NGUYÊN NHÂN HS KHÔNG HỌC VĂN
Thanh Công 12.04.2008 12:45:47 (permalink)

                                            TÌM NGUYÊN NHÂN HỌC SINH
                                                        KHÔNG THÍCH HỌC VĂN
 
       Trong bài “Trăm dâu đừng đổ một… đầu tằm” (Giáo dục & Thời đại số 13 ngày 29/01/2005) anh Lê Trung nêu ra ba nguyên nhân dẫn đến môn Văn trong nhà trường xuống cấp, học sinh chán học văn là:
    - Áp lực việc làm, nghề nghiệp.
    - Văn hóa nhìn lấn át văn hóa đọc.
    - “Cưỡi ngựa xem văn” trong giảng dạy văn học và sự lỏng lẻo trong thi cử.
       Thoạt nhìn tưởng các luận điểm tác giả bài viết nêu ra đều đúng cả nhưng ngẫm kỹ thì thấy những điều trên chưa phải là những nguyên nhân cơ bản, cốt lõi.
      Môn Văn học trong nhà trường “xuống cấp” có nhiều nguyên nhân, nhưng theo chúng tôi có hai nguyên nhân cơ bản sau:
     1. Thầy cô giáo chưa toàn tâm toàn ý với nghề
       Nghề nào cũng yêu cầu phải có chuyên môn giỏi, tình yêu nghề tha thiết. Nghề dạy học (nhất là dạy văn) yêu cầu đó càng cao. Đúng như bạn Nguyễn Tường Lân viết: “Để thành công trong một tiết dạy học, giáo viên cần soạn bài, lên lớp bằng trái tim, khối óc và năng lực riêng của mình chứ không thể mượn bộ óc của người khác thay thế, không thể dùng cái đầu người khác điều khiển cái lưỡi của mình (GD&TĐ số 11, ngày 25/01/2005). Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là phần lớn giáo viên Văn học thường dùng các tài liệu “Hướng dẫn giảng dạy văn học”, “Phân tích bình giảng tác phẩm văn học” làm cẩm nang, chép thành giáo án rồi lên lớp “nói như sách”; có lúc nói rất hay nhưng chẳng hiểu mình đang nói gì bởi ý tứ ấy đâu phải là “máu thịt”, là “con đẻ” của người dạy. Như thế chẳng những bài dạy lộn xộn, vụng về, có khi “râu ông nọ chắp cằm bà kia” mà nguy hại hơn là học sinh cũng có các loại tài liệu đó. Vì vậy lòng kính trọng thầy cô của các em sẽ giảm sút. Những lời thuyết giảng phải sống chân thật, phải độc lập suy nghĩ trong khi làm bài của thầy trở thành mỉa mai trong con mắt học sinh. Bài dạy như thế, nhân cách người thầy như thế làm sao bảo học sinh thích học văn được!
       Sở dĩ có tình trạng trên là do sinh viên sư phạm sau bốn năm ngồi trên ghế nhà trường đại học tiếp thu được một khối lượng kiến thức tương đối đồ sộ cả văn và tiếng; cả văn học trong nước lẫn văn học nước ngoài. Sau khi ra trường họ rất chủ quan, tự cho mình đã “học mười” nay chỉ “dạy một” nên có tư tưởng “xả hơi”. Nhưng chương trình văn ở đại học và ở THPT không giống nhau, họ không thể bê kiến thức học được ở đại học vào dạy ở THPT được. Từ đó có không ít người cho rằng học lắm cũng chẳng ích gì. Họ tìm các loại tài liệu sát sườn và bỏ dần thói quen đọc sách báo, tạp chí. Chưa có thống kê  nào nhưng qua thức tế chúng tôi thấy rất ít giáo viên văn đặt mua Báo Văn nghệ, Tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí nghiên cứu Văn học, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ…Trong khi đó khoa học xã hội nói chung, Văn học nói riêng kiến thức thay đổi rất nhanh. Nếu anh không thường xuyên cập nhật kiến thức là trở nên lạc hậu, nói lại những điều người ta đã vứt vào rọt rác từ lâu.
