(URL) KỊCH và các TIỂU PHẨM VĂN XUÔI của PNT
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 18 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 270 bài trong đề mục
Nhatho_PhamNgocThai 04.06.2008 13:41:51 (permalink)
 


               Bình luận tác phẩm thi ca:


 

                                     TẬP THƠ " ĐÔI HỒN "

                                              &

                       MỘT THIÊN DIỄM TÌNH

 

                                                         * Phạm Ngọc Thái

 

       Nhà xuất bản Đồng Nai đã cho ra đời một tập thơ " Đôi hồn " - Đó là sản phẩm thi ca của một mối tình đã được thăng hoa, giữa thi nhân Hàn Mặc Tử (HMT) cùng với người nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình (MĐ). Mối tình ấy diễn ra cũng như thơ của cả hai người đều đã được viết từ trước đây hơn nửa thế kỷ.

      Bây giờ ở trên đỉnh cao Gành Ráng, Qui Nhơn bên bờ biển Đông, mộ của thi nhân HMT quanh năm sóng phủ. Thơ của Người đang được nhân gian truyền tụng như những vì sao sa sáng láng. Đúng như lúc đương thời Người viết:

                Với sao sương, anh nằm chết như trăng.

      Nhưng khi còn trong cõi sống, Người đã phải chịu bao nhiêu khổ hạnh vì bệnh tật. Tạo hoá đã cướp đi một tài hoa lúc đương độ rực rỡ, khi cuộc đời Ông mới chỉ vừa 28 tuổi. Ngẫm thế: kiếp người có khác gì kiếp nợ ! Phải chăng muốn hoá siêu nhân, thì trước hết con người phải chịu đựng những sự đầy đoạ ở phàm trần ? Nhưng thế giới sinh linh này cũng thật huyền diệu và bí ẩn: Chính thiên diễm tình ấy lại nẩy nở trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống - Khi mà HMT lâm vào căn bệnh ác nghiệt, thì nàng Mộng Cầm ( Người con gái quê Phan Thiết đã từng một thời yêu thi nhân ) lại bỏ đi lấy chồng, đẩy thi nhân thêm vào cảnh đau đớn, cô đơn ! Nhưng rồi sau đấy, trời đất lại "xui" một ái nữ khác đến với Người - Theo như lời kể của Đắc Trung ( Trên báo Phụ nữ Việt Nam số 28 ra ngày 11-1-1994 ), thì ái nữ ấy: " Xuất thân trong một gia đình quan lại quê Nông Cống, Thanh Hoá. Thân phụ nhận chức tại Phan Thiết, mười sáu tuổi sống bên cha, sau này vào ở Sàigòn. Cô thiếu nữ ngây thơ xinh đẹp, rất được cưng chiều...) - Ái nữ ấy chính là nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình, nàng lại còn thông tuệ về văn thơ. Nàng đã đến với thi nhân, cùng tác hợp với Người để tạo nên một thiên bi tình khả ái... và họ đã cùng nhau sáng tác ra tập thơ " đôi hồn " lai láng yêu đương. Tập thơ ấy được thi nhân HMT cùng người nữ sỹ giao lưu trong mối tơ duyên và viết suốt ba năm (1937-1940): gồm 54 bài... ( kể cả hơn chục bài thơ mà bà Mai Đình viết sau này, khi HMT đã qua đời ngày 11-11-1940 ).
      Đến nay, năm tháng trôi qua. Cuộc đời riêng, chung biết bao biến đổi, nhưng lòng người nữ sỹ vẫn:
                Nói sao cho xiết nỗi buồn?
                Một trời binh lửa, một hồn cô liêu.
                Hồn tôi theo đám mây chiều,
                Tìm chàng trong một túp lều tranh con.
                                        ( Âm thầm - MĐ )
      Đó chính là cái túp lều tranh ở Gò Bồi, trên một khu cát rộng phía Tây thành phố Qui Nhơn. Cách đây trên nửa thế kỷ (1939), người nữ sỹ đã đến thăm thi nhân khi ông mắc bệnh hiểm nghèo, phải sống lẩn tránh cả chính quyền địa phương. Vì bệnh lây nên chính quyền buộc gia đình phải đưa HMT vào bệnh viện "cùi" Qui Hoà, gia đình đã đưa thi nhân đến đây ẩn náu, cách biệt tất cả mọi người. Và đó cũng là lần đầu tiên Nàng mới gặp mặt người yêu. Trước đó đôi năm tình yêu của hai người chỉ trao đổi qua các áng thơ, như Nàng kể lại:
 -    Đến trước túp lều tranh xơ xác, xiêu vẹo... vén tấm mành che cửa... một người đàn ông nhỏ bé, gầy yếu, ngồi trên chiếc giường chõng, cạnh bàn viết. Bàn là một tấm gỗ thùng đặt trên khung chân cũ. Người đàn ông ngước đôi mắt đen sáng long lanh nhìn tôi dò hỏi. Tôi đứng lặng đi. Hàn Mặc Tử đấy ư? ...
      Và nàng tả về đôi mắt trong sáng như hai ngôi sao của thi nhân. Tấm thân thì ốm yếu, tàn tạ, nhưng thông minh và cám dỗ. Vâng ! Nàng đã yêu trong hoàn cảnh ấy:
                Em theo mây gió anh ơi,
                Em đi đi mãi vào nơi vô hình...
                Yêu anh trên bước phiêu linh,
                Để lòng bớt khổ, để tình bớt đau.
                                        ( Biệt ly - MĐ )
      Mặc dù chỉ là một nữ nhi khuê các, nhưng sức mạnh tình yêu của Nàng không gì ngăn cản nổi. Hoàn cảnh càng khắc nghiệt thì tình Nàng càng đằm thắm, thiết tha:
                Yêu anh trong lúc anh lâm chung,
                Mới thấy tình em yêu lạ lùng.
                                  ( Anh hứa đi anh - MĐ )
      Vượt lên trên tất cả sự chỉ trích của người đời:
                Kịp nghĩ miệng đời hay mỉa mai,
                Tảng lờ ngừng bước và im hơi,
                Mộng hồn em gửi theo chiều gió
                Để được gần anh ngỏ ít lời.
                                    ( Biết anh - MĐ )
 
                              

     

<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.06.2008 01:09:21 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
#16
    Nhatho_PhamNgocThai 06.06.2008 01:08:05 (permalink)
     


         Ta cảm thấy rợn tóc gáy, không thể không khâm phục ý chí quyết liệt trước lời tuyên bố của nàng:
                    Tôi chẳng sợ cảnh nghèo hèn đói khổ,
                    Tôi không kiêng thứ da thịt khác người
                                            ( vì HMT mắc bệnh phong )
                    Vì lòng tôi, tôi chỉ biết yêu thôi !...
                                               ( Tuyên bố - MĐ )
          Hoàn cảnh bi ai, sầu thảm thế - Nhưng tình nàng không chỉ đằm đìa mà còn trong sáng, mộng mơ một cách lạ kỳ:
                    Yêu anh chết nửa cõi lòng,
                    Gửi hồn bay bổng mấy tầng mây xanh.
                                                ( Tơ sầu - MĐ )
          Còn thi nhân HMT, là người yêu của nàng cũng mộng mơ không kém:
                    Dưới túp lều tranh, trên chõng tre,
                    Tứ bề cửa khép với phên che,
                    Kéo mền ủ kín toàn thân lại,
                    Để thả hồn bay gửi mộng về.
                                   ( Hãy đón hồn anh - HMT )
          Cảnh ngộ thì khổ sở, nghèo hèn... nhưng tâm hồn họ thật thanh tao, hoành tráng biết bao. Đúng là: " Một túp lều tranh, hai trái tim vàng! ". Mai Đình đáp:
                    Bây giờ em đã bên anh
                    Đói nghèo em chịu, rách lành cũng vui.
                                   ( Em vẫn bên anh - MĐ )
          Tuy vậy, nhưng nào họ có được ở bên nhau! Chỉ thăm người yêu ít ngày, rồi nữ sỹ lại phải chia tay về gia đình tận Sàigòn. Hàn Mặc Tử với bệnh tình, đành nằm lại trong túp lều tranh ở Qui Nhơn, người phương Bắc, kẻ phía Nam. Hoàn cảnh đã khắc nghiệt, mà không gian ly biệt thì xa vời. Nhớ nhau cũng chỉ biết:
                    Anh đứng cách xa hàng thế giới
                    Lặng nhìn trong mộng miệng em cười.
                                   ( Lưu luyến - HMT )
          Nhưng theo dõi hồn thơ, ta có cảm nhận như đang gặp một cuộc tình duyên nơi chốn cung động thiên thai nào đó, chứ không phải ở trần tục đời thường. Thi nhân viết:
                    Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn
                    Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt.
          Hay là:
                    Quí như vàng, trọng như ngọc trên đời
                    Mai! Mai! Mai! Là Nguyệt Nga tái thế...
                                    ( Thắm thiết - HMT )
          Nàng thì ví mình như Ngọc Nữ, còn chàng là Kim Lang - Vì để rơi chén vàng cho nên Ngọc Hoàng đẩy xuống trần thế. Mặc dù nay đã hết hạn, họ vẫn quyết ở lại bên nhau không về tiên giới:
                    Ta đã ở bên chàng nơi cõi tục,
                    Quyết không về điện ngọc sống cô đơn!
          Để rồi:
                    Bốn bàn tay cùng chung xây hạnh phúc,
                    Túp lều tranh hơn cõi thiên đường.
                                     ( Hạnh phúc - MĐ )
          Và tình yêu ấy đã đạt đến độ say đắm, giông bão khôn cùng:
                    Tôi ôm nàng, muốn cắn chết nàng đi!
                                     ( Thắm thiết - HMT )
          Nữ sỹ Mai Đình kể lại khi họ gặp nhau:
    -   Vì sợ lây bệnh cho người yêu, nên Hàn Mặc Tử không dám đụng vào người Mai Đình...
          Nàng nói:
    -   Những phút ấy mặt Hàn Mặc Tử đỏ rần lên rồi tím đi. Còn Mai Đình cũng chết cả ruột gan. Không biết phải xử trí làm sao ?
          Thật là đau khổ và hy vọng:
                    Anh lành anh sẽ tặng em chi ?
                    Tặng cả đời anh cả hồn thi,
                    Với tất những gì anh ước vọng,
                    Cả hồn, cả xác, cả tình si.
                                  ( Anh hứa đi anh - MĐ )
          Nhưng cũng như tình thường của bao đôi trai gái khác, tình yêu không chỉ có quấn quít " đôi hồn " mà cũng có lúc ghen tuông:
                    Em muốn thu anh thành vật nhỏ
                    Để em nắm kín ở trong tay...
                    Cho các cô nường hết ngất ngây.
                                               ( Ghen - MĐ )
          Trong bài " ghen với Mộng Cầm " ta còn nhận thấy, mặc dù Mộng Cầm là người con gái đã đến trước, được hưởng đầy đủ khoái lạc của tình yêu lúc thi nhân đang lành lặn, mà lại ruồng bỏ khi Người lâm bệnh. Nhưng với tư cách của Mai Đình vẫn tỏ ra là người tao nhã, trang trọng: ghen đấy mà không phỉ báng, còn cảm thông với lẽ đời thường của một tấm lòng nhân hậu, khoan dung độ lượng:
                    Mộng Cầm hỡi, nàng là tiên rớt xuống,
                    Hay là vì tinh tú giáng trần gian?
                    Diễm phúc thay, sung sướng biết bao vàn,
                    Đầy đủ quá, nàng thương chăng kẻ thiếu?
                                      ( Ghen với Mộng Cầm - MĐ )
          Đã bộc lộ tình cảm day dứt của một người con gái tha thiết yêu mà tâm sinh lý không được thoả mãn. Hàn Mặc Tử có lúc cũng không ra khỏi sự nghi kỵ, dằn vặt đời thường. Có lúc ông nghi oan người yêu có tình ý với người khác, buông ra những lời thơ hờn giận:
                    Mai tiên nữ! Đọc hồn ta cho rõ:
                    Đau không rên, chết cũng mặc mình thôi!
                    Mối tình si đã lỡ vỡ tan rồi,
                    Ta chỉ biết lặng nhìn thiên hạ khóc...
          Hay là:
                    Tim hồn ta quằn quại giữa lầm than
                    Để trở lại những ngày đầy huyết lệ!
                                       ( Thầm lặng - HMT )
          Sự mặc cảm đó cũng dễ hiểu: bản thân ông bệnh tật, người yêu thì trẻ đẹp lại ở cách xa...
          Hôm nay trong lẽ sống thường tình, trước mọi sự đổi thay, thăng trầm nhân thế: Ta thưởng thức những tri âm, tri kỷ ấy!... Càng thấy thiên tình duyên trác tuyệt này như một sự lạ cõi đời. Trong thời buổi kinh tế thị trường: chi phối khá sâu sắc cả trong tình yêu trai gái và những mối quan hệ xã hội khác - Thì cuộc tình xưa hẳn như một đài thơ diễm lệ, cho ta ngưỡng mộ và cảm phục!


