -   Phải, có sao không?
      Bao giờ cũng vậy, Liên nói với Nguyên thường là rất trống không. Nguyên trả lời:
      -   Không sao, muốn biết vậy thôi.
      -   Muốn biết tôi cho biết thêm luôn, chị ấy tên Kim, học đệ tứ trường tôi.
      Nguyên cám ơn Liên trước khi vào nhà. Trong giờ cơm Nguyên ăn rất nhanh, lấy cớ là bận phải coi bài ngay sợ quên lời thầy giảng nên lên gác nằm lên giường với cuốn sách. Một tia nắng rọi thẳng vào trang giấy, quái lạ sao lại có nắng ở đây?
      Thực ra tia nắng ấy đã có từ lâu, mấy năm nay rồi. Khi căn nhà lá được ông bà Đức sửa chữa lại ngay năm sau đó đã trở thành căn nhà tôn. Ngoài số tôn mới ông Đức còn mua một ít tôn cũ lợp phía sau để tiết kiệm một ít tiền. Tôn cũ đã lợp một lần, tuy có dấu đinh nhưng lợp ngược sóng là xong, không sợ dột. Một số lỗ đinh đã được trám lại nhưng vẫn còn nhiều lỗ không cần trám.
      Tia nắng vờn lượn trên trang giấy mỗi khi Nguyên xê dịch cuốn sách hay mở qua trang khác. Ánh sáng phản chiếu hơi gắt vào mặt Nguyên, bình thường Nguyên đã rời đi ngay nhưng hôm nay không hiểu tại sao Nguyên muốn đùa giỡn với tia nắng như là một khám phá mới. Nguyên nhìn ngược lên mái tôn, tia sáng từ lỗ đinh chảy dài xuống cho Nguyên thấy hàng vạn, hàng triệu hạt bụi thật nhỏ bay lượn trong không gian. Trong một căn phòng nhỏ, tương đối kín như thế này mà lượng bụi còn lớn như thế chắc ngoài đường, bụi và khói xe đã chiếm hết những lít không khí mà con người hít vào phổi.
      Nguyên xuống nhà, từ ngày các em lớn lên Nguyên được miễn việc rửa chén nhưng bù lại số “học sinh tại gia” đông hơn. Năm nay là năm thi của Nguyên nên ông Đức chia nhiệm vụ lại, Nguyên hướng dẫn bài vở cho hai con lớn của ông và hai đứa lớn ấy phải thay nhau hướng dẫn bài vở các em. Lối làm việc dây chuyền này rất phổ thông và hiệu quả trong biết bao nhiêu gia đình ở Việt nam
      Chiều xuống, Nguyên ra trước cửa đứng. Từ ngày Ánh về Đà Nẵng có khi cả tuần Nguyên không ra đứng trước cửa. Ngày xưa, những chiều đứng trước cửa Nguyên cảm thấy thú vị và có ý nghĩa, nhưng nay thật vô vị, chỉ có xe cộ và người qua lại. Hôm nay không hiểu động lực nào đã mang Nguyên ra đứng đây, để nhớ lại những chiều có Ánh hay để có cơ hội nhìn thấy Kim, một Ánh thứ hai, có thể vì chuyện này hay chuyện kia mà Nguyên không thể nhận biết được.
      -   Gớm, lâu lắm mới thấy đứng đây.
      Nguyên giật mình, thì ra Liên vẫn để ý đến Nguyên và coi bộ cô hàng xóm ranh mãnh này không tha cho Nguyên, có lẽ để trả thù, để trừng phạt cái tội Nguyên không hề để ý đến cô nàng chăng. Mà lạ thật, một thiếu nữ phải nói là sắc nước hương trời, ngay bên cạnh mà không làm cho Nguyên rung động hoặc chạnh lòng. Cảm tình với Liên thì không mà ghét Liên cũng không được vì Liên chưa làm gì đến độ Nguyên phải ghét.
      -   À, năm nay bận học thi nên ít ra đây.
      -   Vậy mấy tháng trước có phải là năm học này không?
      Ghê thật, như thế Liên không phải là tay vừa, loạng quạng coi chừng chết với cô bé thôi. Nguyên chống đỡ:
      -   Nhưng càng ngày càng gần cuối năm hơn nên cần phải chú tâm hơn.
      Rồi như để trả thù, Nguyên hỏi lại Liên:
      -   Bộ Liên hay đứng đó lắm sao mà biết tôi độ rày ít đứng đây?
      Nguyên nghĩ: vỏ quít dày cần phải có móng tay nhọn mới được, vả lại một trái quít như Liên chưa chắc Nguyên đã phải dùng đến móng tay nhọn. Thêm vào đó Nguyên cũng cần phải lấy cảm tình của Liên vì chỉ có Liên và qua Liên, Nguyên mới có hy vọng biết tin tức Ánh. Phải chi Nguyên và Ánh lớn hơn vài tuổi nữa Nguyên sẽ hỏi thẳng bà Đàm, chẳng cần đến Liên. Nhưng ngay bây giờ Nguyên có thể hỏi bà Đàm cũng được, cứ như là hỏi thăm bà Hằng, dù sao cũng là chỗ quen biết, vả lại Nguyên đã từng giúp hai bà và với tình thân ấy có hỏi cũng chẳng sao. Hỏi thẳng bà Đàm còn làm cho Liên hết cắc cớ với Nguyên, nghĩ vậy, Nguyên hỏi Liên:
      -   Má Liên có nhà không, lâu lắm không sang thăm bác, à thím.
      Nguyên luôn xưng hô với bà Đàm là thím và cháu, vậy mà hôm nay vô tình Nguyên gọi bà là bác, nhưng đã sửa kịp thời. Liên rất tinh ý, thấy ngay kẽ hở của Nguyên nên nói ngay:
      -   Bác có nhà, định sang thăm à?
      Đâm lao thì phải theo lao, Nguyên đường đường bước qua nhà Liên. Trong thâm tâm là sang để hỏi tin tức Ánh nhưng sau khi chào bà Đàm, Nguyên thấy có cái gì chặn lại làm cho Nguyên không biết mở đầu ra sao.
      -   Lâu quá không qua, cháu sang hỏi thăm thím công việc hồi này ra sao?
      Bà Đàm vô tình, bà không biết cậu bé hàng xóm để ý tới cháu mình, bà biết Ánh và Nguyên thường nói chuyện với nhau nhưng bà nghĩ đó chỉ là chuyện học hành và chuyện con nít. Thực sự Nguyên và Ánh cũng chỉ có thế mà nói, cũng chỉ chuyện học, cũng chỉ chuyện bạn bè. Bà Đàm cho Nguyên biết là sau khi hai chị em bà không bán hàng ăn ở bệnh viện nữa tính quay ra mở quán ăn riêng ở ngoài nhưng tình hình, thời cuộc cứ thay đổi luôn nên mẹ con bà Hằng phải về Đà nẵng, hiện nay bà Đàm làm cho một tiệm cơm một tuần mấy ngày.
      Nhân cơ hội bà Đàm nhắc tới bà Hằng, Nguyên hỏi ngay:
      -   Không biết hồi này thím Hằng và cô Ánh ra sao? Khi đi cháu cũng chẳng biết.
      Nguyên muốn nói là “tệ thật, mẹ con bà Hằng ra đi mà chẳng nói với Nguyên một lời nào”. Nhất là Ánh, dù mẹ quyết định đột ngột như thế thì cũng phải có lời gì với Nguyên chứ.
      -   Cô ấy và em Ánh vẫn thường, hôm trước em Ánh viết thư vào nhờ Liên chuyển lời hỏi thăm cháu đấy.
      Thật hả dạ, không biết là Ánh hỏi thăm thật hay bà Đàm chỉ nói xã giao, nhưng cũng cần hỏi cho ra lẽ vì có thể thật mà Liên không nói cho Nguyên biết.
      -   Cháu không thấy Liên nói gì, chắc cô ấy quên.
      Như rình sẵn, nghe thấy tên mình, Liên từ trong buồng nói ra:
      -   Chưa có dịp nói, mẹ nói rồi thì thôi.
      Vậy là Ánh còn nghĩ, còn nhớ đến mình. Nguyên cám ơn bà Đàm rồi chào bà, về nhà.
      Thấy Nguyên ở bên bà Đàm về, Ngần hỏi ngay:
      -   Anh Nguyên lại sang cắt cổ gà nữa hả?
      Nguyên cười, lòng thật vui:
      -   À không, lâu quá sang hỏi thăm bà Đàm một tý. Còn cô, cô đã chuẩn bị bài hôm nay chưa?
      Đang tự nhiên thì lại bị nói chuyện bài với vở, Ngần nói ngược lại:
      -   Tại anh Nguyên đi chơi chứ đâu phải tại em.
      Để khỏi lôi thôi rắc rối, Nguyên bắt Ngần mang bài ra học và không quên mang cuốn sách để trên bàn, vừa học vừa kèm em.
      Vậy mà đã gần Tết, trong trường các bạn đã bàn tới tổ chức tất niên. Nguyên mong cho chóng tới Tết vì mẹ và các em sẽ đến ăn Tết chung với ông bà Đức. Di cư từ miền Bắc vào đây bên bố Nguyên chẳng có ai là thân thích nhưng bên mẹ Nguyên có họ hàng khá đông, và do hoàn cảnh đơn chiếc nên mẹ Nguyên thường về ăn Tết chung với gia đình em của mình, luôn tiện gặp gỡ họ hàng.
      Trong năm Nguyên để giành được ít tiền, sẽ dùng để lì-xì cho đứa em út mua quần áo mới vì năm tới đây nó sẽ bắt đầu đi học. Ông Đức thỉnh thoảng bảo mẹ Nguyên bỏ đất Long Khánh về Saigon buôn bán nhưng mẹ Nguyên bảo:
      -   Cậu nói buôn bán, cần phải có vốn chứ đâu dễ gì. Vả lại chị làm ruộng làm rẫy quen rồi nên thấy ở vùng quê nó thoải mái hơn.
      Sau khi Nguyên rời Xóm mới một thời gian ngắn thì có một người quen với bố Nguyên thời trước nhượng lại cho mẹ Nguyên mấy mẫu chanh và cà phê ở Long Khánh. Mới đầu ông Đức không bằng lòng cho mẹ Nguyên đi xa nhưng sau khi tính toán hơn thiệt ông thấy được, coi như mình thuê đất làm vườn mà thực ra mình chỉ là trung gian giữa chủ đất và người làm vườn nên cũng không vất vả lắm. Chỉ có một điều lo ngại là vắng vẻ, thân đàn bà với con nhỏ nhưng ông cũng an tâm vì mẹ và các em của Nguyên ở ngay bên cạnh gia đình người cô của người chủ đất.
      Tối giao thừa ông Đức bao giờ cũng bắt cả gia đình đi dự lễ ở nhà thờ, về chúc tuổi nhau rồi muốn làm gì thì làm. Những năm trước Nguyên thường mở xòng bầu cua chơi với các em nhưng năm nay sau khi chúc Tết, đứa con lớn nhất của ông bà Đức bảo nó muốn làm chủ xòng vì các năm trước anh Nguyên hốt hết tiền của chúng. Nguyên thấy có lý, cho nó làm chủ xòng rồi Nguyên có quyền đi chơi nên xin phép mẹ và ông bà Đức ra Lăng Ông.
      Đối với Nguyên, ngõ ngách nào ở Lăng Ông mà Nguyên chẳng biết. Mặc dù không tin vào số mạng lắm nhưng thỉnh thoảng Nguyên cũng vào xin xâm với các bạn, Nguyên biết một số bạn vào xin xâm cũng do vui mà thôi. Đôi khi quẻ hay lá thẻ xâm cũng làm cho đứa này hoặc đứa khác suy nghĩ nhưng chỉ chốc lát là quên ngay.
      Người tứ phương đến Lăng thật đông, nghe nói lúc giao thừa còn đông hơn nhiều và giờ này họ đã đi hái lộc bớt, khách còn lại hầu hết là lớp trẻ, họ đến Lăng còn do động lực khác. Đây là lần đầu tiên Nguyên đến Lăng vào dịp Tết mà lại ngay đêm giao thừa. Nguyên đi lòng vòng giữa làn khói hương nghi ngút xem có gặp ai quen không. Lạ thật mấy trăm mạng trạc tuổi và cùng trường với Nguyên hầu như ngày nào cũng lảng vảng trong sân Lăng mà sao nay chẳng thấy ai.
      Nguyên len lỏi vào được chỗ xin xâm, khói muốn nghẹt thở. Nguyên tính đứng xếp hàng để xin một quẻ xâm đầu năm xem sao nhưng thấy đông quá và mọi người nghiêm trang quá nên đi vòng qua phía bên phải của Lăng nơi có để những tờ giấy giải quẻ xâm. Nguyên nghĩ mình cứ nhắm vào một số nào đó vì biết đâu Đức Tả Quân đã xui khiến mình lấy tờ giấy đó. Nguyên cũng phải len qua một hàng rào người mới lấy được một tờ giấy màu xanh. Vừa quay trở ra thì đụng ngay Liên và Kim.
      -   Ủa hai cô cũng đi xin xâm hả, năm mới chúc mừng hai cô.
      Liên nói ngay:
      -   Năm mới Liên cũng chúc mừng anh, năm nay thi đậu cao.
      Lần đầu tiên Nguyên thấy Liên thật bặt thiệp, xã giao và dễ thương. Nhưng chưa hết, Liên đế luôn một câu:
      -   Lạ nhỉ, anh là người đi đạo mà cũng đi xin xâm à? Tình duyên trắc trở gì đây?
      Nguyên muốn độn thổ, không ngờ cô bé này ác thiệt. Nhưng không thể thua Liên được, Nguyên nói:
      -   Tôi muốn đến xem cho biết và định xin một quẻ nhưng người ta đông quá, vậy chứ Kim và Liên đi xin gì vậy?
      Kim ngạc nhiên nhìn Nguyên rồi nhìn Liên, tại sao anh chàng này lại biết tên mình, chắc là tại con nhỏ xí xọn này thôi. Biết là Kim đang nghi ngờ Liên tiết lộ danh tính mình cho Nguyên, Nguyên bồi luôn một câu.
      -   Hân hạnh được gặp Kim, Liên đã giới thiệu Kim cho tôi biết từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp gặp.
      Thấy Kim và Liên muốn lấy bản giấy giải, Nguyên tình nguyện xông qua hàng rào người một lần nữa lấy cho hai cô hai tờ giấy rồi cả ba ra ngoài tìm chỗ sáng và yên tĩnh hơn để đọc. Nguyên ngấu nghiến đọc tờ giải xâm của mình, mọi sự đều xuông xẻ, điều này làm cho Nguyên yên tâm vì dù sao chăng nữa nếu tờ xâm nói xấu thì Nguyên cũng lo, Nguyên đã giao chuyện lấy số cho Đức Tả Quân.
      Kim cũng đã đọc xong tờ giải của mình và tỏ vẻ lo lắng ra mặt. Liên có vẻ không hiểu một câu nào đó nhưng không muốn hỏi ai sợ họ biết ‘số’ mình, biết ý Nguyên hỏi ngay:
      -   Sao, số Kim và Liên tốt không? Không xem tôi cũng biết số hai người rất tốt, học hành tấn tới, cha mẹ yêu thương, gia đình hoà thuận, bạn bè mến trọng và ..
      Nguyên định đế một câu “và thế nào cũng gặp người yêu” nhưng sợ quá lố nên dừng lại ở đó. Kim còn đang suy nghĩ điều gì không để ý nhưng Liên theo kịp câu nói đứt quãng của Nguyên nên nói ngay:
      -   Và chị Kim thế nào cũng có người yêu.
      Lúc ấy Kim mới quay sang Liên, nói:
      -   Rõ khỉ, chỉ thích chọc người khác.
