Tiểu thuyết " Một vụ mất tích bí ẩn " ( 2 ) của Khúc Thụy Du
nguyen hoang 26.04.2008 14:53:30 (permalink)
4
 
Năm Thắng đang ngồi nhâm nhi rượu đế với khô dưa bên chiếc bàn hình chữ xếp nhật đặt trước hiên nhà. Sáng nay, Năm Thắng đi chợ Quận sắm mấy thứ linh tinh tình cờ thấy khô cá sặc Cà Mau ngon quá nên mua vài con về trộn với khô dưa nhắm rượu. Khô cá sặc sau khi nương chín, xé nhỏ trộn với dưa chuột cắt mỏng, đào lộn hột và thịt ba rọi. Cho vào thêm ít giấm, đường, bột ngọt là có được món nhậu tha hồ say sưa tới chữ. Sau khi chuẩn bị xong mồi nhắm, rượu đế nếp Gò Đen,  Năm Thắng xăng xái  qua nhà Bảy Phát ở sát bên mời  sang nhâm nhi vài ly đỡ buồn. Bảy Phát hôm nay bị đau bao tử nên không uống được. Năm Thắng đành uống một mình. Trà tam, rượu tứ, uống  một mình chẳng thấy hứng thú chút nào. Chán quá. Năm Thắng làu bàu và chuẩn bị đóng nút chai thì bên ngoài có tiếng người gọi í ới:
- Chú Năm Thắng có ở nhà không?
Năm Thắng nghiêng cổ nhìn ra thì thấy Sáu Phồn, phó công an xã đi cùng một người đàn ông mặc thường phục, bèn lật đật bước ra mở cổng mời khách vào nhà.
- Sẵn bữa mấy chú uống với tôi vài chung rượu cho vui.  Mồi ngon mà uống một mình chẳng khác nào bị tra tấn!
Sáu Phồn lắc đầu nói có việc bận không ngồi được lâu. Đoạn day mặt về phía người đàn ông mặc thường phục, nói:
- Giới thiệu với chú Năm, đây là đồng chí đại úy Lê Trực, hiện đang công tác tại phòng cảnh sát hình sự tỉnh. Còn giới thiệu với anh Trực, đây là chú Năm Thắng, bí thư chi bộ, kiêm trưởng ấp. Chú Năm làm trưởng ấp gần hai mươi năm rồi, dân tình trong ấp bác ấy thuộc như lòng bàn tay, có thắc mắc gì anh cứ hỏi, bác ấy sẽ giải đáp tức thì.
Lê Trực gật đầu chào chủ nhà. Năm Thắng rót ra chung rượu đầy đưa cho Sáu Phồn:
- Chú bận công chuyện tôi không ép nhưng cũng phải làm một chung.
Sáu Phồn ngửa cổ uống cạn chung rượu. Năm Thắng lấy đũa gắp miếng khô dưa đưa lên miệng Sáu Phồn.
- Cũng phải đưa cay một tí. Món khô dưa này tôi phải làm cả buổi đấy. Chú không nếm thử là phụ lòng tôi.
 Sáu Phồn uống thêm hai chung nữa rồi bắt tay tạm biệt mọi người:
- Tôi phải đi họp trên huyện đây. Hẹn chú dịp khác uống một trận lên bờ xuống ruộng mới thôi. Tổng chào nhé!
Năm Thắng rót chung rượu đưa cho Lê Trực:
- Lính hình sự uống rượu khiếp lắm. Tôi có người em kết nghĩa làm cảnh sát hình sự trên thành phố, anh chàng này phá án  giỏi mà uống rượu cũng một cây xanh dờn. Tôi xách dép chạy theo còn không lại. Chú em phải uống làm sao đúng chất hình sự đó nghen.
Lê Trực đón lấy chung rượu, nói:
- Tửu lượng mỗi người một khác. Sức tôi chỉ uống chừng một xị là say ngất ngư. Vả lại có quy định không được uống trong giờ làm việc. Nể lời chú tôi xin uống cạn chung này. Một chung thôi nhé, chú Năm.
Năm Thắng nói:
- Chú bận việc công tôi không ép. Chú đến gặp tôi có việc gì vậy?
Lê Trực nói:
- Là cán bộ phụ trách ấp Năm, chú có biết Hai Bình không?
Năm Thắng ngẩn người suy nghĩ một lúc:
- Bình nào nhỉ? À, có phải chú muốn nói đến Hai Bình làm thợ cho lò bánh Ba Phát không?
Lê Trực khẽ gật đầu:
- Đúng là Bình chú vừa nói. Chú có nghe tin đồn về sự mất tích của Hai Bình không?
Năm Thắng uống cạn chung rượu rồi đánh “ khà “ một cái:
- Có, tôi có nghe. Cả ấp  đồn ầm lên là Hai Bình bị mất tích.
- Bác nghĩ như thế nào về việc này?
Năm Thắng rót rượu ra chung rồi gắp miếng khô dưa cho vào chén của mình:
- Tôi cũng bán tín bán nghi, làm sao lại xảy ra chuyện kỳ lạ như thế được nhỉ. Tình hình trật tự trị an trong ấp trong thời gian qua phải nói là rất tốt, chưa từng xảy ra chuyện gì cả. Chi bộ ấp nhiều năm liền được công nhận là chi bộ trong sạch và vững mạnh. Chuyện mất tích của Hai Bình làm tôi đau đầu. Công an xã cũng đang xác minh.
- Vậy chú nghĩ như thế nào về sự vắng mặt đầy bí ẩn của Hai Bình?
Năm Thắng uống cạn chung rượu, nói:
- Tôi nghĩ, anh ta đi đâu đó vài ngày rồi sẽ trở về thôi. Đàn ông sống độc thân không bị trói buộc chuyện gia đình vướng chân vướng cẳng, muốn đi đâu tùy ý. Mất tích ư? Chuyện không thể tin được.
- Nếu đi đâu dài ngày, Hai Bình nhất thiết phải mang theo đồ dùng cá nhân. Đàng này tất cả đều còn nguyên vẹn. Bà Năm Hà, chủ nhà cho thuê đã xác nhận điều này.  Chính vì thế, nghi vấn về vụ mất tích không phải là không  có cơ sở. Thêm vào đó, chúng tôi còn thu được chiếc áo ca rô ngắn tay nghi là của Hai Bình trong  bụi ô rô bên bờ sông.
Năm Thắng giật mình, thốt lên:
- Ồ, có chuyện đó à? Chà, nếu như vây thì gay rồi đây. Có lẽ Hai Bình say rượu hứng chí tắm sông chết đuối rồi cũng nên.
Lê Trực nói:
- Nếu chết thì phải tìm thấy xác. Nhưng đã hơn một tuần mọi nỗ lực tìm kiếm thi thể của Hai Bình đều vô vọng. Đã có tin đồn là Hai Bình bị sát hại.
- Tại sao lại thế nhỉ – Năm Thắng làu bàu:- Nếu thật sự có chuyện này thì người ta sát hại Hai Bình nhằm mục đích gì nhỉ.
Lê Trực lấy thuốc lá ra hút:
- Anh ta có thường vắng mặt như thế này không?
Năm Thắng lắc đầu:
- Không. Theo tôi được biết thì Hai Bình chưa bao giờ vắng mặt ở địa phương quá một ngày. Thỉnh thoảng, Hai Bình có đi dự đám cưới, giỗ chạp ở xa  thì cũng về nhà trong ngày. Còn chuyện anh ta có đi đâu dài ngày hay không, thú thật tôi không rõ lắm. Anh nên hỏi những người sống gần đấy sẽ rõ hơn. – Đoạn Năm Thắng cất giọng khôi hài:- Dễ chừng Hai Bình đi theo cô nào rồi.
Lê Trực gật đầu, nói:
- Chú nhận xét Hai Bình là người như thế nào?
- Nói chung không có gì đáng phàn nàn. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước và những quy định của địa phương. Riêng các khoản đóng góp, anh ta bao giờ cũng thực hiện đầy đủ. Tháng trước vận động tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, mặc dù, trong túi không sẵn có tiền, Hai Bình cũng mượn tạm những nhà bên cạnh để làm tròn  nghĩa vụ của mình. Và đợt làm đường liên ấp vừa qua, sau khi từ lò bánh mỳ trở về, hay tin, anh ta liền sốt sắng vác cuốc đi làm cùng mọi người. Đấy là những điểm tốt cơ bản của anh ta.
- Còn những hạn chế?  Hai Bình có những khuyết điểm gì?
- Anh ta uống rượu lu bù. Lúc nào tôi cũng thấy kè kè chai rượu bên người cứ như là một bộ phần của cơ thể vậy. Rượu chè be bét như vậy,  thảo nào,  trên đầu đã gần hai thứ tóc mà chả có ma nào dám lấy làm chồng. Đành rằng Hai Bình cũng có nhiều điểm tốt nhưng nếu là phụ nữ  tôi sẽ không bao giờ chịu lấy anh ta. Tất nhiên rồi, chẳng người đàn bà nào lại đâm đầu chọn  một người đàn ông sáng say, chiều xỉn, tối lai rai làm chồng cả. Vả lại Hai Bình dường như không thích phụ nữ thì phải.
Năm Thắng bập bập điếu thuốc trên môi:
- Tửu lượng của Hai Bình xếp vào hàng cao thủ, nói theo cách của Tàu là giang hồ để nhất cao thủ. Tửu lượng của tôi cũng không phải là xoàng vẫn bị anh ta dần cho một trận thừa sống thiếu chết, nôn ra cả mật xanh lẫn mật vàng, đến nỗi bà xã phải đưa vô trạm xá. Sau lần đó tôi cạch tới già không dám thi thố với hắn nữa. Tránh voi không xấu mặt nào mà lại..
Năm Thắng rót rượu ra chung rồi kể tiếp câu chuyện:
- Chuyện nhậu nhẹt của Hai Bình kể tới sáng cũng chưa xong. Chẳng nói đâu xa, cách đây vài tháng con gái của Tám Hơn lấy con trai Sáu Nhật ở xã bên. Bên đàng trai có Tư Roi là đại cao thủ trong làng chai lọ. Sáu Mạnh, người có tửu lượng cao nhất trong bọn cũng đã chạm trán với Tư Roi vài lần và lần nào cũng bỏ của chạy lấy người. Trước lễ cưới hai hôm, bên đàng trai bắn tiếng sẽ cho bên đàn gái chúng tôi biết thế nào là lễ độ. Lo bị làm nhục chúng tôi họp lại và bàn phương cách ứng phó. Nhưng nghĩ mãi vẫn không sao tìm ra lối thoát. Thế mới biết ăn nhậu có lúc lại cần thiết như vậy. Cánh đàn bà lại có dịp chì chiết một trận, nuôi quân ba năm dụng có một giờ, vậy mà, chưa xung trận đã tính đường tháo chạy. Cha ông ta thường nói, trong cái khó, ló cái khôn. Trong lúc khẩn cấp ấy, bỗng có người nhắc đến tên Hai Bình. Trời ạ, vừa nghe xong cả đám cùng thở phào như tội nhân trước vành móng ngựa được Tòa tuyên án treo..
Năm Thắng cười khà khà, uống cạn chung rượu rồi kể tiếp:
- Thế là đích thân tôi cùng Tám Hơn đến gõ cửa nhà Hai Bình cầu cứu. Ban đầu Hai Bình lắc đầu từ chối. Anh ta sống khép kín,  không thích những chỗ đông người và luôn  ngại va chạm nhưng sau chúng tôi năn nỉ quá Hai Bình cũng miễn cưỡng đồng ý. Có quân bài chiến lược trong tay, chúng tôi xem như chắc phần thắng.
Lê Trực xen vào:
- Và kết quả là bên nào thắng?
Năm Thắng nói:
- Thong thả để tôi kể cho chú nghe. Chuyện ly kỳ lắm. Mười giờ sáng bên đàng trai đến rước dâu. Sau đó, chúng tôi tháp tùng đưa cô dâu về nhà chồng. Trên đường đi tôi dặn Hai Bình:
- Mục tiêu của chú là thằng Tư Roi, nhớ chưa? Nếu đứa khác có mời thì lựa lời từ chối, sức người có hạn, cho dù tửu lượng có khá đến đâu cũng không thể chấp hết cả thiên hạ, chú dồn hết sức để hạ thằng Tư Roi. Còn cái đám râu ria, theo đóm ăn tàn chú để tôi lo.
 