     


     


                                   


    <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.06.2008 00:52:35 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
    #17
      Nhatho_PhamNgocThai 06.06.2008 13:22:48 (permalink)
       
       
       
             Có phải chăng: duyên ấy, phận này cũng đã là tiền định như khi nữ sỹ khóc bên mộ Người vào tháng 4-1941 ( khoảng nửa năm sau khi thi nhân tạ thế ):
                      Em đã về đây bên mồ cát trắng
                      Túp lều tranh muôn thưở đã chung đôi
                      Tự nghìn năm thượng đế định cho rồi...
                                           ( Em đã về đây - MĐ )
            Hay cảm vì phận mỏng, tình dở dang, nàng than:
                      Anh ơi, xin hãy chờ em với!
                      Hết nợ rồi em sẽ trở về.
                                          ( Chắp lại đôi hồn - MĐ )
            Ta chạnh nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Du, khi nàng Kiều than ở sông Tiền Đường:
                      Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!
            Về thơ của thi nhân HMT thì chúng ta đã biết nhiều. Ở đây, qua tập thơ "đôi hồn" còn cho chúng ta thưởng thức tài hoa của nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình, như Kiều Văn đã nhận xét trong lời giới thiệu tập thơ:
      -   Đó là một giọng thơ giản dị, chân thực mà sâu sắc, nồng nàn... Là thứ thơ huyết lệ. Hàm chứa những tình cảm cao quí thiêng liêng, thuỷ chung...Xứng đáng là tiền bối của thơ tình Xuân Quỳnh và các nữ sỹ khác sau này.
            Nói thế có lẽ vẫn chưa đủ: Bút pháp thơ của nữ sỹ Mai Đình có lúc quặn thắt, đau đớn như Nàng viết:
                      Nguyện để tang anh suốt một đời!
            Nhưng trước tình yêu non sông đất nước, ta lại còn chứng nhận một phong cách cũng thật là lẫm liệt, ý thơ quật cường:
                      Chút nợ ân tình trả chưa xong
                      Đành mang tâm sự mãi bên lòng
                      Sắt son đã chẳng cùng nhau trọn
                      Em phải đem mình gửi núi sông.
                                           ( Trăng cũ - MĐ )
            Hay là:
                      Máu hồng đang nhuốm trang hồng sử
                      Em lẽ nào quên lẽ quốc gia?
            Gợi ta nhớ tơi âm hưởng những câu thơ đầy hùng khí, trác tuyệt của một nữ sỹ khác, đó là nữ sỹ Ngân Giang trong bài " Trưng nữ vương ":
                      Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
                      Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi,
                      Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá!
                      Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.
            Vào năm 1996 - Báo chí đã đưa tin về nữ sỹ Mai Đình... khi đó Bà bước vào tuổi thọ 80, Bà đã đến Gành Ráng, Qui Nhơn một lần nữa để thăm lại mộ của Cố nhân xưa. Một lần nữa, những giòng lệ xót thương lại chảy tràn trên đôi mắt Bà như thưở còn con gái, như câu thơ Bà đã viết:
                      Tóc trắng, tình xanh mộng chửa tàn.
            Khi đó tuy tuổi đã già, cũng theo lời kể của Đắc Trung:
      -   Nữ sỹ Mai Đình vẫn giữ được những nét đẹp kiêu sa, quí phái. Mái tóc dài bạc trắng chải rất mượt, búi rất gọn. Da hồng, mắt sáng, miệng tươi. Giọng nói nhỏ nhẹ mà đầy âm hưởng. Khăn hoa áo lụa hảo hạng...
            Và để kết thúc bài viết về thiên tình thơ trác tuyệt có một không hai này, tôi chỉ xin trích dẫn những lời thơ trăng trối của thi nhân Hàn Mặc Tử viết để lại cho người yêu! Và đấy cũng là những bút tích cuối cùng, trong thi phẩm cuối cùng của Ông lưu lại cõi trần gian. Ông đã " Trút linh hồn " trước lúc đi xa:
                      Ta trút linh hồn giữa lúc đây
                      Gió sầu vô hạn nuối trong cây,
                      - Còn em, sao chẳng hay chi cả?
                      Xin để tang anh đến vạn ngày!
       
                                               PNT - Viết tại Thành đô Thăng Long.
                                                 ( Đã đăng trên Tuần báo Người HàNội
                                                           vào cuối thế kỷ XX )
           
                               
      #18
        Nhatho_PhamNgocThai 09.06.2008 13:07:58 (permalink)
         


        Bình một bài thơ sâu sắc:


                                       TRƯỚC HỐC ĐẠN
                                THÀNH CỬA BẮC
         
        Cùng bạn ngồi trước cổng thành Cửa Bắc
        Hốc đạn cổng thành xưa nhìn lại phía tôi
        Phút đối diện với trăm năm còn mất
        Lại diễn ra quanh tiệc rượu vui cười.
         
        Tôi nghĩ về những cuộc chiến tranh đã đi qua đó
        Bao máu xương, xương máu đong đầy
        Người ta đã lấp đi bao đau thương
                                    để trồng hoa cấy lúa
        Lưu lại làm gì vết đạn ở đây?
         
        Mùa xuân phủ lên thêm một lần rêu nữa
        Thêm một lần quên quá khứ thương đau
        Hốc đạn giờ nhìn giống chiếc nút chai bật mở
        Khi hơi men đã chếnh choáng trong đầu.
         
                                          Chử Văn Long
                           ( rút trong tập " Ru những trăm năm" )
         
         
                Đi qua con đường Phan Đinh Phùng, dừng lại giữa phố trông thấy một cổng thành khá lớn: mặt đá đã cũ, mưa gió rêu phong, những mảng rễ đề, rễ đa tua tủa mọc chằng chịt - Đó chính là " Cổng thành Cửa Bắc "! Dưới tường thành bên cổng đối diện mặt phố, ta lại thấy một hốc đạn đại bác sâu hoắm. Sự hiện diện của hốc đạn như cốt để lưu lại tàn tích về một cuộc chiến tranh trong lịch sử, đã qua đi hàng thế kỷ: Đó cũng chính là dấu vết của viên đạn đại bác  mà Thực dân Pháp lần đầu tiên xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ 19, khi chúng đổ bộ đánh ồ ạt vào thành đô Thăng Long và thành Thăng Long thất thủ. Tại đây, quan Tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ tự tử để tuẫn tiết.
              Vào một chiều mùa xuân, nhà thơ Chử Văn Long cùng tôi ngồi với nhau trong một quán bia bên kia phố, đối diện trước cổng thành xưa, vui chuyện đàm tiếu về việc văn chương. Bỗng cái hốc đạn đại bác đã cũ kia, rêu bám xanh rì tựa như một hốc mắt lớn lại xoáy vào tâm trí anh: Một ý thức liên tưởng về lịch sử vụt đến... trong sự tồn tại của đời sống xã hội con người, cả ngàn xưa và hôm nay. Bài thơ " Trước hốc đạn thành Cửa Bắc " của anh đã được ra đời trong hoàn cảnh đó!
              Cái hốc đạn dù cũ nhưng hữu lý lại trở thành một nhân chứng lịch sử, đồng thời cũng chính lịch sử đang đối diện trước nhà thơ:
                        Hốc đạn cổng thành xưa nhìn lại phía tôi
                        Phút đối diện với trăm năm còn mất...
              Toàn bộ chủ đề tư tưởng: Nỗi đau rồi tình người trong sự vận động trầm luân xã hội, đều được nghén thai từ ở đó. Ngồi trong quán bia, tức là ngồi trong cái thời buổi kinh tế thị trường xô bồ hôm nay, trong những tiếng va chạm của các vỏ chai, những cốc bia sủi bọt, những lời chúc tụng tâng bốc của người đời... Thì hốc đạn xưa lại càng xoáy sâu hơn vào đầu nhà thơ, tất cả:
                        Lại diễn ra quanh tiệc rượu vui cười.
              Phải chăng " phút đối diện với trăm năm còn mất " ấy... đã liên quan mật thiết với sự đang tồn tại trong đời sống xã hội của chúng ta hôm nay? Khi mà tiệc rượu đang tràn trề, thì chính niềm say sưa kia đã phải đối diện với hốc đạn của quá khứ!... Nhưng nếu quá khứ ấy chỉ lưu lại như một kỷ niệm tình cảm thường tình, chắc cũng chưa làm nhà thơ phải trăn trở tâm can mình đến thế? Ý thơ được vọt ra từ trong sự thảng thốt của tâm linh anh:
                        Tôi nghĩ về những cuộc chiến tranh đã đi qua đó
                        Bao máu xương, xương máu đong đầy...
              Ý thơ không dừng lại chỉ để chiêm nghiệm về quá khứ, mà hốc đạn còn đưa nhà thơ nghĩ đến một bờ bến xa hơn, mặc dù anh đã chất vấn:
                        Lưu lại làm gì vết đạn ở đây?
              Bởi vì đằng sau cái quá khứ kia, chúng ta vẫn phải chứng nhận bao tàn bạo đau thương hiện đang xẩy ra của thế giới con người hôm nay: Nào là các cuộc chiến tranh vùng vịnh, máu vẫn đổ ở châu Phi, Mỹ la tinh, rồi cả những cảnh xâu xé tan vỡ của hệ thống XHCN ở Đông Âu cũng như nội chiến nước Nga trong những năm qua. Cả trên đất nước của chúng ta hôm nay tuy đã giành được hoà bình, nhưng cả sự bình yên ấy chắc đâu cũng đã yên? Chiến tranh vẫn rình rập từ nhiều phía - Đó chính là nhân sinh quan, thế giới quan của nhà thơ! Cho nên khi kết thúc bài thơ anh mới buông ra hai câu thơ mang đầy nỗi lòng trăn trở:
                        Hốc đạn giờ nhìn giống chiếc nút chai bật mở
                        Khi hơi men đã chếnh choáng trong đầu.
         
                                          
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.06.2008 18:23:59 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
        #19
          Nhatho_PhamNgocThai 10.06.2008 18:15:57 (permalink)
           
           
           
                  Khi rượu vãn, tiệc tàn, mặt người đã chếnh choáng hơi men: thì hình ảnh hốc đạn lại hiện lên như chiếc nút chai sâm banh bật mở, bọt bắn tứ tung - Có khác nào từ cái hốc đạn xưa lửa đạn cứ chĩa thẳng vào mắt ta mà bắn, chẳng bao giờ chịu bình yên? Đằng sau tình thơ bọc chứa một ý chí thánh thiện và khát vọng hoà bình! Nói về khát vọng hoà bình ta còn gặp trong một số bài thơ khác của Chử Văn Long, như bài " Mùa xuân trên mồ hai lính trận ":
                          Một phía bên kia, một phía bên này...
                Bởi vì, đã chiến tranh thì dù là người lính phía bên nào cũng phải... chết! Nhưng về phía ta thì sự hy sinh ấy còn vì dân tộc, vì chính nghĩa. Còn người lính trận phía bên kia?... Họ đâu có phải là thủ phạm gây ra cuộc chiến tranh, thực chất họ đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh. Cho nên đứng trước hai nấm mồ của hai người lính trận ấy, nhà thơ cùng quê hương đều xót xa mà ru họ trong giấc ngủ ngàn năm:
                          Hoa đồng nội bừng lên quanh hai nấm mộ
                          Cánh bướm ngây thơ cũng tới vẽ vòng
                          Cả tiếng sáo tận bờ tre êm ả
                          Ru vọng về giấc ngủ ngàn năm.
                Chử Văn Long là một nhà thơ của đồng quê và thơ anh giọng điệu ngọt ngào rất đáng yêu.
                Trở lại với bài thơ " Trước hốc đạn thành Cửa Bắc " - Bài thơ được viết vào mùa xuân. Mà mùa xuân thì: hoa nở, cây cỏ xanh tươi, đất trời dịu mát...Nhưng mùa xuân ở đây lại là:
                          Mùa xuân phủ lên thêm một lần rêu nữa,
                          Thêm một lần quên quá khứ thương đau.
                Như thế, cứ thêm thời gian thì vết đau xưa lại được rong rêu vá dịt cho bớt đau đi một lần, như thể qui luật dần quên lãng theo năm tháng. Tả mùa xuân mà lại nói đến "rêu" chẳng chỉ tạo cho chất câu thơ được mới mẻ, mà  mùa xuân ở Chử Văn Long trong bài thơ này còn hàm ý - sau cái đau nghiêng về phía dịu ngọt: " Thêm một lần quên quá khứ thương đau "!...
                Cuối cùng, tôi xin bình sâu vào đôi câu thơ hay nhất của bài:
                          Người ta đã lấp đi bao đau thương
                                                     để trồng hoa cấy lúa,
                          Lưu lại làm gì vết đạn ở đây?
                "cấy lúa" mang ý nghĩa đồng nội, nói về sự sống! Còn "trồng hoa" lại biểu tượng cho hạnh phúc, niềm khao khát hoà bình!... Hai cái biểu tượng ấy kết hợp lại với nhau, cùng lấp đi những đau thương.Nó cũng mang ý nghĩa như biểu tượng của một câu ngạn ngữ ở châu Âu: "Bánh mỳ và hoa hồng" - Đó chính là qui luật để tồn tại tất yếu của đời sống xã hội con người, xưa và nay. Câu thơ trào ra từ trong lòng cảm hoài của trái tim nhà thơ nên xúc động và thấm thía. Nó còn là sự kết đúc những trải nghiệm của cuộc đời anh chốn đồng quê hoà trong bể nhân tình thế thái, nên chẳng những mang ý nghĩa xã hội mà còn hàm chứa tính triết học sâu sắc: Dù bất cứ là đau thương nào, đau thương đến đâu? Người ta vẫn phải quên nó và lấp đi... để tiếp tục " trồng hoa cấy lúa ", để tồn tại, để vươn đến đời sống xã hội tốt đẹp nhất, vươn đến tương lai! Qui luật tồn tại ấy cũng chính là qui luật vận động của lịch sử, của con người trong thế giới và vũ trụ.
                Nay mái tóc của nhà thơ đã bạc. Có biết bao nhiêu mùa xuân vui, buồn đã qua đi trong đời anh - Bài thơ " Trước hốc đạn thành Cửa Bắc " của Chử Văn Long, càng ngẫm ngợi càng thấy thấm thía... sâu đậm tình thế thái, nỗi thơ cũng thật là khúc triết sâu xa./.
           
