TỤC NGỮ VÀ CA DAO VIỆT NAM
CA DAO 1. Có chàng Công Tráng họ Đinh Dựng lũy Ba Đình chống đánh giặc Tây. 2. Cơ mưu, dũng lược ai tày Chẳng quản đêm ngày vì nước lo toan 3. Dù cho vận nước chẳng còn, Danh nghĩa vẹn toàn, muôn thủa không phai. (1) 1. Vườn ai trồng trúc, trồng tre Ở giữa trồng chè, hai bên đào ao 2. Ấy nhà một đấng anh hào Họ Phan làng Thái, đồng bào kính yêu.(2) (1). Lũy Ba Đình: Một căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Cần Vương Thanh Hóa dưới sự chỉ huy của: Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt. Ba Đình là ba làng: Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (2). Họ Phan, làng Thái: Tức Phan Đình Phùng người làng Đông Thái nay là Đức phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
CA DAO 1. Sông Lam một dải nông sờ Nhớ người quân tử bơ vơ nổi chìm. (1) 1. Nhớ ai nhớ mãi, nhớ hoài Nhớ người tráng sĩ gươm mài dưới trăng (2) (1). Người quân tử: chỉ cụ Phan Đình Phùng. (2). Người tráng sĩ: chỉ Cao Thắng, một vị tướng của Phan Đình Phùng.
CA DAO 1. Kệ Sơn, Phượng Lĩnh đôi hàng Đi về mấy độ ngang tàng vào ra 2. Ngàn Hống hỏi khách đi qua Nào ai là kẻ xông pha đứng đầu. (1) 1. Đường đi chín xã sông con Hỏi thăm ông Hưởng Hiệu hãy còn hay không? (2) 2. Ngó vô Linh Đồng mây mờ Nhớ ông Nguyên soái dựng cờ đánh Tây.(3) 3. Sông Côn khi cạn, khi đầy Khí thiêng đất nước, nơi này vẫn thiêng. (4) (1). Đây là lời một nghĩa quân thương tiếc ông Thái Vĩnh Chinh, một trong những lãnh tụ của phong trào Cần Vương. (2). Ông Hưởng Hiệu: tức ông Nguyễn Duy Hiệu người làng Thanh Hà, xã Diên Phước (thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Quảng Nam năm 1885. Sau khi nghĩa quân bị tan rã, ông bị Nguyễn Thân bắt ở núi Phúc Sơn (1888) và bị giặc Pháp kết án tử hình. (3). Ông Nguyên soái tức ông Mai Xuân Thưởng, người làng Phú Lạc, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, khởi nghĩa Cần Vương cùng thời với Nguyễn Duy Hiệu. Năm 1887 ông bị giặc Pháp bắt và kết án tử hình. (4). Linh Đồng: thuộc xã Bình Phú, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Sông Côn: Một nhánh của sông Ba chảy qua Bình Định đổ xuống cửa biển Quy Nhơn.
CA DAO 1. Chiều chiều én liệng truông Mây Cảm thương chú Lía bị vây trong thành. (1) 1. Gò Công anh dũng tuyệt vời Ông Trương "đám lá tối trời" đánh Tây. (2) 1. Vĩnh Long có cặp rồng vàng Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần. (3) (1). Lía: tên một lãnh tụ nghĩa quân, quê ở Bình Định đã nổi dậy chiếm truông Mây (Bình Định) chống chúa Nguyễn. (2). Cuối thế kỷ 19 khi thực dân Pháp xâm lược phía nam tổ quốc. Trương Định đã anh dũng lãnh đạo nhân dân chiến đấu. Nghĩa quân thường trú ở "đám lá tối trời" bất ngờ đánh úp quân giặc. (3). Bùi Hữu Nghĩa, Phan Tuấn Thần: những nhà nho yêu nước đã dùng bút lông làm thơ văn chống Pháp, đả kích bọn gian nịnh theo Tây.