*
 
Về đến nhà trai. Sau khi yên vị ngôi thứ rõ ràng,  Sáu Nhật sai người xách lên hai can rượu loại hai mươi lít, nhìn đã thấy choáng, đặt lên bàn:
- Mấy khi rồng đến nhà tôm. Bữa nay chúng ta phải uống cạn số rượu trong bình này. Không say không về.
Đoạn Sáu Nhật rót rượu vào cái ly sây chừng:
- Tiên chủ, hậu khách, tôi xin uống trước.
Rượu đế năm mươi độ uống bằng ly sây chừng không chóng sứt đầu mẻ trán mới là chuyện lạ. Cả bọn nhà gái nhìn nhau tóc tai cứ dựng ngược cả lên. Sáu Nhật uống cạn bèn rót đầy ly đưa cho Tám Hơn:
- Bây giờ xin phép được mời anh sui!
Tám Hơn uống rượu mà mắt cứ trợn trừng trắng dã. Sau đó, tới vòng xoay tua. Sau hai tuần rượu Tư Roi rót đầy cốc trịnh trọng nói:
- Nhân ngày vui của hai cháu, tôi mới có cơ hội làm quen với anh Tám. Xin mời anh một ly, đá bổng đá bỏ nghe.
Theo kịch bản đã được sắp đặt trước, Tám Hơn nói:
- Tửu lượng của tôi kém lại phải liên tục tiếp khách mấy ngày vừa qua đã mệt rồi. Chú Hai Bình đây sẽ thay tôi tiếp các anh. Mong các anh lượng thứ.
Tư Roi nheo mắt nhìn Hai Bình, cười hề hề:
- Tôi đã nghe danh anh Hai từ lâu nhưng chưa có dịp tiếp xúc. Thật quý hóa! Tôi xin mời anh ba ly, là chủ tôi xin phép được uống trước.
Đoạn Tư Roi uống liền ba ly rồi chuyền cái cốc cho Hai Bình. Hai Bình cũng nói vài câu khách sáo chiếu lệ rồi uống liền ba ly trước những ánh mắt thán phục của người bên đàng trai:
- Anh mời tôi rồi, bây giờ đến lượt tôi mời anh lại ba ly. Tôi cũng xin uống trước.
Buổi tiệc kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Trên bàn, lúc này chỉ còn có vài người. Thật ra, người uống rượu chỉ còn lại hai; Hai Bình và Tư Roi, những người khác chỉ uống chiếu lệ, chủ yếu là ngồi xem và cổ vũ gà nhà. Hai Bình nom vẫn còn tỉnh táo, mặt tái lại. Tư Roi đã xuống sức thấy rõ, mặt đỏ bừng như gà nòi, nói chuyện mà mắt nhướn không lên. Theo cái đà này chỉ vài ly sây chừng nữa, Tư Roi sẽ bật bãi, Năm Thắng dự đoán.
- Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn. Tửu lượng của anh Hai  quả là hảo cao thủ, Tư Roi  này bái phục . Bây giờ tui xin phép được mời anh cạn  ba ly cuối, chúng ta tạm chia tay, hẹn anh vào dịp khác. Kính lão đắc thọ, xin mời anh uống trước.- Tư Roi cất giọng lè nhè.
Hai Bình chằng nói chẳng rằng đặt ba cái ly sây chừng liền kề nhau rồi cầm chai rót đầy một lượt. Sau đó thứ tự uống, một, hai, đến ly thứ ba, rượu vừa chạy xuống cổ họng, mắt Hai Bình bỗng trợn ngược rồi ngã huỵch xuống đất, trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người. Tất cả đều đinh ninh Tư Roi sẽ là bại tướng. Sự việc quá bất ngờ khiến bên đàng gái bị một phen ê mặt, chẳng ai bảo ai vội xông vào vực gà nhà dậy và mang xuống ghe, rồi nổ máy dông đi  một mạch không dám ngoáy đầu nhìn lại.
 
 
*
 
Lê Trực thốt lên ngạc nhiên:
- Như vậy, Hai Bình là người thua cuộc?
Năm Thắng thở hắt ra một cái thật mạnh:
- Nếu đường đường chính chính thì Tư Roi còn lâu mới đuổi kịp Hai Bình.
- Nhưng rõ ràng anh ta đã..
Năm Thắng cướp lời:
- Không phải vậy đâu. Để tôi kể tiếp cho nghe. Khi đặt Hai Bình xuống ghe, anh ta bỗng ngồi bật dậy như cái lò xo. Mọi người ồ lên ngạc nhiên và mới vỡ lẽ ra là anh ta cố tình làm như vậy để giữ sĩ diện cho Tư Roi. Giận quá tôi quát lên, chú giữ sĩ diện cho hắn, vậy ai sẽ giữ sĩ diện cho bên đàng gái chúng ta. Hai Bình im lặng, không nói gì. Từ đó, tôi cạch đến già, không dám mời anh ta thi với thố nữa. Sau lần đó, mỗi khi nhìn thấy gương mặt câng cấc của Tư Roi là tôi tức muốn lộn ruột. Anh ta thắng đâu có vẻ vang gì..
Lê Trực ngẩng người một lúc ra chiều suy nghĩ:
- Khi say rượu anh ta như thế nào?
Năm Thắng nói:
- Hai Bình hiền như cục đất. Say rượu thì về nhà ngủ chẳng phiền đến ai cả. Vậy mà có một lần Hai Bình bỗng nổi điên quậy tưng bừng. Lần đầu tiên tôi mới thấy anh ta hành động kỳ quặc như thế. Đúng hơn là ma nhập vào người anh ta. Chuyện xảy ra trước khi Hai Bình mất tích vài ngày…
 
 
*
 
Chín giờ tối.
Chi hội cựu chiến binh ấp sau khi làm lễ kết nạp hội viên mới bèn kéo nhau ra quán Sáu Ngàn liên hoan một chầu lẩu dê, rượu thuốc. Quán vắng chỉ có mỗi Hai Bình đang ngồi nhâm nhi rượu đế với món dê nướng bên gốc cây dừa cạnh bờ ao.
Sau khi đã yên vị, Tư Tăng bèn day mặt vào bên trong gọi to:
- Chủ quán cho cái lẩu tay cầm, một chai rượu thuốc.
Chủ quán bưng các thứ ra. Cả bọn vừa nhậu nhẹt vừa chuyện phiếm vui vẻ. Tư Tăng, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh ấp rót đầy chung rượu đưa cho Sáu Thanh:
- Chúc mừng chú trở thành hội viên hội cựu chiến binh. Đây là ly rượu mừng, chú hãy uống cạn.
Sáu Thanh đón ly rượu từ tay Tư Tăng, nói rè rè:
- Tôi mới chân ướt chân ráo vào hội, có gì nhờ các anh thương tình giúp đỡ. Tôi xin uống cạn ly này.
Sáu Thanh ngửa cổ uống cạn ly rượu trong tiếng vỗ tay lẹt đẹt của mấy chiến hữu. Cái chung được xoay vòng. Ba Truyện, chủ tịch hội cựu chiến binh xã đưa tay vỗ nhẹ lên vai Sáu Thanh:
- Tôi biết hoàn cảnh chú em mày cũng hết sức khó khăn phải kiếm tiền nuôi vợ con với cha mẹ già yếu. Một mình nuôi sáu miệng ăn quả là gánh nặng. Hội sẽ chiếu cố giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, tuy nhiên chú mày cố gắng tham gia sinh hoạt với đóng hội phí đầy đủ. Tiền hội hàng tháng không đáng là bao.
- Dạ, tất nhiên rồi, em sẽ đóng đủ. Mỗi năm chỉ có vài ngàn đồng chỉ cần nhịn cữ cà phê, thuốc lá là làm tròn nghĩa vụ. Thật sự em cũng đang rất cần vốn, trăm sự nhờ các anh giúp đỡ.
Tư Tăng xoay xoay chiếc chung trong lòng bàn tay:
- Có vốn chú em mày định làm gì?
- Dạ, em sẽ cho vợ ra chợ  buôn bán đắp đổi qua ngày. Em tính để vợ bán trái cây. Các anh thấy có được không?
Tư Tăng khẽ gật đầu nói:
- Tất nhiên là được quá đi chớ. Nhớ trả đúng kỳ đáo hạn nhé. Là lính, chúng ta cần giữ uy tín.
Lúc này, Hai Bình đã uống hết chai một xị bèn day mặt vào bên trong kêu lớn:
- Bà chủ cho tôi thêm chai rượu.
Nhận ra người quen cùng ấp, Tư Tăng day mặt về phía Hai Bình, nói:
- Chào anh Bình. Mời anh qua đây nhập bọn với chúng tôi cho vui.
Hai Bình từ chối:
- Thôi, tôi ngồi một mình cũng được. Anh em cứ tự nhiên.
- Trà tam, rượu tứ, bộ hành nhị, uống một mình buồn lắm. Qua đây đi!
Hai Bình bưng dĩa dê nướng với chai rượu qua nhập bọn. Tư Tăng giới thiệu với Ba Truyện:
- Giới thiệu với anh Ba, đây là Hai Bình, người được anh em trong ấp đặt cho cái biệt danh Giang hồ đệ nhất tửu đấy.
Hai Bình cười ngượng:
- Cái gì giỏi giang thì đáng tự hào chứ chuyện nhậu nhẹt thì có gì hay ho đâu mà vỗ ngực xưng tên, anh Tư.
Rượu khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Qua vài tuần rượu sự khách sáo giữa chủ và khách không còn nữa. Đang chuyện trò vui vẻ, bỗng một người trong bọn lên tiếng đề nghị:
- Tụi em là lính sau giải phóng không có nhiều chuyện để kể. Anh Ba Truyện là sĩ quan thời kỳ chống Mỹ đã từng vào sanh ra tử. Bữa nay sẵn ngày vui, có chuyện gì hấp dẫn kể cho tụi em nghe với.
Ba Truyện uống cạn ly rượu xoay tua:
- Chuyện thời đánh Mỹ nhiều vô thiên lũng kể ra biết chừng nào cho xong.
- Thì anh kể trận đánh  nào đáng nhớ nhất trong đời ấy.
Ba Truyện suy nghĩ một lúc, nói:
- Anh em có lời, tôi cũng không từ chối. Các đồng chí có nghe nói đến chiến dịch Xuân Lộc không?
- Tụi em là hậu sinh, chỉ biết là trận đánh đó quân ta thằng giòn giã, còn cụ thể như thế nào thì không biết được.
- Tôi xin kể lại trận đánh đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của mình, đó là chiến dịch Xuân Lộc..
Trong lúc mọi người cùng im lặng lắng nghe Ba Truyện kể lại trận đánh ở Xuân Lộc thì Hai Bình ngồi uống rượu tì tì.  Cặp mắt đỏ au như mắt cá ươn. Rồi Hai Bình khẽ làu bàu điều gì đó ở trong mồm.
Nghe xong cậu chuyện, Sáu Thanh day mặt về phía Tư Tăng:
- Anh Ba đã kể xong, bây giờ đến phiên anh Tư. Anh Tư đã từng tham gia chiến dịch nào kể cho bọn em nghe với.
Tư Tăng cười tủm tỉm:
- Tớ không được may mắn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng chiến dịch đường 14 – Phước Long thì có đó.
Một người trong bọn rót đầy ly rượu đưa cho Tư Tăng:
- Anh uống một chung để kể chuyện cho có khí thế.
Tư Tăng uống cạn chung rượu. Chưa kịp mở miệng thì  Hai Bình bỗng  đưa tay đập bàn, nói như quát:
- Hãy nói chuyện khác đi. Chiến tranh có gì hay ho mà các người cứ thao thao bất tuyệt như thế. Đó chẳng qua là trò đùa của những kẻ có cái đầu nóng. Tôi chẳng muốn nghe nữa. Chiến tranh chỉ là trò vớ vẩn! Thật vớ vẩn chẳng ra làm sao cả.
Tất cả ánh mắt cùng hướng về phía Hai Bình vừa ngỡ ngàng vừa khó chịu. Tại sao Hai Bình lại tỏ thái độ gay gắt như thế? Anh ta có nóng đầu không nhỉ? Một người trong bọn định lên tiếng cãi lại nhưng Tư Tăng đã ra hiệu cho anh ta im lặng:
- Này, Hai Bình, anh nói như thế là không đúng rồi. Chiến tranh không thể là trò vớ vẩn như anh nghĩ, đó là một việc nghiêm túc, hoàn toàn nghiêm túc.
Hai Bình nhún vai, cười khinh bỉ:
- Tôi không phải là trẻ con mà không hiểu những điều sơ đẳng nhất. Nhưng Cái giá phải trả cho hòa bình là quá đắt, đắt khủng khiếp. Chúng ta có cần phải trả một cái giá như thế không?
Ba Truyện nóng nảy xen ngang:
- Tất cả mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó. Tất nhiên sản phản của hòa bình bao giờ cũng đắt hơn những thứ khác. Là kẻ ngoại đạo, không tham dự vào cuộc chiến này nên làm sao anh hiểu hết ý nghĩa của nó..
Hai Bình ngửa cổ cười sằng sặc:
- Tôi là kẻ ngoại đạo ư? – Đoạn Hai Bình đưa tay xé toạc chiếc áo trên người để lộ thân hình mang đầy thương tích:- Đấy, các vị xem. Đây có phải là di chứng của chiến tranh không? Những vết thương trên da thịt, mỗi giờ mỗi phút cứ hành hạ tôi đau đớn khôn nguôi, nhưng bấy nhiêu chẳng thể nào sánh nổi với những mất mát tinh thần tôi đang gánh chịu. Tôi nguyền rủa số phận, nguyền rủa chiến tranh.
Ba Truyện nói:
- Anh đã từng là người lính? Điều này khiến tôi càng thất vọng. Là người trong cuộc, đáng lẽ, anh phải hiểu hơn ai hết. Thôi, anh say rồi. Chúng ta sẽ nói chuyện này vào một dịp khác tỉnh táo hơn.
 