                                                               Phạm Ngọc Thái   
          #20
            Nhatho_PhamNgocThai 11.06.2008 13:00:11 (permalink)
             

             
            Tản văn và thơ:
             
             
                          HÀ NỘI QUA THƠ CỦA NHỮNG THI NHÂN
                
                                                                Phạm ngọc thái
             
                   Hà Nội qua thơ của những thi nhân và trong dân gian nhiều không kể hết: Cũng giống như bóng trăng trong tâm khảm mọi người, đậm tình và giầu hương sắc. Trải qua bao thế hệ, đã trở thành trung tâm tụ hội chính trị, văn hoá xã hội cùng tình cảm ý chí dân tộc.
                  Cụ Nguyễn Du trên đường đi sứ qua Thăng Long (1813), xúc động mà hoài cảm về những kỷ niệm xưa:
                            Núi Tản, sông Lô vẫn núi sông,
                            Bạc đầu còn được thấy Thăng Long...
                            Người đẹp thưở xưa nay bế trẻ,
                            Bạn chơi thưở nhỏ trở thành ông.
                  Từ kỷ niệm riêng tới chung với đất nước, lòng cụ bồi hồi:
                            Thành mới trăng xưa bóng tỏ mờ
                            Thăng Long nghìn trước chốn kinh đô,
                            Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa
                            Điện mới xô bồ nhịp trúc tơ.
                                                ( Thành Thăng Long )
                  Còn nữ sỹ Hồ Xuân Hương lại ngợi ca tiên cảnh ở Tây Hồ:
                            Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa...
                            Trấn Bắc rêu phong vẫn ngấn thờ,
                            Nọ vực trâu vàng trăng lạt bóng,
                            Kìa non Phượng Đất khói tuôn mờ.
                                          ( Chơi Tây Hồ nhớ bạn )
                  Á Nam Trần Tuấn Khải (1894-1983) chơi ở thành Cổ Loa, lòng gợi nhớ tới sự tích thời Thục An Dương Vương và bi tình Mỵ Châu - Trọng Thuỷ:
                            Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa
                            Trải bao gió táp với mưa sa,
                            Nỏ thiêng hờ hững dây oan buộc,
                            Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha.
                                         ( Chơi thành Cổ Loa )
                  Nhà thơ Nguyễn Khuyến dẫu 30 năm xa cách, vắng bóng , mà lòng vẫn khôn nguôi nhớ về hồ Hoàn Kiếm:
                            Ba chục năm trời cảnh vắng ta,
                            Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhoà...
                            Chiếc én tìm về quên lối cũ,
                            Đàn cò tối đậu lẫn sương mờ.
                                          ( Hồ Hoàn Kiếm )
                  Vũ Trấn Quốc cùng thời với cụ Cao Bá Quát đã ngợi ca cảnh phường Bích Câu:
                            Thành Tây có cảnh Bích Câu,
                            Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao,
                            Đua chen thu cúc xuân đào,
                            Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.
                                           ( Cảnh Bích Câu )
                  Nhưng kinh đô Thăng Long trong tâm khảm các nhà thơ thời trước không chỉ được ngợi ca phong cảnh đẹp, mà còn ghi nhiều dấu ấn chống ngoại xâm - Trần Quang Khải (1241-1294) viết trên đường đưa vua về kinh đô:
                            Bến Chương Dương cướp giáo giặc
                            Cửa Hàm Tử bắt quân Hồ.
                                            ( Phò tá về kinh )
                  Lý Thường Kiệt (1019-1105) - Ông từng làm thơ, vừa để huấn dụ vừa khích lệ lòng tự hào dân tộc của ba quân:
                            Nam Quốc sơn hà Nam đế cư,
                            Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
                  Thời tiền chiến - Hình ảnh Hà Nội cũng rất gắn bó trong nỗi tình thơ của các thi nhân. Họ ghi lại những tâm trạng, những kỷ niệm vui, buồn... trong cuộc đời ở nơi phố phường. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương sau bao năm tháng phiêu bạt trở về phố cũ, lòng ông vẫn xốn xang:
                            Ôi chốn ngày xưa vai sánh vai...
                            Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu...
                            Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng,
                            Lào rào thu muộn lá xoan rơi.
                            Nửa kiếp lênh đênh dừng phố cũ,
                            Tình thơm mộng nhỏ tóc buông vai.
                                                      ( Phố cũ )
                  Tản Đà thì mô tả trong đêm ở hồ Tây:
                            Hiu hắt hồ Tây chiếc lá rơi
                            Đêm thu vằng vặc bóng theo người,
                            Mảnh tình xẻ nửa ngây vì nước
                            Tri kỷ trông lên đứng tận trời.
                                           ( Tây Hồ vọng nguyệt )
                  Trần Huyền Trân thả nỗi niềm về những ngày tháng sống lận đận trong cái túp lều bên hồ Cống Trắng, ở phố Khâm Thiên. Lòng tri kỷ với phố mà vẫn buồn man mác:
                            Tôi ở lều gianh Cống Trắng này
                            Chạnh lòng cá nhảy với chim bay,
                            Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
                            Giăng phải hồn tôi một lưới đầy.
                                          
            ( Mưa đêm lều vó )
                  Nhà thơ Thế Lữ đứng giữa đêm giao thừa Hà Nội trước năm 1945, than cho kẻ phải sống lang thang bụi đời:
                            Lê gót mòn trên đá,
                            Ngẩng đầu trông cơn gió thổi
                            Lá vàng rơi lác đác
                            Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành,
                            Những cây khô đã chết cả mầu xanh...
                            Hỡi người bạn! Anh định về đâu đó?
                                             ( Con người vơ vẩn )
                  Nhà giáo và cũng là một nhà thơ Vũ Đình Liên lại hoạ cảnh một Ông Đồ thường ngồi bên phố, viết câu đối thuê cho khách:
                            Nhưng mỗi năm mỗi vắng,
                            Người thuê viết nay đâu?
                            Giấy đỏ buồn không thắm,
                            Mực đọng trong nghiên sầu.
                                             ( Ông Đồ )
             
             
                                            
             
             
             
             
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.06.2008 13:23:42 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
            #21
              Nhatho_PhamNgocThai 12.06.2008 13:22:23 (permalink)
               
               
               
                      Nguyễn Bính nói về cảnh chia ly của những người trên sân ga:
                              Những cuộc chia lìa khởi tự đây...
                              Những chiếc khăn mầu thổn thức bay
                              Những bàn tay vẫy những bàn tay
                              Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
                              Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
                                            ( Những bóng người trên sân ga )
                    Nhưng Hà Nội trước kia không phải chỉ có buồn như thế. Nữ thi sỹ Anh Thơ đã mô tả về nỗi lòng rạo rực về một cảnh đêm Hà Nội:
                              Căn phòng ta thênh thang hai cửa sổ
                              Mây trắng đi qua, sông Hồng thả gió,
                              Mỗi năm mùa hè, tắt điện đón trăng khuya...
                                             ( Căn phòng ta )
                    Thơ ngợi ca về Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến cũng rất nhiều. Hồi đánh Pháp, Nguyễn Đình Thi đã không nén nổi xúc động khi đứng giữa Thủ đô đã được giải phóng:
                              Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
                              Ta lại về đây giữa phố xưa...
                    Ông reo lên như muốn vỡ tung tim:
                              Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
                              Leng keng chuông xe điện đổ hồi
                              Lòng ta bỗng như dòng suối mát
                              Ta đã về đây Hà Nội ơi!
                                                 ( Ngày về )
                    Những năm đánh Mỹ nhà thơ Nguyễn Mỹ đã viết về cảnh chia ly ở Hà Nội nhưng khác hoàn toàn cảnh sầu thảm xưa kia, bởi vì cuộc chia ly này Hà Nội đã tiễn người đi chiến đấu để giữ nước:
                              Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
                              Tươi như cánh nhạn lai hồng
                              Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
                              Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa...
                    Và nhà thơ kết luận:
                              Như chưa hề có cuộc chia ly!
                                            ( Cuộc chia ly màu đỏ )
                    Vũ Quần Phương mô tả về Hà Nội trong những ngày tháng chống chiến tranh phá hoại của Giôn Xơn, để sau 12 ngày đêm lịch sử Hà Nội đã trở thành lương tri và phẩm giá loài người:
                              Cả Hà Nội rung lên,
                                           xe xích chạy rung đường,
                              Đêm ấy tôi nghe những em bé qua tôi
                                                  vẫy bàn tay sơ tán.
                              Bé lên mười dắt bé lên năm,
                              Hà Nội toả đi xa những cô giữ trẻ,
                              Bệnh nhân đi và thầy thuốc đi theo.
                              Hà Nội nhận vào lòng những cỗ pháo phòng không,
                              Những cỗ xe tên lửa.
                                                  ( Tâm sự một căn nhà )
                    Dù xưa hay nay, chiến tranh và hoà bình, đến thời buổi kinh tế thị trường mở cửa này... Hà Nội quay chóng mặt - Nhưng Thủ đô của chúng ta vẫn mãi là một thành phố trữ tình, như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:
                              Em đưa anh vào trong bóng trăng
                              Anh đưa em cành liễu thung thăng
                              Đường Láng thơm bạc hà kinh giới
                              Xuống đây, đi với anh đêm trăng.
                                               ( Đêm trăng đường Láng )
                    Thanh Thảo viết:
                              Gia đình mình đã sơ tán chưa em,
                              Chiều thứ bảy em có về phố nhỏ
                              Có ngập ngừng trước khi mở cửa,
                              Lá sấu rơi xúc động bên thềm...
                              Gốc sấu này mòn dấu em chờ anh.
                                               ( Dòng chữ cho em )
                   Nỗi tình của nhà thơ Tế Hanh thì lại được ông diễn tả đầy thi vị:
                              Thế là Hà Nội vắng em...
                              Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây?
                                               ( Hà Nội vắng em )
                    Phạm Ngọc Thái cũng có nhiều kỷ niệm về Hà Nội. Dù Hà Nội đã có bao thay đổi, nhưng vẫn mãi mãi là những hồi ức như thưở còn thơ, tựa thể một ngoại ô xưa... Hơi hiu hắt mà thơ mộng, có lá sấu rụng, lá me rơi. Tối tối những đôi trai gái dắt nhau ra tình tự bên hồ. Những tiếng xe điện leng keng thưở xa xưa, những chuyến tàu chạy xình xịch vào ga Hàng Cỏ. Người tiễn kẻ đi xa, người đón kẻ trở về:
                              Hà Nội cứ suốt đời nghe lá rụng
                              Những ngọn đèn ô cửa mùa đông
                              Trái sấu nhỏ bàng hoàng như kỷ niệm
                              Nước hồ xanh rêu bám kín Tháp rùa.
               
                              Hà Nội cứ rầm rì trang tình tự
                              Của những đôi trai gái bên bờ...
                              Tà áo trắng em bay một thời thiếu nữ
                              Theo anh hoài đến tận lúc già nua.
               
                              Hà Nội mới mà như là cổ tích
                              Phía nhà ga đoàn tàu đến rồi đi,
                              Những giọng nói lẫn vào lời gió thổi...
                              Ai trở về... và ai sắp chia ly?
               
                              Đêm thức trắng lại nghĩ về Hà Nội
                              Nằm thở dài, nhớ quá !
                                                          Mắt em xưa...
                                             ( Nghĩ về Hà Nội )
                    Hà Nội mãi mãi sống trong tận cõi lòng sâu lắng của tôi!...
               
                                                                      PNT.
                                             ( Đã đăng trong Tuần báo Người Hà Nội *
                                                  Cùng báo Pháp Luật & Đời Sống )
               
              #22
                Nhatho_PhamNgocThai 13.06.2008 12:42:50 (permalink)
                 


                                                                KỊCH DÀI
                                               ( XI Cảnh - Của Phạm Ngọc Thái )

                                               
                                   
                 
                          NGƯỜI NHẠC TRƯỞNG
                                                                         
                                                DÀN HỢP XƯỚNG


                                

                                   NHÂN VẬT:


                A.   Về phía T.Công ty XNK Hàng Công nghiệp
                 
                -   Ông Phách                 Tổng giám đốc              59-60 tuổi
                -   Ông Quảng                Chuyên viên                  khoảng 58t.
                -   Quang                       Trưởng phòng đối ngoại    trên 40t.
                -   Lách                          Trưởng phòng nghiệp vụ   28-30t.
                -   Lộc                            Trưởng phòng tổ chức       55-56t.
                -   Hoa Hoè                    Bà Phó T.giám đốc            trên 50t.
                               và cán bộ Vịnh  -  vừa là người dẫn chuyện.
                 
                B.   Xí nghiệp sao mai
                 
                -   Hải                            Giám đốc cũ                         28-30t.
                                                          ( con trai ông Quảng )
                -   Hán                           Giám đốc mới                       56-57t.
                -   Bác Chúc                   Trưởng phòng Vật tư                   60t.
                                          Cùng một số công nhân.
                 
                C.   Các nhân vật khác
                 
                -   Lan                            Sinh viên thực tập    ( con gái ông Phách )
                -   Ngọc Huyền               ( người yêu của Hải )
                -   Đ/c  Hoài                   Trưởng ban thanh tra Bộ.
                -   Smít                          Giám đốc Công ty Tư bản Nhật.
                                   và một số sinh viên - là bạn của Lan.
                 
                 
                                      
                                   
                                    (  Kịch xẩy ra tại Hà Nội - Cuối thế kỷ XX )
                 
                 
                    
                                                         PHẦN KHAI TỪ
                 
                 
                                                Tại hành lang của Bộ - Đ/c Hoài, Trưởng ban Thanh tra Bộ
                                            ăn mặc chỉnh tề, vội vã từ trong phòng đi ra.
                                                 Hải hấp tấp đuổi theo...
                 
                        HẢI -   Đồng chí Hoài! Đồng chí Hoài!...
                        HOÀI -   ( dừng lại ) Anh gọi tôi đấy à?
                        HẢI -   Thưa đồng chí Trưởng ban Thanh tra Bộ: xin đồng chí ít phút, tôi...
                        HOÀI -   Tôi đang rất vội!
                        HẢI -   Nhưng...
                        HOÀI -   Ồi, đây là hành lang của Bộ chứ có phải là ngoài đường, ngoài chợ đâu? Anh cần gì thì nói nhanh lên ! ( xem đồng hồ ) Giờ này người ta đang chờ tôi đến đây! Hay là, để khi khác... ( định đi )
                        HẢI -   Thưa đồng chí! Mong Ban thanh tra Bộ xem xét, xác minh lại sự việc...
                        HOÀI -   ( gắt ) Rành rành hai năm rõ mười. Anh mới chỉ bị cách mất cái chức giám đốc xí nghiệp , là còn may đấy! Nếu không...
                        HẢI -   Nếu không thì sao ạ?
                        HOÀI -   Thì đưa anh ra toà!
                        HẢI -   Nhưng tôi đã xem xét kỹ: mọi chỉ tiêu qui cách hàng hoá được sản xuất, chúng tôi đều đảm bảo hợp đồng với Tổng công ty. Nghĩa là chất lượng hàng gia công của xí nghiệp Sao Mai không kém!
                        HOÀI -   Thế thì tại sao Công ty Tư bản Nhật lại từ chối không nhận hàng?
                        HẢI -   Cũng phải xem lại những lý do thuộc trách nhiệm Tổng công ty chứ ạ? Vì xí nghiệp của chúng tôi không được trực tiếp giao dịch với nước ngoài, nên không biết. Tất cả đều phải qua Tổng công ty.
                        HOÀI -   Đấy, đấy!... Vì không biết nên các anh mới cố cãi, khăng khăng bảo vệ mình.
                        HẢI -   Ý của tôi là...
                        HOÀI -  " Tổng công ty xuất nhập khẩu hàng công nghiệp" có hàng chục xí nghiệp sản xuất các mặt hàng khác nhau, nếu xí nghiệp nào sản xuất cũng gây tổn thất như xí nghiệp Sao Mai của anh, thì...
                        HẢI -   Có thể...
                        HOÀI -   Các anh lúc nào cũng "có thể"? Nhưng Ban thanh tra Bộ thì không chỉ "có Thể" được, mà phải khẳng định! Khẳng định!....
                        HẢI -   Tôi vẫn đề nghị đồng chí Trưởng ban thanh tra...
                        HOÀI -   Người ta mời tôi đúng 9 giờ sáng nay có mặt để dự chiêu đãi. Còn vấn đề gì thì để lúc khác nhé !
                                            ( nói xong ông Hoài đi thẳng )
                        HẢI -   ( nhìn theo cười nhạt ) Ông ấy khẳng định?... ( kiên quyết ) Không thể chịu như thế được. Ta đi tìm ông Tổng giám đốc đối chất xem thế nào?
                                                     ( Hải bước đi vẻ kiên quyết.
                                                 Kết thúc màn khai từ - vào chính kịch ).
                 
