CHUYỆN BÊN CHUNG TRÀ - Minh Kiến
mkthuquan 21.05.2008 09:53:10 (permalink)
CHUYỆN BÊN CHUNG TRÀ
 
                                                Minh Kiến
 
Gió thổi liên hồi, mưa như trút nước, mái tôn vang lên râm ran. Nước mưa từ trên mái chảy thành dòng đều đặn theo sóng tôn như một bức rèm trước cốc. Mặc cho gió thổi, mưa tạc tứ phía, hai vị sư vẫn điềm nhiên ngồi uống trà. Đúng là trà đạo, ấm áp thật!
 
Tôi đứng trong hiên chánh điện, nhìn xuyên qua bức rèm nước mưa, mà vẫn thấy hai tách trà trên bàn đang bốc hơi. Mới đầu, người ta cứ tưởng là đôi bạn đồng trang phải lứa, nhưng nhìn kỹ thì đó là đôi bạn khác thường: một già, một trẻ. Họ ngồi với nhau trò chuyện mà không kể sự ngăn cách, ranh giới. Thứ nhất là mái đầu, tuổi tác. Thứ hai là cấp bậc, giới phẩm. Nhưng quan trọng hơn hết là sở trường, hướng đi và trí tuệ của mỗi người…
 
Vị sư già, lớn tuổi, mới vào tu nên kinh kệ, giáo pháp học không nhiều; sau khi thọ đại giới liền tập trung vào pháp hành thiền định. Còn vị sư trẻ thì có điều kiện, thân thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn nên học rộng hiểu nhiều về kinh kệ, giáo lý, luật hay pháp số… Hễ hai vị này ngồi với nhau thì luôn nói chuyện về giáo pháp hay những việc trong chùa, không nữa, thì ngồi tán gẫu Đông Tây. Buồn cười nhất là kết thúc cuộc nói chuyện nào cũng bằng một điều khiến hai bên trở nên đối lập, giữ riêng quan kiến của chính mình. Nhưng chỉ là khi đó mà thôi, còn lần sau, họ vẫn nói chuyện như không có gì vướng mắc hay cản trở vì lần đấu khẩu trước.
 
… Trời vẫn mưa, hai người vẫn ngồi uống trà vừa nói chuyện, chuyện này bắt qua chuyện khác. Bỗng giọng vị sư già cất lên chẳng có đầu đuôi:
 
- Theo tui thấy, bưng tách trà uống thì tui chỉ cần biết tách trà. Cho nên tui nghĩ rằng “học một nên hiểu một” mà thôi!
 
Vị sư trẻ ra vẻ không vừa lòng:
 
- Ơ kìa nói hay chưa! Sư có lộn không đó? Nguyên câu của người ta là “học một hiểu mười”, thế mà lại...
 
- Ấy, ấy, khoan đừng nóng vội. Tui nói là có cái lý của tui chứ. Nào, uống trà đi rồi tui giả thích cho sư nghe.
 
Vị sư già nhấp một ngụm trà rồi… khà…
 
- Đây, tui đưa ví dụ cho sư thấy nhe: Nếu vị thiền sư dạy cho thiền sinh “hít vô biết hít vô, thở ra biết thở ra” thì thiền sinh phải hiểu ra những nghĩa khác chăng?
 
Vị sư trẻ khẳng khái gật đầu:
 
- Đồng ý là như vậy, vì đó là cái ví dụ cá biệt, là dẫn chứng biện lý của sư dựa theo cái biết thực của thiền quán, chứ trên thế gian này người ta không nói như vậy đâu. Học sinh mà “học một hiểu một” thì giáo viên gọi là học sinh giỏi chắc? Tiếp thu nhanh …chắc? Hay là người ta khen: Được! Có sáng tạo..? Phải “học một hiểu mười” mà còn chưa thấu hiểu giáo pháp, huống hồ là “học một hiểu một” như sư! Còn lâu!
 
Vị sư già lặng lẽ đặt tách trà xuống bàn nhìn những dòng nước mưa đang chảy ngoài hiên, rồi lại nói trổng:
 
- “Nhìn một giọt mưa”, tui chỉ “thấy một giọt mưa”, còn ai “thấy mười giọt mưa” thì người đó giỏi, tui thua!
 
Vị sư trẻ ngẫm ngợi mãi, không biết trả lời sao, đành ngồi im sững!
 
 
Bên ngoài trời vẫn còn mưa…
 
 
Minh Kiến
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9