*
 
Lê Trực nói:
- Chú có tin Hai Bình đã từng cầm súng?
Năm Thắng lắc đầu:
- Thật ra chẳng ai tin chuyện Hai Bình đã từng đi bộ đội  cả. Anh ta say rượu nói năng trong một phút bốc đồng đấy thôi. Nếu thật sự là lính, với thương tích như thế, Hai Bình phải được công nhận là thương binh và được hưởng chế độ chính sách đãi ngộ của nhà nước.
- Vậy bác giải thích thế nào về những vết thương trên người Hai Bình?
- Tôi không biết, có thể do một tai nạn cũng nên. Trước đó, tôi chưa từng được nghe anh ta nói chuyện lính tráng và cũng chẳng nghe ai nhắc đến chuyện này. Hai Bình không thể là lính, tôi dám chắc như thế.
- Anh ta có thể là quân nhân chế độ cũ? Chú có nghĩ như thế không?
- Tôi không nghĩ như thế.
Lê Trực nói:
- Và câu chuyện đã kết thúc như thế nào?
Năm Thắng thở dài:
- Thật chẳng ra làm sao cả. Lời qua tiếng lại, chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Rốt cuộc, xảy ra ấu đả. Thật tình, không phải tôi có ý bênh vực Tư Tăng. Từ đầu Hai Bình đã sai, sai bét nhè. Hai bên đang tranh luận ồn ào, bỗng Hai Bình đưa tay đấm vào mặt Tư Tăng một cú đau điếng, thế mới sanh chuyện.
- Tư Tăng có đánh trả không?
- Chưa kịp trả đũa thì mọi người đã xông vào can thiệp. Tư Tăng giận dữ, tuyên bố sẽ xin Hai Bình tí huyết. Theo tôi, đó chỉ là lời nói trong lúc nóng giận mà thôi. 
Tư Tăng là người như thế nào?
- Ít nói nhưng thẳng thắn và hơi cộc tính. Anh không nghi ngờ Tư Tăng có dính dáng đến sự mất tích của Hai Bình đấy chứ? Hãy tin tôi, Tư Tăng là người ruột để ngoài da và không có tật thù dai. Dù sao, ở cương vị chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, Tư Tăng phải biết giữ gìn uy tín của mình.
Năm Thắng đóng nắp chai rượu:
- Rượu ngon không có bạn hiền cũng nhạt. Uống một  mình chẳng hứng thú gì, cứ như là nuốt phải nước ốc, nhạt thếch! À, Sau vụ đó, tổ hòa giải của ấp có đứng  ra giải quyết. Tổ hòa giải đã nhất trí  đề nghị  Hai Bình phải xin lỗi  Tư Tăng. Hai Bình có vẻ cố chấp không chịu nhận lỗi. Tại sao lại thế nhỉ. Sai thì phải biết nhận lỗi chứ. Rõ ràng Hai Bình bảo thủ hơn tôi nghĩ.
Lê Trực nói:
- Từ đây đến chỗ ở của Hai Bình có xa không, chú Năm?
Năm Thắng đáp:
- Không, cũng gần đây thôi, tuy nhiên hơi khó tìm. Mà chú tìm đến đó làm gì? Hai Bình đâu có ở nhà.
Lê Trực đứng dậy:
- Tôi muốn xem xét chỗ ở của Hai Bình, đồng thời tiếp xúc  với những người sống bên cạnh. Hy vọng sẽ có thêm những thông tin mới giúp ích cho việc điều tra. Thôi, chào chú tôi đi. Hẹn gặp chú Năm vào dịp khác.
 
 
5
 
Con hẻm cụt có ba ngôi nhà nằm liền kề nhau. Từ đầu hẻm nhìn vào, nhà của Hai Bình nằm ở ngoài cùng bên trái. Chính giữa là nhà ông Tư Bốn và ngôi ngoài cùng bên phải là của vợ chồng anh Lực, chị Tam. Vợ chồng anh Lực đi vắng. Ổ khóa to bằng nắm tay treo lủng lẳng bên cửa. Nhìn thấy cánh cửa nhà ông Bốn hé mở, Lê Trực đưa tay gõ nhẹ lên mấy tiếng. Từ bên trong vọng ra tiếng con gái trong trẻo:
- Ai đó?  Đẩy cửa vô đi, cửa không khóa.
Lê Trực đẩy nhẹ cánh cửa. Vừa nhìn thấy khách lạ, cô gái chừng mười tám, hai mươi tuổi đang cắm cúi bên chiếc máy may lật đật bước ra:
- Xin lỗi anh tìm ai?
- Tôi muốn gặp ông Bốn. Có phải đây là nhà…
Cô gái gật đầu, nói:
- Dạ đúng, đây là nhà ba em. Ba em  đi vắng rồi chốc nữa mới về. Có việc gì không ạ?
- Tôi tìm ba cô có chút việc. Tôi có thể ngồi chờ được không?
- Tất nhiên là được. Để em lấy cho anh cái ghế.
Cô gái vào trong lấy ghế cho khách ngồi và lấy nước mời khách rồi  tự giới thiệu về mình:
- Em tên Tuyết, hai mươi  tuổi, là nhân viên kế toán hợp tác xã tiêu thụ. Hôm nay em nghỉ. Còn anh là..
Lê Trực nói:
- Tôi là Lê Trực, cán bộ phòng cảnh sát hình sự tỉnh. Tôi đến đây để tìm hiểu một số thông tin về sự mất tích bí ẩn của Nguyễn Văn Bình, tức Hai Bình. Cô có biết gì về Hai Bình?
Tuyết nói như reo:
- Trông anh chẳng ra dáng công an hình sự gì cả. Em cứ nghĩ  anh là cán bộ thú y của huyện đấy. Tất nhiên là biết quá đi chứ. Nhà em với nhà ảnh sát vách, hai cửa sổ trên gác lại đối diện với nhau nên mọi sinh hoạt nghỉ ngơi em đều biết hết. Chẳng phải em tò mò nhưng sự việc cứ diễn ra trước mắt không muốn thấy cũng không được.
- Cô và Hai Bình có thân thiết với nhau không?
Tuyết khẽ lắc đầu:
- Thân thiết thì không, giữa ảnh với em có sự chênh lệch lớn về tuổi tác. Ảnh có vẻ thân tình với ba em nhiều hơn. Hai người thỉnh thoảng cùng uống rượu, chơi cờ tướng. Anh Bình đánh cờ không lại ba em, ba em chấp con ngựa có ván thắng, ván thua  nhưng tài giải cờ thế của ảnh phải nói là vô địch. Ván cờ thế khó đến mấy ảnh cũng giải được. Có lần ảnh còn nói đùa “ cờ thế, ván nào cũng giải được vậy mà ván cờ đời cứ mò mẫm mãi không xong. “ Thỉnh thoảng ảnh vẫn nói những lời khó hiểu như vậy.
- Hai Bình còn nói những câu nào,  theo cô,  là khó hiểu?
- Ảnh thường nói ảnh là đứa con rơi của Thượng Đế, rồi thì hay nghêu ngao mấy bài thơ của Vũ Hoàng Chương, dài lắm, em chỉ thuộc vài đoạn” Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giong nòi khinh/ Bể vô tận sá gì phương hướng nữa/ Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh/ Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nôi chơ vơ..”. Em không hiểu ảnh làm sao nữa, thơ hay thiếu gì, ảnh chỉ thích đọc thơ buồn, thơ say. Và ảnh cũng say suốt ngày. Tại sao người ta có thể uống ngày này sang ngày khác mà không thấy chán nhỉ?
Tuyết bỗng nhoẻn miệng cười, hai má lúm đồng tiền trông rất có duyên:
- Có lần em nói với ảnh, anh say suốt ngày hèn gì người yêu  bỏ anh đi lấy chồng cũng phải thôi.
Lê Trực thốt lên:
- Hai Bình trước đó có người yêu à?
Tuyết gật đầu:
- Dạ, người yêu của ảnh tên Ngọc. Hai người quen nhau đã mấy năm  không hiểu sao chỉ lại bỏ ảnh đi lấy chồng khoảng hai tháng nay. Nhìn thấy hai người lúc nào cũng quấn quít bên nhau như cậu với mợ không ai nghĩ họ có thể sống xa nhau. Vậy mà...
-  Cô có hiểu nguyên nhân tại sao không?
- Không. Em có hỏi, ảnh chỉ trả lời lấp lửng là tính tình không hợp, thế thôi. Nhưng em biết ảnh nói dối. Nhìn vào mắt là biết ngay thôi. Chia tay chỉ trong vài tháng, chị Ngọc lập tức đi lấy chồng. Ăn ở như vậy, có vẻ hơi bạc bẽo. Nhưng dù sao cũng nên thông cảm cho chị ấy. Chị Ngọc cũng đã lớn tuổi rồi sanh đẻ khó khăn.
Lê Trực hỏi:
- Chồng cô Ngọc ở đâu? Làm nghề gì?
- Chồng chị Ngọc tên Nghị, làm thợ điện. Nhà ở gần thị xã. Anh Nghị vừa lùn vừa đen không xứng với chị Ngọc, lại có máu ghen kinh khủng, trong khi đó chị Ngọc có vẻ không tế nhị trong cư xử nên mới sanh chuyện lôi thôi. Đáng lẽ ra, sau khi chia tay hai người không nên gặp nhau nữa…
 
*
 
Hai Bình thức dậy vào lúc giữa trưa. Anh ngồi bên chiếc bàn gỗ kê giữa nhà, hút thuốc và uống trà nguội từ đêm hôm trước trong chiếc ấm sứt vòi. Hút xong điếu thuốc, Hai Bình uể oải xuống bếp nhóm lửa nấu nước. Trong khi chờ nước sôi, Hai Bình mang mấy cọng cải bẹ xanh đem rửa rồi cắt thành từng khúc, sau đó anh cho vào rổ để cho ráo nước. Xong xuôi, Hai Bình lấy kéo cắt mép gói mỳ tôm chờ sẵn. Nước vừa sôi, anh cho cải bẹ xanh vào nồi,  sau cho mỳ tôm vào. Thêm một ít bột nêm vừa ăn. Mỳ sôi, anh tắt lửa rồi gắp mỳ ra tô.
Anh bưng tô mỳ đặt lên bàn rồi xoay chiếc quạt máy hướng về phía mình. Trời nóng. Bụng đói. Mắt anh hoa lên. Cả ngày hôm qua, Hai Bình chỉ ăn lót dạ ổ bánh mỳ. Hai Bình vừa ăn vừa thổi phù phù. Thấp thoáng từ đầu hẻm có người đi vào, vừa nhận ra Ngọc, anh vội vàng giấu tô mỳ xuống gầm bàn rồi đưa hai tay hất ngược mái tóc về phía sau. Ngọc dừng lại bên cửa, em có thể vào được không. Hai Bình  khẽ gât đầu, lấy khăn lau bụi bám trên ghế.
Ngọc xách chiếc túi đựng thức ăn và vài thứ linh tinh khác  bước vào và ngồi xuống chiếc ghế thấp đối diện Hai Bình.
- Em mới đi chợ về à?
Ngọc khẽ gật đầu. Cặp môi mỏng khẽ mấp máy như muốn nói điều gì đó nhưng lại im lặng.
Hai Bình nhìn gương mặt xanh xao lộ vẻ mệt mỏi và lo lắng của Ngọc.
-  Bị bệnh à? Trông em có vẻ không được ổn?
- Em vẫn thế. Anh ăn cơm chưa? – Ngọc lảng sang chuyện khác.
- Ăn rồi.
- Chắc lại là món mỳ tôm chớ gì? Ăn hoài  món mỳ ăn liền ngày này qua ngày khác không thấy ngán à?
- Rồi cũng quen thôi,  em à, thậm chí bây giờ anh quên cả cơm luôn rồi. Bên Tây, người ta không ăn cơm chỉ ăn mỳ thôi. Anh đích thị là ông tây rau muống.
Ngọc cười buồn:
- Anh cứ như vầy hoài làm sao em không lo cho được. Tại sao anh không nghe lời em chớ?
- Em không phải lo bò trắng răng. Anh biết cách chăm sóc mình. Thật tình, sống một mình anh rất ngại vào bếp. Vả lại, anh cũng chẳng biết nấu món gì ngoài mỳ tôm cả.
Đoạn Hai Bình nheo mắt nhìn Ngọc cất giọng khôi hài:
- Đàn ông mà giỏi việc nội trợ thì phụ nữ trên thế gian này hóa ra thừa à. 
Ngọc không bận tâm đến lời lẽ bông đùa của Hai Bình. Cô đưa mắt nhìn đồ đạc bừa bộn rồi lắc đầu nói:
- Kéo dài cuộc sống kiểu này rõ ràng là không ổn. Anh nên bớt thời gian rượu chè dành cho việc thu vén nhà cửa. Mặc dù là nhà thuê anh cũng nên ăn ở cho gọn gàng ngăn nắp. Nhìn xem xung quanh cơ man là rác dễ chừng cả năm anh không cầm chổi một lần.
Hai Bình làm thinh chỉ cười hề hề.
Ngọc nói:
- Theo em nếu lười vào bếp anh có thể đặt cơm tháng. Em có quen bà chị chuyên nấu cơm tháng cho những người sống độc thân, cho những gia đình có công việc bận rộn không thể tự nấu ăn, nếu anh không phản đối em sẽ..
Hai Bình xua tay lia lịa:
- Không phải phiền đến em. Đã bảo là anh biết cách chăm sóc cho mình. Em đến đây không phải chỉ quan tâm đến chuyện ăn ở của anh chứ?
Ngọc im lặng.
- Em sống có hạnh phúc không?
- Hạnh phúc, tất nhiên rồi. Chồng em rất thương yêu và lo lắng cho em. Em rất vui sướng khi có được người chồng như vậy.
Hai Bình tỏ vẻ nghi ngờ:
- Nếu được như thế, anh cảm thấy rất vui mừng. Nhưng, anh có cảm giác em đang giấu anh đều gì đó. Ánh mắt của em đã nói lên tất cả. Chồng em đối xử tệ bạc với em?
- Không, em sống rất hạnh phúc. Anh đừng suy diễn lung tung nữa. Anh biết rồi, em đâu phải là người thích nói dối.
Hai Bình thở dài:
- Nếu cuộc hôn nhân này mang bất hạnh đến cho em, anh sẽ không bao giờ tha thứ cho mình.
- Anh đừng nói đến chuyện này nữa có được không? – Ngọc tỏ vẻ không hài lòng:- Lần nào gặp nhau, anh cũng chỉ bấy nhiêu từ để nói. “ Em sống có hạnh phúc không? Chồng em có đối xử tệ bạc với em? “ . Chán lắm. Hãy nói chuyện khác đi. 
Hai Bình hút thuốc lá:
- Anh chẳng có chuyện gì để nói cả. Cuộc sống của anh cứ diễn ra một cách đơn điệu, nhàm chán. Tối đến lò bánh làm việc. Sáng trở về nhà ngủ một giấc. Thời gian còn lại anh kết bạn với rượu. Tất cả chỉ có thế.  – Hai Bình im lặng một lúc rồi nói:- Em đừng đến thăm anh nữa. Chuyện của chúng ta đã kết thúc. Anh không muốn chồng em hiểu lầm về mối quan hệ của hai ta.
Ngọc thở dài buồn bã:
- Nhưng chẳng lẽ chúng ta không thể xem nhau như hai người bạn được sao? Chẳng lẽ khi tình yêu đã hết chúng ta phải xem nhau như hai người xa lạ?
- Anh không nghĩ như thế. Với anh, em mãi là người bạn tốt nhất. Tuy nhiên miệng lưỡi thế gian không sao lường hết được, anh lo cho em mà thôi. Dù sao cẩn thận vẫn tốt hơn, em à.
Hai người nhìn nhau im lặng hồi lâu. Ngọc nhìn xuống gầm bàn phát hiện tô mỳ bèn bưng xuống bếp rồi quay trở lên:
- Anh đứng lên đi em có chuyện muốn nhờ anh đây.
Hai Bình đứng dậy. Ngọc ấn vào tay Hai Bình cây chổi:
- Em sẽ nấu cho anh một bữa cơm tươm tất. Anh phải giúp em quét dọn cái nhà. Bẩn như thế này mà anh vẫn bình chân như vại. Động đậy đi ông tướng!
Hai Bình ngoan ngoãn làm theo như cậu học trò nhỏ chấp hành mệnh lệnh của cô giáo khó tính. Vừa quét nhà, Hai Bình vừa âm thầm quan sát Ngọc làm bếp mắt ngời lên hạnh phúc.
Quét dọn xong, Hai Bình xuống bếp xem ngọc làm cá:
- Hôm nay sao em rỗi thế? Chồng em đâu?
Ngọc lấy dao mổ bụng, móc ruột cá:
- Chồng em hôm nay đi vắng cả ngày. Ở nhà một mình buồn quá, em đến ăn cơm với anh cho vui. Anh không thích à?
Hai Bình gật đầu:
- Thích. Nhưng anh  thấy không tiện lắm. Lần sau em đừng làm như thế nữa nhé. Anh ngại lắm.
Ngọc làm mặt giận:
- Được rồi. Nếu anh không thích thì em sẽ không làm phiền anh nữa. Chỉ là một bữa cơm, anh chỉ khéo làm ra vẻ quan trọng. Em hứa sẽ không đến đây nữa, cho dù anh có chết em cũng chẳng thèm đến đốt cho anh một cây nhang. Người gì mà vô tâm quá!
Hai Bình bật cười. Tiếng cười vô lo phóng khoáng.
- Em thích nhìn anh cười lắm. Mỗi lần cười trông anh hồn nhiên như chàng trai mới lớn nó hoàn toàn khác hẳn với con người sầu muộn cố hữu  của anh. Nụ cười là món quà quý báu nhất mà Thượng đế dành tặng cho con người. Tại sao anh lại dè sẻn nụ cười đến thế?
Gần một tiếng sau bữa cơm đã chuẩn bị xong. Bữa ăn trưa có canh chua, cá lóc kho và món lòng gà xào giá. Hai Bình nhìn mâm cơm hai tay xoa vào nhau, cánh mũi chun chun mấy cái:
- Chà, thơm quá, ngửi mùi đã muốn ăn.
Ngọc xới cơm ra chén. Hai Bình xì xụp chang chang húp húp. Mồ hôi tứa ra lưng áo bạc thếch. Ngọc chỉ ăn chiếu lệ và liên tục gắp thức ăn cho Hai Bình:
- Ngon không, anh?
Hai Bình vừa và cơm vô miệng vừa nói:
- Ngon lắm! Cả đời anh mới có được bữa ăn ngon như thế này. Em quả là đầu bếp đại tài!
Ngọc đề nghị:
- Nếu thích, thỉnh thoảng em sẽ đến nấu cơm cho anh ăn nhé?
Hai Bình đặt chén xuống,  đưa mắt nhìn Ngọc:
- Không cần phải làm như thế đâu, em ạ. Anh sẽ học cách làm bếp. Em còn gia đình của mình..
Cả hai cùng nhìn nhau im lặng. Cơm nước xong, Ngọc mang các thứ xuống bếp. Hai Bình ngồi xỉa răng và uống nước trà ở gian ngoài. Dọn rửa xong, Ngọc bước lên và ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Hai Bình rót cốc trà đưa cho Ngọc:
- Em uống nước đi. Cám ơn em về bữa cơm ngon.
 Ngọc phì cười:
- Anh trở nên khách sáo từ lúc nào vậy? Trước đây em vẫn nấu cho anh ăn đấy thôi.
Hai Bình im lặng hút thuốc. Ngọc thò tay vào chiếc túi lấy ra chiếc áo ngắn tay kẻ sọc ca rô đặt lên bàn:
- Em có chiếc áo này gởi tặng anh.
- Sao em không để cho chồng mình mà lại đưa cho anh? Anh có đủ quần áo để mặc. Em cất đi.
Ngọc nói:
- Chiếc áo này là hàng khuyến mãi, nó quá dài và rộng so với tạng người của chồng em. Ảnh chỉ cao có một mét sáu mươi. Anh mặc vào thử xem, vừa cỡ với anh đấy.
Ngọc tháo chiếc áo ra và ướm thử lên người Hai Bình, vừa lúc Nghị từ ngoài xông vào giật phăng chiếc áo trong tay Ngọc rồi ném mạnh xuống đất và gào lên:
- Bắt tận tay, day tận trán hết đường chối cãi rồi nhé, đồ đĩ thõa lăn loàn!
 
*
 
Lê Trực thò tay vào túi khoác lôi ra chiếc áo sơ mi sọc ca rô ngắn tay:
- Có phải chiếc áo này không?
- Đúng là chiếc áo này. Tại sao nó lại trong tay anh?
Lê Trực không trả lời câu hỏi của Tuyết mà hỏi lại:
- Chuyện ấy xảy ra cách đây đã được bao lâu?
Tuyết suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Khoảng hơn một tháng. Đó là hôm thứ Năm, em nhớ chính xác bởi hôm đó  em phải đi dự đám giỗ nhà người bạn.
- Và, sau đó chuyện xảy ra như thế nào?
Tuyết lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán:
- Chuyện một cô hai chàng làm ồn ào cả xóm. Anh Nghị tát vợ một cái như trời giáng. Anh Bình giận dữ túm lấy cổ tay Nghị ném ra sân. Lần đầu tiên, em thấy ảnh nóng giận như thế.
Lê Trực nói:
- Từ sau lần đó hai người có gặp nhau lần nào nữa không?
Ngọc lắc đầu:
- Không, em không thấy chị Ngọc đến nữa. Theo em, sau khi đã có gia đình hai người không nên gặp nhau nữa mới phải. Em nói có đúng không.
Lê Trực gật đầu tán đồng:
- Tôi cũng có quan điểm giống cô. Cô và Hai Bình có thường trò chuyện với nhau không?
- Nhiều nữa là đàng khác. Anh nghĩ thử coi, trong hẻm chỉ có ba hộ ra vô đều chạm mặt chẳng lẽ lại làm thinh như người xa lạ. Ngày nào em và ảnh là không nói chuyện với nhau.
- Hai người thường nói về đề tài gì?
- Thời tiết, mùa màng, thể thao, thơ ca, âm nhạc…ôi, đủ cả. Anh Bình tỏ vẻ am tường về bóng đá. Ảnh có thể nói chuyện bóng đá cả ngày mà không thấy chán. Anh có yêu bóng đá không?
- Tất nhiên rồi, tôi thích nhất là đội Ý. Còn cô?
- Em thích đội Đức. Đội bóng được mệnh danh là cỗ xe tăng hủy diệt. Có người lên án kiểu đá thực dụng của người Đức, họ bảo đá như thế là hủy diệt thứ bóng đá đẹp. Em không nghĩ như thế...
- Cô nghĩ như thế nào?
- Theo em, bóng đá không phải là nghệ thuật khiêu vũ. Đẹp hay xấu không quan trọng bằng việc giữ sạch lưới nhà và sút tung lưới đối phương. Chiến thắng là trên hết. Anh Bình cũng cùng suy nghĩ như em. Tuy nhiên, đội bóng ảnh yêu thích lại là đội Đan Mạch. Em không hiểu tại sao ảnh lại thích một đội không mấy tên tuổi trong làng bóng đá thế giới.
- Hai Bình có bao giờ tâm sự với cô không?
Tuyết lắc đầu:
- Không, ảnh lúc nào cũng kín như bưng. Em có cảm giác dường như người đàn ông này đang mang nặng nỗi niềm u uẩn trong lòng mà không thể giãi bày cùng ai..
- Sao cô lại nghĩ vậy?
- Em thường thấy ảnh ngồi suy tư một mình bên cửa sổ có khi hàng giờ liền với gương mặt buồn thê thảm. Anh thử nghĩ xem, một người không vướng bận chuyện gia đình vợ con, công ăn việc làm ổn định thì có gì phải băn khoăn lo lắng chứ. Từ đó, em đoán, anh Hai Bình có tâm sự trong lòng.
Tuyết ngước mắt nhìn đồng hồ rồi nói:
- Ba em cũng sắp về rồi đó, anh chịu khó chờ thêm một chút.
Lê Trực đề nghị:
- Cô yên tâm, tôi có thể chờ lâu. Cô kể tiếp chuyện Hai Bình đi.
- Trước khi mất tích khoảng vài hôm, em đi chơi về khuya tình cờ thấy ảnh ngồi bó gối trước hiên nhà. Em có hỏi, anh Bình không đến lò bánh mỳ à, ảnh đáp bữa nay anh nghỉ. Em bảo, nghỉ sao anh không đi ngủ sớm ngồi đó làm gì cho muỗi cắn, hay là anh nhớ người yêu. Người yêu của anh đi lấy chồng rồi, anh cũng nên lấy vợ trả thù lại, coi như huề. Ảnh im lặng không trả lời mà chỉ thở dài. Thời gian gần đây em thường nghe ảnh thở dài.
Lê Trực xen vào:
- Gần đây là bao lâu?
- Khoảng một hai tuần gì đó. Mỗi lần như vậy trông ảnh già lắm. Con người của anh đôi lúc thật khó hiểu. Ba em cũng nói như vậy.
Lê Trực nói:
- Trước khi mất tích, Hai Bình có biểu hiện gì khác thường không?
Ngọc suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Ảnh có vẻ buồn nhiều và uống rượu nhiều hơn. Em chỉ biết có vậy.
- Hai Bình có nói bóng gió về một chuyến đi xa nào không?
- Em không nghe ảnh nói gì cả. Ảnh đột nhiên biến mất như cồn bốc hơi vào không khí. Lạ thật!  – Đoạn Tuyết đưa mắt nhìn ra cửa rồi reo lên:- Ba em về kìa!
Một người đàn ông tuổi ngoài lục tuần, dáng vẻ gân guốc khoẻ mạnh trên tay xách con cá chép nặng chừng một ký. Sợi dây lác xỏ từ mang  vòng qua miệng cá.
- Cá ở đâu vậy ba?
Tư Bốn liệng con cá xuống nền đất, nó vẫy đành đạch. Đoạn ông nhìn khách rồi nhìn con gái như thầm hỏi. Tuyết xách con cá lên:
- Anh đây là cảnh sát hình sự tỉnh muốn gặp ba để tìm hiểu một số thông tin về anh Hai Bình.
Đoạn cô day mặt về phía Lê Trực:
- Anh ngồi nói chuyện với ba, em đi làm cá đây, nấu cơm đây.
Lê Trực nghiêng người, gật đầu chào và đưa tay ra bắt. Tư Bốn chùi tay vào áo rồi cầm tay khách lắc nhẹ mấy cái:
- Chú tới đây đã lâu chưa? Tôi mãi đánh cờ tướng với ông bạn già, về hơi muộn. Chú có chơi cờ không?
Lê Trực gật đầu và lấy thuốc lá mời chủ nhà. Tư Bốn nhón một điếu rồi châm lửa hút:
- Tôi không quen thứ thuốc lá này vì nó nhẹ quá. Gu của tôi phải là thuốc rê loại nặng. Anh là..
- Tôi tên Trực – Lê Trực nói:- Nghe nói, Hai Bình rất giỏi giải cờ thế?
Tư Bốn gật đầu, nói:
- Đúng vậy, tôi cứ thắc mắc mãi, Hai Bình giải cờ thế có thể nói là thiên hạ vô địch nhưng không hiểu sao chơi cờ chỉ ở tầm trung bình. Ván cờ thế cho dù khó đến mấy vào tay Hai Bình cũng trở nên dễ như bỡn. Cách đây không lâu, anh ta giải một ván cờ mà tôi cho là xứng đáng ghi vào sách giáo khoa. Bên đỏ chỉ có mỗi quân tướng và một mã. Bên xanh còn đủ sĩ tượng, thêm một con pháo và hai tốt, dân chơi cờ ai cũng thuốc nằm lòng câu “ nhất mã chiếu vô cùng “, vậy mà không hiểu anh ta đi kiểu gì rốt cuộc đỏ lại thắng.
- Hai Bình với bác có vẻ đi lại rất thân tình?
- Tất nhiên rồi. Trong hẻm chỉ có ba nhà, không chơi với nhau thì chơi với ai. Hai Bình hễ có chai rượu ngon đều kêu tôi, tôi có món gì ngon cũng đem ra nhâm nhi với Hai Bình. Tửu lượng của Hai Bình khá lắm hầu như không có đối thủ. Chơi cờ thì tôi chấp Hai Bình con mã. Uống rượu thì Hai Bình chấp tôi một ly; Hai Bình uống hai, tôi uống một, vậy mà, lần nào tôi cũng bị say trước. Anh đến đây để tìm hiểu về sự mất tích bí ẩn của Hai Bình phải không?
Lê Trực khẽ gật đầu:
- Hai Bình chính xác là mất tích từ hôm nào, bác có biết không?
Tư Bốn đáp:
- Biết chớ. Hôm thứ Năm tuần trước. Cả ngày hôm ấy, tôi không thấy mặt cậu ta. Hôm đó, tôi nấu món canh chua cá bông lau chờ hoài không thấy cậu ta về.
- Trước khi mất tích Hai Bình có tâm sự với bác điều gì không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Không, anh ta thậm chí còn hẹn tôi đi câu cá vào ngày Chủ Nhật nữa là. Tôi cũng lấy làm lạ về sự mất tích của cậu ấy. Nếu đi đâu cậu ta phải bảo tôi miệng tiếng chứ.
Tư Bốn nhấp một ngụm trà thấm giọng:
- Trước đây, thỉnh thoảng Hai Bình có việc phải đi đâu đó vài ngày và mỗi lần như thế cậu ấy đều nhờ tôi trông nhà hộ. Lần này, cậu ấy chẳng nói gì cả. Vì thế tôi mới sinh nghi.
- Bác nghi gì?
- Tôi nghi có kẻ hại cậu ấy.
- Sao bác lại nghĩ như thế?
Đấy là tôi phỏng đoán thế thôi chứ chẳng có cơ sở nào cả. Hai Bình nghèo trớt chẳng có của nả gì để kẻ xấu làm mục tiêu tấn công.
Lê Trực nói:
- Hai Bình có kẻ thù không?
Tư Bốn phì cười:
- Hiền lành như Hai Bình làm sao có kẻ thù. Hai Bình sống thu mình như con ốc rút vào chiếc vỏ, ngại tiếp xúc với người lạ, ngại va chạm thì làm sao có người thù ghét. Chính vì chuyện này mà tôi nghĩ mãi mấy đêm liền vẫn không sao tìm ra lời đáp.
- Bác có biết mối quan hệ giữa Hai Bình và cô Ngọc?
- Biết chớ. Cô Ngọc vẫn thường đến đây chơi. Và tôi xem cô ấy như em gái của mình. Ngọc vừa đẹp người vừa đẹp nết. Cổ nấu ăn rất ngon, đặc biệt món bò bóp thấu nhậu đến quắt cần câu vẫn còn muốn uống nữa. Cô Ngọc lo lắng chăm sóc Hai Bình như người mẹ thật sự. Và Hai Bình cũng tỏ ra yêu quý cô ấy. Thật tiếc, không hiểu vì lý do gì mà hai người không đến được với nhau.
- Họ chính thức chia tay từ khi nào, bác có biết không?
Tư Bốn gật đầu:
- Biết, sáng sớm hôm ấy, Hai Bình mang về gói thịt chó và chai rượu đế rủ tôi  nhậu. Tôi thật sự ngạc nhiên vì mọi khi Hai Bình chỉ uống rượu vào tầm trưa. Tôi cũng không hiểu Hai Bình tìm đâu ra món thịt chó vào sáng sớm như thế. Đúng là chuyện lạ…
 