CA DAO 1. Chiều chiều trước bến Văn Lâu Ai ngồi ai câu Ai sầu ai thảm Ai thương ai cảm Ai nhớ ai trông 2. Thuyền ai thấp thoáng bên sông Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non (1) (1). Bài này nói lên lòng thương tiếc của nhân dân đối với những người yêu nước đã cùng vua Duy Tân tổ chức khởi nghĩa chống thực dân Pháp năm 1916.
CA DAO 1. Đu tiên mới dựng năm nay (1) Cô nào hay hát kỳ này hát lên 2. Tháng ba nô nức hội đền, Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay 3. Dạo xem phong cảnh trời mây Lô, Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về (2) 4. Khắp nơi con cháu ba kỳ (3) Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài Sở cầu như ý ai ai Xin rằng nhớ lấy mùng mười tháng ba. (4) (1). Đu tiên: Những ngày hội ở đền Hùng thường tổ chức trò đu tiên. Nam nữ cùng ngồi trên đu, vừa đu vừa hát. (2). Lô, Đà, Tam Đảo: sông Lô, sông Đà, núi Tam Đảo. (3). Ba kỳ: ba miền Bắc, Trung, Nam. (4). Mùng Mười tháng ba: ngày giỗ tổ Hùng Vương.
CA DAO 1. Kẻ giầu có quán Đình Thành Kẻ Hạc ta có Ba Đình, Ba Voi. 2. Mười tám cất thuyền xuống bơi Mười chín giã bánh, hai mươi rước thần. (1) 1. Mùng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng. (2) 1. Nhớ ngày mồng bảy, tháng ba Trở về hội Lãng, trở ra hội Thầy (3) 1. Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy. (1). Kẻ Dầu: có lẽ là làng Dao Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Kẻ Hạc: có lẽ là Bạch Hạc huyện Vĩnh Tương, Phú Thọ, ở đây cũng có tục bơi chải. (2). Khám: tức Văn Khám thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Gióng: nay thuộc ngoại thành Hà Nội. (3). Lãng: tức làng Yên Lãng, quận Cầu Giấy, Hà Nội Chùa Thầy: thuộc tỉnh Hà Tây, hang Cắc Cớ: ở chùa Thầy
CA DAO 1. Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy Vui thì vui thật chẳng tầy Giá La (1) 2. Ấy ngày mồng sáu tháng ba Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây (2). 1. Dù ai buôn đâu, bán đâu Mồng mười tháng chín trọi trâu thì về. (3) 1. Cho dù cha mắng, mẹ treo Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm. (4) (1). Đăm: tức làng Tây Tựu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây Giá: tức làng Yên Sở, Hà nội (2). Chùa Tây: chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất, Hà Tây. (3). Hội trọi trâu: ở Đồ Sơn, Hải Phòng.
CA DAO 1. Cầu Quan vui lắm ai ơi (1) Trên thì họp chợ, dưới bơi thuyền rồng. 1. Gặp nhau một chút nên duyên Xin mời bên đó cất lên cùng hò 2. Ai có chồng nói chồng đừng sợ Ai có vợ nói vợ đừng ghen 3. Tới đây hò hát cho quen Rạng ngày ai về nhà nấy, không há dễ ngọn đèn hai tim? 4. Hò chơi bên gái, bên trai Xin cùng cô bác đừng ai nghi ngờ. (1). Cầu Quan: xưa là huyện lỵ Nông Cống, Thanh Hóa có chợ Thương họp trên bờ sông dạo thời nhà Lê. Xưa kia hàng năm đến đầu mùa xuân ở đây có tục bơi thuyền rồng.
CA DAO 1. Cơm chiên ăn với cá ve Anh về nốc biển mà nghe câu hò. 1. Còn trời, còn nước, còn non Còn câu quan họ em còn say sưa. 1. Ai về Thọ Lão hát chèo (1) Có thương lấy phận nàng Kiều thì thương. 1. Ai về xóm Mý mà coi (2) Bắc niêu lên bếp, xách oi ra đồng 2. Đất nghèo chạy bữa ăn đong Mà câu hát ghẹo thì không đâu bằng. (1). Thọ Lão: vốn là đất "chèo nòi" thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam. (2). Xóm Mý: thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An.