                 
                 
                 
                 
                                                          
                 
                                                                  
                                                          
                                
                        
                        

                          
                 
                 
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.06.2008 13:09:55 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
                #23
                  Nhatho_PhamNgocThai 16.06.2008 13:08:42 (permalink)
                   
                                    


                                                          MỞ MÀN 


                                   
                      I-  PHÒNG TỔNG GIÁM ĐỐC CỦA TCTY.
                                                        
                                                        
                  ( Bàn làm việc của T.giám đốc, phía ngoài kê một bộ
                                                    salon tiếp khách gần cửa ra vào. Mặt tường phía trong
                                                    còn có một cửa nữa thông sang phòng phó T.giám đốc,
                                                    lúc nào cũng khép kín )
                   
                          
                   
                          HẢI -  (từ ngoài xộc vào, nhìn quanh) Lại không có ai?
                                                           ( Vịnh cũng từ ngoài bước vào )
                          VỊNH -  Có đây! Anh cần gì?
                          HẢI -  Tôi là...
                          VỊNH -  Tôi biết rồi! Anh là anh Hải, giám đốc xí nghiệp Sao Mai vừa bị cách chức.
                          HẢI -  Tôi muốn gặp đồng chí Tổng giám đốc?
                          VỊNH -  Còn đang đánh chén ngoài khách sạn. Hôm nay, tổng công ty xuất nhập khẩu Hàng công nghiệp của tớ mở tiệc chiêu đãi Ban thanh tra Bộ!...
                          HẢI - (nóng nẩy) Lên Bộ: thì gặp ông Trưởng ban thanh tra Bộ bận đi dự chiêu đãi, xuỗng tổng công ty... thì ông tổng giám đốc lại bận chiêu đãi! Thế ra các người chỉ toàn mải việc chiêu đãi thôi à?
                          VỊNH -  Bây giờ chiêu đãi cũng là một công việc không kém phần quan trọng.
                          HẢI -  Anh có biết: liệu mấy giờ thì ông Tổng giám đốc về?
                          VỊNH -  Rượu vào lời ra, còn chán mới về.
                          HẢI -  Chắc anh cũng vừa ở khách sạn về? Tôi thấy mùi rượu bia...
                          VỊNH -  Loại cán bộ quèn như tớ, làm gì được tiêu chuẩn chiêu đãi ngoài khách sạn! Chậc...vừa tranh thủ ra uống cốc bia ngoài quán. Thôi nhé, đằng ấy ở đây chờ!  Tớ phải về phòng làm việc đây.
                                 ( nói xong, Vịnh đi ra phía cửa. Bên cửa phòng phó tổng giám đốc kẹt mở, bà Hoa Hoè bước sang )
                          HẢI -  Chào đồng chí phó tổng giám đốc! Tôi tưởng chị cũng đang bận dự chiêu đãi ngoài khách sạn?
                          HOA HOÈ -  Tôi không muốn đi! ( thái độ vẻ lửng lơ) Nghĩa là... tôi không phải thuộc người cùng phe cánh ấy!...
                          HẢI -  Thế nghĩa là thế nào ạ?
                          HOA HOÈ - Tôi biết cậu Hải đang sốt ruột muốn chất vấn ông tổng giám đốc?
                          HẢI -  Vâng, thưa đồng chí...
                          HOA HOÈ -  (cắt ngang) Cậu cứ chờ ở đây nhé, tôi đang bận.
                                          ( nói xong bà Hoa Hoè quay vào phòng của mình, rồi đóng kín của lại ).
                          HẢI -  Thật...là... tức!...
                                         ( Hải định đi ra thì gặp Quang bước vào )
                          HẢI -  (mừng rỡ reo lên) Anh Quang! (xiết chặt tay nhau) Anh trở lại Hà Nội từ khi nào?
                          QUANG -  Xuống sân bay là mình về đây ngay.
                          HẢI - Gặp được anh, may quá.
                          QUANG -  Còn ở trong thành phố Hồ Chí Minh: mình cũng đã nghe nói về tình hình của xí nghiệp Sao Mai và của Hải, có nhiều điểm chưa rõ ràng? Chúng ta ra ngoài kia, về phòng mình rồi nói chuyện.
                                ( Họ đi ra, sân khấu vắng. Lát sau ông Phách và Lách bước vào )
                          LÁCH -  Thưa đồng chí Tổng giám đốc! Bọn khách sạn hôm nay làm ăn cũng khá, tôi xem chừng mấy cha Thanh tra hể hả lắm?
                          Ô.PHÁCH -  Cỗ bàn thịnh soạn, ăn uống no nê. Xong rồi người nào cũng được phong bao. Không hể hả, chắc còn muốn cả giời?
                          LÁCH -  Giải quyết êm thấm vụ này, tôi nhẹ cả người.
                          Ô.PHÁCH -  (nóng nẩy) Anh tưởng là qua ngay đấy hẳn?
                          LÁCH -  Thì... cũng không còn đáng lo lắm. Chỉ có ba người tường tận sự việc: là chuyên viên Quảng tổng giám đốc và tôi... Nay thanh tra Bộ đã kết luận rồi!
                          Ô.PHÁCH -  Nhưng thằng Hải nó là con trai của chuyên viên Quảng, anh hiểu chưa? Chứ không phải người ngoài.
                          LÁCH - Khi chuyên viên Quảng từ Hồng Kông về, tổng giám đốc cứ lựa lời ngọt nhạt...
                          Ô.PHÁCH -  (quát) Anh bảo tôi phải lựa lời ngọt nhạt như thế nào?
                          LÁCH -  Dù gì... thì với tổng giám đốc, ông chuyên viên cũng chịu nhiều ơn huệ !
                          Ô.PHÁCH -  Để giữ việc cho kín, tôi đã phải tìm cách điều chuyên viên Quảng và cả trưởng phòng đối ngoại Quang đi xa!... Nếu bọn họ mà có mặt ở tổng công ty trong những ngày có Ban thanh tra Bộ về, không biết sự việc sẽ tệ hại đến thế nào?
                          LÁCH -  Tổng giám đốc quả là người nhìn xa trông rộng.
                                         ( lúc này cửa phòng bên lại kẹt mở, bà phó tổng 
                                                    Hoa Hoè bước sang )
                          HOA HOÈ -  (với ông Phách)  Ban nẫy có điện thoại của Bộ gọi xuống, họ nhắc ông lên làm thủ tục đi Đông Âu!
                          LÁCH -  Đồng chí phó tổng giám đốc không đi dự chiêu đãi ở khách sạn, thật là phí?
                          HOA HOÈ -  Tôi bận! ( lạnh lùng vào phòng, khép kín cửa).
                          LÁCH -  Sao tổng giám đốc không nhổ quách cái gai ấy đi?
                          Ô.PHÁCH -  Không phải cái gai nào cũng nhổ ngay đi được.
                          LÁCH -  Tổng giám đốc đã giành cho chị ta đủ thứ bổng lộc, nhưng chị ta có lấy thế làm thoả mãn đâu? Tôi mà được như thế thì...
                          Ô.PHÁCH -  Anh cũng không kém đâu, để đến bây giờ anh làm ăn như thế này... này?...
                          LÁCH -  Tôi chỉ sơ ý , ai ngờ...
                          Ô.PHÁCH -  Sơ ý? Cứ thế rồi vào tù!
                                                        ( Quang tiến vào )
                          LÁCH -  (Đon đả) Ô kìa, anh Quang! Anh khoẻ chứ?
                          QUANG -  (lảng qua, nói với tổng giám đốc ) Thưa đồng chí tổng giám đốc! Về vụ tổn thất hàng gia công vừa qua, tôi nghĩ Ban thanh tra Bộ có thể đã nhầm lẫn?
                          Ô.PHÁCH -  Người ta đã kiểm tra, rà xét hàng tháng trời.
                          QUANG -  Nhưng kết luận sự việc chưa lôgich
                          Ô.PHÁCH -  Anh... anh định bài xích ban thanh tra hả?
                          QUANG -  Trước ngày đi công tác , chính tôi đã xuống xí nghiệp nghiệm thu hàng hoá: chất lượng hàng sản xuất đều rất tốt!
                          Ô.PHÁCH -  Rồi đến lượt các anh phải kiểm điểm về sự nghiệm thu sơ sài, qua loa, đại khái ấy... nên không phát hiện ra.
                          QUANG -  Tôi đề nghị cho kiểm tra lại?
                          Ô.PHÁCH -  Cái đó không cần thiết. Ban thanh tra Bộ đã kiểm tra hết sức cẩn thận, rồi mới kết luận.
                          QUANG -  Nó còn liên quan tới việc xét sử số phận một con người? Kỷ luật cách chức giám đốc một xí nghiệp, phải thật sự công minh.
                          Ô.PHÁCH  -  Anh bảo lãnh đạo cấp trên không công minh hả? Tốt nhất là anh về phòng làm việc của mình đi!
                                    ( cửa phòng bên lại kẹt mở, mọi người giật mình quay lại: Hoa Hoè ra, nhìn lướt qua mọi người nhưng không nói gì... định đi ra khỏi phòng - Thì lúc này có tiếng ô tô phanh kít ở cổng. Chuyên viên Quảng đi vào ).

                   
                   
                   
                                                                     
                   
                                                     




                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.06.2008 12:41:48 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
                  #24
                    Nhatho_PhamNgocThai 18.06.2008 13:08:43 (permalink)
                     


                            LÁCH -  Ôi, chuyên viên Quảng đã về.
                            Ô.PHÁCH - (vội vã hỏi dồn) Thế nào, công ty tư bản Nhật có chịu chấp nhận ít hàng nào không?
                            HOA HOÈ -  Sao ông tổng giám đốc phải lo cuống lên như vậy? Để anh Quảng nghỉ ngơi tý đã.
                            Ô.QUẢNG - (với ông Phách) Họ nhất định từ chối, mặc dù tôi cũng đã cố thuyết phục.
                            Ô.PHÁCH -  Thật... thật là...
                            QUANG -  Thế là cả một khoản ngoại tệ lớn hàng chục vạn đô-la của nhà nước mất toi? Trong khi chúng ta phải chắt chiu từng đô-la, ngoại tệ phải vay lãi ở nước ngoài. (với ông Quảng) Chẳng lẽ không còn cách nào có thể còn cứu vãn lại được nữa, hả anh?
                            Ô.QUẢNG - Chỉ còn cách tung ra mà bán cho dân.
                            QUANG -  Nhưng bán cho dân thì chỉ có thể nhặt nhạnh được mấy đồng tiền Việt Nam thôi!
                            Ô.PHÁCH -  Tôi quyết định xuất toàn bộ lô hàng ấy cho bên nội thương để bán cho dân.
                            QUANG -  Nhưng mẫu mã, nhất là kích cỡ hàng cũng không phù hợp cho việc sử dụng của người Việt Nam cơ mà? Muốn sử dụng được, là phải tháo gỡ tất cả ra mà tái chế lại, thêm một lần nữa tốn bao nhiêu công của?
                            Ô.QUẢNG -  Nhưng biết làm thế nào khác được?
                            LÁCH -  Mà lỗi đâu phải do tổng công ty.
                            QUANG -  (với ông Quảng) Nghĩa là đồng chí chuyên viên cũng thừa nhận: Bộ đã kỷ luật, cách chức giám đốc xí nghiệp của cậu Hải, người con trai của đồng chí là xác đáng?
                            Ô.QUẢNG -  (đột ngột) Nhưng tại sao lại cách chức nó?
                            QUANG -  Anh hãy hỏi tổng giám đốc của chúng ta?
                            Ô.QUẢNG -  Tôi chả hiểu ra làm sao cả? Anh Phách! Có chuyện gì đã xẩy ra với thằng Hải con tôi vậy?
                            HOA HOÈ -  Vì Ban thanh tra Bộ đã kết luận: Lỗi tại xí nghiệp Sao Mai sản xuất hàng hoá kém, mà con trai anh lại là giám đốc?
                            Ô.QUẢNG -  Không làm gì có chuyện ấy.
                            QUANG - Nhưng thực tế lại xẩy ra như vậy.
                            Ô.PHÁCH -  (gắt gỏng) Làm... làm gì mà cứ rối tinh, rối mù lên thế? Bây giờ anh Quảng ở đây để trao đổi với tôi, còn tất cả về phòng mình làm việc!
                                 ( Quang, Lách và bà phó tổng giám đốc lần lượt ra khỏi phòng.
                                        Chỉ còn lại ông Phách và ông Quảng )
                            Ô.PHÁCH -  Nếu anh thuyết phục được giám đốc công ty tư bản Nhật nhận hàng, thì đã không có chuyện gì hết.
                            Ô.QUẢNG -  Giờ thì tôi hiểu rồi!... (lớn tiếng) Anh không thể làm như thế được!
                            Ô.PHÁCH -  Cũng là bất đắc dĩ.
                            Ô.QUẢNG -  Anh thì thoát, nhưng tội lại trút lên đầu con tôi?
                            Ô.PHÁCH -  Rồi tôi sẽ cứu con anh! Tôi sẽ đưa nó về tổng công ty, dần dần sẽ lại đề bạt cất nhắc nó... Thế là được chứ gì?
                            Ô.QUẢNG -  Mang cái tội làm tổn thất tiền của lớn đến như thế, dễ gì cứu nổi? Tôi xin anh!... Mà dù với ai, anh cũng không thể chọn phương sách trút tội lên đầu người khác được?
                            Ô.PHÁCH -  Thôi, thôi... Anh đừng giáo huấn cho tôi.
                            Ô.QUẢNG -  Phải tìm một lối thoát khác, anh Phách ạ! Anh không bị sao, mà con tôi cũng không việc gì.
                            Ô.PHÁCH -  Chẳng có lối thoát nào khác cả đâu! Không phải lỗi tại xí nghiệp thì là lỗi tại tổng công ty.
                            Ô.QUẢNG -  Nghĩa là: Hoặc là con tôi bị kỷ luật, hoặc là anh?
                            Ô.PHÁCH -  Hoặc cả hai.
                            Ô.QUẢNG -  (chợt nghĩ ra) Tôi sẽ tự thú tội: do chính tôi gây nên vụ tổn thất này.
                            Ô.PHÁCH -  Đừng làm trò trẻ con, không ai người ta tin.
                            Ô.QUẢNG -  (bất lực) Tôi biết làm sao bây giờ? Không, dứt khoát là anh không thể làm thế được!
                            Ô.PHÁCH -  (gay gắt) Thế thì anh đi mà tố giác! Gặp ngay Ban thanh tra Bộ, nói cho họ biết: Chính ông tổng giám đốc mới là người gây ra vụ đổ vỡ, chứ không phải con anh. Ông ta cần phải bị kỷ luật! Hãy cách chức ông ta, đưa ông ta ra toà! Anh đi đi!... Bảo họ đến mà xích ngay tay ông già này lại?
                            Ô.QUẢNG -  (giọng đau đớn) Thì anh cũng biết tôi không thể làm như thế được mà. Nhưng phải nghĩ đến con tôi nữa chứ?
                            Ô.PHÁCH -  Tôi đã nói là tôi sẽ cứu nó! Anh nghe rõ chưa? (xoa dịu) Thôi, anh cứ yên tâm. Còn bây giờ tôi phải tranh thủ lên Bộ làm thủ tục đi Đông Âu đây, họ đã giục từ sáng.
                              ( nói xong ông Phách vội xách chiếc cặp da, hấp tấp bước ra ngoài)
                            Ô.QUẢNG -  (kêu to) Tôi phải làm gì bây giờ?
                                                                     (đi ra nốt).
                     
                     
                                 



                                       II-  TẠI HÀNH LANG CỦA  TCTY
                     

                                                         ( Một phía có cầu thang gác.
                                                           Ông Quảng và Quang đi tới )
                     
                           
                     
                             QUANG -  Nếu tôi không bị biệt phái vào trong thành phố Hồ Chí Minh, mà có mặt ở tổng công ty trong những ngày ấy... thì...
                             Ô.QUẢNG -  Dù sao cũng đã bị thiệt hại rồi, không thể gỡ lại được! Không ai lại muốn chuyện xẩy ra như thế?
                            QUANG -  Còn những người lãnh đạo tổng công ty như ông Phách, thì còn...
                            Ô.QUẢNG -  Bản chất anh Phách vẫn là một cán bộ lãnh đạo có thiện chí.
                            QUANG -  Ông ta đại diện cho lớp quan lại thủ cựu, công thần thì đúng hơn! Muốn có dàn hợp xướng tốt, trước hết cần phải có người nhạc trưởng đủ khả năng. Ông ta thực sự trở thành một hòn đá tảng nằm chắn ngang đường, đến lúc phải bẩy nó đi!
                            Ô.QUẢNG -  Nhưng sau khi các anh đã bẩy được hòn đá tảng ấy đi rồi?... Ai sẽ thay vào chỗ đó?
                            QUANG -  Nghĩa là đồng chí không tin vào chúng tôi?
                            Ô.QUẢNG -  Mình e rằng chưa đến lượt lớp người như Quang, mà là... phó tổng giám đốc Hoa Hoè ấy cơ? Nếu người nhạc trưởng mà lại chính là chị ta thì... tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều!
                                  ( ông Quảng bỏ đi , Quang lưỡng lự giây lát rồi ra nốt.
                                          Vịnh lững thững đi đến )
                            VỊNH -  Đằng này thì anh trưởng phòng đối ngoại tranh cãi với ông chuyên viên, trong phòng kia... bà phó tổng giám đốc Hoa Hoè lại đang đe nạt , doạ dẫm anh trưởng phòng Lách... về cái vụ để tổn thất hàng gia công? Còn ông Tổng giám đốc thì ngài rất bận cho cái việc phải vội chuẩn bị đi nước ngoài!... ( thở dài ) chẳng khác nào một dàn hợp xướng: đủ thứ kèn, đàn, trống phách...cả chính lẫn tạp cứ bung xung quanh ông nhạc trưởng.
                                               ( Vịnh nhún vai rồi bỏ đi vào )
                     
                     
                     
                                                      
                           
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.06.2008 13:41:15 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
                    #25
                      Nhatho_PhamNgocThai 23.06.2008 12:38:57 (permalink)
                       



                                        III-   TRỞ LẠI PHÒNG TỔNG GIÁM ĐỐC

                                               ( Phó T.giám đốc Hoa Hoè và trưởng phòng Lách )

                             HOA HOÈ -  Tôi đã theo dõi suốt 27 ngày khi có Ban thanh tra Bộ đến: Hết cuộc chiêu đãi lớn tới cuộc chiêu đãi nhỏ?
                              LÁCH -  Chuyện chiêu đãi bây giờ là lẽ thường. Chủ yếu là được việc!
                              HOA HOÈ -  Vì các anh đã trút được tội lên đầu xí nghiệp Sao Mai chứ gì?
                              LÁCH - Thì nó rõ như ban ngày: tại xí nghiệp sản xuất hàng hoá kém...
                              HOA HOÈ -  (trấn áp) Nói láo! Chẳng qua các anh mua chuộc mấy tay thanh tra, đổi trắng thành đen.
                              LÁCH -  Đồng chí phó tổng giám đốc nói gì tôi không hiểu?
                              HOA HOÈ -  Này, đừng giả bộ ngây thơ. Muốn đây nói toạc móng heo ra à?
                              LÁCH -  Thì chị cứ nói.
                              HOA HOÈ -  Vẫn làm ra bộ cứng đầu, vậy thì lại gần đây ta nói cho mi nghe !
                                      ( Hoa Hoè ghé vào tai Lách nói nhỏ. Điệu bộ vừa nói vừa đe, Lách hơi hoảng hốt )
                              LÁCH -  Tôi... Chị nói thế là tôi biết rồi!
                              HOA HOÈ -  Trưởng phòng Lách không nghĩ là tôi không biết tý gì nữa chứ?
                              LÁCH -  Vâng. Quả là sự việc như thế, nhưng...
                              HOA HOÈ -  Là một trưởng phòng nghiệp vụ: Anh phải có trách nhiệm thuê tầu bè, giao hàng đúng kỳ hạn cho công ty Nhật theo hợp đồng. Để xẩy ra vụ tổn thất này, trước hết tội là anh !
                              LÁCH -  Nhưng khi đó tôi đã báo cáo với tổng giám đốc.
                              HOA HOÈ -  Nhưng anh báo cáo muộn, đã quá chậm trễ. Còn ông tổng giám đốc lại quan liêu. Đưa ra luật pháp, cả anh và ông ta phải truy tố trước toà !
                              LÁCH -  Ấy,ấy... chị đừng đao to búa lớn quá!
                              (dò hỏi) Thế, sao khi có Ban thanh tra Bộ chị lại không nói? Chắc... vì tổng giám đốc đối với chị cũng đã có nhiều ơn huệ?
                              HOA HOÈ -  (sẵng giọng) Bởi vì, tôi không muốn dọn cỗ để... cho người khác ăn!
                              LÁCH -  Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi !... Người ta có thể thay thế ông tổng giám đốc này bằng ông tổng giám đốc khác, chứ không đến lượt chị! Rút kinh nghiệm lần trước: Chị đã hất được một ông tổng giám đốc về vườn, nhưng Bộ lại cử ông Phách về thay thế, chứ không đề bạt chị?
                              HOA HOÈ -  Lần này đây chẳng dại như thế nữa !
                              LÁCH -  Và hú hồn, hú vía. Dù sao thì tôi cũng chỉ là cấp dưới nên may mắn được chị bỏ qua mà thoát nạn, phải không ạ?
                              HOA HOÈ -  Có việc cần cho anh đấy! Hay là, anh vẫn muốn trung thành cùng ông Phách?
                              LÁCH -  Ối giời ơi!... Chẳng qua cần thì ông ấy dùng tôi, còn khi không cần: ông ấy lại chẳng rũ đi như rũ một cái áo.
                              HOA HOÈ -  Nếu anh chịu phò tá cho tôi, sau này không sợ bị thiệt thòi đâu!
                              LÁCH -  Con mèo không chê khúc cá ngon. Tôi có thể biết: phò tá giúp chị thành công rồi, tôi sẽ được gì?
                              HOA HOÈ -  Đây này, ( chỉ tay sang phòng phó tổng...) Anh sẽ sang ngồi ở phòng đó thay tôi!
                              LÁCH -  Còn chị sẽ sang đây ngồi ở phòng này thay ông tổng giám đốc Phách?
                                              ( cả hai đắc chí cười )
                              LÁCH -  (tiếp) Chị Hoa Hoè chắc phải có sẵn kế hay?
                              HOA HOÈ -  Lại gần đây mà nghe cho rõ !
                                    ( Hoa Hoè ghé tai Lách thầm thì... Lách gật đầu lia lịa )
                              LÁCH -  Quả là kế quỉ !
                              HOA HOÈ -  Mọi ý đồ phải được thực hiện ngay trong thời gian ông tổng giám đốc đi Đông Âu.
                              LÁCH -  Cũng không dễ dàng lắm đâu chị ạ? Ông Phách là một người có thế lực, được nhiều quan chức lớn giúp lắm !
                              HOA HOÈ -  Dễ anh tưởng tôi chân cò, chân vạc?
                              LÁCH -  Thôi thì... cũng vì cái lòng tôi vẫn thường mến mộ và muốn ủng hộ chị.
                              HOA HOÈ -  (hài hước) Còn tâm ý lòng dạ tôi xưa nay: vẫn muốn có dịp là sẽ nâng đỡ, cất nhắc trưởng phòng Lách tiến tới!...
                                                     ( cả hai hô hố cười )
                                                     Chuyển cảnh


                                     IV- KHOẢNG SÂN XÍ NGHIỆP SAO MAI

                                           ( Đây đó mấy chậu cây cảnh. Dưới vài bóng cây lớn
                                           đặt những chiếc ghế đá cho công nhân ra nghỉ giải lao 
                                           ở đó. Một nhóm công nhân đi tới...)

                              CÔNG NHÂN (CN) -  Này, cái ông giám đốc xí nghiệp mới đến của chúng ta ấy, thấy mà cám cảnh?
                              CN (khác) -  Cũng chẳng hiểu sao họ lại đề bạt cái ông Hán cổ lỗ ấy lên làm giám đốc nữa?
                              CN -  Kể cũng lạ ! Về cái lô hàng gia công của xí nghiệp ta vừa bị qui là gây ra tổn thất ấy: Quần áo may thì vẫn đẹp, tốt như thế... Mà lại bị công ty tư bản nhật từ chối, không nhận hàng - Sự thua thiệt tổn thất lớn quá ! Làm kiệt quệ cả xí nghiệp Sao Mai còn gì?
                              CN -  Nhưng tớ lại nghe tin: Xí nghiệp mình là bị đổ oan thôi, chứ lỗi tại một khâu nào đó thuộc trách nhiệm của Tổng công ty gây nên?
                              CN -  Nghĩ tội cho anh Hải, giám đốc của xí nghiệp của chúng ta các cậu ạ! Một giám đốc mẫn cán, có năng lực trình độ hết lòng vì xí nghiệp, ấy thế mà nay phải chịu kỷ luật?
                              CN -  Công nhân của các phân xưởng: đang có kiến nghị lên Bộ xem xét, phục hồi lại chức giám đốc cho anh Hải đấy?
                              CN -  Ồi, chắc gì?... Muốn phục hồi bây giờ ấy à: Cứ phải thế này... thật nhiều! (làm động tác ) Dúi cho mạnh !
                              CN -  Các cậu ạ, hôm qua có tý việc tớ mới lên phòng giám đốc: Thấy anh Hải đang giảng giải cho cái ông giám đốc Hán mới về ấy... về qui mô sản xuất trong bản phương án liên doanh với các công ty nước ngoài. Tớ thấy mặt ông Hán cứ đơ đơ ra... như thế này này!...
                              CN -  Thì cái ngữ giám đốc kiểu ông ta biết cái gì mà chẳng đơ đơ ra?
                              CN (tiếp) Tớ biết ngay: Cái đầu ông giám đốc này là tối mù, nhưng lại sợ người ta chê mình dốt, nên cứ luôn mồm nói: Tôi biết! Tôi biết!... (châm biếm) "biết" nghĩa là "mít" đấy! Các cậu hiểu không?
                                                 ( tất cả cười ồ )
                              CN -  "mít" thì người ta cũng là giám đốc!
                              CN -  Đừng có tưởng, quát nạt công nhân ra trò đấy !
                              CN -  Cẩn thận, giữ cái mồm. Ông ta nghe thấy, không lại tống bọn mi ra khỏi xí nghiệp, có mà cả nhà chết đói?
                              CN -  Thời buổi bây giờ: mà bị lãnh đạo trù dập... thì khốn nạn.
                              Một CN -  (reo lên) Bác Chúc, trưởng phòng vật tư xí nghiệp đến kìa ! Chúng ta hỏi bác ấy là biết ngay tình hình ra sao?
                                              ( bác Chúc bước về phía mọi người )


                                                                         
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.06.2008 13:17:11 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
                      #26
                        Nhatho_PhamNgocThai 24.06.2008 13:16:12 (permalink)
                         


                               BÁC CHÚC -  Các anh chị em công nhân! Nếu tất cả đều nhất trí kiến nghị lên Bộ phục hồi lại chức giám đốc cho anh Hải, thì ký vào đây! (giơ cao tập giấy ) Lá đơn này đã được phân tích đầy đủ mọi lý lẽ, công nhân mấy phân xưởng đã ký đầy cả mấy trang giấy rồi đấy.
                                CN -  Bác trưởng phòng vật tư đưa đây tôi ký! ( hướng về phía mọi người ) Nhất trí cả thế chứ các cậu?
                                CN - Nhất trí quá đi chứ lị. Tôi ký!
                                CN - Tôi ký!...
                                       ( lá đơn được truyền qua tay mọi người )
                                CN- ( người ký cuối cùng ) Còn ai chưa ký nữa không?
                                               ( Hải đã đến góc sân từ trước nhưng không ai để ý,
                                                    lúc này mới tiến lại )
                                HẢI -  ( cầm lá đơn ) Còn tôi chưa ký.
                                MỌI NGƯỜI -  (reo lên) Ồ, anh Hải! Tất cả anh chị em công nhân đều ủng hộ anh.
                                HẢI -  Rất cám ơn mọi người, nhưng cũng chẳng ăn thua gì đâu.
                                CN -  Nhưng lãnh đạo không thể bất chấp kiến nghị của cả một tập thể đông đảo công nhân xí nghiệp được?
                                Hải -  Tôi là một giám đốc thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm! Làm sao có thể sử dụng số đông ủng hộ, để biện lý cho mình được? Đó là luật!
                                BÁC CHÚC -  Anh Hải cũng đừng bi quan quá? Để tập thể công nhân ủng hộ, thanh minh cho anh: có khi lãnh đạo sẽ nhượng bộ?
                                HẢI -  Thực tế đâu có thanh quang như thế! Quanh ông tổng giám đốc, toàn các ngài tai to mặt lớn bênh vực. Tôi đã đi tới các cửa đều bị chắn lối!...
                                BÁC CHÚC -  Cứ để tôi gưỉ lá đơn này lên Bộ ! Dù thế nào, cũng tốt hơn.
                                CN -  (đồng tình) Bác trưởng phòng vật tư nói đúng đấy !
                                HẢI -  (trả lại đơn) Tuỳ bác và anh chị em công nhân. Tôi phải vào làm việc đây!
                                            ( nói xong, Hải vào trong xí nghiệp )
                                BÁC CHÚC -  Thôi, hết giờ giả lao rồi đấy - Tất cả về sản xuất đi!
                                CN -  Phải đấu tranh cho mạnh. Vì cả xí nghiệp, vì lẽ công bằng nữa.
                                CN -  Tình hình thế nào bác Chúc thông báo cho chúng tôi biết nhé!
                                CN -  Cần phải làm gì nữa bác cứ nói, chúng tôi sẽ ủng hộ.
                                      ( mọi người tản đi khuất. Lát sau ông Quảng và Quang từ ngoài bước vào )
                                Ô.QUẢNG -  (chỉ chiếc ghế đá) Chúng ta ngồi nghỉ một lát, rồi sẽ xuống các phân xưởng.
                                QUANG -  Xí nghiệp hiện nay trong tình trạng giật gấu vá vai: thiếu vật tư sản xuất, giám đốc Hán điều hành thì rời rạc, hoàn cảnh đời sống công nhân bê bết lắm!
                                Ô.QUẢNG -  Ừ, tôi cũng thấy việc cấp trên đề bạt ông Hán làm giám đốc xí nghiệp không ổn.
                                QUANG -  Vậy, vì sao đồng chí chuyên viên lại không có chính kiến của mình với trên về việc ấy? Cần lên Bộ ủng hộ việc phục hồi lại chức giám đốc cho cậu Hải!
                                Ô.QUẢNG -  Người ta sẽ đánh giá tôi thiên tư con mình? Không ổn, lại càng không ổn.
                                QUANG -  (thở dài) Trên Tổng công ty: Chị Hoa Hoè nhân cơ hội ông tổng giám đốc ra nước ngoài, đang thực hiện một cuộc vận động - Chẳng khác gì nhằm lật đổ?
                                Ô.QUẢNG -  (phẫn kích) Thì cô ta vẫn mưu mô tìm cách hất được anh Phách, để lên thay làm tổng giám đốc mà! Tôi đã nói rồi: chưa đến lượt anh đâu, anh Quang ạ?
                                QUANG -  Không phải chỉ vì tôi? Một đồng chí khác được đề bạt lên thay thế ông Phách mà xứng đáng, tôi cũng ủng hộ.
                                Ô.QUẢNG(xua đi) Không được! Không được!... "Thị" cũng mạnh lắm, nhiều người có quyền thế sẽ bao đỡ cho cô ta. Chẳng thà...
                                QUANG -  (tiếp lời) Chẳng thà cứ tiếp tục ủng hộ để ông Phách làm tổng giám đốc, ý anh muốn nói thế chứ gì?
                                Ô.QUẢNG -  Tạm thời trước mắt là thế! Khi nào anh ấy về hưu hãy hay.
                                QUANG -  (cười) Và như thế là ông chuyên viên cũng đã trả nợ được cái ơn nghĩa trước đây với ông ta, có phải thế không ạ?
                                Ô.QUẢNG -  (lúng túng) Tôi...
                                QUANG -  Cả việc anh im lặng trước sự cố giáng lên đầu con anh! Cũng chỉ vì cái ơn nghĩa ấy, chỉ vì anh không muốn động chạm tới ông tổng giám đốc thôi?
                               Ô.QUẢNG -  Thì tôi vẫn đang nghĩ cách để cứu gỡ cho thằng Hải mà, chứ có bỏ mặc nó đâu?
                                QUANG -  Không phải chỉ cứu riêng mình cậu Hải, mà cần cứu cả xí nghiệp và tổng công ty? Dù rằng kết quả sau đó: ai sẽ lên thay ông Phách, tôi vẫn phải làm tất cả những gì có thể làm được !
                                Ô.QUẢNG -  Nhưng bây giờ bao nhiêu kẻ cơ hội, đang lợi dụng, nhăm nhe gây lủng loạn trong tổ chức?
                                QUANG -  Chính để tồn tại mãi những người lãnh đạo như ông Phách, nên bọn cơ hội, lũng loạn mới có đất phát triển!
                                Ô.QUẢNG -  Nhưng trong lãnh đạo vẫn chẳng còn có những cán bộ nhân cốt, tích cực như trưởng phòng Quang là gì?
                                QUANG -  Có thể tới một lúc tôi cũng sẽ bị loại trừ... chẳng khác gì số phận con anh?
                               ( trước đó Hải đã ra nghe câu chuyện của hai người, giờ bước tới )
                                HẢI -  Một người nhạc trưởng tồi sẽ làm cho cả dàn hợp xướng trở nên hỗn loạn. Đáng lẽ ông ta phải biết tự loại bỏ mình?
                                Ô.QUẢNG -  Triết lý của con tàn nhẫn quá !
                                HẢI -  Chính thế hệ của bố tàn nhẫn hơn nhiều.
                                Ô.QUẢNG -  Con nên nhớ một câu phương ngôn: Nếu các con bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào các con bằng đại bác !
                                HẢI -  Nhưng ngay hôm nay nhiều người trong thế hệ của bố, đang nã vào thế hệ chúng con: không phải chỉ bằng súng lục, mà bằng cả súng liên thanh?
                                QUANG -  Hai bố con nói chuyện với nhau gay gắt quá!
                                Ô.QUẢNG -  (vẫn với Hải) Con không nên có ý nghĩ ấy?
                                HẢI -  Con biết là con đã bị bắn! Con đã trở thành một tấm bia đỡ đạn! Nhưng quanh ông tổng giám đốc dựng lên bao nhiêu bức rào chắn, con húc vào đâu cũng bị đánh bật ra. Những thế lực luôn luôn răn đe và có thể bóp nát con? (giọng anh xúc động) Bố nói đi! Vậy tương lai của con ở đâu? Con phải đi đến ngày mai bằng cách nào?
                                QUANG -  (với Hải) Hải nói chuyện với bố, mình sẽ gặp lại cậu sau.
                              (với ông Quảng) Tôi xuống các phân xưởng trước!
                                                    ( nói xong Quang đi khuất)
                                Ô.QUẢNG -  (với Hải) Thế, việc bố định xin cho con về công tác trên tổng công ty, ý của con thế nào?
                                HẢI -  Để làm gì ạ?
                                Ô.QUẢNG -  Bác Phách hứa sẽ tạo điều kiện để con tiến bộ. Có bác ấy nâng đỡ, cất nhắc, chẳng mấy lúc con sẽ...
                                HẢI -  Đánh xong rồi lại vuốt ve, đúng là thứ đạo lý của những người biển lận? Những kẻ ăn cắp lương tri cũng không tồi hơn thế! Thưa bố, sống chết con vẫn ở lại xí nghiệp Sao Mai này với anh chị em công nhân. Con không đi đâu cả!
                                       ( Hải bỏ đi. Vừa lúc bác Chúc đi tới - Nhìn Hải ái ngại... lắc đầu )
                                


                                                            
                                
                                            
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.06.2008 13:12:20 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
                        #27
                          Nhatho_PhamNgocThai 25.06.2008 13:11:19 (permalink)
                           


                                   BÁC CHÚC -  Ô kìa! Chú Quảng xuống thăm xí nghiệp đấy hả? Đã lâu không gặp chú.
                                  Ô.QUẢNG -  Bác vẫn khoẻ chứ?
                                  BÁC CHÚC -  Tuy có tuổi, nhưng được cái ăn ngủ và làm việc vẫn tốt.
                                  Ô.QUẢNG -  Tưởng bác đã về hưu sẽ không gặp được bác.
                                  BÁC CHÚC -  Cũng sắp về. Cả một đời thợ gắn bó với xí nghiệp, chiến tranh rồi hoà bình: Trước khi chia tay, nhìn cảnh xí nghiệp gặp vận hạn rủi ro, bị thất bát quá lớn này, thấy đau?
                                  Ô.QUẢNG -  Một người thợ tâm huyết với xí nghiệp như bác, thật là quí.
                                  BÁC CHÚC -  Chú vẫn còn tuổi, ở lại đôi năm công tác nữa cũng cố giúp đỡ xí nghiệp.
                                  Ô.QUẢNG -  Lắm lúc tôi thấy mình cũng mệt mỏi quá, chỉ muốn về hưu thôi bác ạ!
                                  BÁC CHÚC -  Ấy, chưa được. Chú chuyên viên loại cao, tinh thông 3-4 tiếng ngoại ngữ, làm việc được cả lãnh đạo và quốc tế tín nhiệm! Phải ở lại để giúp đỡ lũ trẻ?
                                  Ô.QUẢNG -  Chả quan trọng như bác nghĩ đâu.
                                  BÁC CHÚC -  Mà này, chú phải tìm mọi cách mà cứu con chứ? Thằng Hải ấy! Tôi thấy cái chuyện đổ vỡ này như có uẩn khúc thế nào ấy, chứ... thằng Hải nó làm giám đốc xí nghiệp đâu có kém?
                                  Ô.QUẢNG -  (lúng túng) Tôi... Tôi cũng đang tìm cách cứu cháu bác ạ!
                                  BÁC CHÚC -  Trên tổng công ty tôi thấy anh Quang cũng vào loại giỏi giang đấy! Xuống xí nghiệp được công nhân mến lắm. Còn cái thằng trưởng phòng Lách ấy, trông thấy mặt là tôi ghét. Nhưng thôi, mặc nó!
                                  Ô.QUẢNG -  Nghĩ làm gì nhiều cho mệt đầu hả bác.
                                  BÁC CHÚC -  (thở dài) Thoắt một cái đã trôi qua một đời người!... Mà này, giờ chú xuống thăm các phân xưởng sản xuất hả? Tôi cũng phải lên gặp ông giám đốc Hán, đề đạt chút việc.
                                  Ô.QUẢNG -  Bác cứ đi lo công việc, để khỏi bị lỡ.
                                  BÁC CHÚC - À, bà xã nhà tôi vẫn nhắc đến chú luôn. Có vò rượu rắn tôi vẫn để giành, bữa nào rảnh chú đến chơi... anh em mình ngồi lai rai. Thôi, tôi đi chú nhé!
                                                ( Bác Chúc đã đi, sực nhớ quay lại...)
                                  BÁC CHÚC -  ( đưa ô.Quảng lá đơn) Đây là lá đơn kiến nghị của công nhân xí nghiệp gửi lên Bộ, đề nghị xoá bỏ kỷ luật cho giám đốc Hải! May quá, tiện có chú chuyển giúp lên Bộ. Anh chị em công nhân họ đã ký đầy cả mấy trang giấy đây này.
                                  Ô.QUẢNG -  (cười) Xí nghiệp định ép Bộ đây! Bác cứ đưa đây tôi sẽ chuyển giúp.
                                  BÁC CHÚC -  Nhớ là phải tìm cách mà cứu con đấy!
                                     ( bác Chúc ra khuất. Ông Quảng nhìn theo giây lát rồi cũng đi vào phía trong xí nghiệp... Lát sau, Lan và một tốp sinh viên bước tới)
                                  MỘT SINH VIÊN (SV) -  Các cậu ơi, giải trí một tý đã. Bọn sinh viên chúng mình đúng là đứng máy làm việc chưa quen, tớ đau ê ẩm khắp cả người.
                                  SV -  Phải đấy, giải lao văn nghệ một lát.
                                              ( Mọi người tản ra các ghế, kẻ thì ngồi dưới các gốc cây.
                                              Một sinh viên nam mang theo cây đàn ghi-ta, lấy ra gẩy.
                                              Vài bạn lẩm nhẩm hát theo... Tốp này, tốp khác tán chuyện )