      Liên tỏ vẻ không bằng lòng:
      -   Mới đầu năm mà gọi người ta la khỉ, coi chừng đấy.
      Thật không ngờ, một cô gái để thương thì Nguyên không thương nổi, mà ghét thì Nguyên cũng chẳng ghét được như Liên mà hôm nay đã lột xác, ăn nói chững chạc, có đầu có đuôi thì thật lạ. Nguyên rủ Kim và Liên đi hái lộc, hai cô đồng ý ngay, riêng Kim vẫn còn áy náy một chuyện gì đó.
      Buổi học đầu tiên sau Tết, Nguyên đã bắt Ngọc đợi trước cửa nhà vì Nguyên đợi Liên vài phút rồi đợi Kim thêm vài phút nữa. Tự nhiên cả ba coi nhau như thân lắm, Liên nói chuyện lì xì cho Kim và Nguyên nghe còn Kim và Nguyên nói đã lớn rồi nên không còn được lì xì nữa.
      Bây giờ Nguyên nghe rõ giọng nói của Kim hơn, Kim nói đúng giọng miền Nam trong khi giọng Ánh có sự pha trộn lẫn lộn 3 miền. Cũng dễ hiểu, Ánh có cha mẹ là người miền Bắc, được sinh ra ở miền Trung và khi bắt đầu đi học thì sinh sống ở miền Nam. Nguyên thấy cái giọng pha trộn ấy cũng có những điểm dễ thương như cái giọng êm ái miền Nam của Kim bây giờ.
      Ngọc ngạc nhiên khi thấy ba người đi chung và chuyện trò qua lại như những người bạn thân nhau từ lâu. Ngọc không ngờ chỉ qua một cái Tết mà mọi sự thay đổi nhanh thế. Trong lịch sử loài người, có những sự việc hoặc một sự kiện trong một khoảng thời gian nhất định nào đó có thể mang đến cho người này, người khác hoặc cả nhân loại một sự thay đổi toàn diện.
      Trên đoạn đường đến trường còn lại, Nguyên và Ngọc không nói với nhau, mỗi người đang có một suy nghĩ riêng. Thói quen của nhiều gia đình Việt Nam là tính tuổi theo ngày Tết thay vì ngày sinh, qua Tết là qua một tuổi, già, trẻ, lớn, bé gì cũng vậy. Trong thân nhân, gia tộc, gặp nhau ngày Tết để mừng tuổi hay chúc tuổi nhau, mừng đứa trẻ lớn lên, mừng người già thêm thọ. Ngọc và Nguyên mỗi người đều đã thêm một tuổi, và mấy ngày Tết vừa qua cả hai đã được mừng tuổi, chúc tuổi với những lời lẽ tốt đẹp và không quên chúc thi đỗ năm nay.
      Kỳ thi trung học sắp đến, Nguyên cần phải đỗ bình trở lên mới được tiếp tục nhận học bổng. Ông Đức biết đều đó nên bảo Nguyên năm nay phải cố gắng hơn, giảm bớt cho Nguyên việc kèm cặp các em và cho Nguyên đi học luyện thi thêm. Nguyên biết với sức mình, các môn chính không có gì đáng sợ lắm, ngược lại các môn phụ lại là mối lo vì các môn này có thể kéo các môn kia xuống. Chỉ còn một cách phải lấy điểm cao với các môn học có hệ số lớn mới hy vọng đủ để bù cho những môn có hệ số nhỏ.
      Nguyên xếp thời khóa lại cho riêng mình, ngoài giờ ở trường và ở lớp luyện thi, Nguyên và Ngọc học chung với nhau 2 buổi khoảng 4 tiếng, Nguyên học chung với Kim chiều chủ nhật khoảng 3 tiếng, giờ tự học Nguyên để 6 tiếng cho các môn phụ, 4 tiếng cho Anh văn và cố gắng giữ kỷ luật với chính mình.
      Chuyện học chung với Kim cũng là chuyện bất ngờ vì chính Kim đề nghị. Kim nói là hơi yếu về Lý-Hóa và ghét nữa nên muốn có người học chung, Kim muốn học chung với Nguyên vì ở lớp luyện thi chỉ có Nguyên và Kim là người cùng xóm. Mới đầu cả hai còn bỡ ngỡ không biết phải bắt đầu thế nào, Nguyên đề nghị áp dụng cách học chung với Ngọc, Kim bằng lòng ngay.
      Từ sau Tết cho đến khi thi xong đệ nhị lục cá nguyệt Nguyên không ghé chơi banh bàn với Ngọc. Hôm nay chủ nhật, cả nhà đi vắng và theo thông lệ Nguyên phải đi ăn trưa bên ngoài, lúc về Nguyên ghé vào nhà Ngọc rủ đá vài bàn giải trí. Trong tuần Nguyên sang học chung với Ngọc hai ngày và chỉ học hoặc nói chuyện tầm phào thôi chứ không đá banh. Thấy Nguyên đến rủ đá banh Hương hỏi:
      -   Sao lâu nay sao không thấy anh Nguyên sang đá banh ngày chủ nhật?
      -   Anh bận học thi, gần thi đến nơi rồi.
      Nhưng Đào thì ranh mãnh hơn, cô nói theo:
      -   Anh Nguyên bận học thi với chị Kim ngày chủ nhật.
      Nghe Đào nhấn mạnh chữ ‘chị Kim’ Nguyên biết là Đào đang chọc mình, Nguyên tỉnh bơ:
      -   Hôm nay thi xong lục cá nguyệt rồi, tương đối rảnh, có ai đá độ không?
      Hương bảo anh Nguyên đá banh cù lần lắm nên không chịu cặp với Nguyên vì đá độ là phải chắc ăn mới đá chứ cầm chắc cái thua trong tay thì đá làm gì. Nguyên cho rằng như vậy không công bằng, hai người giỏi về cùng phe với nhau không được làm Đào tỏ vẻ không bằng lòng, nói với Hương:
      -   Bộ mày tưởng mày chì lắm hả, để rồi xem.
      Ngọc cho Hương tấn công nên Đào muốn giữ hàng dưới để ‘cầm châm’ em, nhất định không để cho Hương ‘sút’ vô. Có lẽ hai chị em chơi riêng với nhau khá nhiều lần nên biết hết mánh khoé và chiến thuật của nhau. Cuối cùng phe Nguyên và Đào bại trận, Đào bảo không cần đi mua nước ở ngoài, Đào pha nước chanh muối ở nhà uống.
      Trong lúc uống nước Ngọc và Nguyên nói về bài toán ngày hôm trước. Thấy đã tới giờ hẹn với Kim, Nguyên vào trong chào mẹ Ngọc rồi đi về. Mẹ Ngọc thích Nguyên lắm, bà bảo Ngọc có một người bạn chơi được, biết khi nào học là học, khi nào chơi là chơi. Mẹ Ngọc cũng rất vui khi thấy hai cô con gái của mình coi Nguyên như anh và làm quen được cái tính chăm học của Nguyên.
      Kim đã chuẩn bị sẵn đợi Nguyên sang, Nguyên bảo là mới ở bên nhà Ngọc về, Kim nheo mắt cười, Nguyên không biết có chuyện gì và không để ý đến nữa, bắt đầu buổi học ôn bài tuần qua. Các trường tuy dạy chung một chương trình của Bộ Giáo dục nhưng sách giáo khoa thì mỗi trường mỗi khác và bài dạy có thể trường này nhanh hơn trường kia một vài tuần nên Kim và Nguyên chỉ dùng các bài học luyện thi để học chung.
      Lúc Nguyên ra về, Kim tiễn Nguyên ra cửa và hỏi:
      -   Ngọc với Nguyên thân nhau lắm phải không?
      -   Phải, sao hôm nay Kim hỏi chuyện đó?
      -   Nguyên thân Ngọc vì là bạn học hay vì lý do gì khác?
      Tự nhiên nghe Kim hỏi như vậy Nguyên lại càng không biết có chuyện gì, nhớ lại câu hỏi lúc mới gặp nhau chiều nay và qua ánh mắt của Kim lúc đó, Nguyên đoán ngay là hai sự kiện có liên hệ với nhau. Nguyên hỏi ngược lại Kim:
      -   Sao hôm nay tự nhiên Kim hỏi Nguyên những câu cắc cớ vậy?
      -   Có lý do của nó?
      Nguyên lại càng sốt ruột, cái úp úp mở mở của Kim làm Nguyên muốn hỏi ngay cho ra lẽ:
      -   Vậy chứ Kim nghĩ Nguyên thân Ngọc vì lý do gì?
      -   Kim không biết, nhưng Kim nghe có người trong xóm nói là Nguyên thân Ngọc vì Đào.
      Chết rồi, nếu chuyện này đến tai Ngọc hoặc Đào hay tệ hại hơn nữa đến tai bố mẹ Ngọc thì làm sao Nguyên còn mặt mũi đến nhà Ngọc. Nguyên luôn coi Đào và Hương như em, trong thâm tâm Nguyên chưa hề nghĩ đến Đào hay Hương. Thậm chí có một lần, Đào nhổ tóc trắng cho Nguyên, khi được tiếp nhận cái êm ái của bàn tay Đào trên tóc mình Nguyên đã nghĩ tầm bậy một giây nhưng Nguyên đã kịp xua đuổi ngay. Hơn nữa, người mà Nguyên đang tưởng nhớ là Ánh và Kim là một Ánh thứ nhì đang chiếm trọn thời gian, không gian còn trống của Nguyên.
      Kim và Ánh, hai con người từ hai phương trời cách biệt, từ hai gia đình khác nhau nhưng trời lại cho hai người giống nhau để cho Nguyên sống trong mộng. Những lúc học chung với Kim Nguyên đã tưởng rằng đang ngồi với Ánh và khi nhớ lại những ngày chỉ bài cho Ánh Nguyên đã tưởng có thể lúc đó là đang cùng ngồi với Kim.
      Ông trời ác độc quá, sao lại cho Nguyên biết Kim và Ánh để Nguyên luôn luôn sợ mình phạm tội vì đã nhập hai người làm một. Và lúc này đây, đứng trước tình huống như thế này, Nguyên phải giải thích như thế nào, chẳng lẽ lại nói là “Họ nói sai hết, Nguyên đang nhớ và biết rung động với một người hiện ở thật xa nhưng rất gần, gần đến độ Nguyên không phân biệt được thời gian và không gian”. Nguyên hoảng hốt thực sự, nói với Kim:
      -   Chết, ai mà ác vậy, chuyện này đến tai gia đình Ngọc thì Nguyên phải ăn nói làm sao. Ai đã nói với Kim điều đó?
      -   Kim không thể nói ra được, nhưng miệng người đời, Nguyên phải cẩn thận hơn.
      Nguyên cám ơn Kim, ra về. Nguyên muốn biết ai đã nói điều đó để bảo cho họ biết là họ lầm to, họ không được quyền vu oan giáo hoạ cho Nguyên. Nguyên sẽ buộc họ phải xin lỗi Nguyên và Kim vì đã vu khống cho Nguyên và nói dối Kim.
      Từ sau hôm đó, mỗi lần sang nhà Ngọc Nguyên cảm thấy e ngại vì sợ chuyện đâu đó đã đến tai gia đình Ngọc. Mỗi tuần hai lần, Nguyên vẫn sang học chung với Ngọc nhưng tuyệt đối không nấn ná hoặc tiếp xúc với hai em của Ngọc, đặc biệt là với Đào. Nguyên trách lòng người giả trá, đã gieo oan, vu khống cho Nguyên làm cuộc sống an lành của Nguyên hiện tại bị xáo trộn. Còn Kim nữa, làm thế nào để giải thích cho Kim đây.
      Nguyên muốn nói riêng với Kim nhưng không biết phải nói lúc nào, ở đâu. Ở nhà Kim thì không được mà trên đường đi học thì lúc nào cũng có Liên bên cạnh. Nguyên định thăm dò xem Liên có nghe được chuyện đó không nhưng cũng chẳng biết phải làm sao mặc dù cơ hội nói chuyện riêng với Liên không khó. Nhưng qua thái độ của Liên, Nguyên cảm thấy an tâm và nghĩ là Liên không biết.
      Ngày thi đã gần kề, Nguyên vẫn chưa có cách nào để nói với Kim nhưng khi thấy tất cả mọi người trong gia đình Ngọc, và nhất là Kim, vẫn coi mọi chuyện như bình thường nên Nguyên tạm quên đi, để chăm chú vào việc học hơn.
      Mấy ngày thi trôi qua thật nhanh, nhưng những ngày đợi kết quả sao thật dài. Các bài thi chính đều được các báo đăng tải bài giải làm cho Nguyên an tâm rất nhiều nên lại càng mong cho chóng tới ngày có kết quả hơn. Rồi ngày có kết qủa cũng tới, sự cố gắng, mong mỏi và mơ ước của Nguyên đã được đền bù, với kết qủa hạng ‘bình’ chắc chắn Nguyên sẽ được tiếp tục học bổng.
      Sau khi báo tin cho nhà, Nguyên chạy sang nhà Kim, lúc ấy Kim chưa về. Nguyên không thể đợi được, về nhà lấy chiếc xe đạp đi lên hội đồng nơi Kim thi. Hơn lúc nào hết, Nguyên quên hẳn Ánh và chỉ còn nghĩ đến Kim thôi. Đối với Nguyên, như vậy là mình đã qua thêm một cái cửa ải của hệ thống thi cử Việt Nam. Nguyên nhớ trong một bài học, từ xưa đến nay dân tộc Việt Nam ta coi trọng bằng cấp và nhà vua hoặc chính quyền dùng các kỳ thi để chọn người ra phục vụ tổ quốc.
      Hiện nay, mảnh bằng còn quyết định vai trò của con trai trong nghiệp lính, từ lính lên hạ sĩ quan và sĩ quan đều do mảnh bằng quyết định. Nói cho cùng ở đâu cũng vậy, không có cách nào có hiệu quả hơn để chọn người nên từ xưa đến nay, chính quyền chỉ còn cách dựa vào bằng cấp để bổ nhiệm nhân viên phục vụ đất nước.
      Nguyên đến cổng trường đúng lúc Kim đang đi ra cùng một vài bạn. Khi thấy Nguyên, mấy người bạn của Kim từ giã để riêng tư cho hai người. Nhìn mặt Kim, Nguyên biết ngay là Kim đã đỗ nhưng cũng hỏi một câu rất ngắn gọn:
      -   Thế nào ?
      -   Được có ‘bình thứ’ thôi, còn Nguyên?
      -   Được ‘bình’, có như vậy thì Nguyên mới tiếp tục được học bổng.
      -   Cũng nhờ Nguyên nên bài thi Lý
      -  Hóa Kim làm được, cám ơn Nguyên đấy.
      Nguyên cảm thấy hãnh diện vì ít ra cũng đậu cao hơn Kim và còn được Kim cám ơn nữa, Nguyên nói:
      -   Nghe nói đậu ‘bình thứ’ là có thể xin vào đệ tam trường công, Kim có định xin vào Lê Văn Duyệt không?
      -   Kim cũng nghĩ đến điều đó khi thấy kết quả, nếu được thì cũng đỡ cho ba má Kim nhiều lắm.
      Như ước muốn, Kim được vào đệ Tam Lê Văn Duyệt năm học 1964-1965. Vì phải đi học xa hơn và để thưởng cho Kim, ba má Kim mua cho Kim chiếc Vélo Solex. Thỉnh thoảng Kim mới dùng xe đi học và ngày đó Kim dẫn chiếc Vélo đi bộ với Nguyên một quãng rồi mới nổ máy đến trường. Nguyên đã thực sự quên hẳn Ánh vào đầu năm học đó.



      còn tiếp

      #3
        BanHien 21.06.2008 14:24:45 (permalink)
        4. XÁO TRỘN



        Không khí đầu năm học thật là lạ, từ ngày đảo chánh đến nay đã có nhiều thay đổi cả về quân sự lẫn dân sự. Thậm chí có một số vị Hiệu trưởng và giáo sư bị đồng nghiệp hay chính học trò của mình tố là Cần lao Cần lực gì đó mà bị thuyên chuyển hoặc mất chức. Trường Nguyên học mặc dù ít thay đổi nhưng cũng có những xáo trộn nho nhỏ.
        Qua cuộc chính biến, phong trào Sinh viên Học sinh đã tỏ ra mạnh mẽ hơn, có tiếng nói của mình trên diễn đàn và ngay cả trong một số lãnh vực chính trị, kinh tế. Theo Nguyên thấy, đôi khi các hoạt động hay các đòi hỏi của Sinh viên Học sinh trở thành quá trớn và có người đã cho rằng họ đang bị giật dây từ một thế lực nào đó.

        Với lứa tuổi của Nguyên, khi sự nhận xét về xã hội còn nông cạn, kém nhạy bén nhưng lại là lứa tuổi dễ bị lôi cuốn nhất. Đôi khi từ trong hậu trường sân khấu của quyền lực, một số người đã lợi dụng sự bồng bột, hăng say và nhất là tính hay a dua của nhóm tuổi này để mưu cầu một lợi ích riêng cho cá nhân họ hay cho đoàn thể họ.

