Truyện dịch : 451 độ F
Paloma 02.05.2008 15:26:11 (permalink)
0
Fahrenheit 451 by Ray Bradbury


 Paloma dịch từ cuốn Fahrenheit 451 - tác giả Ray Bradbury.
Xin chia sẻ cùng các bạn trên VN thư quán. Paloma không làm trong nghề dịch thuật, vì vậy rất mong được các bạn góp ý.
 
" Science fiction is what happened to magic when it passed through the hands of the alchemists and became future history."
-Ray Bradbury



 
Giới thiệu và tóm tắt.
 





Câu chuyện về anh lính hoả Guy Montag xuất hiện lần đầu tiên trong truyện ngắn "Người lính hoả" của Ray Bradbury do Galaxy Science Fiction xuất bản năm 1951. Hai năm sau câu chuyện được xây dựng mở rộng thêm và tác phẩm '451 độ F'(*) ra đời (1953). Cuốn tiểu thuyết này được xếp vào loại truyện khoa học viễn tưởng, đồng thời cũng là cuốn sách mang tính phê bình xã hội tầm cỡ hàng đầu, đi tiên phong trong việc cảnh báo và chống lại nguy cơ kiểm duyệt sách. 451 độ F sử dụng thể loại khoa học viễn tưởng- vốn rất được ưa chuộng lúc bấy giờ- làm phương tiện chuyển tải thông điệp của tác giả : Một chính phủ áp đặt hoặc giới hạn sự sáng tạo và tính tự do của con người sẽ phá hoại xã hội của mình vô phương cứu chữa. Đặc biệt, mô típ "xã hội hiện thực" khá phổ biến trong khoa học viễn tưởng - một xã hội chuyên chế trong tương lai với công nghệ hiện đại hòng mong có được trật tự và thống nhất đặt lên trên giá trị quyền con người - đã làm nên thành công của tác phẩm.

Ra đời vào những năm tháng của Thế Chiến II, 451 độ F lên án không chỉ riêng chủ nghĩa Bài tri thức của đảng Nazi tại Đức (đã thất trận), mà trực tiếp hơn là bầu không khí chính trị áp đặt lên giới trí thức của đầu những năm 50 - thời hoàng kim của chủ nghĩa McCarthy. Những tác phẩm phê bình xã hội có sức nặng viết ở dạng giả tưởng như 'Trại gia súc' của Orwell năm 1984 và Walden 2 của Skinner ra đời sau 451 độ F vài năm không phải do ngẫu nhiên. Những tác phẩm này bộc lộ sự e sợ thực sự đối với nguy cơ Hoa kỳ sẽ phát triển thành một xã hội chuyên chế và áp đặt trong thời kỳ hậu Thế chiến II.

Ở mức độ riêng tư, bản thân Bradbury sử dụng 451 độ F làm phương tiện để qua đó thể hiện sự phản đối với vấn đề mà ông cho là nạn lan tràn các nhà biên tập chuyên phá hỏng nguyên bản và sự sáng tạo của người viết thông qua những kiểm duyệt nghiêm ngặt của họ. Mỉa mai thay, tuy bản thân 451 độ F là một phương tiện lên án sự kiểm duyệt nhưng cũng thường xuyên bị chỉnh sửa từ ngữ cho đúng luật.

451 độ F, cuốn tiểu thuyết phổ biến nhất của Ray Bradbury đã được in lại rất nhiều lần kể từ năm 1953. Bài học rút ra được từ tác phẩm kinh điển của Mỹ này là tính nguy hiểm của việc kiểm duyệt và sự kiểm soát của chính phủ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Và ngày nay , cuốn tiểu thuyết vẫn giữ nguyên giá trị hiện thực như những ngày đầu nó mới ra đời.

 
Truyện lấy bối cảnh là thế kỷ 23 -24, tại một thành phố của nước Mỹ tương lai.
 
Luật pháp không cho phép dân chúng đọc sách, vì qua thời gian, luật kiểm duyệt đã cấm hầu hết tất cả các cuốn sách vì cuốn nào cũng sẽ động chạm ít nhiều đến một tầng lớp, một nhóm người nào đó trong xã hội. Đồng thời sách bị coi là một hình thức giải trí phí phạm thời gian, và tạo cho con người những ảo tưởng và mơ ước rẻ tiền viển vông. Hình thức giải trí bằng TV chiếm lĩnh cuộc sống của con người. Họ sống giữa 4 bức tường là TV màn hình rộng, tham gia vào cuộc sống ảo trên TV đến mức coi đó như "gia đình" mình. Nếu không xem TV thì tai họ lại nhét chặt radio vỏ sò- một thiết bị thu sóng tí hon...Bất cứ ai bị phát hiện tàng trữ sách với bất cứ mục đích gì sẽ bị bắt và bị đốt nhà cùng với toàn bộ số sách trong đó. Lực lượng thay mặt chính phủ đi đốt nhà họ không ai khác chính là các Firemen (**) (vì trong tương lai nhà cửa đều có vỏ bọc chống cháy -->ko có hoả hoạn --> lực lượng cứu hoả bị biến tướng thành những người đi đốt nhà.) Và Montag là một trong những lính hoả này. Xã hội anh đang sống và phục vụ đó tồn tại trên một đống tro tàn của tri thức, và lẽ tất nhiên, nó trở nên cằn cỗi, vô cảm, phi nhân tính và hiện đại đến mức con người trở nên thừa thãi và sự tồn tại của họ giống như một sự vô nghĩa lý mỉa mai. Một xã hội không có gốc rễ, không có quá khứ hay tương lai. Chính điều đó đã đẩy xã hội này tới chỗ tất yếu bị diệt vong ở phần cuối câu chuyện.



Montag tình cờ gặp Clarisse, một cô gái sinh ra trong một gia đình trí thức cũ còn sót lại nhờ giấu giếm đọc sách. Và chính cô đã khiến con người nhân bản trong anh thức giấc. Anh nhận ra sự vô nghĩa trong cuộc sống của mình, và vì thế mà anh hiểu mình không hạnh phúc, không có tình yêu với người vợ đã 10 năm chung sống theo một thói quen vô nghĩa. Rồi lần lượt những sự kiện nối tiếp nhau xảy ra trong cuộc sống của anh khiến anh buộc phải tìm đến sách như một sự cứu rỗi cuối cùng và duy nhất, với hy vọng tìm được điều lấp đầy sự trống rỗng trong cuộc sống của anh. Rồi anh tìm kiếm thêm những người cùng chí hướng. Bọn họ chờ đợi thêm một cú huých của lịch sử, khi thành phố bị bom phá huỷ trong cuộc chiến tranh, để tận dụng cơ hội đó làm tái sinh một thành phố khác giàu có gốc rễ bắt nguồn từ tính nhân văn.

( *451 độ F là nhiệt độ mà tại đó giấy bắt cháy. 

** Từ "fireman" trong từ điển nghĩa là "lính cứu hoả". Nhưng trong truyện này buộc phải dịch thành "lính hoả". )


<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.05.2008 02:20:36 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9