                                   SV -  Bọn mình về thực tập  đúng lúc xí nghiệp gặp cảnh đại hoạ, thật không may mắn.
                                  SV -  Ấy, có gặp cảnh thế mới thấu hiểu hết khó khăn, phức tạp của sản xuất làm kinh tế. Đồ án tốt nghiệp của bọn mình càng sâu sắc.
                                  SV -  Nhờ các cô chú và anh chị công nhân vẫn tận tình, chỉ bảo hết lòng. Đến lúc phải xa, cũng thấy quyến luyến.
                                  SV -  Quyến luyến thì khi nào thi tốt nghiệp xong, ra trường lại xin về. Việc gì phải lo?
                                        ( một nữ sinh ăn mặc nền nã, dáng bồn chồn như đang trông ngóng ai? Đó là Lan...)
                                  MỘT NỮ SINH -  (nhìn về phía Lan) Các cậu trông kìa! Cái Lan đang mong người ta đấy? Cô nàng đứng ngồi không yên.
                                  NỮ SINH KHÁC -  Lan ơi! Anh chàng cắn câu chưa đấy?
                                  LAN -  (tảng lờ) Cắn câu gì? Cậu này, chỉ ăn nói lung tung.
                                  NỮ SINH -  Này, đây nhảy vô liền hớt tay trên... đừng trách đấy?
                                  LAN -  Của thiên hạ đây chẳng giữ.
                                  NỮ SINH -  Ghê chưa? Nói chơi thôi, khá đấy! Cố chiếm lấy trái tim chàng.
                                  SV -  Tiếc là anh ta gặp hoạ, bị cách mất chức giám đốc. Nếu không thì...
                                  SV KHÁC -  Yêu người chứ phải đâu là yêu cấp chức, đúng thế không các cậu?
                                  SV -  Người ta không cần cậu phải dậy. Có khi hôn nhau rồi cũng nên, ấy chứ lị!
                                  LAN -  (thách thức) Thì hôn rồi đấy, làm gì được nhau nào?
                                  CÁC SV - Thua, bọn này chịu thua cậu rồi! Đợt thực tập này cái Lan lãi nhất!
                                                     ( cả bọn cười )
                                  MỘT SV -  Lan hát cho bon tớ nghe một bài hát tình yêu đi! ( nói với sinh viên nam đang cầm đàn) Đệm đàn cho Lan nó hát!
                                  TẤT CẢ -  (đồng hoạ) Phải đấy , Lan hát đi!
                                            ( Tiếng hát Lan vút lên theo tiếng đàn. Các sinh viên:
                                            người thì lắng nghe, người thì làm điệu múa theo)
                                  MỘT NỮ SINH -  Lan ạ, cậu có giọng hát thật hay! Đáng lý phải vào trương thanh nhạc. Chả trách, anh Hải thích cậu là phải?
                                  SV -  Người ta yêu chủ yếu là yêu người, chứ phải đâu chỉ riêng tiếng hát?
                                  SV -  Nói thế, nhưng có giọng hát hay cũng dễ quyến rũ chứ? Trông tớ, có xấu đâu! Sao anh Hải lại không thích tớ?
                                  NỮ SINH -  Thanh niên như anh Hải thì đứa con gái nào chả thích, Tớ cũng thích!
                                  SV -  Ba cậu làm Tổng giám đốc. Cụ quyền hành như thế! Sao cậu không nói với ba: đỡ cho anh Hải khỏi bị kỷ luật?
                                   SV -  Phải đấy! Có cụ che chở, anh Hải chắc sẽ thoát?
                                  LAN -  Đấy là quan hệ tổ chức: biết thế nào mà nói! Mới lại, ba mình nghiêm khắc lắm. Nói có khi còn bị ba mắng...
                                  SV -  Nghiêm khắc với người ngoài, chứ đây là ông con rể tương lai?
                                  TẤT CẢ -  (đồng thanh) Phải đấy Lan ạ! Công nhân cả xí nghiệp còn ủng hộ anh Hải, bọn mình cũng nên...
                                  MỘT SV -  Con gái yêu của ông Tổng giám đốc mà nói đỡ cho người yêu, thế nào cụ chả chiều?
                                  SV KHÁC -  Hay là, hôm nào đến nhà: Bọn mình sẽ nói cho cụ biết tình cảm giữa cậu và anh Hải?
                                  LAN -  Tớ xin các cậu, mặc tớ!
                                  TẤT CẢ -  Ta hùn vào thuyết phục cụ, có khi ăn thua?
                                  MỘT NỮ SINH -  (phát hiện từ xa) Anh Hải đang đi đến rồi kìa! Sắp trưa rồi, ta về thôi các cậu?
                                  SV -  (trêu) Cái Lan phải ở đây chờ anh Hải, về sau.
                                  LAN -  Không, tớ cũng về cùng.
                                  NỮ SINH -  vẽ... trêu tý thôi. Ở lại đây chờ người ta!
                                  NỮ SINH KHÁC -  Lỡ cơ hội là phí đấy!
                                  TẤT CẢ - Bọn mình về trước nhé!
                                                 ( các sinh viên vui vẻ kéo nhau đi. Lan lừng chừng
                                                    nán lại - Hải đi tới )


                                                                   
                                   
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.06.2008 13:30:03 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
                          #28
                            Nhatho_PhamNgocThai 27.06.2008 13:29:11 (permalink)
                             
                             
                             
                                     HẢI -  Kìa Lan! Lan chưa về với các bạn à?
                                    LAN -  (lúng túng)  Em... à, em đã tìm được sách cho anh Hải rồi đây này!
                                                   ( lấy sách trong túi đeo đưa cho Hải )
                                    LAN -  (tiếp)  Đây là cuốn sách nói về sự phát triển kinh tế hiện đại thế giới. Phân tích rất kỹ quá trình phát triển của các công ty tư bản: như tư bản Nhật, tư bản Mỹ...
                                    HẢI -  (lật xem) Cuốn sách hay lắm, anh tìm mãi chưa được đấy!
                                    LAN -  Những trang nghiên cứu quá trình tiến triển của các tờ-rớt, phân tích nguyên nhân khủng hoảng dẫn đến phá sản của một số tờ-rớt khác. Những mô hình liên doanh có tính đặc thù khác nhau trong một số nước ở cộng đồng. (tiếp tục chỉ) Anh xem: những con số chi chít được lý giải bằng phương pháp tích phân.
                                     ( ngừng ít phút , ý tứ): Anh Hải thưởng gì cho em nào?
                                    HẢI -  (bối rối) Anh... Anh chả biết thưởng gì cho em cả.
                                    LAN -  (với mình) Ghét! Người đâu mà vô tình? (với Hải) Mặc anh, thưởng cho em cái gì thì thưởng? Em không cho không đâu!
                                    HẢI -  À, hay anh khao em một chầu phở nhé?
                                    LAN -  Thôi, đây thích ăn cơm chính hiệu chứ chả thèm ăn phở.
                                    HẢI -  Tưởng gì? ăn cơm thì dễ quá! Chờ anh giải quyết xong chút việc ở xí nghiệp, rồi sẽ mời em ra một hiệu cơm ngoài phố.
                                    LAN -  Em chả ra ngoài phố, thưởng ở ngay đây cơ?
                                    HẢI -  Nhưng ở đây mà vào nhà ăn của xí nghiệp thì bình thường quá?
                                    LAN -  (dí vào trán Hải) Anh chẳng biết một tý gì cả, ngốc ạ?... Em tự lấy thưởng vậy.
                                                ( cô khẽ kéo ghì chặt lấy anh vào người)
                                    HẢI -  (hơi bối rối) Khéo, mọi người nhìn thấy...
                                    LAN -  Kệ cho họ nhìn!... (rồi cô hôn anh )
                                    HẢI -  Nghe anh nói đã em...
                                    LAN -  Anh Hải! Bọn em sắp phải xa xí nghiệp rồi, liệu anh Hải có nhớ?
                                    HẢI -  Nhớ chứ! Các bạn sinh viên đã để lại cho anh rất nhiều những ấn tượng đẹp.
                                     LAN -  Nhưng... với riêng Lan thì sao?
                                    HẢI -  Có, anh cũng nhớ Lan! Nhưng...
                                    LAN -  (đay lại) Lại nhưng? Người ta thờ ơ, mình có thương cũng chẳng ăn thua, phải không anh?
                                    HẢI -  Lan, nghe anh nói: chỉ vì anh đã...
                                    LAN -  Anh muốn nói: vì anh đang gặp cảnh ngộ... chẳng may bị cách mất chức giám đốc, chứ gì? Nhưng tình cảm của em với anh chả vì chuyện đó!
                                    HẢI -  Không, anh không muốn nói về chuyện đó.
                                    LAN -  (vẻ cương quyết) Em sẽ nói với ba, nhất định ba em sẽ tìm cách cứu anh?
                                    HẢI -  (bất ngờ) Em nói cái gì? Em nói với ba em á? Em sẽ nói với ông Tổng giám đốc tổng công ty cứu giúp anh á?
                                    LAN -  Ba em thương em lắm mà anh!
                                    HẢI -  (cười khó hiểu một mình) Cô ta sẽ nói với ông Tổng giám đốc để cứu tôi?
                                    LAN -  Em nói thật đấy, anh Hải! Nhất định em sẽ nói với ba, em sẽ đòi ba... Ba em chiều em lắm! Ba chưa từ chối em điều gì. Nhất là khi ba biết: em thân thiết với anh?
                                    HẢI -  Thôi thôi thôi... Em đừng nói về ba em với anh nữa!
                                    LAN -  Hãy tin em: Ba tốt lắm mà anh!
                                    HẢI -  (gắt lên) Em thôi đi! Anh cám ơn lòng tốt của ba em. Em về nói với ông Tổng giám đốc: Anh không cần đến lòng tốt của ông ta!
                                    LAN -  Kìa! Sao anh lại nỡ nói về ba em như thế? Tính khí ba tuy có nghiêm khắc, nhưng thực ra ba em là một người nhân từ, giầu tình cảm lắm! Em tin là ba sẽ vì em, vì anh...
                                    HẢI -  Có ông ta chỉ biết vì bản thân ông ta ấy! Vì cái chức Tổng giám đốc thôi!... Xin lỗi, tôi có nặng lời với em. Cám ơn em đã tặng sách!
                                              ( nói xong, Hải bực bội bỏ đi)
                                    LAN -  (chới với gọi theo) Anh Hải! Em thương anh, em yêu anh mà... Anh Hải ơi!
                                                   ( nói như trong mê sảng)
                                  Hãy ở lại với em đi! Tất cả cuộc đời em, chỉ cần có anh thôi!...
                                            ( ít phút sau - Một cô gái rất đẹp, ăn diện rất phăng-te-ri...
                                             Tay xách lủng lẳng một chiếc túi da bước tới!
                                               Đó là Ngọc Huyền. )
                                    HUYỀN -  Chào bạn gái!
                                    LAN -  (quay lại) Vâng, chào chị!...(tự nói với mình) Ủa, sao trông chị ta thấy quen quen? Hình như mình đã gặp ở đâu rồi? (với Huyền) Chị hỏi gì ạ?
                                    HUYỀN -  Tôi muốn hỏi thăm một người?
                                    LAN -  (với mình) Sao giống lạ giống lùng...( nhìn Huyền vẻ dò xét) Đúng là chị ta rồi!
                                    HUYỀN -  Tôi có gì lạ mà bạn gái nhìn khiếp thế?
                                    LAN -  Chị tên là Ngọc Huyền, phải không ạ?
                                    HUYỀN -  (ngạc nhiên) Sao bạn gái lại biết tên tôi? Chẳng lẽ chúng ta đã từng gặp nhau?... Chịu, mình không thể nào nhớ được.
                                    LAN -  Không, tôi chưa bao giờ gặp chị! Tôi biết chị hỏi ai rồi. Có phải chị đi tìm anh Hải không?
                                    HUYỀN -  Quái nhỉ? Sao bạn gái lại biết tôi rõ như thế? Đúng, tôi muốn tìm anh Hải! Nhưng tôi vẫn không nhớ là đã gặp bạn gái ở đâu?
                                    LAN -  À...Tôi đã được nhìn ảnh chị trong tập an-bom của anh ấy.
                                    HUYỀN -  Nghĩa là, anh ấy vẫn cất giữ những tấm ảnh tôi đã tặng anh ngày xưa?
                                    LAN -  Sao lại không? (ngắm nghía) Chị đẹp lắm! Chắc là anh Hải phải rất thích chị?
                                    HUYỀN -  Chúng tôi cũng đã có những kỷ niệm...
                                    LAN -  Những kỷ niệm đó sâu sắc lắm, phải không ạ?
                                    HUYỀN -  Nhưng sao bạn gái lại dò xét về tôi kỹ thế? Cô cũng làm việc ở xí nghiệp này?
                                    LAN -  Ồ không, tôi chỉ là một sinh viên thực tập.
                                    HUYỀN -  Và chắc là cũng thân thiết với anh Hải lắm? Tò mò thì hỏi vậy thôi. Thế, bạn gái có biết anh ấy ở đâu? Làm ơn chỉ giùm...
                                    LAN -  Tôi, tôi cũng vừa... mà tôi không biết đâu! Chị lên phòng giám đốc xí nghiệp mà hỏi.
                                    HUYỀN -  Ôi, cái ông giám đốc già ấy tính nết thật là cáu bẳn. Mình cũng đã tới chỗ ông ta hỏi thăm! Ông ta chỉ nói mỗi một câu cộc lốc: Tôi không biết! Cứ như muốn xua đuổi người ta đi ấy.
                                    LAN -  Xin lỗi chị, tôi cũng không biết!
                                                 ( nói rồi Lan quay đi thẳng )
                                    HUYỀN -  Ngày hôm nay thật xui xẻo. Ai cũng chỉ nói với mình một câu: Tôi không biêt!... Anh Hải ơi là anh Hải? Loanh quanh khắp cả xí nghiệp mà chẳng biết anh đi đâu?
                                                   ( Huyền lưỡng lự giây lát, rồi cũng bước đi )
                                                                      chuyển cảnh.
                             