        Sự quá đáng của sinh viên học sinh có thể nhìn thấy qua gương mặt các thầy, cô khi đứng lớp. Một ngày nọ, vị tỉnh trưởng triệu tập toàn thể thầy cô và học sinh vào một rạp hát để hiệu triệu và chỉ thị. Đại khái ông nói chính quyền cần sự ổn định để chống Cộng và xây dựng đất nước và cấm học sinh biểu tình, bãi khoá. Không khí trong trường vẫn còn có vẻ nặng nề, đó có thể là điều xảy ra cho hầu hết các trường trên toàn quốc nói chung và tại Saigon – Gia định nói riêng.
        Một hôm, Nguyên nhận được giấy gọi lên văn phòng Hiệu trưởng. Không biết chuyện gì xảy ra nên Nguyên rất lo, thầy Hiệu trưởng bảo cần nói chuyện với phụ huynh về hành vi và hành động của Nguyên. Nguyên giật mình vì không biết mình đã làm gì lỗi, có lẽ do xúc phạm đến thầy, cô một điều gì chăng?
        Ông Đức phải nghỉ một buổi sáng để cùng cháu đến trường, lúc cùng cậu gặp mặt thầy Hiệu trưởng Nguyên mới vỡ lẽ ra mình là một thành viên trong vụ rải truyền đơn bãi khóa trong trường. Nguyên khẳng định nói với thầy Hiệu trưởng:
        -   Thưa thầy con đã không làm chuyện đó và con sẽ không bao giờ làm chuyện đó.
        Thầy Hiệu trưởng nói:
        -   Được thầy tin, vậy em có biết ai đã làm không? Các thầy cô cho thầy biết em giao thiệp rộng rãi với các bạn, ắt biết ai đã làm.
        Nguyên đang suy nghĩ không biết vị nào đã ‘trù ếm’ Nguyên nặng như vậy, trước câu hỏi của thầy Hiệu trưởng Nguyên buộc phải trả lời:
        -   Thứ nhất là con không biết, thứ nhì là nếu con có thấy mà không biết chắc thì cũng không giám nói.
        Thầy Hiệu trưởng cho Nguyên ra ngoài, nói chuyện với ông Đức thêm một lúc. Khi ra về, ông Đức có vẻ rất giận và lúc về tới nhà ông trút mọi sự giận dữ trên Nguyên. Nguyên vẫn cho rằng mình bị oan, nhưng ai có thể giải được nỗi oan cho Nguyên bây giờ.
        Từ ngày xong kỳ thi Trung học đến nay Nguyên không có dịp đến nhà Kim nữa vì chẳng có lý do gì để đến. Sau mấy ngày liền Nguyên không gặp Kim nên hôm nay đến nhà Kim với lý do mượn cuốn sách. Do sự ồn ào trong gia đình làm Liên để ý và không hiểu sao Liên đã tò mò hỏi được nguyên căn và đem kể hết cho Kim, khi thấy Nguyên đến trước cửa nhà Kim đã nói ngay:
        -   Nghe nói Nguyên mới bị chuyện gì đó ở nhà phải không?
        Nguyên cười:
        -   Chuyện ở trường mới đúng, Nguyên bị tố là xúc động bãi khóa. Thật oan cho Nguyên quá !
        Cái lý do mượn sách không còn nữa, Nguyên hỏi qua loa việc học và bạn mới, trường mới của Kim rồi ra về. Tối đó, sau bữa cơm, Nguyên thưa chuyện với ông bà Đức:
        -   Cháu học trễ một năm, cháu muốn năm nay học luôn hai lớp một lần, cháu vẫn tiếp tục giữ chỗ ở trường Hồ Ngọc Cẩn nhưng sẽ để nhiều giờ học đệ Nhị và quyết đậu tú một năm nay. Ông Đức ôn tồn bảo:
        -   Cháu học như vậy có nổi không, cần giữ học bổng nếu không lại “xôi hỏng bỏng không” đấy.
        -   Cháu nghĩ là sẽ nổi, cháu muốn chứng tỏ là trong lúc này cháu chỉ biết có học mà không làm hay nghĩ gì khác.
        Bà Đức nghĩ khác hơn một chút, bà biết Nguyên đang “giao du” với Kim và nghĩ rằng Nguyên muốn như vậy để hơn Kim thôi.
        Nguyên học luyện thi tú tài 1 buổi tối ở một trường bảo đảm lập hồ sơ dự thi cho học sinh, qua một hình thức làm học bạ ma. Những giờ còn lại Nguyên học các môn phụ và chương trình đệ Tam như bình thường. Thấy Nguyên quyết định như vậy ông Đức không bắt Nguyên bỏ nhiều giờ cho các em nữa để có giờ học.
        Sự xáo trộn về chính trị vẫn tiếp tục, vẫn chưa có một chính quyền đủ để được lòng đại đa số quần chúng nói chung và đại đa số phe phái nói riêng. Trong không khí giáo dục, hầu như các trường lớp đã trở lại bình thường nhưng mọi học sinh, nhất là nam sinh, đã có nhiều mối lo ra mặt vì việc học, đậu, rớt giờ đây gắn liền với lệnh động viên. Tin tức chiến trường và sự tham dự của người Mỹ vào Việt Nam cho mọi người biết là cuộc chiến khó có thể chấm dứt nay mai.
        Nguyên phải gác bỏ hết mọi chuyện, chuyên tâm vào việc học. Trong lớp rất ít bạn biết chuyện Nguyên đang học đệ Nhị bên ngoài và cũng chẳng để ý vì là chuyện không cần thiết ngoại trừ Minh, vì Minh cũng đang cùng kế hoạch với Nguyên.
        Trong hai năm đệ Thất và đệ Lục, Minh và Nguyên khá thân nhau. Nhà Minh ở Lăng Cha Cả nên Minh thường đi học bằng xe ô-tô-buýt vàng trên tuyến đường Thị Nghè-Bảy Hiền. Chỉ có vài năm mà ngành giao thông công cộng gần như biến mất mà phần lớn do thiếu tài quản trị của người đầu ngành. Ô-tô-buýt vàng là một công ty tư nhân, chỉ khai thác tuyến đường Bảy Hiền
        -   Thị Nghè nhưng cũng chết theo ngành giao thông công cộng khu vực Saigon – Gia định.
        Từ đầu năm đệ Tam, một số “lão tướng” trong lớp đã nghỉ hẳn để chuyên tâm vào việc học đệ Nhị, chỉ có Minh là còn chân trong chân ngoài và nay thì có thêm Nguyên là đồng minh với Minh. Đã có lúc Minh rủ Nguyên đến học chung trường nhưng không tiện đường nên Nguyên từ chối.
        Ngọc theo ban A, anh chàng dự tính theo ngành thuốc sau này. Sau khi có kết quả thi, Ngọc đã rủ Nguyên nhưng Nguyên nói ngay là mình không có khiếu và cũng không có đủ điều kiện học, nên muốn vào ngành nào ngắn ngày giờ hơn như Phú thọ chẳng hạn nên mới chọn ban B. Do học khác lớp, do Nguyên ngại đến nhà Ngọc và do Nguyên quá bận nên chỉ thỉnh thoảng gặp Ngọc sáng chủ nhật.
        Đào và Hương cũng đã có nhiều thay đổi, gặp Nguyên các cô không còn vồn vã, nhí nhảnh như xưa. Có lẽ cũng tại Nguyên một phần vì sau khi nghe Kim nói người ta đồn Nguyên có tình ý gì với Đào hoặc Hương nên Nguyên đã cố tình giữ sự ngăn cách. Nguyên chỉ cầu xin là tin đồn ấy đừng bao giờ đến tai gia đình Ngọc.
        Một sáng chủ nhật Nguyên quyết định đợi Ngọc ở cổng nhà thờ lúc về để ghé nhà Ngọc. Ngọc bảo lâu qúa không có tay đá banh nên nói đây là dịp thuận tiện để cho tay chân khỏi ngứa ngáy. Khi thấy Nguyên đến nhà, mẹ Ngọc nói ngay trước khi Nguyên chào bà:
        -   Nguyên, lâu quá mới thấy anh ghé chơi.
        Nguyên chào bà, nói:
        -   Cháu lúc này bận học nên ít đi chơi bên ngoài.
        -   Mới đầu năm, nghỉ xả hơi đã.
        Nguyên không giám nói là bận học thêm, chỉ trả lời:
        -   Cháu thấy đầu năm hay cuối năm cũng như nhau, cháu sợ lơ đãng rồi theo không kịp.
        Mẹ Ngọc cười:
        -   Cháu biết nghĩ như vậy là phải, chẳng bù với thằng Ngọc, nó bảo đệ Ngũ là để ngủ, đệ Tam là để dưỡng sức nên không cần học nhiều.
        Nhìn thấy bàn banh có nhiều bụi, Nguyên biết có lẽ lâu lắm Ngọc cũng chẳng chơi đá banh bàn với ai. Con người ta có tuổi, tuỳ theo tuổi người ta có thú chơi hoặc trò chơi khác nhau. Mấy năm trước Nguyên còn chơi đánh đáo, tạc hình, đánh quay … rồi bỏ hết, quay qua những trò chơi khác. Nguyên nghĩ có lẽ đá banh bàn với Ngọc ngày hôm nay xong còn lâu lắm Nguyên mới lại có dịp như thế này. Tết đã đến mà Nguyên không để ý và cũng không háo hức mặc dù Nguyên vẫn mong tới Tết vì một năm có hai dịp Nguyên gặp mẹ và các em. Năm nay Nguyên thấy mình lớn hẳn ra vì mọi người trong gia đình đều coi Nguyên như một người lớn. Trước hôm nghỉ Tết Kim nói với Nguyên:
        -   Giao thừa năm nay Nguyên có đi Lăng Ông nữa không?
        -   Chắc có, nhưng Nguyên sẽ đến sau giao thừa vì Nguyên phải đi nhà thờ trước.
        -   Nguyên ngoan đạo nhỉ. Kim nói.
        -   Không biết Nguyên có ngoan đạo không, nhưng đó là thói quen và là điều bắt buộc trong gia đình nên Nguyên phải theo. Khoảng một rưỡi sáng Nguyên mới tới Lăng được.

        Nguyên cố ý nói giờ ra để hy vọng nếu Kim có đi thì sẽ đợi mình, đừng về sớm.
        Sau những thủ tục giao thừa, Nguyên thả bộ ra Lăng Ông, mong là Kim còn ở đó mà chưa về. Trong Lăng người còn đông nghẹt, có lẽ do thời thế nên người ta trông cậy vào các đấng Thần linh nhiều hơn. Người ta nói “phú qúy sinh lễ nghĩa” là nói theo cách lễ nghĩa hay lối lễ nghĩa chứ theo Nguyên nghĩ thì càng gặp khó khăn con người càng cầu xin, khấn vái nhiều hơn. Thậm chí có những người quá cùng khổ, họ cũng đến nhà thờ, chuà, lăng tự để trách móc Chúa, Phật .. là đã làm cho họ quá khổ.
        Nguyên thấy Kim ngay sau khi bước vào cổng, có cả Liên và một người cùng xóm mà Nguyên chỉ biết mặt chứ không biết tên, Nguyên mở miệng ngay:
        -   Năm mới chúc Kim, Liên và … an vui và nhiều may mắn. Nguyên ngừng ở chữ và một chút, trước khi nói hết câu.
        Kim và Liên cũng chúc lại Nguyên sau đó Liên lấy lý do phải về vì không muốn mẹ đợi cửa. Sau khi Liên và người bạn ra về Nguyên quay sang nói với Kim:
        -   Nguyên tưởng Kim về rồi, sao năm nay Kim xin xâm chưa?
        -   Kim xin rồi, giống y hệt năm ngoái.
        Nhớ năm rồi, sau khi xem lá giải thẻ xâm của mình, Kim có vẻ tư lự không vui. Nguyên muốn biết nên hỏi bâng quơ:
        -   Chắc là quẻ tốt rồi vì Kim đỗ cao lại được vào trường lớn.
        -   Có một điểm Kim không hiểu là Kim chưa hề nghĩ gì về tình yêu hết mà cả hai lần quẻ đều nói đến.
        Nguyên tin là Kim nói thật về chuyện này, ngay như Nguyên đây cũng chẳng biết tình yêu là cái gì hết. Nhưng Nguyên nhớ trong năm đệ Lục, thầy Thế dạy Việt văn có định nghĩa “yêu là muốn gần nhau” và nếu thế thì cả Nguyên và Kim đều đang yêu mà không biết vì Nguyên muốn gần Kim, muốn được ở bên cạnh Kim. Ngược lại Kim cũng muốn gần Nguyên vì nếu không muốn thì tại sao Kim lại đợi Nguyên ở đây làm gì.
        Nguyên bảo năm nay thôi không xin xâm, dùng chung số của Kim cũng được, nhưng Kim nói:
        -   Không được, nam mạng và nữ mạng khác nhau, không thể dùng chung được.
        -   Cũng được, Kim có số giống năm trước thì cứ coi như Nguyên cũng có số giống năm trước đi.
        Nguyên nghĩ đời người đều có số cả và duyên phận con người cũng đã được xếp đặt trước từ đâu đó mà với sức lực của con người, khó có người thắng được số mệnh của mình lắm ngay cả những người chuyên tu thân, tích đức.
        Những tín đồ Thiên Chúa giáo cho rằng Chúa đã an bài cuộc sống của họ, những tín đồ Phật Giáo cho rằng Phật Trời đã an định cho họ và tuỳ thuộc vào kiếp trước của họ. “Thượng Đế đã an bài” là một câu ngắn, gọn nói về số kiếp con người.
        Riêng chuyện tình duyên, người ta chẳng nói đến ông Tơ, bà Nguyệt ấy sao. Ở phương Tây người ta cũng có một ông thần hay thánh gì đó, ông thánh Valentine hay ông thần Culpid thì phải, là những vị mà khi đã xe duyên cho ai thì cái tròng êm ái đó sẽ đeo suốt đời.
        Trời hơi lạnh, Kim và Nguyên thả bộ tới lui trong khuôn viên Lăng Ông, hai người như đang theo đuổi ý nghĩ riêng. Để xóa tan không khí yên lặng giữa hai người, Nguyên hỏi:
        -   Năm nay Kim ước mong điều gì?
        -   Bí mật, Kim ước mong ba má luôn an mạnh, Kim học hành tấn tới, các em ngoan và chăm chỉ. Vậy chứ Nguyên ước mong điều gì?
        Như đã chuẩn bị trước, khi Kim hỏi lại, Nguyên trả lời:
        -   Nguyên cũng mong học hành tấn tới, năm nay thi đậu và mong cho đất nước thanh bình.
        Nguyên và Kim nói chuyện không đâu vào đâu một lúc nữa rồi ra về vì Đạt, em Kim, đã từ phía trong đi ra nói:
        -   Chị Hai, kiếm hoài không thấy đâu, thôi đi về đi.
        Nguyên cũng về cùng với hai chị em Kim, cả ba về ngang qua rạp hát Cao Đồng Hưng, những bàn bầu cua bày trước sân rạp hát vẫn còn rất sôi nổi.
        Kim vào nhà, Nguyên trở về nhà mình. Các em vẫn còn đánh bầu cua, Nguyên bảo các em cho chơi với và đòi làm cái nhưng chẳng đứa nào chịu. Không làm cái thì làm người chơi vậy, Nguyên móc túi lấy tiền và lôi ra tờ giấy giải quẻ của Kim, không biết đã bỏ vào túi lúc nào.