CA DAO 1. Ai về Bình Định mà nghe Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam. 1. Mấy người hát tối hôm qua Hôm nay ra hát cho ta hát cùng. 2. Hát cho con gái có chồng Con trai có vợ, mẹ dòng có con. 1. Hát cho đổ quán xiêu đình cho long lanh nước, cho rung rinh trời. 1. Hát đàn cho rạng đông ra Mai về quan bỏ nhà pha cũng đành.
CA DAO 1. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh 2. Ai lên xứ Lạng cùng anh Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em 3. Tay cầm bầu rượu, nắm nem Mải vui quên hết lời em dặn dò. 1. Nhất cao là núi Tản Viên Nhất sâu là vũng Thủy Tiên của Vừng. (1) 1. Sông Thao nước đục người đen Ai lên phố Ẻn cũng quên đường về (2) (1). Vũng Thủy Tiên, cửa Vừng: ngã ba sông, nơi sông Luộc và sông Hồng gặp nhau. Ngã ba này là nơi giáp giới giữa ba tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình. (2). Phố Ẻn: tức Vũ Ẻn thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
CA DAO 1. Bắc Cạn có suối đãi vàng Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh. (1) 1. Xứ nam nhất chợ Bằng Vồi Xứ Bắc: Văn Khám, xứ Đoài: Hương Canh. (2) 1. Dù ai xấu xí như ma Tắm nước Đồng Lãm cũng ra con người. (3) 1. Nàng áo xanh: chỉ phụ nữ dân tộc Tày 2. Chợ Bằng Vồi: Bằng và Vồi là tên hai làng cạnh nhau thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây. Ngày xưa vùng này thuộc trấn Sơn Nam Thượng, tục gọi là xứ Nam. - Văn Khám: tên một làng thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ngày xưa Bắc Ninh thuộc trấn Kinh Bắc, tục gọi là xứ Bắc. - Hương Canh: tên một làng thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phú. Ngày xưa vùng này thuộc trấn Sơn Tây, tục gọi là xứ Đoài. (3). Tên một làng thuộc huyện Thanh Oai, Hà Tây.
CA DAO 1. Muốn ăn cơm tám canh cần Thì về Trinh Tiết chăn tằm với anh. (1) 1. Hỡi cô thắt lưng bao xanh Có về Vạn Phúc với anh thì về (2) 2. Vạn Phúc có cội cây đề Có sông uốn khúc, có nghề quay tơ 1. Ai về đến huyện Đông Anh Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương 2. Cổ Loa hình ốc khác thường Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây. (3) (1). Trinh Tiết: thường gọi là làng Sêu, thuộc xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. (2). Vạn Phúc: nay thuộc thị xã Hà Đông. Xưa kia có nghề dệt lụa, dệt gấm vóc nổi tiếng. (3). Di chỉ thành An Dương Vương ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội (trước thuộc tỉnh Phúc Yên)
CA DAO 1. Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương (1) 2. Mịt mù khói tỏa ngàn sương Nhịp chầy Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. (1). Trấn Vũ: (còn gọi là Trấn Võ) tức đền Quan Thánh (cạnh Hồ Tây, Hà Nội) - Thọ Xương: tức huyện Thọ Xương xưa kia, nay thuộc về hai quận của Hà Nội là: quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng. - Nhịp chầy Yên Thái: tiếng chầy giã bột giấy ở làng Bưởi. - Tây Hồ: Hồ Tây, hồ này còn có tên gọi là Dâm Đàm, là Đoài hồ. Có bản chép: Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương (Chùa Thiên Mụ thuộc làng Long Thọ, ngoại ô thành phố Huế)
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: