.
BÌNH LUẬN TÁC PHẨM THI CA ĐỌC "NHEO MẮT NHÌN THẾ GIỚI”
CỦA BẰNG VIỆT
(Nhà xuất bản Văn học 2008 )
Phạm Ngọc Thái Tập thơ cả thảy gồm 39 bài, hầu hết đều được sáng tác khi Bằng Việt (BV) đã ra ngoài tuổi lục tuần. Như Ông đã viết:
Người đàn ông đã đến tuổi buồn Đã đến tuổi không còn gì để nói Hay là:
Người đàn ông đã đến tuổi gàn Đã đến tuổi không còn gì để mất (Không đề) Nhưng đọc cả tập thơ thì ta lại thấy, đó là một BV có sự chiêm nghiệm hết sức sâu sắc và rất đời.
Tôi xin phân tích bài thơ
“Sự kiện tày đình” - Chỉ là câu chuyện về pháp luật: Cấm đăng ký xe, xong rồi, cũng pháp luật... lại bỏ lệnh đó, cho đăng ký xe thoải mái ! Ông muốn chỉ trích sự méo mó, ẩm ương đến nực cười của một lớp quan chức đương thời - Những người làm pháp luật ! Đó là một BV với tư tưởng của một trí thức mới, trí thức lớn! Mặc dù chính bản thân Ông không chỉ là một văn nghệ sĩ, lại cũng đương là một quan chức. Ngòi bút , thơ Ông vẫn đang góp phần làm trong sáng cho đời. Bài thơ mang tính hiện thực phê phán sâu sắc, Ông viết
:
Mình tự trói tay mình, rồi lại cởi ra Tự biểu quyết xong, lại tự chê mình phạm vào hiến pháp ! Hay là
: Khi quyết đáp, cũng viện đủ lý do quyết đáp Khi huỷ đi, lại cười trừ: "Chưa hợp lòng dân !" Thực tế ở xã hội ta trong số năm qua, không biết bao nhiêu thứ kiểu thay đổi chủ trương pháp luật tạm bợ như thế. Ông đã chỉ thẳng, vạch ra những người làm pháp luật nửa mùa...đầy quan liêu, cửa quyền và giọng lưỡi kiểu gì cũng uốn được. Đó là điển hình của một bộ phận quan chức chúng ta hôm nay chăng?
Cũng để nói về những thứ người đã lỗi thời, tôi xin phân tích sang bài
" Ngô đồng " thì ta lại càng thấy rõ:
Thất vọng với ngàn xưa hay thương xót ngô đồng Trót được tôn quá cao, đẩy mãi vào lịch sử Để đến nỗi hậu duệ giờ thoái hoá Lưu luyến thưở vàng son xa lạ với đời thường ! Giọng thơ trữ tình nhưng chua chát. Sự chỉ trích vẫn ngả về phía tầng lớp " mũ cao áo dài ", chứ không chất vấn thường dân. Bài thơ đã lấy "cây ngô đồng " làm biểu tượng:
Thất vọng với ngàn xưa?... Hay thương xót ngô đồng?.../ - Bởi ảnh hình những "cây ngô đồng" đó , ngày nay chỉ còn là một thứ
:
Chậu cảnh rẻ tiền, bầu cây thô tháp Lá nhăn nhúm răng cưa, xoè rẻ quạt... Nhưng vì nó đã được tôn lên quá cao, sơn những lớp sơn bóng nhoáng mà đẩy mãi vào lịch sử, để đến nỗi hậu duệ giờ thoái hoá !? Thật mỉa mai, thế mà vẫn còn tự ru ngủ chính mình bằng những hư ảo. Cố bám vào lớp bóng vàng son, của những niềm vinh quang cũng được tô hào nhoáng lên kia... mà lưu luyến.
Bài thơ mang giá trị nhân văn cao, ý nghĩa phủ định sâu sắc. Ông đứng hoà đồng vào tình cảm của lớp người tri thức mà phân tích và phê phán những ung nhọt trong xã hội đương thời.
Còn trong bài
" Nheo mắt nhìn thế giới ", mà cái tên đề cũng được lấy đặt cho tập thơ của Ông - Ở trên cao 3.000 mét Ông nhìn xuống
:
Nheo mắt vì rợn ngợp Nheo mắt vì bất cần Ông
"rợn ngợp" vì cái mênh mông , vô tận của vũ trụ kia? hay vì cả thế giới đầy những sự kiện khổng lồ, kỳ tích, nhưng cũng bao nhiêu sự rối rắm của thời thế, con người ?
Vì sao lại
"bất cần" ? Ông bất cần vì đã chán cái thế thời còn quá nhiều giả tạo, đen bạc này chăng ? Cho nên tác giả mới viết:
Có thể đầy phấn khích Có thể đầy phân vân... Tôi nhớ trong một bức tranh lớn nổi tiếng của danh hoạ Pháp Henri Paul Gauguin (1848-1903), có một cái tên đề rất dài đại thể là:
Chúng ta là ai? Đang ở đâu ? Và chúng ta sẽ đi đến đâu đây ? - Có nghĩa là, thế giới này đang đi về đâu? Và chúng ta sẽ đi đến đâu ?...Nhân sinh quan của nhà thơ trong bài thơ này, có lẽ chính là ở câu hỏi đó ! Hơn thế, về một phương diện nhất định, nó đã và đang phủ nhận sự tồn tại như của thế thời mà chúng ta đang sống hôm nay .
" Nheo mắt nhìn thế giới " là một bài thơ mở ra - Nó mở cái gì ? Nó mở ra một câu hỏi:
Ta là ai ? Ta đang ở đâu ? Và ta sẽ đi đến đâu đây ?... Hoặc là gần như thế. Nhưng tác giả không mở to mắt, mà chỉ...
"nheo mắt" nhìn. Bởi
"bất cần" rồi mà ! Ta hãy nghe hai câu thơ cuối cùng, để thấy cả thái độ và tình cảm của Ông:
Hay nhuốm màu khinh bạc
Hay chan hoà bao dung ?!...
"Khinh bạc" chỉ là đặt ra câu hỏi đó thôi, chứ bao trùm trong tác giả là một tấm lòng nhân bản, mà thực tế luôn luôn là một sự phấn khích và bùng nổ ở trong Ông.
"Khinh bạc", chẳng qua đó chỉ là ý thức phủ nhận về những cái cổ hủ, lỗi thời, nhưng lại đang chi phối cả cuộc sống, xã hội , con người.
Sang bài
“ Ngôn ngữ và chính trị” - Ở đây tác giả dùng hai biểu tượng ngôn ngữ và chính trị, bộc lộ cái nhìn thời cuộc của nhà thơ.
Khi Liên Xô còn vững, nước Nga trở thành "thành trì" trung tâm trong khối XHCN của thế giới ! Nhưng lúc Liên Xô bị sụp đổ, thì đến cả cái tiếng Nga cũng không ai muốn dùng. Thứ ngôn ngữ để chuyện trò, trao đổi giữa con người trong xã hội ấy... trở nên bị ghẻ lạnh, hắt hủi. Thứ tiếng của một dân tộc lớn, thế mà nay thế giới coi thường nó !? Ngay ở Việt Nam : Đã qua cả một thời từng tôn sùng "người anh cả" ấy ! Khi đó lúc nào cũng ca ngợi, nào là Liên Xô vĩ đại! Liên Xô ở trong lòng Việt Nam!... Ấy vậy mà, khi Liên Xô thất thế rồi, chẳng ai buồn học cái thứ tiếng ấy nữa. Thậm chí đến đài truyền hình cũng dùng "tiếng Nga bồi". Ông phải than lên rằng:
Ngôn ngữ tội tình gì ? Mà dâu bể khó lường, mà giậu đổ bìm leo ? Hay cũng nhiễm thói đời, như đồng tiền đen bạc Lúc thắng thế vung vinh, lúc tủi phận bọt bèo ?! Ông cảm thấy chua chát. Ông đau cho dân tộc Nga, trong cái vòng "luân lửa của chính trị" này, như thói đời " Được làm vua, thua làm giặc, như đồng tiền đen bạc đó thôi !
Giờ xin nói về bài thơ
“Rượu của Nguyễn Cao Kỳ” - Hơn 30 năm sau chiến tranh, Nguyễn Cao Kỳ từ Mỹ trở về Việt Nam thăm quê, có tặng cho vị thiếu tướng công an một chai rượu. Vị thiếu tướng này mang ra cho anh em uống. Mọi người thì vui vẻ: Ồ, rượu ngon thì cứ uống ! Đâu cần cố chấp mãi chuyện xưa.
Nhưng một người thì nhất quyết "không" !
Đấy, câu chuyện nhà thơ diễn tả lại chỉ có thế. Bài thơ đặt ra trước chúng ta một câu hỏi: Chiến tranh qua lâu rồi, trong chúng ta những người ở hai chiến tuyến, có nên giữ thái độ hận thù và mặc cảm nữa hay không ? Một câu hỏi không phải dễ trả lời!
Nhưng đọc lên ta thấy cũng phân vân: không thể trách những người bỏ qua tất cả, cứ uống tràn, nhưng cũng không thể trách anh chàng nhất định không chịu uống kia? Chỉ vì đó là chai rượu của một kẻ thù xưa - Tướng Nguyễn Cao Kỳ! Thành ra:
Bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót
Thấm tháp trong lòng thơ ta thấy một nỗi đau dân tộc, nó như khoáy lại một vết thương, vẫn không sao lành lại được. Đọc xong bài thơ bản thân tôi cũng không biết nên như thế nào? Quên hết đi ư, mà uống
:
Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ ! Cũng bon đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù ! Nhưng rượu dù ngon, mà sao vẫn đắng? Thế đấy! Sự đời, chuyện đất nước, chuyện con người, ta không thể không trăn trở:
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm ?
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa,
Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ, Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa.... Thái độ của nhà thơ: Ông trung thành với hiện thực. Nghĩa là tác giả giữ thái độ khách quan, với ý nghĩ của những nhân vật trong sự việc mà mô tả. Ông chỉ đặt ra câu hỏi, chứ không ngả về thái độ phê phán ai, hay lên tiếng ủng hộ ai - Để cho chúng ta tự suy xét, tự tìm cách cư xử như thế nào cho đúng hơn!
Nhà thơ đã thành công khi xây dựng thiên đời sử này.
Tôi bình tiếp một bài thơ giễu đời
” Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông” - Bài thơ chế nhạo những kẻ hợm hĩnh ở đời. Đó là những kẻ ngu dốt, kệch cỡm, lại luôn luôn muốn lên mặt dậy đời. Mục đích của tác giả không có ý bôi xấu, hoặc chế giễu những người bị khuyết tật, như Ông đã viết:
Không phải ngọng bẩm sinh
Chúng đánh lưỡi, chúm môi... dần hoá ngọng Ta có thể hiểu, đó là Ông muốn bài bác một lớp quan chức dốt nát thời nay, hợm đời như phường trưởng giả học làm sang.
Sợ đời chê mình "dốt", nên luôn cố ý tỏ ra trịnh trọng, nào
" đánh lưỡi, chúm môi...", nào đọc những bản diễn văn cho kêu, lên mặt dậy đời đạo lý, lẽ sống và cứ thế dần dần chúng..."hoá ngọng"! Ngọng cũng chỉ là một biểu tượng , tác giả dùng để ám chỉ đó mà thôi. Có khác nào , Tú Xương cũng đã từng giễu cợt những phường như thế ở thời xưa
:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng Đọc bài thơ của BV ta thấy cả sự nực cười và chua chát
:
Càng tới chỗ miếu đường linh thiêng
Ngọng càng lên cao giọng!
Miếu đường linh thiêng " ở đây có thể là những việc to tát, quan trọng như " Quốc gia đại sự"... Những kẻ quan ngọng ấy càng tỏ ra oai vệ, càng lên cao giọng - Thì chúng lại càng ngọng, ngọng đặc quánh lại. Người đời bây giờ biết nhiều loại "quan ngọng" như thế lắm!
Mà khi cái chất ngọng đã thành thâm căn, cố đế trong bọn chúng rồi, thì chúng càng phồng mang, trợn mắt tỏ vẻ hay ho? Bởi vậy
:
Người đời thích nhìn chữ nghĩa thẳng hàng
Thì ngọng trợn mắt méo mồm đọc ngược !... Bài thơ vẫn mang giọng của dòng thơ trữ tình, tác giả chỉ pha chế thêm những ngôn ngữ có tính chất mỉa mai, trào lộng chốn dân gian. Ý tứ cô đúc, thấm tháp nỗi sâu cay gây cảm xúc cho người đọc. Nghĩ sâu trong thơ có thể làm ta cười chảy nước mắt.