*
 
Cái chung xoay ba vòng tua. Hai Bình rót đầy chung rượu, gắp miếng thịt luộc cho vô chén rồi nói:
- Tôi với Ngọc đã chính thức chia tay rồi.
- Cái gì? – Tư Bốn giật mình thốt lên:- Chú mày không nói giỡn đó chớ. Đang yêu nhau trối chết lại nói chia tay là nghĩa làm sao?
Hai Bình thở dài:
- Thật sự chuyện hai đứa chúng tôi đã kết thúc rồi. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt đêm. Bây giờ thì đường ai nấy đi. Thật tình, tôi không muốn nói chuyện này cho bất cứ ai nhưng anh với tôi là chỗ thân tình, vả lại  anh cũng đã hết lòng vun đắp cho chúng tôi. Vì thế, tôi thấy cần phải cho anh biết.
Tư Bốn trợn mắt nói:
- Tại sao lại xảy ra chuyện động trời này nhỉ? Có  phải con Ngọc chê chú mày nghèo không đủ sức bao bọc nó chớ gì? Để tao gặp nó nói chuyện phải trái cho ra lẽ.
Hai Bình uống cạn chung rượu:
- Anh đừng nói vậy tội nghiệp cho cô ấy. Ngọc cũng rất khổ tâm, hơn nữa, chính tôi là người chủ động.
Tư Bốn giận dữ dằn mạnh chung rượu xuống bàn:
- Chú mày nói vậy là nghĩa làm sao? Chú mày có con nhỏ khác rồi phải không? Phải chăng chú mày được đăng quên đó, được vó quên nơm có đúng như không?
Hai Bình im lặng. Tư Bốn giận dữ:
- Tại sao vậy, Hai Bình? Tại sao chú mày lại bỏ con Ngọc? Trời ơi, chẳng lẽ Tư Bốn này nhìn lầm người hay sao!
Hai Bình thở dài:
- Tôi chẳng quen ai cả. Và có lẽ, suốt đời tôi sẽ sống độc thân. Anh biết rồi đó, tôi là người thích thung dung tự tại.
Tư Bốn quắc mắt lên sòng sọc:
- Đó chỉ là ngụy biện! Đang yên đang lành bỗng dưng đất bằng dậy sóng, nhất định có chuyện gì chú mày giấu anh. Là chuyện gì vậy?
Hai Bình lắc đầu:
- Chẳng có gì cả, đơn giản là hai đứa chúng tôi không hợp với nhau.
- Hãy tìm một lời giải thích khác thuyết phục hơn, Hai Bình, mấy năm tìm hiểu, ngày cưới cũng đã tính rồi, bỗng dưng nói là không hợp, chẳng ai tin lời giải thích đó, thậm chí đứa con nít cũng cười khì.
Hai Bình cất giọng trầm buồn:
- Tôi đang rất khổ tâm, anh có biết không. Có những việc người ta không thể nào nói được. Anh hãy tin rằng tôi đã hành động đúng tư cách của một người đàn ông. Thành thật xin lỗi.
Tư Bốn đứng dậy, bước vào nhà:
- Chú mày chẳng lỗi phải gì cả. Tự nhiên tao thấy nghẹn ngang cuống họng không muốn nhậu nữa.
 
*
 
- Rốt cuộc, bác có hiểu nguyên nhân vì sao hai người chia tay? – Lê Trực nói.
Tư Bốn lắc đầu:
- Tôi chịu thua, không sao hiểu được chuyện gì đã xảy ra với họ. Cả cô Ngọc cũng kín như bưng. Nhưng một điều, tôi biết chắc chắn là hai người vẫn còn yêu nhau. Yêu nhau nhưng lại không thể đến với nhau vì một nguyên do nào đó mà chỉ có những người trong cuộc mới biết. Ngọc lấy chồng, theo tôi, chỉ là bổn phận chứ  hoàn toàn không có tình yêu.
Lê Trực xen vào:
- Và, đó chính là nguyên nhân gây ra rạn nứt trong đời sống vợ chồng của họ? Theo bác, Nghị, chồng cô Ngọc là người như thế nào?
- Hắn là một gã ăn mặn đái khai! Đàn ông tốt trên thế gian này đâu có thiếu, sao cô ấy lại chọn hắn. Đàn ông mắt trắng, môi thâm, đích thị là kẻ tiểu nhân. Cô Ngọc lấy hắn chẳng khác nào bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
- Bác có vẻ ác cảm với tay thợ điện thì phải?
  - Không phải chỉ mỗi mình tôi mà hầu như tất cả những ai đã từng tiếp xúc với con người dơ dáng đó đều có chung tâm trạng như vậy. Anh có biết, hắn đã từng bị phạt cải tạo tại địa phương về tội đánh người gây thương tích cách đây gần hai năm.
Lê Trực thốt lên:
- Có chuyện đó nữa à. – Đoạn anh lái câu chuyện sang hướng khác:- Bác có nghĩ Hai Bình đi đâu đó một thời gian sẽ quay trở lại?
 Tư Bốn ngơ ngác:
- Đi đâu được chứ?
Lê Trực nói:
- Có thể Hai Bình đi thăm người thân, cha mẹ họ hàng…
Tư Bốn lắc đầu, nói:
- Anh em đi lại với nhau đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi nghe Hai Bình nhắc đến người thân nào cả. Đôi khi tôi có đề cập đến chuyện gia đình, cha mẹ, anh em thì Hai Bình chỉ im lặng thở dài, gương mặt buồn rười rượi. Năm ngoái đám giỗ ông già, tôi có mời Hai Bình sang dự. Anh ta là vị khách duy nhất được mời…
 