        Nguyên chơi một lúc lấy cớ là đen quá nên nghỉ, chạy lên gác vội vàng lấy tờ giấy ra xem. Có nhiều chi tiết Nguyên không hiểu được nhưng đại khái trong vấn đề tình cảm quẻ xâm cho biết rất nhiều trắc trở và không bền. Nguyên tính thế nào cũng phải tìm một ông thầy để ông ấy giải cho xem sao.

        Chiều mồng một, Nguyên ra khu ngoại viên Lăng Ông để tìm một thầy giải quẻ xâm. Khách thập phương vẫn còn rất đông và các ông thầy bình thường rất vắng khách nay không đủ giờ để tiếp khách. Nhìn những ông thầy đeo kiếng đen, Nguyên không biết các ông có mù loà thật không mà lại vô lý nữa, mấy ông hành nghề ở đây phải biết chữ vì có đến 90 phần trăm khách hàng muốn các ông giải lá xâm, mà đọc chữ thì phải sáng mắt vậy tại sao các ông cứ phải đeo kiếng đen? Làm nghề thầy bói cũng hay, biết bắt mạch khách hàng, biết tâm lý một chút là khách hàng cứ khai ra rồi dựa vào mà nói. Nguyên biết vậy nhưng bài giải khó hiểu, các ông có kinh nghiệm sẽ giải được cho mình.
        Đi qua đi lại một lúc, thấy một ông thầy vừa có người khách đứng lên đi, Nguyên xà vào ngay:
        -   Năm mới chào thầy, xin thầy xem cho một quẻ.
        Dù đeo kiếng đen, nhưng ông thầy cũng ngước nhìn Nguyên từ đầu đến chân xem anh chàng này có giống mấy cậu học sinh ưa chọc phá các ông không, rồi sốt sắng nói:
        -   Cậu muốn xem gì? Tình duyên gia đạo hay chuyện học hành thi cử?
        -   Cháu muốn xin cụ giải cho lá xâm này vì cháu đọc mà không hiểu.
        -   Cậu đặt quẻ đi.

        Nghe ông nói đặt quẻ là Nguyên biết liền, hầu hết học sinh trường Nguyên học đều biết chuyện này. Nhiều cậu cắc cớ còn đeo kính đen ngồi ngay cả bên trong khuôn viên Lăng, đợi mấy tà áo trắng đi qua xin bói không công cho một quẻ.
        Nguyên đặt tờ mười đồng vào chiếc đĩa, Nguyên nghe có người nói đặt quẻ càng nhiều thì thầy bói càng linh. Điều đó cũng công bình thôi, bói toán là một dịch vụ, trả tiền cao sẽ được phục vụ chu đáo hơn.
        -   Cháu chỉ xin giải tờ xâm Đức Tả Quân cho thôi.
        Ông thầy làm bộ không nhìn vào đĩa, cầm lấy tờ giấy, xem qua một lúc rồi nói:
        -   Tờ này không phải của cậu.
        Nguyên giật mình là tại sao ông thầy biết, lúc đó Nguyên mới nhận ra tờ giấy của nữ mạng chứ không phải của nam mạng. Đã đâm lao thì phải theo lao, Nguyên nói:
        -   Dạ, không phải của cháu mà của chị cháu, có lẽ chị cháu cầm lộn tờ của cháu, xin thầy cứ giải cho ngày mai cháu mang tờ của cháu đến nhờ thầy giải thêm cho.
        Không ngờ lời nói dối của Nguyên làm ông thầy tin hay ít ra cũng có vẻ tin, nhất là được khách hàng hứa mai xin giải tiếp nữa thì tội gì mà không giải cho xong.
        -   Chị cậu có người yêu hay ý trung nhân chưa?
        Nguyên ấp úng:
        -   Chắc chưa, cháu không thấy chị cháu quen với ai hết.
        Rồi ông thầy chắc lưỡi:
        -   Quẻ của chị cậu rất tốt, tương lai đi mây về gió, có điều là gặp ngang trái với một người nhỏ tuổi hơn mình nhưng rồi qua đi rất mau.
        Ông còn giảng thêm một vài chuyện gia đạo nữa nhưng Nguyên không để ý theo dõi, cuối cùng ông thầy nói:
        -   Không có chị cậu ở đây tôi không thể nói hết được vì còn cần phải coi sắc diện và chỉ tay. Ngày mai cậu bảo chị cậu ra đặt quẻ tôi xem tiếp cho.

        Nguyên cám ơn ông thầy rồi ra về, trong thâm tâm suy nghĩ lời ông thầy nói. Kim gặp ngang trái với một người nhỏ tuổi hơn, ai đây? Nguyên học trễ mất một năm thì chắc chắn phải lớn hơn Kim, vả lại Kim cũng không già dặn gì hơn Ánh thì nhất định là phải nhỏ tuổi hơn Nguyên. Làm thế nào để biết tuổi đích thực của Kim đây, không thể dang tự nhiên mà hỏi Kim được.

        Từ Tết đến hè sao mau thế, Nguyên càng chuẩn bị ráo riết cho việc thi, nếu ở lại thêm năm đệ Nhị sẽ làm Nguyên rất nản, vả lại thế nào thì thế cũng phải học trên Kim một lớp để nếu lỡ mồm gọi Kim bằng em cũng không ngượng. Trong lúc Nguyên chưa biết dùng cách gì để biết tuổi Kim thì tờ “Văn Nghệ Tiền Phong” có bài bói toán qua ngày sinh tháng đẻ. Chộp được cơ hội Nguyên đánh bạo qua nhà Kim nói chuyện học hành rồi sang chuyện bói toán và để làm cho Kim phải đi vào cái bẫy của mình. Nguyên tiết lộ là hôm Tết có đọc tờ xâm của Kim nhưng chẳng hiểu gì cả, định mang trả nhưng bỏ đâu mất và nhớ số nếu Kim có đòi sẽ vào Lăng lấy lại mấy hồi.

        Quả nhiên Kim mắc bẫy, Nguyên bảo Kim dùng ngày sinh tháng đẻ của mình để tính toán ra con số xem tốt hay xấu. Nguyên giật mình khi thấy Kim viết ngày sinh tháng đẻ của Kim trên giấy, không phải là nhà toán học Nguyên cũng nhận ra được là mình nhỏ hơn Kim hơn 5 tháng. Vậy là đúng rồi, không lẽ chuyện tiền định đã được xếp đặt trước cho hai trẻ chưa hề nói yêu nhau sao?.

        Không tin, không thể có chuyện như vậy được, mấy ông thầy bói chỉ nói dựa chứ làm sao có chuyện như vậy. Không ai có thể biết được ngày mai mình sẽ ra sao, mình sẽ làm gì vì nếu ai cũng biết trước sự việc đến với mình hoặc được các ông thầy bói cho biết trước thì chẳng ai bị tai nạn oan uổng.

        Trong một chuyện cổ tích dân gian, có một con chó đá báo cho người thư sinh biết anh sẽ làm quan to rồi cũng chính nó báo cho anh biết kết quả xấu để anh phải tu tỉnh. Nay Nguyên biết Kim gặp ngang trái mà người ấy có thể chính là Nguyên thì tại sao Nguyên không tìm cách để giữ Kim, để chấm giứt, để tháo gỡ, phá tan cái ngang trái mà hai người sẽ gặp.

        Nguyên cũng viết tuổi của mình ra, định viết trệch đi một năm để lớn hơn Kim nhưng nghĩ sao Nguyên viết ngày sinh tháng đẻ thật của mình. Kim hơi giật mình vì cô liên tưởng ngay đến hai bài giải xâm mà cô thành khẩn cầu xin trong hai đêm giao thừa. Vì giật mình nên Kim nhận ra ngay là mình đang có một cảm tình đặc biệt gì đó với Nguyên và có một ngang trái, ngăn trở giữa hai đứa.
        -   Vậy là Nguyên phải làm em Kim đấy nhé. Kim nói cho tan sự im lặng của hai đứa.
        Nguyên cũng phải nói đùa:
        -   Cũng được, làm chị là phải chiều chuộng em đấy nhé.

        Những ngày thi qua mau, Nguyên theo đúng chiến thuật là đánh đợt một rất kỹ để đợt hai nếu có rớt thì còn khóa hai. Sau khi xem các bài giải trên báo Nguyên biết chắc chắn mình đủ điểm đậu nhưng vẫn rất hồi hộp. Ngày ‘kéo bảng’ rồi cũng tới, khi thấy tên mình trên bảng Nguyên rất vui mừng, ít nhất cũng đã qua được một cầu, cái công hàng ngày đạp xe đi học thêm đã được đền bù. Sau khi báo cho nhà và Kim biết tin, Nguyên xin phép ông bà Đức đi Long Khánh thăm mẹ và các em.