                             
                                    
                            #29
                              Nhatho_PhamNgocThai 28.06.2008 13:04:39 (permalink)
                               


                                             V-   PHÒNG GIÁM ĐỐC XÍ NGHIỆP SAO MAI

                                                                    (  Lách từ trên tổng công ty xuống -
                                                                    đang bàn bạc với giám đốc Hán )


                                      LÁCH -  Lần này người vớ bở nhất là ông đấy, ông Hán ạ!
                                      Ô.HÁN -  Tôi đâu có quên ơn anh Lách? Cũng nhờ anh tiến cử và sự cất nhắc của đồng chí Tổng giám đốc...
                                      LÁCH -  Chẳng phải tôi chỉ tiến cử, ca ngợi ông với ông Tổng giám đốc Phách, mà tôi còn lên tận vụ tổ chức Bộ nói rã bọt mép và tâng bốc ông hết lời!
                                      Ô.HÁN -  Hì,hì...hì... thì, tình cảm qua lại thân thiết giữa anh Lách với tôi...
                                      LÁCH -  Nói thật nhé, năng lực làm giám đốc của ông có phần hơi đuối?
                                      Ô.HÁN -  Nhưng bề dầy nhiều năm kinh nghiệm làm việc của tôi, từng trải hơn lũ trẻ chứ lị?
                                      LÁCH -  Kinh nghiệm của ông cũ rích, ra cái chết gì!
                                      Ô.HÁN -  Thì tôi cũng sắp tới tuổi về hưu, có được nâng đỡ đề bạt... hưởng một tý quyền lợi lãnh đạo cũng là xứng đáng?
                                      LÁCH -  Nói thế, để ông tự biết mình liệu mà cố gắng! Bọn công nhân nghe chừng chúng kêu ca ông nhiều lắm?
                                                ( ông Hán rút ngăn kéo bàn lấy ra một phong bao...
                                                             đưa cho Lách )
                                      Ô.HÁN -  Anh Lách cầm lấy tiêu vặt. Đây là tiền tôi duyệt chi tiếp khách trong kinh doanh ấy mà...
                                      LÁCH -  (cười) Ấy, giám đốc Hán làm thế này... anh em khó nghĩ quá ! Có vể nằng nặng phong bì đây?
                                      Ô.HÁN -  Khách đặc biệt mà lị! Trưa nay mời anh Lách ra ngoài quán, tôi sẽ thay mặt xí nghiệp chiêu đãi.
                                      LÁCH -  Thế thì phiền hà quá! Phiền hà quá!...
                                      Ô.HÁN -  Có gì mà phiền hà. Tổng công ty với xí nghiệp là phải dựa vào nhau mà sống, phải không anh? Anh Lách về viết cái giấy giới thiệu xuống đây, tôi duyệt cho một kiện hàng...(nói nhỏ) Gọi là phế phẩm nhưng toàn loại may mẫu đang mốt, chỉ phết phẩy ti tí... ưu tiên giá nội bộ, rẻ bùn. (nói to) Nếu được các anh trên tổng công ty ưu ái giúp đỡ xí nghiệp, chẳng bao giờ để anh Lách phải thiệt!
                                      LÁCH -  Giám đốc Hán đã có lòng thì Lách tôi xin nhận, chẳng dám từ chối. (nói nhỏ) Ông Hán là một giám đốc luôn luôn có nhiều thiện chí thế thì... (nói to) Tôi sẽ xuống để giúp đỡ xí nghiệp thường xuyên.
                                      Ô.HÁN -  Được anh Lách quan tâm thế thì quí hoá quá! Tôi với anh: vừa được việc công, được cả tình cảm riêng.
                                             ( cả hai hô hố cười sởi lởi - Hải bước vào )
                                      LÁCH -  (nhanh nhẩu lại bắt tay) Ồ, xin chào anh Hải! Thế nào, anh vẫn khoẻ chứ?
                                      HẢI -  Xin cám ơn. (với ông Hán) Đồng chí giám đốc đã xem bản phương án liên doanh với nước ngoài của tôi chưa đấy ạ?
                                      Ô.HÁN -  Tôi xem rồi. 
                                           ( rút từ ngăn kéo bàn, lấy tập phương án trả lại cho Hải)
                                      Ô.HÁN -  (tiếp) Này đây, anh mang về mà cất vào trong tủ.
                                      HẢI -  Thế ý kiến của đồng chí thế nào?
                                      Ô.HÁN -  Cất đi, cất đi, cất đi... không dùng được.
                                      HẢI -  Sao laị không dùng được? Đồng chí phải có ý kiến phân tích của mình đàng hoàng chứ? 
                                      Ô.HÁN -  Anh vặn vẹo tôi đấy à? Anh là cấp trên hay tôi là cấp trên? Bây giờ anh mất chức giám đốc rồi, chỉ là một nhân viên bình thường thôi: anh không thể vẫn giữ cái giọng lãnh đạo với tôi như trước được?
                                      HẢI -  Thôi được. Tôi đã tôn trọng ông là giám đốc trình lên để tham khảo ý kiến, nhưng... chính ông đã tự tước bỏ quyền tham gia của mình...
                                      Ô.HÁN -  Anh doạ tôi đấy hả? Đừng có định vượt quyền! Còn cái bản phương án này anh mang đi xí nghiệp nào thì mang, xí nghiệp Sao Mai này không dùng.
                                         ( Hải cầm bản phương án định bỏ ra - Lách vội đến can)
                                      LÁCH -  Ấy , ấy... Giữa nhân viên, cán bộ và giám đốc thì phải đoàn kết, hoà hợp với nhau. Cấp dưới phục tùng cấp trên...
                                      Ô.HÁN -  Giờ anh ta cũng chỉ là một nhân viên bình thường, mà nói với giám đốc cứ như là...
                                      LÁCH -  (xuê xoa) Chẳng qua ông Hán với trách nhiệm một giám đốc, ông ấy phải cân nhắc lợi hại - Anh Hải ạ?
                                      Ô.HÁN -  Về cách thức sản xuất ấy, thì chính đồng chí Tổng giám đốc tổng công ty đã từng nói: tạm thời trước mắt cứ từ từ, từ từ... đừng nôn nóng...
                                      HẢI - Cứ từ từ... Bây giờ mà còn phát biểu " cứ từ từ"? Cả một xu thế phát triển kinh tế thế giới là hợp tác phát triển toàn cầu. Từ từ kiểu ấy chỉ là sự ì ạch...
                                      Ô.HÁN -  Theo phương án của anh: chẳng hoá ra đây là bán lại xí nghiệp cho công ty tư bản à? Để cho nó đầu tư tất cả 100% vào xí nghiệp, cải tạo thành xí nghiệp của nó... chứ đâu phải là liên doanh hợp tác quốc tế?
                                       HẢI -  Sử dụng nhân lực công nhân Việt Nam sản xuất, đa phần các nhân viên và cán bộ của ta tham gia, sẽ có thêm hàng nghìn người có công ăn việc làm... Mặt bằng xây dựng xí nghiệp cũng vẫn ở trên đất nước ta - Nhằm phát triển nhanh chóng nền kinh tế quốc dân, công nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nhanh chóng hoà nhập với các nước tiên tiến trên thế giới, lợi nhuận kinh doanh hợp lý... Thống nhất đến một thời hạn: công ty nước ngoài sẽ trao trả lại toàn bộ xí nghiệp cho Việt Nam quản lý! Sao lại gọi là bán đi thành xí nghiệp của họ được?
                                      Ô.HÁN -  (bối rối) Nhưng...nhất là cái người làm giám đốc xí nghiệp ấy, theo phương án của anh: lại do các công ty nước ngoài chỉ định? Riêng, riêng cái điều khoản ấy là không được rồi!
                                      HẢI -  Thì ra, chẳng qua ông sợ bị phế bỏ mất cái chân giám đốc?
                                      Ô.HÁN - Tôi...
                                      HẢI -  Ta không có tiền bạc. Người ta đầu tư 100% cả vốn: từ nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh, đến trả lương cho cán bộ công nhân, toàn bộ phương tiện trang thiết bị máy móc đều của họ... để cải tạo xây dựng lại qui mô xí nghiệp! Thì rõ ràng người ta phải có quyền chỉ định giám đốc, không thể như cái kiểu bao cấp cha chung không ai khóc của ta được?
                                      Ô.HÁN -  Không được. Không được. Mất cái quyền làm giám đốc là người có quyền hành cao nhất , là không được! Nghèo thì nghèo, vẫn phải giữ cái quyền làm chủ. Anh Lách thấy tôi nói thế có đúng không?
                                      LÁCH -  Ông thì... chủ chủ cái gì?
                                      HẢI -  Tôi đã gửi trình lên Bộ! Bộ mới là người duyệt xét và ra quyết định. Dù ông không đồng ý cũng không có quyền.
                                               ( Hải định ra thì bác Chúc vào )
                                      B.CHÚC -  Báo cáo đồng chí giám đốc...
                                      Ô.HÁN -  Hôm nay sao lắm báo cáo thế? Có gì nói nhanh lên!
                                      B.CHÚC -  Hiện dưới cảng có một số nguyên phụ liệu sản xuất hàng may mặc: như một số súc vải, phụ liệu may, chỉ... cả chỉ ny-non, chỉ cốt-tông, kim máy khâu. Những nguyên phụ liệu này thuộc hàng vét kho , tồn đọng...
                                      Ô.HÁN - Ờ, thì sao?
                                      B.CHÚC -  Phần lớn những nguyên phụ liệu này vẫn phải dùng ngoại tệ mới mua được...
                                      Ô.HÁN -  Tôi biết rồi! Nói vào việc cụ thể xem nào?
                                      B.CHÚC -  Tôi đã liên hệ, cảng nhất trí xuất cho xí nghiệp ta với giá qui định, bằng tiền Việt Nam. (đưa giấy) Đề nghị giám đốc ký duyệt cho mua về để phục vụ sản xuất.
                                      Ô.HÁN -  Được, chả mất gì của mình: nào, đưa đây tôi ký!
                                      B.CHÚC -  Nhưng ta cũng cần phải chi một khoản, không lớn lắm... gọi là bồi dưỡng cho nhân viên, cán bộ trực tiếp làm việc ở kho cảng.
                                      Ô.HÁN -  (trả lại giấy) Thế thì không được! Bồi dưỡng cái khỉ gì? Anh nào làm việc mà chả ăn lương. Đây thực chất là tiền tiêu cực.
                                      B.CHÚC -  Nếu ta không chịu bồi dưỡng một chút, đời nào người ta ưu tiên xuất cho mình? Bao nhiêu cơ sở muốn, chúng tôi phải trình bầy mãi...
                                      Ô.HÁN -  Cứ thẳng ngay mà làm! Tôi đã nói rồi: không có phí tiêu cực. Cái kiểu các anh thì...
                                      B.CHÚC -  Nghe thì có vẻ cao đạo vậy. Nhưng hiện nay một số phân xưởng đang rơi vào tình trạng không đủ nguyên vật liệu sản xuất, công nhân bị lãng công dài... Đồng chí giám đốc cho biện pháp để giải quyết ạ?
                                      Ô.HÁN -  Có, có phải anh lên đây để hoạnh hoẹ tôi không? Sinh ra trưởng phòng vật tư như anh: xí nghiệp có khó khăn thì phải đề xuất biện pháp... để thỉnh thị giám đốc. Đằng này...
                                      B.CHÚC -  Tôi lo được vật tư thì đồng chí bảo cứ thẳng ngay mà làm. Thẳng ngay cái nỗi gì? Ngoại tệ mua nhập nguyên vật liệu thì thiếu. Có tìm mua được vật liệu bên ngoài , cũng còn đắt hơn nhiều so với cảng. Nhưng ai người ta chịu uống nước lã, nuốt nước bọt mà ưu tiên không cho anh?
                                      Ô.HÁN -  Các anh... các anh...
                                      LÁCH -  (vội can) Thôi, ông ký duyệt đi! Tình hình chung bây giờ phải biết chấp nhận, để anh em họ lấy nguyên vật liệu về sản xuất.
                                      Ô.HÁN -  Thôi được, tôi ký duyệt. Nhưng... không thể kéo dài kiểu tiêu cực như thế này mãi được. (ký)
                                      B.CHÚC -  (nhận giấy) Vì cuộc sống công nhân, vì xí nghiệp: Tôi chấp nhận sự ký duyệt này của ông! Nếu chỉ vì ông, tôi không thèm!
                                               ( bác Chúc bỏ ra - Hải cũng lắc đầu ra theo )
                                      Ô.HÁN - (với Lách) Anh xem: Cán bộ, công nhân bây giờ nó ngang ngược, hỗn xược thế đấy!
                                      LÁCH -  Ông cũng chả ra sao cả? Đáng lý phải động viên họ, duyệt ký ngay! Thì ông lại...
                                      Ô.HÁN -  Chẳng qua tôi nói thế để tỏ cho chúng biết: mình ưa làm việc theo phong cách nghiêm túc, đúng đắn!
                                      LÁCH -  Đúng đắn, nghiêm túc cái con khỉ! Những cán bộ như thế thuộc loại mẫn cán, có trách nhiệm, giúp ông duy trì sản xuất cho xí nghiệp. Có lợi cho lãnh đạo của ông! Mình phải tỏ ra nhẹ nhàng, sởi lởi, xoa vuốt... có thế ông mới trụ được cái chức giám đốc!
                                      Ô.HÁN -  Vì... vì tôi đang bực quá! Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Thế , còn bản phương án của thằng Hải: theo anh, liệu ông Tổng giám đốc có chấp thuận không?
                                      LÁCH -  Ông ta không ủng hộ những ý tưởng mạnh mẽ đến thế đâu.
                                      Ô.HÁN -  Sao anh biết?
                                      LÁCH -  Điều cốt yếu của ông Tổng giám đốc là: Tất cả, từ tổng công ty đến xí nghiệp... cứ bình bình, êm êm... để ông ta giữ yên cái chức vị Tổng giám đốc cho tới lúc về hưu! Không có đảo lộn gì hết...
                                      Ô.HÁN - Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi!
                                      LÁCH -  Lãnh đạo cầm chịch không nổi: mà thay đổi lớn quá, có khác nào tự loại bỏ mình?
                                      Ô.HÁN -  Còn anh? Thế... anh có ủng hộ cho nó không?
                                      LÁCH -  Tôi á?... Ờ, ờ... mà này, trời sắp mưa rồi nhỉ? Cũng đến lúc tôi phải về đây!
                                      Ô.HÁN -  Ấy, ấy... Tôi đã nói rồi: Trưa nay xí nghiệp sẽ chiêu đãi trưởng phòng Lách ở ngoài quán!
                                      LÁCH - Làm thế tốn kém cho giám đốc Hán quá? Tôi rất ngại.
                                      Ô.HÁN -  Chuyện vặt. ( ghé tai Lách nói nhỏ) Khoản này cũng sẽ được duyệt chi trong sản xuất kinh doanh!
                                      LÁCH -  Nghĩa là... cũng có thể vô tư hả? Nể ông thì tôi ở lại chứ, hôm nay cũng có nơi mời đãi...
                                      Ô.HÁN -  Tôi với anh Lách mà... Hai anh em mình cứ ăn dơ với nhau, hai bên đều có lợi. Phải không anh?
                                      LÁCH -  Ông Hán nói chí phải!
                                      Ô.HÁN -  Đi đi đi... Ta ra quán ngồi nhậu lai rai.
                                                      ( cả hai bước đi - hể hả cười )
                                                                Chuyển cảnh.
                               
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.06.2008 14:41:37 bởi Nhatho_PhamNgocThai >
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 18 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 270 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9