 
*
 
Mười hai giờ trưa, Hai Bình đạp xe từ thị xã về. Anh nhanh chóng cất xe đạp rồi xách bịch trái cây cùng chai rượu đế bước sang nhà Tư Bốn. Lúc này, Tư Bốn đang đốt vàng mã trước sân, nhác thấy Hai Bình liền reo lên:
- Sao chú em  về trễ vậy? Anh cứ đinh ninh phải uống rượu một mình. Vào nhà đi.
Hai Bình đặt trái cây lên dĩa rồi để lên bàn thờ, sau đó, anh đốt mấy cây nhang và cắm vào bát hương rồi chấp tay xá mấy xá.
Mâm cỗ được dọn ra. Tư Bốn vừa khui chai rượu đế rót ra hai chiếc cốc vừa trò chuyện với Hai Bình:
- Năm ngoái làm giỗ lớn mời đông ồn ào phức tạp quá nên năm nay anh không mời ai ngoài chú mày ra. Kể ra chỉ có hai người đưa qua đưa lại cũng buồn. Nào chúng ta cùng chạm cốc.
Cả hai cùng chạm ly. Tư Bốn gắp cái phao câu gà bỏ vô chén Hai Bình, nói:
- Nhứt phao câu, nhì đầu cánh, anh nhường cái ngon nhứt cho chú mày. Ngày trước, ông già anh còn sống mỗi lần làm gà phải chừa cho ổng cái phao câu. Không có là ổng nỗi giận quát tháo om sòm.
Tư Bốn mắt mơ màng về phía xa xăm:
- Ông già sanh ra tất cả sáu người con, bốn trai, hai gái. Mình  là con thứ tư. Và cũng là đứa ông già thương nhiều nhứt. Chú có biết tại sao không? Tại gì, mình  không chỉ giống ổng từ vóc dáng tánh tình mà cả thói quen và sở thích. Hai cha con giống nhau đến nỗi như là bản sao với bản chánh. Ông già thích ăn ba khía dầm me, mình cũng mê món ba khía dầm me. Ông già thích đờn ca tài tử, mình cũng mê đờn ca hát xướng. Hồi nhỏ, ông già hay trốn học chữ nho đi bắt dế bị ông nội bắt đem về quất một trận nên thân. Sau này, mình cũng mê chơi dế mà trốn học..
Tư Bốn uống cạn ly rượu rồi tiếp tục kể:
- Lần đó anh bị bắt quả tang tội trốn học,  đá dế với mấy đứa bạn. Ông già véo tai lôi về nhà, bắt nằm úp mặt xuống giường,  rồi vơ lấy chiếc roi mây to bằng ngón tay cái treo trên vách. Anh chắc mẩm phen này sẽ bị đòn nát đít chớ chẳng chơi. Tội trốn học là nặng lắm, mấy anh em của anh đã bị đòn rất đau về tội này. Sau khi rao giảng về đạo nghĩa làm người, về lợi ích của việc học.., ông già quyết định phạt anh hai mươi roi! Trời ạ, vừa nghe xong anh đã khóc thét lên và hết lời van xin nhưng không sao lay chuyển được. Ông già ra điều kiện đánh roi nào mà anh ngồi bật dậy kể như bỏ không tính roi đó. Bà già thương thằng con ốm yếu chỉ biết ngồi khóc như ri. Ông già giơ roi thật cao và vụt mạnh xuống. Một, hai, ba..- Đoạn Tư Bốn ngước mắt nhìn Hai Bình:- Ông già giơ cao, đánh mạnh nhưng anh không thấy đau, chú mày có biết tại sao không?
Hai Bình lắc đầu. Tư Bốn nở nụ cười hạnh phúc:
- Bởi vì, ổng già cố tình vụt vào vách chẳng trúng mình roi nào cả. Tuy nhiên mình  cũng giả vờ khóc thét lên làm ra vẻ đau đớn lắm. Chuyện này chỉ có hai cha con là biết thôi. Mình  cũng không kể lại cho bà già và mấy anh em khác vì sợ mọi người so bì ganh tỵ…
Tư Bốn ngừng nói, vừa rót rượu vào ly vừa cười hề hề:
- Sau vài trận đòn như thế, mình bắt đầu lờn mặt không sợ bị đòn nữa. Lần đó, hai anh em vì tranh giành đồ chơi mà đánh lộn chí chóe, ông già giận lắm lôi hai anh em ra nọc một trận. Thằng anh lớn đầu không làm gương cho em út bị đòn đầu tiên, sau mới đến lượt mình. Mình cứ ỷ y như những lần trước nên cứ tỉnh như không, chẳng dè, ông già vụt thẳng tay đến nỗi mông bị tóe máu.
- Tía ơi, sao tía đánh con đau quá vậy, tía?
- Đánh đau cho con chừa. Từ rày bỏ tật dể ngươi nghe chưa!
Ông già quất liền năm roi. Đau quá thiếu điều lết đi không nổi. Anh giận ông già ghê gớm bỏ cả buổi cơm tối, leo lên giường ngủ sớm. Đang ngủ say bỗng ông già lay mình dậy. Đang còn giận mình giả bộ nằm im không cục cựa.
- Cu Bốn dậy đi, tía cho cái này.
Đoạn ông già đưa củ khoai nướng lia lia ngang mũi. Đang đói, nghe mùi thơm khoai nướng bụng anh sôi ọc ọc, rồi thì,  quên cả giận ngồi bật dậy như cái lò xo, chộp lấy chủ khoai nhai ngấu nghiến.
- Từ nay về sau đừng có hư nữa nghe chưa? Tía đánh có đau không?
- Đau lắm tía. Tía ác quá hà!
Đêm hôm đó hai cha con ngủ với nhau. Khoảng ba giờ sáng, anh giật mình tỉnh giấc, thì thấy tía một tay  cầm chiếc đèn bão, tay kia sờ nắn lên khắp cơ thể của anh, miệng liên tục xuýt xoa “ Tội nghiệp thằng nhỏ “. Rồi ông già lấy dầu xanh xức lên chỗ đau. Rát quá nhưng anh vẫn cắn răng im lặng.
Tư Bốn nhấp một ngụm nhỏ rồi tiếp tục đắm mình trong hồi ức xa xăm:
- Nhà nghèo, ông già phải đi làm ruộng mướn cho chủ. Mấy anh em chẳng đứa nào học hành đến nơi đến chốn. Gặp phải lúc thiên tai bão lụt cả nhà phải hái rau ăn trừ cơm. Đã vậy, rau cũng chẳng có mà ăn. Nhìn đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn ốm nhom, vàng bủng vì thiếu ăn và bệnh tật, ông già không cầm được nước mắt. Đói ăn vụng, túng làm liều, ông già lén ăn cắp lúa của chủ điền đem về giả ra và nấu cháo. Cháo vừa sôi, thì chủ điền và  đám bộ hạ tay chân xuất hiện. Chúng trói ông già vào gốc cây sung đánh một trận thừa sống thiếu chết…
Kể đến đây Tư Bốn bỗng rướm nước mắt:
- Chuyện xảy ra đã mấy chục năm nhưng cảnh tang thương vẫn ám ảnh hoài tâm trí. Sau lần đó, ông già kéo rốc cả bầu đoàn thê tử bỏ đi xứ khác làm ăn. Ở lại chỗ cũ chẳng còn đất làm ăn rồi thì làm sao sống được với tiếng đời thị phi mai mỉa. Tội nghiệp ông già cả đời luôn giữ mình trong sạch chỉ vì lũ con mà phải mang tiếng nhơ suốt đời…
Hai Bình im lặng theo dõi câu chuyện đột ngọt xen vào:
- Rồi mọi người làm gì để sống?
Tư Bốn nói:
- Xuống sông bắt cá, lên rừng hái rau, rốt cuộc cũng sống đàng hoàng như ai đó thôi.
Cả hai cùng im lặng, uống rượu. Tư Bốn kể tiếp chuyện bằng giọng rè rè xúc động:
- Có một kỷ niệm mà mỗi khi nhớ đến anh không sao cầm được nước mắt. Tối hôm đó anh nghe kể chuyện ma. Con ma cụt giò chuyên bắt con nít để ăn thịt. Bị ám ảnh bởi chuyện ma quái, anh sợ quá không sao ngủ được. Nửa đêm, anh thấy ông già thức dậy, xách nơm đi nơm cá. Hôm ấy là một đêm trăng sáng. Ông già vừa đi khỏi một lúc, anh cũng dậy theo. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng anh cũng phát hiện ông già đang nơm cá ở khúc sông trên. Vừa nhìn thấy tía, ông bỗng thốt lên “ Trời ơi, tại sao lại như thế này? “.
Tư Bốn đưa tay quệt nước mắt:
- Chú mày có biết anh thấy gì không? Ông già trong y phục của người nguyên thủy. Mãi sau này mới biết, ông già sợ cái quần đùi bị mục nên phải cởi truồng để khỏi phải mắc công tốn vải.
Tư Bốn im lặng, uống rượu tì tì. Chờ cho cơn xúc động lắng xuống, Tư Bốn kể tiếp:
- Cả đời mình mắc nợ sinh thành không cách chi trả nổi. Bà già đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh khi tuổi chỉ mới ngoài bốn mươi. Ngày đưa bà già ra chôn ở đất ruộng, anh em mình khóc than thảm thiết chỉ mỗi ông già là lặng thinh không mảy may một giọt nước mắt. Anh thầm trách ông già ăn ở tệ bạc, chỉ mỗi giọt nước mắt còn tiếc thì nói chi tình nghĩa vợ chồng..Thế rồi, một đêm tình cờ anh nhìn thấy ông già ngồi sụt sùi bên nấm mộ vợ. Lúc ấy, anh mới hiểu ông già cũng yếu mềm như ai, chẳng qua ông giả vờ tỏ ra cứng cỏi trước lũ con  mà thôi..
Tư Bốn gắp miếng gỏi gà cho vào miệng:
- Mỗi người đều có những kỷ niệm riêng của mình. Nó chính là điểm tựa cho ta bước vào cuộc đời đầy chông gai sóng gió. Chuyện của anh đại loại như thế, còn chú mày thì sao?
Hai Bình ngơ ngác:
- Gì ạ?
- Còn gì nữa! Chẳng lẽ chú mày không có gia đình cha mẹ anh em à?
Hai Bính lúng túng:
- Tất nhiên rồi. Con người không thẻ từ đất nẻ chui lên. Anh mua rượu ở đâu mà ngon quá vậy?
- Ô hay, đây là loại rượu anh  với chú mày vẫn thường uống đó thôi. Chú mày làm sao vậy? Quê chú ở đâu? Cha mẹ còn sống hay đã chết? Nhà có mấy anh em? Anh em mình đi lại thân tình cũng đã lâu sao anh không bao giờ nghe chú mày kể về gia đình mình cả.
Hai Bình day mặt sang hướng khác như muốn lẩn trốn cái nhìn phán xét và nén tiếng thở dài.
Tư Bốn nốc cạn chung rượu rồi “ khà “ lên một tiếng:
- Bộ chú mày giận gia đình à?
- Sao anh nghĩ vậy?
- Nhìn cách cư xử của chú mày anh đoán vậy thôi. Theo anh, cùng là máu mủ ruột rà cho dù có giận đến mấy cũng nên chín bỏ làm mười. Chú mày phải nhớ lời này, chỉ có con bỏ cha mẹ chứ cha mẹ chẳng bao giờ bỏ con. Chuyện gia đình của chú mày như thế nào, không phải là người trong cuộc anh không biết nhưng cách xử sự như vậy là không đúng đâu. Chim có tổ, người có tông…Cáo chết ba năm còn quay đầu về núi nữa là..
 
*
 
Lê Trực nói:
- Trước khi mất tích, Hai Bình có biểu hiện điều gì khác lạ không?
Tư Bốn suy nghĩ một lúc, nói:
- Có, tôi thấy cậu ta có vẻ đau khổ và tuyệt vọng. Và uống rất nhiều. Tôi có cảm giác, Hai Bình muốn say để quên tất cả.
- Tại sao lại như vậy? Bác có hiểu nguyên nhân không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Tôi chịu thôi. Hai Bình có vẻ là người lập dị, anh ta luôn đóng chặt cánh cửa thế giới nội tâm của mình không cho bất kỳ kẻ nào bước vào. Đấy là tôi chỉ đoán già đoán non thôi chứ chưa hẳn đã đúng.
- Biểu hiện thay đổi đó có từ lúc nào, bác có biết không?
Tư Bốn đáp liền:
- Biết chớ, từ bệnh viện  trở về, tôi thấy, Hai Bình đã có biểu hiện khác rồi.
Lê Trực thốt lên:
- Sao lại thế? Hai Bình bị bệnh à?
- Hai Bình bị kẻ xấu tấn công từ phía sau bị ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng rất may vết thương không nghiêm trọng và Hai Bình đã được xuất viện ngay ngày hôm sau.
- Có chuyện đó nữa à? – Lê Trực nói:- Sau đó, Hai Bình có báo chuyện này cho công an không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Không. Bị tấn công từ phía sau lúc trời tối đâu biết mặt hung thủ mà thưa với kiện. Vả lại, vết thương không nghiêm trọng thưa với kiện chi mất công tốn thời gian vô ích mà thôi. Ai cũng bận rộn cả chẳng hơi đâu lên đồn công an cả buổi để rồi chẳng thu được kết quả gì.
Lê Trực nói:
- Bác có nghĩ  đây là một vụ cướp?
- Tôi không nghĩ vậy, bởi chúng không lấy thứ gì của nạn nhân cả. Chiếc xe đạp vẫn còn nằm yên trong đám cỏ. Với lại, trên người Hai Bình chẳng có thứ gì đáng giá để cướp cả. Có thể, đây là vụ thanh toán do nhầm người mà thôi.
Lê Trực nói:
- Sao bác lại nghĩ vậy?
- Tôi không tin người như Hai Bình lại có kẻ thù ghét. Anh ta chẳng bao giờ động chạm đến ai.
- Trước khi về đây, Hai Bình đã từng ở những đâu và làm công việc gì, bác có biết không?
Tư Bốn lắc đầu:
- Không, tôi không biết gì cả. Nhưng khi nhìn những vết thương trên người Hai Bình, tôi đoán anh ta đã có thời gian phục vụ trong quân đội.
- Vết thương có nặng lắm không?
- Hai Bình bị thương nhiều chỗ lắm. Ở lưng, ngực, bụng và cả bắp đùi. Tuy nhiên nặng nhất là ở phần ngực và bụng. Những vết phỏng tím bầm dính vào nhau như miếng giẻ rách.
- Hai Bình chẳng bao giờ kể cho bác nghe về những vết thương này à?
- Không. Tuy nhiên thỉnh thoảng nó vẫn hành hạ anh ta đến dở sống dở chết. Những cơn đau thắt kèm theo là cơn sốt.
 
*
 
Hai Bình bước lên căn gác gỗ. Sàn gàn ọp ẹp run lên bần bật. Anh đưa tay cởi chiếc áo thun chui đầu , và ném nó xuống sàn gác. Anh ngồi xuống chiếc ghế duy nhất kê bên cạnh cửa sổ. Gương mặt xanh xao lộ vẻ mệt mỏi. Trời nắng nóng. Mái tôn thấp tè hầm hập như cái lò nung, khắp người Hai Bình đầm đìa mồ hôi. Anh với lấy chiếc khăn cũ mắc trên vách lau người. Mồ hôi từ cơ thể Hai Bình liên tục ứa ra cứ như cơ thể anh có sẵn mạch nước ngầm. Ban đầu, Hai Bình lau mặt rồi  xuống ngực, bụng. Những vết bỏng đỏ lòm ở ngực và bụng dính vào nhau nhầy nhụa ở nơi này nơi kia nom như những khối u của người ung thư đang bị di căn. Hai Bình đưa tay bóp nhẹ lên những chỗ bỏng và cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu. Bỗng Hai Bình đưa tay ôm ngực và cong người xuống. Cơn đau thắt xuất phát từ ngực rồi lan dần xuống bụng và truyền đi khắp cơ thể. Anh đánh rơi chiếc khăn, nằm cong người như con tôm luộc. Những bàn tay thô bạo vô hình như đang nghiền nát cơ thể anh. Anh xoay người, nằm úp mặt xuống sàn gác, lưng cong oằn như con giun bị giẫm. Cố chịu đau, anh bò đến bên chiếc tủ cá nhân lấy ra lọ thuốc. Bàn tay run rẩy mở nắp rồi lấy ra hai viên thuốc màu xanh cho vào mồm. Xong xuôi, anh nằm quay người vào vách, hai chân liên tục co duỗi. Cơn đau chưa kịp lắng xuống thì cơn sốt bỗng ập đến. Cả ngày hôm ấy Hai Bình vùng vẫy cật lực trong chiếc chăn mỏng..
 
*
 
Lê Trực nói:
- Tôi muốn vào xem chỗ ở của Hai Bình nhưng cửa đã khóa.
Tư Bốn sốt sắng:
- Để tôi đưa chìa khóa cho chú. Thấy cửa nẻo mở toang, lo sợ bị mất mát nên tôi đã lấy ổ khóa ở nhà sang khóa cửa nhà Hai Bình lại đó chứ.
Tư Bốn lấy chìa khóa đưa cho Lê Trực và dặn:
- Khi nào xem xong,  chú khóa cửa lại và gửi lại chìa cho tôi nhé.
Ngôi nhà khá hẹp chỉ hơn mười mét vuông, có căn gác lửng. Gian trước làm phòng khách, gian sau làm nhà bếp, nhà vệ sinh. Quần áo, đồ đạc vất bừa bãi khắp nơi. Lê Trực phát hiện một thùng mì ăn liền hiệu Miliket đặt trên chiếc tủ  gỗ. Bên trong còn vài gói. Trong nhà vệ sinh có vài  bộ đồ ngâm trong chậu đã bốc mùi. Căn gác lửng ọp ẹp được làm nơi ngả lưng. Chiếc đài bán dẫn đặt ngay đầu nằm. Cạnh đó là quyển tiểu thuyết “ Phía Tây không có gì lạ  “ của Erich Maria Remarque  được đặt ở tư thế úp. Lê Trực cầm lên và phát hiện sách được mở ở trang 230 – 231. Trên chiếc bàn nhỏ kê gần cửa sổ có chiếc gạt tàn thuốc lá. Bao Du Lịch còn vài điếu và chiếc bật lửa hiệu ba số năm. Tiếp tục tìm kiếm, Lê Trực còn tìm thấy một quyển vở học sinh mép cong tớn nhét dưới gối nằm. Anh lật thử vài trang rồi đặt vào chỗ cũ. Sau đó anh bước ra ngoài, khóa cửa cẩn thận và trả chìa khóa lại cho ông Tư Bốn.
 
6
 
Chín giờ sáng. Lò bánh mỳ đang chuẩn bị cho ra mẻ cuối cùng. Ba Phát chủ lò bánh, mặc chiếc quần short, mình trần đang hò hét chỉ huy đám thợ. Mấy người thợ mình dính đầy bột đang cắm cúi cho củi vào lò. Ba Phát cúi xuống nhìn vào lò rồi gắt lên:
- Cho thêm củi vào! Củi lửa như vầy chừng nào mới ra bánh. – Đoạn Ba Phát day mặt về phía một thanh niên đang đứng gần cửa sổ:- Thằng Trọng mang củi vào nhanh lên. Người gì mà cứ lừ đừ như ông từ vào đền!
Trọng bước ra ngoài ôm mấy ôm củi khô rồi cho từng thanh vào lò. Ba Phát bước đến bên chiếc bàn hình chữ nhật vơ lấy ca nước đá tu ừng ực, rồi ngước mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Bên ngoài có mấy người đang nóng lòng chờ lấy bánh.
Bánh chín. Mấy người thợ vừa lấy bánh trong vỉ ném vào chiếc giỏ cần xé cạnh đấy, vừa đếm từng chiếc để giao cho khách. Loáng một cái số bánh đã giao gần hết, chỉ còn vài chiếc. Ba Phát lấy một ổ cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Mấy người thợ bắt đầu công việc dọn dẹp.
Lê Trực từ ngoài bước vào. Ba Phát đặt ổ bánh xuống bước ra đón khách:
- Anh mua mấy ổ? Bánh mới ra lò còn nóng hổi.
Lê Trực lắc đầu:
- Tôi không mua bánh. Tôi tìm ông Ba Phát chủ lò.
Ba Phát nhìn khách một lượt từ đầu đến chân:
- Là tôi đây, anh tìm tôi có việc gì?
Ba Phát lấy chiếc ghế thấp đưa cho khách rồi ngồi xuống chỗ trống cạnh đấy:
- Nhà cửa bề bộn quá, anh thông cảm. Xin lỗi, anh là ai?
Lê Trực giới thiệu qua loa về mình và đi thẳng vào chuyện:
- Tôi đến đây để tìm hiểu một số thông tin về Hai Bình. Theo tôi được biết Hai Bình làm việc tại lò bánh của ông?
Ba Phát gật đầu:
- Đúng  vậy, Hai Bình  là người làm lâu năm nhất tại lò bánh của tôi. Tôi quý mến Hai Bình và xem như anh em trong nhà. – Ba Phát đưa tay trỏ về phía mấy người thợ đang dọn dẹp:- Những người này làm việc với tôi chỉ vài năm gần đây thôi. Tôi phải liên tục tuyển thợ mới bởi đám thợ cũ thỉnh thoảng lại xin nghỉ, đi tìm công việc khác. Công việc làm bánh quả thật rất cực nhọc và phải thức trắng đêm, những người trẻ tuổi có thể làm công việc nặng nhọc nhưng thức đêm thì rất kém.
Lê Trực nói:
- Chính xác là Hai Bình làm việc ở đây đã được bao lâu?
Ba Phát ra chiều suy nghĩ:
- Cũng hơn năm năm rồi…
 
*
 
Một buổi sáng tháng Bảy, trong lúc ông Ba Phát đang nhào bột thì có một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ với chiếc ba lô trên vai tìm đến. Anh ta đứng hồi lâu quan sát mọi người làm việc rồi mới rụt rè bước đến gần Ba Phát và cất giọng rè rè:
- Xin lỗi, tôi muốn gặp chủ lò bánh..
Ba Phát ngừng công việc, đưa tay quệt mồ hôi trán:
- Là tôi đây. Anh tìm tôi có việc gì?
Người đàn ông giới thiệu tên Hai Bình và bày tỏ ý định  vào làm việc tại lò bánh.
- Mời anh ngồi. – Ba Phát lấy khăn lau bàn tay dính đầy bột:- Tôi tên Phát, thứ ba, mọi người thường gọi tôi là Ba Phát. Lò bánh Ba Phát. Thậm chí người ta còn gọi hẻm này là hẻm Ba Phát. Anh đến xin việc cũng đúng lúc, tôi đang thiếu thợ. Anh đã làm thợ làm bánh đã được bao lâu?
Hai Bình lúng túng mắt nhìn xuống nền nhà:
- Tôi chưa làm thợ ngày nào cả. Trước đây, tôi làm việc trên ghe. Chán cảnh sông nước tôi muốn thay đổi công việc…
- Như vậy là không được rồi. Tôi cần thợ chớ không cần người phụ việc. Anh thông cảm tìm chỗ khác.
- Xin anh hãy nhận tôi. Thật sự, tôi đang rất cần một công việc. Tôi có thể làm bất kỳ công việc gì.
Ba Phát nói:
- Đã nói với anh, tôi cần thợ chứ không cần người phụ việc.
- Nhưng để làm ra những chiếc bánh cũng cần những phụ việc nữa chứ. Tôi có sức khỏe và đầu óc không đến nỗi tối dạ, tôi học việc rất nhanh. Xin hãy tin và giúp đỡ tôi. Tôi đang thật sự gặp khó khăn cần một công việc nào đó để có cơm ngày hai bữa.
Ba Phát nheo mắt nhìn khách. Khách trạc bốn mươi, người gầy gò, da vàng bủng như bị chứng sốt rét kinh niên:
- Trông anh không lấy gì là khỏe khoắn. Công việc ở lò bánh rất vất vả, tôi e, anh kham không nổi..
- Tôi làm được – Hai Bình nói:- Chắc chắn là như vậy. Xin anh hãy cho tôi thử việc trong vài ngày. Nếu không vừa ý, anh có thể cho tôi nghỉ bất kỳ lúc nào.
Ba Phát miễn cưỡng gật đầu:
- Thôi được, tôi sẽ cho anh làm thử trong một tuần lễ. Trong thời gian thử việc, tôi sẽ không trả lương, bù lại, anh được ăn hai bữa cơm miễn phí. Đồng ý không?
Hai Bình gật đầu, cám ơn rối rít. Ba Phát đứng dậy tiếp tục công việc nhào bột:
- Chỗ ở của anh có xa không?
- Tôi chưa tìm được chỗ trọ. 
- Sao anh biết tôi cần người mà tìm đến?
- Tình cờ, tôi nghe người bán bánh mỳ nói chuyện với khách. Thế là, tôi hỏi thăm đường và đến đây. Thật sự, tôi chỉ đi cầu may chứ không hy vọng. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ với tôi.
Ba Phát nói:
- Trong thời gian tìm chỗ trọ, anh có thể ở lại đây. Tôi có căn phòng trước kia làm khi chứa bột, nói chung, hơi bất tiện…
- Tôi chỉ cần một chỗ ngả lưng là đủ lắm rồi.
Ba Phát dừng tay, dẫn Hai Bình đi xem chỗ trọ. Căn phòng xập xệ rộng chỉ vài mét vuông toàn rác và phân chuột.
- Trước tiên anh cần dọn dẹp sạch sẽ. Chỗ này ẩm thấp và tối. Cần phải lắp thêm một bóng đèn. Dù vậy, anh không ở đây được lâu đâu. Sắp tới  sẽ mở rộng lò bánh, căn phòng sẽ bị đập bỏ.
- Vâng, tôi hiểu. Tôi sẽ tìm chỗ trọ mới trong thời gian sớm nhất.
 
*
 
Lê Trực nói:
- Và, cuối cùng anh đã đồng ý nhân Hai Bình vào làm việc tại lò bánh sau thời gian thử việc?
Ba Phát gật đầu, nói:
- Đúng vậy, Hai Bình tỏ ra rất chăm chỉ và cẩn thận trong công việc, chẳng có điều gì khiến tôi phải phàn nàn cả. Trông anh ta có vẻ ốm yếu nhưng lại rất khỏe, bột mỳ năm mươi ký, Hai Bình có thể vác một lúc hai bao. Tôi thật sự kinh ngạc trước sức khỏe của anh ta.
- Khi nhận Hai Bình vào làm, anh có tìm hiểu nhân thân của anh ta?
- Tôi có tìm hiểu nhưng Hai Bình chỉ trả lời lấp lửng. Theo tôi được biết, đại khái Hai Bình là đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa đã từng tha hương cầu thực khắp nơi. Trước khi đến làm tại lò bánh, Hai Bình đã từng phụ việc trên ghe chở trái cây vài năm.
- Có thật sự Hai Bình là trẻ mồ côi?
Ba Phát đưa tay gãi đầu:
- Hai Bình có thật sự là đứa trẻ mồ côi hay không, tôi không biết. Nhưng thái độ của anh ta có vẻ thành thật có thể tin được. Vả lại, người ta nói dối về nhân thân của mình để làm gì chứ, chỉ có những phạm nhân trốn lệnh truy nã mới che giấu lý lịch bản thân mình. Tôi nhận xét Hai Bình là người đàng hoàng và anh ta nhất định không phải là kẻ xấu.
- Hai Bình có bao giờ tâm sự với ông về quá khứ bản thân?
- Không, - Ba Phát lắc đầu:- Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về chuyện này. Suốt thời gian làm việc với tôi chưa bao giờ tôi thấy Hai Bình đả động đến quá khứ của mình. Mỗi khi chúng tôi ngồi uống rượu, kể lể chuyện ngày xưa thì bao giờ Hai Bình cũng lảng sang chuyện khác.
Ngừng một lúc, Ba Phát nói:
- Tôi đoán, có lẽ, Hai Bình mang nặng mặc cảm trong lòng. Thường thì người ta luôn cố quên những gì bất hạnh phiền toái trong lòng. Phải chăng Hai Bình mang một quá khứ vô cùng thê thảm, nhiều lần tôi tự hỏi như thế và chẳng bao giờ tìm ra lời đáp. Nói tóm lại, Hai Bình là người có vẻ bí ẩn.
- Anh đã từng nhìn thấy những vết thương trên người Hai Bình?
Ba Phát gật đầu:
- Tất nhiên rồi. Mỗi khi làm việc nặng nhọc ra nhiều mồ hôi, Hai Bình thường cởi áo. Lần đầu tiên nhìn thấy những vết bỏng trên nguời anh ta tôi phải thốt lên kinh hoàng. Tôi cứ băn khoăn nghĩ mãi, với thương tích như vậy, mà Hai Bình còn sống được thì quả là một kỳ tích. Ngoài những vết bỏng còn có nhiều vết thương khác, tôi đoán, chắc là  do những  mảnh đạn gây ra. Những chỗ bị bỏng mồ hôi không thoát ra được gây nên ngứa ngáy rất khó chịu. Thỉnh thoảng anh ta phải dừng công việc và chạy vào nhà tắm.
Lê Trực nói:
- Hai Bình đã từng kể với anh đã từng phục vụ trong quân đội? Và chiến đấu ở những chiến trường nào?
Ba Phát lắc đầu:
- Chưa bao giờ Hai Bình kể với tôi về chuyện này. Nhưng nhìn những vết thương trên người cũng có thể đoán ra anh ta đã có một thời từng cầm súng. Nhiều lần tôi gạn hỏi, Hai Bình chỉ trả lời mập mờ, vâng, tôi đã từng là người lính.
- Anh ta không nói mình thuộc đơn vị nào?
- Không, tôi đã từng là người lính, chỉ một câu trả lời đơn giản như thế. Tôi hỏi thêm, Hai Bình chỉ im lặng một lúc rồi lảng sang chuyện khác. Tôi thật sự không hiểu tại làm sao. Nhiều lúc Hai Bình trở nên rất khó hiểu. Con người  ấy thật kỳ lạ.
 
*
 
Kết thúc một đêm lao động vất vả, cánh thợ đã về nhà hết chỉ còn mỗi Hai Bình đang mình trần lau chùi chiếc mấy chiếc khay nướng bánh. Anh làm công việc đó bằng tất cả niềm vui và sự cần mẫn như người thợ kim hoàn với món đồ trang sức quý giá. Xong việc anh bước vào nhà vệ sinh rửa ráy qua loa, vừa bước ra dáo dác tìm chiếc áo mắc trên vách thì Ba Phát cũng từ ngoài phóng xe vào:
- Chuẩn bị về nhà đó hả, Hai Bình?
Hai Bình khẽ gật đầu. Mồm lẩm bẩm chiếc áo ở đâu tìm hoài không thấy.  Ba Phát nói:
- Về chi sớm. Tôi vừa ra chợ mua một ít xí quách, anh em ta lai rai vài chung đỡ buồn.
Hai Bình gật đầu đồng ý. Chiếc bàn xếp dựng sát vách được kéo ra giữa nhà. Trong lúc, Ba Phát lấy dĩa đựng xí quách thì Hai Bình vào bên trong lấy ra chai Gò Đen. Ba Phát rót đầy chung rượu:
- Mấy khi anh em mình mới có dịp ngồi bù khú với nhau như vầy. Bữa nay phải uống một trận cho đã đời! Tiên chủ, hậu khách, anh xin uống trước.
Đoạn Ba Phát ngửa cổ ực một cái hết sạch. Cái chung được chuyền qua tay Hai Bình.
Cạn hết nửa chai rượu. Câu chuyện tào lao bắt đầu từ trên chín tầng mây, xuống thủy cung rồi trở về mặt đất. Ba Phát nhìn những vết sẹo trên người Hai Bình, nói:
- Làm sao mà khổ như vầy? Bị thương trong chiến tranh à? Chú mày đã từng cầm súng đánh nhau chí tử hả?
Hai Bình cầm miếng xí quách đưa lên miệng:
- Ừ, bị thương trong chiến tranh, có lẽ thế. Tôi đã từng là người lính..
- Bị bom napan của Mỹ hả? Ở đâu vậy?
- Lâu quá, tôi quên rồi!
- Ô hay, chú mày không nói giỡn đó chớ? Làm sao người ta có thể quên được nơi mình đã từng vào sanh ra tử?.
Hai Bình im lặng uống liền hai chung rượu. Ba Phát tiếp tục truy vấn:
- Bị thương ở đâu?
- Tôi quên thật mà. Anh đừng hỏi nữa.
Ba Phát nhìn xoáy vào mắt Hai Bình, nói:
- Nhìn chú mày anh hồ nghi quá, chú mày đi lính ông Thiệu hay quân giải phóng, nói thiệt đi.
- Không nhớ, không biết. Anh đừng có vặn vẹo nữa được không?
Ba Phát cười hề hề:
- Chắc chú mày là thành phần ác ôn nên mới giấu nhẹm tung tích của mình như vậy. Phải báo công an để lãnh thưởng mới được.
Hai Bình giận dữ, dằn mạnh chung rượu xuống bàn rồi hằm hằm bước ra ngoài lấy xe dông mất trước cặp mắt ngỡ ngàng của Ba Phát:
- Hai Bình, anh mày chỉ nói giỡn một chút làm gì dữ vậy!  Hai Bình quay lại đi, rượu còn cả chai này!
 