        Sau hơn một tuần vui chơi ở Long Khánh, Nguyên mang về Gia định những bụi đất đỏ của vùng đất phún xuất thạch cổ. Ngay tối hôm đó, sau khi cơm nước xong ông Đức bảo Nguyên ở lại bàn cho ông nói chuyện, ông mở đầu:
        -   Cháu đự định sẽ làm gì cho năm học tới?
        Chưa chuẩn bị trong đầu, Nguyên thưa:
        -   Cháu định kiếm việc làm một buổi còn một buổi đi học.
        -   Cậu thấy cũng được nhưng cháu cần giữ chỗ ở Hồ Ngọc Cẩn, đi học thêm buổi tối và cứ ở nhà chăm sóc các em cho cậu mợ.
        Nguyên nghe cậu lo liệu cho mình như vậy nên trả lời:
        -   Vâng, cậu mợ muốn vậy cháu xin nghe theo.
        Chợt ông Đức hắng giọng và nói:
        -   Cháu có đi lại với cô Kim tromg xóm này phải không?
        Thấy cậu hỏi với giọng đặc biệt như vậy, biết là có chuyện quan trọng nên Nguyên cẩn thận đáp:
        -   Vâng, chúng cháu học chung với nhau.
        Suy nghĩ một lúc, ông Đức nói:
        -   Đó là năm trước kìa, năm nay có khác.
        Không biết có chuyện gì, Nguyên muốn tìm hiểu:
        -   Vâng, năm nay khác nhưng chúng cháu vẫn có thể học chung, có chuyện gì vậy thưa cậu?
        -   Mấy hôm trước bố của cô Kim sang nói chuyện với cậu là ông ấy cần gặp cháu để cho biết là cháu không nên và không có chuyện gì cần phải qua bên nhà ông ấy nữa đồng tời cũng không nên tìm cách gặp cô ấy nữa.
        Từ ngạc nhiên sang hoảng hốt, Nguyên không biết mình đã làm gì lỗi để ba của Kim phải sang tìm mình và coi như cấm mình giao thiệp với con gái ông. Nguyên ấp úng nói với ông Đức:
        -   Cháu không làm gì quấy, tại sao có chuyện lạ vậy ! Để cháu tìm ra lẽ.
        Ông Đức khuyên Nguyên không nên qua gặp gia đình Kim lúc này:
        -   Cháu đợi từ từ, ngay lúc này không tốt. Vả lại cháu còn trẻ mà để ý tới chuyện trai gái làm gì ?

        Chết thật, đành rằng trai gái đến tuổi Nguyên và Kim quen nhau, biết nhau, thân thiết với nhau đều có thể là do kết qủa của tình cảm, của con tim nghĩa là có thương, có nhớ, có mơ mộng, có quyến luyến, có giận hờn. Đối với những người như Nguyên, yêu thương, trộm nhớ một người có cảm tình với mình là một chắp cánh, một hy vọng, một ước mơ. Nhưng đối với người lớn, khi nói chuyện trai gái trong tuổi học trò là một điều không đúng, cái tự do luyến ái đó có khi còn là một cái tội .

        Nguyên chưa hề nghĩ tới việc mình sẽ nói chuyện yêu đương với ai. Với Ánh trước đây, biết rằng tình yêu có thể đang bắt đầu nhen nhúm trong mình, cái rung động, cái rạo rực đang xâm chiếm trái tim Nguyên nhưng Nguyên thấy rằng cả hai còn rất trẻ nên không thể nói và không được nói. Với Kim bây giờ, tuổi đời của cả hai đủ để mà nói cho nhau biết tình cảm của mình, được phép bộc lộ ánh mắt, nụ cười, được hẹn hò, nhưng Nguyên vẫn nghĩ rằng hãy cứ để cho tình cảm chín mùi, hãy cứ để cho cuộc đời trôi qua và bốn hoặc năm năm nữa, lúc ấy nói với nhau cũng chưa muộn.

        Dù hè qua thật chậm, đầu năm học mới đã gần kề, Nguyên vẫn chưa biết lý do gì mà ba của Kim cấm chân Nguyên. Trong hơn một tháng qua Nguyên đã cố gắng tìm gặp Kim nhưng không có kết quả, Nguyên chợt nghĩ đến Liên, may ra Liên có thể giúp được vì Liên và Kim khá thân với nhau, nhưng làm cách nào để hỏi Liên đây, chỉ còn cách sang nhà để hỏi vì bà Đàm sẽ không để ý đến đâu.

        Một chiều, Nguyên mạnh dạn sang nhà Liên, Nguyên hỏi ngay khi gặp bà Đàm:
        -   Liên có nhà không thím, cháu muốn nhờ Liên một tí chuyện.
        Bà Đàm rất thân thiện:
        -   Có, em có nhà. Rồi bà đi vào trong gọi Liên ra:
        -   Liên, có anh Nguyên muốn hỏi con chuyện gì này.
        Phải mất vài phút Liên mới từ trên gác xuống, Nguyên mở đầu:
        -   Nhanh nhỉ, xắp hết hè rồi, năm nay phải thi Liên có lo không?
        -   Cũng lo chứ, Liên đang xin mẹ cho đi học thêm. Trường anh với chị Kim học năm trước chắc họ dạy giỏi lắm vì cả anh lẫn chị Kim đều đỗ cao. Liên cũng muốn đỗ cao để được vào Lê Văn Duyệt như chị Kim.
        Ra vẻ rất rành về chuyện học, Nguyên nói:
        -   Cũng nên đi học luyện thi vì trường mình học chỉ dạy tổng quát, không gò bài như trường luyện thi điều đó có cái hay là để học sinh tự phát, tự tìm tòi để giải quyết vấn đề, không nhồi sọ nhưng đi thi là học sinh bị kẹt vì cái lối ra đề thi của bộ Giáo dục. Đôi khi ở trường luyện thi họ dạy bài tủ, khuyến khích học sinh học gạo nhưng lại có kết quả trước mắt và trường càng có nhiều bài tủ càng có đông học sinh.
        Không ngờ Nguyên nói trôi chảy như vậy, Nguyên thấy mình có lý vì báo chí chẳng nói lối dạy và học ở nước mình chẳng là lối học nhồi sọ, từ chương đó sao. Chuyện trước mắt đây là phải hỏi về Kim nên Nguyên trở lại mục đích cuộc gặp Liên hôm nay:
        -   Lâu nay Liên có nói chuyện với Kim không?
        -   Có, mới nói chuyện với chị ấy hôm qua. Rồi rất ranh mãnh Liên tiếp:
        -   Tưởng phải hỏi anh câu ấy mới đúng chứ. Nguyên nghĩ: may quá, có lẽ Liên biết chuyện nên nói ngay:
        -   Lâu rồi tôi không có cơ hội gặp Kim và không sang nhà Kim được vì ba Kim cấm, tôi cũng không hiểu tại sao ba Kim không cho chúng tôi gặp nhau.
        Tần ngần một lúc, Liên nói:
        -   Lẽ ra Liên không được quyền nói nhưng thà cho anh biết còn hơn, có hai lý do mà ba chị Kim không muốn anh và chị Kim tiếp tục gặp gỡ nhau, thứ nhất anh là người đi đạo và thứ nhì anh là người Bắc.

        Nguyên chết lặng, không ngờ ba Kim bảo thủ và hẹp hòi đến thế. Không biết nói gì hơn, Nguyên chào Liên về nhà.

        Có nhiều vấn đề đã đưa con người đến chiến tranh và hai trong số những vấn đề ấy là vấn đề tôn giáo và vấn đề chủng tộc. Theo Nguyên nghĩ không có tôn giáo nào dạy tín đồ mình làm điều xấu. Đạo nào cũng hướng, cũng dạy cho con người đến chân, thiện, mỹ. Đạo nào cũng dạy con người biết làm điều lành, tránh điều dữ, sống lương thiện, có lòng từ bi, bác ái, sống cho tha nhân và vì tha nhân.

        Người Nam hay người Bắc cũng là người Việt Nam, nếu nói theo tôn giáo thì tất cả loài người là một chủng tộc, là anh em với nhau và nếu như thế thì một người Nam phi hay một người Mỹ đều được sống và có quyền sống. Do hoàn cảnh lịch sử, đất nước ta bị chia làm ba miền và những người đứng sau đã lợi dụng cái hố ngăn địa dư, thậm chí cái giọng nói để cố tình mưu lợi cho họ vì chủ trương của họ là chia nhỏ ra, phân tán ra mới dễ cai trị.

        Tiếc thay cái quan niệm về đạo tôi tốt, đạo anh xấu, chỉ có tôi mới là người Việt Nam anh là người từ nơi khác đến đã vô hình và vô tình ăn vào tâm trí một số người Việt Nam. Cái vô hình tiềm ẩn trong tâm tư một số người đã vô tình gây nên bao nhiêu sự xung khắc, sự chống đối giữa người và người, giữa miền này với miền kia, giữa đạo này với đạo khác.

        Giờ này đây, nạn nhân của quan điểm lỗi thời, của sự xung khắc phi lý ấy là Nguyên, tự nhiên Nguyên thấy ba của Kim hủ lậu và nhỏ bé quá. Cũng có thể là trong vài năm qua, cuộc đảo chánh lật đổ chế độ đệ nhất cộng hoà và những cuộc đảo chánh, chỉnh lý nho nhỏ kế tiếp đều bắt nguồn do vô tình hay cố ý từ cái quan điểm lỗi thời ấy. Cũng có thể là do những vị phù thuỷ, tà phép đã dùng bùa phép của mình để mưu cầu cho một lợi ích riêng tư của họ.

        Một cậu học sinh chưa hết bậc trung học như Nguyên không thể nghĩ nổi, không thể hiểu nổi tại sao. Muốn hỏi không có người để hỏi, muốn được hướng dẫn không có người hướng dẫn. Trong trường học, các thầy cô đã làm hết sức mình để truyền thụ kiến thức, để dạy dỗ thế hệ trẻ nên người. Có những bài học dạy sự đoàn kết, có những bài học dạy nhân nghĩa, có những bài học dạy lòng trắc ẩn, lòng bác aí, lòng tương thân tương ái. Nhưng ngoài xã hội, người ta tranh giành nhau, người ta xâu xé nhau, người ta tạo mối thù cho nhau. Cái học ở nhà trường và cái hành ở ngoài đời nhiều khi mâu thuẫn với nhau, khác biệt nhau một trời một vực.

        Nguyên nhớ có đọc ở đâu liên quan tới môn học là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra ai cũng có lòng thiện, cái gốc của con người là thiện và xã hội đã biến đổi con người. Thế nhưng xã hội do đâu mà có? Xã hội chẳng phải do con người tạo nên sao? Cái mâu thuẫn cứ xoay quanh trong đầu làm Nguyên cảm thấy choáng váng, ngộp thở, cảm thấy muốn làm một cái gì đó nhưng chịu bó tay.

        Nằm vắt tay lên trán, hình ảnh Kim, Ánh rồi Liên, Đào lởn vởn trước mắt Nguyên. Có nên tin Liên hay không? Có lẽ thật vì chẳng có gì mà Liên phải đặt chuyện vì chỉ có thế thì ba Kim mới tìm Nguyên để thông báo. Lúc Ánh về Đà nẵng, Nguyên thấy mất một thứ gì yêu qúy và thứ ấy vĩnh viễn đi mất, Nguyên có muốn tìm kiếm thì cũng là cả một vấn đề. Nay có lẽ Nguyên mất Kim nhưng Kim vẫn còn đó, mấy ngày nữa đây đi học thế nào cũng thấy nhau, gặp lại nhau nhưng bây giờ gặp lại nhau là một sự tội lỗi vì đã có sự cấm đoán của gia đình.

        Ông Đức quyết định là Nguyên tiếp tục học đệ Nhị giữ chỗ và giữ học bổng để lấy tiền đóng tiền học luyện thi tú tài 2. Ông Đức bảo Nguyên:
        -   Cháu chỉ nên học luyện thi, ít giờ đến trường hơn và tiền học tương đối rẻ hơn, các môn phụ cháu cứ mua sách về chăm chỉ học là được.
        Ngày tựu trường, Nguyên đứng đón đường Kim và trao cho Kim một lá thư. Kim nhận và nói sẽ trả lời Nguyên vì hai đứa không có lỗi gì với nhau. Nghe như vậy Nguyên thấy chắc là Liên nói thật. Hai ngày liên tiếp Nguyên đón đường Kim nhưng không gặp. Ngày kế tiếp Nguyên đi học rất sớm, Nguyên ra tận mãi phía cổng chính của lăng Đức Tả Quân đứng đợi.
        Những tà áo trắng đi qua, thỉnh thoảng có những nhóm vài ba người. Có những cô nhìn Nguyên, nói gì đó rồi cả nhóm cười khúc khích với nhau. Kim và Nguyên thường đi chung với nhau rất nhiều người biết, nay thấy Nguyên lủi thủi một mình nên các cô cho rằng Nguyên và Kim đang có vấn đề gì với nhau. Thường trong lứa tuổi học trò, người con trai ưa bị coi là còn non nớt, dễ bị bỏ rơi hoặc bị lãng quên.
        Kim đi bộ tới, nhìn Kim gần đến Nguyên rất hồi hộp và hy vọng lần này thế nào cũng biết tin. Nguyên đến gần Kim nói ngay:
        -   Mấy bữa nay trông Kim hết sức, Kim đã đọc thư Nguyên chứ?
        -   Kim đọc rồi và viết trả lời Nguyên đây.