Tôi nói sang bài
" Người của thế kỷ trước ". Bài thơ nói về những gương mặt đại diện, đặc trưng cho một thế kỷ đã qua đi. Thế kỷ đó đã khép lại, song những con người cũ càng, thậm chí là đã quá "cũ rích" của thế kỷ đó vẫn đang ngật ngưỡng phán xét, điều hành và chi phối ở trong thế kỷ mới này:
Anh đầy khôn ngoan, đầy so đo, đầy tránh né,
Anh sống đến hôm nay, dương dương tự đắc,
Nhưng than ôi
Anh vẫn là người của thế kỷ khác rồi ! Hoặc là
:
Anh bình giá mọi điều bằng cái nhìn khinh bạc
Anh đứng trên mọi điều để xét nét thời gian... Thế kỷ cũ đã qua cũng đầy dữ dằn, bão bùng, có đi và có đến! Nhưng những con người đó vào thời đại mới này, bóng của họ chỉ còn là những ảo ảnh
:
Tôi ngồi uống với anh như uống cùng ảo ảnh
Uống cùng bao nhiêu khát vọng không thành... Nhưng khốn nỗi "ảo ảnh" ấy vẫn đang cố tình bành trướng ngang nhiên, tỏ ra như là mẫu mực của thế kỷ này
:
Vẫn nói, vẫn cười, vẫn ăn, vẫn uống
Vẫn cao ngạo, tự tin, điềm tĩnh
Nhưng trên gương mặt anh đã có gì khuất lấp.. Bài thơ vừa mang một giá trị hiện thực sâu sắc, còn bộc lộ tính nhân văn cao, trong cách nhìn mới! Phải chăng nó cũng nằm trong cái chủ đề tư tưởng chính của toàn bộ tập thơ
" Nheo mắt nhìn thế giới " của Ông. Giọng thơ chỉ thủ thỉ tâm tình, nhưng thái độ trong thơ thì thật là quyết liệt và khách quan!
Tuy còn muốn phân tích một số bài khác cũng khá hay và sâu sắc như: Nhà hát lớn, Bài học từ cây, Phim về Lý Công Uẩn...Nhưng khổ báo có hạn. Để khép lại bài viết này, tôi chỉ xin bình thêm một bài thơ tình nữa của tập, đó là bài
“Mưa cao nguyên” . Chỉ là một lời hứa thoáng qua của người chiến sỹ trong chiến tranh, vậy mà:
Một lời hứa chưa nên, khiến suốt đời dai dẳng... Cô thanh niên xung phong khi ấy cứ nhớ mãi... đến nỗi thành
:
Yêu hết sức thiêng liêng, hứa quá chừng sâu nặng !
Thế là, cái lời hứa thoáng qua trên đường đi giết giặc của người chiến sỹ đã trở thành ý nghĩa, hy vọng của cả cuộc đời con gái, ăn sâu vào trái tim cô! Và
:
Bóng râm ngủ quên trong một câu đùa... Trong câu đùa để ngủ quên hạnh phúc
Lời hứa hẹn yên hàn ngủ quên trong chiến tranh... Bài thơ thắc thỏm, vừa đáng yêu vừa gieo vào lòng ta một nỗi đau.. với tình yêu thiết tha của người thiếu nữ trong chiến tranh đã không được đền đáp ! Ngẫu nhiên từ câu "hứa đùa" hồn nhiên, có thể là cả lời hứa thật, nhưng chiến tranh đã phá vỡ những lời hứa ấy không thành sự thật. Những người con gái đó lại trở thành hình bóng của những chinh phụ năm xưa
. Những giọt mưa, những trận mưa cao nguyên...ngày đêm, năm tháng tầm tã, mưa mãi trong cuộc đời mòn mỏi, ngóng trông của người thiếu nữ. Cứ day dứt, day dứt cứa vào ta chảy máu! Dẫu hoà bình đã lâu rồi, mà cái ngày ấy cũng như bao ngày tháng thường tình khác của cuộc chiến tranh xưa
:
Ngày nhẹ nắng. Trời mù sa lất phất.
Mưa cao nguyên chợt bay rồi chợt tắt..
.Đó là lỗi của người chiến sỹ đi qua buông câu "hứa đùa"? Hay bởi những người con gái đã ôm quá nặng vào lòng mình một tình cảm sâu sắc, thân thương quá ...mà phải chấp nhận bằng cả đời mất mát, âm thầm trong nỗi cô đơn? Nhưng không, đó chẳng qua cũng là kết cục tất yếu của chiến tranh! Những thân phận đáng yêu, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân đẹp nhất cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, của đất nước, mà cuộc đời phải chấp nhận bẽ bàng !
Bài thơ như những nốt nhạc réo rắt, buồn buồn gieo mãi và bay xa, vừa êm ái ru ta vừa trích sâu vào làm tan nát lòng ta…
PNT.
(Đã đăng trên Tạp chí Diễn đàn số tháng 5/2009
của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.06.2009 12:36:43 bởi Nhatho_PhamNgocThai >