*
 
Ba Phát nói:
- Tôi cũng khá bất ngờ trước thái độ của cậu ta. Chỉ nói đùa một chút thôi mà. Sau lần đó, trong trò chuyện chúng tôi không bao giờ đề cập đến chuyện ấy nữa. Chuyện riêng của cậu ta, cậu ta thích thì nói, không thích thì thôi, tôi cũng chẳng thèm bận tâm nữa làm gì.
Lê Trực im lặng, suy nghĩ mông lung, hồi lâu nói:
- Trong thời gian làm việc ở đây anh có thấy Hai Bình giao du qua lại với ai không?
- Sau buổi làm việc, anh ta có tiếp xúc với những ai tôi không biết chứ tại lò bánh tôi chẳng thấy Hai Bình quen với ai cả. Vài cô đến lấy bánh cũng có tình ý,  thỉnh thoảng có buông lời chọc ghẹo nhưng Hai Bình đáp lại là sự im lặng đến vô cảm. Cậu ta có vẻ không thích phụ nữ.
- Anh có biết chuyện Hai Bình đã từng có người yêu?
Ba Phát “ ồ “ lên tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Người khô khan như ngói mà cũng có người yêu à? Chuyện này tôi mới nghe lần đầu. chưa bao giờ Hai Bình nói chuyện này với tôi.
- Thật sự là như vậy. Người yêu của Hai Bình tên Ngọc, và cô ấy đã đi lấy chồng.
- Thật vậy sao! Nói tóm lại là Hai Bình bị cô gái tên Ngọc gì gì đó đá đít có phải không. Chà, chẳng dè chuyện tình duyên của cậu ta lại trắc trở như vậy. Tại sao cô ta lại từ chối một  người đàn ông tốt như Hai Bình nhỉ.
Lê Trực nói:
- Không phải vậy, theo tôi được biết thì chính Hai Bình mới là người chủ động chia tay. Hai người đã tìm hiểu nhau trong thời gian khá dài, mối quan hệ của họ rất tốt, thậm chí cả hai đã chuẩn bị sẵn ngày cưới nhưng không hiểu vì một nguyên nhân gì lại gây nên đổ vỡ. Chính vì thế, điều tôi muốn biết, Hai Bình có quan hệ với người đàn bà nào khác hay không?
- Không, tôi tin chắc như vậy. Hai Bình không có quan hệ với người phụ nữ nào khác. Anh ta tỏ vẻ lạnh nhạt với phụ nữ.
Lê Trực nói:
- Anh có biết chuyện Hai Bình bị kẻ xấu tấn công?
Ba Phát gật đầu, nói:
- Có, tôi có biết. Hôm ấy không thấy Hai Bình đến lò bánh, tôi bèn phóng xe đến nhà tìm cậu ấy nhưng chỉ thấy cánh cửa đóng im lìm. Hỏi thăm những người  sống xung quanh mới hay cậu ấy đang nằm trong bệnh viện. Sau đó, tôi trở về lò bánh tiếp tục công việc. Chưa kịp thu xếp thời gian vào thăm thì cậu ấy đã ra viện.
Lê Trực nói:
- Trước đó, có xảy ra bất hòa giữa Hai Bình với những người thợ làm bánh khác không?
- Sao anh lại hỏi tôi câu này? – Ba Phát thốt lên tỏ vẻ ngạc nhiên:- Anh nghi ngờ một trong số lính thợ của tôi đã làm việc này à?
- Công việc của tôi là tìm ra sự mất tích kỳ lạ của đối tượng. Khi mà mọi việc chưa được làm sáng tỏ, mọi nghi vấn đều có thể được tính đến.
- Hai Bình chẳng bất hòa với ai cả. Hơn thế nữa cậu ta còn sống vui vẻ với mọi người nữa là đàng khác. Tuy nhiên có một việc tôi lấy làm lạ, là sau khi xuất viện Hai Bình bỗng trở nên đổi khác.
- Anh ta thay đổi như thế nào?
- Anh ta thường hay bị đãng trí, làm trước quên sau. Ngồi ngay lò mà để bánh cháy khét lúc nào không hay, chỉ trong vòng một tuần lễ mà cậu ta để cháy hết hai mẻ bánh…
*
 
Ba Phát giận dữ cầm ổ bánh mỳ cháy đen dứ dứ trước mắt Hai Bình:
- Làm ăn kiểu gì vậy hả? Bánh mỳ cháy đen như thế này ném cho chó nó còn không ăn nữa là.
Hai Bình tỏ vẻ biết lỗi:
- Xin lỗi, tôi tôi..
Ba Phát ném ổ bánh xuống giỏ cần xé:
- Không lỗi phải gì hết. Để hư hao như vầy chỉ cần xin lỗi là xong hay sao? Chú ngồi bên cạnh lò mà để bánh khét là nghĩa làm sao? Đầu óc chú để đâu? Thứ Ba vừa rồi để bánh cháy, tôi đã nhắc nhở chú, vây mà, chú không chịu rút kinh nghiệm, tập trung vào công việc. Người dưới đất mà đầu óc để trận trên chín tầng mây.  Bánh lại khét! Trời ơi, cứ theo cái đà này có ngày tôi phá sản!
- Tôi nhận trách nhiệm về mình và xin chịu bồi thường thiệt hại. Anh có thể trừ dần vào tiền lương của tôi.
- Mọi việc đâu phải chỉ đơn giản như vậy. Bây giờ biết đào đâu ra bánh để giao cho khách hàng? – Ba Phát văng tục:- Mẹ kiếp! Thời buổi làm ăn chụp giật, cạnh tranh từng tí, ú ớ, khách bỏ sang lò khác lấy bánh coi như chết đói cả lũ. Dường như kiếp trước tôi thiếu nợ chú nên kiếp này chú đòi cho kỳ hết cả vốn lẫn lãi thì phải..
Đoạn Ba Phát day mặt về phía đám thợ đang đứng len lét như rắn mồng năm:
- Tụi bây còn đứng xớ rớ ở đó làm gì, mang  số bánh này vất ở đâu đó khuất mắt tao!
Mấy người phụ việc hè nhau xông vào khiêng số bánh bị khét đi vào phía trong.
Hai Bình nói:
- Trước mắt chúng ta phải chữa cháy bằng cách đến lò khác lấy đủ số bánh bỏ mối cho khách hàng. Như thế có được không?
- Chú làm như thế nào thì tùy! Tôi chán cái kiểu làm việc của chú lắm rồi. Sau vụ này, nếu chú cảm thấy không muốn làm việc với tôi nữa thì cứ việc nghỉ chứ đừng phá tôi như  vậy. Tội nghiệp tôi lắm.
Hai Bình giận dữ đứng dậy, bước ra cửa:
- Vậy thì, tôi sẽ nghỉ việc ngay từ hôm nay. Những thiệt hại, anh cứ trừ vào tiền lương của tôi. Chào anh.
 
*
 
- Vậy là, Hai Bình đã nghỉ việc trong ngày hôm ấy?
Ba Phát lắc đầu:
- Không, giận quá nói vậy thôi. Khi mọi việc đã tạm lắng xuống, tôi cảm thấy mình có phần quá đáng, vì thế, ngay chiều hôm ấy tôi đến nhà của Hai Bình xin lỗi và thuyết phục anh ta tiếp tục làm việc. Và Hai Bình cũng vui vẻ bỏ qua tất cả. Chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt từng ấy năm nên không lạ gì tính tình của nhau. Điều quan trọng là biết nhận ra cái sai của mình và sẵn sàng tha thứ. Hôm ấy, hai anh em tôi đã uống cạn chai một lít.
Lê Trực nói:
- Ngoài việc không tập trung vào công việc, Hai Bình còn có những biểu hiện gì nữa không?
Suy nghĩ một lúc, Ba Phát nói:
- Hai Bình uống nhiều hơn mọi khi. Anh ta đến nơi làm việc với gương mặt phờ phạc của một kẻ nghiện rượu và thở ra toàn hơi men. Tôi khuyên Hai Bình nên điều độ, cái gì cũng một vừa hai phải chớ để quá đà vừa không có lợi cho sức khỏe vừa ảnh hưởng đến công việc, Hai Bình chỉ ậm ừ cho qua chuyện và vẫn cứ liên tục nốc rượu. Tôi không hiểu tại sao anh ta có thể uống rượu trừ cơm ngày này sang ngày khác mà vẫn làm việc đều đặn. Tôi uống một bữa phải nghỉ ba bữa mới lại sức.
Ba Phát thở dài chán nản rồi nói:
- Đinh ninh Hai Bình gặp phải chuyện buồn nên muốn tìm quên trong men rượu, nhiều lần tôi gạn hỏi nhưng Hai Bình nói là không có gì và bảo tôi đừng quá nhạy cảm rồi suy diễn lung tung. Nhưng nhìn vào mắt Hai Bình, tôi biết anh ta nói dối, ánh mắt biểu lộ sự tuyệt vọng, đau đớn khôn cùng. Điều gì đã khiến Hai Bình như thế chỉ có trời mới biết.
- Từ hôm Hai Bình xuất viện đến khi mất tích là khoảng bao nhiêu ngày?
- Khoảng mươi hôm. Sự mất tích của Hai Bình gieo vào lòng mọi người sự hoài nghi không dứt. Tiền công một tháng làm việc  Hai Bình còn chưa lãnh. Vài thứ linh tinh  còn để tại lò bánh không mang theo. Tôi nghi Hai Bình có thể đã bị hại. Còn ai hại Hai Bình chỉ có trời mới biết.
Ba Phát im lặng một lúc rồi nói:
- Có một việc khiến tôi thắc mắc mãi mà không sao tìm ra lời đáp. Không hiểu thông tin này có giúp gì cho anh không..
Lê Trực nói:
- Anh nói  đi, tôi nghe đây.
Ba Phát sửa lại tư thế ngồi:
- Theo lời Hai Bình kể thì cậu ta là đứa trẻ mồ côi, không một người thân kẻ thích, thế nhưng, không hiểu sao mỗi năm cậu ta đều biến đi đâu đó có khi vài hôm, và cũng có khi là cả tháng..
- Có thể Hai Bình đi du lịch, đi nghỉ mát để giảm stress sau những ngày làm việc vất vả?
Ba Phát lắc đầu:
- Tôi không nghỉ như vậy. Thường thì những ai đi nghỉ mát, hay du lịch đại loại như thế mỗi khi trở về đều có tâm trạng sảng khoái vui vẻ và thường có quà cáp là đặc sản nổi tiếng ở địa phương đó. Ví dụ như đi Tây Nguyên thì có rượu cần, Đà Lạt thì có rượu vang là đặc sản. Đồng Tháp có nem Lai Vung. Và Cà Mau thì có khô cá sặc..
- Anh cũng nên thông cảm cho Hai Bình, cánh  đàn ông chúng ta thường không bận tâm nhiều đến chuyện lễ lạt như thế này. Thỉnh thoảng, tôi có di du lịch đây đó nhưng chẳng bao giờ tôi mang thứ gì về làm quà cả.
Ba Phát gật đầu, nói:
- Tôi cũng đồng ý với anh về chuyện này. Nhưng có một chuyện tôi lấy làm lạ là, trước khi đi Hai Bình tỏ vẻ vui vẻ hăm hở bao nhiêu thì lúc trở về tỏ vẻ chán nản bấy nhiêu.
 
*
 
- Này, Hai Bình, đi chơi vừa rồi có chuyện gì vui không kể cho anh em nghe với – Ba Phát vừa nói chuyện vừa cho củi vào lò.
Hai Bình rứt cục bột đặt trong lòng bàn tay vân vê vài cái:
- Chẳng có gì vui cả. Chán chết đi được.
- Đi chơi mà không vui thì đi làm gì? Sao không ở nhà ngủ cho sướng cái thân?
Hai Bình im lặng cho cục bột đã được nặn thành bánh vào chiếc khay nướng.
Ba Phát nói:
- Đợt rồi chú em mày đã đi những đâu mà không thấy vui?
- Đi nhiều nơi lắm.
- Vậy sao? Chú mày đi những đâu?
- Buôn Ma Thuột, Xuân Lộc..
- Những chỗ đó thì có gì để ngắm nhỉ. Buôn Ma Thuột còn có cà phê nổi tiếng chớ Xuân Lộc thì chẳng có thứ gì cả. Chú mày có ấm đầu không mà đi đến những nơi đó để nghỉ mát?
- Đã bảo với anh không phải tôi đi nghỉ mát.
- Không nghỉ mát chẳng lẽ đi tìm vàng để đổi đời à. Tức cười quá.
Hai Bình nói:
- Tôi đi tìm tôi, được chưa?
Ba Phát bổng cười ré lên:
- Tôi đi tìm tôi là nghĩa làm sao? Chú mày càng nói anh càng không hiểu? Sao dạo này chú hay nói những lời khó hiểu đến thế nhỉ?
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9