        Kim mở cặp lấy đưa Nguyên một bì thư màu xanh, Nguyên cầm lấy muốn mở ra đọc ngay nhưng nghĩ những giây phút đang được gần Kim đây nên bỏ thư vào túi áo rồi cùng đi với Kim đến trường. Nguyên đợi cho Kim khuất vào cổng trường mới đi bộ về trường mình. Nguyên muốn tìm một chỗ nào đó trong sân Lăng đọc thư của Kim ngay nhưng sợ trễ giờ học nên vội vàng về trường kẻo đi trễ mà gặp thầy tổng thì thế nào cũng được thầy lấy tên cho vào sổ “những tên đi trễ” của thầy.

        Suốt buổi học đầu Nguyên chẳng thu thập được gì. Có hai yếu tố làm cho việc học của Nguyên lúc này không được lưu tâm đến, thứ nhất là mọi sự Nguyên học bây giờ coi như là học lại và thứ hai là nỗi bồn chồn, nóng lòng của Nguyên.

        Những năm trước đây, khi có những truyện để đọc lén bọn Nguyên đều có thể chuyền tay trong lớp mà đọc. Có một lần Nguyên và mấy bạn làm báo lậu, viết văn thì ít mà viết tào lao thiên địa thì nhiều, cũng đóng bìa, vẽ màu rồi chuyền nhau đọc. Được một kỳ, bọn Nguyên hăng máu làm kỳ hai, nhiều trang hơn và kết qủa là đã bị thầy Thế tịch thu trong giờ Việt Văn của thầy. Tý nữa cả bọn còn bị ra hội đồng vì trong đó có người viết bài phạm thuần phong mỹ tục . Nguyên lén đọc thư Kim trong lớp lúc này thế nào mà chẳng có bạn để ý, họ sẽ đè Nguyên ra mà lấy chứ chẳng phải chơi. Nguyên đành bấm bụng về đến nhà mới đọc.

        Ngày x tháng y năm 1965

        Nguyên,

        Không ngờ là Liên đã nói cho Nguyên nghe lý do ba Kim cấm cản Kim tiếp xúc với Nguyên, Kim chẳng biết nói gì hơn vì đó là quyết định của ba mà Kim là con, không có quyền cãi lại.

        Ba Kim nói là ba làm chuyện này sớm trước khi Kim và Nguyên có thể đi xa hơn về vấn đề tình cảm, ba sợ là lúc đó ba không thể ngăn được ba sẽ phải từ Kim và nếu bây giờ Kim không nghe lời ba thì ba cũng sẽ từ Kim.

        Kim đã thưa với ba về chuyện chúng mình chỉ là bạn, giúp nhau học tập chứ không có ý gì khác nhưng ba nhất định không chịu thành ra Kim cũng không biết nói sao.

        Có lẽ Nguyên sẽ cho là ba Kim cổ hũ, lạc hậu khi mang vấn đề tôn giáo và địa phương ra để ngăn cản con cái. Kim rất mong Nguyên thông cảm cho ba vì bao năm nay, từ một người sinh sống trong một khu vực ít va chạm, ít thay đổi, mọi người chung quanh đều coi nhau như là bà con nay gia đình Kim phải sống với nhiều va chạm trong cuộc sống nên ba Kim trở nên độc đoán khi nhận định về con người. Tiếc thay ba đã nhận định quá độc đoán đến độ sai lạc về Nguyên.


        Hy vọng Nguyên hiểu và chúng ta luôn luôn giữ cho nhau tình bạn tốt đẹp.

        Kim


        Mặc dù không đồng ý với Kim nhưng Nguyên thán phục Kim qua cách bênh vực cho cha vả lại Nguyên thấy Kim cũng không thể nào làm sao hơn được. Kim đã tuyên bố đầu hàng như vậy là Nguyên không có đồng minh để chiến đấu cho một cuộc chiến mà phần bại đã nắm chắc trong tay.


        Còn tiếp
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.12.2008 05:39:24 bởi Ct.Ly >
        #4
          BanHien 04.08.2008 12:20:43 (permalink)
          (tiếp theo và hết)

          5. LIÊN

          Từ ngày Cha Thiện đổi về làm chính xứ ở nhà thờ Bà Chiểu, Nguyên trở thành cậu “từ”, một người thân tín làm các việc trong nhà xứ. Hàng ngày, sau bữa cơm trưa, Nguyên mang sách vở, đạp xe vào nhà xứ, ở đây Nguyên giúp Cha Thiện một vài việc nhỏ rồi đem bài ra học.

          Cha Thiện biết Nguyên từ ngày cha còn làm cha phó xứ Bắc hà, cha rất thương Nguyên nhất là lại được thầy Thanh giới thiệu như là học trò ruột của thầy. Thầy Thanh đã có một thời sống trong dòng tu nhưng thầy nói thầy không được ơn kêu gọi nên xuất ra làm nghề dạy học. Thực ra thầy còn được thay cha chính xứ như là hiệu trưởng trường Minh Tân, có thẩm quyền giải quyết tất cả các vấn đề hành chánh của trường. Ngoài ra thầy còn ở trong một gian nhà cùng dãy với các linh mục của xứ.

          Ngay trong thời kỳ học lớp Nhất, cha Thiện đã có ý gửi Nguyên đi tu sau khi học xong tiểu học nhưng mẹ Nguyên không chịu. Bà bảo Nguyên là con lớn, nếu cha bằng lòng bà sẽ cho em của Nguyên đi tu. Khi Nguyên rời Bắc hà, đã có lần cha nhắn người bảo mẹ Nguyên gửi Nguyên về với cha nhưng mẹ Nguyên sợ cha vướng chân vướng cẳng, vả lại bà nhất định không muốn cho con đi tu vì sợ sau này không thành sẽ không trả được “cơm Đức Chúa Trời”.

          Chỉ một tuần sau khi cha Thiện về Bà Chiểu, Nguyên đã đến chào cha. Cha Thiện không khác xưa bao nhiêu nhưng Nguyên đã cao lớn ra nên mãi một lúc sau cha mới nhận ra. Chỉ cần vài tuần sau nữa là bao nhiêu chuyện trong mấy năm liền được Nguyên thưa lại với cha hết, dĩ nhiên chuyện Ánh, Kim, Liên, Đào và các buổi vào Lăng đều được Nguyên giữ kín. Cha Thiện có cái nhìn hơi khác với nhiều người khi một lần thấy Nguyên trước cửa phía sau Lăng:
          -   Lăng tẩm, chùa chiền, nhà thờ … là nơi thờ phượng, là nơi yên tĩnh để con người có nơi tiếp xúc với chính mình và với Chúa, với Phật, với Thần linh. Nếu các con vào mà thinh lặng, không quấy phá người khác thì không có lỗi nhưng nếu vào để vui chơi thôi thì không nên.
          Ngày qua ngày, như một cái máy, Nguyên chỉ chăm chú việc học, giúp cha làm một số công việc văn phòng như đánh máy bản thông tin của xứ, hoặc thư từ cha phải gửi đi nơi này nơi nọ. Trước mặt Nguyên lúc này là mảnh bằng mà Nguyên phải cố giật cho bằng được.
          Sau Tết, chỉ còn vài tháng nữa là thi, Nguyên thưa chuyện với cậu:
          -   Bài ngày càng nhiều, cháu không thể học cả hai nơi một lúc được, chắc cháu phải nghỉ Hồ Ngọc Cẩn quá.
          Ông Đức nói là để ông suy nghĩ vài ngày rồi quyết định, ông cũng đích thân vào xin gặp thầy Hiệu trưởng kể rõ tình hình và hoàn cảnh của Nguyên và xin ông Hiệu trưởng cho Nguyên học lại đệ Nhất nếu Nguyên rớt năm đó. Được sự chấp thuận của ông Hiệu trưởng, Nguyên nghỉ ngay trong tuần đó và không hề báo cho bạn bè biết.
          Khi biết Nguyên đã nghỉ học, một buổi cha Thiện bảo Nguyên:
          -   Sao con không chuyển sang học ngày luôn, buổi tối ở nhà ôn bài.
          Nguyên trình bày lý do muốn tiết kiệm học phí cho cha rõ, cha Thiện bảo Nguyên mời cậu vào gặp cha để cha giải quyết cho.

          Cha Thiện không những giúp Nguyên những tháng còn lại về việc học. Cha Thiện còn đi xa hơn nữa là đã gửi Nguyên lên học đại học trên Dalat sau khi Nguyên đỗ Tú 2, nơi cha có một người bạn thân đang làm khoa trưởng của một phân khoa thuộc viện Đại học Dalat. Gia đình Nguyên không phải trả học phí và lệ phí nội trú chỉ phải trả có một nửa, còn ít hơn tiền Nguyên thu được do việc dạy kèm cho hai học sinh trong một gia đình cũng do cha Thiện giới thiệu.

          Mẹ Nguyên mừng lắm, từ nay bà không phải lo về vấn đề vật chất cho đứa con lớn và hy vọng bốn năm nữa, con bà sẽ giúp bà chăm lo cho các em.
          Dù đã lên Dalat học nhưng Nguyên về Long Khánh với mẹ và các em lúc hè và dịp Tết, như thông lệ cả gia đình về Bà Chiểu ăn Tết với ông bà Đức. Đêm giao thừa tiếng pháo nổ ròn, có những tiếng nổ chát chúa lẫn trong tiếng pháo mà ai cũng có thể nhận ra là tiếng súng. Có lẽ người ta đốt pháo ăn mừng nhiều hơn những năm trước.
          Qua sáng hôm sau, tin tức khắp nơi cho biết trong lúc tiếng pháo và tiếng súng hoà lẫn, những người lính phe Cộng đã tràn vào chiếm một số thị trấn và thành phố. Cuộc chiến không còn ở trong rừng hay những đồn bót xa xăm, cuộc chiến đã thực sự về thành phố.

          Bên tiểu khu Gia định cần một y tá đi tải thương ở khu đài phát thanh Saigon nên cho tài xế mang một xe cứu thương đến tận nhà kêu ông Đức đi. Khi đến nhà đón ông Đức, người tài xế còn chếnh choáng rượu Xuân, ông Đức bảo anh:
          -   Ngồi qua bên kia để tao lái cho.
          Người tài xế trẻ thường gọi ông y tá mình ưa lái xe cho là “thầy” và xưng là “em” nhưng trong những lúc thân mật ông Đức xưng mày tao với người tài xế. Cả hai thầy trò chạy về hướng lò heo cũ để vòng qua Hàng Sanh, về hướng Thị Nghè.
          Chưa đầy nửa tiếng sau, người tài xế hốt hoảng chạy về báo tin:
          -   Ông thầy chết rồi, Việt cộng đã bắn trúng đầu ông thầy khi xe qua ngang bót cảnh sát mà họ đã chiếm.

          Cả nhà không ai tin, nhưng sau vài phút, nhìn thấy nỗi kinh hoàng của người tài xế, mọi người đổ oà khóc.