      Việc giáo viên Văn chưa “sống chết với nghề” có thể do các nguyên nhân sau:
     - Đời sống của giáo viên tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Đồng lương của giáo viên hiện nay chưa cho phép họ mỗi tháng trích ra vài trăm nghìn đồng để mua sách báo.
     - Chưa có chính sách khuyến khích người tài mà còn mang tính bình quân, cứ “đến hẹn” lại lên lương như nhau. 
    - Cách ra đề thi thiếu tính sáng tạo; cách làm đáp án và cách chấm thi coi trọng đủ ý hơn là ý hay. Cách hiểu ra đề “phải nằm trong chương trình” mang tính máy móc nên cả thầy và trò chỉ dạy và học một số bài cố định trong sách giáo khoa.
     - Do ít đọc sách, ít viết bài cho báo, tạp chí… nên tình yêu văn chương của thầy cô cứ nguội dần theo năm tháng.
      2. Học sinh chưa yêu văn chương, phụ huynh xem nhẹ vai trò của môn Văn
      Điều này đầu tiên là hệ quả của việc thầy dạy dở, dạy đối phó; sau nữa là do học sinh không có lòng say mê văn chương. Có người lớn tiếng bảo “học sinh yêu văn học”, rồi họ chỉ ra truyện tranh in không đủ bán, nhiều học sinh đọc truyện trong lớp… Chỉ căn cứ vào các hiện tượng đó mà khẳng định học sinh yêu văn chương thì đúng là chỉ “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”. Việc đọc sách của học sinh chủ yếu nhằm thỏa mãn trí tò mò, các em chỉ đọc một số truyện tranh có nhiều yếu tố hoang đường hay li kỳ hoặc các loại truyện tình mùi mẫn còn mảng thơ ca và các loại truyện khác các em hình như không ngó ngàng đến. Vả lại, học sinh đọc để mà đọc, để thỏa mãn trí tò mò chứ không nhằm đọc để khám phá cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Sau khi các em đọc say mê một đống truyện tranh nếu ai đó bảo các em nêu một vài nhận xét về truyện đó thì các em sẽ lè lưỡi lắc đầu bỏ đi. Do đó chúng ta cũng chẳng lấy làm lạ là tại sao học sinh không đọc kỹ tác phẩm, không soạn kỹ lưỡng các bài văn trong sách giáo khoa trước khi đến lớp, không chịu suy nghĩ để cùng thầy khám phá nội dung và nghệ thuật bài văn, bài thơ. 
       Học văn là học người. Học văn giỏi không chỉ giúp học sinh khám phá thế giới nghệ thuật, hiểu biết sâu sắc cuộc sống, ứng xử tốt hơn trong mọi mối quan hệ hàng ngày mà còn giúp các em học tốt các môn học khác. Thế nhưng phần lớn phụ huynh quan niệm chưa đúng vai trò của môn Văn. Họ cho môn Văn không quan trọng bằng các môn thuộc khoa học tự nhiên và ngoại ngữ; rằng học văn dễ, không cần đầu tư nhiều thời gian công sức cũng có thể học được, làm được bài chứ không phải “cắn bút” như môn Toán, Lí, Hóa. Từ sai làm tai hại đó mà họ chỉ nhắc nhở con em mình ngày đêm luyện giải các dạng bài tập Toán, Lí, Hóa hoặc tìm những thầy cô giỏi các môn đó cho con em mình theo học.
         Nói tóm lai môn Văn “xuống cấp” là do từ cả hai phía: người dạy và người học nhưng trách nhiệm đầu tiên và chủ yếu thuộc về người dạy. Khi đọc bài này chắc chắn có nhiều đồng nghiệp phản đối và trách cứ chúng tôi sao dám vơ đũa cả nắm, sao cứ đổ lỗi cho giáo viên. Xin các bạn hãy bình tâm và ngẫm lại xem trong đời mình có được mấy bài giảng chúng ta “khơi những nguồn chưa ai khơi”, tìm tòi phát hiện ra những tầng ý nghĩa chìm lấp trong tác phẩm để truyền cảm xúc đến cho học sinh? Trong trường các bạn có được mấy giáo viên văn ngày đêm miệt mài đèn sách, lao tâm khổ tứ vì thơ văn, vì bài dạy? Trường các bạn có được bao nhiêu phần trăm học sinh yêu văn chương, say mê học Văn đến quên ăn quên ngủ?