          Phải mất vài ngày xác ông Đức mới được đưa về nhà xác Nguyễn văn Học và tẩm liệm ngay trong nhà xác dưới sự chứng kiến của Nguyên và người con lớn của ông bà Đức. Sau đó đưa về trạm xá tiểu khu thay vì về nhà. Sau khi chôn cất cậu, do tình hình còn khá phức tạp nên Nguyên phải ở nán lại vài tuần mới trở lên Dalat.

          Thời gian qua mau, vậy mà đã đến ngày giỗ giáp năm của ông Đức, bà Đức bảo Ngần viết thư lên Dalat cho Nguyên mời mẹ Nguyên và anh em Nguyên về dự lễ giỗ. Nguyên về Long Khánh trước mấy ngày rồi cùng mẹ và các em vào Gia định.

          Không khí Tết năm nay ở nhà bà Đức thật buồn, Nguyên biết vậy nên đã bàn với mẹ là làm sao cho mợ và các em vui nhưng mẹ Nguyên cũng buồn, bà đã mất đi người em thương yêu của mình. Sáng mồng 4 Nguyên thả bộ sang nhà Ngọc, may quá Ngọc đang chuẩn bị về đơn vị, từ một thư sinh ngày nào nay Ngọc trở thành một sĩ quan Biệt kích. Nguyên vào chúc Tết ba má Ngọc rồi chỉ cùng Ngọc chuyện trò chưa đầy nửa tiếng thì Ngọc phải đi.

          Nguyên thả bộ về nhà, một chiếc xe Peugeot đậu trước cửa nhà Kim và Kim trong chiếc áo dài màu xanh, màu đồng phục của hãng Hàng Không Việt Nam, từ trong nhà bước ra. Trong lúc đưa tay mở cửa xe, Kim thấy Nguyên, nàng dừng lại đợi Nguyên đến. Nguyên nhanh miệng chào ngay:
          -   Chào Kim, năm mới chúc mừng … ủa Kim đi làm rồi à?
          -   Năm mới chào Nguyên, Kim đi làm mấy tháng nay.
          Kim liếc nhìn vào trong xe thật nhanh rồi quay lại nói với Nguyên:
          -   Thôi, Kim phải đi đây, chúc Nguyên nhiều may mắn.
          Kim vào xe, chiếc xe rồ máy chạy vụt đi. Nhìn qua người trong xe Nguyên biết là kẻ thư sinh tay trắng như Nguyên sẽ chẳng còn bao giờ được gặp Kim. Mặc dù trong vài năm qua, Nguyên đã thực sự không nghĩ về Kim nữa nhưng trong lúc này, hơn lúc nào hết, Nguyên thấy tự ái bị tổn thương rất nhiều. Nắng sớm ngày Xuân chưa đủ nóng nhưng mặt Nguyên nóng ran. Về qua nhà Liên thấy cửa đóng im ỉm, Nguyên đoán có lẽ mẹ con Liên về ăn Tết với gia đình bên nội hoặc ngoại.
          Mẹ và các em vào Xóm mới thăm bà dì, Nguyên cần về Dalat sớm, lúc chào bà Đức và các em, Ngần nói với Nguyên:
          -   Nhà bà Đàm về Đà nẵng luôn rồi, hôm trước cô Liên có hỏi em địa chỉ của anh, em có đưa cho cô ấy. Anh đi đã lâu mà không thấy cô ấy nhắc gì đến, tưởng hai người vẫn liên lạc với nhau, nay nghe Liên hỏi em lấy làm lạ nhưng cũng chỉ cho cô ấy địa chỉ mà không hỏi lý do.
          Rồi Ngần cười chọc Nguyên:
          -   Liên hồi này đẹp lắm, anh mà thấy cô ấy bây giờ thì chắc là mê hết chỗ, mà hai người lúc trước thân nhau lắm mà.
          Nguyên lấy làm lạ, tại sao Liên lại hỏi địa chỉ mình hay là cô nàng phòng hờ khi về Đà Nẵng không có người quen nên làm bạn thư tín với mình chăng. Nếu Liên muốn làm bạn sao mấy năm nay không hỏi. Nguyên suy nghĩ và cố trả lời các câu hỏi trong lúc trên đường về lại Dalat.
          Khi về đến nhà trọ Nguyên thấy một bì thư dày trên bàn đề gửi cho mình. Người gửi lại là Liên nên Nguyên mở ngay ra đọc:

          Ngày v tháng 1 năm 1969

          Anh Nguyên,

          Chắc anh ngạc nhiên lắm khi nhận được thư này của Liên, Liên cám ơn Ngần đã cho Liên địa chỉ của anh để Liên có thể viết gởi đến anh. Vì trước sau gì Liên cũng phải thú tội mình cùng anh.

          Trước hết Liên xin anh tha thứ cho tất cả những lỗi lầm mà Liên sẽ nói ra từ đáy lòng Liên, có như vậy Liên mới đủ an tâm, thanh thản để sống. Chắc anh không thể ngờ được một người như Liên đã làm bao nhiêu tội tầy đình, Liên xin lần lượt kể rõ, thú tội cùng anh để mong anh tha tội cho.

          Sau khi ba Liên mất, má Liên rủ cô Hằng về ở cho vui và cùng làm ăn với má. Ánh và Liên tuy là hai chị em họ nhưng hai đứa là hai thái cực và đó là cái mà Liên đã không chịu được để rồi cô Hằng phải mang Ánh về Đà nẵng. Liên đã tự mình phân tích mình từ lâu, có lẽ cũng tại một phần do anh, anh đã để ý đến Ánh ngay tuần đầu nếu không muốn nói là ngày đầu. Làm sao mà Liên chấp nhận được một người như Ánh lại có thể hơn Liên, lại có thể chiếm được cảm tình và có thể cả trái tim của anh. Cái tệ hại nhất của Liên là đã cắt đứt liên lạc giữa anh và Ánh.

          Sau khi Ánh về Đà nẵng, Liên nghĩ thế nào anh cũng liên hệ với Đào vì anh thân với anh ruột của Đào, nhưng Liên đã nghĩ lầm vì ngay ngày đầu tiên khi chị Kim mới dọn nhà đến xóm mình, Liên đã thấy anh lưu ý đến chị ấy ngay. Có thể do chị Kim giống Ánh, giống đến độ Liên còn lầm nữa cơ mà. Liên không muốn anh thân với Đào nên chỉ còn cách kéo anh về với chị Kim, và “gậy ông đập lưng ông”, không ngờ anh và chị Kim cảm nhau nhanh đến thế.

          Liên biết anh là người tự trọng và không có tình ý gì với Đào cho nên đã rỉ tai với chị Kim là anh có tình ý với Đào, chỉ cần như vậy là anh sẽ tự động xa lánh Đào. Một mũi tên bắn hai con chim và Liên đã thành công. Việc ba chị Kim cấm anh giao thiệp với chị ấy chỉ là phát súng ân huệ cuối cùng bắn vào tình cảm giữa hai người vì chị Kim đã nghi ngờ anh từ phút ấy, nhất là khi chị Kim biết được chị là người rất giống Ánh.

          Kế hoạch của Liên thành công mọi mặt nhưng Liên đã không được gì, Liên đã hoàn toàn thất bại vì vẫn không được anh quan tâm đến. Từ chỗ thật sự cảm mến anh đi đến chỗ ghét anh và đi đến chỗ thù hằn anh nữa. Liên chưa có cơ hội và có lẽ chưa đủ bản lãnh để làm công việc trả thù anh. Có lúc Liên nghĩ rất điên rồ là một phát súng kết liễu đời anh và một phát súng kết liễu đời Liên là xong hết. Con tim sao nó rắc rối quá anh nhỉ!

          Ngày ba Liên còn sống, thấy ba để ý đến anh vì ba đã nghĩ đến một người con nếu còn sống sẽ bằng tuổi anh. Lẽ ra Liên phải mừng mới đúng nhưng Liên đã ghen tức về chuyện ba coi anh như là người thân. Từ cái ghen tức sang cái cảm tình rồi từ cái cảm tình sang cái thù hận. Anh Nguyên, sao con người như anh lại làm cho Liên điên đảo, tráo trở đến thế?

          Hơn một năm nay Liên đã suy nghĩ rất nhiều về những hành động của mình, Liên đã thấy không thể chiếm được anh thì cần được anh tha thứ cho các lỗi lầm của mình. Nhưng cái tự ái hão huyền của Liên đã kềm hãm Liên lại và Liên kỳ vọng thời gian là lớp đường phủ trên chiếc bánh sẽ hàn gắn tất cả.

          Khi về đến Đà nẵng Liên mới thấy bao nhiêu tội lỗi của mình càng không tha thứ được. Liên đã làm cô Hằng buồn mà cô chẳng hề hay biết, Ánh của cô đã bỏ nhà vào tá túc trong một ngôi chùa. Liên đã vào chùa thú tội cùng Ánh, đã cùng khóc với Ánh và kể hết những khúc mắc, những kế hoạch của Liên đã ngăn cách anh và Ánh để xin Ánh tha tội cho. Ánh đã hứa sẽ bỏ chùa về tục khi nào Liên được anh tha tội cho Liên.

          Anh Nguyên, Liên sẵn sàng vào thế chỗ Ánh và có thể làm bất cứ chuyện gì để được anh tha lỗi cho. Ánh đã quảng đại tha lỗi cho Liên thì cúi mong anh cũng tha lỗi cho Liên. Liên xin gửi kèm theo đây những lá thư mà Ánh viết nhưng chưa gửi đi, xin anh tha tội cho Liên về những lá thư Ánh đã gửi đi mà không đến anh được.

          Một người đang mong anh tha thứ,

          Liên



          Nguyên đọc lại lá thư của Liên một lần nữa trước khi đặt tay vào chồng thư của Ánh, thực ra đó là cuốn vở, một cuốn sách được đóng lại bằng nhiều tờ thư rời. Những lá thư đầu Ánh mở đầu với hai chữ “Anh Nguyên” nhưng những lá thư sau Ánh đã nắn nót mở đầu với bốn chữ “Anh Nguyên yêu dấu”. Lá thư chót viết cách đây gần 2 năm, có lẽ đó là lúc Ánh bỏ nhà vào sống trong chùa.

          Nguyên như sống trong mộng, đời sao lại lắt léo, éo le như thế. Một kiều nữ như Liên có nhiều lúc thật ngây thơ, hồn nhiên mà lại nhiều thủ đoạn như vậy. Nguyên tự trách mình vì không chịu tìm hỏi kỹ càng để tưởng rằng Ánh đã quên mình mà không liên lạc với Ánh. Mà mình có lỗi gì đâu, chẳng qua cũng do tài phù thuỷ của Liên thôi. Không biết Liên đã giải quyết với Kim chuyện Nguyên và Đào ra sao.

          Nguyên chạy ra ngoài sân, hít một hơi thật dài, Nguyên muốn hét lên thật lớn để giải toả sự giận dữ đối với Liên đồng thời để chào đón tin Ánh đang trông mong chờ đợi Nguyên. Bầu trời thật cao, ánh nắng vào trưa đã gắt hơn một chút. Những cụm mây trắng bay lừ đừ trên cao để lại những bóng mát nối đuôi đuổi nhau dưới đất. Nguyên muốn chạy theo những khoảng nắng loang lổ đó như chơi trong trò rượt bắt.

          Nguyên nghĩ trong đầu lá thư sẽ viết đến Ánh, không biết phải bắt đầu làm sao đây.



          Melbourne tháng 2 năm 2002
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.12.2008 05:36:20 bởi Ct.Ly >
          #5
            Ct.Ly 06.12.2008 05:44:59 (permalink)
            #6
              Ct.Ly 08.12.2008 05:10:36 (permalink)
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9