 
                  (Bài đã đăng Giáo dục & Thời đại số 26/2005)
 
                 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.04.2008 12:48:42 bởi Thanh Công >
#1
    trái đất tròn 15.04.2008 09:16:59 (permalink)
    sao chúng ta cứ mãi đổ trách nhiệm xuống người dạy thế ( nếu vậy thì các thầy cô xưa nay luôn tận tâm tận lực trong công việc GIẢNG VĂN sẽ cảm thấy bất công quá). người ta sẽ không thể dạy tốt những gì người ta không yêu thích. ngược lại còn ngán ngẫm đến... tận xương.
           bản thân tôi đang là một học sinh. đầu tiên tôi cảm nhận về chương trình văn học trong SGK chỉ có 5 chữ thui : GÒ BÓ và KHÔNG THỰC TẾ. người ta không thể nào viết hết mạch cảm xúc thật sự của mình khi kế bên là quyển SGK với những dàn ý khuôn mẫu và những gợi ý mang tính bắt buộc( thế đấy chỉ gợi ý không mà cũng làm cho học sinh... rõ khổ)ví dụ nhé
              trong SGK ngữ văn 8 tập 2 trang 128 :"VIẾT BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 7 , VĂN NGHỊ LUẬN (làm tại lớp)
          ĐỀ: văn học và tình thương (Gợi ý: chứng minh văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết " thương người như thể thương thân" và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn)
          quả thật "cái hay của ông cha ta mặc dù cũ nhưng ta phải học" nhưng có cần phải VẼ KHUÔN "thương người như thể thương thân" để cả bầy học sinh lập khuôn bằng mớ lý thuyết cũ rích từ hồi cấp I đến bây gìơ.có học sinh đọc xong đề này lại phán câu ca dao như tát nước vào mặt GV : " thương người như thể thương trâu. lúa cao trâu mập, đồng hoang trâu còm". nếu như vậy thì dẫu bài TLV của HS này có hay đến mấy thì về thực tế bạn có đúng vậy không?
          nào chúng ta hãy cùng tưởng tượng chút nhé. hãy tưởng tượng xã hội đằng sau câu "... dân tộc ta luôn những ai biết thương người như thể thương thân và phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dung trước người gặp hoạn nạn " và xã hội thực tế bây giờ ....................................................................
          các bạn thấy sự khác nhau giữa 2 xã hội này chưa. đó có phải là điều KHÔNG THỰC TẾ của đề bài này nói riêng và chương trình SGK nói chung.
          tóm lại để cho nền văn học VIỆT NAM duy trì và phát triển, chúng ta còn phải làm rất nhiều điều.
    #2
      Thanh Công 16.04.2008 22:05:18 (permalink)
            Trước hết xin cảm ơn bạn đã bổ sung thêm một nguyên nhân dẫn đến HS không thích học Văn là do chương trình và SGK Ngữ văn hiện hành chưa hay, còn có sự bất cập, một số gợi ý hướng dãn học bài, làm bài còn mang tính áp đặt.
            Sau nữa, chúng tôi xin trao đổi với bạn một số vấn đề sau:
            Thứ nhất: Theo tôi, khi viết những lời trao đổi về vấn đề trọng đại này, tâm trạng bạn không được tốt lắm. Có thể bạn đang có những bức xúc cần giải tỏa nên cách nói năng chưa thật tế nhị. Bạn đã gọi những bạn bè cùng trang lứa với mình là "cả bầy học sinh"; hay từ một đề Tập làm văn lớp 7, bạn khái quát "chương trình văn học có 5 chữ thui:GÒ BÓ VÀ KHÔNG THỰC TẾ"...
             Thứ hai: Có thể bạn chưa đọc kỹ đề và những gợi ý làm bài. Phần gợi ý có ghi: "Văn học của dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết Thương người... và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng...". Như vậy, không phải trong văn học cũng như trong xã hội chỉ có những người "thương người như thể thương thân" mà còn có không ít kẻ "thương người như thể thương trâu". Có điều loại người nào được ca ngợi, loại người nào bị phê phán. Hơn thế, yêu nướcnhân đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Những lúc khó khăn, hoạn nạn truyền thống đó mới bộc lộ một cách rõ nét. Chẳng lẽ bạn không thấy được những giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân cả nước quên góp ủng hộ nhân dân bị bão lụt hay ủng hộ gia đình các nạn nhân trong vụ sập cầu ở Cần Thơ hay sao!
            Thư ba: Lịch sử rất công tâm. Thời gian là thước đo của chân lý. Những câu tục ngữ bạn được học như: "Uống nước nhớ nguồn", "Chị ngã em nâng", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"... đã được kiểm chứng của thời gian. Nói như một nhà văn Nga: Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác. Do đó, chúng ta phải trân trọng truyền thống, giữ gìn và phát huy những bản sắc tốt đẹp của dân tộc.
            Thứ tư: Bạn có một sự nhầm lẫn hồn nhiên giữa hình tượng, nhân vật văn học với con người thực ở ngoài đời. Hình tượng và nhân vật văn học là sản phẩm sáng tạo bằng hư cấu và tưởng tượng của nhà văn. Đó là những con người được lắp ghép lại chứ không chuyên dùng một khuôn mẫu nào ở ngoài đời. Cô Kiều dù được Nguyễn Du giới thiệu là cô gái họ Vương, thời Gia Tĩnh triều Minh (thế kỷ 15 bên TQ), nhưng trong suy nghĩ của người Việt thì Kiều là cô gái VN rất gần gũi với bao thế hệ bạn đọc.
             Cuối cùng chúc bạn vui, khỏe, học tập tốt! Gửi lời chào thân ái
      #3
        trái đất tròn 17.04.2008 20:37:42 (permalink)
        đầu tiên xin cảm ơn bác có vài lời góp ý. Nhưng cháu có một vài điều cần trao đổi lại:
               Cháu không phủ nhận vấn đề thứ nhất bác góp ý là sai. đúng vậy quả thật khi bàn về " vấn đề trọng đại này "  thật sự cháu có một tí bức xúc ( cháu thành thật xin lỗi ).
               nhưng ở vấn đề thứ hai thì cháu thực sự chưa hiểu chủ ý chính của bác là gì. cháu đoán bác không đồng ý với ý kiến " Đề văn lập khưôn " của cháu. Có lẽ đây là vấn đề mâu thuẫn lớn giữa của cháu và bác. thực lòng mà nói khi đọc xong bài của bác, cháu vẫn không thay đổi chủ ý của mình. vẫn cho rằng chúng ta cần có một tí mới mẻ trong văn học.
               còn vấn đề thứ ba thì cháu có một chút chấn chỉnh. như đã nói ở trên là cháu cho rằng chúng ta cần điều mới mẻ trong văn học chứ không hề bỏ qua quá khứ hay đang phê phán truyền thống, bản sắc của dân tộc ( nếu bác nhận thấy cháu có một tí xem thường truyền thống thì có lẽ cháu nên chấn chỉnh lại lối viết văn của mình )
               ở vấn đề thứ tư thì cháu............... mù tịt. có lẽ do kiến thức còn nông cạn nên cháu chưa hiểu vấn đề bác mưốn đề cập ở đây là gì. nếu bác có thể bày tỏ chủ ý một cách đơn giản hơn( vừa đủ với khả năng của 1 HS trung học ) thì cháu chân thành cảm ơn
         
         
               một lần nữa cháu xin thành thật xin lỗi bác vì bài viết trước có một tí... bồng bột thiếu suy nghĩ. Cuối cùng cháu chúc bác luôn vui vẻ hạnh phúc bên mọi người xung quanh
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9